You are on page 1of 115

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Theo Tổng cục Thống kê, đến thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2009, dân số Việt
Nam là 85.789.573 người, tăng 9,5 triệu người so với 10 năm trước đây. Hiện nay,
nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng, cũng bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân
số. Chỉ số già hóa (biểu thị bằng số người từ 60 tuổi trở lên trên 100 người dưới
15 tuổi) đã tăng 11,4 điểm phần trăm sau 10 năm (từ 24.5% năm 1999 lên 35.9%
năm 2009). Chỉ số già hóa của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực
Đông Nam Á (30%), tương đương mức già hóa của Indonesia, Philippine, nhưng
thấp hơn Singapore (85%), và Thái Lan (52%). Sau 10 năm, tuổi thọ trung bình
của người Việt Nam tăng 3.7 tuổi lên 72.8 tuổi (nam đạt 70.2 tuổi, nữ đạt 75.6
tuổi) [53].

Các công trình nghiên cứu về Tâm lý học phát triển cho thấy, sau khi nghỉ
hưu, người cao tuổi có những thay đổi quan trọng trong đời sống, điều này làm
họ kém thích nghi và dẫn đến hội chứng “khủng hoảng tuổi về hưu”. Đó là sự
chuyển đổi từ trạng thái làm việc tích cực, khẩn trương hàng ngày sang trạng thái
nghỉ ngơi, từ đó tâm lý có những biến động đáng kể. Nhiều người cảm thấy khó
thích nghi với cuộc sống mới. Biểu hiện của hội chứng này là buồn chán, trống
trải, thiếu tập trung, dễ cáu gắt, dễ nổi giận. Một số người cảm thấy không được
tôn trọng như trước, thiếu tự tin, nghi ngờ người khác... Cá biệt có người sa sút rõ
rệt và sinh ra bệnh tật [12].

Để chăm lo đời sống cho người cao tuổi, đã có nhiều chiến lược và chương
trình y tế quốc gia về y tế dự phòng, hoạt động văn hoá, tinh thần dành riêng cho
người cao tuổi. Song chưa có chiến lược dài hạn, đặc trưng chăm sóc sức khoẻ
người cao tuổi, đặc biệt là sự hỗ trợ nhằm giúp họ vượt qua khủng hoảng sau khi

1
về hưu. Kết quả điều tra của Uỷ ban Dân số - Gia đình - Trẻ em cho thấy, chỉ có
33.7% người cao tuổi nhận được sự giúp đỡ thường xuyên và 35.8% người cao
tuổi không nhận được sự giúp đỡ từ xã hội [51, trích theo]. Điều này cho thấy các
tổ chức xã hội, các cơ quan đoàn thể chưa thực sự vào cuộc. Hình thức giúp đỡ
người cao tuổi như hiện nay từ phía cộng đồng chủ yếu mới là hình thức thăm hỏi
động viên (chiếm 75%), chỉ 2.8% người cao tuổi trong diện điều tra được khám
sức khoẻ định kỳ [6].

Hiện tại, nhiều địa phương đã xây dựng một số mô hình chăm sóc người
cao tuổi dưới các hình thức như trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi, mô hình
chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi, nhà dưỡng lão... Tuy nhiên,
những mô hình này đều mang tính đặc thù và mới chỉ phục vụ một số nhóm đối
tượng người cao tuổi nhất định như người cao tuổi không nơi nương tựa, người
cao tuổi nghèo hoặc nhóm người cao tuổi có điều kiện kinh tế. Chăm sóc cho
nhóm đối tượng này chủ yếu vào nhu cầu vật chất chứ chưa gắn chặt với nhu cầu
mặt tinh thần.

Chính vì vậy, để mọi người cao tuổi đều có thể được thông hiểu, đồng cảm
để đáp ứng đúng với đời sống tâm lý của họ thì rất cần những công trình nghiên
cứu có liên quan.

Với mong muốn làm rõ biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại
Tp. HCM trên các mặt cụ thể như thế nào; có sự khác biệt ý nghĩa về biểu hiện
khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM trên bình diện giới tính, thời
gian về hưu, thu nhập trước khi nghỉ hưu hay không; và các yếu tố như: sự chuẩn
bị trước khi về hưu hay sự đánh giá về phúc lợi xã hội khi nghỉ hưu ở người cao
tuổi có mối liên hệ tương quan với biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao
tuổi tại Tp. HCM như thế nào, đề tài nghiên cứu “Biểu hiện khủng hoảng tuổi
về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM” được xác lập.

2
2. Mục đích nghiên cứu

Tìm hiểu biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM.

3. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Hệ thống hoá lý luận liên quan đến vấn đề khủng hoảng tuổi về hưu ở
người cao tuổi. Chỉ ra biểu hiện, phân loại mức độ và tiêu chí đánh giá vấn đề
này.

- Xác định các biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi tại Tp.
HCM hiện nay, phân tích so sánh một số tiêu chí như: thu nhập, công việc trước
khi về hưu,… Đồng thời, tìm hiểu một số yếu tố có liên quan đến khủng hoảng
tuổi về hưu ở người cao tuổi như việc lập kế hoạch trước khi về hưu, phúc lợi xã
hội,…

4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu

4.1. Khách thể nghiên cứu

Đề tài tập trung nghiên cứu 135 khách thể là người cao tuổi sau khi về hưu
tại Tp. HCM. Cụ thể khách thể nam thuộc độ tuổi từ 60 trở lên và nữ từ 55 trở lên.

4.2. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu của
người cao tuổi tại Tp. HCM.

5. Phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu tìm hiểu khủng hoảng tuổi về hưu của người cao tuổi thông qua
các mặt biểu hiện: cái tôi, tài chính, mối quan hệ vợ chồng, mối quan hệ với con
cháu, sở thích/thú vui và các mối quan hệ sơ giao, sức khoẻ.

Về các yếu tố có liên quan đến khủng hoảng tuổi về hưu, đề tài chỉ xem xét
các yếu tố như: sự chuẩn bị trước khi nghỉ hưu và phúc lợi có được sau khi nghỉ
hưu.

3
6. Giả thuyết nghiên cứu

Nhìn chung, các biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi thuộc mức
độ hiếm khi đến thỉnh thoảng. Khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi ở mặt
sức khoẻ, mối quan hệ vợ chồng cao biểu hiện ở mức độ cao hơn so với các mặt
còn lại.

Có sự khác biệt về một số biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu giữa người
cao tuổi trên bình diện thu nhập trước khi nghỉ hưu và thời gian nghỉ hưu.

Hai yếu tố: sự chuẩn bị trước khi nghỉ hưu, đánh giá về phúc lợi có được
khi nghỉ hưu là hai yếu tố có tương quan nghịch với một số mặt biểu hiện khủng
hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi.

7. Hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

7.1. Hướng tiếp cận

Đề tài tiến hành dựa trên cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu theo hướng tiếp
cận hệ thống cấu trúc và hướng tiếp cận thực tiễn.

* Hướng tiếp cận hệ thống - cấu trúc

Vận dụng hướng tiếp cận hệ thống cấu trúc để xây dựng cơ sở lý luận và tiếp
cận đề tài. Hướng tiếp cận này cũng được quan tâm và tuân thủ trong việc thiết kế
bảng hỏi, phân tích biểu hiện, tìm hiểu nguyên nhân của biểu hiện,…

* Hướng tiếp cận thực tiễn

Vận dụng hướng tiếp cận thực tiễn để xây dựng cơ sở lý luận và tiếp cận đề
tài như nhìn nhận khủng hoảng tuổi về hưu của sinh người cao tuổi trong các mặt
biểu hiện của đời sống hiện thực.

7.2. Phương pháp nghiên cứu

Việc phối hợp đồng bộ các phương pháp dựa trên những nguyên tắc sau:

4
- Đảm bảo tính khách quan, kết hợp tính hài hòa giữa nghiên cứu định tính
và định lượng.

- Các phương pháp cụ thể kết hợp thành hệ thống phương pháp có sự hỗ trợ,
bổ sung cho nhau, tạo độ tin cậy về số liệu và các nhận xét, kết luận từ số liệu
nghiên cứu.

- Phương pháp nghiên cứu phù hợp với đối tượng và khách thể nghiên cứu.

7.2.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận

* Mục đích nghiên cứu

Phân tích và tổng hợp các nguồn tài liệu như sách, tạp chí, các công trình
nghiên cứu trong nước và ngoài nước, các bài viết khoa học… nhằm thu thập tất
cả những thông tin có liên quan đến đề tài và khái quát hóa, hệ thống hóa thành
cơ sở lý luận để tiến hành định hướng cụ thể nội dung nghiên cứu biểu hiện khủng
hoảng về hưu ở người cao tuổi, làm cơ sở để thiết kế các công cụ nghiên cứu, để
lý giải kết quả nghiên cứu.

* Nội dung nghiên cứu

- Tìm hiểu lịch sử nghiên cứu vấn đề về khủng hoảng tuổi về hưu ở người
cao tuổi.

- Tìm hiểu và thao tác hoá khái niệm khủng hoảng, khủng hoảng tuổi về hưu,
khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi, biểu hiện và các yếu tố ảnh hưởng
khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi.

* Cách thức tiến hành

Tìm kiếm tài liệu tại các thư viện như: thư viện Quốc gia, thư viện Khoa học
xã hội, thư viện Tổng hợp, thư viện điện tử, website, kho tư liệu… về lĩnh vực
tâm lý học hành vi, tâm lý học phát triển,...

5
Dịch thuật các tài liệu, đánh giá thông tin, chọn lọc thông tin, hệ thống hóa,
khái quát hóa thông tin.

7.2.2. Phương pháp phỏng vấn

* Mục đích nghiên cứu

Tiến hành phỏng vấn người cao tuổi nhằm:

+ Bổ sung thêm thông tin để góp phần làm sáng tỏ kết quả khảo sát.

+ Bổ sung thêm thông tin để góp phần làm cơ sở cho các biện pháp đề xuất.

+ Tìm hiểu sâu hơn về đối tượng nghiên cứu qua một số khách thể điển
hình.

* Cách thức tiến hành

- Tạo bầu không khí thân mật với khách thể phỏng vấn.

- Tiến hành phỏng vấn theo những câu hỏi đã chuẩn bị sẵn theo mục đích
nghiên cứu. Có thể sử dụng thêm những câu hỏi phát sinh tùy theo vấn đề phát
sinh trong nội dung trả lời của khách thể.

* Phương tiện phỏng vấn hỗ trợ trong quá trình phỏng vấn

Bảng câu hỏi phỏng vấn, bảng ghi chép kết quả phỏng vấn.

7.2.3. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi

* Mục đích nghiên cứu

Phương pháp này dùng để tìm hiểu một cách cơ bản thực trạng về biểu hiện
khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM.

* Mô tả công cụ

Công cụ khảo sát được trình bày trên giấy in, trong đó gồm có các nội dung
chính như sau:

6
+ Phần 1: Hướng dẫn thực hiện và thông tin cá nhân

+ Phần 2: Hệ thống các câu hỏi chính về các mặt biểu hiện và các yếu tố có
liên quan đến khủng hoảng tuổi về hưu.

* Quy trình thiết kế công cụ

- Dựa trên khái niệm công cụ, xác định các mặt cần khảo sát và những nội
dung cần khảo sát trong từng mặt.

- Thiết kế thành các câu hỏi cụ thể, phản ánh được nội dung cần khảo sát.

- Khảo sát 135 người cao tuổi, phân tích độ tin cậy, độ hiệu lực của thang đo.

- Chỉnh sửa bảng hỏi:

+ Đánh giá và chỉnh sửa những câu có vấn đề.

+ Tiếp tục kiểm tra nhằm đảm bảo độ tin cậy và hiệu lực của thang đo.

- Hoàn chỉnh công cụ và tiến hành khảo sát chính thức.

* Nguyên tắc thiết kế

- Đảm bảo giá trị về mặt nội dung

- Đáng tin cậy về mặt thống kê

- Sử dụng các hình thức câu hỏi sao cho phù hợp với nội dung nghiên cứu và
phù hợp với đặc điểm của khách thể nghiên cứu.

* Cách đánh giá kết quả

Sử dụng kết hợp thống kê mô tả và thống kê phân tích.

7.2.4. Phương pháp thống kê toán học

* Mục đích nghiên cứu

Xử lý tất cả các kết quả định lượng thu được từ cuộc khảo sát nhằm làm cơ
sở để biện luận kết quả nghiên cứu.

7
* Nội dung nghiên cứu

- Thống kê mô tả: tính tổng, trị số trung bình, tần số, tỷ lệ phần trăm, kiểm
nghiệm…

- Tính tương quan để tìm các mối liên hệ.

- So sánh kết quả giữa các nhóm khách thể, các mặt khác nhau trong cùng
một chỉ báo nghiên cứu.

* Cách thức tiến hành

Sử dụng phần mềm thống kê toán học SPSS phiên bản 20.0 để xử lý các dữ
liệu thu được.

8
CHƯƠNG 1

LÝ LUẬN VỀ BIỂU HIỆN KHỦNG HOẢNG

TUỔI VỀ HƯU Ở NGƯỜI CAO TUỔI

1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề khủng hoảng tuổi về hưu

1.1.1. Một số nghiên cứu ở nước ngoài về vấn đề khủng hoảng về hưu

Vấn đề nghiên cứu về chăm sóc tinh thần cho những đối tượng đặc biệt
trong cuộc sống như: trẻ em, người già, người yếu thế,… nhận được sự quan tâm
đặc biệt của xã hội và giới khoa học. Trên thế giới, đã có nhiều công trình nghiên
cứu về người già trên bình diện tâm lý học. Đó là các nghiên cứu về sự thực trạng,
nguyên nhân, giải pháp cho việc thay đổi hoàn cảnh sống và các vấn đề về sức
khoẻ tinh thần của người già. Bên cạnh đó, khi xem xét cụ thể trong những tác
động của yếu tố về hưu, một số nhà nghiên cứu cũng đã dành sự quan tâm để khai
thác và làm rõ vấn đề này. Việc tiếp cận điểm luận theo nội dung từ các vấn đề
tâm lý của người cao tuổi đến các vấn đề liên quan đến sự kiện nghỉ hưu, cụ thể
là biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu sẽ tạo ra một bức tranh tổng quan từ bao
quát đến cụ thể.

1.1.1.1. Một số nghiên cứu nước ngoài về vấn đề tâm lý người cao tuổi

Nghiên cứu về vấn đề tâm lý ở người cao tuổi nhằm nâng cao chất lượng
cuộc sống và cải thiện vấn đề an sinh xã hội được bàn luận khá nhiều tại các nước
có nền Tâm lý học người trưởng thành phát triển.

Năm 1984, tác giả người Mỹ Kingsley Jones trong công trình nghiên
cứu “Vấn đề tâm lý ở người già” cho thấy người cao tuổi bị hội chứng não cấp
tính gây ra bởi bệnh tật về thể chất hoặc độc tính của thuốc. Khi hội chứng não
cấp tính được loại trừ, bệnh có thể sẽ là một trong những chức năng như một hội
chứng não mãn tính hữu cơ. Các bệnh tật chức năng phổ biến nhất trong tuổi già

9
là trầm cảm. Chẩn đoán chính xác hơn người cao tuổi, bệnh nhân tâm thần sẽ dẫn
đến điều trị hiệu quả [37, 591].

Năm 1990, cuốn sách “Tâm lý học tuổi già - Lý thuyết, nghiên cứu và can
thiệp” của Belsky ra đời như một nguồn tài liệu chuyên ngành hữu ích cho những
ai quan tâm đến vấn đề này. Cuốn sách khái quát những vấn đề chính có liên quan
đến tuổi già theo nội dung, mở ra những hướng nghiên cứu và trị liệu phù hợp
nhằm can thiệp và hỗ trợ một cách tốt nhất cho cuộc sống của người cao tuổi [21].

Tác giả Linda M. Woolf - Đại học Webster trong nghiên cứu “Lạm dụng
và sự bỏ bê người cao tuổi” cho rằng ở người cao tuổi có sự tự bỏ bê, tức ở họ
không chấp nhận hay không tự đáp ứng nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần cho
chính bản thân mình. Sự hài lòng cuộc sống suy giảm thì nguy cơ gia tăng tự bỏ
bê. Cô lập là một yếu tố nguy cơ cho tất cả các hình thức lạm dụng người cao tuổi.
Can thiệp đòi hỏi phải tạo ra sự tin tưởng, sự tham gia tăng của người cao niên
trong cộng đồng, và tạo ra các hỗ trợ xã hội. Điều này tất nhiên có thể là vấn đề
đối với những cá nhân đã có ít sự hỗ trợ xã hội trong suốt tuổi thọ của họ [49].

Một nghiên cứu của John Hopkins thảo luận trong Tin Tức Y Khoa (2004)
đã chứng minh rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần xuất hiện phổ biến ở người cao
tuổi trong những khu trợ giúp sinh sống hơn so với cá nhân cao tuổi sống tại nhà.
Trong trung tâm Maryland, có hai phần ba của người cao tuổi ở khu trợ giúp sinh
sống đã được chẩn đoán bị bệnh sa sút trí tuệ. Trầm cảm đã được tìm thấy trong
một phần tư dân số được kiểm tra. Tại Shockingly, chỉ có 52% các trường hợp sa
sút trí tuệ đã được điều trị đầy đủ. Hiệp hội Tâm lý học Mỹ chỉ ra một lý do tại
sao một số người cao tuổi trong khu trợ giúp sinh sống có dấu hiệu của bệnh tâm
thần: những người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có nhiều khả năng có vấn đề
tâm lý. Vấn đề sức khỏe, cùng với không kiểm soát, là một số trong những lý do
phải gia nhập trợ giúp sinh sống cho người già. Bên cạnh đó, không kiểm soát
cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh trầm cảm ở phụ nữ cao tuổi [39].

10
Hai tác giả Jodie Butler và Joseph Ciarroch trong công trình nghiên cứu
“Tâm lý chấp nhận và chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi” năm 2007 cho rằng
nhiều thay đổi xảy ra khi con người bước vào tuổi già và những thay đổi này có
thể làm giảm chất lượng cuộc sống. Nghiên cứu điều tra ảnh hưởng của tâm lý
chấp nhận và chất lượng cuộc sống trong một mẫu trong tổng số 187 người già từ
một dịch vụ điều dưỡng, một làng nghỉ hưu và các nhóm cộng đồng khác nhau.
Độ tuổi trung bình là 78 tuổi với một phạm vi từ 65 đến 96. Theo giả thuyết, người
có tâm lý chấp nhận cao hơn cũng có chất lượng cuộc sống cao hơn trong các lĩnh
vực y tế, an toàn, sự tham gia của cộng đồng và tình cảm hạnh phúc [23, 607 -
615].

Theo nghiên cứu của Trung tâm quốc gia về lạm dụng người cao tuổi ở Mỹ
cô lập xã hội và suy giảm tinh thần là hai yếu tố lạm dụng người cao tuổi. Các
nghiên cứu cho thấy rằng những người tiên tiến trong nhiều năm, chẳng hạn như
trong thập niên tám mươi của họ, với một mức độ cao của sự yếu đuối và sự phụ
thuộc có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của lạm dụng người cao tuổi hơn
những người trẻ hơn và trang bị tốt hơn để đứng lên cho chính mình. Dữ liệu từ
Trung tâm quốc gia về lạm dụng người cao niên chỉ ra rằng hơn một nửa các
trường hợp báo cáo liên quan đến một số loại bỏ bê, trong khi 1 trong 7 trường
hợp liên quan đến lạm dụng thể xác. Nó được coi là bỏ bê khi người chăm sóc
một tước đi một người cao tuổi chăm sóc cần thiết cần thiết để tránh gây tổn hại
về thể chất hoặc tinh thần. Đôi khi những hành vi của một người cao tuổi đe dọa
sức khỏe của chính mình, trong những trường hợp lạm dụng, được gọi là tự bỏ bê.
Lạm dụng thể chất là lực lượng vật chất làm cơ thể gây hại cho một người cao
tuổi, chẳng hạn như tát, đẩy, đá, véo hoặc đốt [52].

Năm 2007, qua một công bố khoa học, tác giả Burton và Kasper cho rằng
những người cao niên sống một mình có mức độ lớn của sự cô đơn và yêu cầu bồi
thường cảm thấy cô lập, mặc dù thực tế rằng sống ở nhà là sự lựa chọn ưa thích.

11
Thế nhưng, các nhà Tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý học của Mỹ cho rằng người
cao tuổi có nguy cơ tự tử xảy ra thường xuyên hơn trong nhà so với các sự cố
trong các cơ sở [24].

Bên cạnh đó, các bài viết “Yếu tố tương quan của sự lo lắng về cái chết ở
người cao tuổi” của Wagner năm 1984, “Hỗ trợ xã hội và thích ứng với stress ở
người cao tuổi” của Cutrona năm 1986, “Lo lắng là một hiện tượng liên quan đến
người cao tuổi” của Wisocki năm 1988, “Hỗ trợ xã hội, stress, và các triệu chứng
trầm cảm ở người già: Test của một mô hình quy trình” của Russell năm 1991,
“Đánh giá hành vi và điều trị lo âu ở người cao tuổi” của Hersen năm 1992, “Đời
sống tinh thần, tôn giáo, sự hy vọng, trầm cảm và trạng thái cảm xúc khác ở người
già đối phó với bệnh ung thư” của Fehring năm 1997,... xem xét các hiện tượng
tinh thần có tác động tiêu cực đến đời sống của người cao tuổi một cách cụ thể
[27, 47] [38, 190] [35, 619 - 640] [31] [46, 1235 - 1241] [48, 369 - 379].

Như vậy, các nghiên cứu trên đã để lại nguồn kiến thức nền tảng và thực
tiễn về các vấn đề tâm lý học ở tuổi già. Cũng từ các nghiên cứu này, những hướng
tiếp cận mới trong tương lai được các tác giả đề cập, tất cả mở ra một kho tàng
nghiên cứu đa dạng và phong phú khi khai thác vấn đề này dưới góc nhìn Tâm lý
học. Một trong những hướng nghiên cứu cụ thể đó chính là những biến đổi tâm lý
của người cao tuổi sau sự kiện về hưu.

1.1.1.2. Một số nghiên cứu nước ngoài về vấn đề khủng hoảng tuổi về
hưu ở người cao tuổi

Nghỉ hưu là sự kiện bước ngoặt chuyển từ tuổi trung niên sang tuổi già, vừa
hình thành những nét cấu tạo tâm lý mới vừa tạo ra những khó khăn nhất định
trong việc thích ứng, do đó, đây là chủ đề thu hút sự quan tâm khai thác của một
số nhà nghiên cứu.

12
Trong “Đối phó với thay đổi trong sự nghỉ hưu” năm 1978, Wasylenki cho
rằng sự thích ứng có thể khó khăn vì nhiều lý do, nhưng có rất ít bằng chứng hỗ
trợ cho quan điểm rằng kết quả của việc về hưu là sự suy giảm sớm về thể chất
và/hoặc tâm lý. Cá nhân có sự hài lòng từ nhiều nguồn trong suốt cuộc đời sẽ tạo
ra sự thích ứng tốt nhất cho việc nghỉ hưu. Những người cứng nhắc và bảo thủ có
thể được dự kiến sẽ gặp khó khăn sau nghỉ hưu. Sự hiểu biết về lý thuyết khủng
hoảng đối với các giai đoạn trong quá trình nghỉ hưu có thể hữu ích trong việc đối
phó với sự gia tăng số lượng bệnh nhân lớn tuổi [47, 133-136].

Trong tác phẩm “Khía cạnh tâm lý của việc nghỉ hưu” năm 1983, Harris
khẳng định rằng, sự nghỉ hưu là một hiện tượng bình thường, nó không phải là
cuộc khủng hoảng xảy ra ở hầu hết con người. Tuy nhiên, những người trước đây
đã gặp khó khăn khi đối phó với các sự kiện chính trong đời sống được dự kiến sẽ
gặp khó khăn vào thời điểm này của cuộc sống. Một số người sẽ gặp các triệu
chứng nhẹ của sự lo lắng, như là một phần của phản ứng điều chỉnh tiến tới cuộc
sống tuổi già. Một phần thiểu số sẽ bị phản ứng trầm cảm nặng. Tuy nhiên, trong
hầu hết các trường hợp, các sự kiện cuộc sống có ý nghĩa và các yếu tố khác sẽ
gây ra sự cố với người cao tuổi [33, 527 - 530].

Năm 1998, bài viết của Sharpley báo cáo ảnh hưởng của tuổi tác khi nghỉ
hưu; dù nghỉ hưu là vì tuổi tác, hoặc bệnh tật, hoặc là tự nguyện; và sự hiện diện
của giáo dục trước khi nghỉ hưu hoặc đào tạo về lo âu, trầm cảm, căng thẳng, và
sức khỏe thể chất sau khi nghỉ hưu. Dữ liệu được thu thập từ 349 nam và 385 nữ,
từ 44 - 90 năm và trải qua 5 năm đầu tiên sau khi nghỉ hưu từ công việc toàn thời
gian. Kết quả chỉ ra rằng những người đàn ông về hưu sớm có sức khỏe thể chất
tốt hơn (mặc dù không có ảnh hưởng đáng kể đối với phụ nữ). Cả nam giới và phụ
nữ về hưu tự nguyện có ý nghĩa ít lo âu, trầm cảm, hoặc căng thẳng hơn so với
những người đã nghỉ hưu vì lý do sức khỏe kém hoặc đã thực hiện dự phòng. Kinh
nghiệm của việc chuẩn bị tâm lý trước khi nghỉ hưu hoặc rèn luyện thói quen có

13
liên quan với giảm căng thẳng tâm lý sau các hành động nghỉ hưu. Ngoài ra, dữ
liệu thăm dò ý kiến cho rằng giáo dục trước khi nghỉ hưu bao gồm xã hội, y tế, cá
nhân, và các khía cạnh mối quan hệ của quá trình nghỉ hưu có thể được kết hợp
với căng thẳng tâm lý thấp hơn trong thời gian nghỉ hưu [43, 119 - 124].

Năm 2003, Kets de Vries công bố một bài viết phân tích về một vấn đề mà
tác giả gọi là hội chứng về hưu. Bằng cách khai thác những khó khăn phải đối mặt
của nhiều nhà lãnh đạo trong việc đi đến đoạn cuối trong sự nghiệp của mình, bài
viết đánh giá một số yếu tố rào cản để có thể bước vào tuổi về hưu là: tài chính,
xã hội và tâm lý. Trong đó, tác phẩm có đề cập đến những phát hiện về sự thay
đổi trong xuất hiện trên khuôn mặt và cơ quan sinh dục là một mối đe dọa lớn đến
tinh thần đến cái tôi của cá nhân. Vấn đề tình dục, đặc biệt là sự suy giảm khả
năng tình dục ở nam giới tàn phá đến lòng tự trọng, bên cạnh đó, phụ nữ cũng phải
đấu tranh với các tác động của thời kỳ mãn kinh và mất khả năng sinh sản của họ.
Đúng như dự đoán, một mớ hỗn độn của những phản ứng cảm xúc, như sợ hãi, lo
lắng, đau buồn, trầm cảm và sự tức giận, đi kèm với các hiệu ứng vật lý của sự
lão hóa cùng với tuổi tác và suy giảm thể lực làm cho con người có xu hướng nhìn
cuộc đời như "thời gian tàn tạ" trong lứa tuổi này [29, 707 - 716].

Năm 2008, Van Solinge và Henkens đã nghiên cứu sự hài lòng của 559 cặp
vợ chồng trong quá trình chuyển đổi của họ từ công việc đến nghỉ hưu. Sự mất
hẳn hay sự suy giảm các nguồn lực vật chất (sức khỏe và thu nhập) góp phần vào
sự không hài lòng khi nghỉ hưu. Các kết quả của nghiên cứu này cung cấp bằng
chứng thực nghiệm cho thấy hai khái niệm là “sự điều chỉnh” (adjustment) và “sự
hài lòng” (satisfaction) có liên quan đến sự nghỉ hưu, nhưng không giống nhau.
Sự điều chỉnh đề cập đến quá trình làm quen với việc nghỉ hưu như một giai đoạn
mới trong cuộc sống. Phần lớn các biến số trong sự điều chỉnh là do các yếu tố
tâm lý khác nhau giữa các cá nhân. Mặt khác, Sự hài lòng là sự nhận thức đúng
đắn về cuộc sống khi về hưu, và các yếu tố tình huống chủ yếu xác định liệu một

14
người có cảm thấy thích giai đoạn hưu trí hiện tại hay không. Các kết quả của
nghiên cứu này cho thấy rõ rằng việc kiểm soát các quyết định nghỉ hưu có tầm
quan trọng trong quá trình điều chỉnh và sự hài lòng với nghỉ hưu [45, 422].

Sau đó, bài viết của Etzersdorfer năm 2008 này đưa ra một cái nhìn tổng
quan về các khía cạnh quan trọng nhất của sự can thiệp khủng hoảng, với sự nhấn
mạnh đặc biệt vào sự can thiệp khủng hoảng với người cao tuổi. Lần đầu tiên, một
tổng quan của sự phát triển của sự can thiệp khủng hoảng được đưa ra, trong đó
có một số các khái niệm chính, với sự nhấn mạnh đặc biệt về khía cạnh tâm lý của
sự can thiệp khủng hoảng. Sau đó, một trường hợp ví dụ lâm sàng của một can
thiệp khủng hoảng với một người phụ nữ cao tuổi tuổi sau sự cố gắng tự tử được
đưa ra và thảo luận. Đặc thù của sự can thiệp khủng hoảng với người cao tuổi
được nhấn mạnh: đây là yêu cầu cần thiết để đáp ứng cho việc người cao tuổi
thường ít tìm đến các dịch vụ hỗ trợ khủng hoảng tâm lý, vì thế mà họ đại diện
cho các nhóm có nguy cơ tự tử cao nhất. Đặc thù của người cao tuổi vẫn không
được đáp ứng đầy đủ và chúng được tạo ra bởi một phạm vi rộng nhất của các
khía cạnh cuộc sống [30, 29 - 37].

Trong một nghiên cứu của tổ chức Allianz trên 3257 người có độ tuổi từ 44
- 75 vào năm 2010, kết quả bất ngờ được tìm thấy là có 92% người Mỹ tin rằng
có một cuộc khủng hoảng tuổi về hưu đang xảy ra ở nước họ và họ không được
chuẩn bị trước. Bên cạnh đó, khách thể cho rằng họ sợ phải ra khỏi cuộc sống tiền
bạc hơn là sợ cái chết [20]. Những phát hiện của cuộc khảo sát này đã cho thấy
cuộc khủng hoảng tuổi về hưu được nhận thức như một hiện tượng có tính phổ
biến và chứng minh tác động của sự chuẩn bị về mặt tài chính đối với tuổi về hưu
là rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn suy thoái kinh tế.

Nghiên cứu năm 2011 của Osborne cho rằng, việc chuyển sang thời kỳ nghỉ
hưu thường là một hỗn hợp của các dự kiến và bất ngờ. Quyết định nghỉ hưu là
một trong những quyết định quan trọng mà con người thực hiện trong cuộc đời

15
của mình, đặc biệt là nếu họ thích công việc mình đang làm. Khi con người không
còn bị áp lực trong việc nghỉ hưu bắt buộc thì việc tiếp tục với công việc là một
lựa chọn cho những người tìm thấy ý nghĩa và sự hài lòng trong công việc và tình
bạn của họ với đồng nghiệp. Bằng việc cho nghỉ phép một năm, những cân nhắc
về hưu có thể được cảm nhận trước khi đưa ra quyết định nghỉ hưu. Tiếp xúc với
giáo dục về hưu trong vài năm trước ngày nghỉ hưu mà người lao động dự kiến là
rất quan trọng để tránh sự đột ngột và bất ngờ trước quyết định nghỉ hưu. Có
những cuốn sách và hội thảo mà đối phó với các quyết định và nhiều khía cạnh
khác về hưu. Bài viết cũng khẳng định rằng, người về hưu trong tương lai cũng
nên đa dạng hóa cuộc sống trước hưu trí trước của họ về hoạt động giải trí, sở
thích, là các thành viên trong câu lạc bộ và tổ chức cung cấp cơ hội cho các hoạt
động xây dựng và tình bạn vượt ra ngoài thế giới công việc. Tham gia một vài
năm trước khi nghỉ hưu để xây dựng những gì sẽ trở thành một phong cách sống
nghỉ hưu có thể làm cho quá trình chuyển đổi ít có vấn đề [40].

Năm 2012, Uỷ ban thượng viện Mỹ về sức khoẻ, giáo dục, lao động và
lương hưu xuất bản tài liệu “Khủng hoảng tuổi về hưu và kế hoạch để giải quyết
nó”. Tài liệu đề cập đến sự khủng hoảng tuổi về hưu bao gồm: sự mất an toàn khi
về hưu, sự phá vỡ của ghế ba chân. Trong đó, sự mất an toàn khi về hưu xuất hiện
khi người cao tuổi không được chuẩn bị tinh thần từ trước dẫn đến sự mất tự tin
khi việc nghỉ hưu đến một cách đột ngột. Bên cạnh đó, ba trụ cột tạo nên sự an
toàn khi về hưu là lương hưu, vị thế trong gia đình và an sinh xã hội. Khi một
trong ba điều này bị ảnh hưởng không tốt thì cảm giác an toàn khi về hưu cũng bị
ảnh hưởng và tạo ra khủng hoảng thực sự. Từ những phân tích này, tài liệu cung
cấp hai nhóm giải pháp cho người nghỉ hưu là: xây dựng lại nguồn lương hưu và
nâng cao an sinh xã hội [32].

16
Những cuộc khảo sát thường niên cho thấy, tỷ lệ người lao động tự tin về
việc có đủ tiền cho một quỹ hưu trí thoải mái ở mức thấp kỷ lục từ năm 2009 đến
năm 2013, sau đó tăng lên trong năm 2014. Có 18% hiện nay rất tự tin (tăng từ
13% trong năm 2013), 37% là khá tự tin, 24% là không tự tin (không thay đổi về
mặt thống kê từ 28% trong năm 2013). Các thông số về niềm tin và hoạt động tiết
kiệm để chuẩn bị cho giai đoạn nghỉ hưu đều cho thấy sự chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là vẫn còn 58% người lao động và 44% người về hưu báo
cáo có vấn đề với mức nợ. Hơn nữa, 24% công nhân và 17% người về hưu chỉ ra
rằng mức nợ hiện tại của họ cao hơn so với năm năm trước [34]. Điều này khẳng
định mặc dù tài chính chuẩn bị cho việc nghỉ hưu có mang lại sự tự tin hơn nhưng
vẫn là một vấn đề gây áp lực cho người cao tuổi và góp phần vào sự khủng hoảng
khi về hưu ở độ tưởi này.

Từ những nghiên cứu trên, có thể thấy hiện tượng tâm lý khủng hoảng tuổi
về hưu đã được đề cập. Thế nhưng, các nghiên cứu trên vẫn chưa nhấn mạnh vào
khía cạnh biểu hiện tâm lý tạo nên sự khủng hoảng ở người cao tuổi. Bên cạnh đó,
nghiên cứu tập trung chủ yếu ở phương Tây cũng cho thấy sự giới hạn về khách
thể và tính phổ biến của kết quả thu được.

1.1.2. Một số nghiên cứu ở trong nước

Ở Việt Nam, học phần Tâm lý học phát triển được đưa vào chương trình
giảng dạy và nghiên cứu từ khá sớm. Thế nhưng, việc đưa ra những phân ngành
nhỏ đi sâu vào từng lứa tuổi cụ thể vẫn gặp phải những hạn chế nhất định về thời
gian và chuyên môn. Do đó, các công trình nghiên cứu về người cao tuổi nhìn
chung còn khá ít. Các sách chuyên khảo về người cao tuổi mà nhất là các đặc điểm
tâm lý nói chung, hiện tượng khủng hoảng tuổi về hưu hầu như hiếm thấy.

17
1.1.1.1. Một số nghiên cứu trong nước về vấn đề tâm lý người cao tuổi

Có thể tìm thấy các tài liệu về vấn đề tâm lý ngời cao tuổi ở Việt Nam trong
một số đề tài, bài báo như sau:

Đề tài nghiên cứu “Cuộc sống của người cao tuổi ở Mái Ấm” do chùa Diệu
Pháp thực hiện đã tiến hành tìm hiểu thực trạng đời sống người cao tuổi tại Mái
ấm tình thương chùa Diệu Pháp về các mặt: Chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt,
điều kiện chăm sóc sức khoẻ, sự quan tâm của cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ,
một số nét tâm lý điển hình của những cụ già đang sống tại Mái ấm. Một phần kết
quả nghiên cứu cho thấy 70 cụ sống tại Mái ấm tình thương biểu hiện cho từng ấy
nỗi niềm tâm sự, khát khao một đời sống tinh thần như ý muốn: được thương yêu,
được hạnh phúc. Vì vậy, các cụ chuyển những nhu cầu về tình thương ấy thành
những hành động thương yêu người khác cùng cảnh ngộ với mình. Tuy nhiên, bên
cạnh những tình cảm tốt đẹp đó, các cụ cũng thường xuyên mâu thuẫn với nhau.
Các cụ chưa thực sự hòa thuận với nhau trong nếp sống, nếp nghĩ. Những bất đồng
này thể hiện rất rõ nét trong giao tiếp hàng ngày của các cụ. Sự mâu thuẫn của các
cụ với nhau cũng không quá trầm trọng bởi không xuất phát từ sự tranh chấp
quyền lợi vật chất, dù không phải không có những đố kỵ, cãi vã, nói xấu nhau,
thậm chí đả thương nhau. Các cụ thường nằm suy nghĩ về những chuyện ngày
xưa, nghĩ về thân phận của mình, rồi tự bản thân các cụ cảm thấy buồn bực trong
lòng. Chính điều này khiến cho tâm trạng của các cụ dễ bị kích động, chỉ cần một
ai đó nói một lời không được hay, không được thuận với mình, lập tức các cụ sẽ
phản ứng lại [16, trích theo].

Năm 2007, nghiên cứu “Đời sống tinh thần của người cao tuổi ở Việt Nam
hiện nay” của tác giả Hoàng Mộc Lan (Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy phần lớn người cao
tuổi ở Việt Nam hiện nay có cuộc sống ổn định, tâm trạng lớn nhất của họ là muốn
gắn bó với gia đình, hòa nhập với xã hội để sống cho mình và sống vì con cháu.

18
Điều này khẳng định rằng: truyền thống đạo đức xã hội, gia đình Việt Nam, lẽ
sống của con người Việt Nam, thuần phong mĩ tục của con người Việt Nam vẫn
được bảo tồn và trụ vững. Tuy vậy, không phải không có những xao xuyến, một
số người cao tuổi có sự khủng hoảng về tâm lý. Họ bị con cháu đối xử tệ bạc, cuộc
sống của họ bị quẫn bách cả về vật chất và tinh thần, các chuẩn mực về đạo đức,
lối sống với gia đình của họ bị đảo lộn. Khi hỏi về tâm trạng người cao tuổi trong
cuộc sống hàng ngày, thu được các kết quả như sau: 52% số người cao tuổi trả lời
có tâm trạng bình thường, thoải mái, 31% số người cao tuổi trả lời đôi khi thấy cô
đơn, 17% số người cao tuổi trả lời thường xuyên thấy cô đơn [8].

Trong bài viết “Tâm lý người cao niên” của tác giả Lê Phương Thúy, cho
rằng trong các giai đoạn của cuộc sống, tuổi già là tuổi con người ngưng bon chen
với cuộc sống để bắt đầu thụ hưởng kết quả do những năm tháng trước mang lại.
Tuổi này còn là lứa tuổi truyền lại cho con cháu và thế hệ sau những kinh nghiệm
và sự hiểu biết, hoặc đóng góp vào xã hội qua những sinh hoạt xã hội, giáo dục và
từ thiện. Bên cạnh đó, sự suy giảm chức năng có thể làm cho người già cảm thấy
mình không còn làm chủ tình hình như trước và trở nên lo lắng quá độ. Nếu con
người tới tuổi già không có gì để thụ hưởng, sống nghèo khó, đơn côi, không
người chăm sóc hay kề cận, hoặc có những ước mơ không thỏa, họ có thể có
những xáo trộn tâm lý như phát bệnh trầm cảm hoặc trở nên lo lắng hay đa nghi
[17].

Trong đề tài cấp Bộ về một số vấn đề cơ bản trong chính sách xã hội đối
với người cao tuổi được Viện Gia đình và Giới thực hiện năm 2009, các tác giả
cung cấp dữ liệu về vai trò của người cao tuổi đối với xã hội và chính sách xã hội
hướng đến người cao tuổi khu vực Đồng bằng Bắc Bộ như thế nào. Đề tài này
cũng là nguồn cảm hứng mở ra nhiều hướng nghiên cứu cho các luận văn, luận án
về Xã hội họ thực hiện [19].

19
Năm 2012, bài viết “Đặc điểm tâm lý người cao tuổi và vai trò gia đình,
cộng đồng đối với cuộc sống của người cao tuổi” trên trang web của Viện tâm lý
học cho thấy đặc điểm tâm lý nổi bật của người cao tuổi là nuối tiếc tuổi trẻ, hay
hoài cổ. Họ thường nhắc đến quá khứ nhiều hơn hiện tại, rất tự hào về kinh nghiệm
sống đã qua của mình. Họ nhạy bén với cái mới, cái hiện đại, với sự biến động
của lịch sử các sự kiện diễn ra hàng ngày. Cùng với sự suy giảm về sức khoẻ,
người cao tuổi suy nghĩ mình trở thành người thừa đối với gia đình và xã hội,
mình không còn vai trò hữu ích nữa, không ai cần mình nữa. Vì vậy, họ dễ cảm
thấy bị bỏ rơi, cô đơn, nên sinh tủi phận, buồn bã [53].

Như vậy, từ các nghiên cứu, bài viết trên có thể thấy rằng vấn đề về đời
sống tinh thần của người cao tuổi được quan tâm bởi các bác sĩ, nhà tâm lý học.
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về đời sống tâm lý mà nổi bật nhất là “biểu
hiện khủng hoảng tuổi về hưu” còn rất hạn chế.

1.1.1.2. Một số nghiên cứu trong nước về vấn đề khủng hoảng tuổi về
hưu ở người cao tuổi

Trong tác phẩm “Tâm lý học phát triển”, tác giả Vũ Thị Nho đã đề cập đến
tuổi về hưu như một giai đoạn con người kết thúc thời kỳ lao động của mình để
nghỉ ngơi, thư giãn. Tác giả đã dùng thuật ngữ “hội chứng về hưu” để chỉ hiện
tượng khó thích nghi với cuộc sống mới ở người độ tuổi này. Tác giả cũng đưa ra
các biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục “hội chứng về hưu”. Trong đó, việc
chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho giai đoạn này là yêu cầu giúp hạn chế cảm giác hẫng
hụt, khủng hoảng [12].

Tác giả Nguyễn Thế Huệ vào năm 2005, có đề có đề cập đến các vấn đề về
khủng hoảng ở người cao tuổi trong bài viết “Chính sách của nhà nước Việt Nam
trong lịch sử đối với người cao tuổi”. Qua đó, tác giả mô tả khái quát về quá trình
hình thành và biểu đổi về chính sách trong việc chăm sóc người cao tuổi, từ đó,
gợi ý một số hướng thực hiện trong tương lai [6].

20
Năm 2012, tác giả Nguyễn Văn Đồng đề cập đến những đặc điểm tâm lý
của tuổi già trong thời gian nghỉ hưu trong quyển sách “Tâm lý học phát triển -
Giai đoạn thanh niên và tuổi già”. Tác giả cho rằng, “thời kỳ mới về hưu là giai
đoạn nhiều thử thách với người già, nếu không có sự chuẩn bị kỹ thì không thể
tránh khỏi tâm trạng hụt hẫng dẫn đến trầm uất. Việc về hưu bao giờ cũng là đột
ngột, khó thích nghi vì có nhiều thay đổi đồng thời: thời gian biểu, môi trường
giao tiếp, trách nhiệm, quyền lực, thu nhập,…” [4].

Năm 2014, trong bài viết “Tâm lý người cao tuổi dưới góc nhìn khoa học”
của tác giả Nguyễn Văn Dũng (Phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần nam và Điều
trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai) cho
rằng các rối loạn tâm lý ở người cao tuổi có liên quan trước hết đến các stresss
của việc thích nghi với hoàn cảnh sống mới, khi phải chuyển từ giai đoạn làm việc
tích cực đến giai đoạn nghỉ hưu. Bởi vì, sau khi nghỉ hưu những người cao tuổi
phải trải qua hàng loạt các biến đổi tâm lý quan trọng do thay đổi nếp sinh hoạt,
cũng như sự thu hẹp các mối quan hệ xã hội. Lúc này, ở họ xuất hiện tình trạng
khó thích nghi với giai đoạn nghỉ hưu, và dễ mắc “hội chứng về hưu”, với tâm
trạng buồn chán, mặc cảm, thiếu tự tin, dễ nổi giận, cáu gắt. Do đó, họ trở nên
sống cô độc và cách ly xã hội [2].

Nhằm đẩy mạnh thực hiện Luật Người cao tuổi và các văn bản dưới luật có
liên quan, góp phần nâng cao nhận thức chung của xã hội và gia đình về trách
nhiệm chăm sóc người cao tuổi và phát huy vai trò, kinh nghiệm và tạo điều kiện
để người cao tuổi tham gia có hiệu quả các hoạt động văn hoá - xã hội, năm 2014
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện
Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam của ngành Văn hóa,
Thể thao và Du lịch Tp. HCM giai đoạn 2014 - 2020. Trong đó, bao gồm bốm
nhiệm vụ trọng tâm và bốn hoạt động cụ thể cần thực hiện. Các hoạt động liên
quan đến việc chăm sóc sức khoẻ, tinh thần, tạo môi trường co người cao tuổi rèn

21
luyện thể dục thể thao, tham gia hội bạn và nâng cao phúc lợi xã hội cho người
cao tuổi [13]. Thế nhưng, kế hoạch trên vẫn còn viết rất chung chung, không nêu
cụ thể về tiến độ, lộ trình, cách tiển khai và phương thức đánh giá như thế nào.

Như vậy, có thể nói rằng, “khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi tại
Việt Nam” là một mảng nghiên cứu mới, thú vị và có tính lý luận lẫn thực tiễn
cao. Dữ liệu nghiên cứu sẽ góp phần chung tay chăm sóc người cao tuổi ở Việt
Nam nói riêng và trên thế giới ngày càng tốt hơn.

1.2. Lý luận về khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi

1.2.1. Khủng hoảng tâm lý và khủng hoảng lứa tuổi

1.2.1.1. Khủng hoảng tâm lý

a. Khái niệm

Từ “khủng hoảng” trong tiếng Anh là “crisis” được hiểu như một trạng thái
sốc tinh thần bị tạo bởi một sự kiện hoặc một chuỗi sự kiện bất thường.

Trong tiếng Trung Quốc, từ “cuộc khủng hoảng” được viết ghép từ hai ký
tự là “nguy hiểm” và “cơ hội”. Một cuộc khủng hoảng được xem như một trở ngại,
chấn thương, hoặc đe dọa, nhưng đó cũng có thể là một cơ hội cho sự phát triển
và thích ứng.

Theo “Từ điển Tâm lý học” của tác giả Vũ Dũng, khủng hoảng trong tâm
lý học là trạng thái rối loạn tâm lý, dẫn tới không thoả mãn kéo dài với bản thân
và với môi trường bên ngoài [3].

Như vậy, xét trên bình diện sức khỏe tâm thần, một cuộc khủng hoảng
không nhất thiết phải đề cập đến tình trạng chấn thương tâm lý rõ ràng, mà chủ
yếu nói đến tiến trình phản ứng của một người với một sự kiện đột ngột. Một
người có thể bị ảnh hưởng sâu sắc bởi một sự kiện, trong khi người khác bị ảnh
hưởng xấu ít hoặc không có. Đôi khi một cuộc khủng hoảng là một phần dự đoán

22
của chu kỳ cuộc sống, chẳng hạn như các cuộc khủng hoảng được mô tả trong giai
đoạn phát triển của Erikson trong tâm lý xã hội.

Tình trạng khủng hoảng có thể kéo dài từ một đến tám tuần và nếu không
có biện pháp giải quyết khủng hoảng một cách phù hợp, có thể gây ra những ảnh
hưởng tiêu cực trầm trọng tới cá nhân, khiến cá nhân trở nên rối trí, bất lực, mất
cân bằng, căng thẳng và giảm sút các hoạt động chức năng vốn có.

b. Phân loại

Từ những phân tích trên, có thể phân ra hai dạng khủng hoảng tâm lý thường
gặp:

- Khủng hoảng nảy sinh do tình huống

Loại khủng hoảng này có thể thấy khi một sự kiện bất ngờ xảy ra mà cá
nhân không được biết trước, không có sự chuẩn bị đối phó; hoặc khi một sự kiện
căng thẳng có thể được dự đoán trước sẽ xảy ra trong tương lai, tuy nhiên sự kiện
này khiến cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của cá nhân thay đổi, hoặc đảo lộn
khiến cá nhân khó thích ứng. Trường hợp thường thấy như có người thân (người
mà cá nhân phụ thuộc về tình cảm) bị chết, hoặc chia xa; gặp phải tai nạn, thiên
tai; hoặc mất khả năng tự chủ về thể chất và tinh thần...

Khủng hoảng kéo dài có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới bản
thân người bị khủng hoảng và gián tiếp tới những người xung quanh. Dù với
nguyên nhân nào thì để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này thì người bị khủng
hoảng cũng rất cần có sự hỗ trợ của người thân và của những người có chuyên
môn để có những cách đối phó và ứng phó hợp lý và hiệu quả.

- Khủng hoảng trong quá trình phát triển (khủng hoảng lứa tuổi)

Loại khủng hoảng này thường thấy khi cá nhân bước vào những giai đoạn
khác trong quá trình phát triển (có thể gọi là thời kỳ quá độ). Sự chuyển tiếp này
đòi hỏi cá nhân có một số vai trò trách nhiệm mới mà họ chưa được chuẩn bị đầy

23
đủ về tâm lý xã hội dẫn đến tình trạng khó, hoặc không thể thích ứng kịp. Những
giai đoạn này có thể thấy như: sự chuyển tiếp từ lứa tuổi thanh thiếu niên sang lứa
tuổi trưởng thành, nam nữ kết hôn, phụ nữ sinh con đầu lòng, người già về hưu.

1.2.1.2. Khủng hoảng lứa tuổi

a. Khái niệm

Khủng hoảng lứa tuổi là thuật ngữ dùng để chỉ các giai đoạn phát triển lứa
tuổi chuyển tiếp, chiếm vị trí giữa các thời kỳ ổn định [3].

Theo Erikson, khủng hoảng lứa tuổi như là sự giải quyết nhiệm vụ cơ bản
của lứa tuổi [50, trích theo].

Theo L. X. Vygotsky, khủng hoảng lứa tuổi được xác định như là sự thay
đổi hoàn chỉnh nhân cách của con người xuất hiện trong sự chuyển đổi giữa các
thời kỳ ổn định. Khủng hoảng lứa tuổi quy định sự hình thành những phát sinh
tâm lý cơ bản mới xuất hiện trước giai đoạn ổn định. Những điều này dẫn đến sự
phá huỷ một tình huống xã hội nào đó của sự phát triển và làm xuất hiện những
tình huống mới, tương ứng với hình ảnh tâm lý mới. Cơ chế sự thay đổi tình huống
xã hội của sự phát triển chứa đựng nội dung tâm lý của khủng hoảng lứa tuổi. Các
tiêu chuẩn về hành vi của khủng hoảng lứa tuổi là khó giáo dục, xung đột, bướng
bỉnh, tiêu cực,… [53, trích theo].

Như vậy, khủng hoảng lứa tuổi là hiện tượng tâm lý nảy sinh trong quá
trình chuyển tiếp từ lứa tuổi này sang lứa tuổi khác, tạo ra những khó khăn
nhất định cho con người trong quá trình thích ứng với những đặc điểm tâm lý
- xã hội mới.

b. Phân loại

Theo Erickson, con người trải qua một loạt tám cơn khủng hoảng tâm lý xã
hội đặc trưng cho mỗi lứa tuổi của cuộc đời mà hậu quả thuận lợi và không thuận
lợi sẽ có tính quyết định đối với sự phát triển nảy nở về sau của người đó.

24
- Cơn khủng hoảng 1: Xuất hiện ở những năm đầu cuộc đời tương ứng với
giai đoạn môi miệng của Freud. Nó tương ứng với cung cách các nhu cầu sinh lý
cơ sở (bậc nhu cầu thứ nhất - theo Maslow) của trẻ có được người chăm sóc thoả
mãn hay không thoả mãn. Tuỳ từng trường hợp mà đứa trẻ đó phát triển lòng tin
cơ bản vào thế giới hay ngược lại, ngờ vực thế giới.

- Cơn khủng hoảng 2: Gắn với sự tập luyện đầu tiên và chủ yếu là tập luyện
sạch sẽ - tương ứng với giai đoạn hậu môn của Freud. Nếu trong giai đoạn này bố
mẹ hiểu con và giúp con làm chủ cơ thể mình thì đứa bé có kinh nghiệm tự chủ.
Ngược lại, sự kiểm tra quá nghiêm khắc hoặc không nhất quán từ bên ngoài ngoài
tác động vào chỉ có thể dẫn đến sự hổ thẹn và sự hoài nghi nhất là liên quan đến
sợ hãi mất làm chủ cơ thể của trẻ.

- Cơn khủng hoảng 3: Tương ứng với trẻ mẫu giáo. Đây là thời kỳ trẻ khẳng
định bản thân. Những dự án trẻ có trong mọi lúc mà người lớn để trẻ em thực hiện
và cho phép em có được óc sáng kiến. Ngược lại tinh thần thất bại lặp lại và không
có trách nhiệm có nguy cơ đưa trẻ đến cam chịu và có mặc cảm tội lỗi.

- Cơn khủng hoảng 4: Xuất hiện ở tuổi đi học của trẻ. ở trường, trẻ học làm
việc, chuẩn bị cho các nhiệm vụ tương lai. Từ đó dẫn đến kết quả là hình thành
sự ham thích làm việc tốt hoặc mặc cảm tự ti về sự kém cỏi của bản thân khi sử
dụng các phương tiện và công cụ không thành công hoặc khi đứng trước bạn bè
của trẻ. Kết quả này do không khí học tập và phương pháp giáo dục ở nhà trường
tạo nên.

- Cơn khủng hoảng 5: Còn gọi là khủng hoảng tuổi dậy thì, xảy ra khi thanh
thiếu niên nam và nữ trải qua khi đi tìm bản sắc của mình. Bản sắc liên quan đến
sự thống hợp các kinh nghiệm trước đây với các tiềm năng, này các lựa chọn phải
thực hiện. Nếu trẻ không thể hoặc khó có thể tạo ra tinh thần bản sắc sẽ dẫn đến
sự phân tán bản sắc hoặc lẫn lộn vai trò phải đóng trên bình diện cảm xúc, xã hội,
nghề nghiệp của trẻ trong giai đoạn đó và trong suốt cuộc đời.

25
- Cơn khủng hoảng 6: Dành riêng cho những người lớn trẻ tuổi, tương ứng
với việc đi tìm sự thân mật với một “đối tác” mình yêu để cùng chia sẻ tình cảm,
chu kỳ làm việc, sự sinh sản con cái và sự giải trí nhằm đảm bảo cho các con một
sự phát triển đầy đủ. Ngược lại, nếu một người nào đó tránh các trải nghiệm này
thì sẽ dẫn đến tự cách ly và co mình lại, xa lánh xã hội và mọi người xung quanh.

- Cơn khủng hoảng 7: Xảy ra ở độ tuổi 40. Đặc điểm của nó là tính sản sinh,
chủ yếu là quan tâm và giáo dục thế hệ tiếp theo, thể hiện bằng khả năng tạo kết
quả và tính sáng tạo trong các lĩnh vực khác nhau. Nếu ngược lại sự tiến hoá của
đôi lứa không đi theo lối đó có nguy cơ bị trì trệ trong sự giải thân mật, đưa lứa
đôi đến sống cho mình và tất yếu dẫn đến nguy cơ nghèo nàn mối quan hệ giữa
hai người.

- Cơn khủng hoảng 8: Tương ứng với tuổi già, là kết quả của các giai đoạn
trước và kết cục của nó là tuỳ cung cách mà mỗi người vượt qua các giai đoạn đó.
Xuất phát từ bảng tổng kết các việc đã làm trong quá khứ và việc chấp nhận chúng
như là một hệ thống không thể thay đổi mà con người đạt đến sự toàn vẹn cá nhân.
Khi mà sự toàn vẹn của các hành động trong quá khứ không thể thực hiện được
thì con người sẽ kết thúc đời.

Như vậy, khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi được xem là sự khủng
hoảng lứa tuổi và tương ứng với cơn khủng hoảng 8 theo cách phân loại mà
Erickson đã đề cập [53, trích theo].

1.2.2. Khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi

1.2.2.1. Người cao tuổi và đặc điểm tâm lý của người cao tuổi

* Người cao tuổi

Người cao tuổi hay người cao niên hay người già là những người lớn tuổi,
thường có độ tuổi khoảng từ 60 trở lên. Pháp lệnh người cao tuổi ở Việt Nam (số
23/2000/PL-UBTVQH, ra ngày 28/04/2000) nhận định: “người cao tuổi có công

26
sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách và vai trò quan trọng
trong gia đình và xã hội”.

* Đặc điểm tâm lý của người cao tuổi

Như đã đề cập, hoàn cảnh xã hội quy định những thay đổi về tâm lý ở người
cao tuổi chính là sự kiện nghỉ hưu. Nhiều người cao tuổi khi đã kết thúc thời kỳ
lao động của mình để được nghỉ ngơi, thư giãn và đây là tuổi hưu của con người.
Tuy nhiên, sự thay đổi này làm cho tâm lý người cao tuổi có những biến đổi nhất
định và hình thành nên một số vấn đề đáng quan tâm.

- Sự biến đổi tâm lý khi nghỉ hưu

Những nét tâm lý tiêu biểu ở người cao tuổi trong và sau khi đối mặt với
việc nghỉ hưu có thể được xem xét như sau:

+ Hoạt động trí tuệ bị hạn chế, hoạt động trí nhớ giảm sút, chủ yếu là nhớ
các vấn đề thuộc về quá khứ, đã trải nghiệm [14].

+ Năng lực tư duy, năng lực học tập của người cao tuổi giảm sút.

+ Khả năng ngôn ngữ của người cao tuổi cũng gặp khó khăn và có những
hạn chế nhất định. Phát âm của người già thường thiếu độ chính xác do sự lão hóa
của miệng, lưỡi răng, giọng nói thường trầm, khó nghe.

+ Người cao tuổi thường thích hoạt động vui vẻ, sợ bị rơi vào không khí tĩnh
mịch, rất sợ cảnh ồn ào, náo nhiệt của những khung cảnh hiện đại và “ tự do” của
xã hội.

+ Người cao tuổi thường rất vui khi được mọi người tôn trọng, dễ cảm thấy
bị hụt hẩng, bị tổn thương về mặt tâm linh. Tính cách của người cao tuổi dần dần
hướng nội, không muốn tiếp xúc với mọi người, nhìn cảnh hôm nay nhớ lại cảnh
xưa, sống âm thầm và buồn bực. Một số người thường hay cáu gắt, nhạy cảm, so
sánh với người khác để rồi u uất, chạnh lòng.

27
+ Khả năng sáng tạo của một số người cao tuổi vẫn rất rõ ràng, có động cơ
đạt thành tích mãnh liệt, với tinh thần phấn đấu cầu tiến, có ý chí theo đuổi sự
nghiệp. Chính những yếu tố này làm cho người cao tuổi vẫn sáng tạo ra những giá
trị nhất định có ý nghĩa với cuộc đời và mọi người.

Theo Nguyễn Quang Thái (2000), người cao tuổi rất thích nói trường thọ,
sợ tiếng bi ai, chia ly. Một số người cao tuổi rất chú ý đến việc bảo vệ sức khoẻ,
rất kiên trì luyện tập, khát vọng có được kiến thức bảo vệ sức khoẻ, sợ phải chết,
bị bệnh hoạn… không muốn nghe đến sự mất mát của người thân và bạn bè [15].

Một số người cao tuổi sau khi nghỉ hưu cảm thấy trống rỗng, buồn chán,
nhàn rỗi, không biết làm gì, thấy mình ngày càng cô độc, u uất, có cảm giác sống
thừa, có một số người già cảm thấy bức thiết phải được tham gia vào các hoạt
động cụ thể, được làm việc theo khả năng, để làm giảm đi cảm giác cô quạnh của
mình, cảm giác sống không có ích… [14].

Người cao tuổi thường gắn bó nhiều hơn với đời sống tâm linh, với dòng
họ, với gia đình và con cháu. Nhiều người cao tuổi rất yêu thích việc tham gia các
lễ lộc, lễ hội và các công việc “trọng đại” về “tinh thần” của làng xóm, khu phố.
Người cao tuổi cũng rất quan tâm đến lịch sử, gia phả của dòng họ, gia đình và
thường đầu tư nhiều công sức để hoàn thiện các công việc trước đây chưa thể thực
hiện. Đây chính là quan niệm về việc làm gương cũng như việc xác lập phương
thức tìm được các niềm vui tinh thần của người cao tuổi. Người già cũng rất quan
tâm đến con cháu và xem con cháu như là tài sản quý báu của gia đình, dòng họ.
Người cao tuổi luôn luôn có tâm niệm là phải cố gắng giáo dục cho con cháu trong
gia đình trở thành những người thật giỏi giang và có ích, nổi bật trong xã hội và
đây không chỉ là mục đích mà còn là nguyện vọng và là niềm vui, niềm hãnh diện.

Người cao tuổi cũng thường thấy “vui nhớ những việc xưa, sợ quên mất
truyền thống”. Người cao tuổi rất thích nhắc lại những câu chuyện xưa, thích nói

28
đến những gian khổ và vinh quang mà mình đã trãi qua, thường ưu tư sâu sắc các
vấn đề xã hội, thời sự.

Trong giai đoạn này, người cao tuổi thường tự xem xét, đánh giá về quãng
đời đã qua của mình. Một số người cao tuổi cũng có khuynh hướng viết hồi ký,
bút ký… để xem xét và ghi lại những kỷ niệm, những kinh nghiệm, trải nghiệm
của bản thân mình để làm niềm vui cho chính mình cũng như nhằm để lại cho con
cháu và hậu thế những gì quý giá nhất [15].

Khi người cao tuổi làm cái việc “tự kiểm điểm, tự đánh giá” này thường
xảy ra hai trạng thái tâm lý khác nhau: Một số người cao tuổi tỏ ra hài lòng với
quá khứ và thực tại, ngược lại một số người khác cảm thấy hối tiếc vì những gì đã
trãi qua trong cuộc đời mình. Chính “sự hối tiếc”, “mình sợ chết”, thường làm cho
người cao tuổi bị căng thẳng về mặt tâm lý và cũng có thể dẫn đến stress.

- Stress ở người cao tuổi

Có nhiều khái niệm về stress nhưng có thể khẳng định stress là một tình
trạng ấm ức kéo dài, choáng váng mạnh và lâu tạo ra căng thẳng về thần kinh và
tâm lý. Stress của tuổi già thường có đặc điểm chung là buồn bã, ưu uất, không
muốn giao tiếp, quan hệ với mọi người, rối loạn hành vi vận động và ngôn ngữ
[15].

Stress người cao tuổi xuất phát từ “hội chứng tuổi nghỉ ngơi” có thể khắc
phục được hội chứng này cũng như khắc phục hoặc làm giảm bớt stress ở người
cao tuổi bằng các biện pháp tâm lý:

+ Cần nhận thức việc về hưu, nghỉ ngơi là quy luật tất yếu với tất cả mọi
người khi tuổi cao sức giảm.

+ Sống và làm việc hết sức, hết khả năng và tận tâm trong suốt thời gian
đảm đương công việc trách nhiệm để đem lại sự thanh thản, tránh những điều hối
tiếc.

29
+ Chuẩn bị những điều kiện vật chất, kinh tế tốt nhất cho tuổi già.

+ Nỗ lực nuôi dạy con cái và góp phần chuẩn bị nghề nghiệp, cuộc sống
tương lai cho con cái.

+ Chuẩn bị tâm thế để có cuộc sống về hưu, chuẩn bị những điều kiện về tâm
lý để có sự hòa hợp với con cái, cháu chắt trong đời sống gia đình sau này.

+ Gia nhập các tổ chức xã hội để tiếp tục hoạt động trong một điều kiện cho
phép đặc biệt các hội, nhóm để tránh rơi vào trạng thái bị cô độc. Tăng cường các
hoạt động đọc sách, báo, viết hồi ký, giúp đỡ con cháu trong chừng mực để cải
thiện yếu tố tinh thần trong đời sống tâm lý.

+ Tôn trọng những ý kiến chung của gia đình tránh tình trạng suy tôn bản
thân, chủ quan với quan điểm của riêng mình mà phủ nhận tất cả các ý tưởng và
suy nghĩ của thế hệ trẻ. Biết chấp nhận khi đặt mình vào thời đại, vào nghĩ suy
của người trẻ tuổi.

+ Duy trì chế độ sinh hoạt hàng ngày một cách đều đặn, hợp lý.

+ Tăng cường việc tập thể dục, tham gia tập thể dục sáng, thể dục dưỡng sinh
ở địa phương nhằm cải thiện sức khoẻ, mở rộng mối quan hệ giao lưu nhằm phòng
ngừa và giảm stress trong cuộc sống.

- Sự suy lão tâm lý của người cao tuổi

Khi chuyển từ tuổi trung niên sang tuổi già, từ những biến đổi về mặt tâm
lý và sự lão hóa của các giác quan, hệ thần kinh đã dẫn đến sự suy lão tâm lý:

+ Suy lão cảm giác, tri giác: Mắt lão hoá, thính lực không như trước, vị giác
kém, những thứ trước đây ăn rất ngon thì nay cảm thấy nhạt nhẽo, vô vị.

+ Trí nhớ giảm: Dễ quên tên người quen, đọc trang sách trước quên trang

sách sau và những sự việc vừa mới nói.

30
+ Sức tưởng tượng giảm: Lý tưởng dần dần mất, ước mơ ngày càng giảm,
không có gì để ngạc nhiên. Đầu óc buổi tối không tỉnh táo như buổi sáng, thiếu
lòng hiếu kỳ với sự vật mới.

+ Năng lực ngôn ngữ giảm: Nói chuyện chậm chạp.

+ Năng lực tư duy giảm: Khó tập trung suy nghĩ vấn đề gì. Học tập điều mới
cảm thấy rất khó khăn, thậm chí sợ học những điều mới.

+ Tình cảm không ổn định: Dễ xúc động và dễ bị áp lực tình cảm, thường
rơi nước mắt. Gặp khó khăn không bình tĩnh tự tin như trước, luôn luôn có cảm
giác nôn nao không rõ ràng, với tiếng ồn cảm thấy rất khó chịu, không quen nghe
nhìn những hành vi và lời nói của lớp trẻ.

+ Ý chí giảm: Làm việc thiếu nghị lực, thích làm theo kinh nghiệm cũ, thiếu
tinh thần mạo hiểm với bất kỳ một sự việc gì. Những việc định làm thường không
làm ngay, rồi dần dần việc gì cũng không muốn làm nữa.

+ Năng lực phản ứng giảm, động tác không linh hoạt như trước, đối với sự
việc không nhạy cảm, hồi phục chậm khi mệt mỏi. Thời gian ngủ ít hơn trước.

+ Hứng thú sở thích giảm, phạm vi vui thích trong cuộc sống nhỏ. Không
còn thích xem tiểu thuyết, điện ảnh ti vi có liên quan đến tình yêu, không còn
thích tham gia các loại hoạt động, đặc biệt là hoạt động tập thể.

+ Có cảm giác suy lão và cảm giác chán đời, luôn luôn cảm thấy mình đã
già, có ý nghĩ mình đã gần đất xa trời. Thường hồi tưởng lại bạn hữu đã qua rồi
lại liên tưởng đến mình để buồn rầu…

+ Dễ cáu kỉnh, giận dữ, cô độc, thậm chí không muốn gần ai.

+ Dễ lo nghĩ bất an và lo nghĩ này thường kéo dài.

+ Tính tình dễ thay đổi, lãnh đạm với kích thích chung, cường độ phản ứng
thấp.

31
+ Nhạy cảm đa nghi: Giác quan của người già không nhạy bén, rất chăm chú
để ý những chuyện bóng gió như thật như giả, thường coi việc nghe nhầm

nhìn nhầm là hại mình, rồi tủi thân.

+ Dễ sinh cảm giác cô độc, nguyên nhân chủ yếu là sức khoẻ người già suy
yếu ảnh hưởng đến tâm lý. Xã hội xa rời người già và người già rút lui khỏi xã
hội cũng là một nguyên nhân, tính cách của họ từ hướng ngoại trở thành hướng
nội, muốn ở ẩn, không muốn nhìn về phía trước, thích ôn lại hồi ức đã qua.

+ Dễ tự ti: Người già thường cảm thấy mình già rồi, không còn được trọng
dụng nữa. Nếu gặp phải mức sống thấp kém, cuộc sống không có ai chăm sóc,
bệnh tật và những khó khăn khác, sẽ làm cho người già hết sức khổ sở, lòng tự ti
cũng theo đó mà tăng lên.

+ Cứng nhắc hoá thói quen tâm lý: Thói quen sinh hoạt và thói quen làm việc
lâu ngày tích lũy lại, làm cho thói quen tâm lý của người già rất cứng nhắc. Tuổi
càng cao thói quen hình thành càng cứng nhắc.

+ Bảo thủ cố giữ quan điểm và thói quen của mình, không tán thành ý kiến
và quan điểm của người khác [14].

Ngoài những thay đổi tâm lý do sự suy lão tâm lý của người cao tuổi, triệu
chứng biểu hiện của tâm lý người cao tuổi nữ cũng rõ rệt hơn nam giới, chủ yếu
là cảm thấy bản thân đã già yếu, có tâm trạng không ổn định, phiền muộn, một số
người sợ sau khi mãn kinh đòi hỏi tình dục suy giảm, mất đi sức hấp dẫn vốn có
của phụ nữ, có người nhìn thấy con cái lần lượt rời khỏi tổ ấm ra sống riêng, chỉ
còn trơ trọi một mình, cảm thấy mất mát, bơ vơ. Những thay đổi về tâm lý dẫn
đến sự thay đổi tính cách và hành vi như: lo nghĩ, trầm mặc, ít lời, thích ngồi ở
nhà một mình, nôn nóng, ủ rũ, đa nghi… Ngoài ra, người cao tuổi nữ còn có một
số đặc điểm tinh thần khác như rất nhậy cảm với mọi việc xung quanh, tính tình

32
cố chấp, thiên vị hay chú ý quá mức đến một số bệnh trạng của bản thân nên nôn
nóng, thường hay trách chồng con không quan tâm đến mình.

- Những bệnh người già do suy lão tâm lý

Y học hiện đại đã chứng minh những bệnh người già do suy lão và thay đổi
tâm lý. Yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý bình thường của
các hệ thống cơ thể. Nếu kéo dài sẽ gây trở ngại cho chức năng sinh lý và có thể
thành bệnh như: Tính tình căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến chức năng não, chức năng
hệ thống nội tiết, chức năng tim mạch, chức năng trao đổi chất và chức năng miễn
dịch. Nó có thể ảnh hưởng đến bốn loại kích thích tố trong cơ thể như: kích thích
tố tuyến thượng thận, kích thích tố chất bì tuyến thượng thận, kích thích tố tình
dục, kích thích tố tuyến giáp trạng. Ức chế lâu ngày, phẫn nộ, chịu đựng gia đình
bất hoà, người thân chết… có ảnh hưởng rất rõ đến sự phát triển bệnh tật, thời kỳ
đầu làm cho hệ thống nội tiết hoạt động mất cân bằng, thời kỳ sau làm giảm khả
năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Từ đó đẩy nhanh sự phát triển của quá trình
bệnh lý.

Chứng hay lo nghĩ làm cho người già thường xuất hiện sự sợ hãi, bất an
không rõ nguyên nhân, suốt ngày hoang mang lo sợ, đứng ngồi không yên nôn
nao căng thẳng và thường kèm theo ra mồ hôi, khô miệng, tiểu tiện nhiều lần.
Chứng buồn phiền thường kèm theo cảm giác khó chịu trong người như đau đầu,
đau lưng, ăn uống kém, mất ngủ, mệt mỏi [15].

Suy lão và thay đổi tâm lý làm cho người già thường mắc bệnh tâm thần cụ
thể là bệnh “lẫn”, ở thời kỳ đầu xuất hiện sự thay đổi nhân cách như tự ti, hẹp hòi,
vô tình, lãnh đạm, sinh hoạt khắc khổ, giảm khả năng phán đoán và hoạt động trí
nhớ giảm dần dần sẽ không còn nhớ tên tuổi của mình, không phân biệt được con
cháu, người thân, ra ngoài không nhớ đường về nhà, ăn không biết no, làm những
việc không có ý nghĩa. Thời kỳ sau là hoàn toàn không tự chủ được mình.

33
1.2.2.2. Khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi

Về hưu là giai đoạn xảy ra ở đầu tuổi già, xác nhận con người dừng công
tác chuyên môn hoàn toàn. Hưu trí là tên gọi chỉ chung cho những người đã về
hưu hoặc nghỉ hưu theo chế độ và được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Hưu
trí thường là người già, người có thâm niên công tác nhất định (ngoại trừ một số
trường hợp nhà nước cho nghỉ mất sức vì thực hiện các công việc nặng nhọc, độc
hại...).

Điều 187 Bộ luật Lao động quy định về tuổi nghỉ hưu như sau: 1. Người
lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của
pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ
55 tuổi. 3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động
làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi
cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này [54].

Mục I Thông tư 19/2001/TT-BTCCBCP của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính


phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 71/2000/NĐ - CP của Chính phủ quy định
về việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu
(sau đây gọi là Thông tư 19/2001/TT-BTCCBCP) quy định về đối tượng được
xem xét kéo dài thời gian công tác, trong đó bao gồm: Những người có học vị tiến
sĩ khoa học; Những người có chức danh giáo sư, phó giáo sư đang trực tiếp nghiên
cứu, giảng dạy theo đúng chuyên ngành ở Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công
nghệ quốc gia, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, các Viện, Học
viện và các Trường Đại học [54].

Khoản 1, mục IV, Thông tư 19/2001/TT-BTCCBCP quy định giới hạn thời
gian công tác kéo dài của cán bộ, công chức như sau: Thời gian công tác kéo dài
thêm của cán bộ, công chức được thực hiện từ 01 năm đến không quá 05 năm.

34
Về quyền lợi của cán bộ, công chức trong thời gian công tác kéo dài thêm,
khoản 2 mục IV Thông tư 19/2001/TT-BTCCBCP quy định: Cán bộ, công chức
kéo dài thêm thời gian công tác được hưởng lương và các chế độ khác theo nguyên
tắc bảo đảm tiền lương và chế độ khác không thấp hơn tiền lương và chế độ đã
hưởng trước khi thực hiện kéo dài thêm thời gian công tác [54].

Tuy nhiên, gần đây, theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ
quy định khi đến tuổi nghỉ hưu, nếu các đối tượng là tiến sĩ, giáo sư , phó giáo sư
có đủ sức khỏe và nguyện vọng được tiếp tục công tác chuyên môn, đồng thời cơ
sở Giáo dục Đại học cũng có nhu cầu sử dụng thì tiến sĩ sẽ được kéo dài thêm 5
năm công tác, phó giáo sư kéo dài thêm 7 năm và giáo sư là 10 năm [54].

Như vậy, khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi là hiện tượng tâm lý
nảy sinh trong quá trình chuyển tiếp từ lứa tuổi trung niên sang lứa tuổi già
bằng việc dừng lao động hoàn toàn, tạo ra những khó khăn nhất định cho
người cao tuổi trong quá trình thích ứng với những đặc điểm tâm lý - xã hội
mới.

1.2.2.3. Biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi

Theo G. D. Davis (2007), việc lập kế hoạch cho sự kiện về hưu ở người cao
tuổi được chia thành các mặt biểu hiện như sau:

- Sự dự kiến tổn thất: Đây là tâm thế của người cao tuổi phải đối mặt với sự
mất mát của các vai trò công nhân. Cụ thể, người cao tuổi gặp khó khăn khi bị
giảm thiểu những sự hỗ trợ xã hội, quyền lực có được khi họ làm việc và các mục
tiêu hay tham vọng của con người.

- Kết cấu cuộc sống: Khi nghỉ hưu, thoát khỏi vai trò lao động, người cao
tuổi phải đối mặt với thử thách cân bằng cuộc sống. Đặc biệt, khi người cao tuổi
có thể xảy ra hiện tượng chán chường khi nghỉ hưu có thể có vẻ giống như một kỳ
nghỉ vô tận.

35
- Mối quan hệ với vợ chồng/ bạn tình: Tác giả cho rằng, sự chuyển biến từ
lao động sang nghỉ ngơi không chỉ tác động đến cách người cao tuổi cân bằng
cuộc sống của chính họ mà còn thể hiện ở mối quan hệ với người bạn đời của
mình. Lúc này có thể người bạn đời của họ vẫn còn trong thời gian làm việc, điều
này tăng gánh buồn chán cho người cao tuổi, hoặc cũng có thể bạn đời của họ nghỉ
hưu cùng khoảng thời gian, điều này làm cho cả hai cùng hoang mang vì giai đoạn
đòi hỏi sự thích ứng khi về hưu này.

- Bản ngã: Đó là biểu hiện về khoảng thời gian nghỉ hưu như khoảng thời
gian lặng mà con người nhìn về chính mình và tự đánh giá mình như thế nào. Đó
có thể là những tiếc nuối, những kỳ vọng, những tự hào, hay những kỷ niệm đẹp
mà giúp người cao tuổi hoài niệm về sự tồn tại của mình trong suốt một kiếp người
[28].

Như vậy, hệ thống lý luận của G. D. Davis được đề cập khá công phu, đảm
bảo sự tin cậy và hiệu lực về mặt thống kê với các bằng chứng xác thực, rõ ràng.
Thế nhưng, chính tác giả cũng cho thấy rằng, việc thiết kế các biểu hiện trong
thang đo này vẫn còn thiếu sót và hướng về việc lập kế hoạch mà thiếu cơ sở mô
tả về hiện tượng khó khăn của người cao tuổi khi về hưu. Do đó, bảng hỏi có thể
bỏ sót một số mặt cần thiết mà các nghiên cứu sau bằng phương pháp nghiên cứu
định tính có thể tìm ra được.

Năm 2013, Wang and Shultz (2010) công bố thang đo về cơ sở tâm lý khủng
hoảng về hưu ba gồm sáu mặt biểu hiện:

- Mặt thể chất: sức khỏe về trí tuệ, sự một khoẻ mạnh và năng lượng cao về
cơ thể là những ví dụ của các nguồn lực vật chất có tương quan với sự hạnh phúc
tuổi hưu trí.

- Mặt tài chính: bao gồm cả thu nhập sau khi về hưu và một cảm giác an
toàn trong thu nhập là rất quan trọng trong việc đạt được sự thoả mãn khi nghĩ

36
hưu. Thu nhập sau khi về hưu có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau như tiết
kiệm cá nhân, đầu tư và lương hưu của chính phủ.

- Mặt xã hội bao gồm nguồn lực, chất lượng của các mối quan hệ tương tác
xã hội và các hình thức hỗ trợ xã hội. Hai thành tố quan trọng trong hỗ trợ xã hội
là những mối quan hệ có giá trị (vợ chồng, con cái,…) và các hoạt động (thú vui,
sở thích, cầu nối nghề nghiệp,…).

- Mặt cảm xúc bao gồm cảm xúc tích cực và trí tuệ cảm xúc. Trong thực tế,
bằng chứng ngày càng tăng cũng chỉ ra vai trò của cảm xúc tích cực trong việc
đối phó căng thẳng. Một nguồn cảm xúc quan trọng thứ hai, trí tuệ cảm xúc (EI),
được xem là khả năng nhận thức, tạo ra, hiểu và quản lý cảm xúc.

- Mặt nhận thức: Khả năng nhận thức quan trọng đối với quá trình lão hóa
bao gồm bộ nhớ, tốc độ xử lý, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng học tập.

- Mặt động cơ: Hai chiến lược có thể giúp ích cho người về hưu thích ứng
với những thay đổi và quản lý các mục tiêu của họ theo đuổi hiệu quả đó là: kiên
định mục tiêu và điều chỉnh mục tiêu linh hoạt. Hai yếu tố này nói về mức độ mà
một cá nhân có thể theo đuổi mục tiêu của mình kiên trì bất chấp những trở ngại
và mức độ mà người ta có thể điều chỉnh mục tiêu của mình với hoàn cảnh cuộc
sống tương ứng [38].

Như vậy, có thể thấy, các tác giả trên đặc biệt chú ý thêm vấn đề về tài
chính và thể chất khi xem xét đến nguồn gốc của sự khủng hoảng và biểu hiện
khủng hoảng về hưu. Đó cũng là những thay đổi đặc trưng khi con người chuyển
từ trạng thái làm việc sang giai đoạn dừng lao động ở tuổi già.

Từ các quan điểm trên, cùng với định nghĩa đã xác lập, khái niệm “biểu
hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi” được thao thác hoá thành các mặt biểu
hiện: biểu hiện về mặt bản ngã, biểu hiện về mặt tài chính, biểu hiện về mối quan
hệ vợ chồng, biểu hiện về mối quan hệ với con cháu, biểu hiện về mặt thú vui/sở

37
thích - các mối quan hệ sơ giao và biểu hiện về mặt sức khoẻ. Đây có thể được
xem là các mặt cơ bản trong đời sống của người cao tuổi, nơi có thể thể hiện nét
đặc trưng trong khủng hoảng tuổi về hưu.

* Biểu hiện về mặt bản ngã

Mặt biểu hiện này nhằm chỉ đến việc người cao tuổi nhìn nhận hướng về
bản thân và ý nghĩa cuộc sống của chính mình. Về hưu là khoảng thời gian mà
con người có thời gian để nhìn lại bản thân qua những năm tháng tuổi trẻ, lúc này
những hồi ức sống lại tạo ra cảm giác tự hào hay nuối tiếc, hãnh diện hay xấu hổ,
vui tươi hay bắt đầu thấy mòn mỏi với dòng đời. Lúc này, hình ảnh bản thân, lòng
tự trọng cũng được quan tâm rõ nét hơn. Những yếu tố tiêu cực trong sự đánh giá
về quá khứ và hiện tại của người cao tuổi là dấu hiệu cho thấy họ đã rơi vào khủng
hoảng khi nhìn nhận về bản thân. Các biểu hiện cụ thể như sau:

- Các biểu hiện về bản thân liên quan đến sự nuối tiếc quá khứ

Đây là các dấu hiệu cho thấy người cao tuổi đã bỏ lỡ lý tưởng của mình khi
còn tuổi trẻ. Nhiều người khi còn trẻ, làm việc miệt mài, chăm chỉ, hăng say,
nhưng đến khi không còn có thể lao động được nữa, họ mới nhận ra là họ chưa
bao giờ làm công việc mình thích hoặc sống hết mình với hoài bão cuộc đời. Có
thể nói, điều này có thể tạo ra cho người cao tuổi sự nuối tiếc dai dẳng khi không
còn đủ cơ hội, sức khoẻ và thời gian để thực hiện trọn vẹn các dự định đó.

Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi gặp phải sự không hài lòng về cuộc sống
hiện tại từ việc không nỗ lực làm việc và tích luỹ ở quá khứ của người cao tuổi.
Khi về hưu, nhiều người vẫn chưa đạt được vị trí mình mong muốn hoặc rơi vào
tình trạng về hưu sớm. Điều này tạo nên cảm giác mặc cảm với những thiếu thốn
về vật chất hiện tại và sự kém nể trọng từ các mối quan hệ xung quanh.

Ngoài công việc, sức khoẻ cũng là một sự tiếc nuối khiến người cao tuổi
luôn trong tình trạng bất an. Điều này có thể vừa bộc lộ ở những người làm việc

38
quá lao lực ở tuổi trẻ vừa tồn tại trong những cá nhân sống hưởng thụ hoặc thiếu
kế hoạch. Sự nuối tiếc tồn tại cùng với sự bất mãn có thể dẫn người cao tuổi đến
những căng thẳng trong đời sống nội tâm của bản thân.

Từ những phân tích trên, các chỉ báo để đo biểu hiện về bản thân liên quan
đến sự nuối tiếc quá khứ trong khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi bao gồm:

+ Tôi nuối tiếc vì những dự định khi còn trẻ mình chưa làm được

+ Tôi ước gì mình đã cố gắng hơn để có một cuộc sống khi về hưu tốt hơn
và được mọi người tôn trọng hơn

+ Tôi cho rằng giá như khi còn trẻ, tôi dành nhiều thời gian để chăm sóc
bản thân hơn.

- Các biểu hiện về bản thân liên quan đến hiện tại

Có thể thấy, điểm đặc trưng xác định sự khủng hoảng khi về hưu là cảm
giác mất ý nghĩa trong cuộc sống ở người cao tuổi. Họ ngoài nuối tiếc ở quá khứ
còn trở nên bất lực ở hiện tại và không còn gì mong chờ ở tương lai. Thực tế, họ
có cảm giác như mình đang chờ cái chết. Khi không tận hưởng và trân trọng cuộc
sống, người cao tuổi có thể bị xoáy sâu hơn trong những suy nghĩ tiêu cực của
chính mình.

Song song với điều này, hình ảnh bản thân là vấn đề được người cao tuổi
rất quan tâm. Sự suy giảm về thể lực, sắc đẹp đối với tuổi già là khó níu kéo hơn
rất nhiều so với tuổi trung niên. Sự đánh giá tiêu cực về hình ảnh bản thân là một
trong những biểu hiện quan trọng cho thấy cảm giác mặc cảm của người cao tuổi
hướng về chính mình.

Quan niệm về hưu là giai đoạn nghỉ ngơi và thư giãn không phải lúc nào
cũng là hiện thực trong cuộc sống của người cao tuổi, đặc biệt là những người rơi
vào tình trạng khủng hoảng. Khi cuộc sống về hưu chưa được chuẩn bị, những
gánh nặng về vật chất và tinh thần vẫn nặng trên vai người cao tuổi, họ sẽ có thể

39
lâm vào trạng thái quá mệt mỏi với cuộc sống hiện tại. Đây cũng là một trong
những dấu hiệu đặc trưng cho thấy những bất ổn trong cuộc sống nội tâm ở tuổi
xế chiều.

Nếu quá bận rộn tạo nên áp lực bản thân thì quá nhàn rỗi cũng không phải
lúc nào cũng được chấp nhận dễ dàng. Nhiều người cao tuổi có thể tồn tại cả hai
biểu hiện, vừa cảm thấy bộn bề vừa cho rằng những điều mình làm được chẳng
mang lại giá trị hay sự thoả mãn nào cả. Trong khi nhiều người có thời tuổi trẻ
quá huy hoàng, thì đến khi về hưu họ lại càng cô độc và nhìn nhận bản thân đang
quá kém cỏi, vô dụng.

Như vậy, các biểu hiện được cụ thể hoá thành các chỉ báo trong thang đo
khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi về mặt tự ý thức của bản thân đối với
cuộc sống hiện tại như sau:

+ Tôi nghĩ bản thân đã trở thành một ông già/bà già xấu xí

+ Tôi đang mòn mỏi sống từng tháng ngày cuối cùng của cuộc đời

+ Tôi cảm thấy rất mệt mỏi với cuộc sống hiện tại

+ Tôi cho rằng mình đang sống như một người vô dụng, không có giá trị.

Tất cả những biểu hiện này tạo thành sự bất an, nuối tiếc, không hài long
về cuộc sống quá khứ, hiện tại và tương lai ở người cao tuổi, là dấu hiệu rõ nét
cho thấy họ đã có sự khủng hoảng trong đời sống nội tâm của bản thân.

* Biểu hiện về mặt tài chính

Khi không còn lao động, người cao tuổi dễ nảy sinh những vấn đề về tài
chính để đảm đương cuộc sống của bản thân và gia đình. Mặc dù Việt Nam là một
trong những quốc gia có tính cộng đồng cao, điều này có nghĩa là quan niệm “con
cái là lương hưu của bố mẹ”, “khi cha mẹ về già, con cái phải chăm sóc về mặt
vật chất cho cha mẹ thật tốt”,… vẫn còn phổ biến, thế nhưng, phúc lợi từ xã hội

40
để chăm lo cho người cao tuổi vẫn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Do đó, mặt tài chính
vẫn được xem là một mặt biểu hiện không thể thiếu khi đề cập đến các triệu chứng
khủng hoảng tuổi về hưu.

Trong các biểu hiện về mặt tài chính, cảm giác mặc cảm khi không thể tự
thân lo cho cuộc sống của chính mình là biểu hiện rõ nét và thường gặp ở người
cao tuổi thuộc tầng lớp thu nhập thấp của xã hội. Bên cạnh đó, thực tế, không phải
con cái nào cũng đủ sức lo lắng được cho bố mẹ. Khi lương hưu không đủ để trang
trải cuộc sống, người cao tuổi càng phụ thuộc nhiều hơn về con cái, từ đó lòng tự
tin của họ cũng giảm đi, từ đó ảnh hưởng đến sự khoẻ mạnh trong đời sống tinh
thần.

Lao động vất vả trong suốt cuộc đời, việc không có tiền để dành dụm cũng
là một trong những điều khiến người cao tuổi phải trăn trở và nảy sinh cảm giác
chán nản, tủi thân. Hơn thế nữa, ý thức về đời sống nội tâm, sức khoẻ, sắc đẹp
giảm đi chính là một yếu tố quan trọng khiến người cao tuổi mong muốn có tài
chính, đồ đạc lưu trữ để phòng thủ, phòng khi bất trắc. Ngoài ra, nhiều người cao
tuổi còn phải tiếp tục vất vả bương chải cuộc sống để kiếm thêm. Không có tài
chính tốt là dấu hiệu cho thấy người cao tuổi có nguy cơ sống trong bất an khi đối
mặt với các vấn đề về sức khoẻ đột ngột xảy ra.

Hơn thế nữa, vấn đề về nơi ở không được sửa sang, kiên cố hay những thú
vui không được thực hiện trong tuổi về già do thiếu tài chính cũng tạo nên nỗi trăn
trở, làm giảm chất lượng đời sống tinh thần ở người cao tuổi sau khi về hưu.

Như vậy, các chỉ báo được thiết lập dựa trên các biểu hiện đã phân tích về
khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi trên bình diện tài chính như sau:

- Tôi cảm thấy mình trở thành người sống bám con cái

- Tôi không có tiền để dành

- Tôi muốn cất trữ và tiết kiệm tất cả đồ đạc

41
- Tôi phải sống ngày qua ngày rất hà tiện

- Tôi phải đi làm vụn vặt để kiếm thêm

- Nơi ở hiện nay của tôi đã xuống cấp và thiếu thốn

- Tôi không đủ tiền cho những thú vui của mình (chơi chim, cá cảnh, đọc
sách, trồng cây,…).

* Biểu hiện về mặt mối quan hệ vợ chồng

Tuổi về hưu là giai đoạn có nhiều sự chuyển biến trong đời sống hôn nhân
và gia đình của con người. Sức khoẻ yếu dần, tình yêu bị phai nhạt theo năm tháng,
con cái trưởng thành và rời xa,… là những biểu hiện cho thấy người cao tuổi đang
đối mặt với các vấn đề về khủng hoảng tinh thần.

Đối với người cao tuổi đã có gia đình, giai đoạn này, đời sống vợ chồng của
người cao tuổi đã trải qua những khoảng thời gian dài với nhiều sóng gió, điều
này có thể tạo ra sự gắn kết nghĩa vụ, đồng thời cũng có thể làm mất đi sự mặn
nồng trong tình yêu lứa đôi. Sự thiếu chia sẻ trong các hoạt động giải trí, các mối
quan tâm chung, các hoạt động thường ngày tạo ra sự trống vắng và tẻ nhạt ở tuổi
xế chiều. Những cảm giác, hành động thể hiện sự quan tâm, chia sẻ giữa người
bạn đời chính là dư vị cần thiết để giúp người cao tuổi cảm thấy cuộc sống có ý
nghĩa hơn. Ngoài ra, cùng với sự suy giảm của thể chất, sức khỏe tình dục cũng
là một vấn đề không phải lúc nào cũng dễ vượt qua ở giai đoạn này. Cuối cùng,
thái độ đối với mâu thuẫn cũng được xem là một thước đo sự vẹn toàn trong đời
sống hôn nhân của người cao tuổi, một trong những yếu tố quan trọng làm cho
giúp họ dễ dàng vượt qua hội chứng khủng hoảng.

Từ những lý giải trên, sau đây là một số chỉ báo được xác lập trong thang
đo khũng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi trên bình diện đời sống hôn nhân:

+ Vợ chồng tôi không cùng tham gia các hoạt động giải trí

42
+ Vợ chồng tôi không còn những mối quan tâm chung

+ Vợ/chồng tôi lơ đãng các hoạt động thường ngày của tôi

+ Vợ chồng tôi ngại những cử chỉ/lời nói thể hiện tình cảm một cách tự
nhiên

+ Vợ chồng tôi không còn hứng thú “quan hệ chăn gối”

+ Vợ chồng tôi có mâu thuẫn và cãi nhau

+ Vợ chồng tôi mặc kệ những bất đồng xảy ra.

* Biểu hiện về mặt mối quan hệ với con cháu

Bên cạnh bạn đời, con cháu cũng là niềm vui ở phần còn lại trong cuộc đời
con người. Hầu hết, ở giai đoạn này, con cái của người cao tuổi cũng đã trưởng
thành và bắt đầu xây dựng cuộc sống riêng. Việc con cái ít về nhà, không hay hỏi
han, trò chuyện cũng là một trong những yếu tố góp phần vào khủng hoảng ở
người cao tuổi. Bên cạnh đó, trong quá trình lập thân, lập nghiệp, những va vấp,
thất bại của con cái không khỏi làm cho những bậc cha mẹ lo lắng, đau buồn. Sự
dày dặn kinh nghiệm và tình thương con cũng khiến cho người cao tuổi thích chia
sẻ, khuyên bảo nhưng đó cũng có thể chính là nỗi xót xa nếu như con cháu không
thích lắng nghe và thấu hiểu. Ngoài ra, ước mong được chăm sóc, vui chơi với
cháu là mong mỏi rất chính đáng của người cao tuổi để tìm niềm vui khi công việc
nhàn hạ, tuy nhiên, nhiều trường hợp xung đột, mâu thuẫn hay khoảng cách xa về
nơi ở mà nhiều người cao tuổi không được hưởng trọn niềm vui này. Cuối cùng,
khủng hoảng về hưu có thể xuất hiện hoặc gia tăng thêm khi người cao tuổi gặp
phải các yếu tố như con cái quát mắng hoặc bỏ mặc khi bệnh yếu.

Như vậy, các chỉ báo khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi về mặt con
cháu có thể liệt kê như sau:

+ Con cái tôi không về nhà thăm tôi

43
+ Tôi không nói chuyện với con/cháu mình

+ Con cháu tôi có nhiều chuyện khiến tôi phải bận tâm

+ Con cháu không lắng nghe những gì tôi nói

+ Tôi không được chăm sóc cháu

+ Con cháu tôi nói chuyện lớn tiếng/ quát mắng tôi

+ Con cháu tôi bỏ mặc khi tôi bệnh yếu.

* Biểu hiện về mặt thú vui/sở thích và các mối quan hệ sơ giao

Ngoài các biểu hiện trên, người cao tuổi còn bắt đầu hướng các hoạt động
của mình về thiên nhiên và xã hội, cụ thể là các thú vui riêng hoặc các mối quan
hệ sơ giao trong cộng đồng nhỏ. Sự nhàn hạ trong công việc khiến cho người cao
tuổi cảm thấy cứ mòn mỏi quanh quẩn trong nhà, đây có thể xem là dấu hiệu tiêu
cực của khủng hoảng. Không được đi chơi, khám phá những vùng đất mới cũng
được xem là điều làm trần trọng thêm khi suy nghĩ bi quan về cuộc đời của những
người đã dành hết tuổi trẻ cho lao động và gia đình. Song song với điều này, các
thú vui như trồng cây, chơi chim, đánh cờ, nuôi cá... hay vận động thể dục thể
thao là đời sống tinh thần tao nhã cần thiết khiến người cao tuổi không rơi vào
tình trạng khủng hoảng. Ngoài các hoạt động hướng về thiên nhiên, người cao tuổi
cũng hướng về các hoạt động xã hội như kết giao bạn mới, liên lạc với nhóm bạn
cũ hoặc gặp gỡ hàng xóm,… Nếu thiếu hụt những người này, người cao tuổi có
thể rơi vào trạng thái cô đơn và buồn tủi.

Từ các lý giải trên, các chỉ báo khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi
trên bình diện về thú vui, sở thích được xác lập như sau:

+ Tôi chán nản khi cứ quanh quẩn trong nhà với những công việc lặt vặt

+ Tôi không đi du lịch

+ Tôi không có thú vui riêng

44
+ Tôi không tập thể dục vào buổi sáng

+ Tôi không liên lạc với bạn bè

+ Tôi ngại kết giao với người lạ

+ Tôi ít gặp gỡ hàng xóm.

* Biểu hiện về mặt sức khoẻ

Việc hoạt động miệt mài của các bộ phận trong cơ thể qua thời gian dài dẫn
đến sự suy giảm về mặt sức khỏe là biểu hiện rõ nét trong đời sống của người cao
tuổi. Các biểu hiện sức khỏe được đưa vào thang đo như một khía cạnh đáng lưu
tâm trong khủng hoảng tuổi về hưu của người cao tuổi bởi lẽ sức khỏe thể chất
suy giảm tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần. Các chỉ báo về mặt sức khỏe
được xác lập như sau:

+ Cơ thể hoạt động chậm hơn

+ Cơ thể làm việc thiếu chính xác hơn

+ Nhức mỏi

+ Có dấu hiệu về sa sút tinh thần

+ Có dấu hiệu của bệnh nan y

+ Lãng tai

+ Mờ mắt

+ Run tay.

1.2.2.4. Các yếu tố liên quan đến khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao
tuổi

Trong đề tài này, hai yếu tố chính có liên quan đến khủng hoảng tuổi về
hưu ở người cao tuổi được xác lập, đó là sự chuẩn bị trước khi về hưu và sự đánh
giá về phúc lợi xã hội mà người cao tuổi có được khi nghỉ hưu.

45
* Sự chuẩn bị trước khi về hưu

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, người cao tuổi có sự chuẩn bị cho
bản thân trước khi nghỉ hưu bằng những việc làm cụ thể như: lên kế hoạch về tài
chính, dự định về sinh sản trước đó, tính trước cho công việc mình đang làm, sẽ
làm và hình dung trước về cuộc sống sau khi nghỉ hưu của mình sẽ có thể dễ dàng
vượt qua cú sốc dừng lao động và ít có biểu hiện khủng hoảng khi về hưu [32]
[34]. Thế nhưng, đây cũng là yếu tố có thể kiểm chứng về sự khác biệt văn hóa,
khi người Việt Nam có đặc trưng là tính tiểu nông, ít nghĩ suy thái quá về tương
lai. Câu hỏi đặt ra là liệu người cao tuổi ở Việt Nam có chuẩn bị trước khi về hưu
hay không và điều này có ảnh hưởng đến mức độ khủng hoảng của họ hay không.
Đây chính là một vấn đề lý thú cần giải đáp. Như vậy, các chỉ báo đo lường sự
chuẩn bị trước khi về hưu của người cao tuổi được xác lập như sau:

- Tôi không nghĩ là mình đã nghỉ hưu sớm như vậy.

- Tôi tích luỹ tiền hàng năm cho việc nghỉ hưu.

- Khi tôi nghỉ hưu, con cái vẫn còn nhỏ.

- Tôi có kế hoạch cụ thể cho công việc trong thời điểm chuẩn bị về hưu.

- Tôi đã chưa từng hình dung về cuộc sống nghỉ hưu của mình sẽ như thế
nào.

* Đánh giá của người cao tuổi về phúc lợi xã hội có được khi nghỉ hưu

Đến nay, cả nước đã có trên 1,5 triệu người cao tuổi được hưởng chính sách
bảo trợ xã hội hàng tháng; gần 50% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế;
trung bình hàng năm có khoảng 1 triệu người cao tuổi được các cấp, các ngành,
đoàn thể tổ chức chúc thọ, mừng thọ; trên 900.000 người cao tuổi được thăm hỏi,
động viên khi ốm đau, bệnh tật, được tặng quà nhân dịp lễ, Tết truyền thống của
dân tộc. Đời sống tinh thần của người cao tuổi được quan tâm với hơn 70.000 câu
lạc bộ, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao sức

46
khỏe người cao tuổi [11]. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một trong những điều
khiến người cao tuổi hài lòng về cuộc sống chính là sự chăm sóc từ xã hội đối với
họ.

Thế nhưng, việc người cao tuổi đánh giá như thế nào về các phúc lợi xã hội
mà họ thụ hưởng đó lại có thể là vấn đề khác và có mối liên quan theo một hướng
khác với khủng hoảng về hưu. Các yếu tố như: lương hưu, trợ cấp người cao tuổi,
các loại bảo hiểm, dịch vụ xã hội cho người cao tuổi, khu vui chơi/câu lạc bộ, sự
trân trọng về giá trị của người cao tuổi tạo nên đời sống thể chất và tinh thần khỏe
mạnh cho họ. Do vậy, các yếu tố này được đưa vào như một sự tìm hiểu về mức
độ hài lòng của người cao tuổi về phúc lợi xã hội và ảnh hưởng của chúng đến
mức độ khủng hoảng tuổi về hưu. Các chỉ báo cụ thể được xác lập như sau:

- Mức lương hưu và các khoản trợ cấp khác làm tôi hài lòng.

- Các loại bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội có hữu ích trong việc chăm sóc
sức khoẻ của tôi.

- Khi về hưu, tôi vẫn có thể đóng góp cho ngành nghề của mình.

- Các dịch vụ xã hội đều ưu tiên cho tôi.

- Có nhiều khu giải trí, hội bạn, câu lạc bộ phù hợp cho tôi.

Như vậy, các chỉ báo nghiên cứu về biểu hiện và các yếu tố có liên quan
đến khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi đã được hình thành. Đây chính là cơ sở
nền tảng định hướng cho việc xác lập thang đo và thiết kế các phương pháp nghiên
cứu thực tiễn khác trong đề tài này.

47
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Điểm luận các công trình nghiên cứu có liên quan ở nước ngoài, có thể thấy
hiện tượng tâm lý khủng hoảng tuổi về hưu đã được một số công trình đế cập. Thế
nhưng, các nghiên cứu trên vẫn chưa nhấn mạnh vào khía cạnh biểu hiện tâm lý
tạo nên sự khủng hoảng ở một phần người cao tuổi. Bên cạnh đó, nghiên cứu tập
trung chủ yếu ở phương Tây cũng cho thấy sự giới hạn về khách thể và tính phổ
biến của kết quả thu được. Ở Việt Nam, biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu người
cao tuổi là một mảng nghiên cứu mới, thú vị và có tính lý luận lẫn thực tiễn cao.

Khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi là hiện tượng tâm lý nảy sinh
trong quá trình chuyển tiếp từ lứa tuổi trung niên sang lứa tuổi già bằng việc dừng
lao động hoàn toàn, tạo ra những khó khăn nhất định cho người cao tuổi trong quá
trình thích ứng với những đặc điểm tâm lý - xã hội mới.

Biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi được xem xét trên sáu mặt
cụ thể. Đó là:

- Biểu hiện về mặt bản ngã

- Biểu hiện về mặt tài chính

- Biểu hiện về mặt mối quan hệ vợ chồng

- Biểu hiện về mặt mối quan hệ con cháu

- Biểu hiện về mặt thú vui/sở thích và các mối quan hệ sơ giao

- Biểu hiện về mặt sức khoẻ.

Các yếu tố liên quan đến khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi được
xác định là:

- Sự chuẩn bị trước khi về hưu

- Đánh giá của người cao tuổi về phúc lợi xã hội có được khi nghỉ hưu.

48
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG BIỂU HIỆN KHỦNG HOẢNG VỀ HƯU Ở
NGƯỜI CAO TUỔI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2.1. Tổ chức nghiên cứu thực trạng biểu hiện khủng hoảng về hưu ở
người cao tuổi tại Tp. HCM

2.1.1. Mục đích nghiên cứu thực trạng biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người
cao tuổi tại Tp. HCM

Tìm hiểu thực trạng khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM. Cụ
thể:

- Xác định mức độ biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp.
HCM ở các mặt bản ngã; tài chính; mối quan hệ vợ chồng; mối quan hệ con cháu;
thú vui, sở thích và các mối quan hệ sơ giao; và sức khoẻ.

- Trên cơ sở đó, so sánh mức độ biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao
tuổi tại Tp. HCM trên phương diện giới tính, thời gian nghỉ hưu và thu nhập trước
khi về hưu.

- Tìm hiểu tính tương quan của các yếu tố có liên quan (sự chuẩn bị trước
khi nghỉ hưu và đánh giá phúc lợi xã hội khi về hưu) đến khủng hoảng về hưu ở
người cao tuổi tại Tp. HCM.

2.1.2. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu, trong đó phương
pháp điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp chính, các phương pháp nghiên cứu
còn lại là các phương pháp bổ trợ.

2.1.2.1. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi

Đề tài thiết kế bảng hỏi dành cho nhóm khách thể chính là người cao tuổi
đã và đang bước vào giai đoạn nghỉ hưu.

49
* Nguyên tắc thiết kế

- Đảm bảo giá trị về mặt nội dung

- Đảm bảo tính tin cậy và hiệu lực về mặt thống kê

- Sử dụng các hình thức câu hỏi sao cho phù hợp với nội dung nghiên cứu
và phù hợp với đặc điểm của khách thể nghiên cứu.

* Quy trình thiết kế bảng hỏi

- Giai đoạn 1: Thiết kế bảng khảo sát dựa trên cơ sở lý luận

+ Bước 1: Dựa trên khái niệm được thao tác hoá về khủng hoảng tuổi về
hưu, khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi để xác định các mặt cần khảo sát
và những nội dung cần khảo sát trong từng mặt. Từ đó, thiết kế thành thang đo
bao gồm các câu hỏi cụ thể sao cho phản ánh được nội dung cần khảo sát.

+ Bước 2: Tiến hành khảo sát trên 135 người cao tuổi tại Tp. HCM. Kết
quả được thu thập để đo độ tin cậy và độ hiệu lực của các thang đo.

- Giai đoạn 2: Hoàn thiện bảng khảo sát

Từ kết quả độ tin cậy và hiệu lực thu được, cộng với những lý luận của đề
tài, tiến hành chỉnh sửa bảng hỏi. Bảng hỏi được hoàn thiện.

- Giai đoạn ba: Tiến hành khảo sát chính thức

Tiến hành phát phiếu điều tra chính thức. Kết quả cụ thể như sau:

+ Số phiếu phát ra 300 phiếu, thu về 215 phiếu.

+ Số phiếu không đạt chất lượng là 80 phiếu.

+ Số phiếu còn lại 135 phiếu.

* Kiểm tra độ tin cậy và độ hiệu lực của thang đo

Để đảm bảo tính khoa học, chuẩn xác của công cụ đo đạc, các thang đo sau
khi được thiết kế đã được đo trên mẫu gồm 135 người cao tuổi.

50
Trên cơ sở kết quả thu được độ tin cậy, độ hiệu lực của thang đo được tiến
hành kiểm tra.

- Độ tin cậy và hiệu lực của thang đo trước khi lọc chỉ báo

Để thử độ tin cậy của bộ công cụ, nghiên cứu đã dùng phương pháp đánh
giá độ phù hợp của từng chỉ báo sử dụng mô hình tương quan Alpha của Cronbach,
đây là mô hình đánh giá độ tin cậy của một phép đo dựa trên sự tính toán phương
sai của từng chỉ báo trên toàn phép đo và tính tương quan điểm của từng chỉ báo
với điểm của các chỉ báo còn lại của phép đo [7].

Kết quả bảng 2.1 cho thấy hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha của từng thang
đo khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM biểu hiện về mặt bản ngã,
mặt tài chính, mặt mối quan hệ với vợ chồng, mặt mối quan hệ với con cháu, mặt
thú vui - sở thích - các mối quan hệ sơ giao và mặt sức khoẻ lần lượt là 0.75, 0.77,
0.87, 0.81, 0.77 và 0.69. Theo lý thuyết về độ tin cậy, những hệ số α này nằm
trong khoảng đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy của một phép đo [44, 54].

Bảng 2.1. Độ tin cậy thang đo khủng hoảng người cao tuổi tại Tp. HCM
trước khi lọc chỉ báo

Các thang đo khủng hoảng tuổi về hưu của người cao tuổi Hệ số tin cậy alpha
Biểu hiện về mặt bản ngã 0.75

Biểu hiện về mặt tài chính 0.77


Biểu hiện về mặt mối quan hệ với vợ chồng 0.87
Biểu hiện về mặt mối quan hệ với con cháu 0.81
Biểu hiện về mặt thú vui, sở thích và các mối quan hệ sơ giao 0.77
Biểu hiện về mặt sức khoẻ 0.69
Tổng 0.916

51
Để kiểm tra độ tin cậy của từng chỉ số, nghiên cứu đánh giá độ tin cậy của
từng chỉ số bằng cách tính hệ số tương quan (r) giữa điểm số của từng chỉ số với
điểm số của các chỉ số còn lại trong toàn phép đo. Những chỉ số nào có hệ số
tương quan nhỏ hơn 0.20 được coi là những chỉ báo có độ tin cậy thấp cần phải
chỉnh sửa hoặc loại bỏ, những chỉ số nào có hệ số tương quan lớn hơn 0.30 là có
độ tin cậy đảm bảo. Kết quả bảng 2.2 cho thấy, có hai chỉ báo có r nhỏ hơn 0.2,
đó là “Tôi nuối tiếc vì những dự định khi còn trẻ mình chưa làm được” (r = 0.155)
và “Cơ thể hoạt động chậm hơn” (r = 0.161). Như vậy đây là hai chỉ báo có độ tin
cậy thấp, cần loại bỏ hoặc điểm chỉnh. Tất cả các chỉ báo còn lại đều có hệ số
tương quan cao (> 0.30) so với các chỉ báo khác.

Bảng 2.2. Hệ số tin cậy của từng chỉ báo trong thang đo khủng hoảng tuổi
về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM trước khi lọc chỉ báo
Hệ số tương
Điểm trung Phương sai
quan của chỉ Hệ số alpha
bình của của thang đo
Các chỉ báo báo với các nếu chỉ báo bị
thang đo nếu nếu chỉ báo bị
chỉ báo còn xoá
chỉ báo bị xoá xoá
lại
Tôi nuối tiếc vì những dự
định khi còn trẻ mình chưa 84.8673 571.170 .155 .917
làm được
Tôi ước gì mình đã cố gắng
hơn để có một cuộc sống khi
84.9381 561.041 .311 .915
về hưu tốt hơn và được mọi
người tôn trọng hơn
Tôi cho rằng giá như khi còn
trẻ, tôi dành nhiều thời gian để 84.9912 563.687 .321 .915
chăm sóc bản thân hơn
Tôi nghĩ bản thân đã trở thành
86.1239 564.699 .431 .914
một ông già/bà già xấu xí
Tôi đang mòn mỏi sống từng
tháng ngày cuối cùng của cuộc 86.2655 563.893 .529 .913
đời
Tôi cảm thấy rất mệt mỏi với
85.7788 547.460 .681 .911
cuộc sống hiện tại

52
Tôi cho rằng mình đang sống
như một người vô dụng, không 86.2478 558.581 .564 .913
có giá trị
Tôi cảm thấy mình trở thành
86.1150 556.906 .536 .913
người sống bám con cái
Tôi không có tiền để dành 85.5752 554.122 .505 .913
Tôi muốn cất trữ và tiết kiệm
85.1770 543.308 .333 .917
tất cả đồ đạc
Tôi phải sống ngày qua ngày
85.8230 555.540 .502 .913
rất hà tiện
Tôi phải đi làm vụn vặt để
85.8761 558.342 .439 .914
kiếm thêm
Nơi ở hiện nay của tôi đã
85.9292 552.299 .595 .912
xuống cấp và thiếu thốn
Tôi không đủ tiền cho những
thú vui của mình (chơi chim, 85.6106 556.579 .456 .913
đọc sách, trồng cây,…)
Vợ chồng tôi không cùng tham
84.9115 558.456 .384 .914
gia các hoạt động giải trí
Vợ chồng tôi không còn những
85.2920 550.441 .591 .912
mối quan tâm chung
Vợ/chồng tôi lơ đãng các hoạt
85.3363 545.672 .662 .911
động thường ngày của tôi
Vợ chồng tôi ngại những cử
chỉ/lời nói thể hiện tình cảm 85.1504 551.736 .468 .913
một cách tự nhiên
Vợ chồng tôi không còn hứng
85.0442 553.882 .482 .913
thú “quan hệ chăn gối”
Vợ chồng tôi có mâu thuẫn và
85.2301 550.089 .605 .912
cãi nhau
Vợ chồng tôi mặc kệ những bất
85.3717 547.486 .638 .911
đồng xảy ra
Con cái tôi không về nhà thăm
86.0265 556.455 .505 .913
tôi
Tôi không nói chuyện với
86.0796 564.878 .424 .914
con/cháu mình
Con cháu tôi có nhiều chuyện
85.4602 562.233 .379 .914
khiến tôi phải bận tâm
Con cháu không lắng nghe
85.9027 564.410 .367 .914
những gì tôi nói
Tôi không được chăm sóc cháu 86.0354 560.677 .498 .913

53
Con cháu tôi nói chuyện lớn
86.2389 562.808 .565 .913
tiếng/ quát mắng tôi
Con cháu tôi bỏ mặc khi tôi
86.2478 563.581 .493 .913
bệnh yếu
Tôi chán nản khi cứ quanh
quẩn trong nhà với những công 85.3717 544.128 .616 .911
việc lặt vặt
Tôi không đi du lịch 85.0973 548.464 .578 .912
Tôi không có thú vui riêng 85.4779 547.180 .651 .911
Tôi không tập thể dục vào buổi
85.5575 563.338 .308 .915
sáng
Tôi không liên lạc với bạn bè 85.7699 557.804 .479 .913
Tôi ngại kết giao với người lạ 85.5133 549.163 .547 .912
Tôi ít gặp gỡ hàng xóm 85.6549 563.228 .376 .914
Cơ thể hoạt động chậm hơn 84.4159 553.031 .161 .925
Cơ thể làm việc thiếu chính xác
84.7699 554.893 .581 .912
hơn
Nhức mỏi 84.5310 564.555 .356 .914
Có dấu hiệu về sa sút tinh thần 85.1416 566.426 .315 .915
Có dấu hiệu của bệnh nan y 86.0354 565.767 .377 .914
Lãng tai 85.4336 555.409 .466 .913
Mờ mắt 85.1150 561.853 .355 .914
Run tay 85.5133 555.056 .441 .914

Để đánh giá độ hiệu lực của bộ công cụ, nghiên cứu áp dụng phương pháp
phân tích nhân tố khám phá, sử dụng mô hình phân tích thành tố cơ bản (Principal
Component) để kiểm tra mức độ phù hợp của cấu trúc phép đo, nhằm đánh giá độ
phù hợp về mặt cấu trúc, nội dung và độ phù hợp của từng chỉ báo.

Kết quả phân tích ma trận tương quan cho thấy, hệ số của phép thử KMO
là 0.78 > 0.6 và phép thử Bartlett ở mức có ý nghĩa (sig. = 0.000), do vậy, thích
hợp cho việc dùng phương pháp phân tích nhân tố khám phá để đánh giá độ hiệu
lực của các chỉ báo.

Kết quả của phép phân tích nhân tố khám phá cho biết, các chỉ báo của 6
thang đo tương ứng với 6 mặt biểu hiện khủng hoảng về hưu thuộc về 12 nhân tố
nhưng chỉ nhân tố 1 có hệ số riêng khá lớn (11.65) giải thích cho 27.091% bộ biến

54
thiên của toàn phép đo. Các yếu tố còn lại có giá trị nhỏ từ 1.02 đến 3.56 giải thích
từ 2.38% đến 8.27% độ biến thiên của phép đo. Tổng phương sai trích là 74.16%
> 50% và tất cả các chỉ báo của thang đo đều có quan hệ đủ lớn với yếu tố 1. Hệ
số chứa của tất cả các chỉ báo đều lớn hơn 0.3 và được coi là phù hợp với cấu trúc
đo.

Tóm lại, kết quả phân tích độ tin cậy và độ hiệu lực của phép đo cho thấy
bộ công cụ đã tương đối đạt giá trị tin cậy và hiệu lực. Tuy nhiên có hai chỉ báo
có độ tin cậy thấp, cần điều chỉnh.

- Độ tin cậy và hiệu lực của thang đo sau khi lọc chỉ báo

Sau khi đã xem xét và bỏ đi hai chỉ báo “Tôi nuối tiếc vì những dự định khi
còn trẻ mình chưa làm được” và “Cơ thể hoạt động chậm hơn” có độ tin cậy thấp,
độ tin cậy và độ hiệu lực của phép đo có kết quả như sau:

Về độ tin cậy, sau khi đã bỏ đi hai chỉ báo có độ tin cậy thấp, độ tin cậy của
toàn thang đo có tăng lên ít so với ban đầu nhưng vẫn phù hợp và chấp nhận được.

Bảng 2.3. Hệ số tin cậy của các thang đo sau khi lọc chỉ báo

Các thang đo khủng hoảng tuổi về hưu của người cao tuổi Hệ số tin cậy alpha

Biểu hiện về mặt bản ngã 0.74

Biểu hiện về mặt tài chính 0.77

Biểu hiện về mặt mối quan hệ với vợ chồng 0.87

Biểu hiện về mặt mối quan hệ với con cháu 0.81

Biểu hiện về mặt thú vui, sở thích và các mối quan hệ sơ giao 0.77

Biểu hiện về mặt sức khoẻ 0.83

Tổng 0.927

55
Độ tin cậy của thang đo còn được đánh giá bằng phương pháp kiểm tra độ
tin cậy của từng chỉ báo. Kết quả bảng 2.4 cho thấy hệ số tương quan của mỗi chỉ
báo với các chỉ báo còn lại đều cao hơn 0.30. Kết quả này nói lên rằng, chỉ số của
các phép đo đều có tương quan đáng kể với tổng điểm của các chỉ báo còn lại của
phép đo, tức là các chỉ báo đã đo đúng cái cần đo và điều này có nghĩa là tất cả
các chỉ báo đều đóng góp đáng kể cho độ tin cậy của toàn phép đo.

Bảng 2.4. Hệ số tin cậy của từng chỉ báo trong thang đo khủng hoảng tuổi
về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM sau khi lọc chỉ báo
Điểm trung Hệ số tương
Phương sai
bình của quan của chỉ Hệ số alpha
của thang đo
Các chỉ báo thang đo nếu báo với các nếu chỉ báo
nếu chỉ báo
chỉ báo bị chỉ báo còn bị xoá
bị xoá
xoá lại
Tôi ước gì mình đã cố gắng hơn
để có một cuộc sống khi về hưu
79.1239 520.931 .301 .927
tốt hơn và được mọi người tôn
trọng hơn
Tôi cho rằng giá như khi còn trẻ,
tôi dành nhiều thời gian để chăm 79.1770 523.968 .301 .927
sóc bản thân hơn
Tôi nghĩ bản thân đã trở thành
80.3097 523.859 .432 .926
một ông già/bà già xấu xí
Tôi đang mòn mỏi sống từng
tháng ngày cuối cùng của cuộc 80.4513 523.018 .534 .925
đời
Tôi cảm thấy rất mệt mỏi với
79.9646 507.213 .683 .923
cuộc sống hiện tại
Tôi cho rằng mình đang sống
như một người vô dụng, không 80.4336 517.641 .574 .925
có giá trị
Tôi cảm thấy mình trở thành
80.3009 515.927 .547 .925
người sống bám con cái
Tôi không có tiền để dành 79.7611 513.791 .504 .925

56
Tôi muốn cất trữ và tiết kiệm tất
79.3628 504.073 .324 .930
cả đồ đạc
Tôi phải sống ngày qua ngày rất
80.0088 514.545 .513 .925
hà tiện
Tôi phải đi làm vụn vặt để kiếm
80.0619 517.809 .438 .926
thêm
Nơi ở hiện nay của tôi đã xuống
80.1150 511.531 .605 .924
cấp và thiếu thốn
Tôi không đủ tiền cho những thú
vui của mình (chơi chim, đọc 79.7965 515.289 .471 .925
sách, trồng cây,…)
Vợ chồng tôi không cùng tham
79.0973 518.089 .381 .926
gia các hoạt động giải trí
Vợ chồng tôi không còn những
79.4779 509.537 .605 .924
mối quan tâm chung
Vợ/chồng tôi lơ đãng các hoạt
79.5221 504.734 .679 .923
động thường ngày của tôi
Vợ chồng tôi ngại những cử
chỉ/lời nói thể hiện tình cảm một 79.3363 510.761 .479 .925
cách tự nhiên
Vợ chồng tôi không còn hứng thú
79.2301 512.697 .497 .925
“quan hệ chăn gối”
Vợ chồng tôi có mâu thuẫn và cãi
79.4159 508.995 .623 .924
nhau
Vợ chồng tôi mặc kệ những bất
79.5575 506.785 .649 .923
đồng xảy ra
Con cái tôi không về nhà thăm
80.2124 517.133 .480 .925
tôi
Tôi không nói chuyện với
80.2655 525.268 .394 .926
con/cháu mình
Con cháu tôi có nhiều chuyện
79.6460 520.802 .394 .926
khiến tôi phải bận tâm
Con cháu không lắng nghe những
80.0885 522.492 .393 .926
gì tôi nói
Tôi không được chăm sóc cháu 80.2212 519.192 .520 .925

57
Con cháu tôi nói chuyện lớn
80.4248 521.675 .579 .925
tiếng/ quát mắng tôi
Con cháu tôi bỏ mặc khi tôi bệnh
80.4336 522.105 .514 .925
yếu
Tôi chán nản khi cứ quanh quẩn
trong nhà với những công việc lặt 79.5575 503.856 .620 .924
vặt
Tôi không đi du lịch 79.2832 509.205 .560 .924
Tôi không có thú vui riêng 79.6637 507.886 .634 .924
Tôi không tập thể dục vào buổi
79.7434 521.621 .325 .927
sáng
Tôi không liên lạc với bạn bè 79.9558 518.096 .461 .925
Tôi ngại kết giao với người lạ 79.6991 508.212 .560 .924
Tôi ít gặp gỡ hàng xóm 79.8407 521.385 .400 .926
Cơ thể làm việc thiếu chính xác
78.9558 515.114 .566 .924
hơn
Nhức mỏi 78.7168 522.991 .374 .926
Có dấu hiệu về sa sút tinh thần 79.3274 525.758 .311 .927
Có dấu hiệu của bệnh nan y 80.2212 524.745 .382 .926
Lãng tai 79.6195 515.470 .456 .925
Mờ mắt 79.3009 521.712 .345 .926
Run tay 79.6991 514.641 .440 .926

- Về độ hiệu lực của phép đo, kết quả có được từ phương pháp phân tích
nhân tố khám phá cho thấy, hệ số KMO là 0.794 > 0.6 và phép thử Bartlett ở mức
có ý nghĩa (sig. = 0.00), do vậy thích hợp cho việc dùng phương pháp phân tích
nhân tố khám phá để đánh giá độ hiệu lực của các chỉ báo.

Kết quả của phép phân tích nhân tố khám phá cho biết, các chỉ báo của 6
thang đo tương ứng với 6 mặt biểu hiện khủng hoảng về hưu thuộc về 12 nhân tố
nhưng chỉ nhân tố 1 có hệ số riêng khá lớn (11.601) giải thích cho 28.295% bộ
biến thiên của toàn phép đo. Các nhân tố còn lại có giá trị nhỏ từ 1.009 đến 3.542

58
giải thích từ 2.46% đến 8.64% độ biến thiên của phép đo. Tổng phương sai trích
75.19% > 50% và tất cả các chỉ báo của thang đo đều có quan hệ đủ lớn với yếu
tố 1. Hệ số chứa của tất cả các chỉ báo đều lớn hơn 0.3 và được coi là phù hợp với
cấu trúc đo.

Độ hiệu lực của thang đo sau khi chỉnh sửa còn được kiểm tra qua hệ số
tương quan của các phép đo với nhau. Bản ngã, tài chính, mối quan hệ với vợ
chồng, mối quan hệ với con cháu, thú vui - sở thích - các mối quan hệ sơ giao và
sức khoẻ là các mặt cơ bản trong cuộc sống của người cao tuổi sau khi nghỉ hưu,
do đó chúng phải có mối quan hệ ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau. Do vậy, muốn
phép đo có độ hiệu lực, phải đảm bảo rằng sáu mặt này có tương quan ở mức đạt
ý nghĩa thống kê với nhau.

Bảng 2.5. Tương gian giữa các thang đo biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu
ở người cao tuổi tại Tp. HCM sau khi lọc chỉ báo

Thú vui,
Các thang đo Mối quan Mối quan sở thích
Tài
khung hoảng Bản ngã hệ với vợ hệ với con và các Sức khoẻ
chính
về hưu chồng cháu mối quan
hệ sơ giao
Bản ngã 1
Tài chính .607** 1
Mối quan hệ
.397** .367** 1
với vợ chồng
Mối quan hệ
.399** 488** .486** 1
với con cháu
Thú vui, sở
thích và các
.487** .497** .685** .561** 1
mối quan hệ
sơ giao
Sức khoẻ .365** .341** .355** .274** .413** 1

** Tương quan có ý nghĩa ở mức 0.01.

59
Kết quả phân tích tương quan điểm ở bảng 2.5 cho thấy, cả 6 thang đo
khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi đã xác lập đều có tương quan đáng kể với
nhau. Trong đó, tương quan giữa “mặt tài chính” với “mặt mối quan hệ vợ chồng”,
giữa “mặt sức khoẻ” với “mặt bản ngã”, giữa “mặt tài chính” với “mặt sức khoẻ”,
giữa “mặt mối quan hệ con cháu” với “mặt sức khoẻ”, giữa “mặt mối quan hệ vợ
chồng” và “mặt sức khoẻ” có hệ số tương quan thuận ở mức thấp. Sự tương quan
giữa các mặt còn lại ở mức trung bình, vừa phải. Như vậy có thể thấy rằng, “mặt
sức khoẻ” có mối tương quan với các mặt khác yếu hơn là các mặt khác tương
quan với nhau, tuy nhiên, với thang đo về tâm lý thì hệ số tương quan có được
trong toàn bộ thang đo khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi là đảm bảo và
phù hợp.

Tóm lại, kết quả phân tích trên mẫu 135 người cao tuổi cho thấy bộ công
cụ đo khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM được xem là có độ tin
cậy và hiệu lực tốt sau khi đã loại bỏ hai chỉ báo “Tôi nuối tiếc vì những dự định
khi còn trẻ mình chưa làm được” và “Cơ thể hoạt động chậm hơn”.

* Mô tả chung về bảng hỏi chính thức

Như vậy, sau khi đã loại bỏ các chỉ báo xấu, nội dung bảng hỏi khảo sát
chính thức gồm hai phần chính như sau:

- Phần thông tin khách thể khảo sát

Phần này gồm các câu hỏi về thông tin cơ bản của khách thể khảo sát bao
gồm: họ tên, giới tính, thời gian nghỉ hưu, thu nhập hàng tháng trước khi nghỉ hưu
và chức vụ trước khi nghỉ hưu.

- Phần nội dung khảo sát: bao gồm hai mục chính:

+ Mục thứ 1

Mục này tìm hiểu thực trạng biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao
tuổi. Cụ thể:

60
 Câu 1, gồm 6 chỉ báo tìm hiểu biểu hiện khủng hoảng về hưu ở mặt bản
ngã.

 Câu 2, gồm 7 chỉ báo tìm hiểu biểu hiện khủng hoảng về hưu ở mặt tài
chính.

 Câu 3, gồm 7 chỉ báo tìm hiểu biểu hiện khủng hoảng về hưu ở mặt mối
quan hệ với vợ chồng.

 Câu 4, gồm 7 chỉ báo tìm hiểu biểu hiện khủng hoảng về hưu ở mặt mối
quan hệ với con cháu.

 Câu 5, gồm 7 chỉ báo tìm hiểu biểu hiện khủng hoảng về hưu ở mặt thú
vui, sở thích và các mối quan hệ sơ giao.

 Câu 6, gồm 7 chỉ báo tìm hiểu biểu hiện khủng hoảng về hưu ở mặt sức
khoẻ.

+ Mục thứ 2

Mục này gồm 2 câu hỏi về các yếu tố liên quan đến khủng hoảng vể hưu ở
người cao tuổi.

 Câu 7, gồm 5 chỉ báo tìm hiểu yếu tố sự chuẩn bị trước khi về hưu ở
người cao tuổi.
 Câu 8, gồm 5 chỉ báo tìm hiểu yếu tố sự đánh giá về phúc lợi khi về
hưu ở người cao tuổi.

Như vậy, tổng số câu hỏi trong bảng khảo sát là 8 câu với 51 chỉ báo.

* Cách thức chấm điểm ở bảng hỏi chính thức

Vì các thang đo về từng mặt biểu hiện khủng hoảng về hưu có đặc điểm
(chẳng hạn như khủng hoảng về hưu ở mặt vợ chồng và mặt con cái không xuất
hiện ở tất cả người cao tuổi) và số lượng câu hỏi khác nhau, do đó không thể cộng
dồn điểm các biểu hiện với nhau để phân mức độ khủng hoảng về hưu nói chung.

61
Chính vì thế, điểm sẽ được tính theo biểu hiện khủng hoảng ở từng mặt cụ thể và
các yếu tố có liên quan đến khủng hoảng tuổi về hưu.

- Cách đánh giá điểm ở các chỉ báo thuộc thang đo biểu hiện khủng hoảng về hưu

Các chỉ báo trong thang đo biểu hiện khủng hoảng về hưu được thiết kế
chọn lựa theo thang 5 mức độ với cách tính điểm như sau:

Bảng 2.6. Cách đánh giá điểm ở các chỉ báo có 5 mức độ lựa chọn

Lựa chọn Điểm quy đổi


Rất thường xuyên 5
Thường xuyên 4
Thỉnh thoảng 3
Hiếm khi 2
Không bao giờ 1

Theo lý thuyết thống kê về phân chia mức độ đánh giá theo thang biến thiên
liên tục, sau khi thống kê các điểm quy đổi, điểm trung bình trong từng chỉ báo
có được ở phần này có thể được chia thành các khoảng đánh giá mức độ khủng
hoảng về hưu như sau:

Bảng 2.7. Đánh giá mức độ khủng hoảng ở từng chỉ báo

Điểm trung bình Mức độ khủng hoảng ở từng chỉ báo

Từ 1 đến 1.50 Không bao giờ


Từ 1.51 đến 2.50 Hiếm khi
Từ 2.51 đến 3.50 Thỉnh thoảng
Từ 3.51 đến 4.50 Thường xuyên
Từ 4.51 đến 5.0 Rất thường xuyên

62
- Cách đánh giá mức độ khủng hoảng tuổi về hưu trong từng mặt biểu hiện

Kết quả đánh giá điểm trung bình từng mặt biểu hiện khủng hoảng tuổi về
hưu được tính bằng tổng điểm các chỉ báo chia cho số chỉ báo trong biểu hiện đó.

Theo lý thuyết thống kê về phân chia mức độ đánh giá theo thang biến thiên
liên tục, điểm trung bình được phân mức theo thang đánh giá như sau:

Bảng 2.8. Đánh giá mức độ khủng hoảng ở từng mặt biểu hiện

Điểm trung bình Mức độ khủng hoảng ở từng mặt biểu hiện

Từ 1 đến 1.50 Không bao giờ


Từ 1.51 đến 2.50 Hiếm khi
Từ 2.51 đến 3.50 Thỉnh thoảng
Từ 3.51 đến 4.50 Thường xuyên
Từ 4.51 đến 5.0 Rất thường xuyên

- Cách đánh giá mức độ của các yếu tố liên quan đến khủng hoảng về hưu

Với các chỉ báo có 5 mức độ lựa chọn tập trung ở hai thang đo về yếu tố
liên quan đến khủng hoảng về hưu, cách tính điểm cho mỗi chỉ báo như sau:

Bảng 2.9. Đánh giá từng chỉ báo ở thang đo yếu tố có liên quan đến khủng
hoảng về hưu
Lựa chọn Điểm quy đổi
Hoàn toàn đúng 5
Đúng 4
Phân vân 3
Sai 2
Hoàn toàn sai 1

63
Trên cơ sở này, sau khi thống kê các điểm quy đổi, điểm trung bình trong
từng chỉ báo có được ở phần này và điểm trung bình của toàn thang đo có thể
được chia thành các khoảng đánh giá ở bảng 2.10 như sau:

Bảng 2.10. Đánh giá mức độ chuẩn bị trước khi nghỉ hưu hoặc sự đánh giá
về phúc lợi xã hội có được khi nghỉ hưu ở từng chỉ báo và toàn thang đo
tương ứng
Điểm trung bình Mức độ
Từ 1 đến 1.5 Hoàn toàn không tốt
Từ 1.51 đến 2.5 Không tốt
Từ 2.51 đến 3.5 Trung bình
Từ 3.51 đến 4.5 Tốt
Từ 4.51 đến 5.0 Rất tốt

2.1.2.2. Phương pháp phỏng vấn

- Mục đích nghiên cứu

Tiến hành phỏng vấn người cao tuổi nhằm:

+ Bổ sung thêm thông tin để góp phần làm sáng tỏ kết quả khảo sát.

+ Kiểm tra độ trung thực của các kết quả trả lời phiếu điều tra ý kiến.

+ Tìm hiểu sâu hơn về đối tượng nghiên cứu qua một số khách thể điển
hình.

- Cách thức tiến hành

+ Tạo bầu không khí thân mật với khách thể phỏng vấn.

+ Tiến hành phỏng vấn theo những câu hỏi đã chuẩn bị sẵn theo mục đích
nghiên cứu. Có thể sử dụng thêm những câu hỏi phát sinh tùy theo vấn đề phát
sinh trong nội dung trả lời của khách thể.

64
- Phương tiện phỏng hỗ trợ trong quá trình phỏng vấn

Bảng câu hỏi phỏng vấn, bảng ghi chép kết quả phỏng vấn.

2.1.2.3. Phương pháp thống kê toán học

- Mục đích nghiên cứu

Xử lý tất cả các kết quả định lượng thu được từ cuộc khảo sát nhằm làm cơ
sở để biện luận kết quả nghiên cứu.

- Nội dung nghiên cứu

+ Thống kê mô tả: tính tổng, trị số trung bình, tần số, tỷ lệ phần trăm, kiểm
nghiệm…

+ So sánh kết quả giữa các nhóm khách thể, các mặt khác nhau trong cùng
một chỉ báo nghiên cứu.

- Cách thức tiến hành

Sử dụng phần mềm thống kê toán học SPSS phiên bản 20.0 để xử lý các dữ
kiện thu được phục vụ cho việc phân tích số liệu trong quá trình nghiên cứu.

Tóm lại, việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu một cách nhịp nhàng
và cẩn trọng sẽ mang lại hiệu ứng bổ trợ và gia tăng tính tường minh của kết quả
khảo sát.

2.2. Kết quả nghiên cứu thực trạng biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người
cao tuổi tại Tp. HCM

2.2.1. Khái quát chung về khách thể nghiên cứu thực trạng biểu hiện khủng
hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM

Đề tài tiến hành khảo sát bằng phiếu hỏi trên 135 người cao tuổi đang và
sau khi về hưu tại Tp. HCM. Thông tin về tổng số khách thể có thể được phân tích
như sau:

65
- Về giới tính, có sự chênh lệch giữa giới tính nam và giới tính nữ trong
mẫu nghiên cứu. Trong đó giới tính nữ chiếm 63.7% và giới tính nam chiếm
35.5%. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, vào năm 2011 tỷ lệ số nam giới so với
nữ giới tại Tp. HCM là 91.1% và sự chênh lệch này có giảm dần trong năm 2012
và số liệu sơ bộ năm 2013 [50]. Mặc dù vậy, các dữ liệu phân tích sâu về tỷ lệ
giới tính từ độ tuổi 55 trở lên cho thấy tỷ lệ nữ vẫn cao hơn nam một cách đáng
kể [18]. Do đó, có thể thấy tỷ lệ nữ giới so với nam giới trong nghiên cứu này có
sự phân bố phù hợp và mang tính đại diện về giới tính.

Biểu đồ 2.1. Tháp tuổi tại Tp. HCM. Nguồn: Tổng cục thống kê năm 2009.

- Về thời gian nghỉ hưu, chiếm tỷ lệ cao nhất là khách thể khảo sát có
khoảng thời gian nghỉ hưu dưới 5 năm (43.7%) và giảm dần với các độ tuổi cao
hơn. Theo Tháp tuổi của Tp. HCM năm 2009 (biểu đồ 2.1), tỷ lệ chọn mẫu như
trên là tương đối phù hợp với dân số người về hưu mà nghiên cứu khảo sát.

- Về thu nhập trung bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu, có trên 50% khách
thể cho biết thu nhập trung bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu dao động trong

66
khoảng từ 3 triệu đến 5 triệu. Cụ thể, 37.8% khách thể có mức thu nhập từ 3 đến
5 triệu hàng tháng và 27.4% có mức thu nhập từ 5 đến 10 triệu. Mức thu nhập trên
10 triệu chiếm phần ít trên toàn mẫu khảo sát (dưới 10%).

- Về chức vụ, phần lớn khách thể trong mẫu khảo sát không nắm giữ chức
vụ trước khi nghỉ hưu (tỉ lệ 65.2%). Tỷ lệ còn lại chia cho số khách thể nắm giữ
chức vụ quản lý 15.6% và trợ lý/hỗ trợ công việc quản lý 13.3%.

Bảng 2.11. Mô tả khách thể nghiên cứu (N=135)


Thành phần Tần số Tỉ lệ %
Nam 43 31.9
Giới tính Nữ 86 63.7
Không có thông tin 6 4.4
Dưới 5 năm 59 43.7
Từ 5 đến 10 năm 30 22.2
Thời gian nghỉ hưu Từ 10 đến 15 năm 15 11.1
Trên 15 năm 26 19.3
Không có thông tin 5 3.7
Dưới 3 triệu 27 20.0
Từ 3 đến 5 triệu 51 37.8
Thu nhập hàng tháng Từ 5 đến 10 triệu 37 27.4
trước khi nghỉ hưu Từ 10 đến 20 triệu 11 8.1
Trên 20 triệu 2 1.5
Không có thông tin 7 5.2
Không có chức vụ 88 65.2
Trợ lý/ công đoàn 21 15.6
Chức vụ
Quản lý 18 13.3
Không có thông tin 8 5.9

67
Như vậy, có thể thấy rằng việc chọn mẫu khách thể người cao tuổi nhằm
tìm hiểu khủng hoảng tuổi về hưu là phù hợp và mang tính đại diện cho dân số
người cao tuổi tại Tp. HCM xét trên các bình diện cơ bản như giới tính, thời gian
nghỉ hưu, thu nhập và chức vụ. Đây chính là cơ sở cần thiết cho quá trình kiểm
soát các biến số ngoài ý muốn làm sai lệch kết quả nghiên cứu.

2.2.2. Kết quả nghiên cứu thực trạng biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người
cao tuổi tại Tp. HCM

2.2.2.1. Biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM

* Kết quả khái quát về biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp.
HCM

2.5

2
Điểm trung bình

1.5

0.5

0
Bản ngã Tài chính Mối quan hệ Mối quan hệ Thú vui và Sức khoẻ
vợ/chồng con cháu mối quan hệ
sơ giao
Mặt biểu hiện

Ghi chú: Kiểm định ANOVA về sự khác biệt ý nghĩa giữa các mặt biểu hiện cho
F = 23.506 và sig. = 0.000.

Biểu đồ 2.2. Kết quả chung về các mặt biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu
của người cao tuổi tại Tp. HCM

68
Như cơ sở lý luận đã xác lập, nghiên cứu tiến hành khảo sát sự khủng hoảng
về hưu của người cao tuổi trên các mặt biểu hiện: mặt bản ngã, mặt tài chính, mặt
mối quan hệ vợ chồng, mặt mối quan hệ với con cháu, mặt thú vui/sở thích và các
mối quan hệ sơ giao, mặt sức khỏe.

Kết quả cho thấy các mặt biểu hiện trong khủng hoảng tuổi về hưu ở người
cao tuổi đều thuộc mức độ hiếm khi xét theo thang đánh giá.

Kiểm nghiệm ANOVA cho thấy có sự khác biệt về mức độ khủng hoảng
tuổi về hưu khi so sánh ở từng mặt biểu hiện. Cụ thể:

Điểm trung bình cao nhất thuộc về mặt “mối quan hệ vợ chồng” với 2.38
điểm. Điều này đồng nghĩa với việc người cao tuổi cảm thấy khủng hoảng nhất
về mặt vợ chồng so với sáu mặt khác được khảo sát trong cuộc sống của họ. Đây
có thể nói là một kết quả đáng quan tâm, bởi lẽ, khi các mối quan hệ bạn bè, đồng
nghiệp và con cái có phần giảm đi đáng kể thì chính người bạn đời mới là những
người gắn bó và chia sẻ với nhau trong giai đoạn tuổi già. Thế nhưng, thực tế
người cao tuổi sau khi về hưu tại Tp. HCM lại đánh giá mặt quan hệ vợ chồng
đang có những khủng hoảng hơn so với các mặt khác. Góp phần tìm hiểu sâu về
vấn đề này, lý giải của bác T.T.M - quận Bình Thạnh như sau: “Cái cảm giác từ
thời trẻ trâu đến bây giờ đã thay đổi nhiều lắm, nói là chán nhau cũng không phải,
nói là tình phai rồi cũng không hẳn nhưng mà kêu tôi giờ thể hiện tình cảm như
mấy hồi trẻ trâu thì khó lắm mà nhiều khi già rồi, khó tính hơn rồi, ở với nhau một
tí là sinh bực, có khi có khách thì con dăm ba câu, chứ bình thường, cả ngày hai
ông bà chả nói với nhau lời nào”. Một số người cao tuổi thuộc Hội người cao tuổi
quận Bình Tân cho biết thêm, khi có thời gian, họ thích tụ tập họp bạn, chăm con
cháu, hoặc hướng vào sở thích riêng một mình mà ít khi thực hiện những điều đó
cùng với vợ hoặc chồng mình.

Xếp thứ hai sau mặt “mối quan hệ vợ chồng” là mặt “sức khoẻ” với điểm
trung bình là 2.28 điểm. Có thể nói, tuổi về hưu là lứa tuổi đối mặt với các vấn đề

69
về sức khoẻ nhiều nhất. Kết quả điều tra 600 cụ của Viện Nghiên cứu người cao
tuổi cho thấy có 412 (68,7%) các cụ trả lời có bệnh, trong đó nhóm tuổi 70 - 79
chiếm tỷ lệ cao nhất (43,7%). Phần lớn người cao tuổi mắc một loại bệnh (88,8%),
số cụ mắc hai loại bệnh và trên hai loại bệnh chiếm tỷ lệ thấp (9,5% và 1,7%) [6].
Điều này có thể thấy, kết quả mà nghiên cứu này phát hiện được cũng phù hợp
với nghiên cứu trên khi vấn đề sức khoẻ cũng là một trong số những vấn đề đáng
lo ngại ở người cao tuổi mặc dù chỉ thuộc mức khủng hoảng hiếm khi.

Đứng thứ ba sau hai mặt biểu hiện trên là mặt “thú vui, sở thích và các mối
quan hệ sơ giao” có điểm trung bình là 2.06. Sau các vấn đề về sức khoẻ, mối
quan hệ vợ chồng thì thú vui tuổi già là điều được người cao tuổi cho rằng có dấu
hiệu chưa thoả mãn được cho bản thân khi về hưu. Khi phỏng vấn những người
cao tuổi về hoạt động thú vui/ sở thích mà họ tham gia sau khi về hưu, đa phần
người cao tuổi trả lời là họ rất thích học khiêu vũ, đi du lịch, tập thể dục, yoga,
thiền hay dưỡng sinh, tham gia các câu lạc bộ thơ văn, trồng cây, nuôi chim, nuôi
cá…, tuy nhiên những nơi tổ chức như vậy không tiện lợi cho họ về nơi ở và thế
là họ không tham gia được. Một vài khách thể cho biết thêm, họ tạm hài lòng vì
có thể trồng được vài chậu cây, nuôi một hồ cá nhỏ ở nhà hay đánh cờ với vài
người trong xóm,… nhưng để thực sự các hoạt động này vẫn còn nhỏ và cô đơn.
Một số người cao tuổi còn không có gì để nói khi được hỏi về mặt thú vui/ sở
thích và các mối quan hệ sơ giao của mình [phụ lục 2].

Tiếp sau đó là các biểu hiện hướng về bản thân và tài chính. Cũng theo kết
quả nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu Dân số và Phát triển cho thấy trong số
những người cao tuổi còn tham gia hoạt động kinh tế có 69.9% làm việc để kiếm
sống [6]. Như vậy, so với kết quả nghiên cứu trên vào năm 2005, thì đến nay, biểu
hiện về mặt tài chính ở người cao tuổi có phần ít khủng hoảng và nặng gánh hơn.
Về mặt bản thân, là mặt biểu hiện gần trung vị nhất, có thể góp phần lý giải, tất
cả các mặt của cuộc sống hợp lại, tạo thành sự nhìn nhận của con người hướng về

70
bản thân. Bởi vì có những mặt người cao tuổi cảm thấy khủng hoảng nhiều hơn,
có những mặt khủng hoảng ít hơn, từ đó mặt hình ảnh bản thân được nhìn nhận
như là sự tổng bình quân của những mặt đó.

Cuối cùng, chính “mối quan hệ với con cháu” là mặt biểu hiện ít khủng
hoảng nhất trong phạm vi nghiên cứu của đề tài với điểm trung bình là 1.52. Khi
được phỏng vấn về khủng hoảng về hưu ở mặt mối quan hệ con cháu so với các
mặt khác, bác N.T.V.H - quận Tân Phú cho biết: “Tuổi già, không còn niềm vui
nào to lớn bằng chăm cháu, chơi với cháu và nhìn cháu mình lớn khôn. Đôi lúc,
tôi cũng phiền lòng vì con cháu mình làm cái này không ưng ý, cái kia chưa suy
nghĩ thấu đáo, nhưng nhìn chung là con cháu tôi vẫn hiếu thảo và thương yêu tôi”
[phụ lục 2]. Có thể nói, mặc dù cũng nằm ở mức hiếm khi, nhưng con cháu là
niềm an ủi, là niềm vui, là hạnh phúc của tuổi già so với tất cả những điều khác
trong cuộc sống.

Tóm lại, trong số sáu mặt biểu hiện được khảo sát, mặt “mối quan hệ với
vợ chồng” là mặt có khủng hoảng cao nhất, mặt “mối quan hệ với con cháu” là
mặt có khủng hoảng ít nhất. Điều này cũng tương đồng với đặc điểm tâm lý của
người Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung là sống thiêng về tình
cảm, cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng nhỏ, nhóm nội [5, 25 - 28], do đó các mặt
về mối quan hệ được người cao tuổi chú ý nhiều hơn. Tất cả sáu mặt biểu hiện
khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi đều thuộc mức hiếm khi. Chi tiết các
mặt với các biểu hiện cụ thể được trình bày ở phần tiếp theo.

* Khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM xét theo từng mặt biểu
hiện

- Khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM xét ở mặt bản ngã

Kết quả cho thấy các biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi về
mặt bản ngã có điểm trung bình thuộc từ mức độ không bao giờ đến thỉnh thoảng.

71
Trong đó, các biểu hiện có điểm trung bình thuộc mức thỉnh thoảng là “Tôi
ước gì mình đã cố gắng hơn để có cuộc sống khi về hưu tốt hơn và được mọi
người tôn trọng hơn” và “Tôi cho rằng giá như khi còn trẻ, tôi dành nhiều thời
gian để chăm sóc bản thân hơn”. Ngậm ngùi suy nghĩ vài giây rồi mới có thể chia
sẻ, bác M.M.H.K. - quận 10 cho biết: “Tuổi trẻ qua nhanh lắm cô (người nghiên
cứu) ơi! Hồi đó, nghĩ là mình cứ sống rồi tận hưởng, nghĩ nhiều chi cho mệt. Đến
khi già, tôi vẫn chưa có nhà ở, con cái thì mặt lớn mặt nhỏ với mình, rồi lại bệnh
này bệnh kia. Đôi lúc tôi chỉ ước phải chi mình còn trẻ, đi làm thật tốt và không
bỏ lỡ những cơ hội như ngày xưa mình đã từng làm” [phụ lục 2]. Là một kiến trúc
sư xây dựng sau nghỉ hưu, bác T.L.H. - quận 3 cũng nói về sự nuối tiếc của mình:
“Nhiều lúc tối nằm ngủ không được, lục lại mấy tấm hình ngày xưa coi mà rất
tiếc nuối, tại sao hồi xưa mình không làm cái này, không cố gắng cái nọ, không
ăn uống tốt hơn thì giờ không có bệnh tật rồi. Những suy nghĩ về quá khứ làm tôi
nhớ ghê gớm lắm!” [phụ lục 2]. Như vậy, có thể thấy, về mặt bản ngã, người cao
tuổi có dấu hiệu khủng hoảng thể hiện ở sự tiếc nuối về cuộc sống trong quá khứ
khá rõ nét. Số lượng người cao tuổi xếp hai nếp nghĩ có liên quan đến quá khứ ở
mức độ rất thường xuyên cũng đạt tỷ lệ cao nhất trong số sáu biểu hiện được khảo
sát.

Tiếp sau đó, các biểu hiện “Tôi cảm thấy rất mệt mỏi với cuộc sống hiện
tại” thuộc mức hiếm khi. Điều này cho thấy có một tỷ lệ không ít người cao tuổi
(trên 25%) đang có cảm xúc tiêu cực về cuộc sống hiện tại sau khi về hưu của
mình. Đáng lý ra, ở tuổi sau khi nghỉ hưu, người cao tuổi có thể bước vào giai
đoạn nghỉ ngơi, vui vẻ và an nhiên bên con cháu và sự chăm lo của xã hội nhưng
qua tự đánh giá, không phải người cao tuổi nào cũng được thừa hưởng và hài lòng
về điều đó trong sự nhìn nhận về chính cuộc sống của mình.

Cuối cùng, các biểu hiện còn lại liên quan đến cuộc sống hiện tại và tương
lai của người cao tuổi như “Tôi nghĩ rằng bản thân đã trở thành một ông/ bà già

72
xấu xí”, “Tôi đang mòn mỏi sống từng tháng ngày cuối cùng của cuộc đời” và
“Tôi cho rằng mình đang sống như một người vô dụng, không có giá trị” thuộc
mức độ không bao giờ. Tín hiệu đáng mừng là trên 70% sự lựa chọn của người
cao tuổi cho các biểu hiện này đều tập trung ở mức độ không bao giờ. Kết quả
phỏng vấn cũng cho thấy, có những người cao tuổi cho biết họ không lo tiền bạc,
gia đình, danh vọng và sống rất vui vẻ, yên phận, lạc quan sau khi nghỉ hưu. Điều
này cho thấy rằng các biểu hiện khi nhìn nhận về hình ảnh bản thân, về giá trị của
bản thân và về chặng đường tuổi già trong tương lai không phải là nỗi ám ảnh của
hầu hết người cao tuổi [phụ lục 2].

Các số liệu cụ thể, chi tiết được trình bày trong bảng 2.12 sau:

Bảng 2.12. Biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu của người cao tuổi tại Tp.
HCM ở mặt bản ngã

Mức độ (%)
Biểu hiện ĐTB
RTX TX TT HK KBG
Tôi ước gì mình đã cố gắng hơn để có
cuộc sống khi về hưu tốt hơn và được 11.1 18.5 23.0 18.5 28.9 2.64
mọi người tôn trọng hơn

Tôi cho rằng giá như khi còn trẻ, tôi


dành nhiều thời gian để chăm sóc bản 5.9 14.1 34.8 21.5 23.7 2.57
thân hơn

Tôi nghĩ rằng bản thân đã trở thành một


1.5 0.7 13.3 12.6 71.1 1.48
ông/ bà già xấu xí

Tôi đang mòn mỏi sống từng tháng


0.7 3.0 5.9 8.9 81.5 1.33
ngày cuối cùng của cuộc đời

Tôi cảm thấy rất mệt mỏi với cuộc sống


2.2 3.7 20.0 17.0 57.0 1.77
hiện tại

Tôi cho rằng mình đang sống như một


2.2 2.2 3.7 4.4 87.4 1.27
người vô dụng, không có giá trị

Điểm trung bình chung 1.84

73
Bảng 2.13. So sánh mức độ khủng hoảng ở mặt bản ngã trên phương diện
giới tính, thời gian đã nghỉ hưu, thu nhập trung bình trước khi nghỉ hưu
Giới tính Thời gian đã nghỉ Thu nhập trung bình hàng tháng
Mức độ
(%) hưu (%) trước khi nghỉ hưu (%)
khủng hoảng
Dưới Trên Dưới Trên
ở mặt bản 10-20 3-5 5-10 10-20
Nam Nữ 10 20 3 20
ngã năm triệu triệu triệu
năm năm triệu triệu
Không bao
11.6 10.5 10.1 15.4 6.7 3.7 13.7 8.1 27.3 0.0
giờ
Hiếm khi 55.8 59.3 53.9 69.2 66.7 51.9 56.9 64.9 54.5 50.0
Thỉnh thoảng 22.3 25.6 29.2 11.5 20.0 33.3 23.5 21.6 18.2 50.0
Thường
9.3 4.7 6.7 3.8 6.7 11.1 5.9 5.4 0.0 0.0
xuyên
Rất thường
0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0
xuyên
Hệ số chi -
1.158 4.767 8.915
bình phương
Xác suất ý
0.763 0.574 0.710
nghĩa

Nghiên cứu tiến hành khảo sát khách thể ở cả hai giới nam và nữ, khách thể
có các khoảng thời gian nghỉ hưu dưới mười năm, từ mười năm đến hai mươi năm
và trên hai mươi năm, khách thể có mức thu nhập trung bình hàng tháng ở các
mức dưới ba triệu, từ ba triệu đến năm triệu, từ năm triệu đến mười triệu, từ mười
triệu đến hai mươi triệu và trên hai mươi triệu (số liệu bảng 2.13). So sánh mức
độ khủng hoảng tuổi về hưu biểu hiện ở mặt bản ngã trên bình diện giới tính, thời
gian nghỉ hưu và thu nhập trước khi về hưu cho thấy không có sự khác biệt trong
mức độ khủng hoảng về hưu về giới tính, thời gian nghỉ hưu và thu nhập trung
bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu. Cụ thể:

74
- Về giới tính, kiểm nghiệm chi - bình phương cho hệ số 1.158 và xác suất ý
nghĩa 0.763. Xác suất ý nghĩa của sự khủng hoảng ở mặt bản ngã giữa hai giới
nam và nữ lớn hơn xác suất 5%. Do đó, không có sự khác biệt ý nghĩa về sự khủng
hoảng tuổi về hưu ở mặt bản ngã ở hai giới.

- Về thời gian nghỉ hưu, không có sự khác biệt ý nghĩa về sự khủng hoảng
tuổi về hưu giữa các khoảng thời gian nghỉ hưu dưới 10 năm, từ 10 đến 20 năm
và trên 20 năm vì kiểm nghiệm chi - bình phương có hệ số kiểm nghiệm là 4.767
và xác suất ý nghĩa 0.574. Xác suất ý nghĩa của sự khủng hoảng ở mặt bản ngã
giữa các khoảng thời gian đã nghỉ hưu lớn hơn xác suất 5%.

- Không có sự khác biệt về thu nhập trước khi nghỉ hưu. Kiểm nghiệm chi -
bình phương cho hệ số kiểm nghiệm là 8.915 và xác suất ý nghĩa 0.710. Xác suất
ý nghĩa của khủng hoảng tuổi về hưu giữa các mức thu nhập trung bình hàng tháng
lớn hơn xác suất 5%.

Như vậy, không có sự khác biệt ý nghĩa về sự khủng hoảng tuổi về hưu ở
mặt bản ngã trong các biến số giới tính, thời gian đã nghỉ hưu và thu nhập trung
bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu của người cao tuổi. Điều này cho thấy, khủng
hoảng ở mặt bản ngã ở người cao tuổi tại Tp. HCM khi về hưu ở mức độ từ hiếm
khi đến thường xuyên là như nhau ở hai giới, ở các khoảng thời gian nghỉ hưu, ở
các mức thu nhập trung bình hàng tháng. Người cao tuổi là nam hay nữ, có thời
gian đã nghỉ hưu dài hay ngắn, người có thu nhập trung bình hàng tháng trước khi
nghỉ hưu cao hay thấp đều khủng hoảng ở mặt bản ngã như nhau.

- Khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM xét ở mặt tài chính

Ngoài mặt bản ngã, khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi còn được khảo sát
ở mặt tài chính. Đây cũng là một vấn đề quan trọng trong cuộc sống của người
cao tuổi khi về hưu. Kết quả khảo sát ở bảng 2.14 cho thấy, các biểu hiện khủng
hoảng tuổi về hưu ở mặt tài chính có mức độ hiếm khi.

75
Trong đó biểu hiện có trên 60% người cao tuổi cho biết là “Tôi muốn cất trữ
và tiết kiệm tất cả đồ đạc” ở các mức độ từ từ hiếm khi cho đến rất thường xuyên.
Biểu hiện này có điểm trung bình 2.230, cao nhất trong bảy biểu hiện khủng hoảng
ở mặt tài chính.

Bảng 2.14. Biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu của người cao tuổi tại Tp.
HCM ở mặt tài chính
Mức độ (%)
Biểu hiện ĐTB
RTX TX TT HK KBG
Tôi cảm thấy mình trở thành người
3.7 2.2 5.9 8.1 80.0 1.42
sống bám con cái

Tôi không có tiền để dành 3.0 9.6 16.3 25.2 45.9 1.99

Tôi muốn cất trữ và tiết kiệm tất cả đồ


3.7 10.4 27.4 22.2 36.3 2.23
đạc

Tôi phải sống qua ngày rất hà tiện 1.5 10.4 13.3 16.3 58.5 1.80

Tôi phải đi làm vụn vặt để kiếm tiền 2.2 9.6 3.0 21.5 63.7 1.65

Nơi ở hiện nay của tôi đã xuống cấp


0.7 8.1 10.4 14.1 66.7 1.62
và thiếu thốn

Tôi không đủ tiền trang trải cho các


thú vui của mình (chơi chim, đọc sách, 3.0 7.4 20.0 18.5 50.4 1.93
trồng cây,…)

Điểm trung bình chung 1.81

Biểu hiện xếp thứ hai trong sự khủng hoảng về mặt tài chính ở người cao
tuổi là “Tôi không có tiền để dành” có điểm trung bình 1.985. Ở biểu hiện này, có
trên 50% người cao tuổi cho biết không có tiền để dành gây nên sự khủng hoảng
ở họ. Phỏng vấn bác N.T.P - quận Tân Bình cho biết, hàng ngày con gái bác cho
một trăm ngàn đi chợ cho cả nhà, sau khi mua thức ăn, gia vị và đồ dùng hàng
ngày, không còn dư bao nhiêu nên bác rất tiết kiệm, bác có một tủ riêng, chuyên
cất xà phòng, lược, dầu gió và rất nhiều thứ khác để phòng thân, đôi khi, có ai cần

76
bác sẽ cho người đó nữa. Phỏng vấn thêm một số khách thể, họ còn chia sẻ thêm,
ở tuổi gần đất xa trời, sức khoẻ yếu, nhiều lúc không phải muốn cái gì là có thể đi
mua ngay được, nên họ phải để dành để tiện có mà dung. Bên cạnh đó, một số
khác thể khác lại lý giải việc cất giữ đồ đạc của mình là vì muốn tiết kiệm cho con
cháu [phụ lục 2]. Hai biểu hiện có điểm trung bình cao nhất trong bảy biểu hiện
đều cho thấy nỗi lo lắng của người cao tuổi về điều kiện tài chính cho cuộc sống
lâu dài. Họ có xu hướng tích trữ tài sản để đề phòng bất trắc hay hà tiện giúp con
cháu. Tuy nhiên ở mức độ thường xuyên và rất thường xuyên bị ám ảnh bởi suy
nghĩ này chỉ chiếm phần ít. Dưới 15% khách thể thường xuyên và rất thường
xuyên muốn cất trữ và tiết kiệm tất cả đồ đạc, lo lắng mình không có tiền để dành.
Đây là một tín hiệu tích cực vì người cao tuổi mặc dù có khủng hoảng về mặt tài
chính, có xu hướng lo lắng cho cuộc sống về lâu dài nhưng không đến mức bị ám
ảnh thường xuyên.

Dưới 50% người cao tuổi có các biểu hiện “Tôi cảm thấy mình trở thành
người sống bám con cái”, “Tôi phải sống qua ngày rất hà tiện”, “Tôi phải đi làm
vụn vặt để kiếm tiền”, “Nơi ở hiện nay của tôi đã xuống cấp và thiếu thốn”, “Tôi
không đủ tiền trang trải cho các thú vui của mình (chơi chim, đọc sách, trồng
cây,…)”. Phỏng vấn một số người cao tuổi gặp khó khăn về tài chính, nghiên cứu
thu được các dữ liệu vừa thực tế vừa đáng thương. Bác N.T.B - quận 5 sau khi
chia sẻ về hoàn cảnh của mình, đôi mắt đã bắt đầu rớm đỏ: “Hàng ngày, bác đi
bán vé số để kiếm tiền trả tiền thuê nhà. Con cái thì đi làm công nhân, có bao
nhiêu nó lo cho vợ con nó hết, còn đâu tới mình!”, bác C.T.P cũng không khỏi
đau xót: “Tôi thì có hai đứa con, tụi nó học lưng chừng rồi giờ đi dán xe. Hàng
ngày tôi đạp xe ba gác chở hàng, hôm nào mấy xưởng trong xóm thiếu người phụ
thì họ nhận mình vô làm tạm. Vợ tôi thì đẩy xe đi bán súp cua và bánh tráng trộn
trước trường học. Hai mươi năm nay rồi, tôi vẫn ở căn nhà trọ 18 mét vuông ở
quận Bình Thạnh, chỉ mong đủ sống, chưa bao giờ dám nghĩ đến việc, mình đi

77
đâu chơi” [phụ lục 2]. Điều này cho thấy, trên thực tế, vấn đề tài chính có ảnh
hưởng đến cuộc sống sau khi nghỉ hưu của người cao tuổi, khiến cho họ có cảm
giác bất an khi đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống. Về mặt tư tưởng, họ có
cảm giác không thể tự lo cho bản thân, trở thành gánh nặng cho con cái dẫn đến
khủng hoảng. Về mặt cuộc sống hiện tại, có những người cao tuổi phải sống rất
tiết kiệm hoặc phải làm thêm những việc vụn vặt để kiếm tiền, điều này dẫn đến
việc họ bị khủng hoảng. Về mặt điều kiện sống, các vấn đề về chỗ ở xuống cấp,
điều kiện tài chính không đủ để trang trải cho những thú vui cũng gây ra cảm xúc
tiêu cực cho người cao tuổi sau khi về hưu. Tuy nhiên, trong số những người có
những biểu hiện khủng hoảng nói trên, mức độ thường xuyên và rất thường xuyên
chỉ chiếm phần ít. Điều này cho thấy, tài chính không phải là nỗi ám ảnh thường
trực trong cuộc sống của người cao tuổi.

So sánh mức độ khủng hoảng tuổi về hưu biểu hiện ở mặt tài chính trên bình
diện giới tính, thời gian nghỉ hưu và thu nhập trước khi về hưu ở bảng 2.15 cho
thấy: có sự khác biệt ý nghĩa về mức độ khủng hoảng tuổi về hưu biểu hiện ở mặt
tài chính trên bình diện thời gian nghỉ hưu và thu nhập hang tháng trước khi nghỉ
hưu; không có sự khác biệt ý nghĩa về mức độ khủng hoảng tuổi về hưu biểu hiện
ở mặt tài chính trên bình diện giới tính. Cụ thể:

- Về giới tính, kiểm nghiệm chi - bình phương có các con số lần lượt như
sau: về giới tính khi được kiểm nghiệm chi - bình phương có hệ số kiểm nghiệm
là 8.428 và xác suất ý nghĩa là 0.077. Xác suất ý nghĩa của khủng hoảng tuổi về
hưu ở mặt tài chính trên bình diện giới tính lớn hơn xác suất 5%. Điều này cho
thấy không có sự khác biệt ý nghĩa về sự khủng hoảng về hưu ở mặt tài chính giữa
hai giới nam và nữ.

- Về thời gian đã nghỉ hưu, kiểm nghiệm chi - bình phương có hệ số kiểm
nghiệm là 18.931 và xác suất ý nghĩa 0.004. Xác suất ý nghĩa của kiểm nghiệm
này nhỏ hơn xác suất 5%, do đó, có sự khác biệt ý nghĩa về mức độ khủng hoảng

78
tuổi về hưu ở mặt tài chính xét theo các khoảng thời gian nghỉ hưu dưới mười
năm, từ mười năm đến hai mươi năm và trên hai mươi năm. Trong đó, người cao
tuổi có khoảng thời gian nghỉ hưu dưới mười năm có mức độ khủng hoảng về mặt
tài chính ở các mức độ hiếm khi cho đến rất thường xuyên, người cao tuổi có
khoảng thời gian nghỉ hưu từ mười năm đến hai mươi năm, trên hai mươi năm
khủng hoảng về hưu ở mặt tài chính ở các mức độ từ hiếm khi đến thường xuyên.
Các mức độ khủng hoảng cho thấy, người cao tuổi có khoảng thời gian đã nghỉ
hưu dưới mười năm khủng hoảng nhiều hơn người cao tuổi có khoảng thời gian
nghỉ hưu từ mười đến hai mươi năm và trên hai mươi năm. Ở mức độ khủng hoảng
hiếm khi, 62.5% người cao tuổi có thời gian nghỉ hưu dưới mười năm khủng
hoảng, người có khoảng thời gian nghỉ hưu từ mười năm đến hai mươi năm có tỉ
lệ khủng hoảng là 92.3% và 73.3% người nghỉ hưu trên hai mươi năm khủng
hoảng ở mặt tài chính với mức độ hiếm khi. Như vậy, ở mức độ khủng hoảng
hiếm khi, người cao tuổi có khoảng thời gian nghỉ hưu từ mười đến hai mươi năm
có tỉ lệ cao nhất và dưới mười năm chiếm tỉ lệ thấp nhất. Có 31.8% người cao tuổi
đã nghỉ hưu dưới mười năm khủng hoảng về hưu ở mặt tài chính mức độ thỉnh
thoảng. Cũng ở mức độ khủng hoảng thỉnh thoảng, người đã nghỉ hưu từ mười
năm đến hai mươi năm có tỉ lệ 3.8% và người đã nghỉ hưu trên hai mươi năm có
tỉ lệ 6.7%. Ở mức độ khủng hoảng này, người cao tuổi có khoảng thời gian nghỉ
hưu dưới mười năm có tỉ lệ cao nhất. Khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt tài chính
mức độ thường xuyên cao nhất ở nhóm người cao tuổi có khoảng thời gian nghỉ
hưu trên hai mươi năm (tỉ lệ 20%) và thấp nhất là nhóm người cao tuổi có khoảng
thời gian nghỉ hưu dưới mười năm (tỉ lệ 3.4%). Một điểm đáng chú ý là mức độ
khủng hoảng về mặt tài chính rất thường xuyên chỉ có ở người có khoảng thời
gian nghỉ hưu dưới mười năm và tỉ lệ là 2.3%. Phỏng vấn bác B.V.Ơ. - quận 8:
“Ở tuổi 92 này, tôi thấy cuộc sống nhẹ nhàng. Hồi xưa mới nghỉ hưu, thấy cuộc
đời bất công quá, làm cả đời rồi mà cũng chả dư dả bao nhiêu, cưới dâu cho hai
đứa con xong là coi như tôi với ông nhà cũng chỉ còn căn nhà nhỏ này với số tiền

79
ít ỏi hàng tháng. Lúc đầu, cũng muốn cái này, thích cái nọ, thấy người ta đi đây
đi đó, ăn này ăn kia, mình cũng muốn, mà không được sinh ra thấy mình bạc
phước lắm. Nhưng giờ già rồi, khác rồi, ăn được là mừng lắm, ăn đạm bạc thôi,
mặc cũng chả cầu kỳ. Người có số cô (người nghiên cứu) à, sống nay chết mai,
tiền rồi cũng là phù du” [phụ lục 2]. Lý giải theo một cách khác, bác L.T.N. - quận
7 cho biết, nhiều người mới về hưu còn chưa quen, cùng với con cháu cũng còn
nhỏ tuổi, sự nghiệp chưa ổn định nên sẽ thấy rất khó khăn, nhưng khi trải qua giai
đoạn đó rồi, con cái dần ổn định hơn trong sự nghiệp, sự trợ giúp của con cái dành
cho người cao tuổi càng lớn, do đó họ sẽ ít khùng hoảng hơn. Đó là điều mà khách
thể này đã trải nghiệm và quan sát được từ những người đồng trang lứa với mình
[phụ lục 2].

Bảng 2.15. So sánh mức độ biểu hiện khủng hoảng ở mặt tài chính trên
phương diện giới tính, thời gian đã nghỉ hưu, thu nhập trung bình hàng
tháng trước khi nghỉ hưu
Thời gian đã nghỉ
Giới tính Thu nhập trung bình hàng tháng
Mức độ hưu
(%) trước khi nghỉ hưu (%)
khủng hoảng (%)
ở mặt tài Dưới Trên Dưới Trên
10-20 3-5 5-10 10-20
chính Nam Nữ 10 20 3 20
năm triệu triệu triệu
năm năm triệu triệu
Không bao
34.9 18.8 19.3 42.3 20.0 3.7 34.0 18.9 54.5 0.0
giờ
Hiếm khi 27.9 54.1 43.2 46.2 53.3 51.9 36.0 59.5 9.1 100.0
Thỉnh thoảng 7.0 4.7 31.8 3.8 6.7 29.6 18.0 21.6 36.4 0.0
Thường xuyên 7.0 4.7 3.4 3.8 20.0 14.8 6.0 0.0 0.0 0.0
Rất thường
2.3 2.4 2.3 3.8 0.0 0.0 6.0 0.0 0.0 0.0
xuyên
Hệ số chi -
8.428 20.853 33.137
bình phương
Xác suất ý
0.077 0.008 0.007
nghĩa

- Về thu nhập trung bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu, kiểm nghiệm chi -
bình phương có hệ số kiểm nghiệm là 33.137 và xác suất ý nghĩa 0.007. Điều này

80
cho thấy có sự khác biệt ý nghĩa về mức độ khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt tài
chính xét theo các mức thu nhập trung bình hàng tháng của khách thể do xác suất
ý nghĩa của kiểm nghiệm này nhỏ hơn xác suất 5%. Trong đó, các nhóm khách
thể có mức thu nhập trung bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu là dưới ba triệu, từ
năm đến mười triệu có mức độ khủng hoảng ở mặt tài chính từ hiếm khi đến
thường xuyên. Nhóm khách thể có thu nhập từ năm triệu đến mười triệu và từ
mười triệu đến hai mươi triệu có mức khủng hoảng từ hiếm khi đến thỉnh thoảng.
Nhóm người cao tuổi có thu nhập trung bình hàng tháng trên hai mươi triệu trước
khi nghỉ hưu chỉ khủng hoảng về tài chính ở mức độ hiếm khi. Riêng nhóm người
cao tuổi có mức thu nhập từ ba đến năm triệu hàng tháng trước khi nghỉ hưu có
sự khủng hoảng ở mức độ rất thường xuyên với tỉ lệ 6.0%. Cụ thể, ở mức độ
khủng hoảng hiếm khi, 51.9% người có mức thu nhập dưới ba triệu khủng hoảng,
nhóm người có thu nhập từ ba triệu đến năm triệu có tit lệ 36%, 59.5% khách thể
khủng hoảng ở mức độ này có thu nhập trung bình từ năm đến mười triệu hàng
tháng, nhóm người có thu nhập từ mười đến hai mươi triệu có tỉ lệ 9.1% và 100%
người cao tuổi thu nhập trung bình hàng tháng trên hai mươi triệu khủng hoảng
mức độ hiếm khi. Như vậy, ở mức độ khủng hoảng hiếm khi về mặt tài chính,
nhóm người thu nhập trên hai mươi triệu có tỉ lệ cao nhất và nhóm người có thu
nhập từ mười đến hai mươi triệu chiếm tỉ lệ thấp nhất. Ở mức độ khủng hoảng
thỉnh thoảng, tỉ lệ cao nhất là 36.2% thuộc nhóm người có thu nhập từ mười đến
hai mươi triệu hàng tháng trước khi nghỉ hưu và thấp nhất là tỉ lệ 18.0% ở nhóm
người có mức thu nhập trung bình hàng tháng từ ba đến năm triệu. Ở mức độ
khủng hoảng thường xuyên, nhóm người có thu nhập dưới ba triệu và từ ba triệu
đến năm triệu có tỉ lệ khủng hoảng lần lượt là 14.8% và 6.0%.

Như vậy, trong các biến số giới tính, thời gian nghỉ hưu, thu nhập trung bình
hàng tháng trước khi nghỉ hưu có biến số thời gian nghỉ hưu và thu nhập trung
bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu là có sự khác biệt ý nghĩa về mức độ khủng

81
hoảng về hưu ở mặt tài chính. Sự khác biệt ý nghĩa về thời gian đã nghỉ hưu cho
thấy, người cao tuổi khủng hoảng ở mặt tài chính nhiều hơn trong khoảng thời
gian mười năm đầu sau khi nghỉ hưu. Càng về sau, sự khủng hoảng có xu hướng
giảm. Thông qua phỏng vấn, có thể thấy, sau khi trải qua thời gian nghỉ hưu lâu,
người cao tuổi dần thích nghi được với cuộc sống sau khi nghỉ hưu, con cái của
họ cũng dần ổn định và phát triển trong công việc, do đó, họ có sự chăm sóc về
mặt tài chính tốt hơn [phụ lục 2]. Sự khác biệt ý nghĩa về mặt thu nhập trung bình
hàng tháng trước khi nghỉ hưu cho thấy, những người có mức thu nhập thấp hơn
(dưới ba triệu và từ ba triệu đến năm triệu) khủng hoảng về mặt tài chính nhiều
hơn những người có thu nhập cao hơn (từ năm triệu đến hơn hai mươi triệu) sau
khi về hưu.

- Khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM xét ở mặt mối quan hệ
với vợ chồng

Bên cạnh mặt bản ngã, mặt tài chính, người nghiên cứu còn khảo sát các biểu
hiện khủng về hưu ở người cao tuổi ở mặt mối quan hệ với vợ chồng. Các biểu
hiện khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt mối quan hệ với vợ chồng có mức độ từ hiếm
khi đến thỉnh thoảng.

Biểu hiện có điểm trung bình thuộc mức thỉnh thoảng trên thang đo là “Vợ
chồng tôi không cùng tham gia các hoạt động giải trí” và “Vợ chồng tôi không
còn hứng thú ‘quan hệ chăn gối’”. Có trên 70% người cao tuổi cho biết có biểu
hiện này ở các mức độ từ hiếm khi đến rất thường xuyên. Trong đó có trên 30%
người cao tuổi cho biết mức độ của việc “Vợ chồng tôi không cùng tham gia các
hoạt động giải trí” và “Vợ chồng tôi không còn hứng thú ‘quan hệ chăn gối’” ở
mức độ thỉnh thoảng. Dưới 20% người có biểu hiện này thường xuyên và rất
thường xuyên. Dưới 30% người cao tuổi không có các biểu hiện này. Qua việc
phỏng vấn một số người cao tuổi tại phường Bình Hưng Hoà A - Quận Bình Tân,
các ý kiến cho rằng thường vợ chồng sẽ không có cùng thú vui khi về già, do đó

82
không muốn cùng nhau tham gia các hoạt động giải trí. Bên cạnh đó, lý do “sức
khoẻ không cho phép” cũng là lý do được người cao tuổi nhắc đến nhiều khi được
hỏi về “quan hệ chăn gối”. Nhiều người cao tuổi còn cho biết, họ và vợ/chồng
mình không còn ngủ cùng nhau [phụ lục 2]. Có thể thấy, cả hai biểu hiện nói trên
đều là biểu hiện của sự khủng hoảng trong các hoạt động chung của vợ chồng.
Như vậy, các biểu hiện này gây ra cảm xúc tiêu cực trong sự khủng hoảng tuổi về
hưu ở người cao tuổi xét về mặt mối quan hệ với vợ chồng.

Các biểu hiện có điểm trung bình thuộc mức hiếm khi gồm “Vợ chồng tôi
không còn những mối quan tâm chung”, “Vợ/chồng tôi lơ đãng hoạt động thường
ngày của tôi”, “Vợ chồng tôi ngại những cử chỉ/ lời nói thể hiện tình cảm một
cách tự nhiên”, “Vợ chồng tôi có mâu thuẫn và cãi nhau”, “Vợ chồng tôi mặc kệ
những bất đồng xảy ra”. Trên 60% người cao tuổi có những biểu hiện này trong
cuộc sống của mình. Trong đó, trên 25% thuộc mức độ hiếm khi, trên 20% thuộc
mức độ thỉnh thoảng, dưới 20% thuộc mức độ thường xuyên và dưới 10% thuộc
mức độ rất thường xuyên. Như vậy, ở các biểu hiện này, mức độ rất thường xuyên
chiếm phần ít. Rõ ràng, không ít những người cao tuổi được phỏng vấn vẫn còn
giữ được sự lãng mạn trong đời sống vợ chồng khi thỉnh thoảng vẫn làm thơ tặng
vợ, đùa với vợ/chồng trước mặt con cái, tặng quà nhân ngày cưới/ngày sinh nhật
của nhau,… Tuy nhiên, cũng nhiều “mối tình già” đã chuyển sang sự gắn kết về
tình nghĩa nhiều hơn tình yêu khi gọi nhau là “ông/bà”, “mẹ của con A”, “cha của
thằng B” hay cũng đã lâu lắm rồi không dành một lời nói ngọt ngào, một câu khen
tặng, một sự quan tâm về sở thích cho nhau. Nhiều người cao tuổi đã thành thật
chia sẻ như thế, lý do họ hành động như vậy là vì ngại ngùng, nhưng đa phần là
vì họ chưa từng nghĩ rằng cần phải làm những điều như thế. Mặc dù vậy, khi tiếp
tục được hỏi là liệu mình có buồn hay cần không những cử chỉ thể hiện ngọt ngào
từ vợ hay chồng của mình thì chỉ rất ít khách thể trả lời rằng “chắc không cần”,

83
còn lại khách thể đều mỉm cười và thú nhận rằng điều đó sẽ làm họ rất vui và hạnh
phúc [phụ lục 2].

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là mặc dù có những biểu hiện khủng hoảng
ở mặt mối quan hệ với vợ chồng nhưng mức độ chiếm phần nhiều là thỉnh thoảng.
Điều này có nghĩa, các biểu hiện khủng hoảng về hưu ở mặt mối quan hệ với vợ
chồng có tồn tại trong cuộc sống của người cao tuổi nhưng ảnh hưởng thường
xuyên và rất thường xuyên chỉ chiếm phần ít (dưới 25%).

Số liệu cụ thể được trình bày trong bảng 2.16:

Bảng 2.16. Biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu của người cao tuổi tại Tp.
HCM ở mặt mối quan hệ với vợ chồng
Mức độ (%)
Biểu hiện ĐTB
RTX TX TT HK KBG
Vợ chồng tôi không cùng tham gia các
8.1 16.1 33.9 16.9 25.0 2.65
hoạt động giải trí

Vợ chồng tôi không còn những mối quan


3.2 10.3 30.2 26.2 30.1 2.30
tâm chung

Vợ/chồng tôi lơ đãng hoạt động thường


1.6 13.6 27.2 22.4 35.2 2.24
ngày của tôi

Vợ chồng tôi ngại những cử chỉ/ lời nói


6.3 17.5 23.8 14.3 38.1 2.39
thể hiện tình cảm một cách tự nhiên

Vợ chồng tôi không còn hứng thú “quan


5.6 14.3 35.7 19.0 25.4 2.55
hệ chăn gối”

Vợ chồng tôi có mâu thuẫn và cãi nhau 3.2 8.0 39.2 20.0 29.6 2.35

Vợ chồng tôi mặc kệ những bất đồng xảy


3.2 12.0 22.4 25.6 36.8 2.19
ra

Điểm trung bình chung 2.38

So sánh mức độ khủng hoảng tuổi về hưu biểu hiện ở mặt mối quan hệ với
vợ chồng trên bình diện giới tính, thời gian nghỉ hưu và thu nhập trước khi về hưu

84
cho thấy không có sự khác biệt ý nghĩa về mức độ khủng hoảng ở mặt mối quan
hệ với vợ chồng xét trên các bình diện giới tính, thời gian nghỉ hưu và thu nhập
trung bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu ở người cao tuổi. Số liệu cụ thể được
trình bày ở bảng 2.17. Điều này chứng minh rằng, những biểu hiện khủng hoảng
ở mức độ hiếm khi cho đến thỉnh thoảng về mặt mối quan hệ vợ chồng tồn tại là
như nhau ở cả người cao tuổi nam lẫn nữ, người cao tuổi mới về hưu hay về hưu
đã lâu, người cao tuổi có mức thu nhập trung bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu
là cao hay thấp.

Bảng 2.17. So sánh mức độ biểu hiện khủng hoảng ở mặt mối quan hệ với
vợ/chồng trên phương diện giới tính, thời gian đã nghỉ hưu, thu nhập trung
bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu
Giới tính Thời gian đã nghỉ hưu Thu nhập trung bình hàng tháng
Mức độ (%) (%) trước khi nghỉ hưu (%)
khủng Dưới Trên Dưới 10- Trên
10-20 3-5 5-10
hoảng Nam Nữ 10 20 3 20 20
năm triệu triệu
năm năm triệu triệu triệu
Không bao
9.5 12.2 12.5 0.0 21.4 17.4 9.8 10.0 9.1 0.0
giờ
Hiếm khi 26.2 36.5 31.3 34.8 35.7 30.4 29.4 36.7 36.4 100.0
Thỉnh
35.7 36.5 38.8 43.5 14.3 34.8 37.3 33.3 45.5 0.0
thoảng
Thường
26.2 14.9 17.5 17.4 28.6 13.0 23.5 20.0 9.1 0.0
xuyên
Rất thường
2.4 0.0 0.0 4.3 0.0 4.3 0.0 0.0 0.0 0.0
xuyên
Hệ số chi -
bình 4.612 11.342 9.365
phương
Xác suất ý
0.329 0.183 0.898
nghĩa

Nhìn chung, khủng hoảng tuổi về hưu của người cao tuổi tại Tp. HCM không
có sự khác biệt trên bình diện giới tính, thời gian nghỉ hưu, mức thu nhập trung
bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu.

85
- Khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM xét ở mặt mối quan hệ với
con cháu

Các biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi xét trong mối quan hệ
với con cháu có điểm trung bình thuộc mức hiếm khi trong thang đo.

Trong đó, biểu hiện có điểm trung bình cao nhất là “Con cháu tôi có nhiều
chuyện khiến tôi phải bận tâm”. Với người cao tuổi, con cháu là niềm vui ở phần
còn lại trong cuộc đời. Nhưng với tình yêu thương con cháu, những va vấp trong
cuộc sống của chúng cũng khiến họ phải bận tâm. Mức độ bận tâm của người cao
tuổi đối với những vấn đề của con cháu là trên 50% ở các mức độ từ hiếm khi đến
rất thường xuyên. Trong đó, phần nhiều nằm ở hai mức độ hiếm khi và thỉnh
thoảng (trên 40%). Mức độ thường xuyên và rất thường xuyên chỉ chiếm phần ít
(dưới 10%).

Dưới 40% người cao tuổi có các biểu hiện “Con cái tôi không về nhà thăm
tôi”, “Tôi không nói chuyện với con/cháu mình”, “Con cháu không lắng nghe
những gì tôi nói”, “Tôi không được chăm sóc cháu”, “Con cháu tôi nói chuyện
lớn tiếng/quát mắng tôi”, “Con cháu tôi bỏ mặc khi tôi bệnh yếu”. Trong đó, phần
nhiều ở mức độ hiếm khi và thỉnh thoảng (chủ yếu là ở mức độ hiếm khi). Mức
độ thường xuyên và rất thường xuyên chỉ chiếm dưới 10%. Phỏng vấn tìm hiểu
chủ yếu về sự quan tâm của con cháu dành cho người cao tuổi cho thấy, khi thiếu
hụt sự quan tâm này, người cao tuổi cảm thấy sự hụt hẫng, gây ra cảm xúc tiêu
cực dẫn đến khủng hoảng. Tuy nhiên, cũng có một số ít người cao tuổi cho biết
rằng, mối quan hệ giữa họ với con cháu không tốt vì họ không hợp với con cái
của mình, không muốn nhờ cậy vào con cái, thích bản thân mình tự lo liệu mọi
thứ cho bản thân [phụ lục 2].

Như vậy, các biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt mối quan hệ với con
cháu chỉ chiếm phần ít. Con cháu chính là niềm vui, niềm an ủi tuổi già của đa số

86
người cao tuổi. Đây chính là dấu hiệu tích cực trong sự khủng hoảng về hưu của
người cao tuổi.

Các số liệu cụ thể được trình bày trong bảng 2.18:

Bảng 2.18. Biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu của người cao tuổi tại Tp.
HCM ở mặt mối quan hệ với con cháu
Mức độ (%)
Biểu hiện ĐTB
RTX TX TT HK KBG
Con cái tôi không về nhà thăm tôi 3.8 2.3 6.9 12.4 74.6 1.49

Tôi không nói chuyện với con/cháu


0.8 2.3 9.3 14.7 72.9 1.43
mình

Con cháu tôi có nhiều chuyện khiến tôi


0.8 7.7 28.5 21.5 41.5 2.05
phải bận tâm

Con cháu không lắng nghe những gì tôi


1.5 3.8 13.1 18.5 63.1 1.62
nói

Tôi không được chăm sóc cháu 0.0 4.7 10.9 10.9 73.5 1.47

Con cháu tôi nói chuyện lớn tiếng/quát


0.8 1.5 3.8 11.5 82.4 1.27
mắng tôi

Con cháu tôi bỏ mặc khi tôi bệnh yếu 1.6 1.6 3.9 7.8 85.1 1.26

Điểm trung bình chung 1.52

So sánh mức độ khủng hoảng tuổi về hưu biểu hiện ở mặt mối quan hệ với
con cháu trên bình diện giới tính, thời gian nghỉ hưu và thu nhập trước khi về hưu
cho thấy không có sự khác biệt ý nghĩa về mức độ khủng hoảng về hưu ở mặt mối
quan hệ với con cháu trên bình diện giới tính, thời gian nghỉ hưu, thu nhập trung
bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu. Điều này cho thấy, người cao tuổi là nam hay
nữ, thời gian đã nghỉ hưu là ngắn hay dài, thu nhập trung bình trước khi nghỉ hưu
là cao hay thấp đều có mối quan hệ với con cháu như nhau.

87
Như vậy, không xảy ra trường hợp người cao tuổi là nam thì có mối quan hệ
với con cháu tốt đẹp hơn là nữ hoặc ngược lại, hay người cao tuổi có mức thu
nhập cao hơn thì mối quan hệ với con cháu tốt hơn hoặc ngược lại, hay mối quan
hệ giữa người cao tuổi với con cháu tốt đẹp hơn khi mới về hưu so với đã về hưu
ở thời gian dài hoặc ngược lại.

Bảng 2.19. So sánh mức độ biểu hiện khủng hoảng ở mặt mối quan hệ với
con cháu trên phương diện giới tính, thời gian đã nghỉ hưu, thu nhập trung
bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu
Giới tính (%) Thời gian đã nghỉ hưu Thu nhập trung bình hàng tháng trước
(%) khi nghỉ hưu (%)
Mức độ
Nam Nữ Dưới 10-20 Trên Dưới 3-5 5-10 10-20 Trên
khủng hoảng
10 năm 20 3 triệu triệu triệu 20
năm năm triệu triệu
Không bao giờ 21.4 32.1 21.2 52.0 30.8 29.2 38.0 11.4 36.4 50.0
Hiếm khi 54.8 56.8 61.2 40.0 53.8 54.2 42.0 74.3 63.6 50.0
Thỉnh thoảng 14.3 8.6 10.6 8.0 15.4 8.3 14.0 11.4 0.0 0.0
Thường xuyên 9.5 2.5 7.1 0.0 0.0 8.3 6.0 2.9 0.0 0.0
Rất thường
0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0
xuyên
Hệ số chi -
4.782 11.159 13.370
bình phương
Xác suất ý
0.188 0.084 0.343
nghĩa

- Khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM xét ở mặt thú vui/sở
thích và các mối quan hệ sơ giao

Ngoài các mặt nói trên, mặt thú vui/sở thích và các mối quan hệ sơ giao cũng
là một khía cạnh đáng quan tâm trong cuộc sống của người cao tuổi. Các biểu
hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi xét trên mặt thú vui/sở thích và các
mối quan hệ sơ giao có điểm trung bình thuộc mức hiếm khi và thỉnh thoảng (bảng
2.20).

88
Bảng 2.20. Biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu của người cao tuổi tại Tp.
HCM ở mặt thú vui/sở thích và các mối quan hệ sơ giao

Mức độ (%)
Biểu hiện ĐTB
RTX TX TT HK KBG
Tôi chán nản khi cứ quanh quẩn trong
4.4 11.9 16.3 16.3 45.9 2.126
nhà với những công việc lặt vặt

Tôi không đi du lịch 6.7 11.9 37.0 18.5 25.9 2.548

Tôi không có thú vui riêng 0.7 11.9 23.0 21.5 43.0 2.059

Tôi không tập thể dục vào buổi sáng 3.0 8.9 18.5 11.1 57.8 1.873

Tôi không liên lạc với bạn bè 0.0 10.4 17.0 15.6 57.0 1.807

Tôi ngại kết giao với người lạ 4.4 12.6 17.8 17.0 48.1 2.082

Tôi ít gặp gỡ hàng xóm 0.7 9.6 15.6 25.2 48.1 1.888

Điểm trung bình chung 2.06

Biểu hiện “Tôi không đi du lịch” có điểm trung bình thuộc mức thỉnh thoảng.
Không được đi chơi, khám phá những vùng đất mới cũng được xem là điều làm
trầm trọng thêm khi suy nghĩ bi quan về cuộc đời của những người đã dành hết
tuổi trẻ cho lao động và gia đình. Có trên 50% người cao tuổi không đi di lịch ở
các mức độ từ hiếm khi đến rất thường xuyên. Trong đó, mức độ hiếm khi và
thỉnh thoảng chiếm phần nhiều (trên 40%), mức độ thường xuyên và rất thường
xuyên chiếm dưới 20%. Như vậy, có thể thấy phần nhiều người cao tuổi không đi
du lịch. Tuy nhiên, mức độ thường xuyên và rất thường xuyên của việc người cao
tuổi không đi du lịch chiếm phần ít. Điều này chứng tỏ, người cao tuổi vẫn đi du
lịch sau khi nghỉ hưu nhưng việc này chưa diễn ra thường xuyên để đáp ứng nhu
cầu tận hưởng tuổi già và giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực, bi quan.

Biểu hiện hiện có điểm trung bình cao thứ hai trong các biểu hiện ở mặt thú
vui/sở thích và các mối quan hệ sơ giao là “Tôi chán nản khi cứ quanh quẩn trong
nhà với những công việc lặt vặt”. Sự nhàn hạ trong công việc khiến cho người cao

89
tuổi cảm thấy cứ mòn mỏi quanh quẩn trong nhà, đây có thể xem là dấu hiệu tiêu
cực của khủng hoảng. Cả hai biểu hiện nói trên đều thuộc nhóm những biểu hiện
của sự khủng hoảng về thú vui/sở thích. Sau khi từ bỏ công việc mà bản thân đã
gắn bó trước đó, người cao tuổi có xu hướng hướng những hoạt động của mình
vào các hoạt động phục vụ thú vui riêng, sở thích nhưng khi các hoạt động này
thiếu hụt là biểu hiện tiêu cực của khủng hoảng về hưu.

Trên 40% người cao tuổi không tập thể dục buổi sáng và trên 50% người cao
tuổi không có thú vui riêng. Lý giải cho điều này, các bác L.P.T. - quận 1, bác
T.Đ.T. - quận Tân Phú và bác L.T.T.T. - huyện Củ Chi giãi bày, họ không tìm
thấy công viên gần nhà hay nơi thoáng mát phù hợp cho việc tập thể dục. Một số
người cao tuổi khác lại cho rằng, họ phải đi làm rất vất vả nên chẳng còn tập thể
dục chi nữa [phụ lục 2]. Không có hoặc không hướng hoạt động của mình vào
những thú vui/sở thích khiến đời sống tinh thần của người cao tuổi rơi vào tình
trạng khủng hoảng.

Nhóm các biểu hiện khủng hoảng trong các mối quan hệ với bạn bè, hàng
xóm và kết giao với người lại có điểm trung bình ở mức độ hiếm khi. Trên 40%
người cao tuổi không liên lạc với bạn bè, không kết giao với người lạ và ít gặp gỡ
hàng xóm. Điều này khiến cho các mối quan hệ của người cao tuổi thu hẹp lại, ít
có người chia sẻ, bầu bạn. Chia sẻ một cách thẳng thắn, bác T.T.K. - quận Bình
Tân cho rằng: “Thật ra, về hưu mới là lúc có nhiều thời gian gặp lại những người
bạn cũng hồi cùng nhau đi bộ đội hay gặp lại họ hàng xa đấy chứ!”. Thế nhưng
cũng có những ý kiến đáng lưu tâm hơn khi không ít người cao tuổi cho rằng, họ
muốn trốn tránh mọi người khi cảm thấy bản thân và cuộc sống của bản thân thua
kém bạn bè, anh chị em họ hàng cùng lứa. Nhiều người cao tuổi còn giải thích
việc họ không tiếp xúc với người khác là vì họ không có thời gian cho sự nhàn rỗi
mà phải tích cực kiếm sống [phụ lục 2].

90
Bảng 2.21. So sánh mức độ biểu hiện khủng hoảng ở mặt thú vui/sở thích và
các mối quan hệ sơ giao trên phương diện giới tính, thời gian đã nghỉ hưu,
thu nhập trung bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu
Mức độ khủng Giới tính Thời gian đã nghỉ Thu nhập trung bình hàng tháng
hoảng ở mặt thú (%) hưu (%) trước khi nghỉ hưu (%)
vui/sở thích và các Nam Nữ Dưới 10- Trên Dưới 3-5 5-10 10- Trên
mối quan hệ 10 20 20 3 triệu triệu 20 20
năm năm năm triệu triệu triệu
Không bao giờ 7.0 5.8 4.5 7.7 13.3 3.7 7.8 8.1 0.0 0.0
Hiếm khi 100.
44.2 58.1 54.5 53.8 46.7 59.3 43.1 54.1 72.7
0
Thỉnh thoảng 27.9 29.1 26.1 34.6 33.3 25.9 33.3 27.0 27.3 0.0
Thường xuyên 20.9 7.0 14.8 3.8 6.7 11.1 15.7 10.8 0.0 0.0
Rất thường xuyên 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0 0.0
Hệ số chi - bình
5.919 4.913 7.587
phương
Xác suất ý nghĩa 0.116 0.555 0.817

So sánh mức độ khủng hoảng tuổi về hưu biểu hiện ở mặt thú vui/sở thích
và các mối quan hệ sơ giao trên bình diện giới tính, thời gian nghỉ hưu và thu nhập
trước khi về hưu cho thấy không có sự khác biệt ý nghĩa thống kê. Số liệu cụ thể
ở bảng 2.21. Cụ thể:

- Về giới tính, kiểm nghiệm chi - bình phương mức độ khủng khủng hoảng
tuổi về hưu ở mặt thú vui/sở thích và các mối quan hệ sơ giao trên bình diện giới
tính có hệ số kiểm nghiệm là 5.919 và xác suất ý nghĩa 0.116. Xác suất ý nghĩa
lớn hơn mức xác suất 5% do đó, mức độ khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt thú vui/sở
thích và các mối quan hệ sơ giao không có sự khác biệt ý nghĩa về giới tính.

- Về thời gian đã nghỉ hưu và thu nhập trung bình hàng tháng trước khi nghỉ
hưu, tương tự như mặt giới tính, kiểm nghiệm chi - bình phương cho xác suất ý
nghĩa lần lượt là 0.555 và 0.817. Xác suất ý nghĩa lớn hơn mức xác suất 5% do
đó, mức độ khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt thú vui/sở thích và các mối quan hệ

91
sơ giao không có sự khác biệt ý nghĩa về thời gian nghỉ hưu và thu nhập trung
bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu.

Như vậy, mức độ khủng hoảng ở mặt thú vui/sở thích và các mối quan hệ
của người cao tuổi tại Tp. HCM thuộc mức hiếm khi đến thỉnh thoảng, không có
sự khác biệt trên bình diện giới tính, thời gian đã nghỉ hưu và thu nhập trung bình
hàng tháng trước khi nghỉ hưu.

- Khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM xét ở mặt sức khỏe

Song song với các mặt biểu hiện khác, sức khỏe là khía cạnh nổi bật của độ
tuổi về hưu. Vì thế, khảo sát biểu hiện khủng hoảng về hưu ở mặt sức khỏe là
hoàn toàn cần thiết. Các biểu hiện khủng hoảng ở người cao tuổi xét ở mặt sức
khỏe có điểm trung bình thuộc mức độ từ hiếm khi đến thỉnh thoảng (bảng 2.22).

Trong đó, các biểu hiện có điểm trung bình thuộc mức độ thỉnh thoảng là
“Cơ thể làm việc thiếu chính xác hơn”, “Nhức mỏi”. Có trên 80% người cao tuổi
có biểu hiện này ở các mức độ từ hiếm khi đến rất thường xuyên. Nhứt mỏi là
biểu hiện có điểm trung bình cao nhất trong các biểu hiện khủng hoảng xét ở mặt
sức khỏe. Phần nhiều tập trung ở mức độ thỉnh thoảng và thường xuyên (trên
60%). Biểu hiện thứ hai có điểm trung bình thuộc mức thỉnh thoảng là “Cơ thể
làm việc thiếu chính xác hơn”. Trên 50% người cao tuổi cho biết bản thân có dấu
hiệu này ở mức thỉnh thoảng, 20% có mức biểu hiện là hiếm khi và trên 10% biểu
hiện ở mức thường xuyên. Mức rất thường xuyên của biểu hiện này chiếm phần
ít (dưới 5%).

Các biểu hiện có điểm trung bình thuộc mức độ hiếm khi là “Có dấu hiệu về
sa sút tinh thần”, “Có dấu hiệu của bệnh nan y”, “Lãng tai”, “Mờ mắt”, “Run tay”.
Trong đó, biểu hiện “Có dấu hiệu về sa sút tinh thần “, “Mờ mắt” có điểm trung
bình cao nhất. Có trên 60% người cao tuổi có biểu hiện này nhưng phần lớn ở
mức độ hiếm khi và thỉnh thoảng, mức độ thường xuyên và rất thường xuyên

92
chiếm phần ít (dưới 15%). Kết quả phỏng vấn người cao tuổi cho thấy, đa phần
người cao tuổi phải đeo kính lão để đọc sách, báo. Ngoài ra, họ cũng chia sẻ về
biểu hiện đầu tiên của các loại bệnh là sự sa sút tinh thần bao gồm: trí nhớ giảm,
thiếu linh hoạt, dễ nóng giận và suy nghĩ tiêu cực [phụ lục 2]. Xếp thấp hơn là các
dấu hiệu “Lãng tai”, “Run tay”, “Có dấu hiệu của bệnh nan y” với tỉ lệ người cao
tuổi có biểu hiện này dưới 35%. Phần lớn những người có biểu hiện này ở mức
độ hiếm khi và thỉnh thoảng.

Bảng 2.22. Biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu của người cao tuổi tại Tp.
HCM ở mặt sức khỏe
Mức độ (%)
Biểu hiện ĐTB
RTX TX TT HK KBG
Cơ thể làm việc thiếu chính xác hơn 3.7 14.1 50.4 20.0 11.9 2.778

Nhức mỏi 6.7 20.7 48.9 11.9 11.9 2.985

Có dấu hiệu về sa sút tinh thần 1.5 9.6 36.3 26.7 25.9 2.341

Có dấu hiệu của bệnh nan y 1.5 1.5 11.9 16.3 68.1 1.508

Lãng tai 3.0 8.9 24.4 16.3 47.4 2.037

Mờ mắt 3.7 11.1 37.8 13.3 34.1 2.370

Run tay 4.4 10.4 13.3 20.0 51.9 1.956

Điểm trung bình chung 2.28

Ngoài các biểu hiện khủng hoảng ở mặt sức khỏe kể trên, người cao tuổi còn
cho biết, họ có các biểu hiện khác như: cao huyết áp, thần kinh, tiểu đường, tim
mạch, cườm mắt, tiêu hóa, mỡ máu cao, đau khớp và các ảnh hưởng của những
tai nạn khi còn trẻ [phụ lục 2].

Việc hoạt động miệt mài của các bộ phận trong cơ thể qua thời gian dài dẫn
đến sự suy giảm về mặt sức khỏe là biểu hiện rõ nét trong đời sống của người cao
tuổi, điều này ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của họ. So với các mặt biểu hiện
khác thì ở mặt sức khỏe cho thấy sự khủng hoảng rõ nét hơn, bằng chứng là biểu

93
hiện ở mức thường xuyên và rất thường xuyên cao hơn các mặt khác (ở mặt sức
khỏe là trên 25% và các mặt khác là trên 15%). Tuy nhiên, ở khách thể được khảo
sát, mức độ rất thường xuyên của các biểu hiện khủng hoảng về hưu xét ở mặt sức
khỏe chiếm phần ít (dưới 10%). Điều này phù hợp với độ tuổi của khách thể mà
đề tài khảo sát.

So sánh mức độ khủng hoảng tuổi về hưu biểu hiện ở mặt sức khỏe trên bình
diện giới tính, thời gian nghỉ hưu và thu nhập trước khi về hưu cho thấy có sự
khác biệt ý nghĩa về mức độ khủng hoảng tuổi về hưu biểu hiện ở mặt sức khỏe
trên bình diện thời gian đã nghỉ hưu. Điều này là hợp lý vì độ tuổi của người cao
tuổi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Cụ thể:

- Về giới tính và thu nhập trung bình hàng tháng trước khi nghỉ hưu, kiểm
nghiệm chi - bình phương cho xác suất ý nghĩa lần lượt là 0.074 và 0.428. Xác
suất ý nghĩa lớn hơn mức xác suất 5% do đó, mức độ khủng hoảng tuổi về hưu ở
sức khỏe không có sự khác biệt ý nghĩa về giới tính. Điều này cho thấy, người cao
tuổi là nam hay nữ, có mức thu nhập trung bình cao hay thấp thì đều hặp khủng
hoảng ở mặt sức khỏe từ mức độ hiếm khi đến thỉnh thoảng như nhau.

- Về thời gian đã nghỉ hưu, kiểm nghiệm chi - bình phương mức độ khủng
khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt sức khỏe có hệ số kiểm nghiệm là 23.182 và xác
suất ý nghĩa 0.003. Xác suất ý nghĩa lớn nhỏ mức xác suất 5% cho thấy mức độ
khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt sức khỏe có sự khác biệt ý nghĩa về thời gian nghỉ
hưu. Sự khác biệt này cho thấy, người cao tuổi có khoảng thời gian nghỉ hưu lâu
có mức khủng hoảng ở mặt sức khỏe càng nhiều. Có thể nhìn thấy rõ điều này ở
mức độ khủng hoảng thường xuyên. Có 26.7% người cao tuổi thường xuyên có
các biểu hiện khủng hoảng ở mặt sức khỏe. Sự khác biệt ý nghĩa này được người
cao tuổi lý giải thông qua phỏng vấn như sau: người cao tuổi có khoảng thời gian
nghỉ hưu càng lâu đồng nghĩa với việc tuổi đời của người này càng cao. Vì thế,
các biểu hiện sức khỏe của tuổi già càng rõ nét [phụ lục 2].

94
Như vậy, mức độ biểu hiện khủng khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt sức khỏe
ở người cao tuổi tại Tp. HCM chỉ có sự khác biệt về phương diện thời gian đã
nghỉ hưu.

Số liệu cụ thể được trình bày ở bảng 2.23:

Bảng 2.23. So sánh mức độ biểu hiện khủng hoảng ở mặt sức khỏe trên
phương diện giới tính, thời gian đã nghỉ hưu, thu nhập trung bình hàng
tháng trước khi nghỉ hưu
Giới tính Thời gian đã nghỉ Thu nhập trung bình hàng tháng
Mức độ
(%) hưu (%) trước khi nghỉ hưu (%)
khủng hoảng
Dưới 10- Trên Dưới 10- Trên
ở mặt sức 3-5 5-10
Nam Nữ 10 20 20 3 20 20
khỏe triệu triệu
năm năm năm triệu triệu triệu

Không bao giờ 0.0 1.2 1.1 0.0 0.0 0.0 0.0 2.8 0.0 0.0

Hiếm khi 27.9 44.7 40.4 36.0 40.0 44.4 41.2 25.0 54.5 50.0

Thỉnh thoảng 51.2 44.7 47.2 60.0 20.0 40.7 43.1 61.1 36.4 50.0

Thường xuyên 20.9 7.1 11.2 4.0 26.7 7.4 15.7 11.1 9.1 0.0

Rất thường
0.0 2.4 0.0 0.0 0.0 7.4 0.0 0.0 0.0 0.0
xuyên

Hệ số chi - bình
8.523 23.182 16.360
phương

Xác suất ý
0.074 0.003 0.428
nghĩa

95
2.2.2.2. Các yếu tố liên quan đến khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi
tại Tp. HCM

* Yếu tố sự chuẩn bị trước khi về hưu

Ngoài việc tiến hành khảo sát khủng hoảng về hưu ở các mặt bản ngã, tài
chính, trong mối quan hệ với vợ chồng, mối quan hệ với con cháu, thú vui/sở thích
và các mối quan hệ sơ giao, sức khỏe, nghiên cứu cũng tiến hành khảo sát các yếu
tố liên quan đến khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi. Sự chuẩn bị trước khi về
hưu gồm: tâm lý chuẩn bị nghỉ hưu, tài chính, chuẩn bị cho nỗi lo con cái còn nhỏ,
hình dung cuộc sống sau khi nghỉ hưu, kế hoạch cuộc sống sau khi nghỉ hưu.

Sự chuẩn bị trước khi về hưu của người cao tuổi có điểm trung bình thuộc
mức trung bình trên thang đo. Trong đó, sự chuẩn bị về mặt tài chính được chuẩn
bị nhiều nhất. Có trên 60% người cao tuổi đồng ý rằng họ tích lũy tiền hàng năm
để chuẩn bị cho việc nghỉ hưu. Điều này là tín hiệu đáng mừng cho thấy một phần
lớn người cao tuổi đã ý thức được những khó khăn sẽ phải đối mặt và có sự chuẩn
bị sẵn sàng về tài chính. Biểu hiện “Tôi có kế hoạch cụ thể cho công việc trong
thời điểm chuẩn bị về hưu” có điểm trung bình 3.467, cao thứ hai trong số năm
biểu hiện của sự chuẩn bị và có trên 45% người cao tuổi đồng ý và hoàn toàn đồng
ý về điều này. “Khi tôi nghỉ hưu, con cái vẫn còn nhỏ” là biểu hiện xếp thứ ba, có
trên 50% người cao tuổi đồng ý và hoàn toàn đồng ý rằng đây là biểu hiện chuẩn
bị khi về hưu của họ. “Tôi đã từng hình dung về cuộc sống nghỉ hưu của mình như
thế nào”, “Tôi không nghĩ là mình đã nghỉ hưu sớm vậy” là các biểu hiện tiếp theo
về sự chuẩn bị trước khi nghỉ hưu của người cao tuổi.

Như vậy, kết quả khảo sát về sự chuẩn bị của người cao tuổi trước khi về hưu
đã cho thấy người cao tuổi có chuẩn bị trước khi về hưu với mức chuẩn bị trung
bình.

Có thể minh chứng qua số liệu cụ thể được trình bày trong bảng 2.24:

96
Bảng 2.24. Sự chuẩn bị trước khi về hưu của người cao tuổi tại Tp. HCM
Mức độ (%)
Hoàn Hoàn
Khôg
Biểu hiện toàn Đồng Phân toàn ĐTB
đồng
đồng ý vân không
ý
ý đồng ý
Tôi không nghĩ là mình đã nghỉ hưu
8.9 25.9 14.8 28.9 21.5 2.72
sớm như vậy

Tôi tích lũy tiền hàng năm cho việc


10.4 56.3 11.9 14.1 7.4 3.49
nghỉ hưu

Khi tôi nghỉ hưu, con cái vẫn còn nhỏ 23.0 30.4 6.7 28.9 9.6 3.29

Tôi có kế hoạch cụ thể cho công việc


15.6 43.0 20.7 14.1 6.7 3.47
trong thời điểm chuẩn bị về hưu

Tôi đã từng hình dung về cuộc sống


13.3 26.7 20.0 25.9 14.1 2.99
nghĩ hưu của mình như thế nào

Bảng 2.25. Sự tương quan giữa các mặt biểu hiện của khủng hoảng về hưu
với mức độ chuẩn bị trước khi về hưu
Các mặt khủng Hệ số tương
Xác suất ý nghĩa Kết luận tương quan
hoảng về hưu quan

Mặt bản thân -0.309 0.000 Tương quan nghịch có ý nghĩa

Mặt tài chính -0.213 0.000 Tương quan nghịch có ý nghĩa

Mặt mối quan hệ với


-0.130 0.155 Tương quan không có ý nghĩa
vợ chồng

Mặt mối quan hệ với


-0.147 0.101 Tương quan không có ý nghĩa
con cháu

Mặt thú vui/sở thích


và các mối quan hệ -0.169 0.053 Tương quan không có ý nghĩa
sơ giao

Mặt sức khỏe -0.070 0.423 Tương quan không có ý nghĩa

97
Để biết được yếu tố sự chuẩn bị trước khi về hưu có mối liên hệ với biểu
hiện khủng hoảng về hưu hay không, nghiên cứu tiến hành kiểm tra sự tương quan
giữa hai yếu tố này.

Kết quả phân tích tương quan ở bảng 2.25 cho thấy, có sự tương quan giữa
mức độ chuẩn bị trước khi về hưu với mặt bản thân và mặt tài chính trong khủng
hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM, đây là tương quan nghịch với
hệ số tương quan thấp.

Vì sự chuẩn bị trước khi về hưu là điều có trước khi về hưu nên có thể kết
luận rằng, sự chuẩn bị trước khi về hưu có ảnh hưởng đến khủng hoảng về hưu ở
người cao tuổi biểu hiện ở mặt tài chính và mặt bản ngã. Do vậy, để tác động
nhằm làm cho người cao tuổi giảm “cú sốc” sau khi về hưu, cần chuẩn bị cho họ
tâm lý thật thoải mái và có kế hoạch để đón nhận giai đoạn mới của cuộc đời. Kết
quả phỏng vấn ở người cao tuổi cũng nhận được sự lý giải đồng tình và tương ứng
với số liệu mà phân tích định lượng mang lại.

Mặt tài chính Mặt bản ngã


Linear (Mặt tài chính) Linear (Mặt bản ngã)
5
Điểm trung bình sự chuẩn bị trước khi về hưu

4.5
4
3.5
3
2.5
2
1.5
1
0.5
0
0 1 2 3 4 5 6
Điểm trung bình khủng hoảng về hưu ở mặt bản ngã và tài chính

Biểu đồ 2.3. Tương quan điểm trung bình giữa sự chuẩn bị trước khi về
hưu và biểu hiện khủng hoảng về hưu ở mặt bản ngã và tài chính ở người
cao tuổi tại Tp. HCM

98
* Yếu tố đánh giá của người cao tuổi về phúc lợi xã hội khi về hưu

Bên cạnh sự chuẩn bị trước khi về hưu thì phúc lợi xã hội dành cho người
cao tuổi chính là vấn đề được xã hội quan tâm trong chiến lược chăm sóc an sinh
cho người cao tuổi. Cùng quan tâm đến vấn đề này, nghiên cứu tìm hiểu đánh giá
của người cao tuổi về phúc lợi xã hội dành cho họ sau khi về hưu. Sự đánh giá
phúc lợi xã hội mà họ thụ hưởng sau khi về hưu được khảo sát trên các mặt: mức
lương và các khoảng trợ cấp, bảo hiểm trong việc chăm sóc sức khỏe, có thể tiếp
tục đóng góp cho ngành, sự ưu tiên trong các dịch vụ xã hội, tổ chức hoạt động
vui chơi giải trí cho người cao tuổi.

Sự đánh giá về phúc lợi xã hội khi nghỉ hưu của người cao tuổi có điểm trung
bình thuộc mức từ không tốt đến tốt.

Trong đó, sự đánh giá về phúc lợi xã hội ở các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm
xã hội có ích trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi có mức điểm trung
bình thuộc mức tốt. Có trên 50% người cao tuổi đồng ý và hoàn toàn đồng ý các
khoản bảo hiểm hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe của họ khi về hưu. Tỉ lệ
người cao tuổi không đồng ý và hoàn toàn không đồng ý về hiệu quả của các loại
bảo hiểm trong việc chăm sóc sức khỏe của họ là dưới 20%. Còn lại là những
người cao tuổi vẫn đang phân vân về lợi ích của loại phúc lợi xã hội này. Những
tỉ lệ trên cho thấy, các loại bảo hiểm phần nào hữu ích trong việc chăm sóc sức
khỏe cho người cao tuổi, điều này hoàn toàn không thể phủ định mặc dù vẫn có
những người cao tuổi không hài lòng về sự chăm sóc sức khỏe từ các khoản bảo
hiểm.

Các biểu hiện “Mức lương và các khoản trợ cấp khác làm tôi hài lòng”, “Khi
về hưu, tôi vẫn có thể đóng góp cho ngành của mình”, “Có nhiều khu giải trí, hội
bạn, câu lạc bộ phù hợp cho tôi” có điểm trung bình thuộc mức trung bình. Tỉ lệ
người cao tuổi hoàn toàn đồng ý và đồng ý về lợi ích của các loại phúc lợi này
tương đương với tỉ lệ người không đồng ý và hoàn toàn không đồng ý (tỉ lệ trên

99
40% ở mỗi nhóm). Điều này cho thấy, các hình thức phúc lợi kể trên chưa thật sự
mang lại hiệu quả nổi bật. Xét trên mặt bằng chung, người cao tuổi vẫn chưa đánh
giá cao hiệu quả của các hình thức phúc lợi kể trên.

Biểu hiện “Các dịch vụ xã hội đều ưu tiên cho tôi” có điểm trung bình thấp
nhất và điểm trung bình này thuộc mức không tốt. Có trên 50% người cao tuổi
không đồng ý và hoàn toàn không đồng ý rằng các dịch vụ xã hội đều dành sự ưu
tiên cho họ. Đây là dấu hiệu tiêu cực cần quan tâm khi các dịch vụ xã hội chưa
dành sự ưu tiên cần thiết cho người cao tuổi mà họ đáng được thụ hưởng.

Số liệu cụ thể được trình bày trong bảng 2.26:

Bảng 2.26. Sự đánh giá về phúc lợi khi về hưu của người cao tuổi tại Tp.
HCM
Mức độ (%)
Hoàn Hoàn
Khôg
Biểu hiện toàn Phân toàn ĐTB
Đồng ý đồng
đồng vân không
ý
ý đồng ý
Mức lương và các khoản trợ cấp
16.3 26.7 16.3 29.6 11.1 3.074
khác làm tôi hài lòng

Các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm


xã hội có hữu ích trong việc chăm 19.3 40.0 22.2 8.9 9.6 3.504
sóc sức khỏe của tôi

Khi về hưu, tôi vẫn có thể đóng góp


10.4 32.6 14.1 21.5 20.7 2.903
cho ngành của mình

Các dịch vụ xã hội đều ưu tiên cho


5.2 23.7 17.0 23.0 31.1 2.489
tôi

Có nhiều khu giải trí, hội bạn, câu


18.5 44.4 12.6 11.9 12.6 3.444
lạc bộ phù hợp cho tôi

Nhằm xác định mối liên hệ giữa sự đánh giá về phúc lợi xã hội khi về hưu
với các biểu hiện khủng hoảng về hưu, nghiên cứu tiến hành phân tích tương quan,
kết quả cụ thể thể hiện ở bảng 2.27:

100
Bảng 2.27. Sự tương quan giữa biểu hiện các mặt khủng hoảng với sự đánh
giá về phúc lợi xã hội có được khi nghỉ hưu
Mặt biểu hiện khủng
Xác suất ý nghĩa
hoảng về hưu ở Hệ số tương quan Mối quan hệ
tương quan
người cao tuổi

Tương quan không có


Mặt bản thân -0.045 0.605
ý nghĩa

Tương quan nghịch có


Mặt tài chính -0.261 0.002
ý nghĩa

Mặt mối quan hệ vợ Tương quan nghịch có


-0.254 0.005
chồng ý nghĩa

Mặt mối quan hệ con Tương quan không có


-0.076 0.401
cháu ý nghĩa

Mặt thú vui/sở thích


Tương quan nghịch có
và các mối quan hệ -0.292 0.001
ý nghĩa
sơ giao

Tương quan nghịch có


Mặt sức khỏe -0.213 0.014
ý nghĩa

Phân tích tương quan ở bảng 2.27 cho thấy, giữa sự đánh giá về phúc lợi khi
về hưu với các mặt khủng hoảng về tài chính, mối quan hệ với vợ chồng, , thú
vui/ sở thích và các mối quan hệ sơ giao, sức khỏe là tương quan có ý nghĩa ở
mức xác suất ý nghĩa 1%, mức độ tương quan thấp.

Như vậy có thể thấy rằng, hoặc là sự đánh giá phúc lợi xã hội ở những người
cao tuổi càng tốt tạo ra sự ít khủng hoảng về hưu ở họ, hoặc là vì họ ít khủng
hoảng khi về hưu, do đó họ có cái nhìn lạc quan về cuộc sống hơn, từ đó cảm nhận
rằng phúc lợi xã hội đối với mình là tốt. Việc kiểm chứng mối quan hệ này sẽ là
vấn đề lý thú mà các nghiên cứu sau có thể khai thác trong tương lai.

Biểu đồ 2.4 và 2.5 sau đây sẽ mô tả rõ nét sự tương quan đã phân tích ở trên:

101
Mặt tài chính Mặt vợ chồng
Linear (Mặt tài chính) Linear (Mặt vợ chồng)
6
Điểm trung bình sự đánh giá về phúc lợi

4
xã hội khi nghỉ hưu

0
0 1 2 3 4 5 6
Điểm trung bình khủng hoảng về hưu ở mặt tài chínhvà mối quan hệ vợ
chồng

Biểu đồ 2.4. Tương quan điểm trung bình giữa sự đánh giá về phúc lợi xã
hội và khủng hoảng về hưu ở mặt tài chính, vợ chồng ở người cao tuổi tại
Tp. HCM

Mặt thú vui Mặt sức khoẻ


Linear (Mặt thú vui) Linear (Mặt sức khoẻ)
6
Điểm trung bình sự đánh giá về phúc lợi xã

4
hội khi nghỉ hưu

0
0 1 2 3 4 5 6
Điểm trung bình khủng hoảng về hưu ở mặt thú vui và sức khoẻ

Biểu đồ 2.5. Tương quan điểm trung bình giữa sự đánh giá về phúc lợi xã
hội và khủng hoảng về hưu ở mặt thú vui và sức khoẻ ở người cao tuổi tại
Tp. HCM

102
Tóm lại, yếu tố sự chuẩn bị trước khi về hưu là yếu tố ảnh hưởng đến biểu
hiện khủng hoảng về hưu về mặt tài chính và bản ngã, yếu tố đánh giá về phúc lợi
khi về hưu là yếu tố có liên quan đến khủng hoảng về hưu ở các mặt tài chính,
mối quan hệ với vợ chồng, thú vui/ sở thích và các mối quan hệ sơ giao, sức khỏe.
Điều này cho thấy rằng, việc chuẩn bị tâm lý cho người cao tuổi khi về hưu là
việc làm hết sức cần thiết giúp hạn chế sự khủng hoảng ở họ. Bên cạnh đó, sự
đánh giá về phúc lợi xã hội của người cao tuổi cũng cần đặc biệt quan tâm khi
điều này có liên quan đến các biểu hiện khủng hoảng về tài chính, mối quan hệ
vợ chồng, thú vui và sức khoẻ của họ sau khi về hưu.

103
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Tất cả sáu mặt biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi đều thuộc
mức hiếm khi. Có sự khác biệt ý nghĩa về ĐTB chung giữa sáu mặt biểu hiện:
- Các biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi về mặt bản ngã có điểm
trung bình thuộc từ mức độ không bao giờ đến thỉnh thoảng.
- Các biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt tài chính có mức độ hiếm khi.
Có sự khác biệt ý nghĩa về mức độ khủng hoảng về hưu ở mặt tài chính về thời
gian nghỉ hưu và thu nhập trước khi nghỉ hưu. Người cao tuổi khủng hoảng ở mặt
tài chính nhiều hơn trong khoảng thời gian mười năm đầu sau khi nghỉ hưu. Những
người có mức thu nhập thấp hơn khủng hoảng về mặt tài chính nhiều hơn những
người có thu nhập cao hơn sau khi về hưu.
- Các biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt mối quan hệ với vợ chồng có
mức độ từ hiếm khi đến thỉnh thoảng.
- Các biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi xét trong mối quan hệ
với con cháu có điểm trung bình thuộc mức hiếm khi.
- Các biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi xét trên mặt thú vui/sở
thích và các mối quan hệ sơ giao có điểm trung bình thuộc mức hiếm khi và thỉnh
thoảng.
- Các biểu hiện khủng hoảng ở người cao tuổi xét ở mặt sức khỏe có điểm
trung bình thuộc mức độ từ hiếm khi đến thỉnh thoảng. Khủng hoảng tuổi về hưu
ở mặt sức khỏe có sự khác biệt ý nghĩa về thời gian nghỉ hưu. Người cao tuổi có
khoảng thời gian nghỉ hưu lâu có mức khủng hoảng ở mặt sức khỏe càng nhiều.
Yếu tố sự chuẩn bị trước khi về hưu là yếu tố ảnh hưởng đến biểu hiện khủng
hoảng về hưu về mặt tài chính và bản ngã, yếu tố đánh giá về phúc lợi khi về hưu
là yếu tố có liên quan đến khủng hoảng về hưu ở các mặt tài chính, mối quan hệ
với vợ chồng, thú vui/ sở thích và các mối quan hệ sơ giao, sức khỏe.

104
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

1.1. Có thể thấy hiện tượng khủng hoảng tuổi già đã được đề cập bằng các
nghiên cứu trên thế giới. Thế nhưng, các nghiên cứu này vẫn chưa nhấn mạnh vào
khía cạnh biểu hiện tâm lý tạo nên sự khủng hoảng ở người cao tuổi sau khi họ về
hưu. Bên cạnh đó, nghiên cứu tập trung chủ yếu ở phương Tây cũng cho thấy sự
giới hạn về khách thể và tính phổ biến của kết quả thu được. Ở Việt Nam, biểu
hiện khủng hoảng tuổi về hưu người cao tuổi là một mảng nghiên cứu mới, thú vị
và có tính lý luận lẫn thực tiễn cao. Bằng việc xác lập khủng hoảng tuổi về hưu ở
người cao tuổi là hiện tượng tâm lý nảy sinh trong quá trình chuyển tiếp từ lứa
tuổi trung niên sang lứa tuổi già bằng việc dừng lao động hoàn toàn, tạo ra những
khó khăn nhất định cho người cao tuổi trong quá trình thích ứng với những đặc
điểm tâm lý - xã hội mới, các biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi được
xem xét trên sáu mặt cụ thể, như sau:

- Biểu hiện về mặt bản ngã

- Biểu hiện về mặt tài chính

- Biểu hiện về mặt mối quan hệ vợ chồng

- Biểu hiện về mặt mối quan hệ con cháu

- Biểu hiện về mặt thú vui/sở thích và các mối quan hệ sơ giao

- Biểu hiện về mặt sức khoẻ.

Các yếu tố liên quan đến khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi được
xác định là:

- Sự chuẩn bị trước khi về hưu

- Đánh giá của người cao tuổi về phúc lợi xã hội có được khi nghỉ hưu.

105
1.2. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tất cả sáu mặt biểu hiện khủng hoảng tuổi
về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM đều thuộc mức hiếm khi, có điểm trung bình
lần lượt từ cao nhất đến thấp nhất là mặt mối quan hệ với vợ chồng, mặt sức khoẻ,
mặt thú vui/sở thích và mối quan hệ sơ giao, mặt bản ngã, mặt tài chính và mặt
mối quan hệ với con cháu. ĐTB các mặt này có sự khác biệt ý nghĩa thống kê:

- Các biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi về mặt bản ngã có điểm
trung bình thuộc từ mức độ không bao giờ đến thỉnh thoảng. Trong đó, các biểu
hiện có mức độ thỉnh thoảng, đáng được lưu tâm là “Tôi ước gì mình đã cố gắng
hơn để có cuộc sống khi về hưu tốt hơn và được mọi người tôn trọng hơn” và “Tôi
cho rằng giá như khi còn trẻ, tôi dành nhiều thời gian để chăm sóc bản thân hơn”

- Các biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt tài chính có mức độ hiếm
khi. Có sự khác biệt ý nghĩa về mức độ biểu hiện khủng hoảng về hưu ở mặt tài
chính về thời gian nghỉ hưu và thu nhập hang tháng trước khi nghỉ hưu. Sự khác
biệt ý nghĩa này cho thấy, người cao tuổi khủng hoảng ở mặt tài chính nhiều hơn
trong khoảng thời gian mười năm đầu sau khi nghỉ hưu. Càng về sau, sự khủng
hoảng có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, những người có mức thu nhập thấp hơn
(dưới ba triệu và từ ba triệu đến năm triệu) khủng hoảng về mặt tài chính nhiều
hơn những người có thu nhập cao hơn (từ năm triệu đến hơn hai mươi triệu) sau
khi về hưu.

- Các biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt mối quan hệ với vợ chồng có
mức độ từ hiếm khi đến thỉnh thoảng. Trong đó, các biểu hiện có mức độ thỉnh
thoảng là “Vợ chồng tôi không cùng tham gia các hoạt động giải trí” và “Vợ chồng
tôi không còn hứng thú ‘quan hệ chăn gối’”.

- Các biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi xét trong mối quan hệ
với con cháu có điểm trung bình thuộc mức hiếm khi.

106
- Các biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi xét trên mặt thú vui/sở
thích và các mối quan hệ sơ giao có điểm trung bình thuộc mức hiếm khi và thỉnh
thoảng. Trong đó, biểu hiện “Tôi không đi du lịch” có mức độ thỉnh thoảng.

- Các biểu hiện khủng hoảng ở người cao tuổi xét ở mặt sức khỏe có điểm
trung bình thuộc mức độ từ hiếm khi đến thỉnh thoảng. Hai biểu hiện “Cơ thể làm
việc thiếu chính xác hơn”, “Nhức mỏi” là hai biểu hiện cần lưu tâm khi có ĐTB
thuộc mức độ thỉnh thoảng. Biểu hiện khủng hoảng tuổi về hưu ở mặt sức khỏe
có sự khác biệt ý nghĩa trên bình diện thời gian nghỉ hưu. Sự khác biệt này cho
thấy, người cao tuổi có khoảng thời gian nghỉ hưu lâu có mức khủng hoảng ở mặt
sức khỏe càng nhiều. Có thể nhìn thấy rõ điều này ở mức độ khủng hoảng thường
xuyên.

Hai yếu tố ảnh hưởng đến khủng hoảng về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM
đều có tương quan với một số mặt biểu hiện. Đặc biệt, cả hai yếu tố này đều có
tương quan với mặt tài chính trong biểu hiện khủng hoảng về hưu ở người cao
tuổi. Cụ thể:

- Yếu tố sự chuẩn bị trước khi về hưu là yếu tố ảnh hưởng đến biểu hiện
khủng hoảng về hưu về mặt tài chính và bản ngã, khi kết quả thống kê cho thấy
có sự tương quan nghịch ở mức xác suất ý nghĩa. Càng có sự chuẩn bị trước khi
về hưu càng tốt, biểu hiện khủng hoảng về hưu về mặt tài chính và bản ngã càng
ở mức thấp hơn.

- Yếu tố đánh giá về phúc lợi khi về hưu là yếu tố có liên quan đến khủng
hoảng về hưu ở các mặt tài chính, mối quan hệ với vợ chồng, mối quan hệ với con
cháu, thú vui/ sở thích và các mối quan hệ sơ giao, sức khỏe. Người cao tuổi càng
có sự đánh giá tốt về phúc lợi xã hội khi về hưu, họ càng có sự khủng hoảng về
hưu thấp ở các mặt tài chính, mối quan hệ với vợ chồng, thú vui/ sở thích và các
mối quan hệ sơ giao, sức khỏe và ngược lại.

107
2. Kiến nghị

Từ kết quả nghiên cứu biểu hiện và các yếu tố có liên quan đến khủng hoảng
về hưu ở người cao tuổi tại Tp. HCM, có thể đề xuất một số kiến nghị như sau:

2.1. Đối với xã hội, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách người cao tuổi,
Hội người cao tuổi Tp. HCM,…

- Mặc dù các mặt biểu hiện khủng hoảng có sự khác biệt ý nghĩa nhưng
đồng thời chúng cũng có sự tương quan thuận với nhau, do đó, có thể thực hiện
các chính sách về mặt biểu hiện này để làm giảm sự khủng hoảng về mặt biểu
hiện khác.

- Cần bổ sung thêm các hoạt động vui chơi giải trí, văn hoá, văn nghệ, thể
thao,… theo mô hình địa phương và hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

- Vận động, tuyên truyền và hướng dẫn người cao tuổi lập kế hoạch cho
mình thật cụ thể trước khi nghỉ hưu.

- Cần nâng cao hơn nữa phúc lợi xã hội cho người cao tuổi, tạo điều kiện
cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nghỉ ngơi và chăm sóc sức khoẻ tuổi
già, tạo môi trường cho những người cao tuổi chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp,
đóng góp cho ngành nghề bằng niềm vui và sự thoải mái nhất đối với họ.

2.2. Đối với gia đình của người cao tuổi

- Cần tạo điều kiện chăm sóc về mặt tinh thần ở người cao tuổi tốt hơn
thông qua sự sinh hoạt chung, chia sẻ tình cảm giữa vợ chồng với nhau bởi lẽ mối
quan hệ vợ chồng là mặt khủng hoảng cao nhất so với các mặt khác.

- Con cháu cần hiểu và chấp nhận đặc điểm tâm lý của người cao tuổi, dành
thời gian chăm sóc cha mẹ ông bà, hướng dẫn họ lập kế hoạch trước khi nghỉ hưu.

- Bên cạnh đó, cần khuyến khích người cao tuổi trong gia tham gia các hoạt
động ngoài xã hội, kết bạn với những người cao tuổi khác.

108
2.3. Đối với bản thân người cao tuổi

- Người cao tuổi cần chủ động, tích cực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, tình
cảm với vợ/chồng, con cháu và bạn bè của mình.

- Càng lớn tuổi, sức khoẻ của người cao tuổi càng kém hơn, do đó, việc giữ
gìn sức khoẻ hàng ngày thông qua sinh hoạt lành mạnh là điều cần phải thực hiện
ngay khi người cao tuổi chỉ mới nghỉ hưu hay thời gian nghỉ hưu còn ngắn.

- Có thể tìm đến Hội người cao tuổi, các trung tâm tại địa phương,… để hỗ
trợ, can thiệp các vấn đề về sức khoẻ, tâm lý của bản thân khi gặp khó khăn và
cần giúp đỡ.

2.4. Đối với các nghiên cứu có liên quan trong tương lai

- Khách thể nghiên cứu của đề tài chỉ là mẫu khảo sát về người cao tuổi ở
Tp. HCM, việc tiếp tục mở rộng khách thể nghiên cứu ở những vùng tỉnh, nông
thôn, dân tộc ít người hay các khách thể người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt là
một hướng nghiên cứu hết sức thiết thực. Bên cạnh đó, kết quả của các nghiên
cứu này nếu được so sánh với kết quả của đề tài có được có thể mở ra những phát
hiện mới, đóng góp cho nền tảng lý luận hiện về Tâm lý học người cao tuổi.

- Yếu tố đánh giá về phúc lợi khi về hưu là yếu tố có liên quan đến khủng
hoảng về hưu ở các mặt tài chính, mối quan hệ với vợ chồng, mối quan hệ với con
cháu, thú vui/ sở thích và các mối quan hệ sơ giao, sức khỏe. Cần có những bằng
chứng cụ thể hơn để kết luận về mối quan hệ nhân quả thực sự giữa các yếu tố.

- Đề tài chỉ xem xét hai yếu tố có liên quan đến khủng hoảng về hưu và cả
hai yếu tố này vẫn chưa có mối quan hệ chặt chẽ với các biểu hiện khủng hoảng.
Việc tiếp tục tìm kiếm và xác định mối quan hệ của các yếu tố khác như: nhận
thức của người cao tuổi, những cú sốc trong giai đoạn hay nhận thức của các thành
viên trong gia đình là những mảng nghiên cứu sâu hơn và rất thú vị mà các nghiên
cứu trong tương lai cần quan tâm.

109
TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. TIẾNG VIỆT

1. Ban công tác Câu lạc bộ Hội người cao tuổi Việt Nam (2012), Cẩm nang Sức
khỏe người cao tuổi, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

2. Nguyễn Văn Dũng (2014), Tâm lý người cao tuổi dưới góc nhìn khoa học.
http://orihome.vn/?page=EStore.Forum.post&forumTopicId=1170091.

3. Vũ Dũng (2008), Từ điển Tâm lý học, Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa.

4. Nguyễn Văn Đồng (2012), Tâm lý học phát triển giai đoạn thanh niên - tuổi
già, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

5. Lê Văn Hảo (2012), Tính cộng đồng, tính cá nhân bình đẳng và tính thứ bậc
qua các tình huống, Tạp chí Tâm lý học, (3), 25-28.

6. Nguyễn Thế Huệ (2004), Điều tra cơ bản “Thực trạng người cao tuổi Việt Nam
nhằm phát huy trí tuệ và tài năng của họ trong sự nghiệp Công nghiệp hoá - Hiện
Đại hoá”, Trung tâm nghiên cứu Dân số và Phát triển, Viện Khoa học Xã hội
Việt Nam.

7. Nguyễn Công Khanh (2004), Đánh giá và đo lường trong khoa học xã hội –
Quy trình, kỹ thuật thiết kế, thích nghi, chuẩn hoá công cụ đo, Nhà xuất bản chính
trị quốc gia Hà Nội.

8. Hoàng Mộc Lan (2007), Đời sống tinh thần của người cao tuổi ở Việt Nam hiện
nay, Hội thảo:Văn hóa trong toàn cầu hóa: thách thức và phát triển (tiếp cận từ
góc độ tâm lý). Khoa Tâm lý học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
- Đại học Quốc gia Hà Nội.

9. Nguyễn Phương Lan (2000), Tiếp cận văn hóa người cao tuổi, Nhà xuất bản
Văn hóa thông tin.

110
10. Lê Ngọc Lân (2015), Một số vấn đề cơ bản về người cao tuổi ở Việt Nam giai
đoạn 2011 - 2020, Viện nghiên cứu Gia đình và giới - Viện Khoa học xã hội Việt
Nam.

11. Đình Nam (2015), Người cao tuổi: vốn quý giá cần giữ gìn và phát huy.
http://vuducdam.chinhphu.vn/Home/Nguoi-cao-tuoi-Von-quy-vo-gia-can-gin-
giu-phat-huy/20155/22668.vgp

12. Vũ Thị Nho (1999), Tâm lý học phát triển, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà
Nội.

13. Sở văn hoá và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Kế hoạch Chương
trình hành động quốc gia về người cao tuổi, http://svhtt.hochiminhcity.gov.vn

14. Huỳnh Văn Sơn và Trịnh Hữu Lộc (2002), Một số đặc điểm người cao tuổi,
Tài liệu lưu hành nội bộ, Đại học Sư phạm Thể thao Trung ương Thành phố Hồ
Chí Minh.

15. Nguyễn Quang Thái (2000), Vấn đề tâm lý người cao tuổi, Nhà xuất bản Y
học.

16. Trần Nguyễn Thái Thanh và đồng tác giả (2015), Mối quan hệ tương tác giữa
những người cao tuổi sinh sống tại mái ấm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

17. Lê Phương Thuý (2007), Tâm lý người cao niên.

http://www.songmanhonline.com/songmanh/index.php?option=com_content&ta
sk=view&id=42&Itemid=2

18. Tổng cục thống kê (2009), Cấu Trúc Tuổi - Giới Tính Và Tình Trạng Hôn
Nhân Của Dân Số Việt Nam, Nhà xuất bản Bộ kế hoạch và đầu tư.

111
19. Lê Ngọc Văn (2009), Một số vấn đề cơ bản trong chính sách xã hội đối với
người cao tuổi (Nghiên cứu khu vực Đồng bằng Bắc Bộ), Báo cáo đề tài cấp Bộ -
Viện Gia đình và Giới.

B. TIẾNG ANH

20. Allianz (2010). Reclaiming the Future. Available at http://www.retirement-


madesimpler.org/Library/ENT-991.pdf (nationwide survey of 3,257 adults aged
44-75).

21. Belsky, J. (1990). The psychology of aging: Theory, research, and


interventions. Brooks/Cole Publishing Company Pacific Grove, CA.

22. Benartzi, S. (2010). Behavioral Finance and the Post-Retirement Crisis.


Allianz April, 29.

23. Butler, J., & Ciarrochi, J. (2007). Psychological acceptance and quality of life
in the elderly. Quality of Life Research, 16(4), 607-615.

24. Burton, L. & Kasper, J. (2005, April), Demography. Retrieved July 17, 2007,
from the American Geriatrics Society.

25. Cox, H. (2012). Work/retirement choices and lifestyle patterns of older


Americans. In L. Loeppke (Ed.), Annual editions: Aging (24th ed., pp. 74-83):
NY: McGraw-Hill.

26. Crawford, M. P. (1972). Retirement as a psycho-social crisis. Journal of


psychosomatic research, 16(5), 375-380.

27. Cutrona, C., Russell, D., & Rose, J. (1986). Social support and adaptation to
stress by the elderly. Psychology and aging, 1(1), 47.

28. Davis, G. D. (2007). From worker to retiree: A validation study of a


psychological retirement planning measure (Doctoral dissertation, Bowling
Green State University).

112
29. De Vries, M. K. (2003). The Retirement Syndrome: The Psychology of
Letting Go. European Management Journal, 21(6), 707-716.

30. Etzersdorfer, E. (2008). Crisis intervention with elderly people. Zeitschrift für
Gerontologie und Geriatrie, 41, 29-37.

31. Fehring, R. J., Miller, J. F., & Shaw, C. (1997). Spiritual well-being,
religiosity, hope, depression, and other mood states in elderly people coping with
cancer. Paper presented at the Oncology Nursing Forum.

32. Harkin, C. T. (2012). The Retirement Crisis and a Plan to Solve It. US Senate
Committee on Health, Education, Labor and Pensions, Washington, DC.

33. Harris, D. J. (1983). Psychological aspects of retirement. Can Fam Physician,


29, 527-530.

34. Helman, R. (2014). The 2014 Retirement Confidence Survey: Confidence


Rebounds - for Those With Retirement Plans. EBRI Issue Brief (397).

35. Hersen, M., & Van Hasselt, V. B. (1992). Behavioral assessment and
treatment of anxiety in the elderly. Clinical Psychology Review, 12(6), 619-640.

36. Jackson, R. (2002). The global retirement crisis. The Geneva Papers on Risk
and Insurance-Issues and Practice, 27(4), 486-511.

37. Jones, K. (1984). Psychological Problems in the Elderly. Canadian Family


Physician, 30, 591.

38. Leung, C. S., & Earl, J. K. (2012). Retirement Resources Inventory:


Construction, factor structure and psychometric properties. Journal of Vocational
Behavior, 81(2), 171-182.

39. Medical News Today (2004), Elderly in assisted living facilities have high
rates of dementia and other psychiatric disorders. In Nurse News.. Retrieved July
17, 2007, from http://www.medicalnewstoday.com/articles/14496.php.

113
40. Osborne, J. W. (2011). Psychological Effects of the Transition to Retirement.
Canadian Journal of Counselling and Psychotherapy/Revue canadienne de
counseling et de psychothérapie, 46(1).

41. Russell, D. W., & Cutrona, C. E. (1991). Social support, stress, and depressive
symptoms among the elderly: Test of a process model. Psychology and aging,
6(2), 190.

42. Shaikh, A. (1978). An introduction to the history of crisis theories. US


capitalism in crisis, 219-241.

43. Sharpley, C. F., & Layton, R. (1998). Effects of age of retirement, reason for
retirement, and pre-retirement training on psychological and physical health
during retirement. Australian Psychologist, 33(2), 119-124.

44. Tavakol, M., & Dennick, R. (2011). Making sense of Cronbach's alpha.
International journal of medical education, 2, 53.

45. Van Solinge, H., & Henkens, K. (2008). Adjustment to and satisfaction with
retirement: two of a kind? Psychology and aging, 23(2), 422.

46. Wagner, K. D., & Lorion, R. P. (1984). Correlates of death anxiety in elderly
persons. Journal of clinical psychology, 40(5), 1235-1241.

47. Wasylenki, D. (1978). Coping with change in retirement. Can Fam Physician,
24, 133-136.

48. Wisocki, P. A. (1988). Worry as a phenomenon relevant to the elderly.


Behavior Therapy, 19(3), 369-379.

49. Woolf, L. M. (1998). Elder abuse and neglect. Webster University.

C. CÁC TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

50. http://www.gso.gov.vn - Tổng cục thống kê.

51. http://dantri.com.vn/ - Báo Dân trí.

114
52. http://www.ncea.aoa.gov/ - National Center on Elder Abuse.

53. http://www.tamly.com.vn - Viện Tâm lý học - Viện hàn lâm khoa học xã hội
Việt Nam.

54. http://chinhphu.vn/ - Cổng thông tin điện tử nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.

115

You might also like