You are on page 1of 3

CÁC TRƯỜNG HỢP, HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU

THEO QUY ĐỊNH BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm
dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 385 Bộ Luật dân sự năm 2015); Điều kiện để các
giao kết trong hợp đồng có hiệu lực phải đáp ứng đầy đủ các yếu tố theo quy định
tại Điều 117 BLDS năm 2015 là: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực
hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao
dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không
vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và hình thức của hợp đồng
theo quy định trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật.
Qua nghiên cứu BLDS năm 2015 chúng ta thấy, hợp đồng dân sự sẽ bị vô
hiệu (không có hiệu lực thi hành) khi thuộc một trong 09 trường hợp sau:
Thứ nhất, Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã
hội (Điều 123): Có nghĩa là hợp đồng sẽ bị vô hiệu nếu nội dung của hợp đồng vi
phạm những quy định mà pháp luật cấm, vi phạm những chuẩn mực ứng xử chung
trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Thứ hai, Hợp đồng vô hiệu do giả tạo (Điều 124): Hợp đồng vô hiệu nếu các
bên xác lập một hợp đồng giả nhằm che dấu một hợp đồng thực tế. Ví dụ như Anh A
và anh B ký kết hợp đồng mua bán nhà có giá trị 10 tỷ đồng, nhưng để tránh nghĩa
vụ thuế và các nghĩa vụ khác liên quan thì các bên đã viết một hợp đồng tặng cho
giả tạo. Trong trường hợp này thì hợp đồng dân sự giả tạo (hợp đồng tặng cho) vô
hiệu.
Thứ ba, Hợp động dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng
lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị
hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 125):
Khi hợp đồng dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi
dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế
năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì: theo yêu cầu của người đại diện của
người đó, Tòa án tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp
luật hợp đồng này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng
ý, TRỪ những trường hợp sau đây:
- Hợp đồng dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi
dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
- Hợp đồng dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho
người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong
nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã
xác lập, thực hiện hợp đồng với họ;
- Hợp đồng dân sự được người xác lập hợp đồng thừa nhận hiệu lực sau khi
đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.
Thứ tư, Hợp đồng dân sự dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 126): Trường
hợp hợp đồng dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên
không đạt được mục đích của việc xác lập hợp đồng thì bên bị nhầm lẫn có quyền
yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu, TRỪ trường hợp hợp đồng
được ký kết có sự nhầm lẫn khi mục đích xác lập hợp đồng dân sự của các bên đã
đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích
của việc xác lập hợp đồngdân sự vẫn đạt được. Một ví dụ điển hình cho trường hợp
này là: A là người bán đồ cổ, A bán cho B 01 chiếc bình cổ trị giá 200 triệu đồng,
cả A và B đều nghĩ rằng tài sản này là đồ cổ thế kỉ XII. Một thời gian sau, cả hai
bên mới biết được rằng đây không phải là bình cổ. Như vậy, trong trường hợp này
cả bên bán và bên mua đã có có sự nhầm lẫn dẫn đến các bên không đạt được mục
đích của việc xác lập giao dịch mua bán ban đầu, do đó một trong 02 bên hoặc cả
02 bên có có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch hợp đồng trên là vô hiệu.
Thứ năm, Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127):
- Lừa dối trong hợp đồng dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người
thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc
nội dung của hợp đồng dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
- Đe dọa, cưỡng ép trong hợp đồng dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc
người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện hợp đồng dân sự nhằm tránh thiệt
hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của
người thân thích của mình.
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng
ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Ví dụ: A và
B ký kết hợp đồng mua bán nhà, theo hợp đồng Anh A sẽ bán nhà cho Anh B. Tuy
nhiên, tại thời điểm ký kết hợp đồng thì căn nhà này đã có quyết định thu hồi, giải
tỏa, đền bù và Anh A đã biết nhưng lại không thông báo cho Anh B. Như vậy ở đây
A đã có sự gian dối về tình trạng thông tin ngôi nhà là đối tượng của hợp đồng. Vì
vậy, Anh B có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán nhà đó là vô hiệu.
Thứ sáu, Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ
được hành vi của mình: Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập hợp
đồng vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có
quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng dân sự đó là vô hiệu.
Ví dụ: A là một người có năng lực hành vi dân sự bình thường. Tuy nhiên,
vào giai đoạn tháng 01/2017 A bị rơi vào trạng thái trầm cảm, không nhận thức
được hành vi của mình nên đã ký kết một hợp đồng tặng cho đất (A đang là người
Giấy chứng nhận quyền sở hữu) cho B trái với ý chí bình thường của A. Do đó, sau
khi khỏi bệnh vào tháng 08/2018, A có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng
tặng cho trước đó là vô hiệu.
Thứ bảy, Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức: Hợp
đồng dân sự mà pháp luật quy định phải thức hiện đúng hình thức nhất định, mà vi
phạm thì vô hiệu; như hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở hay di chúc miệng thì đều
phải có công chứng, nếu không thực hiện công chứng thì sẽ vô hiệu. Tuy nhiên,
trong 02 trường hợp sau đây thì vẫn có hiệu lực:
- Hợp đồng dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng
văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất
hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên,
Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó.
- Hợp đồng dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định
bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất
hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên,
Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó. Trong trường hợp này,
các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Thứ tám, hợp đồng vô hiệu từng phần: Hợp đồng dân sự vô hiệu từng phần
khi một phần nội dung của hợp đồng dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến
hiệu lực của phần còn lại của hợp đồng. Ví dụ: A ký kết bán cho B 02 căn nhà, trong
đó căn nhà số 01 đã có quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền, nhưng A
không thông báo cho B. Vì vậy, A đã có sự gian dối về tình trạng thông tin ngôi nhà
số 01 nên B có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán giữa A và B vô
hiệu phần mua bán ngôi nhà số 01, còn nội dung về mua bán ngôi nhà số 02 vẫn có
hiệu lực.
Hậu quả hợp đồng dân sự vô hiệu: không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt
quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập; Khi hợp
đồng dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau
những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá
thành tiền để hoàn trả./.
Đỗ Đình Gần - STP

You might also like