You are on page 1of 3

CHIỀU TỐI CHẤT TÌNH CHẤT THÉP

"Vần thơ của Bác, vần thơ thép


Mà vẫn mênh mang bát ngát tình".
Đó là lời nhận định của nhà thơ Hoàng Trung Thông dành cho Bác. Sô-lô-khốp cũng từng
nhận định: “Đối với con người, sự thực đôi khi nghiệt ngã, nhưng bao giờ cũng dũng cảm củng
cố trong lòng người đọc niềm tin ở tương lai. Tôi mong muốn những tác phẩm của tôi sẽ làm
cho con người tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, thức tỉnh tình yêu đối với con người và khát
vọng tích cực đấu tranh cho lí tưởng nhân đạo và tiến bộ của loài người”. Dân tộc ta cũng có
Bác, người đã trải qua nhiều khổ cực, nghiệt ngã trên hàng trình tìm lại tự do cho Tổ quốc.  Tuy
nhiên, trong hoàn cảnh ấy, ở Bác vẫn ánh lên một tinh thần lạc quan, một niềm tin vào một
ngày mai tươi sáng. Bài thơ "Chiều tối" đã thể hiện được phần nào ý chí sắt đá ấy của Người.
Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình Nho học, quê làng Kiêm Liên, Nam Đàn, Nghệ
An. Là tác giả của “tuyên ngôn độc lập”, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Thơ Bác vừa đậm đà màu sắc cổ điển vừa hài hoà tinh thần thời đại. “Chiều tối” là bài thơ thứ
31/134 bài thơ trích từ tập “Ngục trung nhật kí”, được gợi cảm hứng trên đường chuyển lao
của Bác khi bị Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ. Bài thơ chỉ đơn giản là tả lại cảnh nơi thôn dã
vào một buổi chiều tối, nhưng đã cho ta thấy hình ảnh một người chiến sĩ cách mạng với tinh
thần thép nhưng vẫn rất lãng mạn, rất tình.
Trước hết cần hiểu hai khái niệm trên nghĩa là gì. Chất thép là ý chí kiên cường, bất
khuất, sự tự tin và niềm kiêu hãnh, luôn lạc quan tin tưởng vào mục tiêu của người chiến sĩ
cách mạng. Còn chất tình là những cảm xúc, tình cảm, rung động của một “đại nhân” trước cái
đẹp của tạo vật, của tình người. Hai khái niệm này có vẻ mâu thuẫn nhưng lại được thể hiện
hài hòa, đan xen vào nhau trong từng câu, từng chữ của bài.
Ở trong hai câu đầu tiên, nghiêng nhiều hơn về chất tình với phong cảnh thiên nhiên lúc
chiều tà trong con mắt người chiến sĩ - thi sĩ sau một ngày giải lao đầy mệt mỏi:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
Bức tranh thiên nhiên hiện lên vương chút buồn thi vị. Khác với cánh chim bay về chốn
vô tận, vô cùng trong thơ của Lý Bạch hay Nguyễn Du, cánh chim trong thơ Hồ Chí Minh là
cánh chim đang tìm về với sự sống thường ngày, do vậy mà nó có hồn và nhuốm màu tâm
trạng hơn. Cánh chim trời sau ngày dài đập cánh, bay đi kiếm ăn cũng mỏi mệt nhưng vẫn cố
gắng vươn mình trở về nơi rừng sâu tìm chốn nghỉ ngơi. Cánh chim bay trong buổi hoàng hôn
còn gợi lên sự nhỏ bé giữa một không gian rộng lớn của cả cánh rừng.
Một đám mây trôi giữa bầu trời lặng lẽ như chính sự cô đơn, lẻ loi của Bác giữa không
gian mênh mang. “Chòm mây” trôi nhẹ nhàng như tâm hồn ung dung tự tại, bị giải tù mà như
đang thưởng ngoạn cảnh trời chiều và thả tâm hồn thi sĩ chứ không còn là cảnh tù đày mệt
mỏi nữa. Dù cho cánh chim hay chòm mây được tụ do còn người tù thì đang mất tự do. Đó
chính là tình yêu thiên nhiên và tinh thần thép vĩ đại của người tù – thi sĩ Hồ Chí Minh.
Chỉ hai câu thơ đơn giản với giọng thơ đằm thắm, tha thiết đã chứa đựng nỗi lòng của
người chiến sĩ cách mạng, đó là nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương, được khao khát bay nhảy tự
do, sải cánh như chim trời, được nhẹ nhàng như áng mây kia. Bức tranh thiên nhiên ở đây
không chỉ dừng lại ở miêu tả bề ngoài mà nó còn là bề sâu, là cảm xúc của người tù đối với
thiên nhiên. Bác có trong mình tình yêu thiên nhiên nồng đượm dù trong hoàn cảnh khắc
nghiệt. Trong hoàn cảnh hết sức khổ sở của tù đày, có đi bộ đến năm mươi ba cây số một ngày
mà Bác vẫn trọn tình với thiên nhiên, điều này thể hiện cả chất tình và chất thép nhưng dù thế
nào thì niềm rung cảm của bác trước thiên nhiên và cuộc sống là điều không thể chối cãi,
Người còn luôn hướng về sự sống, ánh sáng và niềm tin, hướng về cuộc sống dân dã. Thiên
nhiên có chút buồn, cuộc sống có vất vả nhưng vẫn đẹp, vẫn ấm nồng niềm tin vì tình yêu cuộc
sống, tình yêu con người của Bác.
Nổi bật lên trên không gian chiều tối, sâu lắng, tĩnh lặng là bức tranh cuộc sống con
người thể hiện chất thép thâm thúy và đậm nét hơn bao giờ hết:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)
Trong hai câu thơ tiếp theo Bác đã hướng ánh nhìn vào khung cảnh cuộc sống của người
dân vùng sơn cước. Hình ảnh cô gái xay ngô là một hình đẹp và ẩn chứa nhiều ý vị, khi con
người trong lao động trở thành trung tâm của bài thơ. Không giống như con người mờ nhạt
trong “Lom khom dưới núi tiều vài chú” hay “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”, hình ảnh người
thiếu nữ xay ngô không chỉ gợi ra những nhịp vận động đầy khỏe khoắn, trẻ trung mà còn khắc
họa hình ảnh đời thường giản dị, ấm áp thể hiện niềm vui tự do lao động.
Khi cô gái vừa kết thúc công việc xay ngô thì lò than cũng đã “rực hồng”, đánh dấu sự
chuyển đổi từ chiều tối sang tối hẳn. “Hồng” đã trở thành nhãn tự, là điểm bừng sáng của bài
thơ. Thông thường, bài thơ sẽ kết thúc bằng cảnh tượng màn đêm đen kịt bao phủ khắp núi
rừng, để lại nỗi cô đơn, che phủ con người. Nhưng ở đây, đó lại là điểm hội tụ kết tinh ánh
sáng, toả hơi ấm toàn bài thơ, làm dịu nỗi cô đơn của người tù. Bộc lộ cho một tâm hồn lạc
quan, quên cảnh ngộ trước mắt, đồng cảm với người dân lao động và cảm nhận sâu sắc về
hạnh phúc đơn sơ. Đó cũng chính vẻ đẹp tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hình ảnh cô gái, màu hồng của ánh lửa chính là niềm tin, là việc sắt đá trong tư tưởng
của người chiến sĩ. Đây chính là tinh thần thép trong bài thơ. Cô gái hăng say xay ngô tối chính
là sự hăng say hoạt động cách mạng, ánh lửa hồng chính là niềm tin lý tưởng, ánh sáng cách
mạng. Nó luôn rực cháy và càng trong đêm tối càng sáng rực lên.
Để thấy được chất thép trong tác phẩm này, đầu tiên ta cần phải hiểu nội hàm của chất
thép. Trong bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên Gia Thi”, Người có viết:
"Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong"
Chất thép ở đây là sự cứng cỏi, là phong thái ung dung, tự tại trong hoàn cảnh bị áp giải,
là niềm lạc quan trong cảnh ngộ “tê tái gông cùm”, là nghị lực phi thường, ý chí chiến đấu và
tinh thần lạc quan cách mạng của Hồ Chí Minh vượt lên trên cảnh tù tội oan ức. Sự rắn rỏi ấy
còn được tô đậm qua giọng thơ mạnh mẽ, khoẻ khoắn, hừng hực khí thế. Chất thép chuyển
hóa linh hoạt thành hình tượng thơ, thành tình cảm thơ vì thơ là sự kết hợp hài hòa giữa tình
cảm, hình ảnh và lý trí.
“Chiều tối” không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn cả về nghệ thuật. Đó là ngôn ngữ hàm
súc, hình ảnh giàu sức liên tưởng, có sự kết hợp hài hoà giữa cổ điển và hiện đại. Biện pháp
điệp ngữ, bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình cũng đã góp phần hoạ nên bức tranh chiều
tuyệt đẹp nhưng không mang sắc thái buồn như thơ xưa mà lại toát lên sức sống chủ động của
con người. Từ đó, tạo nên Một phong cách thơ đẹp mang nét riêng của Bác: sự hài hòa của lí
tưởng, cái tuyệt đẹp giữa thép và tình, giữa chiến sĩ và thi sĩ như một điều vốn dĩ.
Tóm lại, chất tình nhờ chất thép mà thêm nồng hậu, chất thép cũng nhờ chất tình mà
được nâng lên. Ở “Chiều tối”, bên cạnh vẻ đẹp của tinh thần lạc quan, yêu đời, sống hòa hợp
với thiên nhiên, ta còn thấy được vẻ đẹp tấm lòng của vị lãnh tụ vĩ đại khi luôn hướng về cuộc
sống của nhân dân lao động, trái tim ấm áp luôn có chất thép ngầm mạnh mẽ, vững vàng và
tuyệt đối kiên trung với lý tưởng cách mạng sáng ngời. Trở thành động lực to lớn cho người
chiến sĩ bước tiếp con đường giải phóng dân tộc nhiều vẻ vang, nhưng cũng lắm gian lao sau
này. Xin được mượn bốn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu thay cho lời kết:
“Lại thương nỗi đọa đày thân Bác
Mười bốn trăng tê tái gông cùm
Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc
Mà thơ bay cánh hạc ung dung”
(Theo chân Bác)

You might also like