You are on page 1of 4

CHIỀU TỐI

Len lỏi theo từng lối mòn. Chạm nhẹ vào vài nhành hoa dại mọc cạnh dằm nước nơi sâu khe núi. Róc rách bên tai tiếng suối vờn
qua kẽ đá, tiếng lá chao nghiêng, tiếng ánh dương vàng giòn giã rơi trên vạt áo, tiếng chim hót ngân vang giữa thinh không, nghe cả tiếng
tim ta réo lên những tiếng hối thúc, gọi mời đến với chân trời mới ẩn mạn những điều đầy hứa hẹn ta nguyện đắm chìm... Ta muốn làm
một tao nhân mặc khách phiêu diêu, tự tại trong cõi trần. Và rồi chân ta đặt đến miền sâu nhất bên kia cánh rừng của văn chương, ta như
bông hoa dã quỳ nhỏ bé, choáng ngợp và say mê bởi vẻ đẹp và hào quang của những “đại thụ văn chương” Tô Hoài, “bậc thầy ngôn từ”
Nguyễn Du, “ông vua tùy bút” Nguyễn Tuân hay “bà Chúa thơ Nôm” Hồ Quỳnh Hương,... tất nhiên, ta không thể bỏ qua “cây đại thọ”, “bậc
vĩ nhân”, nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới, một nhân vật “tượng trưng cho những giá trị cao quý nhất của nhân loại ngày nay” – Hồ Chí
Minh. Nói về Bác, ta không thể nào dễ dàng quên đi những kiệt cú, những câu thơ tưởng chừng giản tiệp, truyền thống nhưng lại đượm
nhuần những tư tưởng mới mẻ. Ấy là những tuyệt phẩm mang trong mình tinh thần của thời đại, phản ánh quan điểm nghệ thuật, hệ giá
trị và ý thức tư tưởng của con người trong xã hội mà nó nảy sinh, thậm chí là tiệm cận và vượt lên trên cả thời đại… như một “Nhật ký
trong tù” vàng son đã khẳng định tầm vóc, giá trị của nó trong nền văn học nước nhà. Mang trong mình vẻ thiêng rực rỡ của loài trầm tích,
tập thơ được kết lại từ 134 bài thơ – 134 viên cuội khác nhau với những cái thần rất đỗi riêng biệt, không một cái nào có thể thay thế cho
nhau, và càng không thể mất đi một cái nào... “Chiều tối” (Mộ) – bài thơ số 31 trong tập thơ với vẻ đẹp cứng cỏi, đáng để ngoạn thưởng,
đã bộc lộ một tâm hồn thi nhân nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, một tấm lòng nhân hậu đối với con người, một phong thái ung
dung luôn hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai đã đúc kết lại những giá trị nhân sinh vô cùng sâu sắc, mang âm hưởng của cả một
khoảng trời truyền thống và hiện đại. Bài thơ đã nổi bật lên trên tất cả với sự toả sáng rất riêng của một viên đá quý giữa vô vàn những viên
đá quý!

Như một thước phim tua nhanh, “Nhật ký trong tù” đã tái hiện một cách sinh động và cụ thể nhất một chặng đường gian nan đầy
rẫy chông gai, khốc liệt trong cuộc đời Bác. Gột rửa cái tối tăm chốn lao tù; cái khổ đau từ gông cùm, xiềng xích; cái vất vả, cực nhọc sau
những ngày chuyển lao dài đằng đẵng; tâm hồn Bác đã toả sáng một cách cao đẹp – một cành sen thơm ngát giữa vũng bùn lầy, không bi
quan, không chán nản, không tuyệt vọng và không bỏ cuộc... Chính từ cái tiết thanh cao ấy đã nuôi dưỡng ngọn đuốc cháy sáng niềm tin
cách mạng, chất thép được tôi luyện, tâm hồn lúc nào cũng dào dạt cảm hứng thơ ca và ấm nóng tình đời ngự trị trong Bác. Đó cũng là lúc
“Chiều tối” nở ra và góp vị ngọt cho đời!

Xót lại vài tia nắng đang còn vương vấn trên nên trời, chiều tàn đi vào thơ ca đầy ý vị, mang âm hưởng tinh thần cổ điển của thơ ca
trung đại. Hai câu thơ đầu hiện ra là bức tranh thiên nhiên núi rừng lúc chiều muộn hoang vắng đượm buồn, qua đó bộc lộ tâm trạng cô
đơn của nhân vật trữ tình. Khoảnh khắc chiều tàn được biểu hiện như một đối tượng nghệ thuật đặc sắc gợi cho ta sự mỏng manh, chóng
vội trong từng bước đi của thời gian, sự bé nhỏ của vạn vật trong guồng quay của vũ trụ tuần hoàn. Ngay từ những nét phác họa đầu tiên
ta đã thấy hiện lên bức tranh cổ kính, đậm nét của thi ca cổ điển:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ


Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

Tuy không được nhắc đến một cách trực tiếp, thời gian lúc chiều tà vẫn được cảm nhận một cách rõ nét nhất thông qua cách Bác
miêu tả cảnh vật xung quanh. Khoảnh khắc mà thời gian nhuốm màu u buồn, chim mỏi về rừng chính là dấu hiệu của ngày tàn, của một
buổi chiều đầy tâm trạng. Đây là nét vẽ ta thường bắt gặp trong những bức tranh thi ca cổ điển. Trong bài “Đăng cao” của Đỗ Phủ, ta thấy
xuất hiện một cánh chim bay lượn giữa bầu trời cao và bãi cát dài trắng xóa:
Phong cấp thiên cao viên khiếu ai,
Chử thanh sa bạch điểu phi hồi.
(Gió gấp trời cao vượn nỉ non
Bến trong cát trắng lượn chim cồn)

Hay Huy Cận cũng đã kế thừa:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,


Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
(Tràng giang)

Ngàn đời vẫn vậy! Ta quen lắm với hình ảnh cánh chim mỏi về với rừng giữa miền trời khoáng đạt nào đó, vẫn luôn là chiều tối,
chứ không phải là một cột mốc thời gian nào khác. Bởi nó luôn mang trong mình chiều sâu của một thứ thời gian tâm trạng, mang tính ước
lệ cho hoàng hôn trong thế giới thẩm mỹ quan của thơ ca phương Đông – khoảnh khắc mà con người thường đau đáu và chạnh lòng, nhớ
tới cảnh ngộ cô đơn của bản thân, xa xăm nhìn một đời phiêu linh của mình. Không chỉ thế, cánh chim luôn được các nhà thơ đặt trong
tương quan với bầu trời, đám mây và cả ngọn gió. Phải chăng có như thế thì ta
mới cảm nhận được toàn bộ mọi sự bao la, rộng lớn mà nơi khoảng trời kia, cánh chim đang đập vội, đang khó khăn, vất vả để vượt qua cái
cô đơn mà tìm đến sự phiêu bạt, tự do tự tại... Là những chất liệu quen thuộc trong thơ ca trung đại, đám mây cô đơn nhàn nhã trôi trên
bầu trời hoang vắng như một người bạn xa lạ đồng cảnh ngộ với cánh chim. Tuy nhiên, hai hình ảnh này lại vận động theo hai hướng khác
nhau. Cánh chim mỏi kia sẽ tìm được nơi trú ngụ ở một cánh rừng quen thuộc nào đó còn chòm mây cô đơn cứ mãi lững lờ trôi, không
phương hướng giữa bao la đất trời. Chòm mây cô đơn ấy biểu trưng cho hình ảnh của thi nhân trên bước đường lao lí, trực diện với cái
khoảng không vũ trụ mà cảm thấy chạnh lòng, nỗi cô đơn càng canh cánh.

Khá tiếc khi bản dịch thơ đã không thể giữ được những nét nghĩa hay ban đầu của nguyên tác. Như câu “Cô vân mạn mạn độ thiên
không”, được dịch giả dịch thành “Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”. Chữ “cô vân” có nghĩa là chòm mây cô đơn, xuất hiện nhiều trong
thơ cổ. Chữ “cô” rất có giá trị biểu cảm nhưng bản dịch đã bỏ xót. “Trôi nhẹ giữa tầng không” dịch “mạn mạn độ thiên không” đã làm mất
mát nhiều nét nghĩa. “Mạn mạn” là chậm chạp, trì hoãn. “Độ” là một hoạt động đi từ bờ này đến bờ kia, từ ranh giới này đến ranh giới kia.
Như vậy nghĩa của toàn câu là: Đám mây cô đơn chậm chạp trôi từ chân trời này sang chân trời kia. Cụm từ “mạn mạn độ” còn thể hiện
tâm trạng của người tù đang trên bước đường thiên lý.

Vén tấm màn của bức tranh thiên nhiên, đằng sau đó ta hiểu thêm được hành trình vất vả gian lao của Bác trên con đường mình
cứu lấy dân tộc là có ý nghĩa to lớn biết bao! Nhà văn Nam Cao đã viết: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình
để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị
những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất...”, để nói rằng, con người ta thường có xu hướng lo cho những đau khổ của bản thân trước
thời thế. Thế nhưng, trên con đường khổ ải, lưu đày, cái chất thép và bản lĩnh trong Người hầu như ít cảm thấy cô đơn, tâm hồn đồng điệu
với nhịp sống, làm chủ hoàn cảnh và lạc quan yêu đời. Trong cảnh “Hoàng hôn” gió rét căm căm, vượt lên gian khó, Người xúc động hướng
tới một tiếng chuông chùa, một tiếng sáo mục đồng mà mạnh bước:

“Gió sắc tựa gươm mài đá núi,


Rét như dùi nhọn chích cành cây;
Chùa xa chuông giục người nhanh bước,
Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay”.

Điều đó cho thấy, sự sống và tự do là khát vọng của Người. Thiên nhiên và con người hiện diện trong thơ Người bằng những nét
vẽ đẹp bình dị, đáng yêu, đó là sự sống mà Người gắn bó, mến yêu suốt đời. Người luôn hướng về về ánh sáng chân lý để tìm đến cái đẹp,
cái tốt cho nhân loại để chinh phục khát vọng về một cuộc sống tự do, hạnh phúc. Đó cũng là một nhân sinh quan tốt đẹp mà thế hệ mai
này phải kế thừa và gìn giữ, như cách mà tôi thích Đen Vâu “đi theo bóng mặt trời”:

“Đi theo bóng mặt trời, trên những con đường xa anh rong ruổi
Thà làm con kiến tự do còn hơn là chúa sơn lâm ở trong cũi
Anh muốn khi anh hết trẻ, ngồi nhìn bầu trời xanh biếc cuối chiều
Bên hiên nhà, ly trà ấm, trong tâm tư không tiếc nuối nhiều...”

Với những thi liệu cổ điển quen thuộc, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình và bút pháp chấm phá, cảnh thơ trong hai câu thơ đã thâu
tóm được linh hồn tạo vật, ở đấy nhân vật trữ tình hoà hợp tâm hồn với thiên nhiên vũ trụ. Bác không để cho cảnh ngộ đau khổ trói buộc
cảm xúc của mình; hồn thơ của Bác vẫn rung động trước thiên nhiên vùng sơn cước đẹp đẽ. Có lẽ vì thế ta bắt gặp sự tương đồng giữa
cảnh ngộ tâm trạng của người tù – thi sĩ với trạng thái, hướng vận động, của cánh chim trời bay về tổ và đám mây trôi chưa biết dừng nơi
nào trong thời khắc một buổi chiều tàn.

Nếu thiên nhiên trong hai câu thơ đầu nói hộ tâm trạng của Hồ Chí Minh sau một ngày chuyển lao mệt mỏi, thì bức tranh phong
cảnh trong hai câu kết lại gói ghém khát vọng tự do. Hai câu kết là bức tranh sinh hoạt bình dị và ấm áp lúc chiều xuống ở miền sơn cước,
thể hiện niềm yêu đời, yêu cuộc sống và tinh thần lạc quan cách mạng của người tù. Nhìn chung bức tranh ngoại cảnh được nội tâm hoá
trở thành tâm cảnh như Nguyễn Du từng nói “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc


Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)

Theo quan niệm trong thơ ca trung đại:“Thiên nhân tương cảm, thiên nhân tương chi, thiên nhân tương dữ”. Con người là một
“tiểu vũ trụ” tương thông với “đại vũ trụ”. Do vậy, câu nói của Nguyễn Du hoàn toàn phù hợp với trường hợp này. Trong bài thơ, hình ảnh
người tù hiện lên cũng mang tâm thế của con người vũ trụ, cũng có những mối tương giao với vũ trụ: Con người mang tâm trạng cô đơn
buồn bã thì cảnh vật cũng vì thế mà trở nên quạnh quẽ hiu hắt.

Ta thấy không gian và thời gian đã có sự hoán đổi. Từ không gian vũ trụ, thi nhân lại quay về với không gian đời thường: Khung
cảnh lao động của một cô gái miền sơn cước với công việc thường nhật: Xay ngô và bếp lửa hồng rực đỏ. Có thể nói đây là nét độc đáo của
thơ Bác. Hai câu làm rõ sự quan tâm, quan sát kỹ lưỡng của Bác với hành động của con người lúc chiều muộn . Điểm son trữ tình của bài
thơ chính là chỗ này! Con người không bị gò bó, chịu sự chi phối của cảnh vật như thơ cổ, ở đây con người là một thực thể đem lại sức sống
cho khung cảnh chiều tối. Đặc biệt, đó là sự gắn kết “thiếu nữ” – “sơn thôn” đã cho ta thấy cảm xúc, hồn thơ của Bác. Người luôn luôn phát
hiện mối quan hệ hoà hợp giữa người và cảnh vật. Không phải ngẫu nhiên có sự kết hợp này. Xóm núi như đẹp hơn, ấm áp hơn nhờ sự xuất
hiện của thiếu nữ. Và thiếu nữ xuất hiện không hề đơn độc lẻ loi mà gắn với “sơn thôn” của mình.

Phải nói rằng trong thơ cổ điển, con người hiện lên chỉ là một sự điểm xuyết cho bức tranh thiên nhiên, họ thường nhỏ bé, cô đơn:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú” – Bà Huyện Thanh Quan.

nhưng vì tấm lòng Bác luôn hướng về con người, yêu mến con người, nên tuy chỉ là công việc xay ngô bình thường, Người đã lặng lẽ quan
sát từ lúc “ma bao túc” (xay ngô) cho đến khi “bao túc ma hoàn” (ngô xay xong). Rõ ràng, người thiếu nữ ấy hiện ra trong công việc hết sức
bình thường, nhưng ta nhận ra trong cái nhìn của Bác một thái độ trân trọng đặc biệt, nhờ đó vẻ đẹp của sức sống con người, của cuộc đời
càng lộ rõ hơn. Cũng từ tình cảm hướng về cuộc sống, bài thơ đã có một từ kết làm bừng sáng cả bài thơ. Cái độc đáo của tứ thơ cũng
chính là điểm này: nói về chiều tối bằng sự xuất hiện của ánh sáng, không nói về thời gian mà người đọc lại cảm nhận rõ một khoảng thời
gian từ chiều về tối!

Với “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần, ta hiểu rằng: “Chúng ta không thể nhìn ai đó mà không thể nhìn vào
đôi mắt của họ. Một đôi mắt sẽ cho chúng ta biết họ yêu mến điều gì, và quan trọng hơn nhiều, họ đã hy sinh cho điều gì”. Thơ hay cũng
vậy, thơ đẹp càng phải vậy! Mỗi bài thơ ấy lúc nào cũng như một người con gái e thẹn có riêng cho mình một đôi mắt tuyệt đẹp mà ta gọi
là “nhãn tự”. Ở “Chiều tối”, chúng ta có một “đôi mắt” – “lô dĩ hồng” đẹp như thế! Chữ“ hồng” gợi không gian ấm cúng, tươi vui yên bình,
chất chứa một sức sống mạnh mẽ và làm cho không gian thơ bừng sáng. Tư tưởng nhân đạo và cái nhìn nhạy cảm tinh tế, lạc quan của Bác
thể hiện tập trung trong từ này. Phải chăng không chỉ đơn giản là ánh lửa hồng từ bếp than, mà đó là còn là ánh sáng chói lọi, rực rỡ của
chân lý cách mạng? Cả không gian như được tỏa sáng bởi ánh hồng của bếp lửa – Ánh lửa của cuộc sống bình dị mà tràn đầy niềm tin.

Nếu hai câu thực là một bức tranh màu xám thì hai câu kết là một bức tranh màu hồng. Đặt hai bức tranh cạnh nhau và giữa hai
bức tranh ấy là hình bóng một cô gái, có phải Bác muốn nói: Con người, chỉ có con người mới làm nên sự thay đổi kỳ diệu này? Đằng sau
bức tranh sinh hoạt ấy là tâm trạng, nỗi lòng, vẻ đẹp tâm hồn Bác. Đó là niềm tin yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha. Dẫu gian lao, vất vả là
chuyện không thể tránh khỏi nhưng người vẫn luôn trân trọng, nâng niu, vẻ đẹp ấm áp, đơn sơ trong cuộc sống thường nhật của người dân
lao động xung quanh. Đó còn là niềm tin sắt đá đã tạo nên cái tư thế “nghênh diện thu phong trận trận hàn” của người chiến sĩ cách mạng
và cái tứ thơ lai láng, tràn đầy trong lòng nhà thơ Hồ Chí Minh. Phong thái đó chỉ có thể tìm thấy trong những vĩ nhân. Đó là lý do vì sao bài
thơ tăng gấp bội giá trị.

Hình ảnh con người đi trên đường xa, đi từ bóng tối đến bình minh, từ gian khổ đến niềm vui và đây là con đường gian khổ lâu dài
nhưng tất thắng của cách mạng. Không thấy người tù đâu mà chỉ thấy hình ảnh người chiến sĩ cách mạng đang lên đường vì đại nghĩa, đang
chiến đấu hết mình với sứ mệnh cao cả “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Sự vận động trong hình tượng thơ – sự vận động về không gian,
về thời gian, về sự sống, về tương lai, về cách mạng là điều kiện tiên quyết để bài thơ toả sáng theo vẻ đẹp riêng của nó. Toàn bài thơ là sự
vận động liên tục với hàng loạt động từ như: “mỏi”, “về”, “tìm”, “trôi”, “xay”, “rực”,... nhưng tuyệt đối tĩnh lặng, không có âm thanh. Khung
cảnh núi rừng chiều tối được miêu tả, cảm nhận hoàn toàn bằng thị giác. Không một từ “hoàng hôn”, “tối” hay “đêm” nhưng đọc bài thơ
chúng ta thấy cảnh chiều đang trôi chầm chậm vào đêm rất rõ; thời gian như luân chuyển theo cái nhịp xoay đều của chiếc cối xay ngô. Bên
cạnh đó còn là sự vận động tích cực trong tâm hồn của người tù cách mạng, luôn hướng về sự sống và ánh sáng, luôn có một niềm tin về
tương lai tươi sáng, giữ vững được tinh thần lạc quan, cũng như tấm lòng hòa hợp với thiên nhiên, yêu thương trân trọng con người lao
động.

Với Tố Hữu, ta bắt gặp hành trình vận động của cả dân tộc đến với lý tưởng tự do. Ngay trong chính những bài thơ của ông cũng
có sự vận động của cảm xúc trữ tình. Nếu như “Từ ấy” tự do, bay bổng, dễ đem đến cảm xúc mạnh mẽ, thì ở “Việt Bắc” đã có sự chuyển
dịch trong phong cách thơ của tác giả, mà nói chính xác là sự phát triển, trưởng thành của hồn thơ Tố Hữu từ khuynh hướng trữ tình sang
khuynh hướng trữ tình chính trị kết hợp với chất liệu nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc. Cái tôi trữ tình của Tố Hữu đã hoàn toàn hòa
quyện cùng với Đảng, với nhân dân, thể hiện ý nguyện cống hiến hết mình cuộc đời và cách mạng đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay:
“Tạm biệt đời ta yêu quý nhất
Còn mấy dòng thơ, một nắm tro
Thơ gửi bạn đường, tro bón đất
Sống là cho.
Chết cũng là cho”.

Cả hai tác gia lớn của nền văn học Việt Nam đều mang trong mình những chất riêng không thể lẫn vào đâu được. Ở Bác, ta bắt gặp
sự vận động của những tư tưởng mới mẻ, lối sống yêu đời, luôn luôn lạc quan về một tương lai tốt đẹp. Ở Tố Hữu, ta lại chiêm ngưỡng sự
vận động của một cái tôi trữ tình mang đậm đà bản sắc dân tộc, một cái tôi ham muốn được hòa nhập với cộng đồng, được sống một đời
không phải là “đời thừa”!

“Chiều tối” – một viên đá quý được mài giũa một cách tinh tế từ bàn tay người nghệ sĩ chân chính – Hồ Chí Minh. Với thành công
về nghệ thuật ở bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình, lấy sáng tả tối, ngôn ngữ, hình ảnh thơ mộc mạc, sự kết hợp độc đáo và đặc sắc của
lối thơ cổ điển và hiện đại, bài thơ đã khẳng định về tầm vóc và giá trị của nó trong kho tàng đồ sộ của văn học Việt Nam. Qua đó còn
chứng tỏ về một cuộc vượt ngục ngoạn mục về tinh thần, tâm thế của một con người đang làm chủ cuộc sống, làm chủ hoàn cảnh. Những
giá trị nhân sinh ý nghĩa được rút ra từ cách vận động trong thơ của Bác đã để lại trong ta những bài học về niềm tin yêu, ý chí kiên cường
vượt qua mọi u sầu, mệt mỏi để tìm đến bến bờ tự do, hạnh phúc.

“Chiều tối” nói riêng và “Nhật ký trong tù” nói chung đều là những cơn gió mát ngang qua đời ta, làm ta xao xuyến, ta bồi hồi, ta
thổn thức... Sự kết hợp giữa những khoảng trời: cổ điển và hiện đại, tâm hồn thơ mộng của một người thi sĩ và tinh thần thép của một
người chiến sĩ cách mạng đã làm no nê trái tim của mỗi người chúng ta. Chúng ta học được một cách sống tốt đẹp hơn, hài lòng với bản
thân nhưng luôn có ý chí tiến thủ, vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ, mọi ràng buộc, khuôn phép để đôi cánh mình bay đến những nơi
cao hơn, xa hơn, sâu hơn,... nơi sự sống được trả về với sự sống, trái tim luôn hướng về trái tim, bởi ai cũng như ai:
Ta không muốn những ngày trẻ, trở nên gầy gò xanh xao
Ta muốn là cánh chim nhỏ, giữa bầu trời trong xanh chao
Trong mắt của rất nhiều người ta rất điên và rất ương bướng
Lấy đam mê làm ánh mặt trời để tâm hồn này không mất phương hướng
Ta đi theo bóng mặt trời, từ hạ tới hay đông về qua
Khi những đam mê còn nồng cháy thì con đường đó sẽ không hề xa.
(Đi theo bóng mặt trời – Đen Vâu)

You might also like