You are on page 1of 15

Quyển III “Toàn bộ quá trình sản xuất TBCN”

Quyển I nghiên cứu riêng các mặt của quá trình sản xuất với tư cách là quá trình
sản xuất trực tiếp. Quyển II nghiên cứu quá trình lưu thông. Nhưng quá trình sản xuất
TBCN, xét toàn bộ, là sự thống nhất giữa quá trình sản xuất và quá trình lưu thông.
Quyển III không thể nào lại cứ nói những điểm chung chung về sự thống nhất ấy nữa.
Trái lại “cần phải tìm ra và mô tả được những hình thái cụ thể đẻ ra từ quá trình vận
động của tư bản với tư cách là một chỉnh thể” “vậy những biến thể của tư bản ,… trình
bày trong quyển này sẽ từng bước một tiến gần đến cái hình thái mà chúng thể hiện ra
ở bề mặt của xã hội, trong sự tác động qua lại giữa các tư bản khác nhau, trong sự cạnh
tranh và trong ý thức thông thường của bản thân những nhân viên sản xuất” (C.Mác và
Ph.Ăngghen - toàn tập, tập 25 - phần I - Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật 1994 - tr 47,
48).

Về mặt phương pháp luận, cái quan trọng nhất trong Quyển III là các hình thái
chuyển hoá; chi phí sản xuất là hình thái chuyển hoá của giá trị; lợi nhuận là hình thái
chuyển hoá của giá trị thặng dư; tỷ suất lợi nhuận là hình thái chuyển hoá của tỷ suất
giá trị thặng dư. Từ những hình thái chuyển hoá chung nhất và do đó, trừu tượng nhất
ấy, C.Mác đã đi đến những hình thái chuyển hoá riêng cụ thể hơn, như lợi nhuận bình
quân và giá cả sản xuất, lợi nhuận thương nghiệp, sự phân chia lợi nhuận bình quân
thành lợi tức và lợi nhuận doanh nghiệp, sự chuyển hoá lợi nhuận siêu ngạch thành địa
tô.

C.Mác nói rằng nếu những hình thức biểu hiện và bản chất của sự vật trực tiếp
nhất trí với nhau thì mọi khoa học đều trở nên thừa. Hiện tượng thường xuyên tạc bản
chất, như trên bề mặt xã hội tư bản biểu hiện thành tiền đẻ ra tiền; về bản chất giá trị
thặng dư được tạo ra trong quá trình sản xuất, đó là một bộ phận giá trị mới sáng tạo dư
ra ngoài bộ phận giá trị bù lại giá trị sức lao động, và tỷ lệ thuận với tư bản khả biến,
nhưng ở bên ngoài nó lại biểu hiện thành lợi nhuận, thành “con đẻ” của toàn bộ tư bản
ứng trước và tỷ lệ thuận với toàn bộ tư bản ứng trước đó. Cũng như vậy, về bản chất,
hàng hoá và tiền tệ vốn là hình thái hàng hoá và hình thái tiền tệ của tư bản công
nghiệp, nhưng ở bề ngoài xã hội hàng hoá và tiền tệ lại có đời sống độc lập và biểu
hiện thành tư bản thương nhân và tư bản cho vay, do đó lợi nhuận lại biểu hiện thành
lợi nhuận thương nghiệp và lợi tức và thu được từ lưu thông, chứ không phải từ sản
xuất.
1
Chính vì vậy, việc nghiên cứu phương thức sản xuất TBCN không thể chỉ dừng
lại ở sự phân tích một cách trừu tượng quá trình sản xuất và quá trình lưu thông mà còn
phải nghiên cứu “sự vận động hiện thực” trong đó “các tư bản đối diện với nhau dưới
những hình thái cụ thể”. Đó là nhiệm vụ của Quyển III, nhiệm vụ này chỉ có thể thực
hiện trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Quyển I và Quyển II. “Sự vận động hiện thực
của tư bản” cũng được trình bày theo trình tự đi từ trừu tượng đến cụ thể - thí dụ: giá
trị thặng dư chuyển hoá thành lợi nhuận - lợi nhuận chuyển hoá thành lợi nhuận bình
quân - rồi lợi nhuận bình quân ở giai đoạn hình thành (tức là có cả tư bản thương nhân
tham gia vào quá trình bình quân hoá lợi nhuận) và cuối cùng là những hình thái cụ thể
nhất trong đời thường: lợi nhuận doanh nghiệp, lợi tức và địa tô. Hay là từ tư bản công
nghiệp như là một thể thống nhất, do phân công lao động xã hội tách ra tư bản thương
nhân, tư bản cho vay, tư bản ngân hàng và tư bản kinh doanh nông nghiệp.

Quyển III gồm 7 phần. Phần thứ nhất nghiên cứu bằng cách nào và do đâu mà
cái bản chất là giá trị thặng dư và tỷ suất giá trị thặng dư biểu lộ ra bên ngoài dưới hình
thái lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận. Hay nói cách khác, nghiên cứu sự chuyển hoá giá
trị thặng dư thành lợi nhuận và tỷ suất giá trị thặng dư thành tỷ suất lợi nhuận. Trong
phần này lợi nhuận vẫn được nghiên cứu một cách trừu tượng nhất, vẫn giả định như
trước (1/ Hàng hoá bán theo giá trị; 2/ Mỗi nhà tư bản công nghiệp vẫn thu toàn bộ giá
trị thặng dư đã sản xuất ra; 3/ Lưu thông chưa tách khỏi sản xuất). Nhưng ở đây lợi
nhuận cũng đã không nhất trí với bản chất của nó là giá trị thặng dư rồi. Nhìn bề ngoài
hao phí lao động thành chi phí sản xuất, giá trị thặng dư được coi là “con đẻ” của toàn
bộ tư bản ứng trước vì nó được thu về từ lưu thông dưới dạng số tăng thêm ngoài chi
phí sản xuất. Chính vì vậy phần này bắt đầu nghiên cứu từ chi phí sản xuất. Bước
chuyển từ cái không nhìn thấy được đến cái trực tiếp lộ ra bên ngoài ở các hiện tượng,
được bắt đầu từ sự phân tích 3 phạm trù của đời sống hàng ngày: chi phí sản xuất, lợi
nhuận và tỷ suất lợi nhuận. Nói cách khác, ở đây nghiên cứu ba sự chuyển hoá chung
nhất: hao phí lao động chuyển hoá thành chi phí tư bản, sự chiếm đoạt lao động thặng
dư thành sự lớn lên của tư bản, và mức độ bóc lột thành mức độ tăng lên của tư bản.

Phần thứ nhất gồm 7 chương. Trong chương I, mới thoạt nhìn dường như có 2
đối tượng nghiên cứu là chi phí sản xuất và lợi nhuận. Nhưng thực ra chỉ là một, vì chi
phí sản xuất là một bộ phận của giá cả (bằng giá trị) của hàng hoá mà nhà tư bản bán
sản phẩm của họ, nên bộ phận còn lại là số tăng thêm ngoài “giá thành”, được gọi là lợi

2
nhuận. Như vậy, bản thân việc qui giá trị hàng hoá thành chi phí sản xuất cũng bao
hàm việc qui giá trị thặng dư thành lợi nhuận. Nói đúng ra, chương I này chưa nghiên
cứu bản thân sự chuyển hoá giá trị thặng dư thành lợi nhuận mà mới đặt cơ sở chung
nhất cho sự chuyển hoá ấy. Bản thân sự chuyển hoá ấy được nghiên cứu ở chương II
“Tỷ suất lợi nhuận”; vì sự chuyển hoá giá trị thặng dư thành lợi nhuận chỉ có thể rút ra
một cách đầy đủ từ sự chuyển hoá tỷ ruất giá trị thặng dư thành tỷ suất lợi nhuận. Còn
trong chương III và chương IV tỷ suất lợi nhuận được nghiên cứu về mặt lượng. Tỷ
suất lợi nhuận khác với tỷ suất giá trị thặng dư cả về chất và về lượng; nó có qui luật
vận động - tăng lên, giảm xuống - riêng của nó. Các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất lợi
nhuận được phân tích cụ thể trong chương IV, chương V, chương VI (tốc độ chu
chuyển, sự tiết kiệm trong việc sử dụng tư bản bất biến, và sự biến động của giá cả).
Và chương VII “Những nhận xét bổ sung”, trở lại chủ đề của toàn phần, tóm tắt lại vấn
đề: vì sao giá trị thặng dư chuyển hoá thành lợi nhuận và tỷ suất giá trị thặng dư
chuyển hoá thành tỷ suất lợi nhuận.

Phần thứ hai nghiên cứu sự chuyển hoá lợi nhuận thành lợi nhuận bình quân.
Khi phân tích sự chuyển hoá giá trị thặng dư thành lợi nhuận chỉ cần xét sự vận động
của tư bản cá biệt là đủ. Trong phần này, để vạch ra được những nhân tố chuyển hoá
lợi nhuận thành lợi nhuận bình quân phải nghiên cứu tư bản xã hội. Nhiệm vụ của phần
này tiếp nối phần thứ ba của Quyển II trong đó đã nêu lên điều kiện vận động của tư
bản xã hội trên cơ sở giả định rằng hàng hoá bán theo giá trị và cấu thành hữu cơ tư
bản của các tư bản cá biệt bằng nhau. Còn ở phần này, tư bản xã hội được nghiên cứu
trong sự vận động cụ thể hơn; 1/ Với tư cách là tổng thể những tư bản cá biệt có cấu
thành hữu cơ khác nhau; 2/ Với tư cách là tổng thể những tư bản cá biệt tác động lẫn
nhau, tức là trong cuộc cạnh tranh không ngừng của chúng, dẫn đến sự khác nhau về
lượng giữa giá trị thặng dư và lợi nhuận.

Trong mức độ chuyển hoá thứ nhất của giá trị ở các chương trước ta thấy giá trị
hàng hoá sản xuất theo lối TBCN biểu hiện ra ngoài xã hội, trong giá cả thành tổng số
chi phí sản xuất + lợi nhuận, ở đó về lượng giá cả vẫn bằng giá trị, nhưng về chất đã
khác nhau. Còn trong phần này ở mức độ chuyển hoá thứ hai: lợi nhuận thành lợi
nhuận bình quân, và giá trị của hàng hoá chuyển hoá thành giá cả sản xuất thì cả về mặt
lượng giá cả sản xuất cũng thường cao hơn hay thấp hơn giá trị của hàng hoá.

Phần thứ hai gồm 5 chương (từ chương VIII đến chương XII)
3
Chương VIII phân tích ảnh hưởng của những sự khác nhau về cấu thành hữu cơ
tư bản, về tốc độ chu chuyển tư bản giữa các tư bản kinh doanh trong các ngành sản
xuất khác nhau đối với tỷ suất lợi nhuận. Trọng tâm của chương này là phát hiện mâu
thuẫn sau đây: Những tư bản khác nhau có cùng một lượng như nhau, nhưng có cấu
thành hữu cơ và tốc độ lưu thông khác nhau thì phải có những tỷ suất lợi nhuận khác
nhau. Điều này ngược với xu hướng của phương thức sản xuất TBCN là những tư bản
bằng nhau mang lại tỷ suất lợi nhuận bằng nhau, bất kể cấu thành hữu cơ tư bản như
thế nào. Như vậy, chương VIII đặt ra vấn đề cơ bản phải giải quyết trong cả phần hai.

Chương IX vạch rõ tỷ suất lợi nhuận chung được hình thành như thế nào, ở đây
các ngành sản xuất khác nhau được xem như là những bộ phận của một nền kinh tế
thống nhất và các tỷ suất lợi nhuận khác nhau hợp lại thành một tỷ suất lợi nhuận
chung, thống nhất, đồng thời chứng minh rằng giá cả sản xuất và giá trị không giống
nhau cả về chất và về lượng, chỉ trừ những hàng hoá của những tư bản có cấu thành
hữu cơ ngang với cấu thành hữu cơ trung bình của tổng tư bản xã hội thì giá cả sản
xuất mới bằng giá trị. Như vậy, giá cả sản xuất là hình thái chuyển hoá của giá trị, còn
giá trị chỉ có thể biểu hiện ở giá cả sản xuất; và giá cả thị trường lên xuống xoay quanh
giá cả sản xuất, chứ không phải xoay quanh giá trị.

Tuy nhiên chương IX chưa vạch ra được cái cơ chế qui giá trị thành giá cả sản
xuất. Cơ chế đó là cạnh tranh, bao gồm cạnh tranh trong nội bộ từng ngành và cạnh
tranh giữa các ngành với nhau. C.Mác viết: “Điều mà cạnh tranh thực hiện được, và
hơn nữa, thực hiện được trước hết trong một khu vực sản xuất là: từ những giá trị cá
biệt khác nhau của các hàng hoá lập ra một giá trị thị trường và một giá cả thị trường
như nhau. Nhưng chỉ có sự cạnh tranh của những tư bản giữa các ngành khác nhau mới
tạo nên giá cả sản xuất, giá cả này san bằng các tỷ suất lợi nhuận của các ngành khác
nhau” (Sđd, tr 274 - 275). Chương X nghiên cứu cả hai loại cạnh tranh, nhưng tập
trung vào làm rõ loại cạnh tranh thứ nhất, vì phân tích sự cạnh tranh trong nội bộ ngành
là chìa khoá để hiểu cả sự cạnh tranh giữa các ngành; vả lại, C.Mác không chủ tâm
nghiên cứu bản thân cạnh tranh mà quan tâm những hình thái do tác động của cạnh
tranh mang lại. Hơn nữa, giá cả sản xuất là kết quả của sự cạnh tranh giữa các ngành đã
được trình bày toàn diện ở chương IX.

Về thực chất, khi phân tích giá trị thị trường C.Mác đã trở lại với việc nghiên
cứu ở chương I, QI. ở đây đem áp dụng những điều đã nói về một hàng hoá để xét
4
lượng giá trị thị trường (giá trị xã hội) của khối lượng hàng hoá của cả một ngành được
đưa ra thị trường. Như vậy, khái niệm giá trị thị trường cụ thể hơn khái niệm giá trị của
từng hàng hoá với tư cách là “hình thái nguyên tố của của cải” trong xã hội do phương
thức sản xuất TBCN chi phối, vì nó gắn với sự biến động của quan hệ cung cầu và cạnh
tranh.

Trong hai chương còn lại (XI và XII) “ảnh hưởng của những sự lên xuống phổ
biến của tiền công đối với giá cả sản xuất” và “Những nhận xét bổ sung” dẫn ra những
chi tiết bổ sung cho sự nghiên cứu ở các chương trước.

Phần thứ ba vạch ra qui luật tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống. Nếu hai
phần trước đã nghiên cứu thực chất của tỷ suất lợi nhuận, phương thức hình thành tỷ suất
lợi nhuận bình quân, thì phần này nêu lên những xu hướng của tỷ suất lợi nhuận đã xác lập
đối với tất cả các ngành sản xuất. Mặt khác, phần này có liên quan đến phần thứ bảy của
quyển I về quy luật chung của tích lũy tư bản. Trong phần này, C.Mác không chỉ giải thích
một thực tế là tỷ suất lợi nhuận giảm xuống mà còn nói rõ thêm những mâu thuẫn của sản
xuất TBCN. Nếu đối với giai cấp công nhân tích lũy tư bản tạo ra nạn nhân khẩu thừa và
nạn bần cùng hóa thì đối với giai cấp tư sản tích lũy tư bản làm nảy sinh quy luật tỷ suất lợi
nhuận có xu hướng giảm xuống và tạo ra tư bản “thừa” (tương đối) do không tìm đực nơi
đầu tư có lợi nhuận bình thường trong các ngành hiện có.

Quy luật tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống cũng là một trong những yếu tố
quyết định trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế chu kỳ. Vì vậy, ở đây C.Mác cũng đề cập
đến khủng hoảng kinh tế chu kỳ, và chỉ rõ quy luật tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm
xuống nói lên giới hạn khách quan về mặt lịch sử của phương thức sản xuất TBCN; tư bản
thừa đi đôi với nhân khẩu thừa; biểu hiện mâu thuẫn đã trở nên gay gắt giữa lực lượng sản
xuất xã hội hóa với quan hệ sản xuất TBCN. Đó là trung tâm của phần này.

Phần này gồm ba chương: chương XIII nghiên cứu “Bản thân quy luật”, vạch ra bản
chất của quy luật nói trên dưới hình thái chung nhất với tư cách là biểu hiện chung nhất của
quy luật chung của tích lũy tư bản trong lĩnh vực lợi nhuận và giả cả. Chương XIV nghiên
cứu những tác động ngược lại làm cho quy luật trở thành quy luật chung mang tính xu
hướng, giải thích vì sao sự giảm xuống của tỷ suất lợi nhuận không diễn ra liên tục. Chương
XV “Sự phát triển của các mâu thuẫn bên trong của quy luật” nêu lên những biểu hiện của
quy luật này trong sự bành trướng không ngừng của nền sản xuất TBCN, trong các cuộc
khủng hoảng. Chương này không những kết thúc phần thứ ba, quyển III mà còn kết thúc
5
toàn bộ học thuyết của C.Mác về lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận dưới “hình thái thuần túy”
của chúng, trước khi phân chia lợi nhuận thành những bộ phận độc lập.

Phần thứ tư, nghiên cứu tư bản thương nhân. Trong quyển I, quyển II và các phần
trước của quyển III này C.Mác đều giả định tư bản công nghiệp là một thể thống nhất.
Trong phần này, tư bản hàng hóa và tư bản tiền tệ được xem trong sự tách biệt của chúng
với tư bản công nghiệp. Đối với GTTD cũng vậy, quyển I nghiên cứu GTTD được sản xuất
như thế nào, quyển II tìm hiểu GTTD được lưu thông như thế nào, còn 3 phần đầu của
quyển III phân tích GTTD biểu hiện ra ngoài bề mặt xã hội như thế nào. Nhưng trong tất cả
các công trình nghiên cứu đó GTTD, cũng như tư bản đều được coi là khối thống nhất.
Trong phần này, GTTD được nghiên cứu dưới hình thái đặc biệt của nó là lợi nhuận thương
nghiệp. Mặt khác, phần này không giữ giả định rằng các nhà tư bản công nghiệp đại diện
cho toàn bộ GTTD nữa; giờ đây xét xem GTTD được phân phối như thế nào trong nội bộ
giai cấp tư sản, giữa tư bản công nghiệp và tư bản thương nhân. Các nhà tư bản công nghiệp
nhường một bộ phận GTTD cho các thương nhân thông qua mua bán hàng hóa do công
nghiệp sản xuất ra, do đó làm biến đổi giá cả sản xuất, xuất hiện khái niệm “giá cả sản xuất
theo nghĩa hẹp”. Phần này cũng làm rõ vai trò, chức năng của tư bản thương nhân, ưu thế
của thương nghiệp lớn so với thương nghiệp nhỏ; tính chất và đặc điểm của lao động làm
thuê trong thương nghiệp, dịch vụ thương nghiệp; ảnh hưởng của chu chuyển tư bản thương
nhân đối với lượng tư bản ứng vào lưu thông, đối với giá bán của thương nhân và lợi nhuận
siêu ngạch trong thương nghiệp.

Đứng về mặt lịch sử tư bản thương nghiệp có trước tư bản công nghiệp, nó xuất hiện
từ lâu trước khi có tư bản công nghiệp, thậm chí còn thúc đẩy sự ra đời của tư bản công
nghiệp. Nhưng đó là tư bản thương nghiệp trước CNTB, tồn tại độc lập với sản xuất và
được cải tạo thành tư bản thương nghiệp trong CNTB. Chương XX “Về lịch sử của tư bản
thương nhân” nghiên cứu loại hình tư bản thương nghiệp trước CNTB, làm rõ sự khác nhau
về bản chất giữa nó với tư bản thương nghiệp trong CNTB.

Phần thứ năm nghiên cứu tư bản sinh lợi tức, một hình thái phái sinh nữa của tư bản
công nghiệp.

6
Sự thống nhất giữa ba hình thái của tư bản chỉ biểu hiện trực tiếp trong tư bản công
nghiệp. Tư bản thương nghiệp chỉ là sự thống nhất giữa hai hình thái của tư bản: hình thái
tiền tệ và hình thái hàng hóa, mối liên hệ giữa hai hình thái ấy với tư bản sản xuất bị che
lấp. Trong tư bản cho vay lại chỉ có một hình thái của tư bản – hình thái tiền tệ, mối liên hệ
giữa nó với tư bản sản xuất và tư bản hàng hóa đều bị che lấp, gây ra ảo tưởng tiền đẻ ra
tiền.

Phần trước đã phân tích việc tách tư bản hàng hóa và tư bản tiền tệ từ tư bản công
nghiệp thành tư bản kinh doanh hàng hóa và tư bản kinh doanh tiền tệ (gộp lại thành tư bản
thương nhân), phần này nghiên cứu những vấn đề liên quan đến việc tách tư bản tiền tệ
thành tư bản sinh lợi tức (tư bản cho vay). Nhưng ở đây là sự tách ra khác hẳn. Điểm giống
nhau chỉ là chỗ tư bản thương nhân và tư bản cho vay đều là phái sinh từ tư bản công
nghiệp. Nhưng sự vận động của tư bản thương nhân, còn là một mắt khâu trong tái sản xuất
xã hội, và có tham gia bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận. Còn tư bản sinh lợi tức thì không
phải như vậy. Mối liên hệ của nó với tái sản xuất của tư bản, sự vận động của nó, hình thức
nó chiếm hữu một bộ phận GTTD - đều mang những nét riêng có của nó, và làm cho nó đối
lập với cả tư bản công nghiệp và cả tư bản thương nhân. Trên một ý nghĩa nhất định, tư bản
sinh lợi tức là tư bản phái sinh không những của tư bản công nghiệp mà của cả tư bản
thương nhân, nó là tư bản phái sinh hạng hai. Lợi tức được khấu trừ trực tiếp không phải từ
GTTD mà từ lợi nhuận bình quân, trong đó đã có cả sự tham gia của tư bản thương nhân
vào sự bình quân hóa ấy.

Sự vận động của tư bản sinh lợi tức phải thông qua hệ thống tín dụng rất phức tạp
nên phần này phải phân tích hoạt động tín dụng thông qua ngân hàng.

Trọng tâm nghiên cứu trong phần này là sự phân chia lợi nhuận thành lợi nhuận
doanh nghiệp và lợi tức, là tư bản sinh lợi tức, nhưng chỉ trong giới hạn làm rõ kết cấu chủ
yếu của tư bản.

Việc tư bản tiền tệ tách ra thành tư bản sinh lợi tức quyết định sự phân chia lợi nhuận
thành lợi tức và lợi nhuận doanh nghiệp, càng xuyên tạc bản chất của GTTD. Dường như
lợi tức và lợi nhuận doanh nghiệp không phải là những bộ phận của GTTD mà sinh ra từ hai
nguồn khác nhau. Lợi tức trở thành con đẻ của quyền sở hữu tư bản, còn lợi nhuận doanh
nghiệp là kết quả của hoạt động kinh doanh công thương nghiệp.

7
Lợi nhuận doanh nghiệp biểu hiện khả năng chiếm đoạt GTTD dựa vào tư bản đi vay
của người khác và khuyến khích việc thu hút tư bản của người khác. Bên cạnh thị trường
hàng hóa thông thường và thị trường hàng hóa sức lao động (thị trường lao động) có cả thị
trường hàng hóa – tư bản (thị trường vốn); đồng thời xuất hiện một loại doanh nghiệp mới –
doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa – tư bản, và tập trung cung cầu về tư bản tức là ngân
hàng. Từ đó dần dần hình thành một mạng lưới dày đặc các ngân hàng, các sở giao dịch
chứng khoán và các cơ quan tài chính khác. Trong mạng lưới này các quan hệ TBCN được
thể hiện đầy đủ nhất và cũng bị xuyên tác hết mức, được thần bí hóa và được sùng bái một
cách triệt để.

Phần này gồm 16 chương.

Một cụm gồm 4 chương đầu (XXI – XXIV) dựa trên giả định chưa có ngân hàng, mà
chỉ có quan hệ trực tiếp giữa một bên là nhà tư bản tiền tệ và một bên là nhà tư bản chức
năng. Tư bản sinh lời ở đây mới chỉ gồm tư bản cho vay của những người chủ sở hữu tư bản
tiền tệ không trực tiếp sử dụng tiền của mình làm tư bản mà chuyển cho nhà tư bản chức
năng dùng tiền đó làm tư bản. Giả định như trên nhằm làm rõ bản chất của việc cho vay và
bản chất của tư bản cho vay. Tiền tệ giờ đây có giá trị sử dụng phụ thêm và trở thành hàng
hóa đặc thù dưới hình thái tư bản cho vay. Từ tiền đề đó làm rõ cả bản chất của lợi tức,
phân tích sự phân chia lợi nhuận thành lợi tức và lợi nhuận doanh nghiệp, vạch rõ vì sao sự
phân chia về lượng lại trở thành sự phân chia về chất, và vì lẽ gì mà ngay cả các nhà tư bản
chuyên hoạt động bằng tư bản riêng của mình cũng chia lợi nhuận thành lợi tức là lợi nhuận
doanh nghiệp. Cụm này kết thúc bằng những nhận xét tóm tắt toàn bộ công trình nghiên
cứu ở giai đoạn ban đầu này (chương XXIV) “Quan hệ TBCN nổi bật lên trong hình thái tư
bản sinh lợi tức”.

Tóm lại, giai đoạn này làm rõ: thế nào là tư bản sinh lợi tức, thế nào là lợi tức, các
quan hệ TBCN nổi bật lên trong hình thái tư bản sinh lợi tức như thế nào, qua đó làm rõ bản
chất của tư bản sinh lợi tức, loại tư bản được sùng bái nhất.

Trong giai đoạn 2 tín dụng được mở rộng và cụ thể hơn, bây giờ giữa nhà tư bản tiền
tệ và tư bản chức năng có các chủ ngân hàng làm môi giới, trung gian và trở thành nhân vật
trung tâm, đại diện cho cả 2 bên. Tư bản ngân hàng cũng xuất hiện cùng với sự xuất hiện
của chủ ngân hàng. Tư bản ngân hàng không chỉ gồm tư bản cho vay của nhà tư bản tiền tệ
mà gồm cả các nguồn vốn bằng tiền khác được hút về ngân hàng, do đó tư bản ngân hàng
trở thành tư bản xã hội trực tiếp. Trong giai đoạn phân tích này chủ ngân hàng trở thành
8
“người quản lý tiền tệ” không những của các nhà tư bản tiền tệ mà của cả những nhà tư bản
công nghiệp, thương nhân, của các tầng lớp dân cư và các cơ quan khác nữa. Ngoài ra chủ
ngân hàng không chỉ nhận gửi mà còn cho vay và phát hành giấy bạc ngân hàng (kỳ phiếu)
để cho vay. Chương XXV bắt đầu từ tín dụng thương mại vì bán chịu thường đắt hơn bán
thu tiền mặt, trong giá bán chịu đã bao gồm lợi tức, nên thực chất là cho vay. Hơn nữa, tín
dụng thương mại là cơ sở ra đời của tín dụng ngân hàng và chỉ đến khi kỳ phiếu được chiết
khấu ở ngân hàng thì tín dụng thương mại mới có ý nghĩa quan trọng.

Sự vận động của tư bản ngân hàng dẫn đến xuất hiện tư bản giả, chủ ngân hàng
không chỉ cho vay bằng tiền mặt mà cho vay bằng kỳ phiếu do mình phát hành, nhờ đó thu
lợi tức. Như vậy, trong phương thức sản xuất TBCN không chỉ tiền tệ có giá trị sử dụng phụ
thêm mà cả công cụ tín dụng cũng có giá trị sử dụng phụ thêm (trong các chương sau sẽ đề
cập các loại tư bản giả khác nữa: như công trái, cổ phiếu…).

Trong chương XXVI C.Mác luận chiến với Ô-vôn-stơn – vị huân tước của giới chủ
ngân hàng, người đứng đầu trướng phái “lưu thông tiền tệ”. Ông cho rằng khối lượng tiền tệ
trong lưu thông (bao hàm việc phát hành giấy bạc ngân hàng) tăng lên sẽ làm cho giá cả
hàng hóa tăng lên, do đó, đòi hạn chế phát hành giấy bạc ngân hàng không có vàng bảo đảm
và yêu cầu cho một ngân hàng giữ độc quyền phát hành giấy bạc.

Giai đoạn thứ ba (chương XXVII) nêu lên những nhận xét về vai trò của tín dụng
trong sản xuất TBCN gồm 4 điểm: 1/ Chế độ tín dụng làm môi giới cho việc san bằng tỷ
suất lợi nhuận; 2/ Làm giảm chi phí lưu thông; 3/ Làm cho sản xuất TBCN phát triển và các
mâu thuẫn của nó sâu sắc thêm, qua đó mà đẩy nhanh sự quá độ sang một phương thức sản
xuất mới; 4/ Tín dụng xúc tiến việc hình thành các công ty cổ phần – phần lớn chương này
giành cho việc phân tích điểm thứ ba và thứ tư, vạch rõ tính chất 2 mặt của chế độ tín dụng
và nói về công ty cổ phần.

Chương XXVIII phê phán Túc-cơ và Phu-lác-tơn, đứng đầu “trường phái ngân hàng”
họ đã phê phán một cách đúng đắn thuyết số lượng tiền tệ, nhưng lại không hiểu bản chất
của tiền tệ, của tư bản tiền tệ và tư bản sinh lợi tức, từ đó dẫn Túc-cơ đến chỗ đối lập không
đúng phương tiện lưu thông với tư bản và dẫn Phu-lác-tơn đến chỗ phân biệt không đúng
việc cho vay tư bản và cho vay phương tiện lưu thông.

9
Chương XXIX chỉ ra những bộ phận cấu thành của tư bản ngân hàng gồm: 1/ Tiền
mặt, tức vàng và giấy bạc ngân hàng; 2/ Các chứng khoán có giá (cả kỳ phiếu, cổ phiếu, trái
khoán …) và rút ra kết luận bộ phận lớn tư bản ngân hàng là tư bản giả.

Giai đoạn phân tích thứ tư (chương XXX – XXXII) nêu lên quan hệ (sự khác nhau và
sự thống nhất) giữa sự vận động của tư bản thật (tư bản sản xuất) với tư bản sinh lợi tức (mà
phần lớn là tư bản giả) trong các giai đoạn của chu kỳ công nghiệp.

Giai đoạn thứ năm (chương XXXIII – XXXV) chương XXXIII với tiêu đề “Phương
tiện lưu thông trong hệ thống tín dụng” xét tín dụng trên 2 mặt: một mặt là nhân tố làm
giảm bớt khối lượng tiền tệ cần thiết trong lưu thông và mặt khác là nhân tố tạo ra các công
cụ lưu thông mới (tiền tín dụng và các thứ ký hiệu tiền tệ khác). Chương XXXIV –
“Nguyên lý lưu thông tiền tệ và đạo luật ngân hàng Anh”, phê phán đạo luật ngân hàng Anh
dựa trên cơ sở những nguyên lý về lưu thông tiền tệ đã được phân tích trong các chương
trước. Chương XXXV – “Các kim loại quý và thị giá hối đoái” nghiên cứu mối quan hệ
giữa tín dụng và lưu thông tiền tệ nhưng dưới góc độ của các quan hệ kinh tế quốc tế; tín
dụng quốc tế và sự vận động của kim loại quý giữa các nước. Như vậy cả ba chương có
cùng một đối tượng nghiên cứu là tín dụng và lưu thông tiền tệ, kết chặt với nhau thành một
hệ thống tiền tệ – tín dụng với đầy đủ tính chất muôn vẻ của nó.

Tóm lại, về mặt lôgíc việc nghiên cứu đi dần từ trựu tượng đến cụ thể, từ tiền tệ có
giá trị sử dụng phụ thêm dưới chế độ TBCN, thông qua tư bản ngân hàng, tư bản giả, tư bản
cổ phần; sự vận động của tư bản tiền tệ và tư bản thực tế (tư bản sản xuất), tiến đến toàn bộ
hệ thống tiền tệ – tín dụng.

Còn chương XXXVI, đứng về mặt lịch sử, nêu lên đặc trưng nổi bật của tín dụng
trước CNTB, tức là tiền tệ cho vay nặng lãi; sự khác nhau về chất giữa tư bản cho vay nặng
lãi với tư bản cho vay hiện đại; phân tích bước chuyển từ chế độ cho vay nặng lãi sang hình
thức tín dụng hiện đại, tóm tắt chế độ cho vay nặng lãi thời trung cổ và cuộc đấu tranh
chống lại chế độ đó.

Phần thứ sáu “Sự chuyển hóa lợi nhuận siêu ngạch thành địa tô”. Trong phần này
đối tượng phân tích là một hình thái chuyển hóa nữa của lợi nhuận, lợi nhuận siêu ngạch
thành địa tô TBCN. Lý luận địa tô được trình bày trong khuôn khổ chung của lý luận về
GTTD, về lợi nhuận bình quân và giá cả sản xuất, là sự phát triển hơn nữa những lý luận ấy

10
và vận dụng vào nền nông nghiệp TBCN. ở đây lần đầu tiên C.Mác theo dõi các quan điểm
kinh tế của cuộc đấu tranh giữa cả ba giai cấp hợp thành “bộ xương sống” của xã hội
TBCN: giai cấp công nhân làm thuê, giai cấp tư sản và giai cấp những chủ sở hữu ruộng
đất.

Phần này gồm 11 chương (từ chương XXXVII – XXXXVII).

Chương XXXVII “Những nhận xét mào đầu” trình bày những tiền đề xuất phát của
việc phân tích địa tô. Những tiền đề đó là: 1/ Ruộng đất là một yếu tố để đầu tư tư bản,
không xét cả hình thái kinh tế phi TBCN; 2/ Chỉ phân tích ngành trồng trọt, trước hết là cây
lương thực chủ yếu (lúa mì) bởi vì địa tô thu được trong việc sản xuất các nông phẩm khác
là do địa tô trong ngành trồng trọt quyết định; 3/ Sự tồn tại độc quyền tư hữu ruộng đất
trong tay một giai cấp đặc biệt – những chủ sở hữu ruộng đất; 4/ Phân biệt địa tô và tiền tô,
ngoài địa tô chính thức ra tiền tô còn bao gồm cả lợi tức của tư bản cố định đã bỏ thêm vào
ruộng đất và những sự cải tiến đã được thực hiện trên ruộng đất đó (công trình thủy lợi, các
vật kiến trúc v.v…).

Để phân tích một cách khoa học phạm trù địa tô, cần nghiên cứu địa tô dưới dạng
thuần túy, gạt bỏ mọi yếu tố làm lu mờ bản chất của địa tô như đã kể trên.

Từ chương XXXVIII đến chương XXXXIV nghiên cứu địa tô chênh lệch. Các
chương này dựa trên giả định rằng những nông sản được bán theo giá cả sản xuất (đây là
một sự trừu tượng hóa, thực ra như sẽ trình bày ở chương “Địa tô tuyệt đối” nông sản được
bán theo giá trị thị trường). Địa tô chênh lệch không những chỉ hình thành từ những nông
sản mà còn từ tất cả sản phẩm của những ngành công nghiệp khai khoáng, hoặc những
ngành công nghiệp sử dụng thác nước tự nhiên. ở đây C.Mác nêu ví dụ đa số các nhà máy
của một ngành đều chạy bằng máy hơi nước, nhưng có một số ít nhà máy sử dụng thác
nước tự nhiên và giá cả sản xuất của những nhà máy này thấp, trong khi đó giá cả sản xuất
thị trường lại do chi phí sản xuất của những xí nghiệp sử dụng hơi nước điều tiết (giả định
cung bằng cầu), nên những nhà tư bản sử dụng thác nước thu được lợi nhuận siêu ngạch.
Lợi nhuận siêu ngạch do độc chiếm điều kiện thiên nhiên thuận lợi được duy trì lâu bền hơn
lợi nhuận siêu ngạch do cải tiến kỹ thuật. Nếu những đất đai có thác nước thuộc quyền tư
hữu của địa chủ thì lợi nhuận siêu ngạch sẽ phải chuyển thành địa tô nộp cho chủ sở hữu
thác nước. Tính chất của loại địa tô này thể hiện ở những điểm sau đây: 1/ Địa tô được gọi
là địa tô chênh lệch là vì nó là sự chênh lệch giữa giá cả sản xuất thị trường và giá cả sản
11
xuất cá biệt của tư bản sử dụng sức tự nhiên một cách độc quyền; 2/ Địa tô chênh lệch là kết
quả của năng suất tương đối lớn hơn của những tư bản có độc quyền so với những tư bản
khác, (chứ không phải ở lượng năng suất lao động tuyệt đối của những tư bản sử dụng thác
nước); 3/ Sức tự nhiên không phải là nguồn gốc của lợi nhuận siêu ngạch mà chỉ là cơ sở tự
nhiên của nó thôi, nếu không có độc quyền sở hữu ruộng đất và độc quyền kinh doanh
ruộng đất thì việc nâng cao năng suất lao động do sử dụng thác nước chỉ dẫn đến hạ thấp
giá cả sản xuất của sản phẩm; 4/ Chế độ tư hữu ruộng đất không phải là nguyên nhân sinh
ra lợi nhuận siêu ngạch mà là nguyên nhân làm cho lợi nhuận siêu ngạch chuyển hóa thành
địa tô; 5/ Địa tô sinh ra một phạm trù phi lý là “giá cả ruộng đất” (giá cả thác nước), đó là
địa tô tư bản hóa chứ không phải là giá cả vốn có của ruộng đất (hay thác nước).

Hình thức thứ nhất của địa tô (địa tô chênh lệch I) là địa tô thu được trên những
ruộng đất khác nhau về độ phì tự nhiên hoặc vị trí. C.Mác nghiên cứu địa tô chênh lệch theo
trật tự đi xuống, gắn liền với việc chuyển sang canh tác đất xấu, nhưng đồng thời ông nhấn
mạnh rằng có thể trình bày địa tô chênh lệch theo trật tự đi lên cũng sẽ đạt kết quả như vậy.
Ông soạn ra nhiều bảng biểu để minh họa.

Địa tô chênh lệch là kết quả của sự độc quyền kinh doanh ruộng đất theo lối TBCN
và là kết quả của sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp do có sự độc
quyền đó. Song bởi vì sự cạnh tranh ấy diễn ra trong điều kiện các khu đất tốt đều đã canh
tác hết, nên dẫn đến chỗ là giá cả sản xuất của sản phẩm ở các khu đất xấu giữ vai trò điều
tiết giá cả thị trường. Tình hình đó sinh ra cái mà C.Mác gọi là “giá trị xã hội giả tạo”.

Hình thức thứ hai của địa tô (địa tô chênh lệch II) là kết quả của năng suất khác nhau
của những lần đầu tư nối tiếp nhau trên cùng một thửa đất (thâm canh). C.Mác phê phán
cách lý giải địa tô chênh lệch một cách phiến diện và giản đơn của D.Ricardo và chỉ ra rằng
địa tô chênh lệch nói chung và địa tô chênh lệch II nói riêng dẫn đến những sự kết hợp rất
phức tạp. Để chứng minh điều này ông đã xét 3 trường hợp cơ bản: 1/ Giá cả sản xuất
không đổi; 2/ Giá cả sản xuất giảm xuống và 3/ Giá cả sản xuất tăng lên.

Chương XXXXIII, nghiên cứu một trường hợp rất quan trọng, vạch rõ sự tồn tại của
quyền tư hữu ruộng đất là vật chướng ngại đối với việc đầu tư thêm tư bản vào nông
nghiệp.

Chương XXXXIV xét địa tô chênh lệch có thể thu được ngay cả trên ruộng đất xấu
nhất trong số những ruộng đất được canh tác.

12
Chương XXXXV nghiên cứu địa tô tuyệt đối. Các chương trước giả định ruộng đất
xấu nhất không phải trả địa tô (trừ trường hợp đặc biệt ở chương XXXXIV đã nói ở trên) có
nghĩa là gác lại chưa nói đến quyền sở hữu ruộng đất. Nhưng độc quyền tư hữu ruộng đất là
tiền đề xuất phát của lý luận địa tô, và bất cứ ai muốn sử dụng ruộng đất thuộc độc quyền tư
hữu thì đều phải nộp địa tô cho chủ sở hữu ruộng đất đó không kể độ phì và vị trí như thế
nào, bởi vậy địa tô đó gọi là địa tô tuyệt đối. Vậy nhà tư bản kinh doanh trên ruộng đất đi
thuê lấy khoản nào để nộp địa tô này? Khoản ấy thu được nhờ: 1/ Cấu thành hữu cơ tư bản
trong nông nghiệp thấp, nên GTTD được tạo ra ở đây vượt quá mức lợi nhuận bình
quân, do đó giá trị thị trường của nông sản cao hơn giá cả sản xuất của nó; 2/ Nông nghiệp
với tư cách là một ngành sản xuất TBCN không tham gia bình quân hóa tỷ suất lợi
nhuận chung (do có độc quyền sở hữu và độc quyền kinh doanh ruộng đất cản trở việc di
chuyển tự do tư bản vào nông nghiệp), nên nông sản bán theo giá trị thị trường, chứ không
phải bán theo giá cả sản xuất (như đã giả định khi nghiên cứu địa tô chênh lệch ở trên). Sự
chênh lệch giữa giá trị thị trường và giá cả sản xuất xã hội của nông sản tạo ra khoản nộp
địa tô tuyệt đối (do xuất phát từ chỗ coi giá trị và giá cả sản xuất là một, D.Ricardo đã phủ
nhận địa tô tuyệt đối).

Như vậy, địa tô TBCN là sản phẩm lao động của công nhân nông nghiệp, điều này
càng được thể hiện rõ trong địa tô tuyệt đối, còn trong địa tô chênh lệch thì lao động của
người công nhân làm việc trên ruộng đất màu mỡ hơn, có hiệu suất hơn lao động của người
công nhân làm việc trên ruộng đất kém màu mỡ hơn, và GTTD, năng suất lao động tương
đối lớn của người công nhân ấy bị những kẻ sở hữu ruộng đất tước đoạt.

Giá cả nông sản là giá cả độc quyền do độc quyền về tư hữu ruộng đất và địa tô tuyệt
đối. Giá cả độc quyền bằng giá trị của nó và cao hơn giá cả sản xuất. Vì vậy, việc xóa bỏ
độc quyền tư hữu ruộng đất sẽ làm cho giá cả nông sản hạ xuống.

Khác với các nhà kinh tế chính trị tư sản coi địa tô là phạm trù vĩnh viễn, C.Mác nhấn
mạnh tính chất lịch sử đặc thù của địa tô. Ông dự đoán sự chênh lệch về cấu tạo hữu cơ tư
bản giữa nông nghiệp với các ngành công nghiệp sẽ dần dần được xóa bỏ cùng với sự phát
triển của nông nghiệp. Ngày nay do những thành tựu của công nghệ sinh học đã xuất hiện
khả năng tăng năng suất lao động nông nghiệp với tốc độ tương đối nhanh hơn so với công
nghiệp chứng tỏ lời dự đoán của C.Mác đang thành hiện thực. Vậy việc xóa bỏ quyền tư
hữu ruộng đất và địa tô tuyệt đối là đòi hỏi khách quan ngay cả trong CNTB hiện đại.

13
Chương XXXXVI đề cập địa tô đất xây dựng, địa tô hầm mỏ do địa tô của đất nông
nghiệp chính cống điều tiết. ở đây C.Mác lại quay lại vấn đề “giá cả ruộng đất” là địa tô tư
bản hóa và vạch rõ giá cả ruộng đất là do các quan hệ sản xuất của phương thức sản xuất
TBCN sinh ra. Cuối chương này C.Mác phê phán cái gọi là quy luật độ mầu mỡ đất đai
ngày càng giảm.

Chương XXXXVIII kết thúc toàn bộ phần thứ sáu tổng kết những tài liệu lịch sử về địa
tô, vạch rõ sự khác nhau về nguyên tắc giữa lý luận địa tô của C.Mác với các lý luận địa tô tư
sản. C.Mác theo dõi quá trình phát sinh, phát triển của địa tô TBCN. Ông điểm lại địa tô lao
dịch, địa tô sản phẩm và địa tô tiền, hình thức cuối cùng đồng thời là hình thức tan rã của địa tô
trước CNTB.

C.Mác cũng theo dõi sự ra đời các quan hệ TBCN trong nông nghiệp và đi đôi với nó
là sự chuyển hóa các hình thức địa tô trước CNTB thành địa tô TBCN. Cuối cùng, ông đề
cập chế độ cho cấy rẽ và chế độ chiếm hữu ruộng đất nhỏ.

Phần thứ bảy (từ chương XXXXVIII - XXXXXII) “Các loại thu nhập và nguồn gốc
của chúng”. Phần này kết thúc công trình nghiên cứu kinh tế lớn của C.Mác, nhưng còn
đang viết dở dang.

Chương XXXXVIII “công thức tam vị nhất thể” phê phán lý thuyết “ba nhân tố sản
xuất, ba nguồn thu nhập” của kinh tế chính trị tầm thường: lao động - tiền công; tư bản - lợi
tức; ruộng đất - địa tô.

Chương XXXXIX “về sự phân tích quá trình sản xuất”, nghiên cứu toàn bộ quá trình
sản xuất và phê phán giáo điều của A.Smith, vì “sự phân tích các hình thức lợi nhuận và địa
tô đã phạm sai lầm quán xuyến trong toàn bộ khoa Kinh tế chính trị, kể từ A.Smith”. Giáo
điều A.Smith cho rằng giá trị hàng hóa phân ra thành các loại thu nhập: tiền công, lợi
nhuận, địa tô được các nhà kinh tế chính trị tầm thường diễn đạt với nghĩa là xét toàn xã hội
thì tổng sản phẩm biến thành tổng thu nhập. C.Mác đã vạch ra nguồn gốc của lối diễn đạt
cực đoan đó.
Chương XXXXX “Những ảo tưởng do cạnh tranh gây ra”, luận chứng về sai lầm của
luận điểm sau đây do A.Smith nêu ra: Nếu giá trị hàng hóa biểu thị lao động mới nhập vào
(v + m) được phân thành ba bộ phận tạo thành ba hình thái thu nhập (tiền công, lợi nhuận,
địa tô) thì dường như có thể nói rằng 3 hình thái ấy là những bộ phận cấu thành giá trị.
C.Mác đã chỉ ra rằng: trên thực tế giá trị hàng hóa biểu thị lao động mới thêm vào là một
lượng được xác định trước phân giải thành tiền công, lợi nhuận, địa tô, do đó bộ phận này
tăng lên thì bộ phận kia giảm xuống, nên có mâu thuẫn giữa công nhân, nhà tư bản và địa

14
chủ. Nhưng trong quan niệm sai lầm nói trên thì tiền công, lợi nhuận và địa tô là những bộ
phận giá trị độc lập mà lượng của chúng cộng lại sẽ cấu thành giá trị hàng hoá, như vậy thì
không có mâu thuẫn giữa công nhân, nhà tư bản và địa chủ. Trong chương này, C.Mác đã
nêu ra 5 lý do dẫn đến sự lẫn lộn nói trên. C.Mác cũng đề cập trường hợp giá cả độc quyền
và chỉ rõ rằng ngay cả đối với giá cả độc quyền thì giá trị vẫn giữ vai trò quyết định.
Chương XXXXXI với tiêu đề “Quan hệ phân phối và quan hệ sản xuất”, tổng kết kết
quả nghiên cứu kinh tế, khẳng định rằng các quan hệ sản xuất tương ứng với phương thức
sản xuất đặc thù lịch sử nhất định cũng mang một tính chất đặc thù, lịch sử, tạm thời và các
quan hệ phân phối, về bản chất, cũng nhất trí với các quan hệ sản xuất ấy, thành thử cả hai
đều có chung một tính chất lịch sử nhất thời.
C.Mác nêu lên hai đặc trưng của phương thức sản xuất TBCN: 1/ Nó sản xuất ra sản
phẩm với tư cách là hàng hoá; 2/ Sản xuất ra GTTD là mục đích trực tiếp và động cơ quyết
định việc sản xuất.
Cuối cùng, C.Mác nêu lên mâu thuẫn cơ bản của CNTB và khẳng định rằng khi hình
thái lịch sử ấy đã đạt đến một trình độ chín muồi nhất định thì nó sẽ bị lột bỏ đi để nhường
chỗ cho một hình thái xã hội cao hơn.
Chương chót, chương XXXXXII “Các giai cấp” dự định nghiên cứu về kết cấu giai
cấp của xã hội TBCN, nhận xét về xu hướng phân cực ngày càng tăng giữa ba giai cấp xã
hội cơ bản: Các nhà tư bản, các chủ sở hữu ruộng đất và công nhân làm thuê. Nhưng bản
thảo bị đứt quãng, chưa hoàn chỉnh./.

15

You might also like