You are on page 1of 9

SINH LÝ BỆNH ĐIỀU HÒA THÂN NHIỆT - SỐT

(1 tiết)

Mục tiêu
1. Nêu được các nguyên nhân của giảm, tăng thân nhệt.
2. Trình bày được định nghĩa, nguyên nhân, cơ chế, các giai đoạn, ý nghĩa và
nguyên tắc xử trí sốt.
3. Trình bày được thay đổi chuyển hoá và chức năng các cơ quan khi bị sốt.

Nội dung
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Thân nhiệt
Thân nhiệt là nhiệt độ cơ thể. Thân nhiệt bình thường là 36,3ºC – 37,1ºC. Nhiệt
độ đo ở trực tràng là đúng nhất; nhiệt độ ở miệng thấp hơn ở trực tràng 0,2ºC – 0,5ºC;
nhiệt độ ở nách thấp hơn ở trực tràng 0,5ºC – 1ºC.
Cơ thể tạo ra năng lượng sinh học từ các chất giàu năng lượng (glucid, lipid,
protid) bằng cách oxy hoá chúng. Trong số năng lượng không ngừng được tạo ra, có tới
trên 50% chuyển ngay thành nhiệt, phần còn lại được tích trữ dưới dạng ATP sử dụng
cho các hoạt động sống của tế bào rồi cuối cùng cũng chuyển thành nhiệt đào thải ra
môi trường. Ở người, nhờ có trung tâm điều hòa thân nhiệt đã phát triển cao nên số
nhiệt này được sử dụng để duy trì ổn định thân nhiệt và đó là điều kiện cần thiết để các
phản ứng sinh học trong cơ thể - do enzym xúc tác diễn ra thuận lợi.
2. Điều hoà thân nhiệt
Thân nhiệt được điều hoà bởi cung phản xạ điều nhiệt. Cung phản xạ điều nhiệt
gồm 5 bộ phận: bộ phận nhận cảm, đường truyền vào, trung tâm điều nhiệt, đường
truyền ra và cơ quan đáp ứng. Trung tâm điều nhiệt nằm ở phần trước của vùng dưới
đồi, gồm hai phần: phần chỉ huy tạo nhiệt và phần chỉ huy thải nhiệt.
Người ta đưa ra khái niệm “điểm đặt nhiệt” khi so sánh trung tâm điều nhiệt của cơ
thể với bộ phận điều nhiệt (rơ-le nhiệt) của các dụng cụ đốt nóng; có thể vặn nấc của
rơ-le để duy trì nhiệt độ cần thiết, ví dụ vặn nấc để tủ ấm để nhiệt độ trong tủ luôn luôn
37ºC. Trong sốt, điểm đặt nhiệt bị tác nhân gây sốt “vặn” cho tăng lên. Dù vậy, quá
trình thải và tạo nhiệt vẫn cân bằng (cả hai đều tăng song hành).
Cơ chế điều hoà thân nhiệt dựa trên nguyên tắc: lượng nhiệt sinh ra trong cơ thể
bằng lượng nhiệt toả ra khỏi cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định, tức là có sự
cân bằng giữa quá trình tạo nhiệt (sinh nhiệt) và quá trình thải nhiệt (mất nhiệt).
II. RỐI LOẠN THÂN NHIỆT
Rối loạn thân nhiệt là hậu quả của mất cân bằng giữa hai quá trình sản nhiệt và thải
nhiệt. Sự mất cân bằng này có thể gây nên hai trạng thái khác nhau: giảm thân nhiệt
(khi thải nhiệt > sản nhiệt) và tăng thân nhiệt (khi thải nhiệt < sản nhiệt).
1. GIẢM THÂN NHIỆT

1
Gọi là giảm thân nhiệt khi nhiệt độ trung tâm giảm từ 1 đến 2°C trở lên. Cơ chế
chung của giảm thân nhiệt là sản nhiệt < mất nhiệt tức là tỷ số sản nhiệt/thải nhiệt < 1.
1.1. Giảm thân nhiệt sinh lý
Ở nhiều người già, sinh nhiệt bình thường có thể giảm nhẹ liên quan tới mức
chuyển hóa cơ bản hơi giảm cũng được coi là giảm thân nhiệt sinh lý. Tuy nhiên, trạng
thái này làm cơ thể kém phản ứng với lạnh (dễ nhiễm lạnh khi nhiệt độ môi trường
tương đối thấp).
1.2. Hạ thân nhiệt nhân tạo:
Trước tiên, có thể dễ dàng giảm thân nhiệt của một người bằng cách sử dụng thuốc an
thần mạnh để làm giảm hoạt động điều nhiệt của vùng dưới đồi và sau đó làm mát người
đó bằng nước đá hoặc chăn lạnh cho đến khi nhiệt độ giảm xuống. Sau đó, nhiệt độ có
thể được duy trì dưới 32°C trong vài ngày đến một tuần hoặc hơn bằng cách liên tục
tưới nước mát hoặc cồn lên cơ thể. Việc hạ nhiệt nhân tạo như vậy đã được sử dụng
trong quá trình phẫu thuật tim để có thể ngừng tim nhân tạo trong nhiều phút tại một
thời điểm. Làm mát ở mức độ này không gây tổn thương mô, nhưng nó làm chậm tim
và ức chế đáng kể sự trao đổi chất của tế bào, do đó các tế bào của cơ thể có thể tồn tại
từ 30 phút đến hơn 1 giờ mà không có máu lưu thông trong suốt quá trình phẫu thuật.
1.3. Giảm thân nhiệt bệnh lý
* Giảm thân nhiệt địa phương: nẻ (da nứt ra do tiếp xúc lạnh và khô hanh), cước
(phù, ngứa, có thể đau buốt, tại vùng lạnh, thường là các đầu ngón), tê cóng (nặng hơn
cước, có đau buốt, giảm cảm giác nông, thiếu oxy tại chỗ do co mạch: có thể đưa đến
hoại tử nếu đột ngột làm tăng nhiệt độ vùng cóng khi tê cóng nặng và kéo dài).
* Giảm thân nhiệt toàn thân: gặp trong xơ gan, đái tháo đường, suy dinh dưỡng,
thận hư nhiễm mỡ (đều do dự trữ thấp), sốc (do chấn thương, mất máu, nhiễm khuẩn
gây hao phí dự trữ năng lượng), suy tuyến giáp (gây giảm chuyển hoá).
Nhiễm lạnh:
Là tình trạng giảm thân nhiệt bệnh lý, thường xảy ra khi nhiệt độ môi trường rất thấp
nhưng cũng có thể xảy ra ở nhiệt độ tương đối bình thường nếu cơ thể kém dự trữ năng
lượng, nhất là khi có thêm những điều kiện thuận lợi: có gió, độ ẩm cao, quần áo ướt
(ngã xuống nước lạnh), tuổi già, mới khỏi ốm…
Một nhiễm lạnh điển hình gồm ba giai đoạn:
- Giai đoạn 1: vỏ não và hệ giao cảm – tuỷ thượng thận hưng phấn làm cơ thể tăng
tạo nhiệt (tăng chuyển hoá, tăng đường huyết, tăng trương lực cơ, tăng chức năng tuần
hoàn và hô hấp) đồng thời huy động các biện pháp hạn chế thải nhiệt (co mạch dưới da,
ngừng tiết mồ hôi, sởn gai ốc, dựng lông, thu hẹp diện tích tiếp xúc với môi trường... )
nên thân nhiệt trung tâm chưa giảm. Nếu mất nhiệt quá nhanh, cơ thể sẽ sinh nhiệt cấp
tốc (run cơ) nhờ vai trò của tuyến giáp. Ở giai đoạn này trung tâm điều nhiệt chưa bị rối
loạn mà vẫn tích cực tạo cân bằng để mức tạo nhiệt theo kịp mức mất nhiệt.
- Giai đoạn 2: nếu vẫn tiếp tục mất nhiệt lâu mà không được can thiệp khiến dự trữ
năng lượng của cơ thể cạn kiệt. Hệ giao cảm và vỏ não rơi vào trạng thái ức chế, cơ thể

2
không tăng tạo nhiệt, thân nhiệt trung tâm sẽ bắt đầu giảm, hết rét run, thờ ơ, buồn ngủ,
giảm chức năng hô hấp và tuần hoàn, giảm chuyển hoá…
- Giai đoạn 3: thân nhiệt giảm còn dưới 35°C, trung tâm điều hòa nhiệt bắt đầu rối
loạn chức năng, phản ứng tạo nhiệt giảm hẳn, thân nhiệt hạ nhanh. Thân nhiệt giảm đến
dưới 30°C thì trung tâm điều nhiệt cùng nhiều trung tâm sinh tồn khác suy sụp.
2. TĂNG THÂN NHIỆT
Là trạng thái thân nhiệt tăng lên (trên 37,2ºC vào buổi sáng, hay trên 37,6ºC vào
buổi chiều), cơ chế chung là sinh nhiệt > thải nhiệt.
2.1. Tăng thân nhiệt thụ động
- Tăng thân nhiệt do tăng tạo nhiệt: ví dụ: thân nhiệt vận động viên có thể đạt 39ºC
khi thi đấu ở cường độ cao, mặc dù các biện pháp thải nhiệt đã được áp dụng tối đa.
Thân nhiệt người cường giáp chỉ hơi tăng vì thải nhiệt vẫn bình thường, nhưng sẽ rất dễ
tăng nhanh nếu có vận động cơ bắp mặc dù thải nhiệt cũng tăng theo.
- Tăng thân nhiệt do hạn chế thải nhiệt: gặp khi nhiệt độ môi trường quá cao, độ ẩm
cao, không khí kém lưu thông nên các biện pháp điều hoà vật lý nhằm thải nhiệt trở
thành kém hiệu quả hoặc vô hiệu, mặc dù trung tâm điều nhiệt hoàn toàn bình thường
và cơ thể hoàn toàn nghỉ (sinh nhiệt tối thiểu).
- Do phối hợp: vừa có hạn chế thải nhiệt, vừa có tăng tạo nhiệt; ví dụ, lao động nặng
trong môi trường nóng, ẩm và kém thông gió; hoặc mang vác nặng đi dưới trời nắng
gắt… Nếu thân nhiệt tăng kéo dài, kết hợp mất muối, mất nước và rối loạn thứ phát
chức năng trung tâm điều nhiệt, sẽ dẫn đến tình trạng bệnh lý: gọi là say nóng; nếu kết
hợp tác hại của các tia bức xạ sóng ngắn của mặt trời thì gọi là say nắng.
2.1.1. Say nóng/ nhiễm nóng
Nhiễm nóng là tình trạng tăng thân nhiệt do cơ thể tiếp xúc với môi trường có
nhiệt độ và độ ẩm cao.
Cũng trải qua 3 giai đoạn:
(1) Thân nhiệt chưa tăng nhiều: các biện pháp thải nhiệt được huy động tối đa
(da đỏ, vã mồ hôi), chưa có biểu hiện của rối loạn chuyển hoá.
(2) Thân nhiệt bắt đầu tăng cao: có rối loạn chuyển hoá, khó chịu, nhưng trung
tâm điều nhiệt và các trung tâm khác chưa rối loạn chức năng, thân nhiệt chưa vượt quá
41ºC.
(3) Khi thân nhiệt vượt 41ºC thì rối loạn trung tâm điều nhiệt, thân nhiệt tăng
nhanh (dù đã ra khỏi môi trường nóng), mất muối và mất nước nặng, có các biểu hiện
hốt hoảng, thở nhanh và nông, có thể thở chu kỳ, mạch nhanh và yếu, huyết áp hạ, thiểu
niệu hoặc vô niệu, mồ hôi giảm hoặc không tiết… tiến tới các triệu chứng thần kinh: uể
oải, thờ ơ, vật vã, co giật và hôn mê. Chuyển hoá bị rối loạn làm cho cơ thể rơi vào
trạng thái nhiễm toan, nhiễm độc nặng. Nạn nhân có thể chết (ở 42 hay 42,5ºC) sau vài
giờ trong tình trạng truỵ tim mạch và thân nhiệt quá cao – nếu không được cứu chữa
(bằng hạ thân nhiệt, bù muối và nước, trợ tim…).
2.1.2. Say nắng

3
Làm việc đầu trần dưới nắng gắt có thể bị say nắng. Các tế bào thần kinh của các
trung tâm ở trung não và hành não vốn nhạy cảm với nhiệt độ và tia sóng ngắn bị kích
thích mạnh và sau đó rối loạn chức năng: điều nhiệt, hô hấp, tuần hoàn, thăng bằng…
Thoạt đầu thân nhiệt tăng sớm và nhanh gây phản xạ thải nhiệt (giãn mạch, toát mồ
hôi), đồng thời các triệu chứng thần kinh cũng đến sớm (so với say nóng) nạn nhân có
cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, ù tai, hoa mắt, vã nhiều mồ hôi, tim đập nhanh
và yếu, hô hấp nông hoặc hổn hển, thân nhiệt tăng cao. Nếu kèm cả dấu hiệu sau nóng
thì dấu hiệu mất muối và mất nước cũng nổi bật. Cứu chữa, không chỉ hạ thân nhiệt, mà
còn phải khắc phục các biểu hiện thần kinh liên quan đến các chức năng tim mạch và
hô hấp và nhiều chức năng khác.
2.2. Tăng thân nhiệt chủ động - sốt
2.2.1. Định nghĩa
Sốt là trạng thái cơ thể chủ động tăng thân nhiệt do trung tâm điều hoà nhiệt bị
tác dụng bởi các nhân tố gọi là chất gây sốt, đưa đến kết quả tăng sinh nhiệt kết hợp với
giảm thải nhiệt.
2.2.2. Nguyên nhân gây sốt (Chất gây sốt)
Gồm hai loại: chất gây sốt ngoại sinh và chất gây sốt nội sinh.
2.2.2.1. Chất gây sốt ngoại sinh
Chất gây sốt ngoại sinh là các chất từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, bao gồm
vi khuẩn và các sản phẩm của vi khuẩn (nội độc tố: lipopolysacarid LPS, ngoại độc tố);
virus, nấm, ký sinh trùng sốt rét, tế bào u, phức hợp miễn dịch…
2.2.2.2. Chất gây sốt nội sinh
Chất gây sốt ngoại sinh từ ngoài vào cơ thể kích thích đại thực bào sinh ra các
chất gây sốt nội sinh. Mặt khác, chất gây sốt nội sinh còn có thể sinh ra không liên quan
đến chất gây sốt ngoại sinh (ví dụ, sốt trong ung thư và trong huỷ hoại mô: nhiễm xạ,
dập nát mô vô khuẩn, tiêm dung dịch muối ưu trương vào mô, tiêu cục máu lớn…).
Chất gây sốt nội sinh là các cytokin do bạch cầu (chủ yếu đại thực bào) sinh ra: IL-1,
IL-6, TNF-𝛼.
2.2.3. Cơ chế gây sốt
Các chất gây sốt nội sinh có thể tác động trực tiếp lên trung tâm điều nhiệt ở
vùng dưới đồi để làm tăng điểm đặt nhiệt. Còn các chất gây sốt ngoại sinh (ví dụ nội
độc tố của vi khuẩn) gây tác dụng gián tiếp thông qua chất gây sốt nội sinh.
Khi chất gây sốt ngoại sinh xâm nhập vào cơ thể, chúng kích thích tế bào của vật
chủ như bạch cầu ở máu và đại thực bào ở mô giải phóng các chất gây sốt nội sinh như
IL-1 và TNF làm tăng các enzym (cyclooxygenases) chuyển arachidonic acid thành
prostaglandin. Ở vùng dưới đồi, các prostaglandin, đặc biệt là PGE2, kích thích sản xuất
chất dẫn truyền thần kinh AMPv giúp thiết lập lại điểm đặt nhiệt ở mức cao hơn. Để
phản ứng với việc đột ngột tăng điểm đặt nhiệt, vùng dưới đồi khởi động hoạt động sinh
nhiệt (run, co mạch) nhằm làm tăng nhiệt độ trung tâm lên để đạt điểm đặt nhiệt mới,
và sốt được hình thành.

4
Đôi khi sốt có nguồn gốc từ hệ thần kinh trung ương, được gọi là sốt thần kinh
(neurogenic fever). Nó thường là kết quả của tổn thương vùng dưới đồi do chấn thương
thần kinh trung ương, chảy máu não hoặc tăng áp lực nội sọ. Sốt thần kinh được đặc
trưng bởi nhiệt độ cao chống lại các liệu pháp hạ sốt và không liên quan đến đổ mồ hôi.

2.2.4. Các giai đoạn của quá trình sốt


Có thể chia quá trình sốt làm 3 giai đoạn người ta quen gọi là sốt tăng, sốt đứng
và sốt lui.
2.2.4.1. Giai đoạn tăng thân nhiệt (sốt tăng)
- Trong giai đoạn này, sản nhiệt (SN) tăng và thải nhiệt (TN) giảm làm mất cân
bằng nhiệt (SN/TN > 1). Cơ thể phản ứng giống như bị nhiễm lạnh giai đoạn đầu.
- Biểu hiện của phản ứng tăng thân nhiệt là sởn gai ốc, tăng chuyển hoá và tăng
chức năng hô hấp, tuần hoàn, mức hấp thu oxy có thể tăng gấp 3 hay 4 lần bình thường
làm tăng tốc độ sinh nhiệt đồng thời có phản ứng giảm thải nhiệt, gồm co mạch dưới da
(da nhợt, giảm tiết mồ hôi), tìm tư thế phù hợp, đòi đắp chăn… Trường hợp chất gây
sốt có tác dụng mạnh, ta thấy có cả rùng mình, ớn lạnh, run cơ, khiến thân nhiệt tăng
rất nhanh. Giai đoạn này, sử dụng các thuốc hạ nhiệt hầu như không có tác dụng, chườm
lạnh cũng ít hiệu quả có khi còn làm mất thêm năng lượng của cơ thể.

5
2.2.4.2. Giai đoạn thân nhiệt ổn định ở mức cao (sốt đứng)
- Giai đoạn này sản nhiệt không tăng hơn nhưng thải nhiệt bắt đầu tăng lên (mạch
dưới da dãn rộng) đạt mức cân bằng với tạo nhiệt (SN/TN = 1) và đều ở mức cao. Tuỳ
theo số lượng, hoạt tính của chất gây sốt, trạng thái và tuổi của người bệnh mà thân
nhiệt chỉ tăng ít: sốt nhẹ (38°C), hoặc tăng nhiều: sốt vừa (38 – 39°C), sốt cao và rất
cao (39 – 41°C). Thân nhiệt trong sốt có thể ổn định (sốt liên tục) hoặc thay đổi (sốt dao
động), thậm chí tạm về bình thường (sốt cách quãng). Tất cả phụ thuộc vào loại vi khuẩn
với chất gây sốt đặc trưng của mỗi loại.
- Biểu hiện: da từ tái trở lên đỏ, nóng nhưng khô (không mồ hôi); thân nhiệt
ngoại vi tăng do mạch ngoại biên bắt đầu dãn (giúp thải nhiệt); hô hấp, tuần hoàn, và
sự hấp thu oxy đều giảm so với giai đoạn đầu nhưng vẫn ở mức cao gấp 1,5 đến 2 lần
so với bình thường, thân nhiệt vẫn duy trì ở mức cao. Lúc này có thể làm tăng thải nhiệt
(chườm ấm), hoặc dùng thuốc hạ nhiệt nếu thân nhiệt quá cao.

2.2.4.3. Giai đoạn thân nhiệt trở về bình thường (sốt lui)
- Sản nhiệt: ở giai đoạn này bị ức chế dần để trở về bình thường và thải nhiệt tăng
rõ (SN/TN < 1). Thân nhiệt trở về bình thường.
- Biểu hiện: giảm tạo nhiệt và tăng thải nhiệt. Như vậy, giai đoạn này có thể phản
ứng giống như nhiễm nóng giai đoạn đầu. Có thể thấy sự hấp thụ oxy và mức chuyển
hóa trở về mức tối thiểu, Có giãn mạch ngoại vi, vã mồ hôi, tăng tiết niệu (biến chứng:
có thể tụt huyết áp, nếu gặp điều kiện thuận lợi, như đứng dậy đột ngột, vận cơ đột ngột;
hoặc có thể giảm thân nhiệt nhanh và nhiễm lạnh nếu gặp các điều kiện thuận lợi, như
gió lùa, tiếp xúc lạnh, tắm lạnh).

2.2.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến sốt


- Vai trò của vỏ não. Thí nghiệm: trước khi gây sốt, nếu tiêm cafein, thì cơn sốt cao
hơn bình thường nhưng nếu cho động vật uống bromua thì sốt nhẹ hơn. Như vậy, mức
độ sốt phụ thuộc vào mức hưng phấn của vỏ não, qua đó cũng phụ thuộc vào mức hưng
phấn của hệ giao cảm.
- Vai trò của tuổi. Ở trẻ nhỏ, phản ứng sốt thường mạnh, dễ bị co giật khi thân nhiệt
cao. Ngược lại, ở người già phản ứng sốt yếu không thể hiện được mức độ bệnh. Ở đây
có vai trò của cường độ chuyển hóa.
- Vai trò của nội tiết. Sốt ở người ưu năng giáp thường cao, giống như tiêm Adrenalin
trước khi gây sốt thực nghiệm. Ngược lại, hormon vỏ thượng thận làm giảm cường độ
sốt. Có sự liên quan với tình trạng chuyển hóa.
2.2.6. Thay đổi chuyển hoá trong sốt
- Thay đổi chuyển hóa năng lượng
Thân nhiệt tăng làm tăng chuyển hoá năng lượng, tăng tiêu thụ oxy (thân nhiệt
tăng 1ºC làm chuyển hoá năng lượng tăng 3,3%, sự tiêu thụ oxy tăng 13%).
- Thay đổi chuyển hóa glucid

6
Glucid là năng lượng chủ yếu sử dụng ở giai đoạn đầu của sốt. Có thể thấy
glucose huyết tăng lên (đôi khi đến mức có glucose niệu), dự trữ glycogen ở gan giảm
đi và có thể cạn kiệt nếu sốt cao 40ºC và cơn sốt kéo dài trên 4 giờ. Lúc này cơ thể tự
tạo glucid từ protid (con đường tân tạo, ở gan). Trường hợp sốt cao và kéo dài có thể
làm tăng acid lactic trong máu, nói lên sự chuyển hoá yếm khí của glucid (do nhu cầu
lớn về năng lượng hoặc do không cung cấp đủ oxy (ví dụ sốt do viêm phổi, thấp tim).
Do vậy, trong một số trường hợp cần thiết, người ta khuyên bổ sung glucid cho cơ thể
ngay trong cơn sốt (giảm tiêu hao protid và giảm nhiễm acid).
- Thay đổi chuyển hóa lipid
Lipid luôn luôn bị huy động trong sốt, chủ yếu từ giai đoạn 2, nhất là khi nguồn
glucid bắt đầu cạn. Có thể thấy nồng độ acid béo và triglycerid tăng trong máu. Chỉ khi
sốt kéo dài mới có rối loạn chuyển hoá lipid, đó là tăng nồng độ thể cetonic – chủ yếu
do thiếu glucid – góp phần quan trọng gây nhiễm acid trong một số cơn sốt.
- Thay đổi chuyển hóa protid
Tăng tạo kháng thể, bổ thể, bạch cầu, enzym… làm cho sự huy động dự trữ protid
ăng lên trong sốt là điều không tránh khỏi. Có thể thấy nồng độ urê tăng thêm 20 – 30%
trong nước tiểu ở một cơn sốt thông thường. Ngoài ra, trong một số trường hợp sốt
protid còn bị huy động vì độc tố, vì TNF và nhất là để trang trải nhu cầu năng lượng
(khi nguồn glucid cạn kiệt). Đó là các cơ chế quan trọng gây suy mòn trong một số
trường hợp sốt.
- Thay đổi chuyển hoá muối nước
Giai đoạn đầu (thường ngắn) chưa thấy rõ sự thay đổi, có thể tăng mức lọc cầu
thận do tăng lưu lượng tuần hoàn, nhưng từ giai đoạn 2, hormon ADH và aldosterol
tăng tiết, gây giữ nước và giữ Na+ (ở thận và tuyến mồ hôi), nhưng có tăng bài tiết K+
và phosphat. Có thể thấy da khô, lượng nước tiểu giảm rõ, nhưng đậm đặc, tỷ trọng cao.
Tình trạng ưu trương trong cơ thể (do tích các sản phẩm chuyển hoá) và do mất nước
qua hơi thở làm bệnh nhân khát (đòi uống). Ở giai đoạn 3 (sốt lui) ống thận và tuyến
mồ hôi được giải phóng khỏi tác dụng của ADH và aldosterol nên có tăng bài tiết rất rõ
nước tiểu và mồ hôi, thân nhiệt trở về bình thường.
2.2.7. Thay đổi chức năng trong sốt
- Thay đổi chức năng thần kinh
Có thể gặp: nhức đầu, chóng mặt, nhức mỏi toàn thân, mê sảng. Người trưởng
thành ít triệu chứng thần kinh và triệu chứng cũng nhẹ hơn so với trẻ nhỏ tuổi, ví dụ,
người lớn không co giật khi sốt 40ºC, nhưng trẻ 2 tuổi có thể co giật ngay từ 39,5ºC.
- Thay đổi chức năng tuần hoàn: tăng nhịp tim
+ Cứ tăng 1ºC trong sốt (trừ sốt thương hàn) sẽ làm nhịp tim tăng thêm 8 - 10
nhịp/phút
+ Khi bắt đầu sốt, huyết áp tăng do co mạch ngoại vi.
+ Khi sốt hạ, huyết áp giảm do giãn mạch ngoại vi.
- Thay đổi hô hấp: tăng thông khí

7
- Rối loạn tiêu hóa: chán ăn, đắng miệng, khô niêm mạc, giảm tiết dịch và giảm nhu
động ống tiêu hoá gây chậm tiêu, táo bón
- Thay đổi nội tiết: tăng tiết cortisol và ACTH
- Tăng chức năng gan:
Trong sốt, chuyển hoá tại gan tăng rõ rệt như tăng chuyển hoá năng lượng (huy
động glucid vào máu, xử lý acid béo, tân tạo glucose), tăng chức năng tổng hợp protein
(enzym cho phản ứng chống độc, yếu tố đông máu, C3)…
- Tăng chức phận miễn dịch:
Sốt làm xuất hiện các yếu tố sinh sản tế bào thực bào (bạch cầu đa nhân trung
tính) kể cả các cơn sốt không do nhiễm khuẩn. Khả năng thực bào tăng rõ rệt trong sốt,
thông qua nhiệt độ cao và sự sản xuất các yếu tố kích thích thực bào (bổ thể, kháng thể).
2.2.8. Ý nghĩa của sốt
Sốt là phản ứng thích ứng toàn thân mang tính chất bảo vệ:
- Sốt là một chỉ số có giá trị về tình trạng sức khoẻ. Trong nhiều trường hợp, sốt
báo hiệu sự hiện diện của nhiễm trùng và có thể chính thức cần điều trị y tế.
- Tăng nhiệt độ ít giúp tăng cường chức năng miễn dịch. Tăng sự di chuyển và
hoạt động của các tế bào bạch cầu, kích thích sản xuất interferon và hoạt hóa tế bào
lympho T.
- Nhiều tác nhân vi sinh vật gây nhiễm trùng phát triển tốt nhất ở nhiệt độ cơ thể
bình thường, và sự phát triển của chúng bị ức chế bởi nhiệt độ trong khoảng sốt.
Tuy nhiên, sốt cao và kéo dài, hoặc sốt ở những cơ thể suy yếu, giảm dự trữ mới
dễ gây rối loạn chuyển hoá, rối loạn các chức phận cơ quan, cạn kiệt dự trữ, gây nhiều
hậu quả xấu như suy kiệt, nhiễm độc thần kinh, suy tim và co giật ở trẻ nhỏ…
Khi nhiệt độ cơ thể tăng trên 41ºC, vùng dưới đồi bắt đầu mất khả năng điều
chỉnh nhiệt độ. Các protein của tế bào, đặc biệt là các enzym, cũng bị hư hỏng do nhiệt
độ cao như vậy (Enzyme bị biến tính, nghĩa là mất hình dạng và không xúc tác cho các
phản ứng cần thiết trong tế bào). Kết quả là, các tế bào bắt đầu chết. Tình trạng này
nghiêm trọng nhất ở não, vì không thể thay thế các tế bào thần kinh, và tế bào chết là
nguyên nhân gây tổn thương não có thể kèm theo sốt cao kéo dài.
2.2.9. Nguyên tắc xử trí
- Duy trì một phản ứng bảo vệ tự nhiên của cơ thể; không hạ nhiệt vô nguyên tắc
nếu sốt không tỏ ra nguy hiểm và gây các hậu quả lớn đối với diễn biến và tiên lượng
bệnh.
- Tìm nguyên nhân gây sốt và chủ yếu là điều trị nguyên nhân.
- Giúp cơ thể chịu đựng được các hậu quả xấu của sốt (nếu xuất hiện) và khắc
phục hậu quả hơn là cắt sốt (bù nước, trợ tim, bổ sung vitamin…).
- Chỉ can thiệp hạ sốt nếu có hậu quả lớn, quá sức chịu đựng của cơ thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


- Trường Đại học Y Hà Nội, Sinh lý bệnh học, NXB Y học (2016).

8
- Bộ y tế, Giải phẫu Sinh lý người, NXB Y học (2018)
- Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Sinh lý bệnh học, NXB Y học (2015)
- Essentials of Pathophysiology - Concepts of Altered Health States 4th Edition.
- Robbins & Cotran - Pathologic Basis of Disease 9th (2015).
- Essentials of Anatomy and Physiology (2007)

You might also like