You are on page 1of 21

CHƯƠNG 3

LÝ THUYẾT HÀNH VI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Chương này tập trung vào việc nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng trên thị trường
trong việc phân bổ nguồn thu nhập (ngân sách) hạn chế của họ cho việc mua sắm các hàng hóa
và dịch vụ. Bằng cách lý giải cách thức lựa chọn lượng hàng hóa tối ưu để mua cho tiêu dùng
dựa trên khái niệm đường bàng quan, đường ngân sách và khái niệm về tổng lợi ích và lợi ích
cận biên, chương này đưa ra quy tắc tối đa hóa lợi ích trong tiêu dùng. Bên cạnh đó, thông qua
việc tìm hiểu cách thức phân bổ hiệu quả nguồn thu nhập hạn chế cho tiêu dùng, chương này
cũng giải thích tại sao đường cầu có hình dạng dốc xuống và giúp chúng ta hiểu được sự thay đổi
trong thu nhập và giá cả ảnh hưởng đến cầu về hàng hóa dịch vụ như thế nào.

3.1. TỔNG QUAN VỀ LỢI ÍCH

3.1.1. Khái niệm về lợi ích, tổng lợi ích và lợi ích cận biên
Lợi ích là thuật ngữ mà các nhà kinh tế học thường sử dụng khi mô tả sự thoả mãn mà người
tiêu dùng nhận được khi tiêu dùng các hàng hoá hoặc dịch vụ. Các nhà kinh tế học định nghĩa lợi
ích là sự hài lòng, thích thú hoặc thỏa mãn đạt được đối với mỗi người tiêu dùng khi tiêu dùng
các hàng hóa, dịch vụ hoặc một họat động cụ thể nào đó mang lại.
Lợi ích còn được gọi là độ thỏa dụng (Utility) và thường được ký hiệu là U. Lợi ích là
động cơ hay mục đích của tiêu dùng. Một người tiêu dùng bình thường (có lý trí) là người biết
tiêu dùng hợp lý, tức là thực hiện các hành vi tiêu dùng mang lại sự hài lòng và thoả mãn. Ví dụ,
ăn để đạt được sự ngon miệng và no bụng, dạo chơi hoặc nghe nhạc để đạt được cảm giác khoan
khoái và thư giãn... Các cảm giác ngon, no, thư giãn...được coi là lợi ích (độ thỏa dụng) của
người tiêu dùng khi tiêu dùng các hàng hoá, dịch vụ..
Chú ý rằng thuật ngữ lợi ích ở đây là lợi ích cá nhân tức là nó phụ thuộc vào mức độ cảm
nhận chủ quan của mỗi người tiêu dùng riêng biệt. Lợi ích là một khái niệm trừu tượng và khó
lượng hóa bằng các đơn vị đo lường. Lợi ích cá nhân đạt được đối với mỗi người tiêu dùng khác
nhau thì khác nhau. Chẳng hạn cùng xem một bộ phim nhưng các khán giả khác nhau sẽ cảm
nhận khác nhau về mức độ hay của bộ phim.
Một khái niệm có liên quan đến lợi ích là tổng lợi ích (TU- Total Utility, hay lợi ích toàn
bộ) là tổng thế sự hài lòng do toàn bộ việc tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ mang lại qua một thời
kỳ nhất định. Tất nhiên, cũng rất khó lượng hoá được tổng lợi ích bởi vì nó là khái niệm mang
tính chất chủ quan, phụ thuộc vào mức độ cảm nhận của mỗi người tiêu dùng riêng biệt. Khi
người tiêu dùng thực sự quan tâm đến một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định thì anh ta mới có thể
đánh giá được mức độ thoả mãn của mình khi tiêu dùng thứ hàng hoá hoặc dịch vụ đó. Việc gán
cho lợi ích một đơn vị đo lường cụ thể là khó khăn, và hơn thế nữa, việc giải thích quyết định lựa
chọn tiêu dùng tối ưu cũng không cần thiết phải lượng hoá lợi ích.
Lợi ích cận biên (MU- Marginal Uility) là lượng lợi ích tăng thêm qua một thời kỳ nhất
định do tiêu dùng thêm một đơn vị hàng hóa dịch vụ. Biểu thức phản ánh lợi ích cận biên là:
MU =  TU /Q = dTU/dQ = TU’(Q).

3.1.2. Quy luật lợi ích cận biên giảm dần (Law of Diminíhing Marginal Utility)
Quy luật này cho thấy rằng lợi ích cận biên thu được đối với mỗi đơn vị hàng hóa được
tiêu dùng thêm sẽ giảm dần đi nếu ta tiêu dùng hàng hóa đó ngày càng nhiều lên trong một thời
kỳ nhất định.
Đây là điều rất đúng trọng thực tế tiêu dùng các hàng hóa dịch vụ vì khoái cảm và sự
ngon miệng sẽ giảm xuống đối với mỗi đơn vị hàng hoá tiêu dùng thêm. Giả định bạn ăn chiếc
kem đầu tiên vào lúc bạn đang rất khát nước, mệt mỏi và trời nóng. Chiếc kem này chắc chắn sẽ
cho bạn một cảm giác vô cùng khoan khoái, dễ chịu và giúp bạn tỉnh táo, khoẻ khoắn trở lại.
Nhưng nếu bạn ăn chiếc thứ hai, thứ ba, thứ tư.. thì bạn sẽ thấy ngay rằng cảm giác tuyệt vời ban
đầu của mình sẽ giảm đi đối với mỗi chiếc kem ăn thêm, thậm chí, bạn sẽ có cảm giác khó chịu,
mệt mỏi nếu như bạn cứ tiếp tục ăn đến chiếc thứ năm, thứ sáu..... Như vậy ta có thể nói là lợi
ích cận biên của những chiếc kem càng được tiêu dùng trước càng cao hơn, và hiện tượng này
được các nhà kinh tế khái quát thành quy luật lợi ích cận biên giảm dần. Ví dụ về tiêu dùng kem
với các số lượng cụ thể về tổng lợi ích và lợi ích cận biên tương ứng được minh hoạ qua biểu 1.
Quy luật trên có thể được minh họa bằng đồ thị hình 1

Biểu 1: Tổng lợi ích và lợi ích cận biên của việc tiêu dùng kem

Chiếc kem thứ Tổng lợi ích Lợi ích cận


(Q) (TU) biên (MU)
1 3 3
2 5 2
3 6 1
4 6 0
5 5 -1

Từ biểu 1 và hình 1, ta nhận thấy về mặt hình học, đường TU và đường MU có mối liên hệ
với nhau, trong đó MU là độ dốc của TU tại các điểm. Độ dốc của TU giảm dần tức là đường
MU dốc xuống. Từ chiếc kem đầu tiên đến chiếc thứ 3, MU giảm nhưng lớn hơn 0, làm cho TU
tăng nhưng tăng với tốc độ chậm dần. Tại chiếc kem thứ tư (MU=0) là nơi TU có giá trị lớn nhất
vì tại đây tổng lợi ích không tăng thêm nữa. Sau chiếc kem thứ tư, MU có giá trị âm có nghĩa là
TU giảm dần.

Hình 1: Đường tổng lợi ích và lợi ích cận biên

6
TU
5

Q
1 2 3 4 5
MU

2
MU
1

0
Q
-1 1 2 3 4 5

Quy luật lợi ích cận biên giảm dần có hai ý nghĩa quan trọng. Ý nghĩa thứ nhất là quy luật
này cùng với lý thuyết lựa chọn sẽ lý giải hình dạng đường cầu dốc xuống (vì đường cầu chính là
đường lợi ích cận biên, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở phần sau). Ý nghĩa thứ hai là quy luật này
góp phần hình thành một quan điểm nhận thức khoa học trong việc đánh giá hành vi tiêu dùng,
từ đó xây dựng ý thức tiêu dùng hợp lý để cực đại hóa lợi ích kinh tế trong tiêu dùng.

3.1.3. Điểm cân bằng tiêu dùng và thặng dư tiêu dùng (CS)
Chúng ta biết rằng mỗi người tiêu dùng đều phấn đấu tối đa hoá lợi ích đạt được khi tiêu
dùng trong điều kiện nguồn thu nhập hạn chế. Hãy giả định việc tiêu dùng kêm que ở trên phải
trả tiền với giá 1 nghìn đồng một chiếc. Vấn đề đặt ra là người tiêu dùng sẽ gia tăng việc tiêu
dùng đến chiếc thứ bao nhiêu thì dừng lại để đạt tổng lợi ích lớn nhất?
Ta thấy rằng tại chiếc kem thứ nhất và hai, các lợi ích cận biên đều lớn hơn giá phải trả
(3>1, 2>1). Tại những lần tiêu dùng này, người tiêu dùng có lợi. Ngược lại, tại chiếc kem thứ 4
và 5 trở đi, người tiêu dùng bị thiệt vì các lợi ích cận biên đều nhỏ hơn giá cả phải trả (0<1, và -
1<1). Tai chiếc kem thứ 3, người tiêu dùng cân bằng giữa lợi ích cận biên và giá là nơi mà tổng
lợi ích lớn nhất.
Vậy để tổng lợi ích cực đại, trong trường hợp này điểm cân bằng đối với người tiêu dùng
là MU =P, tức là tại nơi mà MU=P thì người tiêu dùng lựa chọn được số lượng hàng hoá tối ưu
cần mua để tối đa hoá lợi ích.
Hình 2: Thặng dư tiêu dùng

P
4 A

3 CS

2
B
P=1
MU= D
0 Q
1 2 3 4

Thặng dư tiêu dùng (Consummer Surplus) là tổng các chênh lệch giữa phần lợi ích cận
biên thu được và giá phải trả tại các đơn vị hàng hóa tiêu dùng thêm có MU>P. Nó được xác
định bởi diện tích miền nằm dưới đường cầu và trên mức giá (trên hình 2 là diện tích phần gạch
chéo APB). Nói cách khác, thặng dư tiêu dùng chính là hiệu số giữa số tiền mà người tiêu dùng
sẵn sàng trả và số tiền thực tế mà anh ta phải trả cho việc mua hàng hóa.
Vì thặng dư tiêu dùng là diện tích tam giác APB nên nó được xác định theo công thức
tính diện tích tam giác. Ta có công thức tính thặng dư tiêu dùng như sau:

CS  ( a 2P ) Q
Trong đó: CS là thặng dư tiêu dùng, a là hệ số chặn của đường cầu với trục tung, P là giá
cả hàng hoá, Q là lượng hàng hoá tối ưu được lựa chọn để tiêu dùng.
Trong ví dụ trên, vì a=4, P=1, Q=3 nên CS= 4,5
Trên đồ thị, đường lợi ích cận biên MU chính là đường cầu D vì tại nơi mà MU=P thì
người tiêu dùng lựa chọn được lượng hàng hoá tối ưu, và đường cầu D lại chính là đường phản
ánh lượng hàng hoá tối ưu mà người tiêu dùng có khả năng và sẵn sàng mua ở từng mức giá
(người tiêu dùng được giả định là luôn luôn tiêu dùng hợp lý, tức là tiêu dùng tại điểm cân bằng).
3.2 TỐI ĐA HOÁ LỢI ÍCH VÀ SỰ LỰA CHỌN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG
Trong phần này chúng ta sẽ nghiên cứu hành vi người tiêu dùng trong việc lựa chọn số
lượng sản phẩm tối ưu sẽ mua trên thị trường để thu được lợi ích lớn nhất trong tiêu dùng. Khác
với phần trên ở chỗ, các hành vi mua sắm của người tiêu dùng không phải chỉ xảy ra đối với một
loại hàng hoá, mà ngược lại, người tiêu dùng phải phân bổ nguồn ngân sách hạn chế của họ cho
nhiều loại hàng hoá khác nhau. Chúng ta đã biết, mục đích của tiêu dùng là tối đa hoá lợi ích, do
đó hàm mục tiêu của tiêu dùng là tổng lợi ích cực đại, tức (TUMAX), trong hai điều kiện ràng
buộc là :
(1) Thu nhập có hạn (I)
(2) Sự sẵn có của hàng hóa, thể hiện ở giá cả hàng hóa (P)
Sự ràng buộc trên được thể hiện ở phương trình ngân sách là: XPx+YPY+...+ZPZ= I
Trong đó: X, Y, .., Z là các số lượng các hàng hoá khác nhau được lựa chọn để mua, và PX, PY ,..,
PZ là các giá cả của các hàng hoá đó, I là tổng thu nhập của người tiêu dùng được phân bổ cho
các hàng hoá trên. Có hai phương pháp tiếp cận để đưa ra quy tắc tối đa hoá lợi ích: Phương
pháp 1 dựa vào khái niệm đường bàng quan và đường ngân sách, phương pháp 2 dựa vào khái
niệm tổng lợi ích và lợi ích cận biên.

3.2.1. Tối đa hoá lợi ích theo tiếp cận đường bàng quan và đường ngân sách
a. Sở thích và đường bàng quan (Indifference Curve)
Sở thích phản ánh sự ưa thích của người tiêu dùng đối với các hàng hóa tiêu dùng. Trong
thực tế, một người tiêu dùng có thể có sự ưa thích một lô hàng hóa này hơn lô hàng hóa kia. Khi
các lô hàng hóa với các kết hợp khác nhau về mặt lượng nhưng cùng đem lại một sự thoả mãn
hoặc ưa thích như nhau cho người tiêu dùng thì ta nói rằng người tiêu dùng bàng quan giữa các
lô hàng đó (không quan tâm vì chúng có cùng lợi ích).
Đường bàng quan là tổ hợp các lô hàng cùng đem lại một lượng lợi ích như nhau khi tiêu
dùng. Đồ thị đường bàng quan được minh họa ở hình 3

Hình 3: Đường bàng quan


Y

A
YA
B
YB C
U (Đường bàng quan)
YC

X
XA XB XC
Tại A, với tập hợp XA, YA, tại B với tập hợp XB, YB, tại C với tập hợp XC, YC, và tại mọi
điểm khác trên đường bàng quan A,B,C.... đều đem lại một mức thỏa mãn như nhau khi tiêu
dùng. Vì vậy người tiêu dùng bàng quan giữa các điểm, và ta gọi đường ABC là đường bàng
quan.
Các tính chất của đường bàng quan:
- Tính chất 1: Tỷ lệ thay thế biên của hàng hóa X đối với hàng hóa Y sẽ giảm dần dọc theo
một đường bàng quan từ trên xuống.
Tỷ lệ thay thế biên của X đối với Y (MRS XY) là lượng hàng hóa Y mà người tiêu dùng
sẵn sàng từ bỏ để đổi lấy một đơn vị tăng thêm trong hàng hóa X mà không làm thay đổi tổng
mức thỏa dụng.
Biểu thức phản ánh tỷ lệ thay thế biên của X đối với Y là MRSXY= - Y/X. Dấu trừ thể
hiện sự đánh đổi giữa hai mặt hàng để giữ cho độ thỏa dụng không đổi dọc theo một đường bàng
quan.
Tỷ lệ thay thế biên của X đối với Y chính là độ dốc của đường bàng quan. Các đường
bàng quan có độ dốc âm và độ dốc giảm dần từ trên xuống.
- Tính chất 2: Mỗi người tiêu dùng có vô số các đường bàng quan. Các đường bàng quan
không cắt nhau và đường càng xa gốc tọa độ phản ảnh lợi ích thu được càng lớn.

Hình 4: Các đường bàng quan không cắt nhau


Y
Y

H
U3 G

U2
K
U1
X X

(a) (b)

Các đường bàng quan không thể cắt nhau (hình a) và đường U3 có lợi ích lớn hơn U2 ,
đường U2 có lợi ích lớn hơn đường U1. Chúng không thể cắt nhau vì nếu cắt nhau (hình b) thì
theo tính chất bắc cầu, các điểm G và K phải có cùng lợi ích, nhưng thực tế điểm G được ưa
thích hơn K vì G có nhiều hơn cả hai hàng hóa so với điểm K.
- Tính chất 3: Trên một đường bàng quan, tỷ lệ thay thế biên của X đối với Y bằng tỷ số giữa
lợi ích cận biên của hàng hóa X và lợi ích cận biên của hàng hóa Y, tức là: MRS XY=
MUX/MUY
Hai trường hợp đặc biệt của đường bàng quan: Các đường bàng quan thay thế hoàn hảo và
các đường bàng quan bổ sung hoàn hảo. Hình dáng của đường bàng quan có thể chỉ ra mức độ
khác nhau của mong muốn thay thế hàng hoá này bằng hàng hoá khác, điều đó được phản ánh ở
hình 5. Trong hình a, người tiêu dùng coi bát phở bò và bát phở gà là hai hàng hoá thay thế hoàn
hảo và anh ta bàng quan giữa bát phở nọ và bát phở kia. Trong trường hợp này, tỷ lệ thay thế
biên của phở bò đối với phở gà bằng 1. Trong hình b, người tiêu dùng coi giày trái và giày phải
là hai hàng hoá bổ sung hoàn hảo. Nếu anh ta có thêm một chiếc giày nữa thì mức độ thoả mãn
của anh ta cũng không tăng thêm, trừ khi anh ta có thêm một chiếc giày nữa đi ở chân bên kia.
Trong trường hợp này, tỷ lệ thay thế cận biên của giày trái đối với giày phải bằng 0 bất cứ khi
nào có nhiều giày phải hơn giày trái, bởi vì người tiêu dùng chẳng bao giờ từ bỏ bất cứ một chiếc
giày trái nào để đổi lấy thêm một chiếc giày phải.

Hình 5: Các đường bàng quan đặc biệt


Phở bò Giày
(bát) trái

2 3
1 2
1
Phở gà Giày
1 2 3 ((bát) phải
1 2 3
(a) X và Y là thay thế hoàn hảo (b) X và Y là bổ sung hoàn hảo

b. Sự ràng buộc ngân sách và đường ngân sách (Budget line - BL)

Hãy xem xét một ví dụ sau (biểu 2): Một người sinh viên sử dụng hết số tiền hiện có
(I=15.000 đồng) để mua hai hàng hóa X (phở) với giá một bát phở là PX= 5.000 đồng và Y (chơi
game) với giá một giờ chơi là PY= 2.500 đồng. Các phương án chi tiêu có thể có được phản ánh
qua bảng dưới đây (giả sử trong mỗi phương án, người sinh viên đều tiêu hết tiền).
Đồ thị đường ngân sách được biểu diễn ở hình 6.
Biểu 2: Các phương án tiêu dùng của người sinh viên

Phương án Ăn phở Chi cho ăn Chơi game Chi cho chơi Tổng chi
(bát) (X) (X.PX) (giờ) (Y) (Y.PY) tiêu (I)
A 0 0 6 15.000 15.000
B 1 5.000 4 10.000 15.000
C 2 10.000 2 5.000 15.000
D 3 15.000 0 0 15.000

Hình 6: Đường ngân sách


Y- chơi game (giờ)

I/PY
6

2 BL (Đường ngân sách)


4
2
2
I/PX
2 X – phở
(bát)
0
1 2 3
Đường ngân sách được định nghĩa là tổ hợp các lô hàng mà người tiêu dùng có thể mua
được với ngân sách đã cho.
Trên đồ thị biểu diễn đường ngân sách BL là một đường thẳng có độ dốc âm và không
đổi (bằng 2) vì muốn tiêu dùng thêm 1 đơn vị hàng hoá X, trong điều kiện thu nhập không đổi,
người tiêu dùng buộc phải giảm 2 đơn vị hàng hoá Y.
Do đó, phương trình đường ngân sách là: XPX +YPY = I
Hay:

Y  PIy  PPxy X

Trong đó: X, Y là lượng các hàng hoá X và Y, I là thu nhập của người tiêu dùng, P X ,PY
là giá cả của các hàng hoá X và Y.
Từ phương trình trên cho ta thấy độ dốc của đường ngân sách là P X/PY và phương trình
đường ngân sách của người sinh viên trên là: 6= 2X+Y
Chú ý rằng đường ngân sách có độ dốc không đổi bằng tỷ số giữa hai giá của hai hàng
hóa. Trong ví dụ trên độ dốc đường ngân sách của người sinh viên bằng 2, tức là nếu anh ta
muốn tiêu dùng thêm một đơn vị hàng hóa X (phở) thì buộc phải giảm bớt 2 đơn vị hàng hóa
Y(chơi game).
Ta xét thêm hai trường hợp đối với đường ngân sách khi có sự thay đổi trong thu nhập I
hoặc thay đổi trong giá của các hàng hóa, thì đường ngân sách sẽ thay đổi như thế nào?
Hình 7 miêu tả ảnh hưởng của thay đổi thu nhập I khi giá hàng hóa không đổi, làm cho
đường ngân sách dịch chuyển song song sang phải hoặc sang trái. Đường ngân sách ban đầu là
BL1, với thu nhập I, giá PX và PY, giả sử thu nhập giảm đến I2, giá hai hàng hoá không đổi,
đường ngân sách sẽ dịch chuyển song song sang trái, đến BL2. Ngược lại, khi thu nhập tăng đến
I3, giá các hàng hoá không đổi, đường ngân sách sẽ dịch chuyển song song sang phải.
Hình 7: Ảnh hưởng của thay đổi thu nhập lên đường ngân sách

I3/PY

I1/PY

I2/PY

BL! BL3
BL2

X
I2/PX I1/PX I3/PX

Hình 8 minh họa ảnh hưởng của thay đổi giá một hàng hóa lên đường ngân sách khi thu
nhập và giá hàng hóa kia không đổi, làm cho độ dốc đường ngân sách thay đổi. Giả sử đường
ngân sách ban đầu là BL1, khi giá PY không đổi, thu nhập I không đổi, nhưng giá PX giảm đi,
đường ngân sách sẽ chuyển tới vị trí mới là BL3 với độ dốc nhỏ hơn. Ngược lại, khi giá PX tăng,
đường ngân sách sẽ chuyển tới vị trí BL2 với độ dốc lớn hơn.

Hình 8: Ảnh hưởng của thay đổi giá hàng hoá lên đường ngân sách

I/PY

BL2 BL3
BL1
X
I/PX2 I/PX1 I/PX3
c. Sự lựa chọn của người tiêu dùng
Hình 9 minh họa trạng thái cân bằng của người tiêu dùng theo tiếp cận đường bàng quan và
đường ngân sách. Trạng thái cân bằng phản ánh sự lựa chọn tối ưu của người tiêu dùng để thu
được tổng lợi ích lớn nhất. Trạng thái cân bằng đạt được tại tiếp điểm E của đường bàng quan và
đường ngân sách. Các điểm A và B mặc dù thoả mãn ràng buộc ngân sách nhưng chỉ cho lợi ích
nằm trên đường bàng quan U1, thấp hơn U2. Điểm G là điểm không thể đạt được vì người tiêu
dùng không đủ tiền chi mua mọi kết hợp hàng hoá nằm trên đường bàng quan U3. Vậy chỉ có
điểm E là điểm tối ưu, thoả mãn ràng buộc ngân sách và thu được tổng lợi ích lớn nhất. Tại E, độ
dốc đường bàng quan bằng độ dốc đường ngân sách và các biểu thức phản ánh trạng thái cân
bằng của người tiêu dùng là MRSXY=PX/PY và MUx/PX =MUY/PY (biểu thức này được suy ra từ
tính chất thứ 3 của đường bàng quan). Ta có hai kết luận quan trọng sau đây:
- Tại điểm cân bằng tiêu dùng, tỷ lệ thay thế biên của hàng hóa X đối với hàng hóa Y bằng
với tỷ số giữa giá hàng hóa X và giá hàng hóa Y: MRSXY = PX/PY
- Tại điểm cân bằng tiêu dùng, lợi ích cận biên thu được tính trên một đơn vị tiền tệ chi
mua là bằng nhau đối với mọi hàng hóa đựơc mua:
MUX/PX = MUY/PY=…=MUZ/PZ
Hình 9: Trạng thái cân bằng của người tiêu dùng

Y
MRSXY>PX/PY
BL
MRSXY = PX/PY

A
G
E
XE U3
U2
U!
B X

YE MRSXY<PX/PY

d. Mở rộng các khái niệm đường ngân sách và đường bàng quan
Vận dụng các khái niệm vừa đề cập trên đây về đường ngân sách và đường bàng quan và
điểm cân bằng tiêu dùng, chúng ta nghiên cứu xa hơn hai trường hợp khi thu nhập thay đổi và
khi giá cả thay đổi để xem xét các mối quan hệ giữa thu nhập, giá cả với lượng cầu, đồng thời
vận dụng khái niệm ảnh hưởng thay thế và ảnh hưởng thu nhập để giải thích luật cầu.
- Thay đổi thu nhập và đường tiêu dùng - thu nhập (Income- Consumption Curve - ICC):
Hình 10: Thay đổi thu nhập và đường ICC
Y

BL3 Đưòng ICC

BL1 U3

U2
U! BL
X

I ĐườngEngel
I3
I2

I1

X1 X2 X3
Khi thu nhập I thay đổi (giá hai hàng hóa không đổi), ta có đường tiêu dùng- thu nhập
(ICC) là đường phản ánh các điểm cân bằng tiêu dùng của người tiêu dùng. Đường Engel được
xây dựng từ đường ICC phản ánh mối quan hệ giữa thu nhập và lượng hàng hóa được tiêu dùng.
Độ dốc của đường Engelcho biết tính chất của hàng hóa là thông thường hay thứ cấp. Nếu đường
Engel có độ dốc dương tức là hàng hóa thông thường có mối quan hệ cùng chiều giữa thu nhập
và cầu về hàng hóa. Ngược lại nếu đường Engel có độ dốc âm tức là hàng hóa đó là hàng thứ cấp
có mối quan hệ ngược chiều giữa thu nhập và cầu.
- Thay đổi giá cả và đường tiêu ding - giá cả (Price - Consumption Curve - PCC)
Khi giá cả một hàng hóa thay đổi (thu nhập và giá hàng hóa kia không đổi), đường nối các
điểm cân bằng tiêu dùng gọi là đường tiêu dùng - thu nhập (PCC). Đường cầu D được xây dựng
từ đường PCC phản ánh mối quan hệ giữa giá cả và lượng hàng hóa đựơc tiêu dùng (hình 11)
Hiệu ứng thay thế và hiệu ứng thu nhập được dùng để giải thích hình dạng đường cầu
dốc xuống. Giả sử thu nhập I không đổi, giá PY không đổi, giá PX giảm thì người tiêu dùng sẽ
mua hàng hóa X với một lượng nhiều lên. Sự giảm giá PX sẽ gây ra:
+ Sức mua của người tiêu dùng tăng lên (I/PXtăng lên)
+ Độ dốc đường ngân sách giảm đi (PX/PY giảm)
Hình 11: Thay đổi giá cả và đường PCC

Đường PCC
U2
BL2
U1
X
BL1
P

P1

P2 D

X
X1 X2

- Hiệu ứng thay thế (Substitution Effect) và hiệu ứng thu nhập (Income Effect)
Hình 12: Hiệu ứng thay thế và hiệu ứng thu nhập - Hàng hoá thông thường

Y1 E1 E3

Y3
E2 U2
Y2
U1
BL1 BL2 BL3
X
X1 X2 X3

TT
TN

Sự giảm giá ở trên có hiệu ứng thay thế và hiệu ứng thu nhập. Thông thường cả hai hiệu ứng
này xảy ra đồng thời. Hiệu ứng thay thế biểu hiện ở sự thay đổi trong lượng tiêu dùng do sự thay
đổi của giá hàng hoá, với thu nhập thực tế (độ thoả dụng) không đổi, được xác định từ kết hợp
đường bàng quan ban đầu U1 và đường ngân sách BL2 ở hình 12 và 13. Hiệu ứng thu nhập biểu
hiện ở sự thay đổi trong lượng hàng hoá tiêu dùng do sức mua tăng lên gây ra, trong điều kiện
giá tương đối của hàng hoá không đổi, được xác định từ kết hợp đường bàng quan mới U2 lớn
hơn (vì sự thoả mãn lớn hơn) và đường ngân sách BL3 song song với đường ngân sách BL2.
Hình 12 mô tả ảnh hưởng của hiệu ứng thay thế và thu nhập trong trường hợp hàng hoá X là
hàng thông thường và hình 13 mô tả các ảnh hưởng đó trong trường hợp hàng hoá X là hàng thứ
cấp. Nếu hàng hoá X là hàng thông thường, ảnh hưởng thay thế làm điểm cân bằng tiêu dùng
dịch chuyển từ E1 đến E2, tức là lượng hàng hóa được tiêu dùng tăng từ X1 đến X2. Sự tăng lượng
hàng X phản ánh sự thay thế hàng hóa X cho hàng hóa Y vì X rẻ hơn, làm thay đổi giá tương đối
của X và Y nhưng sức mua không đổi. Ảnh hưởng thu nhập làm điểm cân bằng dịch chuyển từ
E2 đến E3, tức là lượng hàng hóa được tiêu dùng tăng từ X2 đến X3. Sự tăng lượng hàng X lần này
phản ánh ảnh hưởng của thu nhập do sức mua tăng lên, trong khi giá tương đối không đổi. Tổng
hai hiệu ứng làm cho lượng hàng hóa tăng từ X1 đến X3. Như vậy, hiệu ứng thay thế và thu nhập
đã giải thích luật cầu là khi giá cả giảm thì lượng hàng hóa được cầu sẽ tăng lên.

Hình 13: Hiệu ứng thay thế và hiệu ứng thu nhập - Hàng hoá thứ cấp

E3
Y3
U2
Y1 E1

E2
U1
Y2
BL1 BL2
BL3
X
X1 X3 X2

TT
TN

Nếu hàng hoá X là hàng thứ cấp, ảnh hưởng thay thế làm điểm cân bằng tiêu dùng dịch
chuyển từ E1 đến E2, tức là lượng hàng hóa được tiêu dùng tăng từ X1 đến X2, và ảnh hưởng thu
nhập cũng làm điểm cân bằng dịch chuyển từ E2 đến E3, nhưng lượng hàng hóa được tiêu dùng
giảm từ X2 đến X3.vì hiệu ứng thu nhập là một số âm. Tuy nhiên hiệu ứng thay thế lớn hơn hiệu
ứng thu nhập nên tổng hai hiệu ứng làm cho lượng hàng hóa tăng từ X1 đến X3. Như vậy, hiệu
ứng thay thế và thu nhập đã giải thích luật cầu là khi giá cả giảm thì lượng hàng hóa được cầu sẽ
tăng lên.

3.2. Tối đa hoá lợi ích theo tiếp cận tổng lợi ích và lợi ích cận biên
Như ta đã biết trong trường hợp tiêu dùng một loại hàng hóa, người tiêu dùng sẽ đạt tới
điểm cân bằng tiêu dùng (cho tổng lợi ích lớn nhất) khi lợi ích cận biên của đơn vị hàng hóa cuối
cùng được mua bằng với giá cả phải trả (MU =P). Trong trường hợp tiêu dùng nhiều loại hàng
hóa, để đạt được tổng lợi ích lớn nhất, người tiêu dùng phải lựa chọn hàng hóa nào có lợi ích cận
biên tính trên một đơn vị tiền tệ chi mua lớn nhất đối với mỗi lần mua thêm (mỗi lần mua thêm
một đơn vị). Quy tắc lựa chọn trong trường hợp này là: Maxi (MU/P). Người tiêu dùng sẽ lựa
chọn lần lượt theo quy tắc trên cho đến khi đạt tới điểm cân bằng tiêu dùng và tiêu hết tiền. Tại
điểm cân bằng tiêu dùng, lợi ích cận biên tính trên một đơn vị tiền tệ chi mua là bằng nhau đối
với mọi hàng hóa tức là:
MUX/PX = MUY/PY =...= MUZ/PZ
Điều cần chú ý ở đây là trong hai cách tiếp cận tối đa hoá lợi ích thì cách thứ nhất (tiếp
cận theo khái niệm đường bàng quan và đường ngân sách) xem chừng có căn cứ khoa học hơn vì
lượng các hàng hoá tối ưu được xác định dựa vào các phương trình đường bàng quan và đường
ngân sách và biểu thức tại điểm cân bằng tiêu dùng mà đã được chứng minh và thừa nhận một
cách có cơ sở khoa học. Cách tiếp cận thứ hai (theo khái niệm tổng lợi ích và lợi ích cận biên)
cũng đi đến kết luận là điểm cân bằng tiêu dùng thì lợi ích cận biên tính trên một đơn vị tiền tệ
chi mua là bằng nhau đối với mọi hàng hoá, tức là MUX/PX = MUY/PY =...=MUZ/PZ. Tuy nhiên,
như ở trên đã đề cập là các khái niệm về lợi ích ở đây chỉ là khái niệm trừu tượng, rất khó lượng
hoá, và phụ thuộc vào mức độ cảm nhận về sự thoả mãn của mỗi người tiêu dùng riêng biệt, cho
nên dường như ít có cơ sở khoa học hơn để tin vào các con số về tổng lợi ích và lợi ích cận biên.

TÓM TẮT CHƯƠNG


Lợi ích (còn gọi là độ thoả dụng) là một khái niệm phản ánh sự hài lòng, thích thú hay
thoả mãn của mỗi người tiêu dùng khi tiêu dùng các hàng hoá, dịch vụ. Lợi ích phụ thuộc vào
mức độ cảm nhận của mỗi người tiêu dùng riêng biệt, nên nó là khái niệm trừu tượng, khó lượng
hoá và không có đơn vị đo. Mọi người tiêu dùng bình thường (người tiêu dùng hợp lý ) đều tiêu
dùng để đạt được lợi ích lớn nhất.
Tổng lợi ích là tổng thể những sự hài lòng, thoả mãn đạt được khi tiêu dùng các hàng hoá,
dịch vụ qua một thời kỳ nhất định.
Lợi ích cận biên là lượng lợi ích tăng thêm qua một thời kỳ nhất định do tiêu dùng thêm
một đơn vị hàng hóa dịch vụ.
Quy luật lợi ích cận biên giảm dần chỉ ra rằng lợi ích cận biên thu được khi tiêu dùng
một hàng hoá, dịch vụ nhất định sẽ có xu hướng giảm dần khi có ngày càng nhiều những đơn vị
của hàng hoá, dịch vụ đó được đưa vào tiêu dùng trong một khoảng thời gian nhất định.
Để lựa chọn được số lượng hàng hoá, hoặc dịch vụ tối ưu (cho một loại hàng hoá, dịch
vụ) nhằm thu được tổng lợi ích lớn nhất, trong điều kiện hạn chế về thu nhập, mỗi người tiêu
dùng sẽ gia tăng việc tiêu dùng hàng hoá cho tới khi lợi ích cận biên của đơn vị hàng hoá cuối
cùng được mua bằng giá cả phải trả (MU =P). Điểm mà tại đó lợi ích cận biên bằng giá cả được
gọi là điểm cân bằng tiêu dùng.
Thặng dư tiêu dùng là tổng các chênh lệch giữa phần lợi ích cận biên thu được và giá
phải trả tại các đơn vị hàng hóa tiêu dùng thêm có lợi ích cận biên lớn hơn giá. Về mặt hình học,
nó là diện tích tam giác nằm dưới đường cầu và trên mức giá, hoặc là hiệu số giữa số tiền mà
người tiêu dùng sẵn sàng trả và số tiền thực tế mà anh ta phải trả cho việc mua hàng hóa.
Có hai phương pháp tiếp cận để lựa chọn sản phẩm tiêu dùng tối ưu trong trường hợp tiêu
dùng nhiều loại hàng hoá là dựa vào khái niệm đường bàng quan, đường ngân sách và dựa trên
khái niệm tổng lợi ích và lợi ích cận biên.
Đường bàng quan là đường phản ánh các tập hợp hàng hoá tiêu dùng đem lại cùng một
lợi ích (hay độ thoả dụng). Đường bàng quan có độ dốc âm và độ dốc giảm dần từ trên xuống vì
tỷ lệ thay thế biên của hàng hoá X đối với hàng hoá Y giảm dần dọc theo đường bàng quan. Mỗi
người tiêu dùng có vô số các đường bàng quan. Các đường bàng quan không cắt nhau và đường
càng xa gốc tọa độ phản ảnh lợi ích thu được càng lớn. Trên một đường bàng quan, tỷ lệ thay thế
biên của hàng hoá X đối với hàng hoá Y bằng tỷ số giữa lợi ích cận biên của hàng hoá X và lợi
ích cận biên của hàng hoá Y.
Đường ngân sách phản ánh các kết hợp hàng hoá mà người tiêu dùng có thể mua được
với ngân sách đã cho. Lượng hàng hoá Y mà người tiêu dùng phải từ bỏ để đổi lấy một đơn vị
tăng thêm của hàng hoá X được xác định bởi tỷ số giữa giá của hàng hoá X với giá của hàng hoá
Y (PX/PY), và được minh hoạ bởi độ dốc của đường ngân sách. Đường ngân sách là đường thẳng
có độ dốc không đổi. Khi thu nhập thay đổi, giá hai hàng hoá giữ nguyên, đường ngân sách dịch
chuyển song song vào phía trong hoặc ra phía ngoài, độ dốc không đổi. Đường nối các điểm cân
bằng tiêu dùng trong trường hợp này được gọi là đường tiêu dùng- thu nhập (ICC). Mặt khác, khi
thu nhập và giá một hàng hoá không đổi, giá hàng hoá kia thay đổi, đường ngân sách sẽ thay đổi
độ dốc. Đường nối các điểm cân bằng tiêu dùng trong trường hợp này được gọi là đường tiêu
dùng- giá cả (PCC).
Tiếp điểm của đường bàng quan cao nhất có thể và đường ngân sách đã xác định là điểm
cân bằng tiêu dùng. Tại điểm cân bằng tiêu dùng, tỷ lệ thay thế biên của hàng hóa X đối với
hàng hóa Y bằng với tỷ số giữa giá hàng hóa X và giá hàng hóa Y. Đồng thời, lợi ích cận biên
thu được tính trên một đơn vị tiền tệ chi mua là bằng nhau đối với mọi hàng hóa được mua.
Khi giá một hàng hoá giảm đi, sức mua của người tiêu dùng tăng lên. Người tiêu dùng sẽ
mua hàng hoá đó với một lượng nhiều lên. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng thu nhập của sự
thay đổi giá. Mặt khác, khi giá hàng hoá tăng lên, hàng hoá trở nên đắt tương đối so với hàng hoá
khác, người tiêu dùng sẽ mua hàng hoá khác thay thế nó, và lượng mua hàng hoá ban đầu giảm
đi. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng thay thế của sự thay đổi giá. Hiệu ứng thay thế và hiệu
ứng thu nhập được dùng để giải thích luật cầu.
Theo tiếp cận tổng lợi ích và lợi ích cận biên để lựa chọn sản phẩm tiêu dùng tối ưu, người
tiêu dùng sẽ lựa chọn theo quy tắc Maxi (MU/P). Tại điểm cân bằng tiêu dùng, nơi mà lợi ích cận
biên tính trên một đơn vị tiền tệ chi mua là bằng nhau đối với mọi hàng hóa, người tiêu dùng
cũng sẽ lựa chọn được lô hàng hoá tối ưu cho tối đa hoá lợi ích.
Trong hai cách tiếp cận tối đa hoá lợi ích trên đây thì cách tiếp cận thứ nhất (dựa vào khái
niệm đường bàng quan và đường ngân sách) được coi là khoa học hơn vì nó dựa trên các phương
trình, biểu thức toán học để xác định lượng các hàng hoá tiêu dùng tối ưu và loại trừ được tính
chủ quan khi gán cho tổng lợi ích và lợi ích cận biên các số lượng nhất định.

DANH MỤC CÁC TỪ KHOÁ (KEY TERMS)

Utility: Lợi ích / độ thoả dụng Budget line: Đường ngân sách
Total Utility: Tổng lợi ích Income Effect: Hiệu ứng thu nhập
Marginal Utility: Lợi ích cận biên Substitution Effect: Hiệu ứng thay thế
Law of Diminishing Marginal Utility: Quy Income - Cosumption Curve: Đường tiêu
luật lợi ích cận biên giảm dần dùng - thu nhập
Consumer Surplus: Thặng dư tiêu dùng Price - Consumption Curve: Đường tiêu
Indifference Curve: Đường bàng quan dùng - giá cả

CÂU HỎI ÔN TẬP


1. Lợi ích cận biên có mối quan hệ như thế nào với tổng lợi ích, viết công thức, cho ví dụ và
vẽ đồ thị minh hoạ.
2. Trình bày nội dung quy luật lợi ích cận biên giảm dần và ý nghĩa trong thực tiễn của nó.
3. Người tiêu dùng đạt tới điểm cân bằng tiêu dùng của mình trong trường hợp mua một loại
hàng hoá như thế nào?
4. Tại sao nói đường cầu chính là đường lợi ích cận biên?
5. Dùng phương pháp tiếp cận đường bàng quan và đường ngân sách để giải thích tại sao tại
điểm cân bằng tiêu dùng, lợi ích cận biên tính trên một đơn vị tiền tệ chi mua lại bằng
nhau đối với mọi hàng hoá.
6. Ảnh hưởng thay thế và ảnh hưởng thu nhập được sử dụng để giải thích luật cầu như thế
nào?

CÂU HỎI LỰA CHỌN


1. Nếu tổng độ thỏa dụng của một người tiêu dùng tăng những lượng ngày càng nhỏ khi nhiều
đơn vị của một hàng hóa hơn được tiêu dùng, thì độ thỏa dụng cận biên sẽ:
a. Giảm và là một lượng âm
b. Giảm và là một lượng dương
c. Bằng không
d. Tăng và là một lượng âm
e. Tăng và là một lượng dương
2. Khi sử dụng phương pháp tiếp cận độ thỏa dụng cận biên đối với hành vi của người tiêu dùng,
điều nào trong các mệnh đề dưới đây là đúng đối với một người tiêu dùng ở trạng thái cân bằng:
a. Các độ thỏa dụng cận biên của những đơn vị tiền tệ cuối cùng được chi tiêu cho tất cả các
hàng hóa và dịch vụ sẽ bằng nhau.
b. Tổng độ thỏa dụng là như nhau đối với mỗi hàng hóa và dịch vụ đựơc tiêu dùng
c. MUa=MUb=...=MUn
d. Tổng độ thỏa dụng đối với hàng hóa hoặc dịch vụ cuối cùng đựơc mua là bằng không
e. Tổng độ thỏa dụng đang giảm dần với một tỷ lệ tăng dần
3. Cho biết MU x /Px > MU y/Py. Trong đó X và Y là hai hàng hóa; Px và Py là giá cả của hai
hàng hóa. Nếu một người tiêu dùng muốn đạt sự thỏa mãn tối đa thì anh ta sẽ:
a. Sử dụng hàng hóa Y thay thế hàng hóa X
b. Sử dụng hàng hóa X thay thế hàng hóa Y
c. Không sử dụng thay thế giữa hàng hóa X và Y
d. Sử dụng cả hai hàng hóa X và Y
e. Không điều nào ở trên
4. Tại điểm cân bằng tiêu dùng, tỷ lệ của lợi ích cận biên đối với giá của hàng hóa thiết yếu so
với giá của hàng hóa cao cấp có xu hướng:
a. Tăng khi giá của hàng hóa thiết yếu tăng
b. Giảm khi giá hàng hóa cao cấp giảm
c. Tăng khi thu nhập giảm
d. Giảm khi thu nhập giảm
e. Không đổi mặc dù giá và thu nhập có thể thay đổi
5. Độ dốc của đường ngân sách của người tiêu dùng sẽ:
a. Tăng khi thu nhập của người tiêu dùng tăng
b. Tăng khi giá cả của tất cả các hàng hóa đựơc người tiêu dùng mua tăng lên gấp đôi
c. Giảm về phía trái của điểm giữa của đường ngân sách và tăng về phía phải của điểm giữa
của đường ngân sách
d. Không đổi chừng nào giá của các hàng hóa không đổi
e. Không đổi chừng nào thu nhập của người tiêu dùng tăng theo tỷ lệ lớn hơn giá của một
trong các hàng hóa đựơc mua tăng
6. Một sự tăng giá của hàng hóa Y sẽ làm cho đường ngân sách của người tiêu dùng:
a. Xoay ra phía ngoài trục Y
b. Dịch chuyển song song về phía phải
c. Xoay ra phía ngoài trục X
d. Xoay về phía trong trục Y
7. Dọc theo một đương bàng quan, mệnh đề nào sau đây là sai:
a. Độ thỏa dụng không đổi
b. Độ dốc đo sự sẵn sàng của một cá nhân từ bỏ hàng hóa Y để đổi lấy hàng hóa X ở mức
thỏa dụng không đổi
c. Độ dốc bằng - MU x/MU y
d. Độ dốc luôn không đổi với bất kỳ tổ hợp hàng hóa nào trên đường cong
8. Khi giá của hàng hóa A, B và C bằng nhau, yếu tố nào sau đây làm cho người tiêu dùng tối đa
hóa lợi ích:
a. Chia ngân sách bằng nhau đối với 3 hàng hóa trên
b. Mua số lượng mỗi hàng hóa để tổng lợi ích của chúng bằng nhau
c. Mua các hàng hóa đó với một lượng cần thiết để lợi ích cận biên của chúng bằng nhau

BÀI TẬP

1. Bảng sau đây biểu diễn sự biến thiên của tổng lợi ích mà một người tiêu dùng đạt được
tương ứng với số lượng trứng vịt lộn ăn trong một ngày. Giả sử rằng giá một quả trứng là
2 nghìn đồng. Hãy dự đoán xem người tiêu dùng đó sẽ ăn bao nhiêu quả và xác định
thặng dư tiêu dùng anh ta đạt được. Nếu giá một quả trứng giảm xuống còn 1 nghìn đồng
thì quyết định lựa chọn của người tiêu dùng và thặng dư tiêu dùng sẽ thay đổi như thế
nào?

Số trứng được tiêu Tổng lợi ích


dùng (trong một ngày) (nghìn đồng)
(quả)
1 5
2 8
3 10
4 11
2. Giả sử một người tiêu dùng có thu nhập là I= 60 nghìn đồng dùng để mua hai hàng
hóa X và Y với giá tương ứng Px = 3 nghìn đồng, Py= 1 nghìn đồng. Cho biết hàm lợi ích
là: U= X*Y
a. Viết phương trình đường ngân sách (BL)
b. Tính MUX, MUY và tỷ lệ thay thế cận biên giữa hai hàng hóa X và Y (MRSX,Y)
c. Xác định lượng hàng hóa X và Y mà người tiêu dùng mua để tối đa hóa lợi ích
d. Giả sử giá hai hàng hóa không thay đổi, thu nhập tăng lên 90 nghìn đồng. Hãy xác
định điểm tiêu dùng tối ưu mới.
e. Cũng hỏi như câu 4 nhưng với điều kiện I, PX không thay đổi, còn giá hàng hóa Y
tăng lên PY= 3 nghìn đồng.
2. Giả sử một người tiêu dùng sử dụng hết số thu nhập của mình I= 90 000 đồng để mua hai
hàng hóa là X1 và X2 với giá tương ứng là P1= 10.000 đồng và P2= 20.000 đồng . Tổng
lợi ích của việc tiêu dùng hai hàng hóa cho ở bảng sau:

X1 TU1 X2 TU2
1 15 1 40
2 25 2 70
3 35 3 90
4 40 4 105
5 43 5 109

a. Tính lượng hàng X1 và X2 mà người tiêu dùng đó sẽ mua để thu được tổng lợi ích tối đa
b. Nếu thu nhập của người tiêu dùng đó tăng lên là I’= 120.000 đồng (giả thiết các yếu tố
khác không đổi) thì quyết định lựa chọn tiêu dùng tối ưu của ông ta sẽ thay đổi như thế
nào?
c. Cũng hỏi như câu b, nhưng biết giá cả của cả hai hàng hóa tăng gấp đôi và thu nhập của
người tiêu dùng là 180.000 đồng
------------------------
ĐÁP ÁN CÂU HỎI LỰA CHỌN
1. B 3.B 5.E 7.D
2.A 4. 6.D 8.C
TÌNH HUỐNG
LỰA CHỌN GIỮA KIẾM TIỀN HAY NGHỈ NGƠI ?

“ Lương cao vài chục triệu một tháng sẽ có ý nghĩa gì nếu không có thời gian để hưởng
thụ mức lương cao đó ?”.
Đó là điều mà luật sư Hằng, một luật sư 33 tuổi, chưa xây dựng gia đình, tự hỏi bản thân
trước khi chị quyết định từ bỏ nghề luật sư, một nghề nghiệp được coi là “hái ra tiền” nhưng
cũng vô cùng căng thẳng và bận rộn đã gắn bó với chị suốt hơn 10 năm nay, để đổi lấy những
giờ phút nghỉ ngơi thanh thản và nhàn rỗi. Sau khi nghỉ công việc luật sư, chị đã đi du lịch sang
Úc, và ở đó chị đã học được nghề làm phomát dê.
“ Cuộc sống trước đây của tôi là ở văn phòng luật sư, tôi chỉ có vài giờ ở nhà để ngủ và
sau đó lại tới văn phòng” - Chị nói - “Lao vào dòng chảy công việc bộn bề, tôi dường như bị
chúng cuốn đi’’ và công việc bận rộn đã khiến tôi quên cả bạn bè, gia đình, người thân. Bạn bè
tôi không gọi điện cho tôi nữa bởi vì mỗi khi họ gọi đến, tôi luôn phải nói lời xin lỗi vì tôi đang
bận. Và tôi đã tự hỏi bản thân rằng: “liệu mình có nên thay đổi công việc từ bây giờ hay không?
hay cứ tiếp tục cuộc sống như cũ để rồi sẽ trở thành một bà lão ở tuổi 50 vẫn làm bạn với những
đống hồ sơ, giấy tờ dày cộp ở văn phòng?”. Hằng đã hy vọng tháng 9 này, chị sẽ tìm được một
công việc mới thích hợp hơn. Công việc mới này không đòi hỏi thời gian làm việc quá dài trong
một ngày, tuy mức lương không đáng là bao so với thu nhập chị có được bằng nghề luật sư.
Nhưng bây giờ mức lương cao hay thấp không phải là điều quan tâm số một của Hằng.
Khi nền kinh tế phát triển, cuộc sống trở nên sôi động hơn và thu nhập mà mọi người
kiếm được sẽ tăng lên. Nhiều người đã cảm thấy thoả mãn và hài lòng hơn với cuộc sống mới
của họ. Họ đã quan niệm rằng tiền kiếm được nhiều hơn không đồng nghĩa với sự thoả mãn hơn
trong cuộc sống nếu mọi người không dành nhiều thời gian hơn cho việc tiêu tiền. Nhưng có một
thực tế là đa số các nhà quản lý, các chuyên gia, các giáo sư ngày nay không tận hưởng hết
những giá trị mà họ có được từ việc kiếm nhiều tiền. Họ đã thừa nhận rằng mặc dù kiếm được rất
nhiều tiền, và rất thành công trong sự nghiệp, nhưng họ vẫn không hạnh phúc trọn vẹn. Rất ít
người có được quyết định như luật sư Hằng, một quyết định đánh đổi tiền lấy thời gian dành cho
bạn bè, gia đình, và giải trí.
Hằng nói: “thời gian rỗi, chứ không phải tiền, đang bắt đầu trở thành biểu tượng cho cuộc
sống hiện đại của thế kỷ 21”.

Câu hỏi thảo luận


1. Tại sao luật sư Hằng lại nói “thời gian rỗi, chứ không phải tiền, đang bắt đầu trở
thành biểu tượng cho cuộc sống hiện đại của thế kỷ 21” ?
2. Sử dụng hiệu ứng thay thế và hiệu ứng thu nhập của sự tăng lương để giải thích quyết
định lựa chọn phân bổ thời gian hợp lý giữa làm việc và nghỉ ngơi.
(Gợi ý: sử dụng đồ thị đường bàng quan và đường ngân sách, trong đó gán nhãn cho
trục hoành là thời gian nghỉ ngơi và trục tung là giá trị hàng hoá dịch vụ để minh hoạ)

You might also like