You are on page 1of 28

MỤC LỤC

Mở đầu.............................................................................................................................. 2
1. Lý do chọn đề tài........................................................................................................2
2. Đối tượng và phạm vị nghiên cứu...............................................................................2
2.1. Đối tượng nghiên cứu...........................................................................................2
2.2. Phạm vi nghiên cứu..............................................................................................2
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu..............................................................................2
3.1. Mục đích nghiên cứu............................................................................................2
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu...........................................................................................2
4. Phương pháp nghiên cứu............................................................................................3
Nội dung............................................................................................................................ 3
Chương 1. Hình tượng mùa xuân trong thơ Bạch Cư Dị................................................3
Chương 2. Hình tượng mùa thu trong thơ Bạch Cư Dị.................................................11
Chương 3. Hình tượng hạ và đông trong thơ Bạch Cư Dị.............................................19
3.1. Hình tượng mùa hạ trong thơ Bạch Cư Dị..........................................................19
3.2. Hình tượng mùa đông trong thơ Bạch Cư Dị......................................................22

1
ĐỀ CƯƠNG

Mở đầu
1. Lý do chọn đề tài
Nền văn minh Trung Hoa là một nền văn minh đặc sắc lâu đời. Đóng góp vào sự rực rỡ
của nền văn minh này thì không thể không kể đến công lao của kho tàng văn học đồ sộ,
đặc biệt là thơ ca. Và thời kì đỉnh cao nhất của thơ ca Trung Quốc chính là thời nhà
Đường. 
Xuân, hạ, thu, đông là bối cảnh thường thấy trong các bài thơ Đường. Mỗi mùa đều có
những đặc sắc riêng, những cảnh vật riêng. Tức cảnh thì thường sinh tình, vậy nên cảnh
thiên nhiên bốn mùa là nguồn cảm hứng sáng tác thường thấy trong Đường thi. Là một
trong số những nhà thơ nổi danh thời nhà Đường, trong cuộc đời mình, Bạch Cư Dị đã
sáng tác rất nhiều bài thơ miêu tả cảnh sắc thiên nhiên và luôn chìm đắm trong cái muôn
màu muôn vẻ của đất trời, từ đó cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống và bộc lộ tình cảm, cảm xúc
của bản thân.
Vậy nên trong bài niên luận này, chúng tôi đi nghiên cứu đề tài “Bốn mùa trong thơ Bạch
Cư Dị” với mong muốn có thể góp một phần vào việc nghiên cứu thơ Đường nói chung
và thơ Bạch Cư Dị nói riêng tại Việt Nam.
2. Đối tượng và phạm vị nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu mà bài niên luận này hướng tới chính là hình tượng bốn mùa trong
thơ Bạch Cư Dị.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của bài niên luận này là các bài thơ có chứa hình ảnh bốn mùa trong
thơ của Bạch Cư Dị. Bạch Cư Dị có khoảng 3000 bài thơ, tuy nhiên do có sự hạn chế về
tư liệu nên chúng tôi đã tìm được 92 bài thơ có chứa hình tượng bốn mùa.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Thông qua việc tìm, chỉ ra và thống kê các bài thơ có chứa hình tượng bốn mùa xuân, hạ,
thu, đông cũng như các hình tượng bốn mùa đó, bài niên luận có mục đích:
 Chỉ ra mối quan hệ giữa hình tượng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và tâm trạng của
nhân vật trữ tình trong thơ Bạch Cư Dị;
 Ý nghĩa và tác dụng của việc sử dụng hình tượng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông
trong thơ Bạch Cư Dị.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Với những mục đích, mục tiêu trên, đề tài này tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau đây:
 Tìm và chỉ ra đặc trưng của hình tượng tượng bốn mùa trong thơ Bạch Cư Dị;
2
 Tìm và chỉ ra đặc trưng trong cảm xúc của nhân vật trữ tình trong các bài thơ có
chứa hình ảnh bốn mùa trong thơ Bạch Cư Dị;
 Phân tích và chỉ ra mối tương quan chung giữa hình tượng bốn mùa và cảm xúc
của nhân vật trữ tình trong thơ Bạch Cư Dị.
 Tìm và chỉ ra ý nghĩa và tác dụng của việc sử dụng hình tượng bốn mùa trong thơ
Bạch Cư Dị.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện bài niên luận này, chúng tôi đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau
đây:
 Phương pháp thi pháp học
 Phương pháp thống kê
 Phương pháp liên ngành
 Phương pháp tiểu sử

Nội dung
Chương 1. Hình tượng mùa xuân trong thơ Bạch Cư Dị
Xuân, hạ, thu, đông đã là quy luật muôn thuở của tự nhiên. Mùa xuân không chỉ là sự bắt
đầu của một năm mới, hay sự tái sinh của vạn vật sau những tháng ngày đông giá buốt,
mà còn là một khoảng thời gian tuyệt đẹp để con người trào dâng những cảm xúc mãnh
liệt của mình. Tiết trời mùa xuân trong trẻo, ấm áp; cỏ cây hoa lá đều bước vào chu kỳ
sinh sôi nảy nở, tỏa hương khoe sắc. Đây cũng là quãng thời gian diễn ra những ngày lễ
lớn.
Theo dòng chảy thi ca, hình tượng mùa xuân đã đi vào trong các bài thơ từ xưa đến nay.
Và thơ Bạch Cư Dị cũng như vậy, trong thơ ông có không ít tác phẩm xuất hiện hình ảnh
mùa xuân.
Trong số 92 bài thơ của Bạch Cư Dị được chúng tôi nghiên cứu và phân tích:
 Có 41 bài thơ chứa hình ảnh về mùa xuân;
 Có tổng cộng 12 dấu hiệu nhận biết mùa xuân, bao gồm từ chỉ thời gian, thực vật,
động vật và hiện tượng tự nhiên;

STT Dấu hiệu nhận biết mùa Phân loại dấu hiệu nhận Số lượng bài thơ xuất
xuân biết hiện

1 Xuân Từ chỉ thời gian 37


2 Tiết thanh minh Từ chỉ thời gian 1

3
3 Hoa đào Thực vật 3
4 Hoa mai Thực vật 1

5 Mẫu đơn Thực vật 2


6 Bạch dương Thực vật 1

7 Hoa lê Thực vật 1


8 Liễu Thực vật 1

9 Chim én Động vật 1


10 Tuyết Hiện tượng tự nhiên 1

11 Băng tan Hiện tượng tự nhiên 1


12 Mùa hoa Hiện tượng tự nhiên 1

Có thể thấy, các dấu hiệu nhận biết là “Thực vật” thì đa dạng nhất, tuy nhiên tần suất xuất
hiện nhiều nhất lại là dấu hiệu nhận biết là “Từ chỉ thời gian”. Vậy nên cảnh xuân trong
thơ của Bạch Cư Dị có thể được nhận biết một cách rõ ràng và đặc trưng nhất nhờ dấu
hiệu “Từ chỉ thời gian”.
Chúng tôi nhận thấy trong các bài thơ có hình tượng mùa xuân, chủ yếu xuất hiện hai
nhóm sắc thái cảnh tượng mùa, đó là cảnh thơ mộng, trữ tình (xuất hiện trong 30 bài thơ)
và cảnh tiêu điều, ảm đạm (xuất hiện trong 12 bài thơ). Trong đó, cảnh xuân ở bài thơ
“Tầm dương xuân kỳ 1” xuất hiện cả hai sắc thái trên.
Cảnh xuân trữ tình, thơ mộng trong thơ Bạch Cư Dị rất đa dạng, nó xuất hiện trong nhiều
hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều tình huống khác nhau. Đầu tiên, cảnh xuân trong thơ
Bạch Cư Dị tràn ngập màu sắc và đẹp như một bức họa, như trong bài “Hàng Châu xuân
vọng”:
望海楼明照曙霞,护江堤白踏晴沙。
涛声夜入伍员庙,柳色春藏苏小家。
红袖织绫夸柿蒂,青旗沽酒趁梨花。
谁开湖寺西南路,草绿裙腰一道斜。
(Vọng hải lâu minh chiếu thự hà
Hộ giang đê bạch đạp tình sa
Đào thanh dạ nhập Ngũ Viên miếu 

4
Liễu sắc xuân tàng Tô Tiểu gia
Hồng tụ chức lăng khoa thị đế
Thanh kỳ cô tửu sấn lê hoa
Thùy khai hồ tự tây nam lộ
Thảo lục quần yêu nhất đạo tà)
Bài thơ đã gợi lên những khung cảnh đặc trưng nhất của mùa xuân Hàng Châu trong cùng
một tác phẩm với màu vàng của nắng, màu trắng của cát, màu xanh lục của liễu, của cỏ
cây và màu xanh ngọc của nước, điểm xuyết bằng hoa lê, váy đỏ và lụa màu.
Hay như trong bài thơ “Đông đình nhàn vọng”:
綠桂為佳客
紅蕉當美人
(Lục quế vi giai khách
Hồng tiêu đương mỹ nhân)
Tác giả đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân rực rỡ, đầy sức sống với màu xanh của hoa
quế và màu đỏ của chuối. Đồng thời ông cũng đã sử dụng phép nhân hóa: quế xanh là
một vị khách, còn chuối đỏ là mỹ nhân, tuy cả hai đứng bên nhau không nói gì nhưng lại
tôn lên vẻ đẹp của nhau, trông vô cùng hòa hợp, thân thiết.
Thứ hai, cảnh xuân trong thơ Bạch Cư Dị tươi vui, nhộn nhịp. Đó có thể là cảnh xuân với
sự đông đúc của phố xá ngày lễ hội, khi người người nô nức sắm sửa, váy áo xúng xính
ra đường như trong bài thơ “Tần trung ngâm kỳ 10: Mãi hoa”:
喧喧車馬度
(Huyên huyên xa mã độ)
相隨買花去
(Tương tùy mãi hoa khứ)
灼灼百朵紅
(Chước chước bách đóa hồng)
家家習為俗
人人迷不悟
(Gia gia tập vi tục

5
Nhân nhân mê bất ngộ)
Bạch Cư Dị miêu tả rất nhiều cảnh phố chợ Trường An náo nhiệt. Từ các từ láy như
“huyên huyên”, “gia gia”, “nhân nhân”, người đọc có thể hình dung khung cảnh phiên
chợ xuân với từng lớp từng lớp người nô nức, xe ngựa qua lại tấp nập, ai nấy cũng đều
háo hức, nóng lòng ngắm nghía những khóm hoa mẫu đơn rực rỡ. Bức tranh mùa xuân đã
hiện lên một cách tươi vui, đầy sức sống.
Đó cũng có thể là cảnh xuân với tiếng chim ca, muông thú đón mừng xuân về, đón một
năm mới tràn ngập niềm hy vọng trong bài thơ “Khuê oán từ kỳ 1”. Nếu trong “Tần trung
ngâm kỳ 10: Mãi hoa”, Bạch Cư Dị sử dụng thị giác để quan sát bức tranh xuân náo nhiệt
thì trong “Khuê oán từ kỳ 1”, ông lại sử dụng thính giác để lắng nghe từng âm thanh mùa
xuân. 
朝憎鶯百囀
夜妒燕雙棲
(Triêu tăng oanh bách chuyển,
Dạ đố yến song thê)
Mùa xuân thời tiết ấm áp, vạn vật sinh sôi, những đàn chim yến, chim oanh từ cuộc nghỉ
đông trở về kiếm ăn. Tác giả dùng biện pháp phóng đại với từ “bách” để nhấn mạnh có
hàng chục, hàng trăm con chim oanh đang cùng cất tiếng hót chào xuân. Cặp từ “triêu” -
“dạ” (ngày - đêm) như muốn nói tiếng chim hót mừng xuân vang vọng khắp mọi lúc,
không ngừng nghỉ. Dàn đồng ca ấy làm cho bức tranh mùa xuân càng thêm tươi vui, rộn
ràng. Hình ảnh đôi chim yến đậu bên nhau “yến song thê” - tượng trưng của tình yêu, như
điểm lên bức tranh ấy nét trữ tình cùng không khí hạnh phúc.
Thứ ba, cảnh xuân trong thơ Bạch Cư Dị nền nã, lãng mạn và nhẹ nhàng, yên bình. Điển
hình như cảnh đêm xuân trong bài thơ “Cửu bất kiến hàn thị lang, hí đề tứ vận dĩ kí chi”:
靜吟乖月夜
(Tĩnh ngâm quai nguyệt dạ)
春風滿鬢絲
(Xuân phong mãn mấn ty)
Với hai hình ảnh nhân hóa là “quai nguyệt dạ” (ánh trăng tinh nghịch) và “xuân phong
mãn mấn ty” (gió xuân vờn mái tóc), khung cảnh đêm xuân không chỉ hiện lên đầy sống
động mà còn mang một màu sắc trữ tình. Nhờ hai tính từ “tĩnh” và “nhàn”, hình ảnh nhà
thơ uống say, nhàn tản và yên bình tận hưởng không gian ánh trăng mùa xuân đã hiện lên
rất rõ trước mắt người đọc.

6
Như vậy, Bạch Cư Dị đã sử dụng những tính từ, động từ đặc tả trạng thái của sự vật, hiện
tượng, cùng các biện pháp ẩn dụ, nhân hóa để phác họa nên những bức tranh xuân hoặc là
nhiều màu sắc, hoặc là tươi vui nhộn nhịp, hoặc là lãng mạn và yên bình. Cảnh xuân khi
này đa dạng, được thêu dệt từ nhiều chất liệu khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là
trữ tình, thơ mộng.
Mùa xuân là mùa tươi vui, hạnh phúc, tràn ngập hy vọng nên người ta cũng theo đó mà
thường miêu tả cảnh xuân mang trạng thái đầy tươi sáng. Nhưng Bạch Cư Dị còn nhìn
thấy cả những dáng vẻ tiêu điều, ảm đạm của mùa xuân, như là cảnh xuân ai oán trong
bài thơ “Khuê oán từ kỳ 2”, cảnh đêm xuân não nề với tiếng sáo bên sông trong bài thơ
“Giang thượng địch”, hay là cảnh thê lương trong tiết tảo mộ của bài thơ “Hàn thực dã
vọng ngâm” dưới đây:
寒食誰家哭
風吹曠野紙錢飛
古墓累累春草綠
棠梨花映白楊樹
盡是死生離別處
冥寞重泉哭不聞
蕭蕭墓雨人歸去
(Hàn thực thuỳ gia khốc
Phong xuy khoáng dã chỉ tiền phi
Cổ mộ luỹ luỹ xuân thảo lục
Đường lê hoa ánh bạch dương thụ
Tận thị tử sinh ly biệt xứ
Minh mịch trùng tuyền khốc bất văn
Tiêu tiêu mộ vũ nhân quy khứ)
Khác với khung cảnh vui tươi đầy màu sắc thường thấy, bài thơ “Hàn thực dã vọng
ngâm” có màu sắc trầm buồn, tang thương. Bối cảnh bài thơ là tiết Thanh minh, là thời
điểm những người ở lại nhớ về người đã khuất. Thời nhà Đường, phong tục dọn mộ tiết
Thanh minh rất thịnh hành. Những ngày từ tiết Hàn thực đến tiết Thanh minh, mọi người
sẽ thăm mộ, phát quang dọn dẹp nhằm tưởng niệm và an ủi vong linh người thân dưới
hoàng tuyền. Bao trùm cả bài thơ là cảnh tượng tảo mộ thê lương. Chữ “khoáng” cùng
với cảnh tiền giấy bay lên trên không trung trong câu “Phong xuy khoáng dã chỉ tiền phi”

7
gợi lên một không gian rộng lớn, làm cho tiếng khóc than người đã khuất như được
khuếch đại. Cặp câu thơ cuối với từ láy tượng hình “minh mịch” và từ láy tượng thanh
“tiêu tiêu” trùm lên bài thơ một màu sắc ảm đạm, tiêu điều, vốn là miêu tả cảnh vật
nhưng lại giống như đang nói đến cảm xúc con người.
Cảm xúc của nhân vật trữ tình trước mùa xuân trong thơ của Bạch Cư Dị cũng đa dạng và
phong phú: có nỗi nhớ quê hương, nhớ bạn, nhớ người yêu; có cảm giác nhàn tản, hưởng
thụ cuộc sống; có sự xót thương, cảm thán cho số phận con người,... Chúng tôi sẽ chia
các tâm trạng đó thành hai nhóm, đó là tâm trạng tiêu cực và tâm trạng tích cực. Trong
đó, tâm trạng tiêu cực xuất hiện trong 22 bài thơ xuân của Bạch Cư Dị, và tâm trạng tích
cực xuất hiện trong 19 bài.
Điển hình cho nhóm bài thơ về mùa xuân thể hiện tâm trạng tiêu cực là bài “Yến tử lâu
kỳ 3”. Tác giả đã thông qua câu chuyện đi tảo mộ để nói lên tình cảm thủy chung của
người phụ nữ với người mình yêu: 
見說白楊堪作柱
爭教紅粉不成灰
(Kiến thuyết bạch dương kham tác trụ
Tranh giao hồng phấn bất thành hôi)
Bài thơ được đặt trong bối cảnh thăm viếng mộ vào mùa xuân. Nhà thơ đã sử dụng hình
ảnh cây bạch dương để ẩn dụ cho mối tình thủy chung. Bạch dương là loại cây mất 7 đến
10 năm mới có thể hoàn toàn trưởng thành, mà cây bạch dương trồng cạnh ngôi mộ đã
giống như một cái cột trụ lớn - “kham tác trụ”. Có thể thấy thời gian đã trôi đi rất lâu, tuy
nhiên tình cảm yêu thương của nhân vật trữ tình vẫn mãi thủy chung, son sắt, không hề
đổi thay - “bất thành hôi” (chưa tan thành khói bụi). Trong bài thơ này, Bạch Cư Dị muốn
ca ngợi tình cảm sâu đậm, trước sau như một của người phụ nữ. Đồng thời, tác giả cũng
thể hiện niềm thương cảm, xót xa cho người phụ nữ, mặc cho thời gian có trôi qua một
cách tàn nhẫn, mặc dù phí hoài tuổi xuân nhưng trái tim vẫn mãi hướng về một người.
Còn về nhóm bài thơ xuân thể hiện tâm trạng tích cực, bài thơ “Tiền Đường hồ xuân
hành” là một ví dụ tiêu biểu. Nhà thơ đã sử dụng cụm từ “tối ái” và “mê nhân nhãn” để
thể hiện sự tán thưởng với cảnh xuân tươi đẹp trước mắt. Tận hưởng cảnh thiên nhiên
tươi đẹp đó, nhân vật trữ tình cảm thấy yêu đời, lạc quan, hạnh phúc và thư thái. Từ đó có
thể thấy được tình yêu thiên nhiên sâu sắc của nhà thơ. 
亂花漸欲迷人眼
(Loạn hoa tiệm dục mê nhân nhãn)
最愛湖東行不足
(Tối ái hồ đông hành bất túc)

8
Trong tổng số 41 bài thơ có chứa hình hình ảnh mùa xuân của Bạch Cư Dị, đã có 28 bài
cảnh và tình tương thông (15 bài cảnh và tình đều có sắc thái tươi vui, 13 bài cảnh và tình
có sắc thái ảm đạm); còn 13 bài cảnh và tình đối lập.
“Trường hận ca” là một ví dụ đại diện cho nhóm bài thơ cảnh và tình đều mang sắc thái
tươi vui. Đây là tác phẩm tiêu biểu, gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Bạch Cư Dị. Nội
dung bài thơ kể về mối tình của vua Đường Huyền Tông với Dương Quý Phi, từ khi bắt
đầu đến giây phút lìa xa nhau. Trong bài thơ xuất hiện rất nhiều chữ “xuân”, nhưng
những chữ “xuân” ấy lại có đa dạng các ý nghĩa khác nhau. Ví như trong hai câu thơ: “ 芙
蓉帳暖度春宵/春宵苦短日高起” (Phù dung trướng noãn độ xuân tiêu/ Xuân tiêu khổ
đoản nhật cao khởi), từ “xuân tiêu” là chỉ khung cảnh đêm mùa xuân, nhưng cũng là ẩn ý
cho những đêm tình nồng ái mặn của Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi. Hay như
hình ảnh “gió xuân” trong câu thơ “ 春風 桃李 花開 日 ” (Xuân phong đào lý hoa khai
nhật), Đường Huyền Tông nhìn thấy gió thổi lay động những bông hoa đào mà nhớ lại
những ngày tháng khi Dương Quý Phi vẫn còn ở bên, những tháng ngày tình cảm mặn
nồng. Nhân vật trữ tình lúc này hạnh phúc bởi đang chìm đắm trong tình yêu, và người
khi yêu thì đều nhìn mọi thứ với một con mắt lạc quan hơn rất nhiều, thấy mọi vật xung
quanh đều đẹp đẽ.
Ngược lại, bài thơ “Phong vũ vãn bạc” là điển hình cho nhóm các bài thơ cảnh và tình
đều mang sắc thái ảm đạm: 
苦竹林邊蘆葦叢,停舟一望思無窮
青苔撲地連春雨,白浪掀天盡日風
忽忽百年行欲半,茫茫萬事坐成空
此生飄蕩何時定,一縷鴻毛天地中
(Khổ trúc lâm biên lô vĩ tùng, Đình chu nhất vọng tứ vô cùng.
Thanh đài phác địa liên xuân vũ, Bạch lãng hân thiên tận nhật phong.
Hốt hốt bách niên hành dục bán, Mang mang vạn sự tọa thành không.
Thử sinh phiêu đãng hà thời định, Nhất lũ hồng mao thiên địa trung)
Tác giả dùng những hình ảnh như “lô vĩ tùng” (cỏ lau mọc rậm rạp), “liên xuân vũ” (mưa
xuân không ngớt), “Bạch lãng hân thiên tận nhật phong” (các đợt sóng trắng đánh lên tận
trời) và “thanh đài phác địa” (rêu xanh trải đầy mặt đất) để miêu tả cảnh sắc ảm đạm và
không gian mênh mông. Tương thông với cảnh vật ấy là cảm xúc mông lung vô định của
nhân vật trữ tình. Sắc thái tình cảm ấy được thể hiện qua hình ảnh sợi tơ hồng bay vô
định trong không trung, cùng với các tính từ như “bán”, “không”, “hốt hốt”, “mang
mang”, “phiêu đãng”. Nhân vật trữ tình trong bài thơ cảm thán với số phận vô định của

9
mình, cảm thấy cuộc đời cứ trôi qua một cách mông lung, không có mục tiêu, đồng thời
giãi bày nỗi uất hận, căm ghét bọn quan tham lộng quyền.
Trong nhóm 13 bài thơ thể hiện sự đối lập giữa cảnh và tình, các tác phẩm tiêu biểu có
thể kể đến là “Tư phụ my”, “Trường An chính nguyệt thập ngũ nhật”, “Tần trung ngâm
kỳ 10: Mãi hoa”, “Dương liễu chi nhị thủ kỳ 1”, “Khuê oán tử kỳ 1”,... Sau đây chúng tôi
sẽ phân tích bài thơ “Tư phụ my” để làm rõ được nét trái ngược giữa cảnh xuân và tình
trong thơ Bạch Cư Dị:
唯餘思婦愁眉結
無限春風吹不開
(Duy dư tư phụ sầu mi kết,
Vô hạn xuân phong xuy bất khai.)
Cảnh thiên nhiên mùa xuân trong “Tư phụ my” như một bức tranh động, nên thơ, trữ
tình, với các nét họa tràn ngập màu sắc và hương thơm. Thế nhưng bức tranh thiên nhiên
tươi đẹp ấy lại không thể hóa giải được nỗi u sầu trên gương mặt người thiếu phụ. Từ “tư
phụ” thể hiện rất rõ tình cảnh của nhân vật trữ tình - người phụ nữ đang mong ngóng
người chồng đang trên chiến trường. Hoàn cảnh của nhân vật trữ tình cũng là hoàn cảnh
chung của rất nhiều người phụ nữ trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, khi mà triều đình
cất quân dẹp loạn nên nam giới phải từ giã người thân để ra trận.
Sự đối lập giữa cảnh và tình trong những bài thơ của Bạch Cư Dị về mùa xuân được thể
hiện rất rõ ràng. Tuy số lượng những bài thơ như vậy không nhiều, nhưng đều là những
bài thơ hay và mang đặc trưng riêng của Bạch Cư Dị. Phong cách thơ của ông chủ trương
là giản dị, gần gũi với nhân dân, phản ánh thực tại xã hội. Đó là lý do vì sao Bạch Cư Dị
khá ưa chuộng việc dùng những hình tượng thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp để làm đòn
bẩy, nêu bật lên cái tâm trạng đối lập hoàn toàn của nhân vật trữ tình.
Tiểu kết:
Những chất liệu thêu dệt nên mùa xuân trong thơ Bạch Cư Dị là các hình ảnh cây cối như
hoa đào, hoa mai, các hoạt động của con người như mua hoa mẫu đơn hay đi tảo mộ vào
tiết thanh minh,... Các dấu hiệu này rất gần gũi, và người đọc có thể từ đó mà dễ dàng
thấy được mùa xuân trong thơ Bạch Cư Dị.
Cảnh xuân trong thơ Bạch Cư Dị phần nhiều đều tươi sáng, náo nhiệt và tràn ngập các
sắc màu. Nhưng ông khỉ dừng lại ở đó mà còn miêu tả cả những nét đượm buồn của mùa
xuân trong thơ mình. Tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong thơ Bạch Cư Dị
được bộc lộ vô cùng tinh tế, nhẹ nhàng. Bạch Cư Dị không trực tiếp thể hiện hẳn ra tâm
trạng của nhân vật trữ tình như thế nào, mà ông ưa việc sử dụng gián tiếp qua các hình
ảnh về thiên nhiên. Mặc dù đôi lúc tình cảm nhân vật vẫn được tóm gọn lại một cách đầy

10
súc tích qua một chữ “sầu” hay “nhàn”, nhưng nhờ có bối cảnh xung quanh mà người đọc
có thể hiểu rõ, hiểu sâu hơn về tâm trạng, cảm xúc xuyên suốt bài thơ.
Xu hướng chung trong thơ Bạch Cư Dị là hình tượng mùa xuân thường tương thông với
tâm trạng của nhân vật trữ tình. Cảnh và tình có thể cùng mang sắc thái tươi vui, hoặc
cùng mang sắc thái ảm đạm.
Chương 2. Hình tượng mùa thu trong thơ Bạch Cư Dị
Mỗi khi mùa thu đến, dường như trong lòng mỗi người luôn man mác một nỗi buồn khó
tả. Chỉ vì cơn gió thu ảm đạm, hoa héo và lá rơi, khung cảnh hoang tàn có thể nhìn thấy
khắp nơi. Các thi nhân mặc khách đứng trước cảnh vật có phần thê lương như vậy thường
dễ tức cảnh sinh tình mà tạo ra những kiệt tác để đời. Mùa thu trong thơ Bạch Cư Dị có
thể nói là đong đầy cảm xúc trữ tình, lãng mạn.
Trong số 92 bài thơ của Bạch Cư Dị được chúng tôi nghiên cứu và phân tích:
 Có 40 bài thơ chứa hình ảnh về mùa thu;
 Có tổng cộng 13 dấu hiệu nhận biết mùa thu, bao gồm từ chỉ thời gian, thực vật,
động vật, sự vật và hiện tượng tự nhiên;

STT Dấu hiệu nhận biết mùa thu Phân loại dấu hiệu Số lượng bài thơ
nhận biết xuất hiện
1 Thu Từ chỉ thời gian 30

2 Các tháng trong mùa (tháng tám, Từ chỉ thời gian 6


tháng chín, tháng mười)

3 Trung thu Từ chỉ thời gian 2


4 Trùng dương/trùng cửu Từ chỉ thời gian 3

5 Thất tịch Từ chỉ thời gian 1


6 Lá ngô đồng Thực vật 3

7 Lá phong Thực vật 1


8 Hoa cúc Thực vật 2

9 Cây quế Thực vật 1


10 Hoa phù dung Thực vật 1

11 Lá đọng sương Thực vật 1

11
12 Chim nhạn Động vật 2
13 Lá rơi Hiện tượng tự 1
nhiên

Có thể thấy, các dấu hiệu nhận biết là “Thực vật” thì đa dạng nhất, tuy nhiên tần suất xuất
hiện nhiều nhất lại là dấu hiệu nhận biết “Từ chỉ thời gian”. Đặc biệt, Bạch Cư Dị đã sử
dụng thêm các ngày lễ đặc trưng như trung thu hay thất tịch để giúp người đọc dễ dàng
nhận biết mùa thu. Vậy nên cảnh thu trong thơ của Bạch Cư Dị có thể được nhận biết một
cách rõ ràng và đặc trưng nhất nhờ dấu hiệu “Từ chỉ thời gian”.
Trong các bài thơ thu của Bạch Cư Dị, khung cảnh thiên nhiên vẫn có thể được chia ra là
cảnh thơ mộng, trữ tình và cảnh tiêu điều, ảm đạm. Trái ngược với mùa xuân, các bài thơ
thu có cảnh tiêu điều, ảm đạm lại nhiều hơn với số lượng 24 bài, và có 16 bài thơ thu có
cảnh thơ mộng, trữ tình.
Cảnh tiêu điều, ảm đạm trong các bài thơ thu của Bạch Cư Dị nhìn chung là buồn sầu,
lạnh lẽo, và gắn liền với hình ảnh vầng trăng. Ví như trong bài thơ “Tặng nội 2”:
漠漠暗苔新雨地
微微涼露欲秋天
(Mạc mạc ám đài tân vũ địa
Vi vi lương lộ dục thu thiên)
Mùa thu trong bài thơ đã được Bạch Cư Dị khắc họa qua bốn hình ảnh: sương thu, mưa
thu, trời thu và trăng thu. Trong hai câu thơ đầu, cảnh vật tối tăm, mơ hồ qua các từ “mạc
mạc”, “ám”, “vi vi”. Hơn nữa, hình ảnh “lương lộ” còn gợi sự lạnh lẽo, nhuốm lên bức
tranh thu một vẻ thê lương.
Hay như trong bài thơ “Tảo thu độc dạ”:
井梧涼葉動
鄰杵秋聲發
(Tỉnh ngô lương diệp động
Lân chử thu thanh phát)
Bao trùm lên cảnh vật đêm thu là cảm giác tiêu điều, tĩnh mịch với hình ảnh lá cây ngô
đồng lạnh lùng lay động bên cạnh giếng - “Tỉnh ngô lương diệp động”. Thủ pháp lấy
động tả tĩnh qua tiếng chày vang lên trong đêm khuya tĩnh lặng càng làm cho không gian
trở nên trống trải, mênh mang vô tận.

12
Cảnh thu tiêu điều, ảm đạm trong thơ Bạch Cư Dị còn chứa cả những âm thanh não nề,
khiến tâm trạng con người trĩu hẳn lại. Ví dụ như bài thơ “Sơn giá cô”:
朝朝暮暮啼復啼
啼時露白風凄凄
黃茅岡頭秋日晚
苦竹岭下寒月低
(Triêu triêu mộ mộ, đề phục đề
Đề thời lộ bạch phong thê thê
Hoàng mao cương đầu thu nhật vãn
Khổ trúc lĩnh hạ hàn nguyệt đê)
Ngay từ tên bài thơ, chúng ta có thể thấy được hình tượng con chim đa đa. Chim đa đa là
một loài chim mang đến điềm rủi, và mọi người quan niệm nếu gặp phải nó thì sẽ có
chuyện không may xảy ra. Cụm từ láy “triêu triêu mộ mộ” tô đậm hình ảnh chim kêu
không ngớt từ sáng đến chiều. Bài thơ đặt trong bối cảnh buổi chiều tà lạnh lẽo với làn
sương trắng đục (lộ bạch) cùng làn gió thổi một cách thê lương (phong thê thê). Tất cả
những hình ảnh và âm thanh ấy hợp lại với nhau, vẽ nên một bức tranh chiều thu ảm đạm,
tiêu điều.
Còn nói đến cảnh thơ mộng, trữ tình trong thơ thu của Bạch Cư Dị, không thể không
nhắc đến bài thơ “Mộ giang ngâm”:
一道殘陽鋪水中
半江瑟瑟半江紅
可憐九月初三夜
露似真珠月似弓
(Nhất đạo tàn dương phô thủy trung
Bán giang sắt sắt bán giang hồng
Khả liên cửu nguyệt sơ tam dạ
Lộ tự trân châu nguyệt tự cung)
Trong bài thơ này, Bạch Cư Dị đã vẽ nên một bức tranh thu tràn ngập màu sắc và ánh
sáng “tàn dương phô thủy trung”. Tác giả đã chọn thời điểm chiều tà miêu tả cảnh thu,
khi ánh tà dương đang dần tàn và mảnh trăng bạc đang từ từ sáng lên, ánh hoàng hôn

13
phản chiếu xuống mặt sông tạo nên khung cảnh huyền ảo, thơ mộng. “Sắt sắt” là một từ
đa nghĩa, và nó thường xuất hiện như một tính từ tượng thanh. Tuy nhiên ở đây Bạch Cư
Dị lại sử dụng từ “sắt sắt” để nói về màu xanh ngọc bích của nước sông, cùng với ánh
hoàng hôn buông xuống như một bức tranh thủy mặc: một nửa sông có màu xanh, một
nửa sông có màu đỏ. Hai gam màu này tuy đối lập về sắc thái nhưng lại làm nổi bật nhau,
tô điểm cho nhau. Thời điểm chiều tà thường là lúc tâm trạng con người nhạy cảm hơn,
vì vậy đa phần các bài thơ viết trên bối cảnh này đa phần mang sắc thái ảm đạm. Nhưng ở
bài thơ này, nhà thơ dùng hai từ “khả liên” để tán thưởng ánh trăng thu, làm cho cảnh vật
chiều thu càng thêm tươi vui, sống động.
Phần nhiều các bài thơ thu của Bạch Cư Dị đều gắn liền với hình ảnh vầng trăng. Tả
trăng một phần để nói cảnh, một phần cũng là để nói tình. “Tức cảnh sinh tình” là xu
hướng thường thấy trong thơ ông. Cảnh vật thê lương của mùa thu cũng thường làm lòng
người dâng lên nỗi buồn, nỗi nhớ. Mà khi chiều tà cũng như đêm đến, khi thi nhân chỉ có
một mình, những tâm trạng ấy không biết phải bộc bạch với ai, chỉ có thể gửi gắm vào
ánh trăng kia.
Bởi chịu ảnh hưởng từ sự tiêu điều của cảnh vật, nên tâm trạng của nhân vật trữ tình
trong thơ thu Bạch Cư Dị phần nhiều cũng trầm lắng theo. Trong 40 bài thơ thu, có đến
22 bài thơ nhân vật trữ tình mang tâm trạng tiêu cực, và có 18 bài thơ nhân vật trữ tình
mang tâm trạng tích cực.
Những tâm trạng tiêu cực trong thơ thu Bạch Cư Dị vô cùng phong phú, có nỗi nhớ nhà
trong bài “Thu tịch”, nỗi nhớ bạn trong bài “Nhuận cửu nguyệt cửu nhật độc ẩm”, có nỗi
buồn gia đình phân tán trong bài “Vọng nguyệt hữu cảm”,... Tiêu biểu cho nhóm bài thơ
mà nhân vật trữ tình thể hiện cảm xúc tiêu cực là bài thơ “Tỳ bà hành”. Nhắc đến Bạch
Cư Dị, chúng ta không thể không nhắc đến một trong những bài thơ gắn liền với tên tuổi
của ông - “Tỳ bà hành”. Qua câu chuyện về cuộc đời nàng ca kỹ, Bạch Cư Dị đã vạch
trần một xã hội xuống cấp, bất công, vùi dập người tài.
Bài thơ bắt đầu với khung cảnh bữa tiệc chia tay trên sông vào một đêm mùa thu gió thổi,
dù mọi người đều say nhưng không ai vui vẻ gì “Tuý bất thành hoan thảm tương biệt”.
Qua tiếng đàn tỳ bà, người ca kỹ kể lại câu chuyện đời mình, bộc lộ những tâm tư muộn
phiền trong lòng. Nàng trước đây là là một ca kỹ nổi danh, nhưng rồi thời gian dần trôi,
giờ nàng trở thành vợ của người lái buôn. Nghe tiếng đàn của nàng, Bạch Cư Dị cũng
hoàn toàn đồng cảm và bộc bạch nỗi lòng mình: “Ngã văn tỳ bà dĩ thán tức/Hựu văn thử
ngữ trùng tức tức” (Nghe tiếng đàn tỳ bà đã não nề, nay nghe thêm câu chuyện lại càng
bùi ngùi). Ông cảm thông, thấu hiểu với nỗi khổ của người ca kỹ, bởi chính bản thân ông
cũng là người hiền tài nhưng không được xã hội công nhận. Cặp câu thơ “Xuân giang hoa
triêu thu nguyệt dạ/Vãng vãng thủ tửu hoàn độc khuynh” nói lên rằng đã qua bao lâu rồi,
ông đều chỉ uống rượu một mình, bởi vì không ai có thể hiểu được những thăng trầm
trong cuộc đời ông cho đến khi được nghe câu chuyện của nàng. Hai con người dù không
quen biết nhau nhưng lại có chung một số phận bi thương, có duyên được gặp nhau, thấu

14
hiểu nhau: “Giang Châu tư mã thanh sam thấp” (Tư mã Giang Châu khóc đẫm vạt áo
xanh).
Bao trùm bài thơ là tâm trạng ảo não, sầu buồn bởi cuộc sống ảm đạm, tẻ nhạt, vô nghĩa,
cùng với nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình, nhớ người thân. Có thể thấy, bài thơ “Tỳ bà
hành” kể nhiều hơn tả, nhưng thông qua câu chuyện của hai con người tài giỏi mà bất
hạnh, người đọc có thể thấy được sự đồng cảm, cảm thông lẫn nhau, sự xót thương cho
chính số phận bạc bẽo của mình lẫn đối phương. 
Nếu ở bài thơ trên, Bạch Cư Dị thể hiện sự cảm thông đối với số phận của người kỹ nữ,
thì trong bài “Trường tương tư”, ông đặt mình vào tâm trạng của người con gái đang nhớ
nhung người tình nơi phương xa. 
思君秋夜長
一夜魂九昇
(Tư quân thu dạ trường
Nhất dạ hồn cửu thăng)
Đêm thường là lúc cảm xúc con người trở nên nhạy cảm hơn. Khi mà xung quanh bốn bề
tĩnh lặng, con người không thể không đối diện với chính mình. Như Lý Bạch vào lúc đêm
khuya mà trong lòng dâng lên nỗi nhớ nhà, người thiếu nữ trong bài cũng vào đêm khuya
mà nhớ đến người mình yêu. Nỗi nhớ ấy cứ quanh quẩn mãi trong suy nghĩ của người
thiếu nữ, khiến hồn nàng như bay đi đâu mất (“hồn cửu thăng”), và dường như cũng làm
đêm trở nên dài hơn (“thu dạ trường”). Có thể thấy tuy không phải phụ nữ, nhưng chính
tâm hồn nhạy cảm, tinh tế đã giúp Bạch Cư Dị hóa thân một cách tài tình vào tâm trạng
của một người con gái đang yêu.
Tuy thơ thu của Bạch Cư Dị thường biểu lộ các cảm xúc tiêu cực, nhưng ở một số bài
thơ, thi nhân vẫn thể hiện những cảm xúc tích cực như sự thanh tịnh, yên bình trong bài
“Thư Thiên trúc tự” hay cái ung dung, nhàn tản trong bài “Vãn thu nhàn cư”. Trong đó, ở
bài thơ “Chiêu đông lân”, tác giả đã thể hiện rất rõ cảm xúc hân hoan, vui mừng khi được
tiếp đón hàng xóm đến chơi:
小榼二升酒
新簟六尺床
能來夜話吥
池畔欲秋涼
(Tiểu khạp nhị thăng tửu
Tân điệm lục xích sàng

15
Năng lai dạ thoại bất
Trì bạn dục thu lương)
Bao trùm toàn bộ bài thơ là cảm xúc hân hoan vui mừng khi được đón khách đến chơi
nhà. Lời mời ở câu thơ thứ ba đã thể hiện lòng hiếu khách: Không biết tối nay đến chơi
có được không? Nhân vật trữ tình đã chuẩn bị chu toàn cả rượu lẫn chiếu để cùng người
khách hóng mát, ngắm trăng bên bờ hồ. Những hành động này đều cho thấy sự chân
thành và lòng hiếu khách của nhà thơ.
Giống như các bài thơ chứa hình ảnh mùa xuân, mối liên hệ giữa cảnh và tình trong thơ
thu của Bạch Cư Dị cũng được chia làm hai loại là tương thông (35 bài) và trái ngược (5
bài). Chúng tôi chia nhóm các bài thơ có cảnh và tình tương thông thành hai loại là cảnh
và tình cùng có sắc thái tươi vui (12 bài) và cảnh và tình cùng có sắc thái ảm đạm (23
bài). 
Lấy ví dụ cho nhóm các bài thơ có cảnh và tình cùng mang sắc thái ảm đạm, chúng tôi
chọn bài “Vọng nguyệt hữu cảm”. Bài thơ này được Bạch Cư Dị sáng tác vào thời điểm
loạn lạc, cuộc sống nhân dân đói kém, nạn mất mùa diễn ra khiến người thân trong gia
đình ông ly tán mỗi người một nơi. Các hình ảnh như “thời loạn”, “mất mùa”, “mất cơ
nghiệp”, “ruộng vườn xơ xác” vẽ lên bức tranh mùa thu thê lương, ảm đạm, tiêu điều. 
弔影分為千里雁
辭根散作九秋蓬
(Điếu ảnh phân vi thiên lý nhạn,
Từ căn tán tác cửu thu bồng)
Tác giả ví bản thân “như cánh nhạn lạc đàn” (“thiên lý nhạn”), “như ngọn cỏ bồng tan tác
bật gốc trong gió tháng chín mùa thu” (“Từ căn tan tác cửu thu bồng”), từ đó thể hiện
cảnh tượng loạn lạc, bị chia cắt khỏi gia đình và người thân. 
共看明月應垂淚
一夜鄉心五處同
(Cộng khan minh nguyệt ưng thuỳ lệ,
Nhất dạ hương tâm ngũ xứ đồng)
Tác giả viết “Nỗi nhớ quê ở năm nơi trong một đêm đều như nhau” bởi vì anh em tuy ly
tán khắp nơi, luôn một lòng hướng về quê hương, về gia đình. Có thể thể thấy, tâm trạng
chủ đạo của bài thơ là nỗi cô đơn, lẻ loi, đau khổ khi phải tha hương nơi đất khách “khan
minh nguyệt ưng thùy lệ” (ngắm trăng sáng mà rơi lệ).

16
Và tiêu biểu cho nhóm các bài bài thơ có cảnh và tình cùng mang sắc thái tươi vui là bài
thơ “Tùng thanh”:
蕭寥發為聲
(Tiêu liêu phát vi thanh)
寒山颯颯雨
秋琴冷冷絃
(Hàn sơn táp táp vũ
Thu cầm lãnh lãnh huyền)
南陌車馬動
(Nam mạch xa mã động)
Bài thơ tràn ngập âm thanh: tiếng gió thổi vào lá cây xào xạc, tiếng mưa rơi, tiếng đàn
vang lên, tiếng xe ngựa qua lại. Hình ảnh ngồi trước hiên nhà, ngắm vầng trăng sáng,
ngắm cây thông và tận hưởng cơn gió tây nam mát mẻ vẽ nên khung cảnh bức tranh thu
sống động, tươi sáng, thơ mộng. Trong khung cảnh đó, tâm trạng của nhân vật trữ tình
cũng trở nên khoan khoái, thư thái, thoải mái lạ thường, nhất là sau khi nghe tiếng đàn:
“Tâm thể câu diểu nhiên”. Nhân vật trữ tình như đặt xuống những ưu tư, phiền não mà
tận hưởng giây phút quý giá được hòa mình vào thiên nhiên.
Mặc dù phần nhiều các bài thơ thu của Bạch Cư Dị có sự đồng điệu giữa cảnh và tình,
nhưng ở một số bài thơ, hai yếu tố này lại có sự đối lập, tương phản lẫn nhau. Sau khi
thống kê và tổng hợp, chúng tôi nhận thấy có bốn bài thơ mà cảnh vật tươi vui nhưng
nhân vật trữ tình thì buồn, đó là: “Tỳ bà hành”, “Tống Vương thập bát quy sơn ký đề
Tiên Du tự”, “Thu tứ” và “Thu sơn”. Trong đó bài thơ “Thu tứ” thể hiện vô cùng rõ ràng
sự đối lập giữa không gian mùa thu thơ mộng, trữ tình và cảm xúc cô đơn, nhớ nhà:
夕照紅于燒
晴空碧勝藍
獸形雲不一
弓勢月初三
(Tịch chiếu hồng vu thiếu
Tình không bích thắng lam
Thú hình vân bất nhất
Cung thế nguyệt sơ tam)

17
Qua bốn câu thơ đầu, nhà thơ phác họa lên một bức tranh chiều thu sinh động, đầy màu
sắc với màu đỏ rực của ánh tà dương (“hồng vu thiếu”), màu ngọc bích của bầu trời
(“bích thắng lam”) và màu trắng của mây . Bức tranh ấy lại có thêm phần tinh nghịch,
tươi vui khi có sự xuất hiện của mảnh trăng non mùng ba cong cong hình cánh cung
(“cung thế nguyệt”) và những đám mây đa dạng hình thú khác nhau, không cái nào giống
cái nào. Tuy nhiên phong cảnh tươi đẹp đấy lại không làm vơi đi nỗi buồn trong lòng
người. Câu thơ “Nhạn tứ lai thiên bắc” như một bước chuyển ý trong bài, từ cảnh sang
tình. Cũng như trong bài thơ “Vọng nguyệt hữu cảm”, ở đây nhà thơ lại một lần nữa dùng
hình ảnh chim nhạn để nói về tình cảnh tha hương của mình, đồng thời cũng bày tỏ nỗi
nhớ quê hương, một lòng muốn trở về quê cha đất mẹ. Và câu thơ “Vị lão dĩ thâm an” ở
cuối bài như một lời kết, lời cảm thán cho cuộc đời đầy thăng trầm của bản thân tác giả,
tuy chưa đến tuổi xế chiều mà đã trải qua nhiều biến cố, nhiều khoảnh khắc tối tăm của
cuộc đời.
Đặc biệt, có duy nhất một bài thơ cảnh thiên nhiên tiêu điều, ảm đạm nhưng tâm trạng lại
vui tươi. Đó chính là bài thơ “Thu vũ dạ miên”. Bạch Cư Dị sáng tác bài thơ này lúc ông
đã tuổi cao sức yếu, việc quan nhàn hạ. và bản thân ông cũng đã ngao ngán trước sự suy
yếu của nhà Đường. Vì vậy ông viết bài thơ trong tâm thái nhàn tản, tĩnh tại, 
涼冷三秋夜
安閑一老翁
(Lương lãnh tam thu dạ
An nhàn nhất lão ông)
Tiết trời mùa thu thường lạnh ẩm, nhưng nhân vật trữ tình lại ở trong một căn phòng hết
sức ấm cúng: “Hôi túc ôn bình hoả/Hương thiêm noãn bị lung”. Có thể thấy sự đối lập
giữa cảnh và tình rất rõ ràng: ngoài trời mưa gió lạnh giá - tâm trạng an nhàn, ấm áp.
Hành động lên giường trễ sau khi tắt đèn hay bỏ thêm trầm hương vào lồng đốt cho thấy
cuộc sống của nhân vật trữ tình bây giờ trôi qua rất chậm rãi, bình thản, cảm xúc cũng
yên bình, nhẹ nhàng theo. Đây là quãng thời gian cuối đời của Bạch Cư Dị, nên ông gần
như không còn quá mặn mà với chốn quan trường nữa. Ông chủ trương tận hưởng cuộc
sống, tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, vậy nên dù cảnh vật có giá rét, ảm đạm thế nào, nhà
thơ cũng vẫn có thể nhìn nó dưới con mắt lạc quan, yêu đời.
Tiểu kết:
Cũng như mùa xuân, Bạch Cư Dị vẫn tiếp tục sử dụng đa dạng các dấu hiệu nhận biết là
“Thực vật” trong thơ thu của mình. Ngoài ra, mùa thu còn có thể được nhận biết thông
qua các dấu hiệu “Từ chỉ thời gian” là các dịp lễ đặc trưng như thất tịch, trung thu hay
trùng dương.
Đặt trong tương quan với mùa xuân, cảnh mùa thu trong thơ Bạch Cư Dị lại hoàn toàn
trái ngược, với số lượng các bài thơ có cảnh thu tiêu điều, ảm đạm chiếm phần nhiều.

18
Mùa thu đến cũng là lúc cái se lạnh dần thay thế không khí ấm áp của mùa hè  những
chiếc lá trên cây bắt đầu lụi tàn, nhiều loài hoa từng nở rực rỡ vào mùa xuân cũng bắt đầu
héo úa, chuẩn bị cho một vòng đời mới. Trước cái tiêu điều của cảnh vật, lòng người
không khỏi dâng lên những nỗi buồn, nỗi nhớ cùng những suy tư trăn trở về cuộc đời. Đó
là lý do vì sao thơ thu của Bạch Cư Dị phần nhiều là những bài thơ mang trạng thái cảm
xúc buồn.
Cuối cùng, có thể thấy, ở những bài thơ chứa hình ảnh mùa thu của Bạch Cư Dị, tương
thông là xu hướng chủ yếu trong tương quan giữa cảnh và tình. Điều này có thể lý giải
bởi hai lý do. Thứ nhất, như đã nêu ở trên, số lượng bài thơ có cảnh vật tiêu điều, ảm đạm
chiếm phần nhiều, mà sắc thái cảnh vật có ảnh hưởng lớn đến tâm trạng con người. Thứ
hai là lý do từ cá nhân nhà thơ. Trong cuộc đời mình, Bạch Cư Dị đã trải qua vô số biến
cố: gia đình phân tán, quan lộ bị ảnh hưởng do kẻ gian hãm hại, những người bạn tri âm
tri kỷ dần lìa xa cõi đời. Những yếu tố ấy khiến tâm trạng cảm xúc của thi nhân có sự
đồng điệu với cảnh sắc thiên nhiên mùa thu.
Chương 3. Hình tượng hạ và đông trong thơ Bạch Cư Dị
3.1. Hình tượng mùa hạ trong thơ Bạch Cư Dị
Hạ là mùa của ánh nắng mặt trời, của tiếng ve tiếng dế kêu râm ran, của những hồ sen
ngát hương thơm, của những dòng nước suối mát mẻ giữa cái nóng nực. Vào mùa hè, vạn
vật như được thổi bùng sức sống, con người cũng vì thế mà lạc quan, yêu đời hơn.
Trong số 92 bài thơ của Bạch Cư Dị được chúng tôi nghiên cứu và phân tích:
 Có 8 bài thơ chứa hình ảnh về mùa hạ;
 Có tổng cộng 7 dấu hiệu nhận biết mùa hạ, bao gồm từ chỉ thời gian, thực vật,
động vật và hiện tượng tự nhiên;

STT Dấu hiệu nhận biết Phân loại dấu hiệu nhận biết Số lượng bài thơ xuất hiện
mùa hạ
1 Hạ Từ chỉ thời gian 3

2 Tháng năm Từ chỉ thời gian 1


3 Hoa sen Thực vật 3

4 Lúa Thực vật 1

5 Ve Động vật 2

6 Cái nóng Hiện tượng tự nhiên 3


7 Gió Nam Hiện tượng tự nhiên 1

19
Trong 8 bài thơ viết về mùa hạ của Bạch Cư Dị, cảnh sắc thiên nhiên được thể hiện vô
cùng phong phú, như cảnh tươi vui, đầy sức sống trong bài “Quan ngải mạch” và “Trì
thượng” (kỳ 2), cảnh bình dị, yên ả trong bài “Nhàn tịch” và “Khán thái liên”. Đặc biệt,
cảnh vật trong bài “Giang lầu tịch vọng chiêu khách” là sự kết hợp độc đáo giữa cái hùng
vĩ, tráng lệ với cái thơ mộng, trữ tình:
海天东望夕茫茫
山势川形阔复长
Hải thiên đông vọng tịch mang mang
Sơn thế xuyên hình khuếch hạ trường 
Hai câu thơ đầu đã mở ra một không gian rộng lớn với cảnh biển mênh mông và rặng núi
dài đầy hùng vĩ. Hai từ “khuếch” và “mang mang” làm cho bức tranh thiên nhiên như
được kéo dài không thấy điểm dừng. 
灯火万家城四畔
星河⑶一道水中央
Đăng hỏa vạn gia thành tư bán
Tinh hà nhất đạo thủy trung ương
Nếu như ở hai câu trên tác giả phóng tầm mắt ra xa để quan sát, thì ở hai câu thơ tiếp
theo, nhà thơ đã thu tầm nhìn về gần hơn. Lần này thứ tự quan sát của tác giả là từ dưới
lên trên: từ cảnh vạn ngọn đèn trong thành Hàng Châu phồn hoa đến cảnh dải sao đang
rực sáng trên bầu trời. Sự kết hợp của hai hình ảnh tạo cảm giác bầu trời đêm như một
tấm gương, mà những ngôi sao ấy chính là hình ảnh phản chiếu của hàng vạn ngọn đèn
dưới mặt đất. 
风吹古木晴天雨 
月照平沙夏夜霜
Phong chuy cổ mục tình thiên vũ
Nguyệt chiếu bình sa hạ dạ sương
Không khó để nhận ra sự mâu thuẫn trong hai câu thơ này: ngày nắng nhưng lại có mưa
(tình thiên vũ), mùa hè vốn nóng nực nhưng lại có sương (hạ dạ sương). Thực ra đây
chính là dụng ý nghệ thuật của tác giả. Bằng liên tưởng độc đáo của mình, ông ví tiếng
gió luồn qua lá cây như tiếng mưa giữa mùa hạ và ánh trăng chiếu xuống bờ cát trắng như
một lớp sương mờ. Những hình ảnh so sánh này không chỉ tăng thêm nét thơ mộng, trữ
tình cho bài thơ, mà còn tạo cảm giác mát mẻ hơn cho bầu không khí vốn nóng nực của
mùa hè.

20
Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong 8 bài thơ mùa hạ của Bạch Cư Dị tràn ngập sự hạnh
phúc, vô lo vô nghĩ, lạc quan, yêu đời. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua bài thơ “Thái
liên khúc”:
菱葉縈波荷颭風
荷花深處小船通
逢郎欲語低頭笑
碧玉搔頭落水中
(Lăng diệp oanh ba hà triển phong
Hà hoa thâm xứ tiểu thuyền thông
Phùng lang dục ngữ đê đầu tiếu
Bích ngọc tao đầu lạc thuỷ trung)
Bạch Cư Dị qua bài thơ đã vẽ lên bức tranh phong cảnh hồ sen tuyệt đẹp với hương sen
thoang thoảng. Cơn gió thổi làm mặt hồ gợn sóng và hoa sen đung đưa khiến người đọc
cảm nhận được cái mát mẻ giữa tiết trời mùa hạ nóng nực “Lăng diệp oanh ba hà triển
phong”. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một người thiếu nữ đi hái sen, vô tình nhìn thấy
người mình thương mà thẹn thùng e thẹn, muốn bày tỏ nhưng không nói nên lời, đến nỗi
đánh rơi chiếc trâm cài đầu xuống đáy hồ lúc nào chẳng hay. Hình ảnh con thuyền nhỏ rẽ
lá sen chầm chầm chậm lướt qua như ẩn dụ cho tâm tư, tình cảm người thiếu nữ: e thẹn,
ngại ngùng, xấu hổ trước người mình yêu, muốn kín đáo bộc bạch cảm xúc của mình. Nét
đẹp nhẹ nhàng, trong sáng đó đã gợi nên một sự xao động trong lòng thi nhân. Nhà thơ an
nhàn, tự tại, đắm mình vào vẻ đẹp thiên nhiên, quan sát cảnh sinh hoạt của nhân dân với
con mắt lạc quan, yêu đời. Có thể cảm nhận được, Bạch Cư Dị đứng trước bức tranh mùa
hạ đầy hữu tình đó mà “tức cảnh sinh tình” để rồi viết bài thơ này.
Qua phân tích, chúng tôi nhận thấy cảnh và tình trong cả 8 bài thơ chứa hình ảnh mùa hạ
của Bạch Cư Dị đều cùng mang sắc thái tươi vui. Trong đó bài thơ “Nhàn tịch” đã thể
hiện rất rõ sự tương thông giữa cảnh và tình này.
Bài thơ viết về khung cảnh đêm mùa hạ thoáng đãng, mát mẻ, tràn ngập ánh sáng và âm
thanh. Ngay từ câu thơ đầu đã xuất hiện âm thanh tiếng ve “Nhất thanh tảo thiền yết”. Ve
sầu có thể nói chính là hình ảnh đặc trưng cho mùa hạ. Ngoài tiếng ve, nhà thơ còn nghe
thấy cả tiếng lá xào xạc bởi cơn gió thổi qua. Tuy là gió hè nhưng lại mát mẻ chứ không
hề oi nóng “lương phong”. Trong đêm hè khoan khoán đó, nhà thơ đã trải chiếu ra nằm
để ngắm cảnh thiên nhiên “Quân điệm thanh hữu lộ” (Chiếu tre mát như có sương). Bức
tranh đêm hè còn xuất hiện cả ánh sáng của đom đóm lập lòe và ánh trăng chiếu vào hành
lang. Tất cả những hình ảnh đó đã góp phần tạo nên một khung cảnh mùa hạ về đêm đầy
lung linh, huyền ảo và đẹp đẽ, khiến nhà thơ như thả hồn vào thiên nhiên.

21
Có thể nói sắc thái tâm trạng ảnh hưởng rất lớn đến cảnh vật. Khung cảnh thiên nhiên
trong bài thơ sở dĩ mang đậm không khí yên bình như vậy là vì tác giả thưởng thức nó
với tâm thái an nhàn, tự tại. 
放懷常自適
Phóng hoài thường tự thích
Từ “hoài” ở đây có thể là danh từ với ý nghĩa là mối lo nghĩ, cũng có thể là động từ ôm
giữ trong lòng. Vậy “phóng hoài” là hành động giải phóng bản thân khỏi những suy tư,
âu lo để có thể đạt được cảnh giới “tự thích”, tức tự mình hài lòng với cuộc sống. Học giả
Nguyễn Hiến Lê cho rằng, chủ trương này của Bạch Cư Dị đã chịu ảnh hưởng lớn bởi tư
tưởng trong bài từ “Quy khứ lai” của Đào Tiềm1.
Tiểu kết:
Trong các bài thơ viết về mùa hạ, Bạch Cư Dị vẫn sử dụng các dấu hiệu nhận biết là các
hình ảnh đặc trưng cho mùa, như là “hoa sen”, “ve” hay “cái nóng”. Nhìn chung, các dấu
hiệu nhận biết được phân bố đều giữa các bài thơ này.
Cảnh vật thiên nhiên trong các bài thơ về mùa hạ chủ yếu mang sắc thái tươi vui, yên
bình. Chủ đề của những bài thơ này cũng vô cùng giản dị và gần gũi với nhân dân do
chúng thường xoay quanh các hoạt động và đời sống sinh hoạt của con người. Lạc quan,
yêu đời là những cảm xúc thường thấy của nhân vật trữ tình trong thơ mùa hạ của Bạch
Cư Dị. Cũng vì lẽ đó mà mối quan hệ giữa cảnh và tình trong thơ hè của nhà thơ có xu
hướng tương thông và mang sắc thái tươi vui.
3.2. Hình tượng mùa đông trong thơ Bạch Cư Dị
Khi những chiếc lá vàng cuối cùng lìa cành cũng là lúc mùa thu dần đi xa, nhường chỗ
cho cái giá lạnh của mùa đông. Đông đến cũng là lúc vạn vật như chìm vào giấc ngủ, chờ
đợi khoảnh khắc được bừng tỉnh trong cái ấm áp của mùa xuân. Cảnh vật mùa đông trong
thơ Bạch Cư Dị tuy lạnh lẽo, nhưng lại có thể biến hóa theo hướng tiêu điều, thê lương
hoặc trữ tình, đầy thi vị tùy từng chủ đề sáng tác.
Trong số 92 bài thơ của Bạch Cư Dị được chúng tôi nghiên cứu và phân tích:
 Có 14 bài thơ chứa hình ảnh về mùa đông;
 Có tổng cộng 11 dấu hiệu nhận biết mùa đông, bao gồm từ chỉ thời gian, thực vật,
sự vật và hiện tượng tự nhiên;

STT Dấu hiệu nhận biết mùa đông Phân loại dấu hiệu Số lượng bài thơ
nhận biết xuất hiện

1 Đông Từ chỉ thời gian 4


1
Nguyễn Hiến Lê (1997). Đại cương văn học sử Trung Quốc. NXB Trẻ.

22
2 Các tháng trong mùa (tháng mười Từ chỉ thời gian 2
một, tháng mười hai)

3 Cuối năm Từ chỉ thời gian 1


4 Tùng bách Thực vật 1

5 Củ địa hoàng Thực vật 1


6 Áo lông Sự vật 1

7 Chăn bông Sự vật 1


8 Tuyết Hiện tượng tự nhiên 9

9 Gió Bắc Hiện tượng tự nhiên 1


10 Gió buốt Hiện tượng tự nhiên 1

11 Băng Hiện tượng tự nhiên 2

Có thể thấy, các dấu hiệu nhận biết là “Hiện tượng tự nhiên” là đa dạng nhất. Trong đó,
hình ảnh “tuyết” được sử dụng với tần suất nhiều nhất để nhận biết một cách rõ ràng các
bài thơ viết về mùa đông của Bạch Cư Dị.
Trong 14 bài thơ đông, có 10 bài thơ miêu tả cảnh thiên nhiên tiêu điều, ảm đạm và có 4
bài thơ miêu tả cảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình. Cảnh đông buồn trong thơ Bạch Cư
Dị đều lạnh lẽo, rét buốt và thê lương. Điều này được thể hiện rất rõ trong bài thơ “Đông
dạ văn trùng”:
蟲聲冬思苦於秋
不解愁人聞亦愁
(Trùng thanh đông tứ khổ ư thu
Bất giải sầu nhân văn diệc sầu)
Nổi bật trong hai câu thơ đầu là ba chữ “tư”, “khổ”, “sầu”, trực tiếp nói lên cái tiêu điều,
ảm đạm của cảnh vật mùa đông. Ở câu thơ đầu, tác giả đã làm một so sánh hơn kém rất
độc đáo giữa tiếng côn trùng và mùa thu. Hai sự vật tưởng chừng như không liên quan ấy
lại được liên kết với nhau bằng một tính từ trừu tượng là “khổ”. “Khổ” ở đây có nghĩa là
buồn rầu, sầu muộn. Nó không phải là một đặc điểm được biểu hiện trực tiếp trên sự vật,
mà là cảm xúc của con người. Mùa thu trong thơ Bạch Cư Dị, như chúng tôi đã nghiên
cứu ở chương trước, hầu hết đều mang vẻ ảm đạm, tịch liêu, mà tiếng côn trùng kêu ở
đây còn còn hơn như thế, nó gợi cho tác giả cảm giác chán chường, não nề hơn cả khi
nhìn thấy cảnh vật mùa thu. Tiếng côn trùng ở đây cũng là ẩn dụ của tác giả cho cảnh
23
chính sự hỗn loạn lúc bấy giờ, khi mà tham quan, gian thần hoành hành, lũng đoạn triều
chính, bản thân ông cũng đã ngao ngán 
Tuy nhiên, trong cái tiêu điều, ảm đạm của mùa đông, Bạch Cư Dị vẫn nhìn thấy cả
những khung cảnh thơ mộng, trữ tình. Ví dụ như trong bài thơ “Dương liễu chi bát thủ kỳ
3”:
依依嫋嫋復青青
勾引清風無限情
(Y y diểu diểu phục thanh thanh
Câu dẫn thanh phong vô hạn tình)
Cảnh thiên nhiên mùa đông trong bài thơ nhẹ nhàng, lãng mạn, như một bức tranh thủy
mặc nhưng lại có nhiều chuyển động. Các từ láy “y y”, “diểu diểu", "thanh thanh” trong
câu thơ đầu đã mô tả được sự mềm mại, uyển chuyển của nhành liễu xanh trước gió. Vốn
là cơn gió thổi làm nhành liễu lay động, nhưng trong con mắt nghệ thuật của Bạch Cư Dị,
chuyển động của liễu như đang chủ động mời gọi gió.
白雪花繁空撲地
綠絲條弱不勝鶯
(Bạch tuyết hoa phồn không phốc địa
Lục ti điều nhược bất thăng oanh)
Ở câu thơ thứ ba, thi nhân đã vẽ cảnh tuyết vương trên những nhành liễu bị gió thổi
xuống mặt đất, bay trong không trung như những bông hoa. Dù mùa đông cây cối đã rụng
hết hoa hết lá, nhưng Bạch Cư Dị vẫn nhìn được nét đẹp trong cái khung cảnh phần nhiều
là ảm đạm đó. Cuối cùng, ông viết "bất thăng oanh" để chỉ con chim oanh đậu không
vững trên nhành liễu đang phất phơ trước gió, cũng không thể lấy đà bay lên được, trông
nó như đang bị nhành liễu trêu đùa. Có thể thấy, khung cảnh mùa đông trong bài thơ này
rất độc đáo, đẹp đẽ và vô cùng sinh động.
Cũng như xuân, hạ hay thu, chúng tôi cũng chia tâm trạng nhân vật trữ tình trong các bài
thơ đông của Bạch Cư Dị ra làm hai nhóm: tâm trạng tiêu cực và tâm trạng tích cực.
Trong đó, tâm trạng tiêu cực có 10 bài còn tâm trạng tích cực có 4 bài.
Tâm trạng tiêu cực trong thơ mùa đông của Bạch Cư Dị xoay quanh nỗi cô đơn, buồn bã
hay sự đồng cảm, xót thương cho số phận người dân trong tiết trời giá rét. Bài thơ “Đông
chí túc Dương Mai quán” chính là một ví dụ cho điều này:
十一月中長至夜
三千里外遠行人

24
若為獨宿楊梅館
冷枕單床一病身
(Thập nhất nguyệt trung trường chí dạ
Tam thiên lý ngoại viễn hành nhân
Nhược vi độc túc Dương Mai quán
Lãnh chẩm đan sàng nhất bệnh thân)
Bài thơ lấy bối cảnh vào một đêm đông tháng mười một, nhân vật trữ tình sau chặn
đường dài đã chọn nghỉ chân tại quán trọ tên Dương Mai. Câu thơ “Tam thiên lý ngoại
viễn hành nhân” như muốn chỉ rõ nhân vật trữ tình độc hành trên một quãng đường rất
dài “tam thiên lý” (ba ngàn dặm). Bởi vì nhân vật trữ tình mang tâm trạng cô đơn, vậy
nên đêm cũng dường như dài hơn “trường chí dạ”. Mặc dù mùa đông thì chăn gối trong
phòng có hơi người sẽ ấm, nhưng trong câu thơ thứ tư, Bạch Cư Dị lại viết là “lãnh
chẩm” (gối lạnh), cùng với cụm “nhất bệnh nhân” (một người bệnh) như làm sâu sắc hơn
cái cô độc, bi ai, đáng thương của nhân vật trữ tình trong khung cảnh mùa đông giá rét.
Bên cạnh đó, nhân vật trữ tình trong các bài thơ đông của Bạch Cư Dị cũng thể hiện tâm
trạng tích cực. Ví dụ như sự thanh thản, mãn nguyện với cuộc sống trong bài thơ “Hương
Lô phong hạ tân bốc sơn cư, thảo đường sơ thành, ngẫu đề đông bích kỳ 4”.
Bài thơ được Bạch Cư Dị sáng tác khi ông đang làm Tư mã Giang Châu, cuộc đời lẫn
công việc đều nhàn tản. Ngay từ câu thơ đầu, nhà thơ đã viết tả khung cảnh buổi sáng
sớm, mặt trời đã lên cao nhưng làm biếng chưa muốn dậy. Ở trong căn phòng ấm cúng,
với hai lớp chăn chăn bông (“trùng khâm”), ông vén màn nhìn ra ngoài thấy cảnh núi
Hương Lô đã phủ tuyết trắng.
匡廬便是逃名地
司馬仍為送老官
心泰身寧是歸處
(Khuông Lư tiện thị đào danh địa
Tư mã nhưng vi tống lão quan
Tâm thái thân ninh thị quy xứ)
Bạch Cư Dị đã nói rõ Khuông Lư là nơi ông lánh đời, tránh tiếng tăm, và Tư mã là chức
quan dành cho quan già, bởi vậy nên ông cảm thấy tâm trí thảnh thơi, cuộc sống an nhàn,
thanh bình yên tĩnh như đi ở ẩn “Tâm thái thân ninh thị quy xứ”.

25
Trong các bài thơ chứa hình ảnh mùa đông của Bạch Cư Dị, quan hệ giữa cảnh và tình
chủ yếu là tương thông, với mười bài có cảnh và tình cùng mang sắc thái trầm buồn, ảm
đạm và bốn bài có cảnh và tình cùng mang sắc thái tươi vui. 
Những bài thơ mà cảnh và tình đều buồn có hai xu hướng chủ đạo, hoặc là lên tiếng cho
sự thống khổ của nhân dân như bài “Tầm trung ngâm kỳ 2 -Trọng phú” “Tầm trung ngâm
kỳ 9 - Ca vũ” hay “Phóng lữ nhạn”; hoặc là nói lên hoàn cảnh cô đơn, tịch mịch của bản
thân tác giả như bài “Dạ tuyết”, “Hàm Đan đông chí dạ tư gia” hay “Đông chí túc Dương
Mai quán”. 
Mùa đông thời tiết khắc nghiệt không thể trồng trọt, lương thực thường là tích trữ từ mùa
thu hoạch trước. Vì vậy, vào những năm hạn hán, mất mùa hoặc có chiến tranh, triều đình
thu thuế và lương thực nhiều hơn, thì người dân nghèo ở tầng lớp dưới của xã hội có cuộc
sống khổ hơn cả. Điển hình trong bài thơ “Phóng lữ nhạn”, Bạch Cư Dị đã thể hiện sự
thương xót, đồng cảm với nỗi khổ của bách tính và bất bình trước sự độc ác, bất công của
triều đình:
九江十年冬大雪
江水生冰樹枝折
Nguyên Hoà thập niên đông đại tuyết,
Giang thuỷ sinh băng thụ chi chiết
Ở hai câu thơ đầu, tác giả đã khái quát bối cảnh chung của bài thơ. Đó là vào trận tuyết
lớn năm Nguyên Hòa thứ mười, thời tiết khắc nghiệt đến mức nước sông đóng băng và
cành cây khô bị gãy vì nặng trĩu tuyết. Khung cảnh thiên nhiên đầy lạnh lẽo, hoang tàn.
百鳥無食東西飛
中有旅鴈聲最飢
Bách điểu vô thực đông tây phi,
Trung hữu lữ nhạn thanh tối ky
Hình ảnh hàng trăm con chim không có thức ăn cùng với tiếng nhạn kêu thảm thiết là
phép ẩn dụ chỉ những người dân đang chịu cảnh đói kém, làm cho bức tranh mùa đông
vốn lạnh lẽo lại càng thêm thê lương. 
健兒飢餓射汝喫
拔汝翅翎爲箭羽
Kiện nhi cơ ngã xạ nhữ khiết.
Bạt nhữ sí linh vi tiễn vũ

26
Hai câu thơ cuối tuy được viết dưới hình thức là lời khuyên, nhưng lại giống như một lời
oán trách. Nhà thơ trực tiếp thể hiện sự căm phẫn với triều đình khi để chiến tranh xảy ra
liên miên trong khi cuộc sống của người dân vẫn còn đói khổ.
Khác với bài thơ trên, trong “Hàm đan đông chí dạ tư gia”, tác giả lại thể hiện cảm xúc cô
đơn, nhớ nhà, nhớ người thân:
邯鄲驛裡逢冬至
抱膝燈前影伴身
Hàm Đan dịch lý phùng đông chí
Bao tất đăng tiền ảnh bạn thân
Bối cảnh sáng tác của bài thơ đã được nói rõ ngay từ câu đầu tiên. Ông viết bài thơ này
vào khoảng năm 804 - 805, khi đang thực hiện chuyến du ngoạn Hồ Bắc của mình. Đối
với xã hội Trung Quốc cổ đại, đông chí là một ngày vô cùng quan trọng. Ở thời nhà
Đường, trong ngày này các thành viên trong gia đình sẽ tụ họp lại, cùng thực hiện thờ
cúng tổ tiên2. Thế nhưng lúc này ông lại cô đơn một mình trong quán trọ nơi đất khách,
bầu bạn với ông chỉ có ánh đèn khuya. Tư thế “bó gối” không chỉ diễn tả sự đáng thương,
cô độc mà còn gợi tả cái rét của đêm đông. Hơn nữa đông chí cũng là mở đầu cho chuỗi
ngày lạnh nhất trong năm, cái lạnh ấy dường như càng làm khuếch đại hơn nỗi cô đơn,
nhớ người thân, nhớ hơi ấm gia đình của thi nhân.
想得家中夜深坐
還應說著遠行人
Tưởng đắc gia trung thâm dạ tọa
Hoàn ưng thuyết trước viễn hành nhân
Cách biểu đạt nỗi nhớ nhà của Bạch Cư Dị vô cùng độc đáo. Ông không trực tiếp nói
rằng mình nhớ nhà như thế nào, mà lại nói rằng những người thân đang nhớ về mình thế
nào thông qua tưởng tượng về cảnh gia đình quây quần trong đêm đông chí, cùng bàn tán,
nhắc đến người đang nơi phương xa là ông. Cảnh tượng hạnh phúc ấy như ngọn lửa giữa
đêm đông, đem lại niềm vui, sưởi ấm tâm hồn tác giả.
Tuy cảnh và tình đều buồn là xu hướng chung của các bài thơ chứa hình ảnh mùa đông
trong thơ Bạch Cư Dị, nhưng ngoại lệ bốn bài thơ “Du tiểu đồng đình”, “Dạ tuyết”, “Văn
Dương thập nhị tân bái tỉnh lang, dao dĩ thi hạ”, “Hương Lô phong hạ tân bốc sơn cư,
thảo đường sơ thành, ngẫu đề đông bích kỳ 4” lại thể hiện điều ngược lại - cảnh và tình
đều vui.
2
郭, 桢 (2006). “冬至节的由来与传说.” 中国政府网, URL:

http://www.gov.cn/test/200606/06/content_301510.html. Accessed 12 January 2022.

27
Điển hình như trong bài thơ “Hương Lô phong hạ tân bốc sơn cư, thảo đường sơ thành,
ngẫu đề đông bích kỳ 4”, tâm trạng của nhân vật trữ tình là an nhàn, tự tại, tận hưởng
cuộc sống yên bình của tuổi già. Để làm nổi bật lên cảm xúc, Bạch Cư Dị đã sử dụng
những hình ảnh như mặt trời đã lên cao, căn phòng với chăm ấm giữa khung cảnh núi
phủ tuyết trắng và tiếng chuông chùa vang lên gần đó. Bức tranh thiên nhiên buổi sáng
mùa đông trong bài thơ rất tráng lệ và đẹp đẽ. Trên cái nền đó, nhân vật trữ tình lười
biếng chưa muốn dậy (“do dung khởi”) mà còn mải tận hưởng vẻ đẹp ngọn núi tuyết qua
khung cửa sổ cùng tiếng chuông chùa thanh tịnh. Có thể thấy, cảnh buổi sáng mùa đông
đẹp đẽ đã giúp làm nổi bật lên tâm trạng thoải mái, tự tại, yêu đời của nhân vật trữ tình.
Tiểu kết
Không phải cảnh hoa lãng mạn như mùa xuân, cảnh sen thanh tĩnh của mùa hạ hay ánh
trăng thanh khiết của mùa thu, cảnh sắc mùa đông trong thơ Bạch Cư Dị đa phần được
nhận biết bởi “tuyết”. Nhà thơ ưa chuộng sử dụng hình ảnh này để miêu tả cảnh đông.
Dù có những bài tả cảnh thơ mộng, trữ tình, nhưng phần lớn thơ mùa đông của Bạch Cư
Dị thể hiện cảnh thiên nhiên tiêu điều, ảm đạm. Khung cảnh thiên nhiên mùa đông nói
chung đều lạnh lẽo, u ám, rét buốt và khiến người đọc buồn theo.
Bên cạnh đó, những bài thơ này đa phần đều bộc lộ cảm xúc tiêu cực, bao gồm cảm xúc
cô đơn, sầu buồn hoặc sự xót thương, đồng cảm với cuộc sống cực khổ của nhân dân,
đồng thời thể hiện thái độ bất bình với triều đình và tầng lớp bóc lột thời bấy giờ. Ngoài
ra, vẫn xuất hiện số ít các bài thơ thể hiện trạng thái an nhàn, tĩnh tại, yêu thiên nhiên,
yêu cuộc sống.
Tương thông là xu hướng chung trong quan hệ giữa cảnh và tình trong các bài thơ này.
Cảnh vật lạnh lẽo của thiên nhiên mùa đông trong một số bài thơ cũng góp phần làm nổi
bật lên tâm trạng cô đơn của nhân vật trữ tình. Hơn nữa, thời tiết khắc nghiệt của mùa
đông cũng là lý do số lượng bài thơ mà tác giả dùng để lên tiếng thương xót cho cuộc
sống khốn khổ của người dân trong mùa đông nhiều hơn hẳn so với các mùa còn lại trong
năm.

28

You might also like