You are on page 1of 4

1

CƠ HOÀNH
Mục tiêu bài giảng
1. Mô tả được cấu tạo của cơ hoành.
2. Mô tả các lỗ cơ hoành.
3. Nêu được đối chiếu cơ hoành lên thành ngực, thành bụng.

I. Đại cương
Cơ hoành là một vân cơ dẹt, rộng, làm thành một vách gân – cơ ngăn giữa lồng ngực và ổ
bụng.
Cơ hoành tạo hình vòm nằm ngang, mặt lõm hướng về phía bụng. Do tim đè lên phần giữa cơ
hoành nên cơ hoành chia thành hai vòm hoành phải và trái.
Cơ gồm hai phần: xung quanh là phần cơ, ở giữa là phần gân và được xem là nơi bám tận của
phần cơ. Vì thế có thể xem cơ hoành do nhiều cơ hai bụng họp lại, mà phần gân trung gian
(của các cơ hai bụng) bắt chéo và xen dính vào nhau tạo nên phần gân.
Cơ hoành có nhiều lỗ để cho thực quản và các mạch máu thần kinh đi qua.
II. Nguyên ủy
Cơ hoành bám vào lỗ dưới lồng ngực bởi ba phần:
1. Phần ức
Bám vào mặt sau mỏm mũi kiếm xương ức bằng một hoặc hai bó nhỏ, ngắn.

Hình 1: Cơ hoành (nhìn từ trên)


1. ĐM chủ ngực 2. Thực quản 3. Gân trung tâm 4. Lỗ TM chủ

2. Phần sườn
2

Bám vào mặt trong của 6 sụn sườn và xương sườn cuối bởi các trẽ cơ. Hai trẽ đầu bám vào
phần sụn của xương sườn VII và VIII. Trẽ thứ ba bám vào cả phần sụn và phần xương của
xương sườn IX. Ba trẽ cuối bám vào phần xương của các xương sườn X, XI và XII.
3. Phần thắt lưng
Bám vào cột sống thắt lưng bằng các trụ và dây chằng:
- Trụ phải: là một bản gân dẹt, rộng và dài hơn trụ trái, bám vào mặt trước thân và đĩa gian
đốt sống của 3 (hoặc 4) đốt sống thắt lưng trên (L1, L2 và L3).
- Trụ trái: cũng là một gân mảnh, bám ở vị trí tương tự như trụ phải nhưng thường cao hơn
một đốt sống (thân và đĩa gian đốt sống L1 và L2). Dải sợi ở bờ trong hai trụ phải và trái gặp
nhau, tạo nên cung gân gọi là dây chằng cung giữa viền quanh mép trước của lỗ ĐM chủ.
- Dây chằng cung trong: chạy từ thân đốt sống thắt lưng I và II, vòng trước cơ thắt lưng đến
mỏm ngang của đốt sống thắt lưng I (thỉnh thoảng L2). Thực chất, dây chằng cung trong là do
mạc cơ thắt lưng, chỗ cơ hoành đi qua dày lên.
- Dây chằng cung ngoài: cũng là một cung sợi chạy từ mỏm ngang đốt sống thắt lưng I (hoặc
II) như một nhịp cầu tiếp nối của dây chằng cung trong đến xương sườn XII, đi trước cơ
vuông thắt lưng. Dây chằng cung ngoài này cũng chính do mạc cơ vuông thắt lưng dày lên tạo
nên.

Hình 2: Các cột trụ và dây chằng của cơ hoành.


1. Phần ức 2. Lỗ tĩnh mạch chủ 3. Dây chằng cung giữa 4. Dây chằng cung trong
5. Dây chằng cung ngoài 6. Gân trung tâm 7. Lỗ thực quản 8. Lỗ động mạch chủ
9. Trụ trái 10. Trụ phải 11. Cơ thắt lưng 12. Cơ vuông thắt lưng
3

III. Cấu trúc và bám tận


Từ nguyên ủy, các thớ cơ chạy hướng lên trên rồi vòng ngang thành vòm và hội tụ về một tấm
gân ở giữa gọi là gân trung tâm. Gân trung tâm được xem như là nơi bám tận của cơ hoành
độc lập
1. Phần cơ
+ Giữa phần ức và phần sườn có một khe hẹp gọi là khe ức sườn hay tam giác ức sườn, có bó
mạch thượng vị trên đi qua để xuống thành bụng. Đây cũng là một điểm yếu có thể xảy ra
thoát vị.
+ Các sợi cơ xuất phát từ dây chằng cung ngoài đôi khi không có và để hở một khoảng hình
tam giác, gọi là tam giác thắt lưng - sườn. Tam giác này thường có ở bên trái hơn là bên phải,
và chỉ có mô liên kết che phủ, nên màng phổi và đáy phổi ở trên gần như liên quan trực tiếp
với tuyến thượng thận và thận ở dưới.
2. Phần gân
Gân trung tâm của cơ hoành có hình ba lá: lá trước, lá phải và lá trái. Lá trước thường lệch
trái, rộng bề ngang và nằm ngay phía sau xương ức. Hai lá phải và trái thì dài và hơi chếch ra
sau. Tim và màng tim nằm đè lên trung tâm gân này, làm cho vòm hoành bị lõm xuống ở giữa
và tạo nên hai vòm hoành phải và trái: vòm hoành phải thường cao hơn vòm hoành trái.
IV. Các lỗ và khe của cơ hoành
1. Lỗ tĩnh mạch chủ
Nằm ở trung tâm gân, giữa lá phải và lá trước. Lỗ tĩnh mạch chủ không co giãn được. Tĩnh
mạch chủ dính chặt vào chu vi của lỗ.
Đi qua lỗ có TM chủ dưới từ bụng lên ngực để đổ về tâm nhĩ phải. Đôi khi, thần kinh hoành
phải cũng qua lỗ này, đi ở phía trước ngoài TM chủ dưới.
2 Lỗ động mạch chủ
Nằm ngay trước cột sống, ngang mức đốt sống ngực XII (T12). Lỗ do trụ trái và trụ phải giới
hạn nên. Bờ trong của hai trụ có dây chằng cung giữa cũng được tạo thành bằng các sợi xơ
nên không co giãn và vì thế, tương tự như lỗ TM chủ, khi cơ hoành co lỗ không bị hẹp và
không đè ép vào mạch máu. Đi qua lỗ có ĐM chủ xuống và ống ngực nằm ở sau ĐM. Đôi khi
có nhánh của TM đơn bên phải hoặc nhánh của TM bán đơn bên trái, và cả dây thần kinh tạng
cũng đi qua lỗ này.
3. Lỗ thực quản
Lỗ ở phần cơ, nằm phía trước lỗ ĐM chủ, do các sợi cơ xuất phát từ hai cột trụ phải và trái bắt
chéo nhau tạo nên. Lỗ thực quản hơi lệch sang bên trái cột sống và ngang mức đốt sống ngực
X. Qua lỗ có:
- Thực quản.
- Hai thân TK lang thang: thân TK lang thang phải ở sau thực quản và thân TK lang thang trái
ở trước thực quản.
- Các nhánh nối của ĐM hoành trên và dưới.
- Các nhánh nối giữa hệ TM chủ và hệ TM cửa.
4. Các khe của cơ hoành
Mỗi trụ phải và trái còn thường tách ra thành ba phần nhỏ bởi hai khe dọc.
4

- Qua khe phía trong có dây TK tạng lớn và bé.


- Qua khe phía ngoài có chuỗi hạch giao cảm và TM đơn (bên phải) hoặc TM bán đơn (bên
trái).
V. Đối chiếu cơ hoành lên thành ngực
+ Vị trí của vòm hoành thay đổi theo sự hô hấp và tư thế.
+ Ở tư thế đứng và cuối kỳ thở ra bình thường, vòm hoành phải tương ứng ở trước với khoảng
gian sườn 4 và ở sau với khoảng gian sườn 9, vòm hoành trái thường thấp hơn một khoảng
gian sườn: ở trước tương ứng với khoảng gian sườn 5, còn ở sau với khảng gian sườn 10.
Trung tâm hoành ở ngang mức với bờ trên mõm mũi kiếm xương ức.
VI. Mạch máu và thần kinh
1. Mạch máu
Cơ hoành được cấp máu chủ yếu từ:
+ ĐM hoành trên hay là ĐM cơ hoành, là một trong hai nhánh tận của ĐM ngực trong.
+ ĐM hoành dưới: thường xuất phát từ ĐM chủ bụng, ở ngay dưới cơ hoành.
+ Các nhánh xuất phát từ trung thất sau.
2. Thần kinh
Cơ hoành được vận động chính bởi dây TK hoành và một phần bởi 6 dây TK gian sườn cuối.
- Thần kinh hoành xuất phát từ nhánh trước C3, C4, C5, chạy từ cổ qua ngực xuống cơ hoành.
Có hai dây TK hoành: một phải và một trái. Một nửa cơ hoành được chi phối bởi dây TK
hoành tương ứng.
- Dây TK hoành phải đến cơ hoành và chọc qua cơ ở trước ngoài lỗ TM chủ, hoặc chui qua lỗ
này, rồi chia nhánh vận động cơ hoành từ mặt dưới cơ.
- Dây TK hoành trái đến cơ và chọc qua cơ ở sau đỉnh tim và cũng phân nhánh tương tự TK
hoành phải.
Ngoài các sợi vận động để vận động cơ hoành là chính, thần kinh hoành còn mang theo các
sợi cảm giác và giao cảm. Các sợi giao cảm giữ vai trò vận mạch, còn các sợi cảm giác thu
nhận cảm giác căng cơ hoành, cảm giác đau từ phúc mạc hoành, màng phổi hoành, màng phổi
trung thất và màng ngoài tim.
VII. Động tác của cơ hoành
Khi cơ hoành co thì vòm hoành hạ xuống nên:
+ Lồng ngực giãn, áp lực trong lồng ngực giảm, không khí được hít vào; do đó cơ hoành đóng
vai trò chính trong sự hô hấp, nhất là khi hô hấp bình thường (không gắng sức).
+ Đè ép vào gan, tăng áp lực trong ổ bụng, có tác dụng đẩy máu từ các TM trong gan, trong ổ
bụng về tim được dễ dàng.
+ Cùng các cơ thành bụng co, làm tăng áp lực khi rặn, đại tiện, sinh đẻ ... Khi cơ hoành co
thắt đột ngột, không đồng bộ.... thì gây nôn, nấc.
+ Các sợi bao quanh lỗ thực quản còn có vai trò như một cơ thắt thực quản...

You might also like