You are on page 1of 5

Câu 1:

Trong 30 năm trở lại đây, nền kinh tế toàn cầu thay đổi theo xu hướng toàn cầu hóa
thương mại. Trong đó, hai đặc điểm của xu hướng được đề cập trong bài là sự phát triển
của thương mại điện tử xuyên biên giới và sự gia tăng của các Hiệp định thương mại.
Thương mại điện tử, đặc biệt sau dịch Covid-19, đã trở thành xu hướng thương mại mới.
Theo Statista, doanh số bán lẻ thương mại điện tử tăng liên tục từ 1.336 đến 5,717 tỷ
USD (2014-2022) và dự đoán năm 2026 là 8,148 tỷ USD.
Số lượng các hiệp định thương mại khu vực, theo Worldbank, năm 1990 chỉ có 50 hiệp
định, và đã gia tăng nhanh chóng lên hơn 280 năm 2017 và 355 năm 2022.
Dưới xu thế phát triển của thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt
cơ hội tham gia vào các sàn thương mại điện tử toàn cầu như Amazon. Điều này mang
đến nhiều lợi ích và cơ hội cho doanh nghiệp. Đầu tiên là khả năng mở rộng phạm vi tiếp
cận thị trường. Ngoài ra doanh nghiệp được hưởng nhu cầu ổn định quanh năm mà không
bị giới hạn trong một mùa, dịp… như khi chỉ kinh doanh ở một quốc gia. Từ đó các
doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao doanh thu và phát triển thương hiệu trên thị
trường quốc tế.
Bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức
như thiếu hiểu biết về quy trình thương mại xuyên biên giới, yêu cầu nghiêm ngặt về chất
lượng sản phẩm, các vấn đề về phương thức thanh toán, vận chuyển, dịch vụ khách hàng.
Tuy nhiên, các hiệp định thương mại ra đời đã xóa đi phần nào rào cản bằng cách giảm
hoặc loại bỏ thuế quan đối với một số hàng hóa giữa các quốc gia tham gia hiệp định, đẩy
nhanh các quy trình hải quan đối với thương mại xuyên biên giới. Từ đó giúp thương mại
điện tử xuyên biên giới thuận tiện và ít tốn kém hơn.
Một đại diện Việt Nam thành công trên sàn Amazon là Rong nho Trường Thọ. Giám
đốc điều hành của công ty cho biết doanh số từ Amazon đóng góp gần 35% vào tổng
doanh thu. Riêng vào thời gian lễ hội năm 2021, doanh số tăng 300-500% so với ngày
thường. Để được những thành tựu như ngày hôm nay, doanh nghiệp đã vượt qua những
yêu cầu khó khăn về chất lượng sản phẩm với nỗ lực không ngừng trong quá trình R&D
về mùi vị, hạn sử dụng. Đồng thời tuân thủ quy trình về đóng gói sản phẩm phù hợp với
văn hóa của các thị trường xuất khẩu mục tiêu.
Một ví dụ về Hiệp định thương mại là UKVFTA (Việt Nam-Anh) đã có những tác động
tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Theo UKVFTA, 65% tổng số thuế quan đã được
loại bỏ khỏi thương mại Anh-Việt Nam. Trong 6 năm đầu tiên của hiệp định, Vương
quốc Anh sẽ xóa bỏ 99,2% số dòng thuế đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam.
Câu 2:
2.1. Nguyên nhân công ty Uber thất bại tại thị trường Việt Nam
Trước sự thành công ở phương Tây, Uber thâm nhập vào thị trường Việt Nam năm 2014.
Tuy nhiên do không tìm hiểu kỹ càng về thị trường Việt Nam, Uber đã vấp phải cả hai
rào cản văn hóa – xã hội và chính trị - pháp luật. Tháng 3 năm 2018, Uber Đông Nam Á
chính thức sáp nhập vào Grab, Uber biến mất tại thị trường Việt Nam.
2.1.1. Nguyên nhân Văn hóa – Xã hội
Phương thức thanh toán ban đầu của Uber khi tiến vào Việt Nam là thẻ tín dụng. Tuy
nhiên khác với phương Tây phổ biến việc sử dụng thẻ, Việt Nam quen sử dụng tiền mặt
trong thanh toán thường ngày. Chính điều này Uber đã từ chối một lượng khách hàng lớn
và gây mất thiện cảm với khách hàng khi mới gia nhập thị trường.
Phương tiện di chuyển ở Việt Nam chủ yếu là xe máy. Tuy nhiên trong suốt hai năm tiến
vào Việt Nam Uber chỉ tập trung vào phương tiện xe ô tô mà bỏ quên xe máy. Để khi
nhận ra và đầu tư cho mảng này thì phần lớn thị phần đã nằm trong tay đối thủ cạnh tranh
Grab.
Phương thức gia nhập thị trường bằng cách đối đầu trực tiếp với các hãng taxi truyền
thống thay vì hợp tác với các bên nhằm giảm thiểu cạnh tranh đã khiến Uber vấp phải làn
sóng phản đối dữ dội. Việc không quen chia sẻ lợi ích cho các bên đã khiến Uber gây thù
với một nhóm lợi ích hùng hậu và đặt chính phủ vào tình thế khó xử trước áp lực từ các
hiệp hội taxi, vận tải du lịch.
2.1.2 Nguyên nhân Chính trị - Pháp luật
Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, Uber đã phải đối mặt với nhiều vấn đề về pháp
lý. Vào tháng 10 năm 2015, theo sau Grab, Uber đã đệ trình lên Bộ Giao thông Vận tải đề
án thí điểm hoạt động. Trong khi phương án của Grab được phê duyệt thì phương án của
Uber bị bác bỏ bởi Uber chưa thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Đồng thời, Uber không
hoàn thiện được các thủ tục pháp lý để hợp thức hóa hoạt động kinh doanh. Uber cũng
không phải là công ty đủ điều kiện khi không có Giấy phép kinh doanh vận tải hành
khách và biển hiệu theo quy định, không có sự minh bạch trong việc ai sẽ chịu trách
nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự, bảo hiểm khi xảy ra tai nạn. Nghiêm trọng hơn, Uber
bị tố trốn thuế và bị Cục thuế TP.HCM truy thu tổng số tiền thuế Uber phải nộp là 66,7 tỷ
đồng.
2.2. Giải pháp
Tính pháp lý
Đối với doanh nghiệp có mô hình hoạt động mới lạ như Uber thì việc nhận được sự chấp
thuận của chính quyền là vô cùng quan trọng.
Nếu được tư vấn cho Uber, chắc chắn điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm là nghiên cứu
thật kỹ môi trường pháp lý ở Việt Nam để giành được sự ủng hộ của nhà nước một cách
nhanh nhất, đồng thời tuân thủ quy định của pháp luật như thành lập pháp nhân, đóng
thuế đầy đủ. Từ đó mới có điều kiện thuận lợi để mở rộng mô hình.
Minh chứng rõ ràng là Grab đã đi trước Uber một bước khi được hợp thức hóa trước. Vì
thế mà có điều kiện mở rộng quy mô và hoạt động để giành thị phần.
Phương tiện hoạt động
Sau khi hoàn tất thủ tục về pháp lý, Uber sẽ thuận lợi hơn trong việc vươn ra các lĩnh vực
khác như xe ôm, vốn tiềm năng bởi số lượng đông đảo người đi xe máy tại Việt Nam.
Điều Uber cần là hợp pháp hóa công ty sau đó nhanh chóng ra mắt dịch vụ xe ôm để bắt
đầu cuộc chiến với các hãng xe công nghệ khác. Grab đã chứng minh điều này là cần
thiết khi ra mắt dịch vụ xe ôm vào tháng 10 năm 2014 chỉ sau 8 tháng hoạt động và
nhanh chóng được sự hưởng ứng của người dân.
Phương thức thanh toán
Doanh nghiệp cần nhận thức tiền mặt là phương thức thanh toán chủ yếu ở Việt Nam và
thêm phương thức thanh toán này vào ứng dụng ngay từ khi mới bắt đầu hoạt động. Sau
đó, nương theo sự phát triển mà mở rộng thêm các phương thức như liên kết thẻ ngân
hàng, ví điện tử…
Phương thức gia nhập thị trường
Uber cần định vị mình như một đồng minh có thể giúp chính quyền địa phương xây dựng
các hệ thống giao thông hiệu quả hơn để giảm tắc nghẽn và lượng khí thải carbon, thay vì
như một kẻ phá rối thị trường. Thay vì trực diện đối đầu với các hãng xe truyền thống,
Uber có thể kết hợp với họ tạo thành hệ sinh thái cộng sinh để tránh những xung đột khi
mới bắt đầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Worldbank, “Regional Trade Agreements” (05/04/2018)
https://www.worldbank.org/en/topic/regional-integration/brief/regional-trade-
agreements#:~:text=Fifty%20trade%20agreements%20were%20in,more%20than%20280%20in
%202017.
2) Vietnam Investment Review, “Opportunities and challenges for Vietnamese businesses to
conquer the international markets” (20/11/2021)
https://vir.com.vn/opportunities-and-challenges-for-vietnamese-businesses-to-conquer-the-
international-markets-90080.html
3) Nhon Nguyen, Data Scientist at Overstock.com, MBA/MSBA, “Why Uber failed in
Vietnam?” (17/10/2018)
https://www.linkedin.com/pulse/why-uber-failed-vietnam-nhon-nguyen
4) Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, “Đằng sau Rong nho Trường Thọ – từ anh kỹ sư dầu khí tới người
tiên phong đổi mới trong ngành thủy sản Việt Nam” (25/05/2021)
https://thesaigontimes.vn/dang-sau-rong-nho-truong-tho-tu-anh-ky-su-dau-khi-toi-nguoi-tien-
phong-doi-moi-trong-nganh-thuy-san-viet-nam/
5) Dezan Shira & Associates, “Vietnam’s Free Trade Agreements – Opportunities for Your
Business” (31/03/2021)
https://www.vietnam-briefing.com/news/vietnam-free-trade-agreements-opportunities-for-your-
business.html/
6) PGS. TS. Bùi Văn Trịnh, Trường Đại học Cần Thơ; ThS. Đoàn Tuấn Phong, Trường Cao
đẳng Cộng đồng Cà Mau, NCS. Trường Đại học Trà Vinh “Toàn cầu hóa kinh tế: Xu hướng và
thách thức mới”. Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022
https://tapchitaichinh.vn/toan-cau-hoa-kinh-te-xu-huong-va-thach-thuc-moi.html

You might also like