You are on page 1of 4

Literature-studying Blog


PHÂN TÍCH ‘CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA’ – PART 1:
2 PHÁT HIỆN CỦA PHÙNG
19 THÁNG TƯ, 202219 THÁNG TƯ, 2022 BỞI SLOTHSWITHLITERATURE
<Riêng tui là tui cứ bị thích những đoạn nào kiểu nghệ thuật aesthetic nên là thích
đoạn này lắm>

Bằng bản lĩnh, tài năng và tư duy của người sáng tạo chân chính, Nguyễn Minh Châu được coi
là “người tiền trạm”, “kẻ dẫn đường” đã góp phần thay đổi diện mạo của văn học Việt Nam sau
1975. Trong cơn trở dạ nhiều đau đớn ấy, Nguyễn Minh Châu vẫn luôn ấp ủ một khát vọng
khẩn thiết và mãnh liệt: văn chương cần phải khác, cái đẹp phải là cái “thật” và con người cần
được nhìn nhận ở bề sâu, bề xa. Bởi thế, các sáng tác của ông thời kì này tập trung vào sự tìm
tòi bản chất tốt đẹp của con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong quá trình hoàn thiện
bản thân và kiếm tìm hạnh phúc. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” , với hai phát hiện của
nhân vật Phùng, chính là một dấu ấn đầy trăn trở của nhà văn, mang đậm màu sắc triết lý về
mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, về thế sự và con người cá nhân.

Truyện ra đời năm 1983, ở thời điểm đất nước đang chuyển mình, đời sống kinh tế còn tồn tại
nhiều góc khuất tối khiến người ta phải băn khoăn. Nằm trong tập truyện cùng tên XB năm
1987, “Chiếc thuyền ngoài xa” mang xu hướng chung của văn học thời kì đổi mới: hướng nội,
khai thác sâu sắc số phận con người đời thường. Tác phẩm vẽ ra trước mắt người đọc cảnh
thiên nhiên vùng phá nước miền trung và bi kịch của gia đình làng chài, qua đó nói lên thân
phận cá nhân con người sau chiến tranh cùng mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống.

Trong chuyến đi sáng tác cho bộ lịch nghệ thuật, dưới con mắt nhìn lãng mạn và hào nhoáng
của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, những phát hiện đầu tiên của Phùng là những điều dễ thấy, dễ cảm
nhất: cảnh thiên nhiên vùng phá nước miền Trung. Vào buổi sáng cuối cùng đi dạo trên biển
trước khi trở về Hà Nội, Phùng bắt gặp một cảnh đẹp toàn bích hiện ra trước mắt, một “cảnh
đắt trời cho”, như “bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”. Đó là một chiếc thuyền lưới
vó đang từ xa tiến vào bờ, đuôi thuyền loè nhè trong “bầu sương sớm mù trắng như sữa có pha
đôi chút màu hồng hồng”. Trên mui thuyền, đàn bà, trẻ em ngồi im phăng phắc hướng vào bờ,
hình ảnh con người như chìm vào những vầng ánh sáng, khiến cho khung cảnh “hoàn toàn thế
giới tĩnh vật” đúng như trưởng phòng yêu cầu. Tất cả đều được nhìn dưới góc nhìn qua mắt
lưới và những gọng vó căng ra ở hai bên. Khi đã chạm tới gấu áo của vị thần nghệ thuật, Phùng
bấm “liên thanh” một hồi hết một phần tư cuộn phim, thu vào chiếc pra-ti-ca. Nơi Phùng thực
hiện bức ảnh tuyệt mĩ của mình chẳng phải Lầu Hoàng Hạc, chẳng phải là một chốn Bồng Lai,
mà chỉ là một bãi biển đầy tàn tích chiến tranh với bao xác xe tăng, xe rà phá mìn của công
binh Mỹ bỏ lại. Song, cái khoảnh khắc ấy đối với anh lại vô cùng hạnh phúc và bối rối, “trong
trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Tâm hồn Phùng trong phút chốc đã thăng hoa và rung
độngkhi tìm ra “cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn” và cái vẻ đẹp tuyệt đỉnh mà anh cho
là “cái chân lí của sự hoàn thiện”. Anh tự ngộ ra: “phải chăng cái đẹp chính là đạo đức?”. Ở đây,
ta bắt gặp tấm lòng người nghệ sĩ tâm huyết với nghề, say mê cái đẹp – điều mà anh cho là
đích đến của sáng tạo nghệ thuật. Phùng đã chiêm ngưỡng thiên nhiên con ng nơi đây bằng tất
cả tấm lòng rộng mở ấy của một người lính bước ra từ sau chiến tranh, đã cùng đồng đội đổ
biết bao máu xương để bảo vệ sự bình yên quý giá này… Tuy nhiên, chứa đựng phía sau lối
trần thuật thong thả, chậm rãi của NMC là một cái nhìn có phần hóm hỉnh, là nụ cười ẩn ý mà
đầy cảm thông. Trong cực điểm cảm xúc, Phùng đang thổi phồng cảm xúc của mình, vội vàng
đồng nhất cái đẹp với cái thiện, tưởng như một nghệ sĩ chân chính. Bởi vì, đích đến của cái đẹp
vẫn là dẫn dắt con người tới xứ sở của cái thiện, nó thanh lọc hoá tâm hồn con người. Cho nên,
phía sau lời văn của tác giả vẫn là cái nhìn rộng lượng, thông cảm cho sự bồng bột của Phùng,
tạo nên mạch ngầm văn bản. Còn đối với NMC, ông kết luận trực tiếp rằng: “văn học và đời
sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”.

Chính vì vậy, nhịp hụt hẫng, bàng hoàng kéo theo cú sốc tinh thần đến với Phùng khi anh
chứng kiến bi kịch của gia đình làng chài là điều dễ hiểu. Khi con thuyền cập bờ, nhịp văn trần
thuật nhanh, gấp gáp, cùng các diễn biến tạo nên sự ngột ngạt căng thẳng. Từ trên boong
thuyền ngư phủ đẹp như một giấc mơ kia, đôi vợ chồng bước ra, đập vỡ cảnh biển trước mắt,
đưa Phùng trở về với cuộc sống mưu sinh bộn bề gánh nặng chất lên đôi vai con người. Người
đàn bà hiện ra trong dáng vẻ cao lớn, thô kệch – đậm đặc đường nét chân dung của một người
lao động trên biển từ nhỏ. Bà không có tên riêng, chỉ được gọi là mụ, nhưng phía sau chân
dung ngoại hình ấy là ý nghĩa khái quát cho biết bao phận người lam lũ vùng sóng nước miền
Trung. 40 tuổi là người ta đã gần như sống quá nửa đời người, nhưng khuôn mặt vẫn mang
màu nhợt nhạt sau một đêm thức trắng kéo lưới. Tấm lưng áo bạc phếch vì sự khắc nghiệt của
nắng gió miền Trung, vì đói nghèo, nửa thân dưới ướt sũng với bước đi chậm rãi, mệt mỏi.
Phía sau người đàn bà là lão đàn ông với mái tóc xù và rối như tổ quạ, nó ghi dấu một cuộc
sống “đầu tắt mặt tối”. Đôi mắt ánh lên vẻ độc dữ nhìn chằm chằm vào tấm lưng của bà vợ, như
có cái gì hằn học, uất ức đang dồn trong ánh mắt của lão. Bước chân hình chữ bát, tấm lưng
“rộng và cong như lưng một chiếc thuyền”…, tất cả mang hình hài gai góc, trần trụi vì vật lộn
mưu sinh của những ngư dântrên biển cả.

Trên bờ biển bình yên, đôi vợ chồng đi qua bãi xe tăng đã hỏng – dấu tích của thời chiến tranh
đã lùi xa, của chiến thắng đã trở thành quá vãng, và bi kịch diễn ra trong khung cảnh đó.
Người đàn bà đã quen với nhọc nhằn lam lũ kia tưởng chừng như chẳng còn quan tâm gì đến
bản thân nữa, “đưa cánh tay lên có lẽ định gãi hay xõa lại mái tóc” nhưng rồi ý định đó vì một lí
do gì mà cũng xao xác tan mau. Đột ngột, lão đàn ông hùng hổ đánh vợ,“vung chiếc thắt lưng
quật tới tấp vào lưng người đàn bà”, “hai hàm răng nghiến ken két”. Hắn vừa đánh để trút cơn
lửa cháy bùng lên trong lòng giữa bãi xe tăng cũ nát, gợi về khung cảnh những người thổ dân
đưa tù binh lên hòn đảo hoang để hành quyết trong tiểu thuyết Rô-bin-xơn Cru-xô.Tàn nhẫn
đánh đập người vợ từng đồng cam cộng khổ trước sóng gió, lại có với nhau trên dưới chục con
đã là một nghịch lý, song thái độ của người đàn ông lại là một nghịch lý khác. Không giống như
A Sử trói và hành hạ Mị rồi thong thả tắt đèn, khép cửa đi ra – khi cái ác đã thấm vào bản chất
(“Vợ chồng A Sử”), lão đánh vợ nhưng dường như bản thân lão cũng đau đớn. Tiếng rên rỉ:
“Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ” là lời nguyền rủa, nhưng lại kết thúc bằng tiếng van xin
chẳng thể lí giải: “cho ông nhờ”. Phải chăng, có một uẩn khúc, tâm tình gì còn ẩn khuất bên
trong trận đòn man rợ, bạo tàn ấy? Kì lạ thay, người đàn bà tội nghiệp vẫn cam chịu, nhẫn
nhục, chấp nhận những cú đòn mà không kêu van, không chống trả, không tìm cách chạy trốn,
càng làm cho Phùng hoảng hốt, kinh ngạc, căm phẫn mà thẳng tay vứt chiếc máy ảnh quý giá
của mình xuống đất để chạy nhào tới.
Bỗng nhiên, bóng thằng bé Phác vụt qua – thằng bé hiền lành và dễ mến, từng ngủ với Phùng
tối hôm trước và hai người đã ngắm trời sao. Giờ đây, nó hiện ra với sức mạnh ghê gớm như
một chú hổ, lao về phía hai vợ chồng như một mũi tên, giật phắt lấy thắt lưng và quật trả vào
khuôn ngực trần vạm vỡ của lão. Lão đàn ông tức tối, giáng thằng bé hai cái tát, làm nó ngã
dúi xuống cát rồi bỏ về thuyền. Trên bãi cát hoang vắng chỉ còn lại bước chân hình chữ bát.
Đây là một chi tiết đắt giá, thể hiện ngòi bút đậm chất điện ảnh của NMC, vì khi tập trung
miêu tả dấu chân của một người thì đó sẽ luôn là dấu chân của tội phạm hay của một con thú.
Lão đàn ông tha hóa, man rợ như một con thú dữ hoang dại, đã gây nên tội ác cho chính gia
đình của mình. Lúc này, chỉ còn hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Thằng bé vừa mới phút trước
còn liều lĩnh và bùng nổ thì bây giờ “đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà”, lặng lẽ, âu yếm
đưa đôi bàn tay bé nhở khẽ sờ lên những giọt nước mắt đọng trên những vết rỗ chằng chịt
trên khuôn mặt mẹ nó. Một lúc sau, người đàn bà buông rời đứa con ra rồi vội vã đi theo lão
chồng về phía chiếc thuyền. Chiếc thuyền lưới vó biến mất “như trong câu chuyện cổ đầy quái
đản”… Có những điều khi ta nhìn vào bề ngoài, nó đẹp đẽ, rực rỡ, bình yên và lãng mạn biết
bao nhiêu, nhưng hóa ra, sâu trong đó là những đáng sợ và hãi hùng, ấn chứa biết bao tội lỗi
và giằng xé những đớn đau.

Để làm nên thành công cho hình ảnh về những phát hiện của Phùng nói riêng và toàn bộ tác
phẩm nói chung, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã vận dụng thành công phép đối lập tương
phản giữa thiên nhiên và con người, đối lập trong nhịp điệu trần thuật và cảm xúc của người
nghệ sĩ. Ngòi bút tả thực chi tiết đã làm nên diễn bến căng thẳng trong mạch truyện và dựng
lên những hình ảnh tượng trưng đầy ấn tượng. Điểm nhìn được trao cho nhân vật Phùng để
làm nổi bật tình huống truyện mang tính nhận thức, vỡ lẽ quen thuộc trong nhiều tác phẩm
của ông sau 1975, như “Bức tranh”, “Bến Quê” hay “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”.
Từng có nhiều cây bút tài hoa đã vô tình bắt gặp lẫn nhau trên cùng một giao lộ của hành trình
khám phá mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Người đọc có thể nhận ra, Nguyễn Minh
Châu, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng đều có nhận thức rất sâu sắc và tinh tế về chủ đề đó.
Nam Cao từng thốt lên rằng: “Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không
nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp
lầm than…“, còn Nguyễn Huy Tưởng cũng đã viết trong Vũ Như Tô’: “Nghệ thuật mà không gắn
liền với đời sống thì đó nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi“. Đồng điệu với những quan điểm
ấy, Nguyễn Minh Châu sâu sắc nhận ra: “Ngọc lành có vết, việc đời đa đoan“, đâu có cảnh toàn
bích, toàn mỹ, chẳng qua ấy chỉ là bề nổi hào nhoáng để ẩn sâu sau đó là những phũ phàng.

Advertisement
共に築く力
障害を乗り越えるための不可欠な要
Nguyễn Minh Châu cùng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đặc sắc trong “Chiếc thuyền
ngoài xa”, đặc biệt là được thể hiện qua những phát hiện của nhân vật Phùng, đã dẫn dắt
người đọc vào cuộc phiêu lưu kì thú nhưng cũng đẫm nước mắt. Những bài học về cuộc đời và
nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm như một kim chỉ nam, một ngọn hải đăng kiêu hãnh và sừng
sững, dẫn đường cho những cánh buồm nghệ sĩ trẻ. Chính điều đó sẽ làm nên sức mạnh và giá
trị vĩnh cửu cho một cây bút, một tác phẩm đích thực, không hề tô hồng mà bám sâu chùm rễ
vào hiện thực đời sống, đúng như nhà văn nước Nga – Sedrin từng khẳng định: “Nghệ thuật
nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”.

<3_banhmithiu_

1 bình luận về “PHÂN TÍCH ‘CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA’ –


PART 1: 2 PHÁT HIỆN CỦA PHÙNG”

1. ngân nguyễn kim nói:


6 THÁNG BẢY, 2022 LÚC 23:47
Chất văn hay thật sự luôn ấy
Hợp gu mình dã man

😤
Giống như gặp được định mệnh luôn ấy
Vậy mà giờ mới biết tới bạn

TRẢ LỜI

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.

You might also like