You are on page 1of 6

“Văn chương không phải là liều thuốc an thần ru con người ta vào giấc ngủ uể oải mà là sắt nung

bỏng rát thức


tỉnh con người”
Nhà văn có thể làm gì trong đại dịch?

“Đỗ Phủ viết làm gì


Thế gian không ai biết
Hỏi làm sao Chim hót
Chim hót để làm gì…”

Đó chính là những dòng thơ đầy trăn trở của Nguyễn Phan Hách trong “Đỗ Phủ viết làm gì”. Rốt cuộc thì, Đỗ Phủ
viết để làm gì? Đỗ Phủ và cả những nhà văn, nhà thơ khác vì đâu mà cứ miệt mài sáng tác, mặc cho những “Lệ và
huyết mài mực”? Còn những áng văn chương liệu có thể làm được gì cho cuộc đời này, cho những kiếp nhân sinh
luôn phải xoay sở từng ngày để có thể sinh tồn? Hay nhà văn, nhà thơ cứ như những con chim cất tiếng hót vô
định, không đích đến, cứ hót và sống trong thanh âm của riêng mình mà bỏ quên cuộc đời? Thi nhân, có thể hay
không, trước đại dịch của toàn nhân loại, cùng với các bác sĩ, nhà khoa học, cứu chữa và bảo vệ con người thoát
khỏi sự lưu đày đến cõi vong thân?

Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ hai mươi, hàng tỉ người trên toàn thế giới đã cùng nhau háo hức chờ mong
những bước chuyển mình tiếp theo của một thời đại mới. Năm 2020 đến cùng với những đợi chờ, ước mơ và hy
vọng để rồi hơn một nửa chặng đường đã qua, tất cả những gì mà nhân loại đối mặt chính là nỗi sợ hãi, sự hoang
mang - tất cả đều đến từ một nguyên nhân duy nhất: Đại dịch Covid-19. Còn nhớ đêm giao thừa hôm nào, dưới
pháo bông rực rỡ, trong tiếng nhạc rộn ràng, người ta đã nghĩ 2020 là một năm mới đầy hứa hẹn để rồi chỉ một
tháng sau thôi, cả thế giới như “vỡ trận” trong sự bùng phát của đại dịch. Hàng trăm rồi hàng ngàn, hàng trăm
ngàn,...những con người đã chết, vì đại dịch. Mặc kệ những nỗ lực kiểm soát và cứu chữa từ đội ngũ y bác sĩ trên
toàn thế giới, số lượng bệnh nhân mắc phải Covid-19 không ngừng tăng lên, kéo theo đó không chỉ là nỗi ám ảnh
về bệnh tật và cái chết mà còn là vô vàn những vấn đề khác. Đó là sự tuột dốc không phanh của nền kinh tế trên
toàn thế giới. Có lẽ đã rất nhiều năm qua đi, người ta mới lại nhìn thấy phố Wall điêu tàn, hỗn loạn đến vậy. Suốt
năm 2020, hàng ngàn doanh nghiệp liên tục đóng cửa, dù là ở Việt Nam hay Đông Nam Á, châu Á hay châu Âu,
người ta dần trở nên quen với việc những ánh đèn sáng trưng trong các cửa hiệu giờ chìm vào bóng đêm ảm đạm.
Từ sự sụp đổ của nền kinh tế, con người ta rơi vào khủng hoảng tinh thần với những áp lực mưu sinh, để rồi khi
Covid-19 chưa kịp tìm đến, con người ta đã vội vã chạy trốn thế giới đầy hiểm nguy vây quanh mình. Đại dịch
bùng phát, kinh tế khó khăn là cơ hội cho những âm mưu lừa đảo, làm nhiễu loạn thông tin thừa cơ hoành hành.
Giờ đây, điều khó khăn nhất không phải là con người làm sao để vượt qua đại dịch mà là bằng cách nào để niềm
tin vào sự sống có thể duy trì. Bởi thực tế, sự đổ vỡ niềm tin vào sự sống mới là điều đưa người ta đến với cái chết
nhanh nhất, nhanh hơn bất kỳ sự tàn phá của một loại bệnh tật nào trên đời!

Ở trong đại dịch, có nhiều lý do để con người ta chết đi - bệnh tật, ốm đau chính là những cái chết mà các bác sĩ đã
và đang nỗ lực hết mình để ngăn chặn. Thế nhưng, những chấn thương tinh thần, những áp lực và khủng hoảng về
tâm lý của con người thì sẽ do ai hàn gắn, chữa lành? Điều đáng sợ nhất khi một cơn đại dịch qua đi liệu sẽ là tổng
số thương vong về người và của hay sự sống mơ hồ của hàng tỉ những người còn lại trên đời? Đại dịch chính là
một hình thức của chọn lọc tự nhiên, vậy thì những kẻ còn sống ấy, là những người may mắn được chọn hay là
những kẻ xui rủi tận cùng, phải sống để cảm nhận rõ ràng những dày vò từ nỗi đau mất mát? Thuốc thang, trị liệu
sẽ thật sự cứu chữa được họ hay chăng?

Trở lại với quá khứ, chúng ta hẳn còn nhớ đến Lỗ Tấn. Có là ngẫu nhiên hay chăng, khi một thầy thuốc như ông
lại chọn trở thành một nhà văn và xem như đây là cách tốt nhất để cứu lấy người dân Trung Hoa lúc bấy giờ? Giả
sử, Lỗ Tấn vẫn là một thầy thuốc, ông sẽ dùng phương thuốc nào để chữa dứt căn bệnh vô cảm, lạc hậu của đồng
bào mình? Hay chính sự ra đời của hàng loạt những sáng tác từ truyện ngắn đến truyện dài, tiểu thuyết của mình,
Lỗ Tấn đã không chỉ tạo tiền đề để Trung Quốc có rất nhiều những Lỗ Tấn sau ông mà quan trọng hơn hết, là chữa
khỏi dần những căn bệnh quốc dân. Và không chỉ Lỗ Tấn, mà nhìn vào chính nền văn học nước ta thôi cũng thấy
một đại diện vô cùng tiêu biểu đó là Cụ đồ Chiểu. Từ một thầy lang, Nguyễn Đình Chiểu tìm đến bút mực, không
chỉ xem đây như một thứ vũ khí “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” mà còn là phương thuốc dành cho tâm hồn
người Việt trong suốt một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Lỗ Tấn và Nguyễn Đình Chiểu, họ đã là những người
thầy thuốc chữa bệnh về thể chất cho con người. Nhưng cũng là họ, cùng với những nhà văn, nhà thơ khác, đem
đến những bài thuốc hữu hiệu, thiết thực hơn, dành cho tâm hồn của con người !

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung từng viết: “Trước một thế giới tan vỡ hay có nguy cơ tan vỡ, nhà văn phải
nhặt nhạnh từng mảnh vỡ, tái tạo lại chính nó, đồng thời kích hoạt những dây đàn cảm xúc của con người”. Nhà
văn - những con người bằng xương bằng thịt như bao người khác trên thế gian liệu có một phép thần thông hay
chăng, mà hàn gắn lại được những đổ vỡ của cuộc đời? Đối diện với những thương tổn từ sâu trong tâm hồn
người, nhà văn sẽ làm gì để từng cơn đau đớn, tuyệt vọng kia nguôi ngoai? Đối diện với ốm đau, cái chết và cả sự
chia lìa, nhà văn sẽ có thể hồi sinh tất cả hay sao?

Không, nhà văn không thể xoá nhoà đi những buồn đau hay lấp đầy những mất mát của con người. Nhưng nhà văn
sẽ lại là người đem cái chết ra xa khỏi họ, để người ta có thể đi qua những lần vụn vỡ, những lần thương đau. Nhà
văn cho con người dũng khí để chọn lựa sự sống!
Nhà văn cứu chữa con người, trước hết bằng những sự thật. Đó là sự thật về cuộc đời và về chính bản thân của mỗi
người. Như Virginia Woolf đã nói: “Văn chương không phải là liều thuốc an thần ru con người ta vào giấc ngủ uể
oải mà là sắt nung bỏng rát thức tỉnh con người”. Văn chương không đẩy con người ta vào cơn mộng mị bằng
những ảo ảnh về cuộc đời mà là sự soi chiếu trực diện, chân thật bản chất của thế giới. Có thể, thế giới văn chương
chứa đầy những ước mơ nhưng có khi, ngập tràn nghịch cảnh, bi kịch nhưng nhất định, đó không phải là một thế
giới đơn điệu, một chiều. Thế giới của văn chương là thế giới đầy giằng xé trong nội tâm của một con quỷ đội lớp
người như Chí Phèo, một con quỷ luôn vẫy vùng trên lằn ranh của thiện lương và tàn độc, của một thằng rạch mặt
ăn vạ “phá nát bao cảnh yên vui” và một kẻ cô đơn cùng đường luôn khắc khoải hoài nghi “Ai cho tao lương
thiện?”. Đó là thế giới mà một thiên tài nghệ thuật như Vũ Như Tô phải gánh chịu bi kịch của một người nghệ sĩ
đơn độc sống với lý tưởng nghệ thuật rời xa thực tại để rồi trơ mắt ra nhìn giấc mộng lớn đời mình trở thành tàn tro
rồi vẫn bất tin mà gào thét “Vô lý! Vô lý!” Văn chương tạo dựng một thế giới muôn hình vạn trạng trên từng trang
sách, thế giới của nó vận hành với đầy những mâu thuẫn và nghịch lý thay vì minh bạch phải - trái, đúng - sai.
Cuộc sống hiện lên từng trang giấy mang dáng dấp của đời thực, với vô vàn chân dung của con người, những con
người bằng xương bằng thịt với mọi hỷ-nộ-ái-ố, với những khát khao lẫn tuyệt vọng, với sự thanh cao và cả những
suy đồi. Thực tại và con người trong văn chương là như thế, là một sản phẩm của ngôn từ và sự sáng tạo nhưng
chắc chắn không phải là những hình tượng trống rỗng, vô hồn.

Chính nhờ điều này, thay vì là những con chữ rỗng tuếch, văn chương nói như Phillipe Jacollete, đã cho người ta
già đi từ đầu đến cuối bài thơ. Qua một bài thơ, một câu chuyện, con người ta như sống một cuộc đời. Mỗi lần hoà
vào thế giới của văn chương là lại một lần được sống, sống những cuộc đời khác nhau. Mỗi lần bước vào trang
sách là như được tái sinh, với một diện mạo, một tâm hồn mới, để trải nghiệm, để dấn thân mà ngắm nhìn cuộc
đời. Sống trong trang sách, người ta có thể vỡ oà trong niềm sung sướng vì nhìn thấy những giấc mơ hoá thành
hiện thực. Và cũng trong trang sách, bao giọt nước mắt đã rơi, vì hiện thực tàn khốc, vì những mộng mơ tan vỡ, vì
tình yêu nhạt nhoà, vì đời người chóng vánh như một giấc chiêm bao. Để rồi, từ trong vô vàn những cảm xúc ấy,
dẫu là đớn đau hay hạnh phúc, là thăng hoa hay trầm buồn, con người ta nhìn thấy thế giới này và nhìn thấy chính
con người mình. Già đi mà Jacollete nói ấy, chính là sự già đi của nhận thức, không chỉ nhận thức về cuộc đời mà
còn là nhận thức về bản thân của mỗi con người.

Có thể, không phải mọi độc giả cầm trên tay “Nỗi buồn chiến tranh” đều từng là những người lính, đều đã rửa máu
của mình trong gió bụi nơi chiến trường như Kiên. Thế nhưng, Bảo Ninh đã dùng chính ngòi bút của mình để
người đọc không chỉ nhìn thấy được bản chất chiến tranh mà hơn hết là nhìn thấy những gì chiến tranh đã để lại,
không phải những miền đất chết mà là những linh hồn chết. Đi vào thế giới nội tâm của Kiên, trôi theo dòng hồi ức
để soi vào những đứt gãy, những nỗi ám ảnh, những ký ức không cách nào trốn chạy và người ta hiểu được rằng,
thứ chiến tranh cướp đi không phải là mạng sống mà là ý chí để sống, chiến tranh có thể buông tha cho sinh mạng
con người nhưng không chối từ việc tước đoạt đi ý thức tồn tại. Những con người trở về từ chiến tranh, cũng giống
như chúng ta, đi qua một cơn dư chấn ầm ĩ trong nội tâm và vĩnh viễn, không thể trở lại như ban đầu, vĩnh viễn
phải sống, phải chịu đoạ đày bởi vết thương không bao giờ khép miệng kia. Người ta đọc văn chương có thể biết
được sự đổ nát của thế giới sau một cuộc chiến tranh, cũng như một cơn đại dịch, nhưng quan trọng hơn hết chính
là nhìn thấy được sự suy sụp của lòng người và sự lạc lối, vô định đến hoang mang trong chính tâm hồn mình.

Văn chương đem đến cho con người ta sự nhận thức, không phải để chấp nhận những gì đã có và đang có, không
phải để thừa nhận một lần nữa những điều đang diễn ra. Giá trị thực sự của văn chương chính là dùng sự thật để
con người ta vượt qua chính sự thật đó. Phơi bày ra trước mắt con người ta một thế giới tàn khốc với đầy những
rạn nứt, nhà văn không dồn con người đến bước đường bi quan, trốn chạy hay chối bỏ nó mà muốn con người ta
dũng cảm đối diện, đi qua và khắc phục nó. Nói như Aristote, bi kịch là một sự thanh lọc. Văn chương dùng hiện
thực và bi kịch bên trong nó, dùng những gì con người muốn khước từ, né tránh để thanh lọc thế giới. Sự thanh lọc
đó xuất phát từ cách văn chương phản tính con người bằng sự thật để rồi trở thành ngọn đèn định hướng cho con
người nhìn ra những ngã rẽ mà mình có thể bước đi. Ở đó, người ta nhìn thấy vô vàn những chọn lựa, chọn lựa để
sống và chết, chọn lựa để hy vọng rồi đổi thay và cả những chọn lựa để tiếp tục lụi tàn cùng thực tại tăm tối. Văn
chương không giáo điều, dạy dỗ hay cưỡng cầu, ép buộc, nó cho con người ta nhìn thấy thật nhiều những khả năng
còn con người thì liệu có một ai đâu, chọn lựa những điều tồi tệ?

Viết về “thế hệ mất mát” với những tiệc tùng xa hoa hoà trong điệu jazz man mác, trầm tư, Francis Scott Key
Fitzgerald đã đưa người đọc bao thế hệ trở về với thập niên 20 của thế kỉ trước qua kiệt tác “Đại gia Gatsby”. Câu
chuyện là cuộc chạy đua của con người với sự leo thang của bạc tiền; là những “đổi chác, bán buôn” mà cái giá để
có được địa vị, quyền quý là chính hạnh phúc của cả một đời người. Con người thuộc về thời hậu chiến đã phải
đánh mất mình vì những “đốm xanh” phù phiếm mà ngay cả khi “nó đã tuột khỏi tay chúng ta” thì “chúng ta cứ
thế dấn bước, những con thuyền rẽ sóng ngược dòng, không ngừng trôi về quá khứ”. Mỗi người đều như Gatsby,
mang trong mình những khao khát, đam mê và thậm chí là cuồng vọng để rồi rong ruổi chạy theo giấc mơ của
mình trong cơn mộng du. Vậy thì, ta sẽ chọn chứ, một cuộc đời như Gatsby, một cuộc đời cứ mải miết chạy theo
cái đốm xanh xa xôi, hão huyền? Ta sẽ chọn chứ, những ảo mộng đã nát tan từ dĩ vãng xa xưa? Gatsby chết đi giữa
những dở dang, vỡ mộng, vậy còn ta, liệu có tiếp bước để trở thành nạn nhân từ chính những ước mơ của mình. Đó
là chọn lựa của ta, ta có thể chọn như Gatsby nhưng ta cũng có quyền nhìn vào Gatsby để làm khác đi, để sống
hạnh phúc hơn, trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Bằng cách ấy, văn học đã thanh lọc ta, thanh lọc và cảm hoá từ chính
những điều bi thảm nhất.

Như đã nói, văn chương muốn cứu rỗi con người, không nằm ở việc thay đổi quy luật sanh-lão-bệnh-tử, nhà văn
chữa trị cho nhân gian không thể hiện ở việc cải tử hồi sinh cho con người. Sự cứu chữa của văn chương là sự cứu
chữa đối với tâm hồn, với thế giới nội cảm của con người. Bởi lẽ, văn chương dù là thể loại nào, từ những bài ca
dao than thân của những người lao động lam lũ đến những khúc sử thi bất hủ của Homer, từ những câu chuyện cổ
tích quen thuộc với những đứa trẻ con cho đến những tác phẩm đồ sộ của Lev Tolstoi, tất cả không chỉ làm nên bởi
tư tưởng của nhà văn mà cần hơn hết là tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ. Đó mới chính là linh hồn, là sợi dây
kết nối văn chương với thế giới. Chính những tâm tư tình cảm này mà văn học mới chạm đến được đời sống nội
tâm của người đọc, để cho con người ta có thể tin tưởng mà mở lòng mình ra đón nhận những sáng tác này. Văn
chương đi từ tâm hồn người viết đến trái tim người đọc, xoa dịu và chữa lành những ưu tư, muộn phiền lẫn niềm
đau, thương tổn. Văn chương tạo dựng được niềm tin trong lòng người, niềm tin giữa con người với thông điệp mà
tác phẩm gửi gắm, từ đó phát triển thành niềm tin giữa con người đó với thế giới mà họ đang sống. Cuối cùng, văn
chương tạo dựng niềm tin giữa con người với con người, nhờ sự thanh lọc, nhờ những điều tốt đẹp, nhờ hy vọng,
ước mơ. Niềm tin đó trở thành động lực, giống như cách Scarlett O’hara đã luôn nói “Sau tất cả, ngày mai sẽ là
một ngày mới”, một ngày mới và tất cả sẽ tốt hơn, một ngày mới và đống hoang tàn trước mắt sẽ thành quá khứ,
một ngày mới - chỉ cần tin như vậy thì sẽ lại nhìn thấy khởi đầu, nhìn thấy những điều tốt đẹp. Có như vậy, con
người ta can đảm chọn lựa cuộc sống dẫu có đi qua bao nhiêu biến cố, thăng trầm. Niềm tin gắn kết con người với
sự sống. Bệnh tật có thể tước đoạt đi một thể chất khoẻ mạnh, có thể dày vò người ta bằng những cơn đau thể xác.
Thế nhưng, chỉ cần tinh thần của con người còn có niềm tin vào những điều tốt đẹp, vào sự sống, tương lai, có
niềm tin vào chính nội lực sinh tồn của mình thì sự sống vẫn ở đó. Con người có thể chết đi nhưng niềm tin và
khao khát sống sẽ ở lại, để lan toả, tạo thành động lực và cũng là niềm tin cho những người còn sống mai sau.

Không phải là cơn đại dịch đầu tiên mà nhân loại phải trải qua, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng bảy tỉ người
trong chúng ta có thể bình thản mà đối diện với nó. Đại dịch xuất hiện, con người phải gánh chịu rất nhiều hậu quả
và dư chấn mà nó để lại, tất cả có thể trở thành những mất mát, những vết thương không bao giờ liền miệng trong
nhận thức của chúng ta. Những đau thương đó, rồi sẽ hoá thành ký ức nhưng chúng ta cũng không cách nào xoá
nhoà nó đi, chúng ta chỉ có thể tiếp tục sống cùng nó, xem nó là một phần bên trong mình nhưng ngừng cảm thấy
đau đớn, buồn rầu. Và để đối mặt, chấp nhận rồi sống cùng những vết thương bên trong mình, chúng ta có văn
chương, có nghệ thuật, như một chỗ dựa luôn luôn đồng điệu, luôn luôn thấu hiểu. Đó cũng chính là lý do, chúng
ta cần đến những người nghệ sĩ, những người mang lĩnh nỗi buồn cùng nhân gian và nâng đỡ con người, đi qua
những cuộc bể dâu.

CÚN - NGUYỄN HUY THIỆP]:

Kiếp người ở dưới khung thương.


Đời cho con mắt, văn chương cho tình.

(Lưu ý: Bài viết dùng để tri ân năm mất của Nguyễn Huy Thiệp)

Nguyễn Thái Hoà đã từng viết trong cuốn "Những vấn đề thi pháp của truyện": “Truyện với tư cách là tác phẩm
nghệ thuật tồn tại như một thực thể độc lập với các thực thể khác, là góc nhìn nghệ thuật về con người và bằng
chính ngôn từ kể truyện của con người. Vì thế, con người trong Truyện cũng chính là quan niệm nghệ thuật về con
người thông qua tính cách, hành động, sự kiện diễn biến trong thời gian thuộc về quá khứ tính từ thời điểm kể
truyện.”

Nguyễn Minh Châu đã từng nói: “Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người.” Có
lẽ, đây chính là sứ mệnh cao cả của văn chương, phản ánh một cách sinh động và trung thực về con người. Các nhà
văn sau năm 1975 đã tận lực đổi mới văn chương, từ cách viết, đến đề tài,... và đặc biệt là đổi mới quan niệm nghệ
thuật về con người với nội dung dân chủ và nhân bản sâu sắc. Những năm trước đây, trong thời kì chiến tranh khói
lửa, văn học nhìn còn người bằng cái nhìn lý tưởng. Cho nên con người xuất hiện trong giai đoạn này chủ yếu là
con người cộng đồng, con người giai cấp, con người dân tộc. Nhưng từ sau 1975, yêu cầu đổi mới văn học đòi hỏi
nhà văn phải nhìn con người trong những mối quan hệ đời thường đa đoan và phức tạp, khám phá con người ở
khía cạnh đời tư bằng cái nhìn đa diện hơn.

Trên chuyến hành trình cách tân văn học dân tộc ấy, văn đàn Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của hiện tượng
văn học độc đáo và gây nhiều tranh cãi mang tên Nguyễn Huy Thiệp. Con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp xuất hiện với những suy nghĩ, hành động và đời sống nội tâm bí ẩn trong những khía cạnh bị lẫn lộn bởi thật
giả, tốt xấu, cao thượng và thấp hèn. Một thế giới thể hiện cách nhìn rất thật, sâu sắc của nhà văn về con người.

Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn tiên phong, ngược dòng nước chảy, giao thiệp với cái ác, nhận
diện và khảo sát chúng bằng kính hiển vi, không phải để tiêu diệt chúng vì văn chương chưa bao giờ là điểm trang
diện mạo và cải hoán bụng dạ nhân loại. Nhưng biết chúng để đối diện với sự thật, đừng đánh lừa chính mình. Qua
truyện ngắn Cún, Nguyễn Huy Thiệp đã vẽ ra bộ mặt của xã hội Việt Nam bằng những câu văn ngắn gọn, sắc bén
và hàm súc.
Cún là một truyện ngắn gây xúc động mà Nguyễn Huy Thiệp đã từng viết, kể về Cún, người tàn tật khiếm khuyết,
làm ăn mày nơi đầu đường xó chợ, không được xem là con người, ước mơ lớn nhất, khát vọng cháy bỏng nhất
trong đời Cún có lẽ là được làm “người”.

“Tính người” trong Cún được Nguyễn Huy Thiệp miêu tả giữa hai sinh vật không phân biệt được với nhau: giữa
người và chó, giữa chó và người, chẳng ai phân biệt được đâu là người, đâu là chó. Cún là quái thai mặt đẹp, thân
hình dị dạng được lão Hạ ăn mày kéo lên từ miệng cống. Dưới mắt nhìn của con chó thì Cún là người, nhưng dưới
mắt nhìn của con người, Cún là quái thai, chưa được làm người, mang tên chó. Nhưng trong cái thế giới tạm gọi là
“người” ấy, từ cô Diệu xinh đẹp, đến lão Hạ đói rách, dưới góc độ nào đó, họ cũng có khác gì loài chó? Lão Hạ
thương Cún, cứu vớt, nuôi dưỡng Cún, thế nhưng vẫn dùng cún như một công cụ kiếm chác. Cô Diệu xinh đẹp,
ngủ với Cún để chiếm lấy “gia tài” của “thằng hình nhân mặt đẹp”. Cái bào thai “sản phẩm tình yêu” hợp tác xã
giữa cô Diệu và Cún, Cún và cô Diệu (chó và người, người và chó) lớn lên, làm “người”, trở thành nhà nghiên cứu
lý luận văn học Z. Nguyễn Huy Thiệp khắc hoạ đậm nét theo thuyết của Darwin về con người bản năng, thú tính,
làm mờ nhoè ranh giới giữa người và thú. Tuyệt nhiên, không thể phân biệt được đâu là “tính chó”, đâu là “tính
người”. Cún, bào thai thui chột, vô chủ, bị sa thải trong bối cảnh nhớp nháp của phường cái bang, giao hợp với
điểm cơ hội, sản sinh ra loại trí thức “am hiểu các vấn đề lý luận văn học ở ta”.

Con người theo quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp đầy những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống thường nhật.
Có tấn kịch của bản thân, có tấn kịch của gia đình, có tấn kịch của xã hội. Nhưng chung quy lại, nổi bật nhất vẫn là
niềm khao khát của con người muốn vươn cao và thực tế mà con người phải chịu đựng. Nhân vật của Nguyễn Huy
Thiệp mang sức tải của một quan niệm sống, quan niệm xử thế với người đời, dù đó có là ai đi chăng nữa, là vua,
là người, là kẻ tàn tật như Cún - kẻ không được xem là “người”. Những quan niệm khác nhau va chạm, xung đột,
bùng nổ. Quan niệm nghệ thuật ấy bộc lộ thông qua các kiểu con người trong tác phẩm. Và các kiểu con người ấy
trở thành kiểu loại nhân vật xuyên suốt trong toàn sáng tác của ông. Đó là kiểu “con người không toàn vẹn”, giống
như Cún, chỉ khát khao được làm “người”. Không phải chỉ riêng cái tên, mà cả ngoại hình “Đứa bé này thật cũng
không phải là người, nó kỳ hình dị dạng, đầu nó to tướng, hai chân tay mềm oặt như chẳng có xương, chỉ hơi lệch
trong tâm là người nó ngã kềnh ra đất”. Cún bị đánh bật ra khỏi thế giới của con người, không được phép là người.

Bi kịch của Cún còn ở chỗ, Cún ý thức được khiếm khuyết của mình “Cún chỉ đau đớn vì Cún khuyến tật. Cún
chưa phải là người, cái gì mọi người làm được thì Cún đều thấy khó quá. Càng lớn, Cún càng thấy việc Cún đứng
vững ở trên mặt đất thực chẳng dễ gì. Cún cứ lẩy bẩy, cứ đi ba bước là lệch trọng tâm, cứ thế ngã quay ra đất. Hai
chân hai tay của Cún không tuân theo được ý mình”. Nhưng Cún lại có hai điều đặc biệt. Một là đôi mắt Cún, đôi
mắt làm cho mọi người xung quanh ám ảnh sợ hãi, có lẽ đó là ánh mắt của một kẻ không thể là người những lại
mang nỗi đau của một kiếp người. Đôi mắt ấy là cửa sổ của một tâm hồn đầy bi kịch, biết đau khổ từ thuở bé. Khả
năng thứ hai của Cún chính là sự chịu đựng “tuyệt vời”. Đã chai sạn dần với tuổi thơ bất hạnh nên “nó chịu được
đói, được rét, nó sống trơ trơ như thân thể nó được tạo bằng thứ nguyên liệu siêu phàm”. Và Cún lớn lên trong sự
hắt hủi, ghẻ lạnh của người đời. Trở thành công cụ kiếm tiền của lão Hạ.

Trong cái thế giới “cái bang”, nơi mà “thân phận một đứa bé què quặt cũng chẳng đáng kể gì”. Bất hạnh của Cún
là bất hạnh về hình dáng, nỗi cô đơn trong tâm hồn. Chính những thứ đó đã sinh ra bi kịch trong Cún. Càng lớn,
Cún càng ý thức được thân phận bất hạnh của mình và buộc “phải ý thức về hoàn cảnh của mình”. Đó là thân phận
của kiếp đời nhạt nhẽo, vô nghĩa, sống như con giun, con dế, như con ong, cái kiến...”. Cuộc đời của Cún không có
những sóng gió dữ dội, những thăng trầm, nó giống như đồ thị hàm số thẳng băng, không gợn sóng, nhưng lại luôn
ở con số âm. Cún chẳng thể ác, chằng thể tàn nhẫn với ai. Cún đau đớn, tuyệt vọng khi nghĩ về thân phận khuyết
tật của mình. Với mọi người, Cún là ăn mày có đôi mắt ám ảnh tâm trí họ. Với lão Hạ, Cún là công cụ kiếm ăn.
Với cô Diệu, Cún là “ngôi sao Hoá lộc”. Cún chưa bao giờ là một con người thực sự.

Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Huy Thiệp trong Cún còn là con người với tình yêu và hạnh phúc.
Con người sinh ra trong đời, ai cũng có những khát vọng tình yêu, hạnh phúc cho riêng bản thân mình. Văn học
xem con người là đối tượng để phản ánh, nên những vấn đề của con người cũng không nằm ngoài sự phản ánh của
văn học.

Ta thường nghĩ tình yêu mang đến cho con người cảm xúc, sự thăng hoa và sống có tình hơn. Nhưng dường như
trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp chỉ có ít truyện thể hiện tình yêu đúng nghĩa, còn lại toàn bộ những mối tình
của con người hiện đại đều vô nghĩa. Ở đó, tình yêu bị biến thành vô nghĩa bên cạnh thế lực của đồng tiền, người
ta chỉ biết có tiền và hình như không hề biết tới tình yêu.

Cún và cô Diệu, chính là mối tình ấy. Cún hằng đêm ngủ nhờ nơi hiên nhà Diệu. Sống ở đó lâu ngày, gặp Diệu vào
những buổi sáng đi bán hàng, Cún đã nhớ thương, ngủ mơ đến cô. Nhưng cô Diệu chỉ lợi dụng Cún vì tiền. Diệu
coi Cún như là một người giúp mình trong buôn bán. Mỗi sáng trước khi đi bán hàng, Diệu thường thuê Cún làm
người đón đường để mình buôn may, bán đắt: “Này thằng hình nhân mặt đẹp! Cho mày một hào, sáng mai mày ra
đón cửa cho tao... Hôm nào đi chợ gặp mày là người thiên hạ xô vào mua bán như tranh như cướp”. Khi người
chồng bội bạc bỏ cô, lấy hết tiền đi theo nhân tình. Trong lúc ngồi buồn bã, cô đã thấy lấp lánh trên tay Cún những
khâu vàng. “Cô Diệu bỗng giật mình. Cô thấy lạnh toát sống lưng. Chân tay cô run bần bật... Một ý nghĩa bất ngờ
chợt loé trong óc cô”. Sau khi tìm cách kiểm tra đúng là vàng thật, cô đã nói với Cún: “Mày hãy cho tao ba cái
nhẫn này... Mày muốn gì tao cũng nghe mày”. Sau khi ăn nằm với nhau, cô đẩy Cún ra lại vỉa hè và nói “Thế là
chẳng có nợ nần gì nhé”. Và Cún trở về với cuộc sống của một người ăn xin vốn có của mình.

Cô Diệu là một người thực dụng đến trơ trẽn, chẳng từ một kẻ khuyết tật, la lết khắp đầu đường xó chợ để ăn xin
như Cún. Thực chất, đứa con của Cún ra đời là ngoài dự tính, nó chỉ là sản phẩm của một cuộc trao đổi đầy nghiệt
ngã. Cún không hề được nhận lấy – dù ít ỏi, chút tình thương nào giữa người với người. Phút giây bên cô Diệu đối
với Cún như một giấc mơ chóng vánh qua nhanh đến độ Cún còn mơ hồ chưa thực sự ý thức được rằng nó đã đi
qua.

Cún chấp nhận cái chết trong khi đang cháy bỏng khao khát được sống cuộc đời của một con người. Cái chết đến
gần với Cún từng ngày và Cún ý thức được điều đó: “Cún ốm nặng, Cún chỉ sợ nhất cái chết ập đến bất ngờ khi
Cún chưa biết đứa con thế nào. Cún thoả thuận với cái chết, Cún cầu xin nó từng ngày”. Cái chết đến với Cún nhẹ
nhàng. Khi đứa con cất tiếng khóc cũng là lúc Cún từ giã cõi đời này. Cún hạnh phúc vì đứa con trai ấy và gửi trọn
niềm hy vọng vào nó. Rồi mai đây, nó sẽ sống một cuộc đời tốt đẹp hơn Cún. Nó sẽ là một con người thực sự, sẽ
thay Cún bước tiếp con đường phía trước bằng đôi chân của một con người: “Cún cười sung sướng rồi lịm người
đi. Có một làn gió rất chi mơ hồ lướt trên khuôn mặt bất động của Cún”.

Nguyễn Huy Thiệp nhìn thẳng vào sự thật, viết về cái hôm nay ngổn ngang bề bộn, màu đỏ, màu đen đầy rẫy
những biến động bất ngờ với rất nhiều những con người bẩn thỉu, ti tiện, cái xấu, cái ác trong một mảnh đất khô
cằn ngột ngạt, tù đọng. Con người bị ném vào cuộc đời rồi bị biết bao tai biến, biết bao “tha nhân” ràng buộc như
không một lối thoát. Nhưng con người đã được đánh thức bởi những bản năng để tự mở đường ra đi và dũng cảm
nhận lấy trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Ở những con người phàm tục ấy bị tha hoá bởi bao nhiêu lực
lượng xã hội xa lạ với mình và dường như không tránh né được, vẫn le lói một tình thương. Họ thầm lặng đi tới cái
tốt và cũng là cái đẹp. Nguyễn Huy Thiệp cảm thông sâu sắc với khát vọng làm người cháy bỏng ở những số phận
bất hạnh, nâng cánh cho ước ước mơ được “làm người” của một hình nhân. Nhân vật Cún của Nguyễn Huy Thiệp
lúc nào cũng canh cánh nỗi đau bởi tật nguyền, đói rét. Tuy nhiên, dù biết rằng mãi mãi không thể giải quyết bi
kịch của mình nhưng Cún ra đi trong thanh thản và gửi gắm niềm hy vọng cho đứa con trai tương lai.

Nguyễn Huy Thiệp từng nói: “Nhà văn không thể cứu được mọi người, nhưng có thể giúp họ giảm nhẹ được khổ,
dù là ít ỏi”. Khi mà nhà văn thường xuyên suy tư về đời sống, về sống chết, vinh nhục, ngay thẳng, đểu giả... thì
trái tim nhà văn làm sao có thể là một trái tim thờ ơ? Đúng là Nguyễn Huy Thiệp có lối viết về cái ác nhưng không
phải để hả hê, mà là xót xa. Tự trong thẳm sâu ông hy vọng vì ông tuyệt vọng. Cho nên, truyện ngắn của Nguyễn
Huy Thiệp không phải chỉ có cái ác, cái xấu, cái ti tiện, sự vô nghĩa của cuộc đời, sự bê tha nhếch nhác của con
người, sự bơ vơ lạc loài của cái đẹp, mảnh đời nhiều cay đắng khốn cùng, bệ rạc vì tiền nong, vì mong muốn trục
lợi. Bức tranh nhân thế trong tác phẩm của ông không chỉ toàn màu đen. Nhà văn còn phát hiện ra những nhân
cách rất đẹp, những tâm hồn thánh thiện và sáng trong như suối tự nguồn. Trong bức màn tối, ông nhìn thấy và
chăm chút cho những mầm thiện nhỏ bé, những đốm lửa kì diệu của thiên lương, những thứ ông tin rằng sẽ có đủ
sức mạnh cần thiết để đương đầu với bóng tối đang ngự trị trên thế giới, cải tạo và làm trong sáng cuộc sống con
người.

Với Cún, Nguyễn Huy Thiệp gắn cái ảo với cái thực, giữa chúng có sự xen kẽ, chuyển hoá lẫn nhau. Câu chuyện
về cuộc đời Cún được đặt giữa câu chuyện của nhà văn với nhân vật một “nhà nghiên cứu lý luận văn học Z”. Từ
câu nói của nhân vật Z: “Cha tôi là Cún. Cả cuộc đời ngắn ngủi của ông chỉ có độc một khát vọng thành người, thế
mà không được...”, nhà văn đã viết câu chuyện về Cún. Thế nhưng ở cuối truyện khi đem tác phẩm hư cấu ấy đến
cho Z đọc, nhà văn bất ngờ khi Z tái mặt phản đối: “Không phải thế! – Z giằng lấy tập bản thảo ở trên tay tôi – Câu
viết những điều bịa đặt! Cần phải tôn trọng hiện thực. Hiện thực khác lắm! Cậu biết cha tôi như thế nào không?”
Và Z đã đưa cho nhà văn xem ảnh cha mình, trong ảnh Cún có “một khuôn mặt đàn ông to béo mặc áo the đen, cổ
hồ cứng, có hàng ria đen xén gọn nhìn tôi mỉm cười”. Cách mở đầu và kết thúc truyện như vật như một giao ước
của tác giả rằng đây không phải là câu chuyện có thật. Nó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi. Thế nhưng,
ai dám chắc nó không phải là câu chuyện vẫn xảy ra trong cuộc sống, rằng nó không phản ánh chân thực nhân tâm
và thế sự của xã hội đương thời?

Cách viết tỉnh bơ, hài hước và có phần phi lí. Có lẽ Nguyễn Huy Thiệp muốn khẳng định rằng nghệ thuật đôi khi
không cần phải phản ánh chính xác sự thật, miễn là nó mang được những giá trị thẩm mĩ, đem đến cho bạn đọc bài
học nhận thức và giáo dục con người. Việc phản ánh hiện thực hoàn toàn có thể bắt đầu bằng việc nhào nặn nên
những hình tượng được thêu dệt từ trí tưởng tượng phong phú của con người.

Vẻ đẹp thiên lương con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hầu như tập trung ở hai kiểu người là nhân vật
thiểu năng và nhân vật nữ. Người thiểu năng là người không bình thường, khuyết tật về thể chất hay hạn chế về trí
tuệ, giống như Cún, dù cho người đời nhìn bằng cặp mắt thương hại hoặc khinh bỉ, nhưng đối với Nguyễn Huy
Thiệp, ông dành cho những người không may này một sự cảm thông vô hạn. Trong truyện ngắn Cún, lão Hạ là
một người ăn xin, đã cứu Cún từ trong cống nước. Lão coi Cún như nhưng đã lợi dụng Cún để đi ăn xin sống qua
ngày, để kiếm tiền đánh bạc và uống rượu. Cũng có lúc “lão Hạ chẳng hề thấy áy náy vì những lần để Cún đói lả,
run người trong những trận sốt mê man đê đi uống rượu hay đi đánh bạc”. Khi Diệu cho Cún đồng tiền, lão đã lặng
lặng nhặt vào túi mình. Nhưng lão cũng là một người có lòng nhân từ. Lão hiểu rõ mình già, ốm đau, sẽ không còn
trên cõi đời này và Cún sẽ bơ vơ một mình. Với thân hình dị dạng không thể di chuyện được nhiều của Cún thì thật
đáng thương để mà kiếm sống. Cho nên trong quá trình lợi dụng Cún, lão cũng đã để cho Cún ít vàng phòng thân
sau này. Vì vậy, lúc sắp chết “bàn tay lão cố ấn vào tay Cún một cái túi con nằng nặng”, mà sau này khi mở ra Cún
thấy đó là những chiếc nhẫn vàng.

Không những thế, con người trong Cún còn là con người cô đơn, cô đơn vì chính hình hài dị dạng của mình. Nhân
vật cún gánh chịu nỗi đau đến cùng cực. Không chỉ bị ruồng rẫy, bị vứt bỏ ở cống nước mà từ khi mới chào đời mà
còn có hình hài dị dạng nên Cún lớn lên trong sự ghẻ lạnh của người đời. Cún “sống như con giun, con dế, con
ong” và trở thành công cụ kiếm tiền của một ông lão ăn xin. Mọi người cho tiền không phải vì thương hại mà vì
muốn tránh đi ánh mắt của Cún. Khi ông lão ăn xin chết, Cún bơ vơ giữa đời không người thân thích.

Viết về những con người cô đơn, phải chăng Nguyễn Huy Thiệp muốn con người xích lại gần nhau, vượt qua mọi
thù hằn ngăn cách để được sống thực sự có ý nghĩa. Sự cô đơn của con người có thể xuất phát từ nhiều nguyên
nhân khác nhau và đó chính là trạng thái tâm hồn của con người.

You might also like