You are on page 1of 7

3.1.

1 Bản chất con người

Akutagawa Ryunosuke được biết đến là nhà văn có cái nhìn tăm tối về bản chất
con người và hiện thực xã hội. Nếu như trong giai đoạn này, các nhà văn Nhật Bản tập
trung khai thác cõi lòng của những tri thức trước buổi giao thời mới - cũ, Đông - Tây…
thì Akutagawa lại tự mở cho mình một lối đi riêng. Ông tập trung khắc họa những xung
đột diễn ra sâu trong nội tâm của con người, đó là sự giằng co giữa thiện và ác, đẹp đẽ và
xấu xa, tình yêu trong sáng và dục vọng thấp hèn… Đến với những trang văn của
Akutagawa, ta sẽ nhận thấy rõ sự dung hòa của chủ nghĩa tự nhiên - tính lý trí sắc bén và
sắc màu lãng mạn phóng túng của chủ nghĩa duy mĩ; những “vùng tối” của con người
được nhà văn mô tả vừa trần trụi nhưng cũng văn chương một cách không ngờ. Nhìn
chung, bản chất của con người trong các sáng tác của ông thường mang tính ác, cái xấu
nhiều hơn. Nhưng cái ác ấy bắt nguồn từ việc con người bị dồn vào bước đường cùng
hoặc trải qua những nỗi đau khắc nghiệt, dẫn đến trong họ hình thành nên cái xô đẩy dần
sang phía cái ác. Yabu no naka (Trong rừng trúc) là một tác phẩm tiêu biểu thể hiện tư
tưởng của Akutagawa về bản chất con người. Tác phẩm tập trung khai thác tâm lý con
người, nơi luôn diễn ra sự giằng co giữa thiện – ác, tốt đẹp – dục vọng đen tối. Truyện
ngắn vay mượn từ cốt truyện của truyện cổ Nhật Bản, song qua ngòi bút tài năng của
Akutagawa câu chuyện giúp người đọc nhận ra bản chất con người cũng như những góc
tối trong tâm lý của con người. Về nội dung, truyện xoay quanh cái chết bí ẩn của một võ
sĩ samurai, nhưng điều kỳ lạ ở đây là cả ba người trong cuộc đều nhận mình là hung thủ.
Có lẽ khi mới tiếp xúc, người đọc sẽ không tránh khỏi sự hoang mang trước một sự thật
không tưởng: ở một vụ giết người mà có đến ba người nhận mình là thủ phạm, và mỗi
người đều có một lời biện minh cho riêng mình, lời khai của cả ba thoạt đầu nghe đều rất
có lí nhưng tất cả chỉ là một phần sự thật. Các lời khai có vẻ rất khách quan song không
hề đáng tin. Bằng cách sử dụng kĩ thuật viết mới mẻ từ phương Tây, mà cụ thể là cách tân
về mặt cấu trúc truyện, mờ hóa cốt truyện, xoá nhoà ranh giới các thể loại, Akutagawa đã
thành công trong khai thác tâm lý con người, để nhân vật dần dần tự bộc lộ. Và qua cách
tạo mâu thuẫn trong lời kể của ba nhân vật, Akutagawa đã chuyển thành công trọng tâm
của câu chuyện từ sự thật bên ngoài sang kịch tính tâm lý bên trong của nhân vật. Khi
đọc từng văn bản, người đọc bị dẫn dắt vào tâm lý của mỗi nhân vật với những ham
muốn, xung đột và tội lỗi có ý thức và vô thức của họ. Các nhân vật đều không thừa nhận
bản thân yếu đuối, tham lam hay độc ác mà đều ảo tưởng mình cao thượng, tốt đẹp. Điều
đó thể hiện rõ nhất cách nhà văn xây dựng nhân vật tên cướp Tajomaru. Khai thác bản
chất con người qua nhân vật tên cướp Tajomaru, tác giả muốn đề cập đến khía cạnh thô
bạo, không kiểm soát được ham muốn, dục vọng của bản thân. Con người luôn luôn tồn
tại cả mặt xấu lẫn mặt tốt, nó hiện hữu, vận động và chi phối hành động của mỗi con
người. Nếu như không chế ngự được dục vọng xấu xa thì phần Con sẽ lấn át cả phần
Người, cái ác và cái xấu sẽ chi phối con người. Và bi kịch của “Trong rừng trúc” bắt
nguồn từ sự không kiểm soát được dục vọng của tên cướp Tajomaru. Tên cướp đại diện
cho phần Con đã lấn át phần Người, từ thái độ hung hăng “Giết chết người đàn ông đó
chính là tui đây” đến hành động vô nhân tính “Trong đám mấy tên cướp hay lai vãng
chốn kinh kỳ, thằng Tajomaru này nổi tiếng là háo sắc. Năm ngoái đây, trên núi phía sau
chùa Toribedera thờ La Hán Binzuru, có một bà đi lễ chùa đã bị giết chết cùng con gái
nhỏ, nghe đâu là thủ đoạn của thằng nầy.” Bi kịch của câu chuyện bắt nguồn một cách
rất tình cờ, nguyên nhân chỉ trong một chớp nhoáng bị cái ác, bị dục vọng chi phối, tên
cướp ra quyết định sẽ chiếm đoạt vợ của võ sĩ samurai kia “Chỉ trong chớp nhoáng đó,
tui đã quyết định chiếm đoạt cô ta, dù có phải giết người chồng đi nữa”. Thế rồi, từ cái
suy nghĩ xấu xa ấy, tên cướp bắt đầu lên kế hoạch để đạt được mục đích của mình, từ việc
đánh vào lòng tham người chồng, hắn thành công dụ dỗ người chồng vào chỗ khuất và
trói anh ta lại đến lừa gạt người vợ và cưỡng hiếp cô. Điều đáng lưu ý ở đây là quá trình
phạm tội của tên cướp diễn ra một cách nhanh chóng, như chưa từng có một khoảnh khắc
nào hắn đắn đo, suy nghĩ. Phải chăng dục vọng tăm tối như một con thú ác tính điên
cuồng chiếm hết phần Người của hắn, từ đó khiến tên cướp có những hành động mất hết
nhân tính. Xây dựng hình tượng tên cướp, tác giả không chỉ dừng lại việc bóc trần bản
chất xấu xa và khát vọng đen tối của con người, mà nó còn đi xa hơn, là công kích cả xã
hội, phơi bày bản chất xấu xa của xã hội - nguồn gốc gây ra cái ác đó. Bởi lẽ, tên cướp
giết người (theo như lời khai của hắn) bằng đao kiếm, còn xã hội giết người bằng những
thứ còn ghê gớm hơn.

“Ôi, có gì đâu. Giết người có phải là chuyện gì ghê gớm như các người
nghĩ đâu. Thế nào cũng phải chiếm đoạt đàn bà, thì phải giết đàn ông đi thôi. Chỉ
khác là tui giết người thì dùng đao kiếm, còn các người thì thay vì đao kiếm, lại
dùng quyền lực, tiền bạc, hay có khi chỉ cần lời nói xảo quyệt là đủ để giết người
ta rồi. Giết kiểu đó thì máu chẳng đổ, mà đàn ông đó vẫn thấy như còn sống đàng
hoàng. Nhưng chung quy cũng là giết người đó thôi. Giết người kiểu nào đáng kết
tội nặng, các người đáng tội nặng, hay tui đáng tội nặng, thật khó mà phán quyết
được.”
Lời khai của tên cướp như mở ra cho người đọc hình dung về bản chất xã hội
Nhật Bản lúc bấy giờ. Con người được đào luyện để giết người ấy bị bắt, bị kết án bởi
chính xã hội sản sinh ra hắn. Lời kết án của tên cướp như một lời cáo buộc đanh thép một
xã hội đang dần mấy đi nhân tính: xã hội phi nhân sản sinh ra tội đồ và phải lãnh nhận
hậu quả của chính nó. Ở đây, các tầng nghĩa khác của truyện đã chìm lắng, để riêng khía
cạnh tố cáo này nổi bật.
Bản chất của con người không chỉ thô bạo, không có khả năng kiềm chế được dục
vọng mà còn tham lam. Akutagawa đã rất tài tình khi gắn cái bản chất tham lam ấy với
một con người mang trong mình biểu tượng văn hoá dân tộc, là niềm tự hào của người
dân Nhật – võ sĩ đạo Samurai. Gắn bản chất xấu xa với hình tượng con người cao quý,
nhà văn muốn nhấn mạnh rằng con người khi không thể chế ngự được bản thân, bị cái
xấu chi phối, thì dù có là ai, ở địa vị nào thì cũng phải trả giá, thậm chí là cái giá rất đắt
“Lòng ham muốn là thức đáng sợ như thế nào”. Dẫn chứng rõ nhất là võ sĩ Takehiro vì
lòng tham trong thoáng chốc mà đã gián tiếp đưa đến bi kịch đau đớn của cả bản thân và
vợ của mình. Luật lệ và quy tắc đạo đức của võ sĩ dù có nghiêm khắc đến đâu cũng
không thắng nổi lòng tham không đáy của con người. Và cũng vì lòng tham, nghe lời dụ
dỗ của tên cướp, Takehiro phải chứng kiến nỗi đau đớn nhất với tư cách một người chồng
– giương mắt nhìn vợ mình bị cưỡng hiếp mà không thể làm gì. Chưa dừng lại ở lòng
tham, Takehiro còn khiến người đọc hình dung về một con người yếu đuối, trốn tránh
hiện thực. Bởi lẽ, tên cướp dù xấu xa, độc ác, nhưng trong một khoảnh khắc hắn dám
sống thật với bản chất của mình, dám nhìn nhận cái ác, cái xấu của mình “Hơn nữa, đã
tới nước nầy thì tui cũng quyết không giấu giếm hèn nhát đâu”. Nhưng Takehiro, với vị
thế của một samurai, song lại không dám đối diện với con người yếu đuối, nhu nhược của
mình. Điều đó thể hiện ở cách Takehiro kể lại câu chuyện dưới góc độ của mình. Câu
chuyện dường như bị lược đi đoạn đầu, rằng anh ta vì lòng tham mà bị lừa gạt ra sao
cũng như anh ta đường đường là một võ sĩ samurai song lại “lực bất tòng tâm”, giương
mắt nhìn vợ mình bị kẻ khác cưỡng hiếp mà chỉ kể lại từ lúc đỉnh điểm của bi kịch – khi
người vợ bị cưỡng hiếp xong và bị tên cướp dụ dỗ như thế nào… Tuyệt nhiên không một
lời nào nói về diễn biến trước bi kịch ấy! Như vậy, xây dựng nhân vật Takehiro trong sự
tương quan giữa vị thế xã hội và hành động thực tế, Akutagawa đã thẳng thắn vạch trần
bản chất con người, một võ sĩ đánh mất đi chuẩn mực đạo đức của mình. Cũng qua nhân
vật Takehiro, Akutagawa cũng xa gần gợi lên chủ nghĩa hoài nghi duy mỹ.
Cuối cùng là nhân vật Masago – vợ của Takehiro và là nạn nhân của Tajomaru.
Với nhân vật nữ, có vẻ hành động của cô nghiêng nhiều về hành động phản kháng hoàn
cảnh hơn là hành động bị chi phối bởi tính xấu của con người. Bởi lẽ, nếu hành động xấu
xa của tên cướp bị dục vọng lấn áp và người chồng bị lòng tham chi phối, nghiêng nhiều
bản chất bên trong thì hành động của Takehiro là hành động khi bị ép vào đường cùng, bị
buộc rơi vào hoàn cảnh éo le. Akutagawa có lẽ cũng có dụng ý khi xây dựng nhân vật
Masago là đại diện cho người phụ nữ Nhật Bản, cho những nền tảng luân lí, đạo đức, văn
hóa của dân tộc. Song lại đặt cô vào hoàn cảnh mà chính những nền tảng đạo đức, luân lí
ấy đã dẫn đến sự khủng hoảng về tinh thần – bi kịch đau đớn nhất của cô. Cơ nguyên của
sự khủng hoảng bắt nguồn từ bi kịch tồi tệ mà cô phải trải qua khi vừa bị tên cướp hãm
hiếp trước sự quan sát bất lực của chồng mình vừa chịu đựng ánh mắt khinh miệt của
người chồng. Nhân vật người nữ dưới góc nhìn của võ sĩ và tên cướp đều mang dáng vẻ
của một phụ nữ tự đánh mất phẩm giá theo quan niệm đương thời, đó không chỉ là việc bị
cưỡng bức, là tình huống bất khả kháng mà còn là hình ảnh người phụ nữ tự vất bỏ đi tôn
nghiêm của mình như qua lời kể của tên cướp là người phụ nữ cầu xin giết chồng đến
cuồng dại “lúc tui định rời thoát khỏi bụi rậm đó, bỏ lại cô ta đang nằm khóc lóc, thì
thình lình, cô ta nắm cánh tay tui, rồi như điên cuồng, cứ ôm chặt lấy tui”, hay trong mắt
của người chồng, cô hoàn toàn yếu đuối, dễ bị lay động bởi lời dụ hoặc của tên cướp và
còn xúi giục tên cướp giết mình. Thế nhưng, với lời khai của người nữ, cô cho thấy mình
không hề bị lung lay bởi tên cướp kia cũng như phản bội chồng. Với cô, ánh mắt khinh
miệt của người chồng là “bản án tử” khiến cô phải chọn hướng đi tồi tệ nhất.
“Rồi trong thoáng chốc nhìn thấy tia sáng không sao diễn tả được loé lên trong
mắt chồng tôi, tôi hiểu ra được điều gì chứa đựng trong ánh mắt ấy. Ánh mắt không lời
nào diễn tả được. Cho đến bây giờ, nhớ lại ánh mắt ấy, tôi còn không khỏi rùng mình.
Dù miệng không nói ra được lời nào, nhưng trong khoảnh khắc ấy, chồng tôi đã truyền
đạt được tất cả tâm tình anh ấy. Nhưng chiếu toả ra từ ánh mắt ấy không phải là cơn
giận dữ, mà cũng không phải là nỗi buồn rầu. Mà chỉ là tia sáng lạnh lẽo của lòng khinh
miệt đối với tôi. Hơn cả nỗi đau đã bị tên cướp kia đạp đá, tôi đã bị ánh mắt ấy tống
mạnh vào tâm thần, bất giác thét lên lời gì không rõ, rồi ngã xuống bất tỉnh.

Nhưng ánh mắt của chồng tôi vẫn không thay đổi chút nào. Cũng vẫn biểu lộ một
màu thù ghét từ dưới đáy lạnh băng của lòng khinh miệt. Hổ thẹn, đau buồn, tức giận, …
tôi không còn biết lòng tôi lúc ấy là như thế nào nữa.”
Như vậy, nguyên nhân nhân vật người nữ đưa đến hành động cuối cùng là giết
người chồng và tự sát là hành động nghiêng nhiều vào hoàn cảnh. Trong cái tình huống
nhục nhã ấy, nàng vừa bị cưỡng hiếp – bi kịch về thể xác vừa chịu ánh nhìn khinh miệt
của người chồng – bi kịch về tinh thần. Dường như nàng chỉ còn một con đường là tự sát,
như những “liệt nữ” vẫn hay dùng hành động tuẫn tiết khi phải chịu sự nhục nhã. Và
trước khi tự sát thì nàng cũng muốn giết người chồng, như môt phản kháng tuyệt vọng
đối với cái xã hội khắc nghiệt đã từng đè nén nàng cũng như người phụ nữ khác hàng
ngàn năm qua! Ta có thể khẳng định rằng, hành động của Masago chỉ là hành động ở
bước đường cùng. Nàng có thể tự sát chết một mình, đó là để trốn tránh một cuộc sống
địa ngục sẽ diễn ra sau này nếu nàng còn gắng gượng sống nốt cuộc đời thừa… Nhưng
nàng tự hỏi nàng nào có lỗi gì? Tại sao chồng nàng lại nhìn nàng với con mắt khinh bỉ,
con mắt đại diện cho cả xã hội nghiệt ngã hà khắc sau này cũng sẽ kết tội nàng thất tiết,
nên nàng đã phải phẫn uất mà vùng lên một lần cuối trước khi chết. Xã hội kia, mà đại
diện nó là chồng nàng ở đây, phải cùng chết với nàng! Và ý nghĩ trong sâu thẳm tâm
tưởng đó biến thành lời thú tội của nàng ở chùa Shimizu. Dù kết cấu câu truyện không
cho ta xác nhận có thật nàng đâm dao vào ngực chồng hay không thì điều đó cũng chẳng
có gì quan trọng. Điều quan trọng là Akutagawa muốn cho ta thấy con người đôi khi
không phải do tính xấu bên trong chi phối hành động mà có thể do hoàn cảnh ép buộc.
Qua đó, tác phẩm cũng có sức tố cáo thực tại trong xã hội: sự đè nén phụ nữ một cách bất
công của xã hội phong kiến với những thành kiến nặng ngàn cân của nó. Người phụ nữ
phải phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, vào xã hội. Từ đó cho thấy đặc quyền của nam giới
trong xã hội phong kiến, trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng, tiếng nói
của họ vẫn còn nhỏ bé trong xã hội. qua góc nhìn của người nữ ta có thể thấy được một
phần bản chất xã hội ấy. Đó là xã hội với những ràng buộc về đạo đức, luân lí đã đẩy con
người vào đường cùng.
3.1.2. Chân lý duy nhất
Liệu có một chân lý duy nhất trong truyện ngắn “Trong rừng trúc” của Akutagawa
hay không? Đó có lẽ là thắc mắc chung của mỗi độc giả khi đọc truyện ngắn này. Bởi lẽ,
khi đọc tác phẩm là cả một hành trình người đọc đi tìm sự thật, tìm kiếm cái mà người ta
vẫn gọi là “chân lý duy nhất”, để rồi đều vỡ lẽ ra rằng: Chẳng bao giờ có sự thật cuối
cùng, chỉ có sự thật được nhìn nhận từ những điểm nhìn khác nhau. Như lời của đạo diễn
Kurosawa (đạo diễn của bộ phim Lã sinh môn): “Con người không có khả năng thành
thật với chính mình về bản thân họ. Họ không thể nói về chính họ mà không tô điểm. Câu
chuyện miêu tả những con người như thế – loại người không thể tồn tại mà thiếu gian dối
để khiến mình cảm thấy tốt hơn trong thực tế. Nó thậm chí chỉ ra rằng nhu cầu tội lỗi cần
sự dối trá nịnh hót này vượt ra ngoài mộ phần – thậm chí nhân vật đã chết vẫn không thể
từ bỏ những dối trá của mình khi nói với người sống qua đồng cốt. Tính vị kỷ là tội lỗi
nhân loại mang bên mình từ lúc mới sinh”. Với manh mối đến từ bảy lời khai của các
nhân chứng, nạn nhân mà ta sẽ tạm chia làm hai nhóm văn bản, trong đó bốn lời khai của
các nhân vật “người ngoài cuộc” được xếp vào nhóm thứ nhất. Nhóm văn bản thứ nhất
gồm lời khai của một người đốn củi và một nhà sư lữ hành, người thứ ba là sai nha đã bắt
được tên cướp Tajomaru – nhân vật được cho là nghi phạm đã gây ra án mạng và người
thứ tư là mẹ vợ của người đã chết trong vụ án. Các văn bản thuộc nhóm thứ nhất này cho
ta thấy được những thông tin về hình dáng, tính cách, xuất thân… của ba nhân vật chính,
tuy nhiên lại không làm sáng tỏ hay cung cấp được chi tiết nào liên quan đến vụ án. Ba
văn bản sau, ta tạm gọi là nhóm văn bản thứ hai, là lời khai của những “người trong
cuộc” là tên cướp, võ sĩ và người vợ. Các văn bản đưa ra những thông tin liên quan đến
vụ án này, trong đó có những điểm trùng khớp với nhau, nhưng điều đáng nói là phần
thông tin chủ chốt – cho biết ai là kẻ phạm tội giết người – lại thể hiện sự bất nhất giữa
các văn bản. Như đã đề cập ở trên, truyện ngắn được tạo nên bởi bảy văn bản, ngoài ba
văn bản do ba nhân vật chính (người chồng, người vợ và tên cướp) và bốn nhân vật phụ
(người đốn củi, nhà sư lữ hành, sai nha và người mẹ vợ của nạn nhân)vnhằm khắc họa
những bối cảnh cần thiết cho nghi án bỏ ngỏ về cái chết của người chồng. Các văn bản
đưa ra những thông tin liên quan đến vụ án với những điểm trùng khớp nhau như bối
cảnh, nạn nhân, vật dụng thậm chí là hung khí gây án… nhưng điểm chủ chốt để chỉ ra
hung thủ lại có sự khác nhau. Nguyên nhân của sự khác nhau ấy khiến người đọc phải
suy nghĩ rằng có một sự thật duy nhất hay không, hay các nhân vật che giấu đi sự thật vì
lý do gì. Đầu tiên, ta chưa vội đề cập đến sự thật duy nhất – hung thủ thực sự trong vụ án
này, mà ta sẽ nhìn nhận câu chuyện từ ba góc nhìn khác nhau của ba nhân vật chính, liệu
có thể có nguyên nhân gì hợp lý để họ nói dối?
Ba văn bản chính này được kể ra trong những hoàn cảnh khác nhau. Văn bản thứ
nhất là lời khai của tên cướp Tajōmaru, với tư cách là nghi phạm của vụ án và đang bị bắt
giữ. Văn bản thứ hai ghi lại lời sám hối của người phụ nữ khi đến chùa Kiyomizu – vợ
của võ sĩ samurai và bị tên cướp cưỡng hiếp trước mặt chồng mình. Và văn bản thứ ba là
lời kể của người hầu đồng, được cho là nội dung tự bạch của võ sĩ đã bị giết trong vụ án
mạng. Trong ba văn bản này thì chỉ có lời khai của tên cướp là đầy đủ chi tiết, cho biết
hoàn cảnh và trình tự các sự việc xảy ra dẫn đến cái chết của người chồng võ sĩ đã cùng
vợ đi qua đoạn đường rừng. Còn lời kể của người vợ lẫn người chồng võ sĩ đều chỉ bắt
đầu từ tình huống bi kịch giữa ba người, sau khi người vợ đi cùng chồng đã bị tên cướp
kia cưỡng đoạt, rồi khép lại bằng cái chết được gây ra bởi một nhát dao. Nhưng điều quan
trọng là cả ba nhân vật trung tâm này, tức là tác giả lần lượt của ba văn bản đều tự nhận
mình là người đã trực tiếp cầm dao và gây nên án mạng. Như vậy dựa vào lượng thông
tin hạn chế trong tác phẩm, liệu có thể xác định ai là người kể câu chuyện đúng theo sự
thật, và có thể biết được lý do khiến hai nhân vật còn lại nói sai sự thật không. Có lẽ hầu
hết người đọc sẽ cho rằng điều đó là không thể, hoặc cho rằng bất cứ ai cũng có thể tự do
phán đoán từ góc nhìn của mỗi cá nhân, nhưng hầu như không có cách nào để xác định
đâu là sự thật. Chính vì vấn đề này mà tác phẩm là một văn bản mở, tạo điều kiện cho
người đọc đi vào câu chuyện, đồng sáng tạo cùng với tác giả để lấp đầy những khoảng
trống văn bản trong câu chuyện bằng nhiều hướng suy nghĩ khác nhau.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào tình tiết câu chuyện thì có thể nhận ra vài điểm cần
lưu ý. Đầu tiên, đối với tên cướp Tajomaru – nghi phạm đầu tiên của vụ án, với hoàn
cảnh của mình, thừa nhận bản thân là hung thủ có nghĩa là hắn phải chấp nhận sự trừng
phạt của luật pháp, đây là hoàn cảnh bất lợi hoàn toàn và hắn thừa biết điều đó “Đàng
nào thì cũng một lần, côn trượng hay bêu đầu treo cổ, thôi thì xin chịu nhục hình cho
rồi”. Thoạt nhìn ta có thể thấy, không có lý do nào khiến tên cướp phải nói dối bởi lẽ
điều đó có thể khiến hắn bị kết án tử, thế nhưng khi nhìn nhận một cách sâu sắc hơn, ta sẽ
thấy được sự né tránh của tên cướp khi đối diện với sự thật. Tên cướp, với có thể nói dối
về cái chết để né tránh, che giấu đi cái sự thật đau đớn hơn với hắn. Bởi lẽ, sự thật là
người phụ nữ bị xâm hại là bi kịch đầu tiên, nó xuất phát từ sự không kiềm chế được dục
vọng của tên cướp vì thế với vị thế tên cướp hắn ta có thể giết người chồng với một cái
cớ: người vợ van xin hắn ta giết chồng mình. Đưa ra một lời nói dối nhằm né tránh một
điểm dừng đau đớn hơn với hắn – đó là sự bất lực trước dục vọng. Bằng chứng là hắn đưa
ra những lý do bắt buộc phải giết người chồng hoàn toàn vì người vợ, dưới góc nhìn của
hắn, hắn ta vì nghe theo lời van xin của người vợ nên mới giết người chồng chứ hắn
không muốn điều đó xảy ra – đây có thể là một lý do hợp lý để hắn ta nói dối trong hoàn
cảnh này.
Chuyện này nói ra như vậy, chắc là người ta thấy tui tàn nhẫn hơn các
người. Nhưng các người đâu có nhìn thấy vẻ mặt cô ta. Nhất là trong thoáng chớp
đó, đôi mắt cô ta bốc lửa như thế nào. Lúc đó, nhìn đôi mắt cô ta, tui đã nghĩ là
cho dù có bị sấm sét đánh chết đi nữa, cũng phải lấy cô ta làm vợ mới thoả lòng.
Phải, lấy cô ta làm vợ, trong lòng tui lúc đó chỉ có một ý nguyện đó mà thôi. Điều
đó không phải như các người nghĩ là chuyện sắc dục bỉ ổi đâu. Lúc đó, nếu thật
chỉ chuyên niệm chuyện sắc dục mà thôi, thì dù có phải đạp ngã cô ta, tui cũng đã
bỏ đi rồi. Mà như vậy thì người chồng cũng khỏi phải đổ máu dưới lưỡi gươm của
tui. Nhưng mà, trong bụi rậm mờ tối, trong thoáng chớp khi tui nhìn đăm đăm
khuôn mặt cô ta, tui hiểu rằng nếu không giết chết anh chồng thì không thể rời
chỗ đó mà đi được.
Và với vị thế của tên cướp, ta có thể đưa ra một lý do cho lời nói dối của hắn, có
thể xuất phát từ sĩ diện của bản thân, vì theo lời khai của hắn, hắn ta luôn muốn chứng tỏ
sức mạnh của mình “nhưng mà, tui đây, đường đường là Tajomaru, cho nên không đến
nỗi phải dùng tới đao kiếm, cuối cùng rồi cũng đánh rớt được con dao”, “Thế thứ 23 đó,
xin các người nhớ cho. Điều này, cho tới bây giờ tui vẫn còn nể phục. Đấu gươm với tui
mà đỡ được hơn 20 thế thì khắp thiên hạ chỉ có một mình anh ta mà thôi”. Như vậy, ta có
thể nhìn nhận “lời nói dối” mà tên cướp đưa ra sẽ có những điểm chấp nhận được.
Tương tự đối với người chồng, cũng là nạn nhân của vụ án. Rõ ràng, người thừa
nhận mình gây ra cái chết là người đã chết rồi, nghĩa là dù việc làm ấy có tồi tệ ra sao thì
người thực hiện hành vi cũng không thể bị pháp luật trừng trị nữa. Hơn nữa, với vị thế
của mình – một samurai, bi kịch về danh dự của một samurai chân chính có thể là nguyên
nhân khiến anh ta phải nói dối. Có lẽ, cũng như tên cướp anh ta muốn thừa nhận mình tự
sát để che giấu đi cái “điểm dừng” mà đối với anh ta nó đau đớn hơn so với cái chết, đó là
sự bất lực của người chồng, của một võ sĩ samurai nhưng không thể bảo vệ được người
vợ của mình, hay là sự bất lực của bản thân khi bị lòng tham chi phối, để từ đó bị tên
cướp lừa gạt và dẫn tới bi kịch cho cả ba. Bằng chứng là ta có thể thấy, trong khi tên
cướp kể rõ hoàn toàn đầu đuôi câu chuyện thì người chồng lại bắt đầu câu chuyện vào
đỉnh điểm của bi kịch. Trong khi đó, ở vị thế của người vợ, xét ở hoàn cảnh của cô, địa
điểm cô kể câu chuyện là ở một ngôi chùa, mục đích giống như để giãi bày hoàn cảnh của
bản thân cũng như sám hối cho việc làm đầy tội lỗi của mình. Cô cũng không có lý do gì
để che giấu nữa, vì nếu như lời cô thú nhận, hoàn cảnh mà cô rơi vào có lẽ là tình huống
tệ nhất đối với một người phụ nữ, khi cô vừa bị cưỡng hiếp, vừa bị chồng khinh miệt lại
còn ra tay giết chết chồng và không có đủ dũng khí để chết.
Như vậy, tính chất mở của câu chuyện rõ ràng là có chủ ý của tác giả. Bằng cách
làm mất phương hướng phản ứng của người đọc, Akutagawa cố tình chuyển sự chú ý của
người đọc sang những xung đột kịch tính giữa các nhân vật, tạo ra và phá vỡ ảo tưởng về
hiện thực đằng sau lời khai của họ. Câu chuyện vì thế kết thúc mở, với sự thật khách
quan của vụ việc mà người đọc mãi mãi không thể biết được. Như vậy, dù câu chuyện
được kể có tỉ mỉ, chi tiết – như lời kể của tên cướp, hay chỉ kể đỉnh điểm của câu chuyện
– như lời kể của vợ chồng võ sĩ thì đến cuối cùng, các nhân vật đều muốn “tái tạo” câu
chuyện theo hướng có lợi cho mình nhất. Đó có thể là để bản thân được thoả mãn cái
danh xưng oai dũng, mạnh mẽ, hay để bảo toàn cái danh dự mà vốn dĩ mong manh, dễ vỡ
hay để bản thân nhân vật cảm giác đỡ tội lỗi với hành động của mình. Tác phẩm này tập
trung vào tính phức tạp và đa chiều của con người, với thông điệp chính là không có quan
điểm nào là hoàn toàn đúng hoặc sai, mà mỗi quan điểm đều phản ánh góc nhìn cá nhân
và đánh giá của người kể chuyện. "Trong Rừng Trúc" thách thức quan điểm tuyệt đối và
mở ra một thảo luận về tính đa nghĩa của sự thật trong tác phẩm văn học.

You might also like