You are on page 1of 4

THƯƠNG TỔN CĂN BẢN

MỤC TÊU HỌC TẬP

Sau bài này sinh viên có khả năng:

1.Định nghĩa được TTCB là gì?

2.Trình bày được các loại thương tổn nguyên phát

2.Trình bày được các loại thương tổn thứ phát

3. Nắm được tầm quan trọng của thương tổn căn bản,cách sắp xếp và phân bố thương
tổn trong chẩn đoán các bệnh về da.

I. ĐẠI CƯƠNG

Trong thời đại y học phát triển các xét nghiệm cận lâm sàng ngày càng được
quan tâm. Nhưng đối với bệnh da liễu thì việc khám thực thể da vẫn là phần quan trọng.
Khám lâm sàng trong bệnh da chính là tìm và đọc thương tổn căn bản(TTCB),cách sắp
xếp và phân bố thương tổn trên cơ thể.

Như vậy TTCB là thương tổn ngoài da mới xuất hiện hoặc xuất hiện đã lâu
nhưng đặc tính của nó vẫn còn giữ nguyên vẹn chưa trãi qua diễn biến tự nhiên của
bệnh hoặc chưa bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như thuốc bôi, cào gãi, bội nhiễm.
(còn được gọi là tổn thương nguyên phát)

Bên cạnh nhóm tổn thương căn bản thì còn có nhóm tổn thương xuất hiện ở giai
đoạn muộn, xuất hiện khi bệnh đang diễn tiến nhưng đã bị biến dạng do cào gãi, do bôi
thuốc hoặc do bội nhiễm.

II.MÔ TẢ THƯƠNG TỔN CĂN BẢN


1.THƯƠNG TỔN NGUYÊN PHÁT
1.1 DÁT(macule) : Là sự thay đổi màu sắc của da, bằng với mặt da.Thương tổn
có giới hạn rõ hoặc không rõ. Hình dạng và kích thước bất kỳ, có thể chỉ là một điểm
nhỏ hoặc lớn.Đối với những dát lớn người ta còn gọi là đốm hoặc khoảng hoặc mảng
(patch).Thương tổn dát thường liên quan đến bệnh lành tính.
- Dát sắc tố: là sự thay đổi màu da do tăng hoặc giảm số lượng tế bào sắc tố
melanin trong thượng bì, có 2 loại:
+Tăng sắc tố: tàn nhang, rám má
+Giảm sắc tố: bạch biến, lang ben,…
- Dát hồng ban: màu hồng hay đỏ có tính chất viêm do giãn mạch, sung huyết,
không tẩm nhuận (mất khi đè)
- Dát mạch máu: màu hồng hay đỏ sẫm do dãn thường trực của các mạch ở lớp
bì, không có tính chất viêm,không tẩm nhuận.Ví dụ: dãn mao mạch, u mạch phẳng.
- Dát xuất huyết: dát màu đỏ tươi do sự thoát mạch của hồng cầu trong lớp, tẩm
nhuận (không mất khi đè) nhưng sẽ tự chuyển màu từ đỏ sang tím đến nâu rồi vàng và
biến mất trong vòng một đến hai tuần. Ví dụ: xuất giảm tiểu cầu, phát ban do siêu vi
1.2 SẨN (papule): Là thương tổn nhô cao lên mặt da, đường kính < 1cm, bên
trong đặc, sờ chắc, thường biến mất trong thời gian ngắn và không để lại sẹo. nhiều sẩn
họp lại tạo thành mảng (plaque).Hình dạng sẩn có thể nhọn, tròn, đa giác, hoặc lõm ở
trung tâm (u mềm lây)
-Sẩn thượng bì: do tăng sản thượng bì.Vd: mụn cóc phẳng
-Sẩn bì: +Do tích tụ huyết thanh còn gọi sẩn phù.Gặp trong mày đay
+Do thâm nhiễm tế bào.Gặp trong sẩn giang mai
-Sẩn bì và thượng bì: gặp trong lichen phẳng
-Sẩn nang lông: do tăng sinh quanh lỗ chân lông. Gặp trong dày sừng
nang lông, vẩy phấn đỏ nang lông.
1.3 MỤN NƯỚC (Vésicule) :Thương tổn có d< 5mm, nhô cao hơn mặt da, có
giới hạn rõ, chứa dịch trong hay đục.Thương tổn sẽ vỡ ra đóng mài xẹp đi và tróc
vảy.Ví dụ : chàm, herpes, zona,.
1.4 BÓNG NƯỚC ( bulle): Thương tổn giống mụn nước nhưng có kích thước d
>5mm.có thể căng hoặc chùng, có thể chứa dịch trong, đục hoặc có máu , khi vỡ ra để
lại vết lở xung quanh có viên thượng bì tróc, bề mặt rỉ dịch, đóng mày..
Ví dụ : pemphigus, Duhring,Ly thượng bì bóng nước.
1.5 MỤN MỦ (pustule):Thương tổn có giới hạn rõ, nhô cao hơn mặt da, bên
trong chứa mủ , kích thước và màu sắc có thể thay đổi(màu sữa hay màu vàng hay màu
hơi xanh).Có 2 loại
-Mụn mủ thượng bì: gặp trong vẩy nến mủ,thủy đậu, zona giai đoạn bội nhiễm.
-Mụn mủ nang lông: gặp trong mụn trứng cá, viêm nang lông.

1.6 CỦ (Tubercule):Thương tổn tương tự như sẩn nhưng thâm nhiễm sâu ở phần
bì. Biến mất để lại sẹo.Củ có thể nhô cao hơn mặt da hay bằng với mặt da.

Ví dụ : củ phong, giang mai giai đoạn 3…

1.7 CỤC (nodule) :Thương tổn là thể đặc nằm sâu trong hạ bì và lớp bì,giới hạn
rõ, thường hình tròn hay hình trứng, thường phát hiện bằng cách sờ nắn hơn là nhìn.
Đối với cục có tính chất viêm gọi là gôm.Ví dụ : nấm sâu, hồng ban nút,giang mai…

1.8 SÙI (végétation): Cấu tạo bởi các nhú bì phát triển thành một khối nhô cao,
có giới hạn rõ. Bề mặt sùi có phủ một lớp thượng bì mỏng Ví dụ : sùi mào gà.

1.9 SẨN SỪNG( Verrucosite):Thương tổn sùi có bề mặt hóa sừng. ví dụ như
mụn cóc
1.10 NANG (kyste):Là túi chứa dịch lỏng hình tròn hoặc bầu dục.khi sờ nắn có
cảm giác lình bình như khi ấn vô nhãn cầu.Ví dụ: nang bã

Ngoài những thương tổn trên, còn có những thương tổn khác như : vết loét (săng
hạ cam, ap-tơ) , vết trợt ( săng giang mai 1,…)

2.THƯƠNG TỔN THỨ PHÁT

2.1 VẢY(squame) : Là những phiến thượng bì mỏng tróc trên bề mặt da.Vảy có
thể mịn như cám (lang ben, vảy phấn hồng Gibert), hoặc thành miếng (vảy nến)

2.2 VẢY TIẾT HAY MÀI (croute) : Là sự đông đặc lại của chất dịch huyết
thanh, mủ hay máu trên bề mặt của da. Mài có thể mỏng hoặc dày. Tùy theo nguyên
nhân mà vảy tiết có màu khác nhau: vàng(huyết thanh), vàng xanh(mủ), đen(máu).Ví
dụ : chàm cấp, chốc, thủy đậu…

2.3 VẾT XƯỚC ( excoriation )Là vết trầy nông của thượng bì có thể thành
đường dài hay đám nhỏ do cào gãi. Thường gặp trong chàm thể tạng,ghẻ ngứa,..

2.4 VẾT NỨT(Fissure): Là sự phân cắt thành đường của da nhưng không tách
rời.Vd: nút gót chân, chàm đầu chi

2.5 VẾT LỞ HAY TRỢT(Erosion) Chỉ mất một phần lớp thượng bì, hoặc một
phần niêm mạc. rất nông màu đỏ, rỉ dịch huyết thanh, khi lành không để lại sẹo.Ví dụ:
săng giang mai

2.6 VẾT LOÉT(ulceration) Da bị mất đến tận lớp bì nên khi lành để lại sẹoĐây
vừa là thương tổn nguyên phát vừa là thương tổn thứ phát.Ví dụ : loét lổ đáo, loét sâu
quảng

2.7 LICHEN HÓA : Do gãi, cọ xát thường xuyên .Da dày lên có màu nâu, có
các đường rãnh ngang dọc nằm sâu vẽ thành ô không đều.Ví dụ : chàm mãn.

2.8 CỨNG DA:Do lớp bì đặc lại làm mất độ đàn hồi của da.Thường gặp trong
bệnh xơ cứng bì

2.9 TEO DA : Da bị teo lõm xuống do lớp thượng bì hoặc lớp bì bị mỏng đi.có
thể nhìn thấy được tĩnh mạch bên dưới.Ví dụ : lão hóa da, rạn da,…

2.10 SẸO : Sự tạo thành bất thường của lớp mô liên kết dưới da theo sau một tổn
thương da.Ví dụ : phỏng, sẹo mụn, thủy đậu,…Sẹo có thể phì đại do sự phát triển quá
mức của chất tạo keo hoặc có thể teo.
III.VỊ TRÍ CHỌN LỌC CỦA MỘT SỐ THƯƠNG TỔN :

Trứng cá : tổn thương ở vùng tiết bã : cằm, má, trán, ngực trên và lưng trên.

Vảy nến : tổn thương vùng tì đè : cùi chỏ, đầu gối, da đầu, vùng xương
thiêng( xương cùng cụt),…

Ghẻ : tổn thương vùng kẻ ngón tay, ngón chân, cổ tay, nách, rốn, mông, bộ phận
sinh dục,…

Lupus đỏ : tổn thương vùng phơi bày ánh sáng : mặt, cổ, ngực, da đầu, mặt trước
tay, …

IV.CÁCH SẮP XẾP THƯƠNG TỔN : Các thương tổn có thể :

Đứng riêng rẽ hoặc tụ lại thành chùm như : herpes, duhring.

Xếp thành hình nhẫn, hình đa cung, vòng tròn : hồng ban đa dạng, nấm da.

Xếp thành đường dài : lichen phẳng.

Xếp theo dây thần kinh : zona.

Xếp theo hình bản đồ : lang ben,..

V. KẾT LUẬN

Thương tổn căn bản là một yếu tố quan trọng để chẩn đoán bệnh ngoài da. Tuy
nhiên để có được một chẩn đoán chính xác cần phải xem thêm cách sắp xếp các thương
tổn, vị trí và một số đặc điểm khác riêng biệt cho từng bệnh nhân.Vì vậy muốn chẩn
đoán bệnh da một cách đúng đắn và khoa học chúng ta phải phân tích tỉ mỉ các thương
tổn cơ bản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Fitzpatrick’s. Color Atlat and Sinopsis of Clinical Dematology 2009, p.28-34.


2. Nguyễn Văn Út. Da liễu thực hành 1990, tr.11-15.
3. Hoàng Văn Minh.Chẩn đoán bệnh da bằng hình ảnh và cách điều trị 2020,tập1.
4. Hoàng Văn Minh. Thương tổn căn bản. Bài giảng bệnh Da liễu, Nhà xuất bản y
học 2002, tr.10-24.

You might also like