You are on page 1of 3

Đề bài: Cảm nhận của em về đoạn kết trong bài thơ “Đồng chí”của Chính Hữu.

Bài làm:
Nếu hương thơm và sắc màu là điều quý giá nhất của một loài hoa, nếu
tiếng ca và đôi cánh là điều tuyệt diệu nhất của một loài chim, nếu thành quả là
điều khiến con người ta tự hào nhất của một quá trình nỗ lực thì có lẽ điều quý
giá, tuyệt vời và đáng tự hào nhất của dân tộc Việt Nam bất khuất, kiên cường
chính là lịch sử đấu tranh hào hùng và cao cả! Lịch sử ấy được viết nên bởi toàn
dân mà đặc biệt là những những lính đêm ngày chiến đấu không ngại mỏi mệt,
gian khổ. Ta cảm động bởi sự chia sẻ thân thương cùng nhau vượt qua mọi khó
khăn để khắc lên tình đồng đội của những người lính ấy. Điều đó được những
nhà thơ khắc họa trong những trang thơ thật sâu sắc mà cũng thật bình dị. Và
nhà thơ Chính Hữu với vốn sống phong phú và sự cảm nhận tinh tế đã thể hiện
sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí trong khổ cuối bài thơ “Đồng chí” viết
vào năm 1948:
Đêm nay rừng hoang sương muối.
Nằm cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Bài thơ “Đồng Chí” được nhà thơ Chính Hữu viết sau khi tác giả cùng
đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại
cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Bởi vậy bài
thơ là những gì chân thực nhất xuất phát từ sự trải nghiệm của chính nhà thơ kết
hợp với sự sáng tạo của mình, Chính Hữu đã để lại những vần thơ với những ấn
tượng sâu sắc khó phai trong lòng người đọc. Những người lính trong “Đồng
chí” là những con người có cùng xuất thân là người nông dân, có cùng lí tưởng,
niềm tin và tình yêu nước mãnh liệt; họ có cùng những câu chuyện mang nỗi
niềm tâm sự “ruộng nương anh gởi bạn thân cày”, “giếng nước, gốc đa nhớ
người ra lính”; có cùng những sự khó khăn “áo anh rách vai”, “quần tôi có vài
mảnh vá” và họ đã nắm tay thương lấy nhau, cùng nhau chia sẻ, đồng cảm để
vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn của cuộc chiến tranh. Đó là nguồn động lực
lớn lao tiếp sức mạnh cho người lính trong những đêm gác giá lạnh:
Đêm nay rừng hoang sương muối.
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đêm nay vẫn như đêm qua và nhiều đêm khác, các anh vẫn chăm chỉ, miệt mài,
vẫn dũng cảm, kiên trì đứng canh gác. Các anh không chỉ đứng canh gác trong
đêm giữa chốn núi rừng trống vắng mà đêm ấy còn là một đêm sương muối, trời
giá rét và lạnh lẽo vô cùng. Thế nhưng động từ “đứng cạnh”, chính nhờ “đứng
cạnh bên nhau” để truyền hơi ấm cho nhau mà những người lính ấy không còn
cảm thấy lạnh lẽo, không còn cảm thấy cô đơn, trống vắng mặc dù nơi học đứng
là “rừng hoang”, mặc dù họ đang phải hứng chịu “sương muối”. Tất cả khó
khăn, gian khổ dường như mờ nhạt trước ngọn lửa tình đồng chí ấm áp, nồng
nàn mà cao đẹp, thân thương. Đó quả là một sức mạnh kì diệu, lớn lao mà sự sẻ
chia giản dị của những người lính mang lại, chỉ cần “đứng cạnh bên nhau” thôi
là họ có đủ sức mạnh, có đủ hơi ấm để đứng vững, để mạnh mẽ làm nhiệm vụ.
Hơn thế nữa, họ còn làm nhiệm vụ với tư thế chủ động mặc dù họ đang trong
tình thế bị động. Những người lính canh gác này không biết có bao nhiêu hiểm
nguy đang rình rập họ, không biết rằng ít lâu nữa họ phải chiến đấu với những
chiếc máy bay, những quả bom được mệnh danh là tử thần. Ấy vậy mà họ lại
“chờ”, động từ “chờ” mang nghĩa chủ động, thể hiện tư thế chủ động, sẵn sàng
chiến đấu với địch bất cứ lúc nào. Phải chăng đó là sự lạc quan, tinh tưởng vào
đồng đội, vào bản thân với một sự kiên cường, dũng cảm của người lính và đó
cũng là một nguồn động lực giúp họ trở nên mạnh mẽ chiến đấu hơn bao giờ
hết, tầm vóc của họ bỗng trở nên lớn lao giữa chốn núi rừng vắng vẻ hơn bao
giờ hết?
Họ không chỉ là những người lính chiến đấu mạnh mẽ, những người lính
ấy không chỉ khô khan “chờ giặc tới” mà họ còn vô cùng lãng mạn dưới ánh
sáng vàng của vầng trăng. Nếu trong các chùm thơ về trăng của Hồ Chí Minh
“trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” (Ngắm trăng), “trăng lồng cổ thụ bóng
lồng hoa”(Cảnh khuya) trăng là người bạn thiên nhiên gần gũi, trong sáng, là
người bạn tri âm tri kỉ tâm sự, chia sẻ; nếu trăng trong “Ánh trăng” của Nguyễn
Duy mang một hình tượng mới, là nhân chứng sống về sự lỗi lầm của người lính
“ánh trăng im phăng phắc, đủ cho ta giật mình”thì trăng trong “Đồng chí” của
Chính Hữu là sự kết hợp tinh tế giữa vầng trăng thiên nhiên và “đầu súng”, vừa
gần gũi vừa mới lạ:
Đầu súng trăng treo
Đó là một hình ảnh vô cùng quen thuộc đối với những người lính. Bốn chữ “đầu
súng trăng treo” làm nhịp thơ đột ngột thay đổi, dồn nén, chắc gọn, gây sự chú
ý cho người đọc. Trong đêm phục kích, khi súng dắt lên vai và đầu súng chĩa lên
trời vô tình chạm vầng trăng mà nhà thơ cứ ngỡ “trăng” treo “đầu súng”. Động
từ “treo” đã tạo nên một mối quan hệ bất ngờ độc đáo, nối liền mặt đất với bầu
trời, gợi những liên tưởng thú vị vừa hiện thực lại vừa lãng mạn. Trong đêm giá
rét, rừng hoang sương muối, cái chết cận kề, tâm hồn nhạy cảm của người chiến
sĩ vẫn tìm thấy chất thơ bay bổng trong vẻ đẹp của trăng.” Đầu súng” ở gần biểu
tượng cho chiến tranh, hiện thực khốc liệt, “ trăng” ở xa biểu tượng cho sự lãng
mạng, màu vàng của trăng biểu tượng cho hòa bình, cuộc sống no đủ, hạnh
phúc. Chính Hữu đã kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn, chiến tranh và hòa
bình, chất chiến sĩ hòa quyện chất thi sĩ tạo nên một bức tranh đẹp và vô cùng
sáng tạo! Tất cả như bộc lộ và tô đậm vẻ đẹp con người của những người lính
vừa lãng mạn mà cũng vừa bất khuất, đanh thép, kiên cường. Tất cả như hứa hẹn
một ngày toàn thắng không xa, ngày để những người lính chiến đấu mạnh mẽ
hướng tới tự do. Điều đó ẩn chứa một khát vọng lớn lao của những người lính về
ngày hòa bình, độc lập.
Với giọng thơ nhẹ nhàng, tâm tình kết hợp biện pháp tu từ ẩn dụ và sự
sáng tạo độc đáo, Chính Hữu đã vẽ nên một bức tranh vô cùng đẹp và phá cách
khắc họa sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí. Phải là một con người có sự trải
nghiệm, tài sáng tạo và sự cảm nhận sâu sắc, tinh tế thì Chính Hữu mới có thể
tạo nên một hình ảnh mới lạ, độc đáo và để lại ấn tượng trong lòng người đọc về
trăng và người lính như vậy. Quả là một dấu ấn mới đẹp đẽ về thơ ca cách mạng,
về nguồn cảm hứng bất tận của mỗi thời đại là “trăng” vốn được ví nếu vật chất
là điều dễ mất đi thì “trăng” luôn bất tử trong lòng người đọc với những giá trị
về cảm hứng giàu có của nó. Từ đây ta càng thêm yêu, càng thêm tự hào và
muốn ca ngợi người lính trong cuộc vệ quốc vĩ đại. Đặc biệt giá trị mà “Đồng
chí” mang lại còn là nguồn cảm hứng sâu sắc đối với ý thức của tuổi trẻ về lòng
tự hào dân tộc, học tập những truyền thống tốt đẹp của cha anh để từ đó cố gắng
phát triển và xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Nhà thơ Chính Hữu đã vô cùng thành công trong việc bộc lộ sức mạnh và
vẻ đẹp của tình đồng chí trong đoạn cuối bài thơ “Đồng chí”. Hãy để tâm hồn ta
rong chơi, chìm đắm, hòa quyện trong hình ảnh những người lính gác đêm giữa
rừng hoang để cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp của người lính thời cứu nước. Hãy
để tâm hồn ta được mở rộng và chiêm ngưỡng nhiều hơn nữa những hình ảnh
đẹp về người lính, về tình đồng đội bằng cách tìm và đọc thêm nhiều tác phẩm.
Và cuối cùng hãy là những con người có ích đóng góp một phần công sức của
mình để giữ gìn và phát triển quê hương, đất nước mà các anh hùng đã gìn giữ
thêm giàu đẹp!

You might also like