You are on page 1of 3

Đề 1: Cảm nhận bức tranh thiên nhiên Tây Bắc qua đoạn thơ:

“Sông Mã… nếp xôi”


Mở Bài:
Quang Dũng là nhà thơ quân đội, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp.
Ông cũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, hào hoa. Âm điệu
thơ trầm hùng, giàu nhạc tính. "Tây Tiến" là bài thơ hay về đề tài người lính
thời chống Pháp. Tác phẩm ra đời vào năm 1948 là kết quả từ nỗi nhớ của
Quang Dũng về đơn vị Tây Tiến, về miền Tây Bắc nơi mà nhà thơ đã có nhiều
kỉ niệm sống và chiến đấu. Đoạn thơ đầu là một trong những đoạn thơ hay nhất
của bài "Tây Tiến", thể hiện nỗi nhớ của Quang Dũng về bước chân kiêu hùng
của người lính Tây Tiến trên những chặn đường hành quân gian khổ qua rừng
núi Tây Bắc hùng vĩ.
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
......................
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"
Quang Dũng viết bài thơ "Tây Tiến" khi đã chuyển sang đơn vị khác, khi
những gì đẹp nhất đã trở thành quá khứ. Cảm hứng chủ đạo của đoạn thơ là nỗi
nhớ về người lính Tây Tiến gắn liền với địa bàn hoạt động vùng rừng núi Tây
Bắc. Đoạn thơ khắc hoạ rõ nét thiên nhiên ở miền Tây Bắc xa xôi trong những
ngày đầu chống Pháp.
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!" vừa như lời tâm sự, vừa như lời gọi thể hiện
tình cảm sâu nặng của nhà thơ. Quang Dũng đã gọi tên dòng "sông Mã", một
hình ảnh tượng trưng của thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ. Con "sông Mã" như
người bạn tri kỉ để Quang Dũng nhớ khi phải chia xa. Nhớ về Tây Tiến là
Quang Dũng nhớ về dòng sông Mã. Ông nhớ về cảnh sắc thiên nhiên chốn núi
rừng miền Tây xa xôi, kì bí. Nỗi nhớ man mác, mênh mang như gửi về muôn
nẻo“nhớ chơi vơi”. Trong thơ ca Việt Nam xưa nay đã có khá nhiều những bài
thơ, câu thơ hay nói về nỗi nhớ: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi” (Ca dao); “Nhớ gì như
nhớ người yêu” (Việt Bắc - Tố Hữu),.. Nhưng “nhớ chơi vơi” thì dường như
Quang Dũng là người đầu tiên nói tới. Nỗi nhớ ấy như có dáng hình cụ thể. Nó
cứ bồng bềnh trong không gian và thời gian. Nó thường trực trong ý thức và lấn
chìm cả trong những giấc ngủ. Nỗi nhớ ấy cứ lan tỏa thấm đượm trong từng câu
thơ, khổ thơ.
Miền đất Tây Bắc rộng lớn với các địa danh nhắc đến xa xôi, hoang sơ và đầy
bí ẩn: "Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu" với địa hình
không mấy bằng phẳng và thời tiết vô cùng khắc nghiệt:
"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"
Tây Bắc nhiều vực sâu, lắm dốc cao thường xuyên mưa nguồn, thác lũ, để
miêu tả một cách ấn tượng về Tây Bắc Quang Dũng dùng nhiều từ láy tượng
hình: "khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút" cùng với nhịp thơ trắc trở có cảm giác
như bẻ đôi: "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống". Câu thơ như chênh vênh,
trắc trở theo thế núi, thế đèo, theo bước chân hành quân của người lính Tây
Tiến. Hình ảnh thơ gấp khúc vẽ ra hai sườn núi vút lên và đổ xuống gần như
thẳng đứng. Dốc núi thì cao còn vực thì sâu "thăm thẳm". Không chỉ có mỗi địa
hình hiểm trở mà thời tiết Tây Bắc cũng rất khắc nghiệt, được tác giả đã kể lại
qua câu thơ ”Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”, sương mù được tác giả miêu
tả dày đặc như nuốt chửng đoàn quân. Một Tây Bắc hiểm trở, dữ dội còn được
thể hiện ở nhiều thanh trắc trên câu thơ: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”
và thủ pháp đối lập “ lên; xuống”, nhân hóa “súng ngửi trời” góp phần làm cho
người đọc hình dung ra được thế núi dựng đứng, cao vót. Một Tây Bắc còn dữ
dội hơn nhiều bởi những âm thanh ghê rợn của "thác gầm thét" của "cọp trêu
người" vào mỗi "chiều chiều, đêm đêm" đe doạ đến tính mạng của con người.
Sống gắn bó với Tây Bắc khoảng thời gian khá dài, Quang Dũng có nhiều
phát hiện mới mẻ về vùng đất ấy. Vùng biên giới Việt - Lào không chỉ hiện lên
với chốn rừng thiêng nước độc mà còn là mảnh đất giàu chất thơ và nhiều kỉ
niệm.
"Mường Lát hoa về trong đêm hơi
............
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"
Cảnh Tây Bắc trong cái nhìn của hồn thơ đa cảm rất trữ tình và quyến rũ: ở
địa danh "Mường Lát" đêm về hoa rừng toả ngát hương thật hấp dẫn, dịu kì.
Nơi "Pha Luông" thấp thoáng những ngôi nhà như đang bồng bềnh trôi giữa
biển khơi, mỗi một địa danh có vẻ đẹp riêng. Bức tranh Tây Bắc huyền ảo, nữa
thực nửa mộng. Con người và thiên nhiên gắn bó chan hoà với nhau.
Kết thúc đoạn thơ là kỉ niệm đẹp của tình quân dân gắn bó, để rồi khi chia xa
Tây Bắc nhà thơ không thể nào quên:
"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"
"Cơm lên khói - thơm nếp xôi" là những hình ảnh gần gũi, quen thuộc gợi lên
cảnh gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Cuộc sống bình dị góp thêm một vẻ đẹp nữa
cho mảnh đất nhiều kỉ niệm. Đó còn là hình ảnh một mùa vui biểu hiện sự gắn
bó bền chặt của tình quân dân. Tình cảm đáng quý ấy trở thành sức mạnh tinh
thần, một nguồn động viên cổ vũ lớn lao cho người lính xa nhà.
Nhớ về vùng đất nơi đoàn binh Tây Tiến đã từng chiến đấu cũng là nỗi nhớ
của nhà thơ về đồng đội:
"Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời"
Quang Dũng đã dùng cách nói giảm qua hình ảnh "bỏ quên đời" để nói về
một trường hợp hi sinh: người lính đã ngã xuống vì kiệt sức trên đường hành
quân. Nghệ thuật nói giảm đã bình thường hoá cái chết, làm giảm đi sự đau đớn
khi nói về cái mất mát, sự hi sinh. Ý thơ buồn mà không bi luỵ bởi con người
vượt lên trên hoàn cảnh để chiến thắng gian lao. Bức chân dung kiêu hùng của
người lính Tây Tiến phù hợp với không khí của thời đại, của đất nước khi đang
bước vào cuộc chiến khốc liệt.
Đoạn thơ đầu bài thơ Tây Tiến đã thể hiện tài hoa và tâm hồn lãng mạn
phóng khoáng của nhà thơ Quang Dũng. Đoạn thơ có ngôn ngữ giàu chất tạo
hình, giàu nhạc điệu, gây ấn tượng táo bạo, dựng lên bức tranh sinh động, có
chiều sâu về cảnh hành quân của đoàn quân Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên
rừng núi hùng vĩ thơ mộng miền Tây. Qua đó, ta cảm nhận được sự gắn bó sâu
sắc, nỗi nhớ tha thiết của nhà thơ Quang Dũng về những ngày tháng chiến đấu
trong đoàn quân Tây Tiến.

You might also like