You are on page 1of 18

HƯỚNG DẪN ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2023 - 2024


MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 10

I. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM


1. PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)
1.1. Trắc nghiệm (2.0 điểm)
a. Phạm vi
Chương 1. Sức sống của sử thi
Chương 2. Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận
Chương 3. Sức hấp dẫn của truyện kể
Chương 4. Vẻ đẹp của thơ ca
b. Đọc hiểu văn bản sử thi
* Yêu cầu cần đạt
MTC 1.a: Nhận biết và phân tích được một số yếu tố đặc trưng của sử thi như không gian, thời
gian, biến cố, nhân vật, lời người kể chuyện, lời nhân vật.
MTC 1.b: Phân tích được các nhân vật trong sử thi và mối quan hệ của các nhân vật này với cộng
đồng.
MTC 1.c: So sánh được nhân vật sử thi của các quốc gia khác nhau, từ đó thấy được những quan
niệm thẩm mĩ khác nhau về người anh hùng.
MTC 1.e: Trích dẫn được chính xác và đa dạng các bằng chứng trong truyện sử thi để làm sáng rõ
cho một nhân định hoặc các thông tin.
MTC 1.f: Nhận biết, phân tích được ý nghĩa và sử dụng được cách đánh dấu phần bị tỉnh lược trong
văn bản, cách chú thích trích dẫn và ghi cước chú trong các ngữ cảnh.
MTC 1.i: Thực hành đọc các tác phẩm sử thi và phân tích được theo đặc trưng thể loại.
* Tri thức Ngữ văn
- Sử thi (anh hùng ca) là thể loại tự sự dài, dung lượng đồ sộ, ra đời vào thời cổ đại. Cốt truyện của
sử thi xoay quanh những biến cố trọng đại liên quan đến vận mệnh của toàn thể cộng đồng như
chiến tranh hay công cuộc chinh phục thiên nhiên để ổn định và mở rộng địa bàn cư trú.
- Nhân vật sử thi là người anh hùng đại diện cho sức mạnh, phẩm chất lí tưởng và khát vọng chung
của cộng đồng.
- Không gian sử thi kì vĩ, cao rộng, mang tính cộng đồng, có thể bao quát cả thế giới thần linh và
con người.
- Thời gian sử thi là quá khứ thiêng liêng, thuộc về một thời đại xa xưa được cộng đồng ngưỡng
vọng.
- Lời kể trong sử thi thành kính, trang trọng; nhịp điệu chậm rãi; trần thuật tỉ mỉ, lặp đi lặp lại những
từ ngữ khắc họa đặc điểm cố định của nhân vật, sự vật; thường xuyên sử dụng biện pháp tu từ so
sánh và điệp ngữ. Lời người kể chuyện và cả lời của nhân vật nhiều khi mang tính khoa trương,
cường điệu.
c. Đọc hiểu văn bản nghị luận
* Yêu cầu cần đạt
MTC 2.a: Xác định được mục đích viết của tác giả và luận đề của văn bản; nêu được những căn cứ
xác định.
MTC 2.b: Phân tích được cấu trúc các phần trong văn bản; nêu được vai trò của từng phần trong
việc triển khai các luận đề.
MTC 2.c: Xác định được các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng tiêu biểu trong văn bản và phân tích được
vai trò của chúng trong việc thể hiện luận đề.
MTC 2.d: Phân tích được những đặc sắc về ngôn từ và nghệ thuật lập luận để thể hiện mục đích
viết của tác giả.
MTC 2.e: Nhận diện và khắc phục lỗi về mạch lạc và liên kết trong văn bản.
MTC 2.g: Viết được bài văn nghị luận thuyết phục người khác từ bỏ/ hình thành một thói quen,
quan niệm.
MTC 2.f: Thực hành đọc: Đọc được các văn bản nghị luận theo đặc trưng thể loại.
MTC 2.i: Đánh giá được tính hợp lí, thuyết phục trong mạch lập luận của văn bản; chỉ ra các ngụy
biện nếu có.
* Tri thức Ngữ văn
- Văn bản nghị luận là loại văn bản thực hiện chức năng thuyết phục thông qua một hệ thống luận
điểm, lí lẽ và bằng chứng được tổ chức chặt chẽ. Đề tài của văn bản nghị luận rất rộng, bao gồm
mọi vấn đề của đời sống như chính trị, xã hội, đạo đức, triết học, nghệ thuật, văn học….
- Các yếu tố cơ bản của văn bản nghị luận.
+ Luận đề là vấn đề, tư tưởng, quan điểm, quan niệm của các tác giả về luận đề. Nhờ hệ thống luận
điểm (gọi đơn giản là hệ thống ý) các khía cạnh cụ thể của luận đề mới được làm nổi bật theo một
cách thức nhất định.
+ Luận điểm là một ý kiến khái quát thể hiện tư tưởng, quan điểm, quan niệm của tác giả về luận đề.
Nhờ hệ thống luận điểm, các khía cạnh cụ thể của luận đề mới được làm nổi bật theo một cách thức
nhất định.
+ Lí lẽ và bằng chứng được gọi gộp là luận cứ. Lí lẽ nảy sinh nhờ suy luận logic, được dùng để giải
thích và triển khai luận điểm, giúp luận điểm trở nên sáng tỏ và đứng vững. Bằng chứng là những
căn cứ cụ thể, sinh động được khai thác từ thực tiễn hoặc từ cách tài liệu sách báo nhằm xác nhận
tính đúng đắn, hợp lí của lí lẽ.
d. Đọc hiểu truyện
* Yêu cầu cần đạt
MTC 3.a: Nhận biết và phân tích giá trị của một số yếu tố của truyện nói chung và thần thoại nói
riêng như: cốt truyện, không gian, thời gian, nhân vật, lời người kể chuyện ngôi thứ nhất và ngôi
thứ ba.
MTC 3.b: Phân tích và đánh giá được chủ đề, tư tưởng, thông điệp của các văn bản truyện; truyện
thần thoại.
MTC 3.c: Viết được văn bản nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện, có sự hỗ trợ của
công nghệ.
MTC 3.e: Nhận diện, giải nghĩa và sử dụng đúng các từ Hán Việt trong ngữ cảnh.
MTC 3.f: Đọc chủ động các truyện theo đặc trưng thể loại và so sánh được truyện thần thoại giữa
các quốc gia khác nhau để thấy được nét đặc sắc về văn hóa, quan điểm.
* Tri thức Ngữ văn
Cốt truyện
- Cốt truyện trong tác phẩm tự sự (thần thoại, sử thi, cổ tích, truyện ngắn, tiểu thuyết,... ) và kịch
được tạo nên bởi sự kiện (hoặc chuỗi sự kiện).
- Sự kiện là sự việc, biến cố dẫn đến những thay đổi mang tính bước ngoặt trong thế giới nghệ thuật
hoặc bộc lộ những ý nghĩa nhất định với nhân vật hay người đọc – điều chưa được họ nhận thấy cho
đến khi nó xảy ra.
Truyện kể
- Sự kiện trong cốt truyện được triển khai hoặc liên kết với nhau theo một mạch kế nhất định. Mạch
kể này thống nhất với hệ thống chi tiết và lời văn nghệ thuật (bao gồm các thành phần lời kể, lời tả,
lời bình luận.... ) tạo thành truyện kể.
Người kể chuyện
- Truyện kể chỉ tồn tại khi có người kể chuyện. Trong nhiều loại hình tự sự dân gian, người kể
chuyện có thể là người trực tiếp diễn xưởng để kể lại câu chuyện cho công chúng. Trong các hình
thức tự sự của văn học viết, người kể chuyện là “vai” hay “đại diện” mà nhà văn tạo ra để thay minh
thực hiện việc kể chuyện.
Nhờ người kể chuyện, người đọc được dẫn dắt vào thế giới nghệ thuật của truyện kề đề tri nhận về
nhân vật, sự kiện, không gian, thời gian,... Người kể chuyện cũng khơi dậy ở người đọc những suy
tư về ý nghĩa mà truyện kể có thể gợi ra.
Nhân vật
- Nhân vật là con người cụ thể được khắc hoạ trong tác phẩm văn học bằng các biện pháp nghệ
thuật. Cũng có những trường hợp nhân vật trong tác phẩm văn học là thần linh, loài vật, đồ vật,...
nhưng khi ấy, chúng vẫn đại diện cho những tính cách, tâm lí, ý chi hay khát vọng của con người.
Nhân vật là phương tiện đề văn học khám phá và cắt nghĩa về con người.
THỂ LOẠI THẦN THOẠI
- Thần thoại là thể loại truyện kể xa xưa nhất, thể hiện quan niệm về vũ trụ và khát vọng chinh phục
thế giới tự nhiên của con người thời nguyên thuỷ.
- Căn cứ vào chủ đề, có thể chia thần thoại thành hai nhóm:
+ Thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài (thần thoại suy nguyên).
+ Thần thoại kể về cuộc chinh phục thiên nhiên và sáng tạo văn hoá (thần thoại sáng tạo).
- Ra đời trong “tuổi ấu thơ” của loài người nên thần thoại mang tính nguyên hợp: chứa đựng các
yếu tố nghệ thuật, tôn giáo, triết học, lịch sử,... Vì vậy, thần thoại có vai trò đặc biệt quan trọng
trong việc lưu giữ di sản văn hoá nguyên thuỷ của cộng đồng.
- Cốt truyện: có thể là cốt truyện đơn tuyến, tập trung vào một nhân vật hoặc là một tổ hợp nhiều
cốt truyện đơn (tạo thành một “hệ thần thoại”).
- Nhân vật chính của thần thoại là các vị thần, hoặc những con người có nguồn gốc thần linh, có
năng lực siêu nhiên nên có thể được miêu tả với hình dạng khổng lồ, hoặc với sức mạnh phi
thường....
+ Chức năng của nhân vật trong thần thoại là cắt nghĩa, lí giải các hiện tượng tự nhiên và đời sống
xã hội, thể hiện niềm tin của con người cổ sơ cũng như những khát vọng tinh thần có ý nghĩa lâu dài
của nhân loại.
- Thời gian, không gian: Thời gian phiếm chỉ, mang tính ước lệ và không gian vũ trụ với nhiều cõi
khác nhau.
- Lối tư duy hồn nhiên, chất phác, trí tưởng tượng bay bổng, lãng mạn đã làm nên sức cuốn hút và
sức sống lâu bền cho thần thoại.
Thần thoại Việt Nam
- Thần thoại Việt Nam vẫn là một di sản phong phú với hàng trăm truyện kể của người Kinh và các
dân tộc thiểu số.
- Trong một số bộ sách mang tính chất sưu tầm, tuyển tập, nhiều thần thoại đã được đặt lẫn với các
truyền thuyết, cổ tích, do vậy, màu sắc riêng của thần thoại ít nhiều bị làm mờ nhạt.
- Thần thoại Việt Nam gồm có hai nhóm:
+ Thần thoại suy nguyên: nhiều truyện có cách hình dung, lí giải về sự hình thành thế giới tự
nhiên, nguồn gốc con người và vạn vật rất gần gũi với các hệ thống thần thoại khác trên thế giới.
Nhân vật chính của thần thoại suy nguyên là các vị thần sáng tạo thế giới: trời đất, mặt trời, mặt
trăng, sông biển, mưa, gió, sấm, sét, muôn loài.
+ Nhóm truyện thần thoại sáng tạo có nhân vật chính là các anh hùng thần thoại và anh hùng văn
hoá. Kì tích của họ phản ánh vẻ đẹp riêng của cuộc sống lao động, tín ngưỡng và văn hoá của từng
cộng đồng.
e. Đọc hiểu thơ
* Yêu cầu cần đạt
MTC 4.a: Phân tích và đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ như từ ngữ, hình
ảnh, vần, nhịp, đối, nhân vật trữ tình.
MTC 4.b: So sánh được các tác phẩm ở dạng thơ và các dạng thức biểu hiện khác (tranh vẽ, ngâm)
để thấy được đặc trưng của các phương thức biểu đạt khác nhau.
MTC 4.c: So sánh được điểm tương đồng và khác biệt giữa các tác phẩm thơ cùng chủ đề hay thuộc
về các nền văn hóa khác nhau.
MTC 4.d: Nhận diện, phân tích và chỉnh sửa được lỗi dùng từ và lỗi về trật tự từ.
MTC 4.e: Viết được đoạn văn hoặc bài văn nghị luận về một số đặc điểm nội dung và nghệ thuật
hay thông điệp từ văn bản thơ đã học/ đã đọc, có sử dụng công nghệ để xuất bản và tương tác.
MTC 4.g: Đọc chủ động được các bài thơ trữ tình và phân tích được theo đặc trưng thể loại.
* Tri thức Ngữ văn
- Thơ và thơ trữ tình:
+ Thơ là hình thức tổ chức ngôn từ đặc biệt, tuân theo một mô hình thi luật hoặc nhịp điệu nhất
định. Mô hình này làm nổi bật mối quan hệ giữa âm điệu và ý nghĩa của ngôn từ thơ ca. Với hình
thức ngôn từ như thế, thơ có khả năng diễn tả được những tình cảm mãnh liệt hoặc những ấn tượng,
xúc động tinh tế của con người trước thế giới.
+ Thơ trữ tình là loại tác phẩm thơ thường có dung lượng nhỏ, thể hiện trực tiếp cảm xúc, tâm
trạng của nhân vật trữ tình.
- Nhân vật trữ tình
+ Nhân vật trữ tình (còn gọi là chủ thể trữ tình) là người trực tiếp bộc lộ rung động và tình cảm
trong bài thơ trước một khung cảnh hoặc sự tình nào đó. Nhân vật trữ tình có mối liên hệ mật thiết
với tác giả song không hoàn toàn đồng nhất với tác giả.
- Hình ảnh thơ:
+ Hình ảnh thơ là các sự vật, hiện tượng, trạng thái đời sống được tái tạo một cách cụ thể, sống
động bằng ngôn từ, khơi dậy cảm giác (đặc biệt là những ấn tượng thị giác) cũng như gợi ra những
ý nghĩa tinh thần nhất định đối với người đọc.
- Vần thơ, nhịp điệu, nhạc điệu, đối, thi luật, thể thơ:
+ Vần thơ: sự cộng hưởng, hoà âm theo quy luật giữa một số âm tiết trong hay cuối dòng thơ. Vần
có chức năng liên kết các dòng thơ và góp phần tạo nên nhịp điệu, nhạc điệu cũng như giọng điệu
của bài thơ.
+ Nhịp điệu: những điểm ngắt hay ngừng theo chu kì nhất định trên văn bản do tác giả chủ động bố
trí. Nhịp điệu chứa đựng sự lặp lại có biến đổi của các yếu tố ngôn ngữ và hình ảnh nhằm gợi ra
cảm giác về sự vận động của sự sống và thể hiện cảm nhận thẩm mĩ về thế giới.
+ Nhạc điệu: cách tổ chức các yếu tố âm thanh của ngôn từ để lời văn gợi ra cảm giác về âm nhạc
(âm hưởng, nhịp điệu). Trong thơ, những phương thức cơ bản để tạo nhạc điệu là gieo vần, ngắt
nhịp, điệp, phối hợp thanh điệu bằng – trắc,...
+ Đối: cách tổ chức lời văn thành hai về cân xứng và sóng đôi với nhau cả về ý và lời. Căn cứ vào
sự thuận chiều hay tương phản về ý và lời, có thể chia đối thành hai loại: đổi cân (thuận chiều), đối
chọi (tương phản).
+ Thi luật: toàn bộ những quy tắc tổ chức ngôn từ trong thơ như gieo vần, ngắt hoà thanh, đối, phân
bố số tiếng trong một dòng thơ, số dòng trong cả bài thơ,...
+ Thể thơ: sự thống nhất giữa mô hình thi luật và loại hình nội dung của tác phẩm thơ. Các thể thơ
được hình thành và duy trì sự ổn định của chúng trong quá trình phát triển của lịch sử văn học.
1.2. Phần kết nối đọc viết (3.0 điểm)
Yêu cầu: HS viết thành đoạn văn ngắn (số câu tùy thuộc vào yêu cầu của đề bài) để thể hiện một suy
luận về ngữ liệu. HS cũng có thể được yêu cầu áp dụng sử dụng một số yếu tố ngôn ngữ trong đoạn văn
của mình (viết đoạn có sử dụng từ ngữ, kiểu câu, biện pháp nghệ thuật... như thế nào), tuy nhiên đảm
bảo tính tự nhiên của quá trình viết.
2. PHẦN VIẾT (5.0 điểm):
Yêu cầu:
- Hoạt động viết cần xuất phát từ các nguồn đọc: lấy ngữ liệu đọc làm nguồn cung cấp thông tin cho
yêu cầu viết => yêu cầu viết cần có sự kết nối với đọc. Việc sử dụng các thông tin trong ngữ liệu đã đọc
làm bằng chứng cho bài viết được đánh giá cao.
- Bài viết cần đảm bảo theo các khía cạnh như:

✔ Nội dung và thông điệp

❖ Thực hiện đúng yêu cầu của đề bài


❖ Truyền thông điệp cá nhân, mạch lạc, rõ ràng đến người đọc

✔ Sử dụng bằng chứng

❖ Cung cấp được các bằng chứng liên quan, đầy đủ để minh họa cho nội dung bài

✔ Cấu trúc và phong cách

❖ Các phần rõ ràng, thực hiện đúng yêu cầu của thể loại

❖ Phong cách ngôn ngữ phù hợp yêu cầu của đối tượng, mục đích, thể loại

✔ Diễn đạt và trình bày

❖ Thực hiện đúng các qui tắc chính tả về chữ viết, trình bày bài, diễn đạt

2.1. Viết văn bản nghị luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm.
Yêu cầu cần đạt:
Mở bài: Dẫn dắt và nêu thói quen/quan niệm mà người viết muốn thuyết phục người khác từ bỏ
Thân bài:
- Chỉ ra được các biểu hiện hoặc khía cạnh của thói quen hay quan niệm cần từ bỏ.
- Phân tích tác động tiêu cực của thói quen hay quan niệm đó đối với cá nhân và cộng đồng
- Đề xuất cách từ bỏ và các bước từ bỏ thói quen hay quan niệm không phù hợp
- Dự đoán sự đồng tình, ủng hộ của những người xung quanh khi người được thuyết phục quyết
định từ bỏ thói quen/quan niệm không phù hợp
Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc từ bỏ thói quen hay quan niệm đã đề cập
2.2. Viết được văn bản nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện
Yêu cầu:
Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm truyện (nhan đề, tên tác giả, thể loại...) và ý kiến khái
quát của người viết về tác phẩm.
Thân bài:
- Tóm tắt tác phẩm truyện (vừa đủ để người đọc nắm được nội dung chính).
- Phân tích cụ thể, rõ ràng về tác phẩm truyện (chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác
dụng của chúng) với những dẫn chứng sinh động.
- Đánh giá về tác phẩm truyện dựa trên các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.
Kết bài: Khẳng định giá trị của tác phẩm truyện.
2.3. Viết được bài văn nghị luận về một số đặc điểm nội dung và nghệ thuật hay thông điệp từ văn
bản thơ đã học/ đã đọc
Yêu cầu cần đạt:
Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ được chọn (tác giả, thể thơ, khuynh hướng, trào lưu văn học
gắn với bài thơ…), ý kiến khái quát của người viết về bài thơ.
Thân bài:
- Chỉ ra và phân tích được những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ (từ ngữ, hình ảnh thơ, cách tổ
chức nhịp điệu, nhạc điệu, cách liên kết mạch cảm xúc và hình ảnh…)
- Đánh giá giá trị của bài thơ về phương diện nghệ thuật cũng như ý nghĩa nhân sinh.
Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ, ý nghĩa của bài thơ đối với
người viết bài nghị luận
--------------------------------------------------------------------------------------
II. ĐỀ LUYỆN TẬP
Đề tham khảo số 1
1. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)
1.1. Đọc bài thơ: “Qua Đèo Ngang” và thực hiện các yêu cầu:
QUA ĐÈO NGANG
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
(Bà Huyện Thanh Quan)
Khoanh tròn vào đáp án đúng:
Câu 1. (0.25 điểm). Theo em, căn cứ vào đâu để xác định bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn
bát cú Đường luật?
A.Vì đây là thể thơ thông dụng trong các thể Đường luật được các nhà thơ Việt Nam tin dùng.
B. Vì bài thơ có 7 câu, dài ngắn khác nhau.
C. Vì bài thơ gieo vần bằng ở tiếng cuối câu 1 - 2 - 4 - 6 - 8.
D. Vì bài thơ có 8 câu mỗi câu 7 chữ.
Câu 2. (0.25 điểm). Dòng nào đúng về nhân vật trữ tình trong bài thơ?
A.Hình ảnh chú tiều lom khom dưới núi.
B. Hình ảnh những con quốc với tiếng kêu não nùng.
C. Hình ảnh tác giả khi đứng giữa không gian rộng lớn để bộc lộ cảm xúc.
D. Hình ảnh con chim gia gia với những nỗi nhớ nhà tha thiết.
Câu 3. (0.25 điểm). Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ trong hai câu thơ sau.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
A. Làm cho câu thơ thêm sống động, có hồn.
B. Nhấn mạnh trạng thái của sự vật, con
người.
C. Tăng sức biểu cảm, gợi hình tượng.
D. Tạo sự trùng điệp cho cấu trúc câu thơ
Câu 4. (0.25 điểm). Cảm xúc của tác giả trong bài thơ là gì?
A. Tình yêu thiên nhiên, cảnh sắc non sông đất nước.
B. Thương xót cho những kiếp người nghèo khổ.
C. Nhớ nước, thương nhà. Cô đơn trước cảnh thiên nhiên rộng lớn.
D. Mệt mỏi sau chặng đường dài.
1.2. Đọc truyện ngắn: Nhà mẹ Lê và thực hiện các yêu cầu:

NHÀ MẸ LÊ
Thạch Lam
…Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn
bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay nhăn nheo như một quả trám khô. Khi bác mới
đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa lớn mới có mười bảy tuổi!
Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.
Mẹ con bác ta ở một căn nhà lá. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng
hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan gãy nát. Mùa rét thì trải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng
nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với người nghèo như
bác một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn
suốt ngày cũng không đủ nuôi từng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa
rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người trong làng. Những ngày có người
mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về
nuôi lũ con đói đợi ở nhà.
Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng
chỉ còn trơ cuống rạ, dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai
mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa nhỏ nhất: con Tý, con Phún, thằng Hy
mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó
thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của
mình ấp ủ cho nó. Thằng con lớn thì từ sáng đã cùng thằng Ba ra cánh đồng kiếm con cua, con ốc,
hay sau mùa gặt, đi mót những bông lúa còn sót lại trong khe ruộng. Thật là sung sướng, nếu
chúng mang về được một lượm, trong những ngày may mắn. Vội vàng bác Lê đẩy con ra, vơ lấy bó
lúa, đem để xuống dưới chân vò nát, vét hột thóc giã lấy gạo. Rồi làm một bữa cơm nóng lúc buổi
tối giá rét, mẹ con ngồi chung quanh nồi cơm bốc hơi, trong khi bên ngoài gió lạnh rít qua mái
tranh.
*
* *
Cuộc đời của gia đình bác Lê cứ như thế mà lặng lẽ qua ngày nọ rồi lại đến ngày kia. Tuy vậy
cũng có những ngày vui vẻ. Những ngày nắng ấm trong năm, hay những buổi chiều mùa hạ, mẹ con
bác Lê cùng nhau ngồi chơi ở trước cửa nhà. Các người hàng xóm cũng làm như thế, các bà mẹ
ngồi rủ rỉ với nhau những câu chuyện kín đáo; các trẻ con nô đùa dưới quán chợ, còn các bà già
thì ngồi giũ tóc cho chúng và gọt tóc chúng bằng mảnh chai sắc.
Thằng cả ngồi đan lại cái lờ. Còn những đứa khác chơi quanh gần đấy. Trong những ngày hè
nóng bức, con bác Lê đứa nào cũng lở đầu. Bác ta bảo là một cái bệnh gia truyền từ đời ông tam
đại nên bác lấy phẩm xanh bôi cho chúng nó. Trông mẹ con bác lại càng giống mẹ con một đàn gà,
mà những con gà con người ta bôi xanh lên đầu cho khỏi lẫn. Người phố chợ thường nói đùa bác
Lê về đàn con đông đúc ấy. Bác Đối kéo xe, người vui tánh nhất xóm, không lần nào đi qua nhà bác
Lê mà không bảo:
- Bác phải nhớ thỉnh thoảng đếm lại con không quên mất.
Bác Lê bao giờ cũng trả lời một câu:
- Mất bớt đi cho nó đỡ tội.
Nhưng mọi người biết bác Lê quí con lắm. Tuy bác hết sức công bằng, người ta cũng thấy bác yêu
thằng Hy hơn cả. Nó là con thứ chín, ốm yếu, xanh xao nhất trong nhà. Bác thường bế nó lên hôn
hít, rồi khoe với hàng xóm, nội cả nhà chỉ có nó là giống thầy cháu như đúc. Rồi bác lại ôm con
ngồi lặng yên một lát, như để nhớ lại chuyện gì đã lâu lắm.
…...
Mùa rét năm ấy đến, giá lạnh và mưa gió lầy lội. Đàn con bác Lê ôm chặt lấy nhau rét run
trong căn nhà ẩm ướt và tối tăm vì đèn đuốc không có nữa. Mấy gia đình ở phố chợ đều đói rét và
khổ sở. Nhưng mỗi nhà đều lặng lẽ, âm thầm và chịu khổ một mình, không than thở với láng giềng
hàng xóm lời gì, ai nấy đều biết cũng nghèo khốn như nhau.
Một buổi chiều, mà đàn con đã nhịn đói suốt buổi, bác Lê vá lại manh áo rét, gọi đứa cả đến
rồi bảo:
- Ở nhà trông các em, tao vào ông Bá xem có xin được ít gạo nào không?
- Ban sáng u đã vào nhà người ta có cho đâu, cậu Phúc lại còn bảo hễ u vào nữa thì cậu ấy thả chó
ra cắn.
Bác Lê đáp:
- Nhưng biết làm thế nào! Không có thì lấy gạo đâu ra mà ăn? Thôi tao cứ liều vào lần nữa xem
sao. Nói xong, bác Lê mở cửa liếp ra đi. Trong lòng bác vẫn có chút hy vọng trong buổi sáng lúc
vào xin gạo. Ông Bá đã đuổi mắng không cho. Bác nhớ lại cải cảnh sang trọng, ấm cúng trong nhà
ông Bá. Những chậu sứ, câu đối thếp vàng sáng chói. Không lẽ ông Bá giầu có thế mà không thí
cho mẹ con bác được bát gạo hay sao?
Ở nhà, đàn con bác ngồi nhìn nhau đợi trong ổ rơm. Bác đi đâu không thấy về. Thằng Hy lắng tai
nghe tiếng chó cắn trong làng rồi bảo chị nó:
- Hình như u về đấy chị ạ.
Thằng cả đi lại bên cửa bếp nhìn ra ngoài. Bỗng có tiếng chân người rầm rập, đến tiếng gọi, rồi lũ
trẻ thấy bác Đối và một người nữa khiêng bác Lê vào trong nhà. Trên bắp chân người mẹ, máu đỏ
chảy ròng ròng. Thằng cả hiểu ngày mẹ nó bị chó ông Bá cắn. Bác đặt người bị thương xuống
chiếu rồi ra đi sau khi dặn:
- Bây giờ, bác lấy lá lốt mà dịt cho nó cầm máu. Chó tây cắn thì độc lắm đấy.
Khi bác đi khỏi, lũ trẻ xúm quanh lấy mẹ. Thằng Hy vừa mếu máo vừa hỏi:
- U làm sao thế, u?
Bác Lê nén cái đau, giảng cho con biết:
- Thật cậu Phúc ác quá! Đã không cho thì thôi lại còn thả chó ra đuổi, tao đã chạy mà không kịp,
nên nó cắn phải. May gặp bác Đối, chứ không biết bao giờ mới lê được về đến nhà.
Bác ngừng lại nhìn đàn con ốm yếu, rồi thở dài:
- Thế là mẹ con lấy gì ăn cho đỡ đói bây giờ.
Thằng Hy òa lên khóc, con Tý cũng khóc theo. Bác Lê giơ tay ôm chúng nó vào lòng nghĩ thân
phận mình, bác cũng ứa nước mắt. Đêm ấy, bác Lê lên cơn sốt. Những cái rùng mình lạnh lẽo nối
nhau lướt trên da bác, manh chiếu rách không đủ đắp ấm thân. Trong lúc mê sảng, bác Lê tưởng
nhớ lại cả cuộc đời mình, từ lúc còn bé đến bây giờ, chỉ toàn những ngày khổ sở nhọc nhằn. Cái
nghèo không biết tự bao giờ đã vào nhà bác. Lúc sinh ra bác đã thấy nó rồi, và từ đó nó cứ theo
liền bác mãi. Nhưng có người mướn làm thì không đến nỗi. Bác nhớ lại những buổi đi làm khó
nhọc, nhưng bác vui vẻ được lĩnh gạo về cho con, những bữa cơm nóng mùa rét, những lúc thằng
Hy và con Tý vui đùa giằng co chiếc bánh bác mua cho chúng.
Rồi đến những ngày đi mót lúa mỏi lưng trên cánh đồng, nhặt những bông lúa thơm, những lúc vò
lúa dưới chân... Bác Lê nhớ lại cái cảm giác vui mừng khi thấy cạnh bông lúa sắc sát vào thịt da.
Đấy còn là những ngày no đủ. Rồi đến những buổi chợ sáng, những ngày nhịn đói như hôm nay
Bác mơ màng thấy vàng son chói lọi trong nhà ông Bá, thấy nét mặt gian ác của cậu Phúc, con chó
tây nhe nanh chồm đến.
- Trời ơi! Sao tôi khổ thế này?
Tiếng kêu thất thanh của bác làm lũ trẻ giật mình, chúng nó ngồi dậy đưa mắt sợ hãi nhìn người
mẹ. Hai hôm sau, bác Lê lại lên cơn mê sảng rồi chết. Người trong phố chợ gom góp nhau mua cho
bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh đồng, chôn vùi dưới bãi tha ma nhỏ ở đầu làng.
Khi trở về, qua căn nhà lạnh lẽo âm u, họ thấy mấy đứa con nhỏ con bác Lê ngồi ở vỉa hè. Con Tý
đang dỗ cho thằng Hy nín khóc, nói dối rằng mẹ nó đi chợ một lát rồi sẽ về. Nhưng họ biết rằng
bác Lê không trở về nữa và họ thấy một cái cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can họ, những người ở
lại, những người còn sống mà cái nghèo khổ cứ theo đuổi mãi không biết bao giờ hết.
Khoanh tròn vào đáp án đúng:
Câu 1. (0.25 điểm). Lời kể nào cho em hình dung ra hoàn cảnh của nhà Bác Lê?
A. Tuy bác hết sức công bằng, người ta cũng thấy bác yêu thằng Hy hơn cả. Nó là con thứ chín, ốm
yếu, xanh xao nhất trong nhà.
B. Cuộc đời của gia đình bác Lê cứ như thế mà lặng lẽ qua ngày nọ rồi lại đến ngày kia.
C. Bác Lê là một người đàn bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay nhăn nheo như một
quả trám khô.
D. Mùa rét thì trải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó,
chó mẹ và chó con lúc nhúc.
Câu 2. (0.25 điểm). Từ “thí” trong câu “Không lẽ ông Bá giàu có thế mà không thí cho mẹ con bác
được bát gạo hay sao?” có nghĩa gì?
A. Cho vay C. Cho
B. Trả D. Biếu
Câu 3. (0.25 điểm). Lời bác Lê nói với mọi người: “Mất bớt đi cho nó đỡ tội” cho thấy bác Lê là
người như thế nào?
A. Bác Lê thích trêu đùa với mọi người.
B. Bác Lê ghét những đứa con của mình.
C. Bác thương con, không muốn chứng kiến cảnh các con bị lạnh và đói.
D. Bác là mẹ độc ác.
Câu 4. (0.25 điểm) Nỗi lo sợ trong tâm can những người ở lại là nỗi lo sợ về điều gì?
A. Lo sợ không ai lo cho những đứa trẻ con.
B. Lo sợ cái lạnh lẽo của mùa đông.
C. Cả A và B đều đúng.
D. Lo sợ cái nghèo.
1.3. Viết đoạn văn (3.0 điểm).
Câu 5 (1.0 điểm). Trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” tâm trạng của nhân vật trữ tình hiện lên như thế
nào? Trích 2 dẫn chứng để minh hoạ cho câu trả lời.
Câu 6 (1.0 điểm). Mẹ Lê là một người phụ nữ thương con vô bờ bến. Em hãy trình bày suy nghĩ của
mình và chỉ ra 2 bằng chứng để làm rõ ý kiến trên.
Câu 7 (1.0 điểm). Chủ đề của truyện ngắn “Nhà mẹ Lê” là gì? Em hãy trình bày quan điểm của mình
bằng một đoạn văn ngắn 5-7 dòng.
2. VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN (5.0 điểm). HS có thể lựa chọn một trong hai đề sau:
Đề 1. Viết bài văn nghị luận về bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan.
Đề 2. Viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá về tác phẩm Nhà mẹ Lê của Thạch Lam.
Đề tham khảo số 2
1. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)
1.1. Đọc bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” và thực hiện các yêu cầu:
ĐÂY THÔN VĨ DẠ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,


Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa,


Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?
(Hàn Mặc Tử )
Câu 1. (0.25 điểm). Cảm xúc chủ đạo trong bài thơ trên?
A. Khao khát giao cảm, tình đời, tình người.
B. Tình yêu thiên nhiên, yêu xứ Huế mộng mơ.
C. Tình yêu con người, khát khao gặp gỡ.
D. Nỗi cô đơn buồn vắng khi xa quê.
Câu 2 (0.25 điểm). Việc điệp lại 2 lần từ “nắng” và sử dụng liên tiếp các bổ ngữ (nắng hàng cau,
nắng mới) trên một dòng thơ đã góp phần làm cho:
A. Cảnh bình minh chói chang. Lời thơ trở nên gợi hình gợi cảm hơn.
B. Cảnh vật bừng sáng tươi mới, sự hòa quyện, chan hòa của ánh nắng khiến không gian cảnh vật
thêm sức sống.
C. Nhấn mạnh cảnh nhiều nắng vào buổi sớm. Hình ảnh thơ trở nên sống động.
D. Không gian như mở rộng đến vô cùng vô tận. Các hình ảnh thơ mang tính biểu tượng.
Câu 3 (0.25 điểm). Cảm xúc chủ đạo toát ra từ bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong khổ cuối
bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử không phải là sắc thái nào sau đây?

A. Khát khao, vô vọng.


B. Tuyệt vọng.
C. Nhớ thương, vô vọng.
D. Hoài nghi.
Câu 4 (0.25 điểm). Từ “kịp” trong hai dòng thơ sau gợi lên điều gì rõ nét nhất đang ẩn chứa trong
tâm tư tác giả?

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

A. Một lời khẩn cầu, hi vọng được gặp lại người thương.
B.Một nỗi buồn nhớ xa xăm đối với người thương.
C. Một niềm khao khát, thúc bách chạy đua với thời gian.
D. Một niềm mong ngóng, trông đợi đối với người thương.

1.2 Đọc truyện ngắn: “Cái chết của một viên chức” và thực hiện các yêu cầu:
CÁI CHẾT CỦA MỘT VIÊN CHỨC
(Sê – khốp)
Vào một buổi tối đẹp trời, Ivan Dmitritch Tchervviakov, một viên chức tư pháp cũng đẹp người
không kém, ngồi ở hàng ghế bành thứ hai, nhìn lên sân khấu qua ống nhòm xem vở “Chuông
Corneville”. Anh cảm thấy trong lòng khoan khoái vô cùng. Bỗng dưng... Trong các truyện thường
hay thấy “bỗng dưng”. Các tác giả đều có lý, cuộc đời luôn đầy rẫy những chuyện bất ngờ. Bỗng
dưng, mặt anh nhăn nhó, mắt hoa lên, hơi thở nghẹn lại. Anh bỏ ống nhòm qua, khom người xuống
và ... hách xì! Anh đã hắt hơi, như các bạn thấy đấy.
Không ai bị cấm hắt hơi, dù ở đâu cũng vậy. Người nông dân hắt hơi, cảnh sát trưởng hắt hơi, và
có khi, các viên chức cũng hắt hơi. Mọi người đều hắt hơi cả thôi. Tcherviakov chẳng tỏ ra ngượng
ngùng gì, lấy khăn tay ra lau, và làm người lịch sự, anh nhìn quanh xem thử mình hắt hơi như thế
có làm phiền ai không.
Ngay lúc đó anh cảm thấy bối rối. Anh nhìn thấy một người có tuổi, ngồi ở hàng ghế đầu tiên trước
anh, vừa càu nhàu vừa lấy găng tay cẩn thận lau cổ và cái đầu hói. Vị có tuổi này, Tcherviakov
nhận ra là Brizjalov, quan chức cao cấp ở Tổng cục đường sắt, hàng ngũ cấp tướng.
“Mình đã làm bắn nước bọt vào ông ấy rồi”, Tcherviakov tự nhủ. “Không phải thủ trưởng của
mình, ông ấy ở đơn vị khác nhưng dù sao cũng rầy rà lắm. Phải xin lỗi mới được.”
Tcherviakov đằng hắng, hơi cúi người ra trước và thì thào vào tai vị tướng:
- Thưa Ngài, ngài thứ lỗi cho, tôi trót làm bắn nước bọt vào ngài, tôi không cố ý.
- Không hề gì, không hề gì!
- Xin ngài tha lỗi cho! Tôi... tôi không muốn thế đâu ạ!
- Thôi được rồi! Yên cho tôi nghe chứ!
Tcherviakov bối rối, mỉm cười ngây ngô và ngồi xem tiếp. Anh vẫn xem nhưng không còn cảm thấy
khoan khoái, lòng cứ thấy lo âu. Đến giờ giải lao, anh mon men tới gần chỗ Brizjalov, loanh quanh
một lúc rồi đánh bạo lắp bắp nói:
- Thưa ngài, tôi lỡ hắt hơi vào ngài. Xin ngài tha lỗi cho...Chẳng phải là...
- Ôi! Đủ rồi! Tôi đã quên chuyện đó mà anh cứ lãi nhãi nhắc lại mãi, viên tướng bực dọc nói, môi
dưới trề ra.
Ông nói đã quên, mà trong mắt ông lộ rõ vẻ cáu kỉnh, Tcherviakov nghĩ, và nhìn viên tướng tỏ vẻ
nghi ngại. Ông cũng chẳng muốn nói chuyện. Cần phải giải thích cho ông ấy hiểu là mình chẳng cố
ý, chỉ là quy luật tự nhiên thôi, không thì ông ấy nghĩ là mình muốn nhổ nước bọt vào ông ấy... Nếu
bây giờ ông ấy không nghĩ thế, thì sau này ông có thể nghĩ...
Về đến nhà, Tcherviakov kể cho vợ nghe chuyện bất nhã vô tình của mình. Ông thấy vợ chẳng quan
tâm lắm chuyện đó. Bà hơi lo ngại nhưng khi biết viên tướng ở cơ quan khác thì yên tâm trở lại.
- Dù sao ông cũng nên đến xin lỗi ông ấy, bà bảo ông. Không thì ông ấy nghĩ là ông không biết cư
xử đúng mực nơi công cộng.
- Chính là thế... Tôi đã xin lỗi nhưng thái độ ông ấy lạ lắm. Ông không nói một lời nào phải lẽ. Mà
cũng đâu có thời gian để nói chuyện.
Ngày hôm sau, Tcherviakov mặc bộ lễ phục mới, hớt tóc tử tế rồi đi đến chỗ Brizjalov để thanh
minh. Bước vào phòng khách, anh thấy có nhiều người ở đó và, ngồi giữa những người xin gặp,
viên tướng bắt đầu nghe những lời thỉnh cầu. Sau khi hỏi vài người, Brizjalov đưa mắt nhìn
Tcherviakov.
- “Ngày hôm qua, tại rạp Arcadie, nếu ngài còn nhớ”, anh viên chức bắt đầu lên tiếng, kiểu như
đang đọc báo cáo, “tôi đã vô ý hắt hơi vào ngài. Xin ngài tha...”
- Thật vớ vẩn... Thiệt tình..., viên tướng nói...Anh muốn gì nào? Ông hỏi sang người khác.
Ông chẳng muốn nói với mình! Tcherviakov tự nhủ, mặt tái xanh. Như vậy là ông đang giận.
Không, không thể để xảy ra như thế! Mình phải giải thích rõ!
Khi viên tướng xong việc với người cuối cùng và định quay vào bên trong, Tcherviakov tiến bước
về phía ông và lắp bắp nói:
- Thưa ngài, sở dĩ tôi xin quấy rầy ngài, chính xác chỉ vì tôi hối hận lắm ạ. Tôi chẳng cố ý làm như
thế đâu ạ. Chắc ngài cũng đã rõ.
Viên tướng cau mặt, khoát tay.
- Này anh kia, anh muốn giễu cợt tôi đấy hả? Viên tướng nói, và đi khuất vào sau cánh cửa.
- Sao lại có chuyện giễu cợt ở đây? Tcherviakov nghĩ. Không có đùa cợt gì cả. Ông là tướng và
không chịu hiểu. Đã thế thì mình không đến gặp người cao ngạo này để xin lỗi nữa. Quỷ tha ma bắt
ông ấy! Mình sẽ viết thư, nhưng sẽ không đến. Chắc chắn vậy, mình sẽ không đến gặp! Tcherviakov
nghĩ như vậy trên đường đi về nhà, nhưng rồi anh không viết thư cho ông tướng. Anh nghĩ mãi,
nghĩ hoài mà vẫn không biết phải viết cái gì, thế là sáng hôm sau anh vẫn phải đến đích thân xin
lỗi.
- Hôm qua tôi đã đến làm phiền ngài, anh ấp úng nói khi ông tướng nhìn anh dò hỏi, không phải để
giễu cợt, như ngài nói. Tôi xin lỗi vì đã hắt hơi làm bắn nước bọt vào ngài. Tôi không nghĩ đến
chuyện giễu cợt. Sao tôi dám làm thế được? Nếu cười cợt là tỏ ra thiếu tôn trọng với những bậc bề
trên!
- Cút đi! viên tướng bỗng quát to, mặt tái xanh, người run lên.
- Làm sao ạ, thưa ngài? Tcherviakov thì thào, khiếp sợ.
- Cút xéo đi! viên tướng giậm chân lặp lại.
Trong bụng của Tcherviakov như có cái gì vừa bung ra. Không thấy gì, không nghe gì, anh thụt lùi
ra phía cửa và chậm rãi lê gót về nhà. Về đến nhà, chẳng buồn cởi bộ lễ phục, người viên chức
nằm ngả mình trên ghế dài ... và tắt thở.
Câu 5. (0.25 điểm). Câu văn nào nêu đúng đề tài của tác phẩm?
A. Số phận của những người nhỏ bé.
B. Cái chết của những con người nhỏ bé.
C. Quan hệ của những người nhỏ bé trong xã hội.
D. Sức mạnh của quyền lực.
Câu 6. (0.25 điểm). Trong những câu sau đây đâu là lời của người kể chuyện?
A. Thưa Ngài, ngài thứ lỗi cho, tôi trót làm bắn nước bọt vào ngài, tôi không cố ý.
B. Bỗng dưng... Trong các truyện thường hay thấy “bỗng dưng”.
C. Này anh kia, anh muốn giễu cợt tôi đấy hả?
D. Không có đáp án nào đúng.
Câu 7. (0.25 điểm). Qua ý nghĩ của gã viên chức Không phải thủ trưởng của mình, ông ấy ở đơn vị
khác nhưng dù sao cũng rầy rà lắm. Phải xin lỗi mới được. cho thấy hắn là người như thế nào?
A. Cẩn thận.
B. Lịch sự.
C. Hèn nhát.
D. Bất nhã.
Câu 8. (0.25 điểm). Lý do chính gây nên cái chết của nhân vật viên chức là gì?
A. Cái hắt xì hơi.
B. Sự trừng phạt của viên tướng.
C. Nỗi lo sợ trong chính con người hắn.
D. Sự bất nhã của bản thân.
1.2 Viết đoạn văn (3.0 điểm).
Câu 5 (1.0 điểm). Nhận xét về tình cảm của nhà thơ với mảnh đất và con người thôn Vĩ qua bài
thơ. Chỉ ra những từ ngữ thể hiện được tình cảm ấy.
Câu 6 (1.0 điểm). Tác dụng của việc sử dụng đại từ ai trong bài thơ?
Câu 7 (1.0 điểm). Suy nghĩ của em về tính cách nhân vật viên chức trong truyện ngắn Cái chết của
một viên chức. Chỉ ra 2 minh chứng cho ý kiến của mình.
2. VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN (5.0 điểm). HS có thể chọn một trong hai đề sau:
Đề 1. Viết bài văn nghị luận về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
Đề 2. Viết bài văn nghị luận đánh giá về truyện ngắn Cái chết của một viên chức (Sê-khốp).

----------------- HẾT ----------------

Hà Nội, ngày ……. tháng 11 năm 2023


Phê duyệt của Tổ trưởng chuyên môn

You might also like