You are on page 1of 6

AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG ?

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG


VẺ ĐẸP TỰ NHIÊN CỦA SÔNG HƯƠNG
I. Mở bài :
Ai đó đã từng viết “ Đất nước có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để thương,
để nhớ như đời người có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một cuộc tình để mãi mãi mang
theo”. Vâng, “một dòng sông để thương, để nhớ” của mỗi người rất khác nhau.Nếu tên tuổi
của Văn Cao gắn liền với dòng sông Lô hùng tráng, nếu Hoài Vũ mãi là nhà thơ của con
sông Vàm Cỏ đêm ngày thao thiết chở phù sa, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng với “Ai đã
đặt tên cho dòng sông?” sẽ làm lay động trái tim người đọc với vẻ đẹp say đắm, quyến rũ,
dịu dàng và phóng khoáng của sông Hương.
II. Thân bài :
1. Tìm hiểu chung :
a) Tác giả :
- Là một trong những nhà văn chuyên viết bút ký và được đánh giá là “một trong
những nhà viết kí hay nhất nước ta”.
- Am hiểu nhiều lĩnh vực nhất là lịch sử, địa lý và văn hóa Huế.
- Sự sáng tạo trong thơ văn của ông : kết hợp giữa chất trí tuệ và trữ tình, nghị luận
sắt bén cùng tư duy đa chiều, hành văn hướng nội, xúc tích, mê đắm và tài hoa.
b) Tác phẩm :
- Được viết tại Huế (4/1/1981) và in trong tập kí cùng tên.
- Bài kí gồm ba phần : đoạn trích thuộc phần đầu.
- Là tác phẩm bút kí xuất sắc vừa thể hiện vẻ đẹp đa dạng của sông Hương, vẻ đẹp
của thiên nhiên và con người xứ Huế vừa cho thấy niềm tự hào tha thiết, sâu lắng
của tác giả dành cho sông Hương, cho xứ Huế và rộng hơn là cho quê hương, đất
nước.
*Ý nghĩa nhan đề :
“Ai đã đặt tên cho dòng sông?”
- Câu hỏi tu từ  gợi sự tò mò, lôi cuốn.
 cảm xúc ngạc nhiên, ngỡ ngàng.
 Vừa bộc lộ niềm tự hào về nét đẹp huyền ảo của dòng sông gắn liền với cố
đô Huế, vừa ca ngợi, bày tỏ lòng biết ơn đối với những người khai phá ra
vùng đất này.
2. Phân tích :
*Ấn tượng đầu tiên về con sông :
“…sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất…”
 Sự thủy chung, tình yêu sâu nặng, thiết tha mà sông Hương dành cho Huế.
a) Ở thượng nguồn :
- Từ cội nguồn, sông Hương có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Hương giang chảy giữa núi rừng Trường Sơn nó mang một vẻ đẹp kì bí và lôi cuốn.
- Tác giả khắc họa vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông qua ba hình ảnh :
+ “Một bản trường ca của rừng già”
+ “Một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”
+ “Người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”.
*Sông Hương – bản trường ca của rừng già :
“Rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua từng ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc
vào những đáy vực bí ẩn”
- Sông Hương được so sánh với thể loại trường ca hào hùng.
- Câu văn dài, nhiều vế liên tục + các động từ mạnh “rầm rộ”, “mãnh liệt”, “cuộn
xoáy” gợi âm hưởng vang dội của bản trường ca.
- Biện pháp nhân hóa và so sánh thúc đẩy sự dữ dội và hùng tráng của dòng sông.
- Các cung bậc tương phản : “rầm rộ” và “mãnh liệt” >< “dịu dàng” và “say đắm”
 Bản trường ca đồ sộ đâu chỉ có những thanh âm hoành tráng, cao trào mà đan
xen vào đó là những nốt trầm nhẹ nhàng, xao xuyến. Đó là lúc sông Hương trở
nên thơ mộng, đằm thắm, say đắm và trữ tình“giữa những dặm dài chói lọi màu
đỏ của hoa đỗ quyên rừng.”
 Hai tính cách đối lập nhưng lại hài hòa đến lạ.
*Sông Hương – cô gái Di – gan phóng khoáng và man dại :
- “Cô gái Di – gan” : những cô gái khoác lên mình bộ đồ rộng rãi, phiêu du giữa các
du mục, các đồng cỏ xanh ngát.
- Tính cách phong trần và mạnh mẽ của cô gái được gắn cho dòng chảy hoang dã và
đơn điệu của dòng sông khiến nó càng trở nên quyến rũ và đầy sức hút.  sự liên
tưởng độc đáo, hấp dẫn.
 Dòng chảy vô hồn qua ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường lại trở
thành một thực thể sinh động, một thiếu nữ phóng khoáng, cá tính, trẻ trung và
tràn đầy sức sống.
*Sông Hương – người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở :
“Sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ” :
- “Sắc đẹp dịu dàng” : cái bến bình yên, sự yên ả sau những ghềnh thác mà sông
Hương đã chảy qua.
- “Trí tuệ” : những trải nghiệm sau cả một chặng đường gian truân của mình.
- Bằng vẻ đẹp và trí tuệ ấy thì sông Hương đã chảy vào thành phố Huế, gìn giữ, duy trì
đời sống vật chất và cả tinh thần cho nơi đây .Từng ngày, từng giờ cần mẫn bồi đắp
cơ man nào là “phù sa văn hóa” để dựng xây một nền văn hóa Huế đồ sộ.
- Chính sông Hương đã góp phần hình thành những nét văn hóa đặc trưng xứ Huế : ca
Huế trên sông Hương, nhã nhạc cung đình Huế,…  không có sông Hương thì
không tồn tại những loại hình nghệ thuật này.
- Về với Huế, con sông không muốn bộc lộ phần tâm hồn sâu thẳm, “nó đã đóng kín
lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng” 
cách miêu tả vô cùng sống động cho một dòng chảy tự nhiên, qua đó cho thấy chiều
sâu vẻ đẹp nhân cách của người con gái Di – gan này.
- “Nếu chỉ mải mê ngắm nhìn khuôn mặt kinh thành của nó” thì làm sao chúng ta thấy
được Sông Hương đang lẳng lặn chảy trôi, vượt qua cuộc hành trình gian truân để
đến với Huế, âm thầm vun đắp cho nền văn hóa Huế , cho vùng đất Huế ngày một
màu mỡ.  Khát khao hòa nhập vào sự cổ kính, trầm mạc của kinh thành Huế.
 Óc quan sát tinh tế + so sánh, nhân hóa + liên tưởng độc đáo, sáng tạo  sông Hương
như một thực thể có hồn, sức sống mãnh liệt, cá tính nhưng cũng không kém phần trữ
tình, nên thơ giữa đại ngàn Trường Sơn.
b) Sông Hương chảy về đồng bằng và ngoại vi thành phố Huế :
- Hết phần chảy giữa núi rừng hùng vĩ, theo dòng chảy của sông Hương chúng ta cùng
đến với vùng địa hình phức tạp hơn – thềm đất bãi bồi. Đó cũng chính là yếu tố tạo
nên những nét đẹp riêng biệt cho con sông khi nó chảy về đồng bằng và ngoại vi
thành phố Huế.
*Sông Hương với nét đẹp lãng mạn và nhẹ nhàng :
- Hình ảnh so sánh : sông Hương như “người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng
Châu Hóa đầy hoa dại.”Người gái đẹp ấy được “người tình mong đợi đến đánh
thức” – kinh thành Huế.  ánh nhìn tinh tế và lãng mạn.
- Hình tượng nhân hóa dòng sông như thế đã tạo nên tính chất li kì, huyền thoại của
một thiên diễm tình trong cổ tích.  Người con gái ấy bừng tỉnh sau giấc ngủ dài để
gặp chàng hoàng tử của đời mình.
- Hành trình về xuôi như một “cuộc tìm kiếm có ý thức” người tình nhân đích thực của
một người con gái trong một câu chuyện tình yêu lãng mạn và nhuốm màu cổ tích.
- Sông Hương phô ra sức sống thanh xuân và niềm khao khát hạnh phúc khi nó
“chuyển dòng một cách liên tục”,”uốn mình theo những đường cong thật
mềm”,”chuyển hướng”,”đột ngột vẽ một vòng cung thật tròn”…
- Hệ thống động từ đa dạng, dồn dập : chuyển dòng, uốn mình, chuyển hướng,…+ một
loạt các địa danh được liệt kê : Hòn Chén, Ngọc Trản, Nguyệt Biều, Lương Quán,…
 Câu văn giàu chất họa, lối hành văn uyển chuyển làm bật lên hình ảnh dòng
sông mềm mại, chân thật, sắc nét và kiêu cường.
- Vẻ đẹp đầy chất thơ của người con gái sông Hương :
+ Uốn mình theo những đường cong của địa hình  người con gái với những đường
cong tuyệt mỹ.
+ Mềm như tấm lụa  người con gái duyên dáng, thướt tha.
+ Sắc nước thay đổi ảo diệu “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” do những mảng phản
quang rực rỡ sắc màu  người con gái mang sắc đẹp lôi cuốn, đầy biến ảo và lộng
lẫy như một đóa phù dung.
 Vẻ đẹp sông Hương chính là sự hắt bóng kì diệu cảnh sắc quần thể thiên nhiên
xứ Huế.
*Sông Hương với vẻ đẹp hoài cổ, cổ kính :
- Khi chảy dưới chân những rừng thông u tịch với những lăng mộ đồ sộ,âm u mà kiêu
hãnh của vua chúa triều Nguyễn thì sông Hương mang vẻ đẹp trầm mặc nhất,”như
triết lí, như cổ thi”.
- Các từ ngữ :
- + “Quần sơn lô xô”, “u tịch”, “âm u”, “thiên cổ”, “vạn niên” : gợi bầu không khí cổ
kính.
+ Trầm mặc : trầm tư, mang nặng nỗi niềm.
+ Cổ thi : là chất thơ trong sáng mang âm hưởng hoài niệm.
 Sự trầm mặc của con sông khi chảy qua lăng mộ tựa như sự thành kính của
người Huế đối với các bậc tiền nhân của mình.
- Nét cổ kính, hoài niệm lùi bước và dần tan biến khi dòng sông bắt gặp “tiếng
chuông chùa Thiên Mụ”.
- Tiếng chuông chùa ngân vang – tiếng gà bát ngát xóm làng hòa quyện vào nhau. 
dòng sông như chảy trôi giữa mộng và thực, giữa đạo và đời.
 Năng lực quan sát vô cùng tinh tế + liên tưởng độc đáo + ngôn ngữ giàu sức gợi + hình
tượng nghệ thuật phong phú + thủ pháp so sánh, nhân hóa đặc sắc cùng hệ thống các
động từ hiệu quả, tất cả đã tái hiện một cách sinh động dáng điệu yêu kiều, hài hòa với
thiên nhiên của sông Hương trên chặng đường đến với kinh thành Huế.
c) Sông Hương chảy giữa lòng thành phố Huế và từ biệt Huế để về với biển cả :
- Sau một chuyến hành trình dài mòn mỏi thì cuối cùng người con gái ấy cũng đã gặp
được người tình nhân trong mộng của mình.
- Cảm xúc lúc này của sông Hương “nó vui tươi hẵn lên giữa những biền bãi xanh
biếc của vùng ngoại ô Kim Long”, “kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây
nam – đông bắc” sông Hương có cảm xúc và tâm trạng như con người khi tìm
được tình yêu của đời mình.
- Hương giang giờ đây có chút e thẹn, bối rối trước người mình yêu “uốn cong một
cánh cung rất nhẹ sang Cồn Hến”, “dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng”
không nói ra”.
 Một cuộc hội ngộ hết sức tình tứ và lãng mạn.
- Những vẻ đẹp mới lạ được tác giả khai thác :
+ Sông Hương – điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế.
+ Sông Hương – người tài nữ đánh đàn đêm khuya.
+ Sông Hương – người tình dịu dàng, chung thủy.
* Sông Hương – điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế :
- Nghệ thuật : so sánh sông Hương với các dòng sông khác trên thế giới :
+ Sông Xen của Pari.
+ Sông Đa – nuyp của Bu – đa – pet.
+ Sông Nê – va của Lê – nin – grat.
 Sông Hương vẫn đặc trưng với nhịp chảy chậm rãi.
- Lý giải từ đặc điểm địa lý :
+ Chảy trong địa hình bằng phẳng “kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây
nam – đông bắc”,”uốn một cánh cung rất nhẹ…mềm hẳn đi”
+ Lưu tốc dòng chảy “hai hòn đảo nhỏ trên sông … một mặt hồ yên tĩnh.”
- Lý giải từ trái tim :
+ Sông Hương chảy lững lờ, thật chậm vì nó quá yêu thành phố của mình, để giây
phút nó được ở bên kinh thành Huế kéo dài vô tận, không nỡ chia xa “ngập ngừng
như muốn đi, muốn ở, như những vấn vương của một nỗi lòng”
 Tình cảm sâu nặng của sông Hương cũng như của nhà văn dành cho xứ Huế.
* Sông Hương – người tài nữ đánh đàn đêm khuya :
- Qua con mắt âm nhạc ta thấy, trong không gian mênh mông sóng nước và tĩnh mịch
của màn đêm thì sông Hương trở thành “một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”
- Có thể nói rằng, toàn bộ nền âm nhạc Huế cổ điển được khai sinh nhờ dòng sông,
được sinh thành trên mặt sông này.
- Âm nhạc phải được trình diễn trên chính dòng sông này thì từng lời ca, điệu nhạc
mới thật sự đi vào lòng người nghe và chính tác giả cũng đã khẳng định điều đó “đã
nhiều lần tôi thất vọng…sân khấu nhà hát”
 Mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa âm nhạc cổ điển Huế và dòng sông
Hương.
* Sông Hương – người tình dịu dàng, chung thủy :
“Ôm lấy đảo Cồn Hến” , “xa dần thành phố để lưu luyến ra đi”
- Nghệ thuật nhân hóa cùng các từ ngữ cùng trường nghĩa tình yêu : ôm lấy, lưu luyến,
xa dần.  sông Hương đã đến lúc phải chia tay người tình của mình để về với biển
cả thuận theo quy luật tự nhiên. Nhưng dường như nó vẫn còn luyến tiếc, níu kéo
khôn nguôi.
- Khúc ngoặc tự nhiên được Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả như là sông Hương sực
nhớ ra còn có điều chưa kịp nói với Huế nên đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt để gặp
thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh.
- Dưới lăng kính lãng mạn cùng trái tim đa tình của tác giả thì sông Hương được nhân
cách hóa trở thành nàng Kiều trở lại với chàng Kim để nói lời thề trước khi về với
biển cả.  vốn kiến thức thâm sâu, trí tưởng tượng phong phú
 Để hiểu rõ và miêu tả con sông một cách tường tận, chi tiết, sáng tạo và chân
thật đến thế thì chắc hẳn bản thân Hoàng Phủ Ngọc Tường phải am hiểu rõ vùng
đất Huế và dành tình cảm cho nó nhiều đến nhường nào.
3. Đánh giá :
a) Nghệ thuật :
- Văn phong tao nhã, hướng nội, tài hoa.
- Ngôn ngữ giàu sức gợi, phong phú.
- Câu văn giàu nhạc điệu, uyển chuyển,
- Các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa độc đáo, liên tưởng thú vị và sáng tạo.
b) Nội dung :
- Vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương đã được khai thác ở nhiều góc độ khác nhau, mỗi
góc nhìn là một nét đặc trưng riêng của dòng sông nhưng chúng hòa hợp lại với
nhau tạo thành một tuyệt tác của tạo hóa.
- Ca ngợi vẻ đẹp trời phú của sông Hương – “cô gái Di-gan” đã gắn liền với Huế,
chung thủy với Huế bao đời nay, qua đó chúng ta có thể cảm nhận được niềm tự hào
mãnh liệt về quê hương, đất nước của tác giả.
III. Kết bài :
Một dòng sông vô tri, vô giác nhưng dưới ngòi bút tài hoa, uyên bác của Hoàng Phủ
Ngọc Tường thì nó trở thành một thiếu nữ khi hoang dại, phóng khoáng hòa nhập
cùng thiên nhiên, khi thì dịu dàng, thẹn thùng, e ấp và thủy chung, son sắt. Với sự
am hiểu tinh tường về vùng đất Huế của mình, thật sự Hoàng Phủ Ngọc Tường đã
khắc họa lên một bức tranh tươi đẹp xứ Huế với dòng sông Hương huyền ảo, thơ
mộng. Ngắm nhìn tuyệt tác nghệ thuật ấy có lẽ chúng ta ai cũng không khỏi mong
đợi được một lần đặt chân đến vùng đất này ,đứng trên cây cầu Tràng Tiền vắt ngang
sông Hương mà ngắm nhìn, chiêm ngưỡng dòng sông cho thỏa nỗi lòng.

You might also like