You are on page 1of 22

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THƯƠNG MẠI

KHOA MARKETING

BÀI THẢO LUẬN

Đề tài:
Trình bày về mô hình nhượng quyền thương hiệu của thương hiệu trà sữa
Mixue và đề xuất phương án khai thác

Lớp học phần: Quản lý tài sản trí tuệ


Nhóm: 02

Hà nội, Tháng 10/2023


MỤC LỤC

LỜI MỞ ĐẦU................................................................................................................................1
CHƯƠNG 1. KHÁI QUÁT VỀ THƯƠNG HIỆU TRÀ SỮA MIXUE........................................2
1.1. Giới thiệu về thương hiệu trà sữa Mixue................................................................................2
1.2. Các tài sản trí tuệ của Mixue..................................................................................................2
1.3. Hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ của thương hiệu Mixue.....................................................3
CHƯƠNG 2. MÔ HÌNH NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU CỦA MIXUE..........................5
2.1. Lý thuyết về nhượng quyền....................................................................................................5
2.1.1. Khái niệm nhượng quyền.................................................................................................5
2.1.2. Điều kiện để thương hiệu có thể tiến hành nhượng quyền...............................................5
2.1.3. Một số mô hình nhượng quyền.........................................................................................5
2.2. Khái quát về hoạt động nhượng quyền của Mixue.................................................................6
2.2.1. Thời gian bắt đầu nhượng quyền.....................................................................................6
2.2.2. Mục đích nhượng quyền của Mixue.................................................................................6
2.2.3. Số lượng cửa hàng nhượng quyền hiện tại......................................................................6
2.2.4. Các chính sách nhượng quyền của Mixue.......................................................................7
2.3. Mô hình nhượng quyền của Mixue.........................................................................................7
2.3.1. Mô hình nhượng quyền của Mixue...................................................................................7
2.3.2. Đặc điểm của mô hình......................................................................................................7
2.3.3. Quy trình nhượng quyền..................................................................................................8
2.3.4. Yêu cầu đối với các bên nhận nhượng quyền...................................................................9
2.3.5. Chi phí nhượng quyền....................................................................................................10
2.3.6. Chính sách áp dụng cho hệ thống nhượng quyền..........................................................10
2.4. Đánh giá mô hình nhượng quyền của Mixue........................................................................11
2.4.1. Thành công.....................................................................................................................11
2.4.2. Hạn chế..........................................................................................................................12
CHƯƠNG 3. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC MÔ HÌNH NHƯỢNG
QUYỀN.......................................................................................................................................15
3.1. Đối với bên nhượng quyền....................................................................................................15
3.2. Đối với bên nhận quyền........................................................................................................16
KẾT LUẬN..................................................................................................................................18
LỜI MỞ ĐẦU
Trong thế giới ngày nay, thương hiệu không chỉ là một hình ảnh mà còn là một
nguyên tắc, một triết lý kinh doanh và quan trọng hơn cả, là một cam kết đối với khách
hàng. Trong vũ trụ đa dạng của thương hiệu, có một số ít những tên tuổi mà khi được
nhắc đến, chúng ta liên tục nghĩ đến chất lượng, uy tín và sự sáng tạo. Trong số những
tên tuổi ấy, Mixue nổi lên như một hiện tượng trong thế giới trà sữa với mô hình nhượng
quyền thương hiệu độc đáo và sáng tạo.
Mixue được biết đến là một trong những chuỗi cửa hàng trà sữa hàng đầu tại Việt
Nam, không chỉ đơn thuần là một thương hiệu, mà còn là sự thân thuộc và một trải
nghiệm tinh tế. Mỗi chi nhánh Mixue không chỉ đẹp về kiến trúc, mà còn chứa đựng câu
chuyện đậm chất riêng biệt. Một trong những điểm độc đáo của Mixue chính là mô hình
nhượng quyền thương hiệu mà họ triển khai.
Thay vì chỉ tập trung vào việc mở rộng chuỗi cửa hàng tự do, Mixue chọn con
đường chia sẻ kiến thức và cơ hội kinh doanh với những người đam mê và sáng tạo. Họ
cung cấp cho những người muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực trà sữa không chỉ những
sản phẩm chất lượng mà còn là hệ thống hỗ trợ, đào tạo và quản lý chuyên nghiệp.
Song, bên cạnh sự thành công rực rỡ mà mô hình nhượng quyền này mang lại, vẫn còn
một điểm hạn chế tồn tại trong mô hình này. Chính vì vậy, nhóm 02 đã quyết định lựa
chọn đề tài “Trình bày về mô hình nhượng quyền thương hiệu của thương hiệu trà
sữa Mixue và đề xuất giải pháp phương án khai thác”.

1
CHƯƠNG 1. KHÁI QUÁT VỀ THƯƠNG HIỆU TRÀ SỮA MIXUE
1.1. Giới thiệu về thương hiệu trà sữa Mixue
Tên thương hiệu
Mixue là một thương hiệu nổi tiếng có tên đầy đủ là Mixue Bingcheng, được
thành lập từ năm 1997 bởi Zhang Hongchao, là chuỗi cửa hàng kinh doanh các sản
phẩm về kem tươi và đồ uống từ trà.
Mixue bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2018. Tháng 9/2018,
cửa hàng nhượng quyền Mixue đầu tiên đã có mặt tại Hà Nội. Nó đã nhanh chóng tạo ra
cơn sốt lớn. Mixue đang phát triển một cách rầm rộ, với số lượng cửa hàng chuyển
nhượng ngày càng lớn, và rộng khắp các tỉnh thành trên địa bàn cả nước. Hiện nay ở Hà
nội đang có hơn 100 cửa hàng chuyển nhượng quyền Mixue.

Nguồn: Fanpage MIXUE


Tầm nhìn
Mixue có tầm nhìn “Concise and dedicated, we strive to be a respectable business
thriving over 100 years - Ngắn gọn và tận tâm, chúng tôi cố gắng trở thành một doanh
nghiệp đáng kính phát triển hơn 100 năm”.
Tầm nhìn này thể hiện cam kết của họ trong hoạt động kinh doanh và sự tập
trung vào việc duy trì và phát triển lâu dài, nhấn mạnh sự tận tâm và mục tiêu của họ
trong việc xây dựng một thương hiệu có uy tín và đáng kính trong suốt một thế kỷ.
Sứ mệnh
Mixue hoạt động với sứ mệnh “Mang đến những sản phẩm chất lượng cao và giá
cả phải chăng cho tất cả mọi người trên thế giới”.
Với sứ mệnh đó, Mixue đặt mục tiêu mở 30.000 chi nhánh nhượng quyền trong
tương lai. Để có thể làm được điều đó, mục tiêu trước mắt của thương hiệu này đó là:
 Biến Mixue trở thành “Thương hiệu trà sữa quốc dân”.

2
 Mở rộng Brand Awareness nhằm gia tăng giá trị nhượng quyền thương hiệu.
 Kích cầu người tiêu dùng sử dụng, mua sản phẩm
Giá trị cốt lõi
Mixue hướng đến “Providing authentic products with genuineness and devotion.
No shortcuts. No deceiving - Cung cấp các sản phẩm đích thực với sự chân thành và tận
tâm. Không có đường tắt. Không lừa dối”.
Giá trị cốt lõi của Mixue rất rõ ràng và tập trung vào cung cấp các sản phẩm chất
lượng và chân thành, với sự tận tâm và không có hành vi lừa dối, thể hiện trách nhiệm
của Mixue trong sản xuất và cung cấp sản phẩm, luôn đặt khách hàng là sự ưu tiên hàng
đầu.
Định vị
Mixue đã nhận ra nhu cầu của người tiêu dùng và “khai phá” thị trường kem tươi
giá rẻ vô cùng tiềm năng. Mixue xác định mình là một đơn vị bán đồng thời kem và trà
sữa, với mức giá có thể nói là rẻ không đối thủ.
Đồng thời định vị của thương hiệu Mixue là cạnh tranh nhiều hơn trên quy mô thị
trường của mình. Họ muốn đạt được vị thế hàng đầu hoặc là một trong những thương
hiệu nổi bật trong kem tươi - trà sữa. Mixue chú trọng vào cung cấp sản phẩm và dịch
vụ chất lượng, phát triển chiến lược tiếp thị và quảng cáo mạnh mẽ, cũng như tập trung
vào sự nghiên cứu và phát triển để duy trì sự cạnh tranh trong ngành.
1.2. Các tài sản trí tuệ của Mixue
Sản phẩm của Mixue gồm ba nhóm chính: kem, trà sữa và trà trái cây. Bằng cách
kết hợp khéo léo, menu của Mixue đa dạng, phong phú, lên tới hơn 30 món.
Kem của Mixue được khách hàng rất ưa chuộng, chỉ với mức giá 10.000 nghìn đã
có thể thưởng thức một cây kem “siêu to khổng lồ” mềm mịn, thơm béo. Mặc dù có giá
thành rẻ, nhưng các nguyên liệu của kem Mixue đều đạt chuẩn chất lượng và mang
hương vị đặc trưng. Tuy đơn giản nhưng lại rất hợp khẩu vị của số đông người thưởng
thức. Ngoài hương vị truyền thống, kem Mixue cũng có nhiều các hương vị khác như
dâu tây, xoài, socola,…
Thương hiệu Mixue có tên đầy đủ mà Mixue Bingchang nghĩa là “Lâu đài băng
xây bằng tuyết ngọt ngào”, thể thể hiện sự tinh tế và thú vị trong sản phẩm. Mixue rất
đầu tư vào bao bì sản phẩm, với thiết kế đầy thẩm mỹ, bắt mắt và nổi bật nhận diện
thương hiệu.
Tất cả các biển hiệu của cửa hàng đều thống nhất hiển thị tông màu đỏ bắt mắt,
cùng dòng chữ “Mixue since 1997 tea & ice cream” giống hệt nhau; phía ngoài các cửa
hàng cũng sẽ thường trang trí một cây kem khổng lồ mô phỏng cho sản phẩm nổi bật

3
của thương hiệu. Không như những thương hiệu khác, Mixue quảng cáo theo kiểu vui
vẻ và bình dân.
Theo tìm hiểu, với thị trường trong nước Mixue sẽ không thu chiết khấu doanh
thu cửa hàng, toàn bộ số tiền thu được từ việc kinh doanh sẽ hoàn toàn thuộc về chủ sở
hữu. Đó cũng là một điểm cộng cực kỳ lớn của thương hiệu trong mắt nhiều chủ đầu tư.
Chiến lược chung của Mixue tại các nước Châu Á là hướng tới các khu vực bình
dân, nơi các thương hiệu trà sữa cao cấp chưa xuất hiện nhiều hoặc giá thành rất đắt.
Chiến lược này bao gồm việc cung cấp các sản phẩm với giá thành hợp lý và phù hợp
với lựa chọn của khách hàng ở các khu vực bình dân giúp thương hiệu thu hút sự quan
tâm của khách hàng và cạnh tranh với các thương hiệu trà sữa cao cấp. Mixue tập trung
vào các yếu tố như giá trị, chất lượng, tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng và
xây dựng lòng tin của khách hàng trong thời gian dài.
Xuyên suốt chiến lược marketing, Mixue tập trung đẩy mạnh Character
Marketing (chiến lược linh vật) - tên là Snow King, một người tuyết mặc áo choàng đỏ
và cầm trượng dễ thương, gắn với những câu chuyện ý nghĩa để tạo sự gắn kết, gần gũi
hơn với khách hàng. Linh vật của Mixue xuất hiện tất cả mọi nơi: trên cửa hàng, biển
hiệu và trên bao bì đồ uống,… Điều này tạo nên sự vui tươi, dễ gần giúp Mixue ghi dấu
ấn trong lòng khách hàng. Trong chiến lược marketing của Mixue, hình ảnh linh vật đã
được xây dựng và sử dụng rất thành công.
1.3. Hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ của thương hiệu Mixue
Công ty TNHH Mixue Bingcheng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với nhãn hiệu
“Mixue” tại Việt Nam và vẫn đang trong thời hạn được bảo hộ.
Theo tra cứu, Mixue đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, trong đó 3 mẫu nhãn đã được
cấp văn bằng, còn lại đang trong quá trình giải quyết.

Nguồn: Tra cứu tại trang ipvietnam.gov.vn

4
Mixue đã đăng ký bảo hộ 4 nhóm sản phẩm/dịch vụ:
- 35: Quảng cáo; quản lý thương mại việc li-xăng sản phẩm và dịch vụ của người khác;
điều hành kinh doanh cho khách sạn; dịch vụ đẩy mạnh bán hàng cho người khác; hệ
thống hoá thông tin vào cơ sở dữ liệu máy tính; dịch vụ bán lẻ chế phẩm dược phẩm, vệ
sinh, thú y và vật tư y tế.
- 29: Thịt; trái cây, đóng hộp; mứt nhão; đồ uống làm từ sữa, sữa là chủ yếu; nước quả
nấu đông; quả hạch đã chế biến.
- 30: Cà phê; đồ uống trên cơ sở trà; trà; nước mật cho thực phẩm; bột nhồi; kem lạnh.
- 32: Nước ép trái cây; đồ uống không cồn; nước chanh; bia; chế phẩm không cồn để
làm đồ uống; xi rô dùng cho đồ uống.

5
CHƯƠNG 2. MÔ HÌNH NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU CỦA MIXUE
2.1. Lý thuyết về nhượng quyền
2.1.1. Khái niệm nhượng quyền
Theo Hiệp hội NQTM quốc tế (IFA): “Nhượng quyền là mối quan hệ ổn định và
liên tục, trong đó bên nhận quyền nhận được một đặc quyền thương mại được cấp phép
bởi bên nhượng quyền để tiến hành hoạt động kinh doanh dưới cùng một thương hiệu
với bên nhượng quyền đồng thời với việc nhận được sự hỗ trợ của bên này. Đổi lại, bên
nhận quyền trả một khoản phí được xem như là một sự trao đổi ngang giá với đặc quyền
được hưởng từ bên nhượng quyền”.
2.1.2. Điều kiện để thương hiệu có thể tiến hành nhượng quyền
Điều kiện với bên nhượng quyền
Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi đáp ứng đủ các điều kiện sau
đây:
- Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01
năm.
- Trường hợp thương nhân Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền
nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền
ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại.
- Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại
Điều 18 của Nghị định 35/2006/NĐ-CP.
- Hàng hóa dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không vi phạm
quy định tại Điều 7 của Nghị định 35/2006/NĐ-CP.
Điều kiện với bên nhận quyền
Thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh
ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.
2.1.3. Một số mô hình nhượng quyền
Hiện nay có một số phân loại các mô hình nhượng quyền phổ biến theo các tiêu
chí sau:
Theo tiêu chí lãnh thổ
- Nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam: Là nhượng quyền mà bên nhượng quyền
là cá nhân/pháp nhân nước ngoài, thực hiện nhượng quyền vào Việt Nam
- Nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài: Là nhượng quyền mà bên nhượng quyền là
cá nhân/pháp nhân Việt Nam, thực hiện nhượng quyền ra nước ngoài
- Nhượng quyền trong nước: Là nhượng quyền mà cả bên nhượng quyền và bên nhận
quyền đều ở Việt Nam, thực hiện nhượng quyền ở Việt Nam.
Theo tiêu chí hoạt động kinh doanh

6
- Nhượng quyền phân phối sản phẩm: Bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền
phân phối (bán buôn, bán lẻ) các sản phẩm, dịch vụ do mình sản xuất, cung ứng trong
phạm vi khu vực và thời gian nhất định, sử dụng nhãn hiệu, biểu tượng, logo, slogan...
trong các hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm, dịch vụ.
- Nhượng quyền sử dụng công thức kinh doanh: Bên nhượng quyền không chỉ cho phép
bên nhận nhượng quyền thương mại được phép phân phối các sản phẩm dưới dạng
thương hiệu của họ mà còn được chuyển giao kỹ thuật kinh doanh, công thức điều hành
quản lý doanh nghiệp và hỗ trợ cho các nhân viên của bên nhận nhượng quyền các yêu
cầu, kĩ năng cơ bản.
Theo tính chất của hợp đồng nhượng quyền
- Nhượng quyền sơ cấp: Là nhượng quyền thương mại lần đầu, bên nhượng quyền là
CSH của hệ thống nhượng quyền.
- Nhượng quyền thứ cấp: Bên nhận quyền có quyền cấp lại quyền thương mại mà mình
đã nhận từ bên nhượng quyền ban đầu cho bên thứ ba (bên nhận quyền thứ cấp).
2.2. Khái quát về hoạt động nhượng quyền của Mixue
2.2.1. Thời gian bắt đầu nhượng quyền
Mixue là một thương hiệu nổi tiếng có tên đầy đủ là Mixue Bingcheng, được
thành lập từ năm 1997 bởi Zhang Hongchao, là chuỗi cửa hàng kinh doanh các sản
phầm về kem tươi và đồ uống từ trà. Bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm
2018. Cũng trong tháng 9/2018, cửa hàng nhượng quyền Mixue đầu tiên đã có mặt tại
Hà Nội và đã nhanh chóng tạo ra cơn sốt lớn. Hiện nay hầu hết các thành phố lớn đều
không xa lạ gì với Mixue.
2.2.2. Mục đích nhượng quyền của Mixue
Là một thương hiệu đã có danh tiếng nhất định tại thị trường đông dân Trung
Quốc, khi gia nhập vào thị trường Việt Nam với mục đích nhượng quyền, Mixue hướng
đến các mục đích chính, cụ thể như sau:
- Mở rộng kinh doanh, phát triển thị trường
- Tận dụng nguồn vốn, nhân lực, kinh nghiệm, hiểu biết thị trường của đối tác (bên nhận
quyền)
- Phát triển thương hiệu rộng rãi, gia tăng doanh số, lợi nhuận
2.2.3. Số lượng cửa hàng nhượng quyền hiện tại
Tính đến tháng 4 năm 2023, Mixue đã có 1000 cửa hàng tại thị trường Việt Nam.
Chỉ chưa đầy 5 năm gia nhập thị trường, thông qua chiến lược kinh doanh nhượng
quyền thương hiệu, Mixue đã đạt được quy mô cửa hàng mà chưa một chuỗi đồ uống
nào trên thị trường F&B Việt Nam có thể theo kịp.

7
Với số lượng đạt 1.000 cửa hàng, Mixue cũng chính thức trở thành chuỗi đồ uống
có quy mô lớn nhất Việt Nam, vượt qua các thương hiệu như Highland Coffee (605 cửa
hàng), Phúc Long (114 cửa hàng), The Coffee House (155 cửa hàng) và Trung Nguyên
Legend (77 cửa hàng), tính đến hiện tại.
2.2.4. Các chính sách nhượng quyền của Mixue
Chính sách nhượng quyền của Mixue rất rõ ràng, dễ thực hiện, mang lợi nhiều lợi
ích cho chủ đầu tư nên mô hình nhượng quyền của Mixue đã thu hút số lượng lớn chủ
đầu tư tham gia. Cụ thể chính sách như sau:
- Chi phí nhượng quyền rẻ hơn so với các hệ thống nhượng quyền khác
- Cửa hàng nhượng quyền có thể mở ngay sau nửa tháng
- Thời gian hoàn vốn ngắn: 10 – 16 tháng
- Không cần chia sẻ lợi nhuận, chủ sở hữu hoàn toàn hưởng lợi và chịu trách nhiệm với
doanh thu cửa hàng
- Được tiếp nhận văn hóa doanh nghiệp, triết lý kinh doanh và đảm bảo tuân thủ các quy
tắc kinh doanh
- Người đầu tư được tham gia hoạt động của cửa hàng 90 giờ/tháng và tham gia các lớp
học quản lý của Mixue
2.3. Mô hình nhượng quyền của Mixue
2.3.1. Mô hình nhượng quyền của Mixue
Hiện tại mô hình nhượng quyền của Mixue là nhượng quyền từ nước ngoài vào
Việt Nam khi xét trên tiêu chí lãnh thổ và là nhượng quyền sử dụng công thức kinh
doanh khi xét trên tiêu chí hoạt động kinh doanh
Theo đó, Mixue bản thân là một thương hiệu trà sữa tại Trung Quốc và tiến hành
nhượng quyền vào thị trường Việt Nam. Với mô hình nhượng quyền này, chủ yếu
Mixue sẽ hoạt động theo hình thức bán hàng nhượng quyền, công ty sẽ bán nguyên liệu,
vật liệu và hàng hóa khác cho các cửa hàng nhượng quyền, đồng thời thu các khoản phí:
phí nhượng quyền, phí quản lý, phí đào tạo,… từ các cửa hàng này.
Từ năm 2007, thương hiệu tập trung đẩy mạnh hình thức nhượng quyền. Và kể từ
đó, nhượng quyền mang lại thu nhập chính của công ty mẹ Mixue tại Trung Quốc (96%
doanh thu). Theo thống kê đến ngày 31/03/2022, trong số 21.619 cửa hàng trà, trà sữa
của Mixue có tới 99.8% là cửa hàng nhượng quyền.
2.3.2. Đặc điểm của mô hình
Mixue sử dụng mô hình kinh doanh là B2B để bán các nguyên liệu đóng gói,
nguyên liệu làm kem cho chuỗi cửa hàng nhượng quyền, chiếm gần 90% tổng doanh thu
của Mixue.

8
- Mixue không tham gia vào việc quản lý các cửa hàng nhượng quyền và không chia sẻ
lợi nhuận. Bên nhận nhượng quyền sẽ phải chịu trách nhiệm về lợi nhuận cũng như tổn
thất của chính họ. Điều này giúp công ty chịu ít rủi ro.
- Mixue sẽ cung cấp nguyên liệu, bao bì cho đối tác và tham gia đào tạo. Đặc biệt,
Mixue có nhà máy sản xuất nguyên liệu pha chế riêng, mạng lưới kho hàng rộng và
nguồn trà địa phương đảm bảo nên có thể tối ưu chi phí. Các vấn đề về nguyên liệu,
cách xử lý các vấn đề trong khi vận hành cửa hàng đều được hỗ trợ tối đa. Bên nhận
quyền không cần phải lo tìm kiếm, khảo sát thi công mặt bằng hay những vấn đề liên
quan đến nhượng quyền thương hiệu.
- Thương hiệu cũng sẽ hỗ trợ khách hàng thi công lắp đặt hệ thống làm trà sữa và kem
Mixue.
- Phương thức quảng bá để tăng độ nhận diện thương hiệu: Mixue sẽ hỗ trợ việc quảng
bá thương hiệu, đặc biệt là trong những dịp khuyến mãi. Chẳng hạn: sử dụng Character
Marketing (chiến lược linh vật). Linh vật của Mixue có tên là Snow King, một người
tuyết mặc áo choàng và cầm trượng. Không chỉ tạo sự khác biệt, linh vật có thể dễ dàng
tạo được câu chuyện và gắn kết khách hàng.
2.3.3. Quy trình nhượng quyền
Quy trình kinh doanh nhượng quyền Mixue được tiến hành theo các bước như
sau:
Bước 1: Liên hệ trực tiếp với Mixue về kinh doanh nhượng quyền thương hiệu
Bên nhận quyền có thể gọi điện trực tiếp tới hotline nhượng quyền Mixue 024
6666 2111 hoặc inbox vào các trang mạng xã hội như fanpage Mixue để được tư vấn
thông tin và hỗ trợ tốt nhất. Sau đó hai bên trao đổi và đặt lịch hẹn trực tiếp để đưa ra
những quyền lợi mà hai bên sẽ nhận được khi hợp tác với nhau.
Bước 2: Thực hiện ký kết hợp đồng và thanh toán chi phí nhượng quyền Mixue
Sau khi hai bên đã thống nhất các điều khoản rõ ràng với nhau thì tiến hành ký kết
hợp đồng. Chi phí mà hai bên đàm phán sẽ được in trực tiếp trong hợp đồng và bên đối
tác sẽ chuyển khoản ngay cho Mixue.
Bước 3: Tìm kiếm địa điểm mở quán kem Mixue
Nếu bên nhận nhượng quyền đã chọn được địa điểm kinh doanh thì Mixue sẽ tìm
hiểu và đánh giá về tiềm năng của vị trí đó. Trong trường hợp chưa lựa chọn được mặt
bằng ưng ý, đội ngũ nhân viên của thương hiệu sẽ trực tiếp đi thẩm định và tìm kiếm
một địa điểm thích hợp để mở cửa hàng nhượng quyền kem Mixue.
Bước 4: Thi công cửa hàng và đào tạo đội ngũ nhân viên Mixue
Sau khi đã chọn được mặt bằng, Mixue sẽ tiến hành quá trình thi công và lắp đặt
các trang thiết bị như máy đánh kem tươi, máy pha trà, máy đóng hộp,… Đồng thời,

9
công ty sẽ tiến hành đào tạo cho nhân viên về cách sử dụng và pha chế theo yêu cầu của
thương hiệu. Khóa học này sẽ giúp nhân viên làm quen với cách xử lý các tình huống có
thể xảy ra trong quá trình làm việc, cách để có thể quan sát và bao quát mọi công việc
trong quán để bên nhận nhượng quyền có thể vận hành cửa hàng nhượng quyền Mixue
một cách trơn tru, suôn sẻ.
Nhượng quyền Mixue hiện đang là mô hình kinh doanh thu hút nhiều nhà đầu tư.
Thương hiệu nổi tiếng được giới trẻ yêu thích sẽ cùng hỗ trợ khi nhượng quyền Mixue.
Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít, đặc biệt trong bối cảnh thị trường F&B
ngành kem và trà sữa có rất nhiều thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh không hề nhỏ. Nếu
xác định kinh doanh nhượng quyền thương hiệu, đòi hỏi phải am hiểu và đáp ứng được
nhu cầu của thị trường, thay đổi và không ngừng sáng tạo, nâng cao chất lượng sản
phẩm và dịch vụ mới có thể thành công.
2.3.4. Yêu cầu đối với các bên nhận nhượng quyền
Mặt bằng
Mixue yêu cầu bên nhận nhượng quyền phải chuẩn bị mặt bằng có mặt tiền ít
nhất từ 3 mét, diện tích tối thiểu từ 20 mét vuông, Diện tích cửa hàng được Mixue
khuyến nghị là từ 40 mét vuông trở lên và khoảng cách giữa các địa điểm cửa hàng
trong khu vực phải đảm bảo từ 800 mét trở lên. Ưu tiên các mặt bằng trong khu vực
đông học sinh, sinh viên và dân cư đông đúc.
Vốn
Chi phí đầu tư ban đầu để mở cửa hàng nhượng quyền Mixue ước tính dao động
từ 700.000.000 đến 800.000.000 VNĐ.
Cơ sở vật chất
Mixue yêu cầu hệ thống cấp, thoát nước đầy đủ, và trang bị hệ thống điện 3 pha
để hạn chế các vấn đề trong quá trình hoạt động.
Nhân sự
Mỗi cửa hàng nhượng quyền Mixue cần đáp ứng tối thiểu 02 nhân sự chủ chốt để
đội ngũ của Mixue có thể tiến hành training về công thức, quy trình vận hành cửa hàng,
duy trì dây chuyền hoạt động một cách thuận lợi nhất.
Tham gia đầy đủ các buổi training
Tham gia nhượng quyền Mixue, bên nhận nhượng quyền sẽ được tham gia vào
các buổi đào tạo của thương hiệu để làm quen với công thức pha chế, nắm rõ quy trình
và chính sách vận hành cửa hàng. Chính vì thế, bên nhận nhượng quyền cần tham gia
đầy đủ các buổi training để có thể vận hành cửa hàng nhượng quyền Mixue hiệu quả.
Ngoài ra, bên nhận nhượng quyền của Mixue cần thực hiện đúng và đầy đủ
quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền theo luật.

10
2.3.5. Chi phí nhượng quyền
- Chi phí nhượng quyền: 46.800.000 VNĐ/03 năm.
- Chi phí bảo lãnh hợp đồng: 70.000.000 VNĐ (sau khi hết hạn hợp đồng sẽ được hoàn
trả).
- Chi phí quản lý: 34.800.000 VNĐ/03 năm.
- Chi phí training: 6.800.000 VNĐ/03 năm.
- Chi phí máy móc, thiết bị: 297.000.000 VNĐ.
- Chi phí nguyên liệu đợt đầu: 130.000.000 VNĐ (những đợt sau không giới hạn chi phí
nhập).
- Chi phí thẩm định mặt bằng:: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là 500.000 VNĐ và
các tỉnh thành khác là 2.000.000 VNĐ.
- Chi phí thi công cửa hàng: 160.000.000 đến 200.000.000 VNĐ (miễn phí thiết kế cửa
hàng nhưng phải thi công sử dụng đội thi công do công ty chỉ định).
Mức giá nhượng quyền Mixue đơn giản, nhỏ gọn dao động trong khoảng từ
700.000.000 đến 800.000.000 VNĐ. Trong đó, đây là số tiền chưa bao gồm chi phí thuê
mặt bằng và nhân viên. Khác với phần lớn các thương hiệu cùng lĩnh vực trên thị
trường, Mixue không thu phí chiết khấu kinh doanh hằng tháng của cửa hàng nhượng
quyền.
2.3.6. Chính sách áp dụng cho hệ thống nhượng quyền
Chính sách mà Mixue áp dụng cho hệ thống nhượng quyền của mình cụ thể như
sau:
- Các hệ thống nhượng quyền của Mixue phải trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh
toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại.
- Các hệ thống nhượng quyền của Mixue phải đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính
và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà Mixue chuyển giao.
- Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền là Mixue, tuân
thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương
nhân nhượng quyền. Trong đó, yêu cầu về khoảng cách địa lý giữa các điểm bán tối
thiểu là: - - Khoảng cách giữa các cửa hàng trong cùng một khu vực phải cách nhau
trong khoảng từ 600m – 1km/cửa hàng.
- Hệ thống nhượng quyền của Mixue phải có trách nhiệm giữ bí mật về bí quyết kinh
doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết
thúc hoặc chấm dứt.
- Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng
kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng
quyền là Mixue khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại. Không

11
được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng
quyền.
- Các cửa hàng nhận nhượng quyền điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng
quyền thương mại của Mixue.
- Thực hiện đúng theo chiến lược về giá (toàn hệ thống phải cùng tăng/hạ giá theo chỉ
thị đề ra của thương hiệu, khi có chương trình kỷ niệm/khuyến mại cũng phải thực hiện
đồng thời với nhau…), sử dụng nguyên vật liệu chung và thống nhất với toàn bộ các cửa
hàng trong hệ thống nhượng quyền của Mixue.
2.4. Đánh giá mô hình nhượng quyền của Mixue
2.4.1. Thành công
Đối với bên nhượng quyền
Thứ nhất, Mixue có thể tận dụng tối đa nguồn vốn từ bên ngoài. Trong mô hình
kinh doanh nhượng quyền của Mixue, bên nhận nhượng quyền khi muốn tham gia vào
hệ thống nhượng quyền phải đầu tư vốn để hoạt động kinh doanh. Điều này giúp cho
Mixue có thể tiết kiệm chi phí cho việc mở rộng quy mô thương hiệu nhưng vẫn sở hữu
một hệ thống nhiều cửa hàng nhượng quyền ở khắp các địa bàn trên cả nước..
Thứ hai, thúc đẩy việc phát triển hình ảnh thương hiệu. Với lợi thế từ quy mô hệ
thống nhượng quyền, hình ảnh, thương hiệu của Mixue đã có mặt ở khắp nơi trên toàn
quốc. Với sự thống nhất về các chiến lược marketing, quảng cáo truyền thông, sự hiệu
quả trong việc phát triển thương hiệu sẽ được gia tăng. Qua đó, tạo điều kiện cho việc
củng cố nhận thức của khách hàng về hình ảnh thương hiệu Mixue.
Thứ ba, mở rộng quy mô kinh doanh nhanh chóng. Đây chính là thành công lớn
nhất trong mô hình nhượng quyền của Mixue. Hoạt động nhượng quyền chính là một
trong các cách để mở rộng hoạt động kinh doanh nhanh nhất. Với lợi thế trong chính
sách giá nhượng quyền thấp, Mixue đã nhanh chóng phủ thương hiệu của mình trên
khắp đất nước Việt Nam. Quy mô tăng lên đồng nghĩa với dễ dàng phát triển hoạt động
kinh doanh khi tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Thứ tư, tối đa hoá thu nhập và tận dụng nguồn lực “địa phương”. Với việc vận
hành mô hình nhượng quyền, Mixue vẫn đều đặn thu phí nhượng quyền định kỳ, đồng
thời là thu các khoản phí thu mua nguyên vật liệu. Nhờ đó mà bên nhượng quyền là
Mixue có thể tối đa hóa nguồn thu nhập, lợi nhuận của mình.
Đối với bên nhận nhượng quyền
Thứ nhất, không cần mất thời gian vào việc phát triển một doanh nghiệp mới.
Thay vì phải tốn công sức vào việc thiết lập một dự án kinh doanh mới thường chứa
nhiều yếu tố rủi ro và khó dự đoán, bên nhận nhượng quyền chỉ việc nhận nhượng
quyền từ Mixue và thừa hưởng các yếu tố liên quan đến bí mật kinh doanh, công nghệ,

12
quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu hay là độ phổ biến thương hiệu từ Mixue. Đồng
thời, bên nhận nhượng quyền có thể tận dụng và phát huy lợi thế kinh doanh từ thương
hiệu, công nghệ sản xuất… đã được bên nhượng quyền tạo lập và hoàn thiện trong nhiều
năm để nhanh chóng tiến hành hoạt động kinh doanh và thu về doanh thu, lợi nhuận.
Thứ hai, được đào tạo, thừa hưởng những bí quyết của bên nhượng quyền. Ngoài
việc được đảm nhận một cửa hàng Mixue với giá trị thương hiệu khổng lồ, bên nhận
nhượng quyền còn được đào tạo những phương thức và kỹ năng quản lý, chế tạo, quy
trình hoạt động trong lĩnh vực bởi đội ngũ tư vấn có kinh nghiệm kĩ năng trong hệ thống
của Mixue. Tất cả các công thức, bí mật làm nên thức uống, sản phẩm tại cửa hàng cũng
được trao cho bên nhận nhượng quyền. Các vấn đề về nguyên liệu, cách xử lý các vấn
đề trong khi vận hàng cửa hàng đều được Mixue hỗ trợ, bên nhận nhượng quyền không
cần phải lo tìm kiếm. Thông qua cơ hội được tiếp xúc và chia sẻ những bí quyết và kinh
nghiệm kinh doanh đã được thử nghiệm và đúc rút trong nhiều năm của bên nhượng
quyền thương mại, bên nhận quyền có thể tự xây dựng cho mình những tri thức quản lý
riêng, có thể áp dụng và phát triển cửa hàng của mình.
Thứ ba, được kinh doanh với chi phí nhượng quyền thấp. Chi phí nhượng quyền
hấp dẫn là một trong những lợi thế của Mixue. Nếu như những thương hiệu khác có giá
nhượng quyền lên tới vài tỷ đồng thì với Mixue, người nhận nhượng quyền chỉ cần trả
vài chục triệu phí nhượng quyền. Ngoài ra, những loại chi phí khác để mở một cửa hàng
nhượng quyền thương hiệu Mixue cũng thấp hơn so với nhiều thương hiệu khác. Có thể
thấy, so với các thương hiệu như GongCha với phí nhượng quyền 1 tỷ đồng thì mức giá
nhượng quyền Mixue hợp lý hơn rất nhiều. Nhìn chung, nhượng quyền Mixue là một
lựa chọn không thể phù hợp hơn. Những đối tượng có nguồn vốn thấp nhưng muốn
doanh thu ổn định và hoàn vốn nhanh thì Mixue là một cơ hội kinh doanh nên cân nhắc.
Thứ tư, được kinh doanh các sản phẩm đa dạng, chất lượng. Khi tham gia vào
kinh doanh trong hệ thống nhượng quyền của Mixue, bên nhận nhượng quyền sẽ được
kinh doanh nhiều loại đồ uống độc đáo, đặc biệt là trà sữa, loại đồ uống được hầu hết
các bạn trẻ yêu thích. Một số loại đồ uống đa dạng khác như: kem, sữa lắc, trà hoa quả,
trà sữa thạch dừa, trà sữa đậu đỏ, trà sữa trân châu, trà sữa pha lê đen, cà phê sữa…
Những sản phẩm này hiện nay đều rất được ưa chuộng bởi các bạn trẻ. Qua đó giúp bên
nhận nhượng quyền dễ dàng kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
2.4.2. Hạn chế
Đối với bên nhượng quyền
Thứ nhất, khó có thể kiểm soát được toàn bộ hệ thống nhượng quyền. Một trong
các quyền lợi của Mixue là có quyền giám sát và kiểm soát các hoạt động kinh doanh
của các bên nhận nhượng quyền. Tuy nhiên với số lượng lớn các cửa hàng nhượng

13
quyền, Mixue không thể tiến hành đi giám sát hay kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh
doanh của các cửa hàng nhượng quyền một cách thường xuyên. Điều này có thể khiến
Mixue gặp các rủi ro khi kho nắm bắt được các bên nhận nhượng quyền có đảm bảo
tuân theo hợp đồng. Các bên nhận nhượng quyền khi không được kiểm soát có thể làm
một số hành vi như báo cáo sai doanh thu, hoạt động không đúng cách quy định, nhập
nguyên vật liệu không đảm bảo.... Những điều này có thể gây tổn hại tới lợi ích chính
đáng của Mixue.
Thứ hai, rủi ro ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu trên cả hệ thống. Tính chất
của nhượng quyền là phải có sự đồng nhất, nhất quán trên toàn hệ thống. Do vậy, trong
trường hợp bất kỳ một cửa hàng nào đó gặp vấn đề, rủi ro sẽ xảy đến với toàn bộ các
cửa hàng khác trên toàn bộ hệ thống nhượng quyền của Mixue. Điều này có thể ảnh
hưởng đến việc làm giảm doanh thu cho cả chuỗi cửa hàng và mang lại khó khăn cho
việc ký các hợp đồng nhượng quyền trong tương lai.
Thứ ba, vấn đề cạnh tranh mạnh mẽ trong hệ thống. Mixue khá thoải mái trong
việc cho phép nhượng quyền nên chuỗi cửa hàng Mixue có mặt ở rất nhiều nơi. Thậm
chí có một số khu vực cách vài chục/trăm mét lại thấy một cửa hàng của Mixue. Các cơ
sở nhượng quyền như vậy có thể cạnh tranh với nhau, gây ảnh hưởng đến doanh thu và
lợi nhuận lẫn nhau giảm sự hấp dẫn của thương hiệu với đối tác nhượng quyền khác
trong tương lai.
Thứ tư, rủi ro trong việc bị tiết lộ các bí mật, bí quyết kinh doanh. Khi hoạt động
mô hình nhượng quyền, Mixue phải có nghĩa vụ cung cấp các thông tin, bí quyết, quy
trình, công thức, quy định cụ thể cho bên nhận nhượng quyền. Tuy nhiên khi các thông
tin được truyền đạt cho nhiều bên nhận nhượng quyền khác nhau, rủi ro trong vấn đề bị
bộc lộ các bí quyết và bí mật kinh doanh là rất dễ xảy ra. Khi đó, hậu quả ảnh hưởng đến
Mixue là rất lớn và có thể khiến Mixue bị đánh cắp các tài sản trí tuệ.
Đối với bên nhận nhượng quyền
Thứ nhất, chịu sự kiểm soát, giám sát từ bên nhượng quyền. Bên cạnh thuận lợi
có thể khai thác nhiều giá trị từ mô hình kinh doanh nhượng quyền của Mixue, bên nhận
quyền cũng buộc phải chấp nhận sự kiểm soát tương đối chặt chẽ của bên nhượng quyền
đối với một số vấn đề trong hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là những vấn đề
liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh; đảm bảo chất lượng sản phẩm và việc
nhập khẩu nguyên liệu chính gốc từ cơ sở chính của bên nhượng quyền.
Thứ hai, rủi ro về việc bị thu hồi nhãn hiệu và chấm dứt hợp đồng. Trong trường
hợp có các vấn đề phát sinh xảy ra, bên cửa hàng nhượng quyền là Mixue có thể yêu cầu
chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bên nhận quyền ngay lập tức chấm dứt ngay toàn bộ hoạt
động kinh doanh dưới nhãn hiệu Mixue hoặc mô hình kinh doanh đã được nhượng

14
quyền trước đó. Thông thường các trường hợp này xảy ra nếu bên nhận nhượng quyền
không đáp ứng được một số điều kiện phát sinh nhất định do bên nhượng quyền Mixue
đưa ra. Trong trường hợp này, rủi ro mà bên nhận quyền có thể gặp phải là rất lớn, đặc
biệt là các vấn đề liên quan đến giải quyết hàng hóa hoặc các đơn đặt hàng còn đang tồn
đọng….
Thứ ba, đối mặt với áp lực cạnh tranh trong cùng hệ thống. Không chỉ cạnh tranh
với các thương hiệu khác, khi nhận nhượng quyền thương hiệu Mixue, bên nhận nhượng
quyền còn phải cạnh tranh với hệ thống các cửa hàng nhượng quyền Mixue trong nước.
Bởi có rất nhiều các cửa hàng khác trong hệ thống cũng đang nỗ lực kinh doanh vì mục
tiêu doanh thu và lợi nhuận.
Thứ tư, có thể thiếu sự hỗ trợ từ Mixue. Với số lượng cửa hàng nhượng quyền
trong hệ thống hiện có khoảng 1000, Mixue có thể không thể kịp thời phân phối nguồn
nguyên vật liệu hoặc hỗ trợ kịp thời. Điều này có thể khiến cửa hàng hoạt động kém
hiệu quả và làm giảm năng lực cạnh tranh với các cửa hàng khác.

15
CHƯƠNG 3. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC MÔ HÌNH
NHƯỢNG QUYỀN
3.1. Đối với bên nhượng quyền
Thứ nhất, phát triển một mô hình nhượng quyền quy chuẩn để giải quyết các lỗi
có thể xảy ra trong quá trình vận hành hệ thống. Lý tưởng nhất là trước khi doanh
nghiệp cấp phép nhượng quyền, đã có một nguyên mẫu thành công để trải nghiệm và
khắc phục bất kỳ vấn đề tiềm năng nào mà bên nhận quyền sẽ gặp phải. Phương án này
sẽ giúp hạn chế những sai sót xuất phát từ việc nhà nhận quyền có thể hiểu chưa đúng,
chưa đủ về mô hình nhượng quyền.
Thứ hai, cần xây dựng hồ sơ nhượng quyền cũng như hợp đồng nhượng quyền
chặt chẽ, chi tiết và phải tiên liệu những rủi ro có thể xảy ra nhằm tìm được các nhà
nhận quyền tương lai phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp trong việc cùng cam kết
chia sẻ những thành công trong quá trình hợp tác và hạn chế xảy ra tranh chấp. Trong đó
bên nhượng quyền cần đảm bảo các đối tượng nhượng quyền phải được bảo hộ sở hữu
trí tuệ. Đồng thời phải có sự hỗ trợ, đối thoại liên tục giữa bên nhận quyền và bên nhận
quyền cả trước, trong và sau khi nhận nhượng quyền để tháo gỡ những vướng mắc trong
quá trình hoạt động, tránh rủi ro ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu trên cả hệ thống.
Thứ ba, xác định rõ ràng và chi tiết hệ thống, thương hiệu, sản phẩm, mô hình
các quy trình dự định chuyển giao cho các nhà nhận quyền trong tương lai, chương
trình đào tạo, địa điểm đào tạo, quy trình vận hành, kiểm soát, tư vấn... Nhà nhượng
quyền cần hiểu rõ hệ thống nhượng quyền không phải là một điểm, hai điểm mà là rất
nhiều điểm kinh doanh kèm theo những khác biệt về địa lý, văn hóa… Vì vậy họ cần
cân nhắc kỹ các quyết định của mình, nhất là về số lượng và mật độ các điểm nhượng
quyền trong một khu vực địa lý, nhằm kiểm soát được sức ép cạnh tranh và khai thác
được tối đa tiềm năng tại mỗi khu vực thị trường nhất định. Ngoài ra, Mixue cũng cần
cân nhắc kỹ về cơ cấu sản phẩm nhượng quyền sao cho vừa đảm bảo được tính mới,
phong phú, đa dạng mà vẫn đảm bảo được tính phù hợp, tối ưu để giải quyết sự khác
biệt nói trên và tốc độ thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng.
Thứ tư, xây dựng một văn hóa trung thực, chia sẻ và cam kết. Bất cứ sự không rõ
ràng nào trong việc xây dựng hệ thống cũng có thể gây ra những nguy cơ rất lớn ảnh
hưởng đến sự cam kết, niềm tin của nhà nhận quyền đối với mình, nhất là nguy cơ bị tiết
lộ bí mật kinh doanh hay các hành vi không đúng quy định có thể gây thiệt hại cho cả
hai bên. Do vậy, các thông điệp, chính sách từ nhà nhượng quyền cần được quy định rất
rõ trong hợp đồng nhượng quyền và cam kết thực hiện đến cùng các chính sách này. Chỉ
có thực hiện tốt các cam kết, nhà nhượng quyền mới có thể tạo được niềm tin và sự tin
cậy của nhà nhận quyền. Từ đó, các chính sách, quy trình từ nhà nhượng quyền mới

16
được thực thi một cách trọn vẹn. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững
của một hệ thống trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay.
Thứ năm, chia sẻ thành công cũng như những khó khăn phải đối mặt cùng nhà
nhận quyền. Việc chia sẻ đối với nhà nhận quyền không những đem lại niềm tin cho bản
thân họ mà còn giúp Mixue tìm ra được những khiếm khuyết của hệ thống để cải tiến
đồng thời là cơ hội phát triển hệ thống bởi các nhà nhận quyền tiềm năng trong khu vực.
Mixue có thể đưa ra các chương trình, dự án hỗ trợ cho các bên nhận quyền hoặc xây
dựng một nền tảng của riêng mình giúp các bên nhận quyền tiếp cận với khách hàng dễ
dàng hơn.
Thứ sáu, luôn chú trọng đào tạo và phát triển. Chỉ có đào tạo liên tục, cải tiến
liên tục thì các triết lý kinh doanh từ Mixue mới được chuyển giao trọn vẹn cho nhà
nhận quyền. Từ đó mà mọi hành vi, quy trình, quy định, phương pháp kinh doanh… tại
các đại lý nhượng quyền mới thực sự quy chuẩn. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các
nhà nhận quyền chia sẻ thông tin đến nhà nhượng quyền, từ đó thắt chặt hơn nữa sự
thông hiểu, hiểu biết lẫn nhau để cùng duy trì và phát triển tốt đẹp hệ thống nhượng
quyền thương mại. Mixue có thể thành lập các trung tâm đào tạo và phát triển nguồn
nhân lực, để từ đó những nhà nhận quyền tương lai chuyên nghiệp, hệ thống nhân viên
giàu nhiệt huyết và niềm tin ở tương lai không ngừng được củng cố và phát triển.
3.2. Đối với bên nhận quyền
Thứ nhất, tự tăng cường sự chủ động trong doanh nghiệp, bao gồm việc tìm kiếm
và tiếp cận với những kinh nghiệm, kiến thức và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nhượng
quyền thương hiệu, tránh việc chỉ phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Mixue. Cùng với tìm hiểu
thị trường, văn hóa kinh doanh của các đối tác nhượng quyền, doanh nghiệp cũng cần
tuân thủ các quy định của pháp luật về nhượng quyền thương hiệu, nhằm hạn chế các rủi
ro pháp lý có thể dẫn đến việc bị thu hồi lại thương hiệu, vấn đề sở hữu trí tuệ…
Thứ hai, để tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp, cần xây dựng chiến lược kinh
doanh phù hợp, linh hoạt, tổ chức quản lý cửa hàng nhượng quyền một cách khoa học
và hiệu quả. Trường hợp đã ký hợp đồng, bên nhận quyền cần tận dụng nguồn lực và sự
hỗ trợ từ Mixue, tuy nhiên chìa khóa của thành công nằm ở chỗ nhà đầu tư nhận nhượng
quyền tận dụng nguồn lực có sẵn của thương hiệu như thế nào để kinh doanh hiệu quả,
do đó phương án xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh là rất quan trọng.
Thứ ba, xác định tính khả thi trước khi triển khai hình thức kinh doanh nhượng
quyền. Trước khi áp dụng mô hình nhượng quyền thương hiệu, chủ doanh nghiệp cần
xác định tính khả thi của mô hình đối với khu vực thị trường dựa trên tình hình thực tế.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể xây dựng các ý tưởng đổi mới, các chương trình có
khả năng đề xuất với Mixue để đảm bảo hiệu quả trong việc nhượng quyền, tự tạo thế

17
mạnh cho mình nhằm đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các thương hiệu trong ngành kem
- trà sữa cũng như chính các doanh nghiệp nhượng quyền khác trong hệ thống. Trong
đó, hiệu quả cần được đảm bảo bao gồm nền tảng thương hiệu và tiếp thị, vận hành và
cung ứng, nhân lực và đào tạo.
Thứ tư, nắm bắt và nhân bản được nhân sự, quy trình theo đúng quy chuẩn của
Mixue, đồng thời hoàn thành tốt vai trò của bên nhận quyền đã cam kết trong hợp đồng
nhượng quyền. Điều này sẽ giảm thiểu nguy cơ xảy ra tranh chấp, xung đột lợi ích có
thể dẫn tới thất bại của doanh nghiệp, bởi bởi 50% thành công của việc đầu tư nhượng
quyền đến từ việc hiểu chính doanh nghiệp và phần còn lại đến từ kỷ luật, cam kết. Các
ông chủ cần đảm bảo rằng hai bên nhượng quyền và nhận quyền phải là những người
cộng tác.
Thứ năm, cập nhật các xu hướng tiêu dùng để lên kế hoạch đổi mới sản phẩm,
dịch vụ. Do nhu cầu và thị hiếu của học sinh, sinh viên - đối tượng khách hàng mục tiêu
của Mixue - thay đổi liên tục nên nếu chỉ tập trung áp dụng một cách máy móc các công
thức thì rất khó để cạnh tranh và tồn tại được với một thị phần ổn định. Sau đó, bên nhận
quyền có thể chủ động đề xuất với Mixue ý tưởng và kế hoạch của mình.
Thứ sáu, các doanh nghiệp nhận quyền có thể xem xét phương án thành lập một
tổ chức chung, chẳng hạn như Hiệp hội về Nhượng quyền thương hiệu nhằm thúc đẩy
sự phát triển của hình thức kinh doanh nhượng quyền, góp phần tháo gỡ khó khăn về tổ
chức, điều phối và định hướng cho lĩnh vực mình đang hoạt động.

18
KẾT LUẬN

Có thể thấy rằng, mô hình nhượng quyền của Mixue là một mô hình thành công.
Mô hình này không chỉ giúp Mixue gia tăng quy mô, phủ rộng thương hiệu hay đẩy
mạnh doanh số mà còn giúp cho các bên nhận nhượng quyền có thêm cơ hội làm ăn
kinh doanh. Đến ngày hôm nay, chúng ta không thể phủ nhận được rằng Mixue đã và
đang ngày một phát triển hơn với số lượng cửa hàng lên đến 1000 trải dài khắp đất nước
Việt Nam.
Tuy nhiên, mô hình nhượng quyền thương hiệu của Mixue cũng đã chứng minh
được rằng, mặc dù Mixue đã thành công trong việc vận hành mô hình nhượng quyền
của mình nhưng vẫn chưa thể khắc phục được hoàn toàn các hạn chế tồn tại trông mô
hình này. Trong bối cảnh thị trường trà sữa ngày nay, Mixue cần linh động triển khai
những phương án khai thác sáng tạo, đáng tin cậy và hiệu quả để gia tăng sức mạnh
cạnh tranh và duy trì, phát triển lòng trung thành của người tiêu dùng.

19

You might also like