You are on page 1of 5

1.

Bối cảnh thế giới khi xảy ra xung đột

Chiến sự giữa Nga và Ukraine năm 2022 có quy mô lớn hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2014 và được
xem là cuộc xung đột lớn nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, xuất phát từ một số lý do: Một là, cục
diện chung trên thế giới đã thay đổi, với việc Mỹ theo đuổi các chính sách “Nước Mỹ trên hết”, “Nước
Mỹ trở lại”; Trung Quốc thực hiện chiến lược “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”, trong khi Nga hiện
chưa có một chiến lược mang tính toàn cầu. Hai là, trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, nước Nga dưới sự
lãnh đạo của Tổng thống Nga V. Putin đã triển khai thành công, có hiệu quả nhiều chính sách cả về đối
nội và đối ngoại, qua đó ổn định được hệ thống chính trị nội bộ, củng cố vị thế, mở rộng ảnh hưởng quốc
tế và gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; tuy nhiên, hiện nay, trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung Quốc
- Nga, sự phục hồi ảnh hưởng của Nga vẫn chưa thể làm thay đổi cục diện chính trị thế giới. Ba là, đây là
thời khắc hết sức quan trọng, được xem là một trong những thử thách đối với Tổng thống Nga V. Putin,
khi chỉ còn chưa đầy hai năm là tới cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2024, để tiếp tục từng bước khôi
phục vị thế đất nước, giành lại vị trí quan trọng trên vũ đài quốc tế, chuyển từ cường quốc khu vực hướng
đến tầm cỡ cường quốc toàn cầu.

2. Nguyên nhân sâu xa


2.1 Vị trí chiến lược của Ukraine
2.1.1 Lời nguyền địa lý Nga
Ukraine có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với an ninh Nga.
Quân cảng Sevastopol và ước mơ siêu cường của Nga.
2.1.2 Lịch sử quan hệ Nga-Ukraine
Quãng đường 30 năm có thể chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài một thập niên với những sự kiện
bước ngoặt riêng. Đài DW của Đức tóm tắt như sau:
Năm 1992 - 2003: Ukraine tách ra
Tháng 12-1991, các nhà lãnh đạo của Ukraine cùng với Nga và Belarus chốt thỏa thuận Belovezhskiy về
việc thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), đánh dấu sự tan rã của Liên Xô. Matxcơva hy
vọng duy trì ảnh hưởng thông qua SNG và khả năng cung cấp khí đốt giá rẻ.
Sau đó Nga và Belarus thành lập nhà nước liên minh, nhưng Ukraine ngày càng "trôi dạt" về phía phương
Tây.
Điện Kremlin không hài lòng, nhưng Ukraine khi đó thừa hưởng từ Liên Xô đội quân gần nửa triệu người
và kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới. Kiev đồng ý giao hết tên lửa cho Nga để đổi lại đảm bảo an
ninh (Bản ghi nhớ Budapest) và hỗ trợ kinh tế.
Mặt khác, phương Tây chưa có ý định thu nạp Ukraine về phe mình nên phản ứng của Matxcơva nhìn
chung còn kiềm chế.
Thập niên đầu tiên sau khi Liên Xô tan rã, kinh tế Nga còn yếu ớt, trong khi cuộc xung đột Chechnya
khiến ngân khố cạn kiệt. Năm 1997, Nga ký "Hiệp ước lớn" chia tách hạm đội Biển Đen và công nhận
biên giới Ukraine, trong đó bao gồm bán đảo Crimea.
Năm 2003 - 2013: Tình bạn rạn nứt
Khủng hoảng ngoại giao đầu tiên giữa Matxcơva và Kiev xảy ra dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.
Mùa thu 2003, Nga bất ngờ xây dựng một con đập ở eo biển Kerch hướng tới đảo Tuzla của Ukraine.
Kiev xem đây là hành động phân chia biên giới.
Căng thẳng được tháo ngòi sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Việc xây dựng đập dừng lại, nhưng tình
bạn đã xuất hiện vết rạn nứt đầu tiên.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine năm 2004, Nga ủng hộ ứng viên thân Kremlin là ông Viktor
Yanukovich, nhưng nổ ra cuộc "Cách mạng cam" khiến ông này không được công nhận chiến thắng.
Chính trị gia thân phương Tây Viktor Yushenko trở thành tổng thống Ukraine. Chiến thắng của ông đánh
dấu bước ngoặt thay đổi trong chính sách của Nga nhằm ngăn chặn các cuộc cách mạng màu mà
Matxcơva cáo buộc do phương Tây giật dây.
Dưới thời ông Yushenko, Nga hai lần đóng van dẫn khí đốt qua Ukraine (năm 2006 và 2009) khiến châu
Âu "lãnh đủ".
Sự kiện chính dẫn đến tình hình ngày nay xảy ra vào năm 2008. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO
ở Bucharest, Tổng thống Mỹ George Bush cố gắng để Ukraine và Gruzia nhận được kế hoạch hành động
chuẩn bị trở thành thành viên của liên minh.
Ông Putin phản đối gay gắt. Matxcơva tuyên bố không công nhận nền độc lập hoàn toàn của Ukraine. Kết
quả là Đức và Pháp chặn kế hoạch của ông Bush. Hai nước Ukraine và Gruzia được hứa hẹn chỗ trong
NATO nhưng chưa biết khi nào.
Đi đường quân sự không xong, Ukraine quay sang lộ trình hội nhập kinh tế thông qua một hiệp định liên
kết với Liên minh châu Âu (EU). Mùa hè năm 2013, vài tháng trước ngày Kiev có khả năng ký kết văn
kiện, Nga tung đòn kinh tế, gần như chặn biên giới không cho hàng hóa Ukraine xuất khẩu.
Đến mùa thu, chính quyền Tổng thống Yanukovich (lên nắm quyền năm 2010) tuyên bố ngừng việc ký
hiệp ước với Brussels do áp lực từ Nga. Quyết định này gây ra làn sóng biểu tình lớn ở Ukraine khiến ông
Yanukovich phải bỏ chạy sang Nga tị nạn tháng 2-2014.
Năm 2014 - 2021: Sáp nhập Crimea và chiến sự ở Donbass
Nhân lúc ở Kiev trống ghế quyền lực, tháng 3-2014 Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Cùng lúc này, quân
đội Nga hậu thuẫn các lực lượng ly khai ở Donbass, miền đông Ukraine, dẫn đến sự thành lập của hai
"nước cộng hòa nhân dân tự xưng" Donetsk và Lugansk.
Kiev phản ứng rất chậm, chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống vào cuối tháng 5, rồi mới quyết định mở
chiến dịch quân sự lớn lấy lại lãnh thổ đã mất kiểm soát.
Đến cuối tháng 8, Kiev cáo buộc Nga tung quân đội quy mô lớn đến Donbass (Nga phủ nhận). Đỉnh điểm
là các lực lượng Ukraine chịu thất bại ở Ilovaisk. Chiến sự chỉ kết thúc vào tháng 9 với việc các bên ký
kết Thỏa thuận Minsk, nhưng lệnh ngừng bắn liên tục bị vi phạm.
Đầu năm 2015, phe ly khai mở cuộc tấn công lớn, Kiev cáo buộc Nga triển khai quân đội không sắc phục
trên lãnh thổ Ukraine. Sau vài thất bại quân sự của Kiev, Đức và Pháp làm trung gian cho các bên ký
Thỏa thuận Minsk-2.
Năm 2021, Nga hai lần điều quân đến sát biên giới Ukraine vào mùa xuân và cuối mùa thu. Tháng 12,
Tổng thống Putin lần đầu tiên ra tối hậu thư yêu cầu Mỹ và NATO không được kết nạp Ukraine và các
nước Liên Xô cũ vào liên minh, và không được hỗ trợ quân sự. NATO từ chối.
Năm 2022: Nga công bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở đông Ukraine
Ngày 21-2-2022, Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập của hai nước cộng hòa ly khai ở miền
đông Ukraine. Các văn bản pháp lý nhanh chóng được Quốc hội Nga thông qua.
Đáng chú ý, ông Putin tuyên bố công nhận lãnh thổ của "Cộng hòa nhân dân Donetsk" và "Cộng hòa nhân
dân Lugansk" bao gồm cả tỉnh Donetsk và Lugansk của Ukraine, vốn rộng lớn hơn nhiều so với khu vực
hiện do quân ly khai kiểm soát.
Sáng sớm 24-2, nhà lãnh đạo Nga công bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" với mục đích "bảo vệ người dân
tại Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk"
2.2 Ukraine trong vòng xoáy bành trướng ảnh hưởng của Nga và Mỹ cùng đồng minh
NATO
Ukraine là quốc gia lớn nhất, có ảnh hưởng thứ hai sau Nga trong số các quốc gia trong không gian hậu
Xô-viết. Sau khi Liên bang Xô-viết tan rã, các nước trong không gian Xô-viết cũ chia làm hai khuynh
hướng: 1- Nhóm chủ trương “đoạn tuyệt” với Nga và dựa hẳn vào Mỹ và phương Tây, bao gồm ba nước
Cộng hòa Baltic, Gruzia và gần đây là Ukraine; 2-Nhóm chủ trương giữ quan hệ cân bằng và có xu hướng
thân Nga, bao gồm Belarus, năm nước Cộng hòa Trung Á, hai nước khu vực Bắc Kavkaz là Armenia và
Azerbaijan.
Trước đây, Mỹ và phương Tây đã tìm cách đưa Gruzia, tiếp đó là Ukraine gia nhập NATO nhưng chưa
thực hiện được do Nga phản ứng quyết liệt. Với Ukraine, gần đây nhất là việc Nga đã sáp nhập Crimea
vào Nga (năm 2014) - nơi có quân cảng chiến lược Sevastopol, ủng hộ các lực lượng thân Nga thành lập
hai nước cộng hòa ly khai ở khu vực đông dân nói tiếng Nga thuộc phía Đông Ukraine là Lugansk và
Donetsk. Hiện nay, Ukraine, Mỹ và phương Tây cho rằng, sức mạnh tổng hợp quốc gia của Nga đã suy
giảm tương đối và đây là điều kiện thuận lợi để mở đường cho Ukraine gia nhập NATO. Không những
vậy, việc “phương Tây hóa Ukraine” còn được cho là có tác dụng giúp thúc đẩy “cách mạng màu” xảy ra
bên trong chính nước Nga.
Chính vì vậy, nếu Ukraine gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU) thành công sẽ dẫn đến một làn
sóng “ly khai” mới, tách khỏi ảnh hưởng của Nga từ các quốc gia còn lại trong không gian hậu Xô-viết.
Và nếu điều này xảy ra, có thể sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lợi ích an ninh, kinh tế và vị thế của Nga,
thậm chí khiến Nga tan rã hoặc sụp đổ từ bên trong.

3. Nguyên nhân trực tiếp

Thứ nhất, cuộc xung đột giữa chính quyền Ukraine và lực lượng ly khai Donbass (bao gồm DPR và LPR)
do Nga hậu thuẫn gia tăng, nhất là sau tháng 10-2021, khiến tiến trình đàm phán hòa bình theo Thỏa
thuận Minsk 2 - giải pháp duy nhất đối với cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine - khó đạt được kết
quả. Thứ hai, Mỹ và NATO không chỉ chuyển giao vũ khí cho Ukraine, nhất là sau giai đoạn Mỹ rút quân
khỏi Afghanistan (tháng 9-2021), khi Mỹ và đồng minh còn dư nhiều vũ khí, đạn dược (được dự kiến
chuyển giao cho chính quyền thân Mỹ ở Afghanistan), mà còn triển khai tên lửa tầm trung và lực lượng
quân sự trên lãnh thổ NATO - Đông Âu hướng tới Nga. Thứ ba, đáp lại những động thái đó, Nga đã triển
khai trên 100.000 quân dọc biên giới trên bộ giáp với Ukraine, khu vực bán đảo Crimea, đồng thời tập
trung quân đội ở nước láng giềng Ukraine là Belarus với danh nghĩa tập trận chung, cũng như phái 6 tàu
chiến hiện đại tiến vào Biển Đen. Thứ tư, Mỹ và đồng minh NATO không đáp ứng bản đề nghị an ninh
gồm 8 điểm của Nga gửi tới Mỹ và NATO vào giữa tháng 12-2021, với bốn nội dung cốt lõi: 1- NATO
không kết nạp Ukraine và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG); 2- Loại bỏ vũ khí hạt
nhân của Mỹ ra khỏi châu Âu; 3- NATO rút toàn bộ quân đội hoặc vũ khí được triển khai tới các quốc gia
tham gia liên minh về thời điểm trước năm 1997, bao gồm các nước như Ba Lan, Estonia, Lithuania,
Latvia; 4- Không tiến hành tập trận tại các nước gần lãnh thổ của Nga.

Những điều này được cho là đã đẩy căng thẳng giữa Nga và Mỹ cùng đồng minh NATO lên đỉnh
điểm thành cuộc xung đột quân sự mà chiến trường là Ukraine.

30 năm dẫn đến xung đột Nga - Ukraine - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)

Mối quan hệ Nga - Ukraine: Căng thẳng leo thang sau các toan tính của Mỹ và phương Tây? - Media
story - Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn)

Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng - Tạp chí Cộng sản
(tapchicongsan.org.vn)
The Ukraine Crisis: What to Know About Why Russia Attacked - The New York Times (nytimes.com)

You might also like