You are on page 1of 202

60

NGUYỄN THỊ NHƯ THÚY

ĐỜI SỐNG TINH THẦN


CỦA NGƯỜI KƠHO Ở LÂM ĐỒNG
TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA
Nghiên cứu trường hợp xã Tà Nung (Đà Lạt)
và thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng
(Sách chuyên khảo)

NHAØ XUAÁT BAÛN


ÑAÏI HOÏC QUOÁC GIA TP. HOÀ CHÍ MINH
TS. NGUYỄN THỊ NHƯ THÚY

ĐỜI SỐNG TINH THẦN


CỦA NGƯỜI KƠHO Ở LÂM ĐỒNG
TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA
Nghiên cứu trường hợp xã Tà Nung (Đà Lạt)
và thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng
(Sách chuyên khảo)

NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC QUỐC GIA


THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – NĂM 2022

1
2
MỞ ĐẦU

Tây Nguyên là khu vực cao nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia
Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng, có biên giới giáp Lào, Cam-pu-
chia. Với diện tích 54.641 km², dân số ước tính khoảng 5,5 triệu người
(chiếm 6% dân số cả nước), gồm hơn năm mươi dân tộc anh em cùng
chung sống. Tây Nguyên hiện đang tồn tại nhiều vấn đề khó khăn về phát
triển kinh tế và ổn định đời sống xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ phát triển
đô thị hóa. Thực tế đã có những chủ trương, chính sách, đường lối về định
hướng phát triển chung của đồng bào dân tộc ít người của Đảng và Nhà
nước ta; cụ thể, trong Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm
2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chung điều chỉnh quy hoạch
thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm
2050, đã xác định mục tiêu của quy hoạch này là “Xây dựng phát triển
thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô
thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên,
văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa
quốc tế”. “Các thành phố, thị xã ở các tỉnh Tây Nguyên là trung tâm chính
trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh, đồng thời là trung tâm giao lưu kinh tế, văn
hóa, xã hội quan trọng của vùng. Mặt trái của đô thị hóa và công nghiệp
hóa là những khó khăn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương…
làm sao để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân
tộc… đó là những yêu cầu quan trọng trong quá trình đô thị hóa vùng Tây
Nguyên” (Hoàng Bá Thịnh, Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân
văn. Đề tài TN3/X15). Tác giả Hoàng Bá Thịnh đã chỉ rõ “về tỷ lệ đô thị
hóa ở các tỉnh Tây Nguyên, mức độ đô thị hóa cao cao nhất là Lâm Đồng
(37,77%), thứ hai là Kon Tum (33,51%), tiếp theo là Gia Lai (28,56%),
Đắk Lắk (23,98%) và thấp nhất là Đắk Nông (14,74%). Nhiều nghiên cứu

3
về Tây Nguyên với các lĩnh vực nghiên cứu phong phú, đa dạng đã được
thực hiện nhằm hỗ trợ, tham vấn cho các chủ trương, chính sách phát triển
xã hội được thực hiện ở Tây Nguyên rất đáng trân trọng thì thực tế vẫn đòi
hỏi phải có những công trình nghiên cứu đạt chất lượng cả về lý luận và
thực tiễn nhằm làm căn cứ, cơ sở, dữ liệu khoa học cho các cơ quan, ban
ngành có thẩm quyền trong việc đưa ra các chủ trương, chính sách nhằm
nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc ít người.
bKơho là dân tộc thiểu số tại chỗ có dân số lớn, với nhiều nhóm địa
phương như Srê, Chil, Lạch, Nộp, Cà Dòn, Tố La, sinh sống tập trung ở
tỉnh Lâm Đồng (Bùi Minh Đạo, 2003: 22-23). Tính đến ngày 1/4/2019, tại
tỉnh Lâm Đồng có 43 dân tộc cư trú, dân số 1.296. 906 người, trong đó dân
tộc Kinh có 963.290 người, dân tộc Kơho có dân số lớn nhất trong 42 dân
tộc thiểu số còn lại với 175.531 người (Tổng cục Thống kê, 2020: 151),
chiếm 13,53% tổng dân số của tỉnh, cư trú ở khắp các huyện, thị trong
tỉnh. Trong lịch sử và hiện nay, người Kơho đã và đang lưu giữ nhiều bản
sắc văn hóa truyền thống độc đáo, góp phần làm nên diện mạo văn hóa
đa dạng, phong phú và giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây
Nguyên. Dưới tác động của đổi mới và hội nhập, văn hóa truyền thống của
người Kơho đã và đang biến đổi mạnh mẽ, đặt ra những cơ hội và thách
thức cần được phân tích và lý giải để phát triển văn hóa nói riêng và kinh
tế - xã hội nói chung đối với tộc người này.
Lễ hội ngày xưa, hàng năm, người Kơho tổ chức ăn  Tết  khi mùa
màng đã thu hoạch xong (theo thời vụ hiện nay thường vào tháng 12 dương
lịch). Tết này có ý nghĩa đón lúa về nhà (Nhô Lir Bông hay Nhô Lirvong).
Theo tập quán, các gia đình thay phiên nhau mỗi năm hiến một con trâu để
cả bon tổ chức lễ đâm trâu (nho sa rơ pu) trong dịp này. Lễ tổ chức ngoài
trời, trước nhà chủ có vật hiến tế, nhà già làng hay trên mảnh đất rộng, bằng
phẳng, cao ráo trong làng, với cây nêu trang trí sặc sỡ. Mọi người nhảy múa
theo tiếng cồng chiêng. Thịt trâu được chia cho từng gia đình, còn máu trâu
bôi vào trán những người dự lễ như một sự cầu phúc. Lễ tết kéo dài 7 - 10
ngày, trong các ngày Tết, dân làng đến chung vui với từng gia đình. Trong
từng gia đình, người ta cũng tổ chức hiến tế gà, bôi máu lên vựa thóc, sàn

4
kho, cửa ra vào, cửa sổ. Sau Tết, người ta mới được ăn lúa mới và thực hiện
các công việc lớn như làm nhà, chuyển làng... Phụ nữ chủ động trong hôn
nhân. Sau hôn lễ, người đàn ông về ở nhà vợ, con mang họ của mẹ.
Trên thực tế, hiện nay đô thị hóa đã góp phần mở rộng lối sống thành
thị trong cư dân: “đô thị hóa cũng được hiểu là quá trình biến đổi kinh tế,
xã hội, văn hóa và không gian. Các yếu tố này có mối quan hệ với nhau
hết sức mật thiết, trong đó diễn ra sự chuyển dịch cơ cấu lao động, sự
phát triển ngành nghề mới, sự tăng trưởng dân cư, sự phát triển đời sống
văn hóa, sự chuyển đổi lối sống và đi liền là sự mở rộng không gian thành
hệ thống đô thị song song với việc tổ chức bộ máy hành chính và quân
sự” (Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh, 2005: 369).
Nghiên cứu này của chúng tôi không dừng lại ở việc mô tả thực trạng mà
đi sâu nghiên cứu đời sống tinh thần của người Kơho trong bối cảnh đô
thị hóa tại hai địa bàn xã Tà Nung và thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng
(hai địa bàn có tốc độ đô thị hóa khác nhau). Bởi chúng tôi nhận thức được
rằng văn hóa được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội. Như các kết
quả nghiên cứu trước cho thấy, “đời sống là khái niệm chỉ sự hoạt động
của con người trong các lĩnh vực chính: đời sống vật chất và đời sống tinh
thần. Đời sống vật chất được hiểu bao gồm giá trị vật chất, kỹ thuật...,
đời sống văn hóa tinh thần được hiểu gồm: triết học, khoa học, đạo đức,
nghệ thuật, ...” (Mai Văn Hai, Mai Kiệm, 2002). Cái nhìn ấy cần được cụ
thể hóa cho phù hợp với các khoa học khác nhau như nhân học hay xã hội
học, đặc biệt là giúp cho việc thao tác hóa khái niệm văn hóa dễ dàng hơn
trong các hoạt động thực tiễn. Đời sống tinh thần của người dân luôn gắn
liền với sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Đời sống tinh thần là một
phần của cuộc sống, có vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc
và nhân cách con người, cốt cách dân tộc. Những nghiên cứu về đời sống
tinh thần thường chia các hoạt động tinh thần của con người thành “những
hoạt động sản xuất các sản phẩm tinh thần hay còn gọi là hoạt động phi
kinh tế; những hoạt động thông tin và giao tiếp,…” (Đặng Cảnh Khanh,
1999; dẫn lại Nguyễn Minh Tuấn, 2012: 38). Việc nghiên cứu, tìm hiểu
các công trình nghiên cứu khoa học về đời sống tinh thần của người Kơho
trong quá trình đô thị hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc chỉ ra được

5
những nội dung, phương pháp, những mặt đạt được và hạn chế của các
công trình nghiên cứu đã được triển khai ở Lâm Đồng nói chung và thị trấn
Lạc Dương, xã Tà Nung nói riêng dưới góc độ nghiên cứu của các khoa
học khác nhau, từ đó chỉ ra mảng trống trong nghiên cứu về đời sống tinh
thần của người Kơho trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn nghiên cứu
hiện nay. Xuất phát từ thực tế như vậy, chúng tôi thực hiện cuốn sách “Đời
sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa”.
Trong cuốn sách này, đời sống tinh thần được xem xét trên ba nhóm
hoạt động chính: những hoạt động sinh hoạt thường ngày (vui chơi, giải
trí, thể dục thể thao, xem tivi, đọc sách báo...), những hoạt động văn hóa
theo kỳ dịp như lễ hội (lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, lễ Tết, Giáng sinh,
văn hóa cồng chiêng,...), và các nghi lễ theo vòng đời (cưới hỏi, ma chay).
Với kết quả đạt được, chúng tôi mong muốn góp phần xây dựng một
bức tranh hoàn chỉnh trong cái đa dạng của các kết quả nghiên cứu về đời
sống tinh thần của các dân tộc ít người ở Việt Nam hiện nay. Từ đó giúp
cho các cơ quan chức năng đưa ra được những khuyến nghị về giải pháp
phát triển hiệu quả đời sống tinh thần cho nhóm cộng đồng dân tộc thiểu
số trong thời gian tới. Việc áp dụng lý thuyết lý thuyết đô thị hóa, lý thuyết
lựa chọn hợp lý và lý thuyết biến đổi xã hội nhằm phân tích và làm rõ các
chiều cạnh nghiên cứu, đồng thời sẽ làm sáng tỏ các quan điểm, cách nhìn
nhận của lý thuyết khi áp dụng vào nghiên cứu về đời sống tinh thần của
người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa.

6
LỜI GIỚI THIỆU

Một trong những thuộc tính quan trọng của văn hóa là sự giao thoa
và tiếp biến văn hóa. Trong quá trình phát triển kinh tế -xã hội và toàn cầu
hóa, văn hóa có xu hướng tích hợp thêm những giá trị, chuẩn mực xã hội
mới và giảm bớt những giá trị không còn thích hợp với cuộc sống hiện đại.
Đã có nhiều nghiên cứu về đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt
Nam ở các vùng, miền khác nhau trong bối cảnh đô thị hóa, hiện đại hóa,
phác thảo nên bức chân dung đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở
mọi miền đất nước trong thời kỳ Đổi mới. Cuốn sách của TS. Nguyễn Thị
Như Thúy về “Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá
trình đô thị hóa (Nghiên cứu trường hợp xã Tà Nung (Đà Lạt) và thị trấn Lạc
Dương, Lâm Đồng)” là một nghiên cứu theo chiều hướng như vậy. Tác giả
tập trung tìm hiểu đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trên
ba nhóm hoạt động chính: hoạt động sinh hoạt thường ngày (vui chơi, giải
trí, thể dục thể thao, xem tivi, đọc sách báo...), hoạt động văn hóa vào dịp
lễ hội (lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, lễ Tết, Giáng sinh, văn hóa cồng
chiêng,...), và các nghi lễ theo vòng đời (cưới hỏi, ma chay). Ba nội dung
này tạo nên tam giác đời sống tinh thần được thể hiện ở ba chương quan
trọng nhất của cuốn sách: Đời sống tinh thần của người Kơho qua hoạt
động sinh hoạt văn hóa thường ngày (Chương 3); Đời sống tinh thần của
người Kơho qua hoạt động sinh hoạt văn hóa theo kỳ dịp (Chương 4); và
Đời sống tinh thần của người Kơho qua nghi lễ cưới xin, ma chay (Chương
5). Trên cơ sở những dữ liệu khảo sát thực tế tại trị trấn Lạc Dương và xã
Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng, tác giả đã phân tích thực trạng, các nhân tố
ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng vào những
năm cuối của thập niên thứ hai của thế kỷ 21.

7
Sử dụng dữ liệu định lượng kết hợp với định tính một cách hợp lý,
tác giả cho thấy đời sống tinh thần của người Koho thay đổi cùng với
sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, kèm theo đó
là các dịch vụ truyền hình có xu hướng cải thiện hơn nhiều. Như số liệu
khảo sát cho thấy, trong 10 năm về trước, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng ăng
ten là 49,9%, tỷ lệ có sử dụng đến truyền hình cáp, chảo và máy thu
kỹ thuật số không đáng kể (chỉ đạt từ 0,6% đến 9%), tỷ lệ hộ gia đình
không có các dịch vụ truyền hình lên đến 39,0%. Trong giai đoạn hiện
nay, có đến 62,7% hộ gia đình có truyền hình cáp, máy thu kỹ thuật số
đạt 15,9%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng ăng ten hiện nay chỉ còn 9,4%, tỷ lệ
hộ gia đình không có giảm xuống còn 6,1%. Trong khi đó, những hoạt
động văn hóa truyền thống hình như có sự suy giảm. Khi xem xét các lễ
hội văn hóa theo kỳ dịp trong vòng 10 năm qua thấy có những lễ hội văn hóa
có xu hướng giảm mạnh, cụ thể: lễ hội mừng lúa mới (từ 77,8% giảm xuống
còn 5,9%), lễ hội đâm trâu (giảm từ 62,7% xuống còn 31,9%), văn hóa cồng
chiêng (từ 77,8% giảm còn 66,5%); bên cạnh đó, một số lễ hội văn hóa có
xu hướng tăng lên khá rõ nét trong đời sống tinh thần của cộng đồng như lễ
Tết (từ 33,1% tăng lên 40,9%), lễ Giáng sinh (từ 93,7% tăng lên 99,0%), do
đó mức độ tham gia vào các lễ hội cũng có xu hướng khác nhau. Một số các
lễ hội như đâm trâu, mừng lúa mới đã dần dần mất đi do sự chuyển đổi cơ
cấu kinh tế nông nghiệp cũng như nhận thức của người dân được nâng cao,
góp phần định hình và xây dựng nên những mô hình văn hóa mới trong
cộng đồng phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.
Trong cuốn sách này, độc giả còn có thể tìm thấy những biến đổi về
đời sống sinh hoạt của người Kơho ở Lâm Đồng qua các chiều cạnh nghi
lễ vòng đời. Những biểu hiện trong đời sống tinh thần của người Kơho về
cưới hỏi, ma chay đã có những biến đổi nhất định trước sự tác động của
quá trình đô thị hóa, điều kiện kinh tế xã hội và một số đặc trưng nhân khẩu
xã hội, mang đậm yếu tố tôn giáo. Lễ nghi vòng đời về cưới xin và ma chay
ngày nay ở Lạc Dương (Lâm Đồng) theo xu hướng chuyên nghiệp hóa
hơn, tục cưới xin, ma chay không còn rườm rà như thời kỳ của 10 năm về
trước, mà trở nên gọn nhẹ hơn, tổ chức ít ngày hơn.
Qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ nhận thấy tác giả là người tâm huyết,

8
nghiêm túc trong nghiên cứu, am hiểu phương pháp và biết cách chuyển tải
thông điệp đến độc giả. Một ưu điểm nữa, tác giả không chỉ viết dựa trên
dữ liệu khảo sát của riêng mình, mà còn tham chiếu, đối sánh với những
công trình nghiên cứu trước đó, điều này làm tăng thêm sức thuyết phục
trong quá trình phân tích, đồng thời cho thấy tác giả là người chịu khó đọc
và có tinh thần cầu thị.
Theo kết quả nghiên cứu của tác giả, đại đa số đồng bào dân tộc
Kơho ở Lạc Dương - Lâm Đồng đều theo đạo Tin lành (58,7%) hoặc Thiên
chúa giáo (41,3%), nên cần lưu ý về đặc điểm tôn giáo của người dân ở
vùng địa bàn nghiên cứu. Vì thế, những vấn đề về đời sống tinh thần của
người Kơho ở hai địa bàn khảo sát được đề cập trong sách này là nghiên
cứu trường hợp, không khái quát cho người Kơho nói chung.
Cuốn sách là kết quả của công trình luận án tiến sĩ xã hội học, nên có
ưu điểm của cách tiếp cận của xã hội học, với các phương pháp nghiên cứu
định lượng và định tính. Tuy nhiên, bên cạnh thế mạnh đó lại có hạn chế
so với cách tiếp cận văn hóa học, dân tộc học, hay nhân học văn hóa. Điều
này gợi mở cho tác giả nếu tiếp tục đi theo hướng nghiên cứu này, nên khai
thác lợi thế của cách tiếp cận nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành về đời
sống văn hóa tộc người. Công trình nghiên cứu nào cũng có hạn chế, điều
này sẽ tạo động lực cho nhà khoa học nghiêm túc tiếp tục theo đuổi những
đam mê của mình để khắc phục những khiếm khuyết, nâng cao trình độ
chuyên môn hơn trên con đường học tập và nghiên cứu.
Cuốn sách này góp phần làm phong phú thêm tài liệu về đời sống
văn hóa, tinh thần của người dân tộc trong quá trình đất nước chuyển đổi,
có giá trị tham khảo trong giảng dạy, nghiên cứu về xã hội học văn hóa,
nhân học văn hóa.
Với suy nghĩ như vậy, tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách này với bạn
đọc, những người quan tâm đến vùng Tây Nguyên, đến đời sống văn hóa,
đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2021
GS.TS.NGƯT Hoàng Bá Thịnh

9
10
LỜI NÓI ĐẦU

Nghiên cứu về đời sống tinh thần trong quá trình đô thị hóa ở Tây
Nguyên đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm nghiên cứu. Bởi hiện
nay các hình thức sinh hoạt tinh thần của các cộng đồng dân tộc ở Tây
Nguyên không còn bó buộc vào những hủ tục, những hình thức giản đơn
truyền thống như: thăm hỏi, các lễ hội truyền thống, cách ăn mặc, hình thức
tổ chức hôn nhân, các hoạt động thể dục thể thao, du lịch, tôn giáo, văn hóa
cồng chiêng,… mà còn lồng ghép bởi những hình thức sinh hoạt tinh thần
mới gắn liền với quá trình cách tân, đổi mới và hội nhập. Mặc dầu vậy, các
nghiên cứu hiện nay phần lớn tập trung vào sự biến đổi về cấu trúc đô thị,
kinh tế, sự tăng lên về dân số, đổi mới trong giáo dục,… còn nghiên cứu về
sự du nhập văn hóa, lối sống và cách thức sinh hoạt tinh thần của các nhóm
cộng đồng dân tộc khác nhau trên địa bàn Tây Nguyên gần như còn nhiều bỏ
ngỏ, và nếu có thì cũng chỉ mang tính khái quát hóa, chưa đi sâu vào bản chất
vấn đề. Đáng chú ý trong số đó là sự cách tân và đổi mới trong Lễ hội văn
hóa cồng chiêng, hoặc có thể là một sự thương mại hóa trong các sản phẩm
văn hóa đang có xu hướng tăng dần. Với những trăn trở trước sự biến đổi
lớn về đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số hiện nay trong quá trình
đô thị hóa, tác giả tiến hành nghiên cứu và thực hiện cuốn sách chuyên khảo
Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị
hóa (Nghiên cứu trường hợp xã Tà Nung (Đà Lạt) và thị trấn Lạc Dương,
Lâm Đồng). Cuốn sách ra đời trên cơ sở của cả một quá trình nghiên cứu đầy
công phu, nghiêm túc và tâm huyết của tác giả. Để hoàn thành được công
trình nghiên cứu này, tác giả đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ từ
các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo dục trong ngành. Đầu tiên,
tôi xin gửi lời cảm ơn và tri ân sâu sắc tới PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, giáo
viên hướng dẫn luận án của tôi. Những góp ý, chỉ bảo, khích lệ, động viên,

11
cùng với sự tin tưởng của Cô là động lực để tôi hoàn thành được công trình
nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách này. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân
thành đến PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa, người đã cho tôi niềm tin để vượt
qua mọi khó khăn, thử thách trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi
cũng xin gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia đầu ngành là PGS.TS Trịnh Duy
Luân, GS.TS Đặng Cảnh Khanh, GS.TS.NGƯT Hoàng Bá Thịnh, PGS.TS
Trịnh Văn Tùng, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, PGS.TS Hoàng Thu Hương,
PGS.TS Nguyễn Đức Chiện, PGS.TS Trần Thị Minh Ngọc, đã truyền đạt
cho tôi những bài học quý báu, giúp tôi củng cố chuyên môn, phương pháp
luận nghiên cứu để tôi hoàn thiện được nghiên cứu của mình. Trân trọng
và cảm ơn GS.TS.NGƯT Hoàng Bá Thịnh đã động viên, khích lệ để tôi có
thêm động lực cho ra đời cuốn sách này.
Tôi cũng xin gửi lời cám ơn chân thành đến Ban Chủ nhiệm Khoa
Xã hội học, tập thể quý Thầy giáo, Cô giáo Khoa Xã hội học Trường Đại
học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội; Ban Giám hiệu Trường Đại
học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh; tập thể quý Thầy, Cô Khoa Lý
luận Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã tạo
điều kiện về mặt thời gian cho tôi đi học và nghiên cứu. Trân trọng cảm
ơn những tình cảm và góp ý chân thành từ PGS.TS Đoàn Đức Hiếu để tôi
thực hiện cuốn sách khoa học có giá trị này.
Nhân đây tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn tới chính quyền các địa phương,
nơi tôi thực hiện khảo sát thực địa; ThS Đào Thị Hiếu, Khoa Xã hội học và
Công tác xã hội, các Thầy Cô Khoa Lịch sử, các em sinh viên Ngành Xã
hội học - Trường Đại học Đà Lạt đã giúp chúng tôi về tư liệu cũng như thu
thập thông tin tại địa bàn nghiên cứu. Cuốn sách cũng là một món quà thay
lời cảm ơn đến gia đình tôi, những người đã luôn động viên, khích lệ, tạo
mọi điều kiện để tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.
Mặc dù đã rất cố gắng, song không thể tránh khỏi những sai sót, tác
giả mong nhận được sự quan tâm, góp ý từ bạn đọc để cuốn sách ngày càng
được hoàn thiện hơn trong các lần xuất bản sau.
Tác giả
Nguyễn Thị Như Thúy

12
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU...................................................................................................3
LỜI GIỚI THIỆU....................................................................................7
LỜI NÓI ĐẦU........................................................................................ 11
MỤC LỤC...............................................................................................13
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT........................................................................16

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU.............17


1.1. Những nghiên cứu về đô thị hóa và đời sống văn hóa, tinh thần
trong quá trình đô thị hóa.........................................................................17
1.2. Những nghiên cứu về người dân tộc thiểu số (dân tộc ít người).........25
1.3. Vai trò của truyền thông đại chúng trong đời sống tinh thần............30

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU..........36


2.1. Những khái niệm cơ bản...................................................................36
2.1.1. Đời sống tinh thần..........................................................................36
2.1.2. Quá trình đô thị hóa.......................................................................39
2.1.3. Dân tộc Kơho.................................................................................41
2.1.4. Biến đổi xã hội...............................................................................42
2.2. Các lý thuyết sử dụng ......................................................................43
2.2.1. Lý thuyết lựa chọn hợp lý..............................................................43
2.2.2. Lý thuyết đô thị hóa.......................................................................45
2.2.3. Lý thuyết về biến đổi xã hội..........................................................47
2.3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển đời sống tinh
thần của người dân tộc thiểu số...............................................................52
2.4. Đặc điểm của địa bàn nghiên cứu.....................................................54
2.5. Khung phân tích và phương pháp nghiên cứu..................................66
2.5.1. Khung phân tích.............................................................................66
2.5.2. Phương pháp nghiên cứu ..............................................................66
2.5.2.1. Phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp.......................................66
2.5.2.2. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp .........................................67
2.5.2.3. Phương pháp xử lý thông tin.......................................................69
2.5.2.4. Phương pháp phỏng vấn sâu.......................................................69

13
CHƯƠNG 3: ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI KƠHO
QUA HOẠT ĐỘNG SINH HOẠT VĂN HÓA THƯỜNG NGÀY...........70
3.1. Những biểu hiện trong đời sống tinh thần qua hoạt động sinh hoạt
thường ngày..............................................................................................71
3.1.1. Giao tiếp thường ngày....................................................................72
3.1.2. Một số hoạt động giải trí trong thời gian rỗi..................................76
3.1.2.1. Xem truyền hình.........................................................................77
3.1.2.2. Nghe truyền thanh.......................................................................83
3.1.2.3. Đọc báo in...................................................................................87
3.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến đời sống tinh thần qua những sinh
hoạt văn hóa thường ngày........................................................................95
3.2.1. Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ảnh hưởng đến đời sống
tinh thần qua những sinh hoạt văn hóa thường ngày...............................95
3.2.2. Các đặc trưng nhân khẩu ảnh hưởng đến đời sống tinh thần
qua những sinh hoạt văn hóa thường ngày............................................103
3.2.3. Quá trình đô thị hóa và các phương tiện truyền thông đại
chúng ảnh hưởng đến đời sống tinh thần qua những sinh hoạt văn
hóa thường ngày..................................................................................... 110

CHƯƠNG 4: ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI KƠHO


QUA CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA THEO KỲ DỊP......................... 115
4.1. Đời sống tinh thần qua các hoạt động theo kỳ dịp của người Kơho
ở Lâm Đồng............................................................................................ 116
4.1.1. Lễ hội mừng lúa mới, năm mới và lễ hội đâm trâu...................... 116
4.1.2. Lễ Tết, Giáng sinh........................................................................121
4.1.3. Văn hóa cồng chiêng....................................................................128
4.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người Kơho
ở Lâm Đồng qua các hoạt động theo kỳ dịp..........................................136
4.2.1. Yếu tố tôn giáo ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người
Kơho ở Lâm Đồng qua các hoạt động theo kỳ dịp................................137
4.2.2. Điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội ảnh hưởng đến đời
sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng qua các hoạt động
theo kỳ dịp..............................................................................................143

14
4.2.3. Đô thị hóa và phương tiện truyền thông đại chúng ảnh hưởng
đến đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng qua các hoạt
động theo kỳ dịp.....................................................................................148

CHƯƠNG 5: ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI KƠHO QUA


NGHI LỄ CƯỚI XIN, MA CHAY.......................................................156
5.1. Nghi lễ cưới xin..............................................................................157
5.1.1. Những biểu hiện trong đời sống tinh thần của người Kơho
qua nghi lễ cưới xin..............................................................................157
5.1.1.1. Lễ ăn hỏi...................................................................................158
5.1.1.2. Vật thách cưới...........................................................................165
5.1.1.3. Tổ chức lễ cưới........................................................................167
5.1.2. Những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người
Kơho qua nghi lễ cưới xin.....................................................................171
5.1.2.1. Điều kiện kinh tế, xã hội và đô thị hóa ảnh hưởng đến đời
sống tinh thần của người Kơho qua nghi lễ cưới xin.............................172
5.1.2.2. Đặc trưng nhân khẩu xã hội ảnh hưởng đến đời sống tinh
thần của người Kơho qua nghi lễ cưới xin.............................................177
5.2. Nghi lễ ma chay..............................................................................177
5.2.1. Quan niệm về “cái chết” và báo tin tang ma và những yếu
tố tác động đến quan niệm về “cái chết” và báo tin tang ma.................178
5.2.2. Quá trình thực hiện nghi thức ma chay và những yếu tố tác
động đến nghi thức ma chay..................................................................179
5.2.2.1. Lễ nhập quan và lễ vật cúng cho người chết.............................179
5.2.2.2. Thời gian cử hành tang lễ và hạ huyệt......................................181
5.2.2.3. Kinh phí tổ chức ma chay.........................................................184

KẾT LUẬN, KHUYẾN NGHỊ VÀ NHỮNG HẠN CHẾ TRONG


NGHIÊN CỨU.....................................................................................186
1. Kết luận..............................................................................................186
2. Khuyến nghị.......................................................................................188
3. Những hạn chế trong nghiên cứu về đời sống tinh thần của người
Kơho ở Lâm Đồng và những đề xuất mang tính định hướng................190

TÀI LIỆU THAM KHẢO...................................................................192

15
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT

Stt Chữ viết tắt Chữ viết đầy đủ


1 CLB Câu lạc bộ
2 CĐ, ĐH Cao đẳng, đại học
3 CNTT Công nghệ thông tin
4 ĐSTT Đời sống tinh thần
5 HĐND/UBND Hội đồng nhân dân/Ủy ban nhân dân
6 KTXH Kinh tế xã hội
è
7 PTTTĐC Phương tiện truyền thông đúng
8 PVS Phỏng vấn sâu
9 THCS Trung học cơ sở
10 TT Lạc Dương Thị trấn Lạc Dương
11 THPT Trung học phổ thông
12 VHTT Văn hóa tinh thần

16
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với sự tồn tại và sinh sống của
54 dân tộc anh em. Trong khối đại đoàn kết, các dân tộc anh em ở Việt Nam
đã có những bước khởi sắc trong việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị,
đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững những bản sắc văn hóa của từng
nhóm cộng đồng dân tộc khác nhau. Chính vì vậy mà vấn đề văn hóa dân
tộc đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu khoa học. Các
công trình nghiên cứu khoa học đi trước có liên quan đến vấn đề này được
chúng tôi lược thuật theo các chủ điểm nghiên cứu, cụ thể như sau:
1.1. Những nghiên cứu về đô thị hóa, đời sống văn hóa, tinh thần trong
quá trình đô thị hóa
Những nghiên cứu về Tây Nguyên nói chung và trong lĩnh vực văn
hóa tinh thần nói riêng cũng được đề cập đến ở nhiều chiều cạnh khác
nhau. Tây Nguyên là vùng đất có truyền thống văn hóa từ lâu đời với
những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nước ta. Chiếm giữ vị trí
chiến lược quan trọng trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh,
quốc phòng, Tây Nguyên trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, đầu tư
cũng như nghiên cứu của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nghiên
cứu khoa học. Trong lời mở đầu của cuốn sách “Giá trị văn hóa truyền
thống Tây Nguyên với phát triển bền vững”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc
gia Sự thật, có đoạn viết: “Tây Nguyên là nơi còn lưu được nhiều di sản
văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm
mỹ độc đáo như: nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội….
Một trong những di sản nổi tiếng là không gian văn hóa cồng chiêng Tây
Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện
của nhân loại”. Vì vậy, Trần Đại Quang cho rằng cần: “tập trung xây dựng
đời sống văn hóa mới và bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng
bào các dân tộc trên cơ sở bảo tồn những tinh hoa văn hóa truyền thống,
gìn giữ, kế thừa có chọn lọc, phát huy những giá trị tiêu biểu, loại bỏ dần

17
hủ tục, từng bước xây dựng giá trị mới về văn hóa, nghệ thuật, hình thành
nếp sống văn minh. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi các di
sản văn hóa vật thể, phi vật thể, khôi phục các lễ hội và sinh hoạt văn hóa
truyền thống theo nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng” (Viện Nghiên
cứu Phát triển Phương Đông, 2016:19).
Những nghiên cứu cụ thể về đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
được Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân
văn giới thiệu trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đô thị hóa và quản lý
quá trình đô thị hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Kết quả
và bài học kinh nghiệm”. Thông qua hội thảo, đã có nhiều cách tiếp cận và
góc độ nghiên cứu khác nhau về đô thị hóa và phát triển kinh tế, văn hóa,
xã hội khác nhau trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, từ đó phác họa lên được một
bức tranh toàn cảnh về đô thị hóa và quản lý đô thị hóa trong phát triển bền
vững ở Tây Nguyên.
Cũng trên tinh thần nghiên cứu thực tiễn, trong luận án tiến sĩ của
Nguyễn Hồng Hà (2007) đã làm rõ về kiến trúc đô thị và phát triển tiềm
năng các buôn làng truyền thống ở các đô thị nông thôn, trên cơ sở đó đề
xuất các giải pháp và chính sách để phát huy và duy trì các buôn làng
truyền thống. Luận án tiến sĩ của Đỗ Tiến Dũng (1996) cho thấy thực
trạng phát triển dân số và bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên, trong đó, ổn
định dân số là giải pháp hữu ích cho vấn đề phát triển bền vững ở Tây
Nguyên. Luận án tiến sĩ của Lê Văn Thanh (2007) đã đánh giá thực trạng
về nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Tây
Nguyên, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân
lực phục vụ quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Tây Nguyên.
Mặc dù được phản ánh trên các khía cạnh khác nhau, không trực tiếp đến
đời sống tinh thần của các nhóm dân cư trên địa bàn, nhưng các nghiên
cứu này đã tập trung làm rõ mối quan hệ giữa phát triển đô thị với phát
triển toàn diện đời sống của cư dân vùng Tây Nguyên, đặc biệt là việc gìn
giữ những nét văn hóa mang tính truyền thống, đậm tính dân tộc đặc trưng
của vùng đất Tây Nguyên.

18
Những nghiên cứu về chính sách dân tộc ở Tây Nguyên trong thời kỳ
đổi mới cũng là chủ đề chính trong các nghiên cứu. Trong luận án tiến sĩ xã
hội học của Nguyễn Minh Tuấn (2012) cho thấy các yếu tố kinh tế, xã hội,
văn hóa được nghiên cứu trong sự lồng ghép, đan xen nhau trước những
chuyển biến ở Tây Nguyên sau một quá trình thực hiện Nghị quyết số 22 của
Bộ Chính trị, đặc biệt khi có Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây
Nguyên (1998), cụ thể là các nghiên cứu của Ủy ban Khoa học xã hội Việt
Nam “Một số vấn đề kinh tế xã hội Tây Nguyên”; Nguyễn Văn Tiêm và các
tác giả khác: Báo cáo kết quả thực hiện dự án “Điều tra đánh giá tác động
của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đến đời sống của các dân tộc bản địa
Tây Nguyên trong những năm đổi mới” (1998); Võ Tấn Tú với hai công trình
nghiên cứu “Tây Nguyên dưới góc nhìn Nhân học” (2016) và “Hôn nhân và
gia đình của người Chu Ru” (2016) dưới góc nhìn của ngành dân tộc học và
các nghiên cứu của chính tác giả về “Ảnh hưởng của truyền thông đại chúng
đến đời sống văn hóa tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng” (2010); “Thực
trạng tiếp cận các phương tiện truyền thông đại chúng của người Kơho”
(2007); “Những chuyển đổi trong đời sống văn hóa tinh thần của người Kơho
ở Lâm Đồng dưới tác động của quá trình Đô thị hóa” (2012); Các hình thức
sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng (2014) và bài báo
đăng trên Tạp chí khoa học giáo dục kỹ thuật, số 30/2014. Các nghiên cứu
này có thể coi là các công trình nghiên cứu xã hội học đầu tiên về đời sống
văn hóa, tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng. Kết quả nghiên cứu của các
công trình khác nhau đã phản ánh cụ thể hơn về tình hình phát triển kinh tế,
văn hóa, xã hội của Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng, cũng như
đi sâu phân tích và phản ánh về một số vấn đề trong hôn nhân, các hình thức
sinh hoạt tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng.
Đời sống tinh thần trong quá trình đô thị hóa ở Tây Nguyên đã và
đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm nghiên cứu, bởi thực tế các hình thức
sinh hoạt tinh thần của các cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên không còn bó
buộc vào những hủ tục, những hình thức giản đơn truyền thống như thăm
hỏi, các lễ hội truyền thống mà nó còn lồng ghép bởi những hình thức sinh
hoạt tinh thần mới, sự cách tân văn hóa, các giá trị, cách thức sinh hoạt tinh
thần trong các lễ hội, phong tục truyền thống như cách ăn mặc, hình thức

19
tổ chức hôn nhân, các hoạt động thể dục thể thao, du lịch, nghi lễ, tôn giáo,
văn hóa cồng chiêng, giáo dục,… có những thay đổi về hình thức, nội dung
và cách thức thể hiện. Mặc dù vậy, các nghiên cứu hiện nay phần lớn tập
trung vào sự biến đổi về cấu trúc đô thị, kinh tế, sự tăng lên về dân số, đổi
mới trong giáo dục,... còn sự du nhập văn hóa, lối sống và cách thức sinh
hoạt tinh thần của các nhóm cộng đồng dân tộc khác nhau trên địa bàn Tây
Nguyên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu cụ thể, chuyên sâu để hiểu rõ hơn
từng hoạt động sinh hoạt tinh thần của người dân. Đặc biệt là sự cách tân và
đổi mới trong lễ hội văn hóa cồng chiêng; hoặc cũng có thể là sự thương mại
hóa các trong các sản phẩm văn hóa có xu hướng tăng dần.
Xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng tất yếu dẫn đến sự tăng cường
hội nhập, giao lưu, đã và đang tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc vào
đời sống văn hóa, xã hội của các dân tộc, các quốc gia, như lời mở đầu của
Phan Thị Hồng Xuân (2012) đã nhận định: “Văn hóa được ví như sợi chỉ
đỏ xuyên suốt từ quá khứ tới hiện tại, vươn đến tương lai tạo nên bản sắc
của thời đại, của dân tộc mình”. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế
giới, nhân tố văn hóa càng đóng vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, một
mặt chúng ta phải học hỏi, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn hóa từ
bên ngoài, mặt khác phải phát huy nội lực, sức mạnh của truyền thống để
tạo nên một nền văn hóa vừa mang bản sắc dân tộc, vừa mang tính hiện đại.
Đất nước ta đã và đang hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực của đời
sống xã hội, trong đó có văn hóa và sự bùng nổ của các phương tiện truyền
thông. “Xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng tất yếu dẫn đến sự tăng
cường hội nhập, giao lưu, đã và đang tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu
sắc vào đời sống văn hóa - xã hội của các dân tộc, các quốc gia. Hàng loạt
vấn đề mới đặt ra đối với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối
để xử lý mối quan hệ giữa bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc với việc tiếp nhận
văn hóa thế giới trong quá trình mở cửa, hội nhập” (Đinh Xuân Lý, Đoàn
Minh Huấn, 2008: 330). Thực tiễn đòi hỏi phải có những chỉ đạo kịp thời
để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trong xu hướng phát triển bền
vững. Tác giả Phạm Ngọc Thanh nhận định “văn hóa, với một ý nghĩa thiết
thực, sẽ hướng sự chú ý của ta vào những thứ mà con người cần để ổn định,

20
bền vững và có ý nghĩa. Văn hóa luôn hình thành theo một dạng thức và sự
hội nhập không ngừng... Toàn cầu hóa đưa lại điều kiện giao lưu hội nhập
của con người giữa các nền văn hóa, không những giúp con người hiểu nhau
hơn mà còn góp phần nâng cao giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ những
hủ tục, mở ra điều kiện phát triển cho con người, cho sự tồn tại và cùng phát
triển hòa bình của các nền văn hóa trong không gian toàn cầu” (Phạm Ngọc
Thanh, 2013:220).
Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi nghiên cứu các hiện tượng và giá
trị văn hóa ở nhiều dân tộc, đã đi đến nhận xét: “Vì lẽ sinh tồn cũng như
mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo ra và phát minh ra ngôn
ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật,
những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức
sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn
hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của
nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống
và đòi hỏi của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh, 1995: tập 3, trang 431; dẫn lại
Nguyễn Duy Bắc, 2008: 13). Nguyễn Duy Bắc cho rằng: dù là văn hóa vật
chất hay văn hóa tinh thần cũng đều là sản phẩm trực tiếp hay gián tiếp của
con người. Vì vậy, K.Marx đã nói rằng văn hóa là sự thể hiện các năng lực
bản chất của con người bao gồm khả năng, sức mạnh, phương thức nhận
thức, đánh giá và cải tạo thế giới của con người. Từ đó, Nguyễn Duy Bắc
cùng các cộng tác viên đã xây dựng được hệ thống lý luận cơ bản về văn
hóa, giá trị văn hóa, phát triển và biến đổi giá trị văn hóa trong điều kiện
xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta
hiện nay. Trong đó tác giả nhấn mạnh: đẩy mạnh việc nghiên cứu văn hóa
dân tộc, đặc biệt chú ý đến các giá trị văn hóa truyền thống với tính cách là
giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam để làm chỗ dựa cho việc giáo dục rộng
rãi, thường xuyên trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ - người đóng
vai trò tiếp nối truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc do các thế hệ trước
để lại. Hệ quả của giao lưu văn hóa tùy thuộc một cách quyết định vào yếu
tố nội sinh. Nếu yếu tố nội sinh suy yếu thì sẽ bị các yếu tố ngoại sinh lấn
lướt và sớm muộn thì hiện tượng “áp đặt giá trị” bởi các yếu tố ngoại sinh
sẽ diễn ra. Vì vậy, việc tạo môi trường cho sự tồn tại và phát triển của các

21
giá trị đạo đức truyền thống là nhân tố cơ bản tạo thành sức mạnh của văn
hóa Việt Nam trong giao lưu văn hóa với nước ngoài. Trong bối cảnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ,
không giới hạn về phạm vi địa lý, vùng lãnh thổ, thì vấn đề bảo tồn giá trị
văn hóa truyền thống được đặt lên một cách bức thiết.
Các nghiên cứu về những vấn đề cụ thể của các địa phương khác
nhau trong quá trình đô thị hóa trên phương diện lý luận và thực tiễn
hiện nay khá nổi bật. Đáng chú ý là nghiên cứu của Tôn Nữ Quỳnh Trân,
Nguyễn Văn Tiệp (2014) đã góp phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý
luận và thực tiễn của quá trình đô thị hóa không chỉ giới hạn trong khu
vực Nam Bộ mà đối với cả nước trong quá trình đô thị hóa 20 năm qua.
Thông qua đó, những vấn đề lý luận về đô thị hóa, những vấn đề về thực
tiễn quá trình đô thị hóa ở Nam Bộ nói chung, ở Thành phố Hồ Chí Minh,
thành phố Cần Thơ, tỉnh Bình Dương nói riêng đều được trình bày và phản
ánh một cách cụ thể. Cũng trên tinh thần nghiên cứu thực tiễn, Trung tâm
nghiên cứu phát triển Đô thị và Cộng đồng giới thiệu 21 bài viết khác
nhau xung quanh ba vấn đề cơ bản: (1) Lý luận về “văn hóa truyền thống
trong phát triển đô thị”; (2) Vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa tộc người
trong tiến trình phát triển Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử và
triển vọng; (3) Tản mạn về phát triển đô thị trong sự kết nối với văn hóa
truyền thống. Nguyễn Xuân Quang cùng cộng sự đã tiến hành phân tích
thực trạng sự biến đổi về đời sống văn hoá dân cư đô thị Hải Phòng trong
thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả nghiên cứu cho
thấy, dân cư đô thị Hải Phòng có nhu cầu hưởng thụ văn hóa cao và nhu
cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng có những biến đổi sâu
sắc. Cùng với những cải thiện về đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh
thần cũng ngày càng phong phú, đa dạng. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã
đưa ra các giải pháp nhằm định hướng xây dựng đời sống văn hóa của cư
dân đô thị Hải Phòng.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đô thị hóa cũng có những tác động
tiêu cực đến nghèo khổ và sự phân tầng xã hội. Đô thị hóa quá tải và không
kiểm soát được sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo khổ của các thành

22
phố, và điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đời sống văn hóa tinh thần
theo chiều hướng tiêu cực. Trong đó phải kể đến những bài viết và nghiên
cứu của tác giả Nguyễn Hữu Minh “Đô thị hóa ở Việt Nam những năm 90.
Một số đặc trưng kinh tế - xã hội cơ bản” (2002) và “Đô thị hóa và sự phát
triển nông thôn ở Việt Nam – Một số vấn đề cần quan tâm nghiên cứu”
(2003). Cả hai bài viết đều phác họa lên bức tranh chuyển dịch dân cư và
sự mở rộng của các đô thị, cũng như những thay đổi trong điều kiện kinh
tế, văn hóa, xã hội như quy mô gia đình nhỏ hơn; hôn nhân ngày càng ít
phổ biến hơn và tuổi kết hôn lần đầu cao hơn; mức sinh thấp, đặc biệt là
ở các nhóm tuổi trẻ. Cấu trúc văn hóa làng xã thay đổi khác nhau trong
tiến trình đô thị hóa theo xu hướng cái mới được hình thành cho phù hợp
với điều kiện mới, cái cũ không còn phù hợp sẽ dần mất đi. Tuy nhiên
các đánh giá đầy đủ về tác động của đô thị hóa đến văn hóa làng xã trên
các khía cạnh khác nhau thì vẫn còn nhiều khoảng trống, chưa thực sự
thu hút được sự quan tâm. Chẳng hạn, vai trò của đô thị hóa trước những
thay đổi của văn hóa làng xã và sự thay đổi của văn hóa làng xã đóng góp
cho sự phát triển của xã hội như thế nào? Và có lẽ, điều trăn trở này một
phần nào đó được giải đáp và phản ánh trong nghiên cứu của Nguyễn Duy
Thắng (2004) “Tác động của đô thị hóa đến nghèo khổ và phân tầng xã
hội: Nghiên cứu trường hợp vùng ven Hà Nội” cho thấy đô thị hóa cũng có
những tác động tiêu cực đến nghèo khổ và sự phân tầng xã hội. Đô thị hóa
quá tải và không kiểm soát được sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo
khổ trong các thành phố. Còn theo luận điểm của John Macionis thì đô thị
hóa không chỉ làm thay đổi sự phân bố dân cư trong một xã hội mà còn
chuyển thể nhiều kiểu mẫu của đời sống xã hội. Đó cũng chính là sự phổ
biến và lan truyền những khuôn mẫu hành vi, ứng xử vốn đặc trưng cho
người dân đô thị, sự lan truyền của một lối sống đô thị hay các quan hệ
văn hóa đô thị tới vùng nông thôn và trên toàn bộ xã hội nói chung (John
Macionis, 1988:112). Trong nghiên cứu của mình, Hoàng Bá Thịnh cho
rằng mặt trái của đô thị hóa và công nghiệp hóa là những khó khăn trong
việc gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương,... làm sao để bảo tồn và phát huy
giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, đó là những yêu cầu quan
trọng trong quá trình đô thị hóa. Điều này được tác giả Trần Thị Hiền một

23
lần nữa khẳng định: đô thị hóa đã tạo nên những chuyển đổi nhiều mặt liên
quan trực tiếp đến sinh kế và không gian sống của cộng đồng người Lạch
ở thôn Măng Line. Trong đó việc thiếu đất, không có việc làm ổn định,
sinh kế gắn chặt với tự nhiên, học sinh bỏ học sớm và không được đào tạo
nghề, cưới vợ cưới chồng trước tuổi quy định, sự du nhập ồ ạt của lối sống
đô thị, lớp trẻ có nguy cơ rơi vào các tệ nạn xã hội mới,... là những vấn đề
mà cộng đồng người Lạch ở Măng Line đang đối diện trong quá trình đô
thị hóa đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ.
Theo tác giả Mai Văn Hai - Mai Kiệm thì “nhiều người lo ngại là kết
quả của toàn cầu hóa có thể làm xói mòn các truyền thống văn hóa và nảy
sinh một nền văn hóa toàn cầu, mà biểu hiện cụ thể là sự xuất hiện các đơn
vị văn hóa chung hay sự phổ biến các loại hàng hóa tiêu dùng giống nhau
đối với mọi nước (như mốt, thể thao, du lịch, văn hóa đại chúng), cũng
có thể nó sẽ tạo ra một sự “đồng nhất hóa” các hệ thống giá trị và chuẩn
mực, biểu tượng và ngôn ngữ, nghệ thuật và phong tục... Những điều lo
ngại này không phải là phi lý, bởi quá trình đô thị hóa diễn ra sẽ thúc
đẩy sự phát triển mạnh về kinh tế, các luồng di cư mạnh sẽ ít nhiều góp
phần tạo ra những diện mạo mới trong đời sống văn hóa của con người,
sẽ có những cái cũ mất đi, biến tướng xen lẫn những nét văn hóa mới; văn
hóa truyền thống được thay thế bằng văn hóa đại chúng” (Mai Văn Hai -
Mai Kiệm, 2005: 179). Ngoài ra, còn có một số bài viết phân tích về vấn
đề đô thị hóa và những biến đổi về văn hóa như Đô thị hóa ở Việt Nam,
báo cáo hỗ trợ kỹ thuật (Word Bank); Giới, văn hóa và đô thị hóa (HSP/
WUF/2/11. Un -Habitat. Partners’ and thematic dialogues); Tác động của
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào việc xây dựng văn
hóa hiện nay (Lê Hường); Một lý thuyết nhận thức về ý nghĩa của văn hóa
(Cambridge University Press). Những bài viết này tập trung vào phân tích
các khía cạnh kinh tế, giới, truyền thông, chính sách, nghèo đói trong quá
trình đô thị hóa. Đây cũng là một trong những chiều cạnh giúp chúng tôi
có cách nhìn cụ thể hơn trong nội dung nghiên cứu của mình.
Mặc dù được tiếp cận dưới các nhãn quan khác nhau, nhưng các tác
giả đã cho thấy được sự phát triển của quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng

24
không nhỏ đến chất lượng đời sống văn hóa, cũng như các hoạt động sinh
hoạt tinh thần của con người. Như vậy, trong các nghiên cứu về đô thị hóa
và đời sống tinh thần, chúng ta phải có một cách nhìn toàn diện, trên nhiều
chiều cạnh khác nhau để thấy được những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực
của đô thị hóa đối với đời sống tinh thần của các nhóm cộng đồng dân tộc
khác nhau.
1.2. Những nghiên cứu về người dân tộc thiểu số (dân tộc ít người)
Việc thực thi các văn bản pháp luật cũng như chủ trương, chính sách
của Đảng và Nhà nước là một trong những cơ sở thúc đẩy xã hội phát triển.
Trong xu hướng vận động và phát triển không ngừng, các nhà khoa học
có cơ hội để xâm nhập đời sống, nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình
thực tế và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị nhằm góp phần ổn định trật tự
xã hội, nâng cao đời sống của con người trong mọi lĩnh vực. Việt Nam là
một quốc gia đa dân tộc, với tư tưởng “Đại đoàn kết các dân tộc” của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, ngày 3-5-1946 Nha Dân tộc thiểu số - tiền thân của Ủy
ban Dân tộc đã được thành lập với chức năng, nhiệm vụ “Xem xét các vấn
đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt
chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam” (Sắc lệnh số
58, ngày 3-5-1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).
Chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc tại Đại hội
II (tháng 2-1951), Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Chính sách dân tộc
thiểu số của Đảng ta hiện nay” (tháng 8-1952) đã xác định: “Ở Việt Nam,
ngoài dân tộc Kinh, còn có nhiều dân tộc thiểu số: Thổ, Thái, Mường,
Mèo, Mán, Nùng, Ngái (ở Bắc Bộ), Rađê, Bana, Xêđăng, Cheoreo, Chàm,
Gialai, Nông, Lôlô (ở Trung Bộ), Miên, Nông (ở Nam Bộ),… Tất cả trên
30 giống người, tổng số ước hơn hai triệu, chiếm 1/10 dân số toàn quốc, ở
rải rác khắp các miền rừng núi rộng hơn 40% diện tích toàn quốc, tập trung
nhiều nhất ở miền thượng du Bắc Bộ và Tây Nguyên Trung Bộ”.
Trên cơ sở những tiền đề đã có về các dân tộc sinh sống trên địa bàn
tỉnh Lâm Đồng, Sở Văn hóa Thông tin Lâm Đồng (2005) cho ra đời cuốn
sách Vài nét văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Lâm Đồng, cuốn
sách này tập hợp một số công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân

25
văn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những năm đã qua nhằm giới thiệu
khái quát về các dân tộc bản địa Lâm Đồng; cũng như một số lĩnh vực văn
hóa vật chất và văn hóa tinh thần của dân tộc Kơho, dân tộc Mạ và dân tộc
ChuRu. Theo thống kê mà tác giả cuốn sách đề cập thì có ba tộc người bản
địa ở Lâm Đồng, trong đó Kơho là tộc người chiếm số lượng đông nhất.
Khoảng 112.926 người Kơho sinh sống trên đất Lâm Đồng (theo số liệu
tổng điều tra tháng 4/1999, cư dân Kơho trên toàn quốc là 129.729 người);
số còn lại phân bố ở một số tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh
Thuận. Để giới thiệu sâu hơn về dân tộc Kơho, tác giả Phan Ngọc Chiến
(chủ biên, 2005) đã viết Người Kơho ở Lâm Đồng với hai phần chính:
Phần một là những bài viết về những vấn đề học thuật và lý thuyết trong
nhân học liên quan đến thành phần dân tộc, bản sắc dân tộc và văn hóa.
Mối tương quan giữa văn hóa và bản sắc dân tộc là một vấn đề đa dạng mà
ngành nhân học, với những lý thuyết và phương pháp nghiên cứu riêng của
nó, đã có những đóng góp quan trọng. Phần hai gồm những bài viết về một
số khía cạnh sinh hoạt kinh tế, xã hội và văn hóa nổi bật của người Kơho
và người Chil ở Lâm Đồng, cùng với một phân tích tài liệu thư tịch và điền
dã về bản sắc và thành phần dân tộc của họ.
Những kết quả nghiên cứu của Sở văn hóa Thông tin Lâm Đồng và
Phan Ngọc Chiến (2005) giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về các dân tộc ít người
thông qua phong tục, tập quán, tín ngưỡng của họ. Điều này sẽ giúp chúng
tôi thuận lợi hơn trong việc thu thập thông tin thực tế tại địa bàn nghiên
cứu, cũng như thống nhất được cách viết về tên gọi của dân tộc Kơho.
Ngoài những công trình nghiên cứu đó, còn có các nghiên cứu và
bài viết: “Việt Nam - Sắc màu văn hóa 54 Dân tộc anh em” của Nhà xuất
bản Đồng Nai và “Người Cơ Ho ở Tây Nguyên Việt Nam” của Nhà xuất
bản Thông Tấn”; “Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam đa tộc người”
của Đặng Nghiêm Vạn (2009); “Việt Nam - Hình ảnh cộng đồng 54 dân
tộc” của Thông tấn xã Việt Nam (2006) và “Sổ tay về các Dân tộc ở Việt
Nam” của Viện Dân tộc học (2008); “Dân tộc Cơ Ho ở Việt Nam” của Bùi
Minh Đạo (chủ biên),Vũ Thị Hồng (2002); “Tư liệu về người Cơ Ho” của
Viện Dân tộc học - Phòng Trường Sơn - Tây Nguyên (2001); “Khoa học

26
xã hội và văn hóa Tộc người. Hội nhập và phát triển” của Ngô Văn Lệ
(2012); ““Nhân học đại cương” của Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Thị Yến
Tuyết và nhóm tác giả (2008) đã mang đến cho người đọc một bức tranh
toàn cảnh về vấn đề về quốc gia dân tộc và tộc người như nguồn gốc các
tộc người. Qua đó, “chân dung” của các dân tộc anh em được trình bày
một cách khá tỉ mỉ, thể hiện được sự tiếp nối truyền thống đoàn kết, đùm
bọc nhau, dựng nước, giữ nước cả ngàn năm, việc nâng cao và giữ gìn bản
sắc văn hóa Việt Nam được hình thành từ những đặc trưng văn hóa của
cả cộng đồng 54 dân tộc anh em. Bằng những dẫn luận khá sắc sảo, các
công trình nghiên cứu này đã mang đến một bức tranh toàn cảnh về điều
kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc Việt Nam; từ điều kiện địa lý,
đến nơi cư trú, điều kiện sản xuất, ngôn ngữ, văn hóa, tập tục,… của các
dân tộc khác nhau. Với những điều kiện khác nhau ấy đã hình thành nên
những nét riêng biệt về đời sống, văn hóa (phong tục, tập quán,…) của các
dân tộc, đưa ra khái niệm về một dân tộc, khái niệm về một tộc người, quá
trình hình thành các quốc gia dân tộc và tộc người thời kỳ công nghiệp,
đặc điểm của cộng đồng dân tộc Việt Nam, về người Kơho từ nguồn gốc
xuất hiện đến những đặc điểm trong lao động sản xuất, đời sống văn
hóa, nghi thức, nghi lễ, tín ngưỡng, hôn nhân, trang phục, đặc trưng nhân
chủng học trong sự phát triển xã hội. Dưới góc nhìn dân tộc học, bằng các
phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, trên cơ sở phân tích các dữ liệu
từ thực tế và tài liệu thứ cấp, các tác giả đã phác họa tương đối đầy đủ về
đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa truyền thống, văn hóa tinh thần của
dân tộc Kơho với các khía cạnh như tín ngưỡng tôn giáo, văn nghệ, sinh
đẻ, lễ cưới. Đây là những tài liệu quý được phân tích, trình bày dưới luận
điểm của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học về dân tộc học. Còn dưới góc
nhìn của xã hội học, những hoạt động sinh hoạt tinh thần của cộng đồng
đặc thù như người Kơho ở Lâm Đồng sẽ được chúng tôi xem xét, nghiên
cứu và lý giải bằng phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp, chủ yếu dựa
vào tài liệu nước ngoài với các trường phái và khuynh hướng khác nhau.
Tuy nhiên, tinh thần đoàn kết toàn dân đã làm cho cộng đồng dân tộc Việt
Nam không ngừng lớn mạnh, vững vàng trên con đường dựng nước và
giữ nước. Đây là một công trình mang đậm tính dân tộc học, còn dưới góc

27
độ xã hội học vẫn còn là một vấn đề cần được quan tâm xem xét.
Lê Ngọc Thắng thông qua “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính
sách dân tộc ở Việt Nam” (2011) đã cung cấp một cái nhìn, những luận cứ
khoa học cần thiết trên các phương diện lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm
trong nước và quốc tế. Những vấn đề và nhận xét cơ bản của chính sách
dân tộc hiện nay của Nhà nước ta, từ đó đưa ra những quan điểm đổi mới,
xây dựng, hoàn thiện và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng hệ thống chính
sách dân tộc hiện tại và những năm tiếp theo. Đặc biệt là đối với các dân
tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,
góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững đối với sự phát
triển của đồng bào các dân tộc thiểu số trong bối cảnh mới. “Người Dao
ở Việt Nam” (The Yao people in Vietnam) của Viện Dân tộc học đã phác
họa lên một bức tranh toàn cảnh về người Dao - một cộng đồng dân tộc ít
người đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam với nhiều tên gọi khác nhau
như Kềm Miền, Kìm Mùn, Dìu Miền,… xưa kia họ gọi là Mán, Động,
Xạ,… rồi đi đến một sự thống nhất về tên gọi. Viện Dân tộc học đã cho
người đọc thấy được những đặc trưng văn hóa của người Dao thông qua
ngôn ngữ, trang phục, lễ cưới, các thiết chế bản làng và các sinh hoạt cộng
đồng. Tất cả những thành tố văn hóa đó không chỉ thực hiện chức năng
cố kết tộc người, mà còn phân biệt người Dao với các tộc người khác.
Những thành tố văn hóa ấy góp phần làm giàu kho tàng văn hóa đại gia
đình các dân tộc Việt Nam (Viện Dân tộc học, 2006: 6,14). Đây là một tài
liệu quý để giúp cho chúng tôi có cơ sở đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu các
nhóm dân tộc ít người khác, mà cụ thể là người Kơho ở Lâm Đồng trong
thực trạng đời sống văn hóa của họ dưới góc nhìn của xã hội học. Hay
trong “Dân tộc Lô Tô ở Việt Nam” (2007) của Khổng Diễn - Trần Bình
(đồng chủ biên), “Đặc điểm nhân chủng các dân tộc K’ho, Mạ, MNông”
của tác giả Vũ Thị Hồng, phương pháp điền dã dân tộc học được sử dụng
như là một cách tiếp cận chủ đạo. Tác giả đã trình bày một cách đầy đủ
các vấn đề về môi trường tự nhiên, dân số, nguồn gốc lịch sử, đời sống
kinh tế, tổ chức xã hội, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của dân tộc Lô
Tô và dân tộc Kơho, góp phần khắc phục những hạn chế đối với các công
trình nghiên cứu đi trước dưới góc độ tiếp cận của dân tộc học. Chúng tôi

28
với mong muốn kế thừa những kết quả của nghiên cứu trong khía cạnh
về văn hóa tinh thần của các tác giả, để từ đó đi sâu nghiên cứu về nhóm
đồng bào người Kơho ở Lâm Đồng dưới góc nhìn của nhà xã hội học. Từ
đó, góp phần tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh, đa dạng cho các nghiên cứu
về dân tộc ít người.
Nguyễn Văn Quyết với “Nghiên cứu sự biến đổi văn hóa của các
cộng đồng nông nghiệp - nông thôn trong quá trình phá triển các khu
công nghiệp” (Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, 2013), bằng phương pháp liên
ngành và cách nhìn của người nghiên cứu về văn hóa học. Tác giả đã phác
họa được toàn cảnh về các biến đổi trong đời sống văn hóa của cộng đồng
dân cư khu công nghiệp như sự tham gia của người dân vào các nghi lễ
cộng đồng, các hưởng thụ văn hóa trong cuộc sống hàng ngày và xây dựng,
phát triển các mô hình văn hóa. Dưới góc nhìn của dân tộc học, luận án
“Hôn nhân và gia đình của người Chu Ru ở tỉnh Lâm Đồng” (2010) của Võ
Tấn Tú đã phân tích những đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng
và những biến đổi trong hôn nhân gia đình của người Chu Ru ở tỉnh Lâm
Đồng, đã giới thiệu một cách khái quát những đặc điểm cũng như các nghi
lễ truyền thống và sự biến đổi trong các nghi lễ của người Kơho SRê. Đi
sâu vào nghiên cứu các thành phần, cơ cấu của đời sống tinh thần có các
nghiên cứu “Về sự biến đổi mô hình phong tục hôn nhân ở châu thổ Sông
Hồng qua mấy thập niên gần đây” của Mai Văn Hai và Ngô Ngọc Thắng
trên Tạp chí Xã hội học số 2 (82), 2003; “Một số cách tiếp cận về nghiên
cứu hôn nhân” trên Tạp chí Xã hội học số 4 (76), 2001 và “Khuôn mẫu tuổi
kết hôn ở nông thôn Việt Nam và các yếu tố tác động” trên Tạp chí Xã hội
học số 3 (99), 2007 của Nguyễn Hữu Minh; “Mô hình tìm hiểu và quyết
định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới” của Lê Ngọc Văn
trên Tạp chí Xã hội học số 3 (99), 2007; “Các nghi lễ hôn nhân của người
Giao Quần Chẹt” (trường hợp xã Yên Dơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú
Thọ) - của Vũ Tuyết Lan, Viện Dân tộc học; “Lễ nghi trong hôn nhân của
dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk” của Nguyễn Thị Thạch Ngọc (Trường Đại học
Văn hóa Hà Nội); “Những vấn đề hôn nhân của dân tộc Brâu ở Việt Nam”
của Bùi Ngọc Quang (Trung tâm văn hóa - Thông tin tỉnh Kon Tum);
“Tục cưới xin xưa và nay của người Thái da trắng ở bản Phiêng Ban, xã

29
Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên” của Khoàng Thị Quyên
(Trường Đại học Văn hóa Hà Nội).
Mặc dầu nghiên cứu trên các đối tượng dân tộc ít người khác nhau ở
Việt Nam, nhưng tất cả tác giả đều đi đến một cái kết chung là tìm hiểu về
những nghi thức trong hôn nhân của các dân tộc, từ chọn người làm mối,
lễ hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt,… các biến số tác động đến những khác biệt trong
nghi lễ hôn nhân của các dân tộc khác nhau. Đây là một tài liệu quý giúp
cho tác giả cuốn sách này có thể kế thừa và tìm hiểu về hôn nhân của người
Kơho ở Lâm Đồng trong bối cảnh mới hiện nay. Ngoài ra còn có một số
nghiên cứu khác như “Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam” của Đặng
Văn Lung, Nguyễn Sông Thao, Hoàng Văn Trụ (1999); “Nghiên cứu luật
tục, phong tục các dân tộc thiểu số của Quảng Nam” của Bùi Quang Thanh
(2009); “Nghi lễ, Lễ hội ÊĐê” của Trường Bi (2010) cũng giới thiệu khá
hoàn chỉnh về nghi lễ, phong tục, tập quán, văn hóa của người dân tộc
thiểu số.
Như vậy, đời sống tinh thần dưới góc nhìn của các ngành khoa học
khác nhau đều ít nhiều được phản ánh qua các trường hợp nghiên cứu cụ
thể ở các vùng nông thôn, đô thị,…, trong nước và quốc tế. Đó là cơ sở
thực tiễn quý giá để chúng tôi có được một cách nhìn toàn diện hơn về nội
dung cũng như phương pháp trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau,
đặc biệt là dưới nhãn quan của xã hội học về đời sống tinh thần của người
Kơho. Thực trạng đời sống tinh thần và những biến đổi của nó trong quá
trình đô thị hóa đối với đối tượng là đồng bào dân tộc Kơho sẽ được chúng
tôi phân tích sâu hơn trong kết quả nghiên cứu này.
1.3. Vai trò của truyền thông đại chúng trong đời sống tinh thần
Những nghiên cứu về truyền thông đại chúng và những thay đổi văn
hóa xã hội trên thế giới cũng như ở Việt Nam là một trong những vấn đề
xuất hiện cùng với quá trình đô thị hóa. Bởi lẽ đô thị hóa đã và đang kéo
theo nhiều mảng trong đời sống của con người thay đổi theo như cơ sở hạ
tầng, truyền thông, lối sống. Vì vậy tác giả cũng đã đọc và nghiên cứu qua
các tài liệu trong lĩnh vực truyền thông để cho thấy những thay đổi đó. Cụ

30
thể, việc nghiên cứu về mảng truyền thông đại chúng diễn ra rất nhiều trên
thế giới ở cả hai phương diện vi mô và vĩ mô. “Còn ở Việt Nam cho đến
nay, trên lĩnh vực nghiên cứu xã hội học về truyền thông đại chúng có lẽ
chưa nhiều” (Trần Hữu Quang, 1997:7); và “ở Việt Nam, những công trình
nghiên cứu xã hội học về báo chí đã ít, mà nghiên cứu xã hội học về phát
thanh hay truyền hình thì lại càng hiếm hoi” (x. các kết quả điều tra thăm
dò ý kiến độc giả và tổng hợp ý kiến độc giả của các tờ báo Sài gòn giải
phóng vào năm 1986, Khoa học và Phát triển 1986, Tuổi trẻ 1989 và 1995,
Thời báo Kinh tế Sài Gòn 1995 và 1997 (Trần Hữu Quang, 2000: 5)).
Marshall McLuhan (1964) đưa ra quan điểm về vai trò của các
phương tiện truyền thông đại chúng, coi đây là những công cụ giao lưu
có khả năng liên kết cả loài người vào trong một thứ cộng đồng điện tử
mới mà ông gọi là “ngôi làng toàn cầu” (global village). Quan điểm này
được tác giả Trần Hữu Quang luận giải và trình bày trong cuốn Xã hội học
về truyền thông đại chúng (1997). Đồng thời cũng theo tác giả Trần Hữu
Quang thì có những tác giả khác lại có cái nhìn hoài nghi hơn: họ lo ngại
rằng những cá nhân hoặc những tập đoàn tư bản vốn nắm trong tay các
phương tiện truyền thông đại chúng có thể sử dụng thứ quyền lực đặc biệt
này để khống chế và lũng đoạn lĩnh vực hoạt động này cho những mục tiêu
và lợi ích riêng tư. Khi nghiên cứu về quá trình phát triển của các phương
tiện thông tin đại chúng, Francis Balle đã nhận diện ra ba giai đoạn chính
nơi tập quán và thái độ của công chúng mỗi khi có một phương tiện truyền
thông mới ra đời. Đó là: giai đoạn đầu, khi một phương tiện truyền thông
vừa mới chào đời, công chúng thường tỏ ra rất hào hứng, phấn khích, dành
rất nhiều thời gian và tâm trí để theo dõi. Nhưng sang giai đoạn kế tiếp,
người ta bắt đầu cảm thấy chán vì đã theo dõi quá nhiều; lúc này, người ta
bắt đầu tỏ ra hoài nghi và bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn đối với nội dung các
trang mục hoặc chương trình. Và rồi cuối cùng chuyển sang giai đoạn thứ
ba, khi mà việc theo dõi phương tiện truyền thông này đã đi vào tập quán
trong nếp sống hàng ngày của họ rồi: lúc này người ta không còn bị mê
hoặc dễ dàng như thời gian ban đầu nữa, bình tỉnh trở lại với thái độ “lý
trí”, người ta biết phê bình nội dung chương trình này hay đề mục khác,

31
biết chọn lọc những cái cần xem, và khôi phục lại những tập quán cũ đã có
từ trước trong việc sử dụng ngân sách thời gian (Trần Hữu Quang, 1997:
106). Đây là nguồn thông tin tư liệu quan trọng giúp chúng tôi tiếp tục thực
hiện nghiên cứu nhu cầu tiếp nhận truyền thông đại chúng, đặc biệt đi sâu
vào một số vấn đề như mức độ, nội dung, thời lượng và điều kiện tiếp nhận
của người Kơho. Trên cơ sở đó xem xét những ảnh hưởng của truyền thông
đại chúng đến đời sống tinh thần của người Kơho.
Cuối thập niên 1920, khi phương tiện phát thanh bắt đầu được khai
sinh tại Pháp, người ta cảm thấy rất hồ hởi và ai ai cũng nô nức mải mê
nghe đài. Cứ buổi chiều, sau giờ tan sở, ai cũng vội vàng về nhà để kịp
nghe các chương trình phát thanh, chứ không ghé qua những quán rượu
làm vài ly như trước nữa. Đến mức mà năm 1927, ở miền Bắc nước Pháp,
có lần nghiệp đoàn các nhà sản xuất rượu phải kiện lên chính quyền tỉnh
và đề nghị dẹp bỏ các chương trình phát thanh, nhưng tất nhiên là không
đẹp được. Đến sau năm 1945, khi nước Pháp vừa được giải phóng khỏi
ách phát-xít Đức, radio bắt đầu bị lu mờ vì sự hồi sinh của báo chí trong
thời kỳ sau chiến tranh. Nhưng sau đó vài năm, thì người ta lại dần dần
nhận thức trở lại nhu cầu nghe radio trong sinh hoạt hàng ngày (Trần Hữu
Quang, 1997: 107).
Ở Anh, W.A.Belson đã thấy được sự thay đổi của công chúng khi
theo dõi và khảo sát rất kỹ các ứng xử và thái độ của công chúng lúc mới
có phương tiện truyền hình. Cụ thể như: chỉ trong trong vòng hai năm liên
tiếp sau khi mua chiếc máy thu hình, người ta đã giảm đi rất nhiều thời
gian đọc báo, đọc sách cũng ít hơn, đi xem kịch hoặc xem phim ngoài rạp
cũng thưa thớt hẳn đi, thậm chí giảm hẳn cả mật độ giao du với bạn bè. Tuy
nhiên, sau thời gian bị mê hoặc ban đầu này, công chúng truyền hình mới
dần dần bắt đầu cảm thấy lo lắng trước một số hậu quả mà họ nghĩ là do
truyền hình gây ra. Họ trách cứ ti vi hay là đưa ra nhiều cảnh bạo lực cho
trẻ con xem, họ chê bai những chương trình vô bổ, mất thì giờ, trong khi
có thể dành thời gian làm những chuyện có ích hơn… và Belson nhận thấy
phải mất sáu năm sau khi mua chiếc ti vi thì công chúng mới khôi phục lại
một cách bình thường những tập quán vốn có trước đây của họ, là lại tiếp

32
tục đi xem kịch, đi xem phim, đến thăm bạn bè,… nghĩa là đến giai đoạn
này, công chúng truyền hình mới thực sự bước vào “tuổi trưởng thành”,
coi ti vi như một phương tiện truyền thông bình thường như các phương
tiện truyền thông khác, và biết chọn lọc những gì mà mình coi (Trần Hữu
Quang, 1997: 107-108)
Ở Mỹ, một công trình điều tra nổi tiếng của ba tác giả là Lazarsfeld,
Berelson và Gaudet tiến hành vào năm 1940 ở bang Ohio, Mỹ. Công trình
này đã được xuất bản dưới tên là People’s Choice (Sự lựa chọn của dân
chúng) (Judith Lazar, 1991:90-95; Dẫn lại theo Trần Hữu Quang, 1997:
126). Đây là công trình nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của những chiến
dịch vận động tranh cử tổng thống đối với dân chúng, để tìm hiểu xem
người dân quyết định như thế nào khi đi bầu, và tại sao họ lại quyết định
bầu cho một ứng cử viên nào đó. Cuộc điều tra đã đặc biệt chú ý tới những
nhân tố tác động tới ứng xử của người dân, nhất là các phương tiện truyền
thông như báo chí và đài phát thanh. Hay G.R.Funkhauser đã tiến hành
một cuộc nghiên cứu đối chiếu giữa những vấn đề được công chúng Mỹ
quan tâm nhất và những vấn đề được đăng tải nhiều nhất trên báo chí trong
thời gian từ năm 1960 tới 1970 đã chứng minh rằng dư luận công chúng
thực ra chỉ phản ánh lại quan điểm của các phương tiện thông tin đại chúng
(Trần Hữu Quang, 1997: 420). Cụ thể hơn, trong Truyền thông đại chúng
và công chúng – trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh (2000) (Khảo sát
các mô thức tiếp nhận truyền thông đại chúng của các giới công chúng),
Luận án Tiến sĩ Xã hội học của tác giả Trần Hữu Quang đã trình bày nội
dung tóm tắt gồm phần mở đầu và bốn chương: Chương 1: Lý thuyết tiếp
cận và phương pháp luận nghiên cứu đề tài; Chương 2: Báo in, truyền hình
và phát thanh ở Thành phố Hồ Chí Minh; Chương 3: Mức độ và cách tiếp
cận các phương tiện truyền thông đại chúng của người dân Thành phố Hồ
Chí Minh; Chương 4: Nhận diện và phân tích các mô thức tiếp nhận truyền
thông đại chúng của các giới công chúng. Thông qua công trình nghiên
cứu của Trần Hữu Quang, chúng tôi muốn vận dụng một số lý thuyết tiếp
cận và phương pháp nghiên cứu để khảo sát và lý giải đời sống tinh thần
của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn xã

33
Tà Nung và thị trấn Lạc Dương, Đà Lạt, Lâm Đồng ở phương diện là hoạt
động giải trí thông qua truyền hình, phát thanh/radio và báo in.
Trong khi đó, Trịnh Duy Luân (chủ biên) thông qua Phát triển xã hội
ở Việt Nam (2002) đã trình bày về đời sống văn hóa tinh thần và hoạt động
truyền thông đại chúng. Đặc biệt vấn đề hưởng thụ văn hóa ở các nhóm
công chúng là hoạt động diễn ra trong thời gian rỗi – tức khoảng thời gian
tự do ngoài thời gian dành cho việc lao động kiếm sống, đó là vui chơi,
giải trí và bồi dưỡng tinh thần. Cũng trên tinh thần nghiên cứu thực tiễn,
Trần Hữu Quang thông qua Xã hội học báo chí (2006) để trình bày những
nội dung chính yếu về truyền thông đại chúng, trong đó bao gồm cách tiếp
cận xã hội học đối với các quá trình truyền thông, đối với nghề làm báo
và hoạt động của nhà báo, những quan điểm và những phương pháp phân
tích xã hội học về công chúng truyền thông, nội dung truyền thông, cũng
như về các tác động xã hội của truyền thông đại chúng. Đây là một cuốn
sách nhằm cung cấp một cách tư duy phân tích xã hội học về hiện tượng
truyền thông đại chúng nói chung, cũng như về đời sống báo chí nói riêng.
Vì vậy đề tài này là một nghiên cứu để bổ sung một mảng trong bức tranh
nghiên cứu này.
Bên cạnh đó, một số tác giả lại đi sâu nghiên cứu về văn hóa của từng
nhóm đối tượng cụ thể như Trần Thị Vân Anh, Nguyễn Hữu Minh (chủ
biên) trong cuốn Bình đẳng Giới ở Việt Nam (2008) cho biết, trong cuộc
sống, con người cần và có khả năng kết hợp hài hòa giữa công việc và nghỉ
ngơi, giữa hoạt động kinh tế với hoạt động văn hóa - tinh thần trong thời
gian rỗi. Ngày nay, các phương tiện và điều kiện giải trí về văn hóa - tinh
thần ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho việc đáp ứng nhu cầu
của mỗi thành viên trong xã hội. Thông qua quá trình tiếp cận các phương
tiện giải trí, đặc biệt là qua các thông điệp truyền thông, các khuôn mẫu
và giá trị giới cũng được phổ biến và tác động đến nhận thức, hành vi của
người xem. Về việc sử dụng thời gian rỗi, đây là hoạt động có ý nghĩa quan
trọng đối với việc duy trì và phát triển đời sống tinh thần của mỗi cá nhân.
Sử dụng thời gian rỗi là thước đo đánh giá khả năng tiếp cận các cơ hội
làm phong phú đời sống tinh thần của phụ nữ và nam giới. Truyền thông

34
đại chúng ngày nay, đặc biệt là truyền hình có tác động mạnh mẽ đến nhận
thức xã hội. Đời sống tinh thần thường được xem từ góc độ nhu cầu tinh
thần của cá nhân bao gồm thưởng thức nghệ thuật, hoạt động thể thao giải
trí, du lịch, giao tiếp, hoạt động tín ngưỡng,... Trong đó, việc giải trí được
xem là bộ phận cấu thành quan trọng của nhu cầu tinh thần. Như vậy, đời
sống tinh thần của phụ nữ và nam giới được xem xét thông qua hoạt động
như đọc sách báo, xem ti vi, nghe đài, chơi thể dục, thể thao, giao tiếp và
đi chơi xa mà họ thực hiện trong thời gian rỗi. Trong giới hạn nghiên cứu
của mình, chúng tôi đã vận dụng để xem xét các hình thức sinh hoạt tinh
thần của người Kơho dưới ảnh hưởng của truyền thông đại chúng trên khía
cạnh là hoạt động vui chơi giải trí, theo dõi thông tin thông qua các phương
tiện truyền thông đại chúng trong quá trình đô thị hóa.
Như đã trình bày và phân tích ở trên, các nghiên cứu trong phạm vi
tìm hiểu đã phản ánh một cách khá khái quát về những tác động tích cực và
tiêu cực của lối sống đô thị, đô thị hóa về đời sống tinh thần của nhóm cư
dân đô thị; hay đó là những nghiên cứu của ngành dân tộc học, nhân học.
Nghiên cứu hiện nay phần lớn tập trung vào cấu trúc đô thị, kinh tế, sự tăng
lên về dân số, đổi mới trong giáo dục,... các thành tố của đời sống tinh thần
được thể hiện thông qua đặc trưng về ngôn ngữ, trang phục, lễ cưới, các
thiết chế bản làng và các sinh hoạt cộng đồng, hoặc vấn đề về môi trường
tự nhiên, dân số, nguồn gốc lịch sử, đời sống kinh tế. Còn sự du nhập văn
hóa, lối sống và cách thức sinh hoạt tinh thần của các nhóm cộng đồng dân
tộc khác nhau trên địa bàn Tây Nguyên chưa thực sự quan tâm đúng mức.
Đặc biệt là trên chiều cạnh của các hoạt động sinh hoạt tinh thần diễn ra
trong đời sống cộng đồng. Đáng chú ý trong số đó là sự cách tân và đổi mới
trong lễ hội văn hóa cồng chiêng; hoặc cũng có thể là sự thương mại hóa
trong các sản phẩm văn hóa có xu hướng tăng dần. Thực tế cần có nhiều
hơn nữa các công trình nghiên cứu dưới góc độ xã hội học về đời sống
tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng cũng như những thay đổi của nó,
đặc biệt là trong quá trình đô thị hóa.

35
Chương 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU

2.1. Những khái niệm cơ bản


2.1.1. Đời sống tinh thần
Đời sống: là khái niệm chỉ sự hoạt động của con người trong các
lĩnh vực chính: đời sống vật chất và đời sống tinh thần (Quý Long, Kim
Phượng, 2014:194). Đời sống vật chất được hiểu bao gồm giá trị vật chất,
kỹ thuật,... đời sống văn hóa tinh thần được hiểu gồm: triết học, khoa học,
đạo đức, nghệ thuật,... (Mai Văn Hai, Mai Kiệm, 2002).
Với một cách nhìn khác, đời sống xã hội có thể được hiểu bao hàm
toàn bộ những lĩnh vực xã hội, hoạt động xã hội xoay quanh đời sống của
một xã hội cụ thể. Cấu trúc của hoạt động xã hội thường được phân định
thành các hình thức: (1) những hoạt động sản xuất vật chất hay còn gọi
là các hoạt động kinh tế; (2) những hoạt động sản xuất các sản phẩm tinh
thần hay còn gọi là hoạt động phi kinh tế; (3) những hoạt động nhằm tái
sản xuất ra con người và cộng đồng xã hội; (4) những hoạt động quản lý,
điều chỉnh và kiểm soát xã hội; và (5) những hoạt động thông tin và giao
tiếp. Khi đề cập tới các hoạt động phi kinh tế, tồn tại hai dạng quan điểm.
Quan điểm thứ nhất cho rằng toàn bộ những vấn đề không thuộc phạm vi
sản xuất vật chất là mang tính chất phi kinh tế. Quan điểm thứ hai cho rằng
chỉ những hoạt động sản xuất ra các sản phẩm mang tính tinh thần mới
được xem là dạng hoạt động phi kinh tế. Tuy nhiên dù theo quan điểm nào
thì vẫn có một sự thống nhất đó chính là vai trò của văn hóa trong các dạng
hoạt động phi kinh tế, do vậy, nghiên cứu các yếu tố phi kinh tế phải lấy
trọng tâm là nghiên cứu văn hóa (Đặng Cảnh Khanh, 1999; dẫn lại Nguyễn
Minh Tuấn, 2012: 38).
Trước đây, trong ngôn ngữ khoa học cũng như trong đời thường, dựa
vào hai lĩnh vực quan trọng nhất là vật chất và tinh thần, người ta phân
chia văn hóa thành hai phần: văn hóa vật chất (giá trị vật chất, kỹ thuật...)
và văn hóa tinh thần (triết học, khoa học, đạo đức, nghệ thuật,...). Nhìn

36
nhận thế giới theo sự phân loại vật chất - tinh thần, hay vật chất - ý thức
đều là của triết học. Cái nhìn ấy cần được cụ thể hóa cho phù hợp với các
khoa học như nhân học hay xã hội học, đặc biệt là giúp cho việc thao tác
hóa khái niệm văn hóa dễ dàng hơn trong các hoạt động thực tiễn. Nhằm
mục đích ấy, UNESCO đã tổ chức thảo luận và đi đến nhất trí dùng thuật
ngữ mới: văn hóa vật thể, hữu hình (tangible culture) và văn hóa phi vật thể,
vô hình (intangible culture) để chỉ hai lĩnh vực tương đối độc lập của văn
hóa và được dùng phổ biến trong khoa học lẫn trong đời sống thường ngày
(Mai Văn Hai - Mai Kiệm, 2005:185-186). Còn theo nhà xã hội học người
Pháp P. Bourdieu thì loại vốn văn hóa phi vật thể - là những tập quán, phong
tục, tín ngưỡng và các giá trị khác của xã hội (cùng những nghệ phẩm công
cộng như văn chương và âm nhạc) là một loại dây, một thứ keo gắn kết cộng
đồng. Nó cũng cung cấp một luồng dịch vụ có thể hưởng thụ ngay, hoặc
dùng trong sản xuất những sản phẩm văn hóa trong tương lai (Bourdieu, P,
1977: 487-511).
C.Mác coi các phương diện văn hóa tinh thần của con người (như
những quan điểm về chính trị, pháp luật, đạo đức, mỹ học, tôn giáo, triết
học,...) với tư cách là “thượng tầng kiến trúc”, là phụ thuộc vào “hạ tầng
cơ sở” (Mai Văn Hai - Mai Kiệm, 2005: 44). Trong cuốn sách xã hội học
văn hóa, tác giả Mai Văn Hai - Mai Kiệm đã từng trích dẫn các quan điểm
khác nhau của ba nhà khoa học thuộc ba lĩnh vực là dân tộc học, văn hóa
học và xã hội học, cả ba nhà khoa học này đều đứng trên quan điểm “nhị
phân”, tức là chỉ phân chia văn hóa thành hai loại là văn hóa vật chất và
văn hóa tinh thần. Cụ thể, theo Cheboksarov, nhà dân tộc học, thì “văn hóa
tinh thần là một dạng thông tin, tồn tại trong một ký ức tập thể của bất kỳ
quần thể người nào, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng con
đường kể chuyện hoặc phô diễn (và biểu hiện dưới những dạng nhất định
của hành vi). Văn hóa tinh thần bao gồm tất cả những thói quen lao động
được ghi lại trong các tế bào của bộ óc, bao gồm các tri thức tích cực, các
phong tục và tập quán có liên quan đến đời sống gia đình, xã hội, kinh tế,
và các tiêu chuẩn pháp lý, các loại nghệ thuật sáng tác khác nhau; các tính
ngưỡng tôn giáo và thờ cúng” (Cheboksarov, 1975:88; dẫn lại Mai Văn
Hai - Mai Kiệm, 2010: 179). Còn nhà văn hóa học A.A.Radughin cũng cho

37
rằng “văn hóa tinh thần bao gồm những kết quả của hoạt động tinh thần và
mặt khác, bao gồm cả chính hoạt động tinh thần ấy, những giả tượng của
văn hóa tinh thần tồn tại dưới hình thức hết sức da dạng. Đó là những
phong tục, chuẩn mực, hành vi của con người đã hình thành trong những
điều kiện xã hội cụ thể. Đó là những lý tưởng và giá trị đạo đức, thẩm
mỹ, tôn giáo hoặc chính trị, những tư tưởng khác nhau và kiến thức khoa
học. Nói chung, đó bao giờ cũng là những sản phẩm của hoạt động trí tuệ
và tinh thần (A.A.Radughin, 2004: 113; dẫn lại Mai Văn Hai - Mai Kiệm,
2010: 179). Nhà xã hội học L.G. Ionin, trong khi dẫn lại ý tưởng của hai
nhà nhân học là Kroeber và Kluckhohn, đã viết, “văn hóa tinh thần được
quan niệm là các phương tiện chủ quan của cuộc sống, các ý niệm, các
tâm thế, các giá trị và các lối ứng xử định hướng vào chúng” (L.G. Ionin,
1996: 30; dẫn lại Mai Văn Hai - Mai Kiệm, 2010: 179). Theo hai tác giả
Mai Văn Hai - Mai Kiệm, nếu chúng ta xem xét vấn đề từ quan điểm
“tam phân”, tức phân chia văn hóa theo ba loại hình là vật chất, xã hội
và tinh thần, thì cần phải tách các yếu tố của văn hóa xã hội ra khỏi văn
hóa tinh thần. Tuy nhiên, tác giả cũng cho thấy rằng, với sự tiến bộ của
khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại, con người ngày càng tiếp xúc
nhiều hơn với các dạng văn hóa tinh thần đã được vật chất hóa, hữu hình
hóa và sự tác động của chúng tới đời sống xã hội là rất lớn. Tiếc rằng,
trong hầu hết các nghiên cứu xã hội học, bộ phận văn hóa tinh thần này
vẫn chưa được đánh giá một cách đầy đủ - nó vẫn bị xem như là những
biến số ngoại lai.
Từ những cách định nghĩa như trên cho thấy, mỗi nhà khoa học đều
có những định nghĩa khác nhau về đời sống văn hóa tinh thần trên cơ sở
xác định các hợp phần, các thành tố, các lĩnh vực của đời sống văn hóa
tinh thần. Trên cơ sở đó, trong nghiên cứu này của chúng tôi, đời sống tinh
thần được xem xét trên ba nhóm hoạt động chính: những hoạt động sinh
hoạt tinh thần thường ngày (vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, xem tivi,
đọc sách báo...); những hoạt động văn hóa theo kỳ dịp như lễ hội đâm trâu,
mừng lúa mới, lễ tết, giáng sinh, văn hóa cồng chiêng,...; các nghi lễ theo
vòng đời như cưới xin, ma chay,... Và với kỳ vọng rằng, nghiên cứu này

38
của chúng tôi sẽ có được những đánh giá bước đầu, cụ thể trong lĩnh vực
đời sống tinh thần, mở đầu cho những đánh giá đầy đủ về bộ phận văn hóa
tinh thần trong thời đại toàn cầu hóa với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,
góp một phần công sức nhỏ để khắc phục được quan điểm biến số ngoại lai
khi xem xét về bộ phận văn hóa tinh thần như tác giả Mai Văn Hai - Mai
Kiệm đã nêu ở trên.
2.1.2. Quá trình đô thị hóa
Là quá trình biến đổi về phân bố các lực lượng sản xuất, bố trí dân
cư, những vùng không phải đô thị trở thành đô thị. Tiền đề cơ bản của đô
thị hóa là sự phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ… thu hút nhiều
nhân lực từ nông thôn đến sinh sống và làm việc, làm cho tỉ trọng dân cư
ở các đô thị tăng nhanh. Đô thị xuất hiện làm tăng sự phát triển giao thông
với các vùng nông nghiệp xung quanh và các đô thị khác; phát triển văn
hóa và sự phân công lao động theo lãnh thổ, tăng cường thành phần công
nhân, tiểu thủ công, trí thức, thương nhân, kỹ thuật viên. Đô thị hóa hình
thành và phát triển có ý nghĩa trực tiếp trong việc nâng cao đời sống vật
chất và văn hóa tinh thần của các cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối với khu
vực nông thôn (Từ điển Bách Khoa Việt Nam, 1995: 836-837).
Theo G.Endruweit và G. Trommsdorff, khái niệm đô thị hóa được
dùng theo ba nghĩa khác nhau là (1) cho sự tăng trưởng vượt quá mức
trung bình số những người dân sống ở đô thị so với toàn bộ dân cư ở một
nước hay một lục địa; (2) cho sự tăng trưởng về dân cư/hoặc diện tích của
từng thành phố riêng; (3) cho sự mở rộng văn hóa và lối sống thành thị
(G.Endruweit và G.Trommsdorff, 2002: 151).
Trong nghiên cứu của Đặng Quang Thành thì chúng ta cũng có thể
hiểu đô thị hóa theo nghĩa thông thường, là quá trình phát triển kinh tế
và xã hội hướng vào các chuẩn giá trị chung của đô thị; nơi diễn ra quá
trình toàn cầu hóa rõ nhất về kinh tế, nổi bật sự giao thoa về văn hóa và
là nơi diễn ra sự biến đổi về lối sống của cá nhân và cộng đồng gắn với
điều kiện kinh tế - xã hội hay chế độ chính trị xã hội (Đặng Quang Thành,
2008: 126).

39
Đô thị hóa cũng được hiểu là quá trình biến đổi kinh tế, xã hội, văn hóa
và không gian. Các yếu tố này có mối quan hệ với nhau hết sức mật thiết,
trong đó diễn ra: sự chuyển dịch cơ cấu lao động, sự phát triển ngành nghề
mới, sự tăng trưởng dân cư, sự phát triển đời sống văn hóa, sự chuyển đổi lối
sống và đi liền là sự mở rộng không gian thành hệ thống đô thị song song với
việc tổ chức bộ máy hành chính và quân sự (Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường,
Nguyễn Quang Vinh, 2005: 369). Đây là một quá trình chuyển dịch từ hoạt
động nông nghiệp phân tán sang hoạt động phi nông nghiệp tập trung trên
địa bàn nhất định. Là hiện tượng kinh tế, xã hội phức tạp, nó diễn ra trên một
không gian rộng lớn và khoảng thời gian lâu dài để chuyển biến các xã hội
nông nghiệp - nông dân - nông thôn sang các xã hội đô thị - công nghiệp và
thị dân. Đô thị hóa thực chất là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ
cấu xã hội, với các đặc trưng sau: (1) hình thành và mở rộng quy mô đô thị
với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, dẫn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông
nghiệp là chủ yếu sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ, (2) tăng nhanh dân
số đô thị trong tổng số dân cư, dẫn đến thay đổi cơ cấu giai cấp, phân tầng
xã hội, (3) chuyển từ lối sống phân tán (mật độ dân cư thưa) sang sống
tập trung (mật độ dân cư rất cao), (4) chuyển từ lối sống nông thôn sang
lối sống đô thị, từ văn hóa làng xã sang văn hóa đô thị, từ văn minh nông
nghiệp sang văn minh công nghiệp (Đình Quang, 2005: 17).
Những phân tích trên giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về đô thị hóa. Trong
phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi không tập trung nhiều vào sự phát triển
cũng như biến đổi trong lĩnh vực kinh tế, mà hướng tiếp cận của chúng tôi là
đi vào chiều cạnh thứ ba trong định nghĩa của G.Endruweit và G. Trommsdorff
- “sự mở rộng văn hóa và lối sống thành thị, sự mở rộng dân cư, và từ “văn
hóa làng xã sang văn hóa đô thị” (Đình Quang, 2005: 17). Cụ thể hơn là đi sâu
tìm hiểu về đời sống tinh thần của người Kơho được biểu hiện qua ba nội dung
chính là (1) đời sống tinh thần qua các sinh hoạt tinh thần thường ngày (xem
tivi, nghe radio, đọc báo, chơi hàng xóm,…), (2) đời sống tinh thần qua các
sinh hoạt văn hóa theo kỳ dịp (lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, năm mới, lễ Tết,
Giáng sinh, lễ hội văn hóa cồng chiêng), (3) đời sống tinh thần qua các nghi lễ
theo vòng đời (cưới xin, ma chay) trong mối quan hệ với quá trình đô thị hóa.

40
2.1.3. Dân tộc Kơho
Là một trong số 54 dân tộc anh em sống trên lãnh thổ Việt Nam (Quý
Long, Kim Phượng, 2014: 140), Kơho là tộc người chiếm số lượng đông
nhất ở Lâm Đồng, khoảng 112.926 người Kơho sinh sống trên đất Lâm
Đồng (theo số liệu Tổng điều tra tháng 4/1999, cư dân Kơho trên toàn quốc
là 129.729 người). Theo Bùi Minh Đạo thì người Kơho là dân tộc theo chế
độ mẫu hệ, trong đó, đặc trưng là con cái sinh ra mang họ mẹ. Cho đến thời
điểm hiện tại, mỗi làng Kơho đã chuyển hẳn từ công xã huyết thống sang
công xã láng giềng, trong đó nhiều họ khác nhau cùng cộng cư. Dòng họ,
tùy từng nhóm mà được gọi bằng những thuật ngữ khác nhau: cớp chưi,
cớp nuê, noi hay pà chan, là những người cùng một dòng máu tính theo
dòng mẹ, có chung một bà tổ thực tế hay huyền thoại. Trong các dân tộc
mang họ Tây Nguyên, người Kơho có lẽ là một trong số ít dân tộc có nhiều
họ. Muốn biết được đầy đủ họ của người Kơho, có lẽ cần có những điều tra
chuyên đề trên diện rộng. Nhằm cung cấp một ý niệm cụ thể, sau khi kết
hợp tài liệu thư tịch với tài liệu điền dã, chúng tôi tạm đưa ra liệt kê 73 họ
biết được ở các nhóm Kơho, trong đó hai nhóm Chil, Lạch có 24 họ, nhóm
Tố La 16 họ, nhóm Nộp 26 họ và nhóm Xrê 7 họ. Về mặt ý nghĩa, tên dòng
họ của người Kơho chia làm hai loại: Loại thứ nhất, tồn tại ở các nhóm Xrê
và Nộp, trong đó tên dòng họ trùng với tên làng, mà ý nghĩa phản ánh đặc
điểm nơi cư trú. Chẳng hạn, tại làng Tam Bố, xã Tam Bố, huyện Di Linh,
tỉnh Lâm Đồng của nhóm Xrê có 6 họ mà tên gọi trùng với tên 6 làng hợp
thành: Tam Bố, Tam Ring, Kon Nhài, Liang Rai, Rơ ha Blăng, Bil, trong
đó, Tam Bố là làng - dòng họ ở đồi cao, Tam Ring là làng - dòng họ ở cạnh
đồi suối Ring,… Xrê Bặ là làng dòng họ làm ruộng nước ở suối Bặ, Xrê
Quăng là làng - dòng họ có cánh đồng ruộng nước lớn… Loại thứ hai tồn
tại ở các nhóm Chil, Lạch, Măng Tố, trong đó tên dòng họ gắn với một
huyền thoại về tổ tiên chung, một hồi quang của tín ngưỡng tô tem vật tổ.
Chẳng hạn, theo kể lại của người già, ở nhóm Chil, Chil Pam là họ có bà
tổ làm nghề đánh cá dưới suối bằng chiếc nơm đánh cá (pam lao = nơm
đánh cá),… Chil yui là họ của những người có bà tổ sống trên cao, chỉ biết
chuyên đốt rừng làm rẫy (chil yui = người Chil sống theo lửa) (Phan Ngọc
Chiến, 2005:83-85).

41
2.1.4. Biến đổi xã hội
Biến đổi xã hội (tiếng Anh: Social change): Có thể hiểu là thay đổi
xã hội. “Thay đổi là một đặc điểm hiển nhiên của thực tế xã hội đến nỗi
bất kỳ lý thuyết khoa học-xã hội nào, dù xuất phát điểm là khái niệm nào,
sớm hay muộn cũng phải giải quyết vấn đề đó. Thay đổi xã hội như một
khái niệm để hiểu một sự năng động liên tục trong các đơn vị xã hội đã trở
nên nổi bật trong cuộc Cách mạng Pháp và cuộc cách mạng công nghiệp
ở Anh, cả hai giai đoạn của sự năng động phi thường… Thay đổi xã hội là
““một thuộc tính của trật tự xã hội, được gọi là sự thay đổi”” (Luhmann,
1984: 471). Khi xem xét các lý thuyết đương đại về sự thay đổi, Hermann
Strasser và Susan C. Randall đã xác định các thuộc tính sau cho những
thay đổi này: ““mức độ thay đổi, khoảng thời gian, hướng, tốc độ thay đổi,
mức độ bạo lực liên quan”” (1981, 16). Theo quan điểm của chúng tôi, bất
kỳ lý thuyết về sự thay đổi nào cũng phải chứa đựng ba yếu tố chính phải
có mối quan hệ xác định với nhau: 1. Các yếu tố cấu trúc quyết định sự
thay đổi xã hội, chẳng hạn như sự thay đổi dân số, sự phân tán do chiến
tranh, hoặc các chủng tộc và mâu thuẫn. 2. Các quá trình và cơ chế của
thay đổi xã hội, bao gồm các cơ chế tạo ra, các phong trào xã hội, xung đột
chính trị và chỗ ở, và hoạt động kinh doanh. 3. Các hướng thay đổi xã hội,
bao gồm thay đổi cơ cấu, tác động và hậu quả”1.
Biến đổi xã hội là một quá trình qua đó khuôn mẫu của các hành vi,
các quan hệ, các thiết chế xã hội và các hệ thống phân tầng được thay đổi
qua thời gian (Phạm Tất Dong - Lê Ngọc Hùng, 2008: 279-282).
Tiếp cận xã hội học về biến đổi xã hội thường được tiếp cận theo chu
kỳ, bởi xã hội có những chu kỳ sống của nó, các xã hội được sinh ra, vận
động, phát triển và biến mất như một quy luật tất yếu. Cũng có quan điểm
tiếp cận về xung đột, quan điểm hiện đại hóa. Và có vẻ như quan điểm hiện
đại hóa khá phù hợp trong xu hướng biến đổi xã hội ngày nay, bởi các nhà
xã hội học ngày nay cho rằng sự tương tác phức tạp của nhiều yếu tố - cả

1. UC Press E -Books Collection 1982-2004, Social Change and Modernity.


University of California Ppress. https://publishing.cdlib.org/ucpressebooks/
view?docId=ft6000078s&chunk.id=d0e321&toc.depth=1&toc.id=d0e313&brand=ucpress.

42
yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài của nhiều yếu tố - tạo nên sự biến
đổi. Mặc dù trong những hoàn cảnh xã hội và lịch sử nhất định, các yếu
tố cụ thể đôi lúc có thể ảnh hưởng nhiều hơn những yếu tố khác. Những
yếu tố được các nhà lý thuyết hiện đại quan tâm khi xem xét về biến đổi
xã hội như sau: môi trường vật chất; công nghệ; sức ép dân số; giao lưu
văn hóa; xung đột xã hội; quan điểm toàn cầu; lý thuyết hiện đại hóa; lý
thuyết hệ thống thế giới; lý thuyết phụ thuộc. Trong phạm vi nghiên cứu
của chúng tôi, biến đổi xã hội được tiếp cận theo chu kỳ và theo quan
điểm hiện đại hóa trong giới hạn của sự biến đổi văn hóa, được biểu hiện
thông những hoạt động sinh hoạt tinh thần thường ngày, sinh hoạt văn hóa
theo kỳ dịp và các nghi lễ theo vòng đời trong đời sống tinh thần qua quá
trình đô thị hóa.
1.2 . Các lý thuyết sử dụng
2.2.1. Lý thuyết lựa chọn hợp lý
Thuyết lựa chọn duy lý (còn được gọi là thuyết lựa chọn hợp lý)
trong xã hội học có nguồn gốc từ triết học và nhân học thế kỷ 18-19. Một
số nhà triết học cho rằng bản chất của con người là vị kỷ, luôn tìm đến sự
hài lòng, sự thỏa mãn và lảng tránh nỗi đau. Một số nhà kinh tế học thì họ
nhấn mạnh đến động cơ kinh tế, lợi nhuận khi họ đưa ra quyết định lựa
chọn hành động. Vào những năm 1908, Joseph Schumpeter đã đưa ra khái
niệm “Phương pháp luận cá nhân” để nhấn mạnh: các cá nhân lựa chọn
hành động, sự lựa chọn là hành động của cá nhân. Thuật ngữ “lựa chọn”
được dùng để nhấn mạnh việc phải cân nhắc, tính toán quyết định sử dụng
loại phương tiện hay cách thức để đạt được mục tiêu trong điều kiện khan
hiếm các nguồn lực. Lúc đầu lý thuyết này mang nặng ý nghĩa về kinh tế,
nhưng sau này các nhà xã hội học mở rộng phạm vi của mục tiêu bao gồm
các yếu tố lợi ích xã hội và tinh thần. Định đề cơ bản của thuyết lựa chọn
hợp lý được Homans diễn đạt theo kiểu định lý toán học như sau: Khi
lựa chọn trong số các cách hành động có thể, cá nhân sẽ chọn cách nào
mà họ cho là tích (C) của xác suất thành công của hành động đó (P) với
giá trị mà phần thưởng của hành động đó (V) là lớn nhất: C = (PxV) =
Maximum (Lê Ngọc Hùng, 2009: 354 -355).

43
John Elster thì cho biết “khi đối diện với một số cách hành động, mọi
người thường làm cái mà họ tin là có khả năng đạt được kết quả cuối cùng
tốt nhất” (Malcolm Waters, 1994: 80. Dẫn lại Lê Ngọc Hùng, 2009: 355).
Trong xã hội học, Georg Simmel nêu ra nguyên tắc “cùng có lợi” của
mối tương tác xã hội giữa các cá nhân và cho rằng các cá nhân luôn phải
cân nhắc, tính toán thiệt hơn để theo đuổi mục đích cá nhân, thỏa mãn nhu
cầu cá nhân. Đó là mối quan hệ trao đổi cho - nhận giữa người với người.
Thuyết lựa chọn duy lý không phải chỉ giải thích hành động xã hội trên
cấp độ vi mô - hành động cá nhân mà thuyết này được xây dựng và phát
triển để xem xét hoạt động chức năng của các hệ thống và thiết chế kinh
tế, xã hội, tức là trên cấp độ vĩ mô. James Coleman cho rằng, sức hấp dẫn
của thuyết lựa chọn hợp lý là ở chỗ một khi thiết chế xã hội hay một quá
trình xã hội nào được xem xét từ góc độ hành động duy lý của cá nhân
thì lúc đó ta có thể nói rằng chúng đã được “giải thích”; và bản thân thuật
ngữ “hành động duy lý” đã cho ta biết là hành động đó “có thể hiểu được”
mà không cần phải đòi gì thêm. Sự hồi sinh của lý thuyết lựa chọn hợp lý
được đánh dấu bằng sự ra đời của một tạp chí mới của các nhà xã hội học
năm 1989. Đó là tạp chí Tính duy lý và xã hội (rationality and Society) do
James Coleman làm tổng biên tập (James Coleman, 1986; Dẫn lại Lê Ngọc
Hùng, 2009: 362). Coleman lý luận rằng xã hội học phải tập trung vào các
hệ thống xã hội, nhưng các hiện tượng vĩ mô như thế phải được lý giải bởi
các yếu tố nội tại của chúng, nguyên mẫu là các cá thể. Ông cho rằng, các
dữ liệu thường được tập hợp ở cấp độ cá thể rồi mới được kết hợp lại ở cấp
độ hệ thống. Một trong các lí do ủng hộ một tiêu điểm ở cấp độ cá thể là vì
nó chính là nơi “các sự can thiệp” thường được thực hiện để tạo ra các biến
đổi xã hội. Định hướng lựa chọn hợp lý của Coleman rõ ràng trong ý tưởng
cơ bản của ông rằng “hành động có mục đích của cá nhân hướng tới một
mục tiêu; mục tiêu đó (và do đó cả hành động) định hình bởi các giá trị hay
các sở thích”. Nhưng Coleman sau đó đi tới lý luận rằng, đối với phần lớn
các mục tiêu về mặt lý thuyết, ông sẽ cần một sự khái quát hóa chính xác
hơn nữa về actor chọn lựa các hành động đó sẽ tối đa hóa các lợi ích hay sự
thỏa mãn các nhu cầu và mong muốn của họ. Coleman phân biệt giữa các
cấu trúc cơ bản dựa trên gia đình như các bạn bè láng giềng, các nhóm tôn

44
giáo và các cấu trúc có mục đích, như các tổ chức kinh tế và các nhà nước.
Ông thấy có một sự “tháo gỡ” đang tiến triển của các hoạt động trước kia
đã từng bị ràng buộc trong phạm vi gia đình. Các cấu trúc cơ bản đang bị
tách ra khi các chức năng của chúng bị phân cách và chiếm đoạt bởi một
loạt các actor đoàn thể… (Coleman, dẫn theo Lê Ngọc Hùng, 2009: 448).
Thuật ngữ “lựa chọn” được dùng để nhấn mạnh việc phải cân nhắc,
tính toán quyết định sử dụng loại phương tiện hay cách thức để đạt được
mục tiêu trong điều kiện khan hiếm các nguồn lực. Cụ thể, trong nghiên
cứu này chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu những cân nhắc, tính toán để đi
đến quyết định “lựa chọn” các hình thức sinh hoạt tinh thần của mỗi cá
nhân cũng như cộng đồng người Kơho với nguồn nội lực (thu nhập, nhu
cầu mong muốn của bản thân) mà nhóm đồng bào dân tộc thiểu số này có.
Thực tế này cho thấy hiện đang tồn tại những khác biệt trong việc “lựa
chọn” các loại hình giải trí cũng như trong nghi lễ cưới xin, ma chay và lễ
hội văn hóa, văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Kơho ở Tà Nung
(Đà Lạt) và thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng. Điều này được làm sáng tỏ
trong luận điểm của James Coleman, ông cho rằng: sức hấp dẫn của thuyết
lựa chọn hợp lý là ở chỗ một khi thiết chế xã hội hay một quá trình xã hội
nào được xem xét từ góc độ hành động duy lý của cá nhân thì lúc đó ta có
thể nói rằng chúng đã được “giải thích”; và bản thân thuật ngữ “hành động
duy lý” đã cho ta biết là hành động đó “có thể hiểu được” mà không cần
phải đòi gì thêm. Như vậy, việc lựa chọn loại hình giải trí, nội dung giải
trí, cách thức giải trí và mức độ tham gia của cá nhân, gia đình vào các
loại hình giải trí,… cũng như việc lựa chọn bạn đời, thủ tục cưới xin, trang
phục trong ngày cưới, thách cưới, ma chay,… hay việc tham gia hay không
vào lễ hội văn hóa, văn hóa cồng chiêng, cách thức cũng như vấn đề duy trì
các giá trị văn hóa của nó… đều được các cá nhân “lựa chọn”, “tính toán”,
“cân nhắc” kỹ lợi ích được và mất, chọn lựa các hành động đó sẽ tối đa hóa
các lợi ích hay sự thỏa mãn các nhu cầu và mong muốn của họ.
2.2.2. Lý thuyết đô thị hóa
Theo Lê Thanh Sang thì đô thị hóa ở các nước đang phát triển thường
được giải thích bởi mô hình hiện đại hóa (modernization) hoặc lý thuyết

45
“đô thị hóa quá mức” (over-urbanization). Lý thuyết hiện đại hóa cho rằng
phát triển kinh tế là lực lượng chủ yếu điều chỉnh quá trình đô thị hóa, mà
quá trình công nghiệp hóa là động lực chính của sự chuyển đổi này (Lê
Thanh Sang, 2008: 31,32). Lý thuyết phụ thuộc (dependency) giải thích
quá trình đô thị hóa hiện nay ở các nước đang phát triển bắt nguồn từ sự
phân công lao động trong phạm vi quốc gia và quốc tế của hệ thống kinh tế
tư bản chủ nghĩa, trong đó các thành phố của các nước ngoại vi phụ thuộc
về mặt kinh tế các thành phố của các quốc gia trung tâm (Chase-Dunn,
1984; Lê Thanh Sang, 2008: 32). Một hướng tiếp cận khác để giải thích
quá trình đô thị hóa là lý thuyết thiên vị đô thị (urban bias). Lý thuyết này
cho rằng những người nắm quyền lực chính trị đã đầu tư có tính chất thiên
vị phần lớn các nguồn lực kinh tế còn hạn chế của quốc gia cho các thành
phố, trong khi bỏ quên khu vực nông thôn đang ngày càng bị bần cùng hóa.
Sự bất bình đẳng trong đầu tư đã “đẩy” những người nông dân nghèo khổ
về đô thị để kiếm sống (Bradshaw, 1987; Lê Thanh Sang, 2008: 33). Còn
đối với các nước xã hội chủ nghĩa, họ ít nhiều được dẫn dắt bởi học thuyết
Mác, về thực chất, họ đã áp dụng mô hình đô thị hóa “tiết kiệm” bằng cách
gia tăng tỷ lệ dân số sản xuất/dân số đô thị và hạn chế mức tiêu dùng ở đô
thị. Lý thuyết này, do vậy giải thích vì sao mức độ đô thị hóa ở các nước xã
hội chủ nghĩa luôn thấp hơn các nước khác ở phương Tây và các nước thế
giới thứ ba với trình độ phát triển kinh tế tương tự nhau (Chan 1991; Chan,
1994; Lê Thanh Sang, 2008: 34).
Một vài khái quát về lý thuyết đô thị ở trên cho thấy, trên thực tế có
nhiều hướng tiếp cận khác nhau về lý thuyết để giải thích cho các khuôn
mẫu cũng như quá trình đô thị hóa. Theo Lê Thanh Sang (2008: 34) thực
tế là không có một lý thuyết hoặc hoặc mô hình nào có thể giải thích một
cách đầy đủ cho các khuôn mẫu đô thị hóa. Ở các nước đang phát triển, bên
cạnh việc thừa hưởng những nhân tố truyền thống về chính trị, tôn giáo,
văn hóa, quá trình đô thị hóa cũng đồng thời chịu tác động của một loạt
các nhân tố khác. Quá trình đô thị hóa tất nhiên gắn với phát triển kinh tế
và tăng trưởng công nghiệp. Vì vậy các khuôn mẫu đô thị hóa phải được
nghiên cứu trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa cụ thể của
từng quốc gia như lý thuyết hiện đại hóa; lý thuyết đô thị hóa quá mức, lý

46
thuyết phụ thuộc, lý thuyết thiên vị đô thị, lý thuyết đô thị hóa xã hội chủ
nghĩa (Lê Thanh Sang, 2008: 46-51). Các lý thuyết đô thị hóa dường như
đã phát triển và được bàn luận ở nhiều trường phái khác nhau trong sự phát
triển khác nhau của các quốc gia.
Tuy nhiên điểm nổi bật chúng ta có thể nhận thấy là: gần như các
nhà xã hội học khi phân tích và trình bày về lý thuyết đô thị hóa, đều nhấn
mạnh và tập trung vào sự tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp, quá
trình di dân hay sự tăng lên về mặt dân số chứ chưa phản ánh về những
thay đổi của văn hóa, các giá trị, phong tục tập quán,... vốn dĩ là những
nét văn hóa tinh thần truyền thống lại chưa được xem xét và giải thích một
cách thấu đáo trong sự biến đổi. Có lẽ đây là một trong những hạn chế của
các công trình nghiên cứu đi trước.
Tất cả những luận điểm về lý thuyết đô thị hóa nêu trên giúp cho
chúng tôi có thêm cách nhìn, cách mô tả cũng như giải thích về những
thay đổi trong đời sống tinh thần của người Kơho trong sự lựa chọn hoạt
động sinh hoạt thường ngày; nghi lễ cưới xin, ma chay; lễ hội văn hóa và
văn hóa cồng chiêng của người Kơho. Với những đặc thù trong chiến lược
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Lâm Đồng, đặc biệt là quá trình đô thị
hóa đã góp phần tạo ra những thay đổi trong việc lựa chọn hình thức mới
trong giải trí, cưới xin, ma chay và các lễ hội văn hóa của người Kơho.
Và nó bị chi phối bởi sự gia tăng về dân số, sự mở rộng lối sống thành thị
và sự phát triển của các phương tiện truyền thông. Do đó, sự giao lưu, hội
nhập của các nhóm dân cư, sự phát triển của các phương tiện truyền thông
đại chúng đều góp phần tạo ra những nét mới trong đời sống tinh thần của
người Kơho.
2.2.3. Lý thuyết về biến đổi xã hội
Mọi xã hội cũng giống như tự nhiên - không ngừng biến đổi. Sự ổn
định của xã hội chỉ là sự ổn định của bề ngoài, còn thực tế nó không ngừng
thay đổi bên trong bản thân nó. Do đó, bất cứ xã hội nào và bất cứ nền văn
hóa nào, cho dù nó có bảo thủ và cổ truyền đến đâu chăng nữa cũng luôn
luôn biến đổi và sự biến đổi đó trong xã hội hiện đại ngày càng rõ ràng
hơn, nhanh hơn. Có nhiều cách quan niệm về sự biến đổi xã hội, một cách

47
hiểu rộng nhất, cho đó là một sự thay đổi so sánh với một tình trạng xã hội
hoặc một nếp sống có trước (Phạm Tất Dong - Lê Ngọc Hùng, 2008).
Biến đổi xã hội được nhiều nhà khoa học trong các lĩnh vực chuyên
môn khác nhau nghiên cứu, từ nhân học (Morgan), lịch sử (Saint -
Simon), văn hóa học (William F.Ogburn) và xã hội học. Dưới góc độ
xã hội học và các nhà khoa học như A.Comte, M. Weber, E.Durkheim,
K.Marx, G.J.Lenski, H.Spencer, T.Parsons,... biến đổi xã hội được xem
xét và phân tích trên nhiều chiều cạnh khác nhau với những góc nhìn
khác nhau, cụ thể:
Thứ nhất, quan điểm của lý thuyết tiến hóa về biến đổi xã hội
Thuyết tiến hóa ban đầu do Charles Darwin (1809-1882) nêu ra trong
lĩnh vực sinh học, như một học thuyết về sự phát triển của tự nhiên. Học
thuyết của ông có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nhà nghiên cứu lý thuyết về
biến đổi xã hội với những tên tuổi nổi tiếng.
Auguste Comte (1798-1857), một trong những nhà sáng lập xã hội
học, đã đưa ra lý thuyết thuyết tiến hóa về thay đổi. Ông xem xã hội như
thể tiến bước tới trước trong sự suy nghĩ từ thần thoại đến phương pháp
luận khoa học. Tương tự, E.Durkheim (1858-1917) chủ trương rằng xã hội
đã tiến bộ từ những dạng tổ chức xã hội đơn giản đến những dạng phức tạp.
Các tác phẩm của Comte và Durkheim là những ví dụ của thuyết tiến hóa
đơn tuyến tính (unilinear evolutionary theory) (Richard T.Schaefer; Huỳnh
Văn Thanh (dịch), 2003: 732).
Nhà xã hội học người Anh, Herbert Spencer (1820-1903) với quan
điểm xây dựng một lý thuyết thống nhất về sự tiến hóa theo công thức:
chuyển từ cái thuần nhất đơn giản sang cái không thuần nhất phức tạp,
thông qua phân hóa để đạt tới sự thống nhất (Phạm Tất Dong, Lê Ngọc
Hùng, 2008: 284). Do đó, thuyết tiến hóa về biến đổi xã hội cho rằng xã
hội phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn
thiện đến hoàn thiện,... Thế nhưng, các nhà lý thuyết gia thuyết tiến hóa
đương đại, như Gerhard Lenski chẳng hạn, thì thích hình dung sự thay đổi
xã hội như thể đa tuyến tính hơn là trông cậy vào quan điểm có tính đơn

48
tuyến tính quá hẹp. Thuyết tiến hóa đa tuyến tính (multilinear evolutionary
theory) chủ trương rằng sự thay đổi có thể xảy ra theo nhiều cách và nó
không nhất thiết cứ phải dẫn đến cùng một hướng. Các lý thuyết gia đa
tuyến tính thừa nhận rằng văn hóa con người đã tiến hóa theo khá nhiều
tuyến (Richard T.Schaefer; Huỳnh Văn Thanh (dịch), 2003: 733). Còn đối
với K.Marx, sự tiến hóa xã hội được phân tích và biện luận trong quan
điểm về xung đột và giải quyết xung đột, là sự thay thế của các hình thái
kinh tế xã hội để chỉ sự biến đổi xã hội của loài người.
Thứ hai, quan điểm của lý thuyết duy xung đột về biến đổi xã hội
Theo quan điểm của thuyết xung đột thì lịch sử và tiến hóa xã hội
không phải do các hành động có lý trí của các cá nhân mà cũng không do
logic chung của sự phát triển tiến bộ và lên cao tác động, mà do xung đột
và cạnh tranh giữa các tập thể đương sự đang tranh nhau sự thống trị và ưu
tiên, thứ bậc và ảnh hưởng, sở hữu và các tài sản hạn hẹp khác. Các phát
minh mới về kỹ thuật và liên minh chính trị, các thay đổi về hoàn cảnh và
nguồn dự trữ, về khả năng thuyết phục người thứ ba, về tài năng chiến lược
và khả năng tổ chức kéo theo sự biến đổi về quan hệ quyền lực giữa các giai
cấp, tầng lớp và đảng phái và cho phép các giai cấp, tầng lớp mới vươn lên
(Gũter Endruweit; Ngụy Hữu Tâm, 1999: 224). K.Marx đồng ý rằng các xã
hội phải chuyển đổi để tồn tại. Ông có cái nhìn về quá trình hiện đại hóa rất
khác biệt với những nhà tư tưởng xã hội khác, bỡi lẽ Marx nhấn mạnh tầm
quan trọng của mâu thuẫn xã hội. Ông cũng không phủ nhận rằng sự hình
thành tính hiện đại có liên quan đến sự suy tàn của các cộng đồng có quy mô
nhỏ, đến sự phân công lao động có tính gia tăng (Phạm Tất Dong, Lê Ngọc
Hùng, 2008: 288). Lịch sử, theo Marx, trải qua một loạt các giai đoạn, với
mỗi giai đoạn đều có sự khai thác, bóc lột một tầng lớp. Tư tưởng của ông
đã mang đến những cái nhìn thấu suốt đối vói những định chế như nền kinh
tế, gia đình, tôn giáo và nhà nước. Quan điểm của Marx về biến đổi xã hội
rất có sức thuyết phục, bởi nó không hạn chế người ta vào một vai trò thụ
động trong sự đáp ứng với các chu kỳ hay những thay đổi không thể tránh
khỏi được trong văn hóa vật chất (Richard T.Schaefer; Huỳnh Văn Thanh
(dịch), 2003: 734).

49
Thứ ba, quan điểm biến đổi xã hội toàn cầu
Trong thời đại biến đổi xã hội, chính trị và kinh tế hàng loạt này trên
quy mô toàn cầu, liệu người ta có thể tiên đoán được sự thay đổi chăng?
Trong bài diễn văn của mình, Hallinan (1997) đã lưu ý rằng chúng ta cần
phải vượt ra khỏi những mô hình hạn hẹp về biến đổi xã hội – cái nhìn
tuyến tính của thuyết tiến hóa và những giả định về sự cân bằng ở thuyết
duy chức năng. Bà và các nhà khoa học xã hội khác đã hướng đến ‘thuyết
hỗn nguyên’ do các nhà toán học đề xướng để xem xét các biến cố thất
thường như một phần của sự thay đổi (Richard T.Schaefer; Huỳnh Văn
Thanh (dịch), 2003: 735). Còn theo Phạm Tất Dong, Lê Ngọc Hùng (2008)
thì trong yêu cầu để hiểu được sự biến đổi xã hội hiện đại, cần thiết phải
xem xét nó trong mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa cụ thể, những tài nguyên,
những xu hướng dân số và những xung đột bên trong của chúng. Hầu hết
các nhà xã hội học giải thích sự tiếp diễn và biến đổi, và những quan hệ
trong các dân tộc giàu và nghèo bằng sự chấp nhận hoặc lý thuyết hiện đại
hóa hoặc lý thuyết hệ thống thế giới. Sự biến đổi của xã hội có thể do chính
sách đổi mới, kỹ thuật - công nghệ mới, văn hóa mới, cấu trúc xã hội mới,
thậm chí đó là do sự tăng trưởng dân số, những xung đột xã hội, tư tưởng.
Và cũng có thể là do sự tương tác của con người với các môi trường mà
họ đang sống; thông qua sự truyền bá, những thành tựu của văn hóa, khoa
học kỹ thuật.
Thứ tư, quan điểm về tiếp biến văn hóa
Thuật ngữ tiếp biến văn hóa được sử dụng lần đầu tiên vào khoảng
cuối thế kỷ 19 trong lĩnh vực nhân học xã hội, và được nghiên cứu, sử dụng
rộng rãi trong các lĩnh vực khoa học xã hội khác vào những năm 1930.
Tiếp biến văn hóa đi từ quá trình xã hội hóa cá nhân hay nhóm xã hội
và xảy ra bên trong nền văn hóa, hướng vào các quá trình, trạng thái của sự
tiếp thu văn hóa giữa các nền văn hóa, qua đó khác với đồng hóa và hội nhập.
Trong xã hội học, việc nghiên cứu này được kích thích qua các quá trình biến
đổi của các xã hội nguyên thủy do kết quả tiếp xúc với xã hội công nghiệp
cũng như qua hậu quả của sự di dân toàn cầu. Mức độ tiếp biến văn hóa và

50
tốc độ thẩm thấu văn hóa kế đó phụ thuộc vào khoảng cách không gian (và xã
hội) đối với nhóm xuất xứ, vào chất lượng khả năng tương tác với nhóm khác
(khả năng vươn lên, phân biệt đối xử), vào thời gian tiếp xúc và nhu cầu tiếp
biến văn hóa và triển vọng ứng xử hình thành từ đó.
Bởi vậy trong tất cả các nỗ lực biến đổi văn hóa (phát triển) có định
hướng phải tính tới tiếp biến văn hóa nhanh trên lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế và
y tế. Trong một khoảng thời gian dài người ta đồng ý với quan điểm của M.
Weber rằng tiếp biến văn hóa tiến triển không ngừng trên quy mô toàn cầu.
Nhưng vì tính không đong đếm được của quá trình tiếp biến văn hóa (“sự
tỉnh ngộ theo lý thuyết hiện đại hóa”, Touraine) nên việc nghiên cứu lại quay
trở về với vấn đề “các hằng số văn hóa” và sự tách biệt sự tiếp biến kỹ thuật,
chính trị, kinh tế và văn hóa ở từng xã hội riêng biệt (G. Endruweit và G.
Trommsdorff; Ngụy Hữu Tâm, Nguyễn Hoài Bảo, 2001: 494-495).
Theo từ điển bách khoa Columbia, tiếp biến văn hóa là một quá trình
trong đó thành viên của một nhóm văn hóa này chấp nhận những niềm tin
và hành vi của nhóm văn hóa khác. Thường thì tiếp biến văn hóa diễn ra
theo hướng nhóm thiểu số tiếp nhận các khuôn mẫu hành vi và ngôn ngữ
của nhóm chi phối, nhưng nó cũng có thể là một quá trình hai chiều, nhóm
chi phối cũng có thể tiếp nhận những khuôn mẫu đặc thù nhất định của
nhóm thiểu số (The Columbia Encyclopedia, 2008; Nguyễn Minh Tuấn,
2012: 28).
Theo tác giả Nguyễn Minh Tuấn, trong nghiên cứu xã hội học, có
nhiều thang đo để xác định mức độ tiếp biến văn hóa ở các cộng đồng dân
tộc thiểu số, chẳng hạn Thang đo mô tả sơ lược sự biến đổi hành vi và niềm
tin văn hóa (Cultural Beliefs and Behaviors Adaption Profile (CBBAP));
Thang đo tiếp biến văn hóa Benet – Martinez (The Benet – Martinez
Acculturation Scale (BMAS)); hoặc Bảng hỏi giản lược về các vấn đề sắc
tộc cơ bản (General Ethnicity Questionnaire – abridged (GEQ-a)). Với
những dữ liệu thu được từ các thang đo này, các nhà nghiên cứu có thể tìm
hiểu được nhiều nét đặc trưng về con người và văn hóa cộng đồng của một
nhóm người trong quá trình sinh sống, thay đổi, thích nghi, hòa nhập và
phát triển trong tương quan với một nền văn hóa mới.

51
Các luận điểm khác nhau trong lý thuyết biến đổi xã hội, tiếp biến
văn hóa giúp chúng tôi phân tích kỹ hơn về sự biến đổi các giá trị tinh
thần truyền thống trong đời sống cộng đồng người Kơho cũng như khả
năng tiếp nhận cái mới trong xu hướng vận động và phát triển chung của
nhân loại.
2.3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển đời sống
tinh thần của người dân tộc thiểu số
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong quá trình sinh sống, các dân
tộc trên lãnh thổ Việt Nam đã đoàn kết, gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau để chống
lại thiên tai, chống giặc ngoại xâm và xây dựng, bảo vệ đất nước. Với tư
tưởng phát triển “Khối đại đoàn kết dân tộc” của Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà
nước và các cấp chính quyền đã có những chủ trương, chính sách kịp thời
nhằm ổn định xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu
số. Trong đó, xác định tầm quan trọng của đời sống văn hóa tinh thần và
những giá trị của văn hóa trong vấn đề phát triển bền vững, phát triển toàn
diện, mọi mặt của đời sống xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong các
nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ với các kỳ đại hội, hội nghị
quốc gia và quốc tế. Cụ thể, Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27-11-1989
của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI nêu rõ “…tôn
trọng và phát huy những phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa tốt
đẹp của các tộc người. Nền văn minh ở miền núi phải được xây dựng trên
cơ sở mỗi tộc người phát huy bản sắc văn hóa của mình, vừa tiếp thu tinh
hoa văn hóa của các dân tộc khác và góp phần phát triển văn hóa chung của
cả nước, tạo ra sự phong phú đa dạng trong nền văn minh của cộng đồng
các tộc người Việt Nam”. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng
và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban
hành vào tháng 7-1998, khi đất nước đang trong quá trình chuyển đổi từ
kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa (Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương
khóa XI). Đất nước ta đã và đang hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực của
đời sống xã hội, trong đó đáng chú ý là văn hóa và sự bùng nổ của các
phương tiện truyền thông. “Xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng tất yếu

52
dẫn đến sự tăng cường hội nhập, giao lưu, đã và đang tác động mạnh mẽ,
toàn diện và sâu sắc vào đời sống văn hóa – xã hội của các dân tộc, các
quốc gia. Hàng loạt vấn đề mới đặt ra đối với Đảng trong việc hoạch định
đường lối để xử lý mối quan hệ giữa bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc với
việc tiếp nhận văn hóa thế giới trong quá trình mở cửa, hội nhập” (Đinh
Xuân Lý, Đoàn Minh Huấn, 2008: 330), đòi hỏi phải có những chỉ đạo kịp
thời để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trong xu hướng phát
triển bền vững. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương
khóa VIII tiếp tục khẳng định: “Coi trọng và bảo tồn, phát huy những giá
trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn
học nghệ thuật của các tộc người thiểu số…”. Từ quan điểm đó của Đảng,
Chính phủ, đã có hàng loạt các quyết định quan trọng. Đó là Quyết định số
71/2001/QĐ-TTg ngày 4-5-2001 của Thủ tướng Chính phủ về các chương
trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2001-2005, trong đó có “mục tiêu bảo
tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc; xây dựng và phát
triển đời sống văn hóa cơ sở”. Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30-
10-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng dài hạn, kế hoạch 5
năm 2001-2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế xã hội vùng
Tây Nguyên, ghi rõ: “… Bảo tồn, phát triển văn hóa vật thể và phi vật thể
của đồng bào dân tộc Tây Nguyên…”.
Ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1270/QĐ-
TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt
Nam đến năm 2020”.
, Nghiên cứu cụ thể nền văn hóa cổ truyền của các tộc người ở Tây
Nguyên, tác giả cho rằng “nền văn hóa cổ truyền của các tộc người ở Tây
Nguyên được hình thành chủ yếu trên nền kinh tế nông nghiệp nương rẫy,
tự cấp tự túc, phụ thuộc lớn vào thiên nhiên. Bộ phận lớn nhất trong nền
văn hóa cổ truyền các dân tộc Tây Nguyên là các hình thức và hoạt động
văn hóa phi vật thể… Vai trò của hệ thống văn hóa phi vật thể rất quan
trọng, nó vừa là chỗ dựa tinh thần, lại vừa là tác nhân làm cân bằng đời
sống xã hội và con người” (Trần Văn Bính, 2006: 31, 32, 44).
Trong bối cảnh tình hình Tây Nguyên có nhiều vấn đề phức tạp và

53
khó khăn gay gắt, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 10-NQ/
TW ngày 18-1-2002 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an
ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2002; Thông báo Kết luận số 148-TB/
TW ngày 16-7-2004 về phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững;
Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết
số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên
thời kỳ 2011-2020; đã được cả hệ thống chính trị Tây Nguyên nghiên cứu
quán triệt, tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc. Ngoài Quyết định số 168
được đề cập ở trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế đặc
thù giúp Tây Nguyên huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh
tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc.
Trong đó, chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, ưu tiên đồng bào dân tộc
thiểu số, vùng sâu, vùng xa và địa bàn biên giới. “Tập trung xây dựng đời
sống văn hóa mới và đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào các
dân tộc trên cơ sở bảo tồn những tinh hoa văn hóa truyền thống, gìn giữ, kế
thừa có chọn lọc, phát huy những giá trị tiêu biểu, loại bỏ dần hủ tục, từng
bước xây dựng giá trị mới về văn hóa, nghệ thuật, hình thành nếp sống văn
minh. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi các di sản văn hóa
vật thể, phi vật thể, khôi phục các lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống
theo nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng” (Viện Nghiên cứu Phát triển
Phương Đông, 2016: 10,11,19).
Dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh
thần của các nhóm cộng đồng dân cư đã có nhiều khởi sắc, chất lượng đời
sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu của con người ngày càng được
đáp hứng và hoàn thiện. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vẫn còn tồn
tại những hạn chế nhất định do nhận thức cũng như khả năng vận dụng của
các địa phương cũng như các nhóm, cộng đồng dân cư chưa cao.
2.4 . Đặc điểm của địa bàn nghiên cứu
Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên và nằm trong vùng
nhiệt đới gió mùa á nhiệt đới, nhiệt độ trung bình từ 18-250 C. Có độ
cao từ 800 - 1000 m so với mặt nước biển, diện tích 9.773,54 km2, dân
số đến cuối năm 2014 khoảng có 1.262.000 người với 43 dân tộc sinh

54
sống, Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính gồm hai thành phố là Đà Lạt
và Bảo Lộc và 10 huyện. Nam - Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận, Đông
giáp Khánh Hòa - Ninh Thuận, Bắc giáp Đắk Lăk - Đắk Nông, Tây Nam
giáp Đồng Nai - Bình Phước. Giao thông đường bộ Lâm Đồng có các quốc
lộ 20,27,28,55; các tỉnh lộ 722,723,724,725 nối liền các tỉnh Nam Trung
bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên2.
Tính đến năm 2011, dân số toàn tỉnh Lâm Đồng đạt gần 1.218.700
người, mật độ dân số đạt 125 người/km². Trong đó dân số sống tại thành
thị đạt gần 464.700 người, dân số sống tại nông thôn đạt 754.000 người.
Dân số nam đạt 609.500 người, trong khi đó nữ đạt 609.200 người. Tỷ lệ
tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 13,3‰. Theo báo cáo của
Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm 01/4/2012 Lâm Đồng  có
316.560 hộ, chiếm 1,37% so với cả nước và 24,75% so với Tây Nguyên,
tăng 3.479 hộ so với năm 2011, tăng 1,11%. Vào thời điểm 0 giờ ngày
01/4/2012 dân số Lâm Đồng có 1.229.647 người (tăng 13.121 người so
với 1/4/2011), đứng thứ 25 (năm 2009 đứng thứ 36) so với cả nước và thứ
3 so với vùng Tây Nguyên. Lâm Đồng xếp sau tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai
(cả nước: 88.526.883 người, Tây Nguyên: 5.338.434 người) (Cục Thống
kê tỉnh Lâm Đồng, 2012).
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1
tháng 4 năm 2009, trên địa bàn toàn tỉnh có 43 dân tộc cùng 18 người nước
ngoài sinh sống. Trong đó, dân tộc Kinh là đông nhất với 901.316 người,
xếp ở vị trí thứ hai là người Kơho với 145.665 người, người Mạ đứng ở vị
trí thứ 3 với 31.869 người, thứ 4 là người Nùng với 24.526 người, người
Tày có 20.301 người, Chu Ru có 18.631 người, người Hoa có 14.929
người, Mnông có 9.099 người, người Thái có 5.277 người, người Mường
có 4.445 người cùng các dân tộc ít người khác như Mông với 2.894 người,
Dao với 2.423 người, Khơ Me với 1.098 người…ít nhất là Lô Lô, Cơ Lao
và Cống mỗi dân tộc chỉ có duy nhất 1 người.
Vùng đất Lâm Đồng còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử của

2. http://www.mpi.gov.vn/ Cổng thông tin điện tử, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

55
các dân tộc. Trong nhiều năm qua, nhiều di tích lịch sử được quan tâm tiếp
cận nghiên cứu, nổi tiếng nhất là khu di tích Cát Tiên với những làng cổ rèn
khuôn đúc đồng, dệt vải, với đền tháp và mộ tháp uy nghiêm của một nền
văn hóa đặc thù nằm trong dòng chảy của văn hóa Đồng Nai, văn hóa Phù
Nam, văn hóa Óc Eo. Những ngôi nhà dài của đồng bào dân tộc thiểu số
nơi đây cũng là di sản văn hóa độc đáo, đây là nơi sinh sống của các thành
viên trong một gia đình, là nơi lưu giữ, trưng bày những bộ chiêng - ché cổ
quý giá, được đồng bào trân trọng, giữ gìn như “vật thiêng”, “tài sản có giá
trị”. Các di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng khác như Dinh I, Dinh II, Dinh
III, Thiền viện Trúc Lâm; chùa Linh Sơn, Linh Phong; nhà thờ Chánh tòa,
khách sạn Palace; Cam Ly; Nghĩa trang Liệt sĩ; khu mộ cổ của dân tộc Mạ.
Các giá trị văn hóa tinh thần ở Lâm Đồng cũng rất phong phú, điển hình là
các lễ hội (lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu…), văn học dân gian được
đánh giá là đa dạng về thể loại huyền thoại, cổ tích, hài, ngụ ngôn, văn
vần…, phong phú về nội dung (baolamdong.vn).
Xã Tà Nung nằm về phía Tây Nam, cách trung tâm thành phố Đà
Lạt 19 km, phía Đông giáp phường bốn, thành phố Đà Lạt; phía Tây và
phía Nam giáp xã Mê Linh, huyện Lâm Hà; phía Bắc giáp phường năm,
thành phố Đà Lạt. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 4.581,64 ha. Xã có
sáu thôn: từ thôn một đến thôn sáu, chia thành 20 tổ nhân dân; dân số của
xã là 1.073 hộ với 4.725 nhân khẩu, gồm 10 dân tộc anh em sinh sống.
Trong đó có 449 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 2.245 nhân khẩu chiếm
50% dân số. Về tôn giáo, xã có bốn tôn giáo chính có 2.179 tín đồ chiếm
61,97% dân số chia ra: Phật giáo (297); Thiên Chúa giáo (766); Tin lành
(1.013); Cao đài (53) (Báo cáo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội xã Tà
Nung, 1979-2009).
Bí thư xã Tà Nung Nguyễn Thành Lý (2014) nói ngắn gọn về những
công việc đánh thức “nàng sơn nữ Tà Nung”, đó là: mở đường thảm nhựa
7km thuộc tỉnh lộ 725 giúp cho việc thông thương của xã thuận lợi; chuyển
đổi diện tích cà phê cằn cỗi sang trồng rau hoa công nghệ cao; chuẩn bị mở
dịch vụ du lịch trên đồi Yên Ngựa với dự án 3 tỷ đồng; mở lớp truyền dạy
cồng chiêng cho 24 thanh thiếu niên để phục vụ trong các lễ hội của xã;

56
xây dựng nông thôn mới vận động nhân dân đóng góp trên 400 triệu đồng
làm đường liên thôn và nội đồng; tập trung xóa đói giảm nghèo cho 13 hộ
nghèo và 28 hộ cận nghèo để hết năm 2014 xã chỉ còn 6 hộ nghèo.
Tà Nung có 1.037 hộ, 4.725 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu
số chiếm 50% với 13 dân tộc anh em, phần đông dân số vẫn là người Kinh,
Chil, Kơho, Lạch (Báo cáo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xã Tà Nung
năm 2011, 2014). Nhân dân trong xã đang tập trung chăm sóc cây cà phê
với 1.117ha và đang thu hoạch cà phê catimo, dự kiến sản lượng thấp hơn
so với niên vụ trước từ 30% - 40%. Đó là do ảnh hưởng của đợt mưa đá
vào cuối tháng 8/2014 trên địa bàn xã làm thiệt hại hoa màu, thủy sản, vật
nuôi ước tính 554 triệu đồng, gây thiệt hại cho cây cà phê khoảng 100ha
đang chuẩn bị thu hoạch bị rụng trái làm giảm sản lượng đáng kể; lượng
nước tưới chủ động đảm bảo cho 890ha cà phê, còn lại nhờ nước trời. Bên
cạnh cây cà phê chủ lực trong kinh tế của xã, bà con cũng gieo cấy 7ha lúa,
48ha rau màu, 14ha hoa các loại. Nhân dân đã chuyển đổi 3ha cà phê già
cỗi sang trồng rau hoa công nghệ cao, chủ yếu là trồng hoa đồng tiền, hồng
môn, cẩm chướng, lyly, cúc.
Xã Tà Nung đã hoàn thành cơ bản 16/19 tiêu chí xây dựng nông
thôn mới, còn 3 tiêu chí phấn đấu đạt trong năm 2014 là: chợ nông thôn,
giao thông, cơ sở vật chất văn hóa. Bà con trong xã đã hiến 12.000m2 đất
làm đường với nhiều tuyến đường liên thôn, nội đồng được khởi công
xây dựng trong năm 2014, trong đó có tuyến đường thôn 6 được làm theo
chương trình dân vận của lực lượng vũ trang thành phố và hệ thống chính
trị của xã, cùng nhân dân thôn 6. Bên cạnh hiến đất làm đường, nhân dân
xã Tà Nung đã đóng góp vốn đối ứng hơn 400 triệu đồng và lực lượng vũ
trang thành phố hỗ trợ 50 triệu đồng để cùng chung tay góp sức hoàn thành
tiêu chí giao thông nông thôn. Xã Tà Nung cũng đã phối hợp với Dự án
cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm chuẩn bị xây chợ thực
phẩm tươi sống tại Tà Nung để đảm bảo tiêu chí về chợ của nông thôn mới.
UBND xã Tà Nung cũng đang xin chủ trương và kinh phí xây dựng, sửa
chữa hội trường 6 thôn. Mục tiêu đến năm 2015, xã Tà Nung đạt 19 tiêu
chí về xây dựng nông thôn mới. 

57
Phó Chủ tịch xã - Krã Jăn Ha Djiệp cho rằng, sức bật của Tà Nung
được nhìn thấy từ điểm sáng thôn 6 vươn lên thoát nghèo. Thôn 6 có 233
hộ, 912 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78%, diện tích đất
nông nghiệp bình quân 0,41ha/khẩu, đời sống bà con trong thôn chủ yếu
nhờ vào cây cà phê. Năm 2009, thôn 6 có 79 hộ nghèo và được xếp vào
thôn nghèo vì điểm xuất phát thấp, đất sản xuất nằm xa khu dân cư, đường
đi lại khó khăn, phần lớn các hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất, kỹ thuật canh
tác lạc hậu, độc canh cây cà phê. Nhờ thực hiện NQ30a của Chính phủ và
chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn 6 đã giảm nghèo nhanh và bền
vững. Trong 3 năm (2012-2014), thôn 6 đã được đầu tư 577 triệu đồng hỗ
trợ về giống, cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 2,4 tỷ đồng nâng
cấp đường liên thôn, đường nội đồng; 1,2 tỷ đồng xây dựng cầu Suối Nước
Trong… Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân thôn 6 đã đóng góp
trên 500 triệu đồng vào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, các nguồn
vốn tín chấp ủy thác với số vốn 2,1 tỷ đồng đầu tư sản xuất; hỗ trợ xây
dựng 18 căn nhà… Nhờ vậy, đời sống của bà con thôn 6 cải thiện rõ rệt, từ
79 hộ nghèo đến nay giảm còn 6 hộ nghèo.
Cùng với phát triển kinh tế, phá thế độc canh, chuyển đổi cơ cấu cây
trồng, bà con thôn 6 điển hình giảm nghèo và cả xã Tà Nung vẫn còn giữ
gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa luật tục và luật pháp, giữa
truyền thống và hiện đại, loại bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng
Tà Nung phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.
Hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay của xã cũng được đầu tư xây dựng
tương đối hoàn chỉnh với bốn cấp học: trường mẫu giáo, trường tiểu học,
trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông. Công tác xã hội hóa
giáo dục tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng
xã hội học tập. Xã có một Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu
quả, thường xuyên phối hợp tổ chức các chương trình học tập Nghị quyết, các
văn bản pháp quy, các lớp dạy nghề. Duy trì tốt công tác hoạt động của Hội
khuyến học, công tác tổ chức hội và phát triển hội viên được quan tâm. Đến
cuối năm 2014, toàn xã có 7/7 chi hội khuyến học với 826 hội viên.

58
Về văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao đã có nhiều cố gắng trong
việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đội cồng chiêng của xã được thành
lập, thường xuyên tham gia các lễ hội của xã và Thành phố. Tuy nhiên các
thiết chế văn hóa còn thiếu như: sân bóng, nhà văn hóa nên chưa đáp ứng
được đầy đủ các nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Xã có một bưu điện
văn hóa xã, đã có mạng vô tuyến phủ sóng, tạo thông tin liên lạc thuận tiện
cho chính quyền và nhân dân, hầu hết trong xã nhân dân đã có phương
tiện nghe nhìn, nhu cầu hưởng thụ được đáp ứng. Thường xuyên phối hợp
với Trung tâm VHTT thành phố Đà Lạt, Phòng Văn hóa thông tin tổ chức
các buổi văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân hàng năm; năm 2011, tổ chức
thành công Đại hội thể dục thể thao xã lần thứ nhất có bốn môn thi đấu,
có bảy đội tham gia với 352 vận động viên. Trong năm 2014, phối hợp với
phòng quản lý di sản – Sở VHTT và Du lịch tỉnh, phòng VHTT thành phố
Đà Lạt tổ chức một lớp truyền dạy cồng chiêng và trao chứng nhận cho 24
học viên là thanh thiếu niên của sáu thôn (Trích lược từ Báo cáo phát triển
kinh tế, văn hóa, xã hội xã Tà Nung năm 2011, 2014).
Huyện Lạc Dương: Năm 1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải
phóng, huyện Lạc Dương được thành lập. Tháng 11/1975 giải thể huyện và
các xã xuân Thọ, Xuân Trường nhập về huyện Đơn Dương; xã Đầm Ròn,
xã Lát, nhập về huyện Đức Trọng.
Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 116/CP ngày 14/3/1979,
thành lập lại huyện Lạc Dương. Đây là sự kiện quan trọng của nhân dân các
dân tộc trong Huyện, mở đầu giai đoạn huyện Lạc Dương được hình thành
về mặt pháp lý và tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng Huyện. Sau
khi thành lập huyện Lạc Dương, hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước đã được
hình thành từ Huyện đến cơ sở. 
Thành lập thêm xã Đư­ng K’Nớh vào năm 1999, được tách ra từ xã
Đạ Long. Đến năm 2003, được sự cho phép của UBND Tỉnh, Huyện tiếp
tục thực hiện Quyết định 116/CP ngày 14/3/1979 của hội đồng Chính phủ
về việc quy hoạch và phát triển Thị trấn Lạc Dương trên cơ sở tách một
phần diện tích và dân số của xã Lát. Thành lập thêm xã Đạ Nhim mới trên
cơ sở tách ra từ xã Đạ Chais. Việc thành lập thêm một số xã mới và phân

59
định lại địa giới hành chính của một số xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho
việc phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay
huyện Lạc Dương gồm 6 đơn vị hành chính gồm thị trấn Lạc Dương, xã Đạ
Sar, xã Lát, xã Đạ Chais, xã Đạ Nhim, xã Đưng K’Nớh. Huyện Lạc Dương
có tiềm năng về phát triển du lịch ở khu vực núi Langbiang và hồ Đan Kia
- Suối Vàng, khu du lịch văn hóa lễ hội cũng như một số danh lam thắng
cảnh khác hầu hết các xã. Huyện có 88-89% diện tích là rừng đầu nguồn,
đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước cho các công trình
thủy điện trên địa bàn. Các dân tộc thiểu số đang sống trên địa bàn huyện:
C’ho, Chil, ChuRu, Êđê, Nùng, Tày, Hoa, Chàm. Với tổng số hộ: 4.271 hộ
và trên 17.000 khẩu, cư trú trên 35 thôn dân tộc trong tổng số 99 thôn của
huyện. Ngành nghề chủ yếu của các dân tộc trên là sản xuất nông nghiệp:
trồng lúa và rau màu (http://cucthongke.lamdong.gov.vn).
Lạc Dương là huyện có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao
nhất tỉnh: 75,1% (dân số toàn huyện hiện nay là 22.362 người). Lạc
Dương còn là huyện có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất năm
2014 so với toàn tỉnh (hơn 20 triệu đồng so với 32 triệu đồng). Tuy nhiên,
trong kế hoạch phát triển, Lạc Dương đề ra chỉ tiêu: Đến năm 2015, GDP
bình quân đầu người đạt 67,4% (khoảng 31,2 triệu đồng) so với mức
bình quân chung của tỉnh; và đến năm 2020 sẽ đạt ngang mức bình quân
chung của tỉnh (92 triệu đồng) (Báo Lâm Đồng, cập nhật lúc 15:56, Chủ
nhật, 01/09/2013).
Văn hóa, thông tin, thể dục thể thao: Công tác quản lý nhà nước về
văn hóa tiếp tục được đảm bảo; các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trên
đại bàn huyện đều chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách pháp luật của Nhà nước về hoạt động văn hóa nơi công cộng.
Hoạt động thông tin, tuyên truyền được chú trọng, tập trung tuyên
truyền những ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính
trị của địa phương. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần
chúng được triển khai thường xuyên. Tổ chức phát động Ngày chạy
Olympic vì sức khỏe cộng đồng năm 2016 với sự tham gia của gần 3000
người; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức giải Vô địch

60
Bóng chuyền tỉnh Lâm Đồng, giải Kick Boxing cúp các câu lạc bộ tỉnh
Lâm Đồng năm 2016, ngoài ra còn tổ chức các đợt giao hữu bóng đá, bóng
chuyền thu hút hàng nghìn người tham gia.
Tỷ lệ phủ sóng phát thanh trên địa bàn huyện đạt 100%, tỷ lệ phủ
sóng truyền hình đạt 97%. Các hoạt động phát thanh truyền hình phục vụ
tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đài truyền thanh – Truyền hình
huyện tiếp tục đưa các tin, bài về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương;
thông tin tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm
nghèo, các phong trào thi đua yêu nước, các công tác hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ
đời sống trên địa bàn (Số: 253/BC/UBND Huyện Lạc Dương).
Thị trấn Lạc Dương: l,, Hà.gpà trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa
xã hội của huyện Lạc Dương, được thành lập tháng 2 năm 2004 sau khi
chia tách địa giới hành chính từ xã Lát. Tổng diện tích tự nhiên 7.061,0ha;
trong đó đất lâm nghiệp 3.816,2ha, đất nông nghiệp 1.560,3ha, đất phi
nông nghiệp 497,4ha, đất chưa sử dụng 1.187,1ha. Dân số 2.268 hộ, hộ
dân tộc thiểu số 1.246 hộ với 9.755 khẩu, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 55%
gồm Kơho Chil, Kơho Lạch…. Nhân dân các dân tộc có hai tôn giáo chính
là Thiên Chúa giáo và đạo Tin lành. Địa giới hành chính được chia làm hai
tổ dân phố, là địa bàn tập trung nhiều cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp
và cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp của địa phương (Số:70/BC-UBND
TT Lạc Dương).
Để thị trấn Lạc Dương hội đủ các tiêu chí của một đô thị loại IV
vào năm 2030, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết số 09
“Về phát triển thị trấn Lạc Dương giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến
năm 2030”.
Thị trấn Lạc Dương có vị trí địa lý hết sức quan trọng mang tính
chiến lược của huyện, là đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt, có bản sắc
văn hóa truyền thống bản địa đặc sắc và nhiều điểm du lịch nổi tiếng, cảnh
quan thiên nhiên đa dạng và lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng nên rất
thuận lợi trong việc giao lưu và phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch,
dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

61
Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của thị trấn Lạc
Dương có những bước phát triển khá, kinh tế có sự chuyển dịch đúng
hướng, tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây
dựng; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt gần 25,6%; thu nhập
bình quân đầu người năm 2016 đạt 31,7 triệu đồng, đời sống vật chất và
tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên (Cục Thống kê Lâm
Đồng, 2016).
Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh sẵn có thì tốc độ phát triển
và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị trấn Lạc Dương còn chậm. Cụ thể,
đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng mới chiếm 27,9%, dịch vụ
chiếm 29,5%, nông nghiệp chiếm vẫn còn cao 42,6%. Mặt khác, tỷ lệ lao
động phi nông nghiệp vẫn còn thấp; cơ sở hạ tầng tuy được quan tâm đầu
tư xây dựng nhưng chưa đảm bảo quy hoạch và thiếu đồng bộ nên chất
lượng thấp, kém hiệu quả; kiến trúc cảnh quan đô thị chưa được quan tâm
đầu tư; công tác quản lý xây dựng và trật tự đô thị còn nhiều bất cập.
Phân tích về nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại của thị trấn
Lạc Dương; theo Bí thư Huyện ủy Lạc Dương, ông Trần Duy Hải cho biết:
Về khách quan, thị trấn Lạc Dương được thành lập xuất phát điểm với cơ
sở hạ tầng yếu kém; là vùng chủ yếu sản xuất chuyên canh cây cà phê,
ngành công nghiệp chế biến kém phát triển nên cơ cấu kinh tế, lao động và
dân cư vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp; thương mại - dịch vụ mang tính
chất tự phát, nhỏ lẻ, chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển du lịch, dịch
vụ. Các công trình, dự án lớn chưa nhiều và tốc độ triển khai còn chậm. Về
nguyên nhân chủ quan, trong một thời gian dài thị trấn Lạc Dương chưa
được sự quan tâm đầu tư đúng mức của huyện; việc định hướng về phát
triển đô thị chưa rõ ràng; nhận thức của cán bộ và nhân dân về phát triển
đô thị, thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa cao. 

Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lạc Dương đang tập trung phát
huy những kết quả đạt được những năm vừa qua, quyết tâm vượt qua
những khó khăn thách thức, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy

62
mạnh thu hút đầu tư, huy động tốt các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu
hạ tầng đô thị tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị trấn Lạc
Dương theo hướng du lịch, dịch vụ và phát triển nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao. Gắn việc phát triển thị trấn Lạc Dương với xây dựng và
phát triển các xã lân cận để đảm bảo phát triển toàn diện và vững chắc,
đưa thị trấn Lạc Dương thực sự trở thành trung tâm chính trị - hành chính,
trung tâm du lịch văn hóa dân tộc bản địa, trung tâm nông nghiệp công
nghệ cao của huyện, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của
huyện Lạc Dương và tỉnh Lâm Đồng. Đến năm 2020 duy trì và nâng cao
các tiêu chí của đô thị loại V tạo tiền đề phấn đấu đến năm 2030 hội đủ các
điều kiện của đô thị loại IV theo quy định.

Hợp tác, liên kết với thành phố Đà Lạt và các địa phương lân cận xây
dựng Lạc Dương trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn với các loại hình
và sản phẩm du lịch đa dạng như: du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch
văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, hội thảo...
Tập trung xây dựng, phát triển các làng nghề truyền thống đồng bào dân
tộc thiểu số hiện có như dệt thổ cẩm, rượu cần Lang Biang; nâng cao chất
lượng phục vụ và đổi mới nội dung sinh hoạt tại các câu lạc bộ cồng chiêng
trên tinh thần khai thác hiệu quả kho tàng văn hóa dân tộc bản địa để thu
hút ngày càng nhiều khách du lịch đến địa phương. 

Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng
thời đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong cộng đồng người dân tộc thiểu số; xây
dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng ngày càng cao nhu
cầu sinh hoạt của người dân; duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện thị
trấn Lạc Dương đạt chuẩn văn minh đô thị3.

Theo Quyết định ngày 11 tháng 1 năm 2017 về việc “Phê duyệt điều
chỉnh quy hoạch chung thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm
Đồng đến năm 2030” thì thị trấn Lạc Dương là huyện lỵ của huyện Lạc

3. http://cucthongke.lamdong.gov.vn.

63
Dương, là trung tâm chính trị - hành chính của huyện Lạc Dương; trung
tâm du lịch văn hóa dân tộc bản địa; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao.
Định hướng phát triển không gian, cảnh quan trở thành đô thị du lịch, văn
hóa, khoa học, có kiến trúc xanh và hiện đại.
Dân số dự báo đến năm 2020 là 20.400 người (gồm: 8.200 người dân
thị trấn Lạc Dương hiện hữu, 4.200 người dân 4 thôn sáp nhập và 8.000
người quy đổi từ khách du lịch). Dân số dự báo đến năm 2030 là 32.000
người (gồm: 12.000 người dân thị trấn Lạc Dương hiện hữu, 6.000 người
dân 4 thôn sáp nhập và 14.000 người quy đổi từ khách du lịch)4.
Văn hóa thông tin, thể dục thể thao: Hoạt động thông tin, tuyên
truyền được chú trọng, tập trung tuyên truyền những ngày lễ, kỷ niệm lớn
của đất nước; công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa
phương được chú trọng, nội dung chính là tăng cường khối đại đoàn kết
toàn cầu, vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, thực hiện đường
lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là pháp luật về
quản lý, bảo vệ rừng, an toàn giao thông.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được
triển khai thường xuyên, đặc biệt là trong các ngày lễ lớn của đất nước, địa
phương. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân
cư” tiếp tục được triển khai sâu rộng, tổ chức xét tổ dân phố đạt danh hiệu
văn hóa, gia đình văn hóa đúng theo quy trình và thời gian quy định. Năm
2015, trên địa bàn có 1.925.2.389 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 80,6%.
Đài truyền thanh thị trấn đã tiếp sóng đầy đủ thời lượng phát sóng
của đài truyền thanh huyện và các nội dung tuyên truyền của thị trấn.
Giáo dục: Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ dạy và
học tiếp tục được tăng cường; tập trung nâng cao chất lượng dạy và
học, duy trì sỷ số học sinh tại các cấp học, bậc học. Duy trì kết quả phổ
cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS và phổ cập giáo dục cho trẻ
em 5 tuổi.

4. http://cucthongke.lamdong.gov.vn.

64
Tôn giáo: hiện nay trên địa bàn có hai tôn giáo chính gồm đạo Tin
Lành gồm 06 chi hội, điểm nhóm (2.175 tín đồ), Công giáo có 01 giáo xứ
Lang Biang (2.868 tín đồ). Nhìn chung hoạt động tôn giáo ổn định, đồng
bào các dân tộc, tôn giáo chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước. Địa phương tạo mọi điều kiện để các
tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật.
Xây dựng cơ bản - giao thông: tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản do
thị trấn làm chủ đầu tư là: 400 triệu đồng, để đầu tư làm đường Văn Lang.
Đến nay công trình đã hoàn thành xong và đưa vào sử dụng. Giao thông
đi lại cho nhân dân được đảm bảo, trên địa bàn tiếp tục đầu tư xây dựng,
duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các tuyến đường để đảm bảo giao thông
trong sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Tuyến đường Lang Biang giai
đoạn hai đang được thi công, tổng số hộ bị ảnh hưởng 128 hộ, hiện tại
có 55 hộ đã nhận tiền hỗ trợ di dời vật kiến trúc, còn lại khoảng 45 hộ
đồng bào dân tộc và 28 hộ người Kinh chưa đồng thuận. Tuyến đường Bi
Đúop giai đoạn một có 73 hộ bị ảnh hưởng, hiện tại có 27 hộ đã nhận tiền
hỗ trợ và di dời vật kiến trúc, còn khoảng 46 hộ chưa đồng thuận. Đơn
vị phối hợp với chủ đầu tư tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ bị ảnh
hưởng để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công (Số:70/BC-UBND
TT Lạc Dương).
Từ những khái quát về địa bàn đã cho thấy được sự khác biệt trong
tốc độ phát triển của khu vực nông thôn và khu vực đô thị. Thị trấn Lạc
Dương vốn là cầu nối giữa thành phố Đà Lạt với huyện Lạc Dương, là
trung tâm hành chính, địa lý, chiếm giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển
của khu vực đã và đang có những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực cơ sở
hạ tầng, điện, đường, thiết chế văn hóa. Trong khi đó xã Tà Nung với tiềm
lực chưa thực sự được khai thác hết, vẫn còn là một xã vùng ven với điều
kiện phát triển chậm, cơ sở hạ tầng và thiết chế văn hóa chưa thực sự nổi
bật. Vậy, đời sống tinh thần của bà con dân tộc Kơho giữa hai khu vực
nông thôn, đô thị này có điểm gì nổi bật, sẽ được chúng tôi làm rõ trong
nội dung nghiên cứu này.

65
2.5. Khung phân tích và phương pháp nghiên cứu
2.5.1. Khung phân tích
Nghiên cứu được mô hình hóa bằng khung phân tích như sau:

CHÚ THÍCH: Hướng tiếp cận mà đề tài đi sâu nghiên cứu

2.5.2. Phương pháp nghiên cứu


2.5.2.1. Phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp
Phương pháp này xuất phát từ việc tìm đọc và chắt lọc các tư liệu
thông qua sách báo, Internet, tạp chí, các báo cáo khoa học, các thống kê,
báo cáo tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của Lâm Đồng về đô thị hóa, dân
tộc ít người. Những nghiên cứu về ảnh hưởng, tác động của đô thị hóa đến
đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt trong giới công chúng là đồng
bào dân tộc ít người. Các số liệu, đề tài do chính tác tác giả thực hiện trước
đó về người Kơho để có cơ sở đánh giá, phân tích một cách khách quan và
toàn diện hơn cũng như có thể đối chiếu, so sánh với những thông tin, dữ
liệu mà chúng tôi thu thập được trong nghiên cứu này.

66
Các tư liệu này được chúng tôi tổng thuật, lược thuật theo các chủ đề
thông qua phần tổng quan tài liệu để thấy rõ những mặt mạnh, mặt yếu của
các nghiên cứu trước, đồng thời nắm bắt được những phương pháp mà các
tác giả khác sử dụng để rút kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình triển
khai nghiên cứu thực địa. Từ đó, có một cái nhìn tổng quát và toàn diện cho
vấn đề nghiên cứu của mình.
Phân tích các tư liệu sẵn có về điều kiện địa lý kinh tế, văn hóa xã
hội, chính trị ở Lâm Đồng nhằm bổ sung cho phần phân tích bảng hỏi và
phỏng vấn sâu.
2.5.2.2. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp
Đây là phương pháp thu thập thông tin dựa trên bảng câu hỏi. Bảng hỏi
bao gồm bốn phần chính: (1) Thông tin chung của cá nhân, (2) Các hoạt động
sinh hoạt tinh thần thường ngày (xem truyền hình, nghe radio, đọc báo,...), (3)
Lễ hội văn hóa theo kỳ dịp (lễ hội văn hóa và văn hóa cồng chiêng), (4) Các
nghi lễ theo vòng đời (cưới hỏi). Bảng câu hỏi gồm câu hỏi mở, câu hỏi đóng,
câu hỏi vừa mở vừa đóng, từ đó chúng tôi tiến hành kiểm định, tính toán các
thông số thống kê, các nhân tố tác động.
Về cách chọn mẫu: Căn cứ trên khung tổng thể chủ hộ là người
Kơho có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên tại hai địa bàn nghiên cứu của tỉnh Lâm
Đồng, chúng tôi tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên phi xác suất, cụ thể là
dựa vào kinh nghiệm và sự hiểu biết về tổng thể của người nghiên cứu và
tính dễ tiếp cận của đối tượng nghiên cứu là các cá nhân - đại diện các
hộ gia đình để tiến hành khảo sát. Tổng số đơn vị trong mẫu khảo sát là
477, trong đó thị trấn Lạc Dương: 253 đơn vị và xã Tà Nung: 224 đơn vị
(căn cứ vào số lượng hộ gia đình trên hai địa bàn nghiên cứu (xem phần
khái quát địa bàn nghiên cứu), chúng tôi chọn ngẫu nhiên các hộ gia đình
và tiếp xúc, phỏng vấn cá nhân là đại diện các hộ gia đình trong độ tuổi
từ 18 tuổi trở lên). Cơ cấu mẫu trong nghiên cứu được thể hiện rõ trong
bảng cơ cấu mẫu như sau:

67
Bảng cơ cấu mẫu
Địa bàn
Thị trấn Xã Chung
Cơ cấu mẫu
Lạc Dương Tà Nung
Tần số % Tần số % Tần số %
Nam 123 48,6 82 36,6 205 43,0
Giới tính
Nữ 130 51,4 142 63,4 272 57,0
Lạch 157 62,1 26 11,6 183 38,4
Dân tộc Sêrê 1 0,4 22 9,8 23 4,8
Chil 95 37,5 176 78,6 271 56,8
Thiên Chúa
128 50,6 69 30,8 197 41,3
Tôn giáo giáo
Tin lành 125 49,4 155 69,2 280 58,7
Nông nghiệp 224 88,5 197 87,9 421 88,3
Nghề Khác (giáo
nghiệp viên, bác sĩ,
29 11,5 27 12,1 56 11,7
CNTT, y tế,
công an xã)
Mù chữ/ chưa
17 6,7 25 11,2 42 8,8
từng đi học
Tiểu học 70 27,7 72 32,1 142 29,8
Học vấn
THCS 70 27,7 75 33,5 145 30,4
THPT 80 31,6 39 17,4 119 24,9
Trung cấp, CĐ,
16 6,3 13 5,8 29 6,1
ĐH
Độc thân 44 17,4 30 13,4 74 15,5
Tình
Vợ/chồng 198 78,3 181 80,8 379 79,5
trạng hôn
nhân Khác (ly hôn,
11 4,3 13 5,8 24 5,0
ly thân, góa)
Từ 18 đến 35 134 53,0 116 51,8 250 52,4
Từ 36 đến 45 34 13,4 40 17,9 74 15,5
Tuổi Từ 46 đến 60 58 22,9 52 23,2 110 23,1
Từ 61 tuổi trở
27 10,7 16 7,1 43 9,0
lên

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)

68
2.5.2.3. Phương pháp xử lý thông tin
Từ kết quả khảo sát tại thực địa thông qua bảng câu hỏi, các dữ liệu
định lượng như thống kê mô tả, phân tổ, so sánh, kiểm định theo những
biến số tác động được xử lý qua phần mềm SPSS 20.0. Trên cơ sở đó tiến
hành phân tích thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của
người Kơho ở Lâm Đồng theo các chiều cạnh khác nhau.
2.5.2.4. Phương pháp phỏng vấn sâu
Nghiên cứu này thực hiện 26 cuộc phỏng vấn sâu cá nhân, đối tượng
được phỏng vấn sâu cụ thể như sau:
• Bốn cuộc phỏng vấn được tiến hành dành cán bộ chính quyền của
xã Tà Nung (Đà Lạt) và thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng (hai cuộc phỏng
vấn sâu/địa bàn nghiên cứu)
• Một cuộc phỏng vấn sâu được tiến hành dành cho người phụ trách
phòng văn hóa thông tin trên mỗi địa bàn nghiên cứu
• 20 cuộc phỏng vấn sâu bán cơ cấu dành cho người dân ở Lâm
Đồng trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên (già làng, trưởng bản, người dân tộc
Kinh, dân tộc Kơho) – chủ yếu thông qua các câu chuyện điển hình.
Để tiến hành phỏng vấn sâu bán cơ cấu với đối tượng là cán bộ chính
quyền và người dân trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, chúng tôi liệt kê những
chủ đề nghiên cứu chính và xem đây là trọng tâm của vấn đề để từ đó đi
sâu tìm hiểu các nội dung mà đề tài quan tâm thông qua cuộc trò chuyện
thân mật, vui vẻ cùng người dân. Các thông tin phỏng vấn sâu được trích
dẫn vào đề tài để bổ sung và làm phong phú thêm cho các nhận định, các
thông tin từ kết quả xử lý số liệu.

69
Chương 3
ĐỜI SỐNG TINH THẦN
CỦA NGƯỜI KƠHO QUA HOẠT ĐỘNG
SINH HOẠT VĂN HÓA THƯỜNG NGÀY

Theo Trình Quang Phú, năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, Tây
Nguyên chỉ có hơn một triệu người với 12 dân tộc, theo số liệu năm 2011,
Tây Nguyên có 5.282.000 người, dân số cơ học tăng rất nhanh, chủ yếu
là người Kinh và các dân tộc ở miền Bắc vào. Việc di dân, di cư ồ ạt kéo
dài từ nhiều năm như vậy đã làm cho tỷ lệ người dân tộc bản địa Tây
Nguyên thay đổi, hiện nay chỉ còn 23-27% là người dân tộc bản địa của
Tây Nguyên. Việc tăng nhanh về dân số đã tác động đến văn hóa Tây
Nguyên. Ở Tây Nguyên hiện nay có đủ 54 dân tộc cùng sinh sống, do vậy,
văn hóa các dân tộc bản địa có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh chịu nhiều
tác động, nền văn hóa Tây Nguyên có nhiều bất cập, bị mai một, biến dạng,
phức tạp (Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, 2016:37).
Là một tỉnh vùng núi, Lâm Đồng là một trong những khu vực ở Tây
Nguyên có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Theo nhận định của Bon Yo Soan
(Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng) “là một tỉnh có nhiều dân tộc sinh
sống nên nền văn hóa của Lâm Đồng được hình thành từ bản sắc văn hóa
lâu đời của các dân tộc thiểu số bản địa gốc Tây Nguyên và văn hóa của cư
dân các vùng, miền trong cả nước đến làm ăn sinh sống, định cư. Chính sự
đan xen hòa quyện các yếu tố văn hóa này đã tạo cho Lâm Đồng có một kho
tàng văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng và mang bản sắc riêng”.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, đời sống của
đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên có nhiều khởi sắc; đặc biệt
là trong đời sống tinh thần. Ở chương này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích
những biểu hiện trong đời sống tinh thần qua hoạt động sinh hoạt thường
ngày của đồng bào dân tộc Kơho trong quá trình đô thị hóa và tiến hành so
sánh trên hai địa bàn nghiên cứu. Đồng thời xem xét các yếu tố ảnh hưởng
đến đời sống tinh thần thông qua các hoạt động sinh hoạt thường ngày.

70
Theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên hai
địa bàn nghiên cứu, công tác quản lý nhà nước về văn hóa tiếp tục được
duy trì và tăng cường. Các hoạt động về phong trào toàn dân xây dựng đời
sống văn hóa ngày càng được củng cố. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể
dục thể thao quần chúng được triển khai thường xuyên. Hoạt động thông
tin, tuyên truyền được chú trọng, đặc biệt tập trung vào những ngày lễ lớn.
Trong nghiên cứu này của chúng tôi, các hoạt động sinh hoạt tinh thần của
người Kơho ở Lâm Đồng dễ dàng nhận thấy: chiếm tỷ lệ khá cao ở mức
độ diễn ra hàng ngày như xem tivi, đi chơi nhà hàng xóm, đi Chùa - Nhà
thờ - Đền Miếu, nghe phát thanh; tiếp đến là những hoạt động thể thao,
văn nghệ, chăm sóc bản thân, …Từ những dữ liệu này, chúng tôi tiến hành
nhóm các hoạt động sinh hoạt tinh thần thường ngày thành hai loại là (1)
hoạt động giao tiếp thường ngày (hiếu hỉ, phúng điếu; thể thao; đi uống cà
phê; đi chơi nhà hàng xóm; hát karaoke; chơi bài/cờ; đi chơi với bạn bè,
người yêu; tổ chức ăn nhậu; đi Chùa, Nhà thờ, Đền Miếu..); (2) hoạt động
giải trí trong thời gian rỗi qua việc tiếp nhận các phương tiện truyền thông
đại chúng (truyền hình, phát thanh và báo in).
3.1. Những biểu hiện trong đời sống tinh thần qua hoạt động sinh hoạt
thường ngày
Việc nghiên cứu đời sống tinh thần qua hoạt động sinh hoạt thường
ngày là nội dung đầu tiên chúng tôi muốn đề cập tới trong chương này,
bởi sinh hoạt thường ngày là những hoạt động được lặp đi lặp lại một cách
thường xuyên của các cá nhân trong ngày cũng như ngày này qua ngày
khác, mức độ thường xuyên đó có thể là 24/24, cũng có thể không diễn ra
24/24 nhưng có tần suất lặp lại trong ngày, tuần khá cao. Thể hiện rõ nét
nhất những nhu cầu, mong muốn, cũng như đặc điểm riêng của cá nhân ở
trong gia đình, cộng đồng. Để phân tích các hoạt động sinh hoạt thường
ngày, chúng tôi sẽ xem xét ở hai khía cạnh chính là (1) nghiên cứu qua hoạt
động giao tiếp thường ngày, và (2) là một số hoạt động giải trí trong thời
gian rỗi cũng như phân tích các yếu tố tác động lên những hoạt động sinh
hoạt tinh thần thường ngày.

71
3.1.1. Giao tiếp thường ngày
Quan điểm triết học Mác Lênin cho rằng “con người là tổng hòa
những mối quan hệ xã hội”. Để xây dựng được các quan hệ xã hội, con
người cần thực hiện quá trình trao đổi thông tin. Do đó giao tiếp thường
ngày là hoạt động được xác lập đầu tiên và vận hành các mối quan hệ xã
hội giữa con người với con người, con người với môi trường xã hội để đạt
được những nhu cầu và mong muốn nhất định. Đó là quá trình trao đổi
thông tin giữa người với người nhằm giúp cho các cá nhân gia nhập vào
các mối quan hệ với các cá nhân khác trong các nhóm xã hội, cũng như
trong đời sống xã hội của loài người.
Dân gian ta đã từng nói:
“Bán anh em xa, mua làng giềng gần”
“Tối lửa tắt đèn có nhau”
Xuất phát là một cộng đồng nông thôn với hình thức sơ đẳng là
“công xã nông thôn” đã giúp cho con người chống lại được thiên tai, hạn
hán, lũ lụt,… ở trong lịch sử. Trong thời đại ngày nay, tinh thần tương
thân, tương ái đó được thể hiện qua sự thăm hỏi, sinh hoạt, trò chuyện,
chơi đùa với nhau. Trong kết quả nghiên cứu này, hình thức “đi chơi nhà
hàng xóm” là một sự lựa chọn khá thường xuyên của đồng bào dân tộc
Kơho, 44% cho rằng họ thăm hỏi, qua lại với nhau hàng ngày; 39,8%
cho rằng họ thăm hỏi nhau một vài lần trong tuần; số người không bao
giờ chơi với hàng xóm đạt tỷ lệ rất thấp (3,1%); và có sự khác biệt đáng
kể trên hai địa bàn nghiên cứu. Trong đó xu hướng người Kơho ở xã Tà
Nung thường thăm hỏi nhau ở các mức độ hàng ngày, một vài lần trong
năm cao hơn so với người Kơho ở thị trấn Lạc Dương, và tỷ lệ không bao
giờ thăm hỏi nhau xuất hiện ở xã Tà Nung cũng chiếm tỷ lệ cao hơn. Có
lẽ do tính chất nông thôn và đô thị đang có xu hướng thể hiện khá rõ ràng
trong trường hợp này. Ở nông thôn, tính cố kết nông thôn từ xa xưa vẫn
còn thể hiện, họ không chỉ liên kết với nhau để canh tác, sản xuất mà còn
được thể hiện trong tình làng lối xóm. Điều này trái ngược với cuộc sống
có sự xen lẫn của lối sống đô thị, tính chất đô thị “đèn nhà ai nấy rạng”

72
bước đầu len lỏi vào cộng đồng cư dân ở thị trấn Lạc Dương, sự đan xen
giữa nông thôn và đô thị ít nhiều vẫn duy trì được tính cố kết cộng đồng.
Tuy nhiên, tính “cố kết cộng đồng” không cao như tính “thuần nhất” của
cộng đồng nông thôn (xem Bảng 3.1).
Ngoài ý nghĩa thăm hỏi, trò chuyện, ẩn sâu bên trong là một tinh
thần đoàn kết, là sự kết nối cộng đồng gần gũi và bền chặt hơn, là sự “hòa
thuận” trong tình làng, nghĩa xóm: “Thời gian rảnh rỗi một là họ đi trao
đổi, nói chuyện tâm sự làm ăn và bàn bạc làm ăn kinh tế. Thứ hai là bàn
về tinh thần đoàn kết trong làng xóm. Nhưng cũng khác rồi. Bữa nay, họ
uống trà rồi nói chuyện con cái không chấp hành pháp luật, nội quy. Thú
vui ngày xưa của họ thì nay không còn nữa” (PVS, nam, thanh niên, cán
bộ tổ dân phố, TT Lạc Dương).
Bảng 3.1: Mức độ thăm hỏi hàng xóm láng giềng của người Kơho
(Đơn vị: %)
Thị trấn
Mức độ thăm hỏi Xã Tà Nung Chung
Lạc Dương
hàng xóm
Tần số % Tần số % Tần số %

Không bao giờ 5 2,0 10 4,5 15 3,1

Một vài lần trong năm 6 2,4 6 2,7 12 2,5

Một vài lần trong tháng 31 12,3 19 8,5 50 10,5

Một vài lần trong tuần 94 37,2 96 42,9 190 39,8

Hằng ngày 117 46,2 93 41,5 210 44,0

P= 64,245; Sig, (2-tailed) = 0,000 < 0,05


(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Đối với hoạt động đi Chùa, Nhà thờ, Đền Miếu, Tôn giáo là niềm
tin, tín ngưỡng, là nơi để con người thực hiện các nghi lễ thờ cúng hay tịnh
tâm của họ trong cuộc sống. Tôn giáo xuất hiện từ lâu trong lịch sử, ngày
nay tôn giáo có xu hướng phát triển mạnh mẽ và thể hiện rõ vai trò của
mình trong đời sống con người. Trong nghiên cứu này của chúng tôi, tỷ lệ

73
đi Chùa, Nhà thờ, Đền Miếu một vài lần trong tuần đạt tới 69,4%, tỷ lệ đi
Chùa, Nhà thờ, Đền Miếu hàng ngày đạt 15,5% và có sự khác biệt đáng kể
trên hai địa bàn nghiên cứu (xem Bảng 3.2).
Bảng 3.2: Mức độ đi Chùa, Nhà thờ, Đền Miếu của người Kơho
(Đơn vị: %)
Thị trấn
Mức độ đi Chùa, Xã Tà Nung Chung
Lạc Dương
Nhà thờ, Đền Miếu
Tần số % Tần số % Tần số %

Không bao giờ - - 4 1,8 4 0,8

Một vài lần trong năm 7 2,8 13 5,8 20 4,2


Một vài lần trong
31 12,3 17 7,6 48 10,1
tháng
Một vài lần trong tuần 180 71,1 151 67,4 331 69,4

Hằng ngày 35 13,8 39 17,4 74 15,5

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Điều này cũng dễ dàng lý giải bởi trong nghiên cứu này của chúng
tôi, người Kơho theo hai tôn giáo chính là Tin lành và Thiên Chúa giáo.
Thông thường việc thực hành các nghi lễ tôn giáo được diễn ra trong mối
quan hệ gia đình là chính. Với mục đích cao nhất là để cầu nguyện (95,3%),
sau đó là tín ngưỡng cần phải giữ (33,3%) (Nguyễn Thị Như Thúy, kết quả
NCKH cấp trường, 2012), còn một số mục đích khác như để gặp gỡ bạn
bè, bày tỏ lòng thành kính với ông bà/tổ tiên,…
Lễ Noel cũng là một trong những hoạt động giao tiếp, không chỉ giữa
con người với con người mà còn thể hiện mối liên hệ giữa con người với
đấng thiêng liêng tối cao như Chúa. Có đến 94,7% người Kơho thường
thờ, cúng vào ngày Noel, ngày Phục sinh (Nguyễn Thị Như Thúy, kết
quả NCKH cấp trường, 2012). Điều này được họ lý giải rằng, đây là một
nét văn hóa tốt cần học hỏi và tiếp thu. Như lời của người Kơho chia sẻ:
“người Kơho chúng tôi được xem như là người bản địa ở đây, nhưng sau
này thấy người Kinh vào cũng nhiều và họ cũng có nhiều nét văn hóa hay

74
để cho mình học hỏi, Tết của người Kinh cũng vui nên chúng tôi thấy hay”
(PVS, nam, 46 tuổi, TT Lạc Dương).
Hơn nữa, các giá trị tinh thần được thể hiện qua việc gìn giữ các giá
trị văn hóa tốt vốn là những thuần phong, mĩ tục của gia đình, dòng họ và
cộng đồng người Kơho cho đến nay vẫn luôn được người Kơho gìn giữ và
phát huy.
Ngoài việc nghỉ ngơi, đi chơi nhà hàng xóm, thì những hoạt động
sinh hoạt tinh thần như thể dục thể thao, văn nghệ, hiếu hỉ, đám cưới, sinh
nhật, hồi hương, đi Nhà thờ - Đền Miếu,… vẫn được duy trì và trở thành
nếp sống của đồng bào dân tộc Kơho với mức độ tham gia đáng kể.
Bảng 3.3: Mức độ thăm hỏi hiếu hỉ, phúng điếu của người Kơho
(Đơn vị: %)
Địa bàn

Thị trấn Chung


Mức độ thăm hỏi Xã Tà Nung
hiếu hỉ, phúng điếu Lạc Dương

Tần số % Tần số % Tần số %

Không bao giờ 11 4,3 15 6,7 26 5,5

Một vài lần trong năm 115 45,5 125 55,8 240 50,3

Một vài lần trong tháng 113 44,7 79 35,3 192 40,3

Một vài lần trong tuần 14 5,5 5 2,2 19 4,0

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Việc phát huy các giá trị tinh thần của cộng đồng sẽ góp phần vào
việc phát triển khối đại đoàn kết của dân tộc. Mặt khác, phát huy và phát
triển các giá trị sinh hoạt tinh thần sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho các thành
viên trong cộng đồng thôn/bản cùng tham gia. Hiếu hỉ, phúng điếu là dịp
để mỗi con người chúng ta có cơ hội giao lưu, thiết lập các quan hệ xã hội,
thực hiện các tương tác xã hội của mình với người khác, góp phần cũng cố
giá trị tinh thần truyền thống của cộng đồng.

75
Dưới góc độ xã hội học, việc duy trì và phát triển các giá trị tinh thần
cổ truyền thông qua các hoạt động sinh thoạt thường ngày có ý nghĩa quan
trọng trong mỗi cá nhân, cộng đồng, xét đến cùng những giá trị tinh thần
này đã làm phong phú đời sống của họ trong sự nghiệp xây dựng nếp sống
văn hóa mới. Đồng thời mối quan hệ lối xóm, cộng đồng ngày càng được
khẳng định và nâng cao, con người sống trở nên gần gũi nhau hơn, nương
tựa vào nhau nhiều hơn.
3.1.2. Một số hoạt động giải trí trong thời gian rỗi
Như chúng tôi đã đề cập ở Chương 1, các phương tiện truyền thông
đại chúng ngày càng xâm nhập sâu vào đời sống của con người, nó đã trở
thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Đặc biệt với nhu
cầu ngày càng cao về thông tin cũng như nhu cầu về giải trí thì các phương
tiện truyền thông đại chúng càng giữ một vai trò và vị trí quan trọng. Bởi
các phương tiện truyền thông đại chúng không chỉ giữ chức năng là cung
cấp thông tin, vui chơi, giải trí, mà hơn hết những chức năng đó đã có tác
động mạnh mẽ tới tầm nhìn, tới nhận thức, tới nhu cầu ngày càng cao trong
đời sống tinh thần của người dân hiện nay.
Trên thực tế thì các hình thức sinh hoạt tinh thần của công chúng đối
với phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay không phải giống nhau
do nhận thức, nhu cầu, thị hiếu và sở thích của công chúng khác nhau. Do
đó mà mức độ tiếp nhận các phương tiện truyền thông đại chúng trong đời
sống tinh thần của công chúng cũng không giống nhau. Vì vậy sự lựa chọn
các phương tiện truyền thông đại chúng của mỗi cá nhân sẽ góp phần làm
phong phú đời sống tinh thần của mình bên cạnh những giá trị tinh thần
truyền thống
Xem tivi, nghe radio, đọc sách báo cũng là một hình thức giải trí,
sinh hoạt tinh thần được công chúng quan tâm và theo dõi. Trong nghiên
cứu này, mức độ xem tivi của đồng bào dân tộc Kơho khá thường xuyên,
với 67,7% có xem tivi ở mức độ hàng ngày, 21,8% có xem tivi ở mức độ
một vài lần trong tuần, tỷ lệ thỉnh thoảng theo tuần, theo tháng và theo
năm đều chiếm tỷ lệ không đáng kể. Trên thực tế, chúng ta đều biết rằng,

76
ngày nay với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng và
mạng xã hội, các cá nhân - là công chúng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn cho
mình những hình thức giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần tương ứng, thích
hợp với các nguồn lực và tiềm năng mà mình có. Đó là một sự lựa chọn
hợp lý khi mà mỗi cá nhân tự đánh giá được những nguồn thông tin mình
cần, những hình ảnh, âm thanh hay những tài liệu bổ ích cho chính cuộc
sống của họ, điều này có thể lý giải thông qua nhận định của nhà xã hội
học Richard T.Schaefer: các phương tiện truyền thông đại chúng gia tăng
sự kết dính xã hội bằng cách đưa ra một cách nhìn phổ biến, ít nhiều mang
tính chuẩn hóa về văn hóa thông qua sự truyền thông đại chúng. Và không
phải ai cũng đều coi trọng tiến trình xã hội hóa của các phương tiện truyền
thông đại chúng (Richard T.Schaefer, 2003: 211, 212).
Trong các phân tích của mình, Richard T.Schaefer cho rằng: các
phương tiện truyền thông đại chúng đang đóng một vai trò quan trọng
trong việc cung cấp một kinh nghiệm tập thể cho các thành viên trong
xã hội. Cứ nghĩ mà xem các phương tiện truyền thông đại chúng “mang”
các thành viên của một cộng đồng hay thậm chí một quốc gia “lại với
nhau” biết là dường nào qua việc cho biết tin về các biến cố và những
cuộc lễ quan trọng (chẳng hạn như các cuộc lễ khánh thành, hội nghị báo
chí, các đám rước, các cuộc quốc tang, rồi các kỳ Thế vận hội Olympic)
và đưa tin về các tai họa (chẳng hạn vụ nổ tàu con thoi Chalennger
năm 1986, vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma, vụ khủng bố ở New
York và Washington hồi năm 2001) (Robert Park, 1922; Dẫn lại Richard
T.Schaefer, 2003: 211).
Vậy, các phương tiện truyền thông đại chúng trong đời sống tinh
thần của người Kơho ở Lâm Đồng được diễn ra như thế nào sẽ được chúng
tôi phân tích ngay dưới đây.
3.1.2.1. Xem truyền hình
Đời sống tinh thần của người Kơho không chỉ dừng lại ở việc tìm
tòi và biết thông tin mà còn giải trí, học hỏi các hình thức sinh hoạt tinh

77
thần mới từ các dân tộc khác. Trong trường hợp đó, các phương tiện truyền
thông đại chúng, đặc biệt là truyền hình đã đóng vai trò và vị trí chủ đạo,
thực hiện chức năng truyền tải của mình đến với đông đảo công chúng là
người Kơho.
Truyền hình là một loại phương tiện truyền thông ra đời muộn hơn
so với báo in và phát thanh, với những công dụng hữu hiệu của nó như
người xem có thể vừa theo dõi được hình ảnh, vừa nghe được tiếng nói,
vừa nghe được nhạc, vừa nhìn được màu sắc, vừa biết được những sống
động của sự kiện,… Do đó, truyền hình là loại phương tiện được khá
đông công chúng tiếp nhận ngay từ khi nó ra đời. Kết quả nghiên cứu của
chúng tôi cho thấy có tới 67,7 % người Kơho trong mẫu khảo sát có theo
dõi tivi hàng ngày; 21,8% có theo dõi tivi ở mức một vài lần trong tuần;
không có sự khác nhau nhiều trên hai địa bàn nghiên cứu trong mức độ
xem truyền hình hằng ngày hay một vài lần trong tuần (xem Bảng 3.4).
Bảng 3.4: Mức độ theo dõi truyền hình của người Kơho
(Đơn vị: %)
Thị trấn Xã Tà
Mức độ xem tivi Chung
Lạc Dương Nung
Không bao giờ 4,0 9,8 6,7
Một vài lần trong năm 0,8 0,9 0,8
Một vài lần trong tháng 3,2 2,7 2,9
Một vài lần trong tuần 23,3 20,1 21,8
Hằng ngày 68,8 66,5 67,7

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Với dung lượng thời gian xem trung bình khá cao (1,88 giờ/ngày);
thời gian xem tivi của đồng bào Kơho trên hai địa bàn nghiên cứu cũng có
sự khác biệt nhau đáng kể. Cụ thể, dung lượng thời gian xem từ một đến
hai giờ và trên hai giờ của người Kơho ở xã Tà Nung cao hơn so với người
Kơho ở thị trấn Lạc Dương, những dung lượng xem thời gian dưới một giờ
thì kết quả ngược lại (xem Bảng 3.5).

78
Bảng 3.5: Thời gian xem truyền hình của người Kơho
(Đơn vị: %)
Thời gian xem Thị trấn
Xã Tà Nung Chung
truyền hình Lạc Dương
Tần số % Tần số % Tần số %
Dưới 1 giờ 90 37,0 60 29,7 150 33,7
Từ 1 đến 2 giờ 101 41,6 96 47,5 197 44,3
Trên 2 giờ 52 21,4 46 22,8 98 22,0

Ghi chú: Chỉ ghi nhận trên số người có xem truyền hình
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Với dung lượng thời gian xem truyền hình khá cao như phân tích
ở trên, thì mục đích xem cũng khá đa dạng, kết quả cho thấy ở Bảng 3.6.
Bảng 3.6: Mục đích xem truyền hình của người Kơho (mean)
(Đơn vị tính: Điểm trung bình)
Thị trấn Xã
Đo lường/Địa bàn Chung
Lạc Dương Tà Nung
Giải trí 6,63 6,76 6,69
Theo dõi tin tức, thời sự, pháp luật 6,70 6,68 6,69
Học hỏi cách sinh hoạt văn hóa 3,41 3,69 3,53
Học thêm tiếng Kơho 2,09 2,40 2,23
Mở mang kiến thức về chính trị, xã
5,32 5,58 5,44
hội, kinh tế, thời tiết
Biết thông tin về giá cả, sản phẩm
4,28 4,19 4,24
mới
Làm ăn kinh tế giỏi, thông tin về sức
3,81 3,94 3,87
khỏe, kế hoạch hóa gia đình
Không biết làm gì khác 3,79 2,72 3,31

Ghi chú: điểm 8 là ưu tiên lớn nhất, và điểm 1 là ưu tiên ít nhất


(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)

79
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mục đích của việc theo dõi các
chương trình truyền hình hiện nay của đồng bào dân tộc Kơho với nhóm
mục đích có ưu tiên cao nhất là để giải trí; theo dõi tin tức thời sự, pháp
luật; mở mang kiến thức về chính trị, xã hội; biết những thông tin thực
dụng như giá cả. Tiếp đến là nhóm mục đích yếu hơn như làm ăn kinh tế
giỏi, thông tin sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình; học hỏi cách thức sinh
hoạt văn hóa, học thêm tiếng dân tộc của mình; một số người vì không
biết làm gì khác nên xem truyền hình. Với sự lựa chọn mục đích khá rõ
ràng trong việc theo dõi các chương trình truyền hình phù hợp với quỹ
thời gian cũng như những nhu cầu đòi hỏi của bản thân và thực tiễn đời
sống xã hội, người Kơho trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã cho thấy được
khả năng chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách
pháp luật của Nhà nước về hoạt động sinh hoạt văn hóa. Quá trình tiếp
nhận cái mới từ các phương tiện truyền thông đại chúng của người Kơho
đã ít nhiều thể hiện được xu hướng lựa chọn phù hợp với mình, qua đó
bộc lộ được quá trình tiếp nhận cái mới trong xã hội mà mình đang sinh
sống. Thể hiện được những mối quan hệ của cá nhân, cộng đồng trong
những mô hình văn hóa mới tồn tại xen kẽ và song song với những phong
tục và tập quán của địa phương, từ đó tạo định hướng cho con người suy
nghĩ và hành xử thích hợp với nhu cầu đòi hỏi từ thực tiễn đời sống xã
hội. Một lý giải có thể hợp lý trong trường hợp này là gần như trên địa
bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay, sóng truyền hình đã đi vào tận các vùng
sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Theo ghi nhận từ Báo cáo tình hình thực
hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của huyện Lạc Dương
năm 2016 (trong đó có thị trấn Lạc Dương) “tỷ lệ phủ sóng truyền hình
đạt 97%. Các hoạt động phát thanh truyền hình phục vụ tốt các nhiệm
vụ chính trị ở địa phương. Đài truyền thanh – truyền hình huyện tiếp tục
đưa các tin, bài về tình hình kinh tế xã hội của địa phương, thông tin tình
hình thực hiện chương trình xây dựng nông thông mới, giảm nghèo, các
phong trào thi đua yêu nước, các công tác hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đời sống
trên địa bàn huyện” đã góp phần tạo ra một môi trường sống lành mạnh,

80
giúp đồng bào dân tộc Kơho có được sự lựa chọn trong nhu cầu sinh hoạt
văn hóa của mình.

Đề cập đến hình thức giải trí thông qua truyền hình, thật thiếu sót nếu
như chúng ta không đi sâu tìm hiểu xem hiện nay đồng bào dân tộc Kơho
lựa chọn hình thức giải trí này như thế nào? Bởi lựa chọn hình thức giải trí
có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong việc tạo ra những mô hình sinh
hoạt văn hóa, tinh thần trong gia đình cũng như cộng đồng, làng bản, kết
quả được chúng tôi ghi nhận như sau (Hình 3.1):

(Đơn vị: %)

TT Lạc Dương xã Tà Nung


100 90,9 91,1 91
80
60
40
20 7,9 5,9 7
1,2 2,5 1,8 0 0,5 0,2
0
Cùng gia đình Bạn bè Một mình Khác

Hình 3.1: Hình thức xem truyền hình của người Kơho
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Trong việc sinh hoạt tinh thần thông qua việc tiếp nhận truyền
hình, yếu tố gia đình đóng vai trò quan trọng, mỗi cá nhân biểu hiện các
hoạt động, hành vi ứng xử của mình trong mối quan hệ gia đình là chính.
Điều này đã tạo ra được một sự cố kết tinh thần trong gia đình với những
nhu cầu thông tin, giải trí và sinh hoạt văn hóa. Kết quả khảo sát cho thấy
có tới 91% đồng bào dân tộc Kơho xem truyền hình “cùng với gia đình”,
tỷ lệ “xem một mình” khá thấp và xem với “bạn bè”, hay “hình thức khác”
chiếm tỷ lệ không đáng kể. Và không có sự khác biệt đáng kể nào trong
việc lựa chọn hình thức giải trí qua truyền hình trên hai địa bàn nghiên
cứu. Rõ ràng là “các mạng lưới thân hữu có thể xuất hiện từ thói quen xem
giống nhau hay từ sự tập hợp lại một loạt chương trình truyền hình ưa thích

81
trước đây. Các thành viên trong nhà lẫn bạn bè thường tụ tập, quây quần
với nhau thành những bữa tiệc với trọng tâm là sự phát sóng những biến
cố đại chúng” (Richard T.Schaefer, 2003: 223). Điều này chứng tỏ gia đình
vẫn luôn là nơi mà các thông tin văn hóa, giải trí đến với mỗi cá nhân được
ưu tiên nhất. Đồng thời cũng phù hợp với quá trình xã hội hóa của mỗi cá
nhân; quá trình ấy bắt nguồn trước hết là từ gia đình rồi mới đến nhà trường,
xã hội, nhóm bạn bè và truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng
nhận thấy rằng những tác động của gia đình đến cách ứng xử của các cá
nhân luôn nằm trong mối liên hệ gắn bó mật thiết với nhau, tạo ra những
phong cách sống, phong cách sinh hoạt tinh thần riêng của mỗi cá nhân, gia
đình và cộng đồng.

Chúng ta biết rằng, gia đình là tế bào của xã hội, là nơi diễn ra quá
trình xã hội hóa đầu tiên của mỗi con người. Gia đình cũng chính là hạt
nhân góp phần gìn giữ những bản sắc và giá trị tinh thần truyền thống.
Đó là nơi tiếp nhận các giá trị tinh thần mới. Việc sinh hoạt tinh thần của
các thành viên trong gia đình sẽ góp phần nhắc nhở và củng cố các mối
quan hệ của các thành viên trong gia đình. Đồng thời góp phần định hình
những mô hình văn hóa mới đặc trưng, phù hợp với một trong những mục
tiêu quan trọng mà Đảng ta nhấn mạnh là: “Xây dựng nền văn hóa và con
người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm
nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự
trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh
quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì
mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (Đảng Cộng
sản Việt Nam, 2014: 46-47).

Như vậy, truyền hình là một trong những phương tiện truyền thông
tồn tại một cách khá phổ biến trong khối công chúng là đồng bào dân
tộc Kơho. Hiệu quả của truyền hình được thể hiện trong khả năng đổi
mới và sáng tạo của nó. Đến với khối công chúng là đồng bào dân tộc
ít người, truyền hình ít nhiều đã bộc lộ được những tác động của nó lên

82
đời sống tinh thần, đặc biệt trong việc giải trí, theo dõi thông tin và sinh
hoạt văn hóa. Đồng thời, quá trình phân tích thời gian xem chương trình
truyền hình, mục đích xem truyền hình của người Kơho cho thấy truyền
hình không chỉ là phương tiện để theo dõi tin tức, giải trí mà nó còn trình
bày cho công chúng nói chung và người Kơho nói riêng những hình ảnh
cụ thể, những sự kiện cụ thể của xã hội vốn đang tồn tại xung quanh họ.
Và khi nhìn nhận, xem xét vấn đề này dưới góc độ xã hội học văn hóa,
chúng ta cũng nhận thấy rằng chức năng văn hóa của truyền hình được
thể hiện trong việc duy trì các giá trị, khuôn mẫu xã hội, nó mang đến cho
công chúng là người Kơho những giá trị, khuôn mẫu ứng xử, suy nghĩ
của người Kơho góp phần hình thành một lối sống mới “lối sống có văn
hóa”, lành mạnh hơn, tích cực hơn, từ đó góp phần đảm bảo ổn định trật
tự xã hội.
3.1.2.2. Nghe truyền thanh
Truyền thanh là một trong những phương tiện truyền thông ra đời
sớm nhất trong lịch sử nhân loại, ngay từ khi mới ra đời, truyền thanh
(radio) đã đóng một vai trò cơ bản và quan trọng trong việc cung cấp thông
tin cho công chúng. Trong những năm chiến tranh, radio đóng vai trò như
những người bạn, người chiến sĩ của cả chiến trường và hậu phương. Ngay
trong thời bình, radio đã đi vào đời sống thường nhật của con người như
những phương tiện tiện ích nhất, con người có thể mang bên mình để
nghe thông tin, giải trí,… Chúng tôi ghi nhận được trong nghiên cứu này
thì mức độ nghe truyền thanh đạt 2,55 điểm, tương ứng với một vài lần
trong năm, và mức độ cụ thể được thể hiện như sau: có 22,6% người Kơho
nghe phát thanh (radio) hằng ngày; 14,5% người Kơho có nghe một vài
lần trong tuần, chỉ số này ở xã Tà Nung cao hơn so với thị trấn Lạc Dương
(18,3% so với 11,1%); tỷ lệ có nghe một vài lần trong tháng và một vài
lần trong năm chiếm tỷ lệ không đáng kể. Trong khi đó, đáng chú nhất là
tỷ lệ không bao giờ nghe phát thanh (radio) lên đến 49,9%, trong đó chỉ số
không nghe phát thanh (radio) ở thị trấn Lạc Dương cao hơn ở xã Tà Nung
(52,2% so với 47,3%) (Hình 3.2).

83
(Đơn vị: %)

22,6
Hằng ngày 21,4
23,7
14,5
Một vài lần trong tuần 18,3
11,1
7,8
Một vài lần trong tháng 9,4
6,3
5,2
Một vài lần trong năm 3,6
6,7 49,9
Không bao giờ 47,3
52,2
0 10 20 30 40 50 60
Chung Xã Tà Nung TT Lạc Dương

Hình 3.2: Mức độ nghe phát thanh/radio của người Kơho


(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Đối với những trường hợp có nghe đài phát thanh (radio), thời gian
nghe phát thanh chiếm tỷ lệ cao nhất là dưới 1 giờ với 77,1%; nghe từ một
đến 2 giờ chiếm tỷ lệ đáng kể là 18,8%; còn trên 2 giờ chiếm tỷ lệ khá thấp,
chỉ 4,1% (xem Bảng 3.7).
Bảng 3.7: Thời gian nghe phát thanh, radio trong ngày
của người Kơho
(Đơn vị: %)
Thị trấn
Thời gian nghe Xã Tà Nung Chung
phát thanh, Lạc Dương
radio Tần số % Tần số % Tần số %
Dưới 1 giờ 85 68,5 104 86,0 189 77,1
Từ 1 đến 2 giờ 31 25,0 15 12,4 46 18,8
Trên 2 giờ 8 6,5 2 1,7 10 4,1

Ghi chú: Chỉ ghi nhận trên số người có nghe đài, radio
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)

84
Nếu so sánh thời gian nghe phát thanh với thời gian xem chương
trình truyền hình trong đời sống tinh thần của người Kơho thì chúng ta dễ
dàng nhận thấy thời gian nghe phát thanh ít hơn rất nhiều so với thời gian
xem truyền hình. Điều này có thể được lý giải một phần ở việc người
Kơho có hay không có các phương tiện sinh hoạt này ở trong gia đình
(như phần trình bày ở phía tiện nghi trong gia đình). Mặt khác, điều này
cũng hiển nhiên đúng bởi đa phần người Kơho đều theo dõi phát thanh
từ các chương trình phát buổi sáng của thôn/xã/thị trấn (88,6%); có sự
khác nhau không đáng kể ở “nơi nghe phát thanh, radio” trong hình thức
nghe “ở nhà” và nghe ở “thôn xã/thị trấn phát” trên hai địa bàn nghiên
cứu (xem Bảng 3.8).
Bảng 3.8: Nơi nghe phát thanh (radio) của người Kơho
(Đơn vị: %)
Thị trấn
Xã Tà Nung Chung
Nơi nghe phát Lạc Dương
thanh, radio Tần Tần
Tần số % % %
số số
Ở nhà 19 15,3 12 9,9 31 12,7
Hàng xóm - - 2 1,7 2 0,8
Thôn xã/thị trấn 107 86,3 110 90,9 217 88,6
Khác 1 0,8 - - 1 0,4

Ghi chú: Chỉ ghi nhận trên số người có nghe đài, radio
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
“Loa phát thanh thường mở sáu đến bảy giờ sáng, giờ cao điểm như
ngày lễ thì mở cả ngày. Loa phát này tiếp phát từ đài trung ương, đài Lâm
Đồng và nhiều khi xã thông báo riêng của xã. Đây là bộ thu không dây do
trung ương đầu tư về nên khi phát thì toàn xã nghe hết, họ phải chú tâm để
thay đổi sinh hoạt, vệ sinh môi trường,…” (Nam, 33 tuổi, xã Tà Nung, cán
bộ văn hóa xã, người Kơho). Ở thị trấn Lạc Dương, “Loa phát thanh của
thị trấn được mở vào các buổi sáng trong tuần từ khoảng sáu giờ sáng đến
bảy giờ sáng, riêng thứ 7 và chủ nhật thì nhiều khi mở cả buổi sáng, và vào

85
cuối giờ buổi chiều. Chương trình phát sóng từ đài phát thanh trung ương
và bản tin của địa phương; tuy nhiên không phải ai cũng nghe được, vì có
một số hộ sống xa trung tâm thị trấn nếu không để ý thì cũng khó nghe”
(Nam, 34 tuổi, cán bộ công an, người Kinh).
Do đó, những tin tức địa phương và thời sự trong nước luôn là nội
dung chính mà các đài địa phương thường phát. Hơn nữa nhu cầu theo dõi
thông tin và biết thông tin vẫn luôn được công chúng quân tâm hàng đầu.
Với mức điểm trung bình hơn 6 điểm ở mục “theo dõi tin tức thời sự, pháp
luật”, đây là mục đích được ưu tiên cao nhất khi theo dõi các chương trình
phát thanh, radio; kế đó là “để vui chơi, giải trí” (5,01 điểm); “mở mang kiến
thức về chính trị, xã hội, kinh tế và thời tiết” (4,94 điểm); “làm ăn kinh tế
giỏi, thông tin về sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình” (3,9 điểm) và không có
sự khác nhau đáng kể trong mục đích nghe phát thanh, radio trên hai địa bàn
nghiên cứu. Đáng chú ý là mục đích “vì không biết làm gì khác” nên theo dõi
các chương trình phát thanh cũng được người dân đề cập đến (với 3,36 điểm),
tỷ lệ này ở thị trấn Lạc Dương cao hơn so với xã Tà Nung (xem Bảng 3.9).
Bảng 3.9: Mục đích nghe phát thanh, radio của người Kơho
(Đơn vị: Điểm trung bình)
Địa bàn/Đo lường Thị trấn Xã
Chung
Lạc Dương Tà Nung
Giải trí 4,84 5,19 5,01
Theo dõi tin tức, thời sự, pháp luật 6,11 6,03 6,07
Học hỏi cách sinh hoạt văn hóa 2,73 2,90 2,81
Học thêm tiếng Kơho 1,83 2,07 1,95
Mở mang kiến thức về chính trị, xã
4,92 4,96 4,94
hội, kinh tế, thời tiết
Làm ăn kinh tế giỏi, thông tin về
3,83 3,97 3,90
sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình
Không biết làm gì khác 3,73 2,97 3,36
Ghi chú: điểm 7 là ưu tiên lớn nhất, và điểm 1 là ưu tiên ít nhất
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)

86
Có lẽ do công việc cũng như nhu cầu của cuộc sống mới, con người
cần biết nhiều thông tin, nhiều sự kiện, đó cũng là một trong những tiền đề
cho việc mở mang kiến thức, mở rộng tầm nhìn ra các vấn đề của xã hội.
Những thói quen trong việc nghe radio đã vô tình tạo ra những thói quen
trong ứng xử và hành vi của mỗi người trong lối sống mang những phong
tục, tập quán của địa phương vốn khó thay đổi. Con người vốn không còn
thụ động tiếp nhận mà họ đã chủ động hơn. Tính di động về thông tin trong
một không gian xã hội khép kín với sự kiểm soát chặt chẽ của cộng đồng
đã không còn hạn chế mà đã mở ra nhiều cơ hội về tiêu dùng văn hóa hơn.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, hiện nay truyền thanh (radio) không
còn là phương tiện truyền thông được ưu tiên lựa chọn trong việc theo
dõi thông tin, giải trí và sinh hoạt tinh thần do có những phương tiện mới
ra đời như truyền hình. Nhưng dưới góc độ xã hội học, thời gian nghe và
mục đích lựa chọn các chương trình vẫn luôn là những chỉ báo đáng ghi
nhận trong một xã hội thông tin như hiện nay. Điều đó cũng chứng tỏ rằng
truyền thanh (radio) chưa thực sự mất đi mà vẫn tồn tại trong một phần nhỏ
công chúng là người dân tộc thiểu số. Có lẽ khi cuộc sống ngày một nâng
cao, nhu cầu thông tin ngày càng nhiều, và khi các phương tiện truyền
thông đại chúng đã đi vào giai đoạn phát triển ổn định thì sự lựa chọn theo
dõi các phương tiện truyền thông cho việc vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn
hóa, và theo dõi thông tin cũng đi vào giai đoạn cân bằng hơn.
3.1.2.3. Đọc báo in
Ngoài hai hình thức giải trí qua thông truyền hình và phát thanh,
radio; việc giải trí, tìm hiểu và nắm bắt thông tin qua báo in là một chỉ
báo quan trọng để thấy được trình độ nhận thức và phát triển của giới
công chúng. Với lợi ích có thể “lưu giữ”, có thể “đọc đi đọc lại” nhiều
lần, cùng một lúc có nhiều dữ liệu về tình hình kinh tế, chính trị, các vấn
đề xã hội, sức khỏe,… Với nhiều màu sắc, hình ảnh phong phú, báo in đã
đi vào đời sống của con người như một lẽ sống, một thói quen được đông
đảo công chúng tiếp nhận, đặc biệt ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ
Chí Minh, Hà Nội. Nhưng đối với nhóm công chúng là đồng bào dân tộc
ít người thì đọc báo quả là một vấn đề còn khá xa lạ và chưa thực sự phổ

87
biến. Kết quả ghi nhận từ nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, việc đọc báo
của công chúng là đồng bào dân tộc Kơho chỉ đạt 1,69 điểm - tức là chỉ
thỉnh thoảng một vài lần trong năm, đối với những người có theo dõi báo in
thì thời gian đọc báo của họ chiếm tỷ lệ cao nhất là dưới một giờ (78,7%);
từ một đến hai giờ chiếm tỷ lệ đáng kể (15,0%), còn đọc báo trên 2 giờ đạt
tỷ lệ khá thấp (6,3%) (xem Bảng 3.10).
Bảng 3.10: Thời gian đọc báo trong ngày của người Kơho
(Đơn vị: %)
Thị trấn
Thời gian đọc Xã Tà Nung Chung
Lạc Dương
báo
Tần số % Tần số % Tần số %
Dưới 1 giờ 56 80,0 44 77,2 100 78,7
Từ 1 đến 2 giờ 10 14,3 9 15,8 19 15,0
Trên 2 giờ 4 5,7 4 7,0 8 6,3
Ghi chú: Chỉ ghi nhận trên số người có đọc báo
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Việc người Kơho chưa tạo cho mình được một thói quen đọc báo
hằng ngày là điều dễ hiểu, vì họ không thể giải mã và hiểu được các thông
tin trên tất cả các trang báo, bởi đa phần họ là nông dân (88,3% làm nông
nghiệp, làm thuê), có trình độ học vấn thấp (tập trung chủ yếu là nhóm học
vấn bậc tiểu học và THCS, 60,2%), thu nhập chưa thực sự đáp ứng được
đầy đủ các nhu cầu thiết yếu cơ bản. Khi xem xét trên hai địa bàn nghiên
cứu, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt khá ít trong việc dành thời gian
cho việc đọc báo hằng ngày. Tỷ lệ đọc báo dưới một giờ của người Kơho
trên địa bàn TT Lạc Dương cao hơn ở xã Tà Nung, tuy nhiên việc dành từ
hai giờ trở lên cho việc đọc báo thì ngược lại.
Vậy, đồng bào dân tộc thiểu số đọc báo nhằm mục đích gì? Có lẽ câu
trả lời có được cũng giống như ở các giới công chúng khác, đó là để giải
trí, để biết tin tức, học hỏi hay vì không biết làm gì khác. Ghi nhận trong
nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, người Kơho dành thời gian cho việc đọc
báo nhằm để “theo dõi tin tức thời sự, pháp luật” là mục đích ưu tiên hàng

88
đầu (đạt 6,04 điểm), mục đích này ở người dân trên địa bàn TT Lạc Dương
cao hơn ở xã Tà Nung; tiếp đến mới đến mục đích “vui chơi giải trí” (5,31
điểm) và “mở mang kiến thức về chính trị, xã hội, kinh tế và thời tiết” (5,28
điểm); đọc báo với mục đích “làm ăn kinh tế giỏi, thông tin sức khỏe, kế
hoạch hóa gia đình” cũng được đồng bào dân tộc thiểu số ưu tiên với 4,08
điểm. Trong sự lựa chọn mục đích cho việc “vui chơi giải trí” và “mở mang
kiến thức về chính trị, xã hội, kinh tế và thời tiết, “học thêm tiếng Kơho” thì
người Kơho trên địa bàn xã Tà Nung dành sự ưu tiên cao hơn so với người
Kơho trên địa bàn TT Lạc Dương.
Điều đáng chú ý là mục đích “vì không biết làm gì khác” cũng dành
được sự quan tâm và ưu tiên của đồng bào dân tộc Kơho với 2,63 điểm,
và tỷ lệ ưu tiên cho “mục đích” này ở TT Lạc Dương cao hơn xã Tà Nung
(xem Bảng 3.11).
Bảng 3.11: Mục đích đọc báo của người Kơho
(Đơn vị: Điểm trung bình)
Địa bàn/Đo lường Thị trấn Xã
Chung
Lạc Dương Tà Nung
Giải trí 5,17 5,47 5,31
Theo dõi tin tức, thời sự, pháp luật 6,16 5,89 6,04
Học hỏi cách sinh hoạt văn hóa 2,51 2,63 2,57
Học thêm tiếng Kơho 1,89 2,44 2,13
Mở mang kiến thức về chính trị, xã
5,24 5,32 5,28
hội, kinh tế, thời tiết
Làm ăn kinh tế giỏi, thông tin về
3,97 4,21 4,08
sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình
Không biết làm gì khác 3,07 2,11 2,63

Ghi chú: điểm 7 là mục đích ưu tiên cao nhất, và thấp dần đến điểm 1 là
mục đích ưu tiên thấp nhất
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)

89
Những thông tin cũng như mục đích của việc đọc báo đã được đồng
bào dân tộc Kơho xác nhận, vậy việc những thông tin đó được lấy trên tờ
báo nào cũng cần được quan tâm. Theo ghi nhận của chúng tôi, có một số
tờ báo được người Kơho quan tâm và đọc, được thể hiện trong Hình 3.3.
(Đơn vị: %)

26 22 Nhân dân

Người lao động


15,7
Lâm Đồng/báo địa
phương
Tuổi trẻ
33,1
Pháp luật
36,2
Khác
23,6

Hình 3.3: Các loại báo thường đọc của người Kơho
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Như vậy, báo Lâm Đồng/báo địa phương là tờ báo được người dân
ở Lâm Đồng quan tâm và đọc nhiều nhất (36,2%); kế đến là báo Pháp luật
(33,1%). Bởi mỗi người dân ở địa phương luôn ý thức được việc nắm bắt thông
tin chính yếu của địa phương và thực hiện chủ trường của Đảng và Nhà nước
trong việc “sống và làm việc theo pháp luật”. Bên cạnh đó, các tờ báo Nhân
dân, Tuổi trẻ và các loại báo khác cũng được người Kơho quan tâm đến với
tỷ lệ trên 20%. Và tỷ lệ đọc các tờ báo này của người Kơho trên địa bàn xã Tà
Nung cao hơn so với người Kơho trên địa bàn TT Lạc Dương. Trong số các
tờ báo được người dân đọc, báo Tuổi trẻ - một trong những tờ báo phát hành
và được công chúng tiếp nhận đông đảo tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí
Minh thì đối với người Kơho ở Lâm Đồng, đặc biệt là khu vực nông thôn, việc

90
tiếp cận cũng như cơ hội tiếp cận với tờ báo này còn khá hạn chế so với TP Hồ
Chí Minh. Khi chúng tôi tiếp xúc và tìm hiểu, gần như báo Tuổi trẻ chưa đến
được với cộng đồng người Kơho, một phần do vị trí địa lý đặc thù, nơi mà các
cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống, một phần có thể cũng do nhu cầu
hoặc thói quen của người dân chưa cao nên khả năng “lan tỏa” của tờ báo này
chưa đi vào đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (xem Hình 3.4)
(Đơn vị: %)

Hình 3.4: Các loại báo thường đọc của người Kơho theo
địa bàn nghiên cứu
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Để báo in được đến với công chúng là đồng bào dân tộc thiểu số như
người dân tộc Kơho trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì việc nâng cao nhận
thức, trình độ học vấn và thu nhập là một việc làm thiết yếu và cơ bản để
giúp cho người dân có thể hiểu và giải mã được thông tin mà các tờ báo
muốn truyền tải. Tuy nhiên có một việc có thể dễ dàng và triển khai nhanh
hơn đó là tìm hiểu và phân tích nguồn cung cấp các tờ báo khi nó đến với
công chúng.

91
Trong ghi nhận của chúng tôi, nguồn cung cấp báo hiện nay cho
đồng bào dân tộc Kơho chiếm tỷ lệ cao nhất là “người ta cho, được cấp, cơ
quan” với 29,9%, nhưng tỷ lệ đáng để chúng ta chú ý là “mua ở sạp báo”
(27,6%) và “đặt mua tại nhà” (7,9%), “gặp đâu đọc đó” (20,5%), đọc trên
“online, điện thoại, internet” (23,6%) đã minh chứng cho khả năng định
hướng cũng như mức độ quan tâm, thói quen được hình thành khá tốt trong
nếp sống văn hóa của người Kơho, đáng chú ý là đối với người Kơho ở
Lâm Đồng đã có xu hướng tiếp cận đến công nghệ mới như internet, điện
thoại online để theo dõi tin tức, giải trí – điều mà hơn mười năm trở về
trước đó gần như không có. Chính điều này đã góp phần mở rộng mô hình
văn hóa đọc cho một tầng lớp công chúng mới – công chúng là đồng bào
dân tộc thiểu số (xem Hình 3.5).
(Đơn vị: %)

Hình 3.5: Nguồn cung cấp báo của người Kơho


(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Khi so sánh trên hai địa bàn nghiên cứu, kết quả cho thấy một số thói
quen, khả năng định hướng văn hóa đọc thông qua nguồn cung cấp các tờ
báo của người Kơho thị trấn Lạc Dương đạt tỷ lệ cao hơn ở xã Tà Nung.
Trong khi đó, việc “gặp đâu đọc đó” như một việc nghiễm nhiên “vì không
biết làm gì khác” hay đó là “mức độ quan tâm thực sự” của người Kơho
ở xã Tà Nung cao hơn gấp hai lần thói quen đọc báo của người Kơho trên
địa bàn thị trấn (TT) Lạc Dương (xem Hình 3.6).

92
(Đơn vị: %)

Hình 3.6: Nguồn cung cấp báo của người Kơho theo địa bàn
nghiên cứu
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Kết quả phân tích đã cho thấy rằng báo in là một trong những phương
tiện truyền thông được người Kơho quan tâm với mục đích chính là để nắm
bắt thông tin thời sự, kinh tế, giải trí, làm ăn kinh tế,… sau đó mới đến theo
dõi thông tin và sinh hoạt tinh thần. Mặc dầu tỷ lệ có đọc báo trong người
Kơho còn khá khiêm tốn, mức độ đọc báo chưa thực sự thường xuyên
nhưng ít nhiều đã phản ánh được một bức tranh về văn hóa đọc trong nhóm
công chúng là người Kơho. Đây là một chỉ báo quan trọng cho việc nâng
cao đời sống tinh thần quan trọng trong thời gian tới, đồng thời đó cũng là
cơ sở để các cơ quan, ban ngành cũng như Đảng và Nhà nước đề ra những
chủ trương, chính sách xây dựng và nhân rộng mô hình văn hóa đọc cho
nhóm công chúng là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy vậy, việc đánh giá thời gian dành cho việc theo dõi các phương
tiện truyền thông của giới công chúng là đồng bào dân tộc Kơho trong giai
đoạn hiện nay so với hơn 10 năm trước cho thấy, có 44,2% cho rằng thời
gian theo dõi các phương tiện truyền thông hiện tại ở mức “vừa đủ”, 26,2%
cho rằng thời gian cho việc theo dõi các phương tiện truyền thông hiện tại
là “ít”; “rất ít”, thậm chí “không có” thời gian theo dõi chiếm tỷ lệ 14,5%.

93
Tỷ lệ đánh giá ở mức “tương đối đủ” đến “rất đủ” chỉ chiếm 15,1% (xem
Bảng 3.12).
Bảng 3.12: Đánh giá thời gian theo dõi các phương tiện
truyền thông đại chúng của người Kơho
(Đơn vị: %)
Đánh giá thời gian Thị trấn Xã Tà
theo dõi các phương tiện Chung
Lạc Dương Nung
truyền thông

Rất ít 9,1 11,6 10,3

Ít 28,1 24,1 26,2


Vừa đủ 47,0 41,1 44,2
Tương đối đủ 10,3 11,6 10,9
Rất đủ 3,2 5,4 4,2
Không có 2,4 6,3 4,2
Tổng 100,0 100,0 100,0

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Như vậy, các phương tiện truyền thông đại chúng trong trường hợp
này đã phản ánh rõ sự lựa chọn của công chúng trong giới hạn nguồn lực
của mình. Để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi và những nguồn lực của công chúng,
các nhà truyền thông cần đặc biệt “nhắm vào khả năng của các phương
tiện truyền thông trong chuyện quyết định để cái gì được truyền tải, thông
qua chức năng gác cổng của mình” để “các phương tiện truyền thông
không chỉ mở rộng về mặt phạm vi vươn tới mà còn thâm nhập vào hết
thảy mọi khía cạnh của đời sống thường nhật” (Richard T.Schaefer, 2003:
225). Như chúng ta biết, mỗi loại phương tiện truyền thông ra đời đều có
những vai trò, chức năng cũng như những tiện ích riêng của nó. Trong kết
quả trình bày ở các phần trên chúng tôi đã phân tích từng khía cạnh của các
phương tiện truyền thông trong đời sống tinh thần của người Kơho. Tuy
nhiên, sau khi phân tích các kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng, cho

94
đến nay mức độ sinh hoạt tinh thần trong thời gian rỗi thông qua việc xem
truyền hình được đánh giá mạnh hơn và mức độ thường xuyên hơn so với
đài phát thanh (radio) và báo in. Vấn đề này được thể hiện qua tỷ lệ những
người có tham gia vào hoạt động theo dõi truyền thông hàng ngày, đồng
thời còn được thể hiện trong mục đích theo dõi các phương tiện truyền
thông. Những người xem truyền hình chiếm tỷ lệ áp đảo so với nghe truyền
thanh và đọc báo in. Mặt khác, đối với người Kơho thì truyền hình không
chỉ dùng để giải trí, mà mức độ quan tâm của họ hầu như đều dành cho
các vấn đề thời sự trong nước và thế giới với mục đích là để hiểu và nắm
bắt thông tin về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Chúng tôi nhận thấy
rằng, bằng các cải tiến và phát triển nhanh chóng của truyền hình, hay nói
cách khác tính hiệu quả của truyền hình thể hiện ở tính đổi mới và sáng tạo
của nó được thể hiện và bộc lộ thông qua việc cho ra đời các kênh truyền
thông mới, nội dung đa dạng và phong phú tương thích với những nét văn
hóa cũng như nhận thức và suy nghĩ của người dân.
3.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến đời sống tinh thần qua những sinh hoạt văn
hóa thường ngày
Từ thực trạng cũng như những biến đổi trong các hoạt động sinh hoạt
văn hóa thường ngày như đã phân tích ở trên cho thấy, các hình thức sinh
hoạt tinh thần qua các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như những
giao tiếp thường ngày của người Kơho một phần được quy định bởi yếu tố
kinh tế, cũng như những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Việc
xác định và phân tích các nhân tố tác động đến đời sống tinh thần qua các
sinh hoạt văn hóa thường ngày là một việc làm hết sức cần thiết nhằm nắm
bắt được thực trạng cũng như những biến đổi trong đời sống tinh thần. Từ
đó đề xuất những kiến nghị có tính giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất
lượng sinh hoạt tinh thần thường ngày cho các nhóm cộng đồng dân cư nói
chung và người Kơho nói riêng.
3.2.1. Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ảnh hưởng đến đời sống tinh
thần qua những sinh hoạt văn hóa thường ngày
Thực tế đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới điện quốc gia
như một phần gián tiếp tạo nên những đổi thay trong việc tiếp cận các

95
phương tiện thông tin đại chúng “từ ngày có chính sách của Đảng và Nhà
nước, như chính sách mang ánh sáng đến với bà con dân tộc vùng cao đã
giúp chúng tôi có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, chính sách hỗ trợ đã
góp phần nâng cao cuộc sống của bà con, có điện rồi, thì có ti vi, loa phát
thanh cũng được cấp cho nên bà con nghe được tin tức, biết được nhiều
hơn, thông qua đó bà con học hỏi cách làm ăn, vui chơi giải trí, biết tin tức
địa phương, ngoài nước” (Nam, 35 tuổi, xã Tà Nung).
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, các hình thức sinh hoạt tinh
thần và mức độ hưởng thụ của đồng bào người Kơho còn chịu tác động của
nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau. Điều đó đã làm cho các
thiết chế văn hóa tại các thôn, tổ dân phố chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động
cồng chiêng chưa được quản lý chặt chẽ, sự giảm sút và mai một dần của
một số lễ hội văn hóa diễn ra mà chưa có giải pháp thích đáng để “níu kéo”,
lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Vì vậy, việc đánh giá các nhân tố khác
ngoài chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách khách quan là
việc làm bức thiết hiện nay, nhằm hướng tới việc duy trì và xây dựng các
mô hình văn hóa trong đời sống cộng đồng dân cư, mang ý nghĩa tích cực,
phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển với điều kiện kinh tế, xã hội
của từng địa phương.
Như C.Mác đã từng nhận định “con người trước hết cần phải ăn,
uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật,
tôn giáo và v.v. được”. (C.Mác và Ph.Ăngghen.  Sđd.,  t.19, tr.166). Nội
dung của chân lý “con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc
đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo…” thì giản
đơn. Nhưng trước C.Mác, chưa có ai phát hiện ra chân lý đó. Chính vì thế
mà Ph.Ăngghen nhận xét rằng: “Lần đầu tiên, lịch sử đã được đặt trên cơ
sở thực sự của nó. Cái sự thật hiển nhiên mà mãi cho đến lúc đó người ta
vẫn bỏ quên mất, là trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa
là phải lao động, trước khi có thể đấu tranh để giành quyền thống trị, trước
khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học, v.v., cái sự thật hiển nhiên
ấy giờ đây rốt cuộc đã giành được vị trí thích đáng của nó trong lịch sử”
(C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.19, tr.166). Như vậy, C.Mác coi văn hóa là

96
cái bị xác định bởi vật chất, và vật chất là yếu tố quyết định đến văn hóa.
Con người cần được đáp ứng nhu cầu về ăn, mặc ở,… rồi mới đến các nhu
cầu làm chính trị, khoa học và nghệ thuật; điều này sẽ giúp cho chủ thể
hình thành động cơ hành động để đảm bảo cho sự sinh tồn của mình.
Trong nghiên cứu này của chúng tôi, việc đáp ứng những nhu cầu
cơ bản cũng được thể hiện khá rõ. Cụ thể, mức chi trung bình/tháng cao
nhất là dành cho ăn uống, đi lại; kế đó là nhu cầu giao lưu tình cảm - giao
tiếp, hiếu hỉ (cưới hỏi, ma chay,…), chi cho học hành, giải trí, phim ảnh,
điện nước và cá nhân; và có sự khác biệt giữa hai địa bàn nghiên cứu (xem
Bảng 3.13).
Bảng 3.13: Mức chi trung bình/tháng của người Kơho
(Đơn vị: nghìn đồng)

Thị trấn Xã
Đo lường Chung
Lạc Dương Tà Nung
Ăn uống 1.851.38 1.585.27 1.726.42
Giải trí (sách, phim ảnh, rượu bia,..) 412.57 396.37 404.96
Giao tiếp, hiếu hỉ (cưới xin, sinh
nhật, nhà thờ/chùa, hội làng thôn 669.60 724.98 695.61
bản, phúng điếu
Điện nước 230.08 186.48 209.61
Cá nhân (may mặc, trang điểm, tư
146.44 146.16 146.31
trang,…)
Học hành (kể cả học nghề) 447.29 415.85 432.53
Xăng xe 463.48 549.96 504.09
Các khoản khác 137.59 179.53 157.29

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Khi xem các mức chi trung bình thường xuyên/năm, ngoài một số
mức chi theo tháng, chúng tôi nhận thấy: việc đầu tư cho giáo dục (học
hành) là cao nhất; thứ hai là cho giao tiếp, hiếu hỉ; thứ ba là chi cho việc
chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; thứ tư là chi cho cá nhân như may mặc,

97
trang điểm; thứ năm là cho các khoản chi khác; và cuối cùng là cho du lịch,
dã ngoại và hồi hương. Điều này cho thấy mức độ quan tâm và cơ hội đầu
tư cho văn hóa, tinh thần đã ít nhiều được chú trọng và xem xét ở một mức
độ nhất định nào đó khi mà các nhu cầu cơ bản của con người gần như
được đảm bảo hơn (xem Bảng 3.14).
Bảng 3.14: Mức chi trung bình/năm của người Kơho
(Đơn vị: nghìn đồng)
Đo lường Thị trấn Xã Chung
Lạc Dương Tà Nung
Chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe 1.915.38 2.575.47 2.225.36
Giải trí (sách, phim ảnh, rượu bia,…) 1.719.76 1.635.49 1.680.19
Giao tiếp, hiếu hỉ (cưới xin, sinh
nhật, nhà thờ/chùa, hội làng thôn 3.283.00 2.990.40 3.145.60
bản, phúng điếu,…)
Cá nhân (may mặc, trang điểm, tư
1.895.65 1.555.36 1.735.85
trang,…)
Học hành (kể cả học nghề) 4.380.24 4.087.23 4.242.64
Du lịch, dã ngoại, hồi hương 673.52 257.14 477.99
Các khoản khác (điện nước, xăng
1.890.51 1.606.25 1.757.02
xe,…)

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Để có thể trang trải cho cuộc sống thường nhật, thu nhập của các hộ
gia đình là một vấn đề cần được quan tâm. Trên hai địa bàn nghiên cứu
hiện nay của chúng tôi cho thấy thu nhập của bà con dân tộc Kơho ở vào
mức trung bình. Khi xử lý dữ liệu phân tổ để tiến hành so sánh trên hai địa
bàn nghiên cứu nhận thấy, mức thu nhập hàng tháng của người dân ở xã
Tà Nung thấp hơn ở thị trấn Lạc Dương. Mặt khác, cơ hội phát triển của
thị trấn Lạc Dương mạnh hơn so với xã Tà Nung, điều này tạo ra mức thu
nhập khác nhau giữa hai địa bàn nghiên cứu là điều dễ hiểu. Cụ thể, chiếm
tỷ lệ cao nhất trong thu nhập của các hộ gia đình ở xã Tà Nung là dưới
4 triệu đồng/tháng, trong đó dưới 2 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ khá cao

98
Xét theo khu vực nông thôn - đô thị, theo thống kê của Tổng cục
Thống kê qua các năm (1999-2010) cho thấy sự chênh lệch thu nhập giữa
thành thị và nông thôn. Cụ thể, vào năm 2008, thu nhập bình quân của dân
cư tại các khu vực nông thôn là 9.144.000 đồng, của dân cư tại các khu
vực thành thị là 19.260.000 đồng (gấp khoảng 2,1 lần so với khu vực nông
thôn). Vì vậy, việc tồn tại sự khác biệt trong tổng thu nhập/năm trên hai địa
bàn nghiên cứu của chúng tôi là điều dễ hiểu. Người Kơho sinh sống trên
địa bàn thị trấn Lạc Dương - một thị trấn được xem là có tốc độ đô thị hóa
khá nhanh của huyện Lạc Dương, cơ hội việc làm và tăng thu nhập sẽ cao
hơn so với người Kơho trên địa bàn xã Tà Nung - một xã được cho là có ít
lợi thế phát triển kinh tế, dịch vụ và thương mại.
Nhờ đường lối chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự đầu
tư của các ban ngành, đoàn thể, trong nhiều năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã có
những khởi sắc đáng mừng trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn.
Trên hai địa bàn nghiên cứu của chúng tôi, vấn đề thâm canh tăng vụ, luân
chuyển cây trồng, vật nuôi được áp dụng, nhờ đó mà đồng bào dân tộc ở đây
ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; chất lượng cuộc sống ngày một
nâng cao. Nhờ đó, 79,7% cho rằng thu nhập hiện nay cao hơn so với hơn
10 năm trở về trước; tỷ lệ cho rằng thu nhập hiện nay thấp hơn 10 năm trở
về trước là 14%, chỉ 6,3% cho rằng thu nhập vẫn không thay đổi, không có
sự khác biệt nhiều trong đánh giá thu nhập của hộ gia đình mình hiện nay
so với hơn 10 năm trở về trước trên hai địa bàn nghiên cứu (xem Hình 3.9).
(Đơn vị: %)

Hình 3.9: Nhận xét thu nhập hiện nay của người Kơho so với
10 năm trước
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)

100
Thu nhập có xu hướng cải thiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng
cuộc sống cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc
Kơho. Một trong những bước cải thiện đầu tiên chúng ta dễ dàng nhận thấy
là việc mua sắm các trang thiết bị sinh hoạt trong gia đình. Như đã phân
tích ở phần thực trạng, các trang thiết bị tiện nghi sinh hoạt trong gia đình
của người Kơho có xu hướng tăng lên đáng kể trong vòng 10 năm qua.
Đồng thời có sự khác biệt đáng kể trên hai địa bàn nghiên cứu. Kết quả
phân tích cho thấy đồng bào dân tộc Kơho ở thị trấn Lạc Dương sở hữu các
tiện nghi sinh hoạt trong gia đình chiếm tỷ lệ cao hơn so với đồng bào dân
tộc Kơho ở xã Tà Nung (xem Bảng 3.15).
Bảng 3.15: Tiện nghi sinh hoạt của người Kơho phân tổ
theo địa bàn nghiên cứu
(Đơn vị: %)
Hiện nay 10 năm trước
Tiện nghi TT Lạc Xã Tà TT Lạc Xã Tà
Dương Nung Dương Nung
Tivi màu 93,3 83,5 27,7 28,6
Tivi đen trắng 8,3 4,9 39,1 32,1
Radio (cát -xét) 11,5 11,2 19,4 21,4
Đầu Viđêô/ DVD 58,9 51,8 13,8 10,7
Dàn âm thanh 40,7 33,0 5,1 4,0
Máy nghe nhạc 28,5 21,0 2,0 1,3
Vi tính/laptop 20,9 14,3 0,8 0,9
Điện thoại (di động) 87,7 82,1 22,9 15,6
Cồng/chiêng/ché 11,5 8,9 15,8 14,3
Đàn sáo 4,0 0,9 5,1 2,7
Xe máy 97,2 89,7 37,5 28,1
Ô tô 3,2 2,7 0,0 0,9
Những tiện nghi sinh hoạt
1,6 2,2 1,6 0,4
khác (tủ lạnh, máy giặt)
Không có 0,4 1,8 18,2 30,4
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)

101
Điều này cũng cho thấy rằng đời sống của người Kơho hiện nay
phần nào đó đã được cải thiện và nâng cao một bước. Chính những phương
tiện này sẽ là cơ hội cho người Kơho có thể tiếp cận với những thông tin
văn hóa, tin tức thời sự và một số các hoạt động giải trí mới trong đời sống
tinh thần của mình nói riêng và của xã hội nói chung. Ngoài các phương
tiện truyền thông thì các dịch vụ cung cấp thông tin cũng đóng vai trò quan
trọng trong việc duy trì các chương trình truyền phát tin. Trong đó, dịch vụ
cung cấp truyền hình là một trong những nhân tố quan trọng được chúng
tôi quan tâm bởi nó phản ánh được nội dung thông tin mà các phương tiện
truyền thông muốn truyền tải. Kết quả điều tra cho thấy rằng hiện nay
người Kơho đang sử dụng các loại dịch vụ truyền hình mới như truyền
hình cáp, đầu thu kỹ thuật số, chảo chiếm tỷ lệ rất cao. Bên cạnh đó, hình
thức sử dụng ăngten vẫn còn được duy trì, xu hướng biến đổi trong việc
sử dụng dịch vụ truyền hình trên hai địa bàn nghiên cứu cũng cho mức độ
phát triển và khả năng nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người
Kơho trên hai địa bàn cũng khác nhau (xem Bảng 3.16).
Bảng 3.16: Sử dụng dịch vụ truyền hình của người Kơho
phân tổ theo địa bàn nghiên cứu
(Đơn vị: %)
Giai đoạn hiện nay 10 năm trước
Sử dụng dịch
vụ truyền hình Thị trấn Xã Tà Thị trấn Xã Tà
Lạc Dương Nung Lạc Dương Nung
Truyền hình cáp 62,9 37,1 67,4 32,6
Ăng ten 33,3 66,7 53,4 46,6
Máy thu kỹ
47,4 52,6 57,1 42,9
thuật số
Chảo 33,3 66,7 - -
Không có 17,2 82,8 50,0 50,0

Mức ý nghĩa thống kê: p-value = 0,000 < 0,05


(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)

102
Với điều kiện kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh đã kéo theo
sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, điện và các dịch vụ truyền hình.
Trong kết quả phân tích cho thấy địa bàn cư trú có liên hệ/tác động với
việc sử dụng dịch vụ truyền hình của các hộ gia đình người Kơho hiện nay.
Như vậy, trong những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội nhất định,
các hình thức sinh hoạt tinh thần thường ngày ít nhiều bị tác động và chi
phối về cách thức, hình thức, loại hình, nội dung. Mỗi cá nhân tự cân nhắc
và lựa chọn cho mình những hình thức sinh hoạt tinh thần thường ngày phù
hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương và các nguồn
lực của gia đình và cá nhân.
3.2.2. Các đặc trưng nhân khẩu ảnh hưởng đến đời sống tinh thần qua
những sinh hoạt văn hóa thường ngày
Khi xem xét các yếu tố nhân khẩu học, chúng tôi nhận thấy có những
liên hệ cơ bản trong các hình thức tham gia sinh hoạt tinh thần thường
ngày. Cụ thể, ở độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo khác nhau có xu
hướng tham gia vào các hoạt động sinh hoạt tinh thần khác nhau. Để làm
rõ hơn luận điểm này, chúng tôi đi sâu nghiên cứu ảnh hưởng của các đặc
trưng nhân khẩu của người Kơho có ảnh hưởng như thế nào đến việc lựa
chọn các hoạt động sinh hoạt tinh thần. Để đạt được kết quả mong muốn,
chúng tôi xác định các đặc trưng nhân khẩu có khả năng ảnh hưởng lớn
đến việc lựa chọn các hoạt động sinh hoạt thường ngày như giải trí, giao
tiếp, … là độ tuổi, trình độ học vấn, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp.
Để làm rõ sự khác biệt bên trong của các đặc trưng nhân khẩu học,
chúng tôi tiến hành xử lý liệu dữ liệu dưới dạng tương quan, phân tổ theo
từng nhóm đặc trưng cụ thể về mức độ tham gia, đánh giá của các nhóm
đặc trưng nhân khẩu trong mục đích tham gia và lựa chọn các hoạt động
sinh hoạt tinh thần.
3.2.2.1. Độ tuổi
Độ tuổi là một trong những đặc trưng nhân khẩu quan trọng để cho
thấy rõ khả năng tiếp biến văn hóa và lựa chọn các loại hình sinh hoạt tinh
thần của mỗi cá nhân. Trong lý giải thông thường của chúng ta, thường thì

103
những người trong độ tuổi thanh niên sẽ có khả năng tiếp thu và tiếp nhận
cái mới nhanh hơn so với độ tuổi trung niên hay nhóm người già bởi khả
năng nhanh, nhạy và tiếp cận công nghệ số tốt hơn.
Ghi nhận trong nghiên cứu này của chúng tôi cho thấy rằng mức độ
thường xuyên tham gia vào một số hoạt động tinh thần như thể thao, văn
nghệ, đi cà phê ở quán, đi chơi nhà hàng xóm, hát karaoke; chăm sóc bản
thân - làm đẹp; đi chơi với bạn bè; tổ chức ăn nhậu; du lịch hồi hương của
ở nhóm tuổi từ 18 đến 35 tuổi cao hơn so với các nhóm tuổi khác.
Kế đến là nhóm tuổi từ 36 đến 45 tuổi có mức độ khá thường xuyên
tham gia vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa như nghe đài/radio, đi cà phê
ở quán, đi chơi với bạn bè, người yêu, tổ chức ăn nhậu và đi Chùa, Nhà thờ,
đền Miếu.
Ở các nhóm tuổi từ 46 đến 60 tuổi, và từ 61 tuổi trở lên mức độ tham
gia các hoạt động sinh hoạt không có sự khác biệt nhau đáng kể. Tuy nhiên
cũng cần chú ý là ở nhóm tuổi từ 61 trở lên, xu hướng lựa chọn tham gia lễ
mừng thọ khá cao, bởi theo người Kơho, sinh nhật hay mừng tuổi, mừng
thọ có một ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng, thể hiện được khả năng
quan tâm của con cháu trong gia đình đối với những người lớn tuổi, người
được sinh ra và trưởng thành tốt. “Lễ mừng thọ trở thành nếp sống của bà
con, được duy trì bằng con trâu con bò, một số hộ làm con heo. Còn về
văn hóa vẫn tiếp tục phát triển văn hóa trong các buôn làng, ở địa bàn còn
10-11 đội nhóm cồng chiêng bây giờ còn 9,10 nhóm hoạt động” (Nam, 35
tuổi, cán bộ văn hóa TT Lạc Dương).
Kết quả cho thấy rõ ràng xu hướng lựa chọn các hoạt động sinh
hoạt tinh thần của các nhóm tuổi phù hợp với nhu cầu và mong đợi của
các cá nhân. Nhóm tuổi thanh niên thường tham gia vào những hoạt
động tinh thần có tính chất sôi nổi, năng động nhiều hơn so với những
người lớn tuổi. Trong khi đó nhóm người lớn tuổi có xu hướng lựa chọn
tham gia những hoạt động sinh hoạt mang tính nhẹ nhàng, ít vận động và
hướng đến việc nghỉ ngơi hoặc các sinh hoạt tinh thần có tính chất truyền
thống nhiều hơn.

104
3.2.2.2. Trình độ học vấn
Trình độ học vấn là một chỉ báo quan trọng trong việc xem xét khả
năng tiếp nhận các giá trị văn hóa mới, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền
thống, cũng như khả năng giải mã thông tin trên một số phương tiện truyền
thông như báo in, xu hướng lựa chọn kết hôn và khả năng tham gia vào
các sinh hoạt văn hóa tinh thần hiện nay. Kết quả ghi nhận của chúng tôi
cho thấy hoạt động xem tivi và đi chùa, nhà thờ, đền miếu có mức độ khá
thường xuyên. Tuy vậy, kết quả khảo sát sơ lược 17 hoạt động sinh hoạt
tinh thần trong đời sống của đồng bào dân tộc cũng có sự khác biệt đáng
kể giữa các nhóm tuổi, cụ thể như sau:
Ở nhóm có trình độ học vấn thấp như là “mù chữ; chưa từng đi học
và tiểu học”, họ có xu hướng thường xuyên tham gia các hoạt động sinh
hoạt tinh thần giống nhau như thường xem ti vi, đi chơi nhà hàng xóm, đi
Chùa, Nhà thờ, Đền Miếu. Ít tham gia vào các hoạt động giải trí trong thời
gian rỗi như đọc sách báo. Xu hướng lựa chọn và tham gia các hình thức
sinh hoạt tinh thần của nhóm có trình độ học vấn thấp là điều dễ hiểu, bởi
việc đọc báo đòi hỏi con người phải biết chữ và có khả năng giải mã các
thông tin báo chí truyền tải, khi đó họ mới có cơ hội tiếp cận đến những
giá trị tinh thần mới, nghĩ đến lợi ích của việc chăm sóc bản thân và làm
đẹp tốt hơn, hướng đến xây dựng những mô hình văn hóa tinh thần mới
ngoài những mô hình văn hóa tinh thần tồn tại như những khuôn mẫu định
sẵn cho họ.
Ở nhóm có trình độ học vấn là “THCS và THPT”, ngoài hình thức
giải trí thường xuyên như xem tivi, đi chơi nhà hàng xóm, đi Chùa – Nhà
thờ - Đền Miếu, mức độ tham gia các sinh hoạt tinh thần khác như đi cà
phê ở quán, đi chơi với bạn bè ở mức độ trung bình. Còn các hoạt động
như đọc báo, biểu diễn văn nghệ, đánh cờ đánh bài gần như rất ít tham gia.
Ở nhóm có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên đến đại học, mức
độ tham gia vào các hoạt động sinh hoạt tinh thần, đặc biệt là những hình
thức sinh hoạt tinh thần mới do các phương tiện truyền thông mang lại thể
hiện sự khác biệt đáng kể so với các nhóm có trình độ học vấn như THPT,

105
THCS, tiểu học, chưa từng đi học và mù chữ; đặc biệt là trong việc giải trí
thông qua đọc báo.
Kiểm định mối liên hệ giữa trình độ học vấn với xem tivi bằng
phương pháp kiểm định Chi-Square, cho thấy mức ý nghĩa thống kê Sig
=0,000 < 0,05; điều này chứng tỏ rằng với tập dữ liệu mẫu ta có đủ bằng
chứng thống kê để cho thấy trình độ học vấn có liên hệ với việc xem ti vi
của người Kơho trên hai địa bàn nghiên cứu (xem Bảng 3.17).
Bảng 3.17: Kiểm định One-Sample Statistics về mối liên hệ giữa xem
tivi với trình độ học vấn

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Thực hiện phép kiểm định mối liên hệ giữa trình độ học vấn với việc
đọc báo bằng phương pháp kiểm định Chi-Square, cho thấy mức ý nghĩa
thống kê Sig =0,000 < 0,05, có thể kết luận rằng với tập dữ liệu mẫu ta có
đủ bằng chứng thống kê để cho thấy trình độ học vấn có liên hệ với việc đọc
báo của người Kơho trên hai địa bàn nghiên cứu (xem Bảng 3.18).

Bảng 3.18: Kiểm định One-Sample Statistics về mối liên hệ giữa


đọc báo với trình độ học vấn

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Thực hiện phép kiểm định mối liên hệ giữa trình độ học vấn với
việc nghe radio/phát thanh bằng phương pháp kiểm định Chi-Square cho
thấy mức ý nghĩa thống kê Sig =0,000 < 0,05 (Bảng 3.15), có thể kết luận

106
rằng với tập dữ liệu mẫu ta có đủ bằng chứng thống kê để cho thấy trình độ
học vấn có liên hệ với việc nghe radio/phát thanh của người Kơho trên hai
địa bàn nghiên cứu (xem Bảng 3.19).
Bảng 3.19: Kiểm định One-Sample Statistics về mối liên hệ giữa
nghe đài, radio với trình độ học vấn

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Rõ ràng là trình độ học vấn thể hiện khả năng phân hóa trong việc
lựa chọn các hoạt động sinh hoạt tinh thần khá rõ ràng, kết quả phân tích
cho thấy có sự khác biệt đáng kể trong việc lựa chọn các hoạt động sinh
hoạt tinh thần giữa các nhóm có trình độ học vấn khác nhau. Xu hướng
thiên về những hoạt động có tính chất truyền thống tập trung vào nhóm
có trình độ học vấn thấp; nhóm có trình độ học vấn khá cao, cao thì tham
gia nhiều vào các hoạt động sinh hoạt tinh thần mới - chủ yếu do các
phương tiện truyền thông mang lại. Điều này thể hiện sâu sắc giá trị tiếp
biến văn hóa và hội nhập vào “xã hội đại chúng” hơn của nhóm có trình
độ học vấn cao.
3.2.2.3. Đặc điểm giới tính
Giới tính là một chỉ số quan trọng trong các nghiên cứu của xã hội
học, các nghiên cứu về giới tính đang cố gắng tìm đến để giải thích sự
khác biệt giữa nam và nữ trong việc tham gia vào các hoạt động xã hội.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi muốn nghiên cứu xem có sự khác biệt
nào trong việc tham gia vào các hoạt động sinh hoạt tinh thần giữa nam và
nữ người Kơho hay không? Kết quả cho thấy rằng, mức độ tham gia vào
một số hoạt động sinh hoạt tinh thần giữa nam và nữ không có sự khác
biệt nhiều như xem tivi; dự sinh nhật; hiếu hỉ; biểu diễn văn nghệ, triển
lãm; đi chơi nhà hàng xóm; đi Chùa, Nhà thờ, Đền Miếu. Tuy nhiên, bên

107
cạnh xu hướng lựa chọn giống nhau trong một số hình thức tham gia sinh
hoạt tinh thần cũng có sự khác biệt trong việc tham gia một số hoạt động
giữa nam và nữ; cụ thể, nam có xu hướng tham gia vào các hoạt động
như đọc báo, thể thao ngoài thôn/xã, đi cà phê ở quán, đi chơi với bạn bè
người yêu, tổ chức ăn nhậu có mức độ thường xuyên hơn so với nữ. Trong
khi đó nữ giới tham gia thường xuyên hơn vào hoạt động chăm sóc bản
thân và làm đẹp.
Xu hướng lựa chọn có sự giống và khác biệt trong mức độ tham gia
vào các hoạt động sinh hoạt tinh thần như phân tích ở trên phù hợp với nhu
cầu, khả năng vốn có của từng giới tính trong xã hội và giúp cho mỗi giới
có cơ hội, khả năng khẳng định vị thế, vai trò xã hội mình. Sự tác qua lại
giữa giới, văn hóa và đô thị hóa sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn sâu sắc
về cách thức xây dựng các mô hình văn hóa trong xu hướng hội nhập như
ngày nay.
3.2.2.4. Tôn giáo
Tôn giáo là một trong những đặc trưng nhân khẩu đặc biệt, thể
hiện sâu sắc niềm tin, tín ngưỡng của con người, việc được sinh ra từ tôn
giáo nào là yếu tố mà cá nhân khó có thể thay đổi, tuy nhiên cách thực
hành tôn giáo của một số người có thể khác nhau. Trong nghiên cứu này
của chúng tôi, đơn vị mẫu tập trung chủ yếu vào hai tôn giáo chính là
Tin lành và Thiên Chúa giáo, việc khảo sát khái quát mức độ tham gia
vào các hoạt động sinh hoạt tinh thần, về cơ bản chúng tôi nhận thấy
không có sự khác biệt nhiều giữa hai tôn giáo này trong mức độ tham
gia thường xuyên (hàng ngày). Cụ thể, xem tivi là một trong những hoạt
động khá thường xuyên và quen thuộc của người Kơho theo đạo Tin
lành và Thiên Chúa giáo, mức độ theo dõi hàng ngày đều chiếm tỷ lệ từ
67,5% đến 68%; trong khi đó, đọc báo hàng ngày lại chiếm tỷ lệ rất thấp
và không có sự khác biệt giữa hai tôn giáo (từ 5,1% đến 6,4%); mức độ
theo dõi radio hằng ngày đều chiếm tỷ lệ gần bằng 24%... tương tự cho
14 hoạt động được khảo sát (phúng điếu/hiếu hỉ; thể thao, biểu diễn văn
nghệ ở địa phương, cà phê, thăm hỏi hàng xóm, hát karaoke, chăm sóc
bản thân/làm đẹp, đánh bài, đi chơi với người yêu, tổ chức ăn nhậu, du

108
lịch/hồi hương), mức độ tham gia hàng ngày chiếm tỷ lệ tương đối thấp
ở cả hai tôn giáo.
3.2.2.5. Nghề nghiệp
Trong các nghiên cứu của xã hội học, nghề nghiệp là một đặc trưng
nhân khẩu quan trọng, thể hiện tính đặc thù, khả năng chuyên môn hóa
lao động. Mặt khác, nghề nghiệp phần nào phản ánh đến trình độ học
vấn, và có ảnh hưởng đến thu nhập,… từ đấy sẽ quyết định đến việc hiểu
và giải mã thông tin, lựa chọn các loại hình sinh hoạt tinh thần phù hợp
với đặc thù nghề nghiệp và quỹ thời gian nhàn rỗi của cá nhân. Trong
nghiên cứu này của chúng tôi, khối lượng đơn vị mẫu làm nghề nông
nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao, các ngành nghề còn lại chiếm tỷ lệ khá thấp
(xem bảng cơ cấu mẫu ở phần đầu). Việc tham gia vào các hoạt động
sinh hoạt tinh thần giữa các nhóm nghề nghiệp cũng có sự khác biệt
đáng kể. Cụ thể, những người làm nghề nông có mức độ tham gia khá
thường xuyên vào các hoạt động sinh hoạt tinh thần như đi chơi nhà
hàng xóm, xem tivi, đi Chùa/Nhà thờ/Đền Miếu. Trong khi đó, ở các
nhóm nghề khác (cán bộ tại xã, thị trấn, thôn, công an, giáo viên, bác
sĩ, kỹ sư) xu hướng tham gia thường xuyên hơn vào các hoạt động sinh
hoạt tinh thần mới do các phương tiện truyền thông đại chúng mang lại
như xem tivi, đọc báo và nghe phát thanh, đi cà phê ở quán, chơi thể
thao ngoài thôn, đi chơi với bạn bè.
Nói tóm lại, các đặc trưng nhân khẩu xã hội có ảnh hưởng nhất định
đến việc tham gia các hoạt động sinh hoạt tinh thần của người Kơho hiện
nay, điều này góp phần xây dựng nên các mô hình sinh hoạt tinh thần trong
đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Kơho ở Lâm Đồng theo nhu cầu
của cá nhân và cộng đồng, thích nghi và hội nhập với xu thế vận động và
phát triển của xã hội. Sự khác biệt trong các đặc trưng nhân khẩu là minh
chứng cho những khác biệt vẫn còn tồn tại bên trong của mỗi nhóm cộng
đồng nói riêng và xã hội nói chung, đồng thời cũng là minh chứng cho xu
hướng thích nghi và tiếp biến văn hóa trong quá trình biến đổi xã hội dưới
sự tác động của quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế.

109
3.2.3. Quá trình đô thị hóa và các phương tiện truyền thông đại chúng ảnh
hưởng đến đời sống tinh thần qua những sinh hoạt văn hóa thường ngày
Tốc độ phát triển của đô thị hóa đã kèm theo việc phát triển hệ thống
cơ sở hạ tầng, dịch vụ truyền thông được cải thiện hơn trước. Điều này đã
mở ra cơ hội giao lưu, tiếp biến văn hóa cho loài người, đặc biệt là đối với
đồng bào dân tộc Kơho trên địa bàn nghiên cứu của chúng tôi.
Như ở phần đầu chúng tôi có đề cập đến, “đô thị hóa được hiểu là
quá trình biến đổi kinh tế, xã hội, văn hóa và không gian. Các yếu tố này
có mối quan hệ với nhau hết sức mật thiết, trong đó diễn ra sự chuyển dịch
cơ cấu lao động, sự phát triển ngành nghề mới, sự tăng trưởng dân cư,
sự phát triển đời sống văn hóa, sự chuyển đổi lối sống và đi liền là sự mở
rộng không gian thành hệ thống đô thị song song với việc tổ chức bộ máy
hành chính và quân sự” (Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang
Vinh, 2005: 369). Các lý thuyết đô thị hóa dường như đã phát triển và được
bàn luận ở nhiều trường phái khác nhau. Khi phân tích và trình bày về lý
thuyết đô thị hóa, các tác giả đã tập trung vào sự tăng trưởng kinh tế, phát
triển công nghiệp, quá trình di dân hay sự tăng lên về mặt dân số, những
thay đổi của văn hóa, các giá trị, phong tục tập quán, cơ cấu dân số,... của
các nhóm cộng đồng dân cư khác nhau. Những kết quả đạt được của các
nhà nghiên cứu đi trước đã giúp cho chúng tôi có thêm cách nhìn, cách giải
thích về việc tham gia các hoạt động giải trí cũng như các hình thức sinh
hoạt thường ngày của người Kơho. Với những đặc thù trong chiến lược
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Lâm Đồng, đặc biệt là quá trình đô thị
hóa đã góp phần tạo ra những thay đổi trong việc lựa chọn các hình thức
sinh hoạt tinh thần thường ngày trong đời sống tinh thần của người Kơho
nói chung sao cho phù hợp với những nhu cầu và mục đích tồn tại của họ.
Sự giao lưu, hội nhập của các nhóm dân cư, sự phát triển của các phương
tiện truyền thông đại chúng đều góp phần tạo ra những nét mới trong đời
sống tinh thần của người Kơho. Bởi “các lý thuyết gia xung đột nhấn
mạnh rằng các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh và thậm
chí còn làm trầm trọng thêm cho những phân cách trong xã hội chúng ta,
kể cả những phân cách dựa trên giới tính, ... Tương tác xã hội bên trong

110
một nền văn hóa sẽ bị biến đổi ra sao trước sự có sẵn ngày càng tăng của
các hình thức truyền thông điện tử” (Richard T.Schaefer, 2003:216,749);
hay “nhiều người lo ngại về ảnh hưởng của chuyện xem ti vi như một thứ
baby-sister, hoặc tác động của các chương trình có tính chất bạo lực đối
với hành vi của người xem” (Richard T.Schaefer, 2003: 212).
Trên thực tế, quá trình đô thị hóa trong hơn 10 năm qua đã ít nhiều
tác động đến hệ thống cơ sở hạ tầng của các địa phương, hệ thống đường
sá, cầu cống; hệ thống thông tin ngày một được nâng cấp, mở rộng và phát
triển, “ánh sáng của văn minh đô thị” đã dần đi sâu vào đời sống của bà con
sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh. Theo kết quả báo cáo tình
hình phát triển kinh tế của địa phương, trên hai địa bàn chúng tôi nghiên
cứu, tính đến thời điểm hiện nay thì 100% bà con đều có điện sinh hoạt.
Hệ thống loa phát thanh không dây đã được đầu tư nhằm mang thông tin,
truyền thông đến cho bà con, tỷ lệ phủ sóng truyền thanh đạt 100%, truyền
hình đạt 98%, tỷ lệ hộ xem truyền hình 95%, tỷ lệ hộ nghe Đài Tiếng nói
Việt Nam 100%.
Nếu làm phép tính so sánh về tỷ lệ có sở hữu các phương tiện
truyền thông đại chúng, chúng ta thấy rằng tỷ lệ hộ gia đình có sở hữu
các phương tiện như tivi, phát thanh/radio hay báo in đều có xu hướng
tăng lên so với 10 năm trước (kết quả được phân tích cụ thể ở chương
này). Các dịch vụ truyền hình cũng có xu hướng cải thiện hơn nhiều. Cụ
thể, trong 10 năm về trước, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng ăngten là 49,9%,
tỷ lệ có sử dụng đến truyền hình cáp, chảo và máy thu kỹ thuật số không
đáng kể (chỉ đạt từ 0,6% đến 9%), tỷ lệ hộ gia đình không có các dịch
vụ truyền hình lên đến 39,0%. Trong giai đoạn hiện nay, có đến 62,7%
hộ gia đình có truyền hình cáp, máy thu kỹ thuật số đạt 15,9%, tỷ lệ hộ
gia đình sử dụng ăngten hiện nay chỉ còn 9,4%, tỷ lệ hộ gia đình không
có giảm xuống còn 6,1% (Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017).
Phương tiện truyền thông và dịch vụ truyền hình được cải thiện, đồng
nghĩa với việc đời sống tinh thần của đồng bào được nâng cao. Như chúng
ta biết, mỗi loại phương tiện truyền thông ra đời đều có những vai trò, chức
năng cũng như những tiện ích riêng của nó. Kết quả nghiên cứu cho thấy

111
mức độ xâm nhập của truyền hình đến đời sống tinh thần của người Kơho
mạnh hơn của phát thanh và báo in. Vấn đề này được thể hiện qua tỷ lệ
những người có tham gia và dành thời gian cho hoạt động theo dõi truyền
thông hàng ngày, cũng như mức độ quan tâm đến các mục do các phương
tiện truyền thông mang lại. Đồng thời, còn được thể hiện trong mục đích
theo dõi các phương tiện truyền thông. Những người có theo dõi phương tiện
truyền hình chiếm tỷ lệ áp đảo so với truyền thanh và báo in. Mặt khác, đối
với người Kơho thì truyền hình không chỉ dùng để giải trí, mà mức độ quan
tâm của họ hầu như đều dành cho các vấn đề thời sự trong nước và thế giới
với mục đích là để hiểu và nắm bắt thông tin về kinh tế, chính trị, văn hóa
và xã hội. Chúng tôi nhận thấy rằng, bằng các cải tiến và phát triển nhanh
chóng của truyền hình, hay nói cách khác tính hiệu quả của truyền hình thể
hiện ở tính đổi mới và sáng tạo của nó được thể hiện và bộc lộ thông qua
việc cho ra đời các kênh truyền thông mới, nội dung đa dạng và phong
phú tương thích với những nét văn hóa cũng như nhận thức và suy nghĩ
của người dân thì phương tiện này ngày một đi sâu vào đời sống của công
chúng. Trong khi đó, phát thanh (radio) cũng là một phương tiện khá phổ
biến và quen thuộc, không chỉ có chức năng truyền phát tin nhanh mà còn
có những chức năng tiện ích của nó, thì hầu như không được người Kơho
quan tâm nhiều, phần lớn người Kơho nghe được là từ ủy ban xã, thị
trấn phát chứ không phải là một loại phương tiện sở hữu cho riêng mình
để nghe và theo dõi thông tin, giải trí và sinh hoạt văn hóa. Tuy nhiên,
người Kơho đã hình thành được một thói quen trong việc theo dõi phát
thanh (radio) vào mỗi buổi sáng. Đó là một chỉ báo quan trọng trong việc
lưu giữ loại phương tiện truyền thông này để sinh hoạt văn hóa, theo dõi
thông tin và giải trí, trong khi tỷ lệ những người có sở hữu loại phương
tiện này lại quá khiêm tốn. Bên cạnh truyền hình, phát thanh thì báo in là
một kênh thông tin chính, luôn truyền tải các thông tin bằng chữ viết. Mặt
khác, trong những năm gần đây, nhờ vào sự đổi mới của phương tiện này
nên báo in không chỉ dừng lại ở chữ viết mà nội dung, màu sắc và hình
ảnh của các trang mục cũng khá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, kết quả
của chúng tôi thu nhận được lại cho thấy rằng, đối với người Kơho thì báo
in là loại phương tiện truyền thông còn tương đối xa lạ trong đời sống tinh

112
thần của họ, họ chưa thực sự có được một thói quen đọc báo, chưa thực
sự thấy được những tác dụng to lớn của báo chí mang lại. Đối với những
người có theo dõi báo in thì mục đích quan tâm của họ cũng chỉ dừng lại
trong việc giải trí là chính chứ chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề thời
sự, chính trị, văn hóa và xã hội. Do đó, báo in cho đến nay vẫn luôn là
một kênh thông tin chưa thực sự tương thích với đời sống tinh thần và thói
quen, tập quán của người Kơho.
Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát tại xã Tà Nung và thị trấn Lạc
Dương chúng tôi nhận thấy rằng, dù là loại phương tiện gì, hình thức
hưởng thụ ra sao, và mức độ theo dõi như thế nào chăng nữa thì người
Kơho vẫn thể hiện được cách ứng xử của mình đối với các loại phương
tiện truyền thông. Các hoạt động theo dõi và chia sẻ thông tin đều nằm
trong mối quan hệ và tương tác xã hội, mạng lưới thân hữu được thể
hiện rõ trong việc theo dõi các phương tiện truyền thông, đặc biệt là
truyền hình. Mặt khác, mọi hoạt động và ứng xử trong đời sống tinh
thần của con người đều được quy định bởi những mô hình văn hóa nhất
định, và chính những mô hình văn hóa này lại chỉ đạo phương thức tư
duy của mỗi cá nhân trong các nhóm và cộng đồng. Nó định hướng cho
họ có những lối suy nghĩ và hành xử thích hợp trong việc lựa chọn các
phương thức hưởng thụ văn hóa khác nhau đối với các loại phương tiện
truyền thông. Và cũng chính các mối quan hệ này lưu giữ được những
nét văn hóa mang tính chất đặc trưng, truyền thống của dân tộc ấy.
Qua phần phân tích thực trạng của đời sống tinh thần của người
Kơho trong quá trình đô thị hóa thông qua các hoạt động sinh hoạt thường
ngày trên hai địa bàn nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng:
Hiện nay đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa
bàn đã từng bước được cải thiện, mức sống, thu nhập khá cao, các tiện nghi
sinh hoạt trong gia đình có xu hướng tăng lên so với các thời kỳ trước.
Công tác đảm bảo đời sống và các nhu cầu thiết yếu được chú trọng. Bên
cạnh đó, nhu cầu giao tiếp, hiểu biết thông tin cũng được người dân quan
tâm hơn. Chi phí cho các nhu cầu thiết yếu và giao tiếp, hiểu biết thông tin
cũng vì vậy mà cải thiện đáng kể.

113
Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng hiện nay được biểu
hiện khá đa dạng, phong phú trong hình thức, cách thức và nội dung của
các hoạt động sinh hoạt giải trí, giao tiếp thường ngày. Có sự khác biệt
đáng kể trong việc tham gia, lưu giữ và đánh giá ý nghĩa của các hình
thức sinh hoạt tinh thần của người Kơho trên hai địa bàn nghiên cứu. Cụ
thể kết quả cho thấy mức độ hội nhập, giao lưu, tiếp biến văn hóa của
người Kơho đối với các giá trị tinh thần mới thông qua các phương tiện
truyền thông, cụ thể là truyền hình, báo in, phát thanh (radio) ở thị trấn
Lạc Dương chiếm tỷ lệ cao hơn so với xã Tà Nung. Nhưng việc tham gia
vào những sinh hoạt tinh thần có tính chất truyền thống như đi chơi nhà
hàng xóm láng giềng, hoạt động thể dục thể thao thì người Kơho ở xã Tà
Nung tham gia nhiều hơn.
Điều kiện kinh tế xã hội, đô thị hóa, truyền thông đại chúng và các
yếu tố thuộc về nhân khẩu xã hội cá nhân có ảnh hưởng nhất định đến việc
tham gia vào các hình thức hoạt tinh thần thường ngày của người Kơho.

114
Chương 4
ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI KƠHO
QUA CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA THEO KỲ DỊP

Trên địa bàn thị trấn Lạc Dương có 7/12 tổ dân phố với đa số là
người dân tộc bản địa, trong đó có ba tổ dân phố có tổ chức kinh doanh văn
hóa cồng chiêng (Bon Dơng II, Bon Dơng I, Đăng Gia). Đời sống kinh tế
của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân
đầu người thấp. Mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhân dân
các dân tộc ở thị trấn có một nền văn hóa phong phú, độc đáo, giàu bản
sắc dân tộc, có tinh thần tương thân tương ái và tính cộng đồng cao. Nhân
dân ham thích các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và có ý
thức bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc bản địa.
Các kết quả nghiên cứu từ ngành dân tộc học và nhân học đã chỉ ra
rằng: “cũng như mọi tộc người Tây Nguyên khác, người Kơho thường phải
cúng kiếng để cầu xin vào các dịp như mùa màng, tang ma, hôn nhân, ốm
đau,… Tùy theo lễ lớn nhỏ, mà con vật hiến sinh sẽ được lựa chọn là trâu,
hay bò, heo, gà, ... Đồng thời bao giờ cũng có những ghè rượu. Đến nay tại
một số vùng sâu, vùng xa, các lễ nghi, tập quán, phong tục cổ truyền của
người Kơho ít nhiều vẫn còn được bảo lưu. Nhưng bên cạnh đó, mấy chục
năm lại đây một bộ phận khá lớn người Kơho đã tin theo những tôn giáo
nhập từ bên ngoài vào như Thiên Chúa giáo, nhất là Tin lành. Nhiều phong
tục cổ truyền cũng đã thay đổi theo thời thế và tín ngưỡng. Tín ngưỡng của
người Kơho là vạn vật hữu linh, đa thần, nên cũng như mọi tộc người thiểu
số khác trên cùng địa bàn, có rất nhiều các lễ thực được tổ chức hàng tháng,
hàng năm. Có những lễ cúng từng gia đình, nhưng cũng có các lễ cúng của
cả cộng đồng” (Linh Nga NiêkDam, 2011: 34). Trong các lễ nghi, phong tục,
tập quán cổ truyền phải kể đến lễ hội văn hóa. Lễ hội văn hóa là một trong
những biểu hiện cơ bản của các giá trị tinh thần tồn tại trong cộng đồng, làng
bản; là những phong tục nhằm để đánh dấu hoặc nhắc đến một sự kiện có
ý nghĩa trong đời sống cộng đồng và được đông đảo quần chúng tham gia,
hưởng ứng. Lễ hội văn hóa thường được tổ chức vào số dịp lớn trong năm,

115
gắn liền với những sự kiện lớn của cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa, tinh
thần, truyền tải được tiếng nói, linh hồn và nguyện vọng của con người. Một
số lễ hội thường được tổ chức thành chu kỳ trong một năm như lễ hội mừng
lúa mới, năm mới, lễ hội đâm trâu, lễ Giáng sinh, lễ hội văn hóa cồng chiêng.
Theo kết quả ghi nhận của chúng tôi, các giá trị tinh thần truyền thống như
lễ hội có xu hướng biến đổi khá nhiều, xu hướng giảm dần của một số lễ hội
văn hóa được phản ánh khá rõ nét. Cụ thể, khi xem xét sự tồn tại của các lễ
hội văn hóa theo kỳ dịp trong vòng 10 năm qua đã cho thấy có những lễ hội
văn hóa có xu hướng giảm mạnh, cụ thể: lễ hội mừng lúa mới (từ 77,8%
giảm xuống còn 5,9%), lễ hội đâm trâu (giảm từ 62,7% xuống còn 31,9%),
văn hóa cồng chiêng (từ 77,8% giảm còn 66,5%); bên cạnh đó, một số lễ hội
văn hóa có xu hướng tăng lên khá rõ nét trong đời sống tinh thần của cộng
đồng như lễ Tết (từ 33,1% tăng lên 40,9%), lễ Giáng sinh (từ 93,7% tăng
lên 99,0%), do đó mức độ tham gia vào các lễ hội cũng có xu hướng khác
nhau (nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017). Điều đáng chú ý ở đây là
trong các lễ hội hiện nay ở của người Kơho mà chúng tôi có có khảo sát,
tỷ lệ người Kơho không bao giờ tham gia rất cao, cụ thể sẽ được chúng tôi
phân tích trong từng loại hình lễ hội văn hóa.
Việc phát huy các giá trị tinh thần của cộng đồng sẽ góp phần vào việc
phát triển khối đại đoàn kết của dân tộc, mặt khác phát huy và phát triển các
giá trị tinh thần sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho các thành viên trong cộng đồng
thôn/bản cùng tham gia.
4.1. Đời sống tinh thần qua các hoạt động theo kỳ dịp của người Kơho ở
Lâm Đồng
4.1.1. Lễ hội mừng lúa mới, năm mới và lễ hội đâm trâu
Theo nghiên cứu của Linh Nga NiêkDam cùng các nhà nghiên cứu
dân tộc học và nhân học, trước khi người Kơho thu hoạch lúa bắp sẽ có
một lễ cúng lúa nhô kach, gồm một ghè rượu, một con gà cúng tại mỗi lô
một lần (gieo nhiều loại lúa trên một rẫy lớn). Để chuẩn bị cho lễ này cả
bon phải chung tay dọn dẹp vệ sinh trong nhà, ngoài bon, bến nước cho
thật sạch sẽ, sửa chữa dụng cụ cắt lúa cho bén để đón lúa về. Lễ kach được

116
tổ chức sau khi suốt hết lúa, cất hết vào kho (đăm) ở trên gác bếp. Chỉ có
lúa giống để trong gùi phía dưới, không đổ chung vào kho. Người ta cũng
để vài ba gùi ở dưới để ăn hàng ngày. Tuy nhiên, trước khi đổ lúa mới vào
bồ, người ta phải lấy hết lúa, bắp cũ ra khỏi bồ, mang đi làm rượu ché. Khi
nào rượu này uống được, mới tổ chức lễ kach. Tháng 11, 12 khi chuẩn bị
làm lễ “uống rơm rạ” khui bồ lúa mới ra (ăn cơm mới) nhô rhe, cả bon sẽ
cùng nhau đi tát cá, phường săn vào rừng kiếm con thịt (săn hoặc bẫy) để
cho bữa ăn thêm phong phú. Đây cũng đồng thời là lễ đón năm mới của
cộng đồng. Nếu mùa màng thu hoạch được lớn, sẽ phải có trâu để làm vật
hiến sinh tạ ơn các vị thần linh. Lễ này được coi là lễ lớn nhất trong vòng
một năm (còn gọi là nhô lêr boong). Tuy nhiên, với đặc trưng ngành nghề
sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, người Kơho trên địa bàn tỉnh
Lâm Đồng tùy thuộc vào đặc điểm địa lý để lựa chọn hình thức sản xuất
lúa nước, trồng cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm,... Chẳng hạn như người
Srê, phương thức canh tác chủ đạo là trồng lúa trên ruộng nước ở các thung
lũng (Srê nghĩa là ruộng nước) còn những nhóm người Kơho khác do cư
trú ở vùng núi cao, nên phát rừng làm rẫy (mir) để trồng ngô, lúa rẫy, sắn.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, người Kơho còn có một số các nghề khác: săn
bắt thú rừng, đánh cá, hái lượm lâm thổ sản vẫn rất phổ biến. Các nghề thủ
công phổ biến nhất là đan lát và rèn, riêng người Chil còn có thêm nghề
dệt, ngoài ra một số nơi có nghề gốm (làm theo phương thức không có bàn
xoay). Công cụ sản xuất truyền thống: rìu (sùng); chà gạc (woát hay yoas -
dùng để chặt cây, là một đoạn tre già uốn cong một đầu để tra lưỡi sắt), gậy
chọc lỗ tra hạt (chrmul), riêng nhóm Chil ngoài gậy chọc lỗ tra hạt còn có
thêm p’hal (dùng khi vừa chọc lỗ vừa tra hạt, có cán bằng gỗ, lưỡi sắt dài
khoảng 28 cm, rộng 3-4 cm). Công cụ canh tác lúa nước của người Srê có
cuốc; cày (ngal) làm bằng gỗ, trước đây lưỡi cũng bằng gỗ nhưng gần đây
thay bằng sắt; bừa (Sơkam) răng gỗ và Kơr (dùng để trang đất cho bằng
phẳng); cày, bừa và kơr đều do hai trâu kéo, hiện nay hình thức này không
còn phổ biến. Cộng đồng người Kơho đã chuyển từ hình thức sản xuất lúa
nước sang sản xuất cây cà phê, hoa màu. Xu hướng phát triển kinh tế thị
trường thay thế cho nền sản xuất tự cung, tự cấp đã góp phần làm thay đổi
một số mô hình văn hóa trong cộng đồng,“Thực ra thì đâm trâu với mừng

117
lúa mới nó cũng hiếm khi được tổ chức vì đòi hỏi kinh phí lớn. Ngày xưa
nhiều trâu, nhiều bò; gom góp mỗi nhà một tí, mỗi gia đình nhỏ gom góp
mua một con trâu thật béo tốt, dòng họ nào mua con trâu thật to thì dòng họ
đấy mới nổi tiếng. Việc này cũng thể hiện vai vế của dòng họ trong xã hội.
Bây giờ xảy ra ít, chỉ có những lễ hội lớn, vì bây giờ khu vực mình không
còn trồng lúa nữa. Lúa ở đây không còn được trồng trong khoảng bảy năm
nay, bây giờ ngay khu vực xung quanh, người Lạch đã sống ở ngay trung
tâm thành phố Đà Lạt, cuộc sống thay đổi, xã hội thay đổi…” (Nam, 46 tuổi,
làm nghệ thuật cồng chiêng, TT Lạc Dương). Những biến đổi này có thể
khẳng định lại một lần nữa trong lời giải thích của một người Kơho lớn tuổi
khi chúng tôi có dịp tiếp xúc “… bây giờ không còn làm lúa nữa, trên mười
năm nay dân ở tại thị trấn Lạc Dương này không còn làm lúa. Hồi xưa ở đây
thì có làm lúa, còn một bộ phận của bà con người Chil làm lúa rẫy, nương
rẫy, bà con người Lạch thì làm lúa nước.… hơn mười năm nay người ta bỏ
luôn lúa nước, người ta chuyển sang canh tác rau, dâu. So với thời kỳ làm
lúa nước thì thu nhập cao hơn, có thể làm từ một vụ chuyển sang làm hai,
ba vụ, nên lễ hội mừng lúa mới cũng không còn” (Nam, 64 tuổi, thị trấn Lạc
Dương). Cũng chính vì vậy, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu gần như
không còn tồn tại trong cộng đồng, văn hóa cồng chiêng thì có xu hướng
giảm dần, kết quả được phản ánh như sau (xem Bảng 4.1).
Bảng 4.1: Mức độ tham gia các lễ hội văn hóa của người Kơho
(Đơn vị: %)
Thị trấn Xã Tà
Chung
Lạc Dương Nung
Đo lường
Tần Tần
Tần số % % %
số số
Không bao
198 78,3 141 62,9 339 71,1
giờ
Lễ hội Hiếm khi 27 10,7 49 21,9 76 15,9
đâm trâu Thỉnh thoảng 22 8,7 27 12,1 49 10,3
Thường
6 2,4 7 3,1 13 2,7
xuyên

118
Không bao
235 92,9 179 79,9 414 86,8
giờ
Lễ Hiếm khi 14 5,5 21 9,4 35 7,3
mừng
lúa mới Thỉnh thoảng 1 0,4 17 7,6 18 3,8
Thường
3 1,2 7 3,1 10 2,1
xuyên
Không bao
193 76,3 118 52,7 311 65,2
giờ
Lễ Hiếm khi 9 3,6 37 16,5 46 9,6
mừng
năm mới Thỉnh thoảng 15 5,9 30 13,4 45 9,4
Thường
36 14,2 39 17,4 75 15,7
xuyên

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Để giải thích cho những biến đổi trong các lễ hội văn hóa nói trên,
chúng tôi đã tiến hành tiếp cận và tìm hiểu người dân trên địa bàn nghiên
cứu, kết quả cho thấy là: “Nói chung, trên địa bàn người dân tộc thiểu số
ở đều là dân tộc Lạch. Ngày xưa khác bây giờ do kinh tế, ngày xưa bà
con canh tác theo dạng du canh du cư làm lúa nước, một năm làm được
một vụ, năng suất thấp, trồng bắp trồng hoa phụ thêm mới đủ ăn. Qua
trao đổi kỹ thuật sản xuất do bà con tứ phương ngoài kia vào học theo
dần dần ngày càng nâng cao được kỹ thuật trồng trọt, năng suất kinh tế
được nâng cao. Về đời sống văn hóa thì ngày xưa làm lúa nước, làm một
năm chỉ được một mùa, tháng 11-12 sau mới thu hoạch, có của cải vật
chất mới làm cái lễ gọi là lễ mừng lúa mới, lễ này thường tổ chức vào cuối
năm, gần với lễ noel. Lúa nước mới thay đổi gần đây, cũng gần 10 năm
nay trước đây còn lễ mừng lúa mới. Khi bỏ lúa mới sang trồng hoa màu
thì không còn lễ mừng lúa mới nữa. Lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới ngày
càng mai một dần vì theo lối sống bây giờ. Ngày xưa họ theo lối sống tự
cung tự cấp còn bây giờ theo dịch vụ, ai cũng hướng tới phát triển kinh tế
thị trường nên cũng không còn trâu cày” (Nam, 35 tuổi, cán bộ văn hóa
thị trấn Lạc Dương).

119
Để một lần nữa khẳng định những nhân tố tác động làm biến đổi
các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây
Nguyên nói chung và đồng bào Kơho ở Lâm Đồng nói riêng, trong cuốn
sách “Giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên với phát triển bền vững”,
các tác giả đã cho rằng “có một thực tế là quá trình đổi mới và hội nhập
quốc tế hiện nay bên cạnh rất nhiều cơ hội thì bản sắc văn hóa tộc người
cũng đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ. Lễ hội đâm trâu của
đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng không nằm ngoài sự tác
động đó. Quá trình di dân tự do, tiếp cư, cận cư và xen cư giữa đồng bào
dân tộc thiểu số với người Kinh và cả người nước ngoài cũng tác động
rất lớn đến bản sắc văn hóa tộc người. Thêm nữa là tốc độ công nghiệp
hóa, hiện đại hóa, sự hội nhập quốc tế và sự phát triển các loại hình báo
chí, ấn phẩm văn hóa, nhất là sự bùng nổ công nghệ thông tin, internet
làm cho các nền văn hóa trên thế giới xích lại gần nhau. Điều đáng lo
ngại nhất là bản sắc văn hóa tộc người cũng bị mai một rất nhiều. Trong
đó di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào thiểu số sinh sống
ở Tây Nguyên và miền núi một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung cũng
nằm trong tình trạng báo động đó” (Viện Nghiên cứu Phát triển Phương
Đông, 2016: 278).
Như vậy, có thể nhận thấy rằng, các chính sách và chủ trương của
Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền là đúng đắn, toàn diện, triệt để
trong việc chuyển đổi thâm canh tăng vụ, chuyển đổi mô hình sản xuất
phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Điều kiện kinh
tế của địa phương và gia đình đã góp phần tạo ra những biến đổi trong
chính đời sống tinh thần của cộng đồng. Bên cạnh đó, vai trò của quá
trình mở cửa hội nhập với văn hóa bên ngoài thông qua quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xu hướng mở rộng lối
sống thành thị và ảnh hưởng từ nền kinh tế thị trường cũng là một trong
những yếu tố góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của cộng đồng người
Kơho trong đời sống tinh thần của họ.
Kết quả trên cho thấy, việc tổ chức các lễ hội văn hóa trong cộng
đồng ít nhiều còn được duy trì, bên cạnh việc giảm dần một số lễ hội như

120
đâm trâu, mừng lúa mới do quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, thâm
canh tăng vụ và sự chi phối của điều kiện tự nhiên; thì đã xuất hiện xu
hướng gia tăng của một số lễ hội khác như Noel, lễ Tết, các cuộc thi văn
nghệ, các buổi chiếu phim, thể dục thể thao, và được đồng bào dân tộc
Kơho hưởng ứng tham gia với mức độ đáng kể. Những biến đổi này ở
một góc độ nào đó phù hợp với thời thế và tín ngưỡng tôn giáo.
4.1.2. Lễ Tết, Giáng sinh
Lễ Tết, Giáng sinh cũng là một trong những lễ lớn thường được tổ
chức thành chu kỳ trong một năm. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, bên
cạnh những lễ hội và giá trị văn hóa có xu hướng giảm và mất dần, thì lễ
Tết, hay Giáng sinh trong đời sống cộng đồng gần như khá phổ biến, một
phần do quá trình sinh sống cùng người Kinh nên việc tổ chức riêng lễ
Tết cũng khá thường xuyên hơn. Theo kết quả nghiên cứu chúng tôi, đại
đa số đồng bào dân tộc đều theo Tin lành (58,7%) hoặc Thiên Chúa giáo
(41,3%). Vì vậy lễ Giáng sinh đã trở thành một ngày lễ lớn trong năm
được đồng bào hưởng ứng. Các ngày Phục sinh - ngày Noel, ngày Tết
trước hết đó là một hình thức thể hiện hành động, niềm tin, tín ngưỡng
cụ thể của con người, và sau đó nó thể hiện được những giá trị tinh thần,
mà cụ thể là những giá trị văn hóa, những phong tục, lễ nghi, tập quán ẩn
chứa sâu xa bên trong để nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình luôn
nhớ về nguồn cội của mình. Đồng thời, thể hiện được các mối quan hệ
của các cá nhân, gia đình và cộng đồng. Điều này thuộc về ý thức, văn
hóa của mỗi cá nhân, cộng đồng, góp phần định hình nên những mô
hình văn hóa mới. Noel - Giáng sinh là dịp để các cộng đồng tôn giáo
như Tin lành hay Thiên Chúa giáo bày tỏ lòng biết ơn, trân quý và tình
cảm của mình với đấng tối cao - Chúa, Cha. Đối với người Kơho cũng
vậy, Noel được tổ chức như Tết của người Kơho, bóng đèn, cây thông,
lễ nghi được trang trí, bày biện một cách trang trọng, uy nghiêm và giàu
tình nhân ái. Tỷ lệ người Kơho có tham gia thường xuyên vào lễ Giáng
sinh khá cao, và có sự khác biệt đáng kể trên hai địa bàn nghiên cứu (xem
Bảng 4.2).

121
Bảng 4.2: Mức độ tham gia lễ Tết, Giáng sinh của người Kơho
(Đơn vị: %)
Thị trấn Lạc
Xã Tà Nung Chung
Dương
Đo lường
Tần
Tần số % % Tần số %
số
Lễ Giáng sinh
Không bao giờ 7 2,8 4 1,8 11 2,3
Hiếm khi 5 2,0 23 10,3 28 5,9
Thỉnh thoảng 36 14,2 47 21,1 83 17,4
Thường xuyên 205 81,0 149 66,8 354 74,4
Lễ Tết của người Kinh
Không bao giờ 177 70,0 79 35,3 256 53,7
Hiếm khi 13 5,1 38 17,0 51 10,7
Thỉnh thoảng 29 11,5 45 20,1 74 15,5
Thường xuyên 34 13,4 62 27,7 96 20,1

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Điều này cho thấy rằng yếu tố tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến việc
tiếp cận và thể hiện tín ngưỡng, hành vi thực hành tôn giáo. Lễ Giáng sinh
vốn tồn tại trong các cộng đồng Công giáo, Tin lành, được tổ chức phổ biến
ở các nước phương Tây. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và
đô thị hóa, công nghệ và kỹ thuật được cải tiến, nhờ thế các phương tiện
truyền thông đại chúng đã kết nối văn hóa các quốc gia lại gần nhau hơn,
mức độ giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng vì vậy được thể hiện rõ nét hơn.
Còn đối với lễ Tết: người Kơho sinh sống chủ yếu ở Lâm Ðồng, họ
ăn tết sau tết Nguyên Ðán của người Kinh ở miền xuôi khoảng một tháng,
và gọi là Nhô Lir Bông, tức là tết mừng lúa về nhà. Khởi thủy, người Kơho
ở Lâm Đồng không ăn Tết cổ truyền như người Kinh và các dân tộc anh em
khác, “người Kơho không biết đến lễ Tết âm lịch theo cách tính của người
Kinh đối với người Kơho, Tết của họ chính là ngày Chúa giáng sinh, là

122
ngày thu hoạch mùa màng vào dịp cuối năm và làm lễ mừng lúa mới” (Nữ,
64 tuổi, Tà Nung). Những người Kơho lớn tuổi sinh sống truyền đời dưới
chân núi Langbiang hùng vĩ thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, vẫn
thường kể lại với đám con cháu sau này rằng, xưa kia Tết của người Kơho
thường được tổ chức sau khi thu hoạch mùa lúa rẫy. Ngày Tết của người
Kơho là để ăn mừng lúa mới, cầu nguyện và tế lễ thần linh ban cho một vụ
mùa sắp tới bội thu. Kết thúc những ngày say sưa vui Tết cũng là lúc bên
bếp lửa không còn được bỏ thêm củi. Vài chục năm gần đây, cùng với sự
chuyển biến về kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội của cộng đồng người
Kơho được nâng lên rõ rệt, lúa rẫy, bắp, củ mì… không còn là cây trồng
chủ đạo. Người Kơho dần dần biết làm cà phê, đưa nhiều giống cây trồng,
vật nuôi mới, lạ vào chăn nuôi, sản xuất. Sự dịch chuyển về cơ cấu kinh
tế cùng với sự giao thoa văn hóa với các cộng đồng dân tộc anh em cộng
sinh trong yên vui, hòa thuận đã khiến cộng đồng người Kơho ở Lâm Đồng
dần dần từ bỏ ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình để hòa chung với niềm
vui Tết cổ truyền của 54 dân tộc Việt Nam anh em (http://cand.com.vn/
Phong-su-tu-lieu/Tet-am-no-cua-ba-con-Kơho-Nam-Tay-Nguyen, ngày 12
tháng 11 năm 2018).
Quá trình tiếp biến văn hóa đã diễn ra trong bối cảnh biến đổi xã
hội, cũng chính vì vậy, tuy tỷ lệ không thường xuyên (không cúng bái, sửa
soạn nhà cửa, mua sắm Tết,…) tham gia vào lễ Tết của người Kinh vẫn còn
khá cao, nhưng ít nhiều nét văn hóa, giá trị tinh thần trong ngày lễ Tết của
người Kinh đã đi vào cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc Kơho (35,6%
tỷ lệ thường xuyên và thỉnh thoảng tham gia vào lễ Tết của người Kinh).
Và như kết quả đã cho thấy, có sự khác biệt rõ ràng trong việc tham gia vào
lễ Tết và lễ Giáng sinh của người Kơho trên hai địa bàn nghiên cứu, mức
độ tham gia lễ Giáng sinh của người Kơho ở thị trấn Lạc Dương thường
xuyên hơn ở xã Tà Nung, trong khi đó, người Kơho ở xã Tà Nung có tỷ lệ
tham gia vào lễ Tết cao hơn ở thị trấn Lạc Dương. Theo lý giải của người
Kơho, “trước đây lễ Tết của dân tộc nào thì dân tộc đó tổ chức, họ ít khi
tham gia sinh hoạt chung hay thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau, nhưng những
năm gần đây, mặc dầu nhiều người không tham gia vào lễ Tết của người

123
Kinh, không tham gia ở đây là không thờ cúng như người Kinh, nhưng đến
dịp lễ Tết của người Kinh, họ vẫn qua lại, thăm hỏi chúc tụng lẫn nhau”
(Nữ, 64 tuổi, Tà Nung).
Ở hầu hết tất cả các lễ hội văn hóa, mức độ “thường xuyên” và “thỉnh
thoảng” tham gia không cao, mức độ “hiếm khi” tham gia chiếm tỷ lệ đáng
kể, nhưng ở một khía cạnh khác đã cho thấy được sự tồn tại của các giá trị
văn hóa trong đời sống cộng đồng. Hành động “có tham gia” ở bất cứ mức
độ nào đã phản ảnh được ý nghĩa của văn hóa trong đời sống tinh thần của
đồng bào dân tộc: “Về thể dục thể thao thì cũng ít, ngày nay thì có quy định
tổ chức bóng đá, bóng chuyền; ngày xưa tổ chức tự phát, trong làng tổ chức
đám cưới thì mình lấy bong bóng heo làm bóng đá cho con cái đá chơi vui,
còn ông bà cha mẹ ăn nhậu đám cưới. Trong những dịp lễ lớn, cộng đồng có
tổ chức bắn nỏ. Đó là hồi xưa chứ hiện nay không có lấy bong bóng heo đâu”
(Nam, 35 tuổi, cán bộ văn hóa thị trấn). Những biến đổi này có thể giải thích
bằng những lý do như sau (xem Bảng 4.3):
Bảng 4.3: Lý do tham gia lễ hội văn hóa của người Kơho
(Đơn vị: %)
Thị trấn Xã
Đo lường Lạc Tà Chung
Dương Nung
Giữ gìn truyền thống văn
Lý do 68,8 70,5 69,6
hóa của dân tộc mình
tham
Gắn bó các thành viên
gia 53,8 61,2 57,2
trong làng
các
lễ hội Tỏ lòng biết ơn những
26,9 33,0 29,8
văn người có công với làng
hóa Để vui chơi, gặp gỡ 67,6 66,5 67,1
trong
giai Các dòng họ thể hiện bản
21,3 25,9 23,5
đoạn sắc riêng
hiện Do yêu thích 28,5 35,7 31,9
nay
Tín ngưỡng tôn giáo cần giữ 5,5 2,2 4,0

124
Thị trấn Xã
Đo lường Lạc Tà Chung
Dương Nung
Giữ gìn truyền thống văn
68,7 75,9 72,1
hóa của dân tộc mình
Lý do
tham Gắn bó các thành viên
54,8 63,4 58,8
gia trong làng
các Tỏ lòng biết ơn những
lễ hội 27,0 35,7 31,1
người có công với làng
văn
hóa Để vui chơi, gặp gỡ 56,0 60,7 58,2
trong Các dòng họ thể hiện bản
17,1 23,2 20,0
giai sắc riêng
đoạn
Do yêu thích 21,0 29,5 25,0
10
năm Tín ngưỡng tôn giáo cần
5,2 1,8 3,6
trước giữ
Lý do khác 0,4 - 0,2

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Kết quả đã phản ánh được nét đẹp trong đời sống tinh thần của người
Kơho, mỗi cá nhân trong cộng đồng luôn có ý thức về sự tồn tại của dân
tộc mình, trong đó văn hóa luôn là những biểu hiện đầu tiên cho sự tồn
tại. Lý do tham gia của người Kơho vào các lễ hội văn hóa của xã/thị trấn
không những khẳng định lại một lần nữa những giá trị đặc trưng văn hóa
của họ, mà còn thể hiện tinh thần giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa,
thể hiện mối quan hệ xã hội gắn bó bền chặt trong cộng đồng, thôn bản,
góp phần định hình và xây dựng những mô hình văn hóa mới trong sự đoàn
kết, gắn bó với nhau trong tình làng, lối xóm.
4.1.3. Văn hóa cồng chiêng
Ông Bon Yo Soan - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã nói:
“Là một tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống nên văn hóa của Lâm Đồng được
hình thành từ bản sắc văn hóa lâu đời của các dân tộc thiểu số gốc Tây

125
Nguyên và văn hóa của cư dân các vùng, miền trong cả nước đến làm ăn
sinh sống, định cư. Chính sự đan xen hòa quyện đó đã tạo cho Lâm Đồng
có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng và mang
bản sắc riêng”. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và hội nhập đã làm cho
kho tàng văn hóa Tây Nguyên nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng
có nhiều biến đổi. Theo Trình Quang Phú cho biết: “Hiện tại lễ hội cồng
chiêng ở Tây Nguyên đang bị mai một và không còn sức hút, thường chỉ
xuất hiện trong các Festival, trong các tổ chức của Nhà nước là chính”
(Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, 2016:38).
Theo Nguyễn Thị Kim Vân, những người quan tâm đến văn hóa
cồng chiêng, âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên đều dễ dàng nhận thấy
nguy cơ mai một qua sự suy giảm nhanh chóng về số lượng cồng chiêng
ở các tỉnh Tây Nguyên. Ở thời điểm năm 1980, tỉnh Gia Lai - Kon Tum
có hàng chục ngàn bộ cồng chiêng, con số cồng chiêng của mỗi làng đến
hàng chục bộ, không ít gia đình giàu có cất giữ trong nhà trên dưới 10 bộ
cồng chiêng. Nhưng đến năm 2004, số lượng cồng chiêng của tỉnh Gia Lai
chỉ còn 5.117 bộ, tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ còn 3.113 bộ. Ở Đắk Lắk trong
vòng 10 năm, từ năm 1982 đến năm 1992 mất đi 5.325 bộ cồng chiêng
và 10 năm tiếp đó, từ năm 1993 đến năm 2003, tỉnh này tiếp tục bị mất
850 bộ (Viện Văn hóa - Thông tin, 2006: 52; Viện Nghiên cứu Phát triển
Phương Đông, 2016:38). Trong những thập niên ấy, “chảy máu chất cồng
chiêng” trở thành cụm từ phổ biến nhất khi khi người bàn về cồng chiêng
Tây Nguyên. Sự suy giảm về số lượng cồng chiêng cũng đồng nghĩa với
những sinh hoạt cộng đồng, gia đình gắn với cồng chiêng dần thưa vắng
(Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, 2016: 310).
Đối với nhóm cộng đồng dân tộc Kơho trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng,
văn hóa cồng chiêng cũng nằm trong “dòng chảy” đó. Sự mai một, mất
dần nét văn hóa đặc trưng Tây Nguyên trong đời sống tinh thần của cộng
đồng dân tộc thiểu số được biểu hiện khá rõ nét: “Trong thời kỳ bao cấp,
kinh tế khó khăn, cồng chiêng mất mát rất nhiều; vì điều kiện khó khăn,
bà con bắt những con trâu, con bò bán, cồng chiêng cũng đem bán, cồng
chiêng được nấu lên để tách lấy đồng; thậm chí, hồi xưa khi tôi đi công

126
tác thấy bà con còn lấy cái chiêng ra làm cái máng heo. Khi kinh tế khó
khăn, bán cồng chiêng cũng không có ai đủ điều kiện để mua, giá trị của
cồng chiêng gần như mất đi ý nghĩa thực của nó, người ta chỉ mua để
lấy đồng. Vì vậy mà cồng chiêng mất dần đi, số lượng ngày càng giảm.
Tuy nhiên, cũng có một vài hộ thiết tha, yêu quý giá trị của cồng chiêng
nên trong điều kiện khó khăn, nghèo nàn nhưng họ vẫn giữ lại. Số lượng
còn rất ít, nên nhiều lúc bà con muốn có chồng chiêng để đánh thì phải
đi mua lại ở nơi khác, nhưng tỷ lệ này không nhiều nếu chưa muốn nói là
không còn nữa” (Nam, 55 tuổi, TT Lạc Dương). Sự mai một và mất dần
không gian văn hóa cồng chiêng là do “sự tác động tất yếu của quá trình
hội nhập và mặt trái của nền kinh tế thị trường” (Viện Nghiên cứu Phát
triển Phương Đông, 2016: 323).
Để duy trì và góp phần giữ gìn, bảo lưu các giá trị văn hóa trong đời
sống tinh thần thì việc tổ chức lễ hội văn hóa, văn hóa cồng chiêng là việc
làm cấp thiết và quan trọng đối với từng nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số
cũng như từng địa phương. Lâm Đồng là một tỉnh trực thuộc Tây Nguyên
với đặc trưng sinh sống của các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó
chiếm tỷ lệ đông đảo là dân tộc Kơho. Sau năm 1975, các luồng di dân đã
tìm đến với Lâm Đồng trong bối cảnh phát triển vùng kinh tế mới đã góp
phần làm đa dạng hóa lối sống, văn hóa của cư dân bản địa trên vùng đất
này. Tuy vậy những giá trị văn hóa cốt lõi, thể hiện bản sắc riêng của Tây
Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng vẫn còn được duy trì và phát
huy trong bối cảnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó phải nói đến
giá trị văn hóa trường tồn “Không gian văn hóa cồng chiêng”. Nhà xuất
bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã nêu nhận định: “Không gian văn hóa
cồng chiêng Tây Nguyên là một trong những di sản văn hóa nổi tiếng đã
được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân
loại” (Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, 2016:5). Là một trong
những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thế nhưng theo nhận định
của Trình Quang Phú thì hiện tại lễ hội cồng chiêng ở Tây Nguyên đang
bị mai một và không còn sức hút, thường chỉ xuất hiện trong các Festival,
trong các tổ chức của Nhà nước là chủ yếu.

127
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy văn hóa cồng chiêng thực
tế là đã có xu hướng giảm dần như những kết quả phân tích của các tác giả đi
trước. Cụ thể, khoảng hơn 10 năm trở về trước, có đến 77,8% ý kiến trả lời
lễ hội văn hóa cồng chiêng vẫn còn tồn tại; nhưng ngày nay tỷ lệ này giảm
xuống chỉ còn 66,5%; thậm chí là mất hẳn ở một số địa phương, mức độ tham
gia lễ hội này chiếm tỷ lệ khá thấp và có sự khác biệt đáng kể trên hai địa bàn
nghiên cứu (xem Bảng 4.4).
Bảng 4.4: Mức độ tham gia lễ hội cồng chiêng của người Kơho
(Đơn vị: %)

Thị trấn
Xã Tà Nung Chung
Lạc Dương
Đo lường
Tần số % Tần số % Tần số %

Không bao giờ 127 50,2 102 45,5 229 48,0

Hiếm khi 47 18,6 51 22,8 98 20,5

Thỉnh thoảng 44 17,4 56 25,0 100 21,0

Thường xuyên 35 13,8 15 6,7 50 10,5

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Ghi nhận kết quả ở một số người cho rằng “còn tồn tại lễ hội văn
hóa cồng chiêng” ở Lâm Đồng cho thấy cồng chiêng được sử dụng khá đa
dạng trong đời sống tinh thần của đồng bào: “Từ thuở sơ khai, cồng chiêng
được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng - là
phương tiện giao tiếp với siêu nhiên... Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi
tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ
đóng cửa kho, lễ đâm trâu... hay trong một buổi nghe khan... đều phải có
tiếng cồng chiêng như là thứ để nối kết những con người trong cùng một
cộng đồng,… Trong các buôn làng ngày xưa, cồng chiêng thường chỉ được
sử dụng trong các lễ lớn của gia đình, dòng tộc hoặc buôn làng thì nay, cũng
ngay trong cái không gian buôn làng ấy, việc “mua vui” cho “người ngoài”

128
đã trở nên một hiện tượng không hiếm, nếu như không muốn nói là khá phổ
biến”. (Theo Mytour.vn: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên,
https://mytour.vn/locationn/4915-khong-gian-van-hoa-cong-chieng-tay-
nguyen.html).
Cồng chiêng cũng được sử dụng khá đa dạng trong đời sống tinh
thần của đồng bào Kơho. Bởi vì, “Lễ mừng thọ trở thành nếp sống của
người Kơho, được tổ chức bằng những con trâu, con bò, một số hộ làm
con heo và tổ chức đánh cồng chiêng. Trên địa bàn trước đây có khoảng
10, 11 đội nhóm cồng chiêng, còn bây giờ còn chỉ còn 9 đến 10 nhóm hoạt
động. Mục đích của các đội nhóm cồng chiêng để giao lưu sinh hoạt đời
sống văn hóa, việc tổ chức đánh cồng chiêng cũng được diễn ra trong phạm
vi gia đình, thường vào các dịp như vui chơi nhảy múa, đám ma, đám hỏi.
Có một số du khách tới nghiên cứu tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng nên
giao lưu văn hóa cồng chiêng không còn bó hẹp trong gia đình mà được mở
rộng giao lưu với du khách ở trong khu vực du lịch, tham quan… phục vụ
hoạt động kinh doanh cho các du khách trong và ngoài nước. Các hoạt động
hoạt động kinh doanh này đã góp phần làm tăng thu nhập kinh tế cho các hộ
gia đình” (Nam, 34 tuổi, cán bộ văn hóa TT Lạc Dương).
Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, hơn 10 năm về trước, lễ hội
văn hóa cồng chiêng được tổ chức vào những dịp như: “Lễ kỷ niệm của
dân tộc Kơho” (52,2%), “cưới hỏi” (53,5%), “Ngày hội của các dân tộc”
(27,5%), “đâm trâu” (26,2%), “hoạt động thể thao, du lịch” (23,1%),
“mừng lúa mới” (18,8%) và một số dịp khác với tỷ lệ không đáng kể.
Thời gian gần đây, lễ hội văn hóa cồng chiêng thường được tổ chức chủ
yếu là vào dịp “Tổ chức các hoạt động thể thao/du lịch” (80,1%), “Ngày
hội văn hóa của các dân tộc” (64,3%) có xu hướng tăng lên đáng kể; “lễ
Tết hay lễ kỷ niệm của dân tộc Kơho” đều chiếm tỷ lệ trên 30%, “cưới
hỏi” (28,9%); và các dịp khác như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, bỏ
mả, ma chay, Noel… lại có xu hướng giảm đi so với 10 năm trước. Kết
quả này phần nào cho thấy sự phù hợp với nhận định của tác giả Nguyễn
Thị Kim Vân “Sự phổ biến của cồng chiêng trong tất cả các tộc người ở
Tây Nguyên, cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống

129
của đồng bào. Nó có mặt trong hầu hết các nghi lễ của cá nhân, của từng
gia đình, cộng đồng và cả trong những lễ hội suốt một mùa trồng tỉa
của cư dân nông nghiệp….” (Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông,
2016:303). Tuy nhiên, một thực tế chúng ta có thể thấy rõ là vấn đề tổ
chức lễ hội văn hóa cồng chiêng trong các hoạt động thể thao/du lịch có
xu hướng tăng lên rõ rệt: “Toàn khách du lịch thôi, tức là nhiều trường
hợp người ta lên đặt cơm ăn rồi coi cồng chiêng. Nói chung một mâm
cơm của người ta có đủ: gà đồi cơm lam, cháo, thịt trâu, và nhiều loại
thịt khác, số tiền cho mâm cơm khoảng hơn một triệu, vừa ăn vừa xem
cồng chiêng. Còn ai muốn chơi cồng chiêng không ăn cũng được, nhưng
đa số khách đoàn ăn xong họ xem cồng chiêng luôn” (Nam, người Kinh,
35 tuổi, cán bộ công an TT Lạc Dương).
Xét về ý nghĩa, văn hóa cồng chiêng tồn tại như một công cụ giao
tiếp - phương tiện thông tin cho cộng đồng (45,1%), là thông điệp mà
người dân tộc muốn gửi gắm đến nhau, hay đó là niềm tự hào mỗi người
khi nghe thấy tiếng cồng chiêng, âm hưởng của cồng chiêng tùy thuộc
vào tính chất vấn đề được biểu hiện trong đời sống cộng đồng. Tuy vậy,
ý nghĩa của lễ hội cồng chiêng ngày nay có xu hướng “biến tấu” và “thay
đổi” khá nhiều: “Trước hết là để giao tiếp, ngoài công cụ là âm nhạc
thuần túy thì cồng chiêng còn có tiếng nói, đó là tiếng cồng, tiếng chiêng.
Ví dụ như người ta đón khách thì có nhịp điệu riêng của đón khách, khi vui
nhộn thì nhịp điệu cũng nhanh hơn và âm điệu tăng lên, làm cho không khí
lễ hội tăng lên. Hoặc trong đám ma, người ta gõ những tiếng cồng chiêng
rất trầm, buồn. Cồng chiêng thể hiện được tiếng nói, cái hồn của con
người, của tộc người ở Tây Nguyên, trong đó có người Kơho ở Lâm Đồng.
Tất nhiên khi nghe tiếng cồng chiêng thì người ta cảm thấy tinh thần sảng
khoái, cảm giác rất gần gũi với quê hương đất nước, con người của mình.
Nói chung cồng chiêng cổ bây giờ cũng mất dần rồi, thành ra âm hưởng
của nó nghe cũng không được tốt bằng cái hồi xưa. Về thành phần tham
gia các dịp cồng chiêng trong xã hội cũ chủ yếu là những người nam lớn
tuổi, có gia đình, những người này có kinh nghiệm, trình độ đánh cồng
chiêng cũng ở tầm cao hơn. Nhưng mà bây giờ người trẻ cũng học, các

130
lớp dạy đánh cồng chiêng được mở để đào tạo và duy trì văn hóa cồng
chiêng, mở rộng cho anh em học, thành ra bây giờ ai cũng có thể đánh
được, nam nữ đều có thể học và đánh cồng chiêng (Nam, 64 tuổi, hưu trí,
giảng dạy tiếng Kơho, thị trấn Lạc Dương).
Ngày xưa, các dịp để đánh cồng chiêng khá đa dạng, còn ngày nay xu
hướng mất dần đi đã được thể hiện khá rõ: “Cái này theo chú biết thì ngày
xưa, lúc chú mới về,… là lúc chưa có dàn nhạc, đám cưới chưa có âm thanh
thì lấy cồng chiêng ra đánh, hoặc nếu tiếp khách, tức là khách vô nhà mình
thì cũng đánh cồng chiêng để rước họ hàng… Còn bây giờ có dàn nhạc nên
cồng chiêng bỏ luôn cái cồng chiêng. Mà theo chú không phải là tôn giáo,
tôn giáo là cái nào cấm thì cấm, còn riêng về cái cồng chiêng là không ai
cấm được, có điều thời bây giờ không như thời trước” (Nam, Trung niên, Ban
chấp sự Tin lành Tà Nung).
Bên cạnh đó, lễ hội cồng chiêng được xem như là “công cụ giao tiếp
giữa con người với thần linh”. Ngày này, 45,0% ý kiến cho rằng ý nghĩa này
vẫn còn tồn tại trong cộng đồng buôn làng. Như một nét văn hóa đặc trưng
Tây Nguyên, văn hóa cồng chiêng là dấu ấn thể hiện bản sắc riêng, độc đáo
của các dân tộc Tây Nguyên và 81,7% ý kiến cho rằng nó có ý nghĩa “bảo tồn
văn hóa dân tộc”. Bên cạnh đó, 36,3% ý kiến cho rằng lễ hội văn hóa cồng
chiêng cũng tồn tại như một hình thức để “giải trí” và 39,7% cho rằng văn hóa
cồng chiêng để “giáo dục lòng tự tôn dân tộc cho con cháu”. Vấn đề này liên
quan đến những quan điểm của người dân: “Thứ nhất, mình làm cồng chiêng,
mình đã có cái máu sẵn trong người, được ông bà truyền lại. Đánh cồng
chiêng để am hiểu về cội nguồn của mình. Chính cồng chiêng chỉ ra cho cậu,
cậu là ai, cậu đến từ đâu. Thứ hai, trong xã hội hiện đại, cồng chiêng giúp
mọi người kết nối với nhau. Với tiếng chồng chiêng, cậu đánh thì tôi nghe, tôi
đi ngoài đường tôi cũng tìm đến nghe. Dạy người khác đánh theo cũng là một
cách để gìn giữ, bảo tồn. Thứ ba, việc đánh cồng chiêng cũng là hình thức để
kinh doanh, bởi không chỉ biểu diễn trong buôn làng, ở ngoài phố, bất kỳ chỗ
nào, nếu ai có nhu cầu, người ta sẽ thuê đội cồng chiêng đến biểu diễn, từ đó
mang lại nguồn thu thập nhỏ cho gia đình” (Nam, 30 tuổi, làm nghệ thuật
cồng chiêng, TT Lạc Dương), (xem Bảng 4.5).

131
Bảng 4.5: Ý nghĩa của lễ hội văn hóa cồng chiêng trong đời sống
của người Kơho
(Đơn vị: %)

Thị trấn
Lạc Xã Tà Nung Chung
Đo lường Dương
Tần
% Tần số % Tần số %
số
Là công cụ giao tiếp giữa con
87 43,9 88 46,3 175 45,1
người với thần linh
Phương tiện thông tin cho cộng
70 35,4 84 44,2 154 39,7
đồng
Bảo tồn văn hóa dân tộc 151 76,3 166 87,4 317 81,7
Quảng bá du lịch, văn hóa 157 79,3 124 65,3 281 72,4
Giáo dục lòng tự tôn dân tộc
76 38,4 78 41,1 154 39,7
cho con cháu
Để giải trí, tiêu khiển 62 31,1 79 41,6 141 36,3
Khác 1 0,5 - - 1 0,3

Lưu ý: Kết quả chỉ ghi nhận trên số người có trả lời về lễ hội cồng chiêng
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Ngoài những ý nghĩa mang tính truyền thống, đậm tính dân tộc, lễ hội
văn hóa cồng chiêng ngày nay còn mang tính “cởi mở”, hướng đến các giá
trị mới và mang tính “giao lưu, tiếp biến” nhiều hơn. Vì vậy, ý nghĩa “quảng
bá du lịch, văn hóa” chiếm tỷ lệ rất cao từ kết quả nghiên cứu này (72,4%).
Qua các cuộc trò chuyện cùng người dân Kơho, chúng tôi được biết: “Không
khí và ý nghĩa của lễ hội văn hóa cồng chiêng khác hơn ngày xưa, ngày xưa
người ta đánh cồng chiêng vào các dịp như lễ hội mừng lúa mới, không khí lễ
hội bây giờ thì gắn với dịch vụ du lịch,… những hoạt động khác thì vừa cái cũ
vừa cái mới” (Nam, 64 tuổi, hưu trí, giảng dạy tiếng Kơho, TT Lạc Dương).
Lễ hội cồng chiêng có xu hướng phục vụ cho hoạt động du lịch là chính. Hiện

132
nay, du khách trong và ngoài nước đến xem lễ hội cồng chiêng khá nhiều,
qua đó họ có thể giao lưu với nhau, du khách vừa ăn vừa thưởng thức lễ hội.
Như vậy, rõ ràng lễ hội văn hóa cồng chiêng hiện nay không chỉ xuất
hiện trong những ngày hội lớn của dân tộc, mà còn có tác dụng quảng bá
du lịch của địa phương. Tuy nhiên, để lễ hội ngày càng thu hút được nhiều
du khách thì địa phương cũng cần có chính sách bảo tồn. Vừa qua, 11 đội
(nhóm) cồng chiêng ở thị trấn Lạc Dương được thành lập và tổ chức hoạt
động kinh doanh phục vụ khách du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy di
sản văn hóa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện
Lạc Dương nói chung và thị trấn Lạc Dương nói riêng, tạo việc làm và thu
nhập cho những người tham gia. Những hoạt động của nhóm cồng chiêng
đã chấp hành tốt về thời gian biểu diễn, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội ở địa phương (UBND số 02/BC-UBND thị trấn Lạc Dương
về tình hình hoạt động của đội (nhóm) cồng chiêng năm 2014 và phương
hướng quản lý năm 2015).
Là một trong những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công
nhận, không gian văn hóa cồng chiêng đã vươn ra tầm quốc tế chứ không
bó buộc trong một mô hình văn hóa “làng xã, thôn bản” như trước đây, đó
là niềm tự hào của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Vì vậy cách thức
để duy trì, bảo lưu các giá trị văn hóa cồng chiêng cũng được chú trọng,
triển khai trong đời sống cộng đồng. “Trong năm 2014, phối hợp với
Phòng Quản lý di sản - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, Phòng Văn
hóa Thông tin thành phố Đà Lạt tổ chức một lớp truyền dạy cồng chiêng
và trao chứng nhận cho 24 học viên là thanh niên của sáu thôn” (UBND
xã Tà Nung, Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm
(2010-2014)). Hiện nay đã có một số lớp dạy gõ cồng chiêng tự phát do
các nghệ nhân cao tuổi phụ trách với mục đích để tham gia những chương
trình văn nghệ quần chúng, song cách thức này vẫn chỉ là nhất thời. Hơn
nữa, “các nghệ nhân nhí” ấy thuộc được một vài bài, chủ yếu là để trình
diễn. Trước đây, thanh niên ở Tây Nguyên đánh được cồng chiêng thông
thạo và thường trình diễn vào các ngày lễ lớn (Viện Nghiên cứu Phát triển
Phương Đông, 2016:214).

133
Cùng với sự phát triển của đất nước, nhu cầu hưởng thụ văn hóa
tinh thần, mối quan hệ giao lưu quốc tế về văn hóa, kinh tế, đối ngoại
ngày càng được nâng cao, có khách du lịch trong và ngoài nước đến tham
quan du lịch và tìm hiểu về văn hóa dân tộc bản địa. Vì vậy, ngoài việc
mở lớp giảng dạy, nâng cao các hình thức tuyên truyền trong cộng đồng,
cần có nhà bảo tàng để lưu giữ bộ cồng chiêng, đồng thời quảng bá văn
hóa cồng chiêng ra cộng đồng quốc tế (xem Hình 4.1).
(Đơn vị: %)

Hình 4.1: Cách thức duy trì, bảo lưu lễ hội văn hóa cồng chiêng
của người Kơho
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Kết quả cho thấy sự khác biệt trong việc tham gia, lưu giữ và đánh
giá ý nghĩa của các hình thức sinh hoạt tinh thần của người Kơho trên hai
địa bàn nghiên cứu. Cụ thể, mức độ hội nhập, giao lưu, tiếp biến văn hóa
của người Kơho đối với các giá trị tinh thần cũng như việc mở rộng không
gian văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách, hoạt động du lịch ở thị trấn
Lạc Dương chiếm tỷ lệ cao hơn so với xã Tà Nung.
Như vậy, trong quá trình bảo lưu và phát triển, văn hóa cồng chiêng
Tây Nguyên đã bảo lưu và phát triển trong xu hướng hội nhập quốc tế, nhất
là thông qua du lịch. Hiện nay, thế giới đã biết đến loại hình văn hóa này như

134
một đặc trưng, bản sắc riêng của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên.
Bên cạnh những cơ hội cho việc bảo tồn và quảng bá văn hóa cồng chiêng
ra thế giới, cũng đặt ra nhiều khó khăn và thách thức. Bởi vì “cồng, chiêng
đang bị thương mại hóa, trở thành món đồ mua bán ở các tỉnh miền xuôi và
ra nước ngoài. Thậm chí ché, tượng gỗ nhà mồ, nhà sàn xưa cũng dần biến
mất theo cơ chế thị trường, trở thành hàng hóa,… Thực trạng đáng lo ngại là
không gian văn hóa cồng chiêng đang bị thu hẹp dần (thường xuất hiện chủ
yếu trong các lễ hội, tổ chức lễ hội của Nhà nước), nghệ nhân sản xuất cồng
chiêng và người sử dụng cồng chiêng ngày càng ít” (Viện Nghiên cứu Phát
triển Phương Đông, 2016:38). Bên cạnh đó, không gian văn hóa cồng chiêng
ngày càng thu hẹp lại, nhạc cụ khan hiếm, ý thức bảo tồn gìn giữ và phát huy
của người dân chưa cao, thiếu lớp người kế thừa là những trở ngại lớn trong
việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Kơho. Trong khi, nhu cầu
“đẩy mạnh việc nghiên cứu văn hóa dân tộc, đặc biệt chú ý đến các giá trị
văn hóa truyền thống với tính cách là giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam để
làm chỗ dựa cho việc giáo dục rộng rãi, thường xuyên trong nhân dân, nhất
là đối với thế hệ trẻ,…” (Nguyễn Văn Bắc, 2008:222) ngày càng cao.
Theo tác giả Nguyễn Văn Bốn: “Có thể nói rằng, không chỉ bây giờ
mà trong lịch sử, văn hóa Việt Nam đã luôn thay đổi và nhiều khi thay đổi
rất nhanh. Theo tôi, người Việt là một trong những dân tộc rất dễ nhạy cảm
và dễ thay đổi mình cho phù hợp với hoàn cảnh,…” (Nguyễn Văn Bốn,
2012:450-458). Văn hóa của dân tộc Kơho cũng vậy, đang biến đổi dần
sang hiện đại theo xu hướng mất dần những yếu tố truyền thống và hình
thành những nét văn hóa mới phù hợp với xu thế vận động và phát triển.
Qua phân tích ở trên cho thấy xu hướng giảm dần, thậm chí mất dần
một số lễ hội văn hóa theo kỳ dịp được phản ánh khá rõ. Cụ thể là một số
lễ hội như: lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ bỏ mả gần như không
còn phổ biến trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Kơho, cùng
với đó là sự phát triển của lễ Tết, lễ Noel trong đời sống tinh thần của họ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những biến đổi này, cụ thể là: sự ảnh hưởng
của đô thị hóa với quá trình di dân, mở rộng lối sống thành thị; sự chuyển
đổi mô hình kinh tế địa phương, cũng như các chính sách, chủ trương của

135
Đảng và Nhà nước; một số các yếu tố nhân khẩu xã hội (tôn giáo, dân tộc).
Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ tập trung phân tích và làm rõ mối liên
hệ giữa quá trình đô thị hóa, các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà
nước, cũng như một số các yếu tố nhân khẩu xã hội (tôn giáo, dân tộc) có
ảnh hưởng và làm biến đổi đời sống tinh thần của người Kơho thông qua
lễ hội văn hóa theo kỳ dịp.
4.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người Kơho ở
Lâm Đồng qua các hoạt động theo kỳ dịp
Như chúng tôi đã phân tích và so sánh về đời sống tinh thần của
người Kơho trên hai địa bàn nghiên cứu ở những thời điểm nghiên cứu
khác nhau, thông qua các câu hỏi hồi cố, những dữ liệu từ các báo cáo tình
hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương; các dữ liệu từ cuộc
khảo sát thực địa với những chỉ báo cụ thể trong đời sống tinh thần thông
qua các hoạt động theo kỳ dịp (lễ hội văn hóa, văn hóa cồng chiêng) thì
thực trạng đời sống tinh thần của người Kơho hiện nay đã cho thấy một
bức tranh đầy đủ về các mô hình văn hóa và khuôn mẫu hành vi trong
các hoạt động sinh hoạt tinh thần. Kết quả nghiên cứu so sánh trên hai
địa bàn có tốc độ đô thị hóa khác nhau, khả năng tiếp biến văn hóa khác
nhau đã cho thấy các “chỉ số văn hóa” trong sự biến đổi văn hóa thông
qua các hoạt động theo kỳ dịp của người Kơho. Một vấn đề lớn đặt ra cho
chúng tôi là tại sao đời sống tinh thần của người Kơho trong mười năm
trở lại đây lại có những khác biệt? Khi nghiên cứu về đời sống tinh thần
trong quá trình đô thị hóa, việc chỉ ra những nguyên nhân của thực trạng
đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần là việc làm quan trọng để
có thể lý giải về những biến đổi cũng như xem xét đề xuất các giải pháp
nhằm xây dựng các mô hình văn hóa tinh thần phù hợp với trình độ phát
triển của địa phương và nhu cầu mong đợi của bà con đồng bào dân tộc
thiểu số.
Trong phạm vi tìm hiểu của chúng tôi ở Chương 1 cho thấy, các
nghiên cứu của ngành dân tộc học, nhân học và xã hội học trước đó đã
phần nào phản ánh một cách khá khái quát về những tác động tích cực và
tiêu cực của lối sống đô thị. Đô thị hóa đã ảnh hưởng lên đời sống tinh thần
của nhóm cư dân đô thị, cấu trúc đô thị, kinh tế, sự tăng lên về dân số, đổi

136
mới trong giáo dục,... và những đặc trưng thông qua ngôn ngữ, trang phục,
lễ cưới, các thiết chế bản làng và các sinh hoạt cộng đồng, các vấn đề về
môi trường tự nhiên, dân số, nguồn gốc lịch sử, đời sống kinh tế. Trong
nghiên cứu này, chúng tôi tập trung phân tích về những biến đổi trong các
lễ hội văn hóa theo kỳ dịp, đặc biệt là sự cách tân và đổi mới trong lễ hội
văn hóa cồng chiêng, sự mất dần lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, năm mới
và sự phát triển của lễ Tết của cộng đồng người Kơho trong quá trình đô
thị hóa. Vì chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt đáng kể trong các chỉ báo
này khi phân tích về những biến đổi trong đời sống tinh thần của người
Kơho qua các lễ hội văn hóa theo kỳ dịp.
4.2.1. Yếu tố tôn giáo ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người Kơho ở
Lâm Đồng qua các hoạt động theo kỳ dịp
Xét về các yếu tố ảnh hưởng của nhân khẩu học cho thấy rằng nghề
nghiệp, học vấn, giới tính không có sự khác biệt đáng kể trong việc tham gia
sinh hoạt tinh thần qua các lễ hội: đâm trâu, mừng lúa mới, năm mới và văn
hóa cồng chiêng. Tuy nhiên, khi xem xét trong mức độ tham gia vào các lễ
hội văn hóa của người Kơho - những lễ hội mang đậm đặc trưng cho các dân
tộc sinh sống ở vùng Cao nguyên, chúng tôi nhận thấy có một số khác biệt
đáng kể giữa hai tôn giáo, cụ thể như sau (xem Hình 4.2):

Ghi chú: điểm 1 - thấp nhất; điểm 4 - cao nhất


Hình 4.2: Tương quan giữa tôn giáo và khả năng tham gia
lễ hội văn hóa của người Kơho
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)

137
Sự khác biệt rõ nhất là trong việc tham gia vào lễ hội văn hóa cồng
chiêng, lễ hội đâm trâu và lễ hội mừng lúa mới. Chúng ta thấy rằng, những
người Kơho theo Thiên Chúa giáo có mức độ tham gia cao hơn so với
những người theo đạo Tin lành. Điều này còn được thể hiện rõ trong phần
tiếp xúc và trò chuyện của chúng tôi với người Kơho: “Theo chú chỉ có
thôn 3 này có cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới. Còn
những người theo đạo Tin Lành không tham gia lễ hội đâm trâu, hồi xưa
chưa tin Chúa thì đương nhiên là có, còn bây giờ tin vào Chúa Giê Su thì
chỉ có Chúa Giê Su. Mình không được quay lưng lại với Chúa. Mình là tín
đồ, là người con của Chúa, Chúa đã chọn mình thành môn đồ của Chúa
thì mình phải bỏ hết. Còn những tôn giáo khác, các lễ hội như đâm trâu là
bình thường” (Nam, trung niên, Ban chấp sự Tin lành xã Tà Nung).
“…Ngày nay tôn giáo phát triển rộng rãi, không cấm ai thờ phụng,
phong tục của mình vẫn phải giữ. Để tỗ chức lễ hội cũng rất khó, chi phí rất
nhiều và phải nhắc đến các sự kiện lớn. Bên cạnh đó, một vài sự kiện lớn
của Đất nước, của huyện, của thị trấn thì Nhà nước hỗ trợ; còn buôn làng,
thôn bản, khu phố sẽ huy động nhân lực để làm. Như mấy năm trước thành
lập huyện Lạc Dương. Khi đó nguồn nhân lực ở các đội cồng chiêng ra phục
vụ. Lễ hội festival hoa cũng vậy, các đội nhóm ra biểu diễn. Ngày nay, trong
buôn làng của anh, hơn mười nhóm cồng chiêng không phải là của người
theo đạo Tin Lành, Tin Lành ở dưới kia, từ ngã tư Đso đi ra hướng quốc lộ
27B, ra hướng Nha Trang là Tin Lành. Nguyên trong khu vực này là Công
giáo” (Nam, trung niên, làm nghệ thuật cồng chiêng, TT Lạc Dương).
“Lễ đâm trâu hồi xưa còn, bây giờ người ta cũng có thực hiện, ở
thôn bên kia người ta thường tổ chức còn bên này chúng tôi bỏ qua hết
vì cái đó phiền phức lắm. Ngày xưa, mình thờ thần sông, thần núi, thần
đất nên có lễ đâm trâu, còn bây giờ cũng quên. Thời ông bà thì có lễ hội
đâm trâu, còn từ thời cha mẹ tôi theo Tin lành thì không còn nữa” (Nam,
71 tuổi, thôn Kondo Langbiang, thị trấn Lạc Dương).
Rõ ràng yếu tố tôn giáo có liên quan đến việc duy trì hoặc không
duy trì các lễ hội văn hóa theo kỳ dịp. Theo Buôn Krông Tuyết Nhung:
“Văn hóa tinh thần không thỏa mãn, số người theo Công giáo ngày càng
tăng ở Tây Nguyên: chính vì thế họ không tham gia văn hóa truyền thống,

138
sản xuất, một bộ phận còn bỏ hẳn sinh hoạt văn hóa truyền thống như
cồng chiêng, rượu cần, luật tục” (Viện Nghiên cứu Phát triển Phương
Đông, 2016: 194). Đối với đạo Tin lành, họ đặt niềm tin vào Chúa chứ
không đặt niềm tin vào thần thánh hay quỷ Sa tăng, chính vì vậy lễ hội
đâm trâu, mừng lúa mới, cúng già làng, thần sông, thần núi với vật hiến
thân gần như không còn tồn tại phổ biến trong cộng đồng. Mặt khác, việc
bảo tồn và phát triển các lễ hội văn hóa theo kỳ dịp thường được gắn với
những sự kiện lớn của đất nước, của dân tộc như lễ kỷ niệm, festival,…
Để có kết quả cụ thể hơn trong ảnh hưởng của tôn giáo đến một số lễ
hội văn hóa của người Kơho, chúng tôi thực hiện phép kiểm định mối liên
hệ giữa tôn giáo với mức độ tham gia vào lễ hội văn hóa cồng chiêng bằng
phương pháp kiểm định Chi-Square. Kết quả cho thấy mức ý nghĩa thống kê
< 0,05, có thể kết luận rằng với tập dữ liệu mẫu ta có đủ bằng chứng thống kê
để cho thấy tôn giáo có liên hệ với mức độ tham gia vào lễ hội văn hóa cồng
chiêng của người Kơho trên địa bàn nghiên cứu (xem Bảng 4.6).
Bảng 4.6: Mức độ tham gia lễ hội văn hóa cồng chiêng
của người Kơho theo tôn giáo
(Đơn vị: %)
Thiên Chúa
Mức độ tham gia lễ hội cồng chiêng Tin lành Chung
giáo
Không bao giờ 28,4 61,8 48,0
Hiếm khi 26,9 16,1 20,5
Thỉnh thoảng 24,9 18,2 21,0
Thường xuyên 19,8 3,9 10,5

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Trong mối liện hệ giữa tôn giáo với mức độ tham gia vào lễ hội đâm
trâu bằng phương pháp kiểm định Chi-Square cho thấy mức ý nghĩa thống
kê < 0,05. Có thể kết luận rằng với tập dữ liệu mẫu ta có đủ bằng chứng
thống kê để cho thấy tôn giáo có liên hệ với mức độ tham gia vào lễ hội
đâm trâu của người Kơho trên địa bàn nghiên cứu (xem Bảng 4.7).

139
Bảng 4.7: Mức độ tham gia lễ hội đâm trâu của người Kơho
theo tôn giáo
(Đơn vị: %)
Mức độ tham gia lễ hội đâm Thiên Chúa
Tin lành Chung
trâu giáo
Không bao giờ 59,9 78,9 71,1
Hiếm khi 20,8 12,5 15,9
Thỉnh thoảng 14,2 7,5 10,3
Thường xuyên 5,1 1,1 2,7
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Chúng tôi cũng tiếp tục thực hiện phép kiểm định tiếp đối với mối liên
hệ giữa tôn giáo với mức độ tham gia vào lễ hội mừng lúa mới bằng phương
pháp kiểm định Chi-Square. Kết quả cho thấy mức ý nghĩa thống kê < 0,05,
có thể kết luận rằng với tập dữ liệu mẫu ta có đủ bằng chứng thống kê để
cho thấy tôn giáo có liên hệ với mức độ tham gia vào lễ hội mừng lúa mới
của người Kơho trên địa bàn nghiên cứu (xem Bảng 4.8).
Bảng 4.8: Mức độ tham gia lễ hội mừng lúa mới của người Kơho
theo tôn giáo
(Đơn vị: %)
Mức độ tham gia lễ hội mừng Thiên Chúa
Tin lành Chung
lúa mới giáo
Không bao giờ 83,2 89,3 86,8
Hiếm khi 7,6 7,1 7,3
Thỉnh thoảng 5,1 2,9 3,8
Thường xuyên 4,1 0,7 2,1

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Không những mức độ tham gia vào các lễ hội văn hóa chịu sự tác
động của yếu tố tôn giáo, mà việc xác định nguyên nhân của những thay

140
đổi trong đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình
đô thị hóa cũng có sự khác biệt đáng kể giữa hai tôn giáo Tin lành và Thiên
Chúa giáo. Trong đó, những người theo đạo Tin lành xác định các nguyên
nhân dẫn đến những thay đổi trong đời sống tinh thần của họ (như sự xuất
hiện của người Kinh, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự du nhập của văn
hóa phương Tây, sự giao thoa văn hóa, kinh tế với TP Đà Lạt, nhận thức
của người dân thay đổi, sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông
đại chúng) chiếm tỷ lệ cao hơn so với những người Kơho theo Thiên Chúa
giáo. Như đã phân tích ở trên, những người theo Thiên Chúa giáo còn lưu
giữ các lễ hội văn hóa truyền thống chiếm tỷ lệ cao hơn so với những người
theo đạo Tin lành, cũng có nghĩa là những giá trị tinh thần của người Kơho
theo đạo Tin lành đã có nhiều biến đổi hơn, và nguyên nhân của những
biến đổi đó được chúng tôi ghi nhận được (xem Hình 4.3).
Như vậy, tôn giáo ít nhiều quy định và có ảnh hưởng đến việc tham gia
vào các lễ hội văn hóa truyền thống của người Kơho.Trong đó, những người
theo đạo Thiên Chúa giáo có xu hướng tham gia nhiều hơn vào các lễ hội
văn hóa truyền thống. Chính điều này đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong
việc xây dựng các mô hình văn hóa mới trong cộng đồng, cũng như việc
trùng tu, bảo lưu các giá trị tinh thần truyền thống trong thời gian sắp tới.
(Đơn vị: %)

Hình 4.3: Tương quan giữa tôn giáo và nguyên nhân


của những thay đổi trong đời sống tinh thần của người Kơho
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)

141
Xu hướng giảm và tăng của một số lễ hội văn hóa trong cộng đồng
người Kơho xuất hiện và phù hợp với xu hướng biến đổi, phát triển của xã
hội. Sự duy giảm hay gia tăng này có thể được giải thích trên một số khía
cạnh như sau:
Tiếp biến văn hóa đi từ sự xã hội hóa cá nhân hay nhóm xã hội, xảy
ra bên trong nền văn hóa, hướng vào các quá trình, trạng thái của sự tiếp
thu văn hóa giữa các nền văn hóa và qua đó khác với đồng hóa và hội nhập.
Trong xã hội học, việc nghiên cứu này được kích thích qua các quá trình biến
đổi của các xã hội nguyên thủy, do kết quả tiếp xúc với xã hội công nghiệp
cũng như qua hậu quả của sự di dân toàn cầu. Mức độ tiếp biến văn hóa và
tốc độ thẩm thấu văn hóa kế đó phụ thuộc vào khoảng cách không gian (và
xã hội) đối với nhóm xuất xứ, vào chất lượng, khả năng tương tác với nhóm
khác (khả năng vươn lên, phân biệt đối xử); cũng như vào thời gian tiếp xúc
và nhu cầu tiếp biến văn hóa, triển vọng ứng xử hình thành từ đó.
Các quan điểm khác nhau trong lý thuyết biến đổi xã hội sẽ giúp
chúng ta có một cách nhìn cụ thể hơn khi giải thích về các lĩnh vực khác
nhau trong đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá
trình đô thị hóa. Trong xu hướng tiếp thu văn hóa, tinh thần của các nền
văn hóa, cộng đồng dân tộc có “quyền” “lựa chọn” cho mình những hình
thức sinh hoạt tinh thần phù hợp với nhu cầu và nguồn lực mà mình có
trong sự cân nhắc và tính toán những giá trị “được - mất”. Đối với người
Kơho ở Lâm Đồng hiện nay, các giá trị tinh thần được biểu hiện trong sự
xen kẽ, hòa quyện của nền văn hóa bản địa và giá trị văn hóa mới do quá
trình hội nhập, mở cửa. Quá trình này diễn ra khá phức tạp, sự thích nghi,
tiếp biến, biến đổi trong đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng ít
nhiều tồn tại trong những mâu thuẫn, xung đột dưới các tác nhân như dân
số, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, tác nhân truyền thống, gia đình, tôn
giáo và cộng đồng. Vì vậy, việc xác định và phân tích rõ các nhân tố tác
động sẽ góp phần vào quá trình định hướng phát triển trong tương lai, góp
phần duy trì những giá trị tinh thần truyền thống, mang đậm dấu ấn dân tộc
nhưng đồng thời thể hiện khả năng tiếp nhận các khuôn mẫu hành vi, văn
hóa mới phù hợp với nhu cầu đòi hỏi thực tế.

142
4.2.2. Điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội ảnh hưởng đến đời sống tinh
thần của người Kơho ở Lâm Đồng qua các hoạt động theo kỳ dịp
Ở phần mở đầu chúng tôi có đề cập một số chủ trương, chính sách,
đường lối trong việc định hướng phát triển văn hóa và đời sống tinh thần cho
đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm
Đồng nói riêng.
Theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển
văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ban hành tháng 7 -
1998, khi đất nước đang trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa
tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Văn
kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương khóa XI). Nghị
quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII tiếp tục
khẳng định: “Coi trọng và bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống
và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học nghệ thuật
của các tộc người thiểu số…”. Từ quan điểm đó của Đảng, Chính phủ đã
có hàng loạt các quyết định quan trọng. Đó là Quyết định số 71/2001/QĐ-
TTg ngày 4-5-2001 của Thủ tướng Chính phủ về các chương trình mục
tiêu quốc gia giai đoạn 2001-2005, trong đó có “mục tiêu bảo tồn và phát
huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc; xây dựng và phát triển đời
sống văn hóa cơ sở”. Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30-10-2001
của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm
2001-2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế xã hội vùng Tây
Nguyên, trong đó ghi rõ: “… Bảo tồn, phát triển văn hóa vật thể và phi
vật thể của đồng bào dân tộc Tây Nguyên…”. Ngày 17-6-2003, Thủ tướng
Chính phủ ký quyết định về phê duyệt đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các
dân tộc thiểu số Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình Tây Nguyên có nhiều vấn đề phức tạp và
khó khăn gay gắt, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 10-NQ/
TW ngày 18-1-2002 về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an
ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2002; Thông báo Kết luận số 148-TB/
TW ngày 16-7-2004 về phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững;
Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết

143
số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên
thời kỳ 2011-2020; đã được cả hệ thống chính trị Tây Nguyên nghiên cứu
quán triệt, tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc. Ngoài Quyết định số 168
được đề cập ở trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế đặc
thù giúp Tây Nguyên huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh
tế-xã hội, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc.
Trong đó, chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, ưu tiên đồng bào dân tộc
thiểu số, vùng sâu, vùng xa và địa bàn biên giới: “Tập trung xây dựng đời
sống văn hóa mới và đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào các
dân tộc trên cơ sở bảo tồn những tinh hoa văn hóa truyền thống, gìn giữ, kế
thừa có chọn lọc, phát huy những giá trị tiêu biểu, loại bỏ dần hủ tục, từng
bước xây dựng giá trị mới về văn hóa, nghệ thuật, hình thành nếp sống văn
minh. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi các di sản văn hóa
vật thể, phi vật thể, khôi phục các lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống
theo nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng (Viện Nghiên cứu Phát triển
Phương Đông, 2016:10,11,19).
Với chủ trương và đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đời
sống của người Kơho ở Lâm Đồng từng bước được cải thiện, thu nhập tăng
lên. Với tốc độ phát triển, quá trình hội nhập khác nhau, đời sống tinh thần
của đồng bào dân tộc Kơho trên địa bàn thị trấn Lạc Dương và xã Tà Nung
trong bối cảnh mới đã được những thành tựu đáng kể.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay đa số bà con dân tộc thiểu
số đều hiểu biết và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và
Nhà nước. “Tại vì em cũng biết rằng chính sách, pháp luật của chính phủ
chúng ta cũng rất rộng rãi. Em thấy chúng ta có những đạo luật khuyến
khích mình giữ gìn, phát triển và bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc của
mình” (Nam, 30 tuổi, làm nghề cồng chiêng, TT Lạc Dương).
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần tạo ra
những thay đổi rõ rệt trong các lĩnh vực là thiết chế văn hóa, lễ hội và văn
hóa cồng chiêng, phong tục cưới xin, tiếp cận với thông tin đại chúng.
Những thành tựu trong biến đổi về văn hóa trên địa bàn thị trấn
Lạc Dương:

144
Công tác quản lý nhà nước về văn hóa tiếp tục được duy trì và tăng
cường; hoạt động biểu diễn của các câu lạc bộ cồng chiêng ngày càng
đi vào nề nếp, thu hút đông đảo khách du lịch, góp phần bảo tồn giá trị
văn hóa phi vật thể của nhân loại và giải quyết việc làm cho một bộ phận
người dân.
Văn hóa thông tin, thể dục thể thao: Hoạt động thông tin, tuyên
truyền được chú trọng, tập trung tuyên truyền vào những ngày lễ, kỷ niệm
lớn của đất nước; công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa
phương được chú trọng, nội dung chính là tăng cường khối đại đoàn kết
toàn cầu, vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, thực hiện đường
lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là pháp luật về
quản lý, bảo vệ rừng, an toàn giao thông.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được triển
khai thường xuyên, đặc biệt là trong các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương.
Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” tiếp
tục được triển khai sâu rộng, tổ chức xét tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa,
gia đình văn hóa đúng theo quy trình và thời gian quy định. Năm 2015, trên
địa bàn có 1.925/2.389 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 80,6%; thị trấn
Lạc Dương đạt chuẩn văn minh đô thị.
Hoạt động thông tin, tuyên truyền được chú trọng, tập trung tuyên
truyền những ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước; công tác tuyên truyền phục
vụ chính trị của địa phương được chú trọng, nội dung chính là tăng cường
khối đại đoàn kết toàn dân. Đài truyền thanh thị trấn đã tiếp sóng đầy đủ thời
lượng phát sóng của đài truyền thanh huyện và các nội dung tuyên truyền của
thị trấn (Trích lược Báo cáo Số:70/BC-UBND TT Lạc Dương, 2015).
Những thành tựu trong biến đổi về văn hóa trên địa bàn xã Tà Nung:
Trong các lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, xã Tà Nung
đã có nhiều cố gắng trong việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đội cồng
chiêng của xã được thành lập, thường xuyên tham gia các lễ hội của xã
và thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa còn thiếu như sân
bóng, nhà văn hóa nên chưa đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu sinh hoạt

145
văn hóa cộng đồng. Xã có một bưu điện văn hóa xã, đã có mạng vô tuyến
phủ sóng, tạo thông tin liên lạc thuận tiện cho chính quyền và nhân dân,
hầu hết trong xã nhân dân đã có phương tiện nghe nhìn, nhu cầu hưởng thụ
được đáp ứng.
Thường xuyên phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thể thao thành phố
Đà Lạt, Phòng Văn hóa Thông tin tổ chức các buổi văn nghệ mừng Đảng,
mừng Xuân hàng năm. Năm 2011, tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể
thao xã lần thứ nhất có bốn môn thi đấu, có bảy đội tham gia với 352 vận
động viên. Trong năm 2014, phối hợp với Phòng Quản lý Di sản - Sở Văn
hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, Phòng Văn hóa Thể thao thành phố Đà Lạt tổ
chức một lớp truyền dạy cồng chiêng và trao chứng nhận cho 24 học viên
là thanh thiếu niên của sáu thôn.
Thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng cơ quan, trường học văn hóa; xây
dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Năm 2010, xã có 3/6 thôn đạt thôn
văn hóa, đến năm 2014 có 5/6 thôn đạt thôn văn hóa; tỷ lệ hộ gia đình
văn hóa tăng qua các năm và đạt hơn 75%; 100% cơ quan, trường học đạt
chuẩn văn hóa; có 6/6 thôn có câu lạc bộ gia đình văn hóa, một thôn có
đội cồng chiêng (thôn 3). Năm 2015, xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí
của xã nông thôn mới và đã lập hồ sơ đề nghị công nhận xã văn hóa nông
thôn mới.
Công tác tuyên truyền, hưởng ứng các chương trình quốc gia về vệ
sinh môi trường được thực hiện tốt, duy trì việc tổ chức ra quân ngày “Chủ
nhật xanh”, khơi thông cống rãnh đầu mùa mưa dọc Tỉnh lộ ĐT 725, được
nhân dân 6/6 thôn tham gia tích cực. Năm 2015, xã có một trạm truyền
thông không dây phủ sóng toàn xã, đảm bảo công tác truyền thanh, thông
báo phổ biến các văn bản pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng,
Nhà nước và địa phương (Trích lược Báo cáo phát triển kinh tế, văn hóa,
xã hội xã Tà Nung: 2014, 2015).
Như vậy, khi triển khai và thực hiện, thực thi các chính sách của
Đảng và Nhà nước thì còn tùy thuộc rất nhiều vào tiềm năng cũng như

146
nguồn lực vốn có của đồng bào dân tộc ít người. Ở đây, một sự tính toán,
cân nhắc giữa nguồn lực hiện có của cá nhân, tập thể hay cộng đồng trong
việc “lựa chọn” thực hiện hành động trên nền tảng của nguồn lực ấy sẽ
mang lại hiệu quả cao trong chính đời sống của họ. Khi lựa chọn trong số
các cách hành động có thể, cá nhân sẽ chọn cách nào mà họ cho là tích (C)
của xác suất thành công của hành động đó (P) với giá trị mà phần thưởng
của hành động đó (V) là lớn nhất: C = (PxV) = Maximum. Cũng như theo
John Elster cho biết “khi đối diện với một số cách hành động, mọi người
thường làm cái mà họ tin là có khả năng đạt được kết quả cuối cùng tốt
nhất” (Malcolm Waters, 1994:80; dẫn lại Lê Ngọc Hùng, 2009:355). Thuật
ngữ “lựa chọn” được dùng để nhấn mạnh việc phải cân nhắc, tính toán
quyết định sử dụng loại phương tiện hay cách thức để đạt được mục tiêu
trong điều kiện khan hiếm các nguồn lực. Cụ thể, trong nghiên cứu này
chúng tôi cân nhắc, tính toán để đi đến quyết định “lựa chọn” các hình thức
sinh hoạt tinh thần của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng người Kơho với
nguồn nội lực mà nhóm đồng bào dân tộc thiểu số này có. Thực tế này cho
thấy hiện đang tồn tại những khác biệt trong việc “lựa chọn” lễ hội văn
hóa và văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Kơho ở Tà Nung và thị
trấn Lạc Dương, Lâm Đồng. Điều này được làm sáng tỏ trong luận điểm
của James Coleman (1986): sức hấp dẫn của thuyết lựa chọn hợp lý là ở
chỗ một khi thiết chế xã hội hay một quá trình xã hội nào được xem xét từ
góc độ hành động duy lý của cá nhân thì lúc đó ta có thể nói rằng chúng đã
được “giải thích”; và bản thân thuật ngữ “hành động duy lý” đã cho ta biết
là hành động đó “có thể hiểu được” mà không cần phải đòi hỏi gì thêm.
Như vậy, việc tham gia hay không vào lễ hội văn hóa cồng chiêng, cách
thức cũng như vấn đề duy trì các giá trị văn hóa của nó… đều được các cá
nhân “lựa chọn”, “tính toán”, “cân nhắc” kỹ lợi ích được và mất, chọn lựa
các hành động đó sẽ tối đa hóa các lợi ích hay sự thỏa mãn các nhu cầu và
mong muốn của họ.
Tóm lại, việc vận dụng lý thuyết lựa chọn hợp lý trong nghiên cứu
“đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị
hóa” cho thấy, việc đề ra các chủ trương, chính sách, đường hướng phát

147
triển và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng
cần phải gắn liền với các nguồn lực, tiềm năng của địa phương cũng như
người dân, khuyến khích đến việc “lựa chọn” các loại hình lễ hội truyền
thống và văn hóa cồng chiêng phù hợp với nguồn nội lực, nhằm nâng cao
vai trò của cộng đồng người Kơho trong việc duy trì, trùng tu, bảo tồn giá
trị văn hóa tinh thần truyền thống, hướng đến hội nhập và phát triển bền
vững đời sống văn hóa tinh thần.
Đi sâu nghiên cứu và phân tích những yếu tố môi trường như: kinh
tế, xã hội, tín ngưỡng, tập quán văn hóa có vai trò chi phối cung cách ứng
xử, các mối quan hệ xã hội, cũng như những thay đổi trong hành vi tham
gia lễ hội văn hóa và văn hóa cồng chiêng của người Kơho. Với những đặc
thù trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Lâm Đồng, đặc
biệt là quá trình đô thị hóa đã góp phần tạo ra những thay đổi trong việc lựa
chọn các lễ hội văn hóa và văn hóa cồng chiêng trong đời sống tinh thần
của người Kơho nói chung sao cho phù hợp với những nhu cầu và mục
đích tồn tại của họ.
4.2.3. Đô thị hóa và phương tiện truyền thông đại chúng ảnh hưởng đến đời
sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng qua các hoạt động theo kỳ dịp
Đô thị hóa với những đặc trưng trong chuyển dịch dân cư, mở rộng
lối sống đô thị, cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ
truyền thông đã góp phần tạo ra những biến đổi trong đời sống của các
nhóm cộng đồng dân cư nói chung và người Kơho nói riêng. Sự giao lưu,
hội nhập của các nhóm dân cư, mà cụ thể là việc tồn tại, sinh sống cùng
nhóm cộng đồng dân tộc Kinh đã góp phần tạo ra những nét mới trong
đời sống tinh thần của người Kơho. Sự phát triển của các phương tiện truyền
thông đại chúng có ảnh hưởng khác nhau đến phản ứng và sự lựa chọn lễ hội văn
hóa truyền thống cũng như văn hóa cồng chiêng.
Niềm tin và sự hiểu biết của người Kơho đối với nền văn hóa đặc thù,
mang đậm bản sắc văn hóa vùng Tây Nguyên - lễ hội văn hóa cồng chiêng.
Thông qua đó, có thể cho thấy được việc lựa chọn trong sinh hoạt tinh thần của
người Kơho hiện nay diễn ra theo xu hướng nào. Tuy nhiên, trong phạm vi một

148
tập thể, các cá nhân có thể không hành động trong phạm vi những quan tâm của
bản thân họ mà phải hành động theo mối quan tâm của tập thể, góp phần tạo ra
những biến đổi xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong những cấu trúc cơ bản
như gia đình, cộng đồng. Hai cấu trúc cơ bản này đã góp phần vào việc duy trì,
bảo lưu các giá trị tinh thần của đồng bào dân tộc Kơho.
Những biến đổi trong giá trị của lễ hội văn hóa và văn hóa cồng
chiêng thường diễn ra khá chậm và rất khó nhận thức cũng như đo lường.
Trên thực tế, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, lễ hội văn hóa và văn
hóa cồng chiêng đã có nhiều biến đổi theo thời gian: “Cái thay đổi, tất nhiên
nó cũng xen lẫn, nói chung là mặt tích cực, thấy nó cũng tiện cho gia đình.
Thế nhưng, mặt tiêu cực là phong tục của mình bị mai một đi, bị pha trộn,
có những lúc tạp nham, nửa này nữa kia, người ta nói là nữa nạc nữa mỡ,
không thuần túy như hồi xưa. Ngày xưa khó khăn nhưng lại giữ được các
phong tục, tập quán của mình, và đi vào nề nếp.... Các cụ ngồi mâm riêng
trên, xong mới đến các thế hệ khác, tức là người ta để người thân, người
lớn tuổi, người thân tộc riêng, xong rồi mới mời, ví dụ như thế. Ngày nay
thì ngồi không theo trật tự, tôn ti, ai đến trước ngồi trước, ai đến sau ngồi
sau, may lắm là chỉ dành cho bên đằng trai đằng gái một hai bàn, ví dụ thế”
(Nam, 60 tuổi, thị trấn Lạc Dương). Theo thời gian, một số lễ hội văn hóa có
xu hướng giảm dần, thay vào đó là những hình thức sinh hoạt tinh thần khác,
lễ hội văn hóa khác mang tính hiện đại hơn được tổ chức ở hai địa bàn nghiên
cứu. Cụ thể, cách đây 10 năm, trên địa bàn người Kơho việc tổ chức các lễ
hội như văn hóa cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, lễ mừng lúa mới, lễ mừng
năm mới chiếm tỷ lệ khá cao. Ngày nay, tất cả những lễ hội này có xu hướng
giảm tương đối, thậm chí có một số lễ hội văn hóa dần mất đi như lễ mừng
lúa mới, lễ hội đâm trâu “... đầu tiên vẫn là ý thức của bà con mình. Trong
các lễ hội ở thị trấn người ta vẫn giữ được, ví dụ như tiếp khách thì vẫn đón
bằng cồng chiêng. Trong các đám ma người ta vẫn sử dụng cồng chiêng,
các lễ hội khác cũng vậy. Các cuộc vui trong gia đình anh em có ba đến năm
người, đủ một cặp thì người ta vẫn xúm nhau đánh. Giúp người ta giữ được
cái hồn của cồng chiêng và cái hồn về nền văn hóa của mình. Nhưng rất
đáng buồn ở một chỗ là vài tôn giáo trong đó có đạo Tin Lành, ý thức của

149
các vị mục sư, thầy giảng lại không cho sử dụng cồng chiêng, cái này chính
là tự họ đánh mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đáng tiếc, kể cả cái
kèn bầu, cái sáo của bà con ngày xưa, ví dụ như đám ma người ta thổi cây
sáo cũng là cách để chia buồn, để tiễn đưa hồn của người chết sang bên kia.
Hiện nay không duy trì nữa, nó cũng mất đi, bên Tin Lành mất nhiều, xóm
đi theo đạo Tin Lành trong đồng bào dân tộc gần như là hơn phân nữa, bây
giờ cũng không biết đánh cồng chiêng, đó là một điểm dỡ của người Kơho”
(Nam, 60 tuổi, thị trấn Lạc Dương).
Sự biến đổi trong các lễ hội văn hóa, văn hóa cồng chiêng nói riêng
và trong đời sống tinh thần nói chung của người Kơho xuất phát từ nhiều
nguyên nhân khác nhau trong quá trình đô thị hóa. Cụ thể, 98,7% người
Kơho cho rằng do có sự du nhập của người Kinh, 93,3% cho rằng do sự
chuyển dịch cơ cấu kinh tế, 71,1% cho rằng do nhận thức của người dân
thay đổi, 54,3% cho rằng do sự du nhập của văn hóa phương Tây, 43,0%
cho rằng do có sự giao thoa văn hóa, kinh tế với Đà Lạt, 45,9% cho rằng
do có sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài ra,
còn những nhóm nguyên nhân khác như: “ý thức bảo tồn văn hóa còn yếu,
đời sống kinh tế khó khăn, ít người quan tâm, sự giao thoa văn hóa hay do
quá trình toàn cầu hóa” (Trích lời đại diện cám ơn một chú yaophu trong
thánh lễ tạ ơn cuối ngày Hội Cồng chiêng. http://www.viettoc.org/ve-van-
hoa-cong-chieng). Có sự khác biệt đáng kể trong việc xác định các nguyên
nhân dẫn đến những thay đổi trong đời sống tinh thần của người Kơho trên
hai địa bàn nghiên cứu (xem Bảng 4.9).
Bảng 4.9: Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi trong đời sống tinh
thần của người Kơho tại hai địa bàn nghiên cứu
(Đơn vị:%)
Thị trấn Xã
Đo lường Chung
Lạc Dương Tà Nung
Sự du nhập của người Kinh 98,8 98,7 98,7
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế 98,0 87,9 93,3
Sự du nhập của văn hóa phương Tây 60,1 47,8 54,3

150
Sự giao thoa văn hóa, kinh tế với
37,9 48,7 43,0
Đà Lạt
Nhận thức của người dân thay đổi 68,0 74,6 71,1
Sự xuất hiện của các PTTTĐC 36,0 57,1 45,9
Khác 1,6 1,3 1,5

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Lễ hội mừng lúa mới và lễ hội đâm trâu gắn liền với nền nông nghiệp
sản xuất lúa nước. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cùng với đặc
trưng về địa lý, khí hậu của vùng cao, lúa nước không còn là hoạt động sản
xuất chính của cộng đồng người Kơho ở Lâm Đồng, thay vào đó là quá trình
sản xuất rau màu, cây cà phê. Chính vì vậy, lễ hội mừng lúa mới và lễ hội
đâm trâu không còn tồn tại phổ biến trong cộng đồng: “Thực ra lễ hội đâm
trâu và lễ hội mừng lúa mới cũng rất hiếm khi được tổ chức vì nó đòi hỏi
kinh phí lớn. Ngày xưa trâu bò nhiều, để tổ chức được ngày lễ thì mỗi gia
đình chế ra những chế rượu cần, hay gom góp một tí lúa gạo, gà, vịt, hay
một con trâu của mình. Ngày đó nhiều trâu, nhiều bò, gom góp mỗi nhà một
tí. Bây giờ xảy ra ít, chỉ có những lễ hội lớn. Lễ hội mừng lúa mới bây giờ
cũng hiếm vì khu vực mình không trồng lúa nữa. Lúa ở đây không còn trồng
trong khoảng bảy năm nay, giờ cuộc sống thay đổi, xã hội thay đổi…” (Nam,
30 tuổi, làm nghề cồng chiêng, thị trấn Lạc Dương); “Hiện nay không còn
làm lúa, chắc cũng trên mười năm nay dân ở tại thị trấn Lạc Dương bỏ lúa
nước, chuyển sang canh tác rau, dâu… Ngày xưa ở thì người Lạch có làm
lúa nước. Một bộ phận bà con người Chil làm lúa rẫy, nương rẫy. Làm rau
màu, nương rẫy so với thời kỳ làm lúa nước thì thu nhập cao hơn, có thể làm
từ một vụ chuyển sang làm hai, ba vụ, thu nhập cao hơn. Do đó, lễ hội mừng
lúa mới không còn” (Nam, 64 tuổi, thị trấn Lạc Dương). Những nhân tố tác
động làm biến đổi các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc
thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và đồng bào Kơho ở Lâm Đồng nói riêng
một lần nữa được khẳng định qua một số bài viết trong cuốn sách “Giá trị
văn hóa truyền thống Tây Nguyên với phát triển bền vững” của Viện Nghiên
cứu Phát triển Phương Đông. Các tác giả đã cho rằng: “có một thực tế là quá

151
trình đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay bên cạnh rất nhiều cơ hội thì bản
sắc văn hóa tộc người cũng đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ. Tây
Nguyên và miền núi một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung nơi đồng bào dân
tộc thiểu số sinh sống có lễ hội đâm trâu cũng không nằm ngoài sự tác động
đó. Quá trình di dân tự do, tiếp cư, cận cư và xen cư giữa đồng bào dân tộc
thiểu số với người Kinh và cả người nước ngoài cũng tác động rất lớn đến
bản sắc văn hóa tộc người. Thêm nữa tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
sự hội nhập quốc tế và sự phát triển các loại hình báo chí, ấn phẩm văn hóa,
nhất là sự bùng nổ công nghệ thông tin, internet làm cho các nền văn hóa
trên thế giới xích lại gần nhau. Điều đáng lo ngại nhất là bản sắc văn hóa tộc
người cũng bị mai một rất nhiều. Trong đó di sản văn hóa vật thể, phi vật thể
của đồng bào thiểu số sinh sống ở Tây Nguyên và miền núi một số tỉnh thuộc
khu vực miền Trung cũng nằm trong tình trạng báo động đó” (Viện Nghiên
cứu Phát triển Phương Đông, 2016: 278).
Trong các hoạt động lễ hội văn hóa, đáng chú ý là lễ hội văn hóa cồng
chiêng - được xem là bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, được
UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đối với người Kơho, lễ
hội văn hóa cồng chiêng có nhiều biến đổi do tác động của quá trình đô thị
hóa khá mạnh mẽ: “… sự pha trộn ở đây cũng rất nhiều. Trước đây người
ta chỉ có ca hát những bài hát cổ hồi xưa của tổ tiên để lại như là nhạc cổ.
Hiện nay, anh em sáng tác các bài mới khác, có sự pha trộn như: âm điệu,
làn điệu mới, fan nhạc cũng có thể là những bài mới mới hiện nay, sáng
tác sau năm 1975, cái này phải nói là hoàn toàn mới, nhưng cái âm vang
của tiếng cồng chiêng sử dụng có thể cách tân đi một chút, nhưng nó vẫn
mang âm hưởng, cái hồn của bà con” (Nam, 60 tuổi, thị trấn Lạc Dương).
Cùng với sự phát triển của đất nước, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh
thần, mối quan hệ giao lưu về văn hóa, kinh tế, đối ngoại ngày càng được
nâng cao, có khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan du lịch và tìm
hiểu về văn hóa dân tộc bản địa. Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị
văn hóa cồng chiêng đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho
một bộ phận nhân dân tại địa phương, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
truyền thống của nhân dân các dân tộc bản địa, quảng bá và giới thiệu văn hóa

152
đến đông đảo công chúng, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết và học
hỏi lẫn nhau giữa các dân tộc: “Vừa bảo tồn được bản sắc của mình mà vừa
phát triển được theo hướng mới hiện nay, cũng có cái tiêu cực ở chỗ mình
lạm dụng múa này kia, có những lúc pha trộn, có nhiều pha trộn không phải
của mình. Thế nên du lịch nhiều lúc cũng theo cái nhu cầu của khách, hoặc là
dịch vụ du lịch đơn thuần nhưng mà nó mất đi cái đặc trung văn hóa của dân
tộc Lạch, rồi dân tộc này dân tộc khác” (Nam, 64 tuổi, thị trấn Lạc Dương).
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ kéo theo biến đổi trong đời
sống tinh thần của người Kơho theo nhiều chiều hướng khác nhau. Cụ thể:
có 75,3% người Kơho đánh giá sự biến đổi theo hướng tích cực, 18,4% cho
rằng không biến đổi nhiều, và 6,3% cho rằng biến đổi theo xu hướng tiêu
cực, sự đánh giá này không có sự khác biệt nhiều trên hai địa bàn nghiên
cứu (xem Bảng 4.10).
Bảng 4.10: Đánh giá về những thay đổi trong đời sống tinh thần của
cộng đồng 10 năm trở lại đây
(Đơn vị:%)

Đo lường Thị trấn Lạc Dương Xã Tà Nung Chung


Biến đổi tích cực 75,9 74,6 75,3
Không biến đổi nhiều 18,2 18,8 18,4
Biến đổi tiêu cực 5,9 6,7 6,3

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Trong quy luật vận động và phát triển, “nếu lấy viễn tượng duy xung
đột mà xét, việc sử dụng ngôn ngữ có thể làm nặng thêm sự phân cách giữa
các nhóm và các xã hội,… Các lý thuyết gia duy chức năng và duy xung
đột đều đồng ý rằng sự biến thể tồn tại bên trong một nền văn hóa. Các nhà
duy chức năng xem các tiểu văn hóa như thể những biến thể của những
môi trường xã hội đặc thù, và như một bằng chứng rằng các khác biệt vẫn
có thể tồn tại bên trong một xã hội” (Richard T.Schaefer, 2003:102,748).
Có thể theo nhận thức, hoặc mức độ ảnh hưởng đến chất lượng đời sống
để đánh giá về những tích cực hay tiêu cực của những thay đổi, trong

153
trường hợp nghiên cứu của chúng tôi, những thay đổi mang ý nghĩa tiêu
cực chiếm tỷ lệ không cao nhưng cũng là điều mà chúng tôi quan tâm, bởi
nó có ảnh hưởng đến việc duy trì, bảo lưu nền văn hóa bản địa của các tộc
người, đặc biệt trong lễ hội văn hóa cồng chiêng.
Trong việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt tinh thần, một số nhóm
còn để hiện tượng mất an ninh trật tự, để các em nhỏ ở nơi khác đến và
các em nhỏ trên địa bàn tổ chức ăn xin với du khách làm mất nét đẹp của
phong tục tập quán của dân tộc mình. Các hoạt động sinh hoạt văn hóa tuy
có sự đầu tư, luyện tập thường xuyên nhưng còn sử dụng các nhạc cụ như
đàn, sáo, bas, trống zass… một số nhóm sử dụng âm thanh quá mức cho
phép gây ồn ào cho nhân dân sinh sống xung quanh, một số nhóm sử dụng
một vài trò chơi dân gian không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân
tộc mình gây phản cảm khách, tạo dư luận xấu trong xã hội. Không gian
biểu diễn văn hóa cồng chiêng chưa đảm bảo được tính truyền thống, tính
nguyên gốc, trình độ hiểu biết về văn hóa cồng chiêng của một số diễn viên
còn hạn chế. Việc phối hợp, đoàn kết giữa các nhóm cồng chiêng với khu
du lịch Lang Biang chưa được khai thác (Số:02/BC-UBND TT Lạc Dương/
Tình hình hoạt động của nhóm cồng chiêng năm 2014).
Qua những phân tích trên cho thấy đời sống tinh thần của người Kơho
ở Lâm Đồng với các hoạt động theo chu kỳ trong quá trình đô thị hóa đã có
nhiều biến đổi cùng với xu hướng biến đổi của xã hội. Trong đó sự xâm nhập
của người Kinh cũng như văn hóa phương Tây, sự chuyển dịch cơ cấu kinh
tế và nhận thức của người dân ngày một nâng cao... đã có tác động mạnh mẽ
đến chất lượng đời sống vật chất và đời sống tinh thần của cộng đồng người
Kơho ở Lâm Đồng. Trong đời sống vật chất, đô thị hóa đã làm gia tăng khả
năng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu nhập của người dân có xu hướng tăng
lên; việc sở hữu các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình cũng vì thế mà được cải
thiện hơn trước. Trong đời sống tinh thần, xu hướng mất dần một số các lễ hội
văn hóa như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu,… và khả năng tiếp biến cái
mới, có chọn lọc thông qua các phương tiện truyền thông đã phản ánh phần
nào khả năng hội nhập và phát triển của người Kơho ngày nay phù hợp với xu
hướng vận động, hội nhập và phát triển của nhân loại nhưng vẫn bảo lưu được

154
nét văn hóa bản địa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Kơho nói riêng
và nhóm dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên nói chung.
Xét trên phạm vi không gian nghiên cứu, rõ ràng là đã diễn ra quá
trình thương mại hóa thông qua hoạt động du lịch tại địa phương, trên cơ
sở đó người Kơho ở thị trấn Lạc Dương có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao lưu
với nhiều nhóm dân tộc khác nhau hơn những người Kơho sống trên địa
bàn xã Tà Nung. Hơn nữa, là một trong những đô thị có tốc độ đô thị hóa
phát triển khá nhanh, thị trấn Lạc Dương là trung tâm kinh tế, chính trị,
văn hóa xã hội của huyện Lạc Dương, thị trấn Lạc Dương là nơi diễn ra
quá trình giao lưu, hội nhập với nhiều nhóm dân tộc khác nhau, trong đó
có cả người nước ngoài, chính điều này đã làm biến đổi đời sống xã hội
của người Kơho khá rõ nét. Những giá trị văn hóa có tính chất truyền thống
như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới,… có xu hướng mai một dần trên cơ
sở của việc tiếp nhận cái mới, tiến bộ hơn trong đời sống. Nhờ hoạt động
du lịch, không gian văn hóa cồng chiêng tại địa bàn cũng vì thế được duy
trì và phát triển, mặc dầu còn nhiều hạn chế cũng như những tác động tiêu
cực. Tuy nhiên đồng bào người Kơho vẫn duy trì được bản sắc văn hóa
của dân tộc mình thông qua lễ hội văn hóa cồng chiêng tốt hơn đồng bào
Kơho sinh sống trên địa bàn xã Tà Nung. Những khác biệt trong đời sống
tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trên hai địa bàn nghiên cứu được
phản ánh thông qua các thông số về văn hóa mà chúng tôi đã trình bày ở
phần trên. Các số liệu này là minh chứng rõ ràng nhất cho những tác động
của quá trình đô thị hóa lên đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Kơho,
đồng thời phản ánh khả năng tiếp biến văn hóa, sự lựa chọn các loại hình
văn hóa phù hợp với các nguồn lực của cộng đồng tại địa phương.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong quá trình sinh sống, các
dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam đã đoàn kết, gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau để
chống lại thiên tai, chống giặc ngoại xâm và xây dựng, bảo vệ đất nước.
Với tư tưởng phát triển “Khối đại đoàn kết dân tộc” của Hồ Chí Minh,
Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã có những chủ trương, chính
sách kịp thời nhằm ổn định xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các
dân tộc thiểu số.

155
Chương 5
ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI KƠHO
QUA NGHI LỄ CƯỚI XIN, MA CHAY

Các nghi lễ truyền thống theo vòng đời bao gồm nghi lễ khi mới chào
đời, nghi lễ cắt tóc lần đầu tiên, đôi khi là nghi lễ cắt móng tay lần đầu tiên,
cưới hỏi, tang ma… (Phạm Minh Thảo, Nguyễn Kim Loan, 2014: 35,36).
Cưới xin và ma chay là hai nghi lễ theo vòng đời quan trọng trong mỗi đời
người. Nếu cưới xin là một biểu hiện, một nội dung cụ thể, đồng thời là một
yêu cầu tất yếu trong quan hệ hôn nhân. Đây là cách thức để một đôi trai
gái được gia đình, dòng họ, cộng đồng công nhận là vợ chồng - cơ sở đầu
tiên để tạo lập một gia đình mới. Có thể nói, cưới xin là bước cao nhất trong
quan hệ hôn nhân (Võ Tấn Tú, 2016:339), thể hiện sự liên kết trong yếu tố
kinh tế, tình cảm, thực hiện chức năng tái sản xuất xã hội, duy trì nòi giống,
thì ngược lại, ma chay được nói đến khi con người chết đi, chấm dứt sự sống
và khả năng duy trì nòi giống của mình, tìm về với tổ tiên, với Chúa và đất
trời. “Sinh - lão - bệnh - tử” vốn là quy luật tất yếu trong mỗi đời người,
dù muốn hay không muốn, chúng ta cũng đều phải đối diện và trải qua quy
luật ấy. Các nghiên cứu từ ngành dân tộc học, nhân học dưới một góc độ
nào đó đã mô tả được những đặc trưng cơ bản trong phong tục cưới xin và
ma chay với cách nhìn của nhà dân tộc học và nhân học như chúng tôi có
đề cập ở phần tổng quan nghiên cứu. Trong chương này, bằng phương pháp
và cách tiếp cận của nhà xã hội học, chúng tôi muốn phản ánh đời sống tinh
thần của người Kơho ở Lâm Đồng thông qua nghi lễ cưới xin và ma chay
bằng những thông số cụ thể và cách nhìn của một nhà nghiên cứu xã hội
học, với hy vọng sẽ tìm ra được những điểm mới, khác biệt hơn so với các
nghiên cứu từ ngành nhân học và dân tộc học trong nhóm đối tượng là dân
tộc Kơho.

156
5.1. Nghi lễ cưới xin
5.1.1. Những biểu hiện trong đời sống tinh thần của người Kơho qua nghi
lễ cưới xin
Cưới xin là đỉnh cao của quan hệ hôn nhân, theo phong tục của cha
ông ta, cưới xin phải trải qua nhiều bước, với những nghi thức, nghi lễ
khác nhau: đặt vấn đề (dạm ngõ), lễ hỏi, lễ cưới, lễ xin dâu, lễ lại mặt,....
Mỗi bước trong phong tục cưới xin đều thể hiện được đồng thuận, tình yêu,
sự sẻ chia của đôi bạn trai gái và sự đồng ý của dòng họ hai bên gia đình.
Cũng giống như các cộng đồng dân tộc khác, người Kơho ở Lâm Đồng có
những nghi lễ để duy trì được giá trị, phong tục của dân tộc mình. Trong
quan niệm về cưới xin, nghiên cứu này của chúng tôi tập trung vào một
số vấn đề chính như: tuổi kết hôn, lễ hỏi, bà mai mối, tục bắt chồng, trang
phục cô dâu chú rể ngày cưới, vật thách cưới,… nhằm xem xét những biến
đổi trong nghi lễ cưới xin của người Kơho hiện nay.
Cưới là làm lễ chính thức lấy nhau thành vợ thành chồng; kết hôn
với người mình lấy làm vợ (hoặc chồng). Cưới xin là làm lễ cưới để “xin”
cô dâu về nhà mình, nói chung: việc cưới xin (Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải
Thụy, Nguyễn Đức Dương; 2005: 421), là minh chứng của tình yêu, sự
khát khao của đôi trai gái muốn sống với nhau, cùng sinh con đẻ cái và sẻ
chia trong đời sống. Từ trong lịch sử cho đến xã hội hiện đại, cưới xin là
một nét văn hóa cao quý, thể hiện nếp sống của con người và đã trở thành
phong tục, tập quán của các cộng đồng, dân tộc trên khắp mọi miền, không
phân biệt dân tộc, tôn giáo, quốc gia,… Tuy nhiên, hình thức tổ chức, tuổi
tác kết hôn, người ra quyết định kết hôn,… ở mỗi cộng đồng dân tộc có
những biểu hiện riêng, thể hiện đặc trưng, bản sắc của họ.
Cưới xin của người Kơho cũng giống như các dân tộc khác, được
xây dựng trên cơ sở tình yêu đôi lứa và sự đồng ý, vun đắp từ hai gia đình.
Họ gặp, tìm hiểu và tiến tới kết hôn thông qua hoạt động sản xuất, giao tiếp
thường ngày, hoặc thông qua các hoạt động từ cộng đồng như các phong

157
trào văn nghệ, thể dục thể thao, các mùa lễ hội của buôn làng. Theo kết quả
phản ánh của Võ Tấn Tú (2016), nhà nghiên cứu dân tộc học: tiêu chuẩn
lựa chọn bạn đời của người Chil không có khác biệt lớn so với các dân tộc
khác. Những yêu cầu hàng đầu là cần cù, siêng năng trong lao động sản
xuất, có đạo đức tốt, có sức khỏe. Trong quan niệm về kết hôn của người
Chil, họ không đặt nặng vấn đề trinh tiết (ur -drinh). Đôi trai gái yêu nhau
muốn tiến tới kết hôn cần phải được sự đồng thuận của cha mẹ, gia đình
hai bên. Ngoài ra, việc kết hôn của người Chil còn được thực hiện theo
tục “tam kơp” - tức là sự đính ước từ trước của hai gia đình khi đôi trẻ còn
nhỏ. Nếu hai gia đình đã thực hiện “tam kơp” nhưng sau đó một bên xóa
bỏ “hợp đồng” thì phải nộp phạt cho bên kia trâu, lợn, rượu,... Đây là một
tục lệ quan trọng vì không chỉ là sự đính ước giữa hai gia đình mà còn là sự
thỏa thuận kết hôn giữa hai dòng họ... Đây chính là tàn dư dấu vết của chế
độ hôn nhân thời nguyên thủy, phản ánh tổ chức xã hội từ xa xưa: tổ chức
lưỡng hợp. Một số tục lệ khác trong hôn nhân của người Chil cũng là tàn
dư của thời nguyên thủy như hôn nhân con cô con cậu, tục nối dây. Trong
hôn nhân con cô con cậu, người Chil chỉ cho phép và khuyến khích con gái
lấy con trai cậu. Trước đây, người Chil ưa thích loại hôn nhân này vì nó tăng
cường quan hệ ruột thịt giữa gia đình cô và gia đình cậu, vừa giảm được
phí tổn đám cưới. Tuy nhiên, ngày nay tục lệ này không còn quan trọng và
không tồn tại phổ biến trong cộng đồng người Kơho ở Lâm Đồng do những
biến đổi xã hội, nhận thức của người dân cũng dần dần thay đổi để phù hợp
với xu thế phát triển chung. Đối tượng nam nữ hướng đến kết hôn trở nên
đa dạng hơn, không chỉ có trong cộng đồng người Kơho mà còn hướng đến
những nhóm người khác như: người Kinh, người phương Tây, trong sự phát
triển và chi phối của quá trình di dân, mở rộng lối sống thành thị. Hành vi
duy lý trong việc lựa chọn bạn đời và hướng đến kết hôn thể hiện mức độ
nhận thức và xu hướng phát triển chung của xã hội.
5.1.1.1. Lễ ăn hỏi
Để tổ chức lễ cưới thì tuổi kết hôn, người mai mối, tục bắt chồng, ăn
hỏi là những bước đầu tiên trong nghi lễ cưới hỏi.

158
Thứ nhất, tuổi kết hôn
Để tăng tính bền vững của hôn nhân, độ tuổi kết hôn của các đôi trai gái
giữ một vai trò quan trọng, bởi độ tuổi kết hôn là minh chứng cho sự trưởng
thành, chín chắn trong suy nghĩ, nhận thức và làm chủ mọi quyết định, hành
động của mình.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ở Việt Nam đã có một số công trình
nghiên cứu và các số liệu thống kê tuổi kết hôn thông qua các cuộc điều
tra về dân số. Đáng kể nhất là công trình của Nguyễn Hữu Minh (2000a)
về các yếu tố tác động đến khuôn mẫu tuổi kết hôn của cư dân Đồng bằng
sông Hồng. Theo tác giả, trên thế giới, các nghiên cứu thực nghiệm đã xác
nhận giả thuyết của Goode (1963) về ảnh hưởng của các yếu tố hiện đại đến
khuôn mẫu tuổi kết hôn. Theo đó, những cá nhân có trình độ học vấn cao,
có nghề nghiệp hiện đại, sống trong môi trường đô thị hóa, có xu hướng kết
hôn muộn hơn những người khác mang đặc trưng kém hiện đại hơn (Trần
Thị Vân Anh, Nguyễn Hữu Minh, 2008:260). Nghiên cứu của tác giả Võ
Tấn Tú (2016) đã chỉ ra rằng, tuổi kết hôn của trai gái người Chil trước đây
thường ở độ tuổi từ 16 đến 17 tuổi đối với con gái; 18 đến 20 tuổi đối với
con trai. Tuy quyền chủ động hôn nhân thường thuộc về con gái nhưng nếu
cô gái không chọn được chồng ở độ tuổi trên thì sẽ khó lấy chồng, thậm chí
phải sống độc thân. Trong việc lựa chọn bạn đời, thường khoảng cách tuổi
người con trai hơn người con gái từ 2 đến 3 tuổi được người Chil yêu thích
nhất. Ở xã N,Thôn Hạ (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), năm 1998 trong số
11 cặp trai gái người Chil kết hôn thì số cặp chồng hơn vợ 2-3 tuổi là 7 cặp
(chiếm tỷ lệ hơn 75%), các năm từ 1999 đến 2000, có 13/18 cặp kết hôn mà
chồng có tuổi hơn vợ 2-3 tuổi (Võ Tấn Tú, 2016).
Trong kết quả nghiên cứu này của chúng tôi cho thấy một sự biến đổi
khá lớn, độ tuổi kết hôn hiện nay của nam giới và nữ giới người Kơho có xu
hướng tăng lên đáng kể, với tỷ lệ 73,4% cho rằng độ tuổi kết hôn của nam
giới hiện nhiều hơn so với 10 năm trở về trước và 69,4% cho rằng độ tuổi kết
hôn của nữ giới nhiều hơn so với 10 năm về trước (xem Bảng 5.1).

159
Bảng 5.1: Tuổi kết hôn của nam và nữ người Kơho hiện nay
so với 10 năm trước
(Đơn vị: %)
Đo lường Thị trấn Xã Tà Nung Chung
Lạc Dương
Tần số % Tần số % Tần số %
Tuổi kết hôn Nhiều tuổi 196 77,5 154 68,8 350 73,4
hiện nay so hơn
với 10 năm
Vẫn giữ 43 17,0 42 18,8 85 17,8
trước của nam
nguyên
Ít tuổi hơn 14 5,5 28 12,5 42 8,8
Tuổi kết hôn Nhiều tuổi 183 72,3 148 66,1 331 69,4
hiện nay so hơn
với 10 năm
Vẫn giữ 51 20,2 47 21,0 98 20,5
trước của nữ
nguyên
Ít tuổi hơn 19 7,5 29 12,9 48 10,1

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Độ tuổi kết hôn phổ biến của nam là từ 18 đến 20 tuổi chiếm tỷ lệ
52,2% và từ 21 đến 25 tuổi chiếm tỷ lệ 40,9%; còn độ tuổi kết hôn của nữ
chiếm tỷ lệ cao là trong độ tuổi từ 18 đến 20 tuổi (78%) (xem Bảng 5.2).
Bảng 5.2: Độ tuổi kết hôn của người Kơho hiện nay
(Đơn vị: %)
Thị trấn
Xã Tà Nung Chung
Đo lường Lạc Dương
Tần số % Tần số % Tần số %
Dưới 15 tuổi 1 0,4 2 0,9 3 0,6
Tuổi kết 15-17 tuổi 8 3,2 12 5,4 20 4,2
hôn phổ
18-20 tuổi 141 55,7 108 48,2 249 52,2
biến của
nam 21-25 tuổi 97 38,3 98 43,8 195 40,9
Trên 25 tuổi 6 2,4 4 1,8 10 2,1

160
Dưới 15 tuổi 1 0,4 1 0,4 2 0,4
Tuổi kết 15-17 tuổi 27 10,7 32 14,3 59 12,4
hôn phổ
18-20 tuổi 198 78,3 174 77,7 372 78,0
biến của
nữ 21-25 tuổi 26 10,3 15 6,7 41 8,6
Trên 25 tuổi 1 0,4 2 0,9 3 0,6

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Như vậy, vấn đề “tảo hôn” vốn thường tồn tại trong các nhóm cộng
đồng dân tộc thiểu số mà chúng ta thường nghe đề cập trên báo, đài, các
phương tiện truyền thông cũng như qua một số nghiên cứu trước đây
(khoảng thời gian từ năm 2000 trở về trước) đến thời điểm hiện nay không
còn phổ biến, xu hướng kết hôn muộn gần như khá phổ biến trong đời sống
cộng đồng: “hiện nay ít tảo hôn, nay muốn vui chơi, giao lưu” (nam, 34
tuổi, cán bộ văn hóa, thị trấn Lạc Dương). Đặc biệt là trong nhóm đồng
bào dân tộc Kơho ở Lâm Đồng, tỷ lệ kết hôn dưới 17 tuổi đối với nam chỉ
chiếm 4,6%, tỷ lệ kết hôn của nữ trước 17 tuổi là 12,8%. Các chỉ số trên đã
cho thấy được phần nào những hiểu biết trong kiến thức để xây dựng hôn
nhân, gia đình trong đời sống của đồng bào dân tộc Kơho. Điều này có thể
giải thích thông qua mục đích theo dõi các phương tiện truyền thông đại
chúng mà phần trên chúng tôi đã trình bày. Mặt khác đã cho thấy đường
lối, chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng, pháp luật của Nhà nước và
địa phương trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nâng cao nhận thức
và hiểu biết của người dân trong việc kết hôn và tránh tảo hôn với những
hệ quả không lường xảy ra, hướng tới việc xây dựng gia đình văn hóa, ấm
no, hạnh phúc.
Nam nữ đến tuổi dựng vợ, gả chồng thì gia đình sẽ nhờ người mai
mối, thường thì việc này do nhà gái tiến hành, người mai mối sẽ đến nhà
trai ngỏ lời, nếu nhà trai chấp thuận thì họ sẽ tiến hành lễ hỏi.
Thứ hai, người mai mối, lễ hỏi và tục bắt chồng
Nam nữ đến tuổi kết hôn thì có thể tự do tìm hiểu nhau hoặc thông
qua ông tơ, bà mối. Theo nghiên cứu trong lĩnh vực dân tộc học của Võ Tấn

161
Tú (2016), ở người Chil, quá trình tiến tới nghi lễ trên phải trải qua nhiều
bước, trong đó quyền chủ động và việc tiến hành các bước này thuộc về
nhà gái. Trước hết là lễ trao vòng (Tơ cặp cong) - lễ đặt vấn đề với nhà trai
về việc cưới xin cho đôi trẻ. Người thay mặt nhà gái thực hiện lễ này là ông
mối (cau lơh gương) - người có uy tín, biết ăn nói. Ông mối sẽ mang theo
một vòng đồng và nhiều chuỗi cườm sang nhà trai. Nếu được nhà trai chấp
thuận, ông mối sẽ đeo vòng vào tay chàng trai và trao chuỗi cườm cho mẹ
chàng trai… khi được nhà trai chấp thuận thì nhà gái tiếp tục mang sính lễ
tiếp tục đến gặp nhà trai với số lượng người đông hơn, gồm: ông cậu, các
anh chị em, người trưởng họ,… Sính lễ gồm có chiêng, ché, chuỗi cườm,
lợn (70-80kg) được coi là tặng riêng cho bà mẹ chàng trai để tạ ơn người
đã có công sinh thành nuôi dưỡng, và sẽ được giết thịt để thiết đãi họ hàng
nhà trai… Trong dịp này, phía nhà gái cũng yêu cầu nhà trai phải giết một
con chó để thiết đãi nhà gái, như câu tục ngữ của người Chil “lợn thì biết
mẹ vợ, chó thì biết cậu chồng”.
Trong các nghiên cứu của dân tộc học đã chỉ ra rằng, đến ngày ấn
định, người mai mối cùng gia đình, dòng họ cô gái mang lễ vật đến nhà
trai xin hỏi. Lễ vật hỏi (phăn tơ-lúp) của người Kơho giống với lễ vật
hỏi của người Chu Ru nhưng khác với người Chil. Ở người Chil, lễ vật
hỏi gồm một cái tô (dul kôp jơr lũ) và một sợi dây cườm (dul dăng vong)
cho mẹ chú rể. Thường một cái tô trị giá bằng một con heo lớn cỡ ba đến
bốn gang tay. Một sợi dây cườm trị giá một chỉ rưỡi vàng. Cha của chú rể
thì được một cái đồng la trị giá bằng một con nghé. Chú rể và mỗi người
trong gia đình dòng họ của anh được nhận một sợi dây cườm. Theo tục
lệ, khi gia đình đàng gái đưa lễ vật cho gia đình đàng trai thì gia đình
đàng trai không được nhận hết mà phải hồi lại một phần ba lễ vật. Đôi vợ
chồng trẻ được lấy lễ vật hồi lại để làm vốn làm ăn sau khi cưới. Ở người
Kơho, nhà trai được quyền nhận hết lễ vật hỏi mà nhà gái mang đến. Lễ
vật hỏi gồm một khăn lul, một khăn sreng, một khăn pơtéh cho gia đình
chú rể, một khăn ôvan cho mẹ chú rể, một sợi dây cườm (vong) cho cha
chú rể, hai chiếc nhẫn, một chiếc cho chú rể và một chiếc cho cô dâu.

162
Ông cậu và mỗi người trong gia tộc chú rể nhận một sợi dây cườm. Nếu
gia đình, dòng họ đàng trai quá đông hoặc gia đình đàng gái quá nghèo
không đủ khả năng mua lễ vật thì nhà gái có thể khất nợ. Tuy nhiên, khăn
ôvan cho mẹ, nhẫn bạc cho chú rể và cô dâu, sợi dây cườm cho chú rể,
cho cha và cho cậu là những lễ vật bắt buộc phải có. Hiện nay, nhẫn bạc
(sơ biăt priă) được thay bằng nhẫn vàng (sơ biăt mừh). Ngoài ra, thay vì
nhà gái cho mỗi người trong gia tộc đàng trai một sợi dây cườm thì họ có
thể đưa bằng tiền. Chuỗi cườm là lễ vật không thể thiếu trong lễ hỏi. Vì
theo chế độ mẫu hệ, con gái là người đi bắt chồng, nên sợi cườm đi trong
lễ hỏi là sợi cườm theo phong tục của nhà gái. Điều đó có nghĩa là nếu
cô gái là người Kơho đi bắt chồng là người Chil thì chuỗi cườm đi trong
lễ hỏi là chuỗi cườm của người Kơho và ngược lại. Ở người Kơho cũng
giống như các dân tộc gốc Tây Nguyên khác, lễ hỏi được tổ chức tại nhà
trai. Đến ngày ấn định, người mai mối cùng gia đình dòng họ bên nhà gái
mang lễ vật đến nhà trai xin lễ bắt chồng (dăn gơ - noăr kũp bău). Đáp
lại thiện ý nhà gái, người cậu hoặc người bác của chú rể hỏi ý kiến gia
đình nhà trai và chú rể xem có đồng ý cho nhà gái đặt lễ bắt chồng hay
không. Nếu đôi bên thuận tình thì lễ hỏi sẽ diễn ra tuần tự theo nghi thức
sau: chàng trai, cô gái được mời ra đứng trước hai bên gia đình dòng họ.
Ông cậu hoặc ông bác của hai bên gia đình lần lượt hỏi ý kiến của cô gái
và chàng trai có đồng ý cho lấy nhau không. Nếu cả hai đồng ý thì cô
dâu và chủ rể rót rượu mời nhau và đeo nhẫn cho nhau. Cô dâu cũng đeo
chuỗi cườm cho chú rể. Ông cậu hoặc ông bác đại diện cho gia đình nhà
gái trao lễ vật hỏi cho ông cậu hoặc ông bác đại diện cho nhà trai (Phan
Ngọc Chiến, 2005:97-99).
Sau khi hai gia đình thực hiện lễ hỏi thành công, tục bắt chồng sẽ
được tiến hành. Tục bắt chồng là một mô hình truyền thống của rất nhiều
dân tộc ít người trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có dân tộc
Kơho. Tục bắt chồng là một hình thức biểu hiện của chế độ mẫu hệ, đối
với người Kơho thì người phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong gia
đình, khi đôi nam nữ có một tình cảm gắn kết hay từ một sự hứa gả của cha

163
mẹ, lễ cưới được tiến hành trên cơ sở của gia đình phụ nữ đến xin nhà nam
cưới, hoặc bắt nam giới về nhà ở và làm việc cho gia đình của người nữ
trong một thời gian mới tổ chức lễ cưới. Đồng bào dân tộc Kơho hiện nay
vẫn giữ chế độ mẫu hệ. Do đó, hoạt động cưới hỏi diễn ra trong đời sống
của nhóm đồng bào dân tộc này không đơn thuần là làm “lễ cưới để “xin”
cô dâu về nhà mình”. Trong lịch sử, chế độ mẫu hệ trong nhóm đồng bào
dân tộc thiểu số có tục “bắt chồng” - như một đặc trưng riêng của các chế
độ xã hội cũ xưa, trong xã hội hiện đại tục “bắt chồng” vẫn còn tồn tại ở
một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nó còn phổ biến nhưng có xu
hướng giảm dần. Cụ thể “tục bắt chồng” còn tồn tại hiện nay ở địa phương
chiếm 81,3%; tục “bắt chồng” của 10 năm trước là 95,6%, tục bắt chồng
ở thị trấn Lạc Dương - vốn được xem là khu vực đô thị, văn minh thì lại
chiếm tỷ lệ cao hơn ở xã Tà Nung (xem Bảng 5.3).
Bảng 5.3: Tục bắt chồng của người Kơho
(Đơn vị: %)
Thị trấn
Xã Tà Nung Chung
Tục bắt chồng Lạc Dương
Tần số % Tần số % Tần số %
Tục bắt chồng hiện Có 214 84,6 174 77,7 388 81,3
nay ở địa phương Không 39 15,4 50 22,3 89 18,7
Tục bắt chồng ở địa Có 244 96,4 212 94,6 456 95,6
phương 10 năm trước Không 9 3,6 12 5,4 21 4,4

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Tục bắt chồng của người Kơho diễn ra trước lễ cưới, khi đôi trai gái
có tình cảm hoặc được sự chấp thuận của hai bên gia đình, nhà gái sẽ “bắt”
người con trai về nhà mình ở và làm việc cho đến khi tổ chức lễ cưới. Mặc
dầu hiện nay có xu hướng chuyển dần sang “không bắt chồng”, nhưng phong
tục này vẫn còn được người Kơho ít nhiều duy trì như một nét văn hóa của
mình: “Tục bắt chồng vẫn còn, phải ở rể, người con gái đi bắt người con trai”
(Nam, 34 tuổi, cán bộ văn hóa, thị trấn Lạc Dương).

164
Và sau đó thì “cô gái” ở lại làm “dâu” bên “nhà chồng”. Thời gian làm
dâu ngắn hay dài tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên gia đình. Thông
thường thời gian làm dâu lý tưởng nhất là từ ba đến sáu tháng, vì bên nhà gái
muốn con gái mình sinh con đầu lòng tại nhà cha mẹ đẻ (Phan Ngọc Chiến,
2005: 99).
5.1.1.2. Vật thách cưới
Thực tế cho thấy rằng, người Kơho theo chế độ mẫu hệ, nhà gái vẫn
luôn được xem là trụ cột chính, là người nắm vững về kinh tế và quyền ra
quyết định. Vì vậy, trong hôn nhân gia đình nhà gái đến xin cưới là một điều
dễ hiểu. Từ đó, gia đình nhà trai luôn là bên thách cưới: “Nếu nhận lời, nhà
trai đòi hỏi sính lễ phải có: mỗi người phụ nữ trong gia đình phải có một
chiếc váy và một chuỗi cườm (người thân gần thì váy quý, cườm đẹp). Váy
và cườm thì thường được tặng cho người trong họ xa. Hiện tại người Kơho
vẫn giữ phong tục này, nên tháng 11, 12 vùng dệt thổ cẩm ở bốn buôn Ya (xã
Đạ Đờn, huyện Lâm Hà) làm sản phẩm dệt bán cho các lễ cưới khắp tỉnh
(mỗi đám từ 20 - 30 chiếc váy, áo). Tất nhiên nhà trai cũng sẽ đòi lễ vật nhiều
hơn (thách cưới)” (Linh Nga NiêKDam, 2011:42). Trong giai đoạn hiện nay,
thách cưới vốn vẫn duy trì như một thuần phong, mỹ tục. Người Kơho quan
niệm rằng vật thách cưới thể hiện giá trị của người con trai. Do đó, thách cưới
là một nghi thức không thể thiếu trong việc tổ chức hôn lễ. Trong nghiên cứu
này của chúng tôi, vật thách cưới của người Kơho chiếm tỷ lệ cao nhất và khá
phổ biến là tiền (92,5%), tiếp đến là vàng (62,1%), vật thách cưới bằng vải/
chóe/hạt cườm cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao (49,1%), tỷ lệ thách cưới là
con trâu/con bò, hay những vật khác chiếm tỷ lệ khá thấp (dưới 11,7%). Khi
so sánh trên hai địa bàn nghiên cứu, kết quả cho thấy không có sự khác biệt
nhiều trong việc thách cưới và vật thách cưới là “vàng, tiền” của người Kơho.
Như vậy, yếu tố nông thôn và đô thị trong trường hợp này không ảnh hưởng
nhiều đến vật thách cưới là vàng hay tiền; tuy nhiên có sự khác biệt đáng kể
trong vật thách cưới là “vải, chóe, hạt cườm” - vốn là những vật rất quý giá,
thể hiện bản sắc văn hóa của người Kơho (xem Hình 5.1).

165
(Đơn vị: %)

Hình 5.1: Vật thách cưới của người Kơho trong giai đoạn hiện nay
(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)
Theo lý giải của người Kơho, bản chất của việc thách cưới khá đa
dạng, tùy thuộc vào quan niệm của nhà trai, nhiều gia đình đánh giá cao
người con trai của mình, họ cho rằng công nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều thì
sẽ thách cưới cao: “Cũng có nhà thách nhiều cái phức tạp lắm. Đám cưới
theo ở đây, không nói các tỉnh bên ngoài khác. Đây là ví dụ, họ xin 75 triệu,
20 hoặc 30 cái tô gì đó (tô mình ăn cơm trị giá mỗi cái gần 200 ngàn đến
300 ngàn một cái, tô thì 60 ngàn, còn cườm thì 180 ngàn). Họ xin bao nhiêu
thì mình đưa bấy nhiêu, còn tiền 15 triệu hay bao nhiêu đó nếu có khả năng
mình thì đưa hết, không thì khất lại, đưa trước 10 triệu. Đến ngày đám cưới,
họ đem tiền theo phong tục đó, khi họ đem 200 ngàn, 300 ngàn, 400 ngàn
thì người ta đem giả lại cườm và tô. Ví dụ họ đem 200 ngàn thì mình đem để
lại 1 cái cườm với 1 cái tô. Có nghĩa là theo phong tục là họ hàng như anh,
chị, em, cô, dì, chú, bác sẽ bỏ tiền vào một cái ví (còn tiền cho cô dâu chú rể
là riêng). Cái ví đó được người dẫn đường xem để xem tùy mức độ tiền mà
mình đưa cho họ số bát và cườm tương đương. Tiền lễ 15 triệu là cho cha
mẹ bên nhà trai; còn cườm, tô giống kiểu là lễ của những người họ hàng
bên đằng trai sau khi ăn cưới xong mình phải trả cho họ tương đương với
số tiền mà họ đã để vào ví, theo phong tục họ đưa 200 ngàn thì mình đưa họ

166
2 cái cườm còn 300 ngàn thì mình đưa họ thêm cái tô (Nam, trung niên, ban
chấp sự Tin lành, xã Tà Nung).
Trong những năm qua, đời sống vật chất của nhân dân đã từng bước
được cải thiện. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo
của các cấp ủy Đảng, và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của nhân dân, đời
sống kinh tế của nhân dân ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu
người năm sau cao hơn năm trước. Điều này đã góp phần vào việc thay
đổi nhận thức, lối sống và quan niệm của người Kơho, vì vậy vấn đề thách
cưới như thế nào còn tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của cuộc sống và thực
lực kinh tế của hộ gia đình (Báo cáo Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào
“toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, 2010). Với nền kinh tế
chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nên đa phần kinh tế của cư dân còn thấp,
do đó việc thách cưới vẫn được một số bộ phận dân cư cho là “vượt quá
khả năng” (chiếm tỷ lệ 35,2%); tuy nhiên cũng có hiện tượng nhà trai
không thích nhà gái, do đó thách cưới “cao” nhằm mục đích để họ có thể
“từ bỏ” lễ cưới này đi “vì gia đình người ta không thích nhà gái nên thách
cưới cao để muốn họ từ bỏ, không tổ chức lễ cưới” (Nam, 34 tuổi, cán bộ
văn hóa xã Tà Nung)
5.1.1.3. Tổ chức lễ cưới
Lễ cưới (vô kup bao) được tiến hành sau lễ hỏi một thời gian, nhưng
quãng thời gian này không được quy định một cách cụ thể. Thường người
ta tổ chức đám cưới sau lễ hỏi khoảng năm đến sáu tháng. Nhưng cũng
có trường hợp vì gia đình nhà gái không đủ điều kiện tài chính hay vì một
lý do nào đó, người ta rước rể về nhà gái trước rồi một thời gian sau mới
tổ chức đám cưới. Trong quan niệm của người Kơho ở đây, lễ cưới không
quan trọng bằng lễ hỏi. Đám cưới được tổ chức ở nhà gái. Nhà trai chỉ làm
một bữa tiệc nhỏ để đón tiếp nhà gái khi họ đến rước rể. Thành phần đi
rước rể gồm gia đình, dòng họ và bạn bè cô dâu. Sau khi rước rể về nhà,
mọi người ăn cỗ, ca hát, nhảy múa (Phan Ngọc Chiến, 2005: 99).
Cùng với sự phát triển và hội nhập, hình thức tổ chức lễ cưới của
người Kơho cũng dần có sự thay đổi, từ việc “tự cung, tự cấp” - lễ cưới

167
được tổ chức tại gia đình nhà gái (chiếm tỷ lệ trên 80%), thì nay có sự xuất
hiện của việc tổ chức tại nhà hàng, thuê mướn dịch vụ (chiếm tỷ lệ 28,8%,
tỷ lệ này cách đây 10 năm chỉ đạt 1%): “Hồi xưa đám cưới không có bàn ghế
như bây giờ, hoặc có nhưng người ta mượn, còn người ta thường trải chiếu
ra ngồi, nam một khối, nữ một khối, ví dụ như thế. Có thể là mượn hai ba cái
nhà chung liền với nhau, có thể tổ chức nguyên như thế. Chứ còn ở ngoài thì
cũng có, người ta đóng một cái sạp nho nhỏ để thanh niên có thể ăn ở ngoài,
trong nhà thường dành hết cho người lớn tuổi. Người lớn tuổi là người có vợ
có con, còn thanh niên chưa vợ này kia có thể đãi ở bên ngoài. Ví dụ ngày xưa
do điều kiện mình chưa có rạp như bây giờ thì người ta ăn như thế, người ta
ăn rất vui.… Ngày nay người ta cũng quan niệm cách mới, như kiểu mới rồi,
tức là tổ chức đám cưới hiện nay rất tiện cho gia đình, tức là bây giờ cái gì
cũng có dịch vụ là thuê người, người ta làm xong cho mình từ đầu đến cuối,
mình chỉ lo tiếp khách, vấn đề là chén bát này kia, kể cả ăn cái gì, uống cái
gì do mình yêu cầu là người ta làm hết, người ta cung ứng hết cho mình. Hồi
xưa không có người thì người ta phải làm, người ta làm nhưng mà người ta
lại có cái món truyền thống của mình, ví dụ như người ta làm mấy cái món
ăn đặc trưng của đồng bào mình, mình giữ được một vài món đặc trưng của
đồng bào mình, dân tộc mình” (Nam, 60 tuổi, thị trấn Lạc Dương).
Cùng với những thay đổi trong hình thức tổ chức lễ cưới, trang phục
của cô dâu chú rể ngày nay cũng có xu hướng “lựa chọn” phù hợp với quá
trình hội nhập, mở cửa và giao lưu văn hóa: “Trang phục họ mặc truyền thống
giờ họ cách tân lắm, cũng dùng thổ cẩm để may, nhưng may theo kiểu bây
giờ. Con trai cũng chỉ mặc áo quần, con gái mặc váy, khố chỉ dùng để gây
dựng lại thời xưa mặc trong các lễ hội thôi” (Nam, 35 tuổi, cán bộ văn hóa
thị trấn Lạc Dương); “Cái đó ngày xưa phổ biến lắm, chứ còn mình bây giờ
họ hướng đến cái đẹp hết, họ trao đổi giao lưu văn hóa nên mặc vest, đám
cưới giờ chủ yếu mặc vest. Cũng ít gia đình người ta không còn có nhu cầu
người ta cũng mặc trang phục dân tộc” (Nam, 60 tuổi, thị trấn Lạc Dương).
Xu hướng sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình trong lễ cưới
chiếm tỷ lệ 93,7% nay giảm xuống chỉ còn 30%; việc lựa chọn trang phục lễ
cưới theo kiểu Tây Âu (Âu phục) từ chỗ chỉ chiếm tỷ lệ 12,6% thì nay tăng

168
lên đến 95,8%, và không có sự khác biệt nhiều trên hai địa bàn nghiên cứu
(xem Bảng 5.4).
Bảng 5.4: Trang phục ngày cưới của cô dâu, chú rể
(Đơn vị: %)

Đo lường Loại trang phục %


Âu phục 95,8
Trang phục cưới hiện nay Áo dài 0,4
Truyền thống của người Kơho 30,0
Âu phục 12,6
Trang phục cưới của 10
Truyền thống của người Kơho 93,7
năm trước
Trang phục thường ngày 1,0

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Từ những phân tích trên cho thấy, phong tục cưới hỏi của người
Kơho hiện nay có sự biến đổi khá nhiều. Theo đánh giá của người Kơho
thì lễ cưới ngày nay khác với lễ cưới ngày xưa (69,6%): “lễ cưới ngày nay
tổ chức to hơn, có tiệc chiêu đãi, có giàn nhạc, có ca nhạc và nhảy múa,
có loa đài, rạp cưới, các nghi thức được rút gọn nhiều hơn, không kéo dài
như trước đây, vật thách cưới hiện nay thì không dùng trâu bò mà dùng
bằng tiền, vàng, hiện tượng bố mẹ quyết định trong hôn nhân giảm đi và
quyền tự quyết của con cái tăng lên đáng kể, trang phục hiện đại, đám
cưới được tổ chức lớn hơn, đông người đến dự hơn và lễ cưới phải có thiệp
mời,…” (Tổng hợp đánh giá của người Kơho thông qua câu hỏi mở trong
bảng hỏi của nghiên cứu, 2/2017). Nguyên nhân dẫn đến những biến đổi
này là do quá trình di cư của nhiều luồng dân cư khác nhau vào cùng sinh
sống và tồn tại. Trong đó đặc biệt là quá trình sinh sống cùng người Kinh
(91,8%), học hỏi qua các phương tiện truyền thông đại chúng (37,3%);
cùng với sự hội nhập thì “ý thức tự thay đổi dần” của người Kơho cũng là
một chỉ báo quan trọng (67,5%). Cũng chính vì vậy, đối tượng hướng đến
kết hôn của nam giới và nữ giới cũng trở lên đa dạng hơn, không còn bó

169
hẹp trong cộng đồng, dân tộc của mình: “Hiện nay người Kơho lấy người
Kinh, có người lấy người Tây, Việt Kiều. Sau khi lấy xong họ ở đây kinh
doanh cà phê, toàn người nước ngoài vô thưởng thức cà phê, khách du
lịch. Như Sô Đa cũng đi làm cồng chiêng ở Thung lũng tình yêu gặp chồng
hiện nay đi du lịch nên quen lấy đến bây giờ. Như cồng chiêng mấy thanh
niên chưa chồng chưa con là khách du lịch Sài Gòn lên chơi cồng chiêng
xong trao đổi với nhau xong lấy nhau, Miền Tây, Sài Gòn vẫn có” (Nam,
35 tuổi, người Kinh, công an thị trấn Lạc Dương).
Sau đó, cô dâu chú rể được mời vào phòng tân hôn để thực hiện nghi
thức động phòng (mũt adũ). Thành phần tham dự nghi thức này gồm cha
mẹ, anh, chị, em của chú rể và cô dâu, chú rể; ông cậu, ông bác, bà dì của
hai bên gia đình. Theo phong tục, bố mẹ cô dâu không được tham dự lễ này.
Trong phần nghi thức, chú rể được người cậu hoặc người bác hoặc bà dì
của cô dâu dắt đi xem phòng và giường ngủ của mình. Chú rể được căn dặn
không được vào phòng, vào giường của người khác nhất là em gái, chị gái,
và cha mẹ vợ. Nếu vô tình hay cố ý vô phòng những người này mà bị bên
gia đình vợ bắt gặp thì chú rể sẽ bị la mắng và bị bắt đền bằng trâu hoặc bò.
Cô dâu được khuyên dạy phải yêu thương chăm sóc chồng, nhắc nhở chồng
để đừng đi vô phòng của người khác. Sau khi được căn dặn, khuyên dạy, cô
dâu, chú rể rót rượu mời nhau và cùng đi mời mọi người trong phòng. Ông
cậu, ông bác hoặc bà dì của cô dâu đại diện cho gia đình cô dâu trao cho
mỗi người tham dự lễ một chuỗi cườm. Nếu gia đình cô gái nghèo thì nhẫn
bạc thay thế chuỗi cườm. Ngày xưa, trong nghi thức này, trước lúc ông cậu
khuyên dạy hai cháu, người ta lấy một ché rượu, cắm vào đó một cần rượu
và để con gà đậu trên cần rượu. Người ta tin rằng nếu con gà đứng vững thì
mai sau hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc và làm ăn phát đạt. Nếu con
gà không đứng vững, bị rớt xuống hoặc bay đi thì hai vợ chồng sống với
nhau không hạnh phúc, làm ăn khó khăn. Sau đám cưới hai hoặc ba ngày,
gia đình cô gái tổ chức một bữa tiệc nhỏ mời người mai mối, cha mẹ, ông
cậu, ông bác và bà dì của chú rể, cũng như những người có công giúp đỡ
cho việc tổ chức đám cưới đến dự. Bữa tiệc này thay lời cám ơn của đôi vợ
chồng trẻ đối với cha mẹ đôi bên và mọi người xung quanh. Theo phong

170
tục, khi chú rể về nhà vợ, anh ta thường được cha mẹ đẻ cho một cái chà gạt,
một chiếc rìu, một ít lúa giống và nếu gia đình khá giả thì cho một hoặc hai
con trâu, con bò để làm của hồi môn. Những thứ gì chàng rể mang về nhà
vợ thì khi chàng rể chết, gia đình bên vợ phải mang hoàn trả toàn bộ lại cho
gia đình mẹ đẻ của anh chồng vào ngày lễ xây mồ mả cho anh ta. Để tránh
phiền phức mai sau, có trường hợp gia đình cô gái từ chối của hồi môn do
rể mang về. Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ cư trú bên gia đình nhà vợ.
Tuy nhiên, họ cũng có thể cư trú bên gia đình nhà chồng, nếu gia đình nhà
chồng chỉ có một đứa con,và tất nhiên phải có sự đồng ý của gia đình nhà
vợ. Thời gian cư trú bên nhà chồng ngắn hay dài là do hai bên gia đình thỏa
thuận với nhau. Ngày nay, đôi vợ chồng trẻ có thể ra ở riêng nếu được gia
đình cho phép (Phan Ngọc Chiến, 2005:100).
Như vậy, các giá trị truyền thống thông qua lễ nghi cưới xin của
người Kơho ít nhiều có những chuyển đổi trong thời gian vừa qua. Cụ thể,
tuổi kết hôn của nam và nữ cũng ngày càng tăng lên, các bước tổ chức lễ
cưới (người mai mối, lễ hỏi, tục bắt chồng), vật thách cưới, trang phục cưới
của cô dâu chủ rể cũng ngày một thay đổi dần phù hợp với xu thế phát triển
chung của xã hội. Tình trạng tảo hôn, không đăng ký kết hôn theo quy định
của Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam cũng giảm đi đáng kể, điều này
góp phần vào việc củng cố tính bền vững của các cuộc hôn nhân.
5.1.2. Những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người Kơho qua
nghi lễ cưới xin
Từ sự biến đổi trong nghi lễ cưới xin của người Kơho mà chúng tôi
phân tích ở trên, việc tìm ra những nguyên nhân hay những yếu tố tác động
đến sự biến đổi của thực trạng ấy là hết sức cần thiết. Trong các công trình
nghiên cứu trước đây của các tác giả đến từ ngành dân tộc học, nhân học
đều nhấn mạnh đến những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế và quá trình di
dân đã tạo ra những thay đổi trong quan niệm cưới xin của các nhóm cộng
đồng dân tộc khác nhau như Chu Ru, Ba Na, Chăm, Tà ôi,… Trong nghiên
cứu này của chúng tôi, chúng tôi muốn đi sâu vào những ảnh hưởng của
quá trình đô thị hóa. Trong đó di dân đã tạo ra những cộng đồng mang tính
chất “đa dân tộc” trong một phạm vi không gian địa lý. Sự mở rộng của lối

171
sống thành thị và sự phát triển kinh tế địa phương đã góp phần tạo ra những
biến đổi trong nghi lễ cưới xin của người Kơho.
5.1.2.1. Điều kiện kinh tế, xã hội và đô thị hóa ảnh hưởng đến đời sống tinh
thần của người Kơho qua nghi lễ cưới xin
Đô thị hóa làm biến đổi mọi mặt của đời sống xã hội, đô thị hóa đã
kết nối nhiều nhóm dân tộc lại với nhau hơn (thể hiện qua quá trình dịch
chuyển dân cư) đồng nghĩa với khả năng giao lưu, tiếp biến văn hóa mạnh
hơn trong cộng đồng dân tộc. Cũng giống như các dân tộc thiểu số khác,
đối với dân tộc Kơho, để tiến tới hôn nhân thì lễ cưới là bước khởi đầu cho
một cuộc sống hôn nhân bền vững về sau. Nguyên tắc “nội hôn tộc người”
không còn được tuân thủ chặt chẽ. Trải qua quá trình cư trú lâu dài cùng
các tộc người khác, thêm vào đó, trong giai đoạn hiện nay, quá trình giao
lưu kinh tế - văn hóa tộc người ngày càng được đẩy mạnh về cường độ, quy
mô làm cho các tộc người ngày càng hiểu biết và xích lại gần nhau hơn nên
nguyên tắc nội hôn tộc người đã bị phai nhạt so với trước (Võ Tấn Tú, 2016:
168). Theo đánh giá của người Kơho, hình thức tổ chức lễ cưới được đánh
giá là khác so với cách đây 10 năm, mức đánh giá lễ cưới ngày nay khác với
ngày xưa của người Kơho trên địa bàn thị trấn Lạc Dương cao hơn so với xã
Tà Nung (xem Bảng 5.5).
Chính quá trình sinh sống, lao động cùng nhau trong cùng một đơn
vị hành chính địa lý của nhiều nhóm cộng đồng dân tộc đã ảnh hưởng đến
nghi lễ, phong tục, tập quán riêng của từng dân tộc.
Bảng 5.5: Lễ cưới ngày nay của người Kơho khác lễ cưới
ngày xưa
(Đơn vị: %)
Thị trấn Lạc
Xã Tà Nung Chung
Dương
Có 71,5 67,4 69,6

Không 28,5 32,6 30,4

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)

172
Trong nghiên cứu này của chúng tôi, người Kơho tham gia sinh
hoạt cộng đồng cùng với các nhóm dân tộc khác chiếm tỷ lệ khá cao
(xem Bảng 5.6).
Bảng 5.6: Tham gia các sinh hoạt với các cộng đồng
dân tộc trên địa bàn
(Đơn vị: %)

Nhóm Thị trấn Lạc


Xã Tà Nung Chung
cộng Dương
đồng dân Hiện 10 năm Hiện 10 năm Hiện 10 năm
tộc nay trước nay trước nay trước

Kơho 100,0 99,6 99,6 98,7 99,8 99,2

Kinh 100,0 76,7 92,9 49,6 96,6 63,9

Chăm 2,8 0,4 3,1 0,4 2,9 0,4

Khmer 2,0 0,4 1,3 0,4 1,7 0,4

Khác 0,4 0,0 1,3 1,3 0,8 0,6

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Trong việc cưới hỏi ngày xưa, người Kơho với trang phục chính
là “trang phục truyền thống của người Kơho”, thì nay trang phục của
họ đã chuyển sang cách tân, ăn mặc theo kiểu Tây Âu (Âu phục) là
chính, có sự khác biệt không đáng kể trên hai địa bàn nghiên cứu
(xem Bảng 5.4).
Lễ cưới được tổ chức theo kiểu của người Kinh, các thủ tục mời cưới
cũng có xu hướng giảm dần: “Trang phục truyền thống giờ cách tân rồi,
dùng vải thổ cẩm để may nhưng may theo kiểu bây giờ. Con trai thì cũng
chỉ mặc áo quần, con gái mặc váy, khố chỉ dùng để gây dựng lại thời xưa
mặc trong các lễ hội thôi. Ngày xưa đám cưới hai ngày, một ngày chính
thức và một ngày đám cưới nhỏ ăn đầu heo. Trước ngày đám cưới là đi
mời khách, rất tốn thời gian, không mời thiệp như bây giờ mà mời miệng,
người ta quý người tới mời, và phải ở đó ăn. Họ rất quý nhau, họ tổ chức

173
con gà, họ quý trọng nhau mới làm gà mà khi đã vào nhà thì uống hết chai/
ché rượu đã mới được về, nếu mà mình bỏ thì mình không tôn trọng, uống
hết mới đi sang nhà khác. Một tổ đi mời uống cả ngày luôn 24/24, ví dụ
6-7 giờ mới tới nhà, uống mãi tới 3-4 giờ chiều luôn. Sang nhà thứ hai đến
9-10 giờ tối, xong nhà thứ hai. Đến 1-2 h sáng gõ cửa sang nhà thứ 3 vẫn
được, họ không kiêng cữ gì, người được mời vẫn tổ chức tiếp rượu cần.
Cứ đến là gõ cửa, người ta ở ngoài gõ cửa hát, gọi là hát giao duyên, hiện
nay vẫn còn mà ít thôi. Ngày nay đi mời cưới cũng đi mời bằng lời nhưng
chủ yếu phát thiệp hết vì mất thời gian nhiều quá, những trường hợp như
anh em dòng họ vẫn đi mời. Gia đình bây giờ có rượu cần nhưng uống
không hết nó phí, nên uống bia cho gọn mà không tốn thời gian, còn tranh
thủ đi nhà này nhà kia. Ngày xưa tranh thủ cưới cuối năm để có thời gian,
hiện nay 9 giờ tối là không gõ cửa được rồi để mai còn đi làm. Cách mời
có sự thay đổi rồi, cái này cũng từ đời sống khó khăn, với cái lễ của mình
kéo dài thì tốn kém quá. Cái phát thiệp thì mới đây, khoảng 7-8 năm gần
đây, tỷ lệ đi mời giảm đi khoảng 20-30%” (Nam, 35 tuổi, cán bộ văn hóa
thị trấn Lạc Dương).
Đối tượng hướng đến kết hôn cũng không còn bó hẹp trong giới hạn
cộng đồng. Nam nữ ngày nay có quyền tự do yêu đương, tự do tìm hiểu và
đi đến hôn nhân. Như chúng tôi đã trình bày ở phần trước, đối tượng nam
nữ người Kơho hiện nay kết hôn là người Kinh, người đồng bào dân tộc
Khmer, thậm chí là cả người nước ngoài cũng khá phổ biến.
Không chỉ trang phục lễ cưới, hình thức mời cưới biến đổi như
đã được phản ánh trong phần phân tích thực trạng, mà vấn đề thách cưới
trong giai đoạn hiện nay cũng được chúng tôi ghi nhận cụ thể. Thách
cưới vốn vẫn duy trì như một thuần phong, mỹ tục; tuy nhiên tính chất
của việc thách cưới đã dần có sự thay đổi, cách đây 10 năm, vật thách
cưới của người Kơho là con trâu/con bò (75,5%), là vải/chóe/hạt cườm
(84,9%) thì nay dần chuyển sang bằng tiền (92,5%), bằng vàng (62,1%)
(xem Bảng 5.7).

174
Bảng 5.7: Vật thách cưới của người Kơho
(Đơn vị:%)
Đo lường Thị trấn Lạc Xã Tà Nung Chung
Dương
Hiện 10 năm Hiện 10 năm Hiện 10 năm
nay trước nay trước nay trước
Tiền 90,1 23,7 95,1 23,2 92,5 23,5

Vàng 66,4 12,3 57,1 14,3 62,1 13,2

Trâu bò 10,3 74,7 13,4 76,3 11,7 75,5

Vải, chóe,
38,7 82,2 60,7 87,9 49,1 84,9
hạt cườm
Không
5,1 1,6 1,3 1,8 3,4 1,7
thách cưới
Khác
5,9 5,9 6,7 3,1 6,3 4,0
(heo,…)

(Nguồn: Số liệu khảo sát, tháng 02/2017)


Bằng câu hỏi hồi cố, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy vật thách cưới
ở hai thời điểm trong nghiên cứu này của chúng tôi có sự khác biệt rất lớn.
Khi so sánh trên hai địa bàn nghiên cứu, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy có
sự khác nhau đáng kể.
Theo lý giải của người Kơho, bản chất của việc thách cưới ngày
nay có những thay đổi là do sự biến đổi của đời sống kinh tế, văn hóa, xã
hội “Ngày xưa còn nhiều con trâu, con bò; còn ngày nay con trâu, con bò
không còn nhiều, thậm chí là đã hết, nên thách cưới được quy ra bằng tiền,
bằng vàng có giá trị tương ứng với con trâu, con bò. Ngày xưa thách cưới
để lấy con trâu, con bò làm sức kéo, cày cấy ruộng vườn. Ngày nay bà con
chuyển sang làm nương rẫy, không còn làm lúa nữa nên việc này cũng dần
ít đi, thách cưới vì thế cũng có những thay đổi, nhưng sự thay đổi này bà
con chấp nhận được vì nó hay, nó tiến bộ” (Nam, 34 tuổi, cán bộ văn hóa
xã Tà Nung).

175
Khi so sánh thời điểm hiện nay với 10 năm trước, một khoảng thời
gian chưa đủ lớn nhưng phần nào đã giúp cho chúng ta có một cách nhìn
khá cụ thể về những biến đổi trong nghi lễ cưới xin của người Kơho dưới
sự tác động khách quan của điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, và sự chuyển
dịch cơ cấu kinh tế, sự giao lưu, hội nhập với các nhóm, cộng đồng dân tộc
khác nhau. Xu hướng của sự biến đổi này có thể đánh giá là một sự thay
đổi có tính chất tích cực, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của
nhân loại: loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tiếp nhận cái mới trong phạm vi,
khả năng cho phép.
Quá trình đô thị hóa cùng với chính sách di dân phát triển vùng kinh
tế mới của Đảng và Nhà nước đã thu hút mọi thành phần dân tộc khác
nhau vào Lâm Đồng sinh sống. Tại thị trấn Lạc Dương và xã Tà Nung,
tỷ lệ người Kinh du nhập vào khá nhiều. Trước đây, trên địa bàn xã Tà
Nung, chủ yếu người dân tộc Kơho, họ sinh sống rải rác. Sau khi người
Kinh đến sinh sống, người Kơho có xu hướng quần tụ lại với nhau. Trước
đây, xã Tà Nung mặc dầu được chia làm 6 thôn với sự sinh sống của các
nhóm dân tộc khác nhau, nhưng gần như vẫn còn một “ranh giới” khá rõ
giữa người Kinh và người Kơho: “… cách đây hơn 10, 15 năm về trước
người Kinh mình vào đây sinh sống, hồi đấy còn nghèo lắm, phải thắp
đèn dầu, đang ngồi ăn mà nghe người Kơho đi ngoài đường là phải tắt
đèn vì họ thấy đèn sẽ vào, họ vào họ lấy hết đồ của mình, họ tự nhiên
lắm. Ngày xưa mình làm ăn sinh sống riêng, họ làm ăn sinh sống riêng,
trong xã được chia thành Thượng (phía phải đường đi vào xã) và Hạ
(phía trái đường đi vào xã), bên Thượng do người Kơho sinh sống, bên
Hạ do người Kinh sinh sống. Nhưng xã hội càng phát triển, thì mình và
họ hòa nhập hơn. Thực hiện chính sách của Nhà nước là đại đoàn kết
dân tộc, giờ người Kinh mình và người Kơho sinh sống hòa thuận với
nhau. Trước đây, đám cưới của mình mình tổ chức, của họ họ tổ chức.
Ngày nay mình mời họ, họ mời mình, không còn khoảng cách xa lạ nữa.
Thậm chí người Kinh mình bữa nay kết hôn với người Kơho nhiều lắm...
các hoạt động sinh hoạt văn hóa thôn xã cũng tham gia cùng nhau” (Nữ,
72 tuổi, người Kinh, xã Tà Nung).

176
5.1.2.2. Đặc trưng nhân khẩu xã hội ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của
người Kơho qua nghi lễ cưới xin
Trong quá trình tìm hiểu và phân tích về nghi lễ cưới xin của người
Kơho, xét các yếu tố nhân khẩu học như: tuổi, học vấn, nghề nghiệp, tôn
giáo, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không có sự khác biệt
nhiều trong yếu tố giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo để tạo nên sự biến đổi
trong phong tục cưới xin. Tuy nhiên yếu tố độ tuổi có ảnh hưởng đến việc
thách cưới của người Kơho. Đối với nhóm độ tuổi từ 46 tuổi trở lên, quan
niệm về kết hôn của họ khác nhóm tuổi từ 18 đến 45 tuổi. Trong nhóm
tuổi từ 46 tuổi trở lên cho rằng vật thách cưới hồi xưa khác với hiện nay:
“Đối với nhóm tuổi từ 61 tuổi trở lên, hồi ấy vàng, tiền đâu mà thách cưới
và nộp cưới như bây giờ, chúng tôi chỉ có con trâu, con bò, con heo, cái
tô, cái chén hay hạt ché, hạt cườm thôi, hồi đấy kinh tế khó khăn, nên chỉ
thách cưới đơn giản hơn, thách cưới như vậy thôi mà nhiều nhà cũng khó
khăn lắm, không có nên phải cho nợ” (Nam, 71 tuổi, thị trấn Lạc Dương).
Dưới tác động của các điều kiện kinh tế, xã hội mới, và từ ảnh
hưởng của các tôn giáo mới như đạo Tin lành, Thiên Chúa giáo,… hiện
nay nghi lễ cưới xin của người Kơho đã có những thay đổi. Trong cưới
xin vẫn phải có lễ dạm hỏi, lễ ăn hỏi nhưng thủ tục đã được đơn giản đi
nhiều. Do sự giao lưu với các dân tộc khác, đặc biệt là quá trình giao lưu
với người Kinh tăng lên, nên xu hướng cách tân theo người Kinh như mặc
Âu phục cũng trở nên phổ biến. Các giá trị truyền thống thông qua lễ cưới
của người Kơho ít nhiều có những chuyển đổi trong thời gian vừa qua. Cụ
thể nam nữ có quyền tự do tìm hiểu và đi đến kết hôn; tuổi kết hôn của
nam và nữ cũng ngày càng tăng lên; nghi thức tổ chức lễ hỏi, lễ cưới, vật
thách cưới cũng ngày một thay đổi dần phù hợp với xu thế phát triển chung
của xã hội. Như phần trên đã trình bày, tình trạng tảo hôn, không đăng ký
kết hôn giảm đi đáng kể, góp phần vào việc củng cố tính bền vững của các
cuộc hôn nhân.
5.2. Nghi lễ ma chay
Sinh, lão, bệnh, tử luôn gắn liền với mỗi đời người. Có rất nhiều ý
kiến khác nhau về vấn đề khi con người chết đi, đó là một sự giải thoát

177
hay là sự trả giá cho lối sống không nhân đạo,… Chẳng hạn, Phật giáo sẽ
giải thích khác với Thiên Chúa giáo hay Tin lành, nhưng theo tôn giáo thì
khi con người chết đi chính là lúc họ được thoát ra khỏi bể khổ, họ được
lên thiên đường, là lúc họ trở về với cát bụi, về với Chúa để được yêu
thương, che chở. Nhưng đối với người Kinh, khi con người chết đi là một
nỗi thương tiếc, đau buồn, nhớ nhung của những người đang sống đối với
những người đã chết. Cũng tùy theo tôn giáo và văn hóa tâm linh của mỗi
dân tộc để xem đám ma thường cúng gì? Người chết được để bao nhiêu
ngày trong nhà? Lễ khâm liệm được tổ chức như thế nào? Quan niệm về
chết ra sao?... Nghiên cứu này của chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu rõ hơn
những vấn đề trong nghi lễ ma chay của người Kơho.
5.2.1. Quan niệm về “cái chết” và báo tin tang ma, những yếu tố tác động
đến quan niệm về “cái chết” và báo tin tang ma
Chết cũng có thể được hiểu là mất, hoặc ra đi vĩnh viễn, quá cố, qua
đời,… Theo kết quả nghiên cứu từ ngành dân tộc học của tác giả Linh Nga
NiêKDam thì người Kơho, đặc biệt là Kơho Lạch chia các trường hợp chết
thành hai loại: chết tự nhiên (được gọi là chết tốt) do tuổi tác, hay chết khi
vừa lọt lòng mẹ; và chết vì tai ương (bị coi là chết xấu) do tai nạn mà chết
bất đắc kỳ tử hay chết do bị cọp vồ, bị dịch bệnh là có các thần linh gây ra
vì đã vi phạm một điều cấm kỵ gì đó. Khi có người chết không đánh chiêng,
chỉ có ba người gõ ống lồ ô để báo tin. Bao giờ bắt đầu khâm liệm mới đánh
chiêng. Chéng tre chỉ đánh lúc nửa đêm để tiễn đưa người chết. Bộ chéng
đồng dùng để đánh trong đám tang và sau đó mang ra đánh ngoài mộ sẽ
được chôn tại đó, kể cả chiếc trống dùng trong đám tang này cũng phải đập
vỡ rồi treo lại ngoài mộ, với quan niệm rằng những đồ vật này giờ đã là
gia tài của người chết, người sống không được sử dụng nó nữa (Linh Nga
NiêKDam, 2011: 40).
Trong quan niệm truyền thống của người Kơho Chil lại có những
điểm khác biệt khá rõ nét, cái chết là sự trở về với tổ tiên. Khi gia đình có
người qua đời, người nhà thường dùng hai cây tre hoặc cây lau dựng trước
nhà để báo tang. Lúc đó các thành viên trong gia đình đều có mặt đầy đủ
để vĩnh biệt người quá cố và lo việc tang lễ. Những người thân, họ hàng,

178
bà con trong buôn thôn đến chia buồn và giúp đỡ gia chủ bằng lợn, gà, gạo
(tùy điều kiện từng người và mối quan hệ với gia chủ). Thầy cúng được
mời đến để chủ trì lễ tang.
Trên thực tế, quan niệm về cái chết của con người đã có sự biến
đổi cùng với sự biến đổi của xã hội để phù hợp với tín ngưỡng, văn hóa
tâm linh, cũng như xu thế phát triển chung của nhân loại. Kết quả nghiên
cứu của chúng tôi cho thấy, quan niệm về cái “chết tốt” và “chết xấu” của
người Kơho như quan niệm của các nhà nghiên cứu dân tộc học và nhân
học trước đây đã không còn trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, khi
quá trình đô thị hóa ngày càng phát triển, lối sống thành thì có xu hướng
thắng thế lối sống nông thôn, quan niệm về cái chết của con người cũng
trở nên đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn: “Hiện nay người ta theo tôn giáo
nên không kiêng cữ, quan niệm về cái chết rất bình thường, người chết
thường cũng như người chết xấu (bệnh tật, tai nạn, đổ cây…). Trước đây
khi chưa theo tôn giáo - nhưng mà lâu lắm rồi, những người chết xấu thì
bà con để người đó ngoài đồng làm lễ và chôn ngoài đó luôn, không mang
về nhà vì họ kiêng, cho là không hay và không tốt cho người đang sống,
họ mời thầy lang về để cúng và đọc kinh. Nhưng ngày nay, chết thường
hay chết xấu thì cũng là chết, nên được tổ chức đơn giản và đàng hoàng
giống nhau. Không mời thầy lang hay thầy cúng, mà gia đình tự tổ chức
và mời những người bên tôn giáo ở nhà thờ về đọc kinh, họ đọc kinh xong
mới liệm. Trước đây, tức hồi xưa mà chưa có tôn giáo thì họ mời thầy lang,
thầy cúng thôi, ngày nay mời tôn giáo về đọc kinh” (Nam, 61 tuổi, thị trấn
Lạc Dương).
Văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của người Kơho đã góp phần
tạo nên những biến đổi lớn trong quan niệm về chái chết của người Kơho.
5.2.2. Quá trình thực hiện nghi thức ma chay và những yếu tố tác động
đến nghi thức ma chay
5.2.2.1. Lễ nhập quan và lễ vật cúng cho người chết
Việc tổ chức tang lễ sẽ được diễn ra ngay sau khi cái chết đã được
thông báo cho bà con, anh em, họ hàng và hàng xóm láng giềng. Việc tổ

179
chức tang lễ bắt đầu từ khâu chuẩn bị áo choàng cho người chết, giấy tờ,
hương khói, quan tài, dựng rạp,… Tang lễ kéo dài trong một vài ngày, tùy
theo quan niệm và tín ngưỡng tôn giáo cũng như nhận thức của người dân.
Như chúng tôi đã đề cập đến ở phần trên, đối với người Kơho Lạch,
khi có người chết thì sẽ có ba người gõ ống lồ ô để báo tin. Nhận được
tin báo thì người còn sống trong gia đình, họ hàng sẽ chuẩn bị các bước
cho một lễ tang. Theo kết quả nghiên cứu của Linh Nga NiêKDam, khi
có người chết, con cháu, họ hàng gần xa khi được báo đều mang quần áo,
tiền bạc,… nếu là ruột thịt phải mang rượu cần đến để cho người chết.
Có một điểm khác biệt với các dân tộc khác là, người quá cố trước khi
chết có thể trăng trối lại là mình muốn mang cái gì theo, đánh cái trống
nào, chọn đất chôn ở đâu (nếu không chọn đất riêng thì cứ chôn theo khu
đất quy định của dòng họ),… nhất là những người già, chủ gia đình. Khi
người chết đã yêu cầu như vậy thì người sống phải tâm niệm rằng, những
đồ vật đó thuộc về người chết, người sống không được quyền sử dụng mà
phải chôn theo hoặc để bên cạnh mộ (nếu có ngựa cũng buộc ngay cạnh
mộ, bỏ đói đến chết). Tài sản của người chết thường được chia làm ba,
phần lớn cho vợ con, phần ít cho chị gái và phần ít mang theo. Quan tài
được làm bằng thân cây róc vỏ, khoét rỗng, nắp là một thân cây nhỏ hơn
úp lên mặt quan tài. Người đã khuất mặc bộ quần áo truyền thống đẹp
nhất như áo khố bằng thổ cẩm, quấn chăn thổ cẩm, quấn chiếu rồi mới đặt
nằm trong quan tài, trên đầu gối đặt lên một chiếc chiêng, dưới chân để
các đồ dùng riêng tư hàng ngày vẫn thường dùng như dao nhọn nhỏ, vòng
đồng, vòng cườm, lục lạc, muỗng, tô,… Tang lễ thường kéo dài 4 -7 ngày.
Trong đám tang, mọi nợ nần đối với người chết phải được thanh toán và
nói ra trước linh cữu, cả việc nối dòng hay không nối dòng cũng phải được
quyết định trước khi đưa đi chôn cất. Nếu người chết đã có gia đình nhưng
chưa làm lễ cưới theo phong tục thì trước khi làm đám ma phải tổ chức một
đám cưới theo đúng mọi nghi lễ, lễ vật để đền bù cho gia đình thông gia.
Trong bảy ngày đầu sau khi chôn, ngày nào gia đình cũng phải có người
mang cơm ra mộ ngày ba bữa, ban đêm cũng phải có người mang rượu,
gà, thịt ra uống với người chết suốt đêm. Đến ngày thứ 3, tất cả những đồ

180
dùng, sở thích của người chết đều phải đem ra ngoài mộ đốt hết. Đến ngày
thứ 7 thì mời họ hàng, làng xóm đến cúng cho người đã mất ở nhà, lễ này
còn mang tính chất xả xui. Sau khi cúng 7 ngày thì không cần đem cơm
rượu cho người chết nữa... (Linh Nga NiêKDam, 2011: 38, 39, 40).
Các thành viên nam khỏe mạnh trong gia đình cùng một số thanh
niên trong làng được phân công vào rừng chặt cây đẽo quan tài. Họ thường
chọn các loại cây như thông, xoài rừng, đặc biệt là cây diệp lang để làm
quan tài. Với trường hợp chết bình thường (chết già, chết do ốm, bệnh tật),
tang lễ được tổ chức chu đáo, trọng thể. Gia chủ cho dựng rạp, mổ trâu,
lợn, gà, để cúng tế, đồng thời để tiếp đãi họ hàng, bà con đến thăm viếng
chia buồn. Rạp được dựng trong vườn, cạnh nhà làm nơi ăn uống nghỉ ngơi
cho người tham gia đám tang, nhất là vào ban đêm, họ không dám ra ngoài
hay đi về nhà vì ma quỷ làm hại. Để giảm bớt đau buồn cũng như sự sợ hãi,
họ tổ chức uống rượu, đánh cồng chiêng, nhảy múa tại rạp.
5.2.2.2. Thời gian cử hành tang lễ và hạ huyệt
“Lễ tang gồm các lễ cúng sau: lễ cúng ngày thứ nhất (liệm), lễ cúng
ngày thứ hai (nhập quan), lễ cúng ngày thứ ba (đưa ma và chôn cất); sau lễ
tang, hằng tháng cúng một lần tại nhà mồ, không có lễ giỗ như người Kinh;
lễ bỏ mả là lần cúng cuối cùng, diễn ra sau 3 năm đến 5 năm” (Viện Nghiên
cứu Phát triển Phương Đông, 2016:50). Việc tùy táng được thực hiện sau
khi làm xong quan tài, gia đình tiến hành khâm liệm dưới sự chủ trì của
thầy cúng. Lúc nhập liệm, thầy cúng bỏ vào quan tài những vật dụng cần
thiết cho người chết khi về với thế giới bên kia, những đồ vật còn lại của
người chết đều được đem đốt. Khi tiến hành khâm liệm, họ phải giữ không
cho chó chạy qua quan tài.
Thi hài người chết được quàn tại nhà từ hai đến ba ngày để thân
nhân, bà con thăm viếng, vĩnh biệt. Người Chil theo tục lệ thổ tang, theo đó
người chết được chôn cất tại nghĩa địa, nơi thuận tiện không cách xa làng
để thân nhân tiện thăm viếng chăm sóc mồ mả. Khi đưa tang, tất cả các
nhà dọc đường đám tang đi qua đều đóng chặt cửa, trẻ con được giữ trong
nhà để tránh ma quỷ làm hại. Khi chôn người ta đặt chông lên quan tài để

181
bảo vệ linh hồn người chết khỏi ma quỷ. Người chết luôn được đặt quay
đầu về hướng đông nam. Chôn cất xong, những người tham gia đám tang
phải tắm rửa trước khi về thôn. Những dụng cụ dùng trong đám tang được
tập trung về nhà tang chủ, được rửa sạch và bôi lên một ít máu gà. Trong
vòng bảy ngày sau tang lễ, thân nhân người chết thường xuyên ra thăm mộ,
đem theo thức ăn và các vật dụng mà người quá cố ưa thích. Sau đó, sự
thăm viếng thưa thớt dần. Người Chil thực hiện chịu tang một năm. Trong
thời gian chịu tang, thân nhân người quá cố phải thực hiện một số kiêng kỵ
như: không ăn thịt chuột (vì sợ chuột phá hoại mồ mả), không tham gia vui
chơi, hội hè, không tái giá, không rửa mặt cắt tóc (nếu là góa phụ). Hết thời
gian chịu tang, người Chil làm lễ mãn tang (pơ thi bốc). Sau đó, mọi sinh
hoạt người thân trong gia đình người quá cố trở lại bình thường (Võ Tấn Tú,
2016: 344, 345).
Người Kơho không làm mộ riêng cho từng người mà chôn chung cả
dòng họ trong một mộ có làm sẵn mái che. Người Lạch dựng một cái nhà,
đào một ngôi mộ chung, trên miệng hố gác ngang hai cái cây, đặt một tấm
ván hoặc giường tre lên mặt rồi để quan tài lên trên. Sau một thời gian cái
giường bị mục, sụp xuống, quan tài sẽ rơi xuống mộ, thân xác người chết
sẽ hòa chung với di cốt của gia đình, dòng họ. Người Sêrê lại không để
quan tài bên trong mà đào ngôi mộ chung rồi đặt quan tài vào luôn (Linh
Nga NiêKDam, 2011: 38 - 40).
Ngày nay quan niệm về ma chay có những biến đổi rõ rệt, trong
nghiên cứu của chúng tôi, khi gia đình có người chết, người thân không
còn báo tin bằng cách thổi ống lồ ô, cũng không dựng cây tre, cây lau, cây
mía trước nhà, mà người ta treo bảng cáo phó để báo tin. Việc khâm liệm
người chết cũng được diễn ra, đảm nhận vai trò này thường là già làng,
trưởng bản/bon hoặc do chính gia đình đứng ra tổ chức khâm liệm: “Đám
tang hiện nay không dựng cây mía hay cây tre. Trước đây xã hội chưa phát
triển, người ta dựng cây này nhằm mục đích là báo tang - báo cho biết là
gia đình người ta đang có tang, do đó không tiếp khách đến chơi hay hội
hè, mà chỉ lo đám tang thôi. Ngày nay không dùng cây tre hay cây mía
mà người ta dán bảng cáo phó trước nhà để báo tang. Tục ma chay của

182
người Kơho rất đơn giản, người đồng bào tổ chức một số cái như người
Kinh, họ cũng tổ chức văn minh lắm. Người chết được khâm liệm sạch sẽ,
mặc áo quần mới, áo quần gì cũng được miễn là mới, đeo tất trắng, sau đó
thì sẽ cuốn một lớp vải trắng lên trên và xung quanh rồi đậy nắp lại. Việc
khâm liệm do già làng, trưởng bản hoặc là người mà gia đình tin tưởng
mời làm, hiện nay phần lớn các gia đình đều tự khâm liệm cho người chết
luôn” (Nam, 61 tuổi, thị trấn Lạc Dương). Làm quan tài không còn phải
vào rừng chặt cây, đẽo gỗ nữa mà được mua: “Quan tài trước đây được
làm từ thân cây gỗ, người ta đẽo ruột ra và làm cái nắp đậy lại. Nhưng
hiện nay quan tài đều mua cả, không còn ai làm quan tài nữa, và người
chết sẽ được đưa vào nghĩa trang/nghĩa địa để chôn cất” (Nam, 61 tuổi,
thị trấn Lạc Dương).
Các quan niệm về ma chay đơn giản hơn so với thời kỳ trước, theo
chia sẻ của người Kơho: “không phức tạp đâu, cứ tổ chức khâm liệm rồi
để trong nhà hai đêm, xong rồi mang đi chôn cất. Khách đến chia buồn thì
được người nhà đón tiếp bình thường, mời nước trà, nhà nào có điều kiện
thì mời kẹo bánh, nhưng cái này thì không bắt buộc, tùy theo hoàn cảnh
gia đình. Đối với những người chết bình thường thì chỉ cúng gà hoặc heo,
còn đối với những người già có công với bà con hàng xóm thì được cúng
trâu bò để tạ ơn người chết vì đã có công nuôi nấng, chăm sóc con cháu
trong gia đình, dòng họ. Kinh phí tổ chức cũng khá đơn giản, tùy thuộc vào
điều kiện kinh tế gia đình. Người chết để trong nhà hai đêm, sau hai đêm
thì mang đi chôn ở nghĩa trang/nghĩa địa. Họ không quan niệm về ngày
tốt xấu và coi ngày như người Kinh, mà cứ để đêm trong nhà rồi mang đi
chôn luôn (Nam, 61 tuổi, thị trấn Lạc Dương).
Trong một kết quả nghiên cứu của chúng tôi vào năm 2012 cho thấy,
số ngày để xác chết trước khi mai táng hiện nay chiếm tỷ lệ cao nhất là từ
khoảng một đến hai ngày (62%), ba ngày chiếm tỷ lệ 37,3%, và một số ý
kiến cho rằng để trên bốn ngày (0,7%). Kết quả nghiên cứu này phần nào
đã cho thấy có sự thay đổi lớn trong quan niệm về số ngày để xác chết
trước khi mai táng, sự thay đổi này bắt đầu từ nhận thức của người Kơho.
Họ cho rằng: “xác chết hồi xưa để nhiều ngày lắm vì lúc đó điều kiện kinh

183
tế còn thấp, họ chưa nghĩ nhiều đến việc này nhưng sau này do quá trình
giao lưu văn hóa với bên ngoài nên cũng học hỏi được nhiều nên cũng
phải thay đổi để đỡ kinh phí tổ chức ma chay và đi làm việc nữa” (Nam,
46 tuổi, thị trấn Lạc Dương).
5.2.2.3. Kinh phí tổ chức ma chay
Khi tìm hiểu về kinh phí tổ chức ma chay, kết quả nghiên cứu của
chúng tôi thấy: hầu như việc lo ma chay đều nằm ở mức chấp nhận được
(khoảng 32% đến 38%). Trong việc an táng thì có 54,7% ý kiến cho rằng
vẫn giữ các tập tục cũ, 39,3% ý kiến cho rằng ít thủ tục hơn, 6,0% ý kiến
cho rằng nhiều thủ tục hơn (Nguyễn Thị Như Thúy, Đề tài NCKH cấp
trường, 2012).
Việc đánh giá về cách thức tổ chức ma chay, an táng tùy thuộc vào
nhận thức và điều kiện kinh tế của các hộ gia đình: “thực ra vấn đề này khó
nói lắm vì nó tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của các gia đình khác nhau
và mỗi gia đình suy nghĩ như thế nào về vấn đề đó chứ đánh giá chung
chung không thể được” (Nam, 46 tuổi, thị trấn Lạc Dương), cũng như “sự
ảnh hưởng của các phương tiện truyền thống đại chúng, giao thoa văn
hóa giữa các dân tộc, sự nhận biết thay đổi dần của người Kơho. Đồng
thời, người Kơho cũng đã, đang thực hiện nếp sống và văn hóa mới, có sự
nhận thức đúng đắn hơn theo chủ trương của Đảng, nhà nước trong cách
tổ chức ma chay và an táng, do bà con đã nhận thức tương đối đầy đủ về
kinh tế, văn hóa xã hội, giảm bớt tốn kém và vệ sinh, kinh tế phát triển
khác ngày xưa, bây giờ không thích ăn uống như ngày trước, vì nhà nước
cấm, thích nghi với lối sống mới” (Nguyễn Thị Như Thúy, Đề tài NCKH
cấp trường, 2012).
Qua những phân tích trên cho thấy, tập tục trong ma chay ở người
Kơho đã ít nhiều biến đổi. Do gỗ rừng đã hiếm, quan tài khoét rỗng đã
không còn và thay vào đó là quan tài sáu tấm mua của người Kinh. Nếu con
cháu người quá cố đã đầy đủ, việc chôn cất có thể được tiến hành một đến
hai ngày ngày sau khi chết. Do ảnh hưởng của đạo Tin lành và đạo Thiên
Chúa, nhiều vùng đã xây dựng mộ bằng gạch kiên cố có bia mộ khắc tên

184
thánh của người quá cố. Và giữa các nhóm dân tộc, tôn giáo khác nhau cùng
cách thức thực hành tôn giáo, niềm tin trong đời sống tâm linh khác nhau
thì sẽ lựa chọn cho mình cách thức tổ chức ma chay khác nhau; tùy vào điều
kiện kinh tế gia đình và tín ngưỡng của mỗi nhóm dân tộc, tôn giáo. Người
Kơho có xu hướng tiếp nhận cái mới từ các nhóm cộng đồng dân tộc khác
nhau trên cùng một địa bàn sinh sống, cũng như từ sự mở rộng nhận thức,
tri thức và lối sống thông qua các phương tiện truyền thông. Do đó, phong
tục ma chay của người Kơho đã có những biến đổi tích cực và phù hợp với
xu thế vận động và phát triển của xã hội.
Từ những lý giải đó chúng ta thấy được sự phát triển trong nhận thức
và suy nghĩ của người Kơho ngày càng tăng lên rõ rệt, điều đó sẽ góp phần
vào quá trình hình thành được những mô hình văn hóa mới, nếp sống văn
hóa mới tích cực, tiến bộ hơn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Như vậy, những biểu hiện trong đời sống tinh thần của người Kơho
theo nghi lễ vòng đời (cưới hỏi, ma chay) đã có những biến đổi nhất định
trước sự tác động của quá trình đô thị hóa, điều kiện kinh tế xã hội và một
số đặc trưng nhân khẩu xã hội. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố
tôn giáo. Lễ nghi vòng đời qua khía cạnh cưới xin và ma chay đã cho thấy
những biến đổi nhất định theo xu hướng chuyên nghiệp hóa hơn, tục cưới
xin, ma chay không còn rườm rà như thời kỳ của 10 năm về trước, mà trở
nên gọn nhẹ hơn, tổ chức ít ngày hơn và mang tính hiện đại hơn. Các hủ tục
dần dần được đẩy lùi và thay vào đó là những nghi thức mang tính hiện đại,
chịu tác động của yếu tố kinh tế thị trường (thách cưới bằng tiền, vàng,...;
người chết chỉ lưu tại nhà từ 1-2 ngày). Việc sử dụng cách tiếp cận trong
lý thuyết biến đổi xã hội và lý thuyết đô thị hóa đã góp phần làm rõ hơn
thực trạng cũng như những biến đổi trong đời sống tinh thần thông qua lễ
cưới xin, ma chay.

185
KẾT LUẬN, KHUYẾN NGHỊ
VÀ NHỮNG HẠN CHẾ TRONG NGHIÊN CỨU

1. Kết luận
• Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan ban ngành
địa phương đối với chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm
lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây
Nguyên nói chung và người Kơho ở Lâm Đồng nói riêng, đời sống của
đồng bào dân tộc Kơho trên địa bàn nghiên cứu hiện nay đã và đang có
nhiều biến đổi. Đời sống vật chất được cải thiện, mức sống ngày một nâng
cao, các tiện nghi sinh hoạt ngày càng tăng lên về số lượng và chất lượng,
dịch vụ truyền hình ngày một phát triển đáp ứng nhu cầu giải trí, tìm hiểu
thông tin, sinh hoạt tinh thần của bà con. Đời sống tinh thần đã cho thấy có
nhiều loại hình văn hóa cùng tồn tại song song và xen kẽ nhau, bỗ trợ cho
nhau phát triển, trong đó có cả các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống
(các hoạt động lễ hội văn hóa của cộng đồng,…) và cả các giá trị văn hóa
tinh thần mới (xem ti vi, nghe đài, đọc báo).
• Xét theo bình diện thời gian cho thấy, trong quá trình đô thị hóa,
những giá trị tinh thần truyền thống của người Kơho đã có những biến đổi
theo nhiều chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Phong tục cưới xin, ma chay,
lễ hội văn hóa, không gian văn hóa cồng chiêng tuy đã có nhiều thay đổi
nhưng vẫn thể hiện được cốt cách và bản sắc văn hóa dân tộc của các dân
tộc Tây Nguyên nói chung và người Kơho ở Lâm Đồng nói riêng. Một số
các lễ hội như đâm trâu, mừng lúa mới đã dần dần mất đi do sự chuyển đổi
cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng như nhận thức của người dân được nâng
cao, góp phần định hình và xây dựng nên những mô hình văn hóa mới
trong cộng đồng phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.
• Trong hoạt động giải trí, phải nói rằng các phương tiện truyền
thông đại chúng đóng một vai trò và vị trí quan trọng trong việc tạo cơ
hội cho công chúng tiếp cận với những nền văn hóa mới, đáp ứng nhu cầu
giải trí, tìm kiếm thông tin của người dân. Các nội dung truyền thông ngày

186
càng được cải tiến và đổi mới về chất lượng và số lượng, nó không chỉ
phát triển và mở rộng về mặt không gian mà còn xâm nhập vào mọi ngóc
ngách của cuộc sống con người, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đến
các hoạt động vui chơi giải trí. Trong đó, mức độ giải trí, theo dõi thông
tin thông qua truyền hình mạnh hơn và thường xuyên hơn so với báo in và
phát thanh/radio.
• Xét theo bình diện không gian, thị trấn Lạc Dương và xã Tà Nung
là một bức tranh tương phản giữa đô thị và nông thôn. Trong quá trình đô
thị hóa, đời sống vật chất của đồng bào người Kơho ở thị trấn Lạc Dương
được cải thiện hơn, mức sống, thu nhập, các tiện nghi sinh hoạt đa dạng và
đầy đủ hơn, mức độ hội nhập văn hóa tốt hơn do tồn tại hoạt động văn hóa
du lịch Lang Biang. Không gian văn hóa cồng chiêng và phong tục cưới
xin, ma chay cũng vì vậy mà có nhiều thay đổi phù hợp với mức độ tiếp
biến văn hóa mới do không gian văn hóa mở mang lại. Trong khi đó, ở xã
Tà Nung lại có xu hướng duy trì các giá trị văn hóa, phong tục truyền thống
dân tộc như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới tốt hơn.
• Trong quá trình đô thị hóa, có rất nhiều yếu tố tác động đến đời
sống tinh thần của người cộng đồng người Kơho ở Lâm Đồng. Ngoài những
chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và ban ngành địa phương có
ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc, thì
phải nhắc đến một trong những yếu tố quan trọng là đô thị hóa. Với sự
chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự mở rộng dân cư, hội nhập văn hóa đô thị và
sự tăng lên của các phương tiện truyền thông đại chúng đã góp phần làm
giảm khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, giữa người dân tộc thiểu số và
người Kinh. Chính quá trình đô thị hóa đã góp phần làm cho mức độ biến đổi
trong đời sống tinh thần của người dân được thể hiện một cách rõ nét ở cả hai
chiều cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Mức độ tiếp biến văn hóa bên ngoài để làm
phong phú thêm nền văn hóa bản địa của cộng đồng người Kơho cũng được
thể hiện một cách sâu sắc trong sự cân nhắc, tính toán của các cá nhân phù
hợp với các nguồn lực mà họ có. Bên cạnh đó, các yếu tố chủ quan, thuộc
về các yếu tố nhân khẩu như tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo cũng có
ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người Kơho. Các yếu tố giới tính, độ

187
tuổi, nghề nghiệp có ảnh hưởng đến mạnh đến một số hình thức sinh hoạt
tinh thần mới do các phương tiện truyền thông mang lại, yếu tố tôn giáo có
ảnh hưởng mạnh nhất đến việc duy trì và loại bỏ những giá trị, phong tục tập
quán có tính truyền thống dân tộc Kơho như lễ hội văn hóa cồng chiêng, lễ
hội đâm trâu và lễ hội mừng lúa mới và phong tục ma chay.
• Việc áp dụng ba lý thuyết: lý thuyết đô thị hóa, lý thuyết biến đổi
xã hội và tiếp biến văn hóa, lý thuyết lựa chọn hợp lý đã cho phép chúng
tôi khai thác hiệu quả các khía cạnh của đời sống tinh thần của người Kơho
trong quá trình đô thị hóa, giúp chúng tôi phản ánh một cách trung thực,
khách quan quy luật vận động và phát triển đời sống tinh thần của người
Kơho trong giai đoạn hiện nay.
2. Khuyến nghị
Những phân tích trên cho thấy đời sống tinh thần của người Kơho
ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa đã có nhiều biến đổi cùng với xu
hướng biến đổi của xã hội. Trong đó sự di dân của người Kinh, cũng như sự
du nhập văn hóa phương Tây, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nhận thức
của người dân ngày một nâng cao... đã có tác động mạnh mẽ đến chất lượng
đời sống vật chất và đời sống tinh thần của cộng đồng người Kơho ở Lâm
Đồng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số vấn đề trong việc bảo lưu và phát triển
các giá trị tinh thần truyền thống mà nghiên cứu đã chỉ ra. Vì vậy, việc bảo
tồn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần trong sự phát triển mạnh mẽ của
quá trình đô thị hóa là hết sức cần thiết, do đó chúng tôi mạnh dạn đề xuất
một số khuyến nghị mang tính giải pháp sau:
Thứ nhất, chính quyền địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng
đời sống tinh thần của người dân thông qua các hoạt động sinh hoạt văn
hóa trong cộng đồng, thôn bản, đặc biệt là những hoạt động văn hóa theo
kỳ dịp như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, lễ Tết, Giáng sinh, văn hóa cồng
chiêng, tăng cường giao lưu văn hóa của các nhóm dân tộc khác nhau. Cần
có chính sách phát triển kinh tế hợp lý, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế
phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm nâng cao đời sống vật chất cho bà con
đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần duy trì những lễ hội văn hóa truyền
thống, đậm tính dân tộc như lễ hội đâm trâu, lễ hội văn hóa cồng chiêng,
lễ tết. Mở rộng và duy trì mô hình văn hóa trong các dịp lễ Tết, Giáng sinh

188
nhằm tăng cường tình tương thân, tương ái, mức độ gắn kết cộng đồng,
phát huy những tình cảm truyền thống cao đẹp giữa các dân tộc anh em
cùng sinh sống trên địa bàn.
Thứ hai, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong
sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa là hết sức cần thiết. Vì
vậy, cần có những giải pháp cụ thể như: (1) Tiếp tục bảo tồn và phát triển
văn hóa cồng chiêng, tăng cường giao lưu văn hóa của các nhóm dân tộc
khác nhau; (2) Nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân trong việc
bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, có chính
sách để duy trì và bảo tồn, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch
gắn với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc thiểu số
ở Tây Nguyên; (3) Nhân rộng mô hình lớp học cho các độ tuổi khác nhau
nhằm tạo ra thế hệ kế thừa và phát triển văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên;
(4) Chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các thôn/xã và các
nhóm cồng chiêng nhằm làm giảm tỷ lệ “lai tạp” trong sinh hoạt văn hóa
cồng chiêng, đặc biệt là đối với hoạt động du lịch.
Thứ ba, Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành địa phương cần tiếp
tục chỉ đạo, đi sâu, đi sát vào đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số
nói chung và đồng bào người Kơho nói riêng, để đánh giá một cách hiệu
quả những mặt tích cực và tiêu cực trong quá trình phát triển kinh tế, xã
hội và văn hóa. Từ đó có những chính sách hỗ trợ kịp thời và hợp lý nhằm
phát huy những tích cực và hạn chế những tiêu cực, góp phần nâng cao
chất lượng cuộc sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Định hình và
xây dựng được những mô hình văn hóa mới phù hợp với xu hướng và phát
triển của nhân loại mà vẫn có thể duy trì và bảo lưu các giá trị văn hóa tinh
thần truyền thống của các dân tộc. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào
toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát triển bản sắc
văn hóa truyền thống tốt đẹp của các địa phương, đẩy mạnh phong trào văn
hóa, văn nghệ của các địa phương. Khai thác có hiệu quả các tiềm năng
du lịch tại địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá cho bạn bè trong nước
và quốc tế biết đến xã Tà Nung và thị trấn Lạc Dương về những lễ hội văn
hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ tư, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội học cần khuyến khích

189
nhiều công trình nghiên cứu sâu hơn nữa về một số lễ hội văn hóa truyền
thống của người Kơho ở Lâm Đồng dưới nhãn quan của xã hội học. Đặc
biệt, cần xây dựng bộ công cụ và đánh giá hoàn chỉnh cho việc phân tích
các nhân tố tác động đối với nghi lễ ma chay của người Kơho nhằm hoàn
chỉnh lý luận và thực tiễn trong việc tìm hiểu về nghi lễ ma chay trong
chuyên ngành xã hội học văn hóa.
3. Những hạn chế trong nghiên cứu về đời sống tinh thần của người Kơho
ở Lâm Đồng và những đề xuất mang tính định hướng
Qua quá trình học tập và nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng rất
khó để có thể xác định được một cách rạch ròi về khái niệm đời sống tinh
thần. Vì vậy khi thực hiện thao tác hóa khái niệm và xây dựng bộ công cụ,
thang đo, chúng tôi cảm thấy khá lúng túng trong quá trình thực hiện. Do
đó chúng tôi lựa chọn theo cách mà các nhà nghiên cứu khoa học đi trước
đã thực hiện là tiến hành phân tích các thành tố, các hợp phần, các lĩnh vực
của đời sống tinh thần và một số biểu hiện của nó.
Tuy nhiên, các biểu hiện của đời sống tinh thần cũng khá đa dạng,
vì vậy trong giới hạn của nghiên cứu này, không phải khía cạnh nào của
đời sống tinh thần như đã được thao tác hóa ở phần khái niệm cũng sẽ
được làm rõ. Chẳng hạn như tục ma chay, vốn là một trong những đặc
trưng trong các nghiên cứu của dân tộc học và nhân học. Dưới nhãn quan
xã hội học, chúng tôi gần như mới chỉ dừng lại trong việc phân tích được
điều kiện kinh tế xã hội phát triển, cũng như các đặc trưng nhân khẩu (dân
tộc, tôn giáo) có ảnh hưởng và làm biến đổi sâu sắc đời sống tinh thần của
người Kơho qua nghi lễ ma chay. Còn những đặc trưng nhân khẩu khác
như tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn, đô thị hóa, các chính sách cũng
như quan niệm của các nhóm dân tộc có ảnh hưởng như thế nào đến nghi
lễ ma chay thì chưa được đề cập và phân tích một cách thấu đáo và triệt
để. Vì vậy, chúng tôi đề xuất rằng, trong hướng nghiên cứu tiếp theo, các
nhà khoa học có thể tập trung hướng nghiên cứu này để có thể đưa ra được
khái niệm về đời sống tinh thần với đầy đủ các thành tố, chức năng và ý
nghĩa của nó một cách rõ ràng hơn, cũng như phân tích một cách cụ thể và
hệ thống hơn đối với nghi lễ ma chay của nhóm cộng đồng Kơho nói riêng
và các dân tộc thiểu số nói chung.

190
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt


1. Đặng Nguyên Anh (1997), “Vai trò của di cư nông thôn đô thị trong sự
phát triển nông thôn”, Tạp chí Xã hội học (4), tr.15-19.
2. Đặng Nguyên Anh (2006), Chính sách nhập cư trong trong quá trình
phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi, NXB Thế giới.
3. Trần Thị Vân Anh, Nguyễn Hữu Minh (2008), Bình đẳng giới ở Việt
Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Bộ Ngoại giao (2002), Sổ tay kiến thức đối ngoại (lưu hành nội bộ),
Hà Nội.
5. Vi Văn An (1995), “Tục lệ tang ma của người Dao Thanh Phán ở
Quảng Ninh”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: Sự phát triển của người Dao
hiện tại và tương lai, Hà Nội, tr. 93-101.
6. Phan Quốc Anh (2006), Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở
Ninh Thuận, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
7. Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông
(2016), Giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên với phát triển bền
vững, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp
hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng.
9. Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân
văn, Đề tài TN3/X15. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đô thị hóa và quản
lý quá trình đô thị hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
Kết quả và bài học kinh nghiệm, Đà Lạt, tháng 11/2014.
10. Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Giao
lưu văn hóa - Chương trình Thái học Việt Nam (2002), Văn hóa và
lịch sử các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ Thái Việt Nam, NXB Văn
hóa Thông tin, Hà Nội.
11. Nguyễn Duy Bắc (2008), Sự biến đổi các giá trị văn hóa trong bối
cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, NXB Từ
điển Bách khoa và Viện Văn hóa.
12. Nguyễn Duy Bính (2009), “Những phong tục trong nghi lễ vòng đời

191
của người Kinh ở Quảng Tây, Trung Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Đông
Nam Á (8), tr. 53-57.
13. Trần Văn Bính (2006), Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số trong
quá trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, NXB Lý luận Chính trị.
14. Lê Thanh Bình (2008), Truyền thông đại chúng và phát triển xã hội,
NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
15. Nguyễn Văn Bốn (2012), “Thực tại và tương lai của gia đình trong thế
giới hội nhập (Reality and future of family in the integrated world).
Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội,
tr.450-458.
16. Trịnh Quang Cảnh (2005), Phát huy vai trò đội ngũ trí thức các dân
tộc thiểu số nước ta trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, NXB Chính
trị Quốc gia, Hà Nội.
17. Khoa Báo Chí (2005), Báo chí, những vấn đề lý luận và thực tiễn,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
18. Phan Ngọc Chiến (chủ biên) (2005), Người Kơho ở Lâm Đồng, Nghiên
cứu nhân học về dân tộc và văn hóa, NXB Trẻ.
19. Nguyễn Từ Chi (2004), Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người,
NXB Văn hóa Dân tộc.
20. Nguyễn Đàm Trúc Chinh (2008), Hiệu ứng xã hội từ các trò chơi
truyền hình đến công chúng Thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH
Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM.
21. Hoàng Tuấn Cư (author), Lê Thu Hương, Bùi Thúy Hằng, Hoàng
Trung Hiếu, Vũ Quốc Khánh, Phạm Bình, Phạm Tuân (2013) “The Cơ
Ho in the Central Highlands of Việt Nam”. NXB Thông Tấn.
22. Khổng Diễn – Trần Bình (đồng chủ biên) (2007), Dân tộc Lô Tô ở Việt
Nam, NXB Thông Tấn, Hà Nội.
23. Phạm Tất Dong, Lê Ngọc Hùng (2008), Xã hội học, NXB Đại học
Quốc gia Hà Nội.
24. Bùi Minh Đạo (chủ biên); Vũ Thị Hồng (2002), Dân tộc Cơ Ho ở Việt
Nam, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Dân tộc
học, Hà Nội.
25. Bùi Minh Đạo (chủ biên, 2003), Dân tộc Cơ Ho ở Việt Nam, NXB Khoa
học xã hội, Hà Nội.

192
26. Vũ Cao Đàm (1996), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Khoa
học và Kỹ thuật, Hà Nội.
27. Vũ Cao Đàm (1999), Nghiên cứu khoa học – Phương pháp luận và thực
tiễn, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
28. Sở Văn hóa thông tin Lâm Đồng (2005), Vài nét văn hóa các dân tộc
thiểu số Tây Nguyên ở Lâm Đồng.
29. Endruweit.G và Trommsdorff.G (2002), Ngụy Hữu Tâm, Nguyễn
Hoài Bảo (dịch), Từ điển Xã hội học, NXB Thế giới, Hà Nội.
30. Viện Ngân hàng thế giới. Nguyễn Thị Hòa, Tôn Thu Huyền, Nguyễn Thạc
Phương (dịch); Vũ Cương (hiệu đính) (2006), Quyền được nói – Vai trò
của Truyền thông đại chúng trong phát triển kinh tế, NXB Văn hóa Thông
tin, Hà Nội.
31. Jean Golfin; Hiền Phong (dịch), Thanh Lê giới thiệu (2003), 50 từ
then chốt của xã hội học, NXB Thanh niên.
32. Linh Nga NiêkDam (2011), Văn hóa dân gian truyền thống của tộc
người Cơ Ho, NXB Thanh Niên, Hà Nội.
33. Vũ Quang Hà (2002), Xã hội học đại cương, NXB Thống kê, Hà Nội.
34. Vũ Quang Hà (2002), Các lý thuyết xã hội học (tập 1, tập 2), NXB Đại
học Quốc gia Hà Nội.
35. Lê Ngọc Hùng (2009), Lịch sử và lý thuyết xã hội học, NXB Đại
học Quốc gia Hà Nội.
36. Nguyễn Chí Hiếu, “Đặc điểm văn hóa các dân tộc thiểu số Quảng Trị.
Thực trạng - kiến nghị - giải pháp”, Tạp chí Dân tộc học, tr.181-193.
37. Mai Văn Hai - Mai Kiệm (2002), Xã hội học Văn hóa, NXB Khoa
học xã hội.
38. Mai Văn Hai, Mai Kiệm (2003), Xã hội học văn hóa, NXB Khoa học
xã hội, Hà Nội.
39. Tổng cục Thống kê (2020), Kết quả điều tra dân số và nhà ở năm
2019, NXB Thống Kê.
40. Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng (2016), Tình hình kinh tế - xã hội năm
2016 thị trấn Lạc Dương.
41. Vũ Quang Hà (2010), Giáo trình Lý thuyết xã hội học hiện đại, NXB
Đại học Quốc gia TP HCM.
42. Nguyễn Thị Thu Hà (chủ nhiệm), “Khảo sát, đánh giá thực trạng phát

193
triển xã hội và quản lý phát triển xã hội tại Tây Nguyên từ Đổi mới đến
nay”, thuộc Đề tài cấp nhà nước: “Vấn đề phát triển xã hội và quản lý
phát triển xã hội ở Tây Nguyên”. Mã số: TN3/X07 -2013-2014. Cấp
nhà nước. Chương trình: Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên 3). Mã
số: KHCN-TN3/11-15 (2013-2014).
43. Đinh Thị Thúy Hằng (2008), Báo chí thế giới – xu hướng phát triển,
Học viện báo chí và Tuyên truyền, NXB Thông Tấn, Hà Nội.
44. Nguyễn Minh Hòa (1999), Xã hội học những vấn đề cơ bản, NXB
Giáo dục.
45. Nguyễn Văn Huyên - Đỗ Huy - Trường Lưu (1996), Văn hóa mới Việt
Nam, sự thống nhất và đa dạng, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
46. Nguyễn Văn Huyên (chủ biên) (1997), Văn hóa thẩm mỹ và sự phát
triển con người Việt Nam trong thế kỷ mới, Viện Văn hóa và NXB Văn
hóa thông tin, Hà Nội.
47. Đào Hữu Hồ (2011), Thống kê Xã hội học, NXB Đại học Quốc gia Hà
Nội, Hà Nội.
48. Nguyễn Thị Kim Hoa (2000), “Tác động của quá trình đô thị hóa tới
kinh tế hộ gia đình nông thôn”, Tạp chí Xã hội học (1), tr.30-38.
49. Phạm Quang Hoan (1993), “Vài suy nghĩ về hôn nhân và gia đình
của các dân tộc ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Dân tộc học, số 2.
50. H. Russel Bernard (2007) (Hoàng Trọng, Ngô Thị Phương Lan,
Trương Thị Thu Hằng dịch), Các phương pháp nghiên cứu trong
nhân học – Tiếp cận định tính và định lượng, NXB Đại học Quốc
gia TP HCM.
51. Viện Văn hóa (1984), Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, NXB Văn
hóa tinh thần.
52. Viện Dân tộc học (2008), Sổ tay về các Dân tộc ở Việt Nam, NXB
Văn học.
53. Viện Dân tộc học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2006), Người
Dao ở Việt Nam (The Yao people in VietNam), NXB Thông Tấn.
(VNA Publishing House).
54. Viện Dân tộc học, Phòng Thư viện (2004). Đặc điểm nhân chủng các
dân tộc K’ho, Mạ, MNông, Chế bản.

194
55. Viện Dân tộc học, Phòng Trường Sơn – Tây Nguyên (2001), Tư liệu về
người Cơ Ho (tư liệu điền dã 2000 – 2001), Hà Nội.
56. Trung tâm Từ Điển Học (2009), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
57. Vũ Văn Khiêm (1997), Bài giảng: Một số vấn đề điều tra chọn mẫu, NXB
Thống Kê, Hà Nội.
58. Đỗ Thiên Kính (2009), “Di động xã hội giữa các thế hệ trong hai thời kỳ
trước và sau đổi mới ở Việt Nam”, Tạp chí Xã hội học (3), tr.55-60.
59. Lê Tiêu La (2005), “Văn hóa – Từ góc nhìn của Xã hội học”, Tạp chí
Xã hội học số 3 (91), tr.40-46.
60. Vũ Đình Lợi (1996), Gia đình và hôn nhân truyền thống của các dân
tộc Malayô-Pôlynêxia Trường Sơn - Tây Nguyên, NXB Khoa học xã
hội, Hà Nội.
61. Đặng Phương Lan (2013), “Tục chia ma của người Dao ở Văn Chấn,
Yên Bái”, Tạp chí Văn hóa các Dân tộc (11), tr.4-6. 48.
62. Vũ Tuyết Lan (2006), “Các nghi lễ trong hôn nhân của người Dao
Quần Chẹt (trường hợp xã Yên Đôn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ)”,
Thông báo Dân tộc học, tr.456-463. 49.
63. Vũ Tuyết Lan (2007), “Quan niệm truyền thống về hôn nhân của
người Dao Quần Chẹt”, Thông báo Dân tộc học, tr.521-527. 50.
64. Vũ Tuyết Lan (2008), “Một số biến đổi trong hôn nhân của người Dao
Quần Chẹt ở Xóm Mạ, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, Hòa Bình”, Tạp chí
Dân tộc học (2), tr.26-34.
65. Ngô Văn Lệ (2012), Khoa học xã hội và văn hóa tộc người. Hội nhập
và phát triển, NXB Đại học Quốc gia TP HCM.
66. Trịnh Duy Luân (1994), “Tác động xã hội của đổi mới ở các thành phố
Việt Nam”, Tạp chí Xã hội học (1), tr.34-37.
67. Trịnh Duy Luân và Nguyễn Quang Vinh (1998), Tác động kinh tế - xã
hội của đổi mới trong lĩnh vực nhà ở đô thị, NXB Khoa học xã hội,
Hà Nội.
68. Trịnh Duy Luân (2011), Gia đình nông thôn Đồng bằng Bắc bộ trong
chuyển đổi, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
69. MiKhaiLốp.X.A (2004), Báo chí hiện đại nước ngoài - Những quy tắc
và nghịch lý, NXB Thông Tấn, Hà Nội.

195
70. Trịnh Duy Luân (chủ biên) (2002), Phát triển xã hội ở Việt Nam. NXB
Khoa học xã hội, Hà Nội.
71. Trường Lưu (2006), Văn minh tinh thần từ chất lượng văn hóa, NXB
Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội.
72. Đinh Xuân Lý, Đoàn Minh Huấn (đồng chủ biên) (2008), Một số
chuyên đề về Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam,
NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội.
73. Claudia Mast (2003), Trần Hậu Thái (dịch). Truyền thông đại chúng –
những kiến thức cơ bản, NXB Thông Tấn, Hà Nội.
74. Nhà xuất bản Đồng Nai, “Việt Nam - Sắc màu văn hóa 54 Dân tộc
anh em” và Nhà xuất bản Thông Tấn, “The Cơ Ho in the Central
Highlands of Việt Nam” (Người Cơ Ho ở Tây Nguyên Việt Nam).
75. Thông Tấn Xã Việt Nam (2006), Việt Nam - Hình ảnh cộng đồng 54
dân tộc, NXB Thông Tấn, Hà Nội.
76. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ Điển Bách Khoa Việt
Nam (1995), Từ điển Bách Khoa Việt Nam. NXB Từ Điển Bách
Khoa, Hà Nội.
77. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bùi Hoài Sơn (2008), Phương
tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam,
NXB Khoa học xã hội, Hà Nội
78. Mai Quỳnh Nam (chủ biên), Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện
Xã hội học (2006), Những vấn đề xã hội học trong công cuộc đổi mới.
NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
79. Mai Quỳnh Nam (2005), Báo thiếu nhi dân tộc và công chúng thiếu
nhi dân tộc, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
80. Mai Quỳnh Nam (2000), “Văn hóa đại chúng và văn hóa gia đình”,
Tạp chí Xã hội học (4), tr.18-20.
81. Nguyễn Trung Nghĩa (2001), Tìm hiểu đời sống văn hóa tinh thần của
cán bộ công nhân viên hưu trí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn, ĐHQG-HCM.
82. Nguyễn Thị Thạch Ngọc (Đại học Văn hóa Hà Nội), “Lễ nghi trong
hôn nhân của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk”, Tạp chí Dân tộc học
83. Kim Ngân (2018), “Tết ấm no của bà con Cơ Ho Nam Tây Nguyên”.

196
Phóng sự Công an Nhân dân (http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/
Tet-am-no-cua-ba-con-K-ho-Nam-Tay-Nguyen). Truy cập ngày 12
tháng 11 năm 2018).
84. Nguyễn Hữu Minh (2002), “Đô thị hóa ở Việt Nam những năm 90.
Một số đặc trưng kinh tế - xã hội cơ bản”, Tạp chí Xã hội học (1/77),
tr.11-20.
85. Nguyễn Hữu Minh (2003), “Đô thị hóa và sự phát triển nông thôn ở
Việt Nam – Một số vấn đề cần quan tâm nghiên cứu”, Tạp chí Xã hội
học (3/83), tr.15-20.
86. Nguyễn Nga My (2008), “Giáo dục và đời sống văn hóa, tinh thần ở
vùng ven đô Hà Nội”, Tạp chí Xã hội học (1/101), tr.67-77.
87. Phạm Viết Phượng (2004), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
88. Trình Quang Phú (2016), “Luận bàn về văn hóa Tây Nguyên”, trong:
Giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên với phát triển bền vững,
NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
89. Trần Hữu Quang (2006), Xã hội học báo chí, NXB Báo chí, Thời báo
kinh tế Sài Gòn, Trung tâm kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương.
90. Trần Hữu Quang (2006), Xã hội học về truyền thông đại chúng, Bộ
Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.
91. Trần Hữu Quang (2000), Truyền thông đại chúng và công chúng –
Trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh (Khảo sát các mô thức tiếp nhận
truyền thông đại chúng của các giới công chúng), Tóm tắt luận án
Tiến sĩ Xã hội học.
92. Bùi Ngọc Quang,“Những vấn đề hôn nhân của dân tộc Brâu ở Việt Nam”,
Tạp chí Dân tộc học, Trung tâm văn hóa - Thông tin tỉnh Kon Tum.
93. Vũ Hào Quang (2008), “Tác động của đô thị hóa đến biến đổi nghề
nghiệp và hoạt động sản xuất của người nông dân Hải Phòng”, Tạp chí
Xã hội học (2), tr.33-42.
94. Vũ Hào Quang (2013), Biến đổi xã hội nông thôn trong quá trình dồn
điền đổi thửa tích tụ ruộng đất và đô thị hóa, NXB Đại học Quốc gia
Hà Nội, Hà Nội.
95. Khoàng Thị Quyên (Đại học Văn hóa Hà Nội), “Tục cưới xin xưa
và nay của người Thái da trắng ở bản Phiêng Ban, xã Mường Tùng,
huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên”, Tạp chí Dân tộc học.

197
96. Đình Quang (2005), Đời sống văn hóa đô thị và khu công nghiệp Việt
Nam, NXB Văn hóa Thông tin.
97. Phạm Ngọc Thanh (2013), Đổi mới văn hóa lãnh đạo và quản lý ở Việt nam
hiện nay (sách chuyên khảo), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
98. Võ Tấn Tú (2016), Hôn nhân và gia đình của người Chu Ru. NXB Đại
học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
99. Lê Minh Chiến và nhóm tác giả (2016), Tây Nguyên dưới góc nhìn nhân
học, NXB Đại học Quốc gia TP HCM.
100. Nguyễn Quý Thanh (2006), “Internet và định hướng giá trị của
sinh viên về tính dục trước hôn nhân”, Tạp chí Xã hội học (2/94),
tr.46-56.
101. Đặng Quang Thành (2008), Văn hóa và phát triển. Một số vấn đề lý
luận và thực tiễn ở Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia TP HCM.
102. Lê Ngọc Thắng (2011), Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách
dân tộc ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
103. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục.
104. Ngô Thị Phương Thiện (chủ biên), Anya Burghes - White, Lê Công
Thiện, Văn Thị Nhã Trúc, Bùi Thị Phương Thảo, Nguyễn Ngọc Hạnh
(2007), Giáo trình Văn hóa và xã hội Anh (tập 1). Di sản Văn hóa
(British studies Textbook 1. Legacy of the Past), NXB Đại học Quốc
gia TP HCM.
105. Ngô Thị Phương Thiện (2008), Introduction to Culture & Sciety, NXB
Đại học Quốc gia TP HCM.
106. Trần Hồng Thu (2002), Gia đình truyền thống của người Cơ Ho và
những vấn đề đặt ra trong thời kỳ hiện nay (qua nghiên cứu trường
hợp xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), Hà Nội.
107. Nguyễn Thị Như Thuý (2006), Khảo sát đời sống văn hóa tinh thần
của công nhân nhập cư khu chế xuất Linh Trung - Thủ Đức, Luận văn
Cử nhân Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
TP, ĐHQG-HCM.
108. Nguyễn Thị Như Thuý (2012), “Những chuyển đổi trong đời sống
văn hóa tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng dưới tác động của quá
trình Đô thị hóa” (Nghiên cứu tại thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng). Đề
tài NCKH cấp trường, Trường Đại học Đà Lạt.

198
109. Nguyễn Thị Như Thuý (2012), “Ảnh hưởng của truyền thông đại chúng
đến đời sống văn hóa tinh thần của người Kơho” (Nghiên cứu trường
hợp thôn Măng line, phường 7 và xã Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng). Đề
tài Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP HCM.
110. Nguyễn Thị Như Thuý (2014), “Các hình thức sinh hoạt văn hóa tinh
thần của người Kơho ở Lâm Đồng”. Đề tài NCKH cấp trường, Trường
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
111. Nguyễn Thị Như Thuý (2014), “Các hình thức sinh hoạt văn hóa tinh
thần của người Kơho ở Lâm Đồng”. Tạp chí Khoa học giáo dục kỹ
thuật (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM). tr.96-101.
112. Lương Duy Thứ (chủ biên) (1998), Đại cương văn hóa phương Đông,
NXB Giáo dục, TP Hồ Chí Minh.
113. Nguyễn Văn Tiệp, Phan Thị Yến Tuyết và nhóm tác giả (2008), Nhân
học đại cương, NXB Đại học Quốc gia TPHCM.
114. Ngô Đức Thịnh (2006), Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt
Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.103.
115. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2014), Giá trị văn hóa Việt Nam truyền
thống và biến đổi, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
116. Hà Thị Thuận (2002), “Nghi lễ ma chay của người Dao Đỏ ở xã Bản
Qua, Bát Xát, Lào Cai”, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
117. Đặng Hữu Toàn (2001), “Hướng các giá trị truyền thống theo hệ chuẩn
giá trị Chân - Thiện - Mỹ trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển
kinh tế thị trường”, Tạp chí Triết học (4), tr.27-36.
118. Tôn Nữ Quỳnh Trân, Nguyễn Văn Tiệp (2014), 20 năm Đô thị hóa
Nam Bộ. Lý luận và thực tiễn, NXB Đại học Quốc gia TP HCM.
119. Trương Xuân Trường (2001), “Tìm hiểu mức độ tiếp cận thông tin đại
chúng của người dân châu thổ sông Hồng trong thời kỳ đổi mới”, Tạp
chí Xã hội học (2/74), tr.58-70.
120. Phạm Văn Trình (1992), “Phát triển đô thị trong chiến lược chuyển
đổi sang nền kinh tế thị trường”, Tạp chí Xã hội học (4), tr.32-35.

199
Đời sống tinh thần của người KơHo ở Lâm Đồng trong quá
trình đô thị hóa Nghiên cứu trường hợp xã Tà Nung (Đà Lạt)
và thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng (Sách chuyên khảo)

Nguyễn Thị Như Thúy


Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trụ sở: Văn phòng đại diện:


Phòng 501, Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, Tòa nhà K-Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân
phường Linh Trung, thành phốThủ Đức, văn, số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé,
Thành phố Hồ Chí Minh. Quận 1,Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 028 62726361 ĐT: 028 62726390
E-mail: vnuhp@vnuhcm.edu.vn Website: www.vnuhcmpress.edu.vn

Chịu trách nhiệm xuất bản và nội dung


TS ĐỖ VĂN BIÊN
Biên tập
LÊ THỊ MINH HUỆ
Sửa bản in
THANH HÀ
Trình bày bìa
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT THÀNH PHỒ HỒ CHÍ MINH
Đối tác liên kết
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT THÀNH PHỒ HỒ CHÍ MINH

Xuất bản lần thứ 1. Số lượng in: 250 cuốn, khổ 16 x 24cm. Số
XNĐKXB: 1205-2022/CXBIPH/5-13/ĐHQGTPHCM. QĐXB số: 63/QĐ-
NXB cấp ngày 04/5/2022. In tại: Công ty TNHH In và Bao bì Hưng Phú; Địa
chỉ: 162A/1, KP1A, phường An Phú, TP Thuận An, Bình Dương. Nộp lưu
chiểu: Năm 2022. ISBN: 978-604-73-8973-5.
Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ bởi Luật Xuất bản và Luật Sở hữu
trí tuệ Việt Nam. Nghiêm cấm mọi hình thức xuất bản, sao chụp, phát tán nội
dung khi chưa có sự đồng ý của tác giả và Nhà xuất bản.

ĐỂ CÓ SÁCH HAY, CẦN CHUNG TAY BẢO VỆ TÁC QUYỀN!


ISBN: 978-604-73-8973-5
NXB ĐHQG-HCM

9 786047 389735

You might also like