You are on page 1of 9

ĐỀ CƯƠNG

Mở đầu
1. Lý do chọn đề tài
Nền văn minh Trung Hoa là một nền văn minh đặc sắc lâu đời. Đóng góp vào sự rực rỡ
của nền văn minh này thì không thể không kể đến công lao của kho tàng văn học đồ sộ,
đặc biệt là thơ ca. Và thời kì đỉnh cao nhất của thơ ca Trung Quốc chính là thời nhà
Đường.
Trong thơ Đường, cảnh và tình là hai yếu tố không thể thiếu. Nhà Đường lãnh thổ rộng
lớn, cảnh quan thiên nhiên cũng vì vậy mà vô cùng phong phú, nhưng phần nhiều vẫn là
vùng đồng bằng khí hậu ôn hòa với bốn mùa rõ rệt. Cảnh vật trong thơ Đường thường
không chỉ được miêu tả đơn thuần, mà còn được thi vị hóa, lãng mạn hóa bằng việc sử
dụng điêu luyện các tính từ, động từ cũng như các thủ pháp nghệ thuật nhằm phác họa
bức tranh thiên nhiên một cách sống động nhất. Xuân, hạ, thu, đông là bốn mùa trong
một năm, cũng là bối cảnh thường thấy trong các bài thơ Đường. Mỗi mùa đều có những
đặc sắc riêng, những cảnh vật riêng. Tức cảnh thì thường sinh tình, vậy nên cảnh thiên
nhiên bốn mùa thường là nguồn cảm hứng sáng tác trong Đường thi, đặc biệt là Bạch Cư
Dị - một trong những nhà thơ nổi danh thời đó.
Là một trong số những nhà thơ có số lượng tác phẩm đồ sộ nhất thời nhà Đường, trong
cuộc đời mình, Bạch Cư Dị đã sáng tác rất nhiều bài thơ miêu tả cảnh sắc thiên nhiên và
luôn chìm đắm trong cái muôn màu muôn vẻ của đất trời, từ đó cảm nhận vẻ đẹp cuộc
sống và bộc lộ tình cảm, cảm xúc của bản thân. Cuộc đời của Bạch Cư Dị có rất nhiều
thăng trầm. Sự thăng trầm này cũng giống như cái nóng lạnh giao hòa của bốn mùa. Đây
cũng là điểm đáng suy ngẫm về nhân sinh mà hình tượng bốn mùa trong thơ Bạch Cư Dị
mang lại cho chúng ta. Vậy nên trong bài niên luận này, chúng tôi đi nghiên cứu đề tài
“Bốn mùa trong thơ Bạch Cư Dị.”
Bạch Cư Dị có khoảng 3000 bài thơ, tuy nhiên do có sự hạn chế về tư liệu nên chúng tôi
đã tìm được 92 bài thơ có chứa hình tượng bốn mùa.
2. Đối tượng và phạm vị nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu mà bài niên luận này hướng tới là các đặc trưng của bốn mùa xuân,
hạ, thu, đông trong một số bài thơ tiêu biểu có hình ảnh mùa trong thơ Bạch Cư Dị, bao
gồm cảnh sắc mùa, các sự vật đặc trưng cùng với cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện
trong các bài thơ đó.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của bài niên luận này là các bài thơ chứa hình ảnh bốn mùa xuân, hạ,
thu, đông trong thơ của Bạch Cư Dị.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu


Thông qua việc tìm, chỉ ra và thống kê các bài thơ có chứa hình tượng bốn mùa xuân, hạ,
thu, đông cũng như các hình tượng bốn mùa đó, bài niên luận có mục đích:
 Chỉ ra mối quan hệ giữa hình tượng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và tâm trạng của
nhân vật trữ tình trong thơ Bạch Cư Dị;
 Ý nghĩa và tác dụng của việc sử dụng hình tượng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông
trong thơ Bạch Cư Dị.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Với những mục đích, mục tiêu trên, đề tài này tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau đây:
 Tìm và chỉ ra đặc trưng của hình tượng tượng bốn mùa trong thơ Bạch Cư Dị;
 Tìm và chỉ ra đặc trưng trong cảm xúc của nhân vật trữ tình trong thơ Bạch Cư Dị;
 Phân tích và chỉ ra mối tương quan chung giữa hình tượng bốn mùa và cảm xúc
của nhân vật trữ tình trong thơ Bạch Cư Dị.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện bài niên luận này, chúng tôi đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau
đây:
 Phương pháp thi pháp học: nghiên cứu và phân tích các khía cạnh mang tính hình
thức (hình tượng bốn mùa, các biện pháp nghệ thuật,...) trong số các bài thơ tìm
được của Bạch Cư Dị;
 Phương pháp thống kê: tìm kiếm, liệt kê và phân loại danh sách các bài thơ có
chứa hình tượng bốn mùa và dấu hiệu nhận biết bốn mùa;
 Phương pháp liên ngành: ngoài góc độ văn học, các bài thơ còn được nhìn nhận
dưới góc độ xã hội và tâm lý học;
 Phương pháp tiểu sử: tìm hiểu và nghiên cứu tiểu sử Bạch Cư Dị để phân tích và
lý giải các bài thơ.
Nội dung
Chương 1. Hình tượng mùa xuân trong thơ Bạch Cư Dị
Xuân, hạ, thu, đông đã là quy luật muôn thuở của tự nhiên. Mùa xuân không chỉ là sự bắt
đầu của một năm mới, hay sự tái sinh của vạn vật sau những tháng ngày đông giá buốt,
mà còn là một khoảng thời gian tuyệt đẹp để con người trào dâng những cảm xúc mãnh
liệt của mình. Tiết trời mùa xuân trong trẻo, ấm áp; cỏ cây hoa lá đều bước vào chu kỳ
sinh sôi nảy nở, tỏa hương khoe sắc. Đây cũng là quãng thời gian diễn ra những ngày lễ
lớn.
Theo dòng chảy thi ca, hình tượng mùa xuân đã đi vào trong các bài thơ từ xưa đến nay.
Các nhà thơ thời Đường rất ưa chuộng việc lồng ghép các hình ảnh thiên nhiên vào trong
tác phẩm của mình. Và Bạch Cư Dị - một trong những nhà thơ lớn thời đó – cũng không
thể rời xa xu hướng này. Giai đoạn đầu của cuộc đời của Bạch Cư Dị có thể ví như mùa
xuân tươi đẹp – “Xuân phong phất hạm” (Lý Bạch). Bạch Cư Dị sinh ra trong một gia
đình làm quan. Thời thơ ấu của ông không mấy may mắn. Chỉ mấy năm sau ra đời, quê
hương ông xảy ra bạo loạn, người nhà cũng lần lượt qua đời. Tuy nhiên những gian khổ
đó cũng đã không thể ngăn cản tài năng thiên bẩm của ông về văn thơ. Trong gần mười
năm đầu của sự nghiệp, ông thăng quan tiến chức rất nhanh.
Trong số 91 bài thơ của Bạch Cư Dị được chúng tôi nghiên cứu và phân tích, theo danh
mục bảng biểu đính kèm:
 Có 41 bài thơ chứa hình ảnh về mùa xuân;
 Có tổng cộng 13 dấu hiệu nhận biết hình ảnh mùa xuân tất cả, bao gồm từ chỉ thời
gian, thực vật, động vật, hiện tượng tự nhiên và hoạt động con người;
 “Từ chỉ thời gian” có duy nhất 1 dấu hiệu nhận biết, đó là từ “xuân”; “Thực vật”
có 7 dấu hiệu nhận biết như là “hoa đào”, “hoa mai”, “mẫu đơn”, “cây bạch
dương”, “hoa lê”, “liễu”, “mùa hoa”; “Động vật” chỉ có 1 dấu hiệu nhận biết là
“chim én”; “Hiện tượng tự nhiên” có 2 dấu hiệu nhận biết, đó là “tuyết” và “băng
tan hết”; “Hoạt động con người” có 2 dấu hiệu nhận biết, đó là “tiết thanh minh”
và “giấc mộng xuân”;
Có thể thấy, dấu hiệu nhận biết “Thực vật” là đa dạng nhất, tuy nhiên tần suất xuất hiện
nhiều nhất lại là dấu hiệu nhận biết “Từ chỉ thời gian”. Vậy nên cảnh xuân trong thơ của
Bạch Cư Dị có thể được nhận biết một cách rõ ràng và đặc trưng nhất nhờ dấu hiệu “Từ
chỉ thời gian”.
Cũng như những nhà thơ cùng thời khác, khi viết về mùa xuân, Bạch Cư Dị cũng nhắc
đến những sự vật đặc trưng nhất của mùa xuân như nhành liễu, hoa đào hay gió đông,...
Chúng tôi nhận thấy trong các bài thơ có hình tượng mùa xuân, chủ yếu xuất hiện hai
nhóm sắc thái cảnh tượng mùa, đó là cảnh thơ mộng, trữ tình và cảnh tiêu điều, ảm đạm.
Trong đó, cảnh trữ tình, thơ mộng có tần suất xuất hiện nhiều hơn là 29 lần. Còn cảnh
tiêu điều, ảm đạm xuất hiện trong 13 lần.
Cảnh xuân trữ tình, thơ mộng trong thơ Bạch Cư Dị rất đa dạng, nó xuất hiện trong nhiều
hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều tình huống khác nhau. Đầu tiên, cảnh xuân trong thơ
Bạch Cư Dị tràn ngập màu sắc và đẹp như một bức họa, như trong bài “Hàng Châu xuân
vọng”:
望海楼明照曙霞,护江堤白踏晴沙。
涛声夜入伍员庙,柳色春藏苏小家。
红袖织绫夸柿蒂,青旗沽酒趁梨花。
谁开湖寺西南路,草绿裙腰一道斜。
(Vọng hải lâu minh chiếu thự hà,
Hộ giang đê bạch đạp tình sa.
Đào thanh dạ nhập Ngũ Viên miếu,
Liễu sắc xuân tàng Tô Tiểu gia.
Hồng tụ chức lăng khoa thị đế,
Thanh kỳ cô tửu sấn lê hoa.
Thùy khai hồ tự tây nam lộ,
Thảo lục quần yêu nhất đạo tà.)
Bài thơ đã điểm những khung cảnh đặc trưng nhất của mùa xuân Hàng Châu vào một tác
phẩm, giống như vẽ một bức tranh “thưởng xuân Hàng Châu” bằng bút lông ngũ sắc. Bức
tranh không chỉ có màu vàng của nắng, màu trắng của cát, mà còn tràn ngập trong màu
xanh lục của liễu, của cỏ cây và màu xanh ngọc của nước, điểm xuyết bằng hoa lê, váy
đỏ, lụa màu và cờ rượu.
Hay như trong bài thơ “Đông đình nhàn vọng”:
綠桂為佳客
紅蕉當美人
(Lục quế vi giai khách,
Hồng tiêu đương mỹ nhân)
Tác giả đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân rực rỡ, đầy sức sống với màu xanh của hoa
quế và màu đỏ của chuối. Đồng thời ông cũng đã sử dụng phép nhân hóa: quế xanh là
một vị khách, còn chuối đỏ là mỹ nhân, tuy cả hai đứng bên nhau không nói gì nhưng lại
tôn lên vẻ đẹp của nhau, trông vô cùng hòa hợp, thân thiết.
Thứ hai, cảnh xuân trong thơ Bạch Cư Dị tươi vui, nhộn nhịp. Đó có thể là cảnh xuân với
sự đông đúc của phố xá ngày lễ hội, khi người người nô nức sắm sửa, váy áo xúng xính
ra đường như trong bài thơ “Tần trung ngâm kỳ 10: Mãi hoa”:
“喧喧車馬度”
(Huyên huyên xa mã độ)
“相隨買花去”
(Tương tuỳ mãi hoa khứ)
“灼灼百朵紅”
(Chước chước bách đoá hồng,)
“家家習為俗, 
人人迷不悟”
(Gia gia tập vi tục,
Nhân nhân mê bất ngộ.)
Bạch Cư Dị miêu tả rất nhiều cảnh phố chợ Trường An náo nhiệt. Từ các từ láy như
“huyên huyên”, “gia gia”, “nhân nhân”, người đọc có thể hình dung khung cảnh phiên
chợ xuân với từng lớp từng lớp người nô nức, xe ngựa qua lại tấp nập, ai nấy cũng đều
háo hức, nóng lòng ngắm nghía những khóm hoa mẫu đơn rực rỡ. Bức tranh mùa xuân đã
hiện lên một cách tươi vui, đầy sức sống.
Hoặc là cảnh xuân với tiếng chim ca, muông thú đón mừng xuân về, đón một năm mới
tràn ngập niềm hy vọng trong bài thơ “Khuê oán từ kỳ 1”. Nếu trong “Tần trung ngâm kỳ
10: Mãi hoa”, Bạch Cư Dị sử dụng thị giác để quan sát bức tranh xuân náo nhiệt thì trong
“Khuê oán từ kỳ 1”, ông lại sử dụng thính giác để lắng nghe từng âm thanh mùa xuân. 
朝憎鶯百囀
夜妒燕雙棲
(Triêu tăng oanh bách chuyển,
Dạ đố yến song thê)
Mùa xuân thời tiết ấm áp, vạn vật sinh sôi, những đàn chim yến, chim oanh từ cuộc nghỉ
đông trở về kiếm ăn. Tác giả dùng biện pháp phóng đại với từ “bách” để nhấn mạnh có
hàng chục, hàng trăm con chim oanh đang cùng cất tiếng hót chào xuân. Cặp từ “triêu” -
“dạ” (ngày - đêm) như muốn nói tiếng chim hót mừng xuân vang vọng khắp mọi lúc,
không ngừng nghỉ. Dàn đồng ca ấy làm cho bức tranh mùa xuân càng thêm tươi vui, rộn
ràng. Hình ảnh đôi chim yến đậu bên nhau “yến song thê” - tượng trưng của tình yêu, như
điểm lên bức tranh ấy nét trữ tình cùng không khí hạnh phúc.
Thứ ba, cảnh xuân trong thơ Bạch Cư Dị nền nã, lãng mạn và nhẹ nhàng, yên bình. Điển
hình như cảnh đêm xuân trong bài thơ “Cửu bất kiến hàn thị lang, hí đề tứ vận dĩ kí chi”:
“靜吟乖月夜”
(Tĩnh ngâm quai nguyệt dạ)
“春風滿鬢絲”
(Xuân phong mãn mấn ty)
Với hai hình ảnh nhân hóa là “quai nguyệt dạ” ( ánh trăng tinh nghịch) và “xuân phong
mãn mấn ty” (gió xuân vờn mái tóc), khung cảnh đêm xuân không chỉ hiện lên đầy sống
động mà còn mang một màu sắc trữ tình. Nhờ hai tính từ “tĩnh” và “nhàn”, hình ảnh nhà
thơ uống say, nhàn tản và yên bình tận hưởng không gian ánh trăng mùa xuân đã hiện lên
rất rõ trước mắt người đọc.
Như vậy, Bạch Cư Dị đã sử dụng điêu luyện những tính từ, động từ đặc tả trạng thái của
sự vật, hiện tượng, cùng các biện pháp ẩn dụ, nhân hóa để phác họa lên những bức tranh
xuân hoặc là nhiều màu sắc, hoặc là tươi vui nhộn nhịp, hoặc là lãng mạn và yên bình.
Cảnh xuân khi này đa dạng, được thêu dệt từ nhiều chất liệu khác nhau, nhưng đều có
một điểm chung là trữ tình, thơ mộng.
Mùa xuân thường là mùa tươi vui, hạnh phúc, tràn ngập hy vọng. Con người cũng theo
đó mà luôn nhìn thấy cảnh xuân đầy tươi sáng. Nhưng Bạch Cư Dị còn nhìn thấy  cả
những dáng vẻ tiêu điều, ảm đạm của mùa xuân.
寒食誰家哭
風吹曠野紙錢飛
古墓累累春草綠
棠梨花映白楊樹
盡是死生離別處
冥寞重泉哭不聞
蕭蕭墓雨人歸去
(Hàn thực thuỳ gia khốc.
Phong xuy khoáng dã chỉ tiền phi,
Cổ mộ luỹ luỹ xuân thảo lục.
Đường lê hoa ánh bạch dương thụ,
Tận thị tử sinh ly biệt xứ.
Minh mịch trùng tuyền khốc bất văn,
Tiêu tiêu mộ vũ nhân quy khứ)
Khác với khung cảnh vui tươi đầy màu sắc thường thấy, bài thơ “Hàn thực dã vọng
ngâm” có màu sắc trầm buồn, tang thương. Bối cảnh bài thơ là tiết Thanh minh, là thời
điểm những người ở lại nhớ về người đã khuất. Thời nhà Đường, phong tục dọn mộ tiết
Thanh minh rất thịnh hành. Những ngày từ tiết Hàn thực đến tiết Thanh minh, mọi người
sẽ thăm mộ, phát quang dọn dẹp nhằm tưởng niệm và an ủi vong linh người thân dưới
hoàng tuyền. Bao trùm cả bài thơ là cảnh tượng tảo mộ thê lương. Chữ “khoáng” cùng
với cảnh tiền giấy bay lên trên không trung trong câu “Phong xuy khoáng dã chỉ tiền phi”
gợi lên một không gian rộng lớn, làm cho tiếng khóc than người đã khuất như được
khuếch đại. Cặp câu thơ cuối với từ láy tượng hình “minh minh” và từ láy tượng thanh
“tiêu tiêu” trùm lên bài thơ một màu sắc ảm đạm, tiêu điều, vốn là miêu tả cảnh vật
nhưng lại giống như đang nói đến cảm xúc con người.
Cảm xúc của nhân vật trữ tình trước mùa xuân trong thơ của Bạch Cư Dị cũng vô cùng
phong phú, hoặc là cảnh và tình tương thông (28 bài), hoặc là trái ngược (7 bài). 
Mùa xuân là thời điểm khởi đầu của một năm mới, là mùa của lễ hội, nhưng ở một số bài
thơ, nhân vật trữ tình lại thể hiện sự trầm tư, hay những nỗi buồn, nỗi nhớ. Điều đó được
thể hiện qua các tác phẩm như “Tư phụ my”, “Trường An chính nguyệt thập ngũ nhật”,
“Tần trung ngâm kỳ 10: Mãi hoa”, “Dương liễu chi nhị thủ kỳ 1”, “Khuê oán tử kỳ 1”,...
Sau đây chúng tôi sẽ phân tích bài thơ “Tư phụ my” để làm rõ được nét trái ngược giữa
cảnh xuân và tình trong thơ Bạch Cư Dị:
唯餘思婦愁眉結
無限春風吹不開
(Duy dư tư phụ sầu mi kết,
Vô hạn xuân phong xuy bất khai.)
Cảnh thiên nhiên mùa xuân trong “Tư phụ my” như một bức tranh động, nên thơ, trữ
tình, với các nét họa tràn ngập màu sắc và hương thơm. Thế nhưng bức tranh thiên nhiên
tươi đẹp ấy lại không thể hóa giải được nỗi u sầu trên gương mặt người thiếu phụ. Từ “tư
phụ” thể hiện rất rõ tình cảnh của nhân vật trữ tình - người phụ nữ đang mong ngóng
người chồng đang trên chiến trường, cũng thể hiện rất rõ tâm trạng lúc bấy giờ của Bạch
Cư Dị. Bởi trước đó, ông đã bị biếm chức xuống làm Tư mã Giang Châu, đồng thời ông
cũng rất bất mãn trước tình hình triều chính loạn lạc.
Sự đối lập giữa cảnh và tình trong những bài thơ của Bạch Cư Dị về mùa xuân thường
được thể hiện rất rõ ràng và mang tính hiện thực sâu sắc. Tuy số lượng những bài thơ như
vậy không nhiều, nhưng đều là những bài thơ hay và mang đặc trưng riêng của Bạch Cư
Dị. Phong cách thơ của ông chủ trương là giản dị, gần gũi với nhân dân, phản ánh thực tại
xã hội. Đó là lý do vì sao Bạch Cư Dị khá ưa chuộng việc dùng những hình tượng thiên
nhiên mùa xuân tươi đẹp để làm đòn bẩy, nêu bật lên cái tâm trạng đối lập hoàn toàn của
nhân vật trữ tình.
Trong tổng số 41 bài thơ có chứa hình hình ảnh mùa xuân của Bạch Cư Dị, đã có 28 bài
cảnh thiên nhiên và tâm trạng của nhân vật trữ tình tương thông, đồng cảm với nhau.
Điều đó chứng minh cho xu hướng chung trong thơ Bạch Cư Dị là hình tượng mùa xuân
thường tương thông với tâm trạng của nhân vật trữ tình. Điển hình là một số bài thơ như:
“Trường hận ca” hay “Phong vũ vãn bạc”.
“Trường hận ca” là một tác phẩm tiêu biểu, gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Bạch Cư Dị.
Bài thơ kể về mối tình của vua Đường Huyền Tông với Dương Quý Phi, từ khi bắt đầu
đến giây phút lìa xa nhau. Trong bài thơ xuất hiện rất nhiều chữ “xuân”, nhưng những
chữ “xuân” ấy lại có đa dạng các ý nghĩa khác nhau. Ví như trong hai câu thơ: “芙蓉帳
暖度春宵/春宵苦短日高起” (Phù dung trướng noãn độ xuân tiêu/ Xuân tiêu khổ đoản
nhật cao khởi), từ “xuân tiêu” là chỉ khung cảnh đêm mùa xuân, nhưng cũng là ẩn ý cho
những đêm tình nồng ái mặn của Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi. Hay như hình
ảnh “gió xuân” trong câu thơ “ 春風桃李花開日” (Xuân phong đào lý hoa khai nhật),
Đường Huyền Tông nhìn thấy gió thổi lay động những bông hoa đào mà nhớ lại những
ngày tháng khi Dương Quý Phi vẫn còn ở bên, những tháng ngày tình cảm mặn nồng.
Nhân vật trữ tình lúc này hạnh phúc bởi đang chìm đắm trong tình yêu, và người khi yêu
thì đều nhìn mọi thứ với một con mắt lạc quan hơn rất nhiều, thấy mọi vật xung quanh
đều đẹp đẽ.
苦竹林邊蘆葦叢,停舟一望思無窮
青苔撲地連春雨,白浪掀天盡日風
忽忽百年行欲半,茫茫萬事坐成空
此生飄蕩何時定,一縷鴻毛天地中
(Khổ trúc lâm biên lô vĩ tùng, Đình chu nhất vọng tứ vô cùng.
Thanh đài phác địa liên xuân vũ, Bạch lãng hân thiên tận nhật phong.
Hốt hốt bách niên hành dục bán, Mang mang vạn sự tọa thành không.
Thử sinh phiêu đãng hà thời định, Nhất lũ hồng mao thiên địa trung)
Tác giả dùng những hình ảnh như “lô vĩ tùng” (cỏ lau mọc rậm rạp), “liên xuân vũ” (mưa
xuân không ngớt), “Bạch lãng hân thiên tận nhật phong” (các đợt sóng trắng đánh lên tận
trời) và “thanh đài phác địa” (rêu xanh trải đầy mặt đất) để miêu tả cảnh sắc ảm đạm và
không gian mênh mông. Tương thông với cảnh vật ấy là cảm xúc mông lung vô định của
nhân vật trữ tình. Sắc thái tình cảm ấy được thể hiện qua hình ảnh sợi tơ hồng bay vô
định trong không trung, cùng với các tính từ như “bán”, “không”, “hốt hốt”, “mang
mang”, “phiêu đãng”. Nhân vật trữ tình trong bài thơ cảm thán với số phận vô định của
mình, cảm thấy cuộc đời cứ trôi qua một cách mông lung, không có mục tiêu, đồng thời
giãi bày nỗi uất hận, căm ghét bọn quan tham lộng quyền.
Tiểu kết:
Cảnh xuân trong thơ Bạch Cư Dị phần nhiều đều tươi sáng, náo nhiệt và tràn ngập các
sắc màu. Những chất liệu thêu dệt nên mùa xuân trong thơ ông là các hình ảnh cây cối
như “hoa đào”, hoa mai”, các hoạt động của con người như đi chợ mua hoa hay đi tảo mộ
vào tiết Thanh minh,... Các dấu hiệu này rất gần gũi, và người đọc có thể từ đó mà dễ
dàng thấy được mùa xuân trong thơ Bạch Cư Dị. 
Tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong thơ Bạch Cư Dị được bộc lộ vô cùng tinh
tế, nhẹ nhàng. Bạch Cư Dị không trực tiếp thể hiện hẳn ra tâm trạng của nhân vật trữ tình
như thế nào, mà ông ưa việc sử dụng gián tiếp qua các thi liệu về thiên nhiên. Mặc dù đôi
lúc tình cảm nhân vật vẫn được tóm gọn lại một cách đầy súc tích qua một chữ “sầu” hay
“nhàn”, nhưng phải nhờ đến bối cảnh xung quanh, người đọc mới có thể hiểu rõ, hiểu sâu
hơn về tâm trạng, cảm xúc xuyên suốt bài thơ.
Chính xác, Bạch Cư Dị sử dụng hình ảnh mùa xuân trong thơ của mình không chỉ để nói
lên không gian, thời gian, bối cảnh, địa điểm, mà còn mang nhiều ý nghĩa khác. Mùa
xuân của thơ Bạch Cư Dị dù đẹp trữ tình, thơ mộng hay tiêu điều, ảm đạm thì đều có một
mục đích chung - giúp bộc lộ rõ nét tư tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình cũng như tư
tưởng, chủ đề của bài thơ.

You might also like