You are on page 1of 15

Cấu thành tội giết người vụ án thực tiển

1. Khái niệm

Giết người được hiểu là hành vi làm chết người khác một cách cố ý và trái pháp luật.

2. Các yếu tố cấu thành tội giết người.

2.1. Mặt khách quan.

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau đây:

Có hành vi làm chết người khác. Được thể hiện qua hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm làm người
khác chấm dứt cuộc sống.

Tuy nhiên cần phân biệt:

- Nếu đối tượng bị chết là con mới đẻ trong 07 ngày tuổi thì không cấu thành tội này mà cấu
thành tội giết con mới đẻ.

- Nếu làm chết chính bản thân mình thì bị coi là tự tử hoặc tự sát chứ không cấu thành tội này.

Nếu vì vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà làm chết người khác thì cấu thành tội giết
người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Hành vi làm chết người được thực hiện thông qua các hình thức sau:

+ Hành động: Thể hiện qua việc người phạm tội đã chủ động thực hiện các hành vi mà pháp luật
không cho phép như: dùng dao đâm, dùng súng bắn, dùng cây (khúc gỗ) đánh... nhằm giết người
khác.

+ Không hành động: Thể hiện qua việc người phạm tội đã không thực hiện nghĩa vụ phải làm
(phải hành động) để đảm bảo sự an toàn tính mạng của người khác... nhằm giết người khác.
Thông thường tội phạm được thực hiện trong trường hợp (bằng cách) lợi dụng nghề nghiệp.

Ví dụ: Để trả thù người có thai đến thời kỳ sinh nở, không thể sinh bình thường cần phải mổ, bác
sĩ phụ sản trực tiếp xử lý ca mổ đã cố ý trì hoãn không cho mổ với mục đích giết hại người đó
dẫn đến người đó chết.

Có hoặc không có sử dụng vũ khí, hung khí khác, cụ thể là:

+ Không sử dụng vũ khí hoặc hung khí: Trường hợp này người phạm tội chủ yếu sử dụng sức
mạnh cơ thể của mình tác động lên cơ thể của nạn nhân hoặc đẩy nạn nhân vào điều kiện không
thể sống được như đấm, đá, bóp cổ... hoặc dùng các thủ đoạn khác như đẩy xuống sông...
+ Có sử dụng vũ khí, hung khí hoặc các tác nhân gây chết người khác. Trường hợp này người
phạm tội có sử dụng các công cụ phạm tội như: Súng, lựu đạn, bom, mìn, dao, búa, gậy gộc...
hoặc các tác nhân gây chết người khác như thuốc độc, điện...

Hành vi giết người được thể hiện dưới hình thức dùng vũ lực hoặc không dùng vũ lực, cụ thể là:

+ Dùng vũ lực: Được hiểu là trường hợp người phạm tội đã sử dụng sức mạnh vật chất (có hoặc
không có công cụ, phương tiện phạm tội) tác động lên thân thể nạn nhân.

Việc dùng vũ lực có thể có thể được thể hiện bằng các hình thức sau:

Thực hiện trực tiếp như dùng tay, chân để đấm đá, bóp cổ...

Thực hiện gián tiếp thông qua phương tiện vật chất (có công cụ, phương tiện phạm tội) như:
Dùng dao để đâm, chém, dùng súng bắn...

+ Không dùng vũ lực: Nghĩa là dùng các thủ đoạn khác mà không sử dụng sức mạnh vật chất: để
tác động lên cơ thể nạn nhân như: Dùng thuốc độc để đầu độc nạn nhân, gài bẫy điện để nạm
nhân vướng vào...

b) Về hậu quả. Các hành, vi nêu trên thông thường gây hậu quả trực tiếp là làm người khác chết
(tức là chấm dứt sự sống của người khác). Tuy nhiên chỉ cần hành vi mà người phạm tội đã thực
hiện có mục đích nhằm làm chấm dứt sự sống của người khác (hay nhằm làm cho người khác
chết) thì được coi là cấu thành tội giết người cho dù hậu quả chết người có xảy ra hay không.

Ví dụ: Để giết B, A đã sử dụng súng bắn B, tuy nhiên do đạn lép, A không giết được B.

Trường hợp này hậu quả (làm chết B) chưa xảy ra nhưng A vẫn phạm tội giết người nhưng thuộc
trường hợp phạm tội chưa đạt.

Tuy nhiên một số trường hợp việc dùng vũ lực không gây ra hậu quả trực tiếp làm nạn nhận chết
mà chỉ có tác dụng đẩy nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và tử vong (như xô nạn
nhân xuống sông và bỏ mặc cho đến chết hoặc đạp nạn nhân ra đường đang có nhiều xe ô tô
chạy dẫn đến bị xe cán chết...) theo chúng tôi vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết
người nếu chứng minh được người thực hiện hành vi đó có mục đích giết người. Đây có thể xem
là hậu quả gián tiếp.

Lưu ý: Người chuẩn bị phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

2.2. Khách thể.

Hành vi nêu trên đã xâm phạm đến tính mạng của người khác (quyền được bảo vệ tính mạng).

2.3. Mặt chủ quan.


Người phạm tội đã thực hiện tội phạm này với lối cố ý (được thể hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp cố ý
gián tiếp).

Lưu ý: Mặc dù mục đích giết người không phải là dấu hiệu cấu thành bắt buộc nhưng trong một
số trường hợp vẫn được xem xét như một dấu hiệu bắt buộc của mặt chủ quan để làm căn cứ
phân biệt với một số trường hợp sau:

- Gây thương tích dẫn đến chết người. Trong trường hợp này người phạm tội không có mục đích
giết người.

- Nạn nhân bị tấn công bằng các hoá chất có độc tính mạnh (như axit, thuốc chuột) hoặc bằng các
hung khí nguy hiểm (như dao nhọn, lưỡi lê...) vào các vị trí hiểm yếu trên cơ thể nhưng chỉ bị
thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ (không chết) hoặc không bị thương tích, trường hợp này cần
xác định mục đích tấn công là gì, nếu có mục đích nhằm giết người khác thì phải bị truy cứu
trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên nếu
không có mục đích giết người thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương
tích (nếu có).

- Nạn nhân bị vướng bẫy điện dẫn đến tử vong. Trường hợp này cần phân biệt là: nếu dùng điện
với mục đích để chống trộm (tức đối tượng bị tác động được nhắm tới là con người) thì phải chịu
trách nhiệm hình sự về tội giết người; nếu dùng bẫy điện với mục đích là để diệt chuột (tức đối
tượng bị tác động được nhắm tới không phải là con người) thì không phải chịu trách nhiệm sự về
tội giết người mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người.

2.4. Chủ thể.

Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Một số vấn đề cần chú ý

Trên thực tế, tội giết người có những biểu hiện gần giống với một số tội phạm khác có yếu tố
dùng vũ lực gây thương tích hoặc gây chết người. Do đó, cần có sự phân biệt.

- Phân biệt giữa tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt (hậu quả chết người chưa xảy ra là
nằm ngoài ý muốn của người phạm tội) với tội cố ý gây thương tích cho người khác nhưng dẫn
đến hậu quả chết người. Hai trường hợp phạm tội này có điểm giống nhau là cùng gây thương
cho người khác.

Điểm khác nhau cơ bản là trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của người khác là người phạm tội chỉ mong muốn hoặc có ý thức bỏ mặc cho hậu
quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội giết người chưa đạt là người phạm tội
mong muốn cho hậu quả xảy ra, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của họ.

- Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 có


phân biệt trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có khả năng làm chết
người mà vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra muốn ra sao cũng được, nếu hậu quả là gây
thương tích thì định tội cố ý gây thương tích, nếu hậu quả là chết người thì người phạm tội phạm
vào tội giết người.

Phân biệt giữa tội giết người đã hoàn thành (Hậu quả chết người đã xảy ra) với tội cố ý thương
tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác dẫn đến chết người.

Hai trường hợp trên có điểm giống nhau là cùng gây ra hậu quả chết người. Điểm khác giữa
chúng là đối với hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người phạm tội chỉ mong
muốn hậu quả thương tích xảy ra chứ không mong muốn làm chết người và cũng không có ý bỏ
mặc cho hậu quả chết người xảy ra.

Còn đối với tội giết người, người phạm tội biết rõ hành vi của mình là tước đoạt mạng số của
người khác một cách trái pháp luật và hậu quả chết người xảy ra. Điểm khác nhau về ý thức chủ
quan nêu trên được xác định qua các tình tiết biểu hiện ra bên ngoài như phương pháp, phương
tiện thực hiện tội phạm, vị trí tác động, trình độ nhận thức, tính cách, mối quan hệ giữa người
phạm tội với người bị hại...

Thực tiễn, phải định tội giết người nếu trong khi hành động, người phạm tội có những hành động
cố ý, và hành động đó có khả năng làm chết người như dùng vật nhọn, sắc, cứng chém hoặc đâm,
đánh mạnh vào những chỗ hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân như đầu, ngực, bụng... hoặc cố ý đánh
cho nạn nhân thương tích nặng để rồi sau đó bệnh chết.

Hành vi phá thai không gọi là giết người. Nếu giết phụ nữ biết là có thai thi không phải giết
nhiều người mà là tình tiết định khung tăng nặng.

Người bị giết trước đó phải là con người tự nhiên, sinh học, còn sống. Nếu “giết” một người đã
chết hoặc người máy thì hành vi đó không phải là hành vi phạm tội giết người, vì tội giết người
là tội xâm phạm đến tính mạng của con người. Tuy nhiên, nếu tưởng nhầm xác chết là người còn
đang sống (người phạm tội sai lầm về đối tượng) mà có hành vi phạm tội giết người thì vẫn coi
là phạm tội. Trường hợp nạn nhân dù sắp chết mà có hành vi giết họ thì cũng coi là phạm tội giết
người.

Ví dụ: Người cha là A bị bệnh nặng sắp chết, người con là B, do mòn mỏi trong việc chăm sóc
quá lâu, do thiếu suy nghĩ nên đã lén bóp mũi cha dẫn đến A chết. Hành vi của B phạm tội giết
người.

4. Hình phạt

4.1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm
đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;


c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng
hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

4.2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ
07 năm đến 15 năm.

4.3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4.4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm
đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

5. CÁC TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

5.1. Sự kiện bất ngờ

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước
hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình
sự.

Trong Điều luật này chính mặt khách quan đã không được thỏa mãn. Cụ thể mặt khách quan bao
gồm các yếu tố: Hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi nguy hiểm đó và mối quan
hệ nhân quả giữa chúng... Trong đó, hành vi nguy hiểm là bắt buộc phải có ở tất cả các loại tội
phạm.

Điều luật này có thể được phân tích như sau để dễ dàng nắm bắt nội dung hơn:

Điều kiện giả định bao gồm:(1) hành vi gây hậu quả nguy hại + (2) không thể thấy trước hoặc
không buộc phải thấy trước hậu quả

Hệ quả: Không phải chịu trách nhiệm hình sự

Phần hệ quả đã quá rõ ràng nên sau đây tác giả chỉ tập trung phân tích (1) (2)

(1) Hành vi gây hậu quả nguy hại

Lưu ý rằng đây là hành vi gây hậu quả nguy hại chứ không phải là hành vi nguy hiểm như trong
mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Tác giả nhấn mạnh nội dung này vì bản chất của chúng
là khác nhau và hậu quả pháp lý cũng vậy. Hành vi gây hậu quả nguy hại, tức nhà làm luật chú
trọng và tập trung vào cái hậu quả nguy hại chứ không phải là hành vi. Hành vi gây nguy hại có
thể là những hành vi hợp pháp hoặc hành vi bất hợp pháp. Nghe có vẻ phi lý vì sao hành vi hợp
pháp nhưng lại có thể gây nguy hại được và sự kiện bất ngờ là một minh chứng rõ ràng nhất.

Ví dụ: A đang lưu thông trên đường đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ (làn
đường, tốc độ di chuyển và các biện pháp an toàn khác…) (hành vi hợp pháp), bỗng nhiên có 1
người xuất hiện đột ngột trước đầu xe với khoảng cách gần đến mức không thể xử lý việc dừng
xe, do đó đã tông người này và người này tử vong ngay lập tức (hậu quả nguy hại). Như vậy
chúng ta có thể thấy rất rõ người điều khiển phương tiện đã thực hiện một hành vi hợp pháp
nhưng lại gây ra một hậu quả nguy hại cho xã hội.

Như vậy một câu hỏi đặt ra nếu hành vi đó phạm pháp gây hậu quả nguy hại và thỏa mãn điều
kiện (2) thì có loại trừ trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi hay không? Câu trả lời là
không. Bởi lẽ, không có hành vi phạm pháp luật hình sự nào mà chủ thể đó không nhận thấy
trước được hậu quả có thể xảy ra và pháp luật cũng không bắt buộc họ phải nhìn thấy trước, bản
chất của hành vi vi phạm đã hàm chứa trong nó về một hậu quả nguy hại cho xã hội. Vì thế có
thể hiểu hành vi trong trường hợp trên là hành vi hợp pháp.

(2)Không thể thấy trước hậu quả hoặc không bắt buộc phải nhìn thấy trước hậu quả. Vẫn với ví
dụ trên, chúng ta thấy rằng việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đúng với các
quy định của pháp luật giao thông thì không có lý do gì để anh ta có thể thấy hậu quả của việc
chết người xảy ra từ việc lái xe đúng quy định của mình và pháp luật cũng không bắt buộc anh ta
phải thấy, lường trước hậu quả có một người nào đó lại bỗng nhiên xuất hiện trước đầu xe để rồi
gây ra hậu quả chết người.

Phân tích thêm một chút để chúng ta hiểu thêm về trường hợp pháp luật bắt buộc phải nhìn thấy
trước hậu quả:
Trong một số trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng ý chí
chủ quan của người đó không nhận thấy trước hậu quả có thể xảy ra từ hành vi nguy hiểm của
mình. Ví dụ: B giăng bẫy điện dân dụng để diệt chuột tại nơi đông dân cư qua lại thường xuyên.
Trong trường hợp này có thể B không thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra khi bị
giật điện nhưng pháp luật bắt buộc B phải thấy được điều này. Nếu hậu quả chết người xảy ra thì
đã thỏa mãn yếu tố mặt khách quan (hành vi nguy hiểm), nếu thỏa mãn các yếu tố cầu thành còn
lại thì B phải chịu trách nhiệm hình sự của hành vi giăng điện bẫy chuột này.

5.2Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác
làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu
trách nhiệm hình sự.

Điều luật trên được trình bày giản tiện lại để dễ phân tích:

Điều kiện giả định:(1) Hành vi nguy hiểm cho xã hội +(2) mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác
=>(3) làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi

Hậu quả:Không phải chịu trách nhiệm hình sự

Dễ dàng để nhận thấy đây là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự do không thỏa mãn được
yếu tố mặt chủ thể trong cấu thành tội phạm. Cụ thể là chủ thể đã không đáp ứng được điều kiện
“..do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện…”. Cụ thể:

(1) Hành vi nguy hiểm cho xã hội: Hành vi nguy hiểm ở đây được hiểu là những hành vi có thể
hoặc đã gây tổn hại đến các mối quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Nói cách khác, hành
vi đó phải là hành vi thuộc mặt khách quan của ít nhất một tội được quy định cụ thể trong Bộ
Luật này. Đây là tiền đề để dẫn nhập vào các nội dung sau, bản thân nó không có giá trị trong
việc có loại trừ trách nhiệm hình sự của chủ thể thực hiện hành vi hay không và dấu hiệu hành vi
khách quan này không phải là mấu chốt của vấn đề.

(2)Trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác: Đầu tiên cần phải chú ý đến cụm “trong
khi đang”. Trước tiên cần xác định như thế nào là đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác. Cơ
sở nào để xác định một ai đó có đang mắc bệnh tâm thần hay không? Có 2 trường hợp có thể xảy
ra

Trường hợp 1: Người đó đã có Giấy xác nhận của cơ quan Y tế có thẩm quyền về bệnh tâm thần
đang mắc phải và (hoặc) tuyên bố mất năng lực hành vi của Tòa án.

Trường hợp 2: Chưa có bất kỳ một giấy tờ nào từ cơ quan có thầm quyền chứng minh tình trạng
bệnh lý của người thực hiện hành vi.

Trường hợp 1 thông thường sẽ rất dễ dàng trong việc xác định người đó có bị mắc bệnh tâm thần
hay không, tuy nhiên trong trường hợp 2 thì việc này sẽ trở nên khó khăn hơn khi phải tiến hành
việc giám định bệnh tâm thần sau khi hành vi đã được thực hiện trong thực tế. Và cái khó khăn
nhất là làm rõ được 2 chữ “trong khi”. Ngành Y học đã chứng minh có một số bệnh tâm thần mà
biểu hiện của bệnh lý không diễn ra một cách liên tục, cái mà nhân gian hay gọi 3 hồi tỉnh 3 hồi
say nghĩa là mặc dù bị mắc bệnh nhưng tỉnh thoảng họ vẫn tỉnh táo nhận thức một cách bình
thường. Đối chiếu theo đúng quy định của điều luật trong trường hợp đó họ sẽ không được loại
trừ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên thực tế để xác định việc có loại trừ hay không trong những
trường hợp này rất khó khăn. Và điều luật này cũng nhiều lần bị lợi dụng nhằm trốn tránh trách
nhiệm bằng cách xin giấy chứng nhận bị bệnh tâm thần mà báo chí hay gọi là kim bài miễn tử.

(3)Làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi:mục (2) chỉ là điều kiện cần
mà thôi, để đảm bảo điều kiện đủ, bệnh tâm thần hay bệnh khác nào đó phải dẫn đến mất khả
năng nhận thức (không thể biết được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội) hoặc mất khả
năng điều khiển hành vi (vẫn ý thức được nhưng không thể điều khiển được do bệnh lý – thông
thường là các bệnh liên quan đến hệ thần kinh vận động). Lưu ý ở đây là mất chứ không phải là
hạn chế, nghĩa là trường hợp hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi
thì vẫn không thuộc trường hợp được loại trừ theo quy định tại điều luật này mà hạn chế đó có
thể được dùng làm căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

5.3.Phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình,
của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần
thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không
phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy
định của Bộ luật

Trước tiên cần làm rõ như thế nào là phòng vệ chính đáng theo định nghĩa tại Khoản 1 của Điều
luật. Ngay tên của Điều luật cũng đã cho chúng ta thấy rằng có 2 vấn đề lớn ở đây đó là Phòng
vệ và Chính đáng. Vì sao nhà làm luật không dùng từ Tự vệ mà là Phòng vệ? Tự vệ có nghĩa là
tự bản thân bảo vệ cho chính mình, tự vệ chỉ dùng trong trường hợp bản thân người đang có hành
vi chống trả bị xâm phạm. Trong trường hợp lợi ích của người khác bị xâm hại mà một cá nhân
nào đó thực hiện hành vi chống trả thì hành vi này không còn được xem là tự vệ nữa mà nó đã
chuyển sang phòng vệ (phòng ngừa và bảo vệ), nội hàm của hành vi phòng vệ rộng hơn tự vệ rất
nhiều. Quyền và lợi ích chính đáng đang bị xâm hại mà nhà làm luật khuyển khích bảo vệ vượt
ra ngoài phạm vi của một cá nhân nào đó, nghĩa là pháp luật không chỉ khuyến khích tự bảo vệ
quyền lợi ích chính đáng của mình mà còn khuyến khích bảo vệ quyền và lợi ích của người khác.
Vậy nên dùng từ phòng vệ ở đây là chính xác và nội hàm đủ rộng để thể hiện tính mục đích của
điều luật.

Tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu như thế nào là chính đáng, điều luật không định nghĩa như thế
nào là chính đáng mà chỉ mô tả như thế nào là phòng vệ chính đáng. Tách câu chữ ra, chúng ta
có thể dễ dàng nhận thấy ý chí của nhà làm luật thông qua cách hành văn và có thể hiều chính
đáng = cần thiết.Tuy nhiên có một vấn đề rất đáng để chúng ta và những người áp dụng luật pháp
phải lưu tâm đó là chính đáng và cần thiết đều là những yếu tố mang tính chất định tính, nó phụ
thuộc rất lớn vào ý chỉ chủ quan của người nhận diện và đánh giá tình huống. Có thể theo người
có hành vi chống trả thì cho rằng nó cần thiết nhưng người bị chống trả và cơ quan xét xử không
cho là như vậy và ngược lại.

Khoản 2 quy định thêm 2 yếu tố, tạm gọi là 2 căn cứ để góp phần “định lượng” được sự cần thiết
đó là căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.Tính chất và
mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi thì phần nào chúng ta có thể xác định được dựa vào
phân loại tội phạm (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng).
Việc này giúp cho việc định tính sự cần thiết trở nên giảm định tính hơn nhưng không thể giải
quyết triệt để vấn đề. Do vậy nhà làm luật đã rất cẩn trọng và quy định trường hợp vượt quá giới
hạn phòng vệ chính đáng là “rõ ràng” vượt quá mức cần thiết. Nghĩa là việc nhận thấy sự quá
mức đó rất dễ nhận ra và tuyệt đại đa số đều thấy được điều đó.

Thoáng nhìn chung ta sẽ cảm nhận rằng Khoản 1 và Khoản 2 bổ trợ cho nhau (nếu không thuộc
Khoản 1 thì thuộc Khoản 2 và ngược lại). Tuy vậy phân tích kỹ chúng ta sẽ thấy có một phần
khá nhập nhằng ở 2 Khoản này

Khoản 1:…một cách cần thiết…

Khoản 2:…rõ ràng quá mức cần thiết…

Như vậy đối với trường hợp vượt quá mức cần thiết nhưng chưa đến mức rõ ràng (dễ dàng) nhận
ra thì sẽ áp dụng Khoản 1 hay Khoản 2, bởi lẽ ranh giới giữa phạm tội trong lúc này là rất mong
manh.Và theo quan điểm của tác giả trong trường hợp này chúng ta sẽ áp dụng Khoản 1 theo
nguyên tắc có lợi hơn cho người phạm tôi. Nghĩa là cơ quan công tố buộc tội phải có nghĩa vụ
chứng minh sự rõ ràng quá mức cần thiết này, nếu không chứng minh được thì bắt buộc phải
hiểu người có hành vi chống trả đã chống trả một cách cần thiết.

Một vấn đề nữa cũng cần phải chú ý đó là đối tượng chịu tác động phải là người đang có hành vi
xâm phạm.Đây không phải là sự cẩn thận quá thừa của nhà lập pháp khi ai cũng biết rằng chống
trả thì đương nhiên là chống trả lại người đang thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên trong thực
tế hành vi chống trả này có thể ảnh hưởng đến nhiều người khi sử dụng công cụ, phương thức có
phạm vi tác động rộng, hoặc có thể chống trả nhầm đối tượng
Ví dụ 1: Vì muốn chống trả lại người đang hiếp dâm mình, C đã thực hiện hành vi xả bình khí
độc ngay cạnh đó và cách làm này đã gây thương vong nghiêm trọng cho một số người khu vực
xung quanh. Hành vi chống trả này đã vượt ra ngoài chủ thể thực hiện hành vi xâm hại, đã gây
phương hại đến các chủ thể khác.

Ví dụ 2: Thấy D đang bị bọn cướp tấn công bằng dao và không có khả năng chống trả, E đã rút
súng nhằm vào bọn cướp mà bắn, tuy nhiên do trong bối cảnh hoản loạn, E đã bắn đúng vào D
gây tử vong tại chỗ. Trường hợp này E đã không chống trả lại người đang xâm hại mà đã chống
trả nhầm vào nạn nhân bị xâm hại do đó không thỏa mãn điều kiện phòng vệ chính đáng.

5.4.Tình thế cấp thiết

Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp
của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách
nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây
thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về cấu trúc điều luật cách sắp xếp quy phạm của Điều luật này khá tương đồng với Điều luật về
phòng vệ chính đáng. Chúng ta sẽ cùng phân tích điều luật này Tình thế + cấp thiết:

Nếu như Điều luật về phòng vệ chính đáng chú trọng đến tính chính đáng và giới hạn của sự cần
thiết thì điều luật về tình thế cấp thiết này lại chú trọng đến tính cấp thiết và thiệt hại gây ra của
hành vi. Cụ thể, sự cấp thiết ở đây đã đến mức đưa người thực hiện hành vi vào tình thế - đúng
nghĩa đen – không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải gây ra một thiệt hại. Thông thường
việc gây ra thiệt hại là một hành vi vi phạm pháp luật có thể là hình sự, nhẹ hơn là hành chính
hay nhẹ hơn nữa là dân sự nhưng trong trường hợp này hành vi gây thiệt hại đó không phải là
hành vi vi phạm NẾU thiệt hại đã gây ra nhỏ hơn thiệ hại cần ngăn ngừa.

Như vậy điều kiện cần (1) chủ thể thực hiện hành vi đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài
việc phải gây thiệt hại và điều kiện đủ (2) thiệt hại đó phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì
khi đó chủ thể sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự (thông thường là các tội phạm liên quan đến
khách thể là quan hệ sở hữu như tội hủy hoại hoặc cố ý làm hỏng tài sản, chiếm hữu sử dụng tài
sản trái phép v.v…)

Ví dụ: Vì muốn ngăn chặn đám cháy đang lây lan trong dãy dân cư liền nhau F bắt buộc phải đập
nhà anh G để ngăn đám cháy lại. Trường hợp này có thể thấy F đã không còn sự lựa chọn nào
khác và thiệt hại xảy ra đối với nhà anh G rõ ràng nhỏ hơn thiệt hại của cháy nhà của cả khu dân
cư do đó hành vi của F thỏa dấu hiệu của tình thế cấp thiết và sẽ được loại trừ trách nhiệm hình
sự trong trường hợp này.
Tuy nhiên 2 Khoản trên của điều luật đã bỏ ngỏ trường hợp thiệt hại đã gây ra bằng với thiệt hại
cần ngăn ngừa.

Khoản 1 “…gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa…”

Khoản 2 “…thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết…”

Sẽ là lý tưởng và tuyệt đối nếu thiệt hại đã gây ra = thiệt hại cần ngăn ngừa (do vậy nhà làm luật
không quy định trường hợp này cũng là điều dễ hiểu). Thiệt hại đã gây ra thì có thể cân đo đong
đếm được nhưng thiệt hại cần ngăn ngừa (chưa xảy ra) thì rất khó để xác định và trong một số
trường hợp gần như là không thể xác định được.

Do đó vẫn theo quan điểm áp dụng quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội thì trong
những trường hợp không thể xác định được hoặc xác định được nhưng cán cân thiệt hại đã gây ra
và thiệt hại cần phòng ngừa tương đương nhau thì sẽ áp dụng theo hướng áp dụng tình thế cấp
thiết. Trong trường hơp muốn áp dụng quy định tại Khoản 2 cơ quan công tố phải có nghĩa vụ
chứng minh.

Sau khi phân tích Điều 22 Phòng vệ chính đáng và Điều 23 Tình thế cấp thiết chúng ta có thể
thấy được quan điểm lập pháp của nhà làm luật. Một mặt trao quyền và khuyển khích công dân
chủ động thực hiện quyền bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và của người khác nhưng để đảm
bảo việc sử dụng quyền này không bị lạm dụng khi thực hiện nhà làm luật cũng đã dự liệu luôn
trường hợp vượt quá quyền thì sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự mặc dù mức hình phạt sẽ có
phần nhẹ hơn so với phạm tội trong trường hợp thông thường.

5.5.Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội

Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là
buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt
hại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đây là một trong ba trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mà Bộ Luật hình sự mới đã mở rộng
thêm so với quy định tại các Bộ Luật hình sự cũ.

Một lần nữa kỹ thuật lập pháp tại Điều luật này cũng không hề khác so với Điều 22 và Điều 23
mỗi điều đều bao gồm 2 khoản, Khoản 1 sẽ quy định về trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự,
Khoản 2 thì vẫn chủ thể gây thiệt hại vẫn phải chịu trách nhiệm nếu hành vi gây thiệt hại đó rõ
ràng vượt quá mức cần thiết. Như tác giả đã phân tích ở 2 điều luật trước đó, quy định như hiện
tại sẽ tạo ra 1 lỗ hổng pháp lý khi nếu hành vi gây thiệt hại nằm dưới mức rõ ràng quá mức
nhưng lại trên mức cần thiết. Trong trường hợp này, khác với quan điểm ở 2 điều luật trên tác giả
không ủng hộ áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội nghĩa là sẽ áp dụng Khoản 1
thay vì Khoản 2. Tác giả sẽ làm rõ hơn ở phần sau cùng của bình luận.
Tóm ý nội dung Khoản 1 bao gồm các thành phần sau:

Chủ thể: Người để bắt giữ

Hành vi: Sử dụng vũ lực cần thiết + gây thiệt hại cho người bị bắt giữ

Ý chí: Không còn cách nào khác buộc phải thực hiện

Hệ quả: Không phải là tội phạm.

Đầu tiên là vấn đề chủ thể: Hãy xem xét đến chủ thể thực hiện thực hiện hành vi bắt giữ trong
điều luật này đó là “người”. Như vậy chủ thể ở đây có phải là bất cứ người nào hay không?Câu
trả lời là không. Chúng ta cần phải phân định rõ việc này vì không phải ai cũng đương nhiên có
quyền hoặc được trao quyền để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội.

Điều kiện cần đầu tiên để thỏa mãn dấu hiệu của Khoản 1 là người đó phải được quyền bắt giữ
và đó là những ai thì phải căn cứ quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.

Một cách sơ lược có thể hiểu chỉ có một số cá nhân, tổ chức có thẩm quyền được trao quyền bắt
giữ người thực hiện hành vi phạm tội theo trình tự thủ tục luật định (tạm gọi là người của cơ
quan công quyền). Tuy nhiên trong trường hợp phạm tội quả tang thì chủ thể được quyền bắt giữ
không còn bị giới hạn, nghĩa là bất cứ ai cũng được quyền bắt giữ một người đang phạm tội quả
tang (tạm gọi là công dân).Như vậy chủ thể thuộc pham vi điều chỉnh của Điều 24 không phải là
một chủ thể đặc biệt mà là bất kỳ người nào thực hiện hành vi bắt giữ (phải hiểu ở đây là được
quyền bắt giữ theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự).

Tiếp theo đến hành vi: Sử dụng vũ lực cần thiết + gây thiệt hại cho người bị bắt giữ

Đến đây tiếp tục một lần nữa từ cần thiết được sử dụng và đây là một từ mang tính định tính rất
cao, phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của người thực hiện việc sử dụng vũ lực và đôi khi
là của người thuộc cơ quan điều tra, truy tố xét xử nếu hành vi đó bị truy cứu trách nhiệm hình
sự. Thiệt hại xảy ra cho người bị bắt giữ thông thường sẽ là những thiệt hại về sức khỏe, nhẹ có
thể ở mức gây thương tích, nặng có thể dẫn đến gây tử vong, bên cạnh đó có thể là những thiệt
hại về tài sản kèm theo như đang thực hiện hành vi cướp giật, bị truy đuổi và bị đạp ngã xe gây
thiệt hại về người và tài sản.

Sau cùng là ý chí: Không còn cách nào khác buộc phải thực hiện. Không còn cách nào khác ở
đây sẽ rõ ràng và có căn cứ hơn đối với những người thuộc cơ quan công quyền vì quy trinh bắt
giữ đã được quy định rất rõ trong hoạt động nghiệp vụ riêng. Tuy nhiên đối với chủ thể bắt giữ là
công dân thì việc xác định không còn cách nào khác hay vẫn còn cách nào khác là một việc rất
khó để xác định trong bối cảnh bắt giữ người phạm tội quả tang, tính cấp thiết của viêc bắt giữ
đặt ra rất nhanh trong khi họ không có chuyên môn nghiệp vụ để phán đoán và đưa ra cách hành
xử đúng đắn nhất, do đó nguy cơ nhóm chủ thể này dễ vượt quá quy định tại Khoản 1 để rơi vào
Khoản 2, tức là phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ cao hơn.
Quy định trên là một quy định mới cho thấy phần nào việc gây thiệt hại cho người bị bắt giữ (đa
phần là thiệt hại về sức khỏe, tính mạng) ở một mức độ cần thiết là hành vi hợp pháp nếu thỏa
mãn các điều kiện còn lại. Dù là quy định mới nhưng tác giả không cho rằng đó là một tiến bộ.
Bởi lẽ khách thể bị tác động đến là sức khỏe tính mạng chứ không chỉ đơn thuần như là những
thiệt hại về tài sản như trong tình thế cấp thiết. Minh chứng rất rõ trong những thời gian qua có
hàng loạt những hành vi sử dụng vũ lực một cách khá tự do gây thiệt hại nghiêm trọng về sức
khỏe, thậm chí là tính mạng của những người phạm tội quả tang như trộm chó. Rất nhiều những
người trộm chó đã bị đánh đến tử vong. Bên cạnh đó có rất nhiều những vụ án oan sai xuất phát
từ việc bức cung, ép cung, dùng nhục hình đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cơ quan
công quyền và gây thiệt hại về Ngân sách nhà nước bởi những khoản tiền bồi thường lên đến
hàng chục tỉ đồng. Hiện trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng một phần không nhỏ là
do sự lạm dụng quyền sử dụng vũ lực để bắt giữ khi cho rằng điều đó là cần thiết và không còn
cách nào khác. Thực sự, khung pháp lý cho vấn đề này rất yếu, lỏng lẻo dễ tạo cơ hội để những
người bắt giữ gây thiệt hại cho người bị bắt giữ nhưng được loại trừ trách nhiệm hình sự, đặc biệt
là những người thuộc cơ quan công quyền vì họ rất dễ để chứng minh cho sự cần thiết của việc
sử dụng vũ lực đó.

Một vấn đề rất quan trọng là người bị bắt giữ chưa phải là người phạm tội cho đến khi có bản án
có hiệu lực thi hành (theo nguyên tắc suy đoán vô tội) vì thế cho nên họ có quyền được bảo vệ về
tính mạng, sức khỏe, tài sản v.v…Điều luật trên xét ở một khía cạnh nào đó đã làm cho việc tuân
thủ nguyên tắc suy đoán vô tội bị ảnh hưởng ít nhiều. Tâm lý của người bắt giữ cũng sẽ thoải
mái hơn trong việc sử dụng vũ lực thay vì phải cân nhắc thật kỹ lưỡng như trước đây.

5.6 Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa
học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ
biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng
ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đây là trường hợp mới được đưa vào danh sách những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
Theo đánh giá chủ quan đây là một trường hợp thể hiện rất sâu sắc tinh thần vực dậy thúc đẩy
nền kinh tế của đất nước chúng ta. Có thể thấy chính sách kinh tế đã ảnh hưởng không chỉ đến hệ
thống các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dân sự thương mại mà còn ảnh hưởng cả đến những
quy định của pháp luật hình sự. Trong phát triển kinh tế việc đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm,
áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới là điều tất yếu và có thể nói là ưu tiên hàng đầu đối với
Việt Nam một đất nước mà cơ cấu thành phần kinh tế vẫn đang phụ thuộc vào nông nghiệp thuần
túy (chưa áp dụng được nhiều những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại), công nghiệp và
dịch vụ còn nhiều hạn chế. Chúng ta đều biết đã là nghiên cứu, thử nghiệm thì khả năng rủi ro rất
cao đôi khi phải trả giá bằng chính sức khỏe thậm chí là mạng sống của con người như việc
nghiên cứu chế tạo các loại thuốc, vắc xin mới trong lĩnh vực y tế v.v…Do đó nguy cơ chủ thể
thực hiện những nghiên cứu thử nghiệm xâm phạm đến khách thể được luật hình sự bảo vệ là
đúng.

Tuy nhiên điều luật trên vẫn còn một vài điểm chưa ổn cần phải làm rõ:

Thứ nhất: Tên điều luật và nội hàm quy định tại Khoản 1 không thống nhất. Cụ thể Điều 25 chỉ
nêu …nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ. trong khi đó
Khoản 1 lại quy định…nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ
mới… Vậy một câu hỏi đặt ra mới ở đây là mới hoàn toàn hay chỉ cần có yếu tố mới? và nếu
nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ không mới thì có
thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 25 hay không?

Câu hỏi thứ hai, ranh giới giữa được loại trừ trách nhiệm và không loại trừ trách nhiệm đó là việc
người thực hiện đã áp dụng đúng quy trình, quy phạm, đầy đủ biện pháp phòng ngừa hay chưa?
Vậy trong trường hợp bản thân quy trình không đảm bảo, vốn dĩ đã có khiếm khuyết thì người
thực hiện đã áp dụng đúng nhưng vẫn gây ra thiệt hại thì có được miễn trách nhiệm hay không,
thêm vào đó vấn đề trách nhiệm của những người ban hành quy trình quy phạm khiếm khuyết đó
ở chỗ nào?

Hai câu hỏi trên bản thân tác giả hay bạn đọc cũng khó mà đưa ra một câu trả lời hợp lý nhất.
Vậy nên đành chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền hoặc sửa đổi nếu có của các nhà lập
pháp.

5.7.Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của
cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã
thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu
chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người
ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2
Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này.

Đây là trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự cuối cùng được thêm vào trong Bộ Luật
hình sự này so với các Bộ Luật hình sự trước đây. Quy định rất rõ ràng, chủ thể không phải là bất
cứ người nào mà phải là người trong lực lượng vũ trang nhân dân và người đó phải là người có
chỉ huy hoặc cấp trên, nghĩa là điều luật sẽ không áp dụng đối với người có vị trí cao nhất.

Hành vi gây thiệt hại phải là hành vi thực hiện theo mệnh lệnh sau khi đã thực hiện đầy đủ quy
trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh.
Như vậy không phải bất kỳ trường hợp nào người gây ra thiệt hại khi thực hiện theo mệnh lệnh
của chỉ huy hoặc cấp trên đều được loại trừ trách nhiệm mà khi và chỉ khi họ đã thực hiện việc
báo cáo lại nhưng vẫn bắt buộc phải thi hành. Quy định này một mặt đảm bảo tính nguyên tắc,
kỷ luật trong lực lượng vũ trang nhân dân, tính đặc thù trong mối quan hệ giữa chỉ huy, cấp trên
với thuộc cấp là tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp trên. Tuy nhiên, không phải lúc nào
người đưa ra mệnh lệnh cũng sáng suốt và tỉnh táo, do đó trong trường hợp thuộc cấp hoài nghi
về tính đúng đắn của mệnh lệnh thì sẽ thực hiện việc báo cáo theo đúng quy trình, sau đó nếu vẫn
bắt buộc phải thực hiện mệnh lệnh thì người thực hiện sẽ được loại trừ trách nhiệm và người ra
mệnh lệnh mới là người chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên quy định này có 3 ngoại lệ mà người thực hiện mệnh lệnh mặc dù sau khi đã thực hiện
việc báo cáo đúng quy trình vẫn không được loại trừ trách nhiệm. Đó là Khoản 2 của các Điều
sau:

Điều 421. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược

Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù
từ 10 năm đến 20 năm.

Điều 422. Tội chống loài người

Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù
từ 10 năm đến 20 năm.

Điều 423. Tội phạm chiến tranh

Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù
từ 10 năm đến 20 năm.

You might also like