You are on page 1of 12

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

VIỆN NGÂN HÀNG - TÀI CHÍNH

BÀI TẬP LỚN


Môn: Kinh tế chính trị Mác – Lênin

Đề tài: Lý luận chung về sản xuất hàng hóa. Thử đặt mình vào vị trí
nhà sản xuất để làm rõ trách nhiệm xã hội của mình đối với người
tiêu dùng trong việc sản xuất hàng hóa.

Giảng viên hướng dẫn : PGS.TS Đào Thị Phương Liên


Khóa : 64
Họ và tên : Trần Bảo Ngọc
Lớp : 16
Mã sinh viên : 11224770

Hà Nội, 2023
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU .................................................................................................................. 3
NỘI DUNG .............................................................................................................. 4
PHẦN I: LÝ LUẬN CHUNG VỀ SẢN XUẤT HÀNG HÓA .......................... 4
1. Khái niệm sản xuất hàng hóa ...................................................................... 4
2. Điều kiện ra đời của sản xuất hàng hóa ..................................................... 4
3. Ưu thế của sản xuất hàng hóa ..................................................................... 6
PHẦN II: TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA NHÀ SẢN XUẤT VỚI NGƯỜI
TIÊU DÙNG TRONG VIỆC SẢN XUẤT HÀNG HÓA ................................. 7
PHẦN III: LIÊN HỆ THỰC TIỄN .................................................................... 9
KẾT LUẬN ............................................................................................................ 11
TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 12
MỞ ĐẦU

Trong giai đoạn đầu của xã hội loài người, mọi hoạt động sản xuất đều tự cung
tự cấp do hạn chế về lực lượng sản xuất. Tại thời điểm đó, nhu cầu của con người bị
giới hạn trong phạm vi nhất định. Tuy nhiên, khi lực lượng sản xuất phát triển và đạt
được nhiều thành tựu, nhu cầu con người được đáp ứng ngày càng nhiều. Sự phát
triển của lực lượng sản xuất cũng là yếu tố dẫn đến sự thay đổi hình thái kinh tế, từ
nền kinh tế tự nhiên sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa và tiến đến nền kinh tế thị
trường. Nhắc đến sản xuất hàng hóa thì không thể không nhắc tới mối quan hệ giữa
nhà sản xuất và người tiêu dùng cũng như trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất. Đây
là mối quan hệ mật thiết, có những tác động quan trọng đặc biệt trong khâu tiêu thụ
sản phẩm, ảnh hưởng tới sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp.

Trước những năm 1986, nền kinh tế tự cung tự cấp được áp dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên sau đó nền kinh tế này không còn phù hợp, thể hiện những mặt yếu kém
và lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của kinh tế nước ta. Nhận thấy điều đó, Đảng và
Nhà nước đã quyết định đổi mới, chuyển sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Nhờ
đó, sản xuất hàng hóa đã trở thành động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
góp phần giúp nước ta hội nhập và phát triển như ngày hôm nay. Đến nay, sau hơn
30 năm thực hiện đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tựu đáng kể.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, em
nhận thấy việc phân tích lý luận chung về sản xuất hàng hóa từ đó thử đặt mình vào
vị trí một nhà sản xuất và đánh giá trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất với người
tiêu dùng trong việc sản xuất hàng hóa là một việc quan trọng, có ý nghĩa lý luận và
thực tiễn đối với quá trình sản xuất hàng hóa và sự phát triển kinh tế của đất nước.
NỘI DUNG
PHẦN I: LÝ LUẬN CHUNG VỀ SẢN XUẤT HÀNG HÓA

1. Khái niệm sản xuất hàng hóa

Theo C.Mác, sản xuất hàng hóa là kiểu tổ chức kinh tế mà ở đó, những người
sản xuất ra sản phẩm không nhằm phục vụ mục đích, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của
chính mình mà để trao đổi, mua bán.

Ở thời kì đầu lịch sử loài người, sản phẩm của sự lao động chỉ được tạo ra để
phục vụ chính người sản xuất ra chúng, tuy nhiên do sản xuất ngày càng phát triển,
nhu cầu của con người ngày càng tăng làm cho sản xuất tự cung tự cấp dần chuyển
hóa thành sản xuất hàng hóa. Sản xuất hàng hóa đã tồn tại từ chế độ chiếm hữu nô
lệ, chế độ phong kiến tới chế độ tư bản và chế độ xã hội chủ nghĩa. Sản xuất hàng
hóa tồn tại trên cơ sở của sự trao đổi hàng hóa và là nền tảng của mọi nền kinh tế.

2. Điều kiện ra đời của sản xuất hàng hóa

Sản xuất hàng hóa không xuất hiện đồng thời với sự xuất hiện của xã hội loài
người. Để nền kinh tế hàng hóa có thể hình thành và phát triển, C.Mác cho rằng cần
hội tụ đủ hai điều kiện gồm:

Điều kiện thứ nhất: Phân công lao động xã hội.

Phân công lao động xã hội là sự phân chia lao động trong xã hội thành các ngành,
các lĩnh vực sản xuất khác nhau, tạo nên sự chuyên môn hóa của những người sản
xuất thành những ngành, nghề khác nhau. Khi ấy, mỗi người chỉ sản xuất một hoặc
một số sản phẩm nhất định. Trong khi đó, nhu cầu của họ lại đòi hỏi nhiều loại sản
phẩm. Để thỏa mãn nhu cầu của mình, tất yếu những người sản xuất phải trao đổi
sản phẩm với nhau. Lấy ví dụ, một người thợ may chuyên may quần áo sẽ có dư
thừa vải so với nhu cầu, nhưng có những nhu cầu khác như lương thực, cần gạo để
làm thức ăn. Khi đó sẽ diễn ra sự trao đổi hàng hóa đổi vải lấy gạo với người nông
dân và ngược lại vì người nông dân cũng sẽ cần vải làm quần áo.

Theo C.Mác: “Sự phân công lao động xã hội là điều kiện tồn tại của nền sản xuất
hàng hóa, mặc dù ngược lại, sản xuất hàng hóa không phải là điều kiện tồn tại của
sự phân công lao động xã hội”. Phân công lao động xã hội với việc chuyên môn hóa
sản xuất đồng thời làm tăng năng suất lao động, sản phẩm thặng dư ngày càng nhiều
nên càng thúc đẩy sự trao đổi sản phẩm.

Điều kiện thứ hai: Sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế của các chủ thể sản xuất.

Sự tách biệt về mặt kinh tế giữa các chủ thể sản xuất làm cho giữa những người
sản xuất độc lập với nhau, khác nhau về lợi ích. Trong điều kiện đó, người này muốn
tiêu dùng sản phẩm của người khác phải thông qua trao đổi, mua bán sản phẩm, tức
là phải trao đổi dưới hình thức hàng hóa. C.Mác viết: “chỉ có sản phẩm của những
lao động tư nhân độc lập và không phụ thuộc vào nhau mới đối diện với nhau như
là những hàng hóa”. Trong lịch sử, sự tách biệt về mặt kinh tế giữa các chủ thể sản
xuất xuất hiện khách quan dựa trên sự tách biệt về quyền sở hữu. Xã hội loài người
càng phát triển, càng làm cho sự tách biệt về quyền sở hữu càng sâu sắc, nền sản
xuất hàng hóa vì thế càng ngày càng phát triển phong phú. Hiện nay, việc tách biệt
kinh tế xảy ra do nhiều hình thức sở hữu tư liệu khác nhau, cùng với đó là tách biệt
về quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với các tư liệu sản xuất.

Hai điều kiện nêu trên là hai điều kiện cần và đủ để có thể ra đời và duy trì sản
xuất hàng hóa cho tới ngày nay. Phân công lao động xã hội làm cho những người
sản xuất phụ thuộc lẫn nhau còn sự tách biệt kinh tế thì chia rẽ họ, làm họ độc lập
với nhau. Đây chính là một mâu thuẫn và nó được giải quyết bằng cách trao đổi mua
bán sản phẩm. Cũng chính bởi vậy mà sản xuất hàng hóa là một phạm trù mang tính
lịch sử, nó sẽ tồn tại khi có đủ hai điều kiện trên và cũng chỉ mất đi khi một trong
hai điều kiện này không được đáp ứng.
3. Ưu thế của sản xuất hàng hóa

So với nền sản xuất tự cấp tự túc, nền sản xuất hàng hóa có những ưu điểm nổi
bật nhất định sau:

Một là, tạo khả năng thỏa mãn tối đa các nhu cầu luôn phát triển của con người.
Xã hội ngày càng phát triển và hiện đại, nhu cầu của con người ngày càng tăng từ
đó đòi hỏi sự phát triển và nâng cao cả về lượng và chất của sản phẩm. Sự đa dạng
hàng hóa có được từ nền sản xuất hàng hóa khiến cho các sản phẩm ngày càng đáp
ứng được những nhu cầu và điều kiện khác nhau của người tiêu dùng. Từ đó chất
lượng cuộc sống được nâng cao đồng thời tăng khả năng lao động của mỗi người.

Hai là, kích thích sự năng động, sáng tạo của con người. Nền sản xuất hàng hóa
với nhiều quy luật vốn có như quy luật giá trị, cung – cầu, cạnh tranh,... đòi hỏi
người sản xuất phải luôn sáng tạo, nhạy bén với những biến động của thị trường. Họ
cần biết tính toán để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả
kinh tế; cải tiến quy trình sản xuất, hình thức của chúng để đa dạng hóa nhiều loại
hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thường xuyên biến đổi của người tiêu dùng.

Ba là, sản xuất hàng hóa thúc đẩy các quan hệ kinh tế luôn rộng mở, từ đó góp
phần thúc đẩy văn minh cho con người. Trong nền sản xuất hàng hóa, với sự phát
triển không ngừng nghỉ của sản xuất, sự giao lưu và hợp tác kinh tế giữa các bên
sản xuất với quy mô từ nhỏ đến lớn, giữa các cá nhân, giữa các nước cũng tăng cao
và khiến cho đời sống vật chất lẫn tinh thần của con người ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên bên cạnh đó sản xuất hàng hóa cũng có mặt trái và tác động tiêu cực
tới đời sống kinh tế, xã hội. Điển hình là tình trạng phân hóa giàu nghèo giữa những
người sản xuất; chạy theo lợi ích cá nhân làm tổn hại đến các giá trị đạo đức truyền
thống, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí hàng hóa độc hại cũng có thể
đem ra trao đổi gây tổn hại cho xã hội; sản xuất không kiểm soát được tiềm ẩn nguy
cơ mất cân đối, khủng hoảng kinh tế, phá hoại môi trường sinh thái… Những tác
động tiêu cực đó có thể hạn chế được, nếu có sự quản lý, điều tiết từ một chủ thể
chung của toàn bộ nền kinh tế là nhà nước.
PHẦN II: TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA NHÀ SẢN
XUẤT VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG VIỆC SẢN
XUẤT HÀNG HÓA

Song song với những hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hóa của nền kinh tế, nhà
sản xuất còn cần có trách nhiệm đối với nhà nước, xã hội, người lao động và quan
trọng nhất chính là người tiêu dùng. Mối quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu
dùng là mối quan hệ mật thiết và vô cùng thiết yếu đặt trong nền sản xuất hàng hóa
hướng đến phát triển nền kinh tế thị trường. Trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất
với người tiêu dùng trong sản xuất hàng hóa được thể hiện ở nhiều góc độ:

Một là, nhà sản xuất có trách nhiệm sản xuất những hàng hóa mà người tiêu dùng
cần và muốn với một mức giá có thể duy trì doanh nghiệp và đồng thời thỏa mãn túi
tiền của nhiều phân khúc khách hàng. Nghĩa là trong quá trình sản xuất hàng hóa,
nhà sản xuất đồng thời cải thiện đời sống, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà
vẫn đảm bảo được lợi ích cho mình. Hàng hóa cần được sản xuất với sự đa dạng
trong mẫu mã, công dụng với nhiều phân khúc giá để phù hợp với yêu cầu và các
mức thu nhập khác nhau của người tiêu dùng. Ví dụ như các doanh nghiệp sản xuất
giày da nên cung cấp cho thị trường những mẫu giày với nhiều kiểu dáng khác nhau
và cùng với đó là đặt những mức giá tương ứng, có thể tạo cơ hội sở hữu sản phẩm
cho mọi nhóm người tiêu dùng bằng cách áp dụng những chương trình khuyến mãi,
kích cầu. Khi thực hiện điều này, chính doanh nghiệp cũng nhận được lợi ích, góp
phần xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững.

Hai là, nhà sản xuất còn phải chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng và
an toàn sản phẩm. Chất lượng của mỗi sản phẩm sản xuất ra phải tương xứng với
giá tiền mà người tiêu dùng sẽ phải chi. Đồng thời quy trình sản xuất hàng hóa phải
được giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt trong khâu kiểm tra đầu ra và vận chuyển, bảo
quản để sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong tình trạng tốt nhất. Nhà sản xuất
cần vượt qua ngoài các yêu cầu an toàn tối thiểu, không ngừng phát triển, đánh giá
mức độ an toàn, những rủi ro của sản phẩm và đặc biệt chú ý tới nhóm người tiêu
dùng dễ bị tổn thương có thể không có khả năng thừa nhận, đánh giá các nguy hiểm
tiềm tàng của sản phẩm.

Ba là, yếu tố đạo đức luôn cần phải được chú trọng trong quá trình sản xuất hàng
hóa. Đối với một nhà sản xuất, việc xây dựng niềm tin với người tiêu dùng là một
yếu tố quan trọng quyết định sự tăng trưởng, tồn tại của doanh nghiệp, và đạo đức
nghề nghiệp chính là nền tảng của niềm tin đó. Nhà sản xuất luôn luôn phải trung
thực trong quá trình sản xuất, trao đổi hàng hóa, làm đúng theo quy trình, không
thêm bớt để chạy theo lợi nhuận. Cần phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin
của hàng hóa tới người tiêu dùng. Đặc biệt với những hàng hóa đặc thù ví dụ như
sản xuất thuốc chữa bệnh cần sàng lọc nguyên liệu đầu vào kĩ càng, có đầy đủ hướng
dẫn sử dụng, cảnh báo tác dụng phụ,... Trong trường hợp xấu nhất khi xảy ra sai sót
trong khâu sản xuất hàng hóa, nhà sản xuất cần phải chịu trách nhiệm xử lí sản phẩm
không đạt yêu cầu, đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng và chấp nhận xử phạt theo
quy định.

Bốn là, tuân thủ quy định của nhà nước, của pháp luật trước, trong và sau quá
trình sản xuất hàng hóa. Đây là trách nhiệm tối quan trọng của nhà sản xuất để đảm
bảo tính pháp lý của hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và cho chính
nhà sản xuất.

Năm là, hướng đến nền sản xuất hàng hóa bền vững. Bằng việc sản xuất bền
vững, những hàng hóa mà nhà sản xuất cung cấp sẽ ít gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới
môi trường và tới chính đời sống xã hội của người tiêu dùng. Ví dụ như thiết kế sản
phẩm và bao gói sao cho có thể dễ dàng sử dụng, tái sử dụng, sửa chữa hay tái chế
và, nếu có thể, cung cấp hay gợi ý các dịch vụ tái chế và hủy bỏ; ưu tiên các nguồn
cung cấp có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững; đưa ra các sản phẩm chất
lượng cao có chu kỳ sống dài hơn, với giá cả hợp lý; cung cấp cho người tiêu dùng
thông tin về mặt khoa học nhất quán, trung thực, chính xác, có thể so sánh và xác
minh về các yếu tố môi trường và xã hội liên quan để tăng độ tin cậy.
PHẦN III: LIÊN HỆ THỰC TIỄN

Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đều ý thức được những
trách nhiệm xã hội của mình đối với người tiêu dùng bởi lẽ đó là một trong những
yếu tố hàng đầu tác động tới sự phát triển, tồn tại của doanh nghiệp. Nhiều doanh
nghiệp khi thực hiện trách nhiệm xã hội đã nhận lại được những hiệu quả kinh tế
nhất định và bên cạnh đó là lợi ích trong việc xây dựng thương hiệu, chỗ đứng lâu
dài trên thị trường. Trong số đó có thể nói tới công ty VinFast trực thuộc tập đoàn
Vingroup.

Là một trong những công ty đi đầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất ô tô,
xe máy - một trong những ngành công nghiệp mang tính dẫn dắt, VinFast ý thức rõ
được trách nhiệm xã hội của bản thân doanh nghiệp trước hết đối với khách hàng
của mình. Hiểu nhu cầu và tâm lý khách hàng, thời gian đầu ra mắt, VinFast áp dụng
chính sách giá “3 không”, chấp nhận bù lỗ để mang đến cơ hội sở hữu sản phẩm dễ
dàng hơn cho đông đảo người tiêu dùng. VinFast thường xuyên có những chương
trình, chính sách hỗ trợ bán hàng linh hoạt và dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tâm,
chu đáo. Đây cũng là một trong số ít hãng xe trên thị trường hỗ trợ khách hàng “đổi
cũ lấy mới” với thủ tục thuận tiện, tối ưu giá trị xe cũ, tặng thêm tiền để khách hàng
mua xe mới dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, công ty VinFast cũng đặc biệt chú trọng trong việc bảo đảm an toàn
và chất lượng sản phẩm. VinFast không chỉ đảm bảo đúng quy định về tiêu chuẩn
doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô mà còn ứng dụng công nghệ số hóa đầu tiên tại
Đông Nam Á. Toàn bộ quy trình sản xuất linh kiện ô tô, lắp ráp hoàn toàn được
đồng bộ và khép kín, điều hành bằng hệ thống máy móc thông minh, hiện đại và tự
động hoá thông qua robot. Với quy trình hiện đại cùng đội ngũ nhân sự có trình độ
cao, các nhà máy lắp ráp ô tô của VinFast đã đưa ra thị trường những mẫu xe có
thiết kế ấn tượng với đa dạng phân khúc. Các mẫu xe hơi được VinFast đầu tư và
lựa chọn rất kỹ từ đối tác thiết kế để tạo nên những sản phẩm chất lượng hàng đầu
như VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0, VinFast Lux SA2.0, VinFast President và
VinFast VF e34. Các mẫu xe sau sản xuất sẽ phải trải qua quá trình thử nghiệm và
đánh giá chất lượng nghiêm ngặt đến từ các tổ chức uy tín thế giới như ASEAN
NCAP, EURO NCAP, WLTP,... trước khi tung ra thị trường.

Đồng thời, việc cho ra mắt những dòng xe bền vững hướng tới bảo vệ môi trường
cũng là một trong những mục tiêu xuyên suốt của VinFast. Với các thiết kế xe máy,
ô tô điện, Vinfast đã góp phần làm giảm lượng khí thải, khói bụi từ động cơ xe ra
môi trường, đi đầu trong làn sóng sử dụng phương tiện giao thông “xanh”.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp như VinFast thì ở Việt Nam vẫn tồn
tại không ít những doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xã hội của
mình. Vẫn còn tồn đọng những trường hợp có hành vi gian lận trong kinh doanh,
báo cáo tài chính, sản xuất hàng kém chất lượng, cố ý gây ô nhiễm môi trường. Điển
hình có những vụ xả nước thải không qua xử lý ra sông hồ ảnh hưởng tới sinh hoạt
của người dân địa phương của các công ty Mía đường Hòa Bình, đóng tàu Huyndai
Vinashin,... hoặc những bê bối liên quan tới thực phẩm bẩn kém chất lượng ảnh
hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng,... Để khắc phục tình trạng này,
nhà nước cần có những chính sách, biện pháp cụ thể, hoàn thiện khung pháp luật
Việt Nam, tăng cường tuyên truyền tới các doanh nghiệp. Và đồng thời chính bản
thân các doanh nghiệp cũng phải lưu tâm, có những chiến lược, kế hoạch cụ thể để
thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Không chỉ doanh nghiệp và nhà nước mà cả thế hệ học sinh, sinh viên cũng cần
ý thức được tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội mà nhà sản xuất cần có với người
tiêu dùng. Tuổi trẻ Việt Nam nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng đóng vai
trò rất quan trọng trong việc hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, có đầy đủ
kiến thức, kĩ năng để thích ứng với những bước phát triển mới trong tương lai. Thế
hệ trẻ cần chú trọng học tập, chăm chỉ sáng tạo, đặt mục tiêu và động cơ học tập
đúng đắn, biết trau dồi những kĩ năng mềm để hoàn thiện bản thân, từ đó có hiểu
biết toàn diện về nền sản xuất hàng hóa, ý thức được trách nhiệm xã hội của nhà sản
xuất để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên.
KẾT LUẬN

Sự ra đời và phát triển của sản xuất hàng hóa chính là bước ngoặt căn bản trong
lịch sử phát triển của loài người. Cùng với sự phát triển, tiên tiến của công nghệ hiện
đại, sản xuất hàng hóa đã, đang và sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, đóng góp quan
trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ áp dụng lý luận về sản xuất hàng hóa của
C.Mác đã tạo cơ hội cho sự hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường tại
Việt Nam cho đến ngày nay. Lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng, giải thích được
bản chất và các hiện tượng liên quan đến trao đổi và mua bán hàng hóa. Chính bởi
vậy mà sản xuất hàng hóa ngày càng được chú trọng đầu tư. Song song với sự phát
triển đó là trách nhiệm xã hội ngày càng cao của nhà sản xuất đối với người tiêu
dùng nói riêng và toàn xã hội nói riêng. Để nền sản xuất hàng hóa phát triển thật bền
vững, các nhà sản xuất cần phải ý thức và thực hiện đúng, đủ trách nhiệm xã hội của
mình, đặc biệt đối với người tiêu dùng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu Tiếng Việt

1. Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin (Dành cho bậc đại học hệ không
chuyên lý luận chính trị), 2019, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Tài liệu trực tuyến

1. “Tiêu chuẩn và quy trình vận hành nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam”,
https://vinfastauto.com/vn_vi/tieu-chuan-va-quy-trinh-van-hanh-nha-may-
lap-rap-o-to-tai-viet-nam
2. “VinFast nhận được đánh giá ESG từ Sustainalytics”,
https://vinfastauto.com/vn_vi/vinfast-nhan-duoc-danh-gia-esg-moi-truong-
xa-hoi-quan-tri-tu-sustainalytics
3. “Các lý thuyết về việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp”,
https://mocchau.sonla.gov.vn/trach-nhiem-xa-hoi/cac-ly-thuyet-ve-viec-
thuc-hien-trach-nhiem-xa-hoi-trong-doanh-nghiep-658997

You might also like