You are on page 1of 3

2 KHỔ ĐẦU TRÀNG GIANG

Nếu như Xuân Diệu là thi sĩ của niềm ám ảnh thời gian thì Huy Cận lại là nhà thơ của nỗi
khắc khoải không gian. Những cung bậc cảm xúc, những mong ước thầm kín được thi nhân
khắc hoạ qua cảnh sắc đượm buồn chung quanh. Độc giả luôn cảm nhận được tâm trạng của
ông qua các bài thơ ông sáng tác. "Tràng Giang" - một tác phẩm không thể không kể đến, một
tác phẩm kiến người đọc phải bồi hồi trong cảm xúc của tác giả. Tâm trạng ấy được thể hiện rõ
nhất ở hai khổ thơ đầu tiên của bài thơ.
Huy Cận, tên khai sinh là Cù Huy Cận, quê làng Ân Phú, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông tích
cực hoạt động trong mặt trận Việt Minh và được bầu vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng toàn
quốc. Trước Cách mạng, Huy Cận là nhà thơ lãng mạn, thơ ông là niềm khắc khoải, giàu chất
suy tưởng triết lí. Sau đó, ông chuyển thành nhà thơ cách mạng, tìm thấy sự hoà điệu giữa con
người và xã hội. “Tràng Giang” in trong tập “Lửa thiêng”, được viết vào mùa thu năm 1939 và
viết theo thể thơ Mới bảy chữ. Hai khổ thơ đầu là nỗi buồn cô đơn trước tạo vật mênh mông,
hoang vắng.
Nhan đề bài thơ là từ Hán Việt "Tràng giang", hai từ này nghĩa là "sông dài", thật gợi
hình gợi cảm tạo nên một không gian cổ kính, trang trọng. Thêm vào đó, điệp vần "ang" đã tạo
nên một âm vang xa mà rộng, mà dài, kéo mãi gợi nên một không gian bao la rộng lớn. Cùng
với nhan đề, đề tựa của bài thơ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" đã thâu tóm được mạch
cảm xúc chủ đạo, gợi ra nét nhạc chủ âm cho cả bài thơ. Sông nước mênh mông đã khát quát
lên tâm trạng cô đơn, nhỏ bé của con người. Sự đối lập đó tạo nên nỗi buồn của con người
trước thiên nhiên, vũ trụ bao la.
Hình ảnh dòng sông hiện lên có sự xen lẫn của tạo vật và tâm tình làm cho câu thơ có
sức gợi hơn là tả:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”
Một câu thơ chỉ vỏn vẹn có bảy chữ mà đã miêu tả được bao quát khung cảnh rộng lớn
cùng với cảm xúc trong lòng tác giả. Câu thơ đầu nhắc lại tựa đề, điệp vần “ang” góp phần tạo
nên dư âm vang xa, diễn tả con sông không chỉ dài mà còn rộng. “Sóng gợn” theo kiểu “sóng
biếc theo làn hơi gợn tí” của Nguyễn Khuyến cứ lan toả nhẹ nhàng làm cho “trang giang” thêm
rộng ra. Nhưng đấy chỉ là hiện tượng vật lí, sẽ chẳng mang tâm trạng nào nếu như không có
cảm xúc “buồn” của con người. Vì thế, biện pháp nhân hoá và từ láy “điệp điệp” còn làm
không gian thêm buồn hơn, những lớp sóng nối tiếp nhau không dứt, nó đẩy vào lòng người
một nỗi buồn dai dẳng không ngừng.
Từ góc nhìn xa, bao quát, tác giả chuyển đến một điểm nhìn cụ thể:
“Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”
Vốn tưởng sự xuất hiện của con thuyền sẽ mang đến chút hơi thở của sự sống, nhưng
trái lại càng thêm càng thêm nỗi buồn thê lương. Con thuyền đã nhỏ nhoi lại còn rơi vào trạng
thái “xuôi mái”, buông bỏ cho dòng nước đẩy đưa. Huy Cận đã khéo léo dùng nghệ thuật lấy
động tả tĩnh, con thuyền tưởng như đang vận động, song thực tế lại hoàn toàn bất động. Theo
lẽ tự nhiên, “thuyền” và “nước” là hai vật thể không thể tách rời, nhưng qua cái nhìn của Huy
Cận, chúng lại chia lìa nhau. Nó như phá vỡ quy luật thường tình khi có sự xuất hiện của “về -
lại” gợi sự chia ly, không chung hướng. Phải chăng sự phi logic trong câu là nỗi lo âu, lạc lõng
của chính tác giả? Đó cũng chính là nghệ thuật đối được thi nhân vận dụng linh hoạt giữa
“thuyền về - nước lại” hay “sóng gợn – con thuyền xuôi mái”. Nhấn mạnh sự lẻ loi của con
thuyền và phát triển sự chia lìa của cảnh vật nhằm tô đậm hơn mối “sầu trăm ngả”, mối sầu
“dằng dặc” toả khắp bốn phương đất trời.
Tràng Giang vừa phảng phất âm hưởng Á Đông vừa có nét hiện đại ở hình ảnh, thi liệu
rất lạ:
“Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Có thể nói rằng đây là một câu thơ "đắt" nhất của khổ đầu. “Củi” là cái tầm thường, nhỏ
nhoi và ít được đưa vào thơ ca. Nhưng dưới cái nhìn của Huy Cận, nó trở nên thật gợi hình gợi
cảm. Đó là hình ảnh ẩn dụ cho thân phận con người đang trôi dạt giữa sóng gió dòng đời, là
tâm trạng bơ vơ của tác giả cũng như của biết bao người đang lạc mình trong thời kỳ mất
nước. Như vậy, với nghệ thuật đối của thơ Đường, thanh điệu hoán vị bằng trắc đều đặn đã
tạo nên tiết tấu chậm rãi, trầm buồn. Khổ thơ đầu là ngoại cảnh của dòng sông tâm hồn, của
nỗi buồn trải ra cùng lớp sóng.
Trước thiên nhiên rộng lớn, nhà thơ mong tìm những nơi chốn tụ họp của con người,
ông nhìn đến những cồn cát:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”
Huy Cận không nhìn thấy những cồn cát lớn, mà lại thấy những cái cồn nhỏ nhoi, lạc
lõng "lơ thơ", tạo cảm giác ít ỏi, nhẹ tênh. Những tưởng Huy Cận tả cồn cát mà như tả một
cành liễu phất phơ trước gió vậy. Thêm chút "gió đìu hiu", lại càng khiến không gian trở nên
hoang vắng, hiu hắt hơn cả, gió ở bến sông mà chỉ tới mức "đìu hiu" thì ảm đạm quá. Từ láy ấy
là sự kế thừa và sáng tạo bút pháp của Chinh phụ ngâm. Chính Huy Cận đã cho biết rằng ông
viết dòng thơ này với sự ảnh hưởng từ thơ của Đặng Trần Côn:
"Non Kì quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”
Cả hai câu thơ đều cùng gợi lên nỗi buòn bã, quạnh vắng, cô đơn tột độ.
Câu thơ thứ hai càng tô đậm thêm nét tĩnh lặng của cảnh vật: “Đâu tiếng làng xa vãn
chợ chiều”. Câu thơ có hai cách hiểu, một là đâu đây vẳng lại tiếng chợ chiều, hai là đâu có
tiếng làng xa vãn chợ chiều. Nhưng dù hiểu theo nghĩa nào thì không gian ở đây cũng mang vẻ
vắng lặng cô tịch. Có tiếng chợ đấy nhưng xa lắm, chỉ lờ mờ, thấp thoáng mà thôi và Huy Cận
vẫn cô đơn, lẻ loi tại bến sông này. Nghệ thuật lấy động chế tĩnh thật hay và thật tài tình: lấy
cái tiếng vãn chợ tận "làng xa" nào ấy đem vào không gian rộng lớn này, điều ấy càng nhấn
mạnh thêm cái hoang vắng, bốn bề tĩnh lặng của bến sông Hồng.
Đến hai câu sau, không gian tràng giang được mở ra ba chiều đến mênh mông, vô tận:
“Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu”
Không gian như mở rộng hết chiều kích thước: “nắng xuống – trời lên” kết hợp với cụm
từ lạ hoá “sâu chót vót” làm người ta liên tưởng đến hình ảnh từng vạt nắng từ trên cao rọi
xuống đáy sông với cái chót vót khi nhìn lên đỉnh trời, gợi cái thăm thẳm của vũ trụ. Chỉ một
câu thơ đơn giản vậy thôi nhưng Huy Cận đã đem vào đó cái không gian rộng lớn, bao la và
riêng mình thi sĩ cô độc trong cái khoảng không ấy. Quả thực lời nhận định Huy Cận là nhà thơ
có nỗi ám ảnh với không gian sâu sắc là không sai chút nào, bởi nếu không có cái cảm xúc nhạy
cảm như vậy thì làm sao lại có những vần thơ tuyệt diệu về không gian như vậy.
Kết lại đoạn thơ, là câu thơ dường như là nhận định của tác giả "Sông dài, trời rộng, bến
cô liêu". Đúng vậy trời càng rộng sông càng dài thì cảnh vật càng trở nên vắng lặng, bờ bến
càng trở nên nhỏ bé, lẻ loi. Nỗi buồn của nhân vật trữ tình đã lan rộng khắp không gian, cả
chiều cao, chiều dài và cả chiều rộng khiến cho cảnh vật đã hoang vắng lại còn “cô liêu”. Đúng
như lời Nguyễn Du trong Kiều: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?", đó là nỗi buồn thế sự,
buồn cho thân phận nổi trôi vô định giữ thời buổi rối ren Tây ta lẫn lộn, là nỗi buồn chung cho
cả một xã hội Việt Nam thời bấy giờ.
Hai khổ thơ đầu của “Tràng Giang” là dung hoà của nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc.
Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp cổ điển và hiện đại. Cổ điển ở thể thơ, cách đặt
nhan đề, bút pháp “tả cảnh ngụ tình”. Còn hiện đại trong việc xây dựng thi liệu, phơi bày “cái
tôi”. Bên cạnh đó, các biện pháp tu từ như từ láy, nhân hoá, ẩn dụ, từ ngữ mang dấu ấn riêng
cũng góp phần khắc hoạ hình ảnh con người cô đơn đến tột cùng trong vũ trụ bao la.
Tóm lại, hai khổ thơ đầu là tâm trạng buồn bã, là sự lẻ loi, cô độc của một kiếp người
giữa dòng đời rộng lớn. Hơn thế, “Tràng Giang” là tiếng nói đầy khát vọng của cái tôi, của con
người cá nhân đòi giải phóng khỏi cái nhỏ bé, cái mặt bằng không đáng sống của cuộc đời thực
tại để hoà nhập vào cõi cao rộng của không gian. Chất chứa đâu đó còn là tình yêu nước thầm
kín của Huy Cận gửi gắm qua nỗi buồn và niềm thiết tha trước tạo vật thiên nhiên.

You might also like