You are on page 1of 12

Chọn răng, lên răng, thử răng, lắp và sửa chữa hàm

khung
Mục tiêu học tập:
1. Phân tích được ưu, nhược điểm của răng nhựa và răng sứ.
2. Lựa chọn được răng và lên răng cho hàm mất răng từng phần.
3. Thực hiện được giai đoạn thử răng cho bệnh nhân mất răng từng phần.
4. Trình bày được cách lắp hàm khung cho bệnh nhân mất răng
5. Hướng dẫn được bệnh nhân cách sử dụng và bảo quản hàm khung
6. Trình bày được cách sửa chữa hàm khung

Nội dung

1. Phân loại răng giả


Theo chất liệu làm răng gồm 2 loại chính: Sứ và nhựa
1.1. Răng sứ
* Ưu điểm:
- Cứng, sắc nên có sức nhai tốt.
- Màu sắc tự nhiên giống răng thật.
- Không đổi màu.
- Ít mòn.
- Không ngấm nước bọt, vi khuẩn và thức ăn nên ít hôi.
- Không bị lão hoá.
* Nhược điểm:
- Giòn, dễ vỡ.
- Quá cứng nên dễ làm mòn răng vàng hoặc răng thật đối diện có mô răng
yếu.
- Khó lên răng.
- Khó chỉnh khớp khi lắp hàm.
- Có tiếng va chạm khi ăn nhai nếu cả 2 hàm đều bằng sứ.
- Lưu giữ kém trên nền nhựa.
1.2. Răng nhựa
* Ưu điểm:
- Lưu giữ tốt trong nền nhựa.
- Không có tiếng va đập khi ăn nhai.
- Dễ mài sửa kích thước để lên răng.
- Dễ chỉnh khớp khi lắp hàm.
- Ít bị sứt mẻ.
* Nhược điểm:
- Nhanh mòn.
- Dễ đổi màu.
- Thẩm mỹ không bằng răng sứ.
- Dễ ngấm nước bọt, vi khuẩn, thức ăn nên khó giữ vệ sinh hơn răng sứ.
- Lâu ngày bị lão hoá.
2. Cách chọn răng
Khi làm hàm giả tháo lắp từng phần, chọn răng cũng cần theo 3 tiêu chí:
Màu sắc, hình dáng, kích thước. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn: tất cả các răng
giả thay thế cần phù hợp với những răng thật còn lại trên miệng.
2.1. Chọn nhóm răng cửa
2.1.1. Màu sắc

Hình 1: So màu răng


Màu sắc là yếu tố rất quan trọng, nó quyết định sự thành công của phục
hình. Nếu còn lại răng thật vùng cửa thì nên chọn màu theo răng thật, nếu mất
nhiều răng thật thì chọn màu theo tuổi, giới tính, màu da…
Mỗi hãng sản xuất vật liệu đều có bảng màu chuẩn riêng từ sáng đến sẫm,
từ trong đến đục.Việc đặt tên màu cũng tuỳ từng hãng sản xuất.
Ví dụ:
Hãng Vita (Germany) đưa ra bảng màu sứ chuẩn gồm các màu sau:

Hình 2: Vỉ so màu

2.1.2. Chọn hình dáng


Các răng thay thế phải có hình dáng tương tự với các răng đối bên. Nếu
không còn răng đối bên, có thể chọn răng sao cho phù hợp với khuôn mặt, giới
tính, tuổi tác của người bệnh.
Theo Williams, hình dáng các răng cửa giữa trên có 3 dạng chính tương ứng
với hình dạng đảo ngược của chu vi khuôn mặt: Vuông, tam giác, bầu dục.
Theo Nelson, hình dáng các răng cửa giữa trên (lấy đỉnh là cổ răng) có liên
quan chặt chẽ với hình dáng cung răng (lấy đỉnh là khe giữa 2 răng cửa) và hình
dáng khuôn mặt (lấy đỉnh là cằm) sau này được gọi là bộ ba Nelson.
Nói chung hình dáng răng của nam và nữ có khác nhau:
Nam: . Răng to.
. Đường nét gân guốc, mạnh mẽ.
. Góc bên răng cửa vuông.
Nữ: . Răng nhỏ.
. Đường nét mềm mại.
. Góc bên răng cửa tròn.
Về tuổi: Người có tuổi răng ngắn và dày hơn.
2.1.3. Chọn kích thước
Kích thước các răng thay thế phải phù hợp với các răng bên cạnh còn lại và
phù hợp với kích thước cơ thể, giới tính của bệnh nhân nhưng cần phải kín
khoảng trống mất răng. Nếu mất quá nhiều răng phía trước cần theo chỉ số Lee.
* Kích thước răng cửa giữa trên:
- Chiều rộng:
. Chỉ số Lee: Chiều rộng răng cửa giữa trên bằng 1/4 khoảng cách giữa
hai cánh mũi.
. Chiều rộng răng cửa giữa trên bằng tổng chiều rộng của răng cửa bên
và 1/2 chiều rộng răng nanh bên.
- Chiều cao:
. Giới hạn trên: Cổ răng trùng với đường cười.
. Giới hạn dưới: Khi bệnh nhân ngậm miệng ở trạng thái dãn cơ (Tư thế
nghỉ sinh lý / tư thế nghỉ lý học) rìa cắn răng cửa trên lộ ra khỏi bờ
môi trên 1,5-2mm.
2.2. Chọn nhóm răng hàm
2.2.1. Chọn màu sắc
Màu sắc răng hàm phù hợp với các răng cửa và các răng còn lại. Màu răng
hàm nhỏ giống màu răng cửa, nhạt hơn răng nanh.
2.2.2. Chọn hình dáng
Hình dáng cần dựa theo các răng còn lại, độ tiêu xương của sống hàm và
tuổi của người bệnh. Tuy nhiên cần chú ý mài chỉnh mặt nhai răng giả theo hình
dáng mặt nhai của răng đối diện.
2.2.3. Chọn kích thước
Chọn các răng thay thế có kích thước gần xa, trong ngoài, trên dưới phù
hợp với các răng thật còn lại và phù hợp với kích thước cung hàm.
- Chiều gần xa:
Tương ứng với khoảng mất răng, nếu mất hết các răng hàm thì chiều rộng các
răng thay thế từ mặt xa răng nanh tới bờ trước tam giác sau hàm (hàm dưới)
hoặc bờ trước lồi cùng (hàm trên).
- Chiều ngoài trong:
Thường bằng hoặc nhỏ hơn các răng thật mà nó thay thế. Mặt trong các răng
hàm lớn không vượt quá đường chéo trong.
Tuy nhiên, nếu sống hàm tiêu quá nhiều thì diện tích mặt nhai các răng giả phải
nhỏ hơn diện tích nền hàm.
- Chiều trên dưới:
Nói chung chiều cao các răng hàm tương ứng với khoảng trống từ mặt nhai
răng đối diện tới đỉnh sống hàm, cần điều chỉnh sao cho cổ răng hàm nhỏ bằng
mức cổ răng cửa.

3. Cách lên răng (Sắp xếp răng)


Lên răng đúng giúp hàm giả đáp ứng được các yêu cầu ăn nhai, thẩm mỹ và
phát âm, lên răng đúng cách sẽ giúp các răng thật và các răng thay thế có sự tiếp
xúc tối đa ở tư thế cắn khít trung tâm, góp phần làm thăng bằng khớp cắn.
Trước khi lên răng cần mài gót các răng giả để tăng sự liên kết giữa răng giả
và lợi giả, mài bớt múi răng sao cho khớp cắn thật sát khít. Nếu răng sứ cần tôn
trọng mặt đáy của răng vì ở đó có các yếu tố lưu giữ.
Khoét bớt sáp, băm mềm vùng định lên răng rồi đặt răng dựa theo:
- Chiều gần - xa.
- Chiều ngoài - trong.
- Chiều trên - dưới.
Nếu mất ít răng, lên các răng thay thế cần dựa vào các răng thật còn lại, lên
răng cần đối xứng theo cặp qua đường giữa. Nếu mất nhiều răng cần tuân thủ
theo các nguyên tắc sau:
3.1. Lên răng cửa, nanh
Việc lên răng cửa cần thận trọng, tỷ mỷ vì ngoài chức năng chung thì răng
cửa còn đóng vai trò rất quan trọng về thẩm mỹ.
3.1.1. Răng cửa giữa trên
- Chiều gần xa: Thẳng đứng.
- Chiều ngoài trong: Cổ răng nghiêng trong 50.
- Chiều trên dưới: Rìa cắn chạm mặt phẳng cắn.
3.1.2. Răng cửa bên trên
- Chiều gần xa: Cổ răng nghiêng xa 50.
- Chiều ngoài trong: Cổ răng nghiêng trong 100.
- Chiều trên dưới: Rìa cắn cách mặt phẳng cắn 1 mm.
3.1.3. Răng nanh trên
- Chiều gần xa: Cổ răng nghiêng xa 50.
- Chiều ngoài trong: Cổ răng nghiêng trong 5o.
- Chiều trên dưới: Đỉnh răng chạm mặt phẳng cắn.
3.1.4. Răng cửa giữa dưới
- Chiều gần xa: Thẳng đứng.
- Chiều ngoài trong: Cổ răng hơi nghiêng trong .
- Chiều trên dưới: Rìa cắn răng cửa trên trùm rìa cắn răng cửa dưới
1-2 mm.
3.1.5. Răng cửa bên dưới
-Chiều gần xa: Nghiêng xa 20.
-Chiều ngoài trong: Thẳng đứng .
-Chiều trên dưới: Rìa cắn răng cửa trên trùm rìa cắn răng cửa dưới
1-2 mm.
3.1.6. Răng nanh dưới
- Chiều gần xa: Nghiêng xa 50.
- Chiều ngoài trong: Cổ răng hơi nghiêng ngoài .
- Chiều trên dưới: Sườn gần răng nanh trên tiếp xúc với sườn xa
răng nanh dưới.
Vai trò của việc lên răng vùng cửa với thẩm mỹ:
- Lên răng đúng vị trí, tư thế sẽ có được khuôn mặt tự nhiên thẩm mỹ.
- Lên răng đưa ra trước nhiều hoặc rìa cắn răng cửa trên lộ khỏi bờ môi
quá nhiều làm cho bệnh nhân bị vẩu.
- Lên răng lùi sau nhiều hoặc rìa cắn răng cửa trên quá ngắn so với bờ môi
trên làm cho bệnh nhân bị móm.
- Nếu lên răng không đối xứng qua đường giữa mặt hoặc rìa cắn răng cửa
trên không song song với đường nối 2 đồng tử sẽ làm cho miệng bị méo.
3.2. Lên răng hàm
Nếu nhóm răng cửa đóng vai trò chính về thẩm mỹ thì nhóm răng hàm lại có
yếu tố quyết định trong việc ăn nhai, vì vậy cần lên răng đúng sống hàm và trục
răng phải vuông góc với sống hàm.

Hình 3: Cách lên răng hàm


3.2.1. Thứ tự lên các răng hàm
Bắt đầu từ 4 trên - 5 trên - 6 trên - 7 trên -6 dưới - 7 dưới - 5 dưới - 4 dưới
3.2.2. Khi lên răng cần điều chỉnh theo mức độ tiêu xương của sống hàm
- Khi sống hàm tiêu xương ít: Rãnh răng hàm dưới nằm ngay đỉnh sống hàm
dưới.
- Khi sống hàm tiêu xương nhiều: Đỉnh múi ngoài răng dưới nằm ngay trên
đỉnh sống hàm dưới.
Trên thực tế xương hàm trên thường tiêu hướng tâm, xương hàm dưới
thường tiêu ly tâm, vì vậy hai đỉnh sóng hàm ngày càng xa nhau. Bình thường,
đường nối giữa 2 đỉnh sống hàm trên và dưới làm với mặt phẳng ngang 1 góc
80 - 900, nếu góc đó < 750 thì lên răng đảo ngược để sao cho mặt phẳng nhai của
các răng hàm phải vuông góc với trục của 2 sống hàm.
3.2.3. Cách lên răng
- Răng 4 trên:
Núm ngoài chạm mặt phẳng cắn, núm trong hơi không chạm, cổ răng
nghiêng xa.
- Răng 5 trên:
Cả 2 núm đều chạm mặt phẳng cắn, cổ răng nghiêng xa.
- Răng 6 trên:
Núm gần trong chạm mặt phẳng cắn, các núm khác cách mặt phẳng cắn
1mm, trục răng hơi nghiêng xa.
- Răng 7 trên:
Núm trong hơi chạm mặt phẳng cắn, các núm khác cách mặt phẳng cắn
1,5mm, trục răng hơi nghiêng về gần sao cho trục răng vuông góc với đường
chếch của sống hàm dưới.
- Răng hàm nhỏ và hàm lớn dưới:
Các răng hàm dưới luôn đi trước răng hàm trên một múi răng, răng 6 là thìa
khóa của khớp cắn vì vậy cần lên răng 6 trước khi lên các răng khác. Tuy nhiên
không nên để các răng dưới vượt quá đường Pound (là dường thẳng nối từ mặt
răng nanh tới mặt trong tam giác sau hàm).
Khi lên răng xong, nếu nối cạnh cắn răng trước và đỉnh múi ngoài răng sau
sẽ thấy 1 đường cong lồi ở phía trên và lõm ở phía dưới, đó là đường cong Spee
(đường cong bù trừ trước-sau)

Hình 4: Điều chỉnh đường viền lợi


4. Cách thử răng
Đây là giai đoạn kiểm tra lại hàm sáp lần cuối trước khi vào múp, vì vậy khi
thử răng cần quan tâm đến 3 vấn đề sau:
4.1. Kiểm tra răng giả
- Thẩm mỹ:
Cần có sự hài hòa với các răng thật còn lại, và với từng bệnh nhân về màu
sắc, hình dáng, kích thước và vị trí răng, đây là lần kiểm tra cuối cùng trước khi
ép hàm. Cho bệnh nhân soi gương, nếu bệnh nhân bằng lòng là được.
- Chức năng nhai:
. Vùng răng cửa: Kiểm tra sự tiếp xúc giữa rìa cắn răng cửa dưới với mặt
trong răng cửa trên, nếu tiếp xúc không đúng phải sửa lại.
. Vùng răng hàm: Kiểm tra khớp cắn vùng răng hàm không có răng trụ giới
hạn phía xa bằng “nghiệm pháp cái bay sáp”: Bệnh nhân cắn đúng tương quan
trung tâm, cho bay sáp hoặc dao sáp vào giữa 2 khối răng hàm, bênh nhẹ.
, Nếu 2 khối răng không bị hở: Nghiệm pháp âm tính, không cần chỉnh
sửa.
, Nếu 2 khối răng tách ra được: Nghiệm pháp dương tính, cần kiểm tra lại
độ sát khít của khung sườn.

4.2. Kiểm tra lợi giả


Việc kiểm tra lợi giả bằng sáp vừa nâng cao chất lượng của phục hình vừa
giúp quá trình mài hàm thuận lợi hơn. Khi kiểm tra lợi giả cần chú ý 2 vùng sau:
- Vùng cổ răng giả: Nơi góp phần thẩm mỹ cho phục hình, cần được tạo hình
tốt cổ răng và đường viền cổ răng.
- Vùng biên giới nền hàm: Nơi quyết định chức năng nhai, phát âm, thẩm
mỹ. Nếu biên giới hụt không tốt cho việc nâng đỡ hàm giả. Nếu biên giới quá
dài gây tổn thương phanh môi, phanh má, dây chằng và làm hàm giả khó ổn
định. Bìa hàm giả có bề dày hợp lý.
4.3. Kiểm tra móc răng
- Tay móc:
Phải ôm khít răng mang móc, đúng vùng lẹm.
5. Lắp hàm khung
- Việc lắp hàm có thể bị vướng và làm cho bệnh nhân đau hoặc khó chịu vì những lý
do sau:
 Có vùng lẹm trong phần nhựa.
 Bờ hàm quá dài.
 Có thể răng thật đã di chuyển một ít.
 Móc có thể bị cong do việc mài đánh bóng.
 Miệng có vài chỗ đau co do đeo hàm cũ không thích hợp, sự cọ sát của thức ăn và
những sang chấn.
Khi có điểm vướng, không nên cố lắp hàm vào một cách hoàn toàn, vì như vậy
có thể sẽ khó khăn và gây thêm đau cho bệnh nhân. Bác sỹ cần hỏi bệnh nhân xem có
vùng nào đau quá không, có vùng nào bị đè ép quá không? Nếu có khó chịu thì phải
tháo hàm ra và tìm lại nguyên nhân. Thông thường, vấn đề liên quan đến nhựa vì
khung sườn đã được điều chỉnh trước đó.

Hình 5: Phát hiện vùng vướng nền nhựa và loại bỏ

- Kiểm tra bờ nền hàm và điều chỉnh nếu cần.


- Chỉnh khớp:
+ Đây là khâu rất quan trọng, bởi vì bệnh nhân sẽ không thể nào thấy thoải mái
nếu các răng thật không khớp nhau hoàn toàn.
+ Trước tiên khi mang hai hàm vào, bệnh nhân phải cắn được ở cắn khít trung
tâm. Thường thì những điểm chạm sớm hoặc răng giả cao sẽ làm cho răng thật không
chạm được vào nhau. Việc gia tăng kích thước dọc sẽ tạo một lực căng quá mức trên
các răng thật và trên xương ổ răng.

Hình 6: Chỉnh khớp hàm khung

+ Tiếp tục kiểm tra và chỉnh khớp ở các tư thế: bên làm việc, bên thăng bằng,
hàm dưới chuyển động ra trước.

Hình 7: Chỉnh khớp tư thế ngoại tâm

+ Đối với các hàm giả tựa hoàn toàn lên răng thật chỉnh khớp có thể được thực
hiện trong miệng với giấy cắn.
+ Trường hợp có một hàm giả toàn phần đối diện một hàm giả từng phần cần
phải lên giá khớp tương tự như khi làm cho hàm toàn bộ. Tốt nhất là lên giá khớp cho
các hàm mất nhiều răng. Nếu có hai hàm cần lắp, lắp từng hàm một, loại bỏ điểm cao
so với răng thật trước. Sau đó lắp hai hàm vào và chỉnh khớp cắn thêm. Phải đảm bảo
là các răng thật chạm tốt và có kích thước dọc đúng.
- Chữa đau: Dùng một loại kem chữa đau xác định vị trí vùng lẹm và điều chỉnh
lại. Nền hàm loại nâng đỡ trên răng thường rất ít có vùng bị đè nén quá mức. Còn
hàm giả được nâng đỡ trên mô thường có nhiều vùng bị đè nén. Cách dùng kem chữa
đau:

Hình 8: Kỹ thuật sửa đau

+ Thổi khô mặt trong nền hàm.


+ Dùng bàn chải quét 1 lớp kem mỏng lên mặt trong nền hàm mở rộng phía sau.
+ Dùng lực ép của ngón tay đặt lên mặt nhai.
+ Vùng bị nén sẽ hiện ra bằng những phần nhựa hồng lộ ra khỏi lớp kem
trắng.
+ Mài bớt những vùng này, bờ hàm sẽ được đánh bóng. Còn mặt trong thì
thường không cần đánh bóng, loại bỏ những mảnh nhựa mài bằng dùng nước và hơi
thổi khô. Thêm một ít kem vào vùng đã mài lặp lại động tác này thêm một vài lần nữa.
Không nên cố gắng mài hoàn chỉnh trong những lần này vì như vậy có thể sẽ mài
quá nhiều và còn có thể điều chỉnh trong những lần khám tiếp. Khi bệnh nhân trở lại
sẽ áp dụng kỹ thuật trên cho những vùng đau khác.

6. Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng hàm khung


- Đối với hàm giả:
+ Hàm giả được giữ dính nhờ các móc. Nhưng móc cũng không cần quá chặt sẽ
gây khó khăn khi tháo và lắp hàm. Không được làm cong vẹo các móc. Nếu bị xoắn
vẹo phải đến nha sĩ để điều chỉnh móc không nên cố gắng tự sửa.
+ Khi tháo hàm giả, tay nên đặt vào phần nhựa, chỉ đặt vào móc khi móc đó là
móc đúc

Hình 9: Tháo hàm khung trong trường hợp móc dây uốn

+ Thanh nối chính nối liền hai bên phải không được biến dạng, đôi khi điều này
xảy ra do bị rơi hàm giả. Trường hợp này nếu không sửa được giống như hình dạng cũ
của nó thì phải làm lại hàm giả mới.
- Vệ sinh răng miệng:
Thức ăn thường tụ dưới và xung quanh hàm giả. Cần phải chải răng và dùng chỉ
nha khoa sau mỗi bữa ăn và phải rửa sạch hàm giả. Dùng bàn chải đánh răng thông
thường hoặc loại bàn chải đặc biệt, chất tẩy rửa là dùng xà phòng thông thường không
dùng xà phòng có tính ăn mòn hoặc các chất tẩy hóa chất sẽ gây hỏng hàm giả. Nên
dùng dung dịch để ngâm hàm giả qua đêm. Không ngâm trong bất cứ dung dịch tẩy
trắng nào vì có thể gây hỏng kim loại.
Điều quan trọng là phải chải sạch răng và lợi 2 lần một ngày với bàn chải mềm
và kem đánh răng. Điều này không chỉ làm sạch răng và lợi mà còn tạo ra những kích
thích và xoa nắn lợi cần thiết để giữ răng miệng được tốt.
- Các loại thức ăn:
Nên tránh những thức ăn dẻo dính nếu hàm có nhiều răng giả còn lại ít răng thật
nên tránh thức ăn cứng cũng như các loại bánh mỳ cứng.
7. Khám sau lắp hàm khung
7.1. Phát hiện và điều chỉnh (nếu cần) để hàm giả hoàn thiện hơn
- Chữa đau:
+ Bệnh nhân bị đau, niên mạc có thể sưng đỏ hoặc loét.
+ Dùng một loại kem chữa đau xác định vị trí gây đau và điều chỉnh lại tương tự
giai đoạn lắp hàm.
- Điều chỉnh móc.

Hình 10: Điều chỉnh móc

- Điều chỉnh khớp cắn bổ sung.

7.2: Khám định kỳ


Cần phải khám răng thật và hàm giả 6 tháng một lần. Hàm giả sẽ không hiệu
quả nếu răng trụ bị mất - do sâu răng hay do bệnh viêm quanh răng.Việc điều trị sớm
thì dễ dàng và ít tốn kém. Hàm giả sẽ được kiểm tra xem còn vừa hay không và đánh
giá chức năng của nó. Các móc cũng cần có vài điều chỉnh. Lợi cũng có thể thay đổi
vì vậy phần lợi giả phải điều chỉnh cho chắc chắn lại.
Tóm lại để có 1 hàm giả tốt cần phải:
1. Lắp vào và lấy ra cẩn thận.
2. Giữ cho sạch răng miệng.
3. Giữ cho hàm giả được sạch.
4. Khám định kỳ.

You might also like