You are on page 1of 5

Họ và tên: Phạm Vũ Ngọc Minh – 12A10

ĐỀ 2: PHÂN TÍCH ĐOẠN HAI BÀI “TÂY TIẾN”. TỪ ĐÓ NHẬN XÉT VỀ


CHẤT HỌA, CHẤT NHẠC TRONG THƠ QUANG DŨNG.
A. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, là một nhà thơ mang hồn
thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa; ông còn là một nhà thơ nổi bật và
tiêu biểu của nền thơ ca kháng chiến chống Pháp.
- Giới thiệu tác phẩm, VĐNL, đoạn trích: “Tây Tiến” là bài thơ tiêu biểu của hồn
thơ Quang Dũng, viết về vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, bi tráng của người lính Tây
Tiến; đồng thời đó còn là kỉ niệm về đêm liên hoan văn nghệ ấm áp tình quân dân
cùng với nỗi nhớ về thiên nhiên và cảnh sắc miền Tây. Điều đó đã được thể hiện
qua đoạn trích sau:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy


Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
B. Thân bài
1/ Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác bài thơ, vị trí đoạn trích
Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp
với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào. Cuối năm 1948, Quang Dũng – vốn là
một thành viên của đoàn quân Tây Tiến đã chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị
cũ chưa được bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, nhớ về đồng đội cũ, Quang Dũng đã viết
bài thơ “Tây Tiến”. Bài thơ được in trong tập “Mây đầu ô”. Bao trùm bài thơ chính
là nỗi nhớ, sự hồi tượng của Quang Dũng về những kỉ niệm thiên nhiên miền Tây
và người chiến sĩ Tây Tiến trên chặng đường hành quân.
2/ Vị trí đoạn trích và xác định các luận điểm
Đoạn trích nằm ở phần hai của bài “Tây Tiến” tái hiện những ấn tượng sâu
sắc về một đêm lửa trại và nỗi nhớ của nhà thơ về cảnh và người miền Tây, qua đó
Quang Dũng đã khắc họa sinh động vẻ đẹp lãng mạn và hào hoa của người lính
Tây Tiến.
3/ Phân tích
a/ 4 câu thơ đầu:
* Chuyển ý: Trước hết, bốn câu thơ đầu miêu tả những ấn tượng sâu sắc những
cảm nhận tinh tế của người chiến sĩ Tây Tiến về một đêm lửa trại, nơi trú quân
giữa một bản làng ở miền Tây:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Câu thơ đầu tiên tựa như một tiếng reo vui “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”.
Đây là lần thứ hai, lửa và đuốc được liên tưởng đến hoa – nghệ thuật ẩn dụ và cảm
hứng lãng mạn đã khiến cho ánh lửa bập bùng trở thành đuốc hoa rực rỡ, gợi liên
tưởng thi vị, tinh tế, đem đến niềm vui háo hức, rạo rực, khiến cho đêm liên hoan
giữa bộ đội và dân làng trở thành một đêm hội tưng bừng. Cụm từ “bừng lên” là
một nốt nhấn tươi sáng cho cả câu thơ và nó tạo ra một ấn tượng về ánh sáng chói
lòa, đột ngột của lửa, xua đi cái tối tăm của núi rừng, và đặc biệt thể hiện được
niềm vui sướng rạo rực trong lòng người; hình ảnh đó khiến người đọc hình dung
ra gương mặt bừng sáng của những người chiến sĩ vì sự phản chiếu của ánh lửa, vì
cả những ngọn lửa ấm nồng trong tâm hồn của niềm vui trẻ trung lạc quan, của tình
yêu với con người và mảnh đất miền Tây.
Đặc biệt, hình ảnh trung tâm của đêm liên hoa hiện lên là hình ảnh của những thiếu
nữ miền sơn cước “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Từ “kìa” kết hợp với một cụm từ
nghi vấn “tự bao giờ” bộc lộ một cảm giác vừa ngỡ ngàng, thú vị vừa ngưỡng mộ,
trìu mến của các chiến sĩ trước sự xuất hiện của các cô gái miền Tây, đó là cảm
giác chân thực trong một dịp vui rất hiếm hoi, sau những ngày hành quân gian khổ.
Chúng ta có thể thấy, khi liên hệ với ý thơ của câu trên “bừng lên hội đuốc hoa”,
Quang Dũng đã đưa đến một cảm nhận thú vị: gương mặt trẻ trung của các chiến sĩ
bừng lên không chỉ vì ánh sáng của lửa đuốc mà còn vì sự xuất hiện đột ngột của
các sơn nữ miền Tây. Hình ảnh các cô gái xuất hiện trong đêm lửa trại qua bút
pháp mỹ lệ hóa: đó là vẻ đẹp e ấp đầy nữa tính, đẹp lỗng lẫy.
* Chuyển ý: Người lính Tây Tiến không chỉ cảm nhận mà còn hòa nhập, nhập cuộc
say sưa với đêm hội; không chỉ ngỡ ngàng, thú vị trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của
thiếu nữ miền Tây mà còn mơ màng trong “man điệu” núi rừng:
“Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Trước hết, “man điệu” có thể hiểu là một vũ điệu uyển chuyển của các sơn nữ,
cũng có thể hiểu là những giai điệu say đắm ngọt ngào vừa hoang sơ bí ẩn vừa mới
mẻ, lạ lùng làm mê hoặc lòng người. Với tâm hồn hào hoa và nghệ sĩ, đặc biệt
nhạy cảm với cái đẹp, người lính Tây Tiến đã say đắm hòa nhập, nhập cuộc với
đêm hội, cảm nhận những hình ảnh rực rỡ, những âm thanh ngọt ngào để từ đó thả
hồn phiêu diêu bay bổng trong thế giới mộng mơ, để “xây hồn thơ” giữa những
điệu nhạc, điệu nhảy, điệu múa, những vẻ đẹp say người của phương xa xứ lạ.
Ngoài ra, câu thơ sử dụng đến sáu thanh bằng giúp nhà thơ diễn tả một cách tinh tế
cảm giác mơ màng, chơi vơi trong tâm hồn người chiến sĩ.
b/ 4 câu thơ sau:
* Chuyển ý: Không chỉ hướng về khung cảnh thiên nhiên miền Tây, đặc biệt ở
người lính Tây Tiến mang trong mình nỗi nhớ mênh mông, da diết về cảnh sắc và
con người nơi đây:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Trước hết, câu thơ thứ nhất chính là lời nhắn nhủ tha thiết về miền Tây:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy”
Nỗi nhớ miền Tây được gửi vào lời nhắn với người đi – cách nhà thơ để lòng mình
da diết hướng về Châu Mộc trong một chiều sương nhạt nhòa, màn sương mờ của
hoài niệm và nhớ nhung. Hơn nữa, đại từ “ấy” là một đại từ chỉ định đem lại sắc
thái xa xôi, mơ hồ cùng với những tiếc nuối, bâng khuâng cho những danh từ đứng
trước nó; Quang Dũng cũng đã nhắc về chiều sương ấy với bao nỗi nhớ nhung lưu
luyến.
Sau lời nhắn nhủ xao xuyến, nhà thơ cất lên tiếng hỏi: “Có thấy hồn lau nẻo bến
bờ/ Có nhớ dáng người trên độc mộc” – cách điệp cấu trúc “có thấy hồn lau, có
nhớ dáng người” đã thể hiện một nỗi nhớ nhung đầy trăn trở về cảnh và con người
miền Tây. Câu hỏi thứ nhất hướng về những hành lau xám buồn bên bờ sông
hoang dại
“Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”
Đầu tiên, hình ảnh ẩn dụ “hồn lau” thay vì “bờ lau, hàng lau” là một hình ảnh đặc
sắc: sắc trắng tinh khôi, huyền hoặc của hoa lau trong chiều sương nhạt nhòa, cái
phơ phất của ngàn lau trong xào xạc gió núi đã khiến rừng lau như có hồn biết sẻ
chia với con người, sự giao cảm khiến cho nỗi nhớ càng mênh mông và da diết.
Hơn nữa, cụm từ “nẻo bến bờ” gợi một không gian hoang vu và hiu quạnh, man
mác u buồn nơi vắng người; nay người đã đi xa thì ngàn lau vẫn ở lại cô đơn “nẻo
bến bờ” – nỗi nhớ càng xao xác trong lòng người chiến sĩ đã gắn bó và chia xa với
miền Tây. Đến với câu hỏi thứ hai là dành cho con người miền Tây:
“Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Trong màn sương mờ nhạt của hoài niệm, con người miền Tây hiện lên với một
bóng dáng mờ xa và huyền ảo. Dáng người ấy vừa cứng cỏi kiên cường trên con
thuyền độc mộc lại vừa mềm mại duyên dáng trong hình ảnh ẩn dụ “hoa đong
đưa”: hình ảnh đưa đến liên tưởng thi vị về dáng vẻ dịu mềm, tình tứ của sơn nữ
phương Tây. Đồng thời, đây là một sáng tạo mới mẻ về ngôn từ thể hiện chất lãng
mạn rất đặc sắc của hồn thơ Quang Dũng. Như vậy, bằng những hình ảnh giàu sức
gợi, thiên nhiên và con người miền Tây đã hiện lên một cách hài hòa thi vị, qua đó
làm nổi bật hình ảnh của người chiến sĩ Tây Tiến với tâm hồn lãng mạn bay bổng,
giàu tình cảm.
4/ Nhận xét về chất họa, chất nhạc trong thơ Quang Dũng
Đúng như Xuân Diệu đã nhận xét: “Đọc thơ Quang Dũng như ngậm nhạc
trong miệng”, điều đó đã phần nào bộc lộ ngòi bút tài hoa hữu nhạc, hữu họa của
nhà thơ. Đặc biệt, trong đoạn thơ này, chủ yếu sử dụng những từ ngữ tạo hình tạo
nên những nét vẽ mềm mại, hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên và con người; hơn
nữa, màu sắc và bút pháp gợi nhiều hơn tả đã làm cho khung cảnh hiện lên rất sinh
động. Đối với chất nhạc, được tạo ra bởi những âm hưởng đặc biệt, việc sử dụng
những thanh bằng tạo ra một âm điệu rất nhẹ nhàng, man mác, cảm giác nhớ
thương da diết và một chút thư thái. Bên cạnh đó, trong đoạn trích này, tác giả đã
sử dụng âm thanh của tiếng khèn man điệu ngân nga bay bổng, nó cũng góp phần
tạo nên chất nhạc trong thơ Quang Dũng.
C. Kết bài
Bằng ngòi bút tài hoa hữu nhạc, hữu họa, kết hợp với những bút pháp miêu
tả độc đáo, Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên mang vẻ
đẹp thơ mộng của Tây Bắc qua những kỉ niệm về buổi liên hoan ấm áp tình quân
dân cùng với nỗi nhớ da diết về cảnh sắc và con người miền Tây. Đây có lẽ là đoạn
thơ bộc lộ rõ nhất sự tài hoa, lãng mạn của hồn thơ Quang Dũng trong toàn bộ bài
thơ.

You might also like