You are on page 1of 12

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH


KHOA KINH DOANH QUỐC TẾ - MARKETING
--o0o--

DỰ ÁN KẾT THÚC HỌC PHẦN


MÔN HỌC: QUẢN TRỊ KINH DOANH QUỐC TẾ
ĐỀ TÀI:
VẤN ĐỀ CỦA UBER KHI THÂM NHẬP
VÀO THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Giảng viên hướng dẫn: Trương Thị Minh Lý
Sinh viên thực hiện: 1. Lê Phú Tài
2. Lê Ngọc Nhi
3. Trương Ngọc Ánh
4. Trịnh Thị Ánh Nga
5. Nguyễn Phương Trang
6. Nguyễn Trần Bảo Ngọc
7. Trần Ngọc Phương Trinh
Mã lớp học phần: 24D1BUS50300801
Lớp: HQ001
Phòng: N2-312
Thứ 6 - Tiết 8-12

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 3 năm 2024


MỤC LỤC
1. Sơ lược về Uber...............................................................................................4
2. Các sự kiện nổi bật ..........................................................................................4
3. Phân tích và đánh giá .......................................................................................5
3.1 Các yếu tố dẫn đến thất bại ........................................................................5
3.2 Trước và sau khi Uber gặp vấn đề ..............................................................6
3.3 Cách Uber giải quyết vấn đề ......................................................................7
4. Khuyến nghị cách xử lý ..................................................................................7
LỜI MỞ ĐẦU
Toàn cầu hóa là quá trình kết nối và liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia trên
thế giới về mọi mặt, bao gồm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,... Quá trình này diễn
ra thông qua sự gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, vốn, con người và công nghệ giữa
các quốc gia.
Hoạt động tìm hiểu môi trường kinh doanh quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với các
công ty đa quốc gia (MNC). Mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng biệt về kinh tế,
chính trị, văn hóa, xã hội,..Vì vậy, MNC cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng môi trường kinh
doanh quốc tế trước khi gia nhập thị trường mới. Việc tìm hiểu môi trường kinh doanh
quốc tế giúp MNC xác định được các cơ hội tiềm năng và đánh giá được các rủi ro,
thách thức. Đồng thời việc này còn giúp MNC thích ứng nhanh chóng, nắm bắt cơ hội
mới và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Uber - một "ông lớn" trong ngành gọi xe công nghệ với sự hiện diện tại hơn 70 quốc
gia trên thế giới, từng đặt chân vào thị trường Việt Nam với nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên,
sau 5 năm hoạt động (từ 2014 đến 2018), Uber đã chính thức tuyên bố rút lui khỏi thị
trường đầy tiềm năng này. Sự ra đi của Uber đã khiến nhiều người tò mò về lí do đằng
sau quyết định này.
Từ ví dụ thực tế của Uber, nhóm chúng em xin đưa ra khuyến nghị cách thức xử lý tình
huống tương tự cho các công ty khác. Đầu tiên, các doanh nghiệp nên tìm hiểu kĩ về thị
hiếu, thói quen,...của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn cần phải nắm vững
pháp lý, thủ tục, đặc biệt là Thuế để hoạt động được hợp pháp trong thời gian lâu dài.
Và cuối cùng, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường, chú trọng marketing, phát
triển lâu bền, giữ thái độ học hỏi các đối thủ, “thăm dò và đáp trả” khi cần thiết.
Bài tiểu luận này sẽ đi sâu phân tích những vấn đề chính mà Uber gặp phải khi thâm
nhập vào thị trường Việt Nam và cách ứng phó với những vấn đề này.
Vấn đề của UBER khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam

1. Sơ lược về Uber

Uber là một công ty đa quốc gia của Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ giao thông vận tải thông qua
một ứng dụng công nghệ. Vào tháng 3 năm 2009 Uber được thành lập tại trụ sở chính San
Francisco, California, Hoa Kỳ. Trong những ngày đầu ra mắt, thì khách hàng muốn sử dụng ứng
dụng thì phải gửi mail cho Kalanick - người đồng sáng lập ra Uber. Doanh thu của Uber đến từ
việc nhận hoa hồng của việc kết nối giữa người cần di chuyển và chủ tài xế, sau khi chuyến xe
hoàn thành thì Uber thu về 20% tổng cước phí và tài xế nhận 80%.

Vào cuối năm 2011, ngoài Hoa Kỳ thì Paris là thành phố đầu tiên được Uber phát triển dịch vụ tại
nơi đây. Mặt khác, tháng 6/2014 tại TPHCM, Uber đã mang đến cho người dân một “món ăn mới
lạ” với nhiều lựa chọn và các loại hình dịch vụ di chuyển cùng với những khuyến mãi liên tiếp,
thậm chí có những chuyến xe 0 đồng thu hút thị hiếu rất nhiều khách hàng. Với sự tăng trưởng
nhanh chóng, nhân cơ hội đó Uber đã triển khai mở rộng thị trường cho đến năm 2019, khu vực
hoạt động của Uber ngay tại thời điểm này là 63 quốc gia và 785 thành phố.

2. Các sự kiện nổi bật

Trong vòng 4 năm xuất hiện và vận hành tại Việt Nam, Uber đã có một số cột mốc đáng nhớ, tiêu
biểu có thể nói đến:
Cuối năm 2016, Uber vấp phải sự phản đối của giới taxi truyền thống Việt Nam. Taxi truyền thống
cho rằng có nhiều bất bình đẳng trong quản lý giữa taxi và Uber, đẩy nhiều hãng taxi đến nguy cơ
phá sản. Xe công nghệ không chỉ dùng chiêu khuyến mại giảm giá sốc, mà còn không cần logo,
quy định số lượng xe hoạt động....Taxi cũng phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế thu nhập
doanh nghiệp, thuế VAT và các nghĩa vụ kinh doanh khác với người lao động... Điều này không
có ở Uber.
Năm 2017, Hiệp hội taxi 3 miền kiến nghị dừng khẩn cấp Uber. Ngày 8/10/2017, người đi đường
ở TP.HCM có thể nhìn thấy dòng chữ “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”
dán trên các xe taxi của hãng Vinasun. Trước đó chỉ mấy ngày, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã gửi kiến
nghị “dừng khẩn cấp Uber, Grab” tới các cơ quan quản lý nhà nước.
Tháng 9/2017, Uber bị truy thuế gần 67 tỷ đồng. Đại diện của Uber Việt Nam hứa sẽ nộp 66,68 tỷ
đồng bị truy thu, nhưng tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1, Thứ trưởng Bộ Tài chính
cho biết số tiền nợ thuế, truy thu trên thuế Uber mới nộp khoảng 13 tỷ đồng. Số này là đóng thuế
nhà thầu, trong khi các khoản thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân
phải khấu trừ thay tài xế vẫn chưa được doanh nghiệp này đóng. Tháng 12/2017, Cục thuế
TP.HCM công bố sẽ cưỡng chế Uber.
Đầu năm 2018, Uber kiện lại Cục thuế TP.HCM. Năm 2018, Uber rút lui khỏi Việt Nam, bán thị
trường cho Grab. Sau ngày 26/3/2018, hàng chục nghìn tài xế, cả UberMoto và UberX cùng nhận
được một email thông báo từ Uber, thông tin hợp nhất các hoạt động của Uber Việt Nam và Đông
Nam Á với Grab. Các tài xế muốn tiếp tục hoạt động có thể chuyển sang ứng dụng của Grab. Sau
thông báo này, các đối tác tài xế không thể gặp đại diện nào của Uber, dù rất muốn được giải đáp
thắc mắc của mình.

3. Phân tích và đánh giá

3.1 Các yếu tố dẫn đến thất bại

Các yếu tố chính trong môi trường kinh doanh quốc tế ở Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng
trong việc định hình sự thất bại của Uber. Đầu tiên, Uber đã áp dụng một mô hình "One size fits
all" không linh hoạt đối với các quốc gia, không phản ánh được sự đa dạng về kinh tế, văn hóa, và
chế độ pháp luật. Sự tiếp cận này thiếu linh hoạt và có phần bảo thủ, góp phần vào việc Uber gặp
thất bại.

Về hệ thống Pháp luật: Uber sử dụng phương thức xuất khẩu dịch vụ nên không chịu thành lập
công ty ở Việt Nam vì thế không có hiện diện thương mại, Vì vậy Uber đã dựa vào kẽ hở của pháp
luật để trốn thuế. Nhưng sau thanh tra, Cục Thuế TP.HCM phát hiện Uber có hành vi kê khai sai
dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Với vi phạm này, Uber đã bị phạt lên tới 10,3 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa: Vì đã quen với sự cạnh tranh ở Mỹ, Uber áp dụng chiến lược
đến càng nhanh và chiếm lĩnh được càng nhiều phân khúc thị trường càng tốt. Thay vì hợp tác thì
lại chọn cách đối đầu trực tiếp với taxi truyền thống. Điều này đã dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ
của taxi truyền thống Việt Nam.

Ngoài ra, việc không am hiểu văn hóa và những đặc điểm, thói quen tiêu dùng địa phương là lý do
khiến chiến lược thâm nhập thị trường của Uber đã thất bại. Như về thói quen di chuyển thì ở Việt
Nam xe máy vẫn là phương tiện giao thông phổ biến hơn ô tô nhưng khi mới thâm nhập vào thì
Uber không hề có lựa chọn xe máy cho khách hàng. Với hình thức thanh toán, ban đầu chỉ cho
thanh toán bằng thẻ tín dụng trong khi thời điểm đó ở Việt Nam chưa phổ biến, chủ yếu sử dụng
tiền mặt.

3.2 Trước và sau khi Uber gặp vấn đề

Trước khi đến với thị trường Việt Nam, Uber được lập ra vào 2010 với mục tiêu mang đến một
giải pháp di chuyển đơn giản chỉ bằng một thao tác chạm cho người dùng , và chỉ sau 5 năm, Uber
đã chào mừng chuyến đi thứ 1 tỷ, chưa đầy 6 tháng sau đó, con số này đã gia tăng gấp đôi - chạm
mốc 2 tỷ chuyến đi vào năm 2016. Và ngày 20 tháng 5 năm 2017 đánh dấu thời điểm quan trọng
khi Uber chính thức đạt cột mốc 5 tỷ chuyến đi được ghi nhận trên khắp thế giới. Tính đến cuối
năm 2014, Uber đã có 8 triệu người dùng và 160.000 lái xe, có mặt tại trên 250 thành phố của 50
quốc gia và được các nhà tư bản định giá ở 40 tỷ USD. Vào tháng 6/2014 Uber chính thức xuất
hiện tại Tp.HCM. Tại thời điểm đó, Uber có hơn 6000 đầu xe với khoảng 4 triệu người sử dụng
lúc cao điểm. Vào cuối năm 2015, theo thống kê thì trung bình cứ 4s Uber sẽ nhận được một cuộc
gọi đặt hàng. Cứ như thế, bằng công nghệ và nguồn lực khổng lồ của mình, Uber đã có quy mô
xếp thứ 3 tại thị trường taxi Tp.HCM chỉ sau một năm thâm nhập thị trường.

Sau khi vấn đề xảy ra, Uber đã phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề. Cụ thể, thống kê trong
năm 2017, Uber đã lỗ nặng tới 61%, lên đến 4,5 tỷ USD. Chưa dừng lại ở đó, Uber bị cục thuế
thành phố truy thuế lên tới gần 67 tỷ đồng chỉ riêng ở địa bàn TPHCM. Đến cuối năm 2017 Uber
bị mất 95% thị phần tại Việt Nam vào tay Grab. Tới tháng 3/2018, Uber phải bán lại thị trường
Việt Nam nói riêng và thị trường Đông Nam Á nói chung cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Grab.
Kết quả đến tháng 4/2018, Uber chính thức ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam.
3.3 Cách Uber giải quyết vấn đề

Đối mặt với những thách thức, Uber đã thực hiện một số biện pháp để ứng phó. Đầu tiên, để đáp
ứng nhu cầu di chuyển và thanh toán của người dùng tại thị trường Việt Nam, Uber đã mở rộng
dịch vụ bằng việc ra mắt UberMoto và UberX vào năm 2016, nhằm mục tiêu phục vụ đa dạng hơn
và hướng tới tầng lớp khách hàng bình dân, đồng thời cung cấp phương thức thanh toán bằng tiền
mặt. Tuy nhiên, mặc dù được đánh giá là một cải tiến hợp lý, nhưng các biện pháp này không đem
lại hiệu quả lâu dài do Uber đã mất phần lớn thị phần cho đối thủ cạnh tranh, Grab.

Ngoài ra, Uber đã thực hiện các chiến dịch marketing nhằm tăng sự nhận biết và thu hút lại khách
hàng, tuy nhiên, chúng chỉ giải quyết được mặt truyền thông mà không có hiệu quả trong việc
chuyển đổi từ chiến lược quảng cáo sang hoạt động kinh doanh thực tế.

Chưa hết, Uber còn liên tục tăng số lượng xe tham gia cùng với những đợt khuyến mãi, giảm giá
tối đa các chuyến xe với khách hàng nhưng vẫn giữ nguyên mức ăn chia với các tài xế, điều này
khiến cho lực lượng chính trong việc đem lại doanh thu cho Uber là các tài xế thu về lợi nhuận rất
ít thậm chí là lỗ dẫn đến sự bất bình và dần dần chuyển sang doanh nghiệp đối thủ.

Mặc dù nhận thức được rằng mô hình kinh doanh của mình mới mẻ so với pháp luật Việt Nam,
nhưng Uber không thực hiện các hành động cụ thể để tuân thủ pháp luật, thậm chí tận dụng các kẽ
hở để trốn thuế, điều này đặt hãng vào tình thế khó khăn trên thị trường. Đây là một nước đi cực
kỳ sai lầm của hãng taxi công nghệ này vì nếu không rõ ràng về mặt pháp luật thì khó đứng vững
trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài.

Đứng trước những vấn đề của mình, Uber vẫn lựa chọn cạnh tranh với các đối thủ bất kể là nội địa
lẫn nước ngoài thay vì bắt tay hợp tác. Sự hiếu chiến này cũng khiến cho Uber có thêm nhiều đối
thủ cạnh tranh hơn cùng với đó là những làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía hãng taxi truyền thống
và Chính phủ.

4. Khuyến nghị cách xử lý

Sự thất bại của Uber là một trong những bài học đắt giá trong quá trình lan tỏa thương hiệu ra quốc
tế. Thông qua quá trình phân tích, tổng hợp cũng như rút ra kết luận, nhóm có một vài khuyến nghị
cho các tình huống tương tự trong tương lai như sau:
Thứ nhất, về phạm trù văn hóa, Uber cần tập trung hướng đến khách hàng. Sai lầm của Uber là
không biết khách hàng của mình thật sự là ai và cần gì. Một doanh nghiệp cần phải luôn tìm hiểu
nhu cầu và văn hóa của khách hàng. Rõ ràng, ở mỗi thị trường khác nhau, khách hàng khác nhau
về nhu cầu, thói quen, mục đích sử dụng,... và điều này đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần phải luôn
thích nghi với sự đa dạng này trong quá trình thâm nhập thị trường nước ngoài và mở rộng quy
mô. Bởi lẽ đó, doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của việc luôn quan tâm đến
khách hàng của mình. Từ đó luôn tìm cách để hiểu khách hàng càng rõ càng tốt.

Ví dụ: Tập trung nhiều hơn đến các chiến dịch thu thập ý kiến khách hàng, phát triển bộ phận chăm
sóc khách hàng, chú trọng đầu tư vào đội ngũ nghiên cứu thị trường tại quốc gia/ lãnh thổ sắp xâm
nhập trong tương lai,... Từ đó đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp và đáp ứng nhu cầu của nhiều đối
tượng khách hàng, giữ chân khách hàng trong thị trường xâm nhập.

Thứ hai, về pháp lý, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm rõ các vấn đề pháp lý ở nước sở tại. Uber
đã liên tục vướng phải lùm xùm về các vấn đề pháp lý tại Việt Nam, điều này ảnh hưởng không
nhỏ đến kết cục bi thảm của doanh nghiệp này. Tham vọng chiếm lĩnh thị phần càng nhanh càng
nhiều thì càng tốt là nguyên nhân chính khiến Uber bỏ qua vấn đề này.

Lời khuyên được đưa ra cho các doanh nghiệp trước khi tiến vào một thị trường mới chính là tìm
hiểu kỹ những giấy tờ pháp lý, thủ tục, đặc biệt là Thuế để hoạt động hợp pháp trong thời gian lâu
dài. Trong tình huống tại quốc gia chưa rõ ràng về pháp lý, cần cân nhắc cẩn thận và không nên đi
quá sâu vào chiếm lĩnh thị trường vì sự tồn tại của các nguy cơ tiềm ẩn.

Cuối cùng, chính là bài học từ việc nghiên cứu thị trường, theo sát đối thủ cạnh tranh. So với những
taxi truyền thống rõ ràng Uber không có nhiều sự cạnh tranh trực tiếp vì tiềm năng công nghệ.
Nhưng Uber đã quá xem thường Grab - một đối thủ với tiềm lực nhỏ hơn. Với phương châm hướng
tới khách hàng, thấu hiểu thị trường và có đa dạng hình thái sản phẩm, Grab đã vươn lên và vượt
mặt Uber.

Thay vì thờ ơ và kiêu ngạo, sẽ tốt hơn nếu Uber không coi nhẹ khả năng của Grab, luôn học hỏi,
cải tiến và “ đáp trả” những hoạt động tốt hơn mình từ đối thủ. Điều này sẽ nâng cao tính cạnh
tranh của doanh nghiệp trên thị trường, phần nào giảm thiểu khả năng thất bại sau này. Từ thực tế
của Uber, các doanh nghiệp cần chú trọng marketing, phát triển lâu bền, cạnh tranh lành mạnh với
đối thủ, “thăm dò và đáp trả” khi cần thiết, giữ thái độ học hỏi tránh kiêu ngạo.

Kỉ nguyên của Uber ở Việt Nam và Đông Nam Á đã khép lại, để lại tiếc nuối cho nhiều người
dùng trung thành nhưng cũng là bài học cho những bước đi tương lai của Uber. Đây là tấm gương
lớn đối với những ông lớn đang chuẩn bị thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng
nhưng cũng hết sức mạo hiểm.
Lời cảm ơn

Để thực hiện và hoàn thành bài tiểu luận về đề tài: Vấn đề của Uber khi thâm nhập vào thị trường
Việt Nam, nhóm chúng em đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của cô Trương Thị Minh Lý-
giảng viên trực tiếp hướng dẫn vô cùng tận tình và nhiệt huyết. Bên cạnh đó, là kết quả của sự miệt
mài không ngừng nghỉ của từng thành viên đã nghiên cứu, tìm hiểu và học tập trên trường, trên
lớp. Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm chúng em đã cố gắng để hoàn thành một cách tốt nhất,
song vẫn không tránh khỏi thiếu sót do kiến thức còn hạn chế, chúng em rất mong nhận lại sự phản
hồi, nhận xét, đánh giá, đóng góp ý kiến từ cô để rút kinh nghiệm và có những bài tốt hơn trong
tương lai. Nhóm em một lần nữa, xin chân thành cảm ơn cô.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Chính sách - Pháp luật - Phát triển nhìn nhận qua mô hình kinh doanh taxi Uber

http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208323

[2] Uber ở Việt Nam

https://fsppm.fulbright.edu.vn/attachment.aspx?Language=&ID=79844

[3] Bài học từ văn hóa hiếu chiến của Uber

https://bluec.vn/bai-hoc-tu-van-hoa-hieu-chien-cua-uber.html

[4] Hành trình của Uber tại Việt Nam | VTC1

https://www.youtube.com/watch?v=sQMpUK4Kuso

[5] Bài học từ sự thất bại của Uber tại Đông Nam Á

https://znews.vn/bai-hoc-tu-su-that-bai-cua-uber-o-dong-nam-a-post829471.html

[6] Giải mã hiện tượng Uber cho thị trường Việt Nam

https://vnexpress.net/giai-ma-hien-tuong-uber-cho-thi-truong-viet-nam-3118695.html

[7] Uber: những trở ngại khi thâm nhập thị trường mới

https://vtv.vn/kinh-te/uber-nhung-tro-ngai-khi-tham-nhap-thi-truong-moi-
20141203171153143.htm

[8] Adam Lashinsky, 2017. Chuyến đi bão táp. Dịch từ tiếng Anh. Người dịch Nguyễn Thụy
Khánh Chương, 2017. Hà Nội: NXB Công Thương.

[9] Brand Stone, 20. Đế chế kỳ lân. Dịch từ tiếng Anh. Người dịch Đoàn Trang, 2019. Hà Nội:
NXB Công Thương.

You might also like