You are on page 1of 17

1.

Hành vi cố ý trực tiếp tước bỏ tính mạng người khác trái pháp luật không gây ra
hậu quả chết người thì không cấu thành Tội giết người (Điều 123 BLHS).
Nhận định này là sai.
Vì hành vi cố ý trực tiếp tước bỏ tính mạng người khác trái pháp luật không gây ra hậu
quả chết người thì vẫn cấu thành Tội giết người. Tội giết người được quy định tại Điều
123 BLHS 2015 là tội phạm có cấu thành vật chất. Căn cứ vào Điều 123 BLHS thì hành
vi cố ý trực tiếp tước bỏ tính mạng của người khác sẽ cấu thành Tội giết người cho dù
hậu quả không xảy ra. Một người có hành vi cố ý trực tiếp tước bỏ tính mạng của người
khác trái pháp luật thì trong cấu thành tội phạm này dấu hiệu hậu quả không phải là dấu
hiệu mang ý nghĩa định tội. Hậu quả có chết người hay không trong trường hợp này có ý
nghĩa giúp cho việc xác định tội phạm đã hoàn thành hay chưa hoàn thành. Vì vậy, khi
người phạm tội có hành vi cố ý trực tiếp tước bỏ tính mạng của người khác trái pháp luật
mà không gây ra hậu quả thì vẫn cấu thành Tội giết người.
2. Động cơ đê hèn là dấu hiệu định tội của Tội giết người (Điều 123 BLHS).
Nhận định này là sai.
Động cơ đê hèn không là dấu hiệu định tội của Tội giết người (Điều 123 BLHS). Tội
giết người có dấu hiệu định tội là hành vi tước đoạt trái phép tính mạng của người khác.
Theo quy định tại Điểm q, Khoản 1, Điều 123 BLHS thì động cơ đê hèn là dấu hiệu định
khung tăng nặng của loại tội phạm này nó phản ánh mức độ nguy hiểm hơn cho xã hội
của tội phạm tăng lên đáng kể.
3. Mọi hành vi cố ý tước bỏ tính mạng của người khác đều cấu thành Tội giết người
theo Điều 123 BLHS.
Nhận định này là sai.
Không phải mọi hành vi cố ý tước bỏ tính mạng của người khác đều cấu thành Tội giết
người theo Điều 123 BLHS. Vì trong một số ít trường hợp như làm chết người trong giới
hạn phòng vệ chính đáng, trong phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết, thi hành án tử
hình thì không xem là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trái pháp luật. Cho
nên những trường này sẽ không cấu thành Tội giết người.
4. “Giết phụ nữ mà biết là có thai” là trường hợp giết nhiều người.
Nhận định này là sai.
Đối tượng tác động của tội phạm liên quan đến con người phải là con người đang sống.
Thời điểm bắt đầu sự sống của con người dưới góc độ pháp lý hình sự là kể từ lúc họ
được sinh ra và tồn tại độc lập với người mẹ.
(Thời điểm kết thúc sự sống của con người là thời điểm chết sinh học đã xảy ra – Trong
y học phân biệt chết lâm sang và chết sinh học, dưới góc độ pháp lý hình sự, sự sống của
con người kết thúc khi chết sinh học xảy ra. Pháp luật Hình sự bảo vệ con người trong
suốt thời gian sự sống bắt đầu và chưa kết thúc).
Hành vi giết người mẹ làm chết thai nhi thì không phải là hành vi khách quan của Tội
giết từ 02 người trở lên (giết nhiều người).
5. Tình tiết “giết nhiều người” luôn đòi hỏi phải có hậu quả hai người chết trở lên.
Nhận định này là sai.
Vì không phải trong mọi trường hợp, tình tiết “giết nhiều người” đòi hỏi phải có hậu
quả hai người chết trở lên. Tình tiết “giết nhiều người” đòi hỏi phải có hậu quả hai người
chết trở lên đối với hành vi phạm tội cố ý gián tiếp, còn đối với trường hợp cố ý trực tiếp
thì không bắt buộc phải có hậu quả 2 người chết trở lên, mà người này có hành vi cố ý
giết hai người trở lên thì vẫn áp dụng tình tiết “ giết nhiều người”, không bắt buộc phải có
hậu quả xảy ra trên thực tế.
6. Sử dụng điện trái phép làm chết người là hành vi chỉ cấu thành Tội vô ý làm chết
người (Điều 128 BLHS).
Nhận định này là sai.
Không phải mọi hành vi sử dụng điện trái phép làm chết người đều là hành vi chỉ cấu
thành Tội vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS).
Trong trường hợp người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có
làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng
con người, nhưng vẫn mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế có người
bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về Tội giết người (Điều 123, BLHS).
Trong trường hợp người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua
lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nhưng hậu quả có người bị điện giật chết thì
người phạm tội bị xét xử về Tội vô ý làm chết người (Điều 128, BLHS).
7. Hành vi giết trẻ em sinh ra trong vòng 7 ngày tuổi thì chỉ cấu thành Tội giết con
mới đẻ (Điều 124 BLHS).
Nhận định này là sai.
Theo Khoản 1, Điều 124 BLHS 2015 về Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ:
“1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh
khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm”.
Theo quy định trên ta thấy, không phải hành vi giết trẻ sinh ra trong vòng 7 ngày tuổi
thì cũng cấu thành Tội giết con mới đẻ (Điều 124 BLHS). Chủ thể của loại tội phạm này
là chủ thể đặc biệt - người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong
hoàn cảnh khác quan đặc biệt mà có hành vi giết con do mình đẻ ra trong vòng 7 ngày
tuổi thì mới là chủ thể của tội giết con mới đẻ quy định tại Điều 124 BLHS. Do vậy, nếu
là chủ thể thường mà thực hiện hành vi giết trẻ sinh ra trong vòng 7 ngày tuổi thì không
cấu thành Tội giết con mới đẻ mà cấu thành Tội giết người (Điều 123 BLHS).
8. Mọi trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh đều cấu
thành Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125
BLHS).
Nhận định này là sai.
Theo quy định của Điều 125 BLHS về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích
động mạnh:
“1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái
pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của
người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Theo quy định trên, không phải mọi trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị
kích động mạnh đều cấu thành Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động
mạnh (Điều 125 BLHS). Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh cấu
thành Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh khi có các dấu hiệu sau:
- Phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là trạng thái người phạm tội
không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình, không thấy hết
được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình. Tình trạng tinh
thần bị kích động mạnh thường phát sinh tức thì ngay sau khi có sự kích động và tồn tại
trong thời gian ngắn. Đây là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
- Nguyên nhân dẫn đến trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là do hành vi trái pháp luật
nghiệm trọng của nạn nhân.
- Hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là hành vi đối với người phạm tội hoặc
đối với người thân thích hoặc hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người
phạm tội.
Như vậy, nếu không có đủ các dấu hiệu thì không thể coi là phạm vào Tội giết người
trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125 BLHS).
9. Mọi hành vi làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật
cho phép trong khi thi hành công vụ đều cấu thành Tội làm chết người trong khi thi
hành công vụ (Điều 127 BLHS).
Nhận định này là sai.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 127 BLHS 2015 thì:
“1. Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài
những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm”.
Theo đó chủ thể của tội phạm là người thi hành công vụ (là những người có chức vụ,
quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội thực hiện chức năng nhiệm vụ của
mình), và cũng có thể là công dân được huy động làm nhiệm vụ theo kế hoạch của cơ
quan có thẩm quyền. Ngoài ra còn có những người thực hiện nghĩa vụ công dân vì lợi ích
chung của xã hội mà đã sử dụng những công cụ để giúp sức người thi hành công vụ mà
đã xâm phạm tính mạng sức khỏe của người khác thì cũng được coi là phạm tội giết
người trong khi thi hành công vụ.
Vì thế những trường hợp làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp
luật cho phép trong khi thi hành công vụ mà người phạm tội không thuộc các trường hợp
trên thì không thể cấu thành tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.
Động cơ thi hành công cụ là một dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. nếu người thi hành
công vụ do hống hách, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác mà dùng vũ khí
một cách bừa ẩu hoặc do tư thù cá nhân, thì cấu thành tội phạm khác, không áp dụng
Điều 127 BLHS.
10. Không phải mọi hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp
đều cấu thành Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp (Điều 129
BLHS).
Nhận định này là đúng.
Vì trong một số lĩnh vực nghề nghiệp, hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp làm chết
người là hành vi khách quan của một số tội phạm khác như các Tội xâm phạm an toàn
công cộng trong lao động sản xuất (Điều 295); Trong lĩnh vực Y tế (Điều 315),… mà
không phải chỉ là Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp (Điều 129
BLHS).
11. Nạn nhân tử vong là dấu hiệu định tội của Tội bức tử (Điều 130 BLHS).
Nhận định này là sai.
Theo Khoản 1, Điều 130 BLHS về Tội bức tử có quy định:
“1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ
thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Nạn nhân tử vong không phải là dấu hiệu định tội của Tội bức tử mà chỉ quy định là
hậu quả từ những hành vi của người phạm tội là việc khiến nạn nhân tiến hành hành vi tự
tử, hậu quả sau đó tức là việc nạn nhân tử vong hay không thì không có dấu hiệu trong
việc định tội.
Vì vậy, việc nạn nhân tử vong hay không thì không là dấu hiệu định tội của tội bức tử.
12. Hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của
chính họ thì cấu thành Tội bức tử (Điều 130 BLHS). 
Nhận định này là sai.
Hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của chính họ
không là hành vi khách quan của Tội bức tử (Điều 130 BLHS). Theo quy định tại Điều
130, BLHS thì hành vi khách quan cấu thành Tội này là hành vi đối xử tàn ác, thường
xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát. Còn
trong đối với hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của
chính họ thì là hành vi khách quan cấu thành Tội xúi giục người khác tự sát (Điều 131).
13. Cố ý tước đoạt tính mạng của người khác theo yêu cầu của người bị hại là hành
vi cấu thành Tội giúp người khác tự sát (Điều 131 BLHS).
Câu nhận định này là sai.
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 131 BLHS về Tội giúp người khác tự sát:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam
giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
b) Tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của
họ”.
Hành vi cấu thành Tội giúp người khác tự sát là hành vi khách quan tạo điều kiện về
vật chất và tinh thần cho người bị hại sử dụng điều kiện đó để tự sát. Như vậy, hành vi cố
ý tước đoạt tính mạng của người khác theo yêu cầu của người bị hại không là hành vi cấu
thành Tội giúp người khác tự sát mà cấu thành Tội giết người (Điều 123 BLHS).
14. Hành vi đối xử tàn ác đối với người bị lệ thuộc nếu không dẫn đến hậu quả nạn
nhân tự sát thì không cấu thành tội phạm.
Nhận định này là sai.
Theo Khoản 1, Điều 130 BLHS về Tội bức tử có quy định:
“1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ
thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Theo Khoản 1, Điều 140 BLHS về Tội hành hạ người khác có quy định:
“1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các
trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến
03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Nạn nhân tự sát không phải là dấu hiệu định tội của Tội bức tử mà chỉ quy định là hậu
quả từ những hành vi của người phạm tội là việc khiến nạn nhân tiến hành hành vi tự tử,
hậu quả sau đó tức là việc nạn nhân tử vong hay không thì không có dấu hiệu trong việc
định tội. Còn hành vi đối xử tàn ác đối với người bị lệ thuộc có thể phạm tội bức tử (Điều
130 BLHS); tội hành hạ người khác (Điều 140 BLHS).
Vì vậy, hành vi đối xử tàn ác đối với người bị lệ thuộc dù không dẫn đến hậu quả nạn
nhân tự sát thì vẫn cấu thành tội phạm.
15. Dùng gạch đá tấn công trái phép người khác gây thương tích cho họ với tỷ lệ
thương tật dưới 11% thì cấu thành Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS).
Câu nhận định này là sai.
Không phải mọi hành vi tấn công trái phép người khác gây thương tích cho họ với tỷ lệ
thương tật dưới 11% thì cấu thành Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS). Theo quy
định của BLHS trường hợp gây thương tích cho người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể
dưới 11% thì phải thuộc các trường hợp được quy định từ Điểm a đến Điểm k, Khoản 1,
Điều 134, BLHS thì mới đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm này.
16. Hành vi cố ý gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ thương tật dưới 11% thì
không cấu thành Tội cố ý gây thương tích (Điều 134, BLHS).
Nhận định này là sai.
Không phải mọi trường hợp hành vi cố ý gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ
thương tật dưới 11% đều không cấu thành Tội cố ý gây thương tích. Theo quy định của
BLHS, hành vi cố ý gây thương tích cho người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể dưới 11%
nhưng thuộc các trường hợp từ Điểm a đến Điểm k, Khoản 1, Điều 134, BLHS thì cũng
cấu thành Tội cố ý gây thương tích.
17. Hành vi cố ý gây thương tích cho người khác không chỉ cấu thành Tội cố ý gây
thương tích (Điều 134 BLHS).
Nhận định này là đúng.
Trong trường hợp hành vi cố ý gây thương tích còn là hành vi khách quan của các Tội
khác như: Tội cố ý gây thương tích cho người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động
mạnh (Điều 135); Tội cố ý gây thương tích cho người khác do vượt quá giới hạn phòng
vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136).
18. Gây cố tật nhẹ được hiểu chỉ là trường hợp gây thương tích với tỷ lệ tổn thương
cơ thể dưới 11% nhưng đã làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân.
Nhận định này là sai.
Gây cố tật nhẹ được hiểu không chỉ là trường hợp gây thương tích với tỷ lệ tổn thương
cơ thể dưới 11% nhưng đã làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân. Theo quy định
Khoản 1, Phần I, Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP thì ngoài trường hợp làm mất một bộ
phận cơ thể của  nạn nhân thì còn có các trường hợp khác như: làm mất chức năng một
bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm giảm chức năng hoạt động của một bộ phận cơ thể của
nạn nhân hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân.
19. Hành vi vô ý gây thương tích cho người khác không chỉ cấu thành Tội vô ý gây
thương tích được quy định tại Điều 138 BLHS.
Nhận định này là đúng.
Trong trường hợp hành vi vô ý gây thương tích còn là hành vi khách quan của các Tội
khác như: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi
phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 139).
20. Mọi trường hợp đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình đều cấu thành Tội hành
hạ người khác được quy định tại Điều 140 BLHS.
Nhận định này là sai.
Theo Khoản 1, Điều 140 BLHS về Tội hành hạ người khác quy định:
“1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các
trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến
03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Không phải mọi trường hợp đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình đều cấu thành Tội
hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 BLHS. Vì trong trường hợp đối xử tàn ác
hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của
Bộ luật này thì sẽ cấu thành Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con,
cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185).
21. Mọi hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể
tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn
của họ đều cấu thành Tội hiếp dâm (Điều 141 BLHS).
Nhận định này là sai.
Không phải mọi hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng
không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý
muốn của họ đều cấu thành Tội hiếp dâm (Điều 141 BLHS). Trong trường hợp, dùng vũ
lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc
thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ mà chủ thể từ đủ 16 tuổi trở
lên thì mới cấu thành Tội hiếp dâm (Điều 141 BLHS). Còn trong trường hợp tội phạm
thực hiện hành vi trên với nạn nhân là người dưới 16 tuổi họ sẽ phạm Tội hiếp dâm người
dưới 16 tuổi (Điều 142 BLHS).
22. Mọi hành vi dùng thủ đoạn khiến người dưới 16 tuổi lệ thuộc mình phải miễn
cưỡng giao cấu đều cấu thành Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16
tuổi theo quy định tại Điều 144 BLHS.
Nhận định này là sai.
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 144 BLHS về Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới
16 tuổi:
“1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở
trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao
cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm
đến 10 năm”.
Đối tượng tác động của tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi là đối tượng
đặc biệt - dưới 16 tuổi nhưng phải đủ 13 tuổi.  Nên trong trường hợp dùng thủ đoạn khiến
người dưới 16 tuổi lệ thuộc mình phải miễn cưỡng giao cấu với mình nhưng người đó lại
dưới 13 tuổi thì lúc này hành vi trên sẽ không cấu thành Tội cưỡng dâm người từ đủ 13
đến dưới 16 mà cấu thành tội hiếp dâm người dưới mười sáu tuổi theo điểm b khoản 1
Điều 142 BLHS 2015.
23. Mọi hành vi giao cấu thuận tình với trẻ em đều cấu thành Tội giao cấu với người
dưới 16 tuổi (Điều 145 BLHS).
Nhận định này là sai.
Không phải mọi hành vi giao cấu thuận tình với trẻ em đều cấu thành Tội giao cấu với
người dưới 16 tuổi (Điều 145 BLHS). Hành vi giao cấu thuận tình với người dưới 16 tuổi
cấu thành Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13
tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 BLHS) khi chủ thể thực hiện hành vi giao câu thuận tình
với người dưới 16 tuổi là người thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) và đối tượng tác động là
người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Còn trường hợp dưới 13 tuổi (cũng dưới 16 tuổi) mà Người phạm tội có hành vi như
trên thì sẽ bị kết tội tại điểm b khoản 1 Điều 142 Tội hiếp dân người dưới 16 tuổi, dù có
thuận tình hay không thuận tình.
24. Mọi trường hợp giao cấu trái pháp luật là giao cấu trái với ý muốn của nạn
nhân.
Nhận định này là sai.
Không phải mọi trường hợp giao cấu trái pháp luật chỉ là giao cấu trái với ý muốn của
nạn nhân. Trong trường hợp giao cấu thuận tình với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi
(theo Khoản 1, Điều 145 BLHS) hoặc giao cấu với người dưới 13 tuổi (dù thuận tình hay
trái ý muốn) (theo Điểm b, Khoản 1, Điều 142 BLHS) thì vẫn là giai cấu trái pháp luật.
25. Mọi trường hợp biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người
khác đều cấu thành Tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 148 BLHS).
Nhận định này là sai.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 148 quy định về Tội lây truyền HIV cho người khác:
“1. Người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người khác, trừ
trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện
quan hệ tình dục, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”.
Theo đó, không phải mọi trường hợp biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh
cho người khác đều cấu thành Tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 148 BLHS).
Trong trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự
nguyện quan hệ tình dục thì hành vi cố ý lây truyền bệnh cho người khác của người
nhiễm HIV không bị cấu thành tội lây truyền HIV cho người khác.
26. Mọi hành vi mua bán người đều cấu thành Tội mua bán người (Điều 150 BLHS).
Nhận định này là sai.
Không phải mọi hành vi mua bán người đều cấu thành Tội mua bán người (Điều 150
BLHS). Theo quy định tại Khoản 3, Chương 4, NQ 04/NQ-HĐTP ngày 29/11/1986, Pháp
luật hình sự đã loại trừ đi một số trường hợp mà cha mẹ vì đông con hoặc vì khó khăn
đặc biệt mà phải bán con mình (dưới hình thức cho làm con nuôi và nhận một số tiền
giúp đỡ) cũng như trường hợp vì hiếm muộn mà mua chính người có con đem bán để về
làm con nuôi thì không phạm tội.
27. Hành vi bắt cóc trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì cấu thành Tội
chiếm đoạt người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 153 BLHS.
Nhận định này là sai.
Hành vi bắt cóc trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản không cấu thành Tội chiếm
đoạt người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 153 BLHS. Theo quy định tại Điều 153 BLHS,
Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi cấu thành khi có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ
lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16
tuổi mà trong hành vi khách quan không có mục đích nhằm chiếm đọat tài sản. Còn hành
vi bắt cóc trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ cấu thành Tội bắt cóc nhằm
chiếm đoạt tài sản (Điều 169 BLHS).
28. Mọi trường hợp bán con đẻ dưới 16 tuổi đều cấu thành Tội mua bán người dưới
16 tuổi theo Điều 151 BLHS.
Nhận định này là sai.
Không phải mọi trường hợp bán con đẻ dưới 16 tuổi đều cấu thành Tội mua bán người
dưới 16 tuổi (Điều 151 BLHS). Theo quy định tại Khoản 3, Chương 4, NQ 04/NQ-HĐTP
ngày 29/11/1986, Pháp luật hình sự đã loại trừ đi một số trường hợp mà cha mẹ vì đông
con hoặc vì khó khăn đặc biệt mà phải bán con mình (dưới hình thức cho làm con nuôi và
nhận một số tiền giúp đỡ) cũng như trường hợp vì hiếm muộn mà mua chính người có
con đem bán để về làm con nuôi thì không phạm tội.
29. Mọi hành vi bịa đặt, lan truyền những điều biết rõ là bịa đặt đều cấu thành Tội
vu khống (Điều 156 BLHS).
Nhận định này là sai.
Không phải mọi hành vi bịa đặt, lan truyền những điều biết rõ là bịa đặt đều cấu thành
Tội vu khống (Điều 156 BLHS). Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 156, BLHS
thì hành vi bịa đặt, lan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm nghiêm trọng
nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là dấu
hiệu khách quan của Tội Tội vu khống (Điều 156 BLHS). Do vậy, nếu trong trường hợp
bịa đặt, lan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhưng không xúc phạm nghiêm trọng
nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì sẽ
không là dấu hiệu khách quan của Tội Tội vu khống (Điều 156 BLHS).
30. Hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật chỉ là hành vi của người không
có thẩm quyền mà thực hiện việc bắt, giữ hoặc giam người
Nhận định này là sai.
Không phải mọi hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật chỉ là hành vi của
người không có thẩm quyền mà thực hiện việc bắt, giữ hoặc giam người. Hành vi bắt, giữ
hoặc giam người trái pháp luật là hành vi của người không có thẩm quyền mà thực hiện
việc bắt, giữ hoặc giam người khi nó là dấu hiệu chủ thể của Tội bắt, giữ, giam người trái
pháp luật (Điều 157 BLHS). Còn trong trường hợp phạm vào Tội lợi dụng chức vụ,
quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377 BLHS) thì hành vi bắt, giữ hoặc
giam người trái pháp luật là hành vi của chủ thể đặc biệt - người có chức vụ, quyền hạn
mà thực hiện việc bắt, giữ hoặc giam người.
31. Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật không chỉ là dấu hiệu định tội của Tội
bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 BLHS).
Nhận định này là đúng.
Hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là dấu hiệu định tội của Tội bắt, giữ
hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 BLHS) khi đối tượng tác động là người từ 16
tuổi trở lên và chủ thể phải là chủ thể thường. Trong trường hợp cũng thực hiện hành vi
bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhưng đối tượng tác động là người dưới 16 tuổi
thì cấu thành Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153 BLHS) hoặc chủ thể là chủ
thể đặc biệt - người có chức vụ, quyền hạn mà thực hiện việc bắt, giữ hoặc giam người thì
cấu thành Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377
BLHS).
32. Hành vi cưỡng bức, buộc người lao động đang làm việc ở các cơ quan Nhà nước,
tổ chức xã hội, các doanh nghiệp phải thôi việc trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm
trọng thì cấu thành Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao
động trái pháp luật (Điều 162 BLHS).
Nhận định này là sai.
Không phải mọi hành vi cưỡng bức, buộc người lao động đang làm việc ở các cơ quan
Nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp phải thôi việc trái pháp luật, gây hậu quả
nghiêm trọng thì cấu thành Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người
lao động trái pháp luật (Điều 162 BLHS). Theo quy định tại Khoản 1, Điều 162 BLHS
hành vi cưỡng bức, buộc người lao động đang làm việc ở các cơ quan Nhà nước, tổ chức
xã hội, các doanh nghiệp phải thôi việc trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng
phải vì vụ lợi hoặc mục đích cá nhân khác thì mới cấu thành tội này. Do vậy, trong
trường hợp có hành vi nêu trên nhưng không vì vụ lợi hoặc mục đích cá nhân khác thì
không cấu thành tội này.
33. Đối tượng tác động của Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái
pháp luật (Điều 162 BLHS) chỉ là cán bộ, công chức, người lao động của các cơ
quan Nhà nước.
Nhận định này là sai.
Căn cứ vào quy định của Khoản 1, Điều 162 BLHS về Tội buộc công chức, viên chức
thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật:
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi
sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000
đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;
c) Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc”.
Theo quy định của Điều 162, đối tượng của Tội buộc công chức, viên chức thôi việc
hoặc sa thải người lao động trái pháp luật không chỉ là công chức, viên chức hoặc người
lao động của các cơ quan Nhà nước. Theo quy định trên, đối tượng của tội phạm này còn
là người lao động, tức người lao động làm việc hay không làm việc trong cơ quan nhà
nước đều là đối tượng tác động của tội phạm này.
34. Chủ thể của Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 166 BLHS) phải là
người có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nhận định này là sai.
Chủ thể của Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 166 BLHS) không chỉ là
người có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo quy định tại Khoản 1,
Điều 166 BLHS, có 2 loại chủ thể có thể là chủ thể của tội phạm này:
- Đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ
quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại,
tố cáo thì chủ thể sẽ là người có chức vụ, quyền hạn.
- Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc
xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo thì chủ thể
trong trường hợp này có thể là chủ thể thường.
35. Hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo là hành vi khách quan của Tội xâm
phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 166 BLHS).
Nhận định này là sai.
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 166 BLHS về Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam
giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo,
việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm
quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo”.
Theo điểm a khoản 1 Điều 166 nếu là chủ thể thường thì hành vi khách quan của tội
phạm này phải nhằm mục đích cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu
nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo, tức là hành vi này nếu nhằm vào
người khiếu nại, tố cáo thì hành vi đó phải xảy ra trong lúc hành động khiếu nại tố cáo
đang diễn ra còn hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo là hành vi diễn ra sau khi khiếu
nại, tố cáo đã kết thúc nên đây không phải là hành vi khách quan của tội phạm này.
36. Mọi hành vi cưỡng ép kết hôn đều cấu thành Tội cưỡng ép kết hôn được quy
định tại Điều 181 BLHS.
Nhận định này là sai.
Không phải mọi hành vi cưỡng ép kết hôn đều cấu thành Tội cưỡng ép kết hôn được
quy định tại Điều 181 BLHS. Theo quy định tại Điều 181 BLHS, hành vi cưỡng ép người
khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ nhưng phải đã bị xử phạt vi phạm hành chính
về hành vi này mà còn vi phạm thì mới cấu thành Tội này.
37. Mọi trường hợp đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác đều cấu thành
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 182 BLHS).
Nhận định này là sai.
Không phải mọi trường hợp đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác đều cấu
thành Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 182 BLHS). Theo quy định tại Điều
182 BLHS, trường hợp đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác cấu thành tội
này khi thuộc một trong các trường hợp:
- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
- Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung
sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
38. Chỉ giao cấu với người có cùng dòng máu về trực hệ mới cấu thành Tội loạn
luân được quy định tại Điều 184 BLHS.
Nhận định này là sai.
Không phải chỉ hành vi giao cấu với người có cùng dòng máu về trực hệ mới cấu thành
Tội loạn luân được quy định tại Điều 184 BLHS. Theo quy định tại Điều 184, BLHS
ngoài hành vi giao cấu với người có cùng dòng máu về trực hệ thì còn cấu thành tội này
khi giao cấu với người là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc
cùng mẹ khác cha. Bên cạnh đó, hành vi giao cấu trên chỉ cấu thành tội này khi người
thực hiện hành vi giao cấu biết rõ người đó là người có cùng dòng máu về trực hệ, là anh
chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Do vậy,
trường hợp giao cấu nhưng không biết rõ người đó cùng dòng máu trực hệ thì không cấu
thành Tội này.
39. Giao cấu thuận tình với người có cùng dòng máu về trực hệ là hành vi chỉ quy
định trong cấu thành Tội loạn luân được quy định tại Điều 184 BLHS.
Nhận định này là sai.
Giao cấu thuận tình với người có cùng dòng máu về trực hệ không chỉ là hành vi quy
định trong cấu thành Tội loạn luân được quy định tại Điều 184 BLHS, mà còn được quy
định trong tội phạm khác. Đối với người thực hiện hành vi giao cấu thuận tình với người
có cùng dòng máu về trực hệ nhưng người đó dưới 13 tuổi thì cấu thành Tội hiếp dâm
người dưới 16 tuổi (Điều 142 BLHS) hoặc người đó từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì có
thể cấu thành Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ
13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 BLHS).
40. Mọi hành vi hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi
dưỡng mình đều cấu thành Tội hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc
người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 BLHS).
Nhận định này là sai.
Không phải mọi hành vi hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công
nuôi dưỡng mình đều cấu thành Tội hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc
người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 BLHS). Theo quy định tại Điều 185 BLHS,
hành vi hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình
cấu thành tội phạm này khi thuộc một trong các trường hợp:
- Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
- Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm
nghèo.

You might also like