You are on page 1of 8

Chương 3.

GIẤC NGỦ, GIẤC MƠ, THÔI MIÊN

3.1. Giấc ngủ


3.1.1. Khái niệm và phân loại giấc ngủ
Khi bị kích thích với kích thích có cường độ quá lớn hay khi bị kích thích với kích
thích có cường độ trung bình hay cường độ nhỏ nhưng thời gian kéo dài đều gây ức chế
hoạt động của tế bào thần kinh. Trong cuộc sống hằng ngày, con người nhận không biết
bao nhiêu loại kích thích khác nhau, nói cách khác, các tế bào thần kinh trong não bộ bị
kích thích liên tục, do đó, ở chúng luôn xuất hiện các quá trình ức chế để tạo điều kiện cho
tế bào thần kinh nghỉ ngơi và phục hồi chức năng. Biểu hiện của dạng ức chế này là thay
cho trạng thái thức bằng trạng thái ngủ.
Ngủ là nhu cầu bắt buộc của cơ thể người, chính vì vậy mà con người đã dành cho
giấc ngủ của mình bằng một phần ba cuộc sống của chính mình.
Ngủ là trạng thái chung, kéo dài của cơ thể được gây ra do sự tổ chức lại hoạt động
của phức hợp các yếu tố nội sinh và ngoại sinh đặc trưng cho những giao động ngày – đêm
và bảo đảm sự phục hồi chức năng hoạt động của não bộ trong trạng thái thức tỉnh.
Ngủ được chia thành nhiều dạng khác nhau: ngủ theo chu kỳ ngày đêm, ngủ do gây
mê bởi các tác dụng của các yếu tố lý hóa học; ngủ thôi miên; ngủ bệnh lý.
- Ngủ theo chu kỳ ngày đêm (ngủ sinh lý): Ở người trưởng thành, mỗi ngày chỉ ngủ
một lần, nhưng ở một người có thể ngủ hai lần trong ngày (trưa và tối). Trẻ em ngủ nhiều
lền trong ngày và được gọi là giấc ngủ đa pha.
Thời gian ngủ ở trẻ sơ sinh khoảng 21 giờ/ ngày; ở trẻ từ 6 tháng đến 1 năm tuổi là
14 giờ/ ngày; ở trẻ 10 tuổi khoảng 10 giờ/ngày; ở người trưởng thành trung bình khoảng
7-8 giờ/ngày; ở người lớn tuổi thời gian ngủ ít hơn khoảng 4-5 giờ/ngày.
- Ngủ do gây mê: là trường hợp là giấc ngủ mà nguyên nhân của nó là do thở không
khí có lẫn ether hay chloroform hay bằng các chất được đưa vào cơ thể như: rượu, morphin
và nhiều chất độc khác hay bằng kích thích dòng điện và bằng nhiều các tác động khác.
- Ngủ bệnh lý là trường hợp giác ngủ mà nguyên nhân gây ra nó do thiếu mãu não,
do não bị chèn ép, do các khối u trong các bán cầu đại não hay do tổn thương các cấu trúc
khác nhau ở thân não. Ngủ bệnh lý thường kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng
hoặc nhiều năm.
- Ngủ do thôi miên: đây là dạng ngủ đặc biệt được nhiều người quan tâm. Ngủ do
thôi miên là giấc ngủ nhân tạo, thường do người khác gây ra, đây là dạng ngủ được gây ra
bởi các kích thích đơn điệu.
3.1.2. Các biến đổi cơ thể khi ngủ
Trạng thái cơ thể khi ngủ có những điểm khác biệt so với ở trạng thái thức.
Những biến đổi thực vật trong giấc ngủ chủ yếu diễn ra vào thời gian pha ngủ ngược,
đặc biệt là lúc xuất hiện vận động mắt nhanh
- Năng lượng chuyển hóa của cơ thể giảm xuống khoảng 8,73%. Nhu cầu oxi của
cơ thể cũng biến động khi ngủ. Nhu cầu oxi tối đa diễn ra ở pha ngủ ngược và tối thiểu ở
giai đoạn III-IV ở pha ngủ chậm.
- Máu cung cấp cho não trong lúc ngủ nói chung là tăng nhưng tăng mạnh nhất là
pha ngủ nhanh (tăng 80% so với bình thường). Điều này chứng tỏ quá trình chuyển hóa
trong não tăng trong trang thái ngủ và tăng mạnh ở pha ngủ ngược, nó phù hợp với sự tăng
xung của các neuron trong giai đoạn này.
- Huyết áp ngoại vi trong lúc ngủ giảm xuống khoảng 6-10 mmHg, nhưng ở pha
ngủ nhanh, huyết áp ngoại vi đạt đến mức như lúc tỉnh. Một số tài liệu cho rằng huyết áp
ngoại vi trong pha ngủ nhanh giảm xuống khoảng 20-25% so với mức bình thường.
- Nhịp đập của tim giảm thấp nhất vào giai đoạn IV trong pha ngủ chậm nhưng ở
pha ngủ nhanh nhịp tim có sự thay đổi lúc nhanh lúc chậm so với bình thường và trong một
số trường hợp còn quan sát được hiện tượng loạn nhịp.
- Nhiệt độ cơ thể giảm xuống trong những giờ gần sáng. Tuy nhiên ở người trong
trạng thái thức tỉnh cũng có thể quan xác được sự giảm nhiệt độ cơ thể trong thời gian này.
Do đó, sự giảm nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào biểu hiện của nhịp ngày đêm. Một nguyên
nhân nữa là tư thế nằm cũng là điều kiện giảm nhiệt độ cơ thể. Nhưng trong quá trình diễn
ra giấc chiêm bao nhiệt độ cơ thể thường tăng lên
- Điện trở da tăng dần từ giai đoạn I đến giai đoạn IV trong pha ngủ chậm và có thể
tăng gấp 5 lần. Trong pha ngủ nhanh có thể tăng cao hơn, nhưng khi xuất hiện vận động,
điện trở da lại giảm xuống.
- Quan sát được hiện tượng cương dương vật ở đàn ông, biểu hiện này thường xảy
ra trong giai đoạn vận động mắt nhanh.
Bên cạnh những thay đổi của các phản ứng thực vật trong giấc ngủ còn quan sát
được những vận động cơ và chúng cũng thường xảy ra trong pha ngủ nhanh như: cười,
nhăn mặt, nắm chặt bàn tay, vận động các chi.
Một trong những biểu hiện đăc trưng trong chức năng vận động là giảm trương lực
cơ. Biên độ của điện cơ cũng giảm đặc biệt là giai đoạn đầu của pha ngủ nhanh. Ví dụ: khi
ngồi ngủ ta quan sát được đầu gục mạnh xuống, đây là biểu hiện của sự giảm trương lực
cơ.
Ngoài những biến đổi trên khi ngủ cũng có những biến đổi rõ thành phần các sóng
điện não đồ. Những biến đổi trên điện não đồ diễn biến theo các giai đoạn tương ứng với
các giai đoạn chuyển từ trạng thái thức sang trạng thái ngủ.
3.1.3. Chu kỳ ngủ
Những biến đổi về điện não ở người trong quá trình ngủ đã được Devis và cộng sự
nghiên cứu. Theo các tác giả này thì các biến đổi các sóng điện não có thể chia làm 5 giai
đoạn tương ứng với 5 giai đoạn chuyển từ trạng thái thức sang trạng thái ngủ với độ sâu
của giấc ngủ.
- Giai đoạn I (giai đoạn A): thời gian chiếm khoảng 10% chu kỳ ngủ, đặc điểm của
giai đoạn này là có sóng alpha chiếm ưu thế trên điện não đồ ghi từ vùng chẩm. Thực chất
trong giai đoạn này, người vẫn chưa ngủ và não bộ đang ở trạng thái yên tĩnh, nghỉ ngơi.
- Giai đoạn II (giai đoạn B): thời gian chiếm khoảng 53% chu kỳ ngủ, đặc điểm của
giai đoạn này là điện não đồ có đủ các loại sóng alpha, beta, têta và denta. Tương ứng với
giai đoạn này, con người đang ở trạng thái thiu thiu ngủ và có sự đấu trang giữa quá trình
hưng phấn và quá trình ức chế.
- Giai đoạn III (giai đoạn C): thời gian chiếm khoảng 5% chu kỳ ngủ, đặc điểm của
giai đoạn này là điện não đồ bắt đầu xuất hiện những thoi ngủ (những sóng có tần số khác
nhau nằm kế tiếp nhau như chiếc thoi) có tần số 14-16 Hz và xen lẫn với các thoi ngủ là
các song chậm. Trạng thái của con người là đang ngủ nhưng chưa ngủ sâu.
- Giai đoạn IV (giai đoạn D): đặc điểm của giai đoạn này là trên điện não sóng chậm
chiếm ưu thế xen lẫn với chúng là các thoi ngủ. Biểu hiện của con người trong giai đoạn
này là ngủ rất say.
- Giai đoạn V (giai đoạn E): đặc điểm của giai đoạn này là trên điện não đồ hầu như
chỉ xuất hiện sóng chậm denta với tần số 1-3Hz. Biểu hiện của con người lúc này là ngủ
rất say.
Thời gian giai đoạn IV và V khoảng 10% chu kỳ ngủ
- Giai đoạn P: kéo dài khoảng 22% chu kỳ ngủ đặc điểm của của giai đoạn này là
điện não chỉ có các sóng beta đây là sóng đặc trưng cho não đang hoạt động. Biểu hiện của
người lúc này là ngủ rất say. Chính vì đây là trạng thái ngủ đang ỏ mức sâu nhất mà điện
não lại đặc trưng cho não đang hoạt động do đó, người ta gọi pha ngủ này là pha ngủ nghịch
thường hay pha ngủ nhanh. Trong giai đoạn này còn quan sát được hiện tượng vận động
mắt nhanh cho nên pha này còn gọi là pha ngủ có vận động mắt nhanh và nguyên nhân gây
ra trạng thái này nằm ở hành não nên còn gọi là ngủ hành não.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian của từng giai đoạn trong giấc ngủ chưa được
nghiên cứu, một số nhà nghiên cứu cho rằng sự biến động của hormone đóng vai trò quan
trọng trong các quá trình của giấc ngủ. Ví dụ đối với phụ nữ trong giai đoạn kinh nguyệt
pha ngủ nghịch thường có thời gian kéo dài đến 30% toàn bộ thời gian ngủ trong một đêm.
Trình tự các pha ngủ I, II, III, IV, V, P hình thành nên một chu kỳ ngủ, trong đó,
giai đoạn I, II, III, IV, V thuộc pha ngủ chậm kéo dài khoảng 1 giờ đến 1 giờ 30 phút và
giai đoạn P là pha ngủ nhanh kéo dài khoảng 15-25 phút. Như vậy, mỗi chu kỳ kéo dài
khoảng từ 1 giờ 30 phút đến khoảng 2 giờ và trong một đêm có khoảng 4 đến 5 chu kỳ ngủ.
Ngoài ra trong quá trình nghiên cứu người ta còn nhận thấy trời càng về sáng thời gian của
pha ngủ nhanh càng kéo dài hơn so với các pha trước đó. Sự chuyển từ pha ngủ chậm sang
pha ngủ nhanh thường được thực hiện rất nhanh, trong vòng khoảng 1-2 phút, thỉnh thoảng
mới quan sát được sự chuyển từ từ nhưng quá trình chuyển từ pha ngủ nhanh sang pha ngủ
chậm được thực hiện rất chậm và thường chuyển qua giai đoạn II.
3.1.4. Tầm quan trọng của giấc ngủ
Ý nghĩa của giấc ngủ nói chung và các pha ngủ nói riêng đã có nhiều công trình
nghiên cứu và cho thấy nếu trong trường hợp bị mất ngủ kéo dài con vật thí nghiệm sẽ chết
và trong não của những con vật được thí nghiệm này có những biến đổi lớn về hình thái,
đặc biệt là sự xuất hiện các không bào và hiện tượng tiêu sắc trong các tế bào vỏ não. Như
vậy giấc ngủ có chức năng bảo vệ tế bào thần kinh trong não bộ, tránh các tế bào thần kinh
khỏi bị suy kiệt vì hoạt động kéo dài. Đối với pha ngủ nhanh, tổng hợp nhiều dẫn liệu của
nhiều nghiên cứu của các tác giả khác nhau cho thấy rằng pha ngủ nhanh có thể có những
chức năng sau.
- Tẩy sạch cho hệ thần kinh những chất chuyển hóa được tích tụ trong các giai đoạn
khác nhau của chu kỳ thức ngủ.
- Bảo đảm nguồn phát các xung động để kích thích vỏ não đối với não của trẻ em
đang phát triển và cả phôi trong bụng mẹ.
- Tổ chức lại trong hệ thần kinh trung ương các luồng xung động bị rối loạn khi ngủ
chậm
- Đảm bảo cho giai đoạn phục hồi để chuyển dần sang trạng thái thức tỉnh
- Đảm bảo việc loại trừ những thông tin không cần thiết mà não bộ tiếp nhận, do đó
tạo điều kiện cho quá trình tiếp nhận thông tin mới được dễ dàng
- Đảm bảo cho quá trình chuyển trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn.
- Đảm bảo cơ chế của giấc mơ, nhằm giải quyết “những phản ứng cảm xúc đang
diễn ra” và làm cho cơ thể thích ứng với điều kiện môi trường xung quanh trong thời gian
ngủ.
3.1.5. Các thuyết về giấc ngủ.
3.1.5.1. Thuyết về trung khu ngủ.
Khi tiến hành nghiên cứu giấc ngủ của các bệnh nhân bị bệnh ngủ do tổn thương
các cấu trúc não xung quanh phần đầu của rãnh Sylvius và thành não thất III, Mauthner và
sau là Economo đã đề ra học thuyết trung khu ngủ. Ức chế phát sinh từ vùng này lan đến
thalamus và vỏ não đảm bảo sự hình thánh “giấc ngủ của não bộ”, sau đó lôi cuốn vào quá
trình trung khu thực vật bao quanh gây ra “giấc ngủ thể xác”. Các tác giả khác (Tonkikh,
1965) cho rằng trung khu thức tỉnh cũng nằm trong vùng này và có tác dụng đảm bảo giai
đoạn chuyển từ ức chế sang trạng thái thức tỉnh.
Năm 1929, Hess đã tiến hành thí nghiệm gây ngủ bằng cách kích thích vùng
Subthalamus bằng những xung dòng điện Galvani có cường độ yếu. Tác giả đưa ra kết luận
hiệu quả giấc ngủ được gây ra là do kích thích các trung khu của hệ thần kinh phó giao
cảm.
3.1.5.2. Thuyết độc tố.
Bên cạnh các công trình nghiên cứu về các trung khu ngủ cũng đã xuất hiện những
nghiên cứu về vai trò của các yếu tố thể dịch trong quá trình hình thành giấc ngủ. Legendre
và Pierron (1910) cho rằng do quá trình trao đổi chất mà cơ thể đã tích tụ các chất có tác
dụng gây ngủ, các chất này sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể sau giấc ngủ và não bộ sẽ trở
chuyển sang trạng thái thức.
Cơ sở để đưa ra giả thuyết độc tố ngủ là thí nghiệm lấy máu dịch não tủy của con
chó bị mất ngủ đem tiêm vào con chó đang thức, con chó thứ hai này sẽ ngủ ngay. Tuy
nhiên trong một số trường hợp thuyết độc tố gây ngủ này không có thể giải thích được một
số trường hợp như: trường hợp hai chị em sinh đôi với hai đầu nhưng một thân, một quả
tim, như vậy hai dầu được cung cấp cùng một dòng máu, nhưng hai chị em không ngủ cùng
một lúc, có nhiều lúc em này đang ngủ say còn em khác thì lại ở trạng thái thức tỉnh .
3.1.5.3. Thuyết của Pavlov.
Trong quá trình Pavlov nghiên cứu về phản xạ có điều kiện cũng xuất hiện những
công trình nghiên cứu về giấc ngủ. Theo Pavlov, bản chất của giấc ngủ dựa vào sự lan tỏa
ức chế. Khi tế bào vỏ não bị ức chế, ức chế có xu hướng lan tỏa ra xung quanh, dần dần
chiếm toàn bộ vỏ não, thậm chí còn lan xuống các trung khu dưới vỏ làm xuất hiện giấc
ngủ. Chính nhờ giấc ngủ mà khả năng hoạt động của các neuron ở vỏ não được khôi phục.
Khi khả năng hoạt động của vỏ não được khôi phục gần như cũ, ức chế tan dần và vỏ não
trở về trạng thái hoạt động. Nói cách khác ức chế là giấc ngủ cục bộ, còn giấc ngủ là ức
chế lan rộng chính vì vậy, tất cả các yếu tố gây ức chế đều có thể gây ngủ
Hiện nay, trong những nghiên cứu về bản chất giấc ngủ, người ta sử dụng nhiều
phương pháp tạo thành một phức hợp gồm cả nghiên cứu ở mức neuron. Nhờ thu thập
nhiều dữ liệu mới cho phép phát hiện trong não những hệ thống thần kinh - thể dịch đặc
hiệu liên hệ với nhau chặt chẽ và đảm bảo cho sự chuyển tiếp từ trạng thái thức sang trạng
thái ngủ và ngược lại, cũng đảm bảo cho sự diễn ra các pha trong giấc ngủ.
3.2. Giấc mơ
Giấc mơ là trạng thái hoạt động đặc biệt của não khi ngủ không say, vào lúc mới
ngủ hay lúc mới thức dậy. Còn khi ngủ thật say thì không có giấc mơ. Đặc điểm các hình
ảnh trong giấc mơ thường là phi lý, kỳ quặc, lắm kiểu và thường che dấu nguồn gốc của
kích thích, do đó, trong giấc mơ, người ta thường thấy những cảnh tượng không thể tưởng
tượng được và những sự liên quan không thể có trong thực tế.
Quá trình hình thành của giấc mơ là do trong pha chuyển tiếp của các pha ngủ, trên
vỏ não có những điểm không bị ức chế và khi thức, mỗi ảnh hưởng của ngoại cảnh đều để
lại dấu vết trên vỏ não, trong đó có những dấu vết mà ta không ý thức được. Khi ngủ không
say, hưng phấn còn tồn tại ở một điểm nào đó (thường là những điểm hưng phấn mạnh khi
thức) lan tỏa ra một số điểm khác không theo hệ thống logic như khi thức và tạo thành
những hình ảnh kỳ dị, hoặc những hình ảnh vô lý trong giấc mơ. Chính vì vậy Sechenov
đã cho rằng giấc mơ là môt sự kết hợp chưa hề xảy ra giữa các hiện tượng đã xảy ra.
Nguyên nhân xuất hiện giấc mơ có thể là do bệnh tật, đói khát, tư thế nằm, tinh thần
cằng thẳng, lo sợ, vui buồn…
Tóm lại giấc mơ là sự phản ảnh một cách đặc biệt thế giới quan mà não người ghi
được khi thức. Trong giấc mơ, người ta suy nghĩ chủ yếu bằng hình ảnh và nhất là hình
ảnh bằng thị giác. Nhưng trong giấc mơ, người ta thiếu sự phê phán với những điều vo lý
về quan hệ không gian và quan hệ thời gian. Giấc mơ là hình thức phản ảnh thế giới quan,
do đó, ở người mù bẩm sinh, trong giấc mơ không bao giờ có các hình ảnh về thị giác, bởi
vì trong não của họ khônng có dấu vết ánh sáng và ở những người điếc bẩm sinh trong giác
mơ của họ không bao giờ có hình ảnh thính giác vì trong não họ không có dấu vết ánh sáng.
- Bóng đè cũng là một giấc mơ, nhưng trong giấc mơ này chỉ có một vài điểm của
vùng cảm giác hưng phấn còn trung khu vận động ở trạng thái ức chế, do đó, trong giấc
mơ chủ thể có cảm giác khá rõ nhưng không cử động được. Nguyên nhân của bóng đè có
thể là do bị bệnh tim hay khi ngủ đè tay lên ngực, lên trán, hay suy nhược cơ thể, mệt mỏi,
lo lắng.
- Mộng du cũng là giấc mơ, nhưng trong giấc mơ này chỉ có một số điểm ở vùng
vận động hưng phấn, còn các trung khu cảm giác bị ức chế hoàn toàn, nên người bị mộng
du đứng dậy, đi lại, làm một số việc… rồi lại ngủ tiếp mà sáng hôm sau khi ngủ dậy không
còn nhớ gì đã diễn ra trong lúc mộng du.
- Nói mớ cũng là trạng thái của mộng du, nhưng trong trường hợp này trung khu
thức chí khu trú ở vùng vận động nói (vùng Broca)
3.3. Thôi miên
Ngủ thôi miên là dạng ngủ đặc biệt, ngủ nhân tạo do người khác gây ra. Ngủ thôi
miên là một trạng thái ức chế được gây ra bởi các kích thích yếu, đơn điệu vì dụ như: đốm
sáng từ viên bị chiểu vào mắt hay sự vận động của tay qua lại trước mặt hay tiếng nói của
người thôi miên.
Ức chế ngủ do thôi miên gây ra không bao trùm lên toàn bộ các bán cầu đại não và
vỏ não, trong não vẫn còn có những điểm hưng phấn nhất định. Do có những hiện tượng
cảm ứng đồng thời, mà ức chế bào quanh các điểm hưng phấn tăng lên, chúng bị cách ly
ra khỏi các phần khác nhau của não bộ. Phụ thuộc vào nơi có cứ điểm hưng phấn, người bị
thôi miên có thể tiếp nhận kích thích từ ngoại vi và thực hiện đúng theo lệnh được giao.
Các cứ điểm hưng phấn bị cách ly có thể duy trì tác dụng sau khi người bệnh bị thôi miên
đã trở lại trạng thái thức tỉnh, nhờ vậy thôi miên có tác dụng điều trị được bệnh

You might also like