You are on page 1of 8

II.

Đôi nét về tác giả Đỗ Phủ


- Đỗ Phủ sinh năm 712, mất năm 770, tự là Tử Mĩ.
- Quê quán: huyện Củng, tỉnh Hà Nam.
- Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học và
thơ ca lâu đời. Ông sống trong nghèo khổ và chết trong bệnh
tật.
- Sự nghiệp sáng tác: Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực vĩ đại của
Trung Quốc, thơ Đỗ Phủ hiện còn khoảng 1500 bài.
- Nội dung thơ Đỗ Phủ: phản ánh hiện thực và bày tỏ cảm xúc,
thái độ, tâm trạng đau khổ trước hiện thực đời sống của nhân
dân trong chiến tranh, trong nạn đói chan chứa tình yêu nước
và tinh thần nhân đạo.
- Phong cách thơ Đỗ Phủ: điêu luyện, trầm uất, nghẹn ngào.
III. Đôi nét về tác phẩm Cảm xúc mùa thu (Thu hứng)
1. Hoàn cảnh ra đời:
Bài thơ được sáng tác năm 766, khi nhà thơ đang ở Quỳ Châu.
Đỗ Phủ sáng tác chùm “Thu hứng” gồm 8 bài thơ, trong đó cảm
xúc mùa thu là bài thơ thứ nhất.
2. Bố cục (2 phần)
- Phần 1 (4 câu đầu): Cảnh mùa thu.
- Phần 2 (4 câu còn lại): Tình thu.
3. Giá trị nội dung
Bài thơ vẽ nên bức tranh mùa thu hiu hắt, mang đặc trưng của
núi rừng, sông nước Quỳ Châu. Đồng thời, bài thơ còn là bức
tranh tâm trạng buồn lo của nhà thơ trong cảnh loạn li: nỗi lo
cho đất nước, nỗi buồn nhớ quê hương và nỗi ngậm ngùi, xót xa
cho thân phận mình.
4. Giá trị nghệ thuật
- Tứ thơ trầm lắng, u uất.
- Lời thơ buồn, thấm đẫm tâm trạng, câu chữ tinh luyện.
- Bút pháp đối lập, tả cảnh ngụ tình.
- Ngôn ngữ ước lệ nhiều tầng ý nghĩa.
IV. Dàn ý phân tích Cảm xúc mùa thu (Thu hứng)
1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Đỗ Phủ: Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực vĩ đại
của Trung Quốc, một trong ba đỉnh cảo của thơ đời Đường, nhà
chép sử bằng thơ, với những vần thơ phản ánh hiện thực và bày
tỏ cảm xúc, thái độ, tâm trạng đau khổ trước hiện thực đời sống
của nhân dân trong chiến tranh, trong nạn đói chan chứa tình
yêu nước và tinh thần nhân đạo.
- Giới thiệu về bài thơ “Cảm xúc mùa thu”: Cảm xúc màu thu là
bài thơ đầu tiên trong chòm 8 bài thơ “Thu hứng” của Đỗ Phủ
thể hiện nỗi lòng của nhà thơ với quê hương, xứ sở.
2. Thân bài
a. Bốn câu thơ đầu: Cảnh thu
Hai câu đề:
- Hình ảnh thơ cổ điển, là những hình ảnh được dùng để miêu
tả mùa thu ở Trung Quốc: “ngọc lộ”, “phong thụ lâm”.
+ Ngọc lộ: Miêu tả hạt sương móc trắng xóa, dầy đặc làm tiêu
điều, hoang vu cả một rừng phong. (Hạt sương có sức công phá,
huỷ diệt vạn vật)
+ Phong thụ lâm: hình ảnh được dùng để miêu tả gió mùa thu
thổi làm rừng cây trút lá.
- “Vu sơn Vu giáp”: tên những địa danh nổi tiếng ở vùng Quỳ
Châu, Trung Quốc, vào mùa thu, khí trời âm u, mù mịt.
- “Khí tiêu sâm”: hơi thu hiu hắt, ảm đạm.
→ Hai dòng thơ đã tái hiện bức tranh thu ở vùng rừng núi
lạnh lẽo, xơ xác, tiêu điều, hiu hắt. Bề sau, bề sâu, bề xa của
từng câu chữ là hình ảnh của làng quê Trung Hoa tiêu điều, xơ
xác, ảm đạm và cạn kiệt nhựa sống.
Hai câu thực
- Điểm nhìn của bức tranh của nhà thơ di chuyển từ vùng rừng
núi xuống lòng sông và bao quát theo chiều rộng (Cao – Thấp,
Xa đến Gần).
- Hình ảnh đối lập, phóng đại: sóng - vọt lên tận trời (thấp - cao),
mây - sa sầm xuống mặt đất (cao - thấp), qua đó không gian
được mở rộng ra nhiều chiều:
+ Chiều cao: sóng vọt lên lưng trời, mây sa sầm xuống mặt đất,
chiều rộng được mở ra vô biên tuyệt đích cho tới tận cùng.
+ Chiều sâu: sâu thẳm.
+ Chiều xa: cửa ải.
→ Bức tranh mùa thu được quan sát, miêu tả, khắc họa bằng
nét bút phóng đại: Không gian hoành tráng, mĩ lệ.
⇒ Bốn câu thơ vẽ nên bức tranh mùa thu xơ xác, tiêu điều,
hoành tráng, dữ dội mang vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng Trung
Hoa thời xưa.
⇒ Tâm trạng buồn lo và sự bất an của nhà thơ trước hiện thực
tiêu điều, âm u.
b. Bốn câu còn lại: Tình thu
Hai câu luận
- Hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng:
+ Hoa cúc: hình ảnh ước lệ chỉ mùa thu.
+ Khóm cúc đã hai lần nở hoa: Có hai cách hiểu khóm cúc nở ra
làm rơi giọt nước mắt, khóm cúc nở ra giọt nước mắt.
→ Dù hiểu theo cách nào thì cũng giúp chúng ta thấy được tâm
sự buồn của tác giả, giọt sầu, những cung bậc cảm xúc trong con
tim tử thương, rỉ máu nhà thơ: Sầu ly hương, buồn xa xứ.
+ “Cô chu”: là phương tiện đưa tác giả trở về “cố viên”, đồng
thời gợi thân phận lẻ loi, cô đơn, trôi nổi của tác giả.
- Cách sử dụng từ ngữ độc đáo, hàm súc, cô đọng:
+ “Lưỡng khai”: Nỗi buồn lưu cữu trải dài từ quá khứ đến hiện
tại.
+ “ Nhất hệ”: Dây buộc thuyền cũng là sợi dây buộc mối tình
nhà của tác giả.
+ “Cố viên tâm”: Tấm lòng hướng về quê cũ. Thân phận, bi kịch,
nỗi đau của kẻ tha hương, li hương luôn khiến lòng nhà thơ thắt
lại vì nỗi nhớ quê, nỗi tương tư hình bóng quê nhà.
- Tác giả đã đồng nhất giữ tình và cảnh trong hai câu thơ.
→ Hai câu thơ diễn tả nỗi lòng da diết, dồn nén nỗi nhớ quê
hương của tác giả. Đó cũng là nét đẹp trong tâm hồn của thi
nhân của người con xa quê luôn nhớ, mong, ngóng, trông về
quê mẹ.
Hai câu kết: Điểm nhìn đã có sự thay đổi. Từ bức tranh thiên
nhiên nhà thơ đã đưa bạn trở về với bức tranh cuộc sống. Nơi
ấy là những:
- Hình ảnh:
+ Mọi người nhộn nhịp may áo rét.
+ Giặt áo rét chuẩn bị cho mùa đông.
- Âm thanh: tiếng chày đập vải.
→ Âm thanh báo hiệu mùa đông đến, đồng thời đó là âm thanh
của tiếng lòng, diễn tả sự thổn thức của con tim, mong ngóng,
chờ đợi ngày được trở về quê.
⇒ Bốn câu thơ diễn tả nỗi buồn của người con xa quê, ngậm
ngùi, mong ngóng ngày trở về quê hương.
* Thành công về nghệ thuật:
- Tứ thơ trầm lắng, u uất.
- Lời thơ buồn, thấm đẫm tâm trạng, câu chữ tinh luyện.
- Bút pháp đối lập, tả cảnh ngụ tình.
- Ngôn ngữ ước lệ nhiều tầng ý nghĩa.
V. Kết bài
- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ: Bài thơ là
nỗi lòng riêng tư của tác giả Đỗ Phủ nhưng cũng chan chứa tâm
sự yêu nước, thương đời. Nghệ thuật thơ Đường được tác giả
sử dụng đạt tới trình độ điêu luyện, mẫu mực.
- Mở rộng: Đề tài mùa thu và cảm xúc về quê hương là đề tài
quen thuộc, thu hút ngòi bút của nhiều nhà thơ lớn

Đỗ Phủ là nhà thơ tiêu biểu của nền Thi Đường Trung hoa và
được người đời sau tôn vinh làm Thi thánh (Thánh thơ). Cuộc
đời Đỗ Phủ sống trong thời kì loạn An - Sử với những biến cố dữ
dội của thời đại. Ông phải chịu cảnh li tán, ốm đau, bệnh tật và
khốn khó tại Quỳ Châu. Trong những tháng ngày phiêu bạt nơi
đất khách quê người, ông đã sáng tác bài thơ "Thu hứng" (bài 1)
nằm trong chùm tám bài thơ cùng nhan đề. Tác phẩm khắc họa
bức tranh thiên nhiên, con người trong mùa thu từ đó bày tỏ
nỗi nhớ quê hương của tác giả Đỗ Phủ.
Ngay từ nhan đề đã gợi cho người đọc tâm trạng của thi nhân
trước cảnh mùa thu. Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình vận
động từ cảm xúc trước bức tranh thiên nhiên mùa thu đến cảm
xúc trước cảnh vật và khung cảnh sinh hoạt của con người.
Trong bốn câu thơ đầu, nhà thơ đã miêu tả bức tranh thiên
nhiên mùa thu hiu hắt, tiêu điều. Khung cảnh mùa thu ở trên
cao được khắc họa qua hai câu thơ: "Ngọc lộ điêu thương
phong thụ lâm,/ Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm." Từ "trắng xóa"
đã diễn tả được độ dày của màn sương, gợi cho ta cảm giác
sương dày đặc, giăng kín lối khiến cho rừng phong trở nên tiêu
điều, xác xơ, hoang vắng. Nhà thơ nhắc đến hai địa danh là núi
Vu và kẽm Vu thuộc tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc. Đây là nơi có
địa hình hiểm trở với những vách núi dựng đứng. Về mùa thu,
nơi đây mù mịt u ám lại kết hợp với cụm từ "hơi thu hiu hắt"
càng nhấn mạnh không khí lạnh lẽo đang bao trùm khắp không
gian.
Ở hai câu tiếp theo, tầm mắt của nhà thơ đã hạ xuống thấp với
hình ảnh "sóng tung vọt trùm bầu trời" và "gió mây sà xuống
khiến mặt đất âm u". Động từ "tung vọt", "trùm" đều là những
động từ mạnh diễn tả chuyển động nhanh, dữ dội của con sóng
giữa lòng sông. Đồng thời, hình ảnh "gió mây sà xuống" khiến
mặt đất âm u càng làm cho không gian trở nên tối tăm, lạnh lẽo,
vô tình tạo cho người đọc những hình dung về địa thế hiểm trở
của những cách núi khiến ánh mặt trời khó lọt được xuống tới
lòng sông. Sự kết hợp giữa cảnh tiêu điều, u ám của rừng phong
với vẻ hùng vĩ của núi rừng hiểm trở đã tạo nên bức tranh thiên
nhiên mùa thu hiu hắt, rợn ngợp. Bên cạnh việc miêu tả sự vật,
hiện tượng thông qua ngôn từ, nhà văn đặc biệt chú ý đến cách
gieo vần. Bốn câu thơ nhưng có đến tận ba câu gieo chủ yếu
vần bằng tạo nên cảm giác mênh mang trong tâm trạng của
nhân vật trữ tình khiến âm điệu thơ có phần bi thương. Nhà thơ
đã thể hiện nỗi buồn mênh mang của mình trước bức tranh
thiên nhiên mùa thu.
Đến bốn câu cuối trong bài thơ, ta nhận thấy nhân vật trữ tình
có sự vận động, biến chuyển cảm xúc trước cảnh vật và khung
cảnh sinh hoạt của con người. Nỗi lòng của chủ thể trữ tình
được bộc lộ thông qua những hình ảnh: "khóm cúc nở hoa hai
lần", "con thuyền lẻ loi", "rộn ràng dao thước may áo rét",
"tiếng chày nện vải càng dồn dập". Hình ảnh "khóm cúc nở hoa
hai lần" dùng để chỉ thời gian tương ứng với hai năm xa nhà của
tác giả. Nhà thơ không giấu nổi nỗi xúc động mà tuôn rơi nước
mắt khi nhìn về khóm cúc. Danh từ "con thuyền" gợi ra sự trôi
nổi, vô định kết hợp với từ láy "lẻ loi" càng làm tăng thêm nỗi
cô đơn, không bến đỗ trong tâm tưởng của chủ thể trữ tình.
Hình ảnh con thuyền không chỉ giới hạn ở nghĩa tả thực mà nó
còn mang ý nghĩa biểu tượng dùng để chỉ thân phận lênh đênh
của con người. Hai câu thơ: "Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,/
Cô chu nhất hệ cố viên tâm" đã diễn tả nỗi nhớ nhà, nhớ quê
hương da diết của nhân vật trữ tình trước khung cảnh thiên
nhiên mùa thu.
Đến hai câu cuối, bài thơ bắt đầu xuất hiện âm thanh náo nhiệt
"rộn ràng dao thước" và "tiếng chày nện vải" của con người.
Tuy nhiên, những từ láy "rộn ràng", "dồn dập" không khiến cho
bài thơ trở nên tươi vui hay làm cho tâm trạng nhân vật trữ tình
tốt hơn. Đứng trước khung cảnh sinh hoạt của con người, nỗi
nhớ nhà, nhớ quê hương của tác giả càng trở nên mãnh liệt
hơn. Như vậy, bốn câu thơ cuối của bài thơ đã diễn tả tâm trạng
đau buồn, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương sâu sắc từ đó bày tỏ
tình yêu quê hương của thi nhân. Bài thơ không chỉ là tâm trạng
của riêng Đỗ Phủ mà nó còn đại diện cho biết bao người sống
trong thời đại với nhiều biến cố.
Cũng nằm trong chùm tám bài thơ cùng nhan đề, "Thu hứng"
(bài 2) miêu tả khung cảnh Phủ Quỳ, từ đó thể hiện niềm yêu
nước một cách thầm kín. Mặc dù cùng viết về cảm xúc của con
người trong thu nhưng điều khiến cho "Cảm xúc mùa thu" (bài
1) trở nên độc đáo và khác biệt so với bài 2 nằm ở hình ảnh thơ
giàu sức gợi, chan chứa một nỗi u hoài, trầm lắng của nhà thơ
khi phải rời xa quê hương, lưu lạc nơi đất khách quê người.
Bài thơ được triển khai với tứ thơ theo các mối quan hệ tương
đồng, tả ít gợi nhiều. Ngôn từ cô đọng, hàm súc. Tác giả tuân
thủ chặt chẽ về niêm, luật, cách gieo vần. Nhan đề, nội dung
cảm xúc và hình ảnh nghệ thuật đều góp phần bộc lộ chủ đề của
tác phẩm: thể hiện nỗi nhớ, tình yêu quê hương của tác giả
trước bức tranh thiên nhiên và khung cảnh sinh hoạt của con
người trong mùa thu.
"Cảm xúc mùa thu" bài 1 mang dấu ấn của một hồn thơ tinh tế.
Nỗi u hoài, thương nhớ quê hương của tác giả khi ông sống
trong cảnh khốn khó, bệnh tật tại Quỳ Châu đã để lại nhiều xúc
cảm, suy tư với người đọc. Tài năng và nhân cách cao đẹp của
Đỗ Phủ đã giúp ông trở thành Thi Thánh trong lòng hậu thế.
Bài Phân tích, đánh giá Thu hứng trên đây sẽ là nguồn tham
khảo hữu ích khi các em học về tác phẩm thơ "Cảm xúc mùa
thu". Hi vọng qua bài viết này các em sẽ nắm chắc được kiến
thức khi viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá về một tác
phẩm văn học.

You might also like