You are on page 1of 13

Quyền riêng tư và quyền bảo vệ đời sống gia đình

Điều 12 của UDHR


“Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào
đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến
danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật
pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.”
Điều 16 của UDHR
“1. Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết
hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do
chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình
đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly
hôn.
2. Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn
tự do của những người kết hôn.
3. Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và
phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.”
Điều 17 của ICCPR
“1. Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp
pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín,
hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín.
2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ
chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.”
Điều 23 của ICCPR
“1. Gia đình là một tế bào cơ bản và tự nhiên của xã
hội, cần phải được nhà nước và xã hội bảo hộ.
2. Quyền kết hôn và lập gia đình của nam và nữ đến
tuổi kết hôn phải được thừa nhận.
3. Không được tổ chức việc kết hôn nếu không có sự
đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương
lai.
4. Các quốc gia thành viên Công ước phải tiến hành các
biện pháp thích hợp để bảo đảm sự bình đẳng về quyền
và trách nhiệm của vợ và chồng trong suốt thời gian
chung sống và khi ly hôn. Trong trường hợp ly hôn, phải
có quy định bảo đảm sự bảo hộ cần thiết với con cái.”

145
Quyền riêng tư là trọng tâm của khái niệm của quyền tự do và tự chủ cá nhân. Nhiều
vấn đề gây tranh cãi nảy sinh trong bối cảnh tranh tụng về quyền riêng tư, chẳng hạn
như quy định của Nhà nước về các mối quan hệ đồng giới, người chuyển giới và người
liên giới tính, mại dâm, phá thai, tự tử, trở tử, quy tắc ăn mặc và các quy tắc ứng xử
tương tự, trò chuyện riêng tư, hôn nhân và ly hôn, quyền tình dục và sinh sản, kỹ thuật di
truyền, nhân bản và việc tách trẻ khỏi cha mẹ của chúng, liên quan đến các vấn đề đạo
đức và luân lý cơ bản được nhìn nhận theo những cách khác nhau trong các xã hội khác
nhau.
Quyền riêng tư: quyền con người phức tạp và đa chiều
Quyền riêng tư, đôi khi còn được gọi là “quyền được một mình”, đảm bảo:

● tôn trọng sự tồn tại cá nhân của con người, tức các đặc điểm đặc trưng, ngoại hình,
danh dự và uy tín;

● bảo vệ quyền tự chủ của cá nhân, cho phép mỗi người ngừng tham gia cuộc sống
cộng đồng, trở về cuộc sống riêng tư của chính mình để định hình cuộc sống theo
mong muốn và kỳ vọng cá nhân của mỗi người. Một số đảm bảo nhất định về thể chế
ủng hộ khía cạnh này của quyền riêng tư, chẳng hạn như bảo vệ nhà ở, gia đình, hôn
nhân và bí mật thư tín;
● quyền được khác biệt và công khai thể hiện sự khác biệt bằng hành vi trái với những
tiêu chuẩn đạo đức trong một xã hội và môi trường nhất định. Do đó, các cơ quan
chính phủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế phải đối mặt với một nhiệm vụ tế nhị và
khó khăn đó là phải cân bằng giữa quyền riêng tư và lợi ích chung hợp pháp, chẳng
hạn như bảo vệ trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức, các quyền và tự do của người
khác.
Các đoạn tiếp theo đề cập đến các vấn đề nảy sinh liên quan đến quyền riêng tư. Xét về
bản chất gây tranh cãi của hầu hết các vấn đề liên quan, thường không thể đưa ra câu
trả lời khái quát, vì kết luận thường chỉ được đưa ra bằng cách cân nhắc cẩn thận các
lợi ích đối kháng trong từng trường hợp cụ thể, có tính đến các trường hợp đặc biệt
chiếm ưu thế trong một xã hội nhất định.

Các khía cạnh nổi trội của quyền riêng tư

Giữ gìn bản sắc cá nhân và các vấn đề riêng tư

Quyền riêng tư trước hết phải dựa trên sự tôn trọng bản sắc cá nhân, bao gồm tên,
ngoại hình, trang phục, kiểu tóc, giới tính, cảm xúc, suy nghĩ, tôn giáo và những niềm tin
khác. Các quy tắc bắt buộc về trang phục, kiểu tóc hoặc thay đổi tên của một người hay
việc không công nhận thay đổi tên, tôn giáo hoặc giới tính (ví dụ: Nhà nước từ chối thay
đổi đăng ký khai sinh cho người chuyển giới) hoặc bất kỳ hình thức tuyên truyền nào
(“tẩy não”) hay cưỡng chế thay đổi tính cách đều can thiệp vào quyền riêng tư. Sự riêng
tư của một người phải được bảo vệ bằng cách tôn trọng các nghĩa vụ bảo mật được
thừa nhận chung (ví dụ, nghĩa vụ bảo mật của các bác sĩ và linh mục) và đảm bảo bí
mật (ví dụ, trong bỏ phiếu) và bằng cách ban hành luật bảo vệ dữ liệu phù hợp với các
quyền có thể thực thi, cho phép tiếp cận, chỉnh sửa và xóa bỏ dữ liệu cá nhân.

146
Bảo vệ quyền tự chủ của cá nhân
Khái niệm về quyền tự chủ của cá nhân cũng là một phần của quyền riêng tư. Quyền tự
chủ của cá nhân - lĩnh vực đời sống riêng tư trong đó con người cố gắng đạt được sự tự
nhận thức thông qua hành động không can thiệp vào quyền của người khác - là trọng
tâm của khái niệm tự do về quyền riêng tư. Theo nguyên tắc, quyền tự chủ dẫn đến
quyền đối với cơ thể của chính mình, bao gồm sự liên quan đến tình dục và hành vi tình
dục. Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã khẳng định rằng hành vi tình dục đồng thuận
của người trưởng thành có trong khái niệm về quyền riêng tư (Xem vụ Toonen, đoạn
8.2, Ủy ban Nhân quyền). Các tổ chức này cũng phát hiện ra hành vi vi phạm quyền
riêng tư khi việc tiếp cận vào các dịch vụ phá thai hợp pháp bị từ chối và quyết định phá
thai hợp pháp của một phụ nữ bị can thiệp (xem vụ KL kiện Peru, VDA kiện Argentina,
Ủy ban Nhân quyền). Trọng tâm của khái niệm về quyền riêng tư là khả năng các cá
nhân đưa ra quyết định về những lĩnh vực riêng tư nhất trong cuộc sống, bao gồm việc
có quan hệ tình dục hay không, với ai và khi nào; có kết hôn hay không, với ai và khi
nào; có sinh con hay không, với ai và khoảng cách giữa các lần sinh như thế nào; và
cách thể hiện giới tính hoặc tình dục của mỗi người. Bảo vệ quyền tự chủ của cá nhân
cũng bao gồm quyền thực hiện hành động gây tổn hại đến sức khỏe của một người,
gồm cả việc lấy đi mạng sống của chính họ. Tuy nhiên, một số xã hội coi hành vi như
vậy là có hại và nghiêm cấm các biểu hiện của hành vi này (ví dụ: tự tử, an tử thụ động,
sử dụng ma túy, rượu và nicotin).

Số 61 Quyền riêng tư của con người trong thời đại kỹ thuật số

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông đã mở ra cơ hội mới cho
các cá nhân, bao gồm các nghị sĩ, những người bảo vệ nhân quyền và các tổ chức
xã hội dân sự, tham gia vào truyền thông trực tuyến. Tuy nhiên, Internet cũng đã
cho phép các Quốc gia, tập đoàn và những đối tượng khác xâm phạm vào các vấn
đề riêng tư, bao gồm cả việc giám sát hàng loạt và tận dụng nguồn dữ liệu cá nhân
khổng lồ hiện được chuyển giao cho mục đích thương mại và các mục đích khác.
Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân rất quan trọng đối với các nghị sĩ trên toàn thế giới -
những người sử dụng mạng kỹ thuật số để nhận và chia sẻ thông tin ngày càng
nhiều.
Trong báo cáo gửi tới Khóa họp lần thứ 27 của Hội đồng Nhân quyền, OHCHR đã
đề cập “bất kỳ việc thu thập dữ liệu liên lạc nào đều có khả năng can thiệp vào
quyền riêng tư và hơn nữa, việc thu thập và lưu giữ dữ liệu liên lạc có thể dẫn đến
sự can thiệp vào quyền riêng tư dù sau đó những dữ liệu này có được tham khảo
hoặc sử dụng hay không. Ngay cả khả năng thông tin liên lạc đơn thuần bị thu thập
cũng can thiệp vào quyền riêng tư, có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến các quyền,
bao gồm cả quyền tự do biểu đạt và lập hội. Chính sự tồn tại của chương trình
giám sát hàng loạt đã là một sự can thiệp vào quyền riêng tư. Nhà nước sẽ có
trách nhiệm chứng minh rằng sự can thiệp đó không phải là tùy tiện cũng không trái
pháp luật ”(A/HRC/27/37, đoạn 20).
“Chương trình giám sát hàng loạt liên quan đến
các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và
nhiều hình thức biểu đạt công nghệ số khác cấu
147
thành những vi phạm về quyền riêng tư, bao gồm
cả khi việc theo dõi được tiến hành từ ngoài
nước, gây nguy hiểm cho quyền tự do ngôn luận
và thông tin, cũng như các quyền cơ bản khác
của con người, bao gồm cả quyền tự do hội họp
hòa bình và lập hội, từ đó làm suy yếu nền dân
chủ tham gia.”
Dân chủ trong kỷ nguyên công nghệ số và sự đe dọa quyền
riêng tư và các quyền tự do cá nhân. Nghị quyết đã được
Hội đồng IPU lần thứ 133 nhất trí thông qua (Geneva, ngày
21 tháng 10 năm 2015).

Quyền bảo vệ gia đình


Quyền bảo vệ gia đình là một nội dung quan trọng đối với quyền riêng tư. Các bảo đảm
về mặt thể chế pháp luật đối với một gia đình (ví dụ như sự công nhận hợp pháp tình
trạng quan hệ cùng những lợi ích cụ thể có được từ tình trạng quan hệ đó, và quy định
mối quan hệ pháp lý giữa vợ chồng, bạn đời, cha mẹ và con cái, v.v.) nhằm bảo vệ trật
tự xã hội và duy trì các chức năng cơ bản của gia đình (chẳng hạn như sinh sản hoặc
nuôi dạy con cái) - được coi là một phần không thể thiếu đối với sự sống còn của xã hội
- chứ không phải chuyển giao trách nhiệm cho Nhà nước hoặc các thể chế xã hội khác.
Quyền kết hôn và lập gia đình, quyền tình dục và sinh sản, quyền bình đẳng giữa vợ
chồng, bảo vệ quyền làm mẹ và quyền đặc biệt của trẻ em, được quy định trong CRC và
CEDAW, có liên kết trực tiếp đến các bảo đảm về mặt thể chế, pháp luật liên quan đến
gia đình. Cả cha và mẹ đều có quyền và trách nhiệm như nhau trong việc quyết định số
lượng và khoảng cách sinh con; trẻ em có quyền không bị tách khỏi cha mẹ; và cả cha
và mẹ, không phân biệt tình trạng hôn nhân, đều có trách nhiệm chung và quyền ngang
nhau đối với việc nuôi dưỡng và phát triển của con cái. Quyền đoàn tụ gia đình, sắp xếp
và nhận con nuôi là cũng mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Quyền riêng tư dẫn đến quyền bảo vệ đời sống gia đình trước sự can thiệp tùy tiện hoặc
bất hợp pháp, trên hết là bởi các cơ quan chức năng của Nhà nước. Một hình thức can
thiệp vào đời sống gia đình là con cái bị bắt buộc tách biệt khỏi cha mẹ, với lý do cha mẹ
không hoàn thành được nghĩa vụ chăm sóc con cái và đặt trẻ dưới sự giám hộ của Nhà
nước. Sau khi xét xử một số trường hợp, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã phát triển một
số đảm bảo tối thiểu nhất định cho cha mẹ và trẻ em có liên quan, chẳng hạn như tham
gia vào các việc như tố tụng hành chính, rà soát tư pháp và việc giữ liên lạc thường
xuyên giữa cha mẹ và con cái trong thời gian trẻ được nhận nuôi tại các nhà nuôi dưỡng
để cho phép gia đình đoàn tụ. Tương tự như vậy, sau khi ly hôn, giả định chung ở hầu
hết các phạm vi quyền hạn là cả cha và mẹ nên giữ quyền tiếp cận với con cái của họ.

Số 62 Trong luật nhân quyền quốc tế, “gia đình” có nghĩa là gì?
Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền công nhận gia đình là “đơn vị tự nhiên và căn
bản của xã hội”. Gia đình cũng được bảo vệ theo Điều 23 của ICCPR, Điều 10 của
ICESCR, Điều 16 của Hiến chương xã hội châu Âu, Điều 8 của ECHR, Điều 17 của
ACHR và Điều 18 của Hiến chương châu Phi về Con người và Quyền của con
người. Các văn kiện nhân quyền công nhận việc có thể có nhiều loại hình gia đình.
Ngoài quan hệ huyết thống và quan hệ pháp lý (kết hôn, nhận con nuôi, đăng ký
148
quan hệ đồng giới, v.v.), sống thử trước hôn nhân, các mối quan hệ kinh tế, các giá
trị văn hóa và xã hội cụ thể của một xã hội nhất định là những tiêu chí chính được
các cơ chế bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền sử dụng để xác định việc một nhóm tạo
thành một gia đình.

Quyền bảo vệ nhà ở


Bảo vệ nhà ở là một phương diện quan trọng khác của quyền riêng tư bởi nhà ở
mang lại cảm giác thân thuộc, che chở và an toàn, chính vì thế nhà ở tượng trưng
cho nơi cư trú tách bạch khỏi cuộc sống cộng đồng và là nơi một cá nhân có thể định
hình cuộc sống của mình một cách tốt nhất theo nguyện vọng của bản thân mà không
cần phải lo sợ những xáo trộn. Trên thực tế, “nhà ở” không chỉ bao gồm nơi cư trú
thực tế mà còn cho những ngôi nhà hay căn hộ khác bất kể quyền pháp lý (quyền sở
hữu, cho thuê, chiếm hữu hay thậm chí là sử dụng bất hợp pháp) hoặc bản chất sử
dụng (nhà ở chính, nhà nghỉ cuối tuần hay thậm chí bất động sản thương mại). Bất cứ
sự xâm phạm nào vào khu vực coi là “nhà ở” đó mà không có sự chấp thuận của cá
nhân liên quan thì đều thể hiện hành vi can thiệp. Các hình thức can thiệp điển hình
như việc một cảnh sát tìm kiếm để xác định vị trí và bắt giữ đối tượng nào đó hay việc
thu thập các chứng cứ được sử dụng trong tố tụng hình sự. Thế nhưng, đây không
phải là hình thức can thiệp duy nhất. Việc lực lượng an ninh phá hủy nhà cửa bạo lực,
việc cưỡng chế thu hồi tài sản, sử dụng máy thu hình ẩn, thiết bị nghe trộm, giám sát
điện tử hay các loại ô nhiễm môi trường (như tiếng ồn hoặc khói độc hại) đều có thể
cấu thành hành vi can thiệp vào quyền bảo vệ nhà ở. Hành vi can thiệp như vậy chỉ
được phép xảy ra nếu tuân thủ luật trong nước và không được tuỳ tiện thực thi, tức là
phải có một mục đích cụ thể và phù hợp với nguyên tắc cân xứng. Việc khám xét, thu
giữ và giám sát của lực lượng cảnh sát thường chỉ được cho phép khi có lệnh bằng
văn bản của tòa án và không được lạm dụng hoặc tạo ra xáo trộn ngoài việc hướng
tới một mục đích cụ thể, chẳng hạn như việc bảo đảm bằng chứng.

Số 63 Giới hạn về sự can thiệp Nhà nước vào cuộc sống gia đình liên quan
đến luật và chính sách nhập cư, trục xuất và dẫn độ
Mặc dù không có một quyền chung nào dành cho những người không quốc tịch
nhập cảnh và cư trú tại một quốc gia, các chính sách về việc tùy tiện nhập cư và
phân biệt đối xử có thể vi phạm quyền đoàn tụ và bảo vệ gia đình. Khi một người
không quốc tịch sống ở một quốc gia càng lâu, đặc biệt là sau khi họ đã lập gia
đình ở đó, thì các lý lẽ của chính phủ càng phải mạnh mẽ hơn để chứng minh cho
việc trục xuất người đó là xác đáng. Ủy ban Nhân quyền nhấn mạnh rằng ICCPR
bảo vệ quyền được sống chung của các gia đình trong Bình luận chung Số 15
(1986) về vị trí của người ngoại quốc theo Công ước. Hơn nữa, trong đoạn 5 của
Bình luận chung Số 19 (1990) về quyền bảo vệ gia đình, quyền được kết hôn và
bình đẳng giữa vợ và chồng, Uỷ ban đã nêu rằng “việc có thể sống chung bao hàm
sự áp dụng các biện pháp thích hợp ở cả cấp độ nội bộ và tuỳ vào từng trường
hợp mà có thể hợp tác với các Quốc gia khác, để đảm bảo sự đoàn kết hoặc đoàn
tụ của các gia đình, đặc biệt là khi các thành viên trong gia đình bị chia cắt do các
vấn đề chính trị, kinh tế và các nguyên nhân tương tự.”

149
Trong phán quyết của vụ Francesco Madafferi kiện Australia (Thông báo số
1011/2001), Ủy ban Nhân quyền cho rằng “Trong trường hợp hiện tại, Uỷ ban xem
xét thấy rằng quyết định của quốc gia thành viên nhằm trục xuất người cha trong
một gia đình có bốn đứa trẻ vị thành niên và việc buộc gia đình của họ đưa ra lựa
chọn xem những đứa trẻ này nên đi cùng người cha hay ở lại quốc gia đó được coi
là hành vi ‘can thiệp’ gia đình, ít nhất là trong cả hai trường hợp nêu trên sẽ có
những thay đổi đáng kể đối với cuộc sống gia đình ổn định lâu dài.”

Quyền bảo vệ bí mật thư tín


Mặc dù thuật ngữ “thư tín” ban đầu được dùng để chỉ các bức thư viết tay, nhưng hiện
nay cũng bao gồm các hình thức liên lạc từ xa: điện thoại, thư điện tử hay các phương
tiện cơ học, điện tử khác. Bảo vệ thư tín có nghĩa là tôn trọng bí mật của các phương
thức liên lạc đó. Bất kì hành vi thu giữ, kiểm duyệt, kiểm tra, ngăn chặn hoặc công khai
thư tín cá nhân đều cấu thành hành vi can thiệp. Các hình thức can thiệp phổ biến nhất
đó là các biện pháp giám sát do các cơ quan Nhà nước bí mật thực hiện (bóc mở thư,
giám sát các cuộc điện đàm và chặn thư điện tử, v.v.) nhằm mục đích thực thi lý công lý,
ngăn chặn tội phạm (ví dụ: thông qua việc kiểm duyệt thư tín của người bị giam giữ)
hoặc chống khủng bố. Đối với trường hợp khám xét nhà ở, việc can thiệp vào thư tín
phải tuân theo luật pháp trong nước và quốc tế (tức là tuân theo nguyên tắc chung, cần
phải có lệnh của tòa án để thực thi) và với các nguyên tắc cân xứng và cần thiết.

Số 64 Quyền riêng tư và cuộc chiến chống khủng bố

Luật được thi hành trong những năm gần đây ở một số quốc gia nhằm mở rộng
quyền hạn của cảnh sát và dịch vụ an ninh để chống tội phạm, bao gồm cả khủng
bố, đặc biệt gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư. Thế nhưng, ngay cả những khuôn
khổ pháp lý này cũng đã bị suy yếu do việc các mạng lưới cơ quan tình báo xuyên
quốc gia phối hợp với các hoạt động giám sát nhằm vượt mặt các biện pháp bảo
vệ do các chế độ pháp lý trong nước cung cấp. Ngoài việc mở rộng quyền hạn cơ
bản của cảnh sát như khám xét, bắt giữ và giám sát mục tiêu (thường không có sự
cho phép trước của tòa án), các mối quan tâm về nhân quyền đã phát sinh, đặc
biệt liên quan đến việc sàng lọc hàng loạt, quét, xử lý, kết hợp, đối sánh, lưu trữ và
giám sát dữ liệu cá nhân, chẳng hạn như các phương pháp tự động lấy dấu vân
tay, mẫu máu và DNA từ các nhóm đối tượng, mà điều này có thể được lựa chọn
thông qua việc lập hồ sơ cũng như mức độ minh bạch tối thiểu liên quan đến các
chính sách, luật và các hoạt động này.
Ở lĩnh vực này (trong mối liên hệ với các quyền con người khác như quyền tự do
cá nhân và quyền được xét xử công bằng), các thành viên của quốc hội là người
chịu trách nhiệm chính: họ phải đảm bảo rằng mọi sự mở rộng quyền hạn của cảnh
sát và năng lực tình báo, nếu thực sự cần thiết, cần phải diễn ra:
● một cách minh bạch và dân chủ;
● có thái độ tôn trọng với các quy tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế;
● không làm giảm sút các giá trị của một xã hội tự do, dân chủ: quyền tự
do cá nhân, quyền riêng tư và pháp quyền.
150
Các thành viên của quốc hội cũng đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc đảm bảo
công việc giám sát cảnh sát và các cơ quan tình báo được thực hiện đầy đủ và độc lập,
đặc biệt trong bối cảnh đang xảy ra các cuộc giám sát hàng loạt và việc thi hành luật,
chính sách và biện pháp có liên quan tới những tổ chức này.

Quyền tự do đi lại
Điều 13 của UDHR quy định
“1. Mọi người có quyền tự do đi lại và cư trú trong
phạm vi lãnh thổ Quốc gia.
2. Mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể
cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình.”
Điều 12 của ICCPR quy định
“1. Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một Quốc
gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú
trong phạm vi lãnh thổ Quốc gia đó.
2. Mọi người đều có quyền tự do rời khỏi bất kỳ nước
nào, kể cả nước mình.
3. Những quyền đề cập trên đây sẽ không phải chịu bất
kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần
thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức
khoẻ hoặc các giá trị đạo đức xã hội hay các quyền tự do
của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác
được Công ước này công nhận.
4. Không ai bị tước đoạt một cách tuỳ tiện quyền được
trở về mình.”
Điều 13 của ICCPR quy định
“Một người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ
một quốc gia thành viên Công ước chỉ có thể bị trục
xuất khỏi nước đó theo quyết định phù hợp với pháp
luật, và trừ trường hợp có yêu cầu khác xuất phát từ lý
do chính đáng về an ninh quốc gia; người bị trục xuất
phải được phép đệ trình những lý lẽ phản đối việc trục
xuất, được yêu cầu nhà chức trách có thẩm quyền, hay
một hoặc những người mà nhà chức trách có thẩm
quyền đặc biệt cử ra, xem xét lại trường hợp của mình,
và được có đại diện khi trường hợp của mình được xem
xét lại.”

151
Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người và ICCPR bảo vệ quyền của bất cứ ai cư trú
hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều được tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư
trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó. Quyền này cần được bảo vệ khỏi sự can thiệp
của nhà nước và tư nhân.
Quyền tự do đi lại của người không quốc tịch cư trú ở một Quốc gia
Với việc quyền tự do đi lại chỉ áp dụng với những ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của
một Quốc gia, chính phủ có thể áp đặt các giới hạn đối với việc nhập cảnh của người
không quốc tịch. Việc cư trú của người không quốc tịch trên lãnh thổ của một Quốc gia
có được coi là “hợp pháp” hay không còn phụ thuộc vào luật của Quốc gia đó, luật này
có thể nêu rõ những giới hạn đối với việc nhập cảnh. Một người không có quốc tịch
được coi là cư trú hợp pháp khi họ đáp ứng đủ nghĩa vụ quốc tế của Quốc gia đó.
Những người không quốc tịch nhập cảnh trái phép nhưng được hợp thức hoá sau đó thì
được coi là cư trú hợp pháp trong lãnh thổ quốc gia. Khi một người cư trú hợp pháp
trong lãnh thổ một nước, mọi hạn chế và đối xử khác biệt với cá nhân đó so với công
dân nước đó phải được chứng minh dựa trên các nguyên tắc quy định ở khoản 3 Điều
12 của ICCPR.
Một ví dụ của các giới hạn áp đặt lên người không quốc tịch được thể hiện trong trường
hợp của ông Celepli kiện Thụy Điển trước Ủy ban Nhân quyền (1994). Ông Celepli là
một người Thổ Nhĩ Kỳ gốc Kurd hiện đang sinh sống ở Thụy Điển, đã được lệnh yêu cầu
rời khỏi quốc gia này do nghi ngờ có liên quan tới các hoạt động khủng bố. Lệnh yêu
cầu trên đã không được thực hiện bởi các nhà chức trách Thụy Điển cho rằng ông
Celepli có nguy cơ bị ngược đãi ở Thổ Nhĩ Kỳ; cho nên ông ấy được phép tiếp tục ở lại
Thụy Điển với điều kiện là phải sinh sống ở một khu tự trị nhất định và phải báo cáo
thường xuyên với cảnh sát. Ủy ban Nhân quyền khẳng định rằng những hạn chế về
quyền tự do đi lại này không bị coi là vi phạm khoản 3 Điều 12 của ICCPR.
Quyền tự do rời khỏi một quốc gia
Khoản 2 Điều 12 của ICCPR quy định rằng tất cả mọi người (công dân và người không
quốc tịch, và thậm chí những người định cư trái phép tại một nước) đều có quyền tự do
rời khỏi Quốc gia đó. Quyền này áp dụng cho cả những chuyến du lịch nước ngoài ngắn
và dài hạn cũng như di cư (vĩnh viễn và tạm thời). Việc áp dụng quyền này không nên
phụ thuộc vào mục đích và thời gian mà cá nhân dự định ở lại nước ngoài.
Quyền này đặt ra những nghĩa vụ cho cả Quốc gia nơi cư trú và Quốc gia mang quốc
tịch. Chẳng hạn, Quốc gia mang quốc tịch phải cấp giấy thông hành và hộ chiếu cho mọi
công dân đang sinh sống trong và ngoài nước. Việc một Quốc gia từ chối việc cấp hộ
chiếu hay yêu cầu người dân phải có thị thực xuất cảnh thì mới được rời khỏi Quốc gia
đó được coi là hành vi can thiệp vào quyền tự do đi lại, và điều này rất khó để bào chữa.
Hơn nữa, trong Bình luận chung số 27 của Ủy ban Nhân quyền năm 1999 về quyền tự
do đi lại, đã nêu: “Khi kiểm tra các bản báo cáo của Quốc gia, Ủy ban đã nhiều lần phát
hiện ra các biện pháp được áp dụng nhằm cản trở việc phụ nữ đi lại tự do hoặc rời khỏi
đất nước đó bằng việc yêu cầu người phụ nữ phải có sự chấp thuận hoặc hộ tống của
đàn ông. Các biện pháp này được coi là đã vi phạm Điều 12.”

152
Số 65 Các rào cản đối với quyền tự do đi lại: các ví dụ

Trong đoạn số 17 của Bình luận chung số 27 (1999), Ủy ban Nhân quyền lưu ý
rằng quyền tự do đi lại thường phải chịu những rào cản được liệt kê dưới đây,
khiến việc đi lại trong nước hoặc giữa các quốc gia trở nên khó khăn hoặc không
thể thực hiện được. Các nghị sĩ có thể muốn phản đối các biện pháp như vậy.
Di chuyển trong nước
• Có nghĩa vụ xin giấy phép đi lại trong nước
• Có nghĩa vụ xin phép thay đổi nơi cư trú
• Có nghĩa vụ xin chính quyền địa phương nơi đến
• Trì hoãn về mặt hành chính trong việc xử lý các đơn từ
Di chuyển đến một quốc gia khác
• Hạn chế khả năng tiếp cận với các cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin liên
quan đến các yêu cầu
• Yêu cầu nộp các mẫu đơn đặc biệt để có được các mẫu đơn chính thức xin cấp
hộ chiếu
• Yêu cầu cung cấp bản kê khai chi tiết kèm theo của người sử dụng lao động
hoặc người thân
• Đòi hỏi phải mô tả chính xác về lộ trình đi lại
• Phí cấp hộ chiếu cao
• Trì hoãn trong việc cấp các giấy tờ đi lại
• Áp đặt những hạn chế đối với các thành viên gia đình trong việc đi lại với nhau
• Đòi hỏi khoản bảo lãnh hồi hương thông qua đặt cọc hoặc vé khứ hồi
• Đưa ra những đòi hỏi về việc phải có giấy mời từ nước đến
• Gây ra những phiền nhiễu với người nộp đơn

Hạn chế
Quyền tự do đi lại sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật
định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo
đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác (Điều 12, Khoản 3 ICCPR quy định).
Theo Ủy ban Nhân quyền, trong đoạn 16 của Bình luận chung số 27 (1999), các yêu
cầu này sẽ không được đáp ứng, ví dụ: “Không cho phép một người ra nước ngoài vì
cho rằng người này nắm giữ "các bí mật của nhà nước", hoặc ngăn cản một cá nhân đi
lại trong nước với lý do không có giấy phép cụ thể”. Mặt khác, Ủy ban xác định một số
hạn chế được coi là thích đáng, bao gồm giới hạn việc đi lại vào những khu vực quân
sự vì lý do an ninh quốc gia hoặc những giới hạn về quyền tự do cư trú ở những nơi có
cộng đồng thiểu số hoặc bản xứ sinh sống.
153
Số 66 Ban hành và giám sát thực hiện các hạn chế
Xây dựng luật pháp
Khi thông qua những luật đưa ra các hạn chế theo Khoản 3, Điều 12 ICCPR, chính
quyền các quốc gia phải luôn tuân thủ nguyên tắc, theo đó, các hạn chế phải không
làm tổn hại đến bản chất của các quyền. Luật phải quy định các tiêu chí rõ ràng cho
các hạn chế, phải được thực hiện một cách khách quan - và tôn trọng nguyên tắc
cân xứng; các hạn chế phải phù hợp, ít xâm phạm nhất có thể, và phải cân xứng
với lợi ích được bảo vệ.
Thực hiện
Nếu một Quốc gia quyết định áp đặt các hạn chế thì các hạn chế này phải được
quy định trong luật. Các hạn chế không được pháp luật quy định và không phù hợp
với Khoản 3 Điều 12 của ICCPR đều vi phạm quyền tự do đi lại. Hơn nữa, các hạn
chế phải phù hợp với những quyền khác được quy định trong ICCPR và với những
nguyên tắc về bình đẳng và không phân biệt đối xử.

Quyền được nhập cảnh vào quốc gia của mình


Khoản 4 Điều 12 của ICCPR quy định rằng một người có quyền ở lại đất nước của mình
và quay trở về nước sau khi đã rời đi, có thể nhập cảnh vào một quốc gia trong lần đầu
tiên (nếu người đó sinh ra ở nước ngoài nhưng mang quốc tịch của quốc gia này). Đối
với những người tị nạn tìm cách tự nguyện hồi hương, quyền được trở về là đặc biệt
quan trọng.
Cụm từ “quốc gia của một người” chủ yếu đề cập chủ yếu đến công dân của quốc gia
đó. Trong một số trường hợp ngoại lệ, những người không quốc tịch đã cư trú tại một
quốc gia trong thời gian rất dài hoặc những người nhập cư thế hệ thứ hai được sinh ra ở
quốc gia đó có thể coi nơi họ cư trú là quốc gia “của riêng họ”.

Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo


Điều 18 của UDHR
“Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và
tôn giáo; bao gồm tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn
giáo của mình và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo
của mình bằng những hình thức như truyền giảng, thực
hành, thờ phụng và tuân thủ các nghi lễ, dưới hình thức
cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng
tư.”
Điều 18 của ICCPR
“1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm
và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo
một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn và tự
do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc
trong cộng đồng với những người khác, công khai
154
hoặc kín đáo,dưới các hình thức như thờ phụng, cầu
nguyện, thực hành và truyền giảng.
2. Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến
quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín
ngưỡng của họ.
3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị
giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để
bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã
hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người
khác.
4. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng
quyền tự do của các bậc cha mẹ và của những người
giám hộ hợp pháp nếu có, trong việc giáo dục về tôn
giáo và đạo đức cho con cái họ theo ý nguyện của riêng
họ.”
Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo sẽ không bị hạn chế thậm chí trong tình
trạng khẩn cấp, được biết đến là thế giới nội tâm, ví dụ như quyền hình thành suy nghĩ,
ý kiến, lương tâm, tín ngưỡng và niềm tin của riêng một người, là quyền tuyệt đối được
bảo vệ chống lại bất kỳ hình thức can thiệp nào của Nhà nước, chẳng hạn như tuyên
truyền (“tẩy não”). Tuy nhiên, việc thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng nơi công cộng có
thể bị hạn chế vì những lý do chính đáng.
Các thuật ngữ “tôn giáo” và “tín ngưỡng” nên được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm
các tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống cũng như phi truyền thống. Quyền tự do có
hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng bao gồm quyền tự do lựa chọn tín ngưỡng
hoặc tôn giáo khác, điều này có thể dẫn đến việc thay thế một tôn giáo hoặc tín
ngưỡng trước đây bằng một tôn giáo hoặc tín ngưỡng khác, hoặc áp dụng quan
điểm vô thần hoặc duy trì tôn giáo hoặc tín ngưỡng của một người.
Nghiêm cấm sự ép buộc
Không ai bị ép buộc bằng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc các chế tài
hình sự để chấp nhận, tuân theo hoặc không theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng cụ
thể. Việc cấm cũng được áp dụng đối với các chính sách hoặc biện pháp có tác dụng
tương tự. Ủy ban Nhân quyền tuyên bố trong bình luận chung số 22 (1993), đoạn 5,
các chính sách hoặc thi hành như “những chính sách hạn chế tiếp cận giáo dục, chăm
sóc y tế, việc làm hoặc các quyền được đảm bảo bởi Điều 25 và các quy định khác
của Công ước đều không tuân theo Điều 18.2. Những người thuộc tất cả những tín
ngưỡng mang tính chất phi tôn giáo đều được hưởng sự bảo vệ tương tự.”
Bày tỏ một tôn giáo hoặc tín ngưỡng
Trong đoạn 4 của bình luận chung số 22 (1993), Ủy ban Nhân quyền tuyên bố “Quyền
tự do bày tỏ tôn giáo hay tín ngưỡng có thể được thực thi một cách cá nhân hoặc cùng
với cộng đồng tại nơi công cộng hay ở chỗ riêng tư”. Ủy ban tiếp tục nhấn mạnh rằng
khái niệm “bày tỏ” của tôn giáo hoặc tín ngưỡng là rất rộng. Nó bao gồm:
● thờ cúng: bao gồm những hoạt động lễ nghi, xây dựng những nơi thờ cúng, sử
dụng các hình thức và vật cúng nghi lễ, trưng bày các biểu tượng, theo dõi các lễ
hội và các ngày nghỉ lễ
155
● tuân thủ: thực hiện các nghi lễ, áp dụng các quy định về chế độ ăn uống, mặc
quần áo hoặc mũ đội đầu đặc biệt, và sử dụng một ngôn ngữ cụ thể;
● thực hành và truyền giảng: lựa chọn các nhà lãnh đạo tôn giáo, linh mục và
người truyền giảng, thành lập các chủng viện hoặc trường học tôn giáo, và xuất
bản hoặc phân phối các văn bản hoặc ấn phẩm tôn giáo.
Vì sự bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng của một người cần được áp dụng, nó có thể ảnh
hưởng đến việc thực hiện các quyền của người khác và trong một số trường hợp
nghiêm trọng thậm chí gây nguy hại đến an ninh, trật tự và sức khỏe công cộng. Vì vậy,
theo khoản 3 Điều 18 của ICCPR, quyền bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng có thể bị giới
hạn.
Giới hạn về việc bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng
Quyền tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo bị giới hạn trong những điều kiện cụ
thể và chỉ được phép nếu đáp ứng các điều kiện dưới đây:
● do pháp luật quy định;
● cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng, đạo đức hoặc
các quyền và tự do cơ bản của người khác.
Một ví dụ về căn cứ hợp pháp cho việc hạn chế quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín
ngưỡng của một người là khi sự bày tỏ đó nhằm bạo động chiến tranh hoặc cổ xúy
cho sự căm thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo dẫn đến sự cổ xuý, xúi giục sự
phân biệt đối xử, thù địch hoặc bạo lực.

Số 67 Lệnh cấm các biểu tượng tôn giáo công khai trong các trường học ở
Pháp
Tranh cãi về một đạo luật của Pháp được ban hành vào năm 2004 cho thấy mức
độ nhạy cảm về vấn đề đặt giới hạn cho sự bày tỏ về tôn giáo hoặc tín ngưỡng.
Một dự luật đã được đa số thành viên quốc hội thông qua nhằm cấm các biểu
tượng tôn giáo công khai khỏi các trường học công ở Pháp. Luật đã được nhiều
người coi là nhắm vào khăn trùm đầu của người Hồi giáo, mặc dù lệnh cấm cũng
bao gồm mũ đầu lâu của người Do Thái và cây thánh giá lớn của Cơ đốc giáo.
Trong khi Quốc hội và Chính phủ Pháp biện minh cho đạo luật này bằng cách viện
dẫn nguyên tắc thế tục (tách biệt nghiêm ngặt giữa Nhà nước và tôn giáo) và nhu
cầu bảo vệ những phụ nữ Hồi giáo khỏi sự phân biệt giới tính, nhiều nhóm nhân
quyền cho rằng lệnh cấm này vi phạm quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng và coi
lệnh cấm này là sự ép buộc. Và theo Khoản 2 Điều 18 của ICCPR, sự ép buộc này
bị nghiêm cấm.

Giáo dục đạo đức và tôn giáo


Khoản 4 Điều 18 của ICCPR yêu cầu các Quốc gia phải tôn trọng quyền tự do của các
bậc cha mẹ, và của những người giám hộ hợp pháp trong việc giáo dục về đạo đức và
tôn giáo cho con cái theo ý nguyện của riêng họ.
Việc bắt buộc giáo dục về tôn giáo hoặc đạo đức trong các trường công lập nếu tôn
156
giáo đó được truyền bá một cách có mục đích và đa nguyên (ví dụ là một khóa học về
lịch sử tổng quan về tôn giáo và đạo đức) là tương thích với điều khoản này. Nếu một
tôn giáo được truyền bá trong trường học, các quy định về miễn trừ hoặc thay thế không
mang tính phân biệt đối xử phải được quy định để đáp ứng mong muốn của tất cả các
bậc cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.

157

You might also like