You are on page 1of 23

Chương IV.

KỸ NĂNG ĐẶT CÂU

A. DẤU CÂU, LỖI KHI ĐẶT DẤU CÂU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC
3.1 Khái quát
Việc đặt dấu câu trong khi viết có vai trò quan trọng. Việc đặt dấu câu làm cho các
quan hệ về ngữ pháp, ngữ nghĩa được tách bạch, rõ ràng, tránh cho người đọc có thể hiểu
sai ý nghĩa của câu.
3.2 Phân loại
3.2.1 Các dấu cuối câu.
a. Dấu chấm:
- Đánh dấusự kết thúc của câu trần thuật, nhằm mục đích:
+ Giới thiệu về người, vật và việc:
Ví dụ: Kéo co là phải đủ ba keo, bên nào kéo được đối phương ngã về phái mạnh
nhiều keo hơn là bên ấy thắng. (Theo Toan Ánh)
+ Miêu tả đặc điểm:
Ví dụ: Mưa xuống sầm sập, giọt ngã, giọt bay, bụi nước tỏa trắng xóa. (Tô Hoài)
+ Nêu ý kiến, nhận xét:
Ví dụ: Kéo co là một trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc ta. (Theo Toan
Ánh)
- Đặt ở cuối câu cầu khiến hoặc cảm thán khi người viết muốn giảm nhẹ màu sắc cầu
khiến hoặc cảm thán.
Ví dụ: Bà nhìn cháu giục:
- Cháu rửa mặt đi rồi đi nghỉ kẻo mệt. (Thạch Lam)
b. Dấu hỏi:
- Thường đặt cuối câu nghi vấn để:
+ Bày tỏ những điều chưa biết, chưa rõ muốn được trả lời.
Ví dụ: Mấy giờ thì mẹ về?
+ Khẳng định một điều gì đó.
Ví dụ: Phong cảnh đó có khác gì một bức tranh sơn thủy? (Phan Kế Bính)
- Dùng trong câu để bày tỏ một thái độ phân vân, không quả quyết, ngờ vực, ngần
ngại đối với tính chân xác của mệnh đề được biểu thị trong câu hoặc biểu hiện một
cảm xúc, khơi gợi những suy tưởng ở người đọc hoặc để thay đổi hơi văn, mạch văn.
Ví dụ: Biết làm sao đêm nay?
- Được dùng cuối câu có hình thức của một câu nghi vấn nhưng có giá trị cảm thán.
Ví dụ: Trời ơi, thế có khổ không?
- Được dùng cũng với dấu chấm cảm đặt ở cuối câu biểu thị sự băn khoăn, ngờ vực
kèm theo sự than vãn, trách móc.
Ví dụ: Con dạy làm gì?!
- Có thể được dùng để thay thế cho cả một lượt lời của một nhân vật để biểu hiện sự
khó hiểu, sự nghi ngờ của người đó về nội dung lời nói của người tham gia đối thoại
với mình.
Ví dụ: Xóc mạnh ổ gà, ổ trâu, chồm nẩy lên thì còn chịu được- Vượng kể- chứ mà
những đoạn nhún nhảy êm êm là tớ ọe liền, nôn chóng mặt đến buông cả tay lái. Đêm
về không ngủ được thế là tửu. …
-???
(Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh)
- Được dùng phối hợp với dấu ngoặc đơn (?), đặt sau từ ngữ chứa đựng nội dung mà
người viết cho là đáng ngờ, đáng phải xem xét lại, kèm theo thái độ mỉa mai, châm
biếm. Nếu thêm dấu chấm cảm (!?) nữa thì màu sắc châm biếm, mỉa mai càng đậm
nét.
Ví dụ: Bí mật tới mức…ngay cả Ủy ban An ninh quốc gia và các cố vấn thân cận
nhất của Tổng thống Mỹ hồi đó đã không hề biết! Và thậm chí chính Bộ trưởng Quốc
phòng Mỹ cúng… không được báo cáo (!?) (Đặng Vương Hưng, Nếu tôi là tỉ phú)
c. Dấu cảm (dấu chấm than):Dùngđánh dấu câu cảm thán hoặc câu cầu khiến để:
- Bộc lộ trạng thái cảm xúc.
Ví dụ: Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao!
- Nêu ý ra lệnh, đề nghị, yêu cầu, khuyên bảo.
Ví dụ: Ngồi xuống! Mày do thám cái gì? Nói ngay! Tên mày là gì, ở đâu? Nói ngay!
(Duy Khán, Tuổi thơ im lặng)
- Đặt ở cuối câu tượng thanh, câu chào- gọi- đáp.
Ví dụ: +Anh Hai! Anh Hai! Vợ Tịch đây! Vợ Tịch đây! (Nguyễn Thi, Người mẹ
cầm súng)
+ Cốc …cốc…cốc! (Duy Khán, Tuổi thơ im lặng)

- Đặt cuối câu trần thuật nhằm mục đích nhấn mạnh nội dung sự tình được miêu tả
hoặc nhằm thể hiện tình cảm (vui mừng, tức giận…) của nhân vật.
Ví dụ: + Cái thứ tiền mà Dậu kiếm được! Cái thứ tiền mà người ta vung cho Dậu!
(Nguyên Hồng)
+ Đến trưa, ba anh em đói mèm, anh Thả lại reo:
- U về! U về!
(Duy Khán, Tuổi thơ im lặng)
- Đặt cuối những câu có dùng các từ nghi vấn nhưng mục đích của câu nhằm bộc lộ
cảm xúc hay biểu thị yêu cầu, mệnh lênh.
Ví dụ: Có lo mà học bài đi không, Lê!
- Biểu thị thái độ mỉa mai, châm biếm, ta đặt dấu chấm cảm trong ngoặc đơn và đặt
ngay sau từ ngữ đó.
Ví dụ: Và cái gì của Hàn Quốc cũng là tuyệt vời nhất (!) rồi quên đi niềm tự hào dân
tộc và bản sắc văn hóa mà cha ông đã dày công vun đắp cả hàng ngàn năm. (Đặng
Vương Hưng, Nếu tôi là tỉ phú).
d. Dấu chấm lửng (dấu ba chấm):có thể đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong câu để:
- Biểu thị sự im lặng, sự kéo dài hay nghẹn ngào xúc động không nói thành lời hoặc
đánh dấu phần câu nói bị bỏ lửng, đứt quãng, hoặc bị cắt ngang.
Ví dụ: + Anh ơi, em đau…đau…quá!
+ Ừ nhỉ, con nói đúng. Nhưng mà…
- Biểu thị sự liệt kê chưa đầy đủ (tương đương với cách dùng từ vân vân, viết tắt là
v.v.)
Ví dụ: Cơm, áo, vợ con, gia đình… bó buộc y. (Nam Cao, Sống mòn)
- Thay thế cho lượt lời trong câu văn đối thoại (dùng kèm với dấu gạch ngang đầu
dòng)
Ví dụ: Sao con trai bà dại dột thế? Thể lệ thi cử của triều đình mấy đời nay đã quy
định: Dù cha đẻ hay cha nuôi không còn nữa thì khi ứng thi, thí sinh cũng phải khai
chính thống họ cha cơ mà?
-…
(Nguyễn Đức Hiền, Cuộc gặp gỡ ở điện Huy Văn)
- Biểu thị âm thanh kéo dài:
Ví dụ: B…e…e…B…e…e… - Con vật kêu lên tuyệt vọng. (Bùi Nguyên Khiết,
Chuyện một em bé)
- Biểu thị phần lược bớt trong phần trích dẫn.
Ví dụ: “… Đò từ Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình. Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước
non…”.
*Lưu ý: Nếu phần lược bớt nằm giữa câu hoặc đoạn thì dùng dấu chấm lửng
kèm dấu ngoặc đơn (…), […]
- Dùng nhắm mục đích giãn nhịp điệu của câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của
một số từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ.
Ví dụ: Nó thì chỉ có giỏi…copy bài người khác.
3.2.2 Các dấu giữa câu:
a. Dấu phẩy:Thường đặt ở giữa câu để:
- Ngăn cách các thành phần cấu tạo ngữ pháp đẳng lập.
Ví dụ: Mai tứ quý, mai vàng miền Nam, song mai Đông Mĩ của thủ đô Hà Nội điểm
xuyết những nụ tươi.
- Tách biệt thành phần trạng ngữ, đề ngữ.
Ví dụ: +Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều.
+ Nhà, bà có hàng dãy ở phố. Thóc, bà có đầy bồ. (Nguyễn Công Hoan)
- Tách biệt thành phần biệt lập (phụ chú, chuyển tiếp, hô ngữ)
Ví dụ: + Đan- tê, một nhà thơ lớn của nước Ý, là người rất ham đọc sách.
+ Cứ thế, khoai và dâu phủ đầy màu xanh trên cát trắng.
+ Con ơi, con đã làm bài xong chưa?
- Ngăn cách các vế của câu ghép.
Ví dụ: Chiếc lá thoáng tròng trành, chú nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng rồi
chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng.
- Có thể dùng dấu phẩy để ngắt câu văn thành những đoạn câu đối hoặc ngược lại, với
mục đích gây những chỗ nghỉ bất ngờ, tạo cho câu văn một tiết tấu sinh động, tình ý sâu
sắc và tinh tế hơn.
Ví dụ: Cối xay tre, nặng nề quay, từ ngàn đời nay, xay nắm thóc. (Thép Mới, Cây tre
Việt Nam)
b. Dấu chấm phẩy: Được đặt ở giữa câu để:
- Phân cách các bộ phận ngữ pháp đẳng lập (khi trong câu đã có bộ phận nào đó dùng
dấu phẩy).
Ví dụ: Tiếng đàn bầu khi thì như mưa đêm rả rích, gieo một nỗi buồn vô hạn mênh
mông; khi thì như chớp biển mưa nguồn, đêm dài lóe sáng, kích động lòng người. (Lưu
Quý Kỳ)
- Phân cách từng vế câu trong sự liệt kê nối tiếp nhau, hoặc khi vế sau có tác dụng bổ
sung cho vế trước, tạo sự cân xứng về cấu tạo và ý nghĩa.
Ví dụ: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do
và bình đẳng về quyền lợi.(Hồ Chí Minh)
c. Dấu hai chấm: Dấu dùng để báo hiệu điều trình bày tiếp theo mang ý nghĩa giải
thích, thuyết minh, báo hiệu lời trích dẫn trực tiếp, lời đối thoại,..
Ví dụ: + Rồi ngày mưa rào. Mưa dăng dăng bốn phía. Có quãng nắng xuyên xuống
mặt biển óng ánh đủ màu: xanh lá mạ, tím phớt, hồng, xanh biếc..(Vũ Tú Nam)
+ Một niềm vui lớn nhưng rất khó tả: náo nức, xôn xao, lại lâng lâng và
bâng khuâng, vì nhà thơ trên đường về với cảnh cũ người xưa nay đã hoàn toàn đổi mới:
xưa và nay, thực và mộng, phấn khởi say sưa và hồi tưởng bâng khuâng…cứ lẫn lộn
trong tâm hồn.
+ Vùng Hòn với những vòm là của đủ loại cây trái: mít, dừa, cau, mãng
cầu, lê-ki-ma, măng cụt sum sê, nhẫy nhượt. (Anh Đức, Hòn Đất)
d. Dấu ngoặc đơn:Được đặt ở những vị trí khác nhau để:
- Ghi chú nguồn gốc, tác giả, địa điểm, năm, tháng… có liên quan với điều được nói
đến.
Ví dụ: Thơ tình đầu đời của thi sĩ Xuân Quỳnh “đã bất ngờ chiếm lĩnh thi đàn thơ
tình Việt Nam đương đại bằng một khát vọng yêu- như một tình điệu thơ hoàn toàn
mới mẻ, khác lạ. Trước Xuân Quỳnh và kể cả cùng thời với Xuân Quỳnh chưa có một
hồn thơ phụ nữ nào đắm say cuồng nhiệt đến thế”.
(Nguyễn Thị Minh Thái, Thơ tình Xuân Quỳnh “Biết yêu anh cả khi đã
chết rồi”, SGGP)
- Tách biệt thành phần chú thích (giống dấu phẩy hay dấu gạch ngang)
Ví dụ: Đan –tê (một nhà thơ lớn của nước Y) là người rất ham đọc sách.
- Ngăn cách giữa từ ngữ nêu tên gọi khác của sự vật được nói tới hoặc từ ngữ nêu
thuật ngữ hay tên gọi bằng tiếng Việt với phần còn lại.
Ví dụ: Đảng Lao động Việt Nam (trước kia là Đảng Cộng sản Đông Dương) luôn
luôn giương cao và giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc và giải phóng các tầng lớp lao
động. (Hồ Chí Minh)
- Ngăn cách giữa phần từ ngữ nêu lời bình phẩm, chỉ dẫn của người viết hoặc thái
độ của nhân vật về sự tình được nói đến với phần câu còn lại.
Ví dụ: Cô bé nhà bên (có ai ngờ)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi bỗng cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)
(Giang Nam, Quê hương)
- Dùng để kết hợp với dấu chấm lửng để biểu thị phần bị lược bớt trong đoạn trích
dẫn nguyên văn.
Ví dụ: Trong trang viết của Tạ Duy Anh, hình ảnh cánh diều tuổi thơ hiện lên thật
đẹp: “Sáo đơn rồi sáo kép, sáo bè như gọi thấp xuống những vì sao sớm. (…) Ban
đêm, trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác diều đang trôi trên
dải Ngân Hà”.
e. Dấu ngoặc kép:Có thể đặt ở những vị trí khác nhau để:
- Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật (thường có dấu hai chấm đứng trước).
Ví dụ: Hồ Chủ Tịch nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường
nào khác là con đường giải phóng dân tộc”.
- Đánh dấu phần từ, cụm từ, câu, đoạn dẫn nguyên văn của người khác.
Ví dụ:
+ Giữa khung cảnh vẫn “non xanh nước biếc” như xưa, chúng tôi mải mê nhìn những
cánh đồng chiêm mơn mởn, những chiếc cầu sắt mới tinh duyên dáng, những mái trường,
những mái nhà tươi roi rói bên cạnh rặng tre.
+ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có những hiện thực của “những điều trông thấy”
nhưng phải được chắt ra từ giọt nước mắt “đau đớn lòng” của thi sĩ suốt mười năm chìm
nổi.
- Đóng khung tên riêng, tên tác phẩm, tên sách, tên tài liệu… trong một câu văn đề cập
đến chúng (nhiều khi, dấu này được thay bằng hình thức chữ in nghiêng)
Ví dụ: + Xuân Quỳnh sáng tác khá liên tục từ tập thơ đầu tay “Chồi biếc” đến tập
“Hoa cỏ may”.
+ Nói đến thơ thiếu nhi của Xuân Quỳnh, chúng ta không thể không nhắc
đến một chuyện bằng thơ rất hay, đó là “Chuyện cổ tích về loài người”
- Đánh dấu những từ ngữ được hiểu theo nghĩa khác (ý mỉa mai, châm biếm,…) còn
được gọi là dấu nháy.
Ví dụ: Một thế kỉ “văn minh”,“khai hóa” của thực dân cũng không làm ra được một
tấc sắt.
- Đóng khung những từ ngữ có cách dùng đặc biệt (theo chủ ý của tác giả).
Ví dụ: Có bạn tắc kè hoa
Xây lầu trên cây đa
Rét chơi trò đi trốn
Đợi ấm trời mới ra.(Phạm Đình Ân)
f. Dấu gạch ngang (gạch nối):Được đặt ở những vị trí khác nhau để:
- Đánh dấu lời nói của nhân vật hoặc lượt lời trong văn đối thoại.
Ví dụ: Một hôm Bắc Hồ hỏi bác Lê:
- Anh Lê có yêu nước không?
Bác Lê ngạc nhiên, lúng túng trong giây lát rồi trả lời:
- Có chứ!
(Trần Dân Tiên)
- Tách biệt thành phần chú thích.
Ví dụ: Trong thơ Xuân Quỳnh, thế giới thiên nhiên trở thành một hình tượng vừa
gợi cảm vừa đa dạng. Ở đó, đẹp hơn cả là cảnh vật của làng the lụa - nơi chị đã gắn
bó từ thuở ấu thơ.
- Tách biệt từng nội dung liệt kê trong mối quan hệ với nhau.
Ví dụ: Hãy viết đúng các tên riêng dưới đây:
- Buôn Ma Thuột
- Đắk Lắk
- Liên kết giữa hai nhóm chữ số biểu thị hai mốc thời gian của một giai đoạn nào
đó.
Ví dụ: Văn học Việt Nam 1930 – 1945.
- Giới hạn không gian. Ví dụ: Đường bay Tokyo – Bangkok.
- Chỉ trên danh. Ví dụ: Khoa Toán – Tin, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
3.3 Các lỗi thường gặp khi dùng dấu câu
a. Ngắt câu sai quy tắc
- Không đánh dấu ngắt câu khi câu đã kết thúc: Kiểu sai này thường gặp ở câu nằm
cuối đoạn văn và cuối văn bản.
Ví dụ: Tìm hiểu nguyên nhân thất bại của đội bóng đã Việt Nam, chúng tôi biết
rằng do hàng phòng ngự còn yếu có nhiều cầu thủ chơi thiếu tập trung. (Có thể đánh
dấu chấm hoặc phẩy sau “còn yếu”)
- Dùng dấu chấm ngắt câu khi câu chưa hoàn chỉnh trọn vẹn.
Ví dụ: Chế độ kẻ giàu sang áp bức người nghèo khó, người là lang sói đối với người.
Chế độ đó thật bất công, đáng lên án và tiêu diệt. (Sửa lại: Chế độ kẻ giàu sang áp bức
người nghèo khó, người là lang sói đối với người, thật bất công, đáng lên án và tiêu diệt.
b. Vi phạm ngắt các bộ phận câu
- Không biết đặt dấu phẩy để ngắt các thành phần câu hợp lí hoặc dùng một loại dấu
thay cho các dấu khác.
Ví dụ:
Tôi đã đọc nhiều loại báo, Nhân dân, Hà Nội mới, Quân đội nhân dân, nhiều loai tạp
chí, Văn học, Sinh viên, Văn nghệ quân đội… (Sửa lại : Tôi đã đọc nhiều loại báo: Nhân
dân, Hà Nội mới, Quân đội nhân dân; nhiều loai tạp chí: Văn học, Sinh viên, Văn nghệ
quân đội… )
- Đánh dấu sai ranh giới giữa các bộ phận trong cùng một câu.
Ví dụ: So sánh sẽ thấy sự khác nhau giữa câu Tôi có người bạn học ở Đà Lạt với câu
Tôi có người bạn, học ở Đà Lạt.
- Dùng dấu câu sai để phân ranh giới giữa thành phần nòng cốt và thành phần ngoài
nòng cốt.
Ví dụ: Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh nhà đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm
trọng gây chết người. (Sửa lại: Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nhà đã xảy ra nhiều
vụ tai nạn nghiêm trọng, gây chết người).
- Sai trong cách chọn dấu để đánh dấu và trong xác định vị trí để phân biệt ranh giới
giữa các vế của câu ghép.
Ví dụ: Thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước và tuân thủ pháp luật
chúng ta sẽ làm tốt chính sách dân vận. (Nên thêm dấu phẩy sau từ pháp luật)
- Sai trong cách đánh dấu một số bộ phận đặc biệt trong câu.
Về lý thuyết, phải dùng dấu ngoặc kép khi trích dẫn, gọi tên tác phẩm; phối hợp dấu
hai chấm với dấu ngoặc kép khi trích dẫn đầy đủ cả câu/ đoạn.
Ví dụ: So sánh hai câu mang ý nghĩa khác nhau: Hùng nói tôi thích cô ấy; và câu:
Hùng nói “Tôi thích cô ấy”.
c. Lẫn lộn chức năng của dấu câu
Không biết đặt dấu câu đúng với loại câu. Chẳng hạn dùng dấu chấm cho câu nghi
vấn. Ví dụ:
Họ chưa hiểu rõ cái gì là ưu điểm,cái gì là hạn chế trong nền kinh tế thị
trường.(Câu này cần thay dấu chấm hỏi thành dấu chấm vì câu này có dùng từ “cái
gì” nhưng không phải là câu hỏi mà là câu tường thuật.
- Dùng dấu chấm hỏi cho loại câu không phải câu nghi vấn.
Ví dụ: +Tôi hỏi anh điều này, nếu không phải thì anh bỏ qua cho tôi? (Sai vì
chưa phải câu hỏi, phải dùng dấu chấm hoặc dấu chấm than.)
+ Tôi không biết công ty đó nằm ở đâu?(Đây không phải câu hỏi, vì cụm
“công ty nằm ở đâu” là nội dung “tôi không biết”. Câu trên cần kết thúc bằng một dấu
chấm).
- Dùng dấu chấm than cho loại câu không phải câu cảm thán hoặc cầu khiến.
Ví dụ: Hôm nay, anh ấy đi làm muộn vì ba mẹ anh bị ốm nặng! ( Nếu mang nội
dung và mục đích tường thuật hoặc thông báo thì phải dùng dấu chấm.)
- Dùng nhầm dấu câu cũng có thể gây ra sự hiểu nhầm dụng ý của người viết.
Ví dụ: Đó là một triết lí kinh doanh “đúng đắn” của công ty N. Dấu ngoặc kép đối
với từ “đúng đắn” gây hiểu nhầm (tưởng rằng có tác dụng nhấn mạnh).Người đọc sẽ
hiểu là công ty N có triết lí kinh doanh không đúng đắn (sai trái), và đây là cách nói
đầy hàm ý của người viết.

BÀI TẬP THỰC HÀNH


1. Tiếng Việt có bao nhiêu dấu câu? Nêu quy định về viết hoa, viết thường sau mỗi
loại dấu câu.
2. Nêu tác dụng của dấu gạch ngang và cách viết sau dấu gạch ngang.
3. Dấu phẩy trong các câu sau có chức năng gì?
a, Lão hút xong, đặt điếu xuống, quay ra ngoài, thở khói.
b, Sau một điếu thuốc lào, óc người ta tê dại đi trong nỗi đê mê nhẹ nhõm.
c, Lão Hạc ngồi lặng lẽ, hưởng chút khoái lạc con con ấy.
d, Tây Bắc, hòn ngọc phía tây của Tổ quốc, đang chờ bàn tay con người khai phá.
4. Điền dấu câu vào đoạn văn sau và viết hoa những chỗ cần thiết:
Sống chen chúc ở nơi trần trụi không có chiếc áo giáp sinh học che chở người kẻ chợ
bị cắt đứt mối quan hệ sống còn trực tiếp với cây xanh trở thành nạn nhân của mọi thứ ô
nhiễm môi trường giữa bê tông cốt thép nặng nề bị cách biệt với thiên nhiên xanh dịu
hiền tươi đẹp thì người thị dân không thể có nhận thức đúng đắn về giá trị vạn năng cực
kỳ quý báu của thế giới cây và rừng.
5. Hãy sửa lại dấu câu của các câu sau:
a. Đâu phải là tôi không quan tâm tới nó? Tôi đã nói hết cách rồi nhưng nó có chịu
nghe đâu? Anh thử khuyên nó xem sao?
b. Để phù hợp với thông lệ quốc tế, tập quán sử dụng trong nước và xuất khẩu xi
măng. Được sự đồng ý của Bộ Xây dựng và Tổng cục Tiêu chuẩn – đo lường – chất
lượng. Từ tháng 4-1991, Liên hiệp Xí nghiệp xi măng sẽ thay đổi cách ghi nhận trên vỏ
bao xi măng.

B. CÂU, CÁC LOẠI CÂU SAI VÀ CÁCH KHẮC PHỤC


4.1 Khái quát về câu
Hiện còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau trong nhận diện và phân loại câu. Để có
phương tiện làm việc, tạm thời có thể xem một cấu trúc câu, nếu đáp ứng (có được) các
tiêu chí sau:
Câu là đơn vị dùng từ, thường là dùng ngữ mà cấu tạo nên trong quá trình tư duy,
thông báo; có ý nghĩa hoàn chỉnh, có cấu tạo ngữ pháp và có tính độc lập.
- Về cấu trúc và hình thức: có cấu tạo ngữ pháp độc lập và có ngữ điệu kết thúc (được
biểu hiện bằng một số dấu câu khi viết).
4.2. Thành phần câu
4.2.1 Thành phần nòng cốt của câu đơn (thành phần chính)
Thành phần nòng cốt là loại thành phần cốt lõi của câu. Nói cách khác, nó là bộ
phận chính tạo nên cái khung cú pháp cơ bản, mang thông tin chính của câu. Thành phần
nòng cốt bao gồm hai thành tố: chủ ngữ và vị ngữ.
a. Chủ ngữ
- Chủ ngữ (CN) là thành phần chính, có chức năng biểu thị đối tượng mà hành
động, quá trình, trạng thái, tính chất, quan hệ của nó độc lập với các thành phần khác
của câu và được xác định bởi vị ngữ. Nó trả lời cho câu hỏi: ai, cái gì, việc gì, con gì.
Ví dụ: Hai người lặng lẽ rẽ xuống con đường nhỏ.
- Về từ loại, chủ ngữ thường danh từ hay đại từ đảm nhiệm. Một số từ loại khác như
động từ, tính từ và số từ cũng có thể làm chủ ngữ.
Ví dụ: +Học sinh là tương lai của đất nước. (CN= danh từ)
+ Ai ai cũng vui mừng, phấn khởi. (CN= đại từ)
+ Lao động là vinh quang. (CN= động từ)
+ Giỏi toán là sở trường của Dũng. (CN= tính từ)
+ Một là ở, hai là đi.(CN= số từ)
- Về cấu tạo, chủ ngữ có thể là một từ, một ngữ hay một kết cấu chủ - vị dưới bậc
câu (gọi là tiểu cú) tạo thành.
Ví dụ: +Trăng đã lặn. (chủ ngữ = một từ)
+ Bảo vệ tổ quốc là nghĩa vụ của mọi người. (chủ ngữ = một ngữ)
+ Một cơn gió nhẹ lọt vào làm Sinh tỉnh giấc.(chủ ngữ = một tiểu
cú)
b. Vị ngữ
-Vị ngữ (VN) là thành phần biểu thị hành động, quá trình, trạng thái, tính chất, quan
hệ của sự vật được thể hiện qua chủ ngữ. Nó trả lời cho câu hỏi: làm gì, như thế nào,
ra sao, của ai, của cái gì, như cái gì, ở trạng thái như thế nào, là ai.
Ví dụ: Chiếc thuyền trắng bạc ra khơi theo sóng gió.
- Về mặt từ loại, vị ngữ thường do động từ hay tính từ đảm nhiệm. Một vài từ loại
khác như số từ cũng có thể làm vị ngữ.
Ví dụ: + Sinh viên đang lao động. (VN = động từ)
+ Hoàng nam rất giỏi văn. (VN = tính từ)
+ Nước Việt Nam là một. (VN = số từ)
- Về mặt cấu tạo, vị ngữ có thể do một từ, một ngữ hay do một kết cấu chủ vị dưới bậc
câu (tiểu cú) tạo thành.
Ví dụ: +Nó ăn.(VN = một từ)
+ Gió rét thổi hun hút. (VN = một ngữ)
+ Mẹ tôi tóc đã bạc rồi.(VN = một tiểu cú)
* Lưu ý về trật tự phân bố chủ ngữ, vị ngữ:
Trong câu tiếng Việt, chủ ngữ đứng trước vị ngữ là hiện tượng phổ biến. Tuy
nhiên, trong một số trường hợp, vị ngữ có thể đứng trước chủ ngữ:
- Trong câu cảm thán:
Ví dụ: Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều!
- Trong câu nghi vấn mang tính chất tu từ:
Ví dụ: Có nghĩa gì đâu một buổi chiều?
- Trong câu trần thuật nhằm nhấn mạnh nội dung thông báo:
Ví dụ: Lủng lẳng trên cành một chùm nho chín mọng.
4.2.2 Thành phần ngoài nòng cốt câu (thành phần phụ)
a. Thành phần phụ trong câu
Đây là thành phần ngữ pháp phụ thuộc vào toàn bộ nòng cốt câu, có tác dụng mở
rộng nòng cốt câu để bổ sung những chi tiết cần thiết cho nòng cốt câu hoặc bổ sung cho
câu một chức năng, một ý nghĩa tình thái nào đó. Thành phần phụ này gồm ba loại nhỏ
là: Trạng ngữ, đề ngữ và phụ ngữ tình thái.
a1. Trạng ngữ
Trạng ngữ (TN) là thành phần phụ quan trọng nhất mang chức năng bổ sung ý
nghĩa thông báo của câu về mục đích,nguyên nhân, thời gian, nơi chốn, …
Ví dụ: + Để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải học tập tốt.
+ Hôm nay, lớp chúng tôi đi dã ngoại.
+Với nỗi niềm vu sướng thầm lặng, họ đón lấy giọt mưa xuân.
a2. Đề ngữ
- Đề ngữ (ĐN) còn gọi là khởi ngữ (KN) có chức năng nêu lên đối tượng cần bàn bạc
với tư cách là chủ đề của câu chứa nó.
Ví dụ: +Giàu, tôi đã giàu rồi.
+ Vấn đề này, tôi đã trình bày rồi.
a3. Phụ ngữ tình thái
- Dùng để biểu thị ý nghĩa tình thái chủ quan (biểu thị sự đánh giá của người nói đối
với sự tình được nói đến trong câu hoặc biểu thị mối quan hệ giữa người nói với người
nghe)
- Phụ ngữ tình thái không có vị trí xác định trong câu, nó có thể đứng đầu, giữa hoặc
cuối câu.
Ví dụ: +Bài này năm điểm là cùng.
+ Có lẽ nào anh lại quên em.
+ Làm như thế, theo tôi, là đúng hướng.
b. Thành phần biệt lập
Là loại thành phần phụ của câu nhưng có tính độc lập với nòng cốt câu, có tác
dụng giải thích, chú thích cho một chi tiết nào đó trong câu. Thành phần biệt lập bao
gồm: thành phần chú thích và hô ngữ.
b1. Thành phần phụ chú (chú thích, giải thích)
- Là loại thành phần đặc biệt có chức năng giải thích thêm cho thành tố hay thành
phần đứng trước nó, hoặc bổ sung ý nghĩa tình thái nào đó cho câu.
- Thành phần chú thích có cấu tạo rất đa dạng. Trong câu, thành phần này được tách
ra bằng dấu ngang cách, dấu phẩy, hoặc dấu ngoặc đơn, dấu hai chấm.
Ví dụ: + Nguyễn Du, tác giả “Truyện Kiều”, là nhà thi hào cổ điển Việt Nam.
+ Cô ta cười, cái cười chua chát.
+ Cô bé nhà bên (có ai ngờ)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi bỗng cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)
+ Những vẻ nên thơ- hiểu theo nghĩa hẹp- là chất liệu đầu tiên, trự tiếp
để sáng tạo nên thơ- một loại hình nghệ thuật tuyệt diệu…
b2. Hô ngữ:
Hô ngữ gồm hai loại nhỏ: Hô ngữ gọi và hô ngữ đáp
- Hô ngữ gọi:
+ Là thành phần đặc biệt có chức năng biểu thị đối tượng được người nói đến trong
câu.
+ Về cấu tạo, hô ngữ gọi có thể là một từ, thường là danh từ riêng, danh từ chung hay
là một tổ hợp gồm danh từ, danh ngữ kết hợp với các từ đệm ơi, à, ạ, này…
Ví dụ: +Con ơi, nhớ lấy câu này.
+Nhanh lên nào, anh chị em ơi!
+ Về vị trí, hô ngữ gọi có thể đứng ở đầu câu hay cuối câu và bao giờ cũng được phân
cách khỏi các thành phần khác bằng dấu phẩy.
- Hô ngữ đáp:
+ Hô ngữ đáp là loại thành phần đặc biệt có chức năng đánh dấu câu trả lời đồng thời
biểu thị thái độ, phản ứng của người nói.
Ví dụ: +Vâng, tôi đi đây.
+ Dạ, em mới vừa về tới.
+Về cấu tạo, hô ngữ đáp có thể là một từ: vâng, vâng ạ, ừ, phải, đúng, không, hay là
một tổ hợp: dạ vâng, dạ phải, dạ không…
+Về vị trí, hô ngữ đáp bao giờ cũng đứng đầu câu và luôn được phân cách khỏi các
thành phần khác bằng dấu phẩy.
4.2.3 Thành phần chuyển tiếp
- Là loại thành phần có chức năng xác lập và biểu thị mối quan hệ giữa câu này với
câu khác trong chuỗi câu, đoạn văn. Nói cách khác, chức năng của thành phần này là liên
kết câu, tạo nên sự mạch lạc của đoạn văn.
Ví dụ: + Người nào cũng muốn đặt bàn chân lâu lâu trên mặt đất. Bởi vì họ hiểu rằng
họ sẽ xa đất rất lâu. Và có thể sẽ xa mãi mãi.
+ Nhìn chung, các ý kiến đã đi đến thống nhất.
- Về mặt cấu tạo, thành phần chuyển tiếp thường do các quán ngữ đảm nhiệm: mặt
khác, trái lại, ngược lại, bên cạnh đó, chẳng hạn như, ví dụ như, mặc dù vậy, tóm lại, nói
tóm lại, thật vậy, song le, hiển nhiên là, dù sao chăng nữa, vả lại…
- Về vị trí, thành phần này thường đứng ở đầu câu.
4.3 Câu sai và cách khắc phục
4.3.1 phân loại câu sai
4.3.1.1 Sai ngữ nghĩa
a. Câu sai về logic: loại câu sai do ý nghĩa trái với nhận thức, logic thông thường.
Không có hoặc không phù hợp với cái thông thường.
Ví dụ: - Anh bộ đội bị hai vết thương, một ở đùi và một ở đèo Ngang.(Câu này sai vì
đã chuyển hướng tư duy từ nơi bị thương trên cơ thể sang địa điểm bị thương).
b. Câu sai quy chiếu: đối tượng được nói đến không phù hợp với đối tượng được
thuyết minh, gây lầm lẫn về chủ thể hành động.
Ví dụ: Sau khi thi đỗ, mẹ cho tôi cái đồng hồ.
-Từ ngày về dạy học ở trường này, các em học sinh làm cho tôi rất hài lòng. (Sai vì
“tôi” mới là chủ thể của hành động “dạy học” chứ không phải “các em”. Do đó, cần
phải thêm : Từ ngày tôi về dạy học ở trường này, các em học sinh làm cho tôi rất hài
lòng.)
c. Phản ánh sai hiện thực khách quan
Ví dụ: Ngô Quyền ba lần đánh tan quân Nguyên.
Trong lịch sử thì Ngô Quyền là người lãnh đạo nhân dân chống quân Nam Hán, ba
lần đánh tan quân Nguyên là Trần Hưng Đạo.
Sửa lại: Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên.
Ngô Quyền ba lần đánh tan quân Nam Hán
d. Thành phần đồng chức năng trong câu không cùng loại
Ví dụ: Trong thanh niên nói chung, trong bóng đá nói riêng (…)
Câu này sai vì thanh niên là người lại đặt cùng với bóng đá là một môn thể
thao.Sửa lại: Trong thanh niên nói chung, trong sinh viên nói riêng (…) hoặc: Trong
thể thao nói chung, trong bóng đá nói riêng (…)
4.3.1.2 Sai ngữ pháp
a. Câu thiếu chủ ngữ
Ví dụ: Qua kinh nghiệm cho ta thấy điều đó đúng.
(Câu này có trạng ngữ Qua kinh nghiệm”, có vị ngữ cho ta thấy, nhưng không có chủ
ngữ. Có thể bỏ từ Qua, đặt từ kinh nghiệm làmlàm chủ ngữ của câu: Kinh nghiệm cho ta
thấy điều đó đúng,hoặc thêm “ta” làm chủ ngữ, thêm dấu phẩy: Qua kinh nghiệm, ta thấy
điều đó đúng.)
b. Câu thiếu vị ngữ
Ví dụ: Thầy Nam, thầy hiệu trưởng gương mẫu, tận tụy hết lòng vì học sinh thân yêu,
người thầy được nhiều vị phụ huynh quý mến.(Câu này sai vì người viết đã kéo dài phần
phụ để giải thích “Thầy hiệu trưởng gương mẫu, tận tụy, tận tụy hết lòng vì học sinh thân
yêu,người thầy được nhiều vị phụ huynh quý mến” nên người viết lầm tưởng phần này là
vị ngữ của câu. Có thể sửa lại câu này theo hai cách:
+ Cách 1: Biến bộ phận phụ giải thích thành bộ phận vị ngữ bằng cách thêm từ là vào
sau chủ ngữ thầy Nam: Thầy Nam là thầy hiệu trưởng gương mẫu, tận tụy hết lòng vì học
sinh thân yêu, người thầy được nhiều vị phụ huynh quý mến.
+Cách 2: Thêm bộ phận vị ngữ vào cho câu: Thầy Nam, thầy hiệu trưởng gương mẫu,
tận tụy hết lòng vì học sinh thân yêu, người thầy được nhiều vị phụ huynh quý mến đang
trò chuyện vui vẻ với các bạn đồng nghiệp.)
c. Câu thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ (thiếu thành phần nòng cốt)
Ví dụ: + Để phát huy tinh thần sáng tạo và năng động của học sinh.(Trường hợp
này được xem là mới chỉ có trạng ngữ, chưa có chủ ngữ và vị ngữ)
+ Bằng trí tuệ sắc bén và thông minh của những người lao động biết chống
lễ giáo gò bó, lạc hậu.
+ Từ những chị dân quân ngày đêm canh giữ đồng quê, đến những bà mẹ
chèo đò anh dũng trên các dòng sông đầy bom đạn.
d. Câu thừa từ và ngữ
* Thừa từ nối:
Ví dụ: Nguyên nhân làm cho tôi chậm trễ là bởi vì đồng hồ tôi đứng nhưng tôi không
biết.(Sửa lại: Tôi đến chậm trễ là vì cái đồng hồ tôi đứng mà tôi không biết.)
* Thừa phó từ và từ tình thái
Ví dụ: Tôi sẽ buôn thuốc tây để hòng kiếm lời. (Sửa lại: Tôi sẽ buôn thuốc tây để
kiếm chút lời.) Hòng là một vị từ tình thái có ý hàm hư, nghĩa là có hàm ý rằng cái
việc do bổ ngữ của hòng (kiếm chút lời) là một hi vọng không thể thành hiện thực
được. Thường dùng trong những câu như: Địch ném bom miền Bắc hòng làm suy giảm
ý chí giải phóng miền Nam của nhân dân ta.
* Thừa kết từ “mà”
Ví dụ: Biết tôi không chịu được tiếng ồn mà họ cứ mở nhạc ông ổng suốt đêm. (Nên
sửa thành: Họ biết tôi không chịu được tiếng ồn nhưng vẫn mở nhạc ông ổng suốt
đêm; Tuy biết tôi không chịu được tiếng ồn, họ vẫn mở nhạc ông ổng suốt đêm; Biết
tôi không chịu được tiếng ồn, họ cố tình mở nhạc ông ổng suốt đêm.) Cách sửa là
chuyển thành câu ghép hoặc câu đơn bằng cách thêm (hoặc bỏ) từ nối, kết từ.
* Thừa loại từ
Ví dụ: Nhờ sự nhiệt tình và tích cực công tác của anh em công nhân viên khiến cho
kế hoạch đã được hoàn thành trước thời hạn. (Nên sửa: Nhờ nhiệt tình và tích cực
công tác của anh em công nhân viên, kế hoạch đã được hoàn thành trước thời hạn.)
e. Câu thiếu một vế của câu ghép
Những trường hợp như:
- Do vai trò của đứt gãy lớn gây chấn động mạnh thường gặp ở những vùng đất
thuộc kiến tạo địa chất mới.
- Mặc dù trong những năm qua công ti xuất nhập khẩu của tỉnh đã có rất nhiều giải
pháp cứu vãn tình thế.
- Những năm tháng ấy, ở vùng đất giáp ranh này, không phải chỉ mỗi một anh ta để
kiếm kế mưu sinh đã bỏ nhà vào tận cái tỉnh cực nam Trung Bộ, tham gia vào đội
“lâm tặc”.
Người viết mới chỉ triển khai vế phụ chỉ nguyên nhân (vd a), chỉ ý nhượng bộ (vd b,
vd c); vì thiếu hẳn vế chính chỉ hệ quả (vd a), chỉ tăng tiến (vd b, vd c) nên cả ba câu
trên đều sai ngữ pháp. Với những lỗi thuộc dạng này, chữa bằng cách thêm vế chính
chỉ hệ quả nên khi xây cất các công trình lớn ở vùng này phải tính đến nạn động đất”
(Vd a), hoặc thêm vế câu chỉ ý tăng tiến: nhưng hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đình
trệ, thua lỗ (vd b), mà nhiều người khác cũng bỏ quê đi xứ khác làm đủ nghề để kiếm
sống (vd c).
f. Câu thiếu bổ ngữ bắt buộc
Bổ ngữ là thành tố phụ bổ sung ý nghĩa cho động từ, tính từ (trong ngữ đoạn động
từ, tính từ). Có những trường hợp động từ, tính từ không cần bổ ngữ. Nhưng cũng có
những trường hợp động từ làm thành tố hạt nhân bắt buộc phải có bổ ngữ; do vậy, người
viết sẽ phạm lỗi nếu viết ngữ đoạn động từ hoặc ngữ đoạn tính từ nhưng lại bỏ sót loại bổ
ngữ này.
Ví dụ: Các bạn thí sinh quan tâm có thể đến tư vấn tại địa chỉ 280 An Dương vương,
quận 5, Thành phố Hồ chí Minh.
Trong ví dụ trên, động từ quan tâm là động từ bắt buộc phải có bổ ngữ nhưng câu trên
bị thiếu thành tố này. Vì thế, cách chữa cho loại lỗi này là thêm bổ ngữ chỉ đối tượng
thích hợp.
g. Câu sai trật từ các thành bộ phận trong câu
Trật tự là một phương thức ngữ pháp rất quan trọng của tiếng Việt. Sai trật tự các
bộ phận trong câu nhiều khi làm cho câu tối nghĩa hoặc lệch lạc với nội dung mà người
viết muốn thể hiện.
Ví dụ: Ông vừa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp lần thứ III.
Câu trên sai do sắp xếp sai trật tự các bộ phận trong câu, không thể có các nước nói
tiếng Pháp lần III, phải nói là Hội nghị Thượng đỉnh lần III các nước nói tiếng Pháp.
l. Câu sắp xếp sai vị trí các thành phần
Ví dụ: Họ úp cái nón lên mặt, nằm xuống và ngủ một giấc cho đến chiều.
Câu trên đúng về cấu tạo ngữ pháp song trật tự trước sau của các hành động không phù
hợp với logic thông thường, bởi hành động úp cái nón lên mặt phải sau hành động nằm
xuống. Có thể sửa lại câu này như sau:
Họ nằm xuống, úp cái nón lên mặt và ngủ một giấc cho đến chiều.
m. Thành phần nòng cốt và thành phần phụ không liên quan với nhau
Ví dụ: Theo chân các anh bộ đội đi dọc dải Trường Sơn, bàn tay của chị// đã
chăm sóc, an ủi, vỗ về cho hàng trăm thương binh.
ở câu trên, ta thấy: Theo chân các anh bộ đội đi dọc dải Trường Sơn là thành phần
phụ, bàn tay của chị là thành phần chủ ngữ. Nhưng bàn tay của chị thì không thể Theo
chân các anh bộ đội đi dọc dải Trường Sơn được và cũng không thể an ủi cho thương
binh được.
Sửa lại bằng cách bỏ cụm từ “bàn tay của” đi, ta có:
Theo chân các anh bộ đội đi dọc dải Trường Sơn, chị đã chăm sóc, an ủi, vỗ về cho
hàng trăm thương binh.
n. Các vế câu không tương hợp nhau
Ví dụ: Tuy chị Út Tịch thương yêu chồng con rất sâu sắc, nhưng chị lại rất căm thù
bọn giặc cướp nước.
Câu trên sai vì cặp quan hệ từ hô ứng Tuy….nhưng…muốn diễn đạt sự trái ngược
nhau giữa hai sự việc nhưng nội dung của hai vế câu lại không có gì mâu thuẫn, thậm
chí vẫn đồng nhất được.
Sửa lại: bỏ tuyvà thay nhưng bằng đồng thời:
Chị Út Tịch thương yêu chồng con rất sâu sắc, đồng thời chị lại rất căm thù bọn
giặc cướp nước
4.3.1.3 Lầm lẫn kết cấu: Do người viết lấy một phần hoặc toàn bộ cấu trúc này gắn
với một phần hoặc toàn bộ cấu trúc khác.
Ví dụ:
- Không nên hút thuốc ở những nơi gần xăng được đâu. (bỏ “được đâu” hoặc bỏ
“nên”)
- Tôi rất lấy làm vinh dự biết bao. (bỏ “biết bao” hoặc bỏ “rất”)
4.3.1.4 Dùng sai kết từ
Ví dụ:
- Anh ta thông minh và lười. (Anh ta thông minh mà lười)
- Thằng bàn tơ vu oan và gia đình Kiều tan nát. (Vì thằng bán tơ vu oan nên gia
đình Kiều tan nát)
4.3.1.5 Câu mơ hồ
Câu mơ hồ là câu gợi cho người nghe những cách hiểu khác nhau. Có nhiều câu,
khi nói không mơ hồ, nhưng khi viết (nếu không cẩn thận) thì mơ hồ.
a) Mơ hồ do đồng âm
Ví dụ: Bác sĩ Tuấn nhổ răng không đau.
Người đọc phân vân: nhổ răng mà bệnh nhân không (bị) đau hay răng đau (răng bị
sâu) thì không nhổ mà nhổ răng không đau (răng không bị sâu)?
Mơ hồ về từ vựng xảy ra chủ yếu do cách dùng từ. Đôi khi phải dựa vào ngữ cảnh mới
hiểu được ý nghĩa của câu.
b. Mơ hồ về ngắt câu
Đây là những trường hợp mơ hồ về nghĩa do ngắt câu. Mối quan hệ giữa các từ
được giải quyết bằng cách tách ra và thêm dấu phẩy.
Ví dụ:
- Thứ hai tới họp lớp. (thứ hai sẽ đến để họp lớp hay thứ hai tuần tới họp lớp)
- Trong trận đấu Malaysia- Việt Nam, hàng trăm người xem đánh nhau. (các cầu thủ
đánh nhau hay người đi xem đánh nhau?)
Khi sửa câu mơ hồ nghĩa, ta có thể dùng dấu câu, chuyển vị trí các từ, đổi các từ đó
bằng từ đồng nghĩa, thêm các hư từ để câu chính xác rõ ràng, chỉ có một cách hiểu.
4.3.3 Sửa câu sai
4.3.3.1 Nguyên tắc khi sửa câu sai
Câu sai có nhiều kiểu khác nhau, vì thế chữa câu sai cũng tùy thuộc vào kiểu sai cụ thể
để định ra cách sửa phù hợp. Việc sửa câu sai nhìn chung phải tuân thủ một số nguyên tắc
sau đây:
- Cần nắm vững tiêu chí của một câu đúng. Đúng ở đây không chỉ là đúng ngữ pháp,
mà còn phải đảm bảo đúng ngữ nghĩa logic, đúng phong cách và đúng trong mối quan hệ
liên kết.
- Cần đảm bảo được nội dung theo ý người viết. Có thể thêm, bớt từ nếu thấy cần thiết
trong trường hợp không làm thay đổi nội dung chính mà người viết muốn truyền đạt.
- Cần phải xác lập mối quan hệ giữa các thành phần câu để xem câu sai ở phần nào,
ý nào. Khi xác định được nguyên nhân làm cho câu sai ta rút gọn để chỉnh sửa ở phần
đó, ý đó.
- Sau khi sửa chữa, cần kiểm tra lại không chỉ cấu trúc nội tại của câu chữa mà còn
phải xem câu chữa đó có phù hợp với câu khác của toàn văn bản hay không. Nếu chưa
đạt yêu cầu thì tìm cách chữa khác cho phù hợp.
4.3.3.2 Dẫn chứng minh họa
- Thay thế, thêm, bớt các đơn vị từ, ngữ, vế câu, dấu câu (có thể thêm vào câu
thành phần chủ ngữ phù hợp với vị ngữ và ngược lại; lược bớt các từ nối, từ kèm ở bộ
phận mở rộng để làm cho câu có bộ phận chủ ngữ và vị ngữ)
Ví dụ:
Trong hoàn cảnh khó khăn đã giúp anh rèn luyện chịu đựng gian khổ. (Bỏ “trong”
để câu có chủ ngữ và vị ngữ hoặc sửa thành: Trong hoàn cảnh khó khăn, anh đã rèn
luyện được đức tính chịu đựng gian khổ)
Thanh tre dài 1m so với thanh tre dài 70 cm thì hơn bao nhiêu? (lược bớt từ thừa:
Thanh tre dài 1m dài hơn thanh tre 70 cm bao nhiêu cm?; Thanh tre dài 1m hơn thanh
tre dài 70 cm bao nhiêu cm?)
- Thay đổi vị trí của các thành phần câu hoặc trật tự các từ ngữ hạn định.
Ví dụ: Được các bạn học sinh trồng những cây xanh bên lề đường để che bóng mát
cho trường. (Những cây xanh được các bạn học sinh trồng bên lề đường, tỏa bóng rợp
làm cho trường mát mẻ hẳn lên.)
-Thay đổi cấu trúc câu, thay đổi lối nói (Biến câu chủ động thành câu bị động hoặc
ngược lại, tách, đảo, nhập các bộ phận, thành phần câu…)
Ví dụ: Bằng hai câu thơ của Nguyễn Du đã vẽ lên cảnh đẹp của mùa xuân.
Có thể sửa:
+ Bằng hai câu thơ, Nguyễn Du đã vẽ lên cảnh đẹp của mùa xuân.
+ Hai câu thơ của Nguyễn Du đã vẽ lên cảnh đẹp của mùa xuân.
+ Nguyễn Du, bằng hai câu thơ, đã vẽ lên cảnh đẹp của mùa xuân.
+ Cảnh đẹp của mùa xuân đã được Nguyễn Du vẽ lên bằng hai câu thơ.
Bài tập thực hành

You might also like