You are on page 1of 8

ĐẠI HỌC UEH

TRƯỜNG KINH DOANH


KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
--------------

TIỂU LUẬN KẾT THÚC HỌC PHẦN

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC

ĐỀ TÀI

CƯƠNG LĨNH DÂN TỘC CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN.


ĐẶC ĐIỂM DÂN TỘC VIỆT NAM.
GIẢI PHÁP THIẾT THỰC.

Giảng viên: PGS.TS. Vũ Anh Tuấn


Mã lớp học phần: POL510025
Sinh viên: Lê Thùy Trang
MSSV: 31211020778
Khóa – Lớp: K47-MR001
STT: 55

TP Hồ Chí Minh , ngày 25 tháng 4 năm 2022


Câu 1. Phân tích cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin ?
Với cơ sở xây dựng là những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về mối quan hệ
giữa dân tộc với giai cấp, là sự tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của phong trào cách
mạng thế giới và cách mạng Nga, phân tích sâu sắc hai xu hướng khách quan của
phong trào dân tộc, V. I. Lênin đã nêu ra “Cương lĩnh dân tộc” với ba nội dung cơ bản:
a. Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng
Các dân tộc bình đẳng có nghĩa là: các dân tộc dù lớn hay nhỏ không phân biệt
trình độ phát triển cao hay thấp đều có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau trong các
sinh hoạt kinh tế, chính trị, văn hóa hay xã hội; không một dân tộc nào được giữ đặc
quyền đặc lợi và có quyền đi áp bức bóc lột dân tộc khác trong phạm vi một quốc gia
cũng như trên thế giới, thể hiện trong luật pháp mỗi nước và luật pháp quốc tế. Đây là
quyền thiêng liêng của các dân tộc kể cả các cộng đồng bộ tộc và chủng tộc.
Trong một quốc gia không chỉ có một dân tộc mà còn có rất nhiều dân tộc cùng
chung sống, do đó, quyền bình đẳng giữa các dân tộc nên được đặt lên hàng đầu.
Quyền bình đẳng đó không chỉ dừng lại ở tư tưởng, pháp lý mà quan trọng là được
thực hiện trong thực tiễn đời sống, trong mọi lĩnh vực, khía cạnh của xã hội. Trong đó,
việc cố gắng khắc phục chênh lệch trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục do
lịch sử để lại có ý nghĩa cơ bản.
 Trên phạm vi giữa các quốc gia dân tộc, đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các dân
tộc trong giai đoạn hiện nay gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt
chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc lớn, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi; gắn liền với cuộc đấu
tranh xây dựng trật tự kinh tế thế giới mới; chống sự áp bức bóc lột của các nước tư
bản phát triển đối với các nước chậm phát triển về kinh tế.
Thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở để thực hiện quyền dân tộc
tự quyết và xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc.
b. Các dân tộc được quyền tự quyết
Các dân tộc được quyền tự quyết trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội,
nhưng thực chất là tự quyết về chính trị. Quyền dân tộc tự quyết là quyền làm chủ của
mỗi dân tộc đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự lựa chọn chế độ chính trị -
xã hội và con đường phát triển của dân tộc mình. Quyền tự quyết bao gồm quyền tự do
độc lập về chính trị tách ra thành một quốc gia dân tộc độc lập vì lợi ích của các dân
tộc và cũng bao gồm quyền tự nguyện liên hiệp với các dân tộc khác trên cơ sở bình
đẳng cùng có lợi để có đủ sức mạnh chống lại nguy cơ xâm lược từ bên ngoài, giữ
vững chủ quyền dân tộc và có thêm những điều kiện khác để phát triển mọi mặt.
V.I.Lênin khẳng định một trong những nguyên tắc của vấn đề dân tộc tự quyết là
phải có quan điểm lịch sử cụ thể khi nghiên cứu và giải quyết vấn đề dân tộc. Khi xem
xét, giải quyết vấn đề dân tộc tự quyết của dân tộc cần đứng trên lập trường của giai
cấp công nhân. Chỉ ủng hộ sự phân lập mang lại lợi ích cho giai cấp công nhân, nhân
dân lao động và của dân tộc, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng trong phạm vi ấy. Kiên
quyết đấu tranh chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực đế quốc và phản động
lợi dụng chiêu bài “dân tộc tự quyết” để can thiệp sâu vào công việc nội bộ của các
nước.
c. Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc
Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc phản ánh bản chất quốc tế của phong trào
công nhân, phản ánh sự thống nhất giữa sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng
giai cấp. Nó đảm bảo cho phong trào dân tộc có đủ sức mạnh để giành thắng lợi.
Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc quy định mục tiêu hướng tới, quy định
đường lối, phương pháp xem xét, cách giải quyết quyền dân tộc tự quyết, quyền bình
đẳng dân tộc. Đồng thời nó là yếu tố sức mạnh đảm bảo cho giai cấp công nhân và các
dân tộc chiến thắng kẻ thù của mình. Đoàn kết, liên hiệp công nhân các dân tộc là cơ
sở vững chắc để đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân lao động rộng rãi thuộc các
dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã
hội.
Câu 2. Bằng những dẫn chứng cụ thể (có nguồn trích dẫn rõ ràng, số liệu tin cậy)
hãy nêu đặc điểm dân tộc Việt Nam.
Trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, cộng đồng dân tộc Việt Nam ngày
càng lớn mạnh và mỗi dân tộc đều có vị trí quan trọng nhất định trong quá trình xây
dựng và bảo vệ đất nước. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc riêng của mình, tuy nhiên,
nhìn chung dân tộc Việt Nam có những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, Số dân giữa các tộc người có sự chênh lệch với nhau
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó,
dân tộc Kinh chiếm phần lớn với 85,7%, 53 dân tộc thiểu số còn lại với gần 14 triệu
người (chiếm khoảng 14,3% dân số cả nước). Quy mô dân số có sự chênh lệch đáng
kể: 4 dân tộc có số dân trên 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Khmer); 4 dân tộc có số
dân từ 60 vạn đến dưới 1 triệu người (Hoa, Nùng, Mông, Dao); 9 dân tộc có số dân từ
10 vạn người đến dưới 60 vạn người (Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Sán Chay, Chăm, Xơ
Đăng, Sán Dìu, Cơ Ho, Hrê); 19 dân tộc có số dân từ 1 vạn người đến dưới 10 vạn
người, đặc biệt 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1 nghìn người, đó là Si La (840), Pu
péo (705), Rơ- măm (352), Brâu (313), Ơ Đu (301). Từ đó ta thấy được sự chênh lệch
lớn về dân số giữa các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam1.
Thứ hai, Các dân tộc cư trú phân tán và xen kẽ nhau
Ở một số vùng nhất định có dân tộc cư trú tương đối tập trung. Song nhìn chung
các dân tộc nước ta sống phân tán và xen kẽ nhau, không có lãnh thổ riêng biệt như
một số nước trên thế giới do quá trình chuyển cư của nhiều dân tộc ở khu vực Đông
Nam Á đến Việt Nam. Ðịa bàn cư trú của người Kinh chủ yếu ở đồng bằng, ven biển
và trung du còn các dân tộc ít người cư trú chủ yếu ở các vùng miền núi và vùng cao,
một số dân tộc như Khơ me, Hoa, một số ít người Chăm sống ở đồng bằng. Tới nay, ở
miền núi hầu như không có tỉnh, huyện nào chỉ có một dân tộc cư trú. Nhiều tỉnh có
tới trên 20 dân tộc cư trú như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang,
Lâm Ðồng. Phần lớn các huyện có từ 5 dân tộc trở lên cư trú. Nhiều xã, bản có tới 3-4
dân tộc cùng sinh sống2.
Thứ ba, Các dân tộc ít người ở nước ta chủ yếu cư trú trên các địa bàn có vị trí
quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và giao lưu quốc tế
Phần lớn các dân tộc ít người ở nước ta cư trú ở miền núi - chiếm tới 3/4 diện tích
cả nước. Trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, có thể nói đây là khu
vực có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Trước hết là tiềm năng phát triển kinh tế
vô cùng to lớn khi có nhiều tài nguyên quý giá như rừng, đất rừng, khoáng sản.  Không
những thế, miền núi còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều hoà khí hậu,
điều tiết nguồn nước, bảo vệ lớp đất màu trong mùa mưa lũ. Trong giai đoạn hiện nay,
miền núi - biên giới là thành luỹ vững chắc của Tổ quốc, là địa bàn chiến lược về quốc
phòng, an ninh trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, chống âm mưu xâm
nhập, gây bạo loạn, lật đổ, bảo vệ sự nghiệp hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây
cũng là nơi diễn ra các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa
các quốc gia ở hai bên biên giới.
Thứ tư, Trình độ phát triển của các dân tộc không đồng đều
Do lịch sử hình thành cùng với sự khác biệt về địa bàn cư trú, văn hóa, giáo dục
nên các dân tộc Việt Nam có sự chênh lệch về trình độ phát triển. Về lĩnh vực kinh tế,
có tới 83,81% hộ gia đình thuộc dân tộc thiểu số có thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp,
cao gấp hơn 2 lần so với hộ người Kinh. Các nhóm dân tộc có tỷ trọng việc làm trong
nông nghiệp cao thì tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ đói nghèo cũng rất cao như: Rơ Măm, Pu
Péo, Si La, Cơ Lao, Xinh Mun, La Chí, Mông, La Hủ, Phù Lá. Đáng chú ý là, những
dân tộc có tỷ lệ nghèo đói cao thì có tỷ lệ sinh cũng rất cao. Tập quán sinh nhiều con
không chỉ là rào cản trong xóa đói giảm nghèo mà cũng là một trong những trở ngại
trong chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng. Bên cạnh đó, do trình độ phát triển kém,
nhiều vấn đề bất cập đã và đang xảy ra ở các dân tộc mà khó có thể giải quyết triệt để.
Đầu tiên là vấn nạn tảo hôn, theo kết quả điều tra MICS 2014, tỷ lệ trẻ em kết hôn
trước 18 tuổi ở người thiểu số cao gấp hơn nhiều lần so với người Kinh (23,1% so với
9,2% ở người Kinh). Có 6 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn trên 50% như Ơ Đu, Hmong, Xinh
Mun, La Ha, 12 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn từ 30 đến 40%, chủ yếu là các dân tộc cư trú ở
vùng miền núi phía Bắc. Sơn La là một trong những tỉnh có tỷ lệ trẻ em gái kết hôn
đặc biệt cao, có tới 608/734 trẻ em kết hôn trong năm 2014. Vấn nạn kết hôn cận huyết
cũng đáng lo ngại khi một số dân tộc có truyền thống kết hôn cận huyết: Lô Lô, Hà
Nhì, Pu Péo, Hmông, Dao, Ê đê, Raglai. Bên cạnh đó còn vô số những vấn đề khác
như nạn buôn người, buôn bán ma túy, chất cấm, hàng giả qua biên giới hay vượt biên
trái phép cũng cần được quan tâm và giải quyết3.
Thứ năm, Truyền thống đoàn kết gắn bó lâu dài của các dân tộc Việt Nam
Đây là đặc điểm lâu đời trong cộng đồng dân tộc – quốc gia thống nhất của Việt
Nam, được hình thành do quá trình cải biến tự nhiên và đấu tranh chống ngoại xâm.
Như lời Bác Hồ đã căn dặn trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số: “Đồng bào
Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai, Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc
thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết
có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn,
nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung
lực lượng lại để giữ vững quyền tự chủ của chúng ta”. Các dân tộc sinh sống ở Việt
Nam, là một phần của đất nước Việt Nam, do đó đoàn kết dân tộc đã trở thành truyền
thống quý báu, là động lực chống lại mọi âm mưu chống phá của thế lực thù địch,
cũng là nguyên nhân chính quyết định mọi thắng lợi trong cách mạng giải phóng dân
tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Thứ sáu, Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự phong
phú, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất
Có đến 54 dân tộc cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, do đó, bản sắc văn hóa riêng
của mỗi dân tộc đã tạo nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Sự đa
dạng văn hóa ở Việt Nam thể hiện ở sự đa dạng trong các hình thức biểu đạt văn hóa
như ngôn ngữ, nếp sống, phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật, ẩm thực, tri thức địa
phương. Có thể đến một số phong tục tiêu biểu của các dân tộc thiểu số Việt Nam như:
tục bát canh rêu đá của người Thái; lễ hội Xíp xí của người Thái, người Kháng; “Củi
hứa hôn” và phong tục cưới hỏi của người Giẻ Triêng; lễ ăn cơm mới của người Xá
Phó;...
Tuy văn hóa Việt Nam đa dạng nhưng đa dạng trong sự thống nhất, đó là các
dân tộc đều có chung một lịch sử dựng nước và giữ nước, có ý thức hướng về cội
nguồn, về một quốc gia độc lập, thống nhất.
Câu 3. Căn cứ vào cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác – Lênin và từ đặc điểm
trên, hãy đề xuất những giải pháp thiết thực, cụ thể, nhằm thực hiện tốt chính
sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Từ nội dung của cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin và những đặc
điểm cơ bản của dân tộc Việt Nam, một số giải pháp thiết thực nên được áp dụng
nhằm thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam:
- Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam
Đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện chính
sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đoàn kết
làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô
địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”. Do đó, cần tăng cường
khối đại đoàn kết toàn dân tộc để các chính sách của Đảng và Nhà nước được phát huy
hết sức mạnh của nó.
Cần thực hiện quyền chủ trương bình đẳng giữa các dân tộc và quyền dân tộc tự
quyết để gia tăng tình đoàn kết, thống nhất giai cấp công nhân và giai cấp khác trong
cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cùng với đó là phát triển toàn diện chính trị, kinh tế,
văn hóa, xã hội và an ninh – quốc phòng trên địa bàn dân tộc thiểu số; quan tâm phát
triển bồi dưỡng nguồn nhân lực, ưu tiên đầu tư vào công tác giáo dục và cải thiện cơ
sở vật chất, xóa đói giảm nghèo ở địa bàn dân tộc và miền núi.
Đoàn kết dân tộc đòi hỏi liên kết cả ba nội dung của cương lĩnh dân tộc của chủ
nghĩa Mác-Lênin thành một chỉnh thể phù hợp với tinh thần quốc tế. Bên cạnh đó, cần
ngăn chặn kịp thời âm mưu chống phá, lợi dụng chủ trương của Đảng để chia rẽ, kích
động làm suy yếu sức mạnh quốc gia.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về thực hiện chính
sách dân tộc cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các Nghị quyết của Đảng về vấn
đề dân tộc
Cần tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng
lớp Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo trong việc
tập hợp, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đề cao trách
nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai
thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước về dân tộc, tôn giáo.
Thông qua tuyên truyền, cổ vũ, động viên đồng bào các dân tộc thiểu số đóng
góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tạo sự đồng thuận
trong xã hội, tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn
đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, chia rẽ, phá hoại khối
đại đoàn kết toàn dân tộc4.
 Công tác tuyên truyền cần thiết thực, có trọng tâm trọng điểm, phù hợp với từng
đối tượng, từng đặc điểm khu vực vùng miền và bám sát nhiệm vụ chính trị của đất
nước, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hệ thống pháp luật cũng cần được điều chỉnh để xử phạt, răn đe các trường hợp
cán bộ, đảng viên hay nhân dân đi ngược lại với nghị quyết của Đảng, chủ trương của
Nhà nước về vấn đề dân tộc, đồng thời cũng khen thưởng những mô hình tập thể, các
tấm gương cán bộ, đảng viên và người dân tích cực trong công tác dân tộc của Nhà
nước.
-  Tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn các
dân tộc và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số
Nhà nước cần huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế phù hợp với đặc
điểm, điều kiện từng vùng, từng địa phương đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số
khai thác được thế mạnh của địa phương nhằm làm giàu cho gia đình và phát triển xã
hội. Xây dựng kết cấu và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, công trình
thủy lợi, nước sinh hoạt, điện thắp sáng và các công trình phúc lợi công cộng khác để
nâng cao mức sống của người dân vùng thiểu số. Bên cạnh đó, tập trung cải thiện công
tác giáo dục ở các địa phương, vận động người dân tộc cho con cái đến trường, xóa mù
chữ vì con người là nhân tố quyết định đến sự phát triển đất nước nói chung và các
khu vực thiểu số nói riêng.
Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con xóa
bỏ các luật tục lạc hậu, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết, vượt biên giới trái phép để
kết hôn, bạo lực gia đình,... thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và
lễ hội; bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến
bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; chăm sóc sức khỏe, nâng
cao dân trí để tiếp cận với sự phát triển của đất nước và trên toàn thế giới.
Với những thay đổi trong trình độ phát triển và dân trí, các dân tộc Việt Nam mới
có thể tiếp cận các chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó thực hiện đúng và đủ
những yêu cầu được đề ra.
- Thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân
tộc nói chung và từng dân tộc nói riêng
Văn hóa của cộng đồng các dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tiềm
thức của mỗi người, do đó cần phải trân trọng, bảo tồn và phát huy. Cần đẩy mạnh xây
dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; xây dựng và đầu tư các trang thiết bị cho các
trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Tổ chức nhiều hoạt động lễ hội văn hóa để nâng cao
đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt phương châm “Nhà
nước và Nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đẩy
mạnh việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ
sở. Việc đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc giúp cho các chính
sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được đưa vào thực tiễn và đem lại hiệu quả tích
cực hơn.
- Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đẩy mạnh thực hiện quy chế dân
chủ ở cơ sở , ở địa phương
Nhà nước cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ dân
tộc vùng thiểu số; cán bộ cần phải phát huy đúng tinh thần và trách nhiệm của mình
trong công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước, cần chủ động học tập và rèn luyện, làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-
Lênin. Cùng với đó là vận động người dân theo dõi quá trình làm việc của cán bộ địa
phương, tuyệt đối không tiếp tay cho hành vi sai trái mà cần phải báo cáo, khiếu nại
lên cấp trên để kịp thời giải quyết và xử phạt các hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật
của cán bộ.
Hệ thống chính trị vững mạnh là tiền đề để các chính sách Nhà nước được kịp
thời đưa đến các vùng dân tộc và được kiểm soát, theo dõi có hệ thống để đạt được
hiệu quả tốt nhất. Nếu hệ thống chính trị, chính quyền yếu kém, vi phạm các đạo đức,
tác phong của nhà nước thì đồng bào dân tộc ở địa phương đó sẽ không thể phát triển
theo kịp tốc độ phát triển của các vùng miền khác, bị bỏ lại phía sau, từ đó làm cho
công tác dân tộc của Nhà nước không phát huy được.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Cộng đồng các dân tộc thiểu số trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam – PGS. TS
Nguyễn Văn Nhật – Trang thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
https://bitly.com.vn/dgjmwj
2. Đại gia đình các dân tộc Việt Nam – Cổng thông tin điện tử Ban Dân tộc Tỉnh Đắk Lắk:
https://bandantoc.daklak.gov.vn/dan-toc-thieu-so/ai-gia-inh-cac-dan-toc-viet-nam-
1941.html
3. Một số vấn đề đặt ra với gia đình dân tộc thiểu số hiện nay – PGS. TS. Đặng Thị Hoa –
Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-
hoi-va-nhan-van/mot-so-van-de-dat-ra-voi-gia-dinh-dan-toc-thieu-so-hien-nay-87
4. Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc tôn giáo – Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng Huyện Ủy
Lạc Dương: https://lacduong.lamdong.dcs.vn/huong-dan-nghiep-vu/ban-tuyen-giao/type/
detail/id/27942/task/1463
5. Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt chính sách dân tộc trong tình hình mới – Tác giả Hải
Đăng – Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị: https://tinhuyquangtri.vn/mot-so-
giai-phap-nham-thuc-hien-tot-chinh-sach-dan-toc-trong-tinh-hinh-moi
6. Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Chủ nghĩa Xã hội Khoa học – Khoa Lý luận chính trị - Đại
học Kinh tế Hồ Chí Minh.

You might also like