You are on page 1of 8

MỞ BÀI

Trong xu hướng toàn cầu hóa, các nước trên thế giới đang hội nhập mạnh
mẽ vào nền kinh tế khu vực cũng như nền kinh tế thế giới trên cơ sở đa phương
hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế. Để có thể tiến hành từng bước hội
nhập vững chắc và thành công, một nhân tố không thể thiếu đó chính là hành
lang pháp lý tiến bộ, theo kịp với thực tiễn quốc tế. Xét trong lĩnh vực thương
mại quốc tế, các nước tham gia phải xây dựng và áp dụng nghiêm túc hệ thống
các nguyên tắc nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong hệ
thống các nguyên tắc đó, nguyên tắc đối xử quốc gia, viết tắt là NT- là một trong
những nguyên tắc quan trọng nhất. Để tìm hiểu kĩ hơn về nguyên tắc NT trong
thương mại hàng hóa, em xin được nghiên cứu đề tài số 06:

“1. Phân tích nội dung nguyên tắc đối xử quốc gia trong lĩnh vực thương
mại hàng hóa theo quy định của WTO .

2. Lựa chọn một tranh chấp liên quan đến Điều III GATT và phân tích” .

NỘI DUNG

1. Một số vấn đề lí luận chung về nguyên tắc đối xử quốc gia trong lĩnh
vực thương mại hàng hóa
1.1. Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) trong lĩnh vực thương mại hàng hóa

Quy chế đãi ngộ quốc gia là một bộ phận cấu thành quan trọng của nguyên
tắc không phân biệt đối xử. Nguyên tắc này được hiểu là dựa trên cam kết thương
mại, một nước sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước khác những
ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm,
dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình. Điều này có nghĩa là nước nhập khẩu không
được đối xử phân biệt giữa sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp trong nước với sản
phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp nước ngoài về thuế và các khoản lệ phí trong nước
cũng như về điều kiện cạnh tranh.

Nguyên tắc NT trong thương mại hàng hóa được quy định chủ yếu trong
Điều III GATT.

1.2. Ý nghĩa của nguyên tắc NT trong thương mại hàng hóa

Thứ nhất, ngăn cản sự phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại và các
nước nhập khẩu hàng hóa. Nếu như quy chế MFN hướng tới mục đích cấm sự
phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại, tức là bảo đảm một sân chơi bình
đẳng, không có sự phân biệt đối xử đối với hoạt động thương mại của doanh
nghiệp từ các quốc gia thành viên WTO thì NT lại bảo đảm sự bình đẳng cạnh
tranh giữa sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa của nước nhập khẩu.

Thứ hai, nguyên tắc đãi ngộ quốc gia là quy chế quan trọng giúp mở cửa thị
trường và tự do hóa thương mại. NT thiết lập nghĩa vụ đối với quốc gia trong việc
đối xử bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và nội địa, từ đó thúc đẩy việc tự do
thương mại giữa các nước thành viên.

2. Nội dung nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) trong lĩnh vực thương mại
hàng hóa
2.1. Quy định về các đối tượng chi phối của quy chế NT

Theo khoản 1 Điều III GATT 1994, đối tượng áp dụng nguyên tắc đối xử
quốc gia gồm có:

Một là, thuế và lệ phí trong nước. Các nước thành viên không được phép
đánh thuế và các lệ phí đối với sản phẩm nhập khẩu cao hơn so với sản phẩm nội
địa cùng loại. Mặt khác, các nước thành viên cũng không được phép áp dụng thuế
và lệ phí trong nước đối với sản phẩm nhập khẩu hoặc sản phẩm nội địa theo
phương pháp nào đó nhằm bảo hộ cho sản xuất trong nước ( khoản 2 Điều III)

Hai là, về quy chế mua bán: Điều III.4 quy định về luật pháp, quy tắc và quy
định tác động đến bán hàng, chào bán, mua, chuyên chở, phân phối hoặc sử dụng
hàng trên thị trường nội địa của các mặt hàng nhập khẩu không được phép đối xử
kém ưu đãi hơn so với sản phẩm nội địa cùng loại

Ba là, quy chế về số lượng. Các nước không được phép đặt ra hoặc duy trì
quy chế trong nước về số lượng liên quan đến sự pha trộn, chế biến hoặc sử dụng
các sản phẩm theo một số lượng hoặc tỉ lệ nhất định, trong đó yêu cầu rằng số
lượng hoặc tỉ lệ pha trộn của sản phẩm là đối tượng của quy chế này phải được
cung cấp từ nguồn trong nước, hay áp dụng quy chế số lượng này theo cách thức
nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

2.2. Quy định về sản phẩm “tương tự”, sản phẩm “cạnh tranh trực tiếp hay
có thể bị thay thế”

Khoản 2 và 4 Điều III GATT đều nhắc tới sản phẩm tương tự , nó được xác
định thông qua các tiêu chí giống như trong MFN: thành phần, tính chất vật lí của
sản phẩm; tính năng cuối cùng của sản phẩm; thói quen và thị hiếu của người tiêu
dùng; vị trí trên biểu thuế. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà khái niệm tương tự
phải được giải thích theo nghĩa rộng, hẹp khác nhau.

Tại câu thứ hai của khoản 2 Điều III cấm thuế nội địa có tác động phân biệt
đối xử đối với sản phẩm nhập khẩu cạnh tranh trực tiếp hay có thể trực tiếp thay
thế cho sản phẩm nội địa, nhằm bảo hộ cho sản phẩm nội địa.

2.3. Đảm bảo không phân biệt đối xử từ góc độ các quy định pháp luật cũng
như trên thực tế
Một số thuế và quy định của quốc gia nhập khẩu được quy định áp dụng như
nhau đối với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ nội địa của các nước thành viên khác.
Tuy nhiên, hậu quả áp dụng đó là sự phân biệt đối vử hàng hóa nội địa và hàng hóa
xuất khẩu. Đối với quy chế NT, luật WTO không chỉ cấm phân biệt đối xử trên văn
bản luật, mà cả sự phân biệt đối xử trên thực tế, tức là sự phân biệt đối xử là hậu
quả của việc áp dụng các biện pháp gây bất lợi cho sản phẩm nhập khẩu trong
tương quan với sản phẩm nội địa trên thị trường.

2.4. Ngoại lệ của nguyên tắc NT trong thương mại hàng hóa

Thứ nhất, ngoại lệ liên quan tới mua sắm chính phủ. Nguyên tắc đối xử
quốc gia không áp dụng đối với các luật và quy định về việc các cơ quan chính phủ
mua sắm nhằm mục đích tiêu dùng cho chính phủ chứ không để bán lại nhằm mục
đích thương mại. Khi mua sắm nhằm mục đích cho tiêu dùng, các cơ quan chính
phủ có thể ưu tiên mua hàng nội địa thay vì hàng nhập khẩu.

Thứ hai, ngoại lệ liên quan đến các khoản trợ cấp chỉ giành cho nhà sản xuất
nội địa. Các khoản trợ cấp ở đây phải được cung cấp trực tiếp từ ngân sách nhà
nước, nó không bao gồm các loại tín dụng, miễn thuế, giảm thuế đối với nhà sản
xuất trong nước .

Thứ ba, ngoại lệ liên quan tới phim trình chiếu. Việc áp dụng nguyên tắc đối
xử quốc gia không làm các nước thành viên mất quyền duy trì quy tắc hạn chế số
lượng phim trình chiếu, nhằm ưu đãi cho việc trình chiếu phim nội địa, theo đúng
với quy định tại Điều IV GATT.

3. Vụ tranh chấp liên quan đến Điều III


3.1. Tóm tắt vụ tranh chấp
Sau khi gia nhập WTO, Newland đã sửa đổi thuế cho các loại nước giải khát
có cồn và không cồn với mức thuế VAT được áp dụng như sau: 2% đối với nước
giải khát không cồn sản xuất ở trong nước và 5% đối với tất cả các loại nước giải
khát không cồn nhập khẩu khác.

3.2. Phân tích

Để xác định biện pháp thuế VAT của Newland có vi phạm Điều III.2
GATT 1994 hay không cần phải lần lượt làm rõ các vấn đề như sau:

1. Nước giải khát không cồn nội địa và nước giải khát không cồn nhập khẩu
từ Richland có phải là những sản phẩm tương tự và hàng hóa này từ Richland có bị
đánh thuế VAT vượt mức thuế VAT đánh vào sản phẩm nội địa tương tự?

2. Nếu chúng không phải là sản phẩm tương tự, chúng có phải là sản phẩm
cạnh tranh hoặc thay thế trực tiếp cho nhau hay không; có sự khác biệt về thuế
VAT giữa nước giải khát không cồn nhập khẩu từ Richland và sản phẩm thay thế
nội địa không; sự khác biệt về thuế VAT đó có tạo ra hậu quả bảo hộ ngành sản
xuất nội địa?

* Trước tiên, cần phải xác định nước giải khát không cồn nhập khẩu từ
Richland và nước giải khát không cồn nội địa có phải là sản phẩm tượng tự trong
phạm vi Điều III.2 GATT 1994

Thuật ngữ “sản phẩm tương tự” không được định nghĩa cụ thể trong GATT
1994. Trong vụ Japan – Alcoholic Beverages II, khái niệm “sản phẩm tương tự” đã
được đem so sánh với cây đàn accordion để cho thấy khái niệm này phải được hiểu
một cách linh hoạt dựa trên hoàn cảnh của vụ việc và điều luật trong các hiệp định
WTO được viện dẫn. Sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm sản xuất trong nước có
được coi là tương tự hay không cần phải xác định trên từng vụ việc cụ thể. Các sản
phẩm phải được đặt trong mối quan hệ cạnh tranh để cân nhắc các yếu tố đã được
thừa nhận qua các án lệ là: đặc tính vật lý, công dụng cuối cùng, thị hiếu của người
tiêu dùng và phân loại thuế quan. Sản phẩm tương tự trong phạm vi của Điều III.2
câu thứ nhất GATT phải được giải thích theo nghĩa hẹp.

Dựa trên bản chất và phạm vi mối quan hệ cạnh tranh giữa hai loại sản phẩm
này, và từ biểu thuế VAT có thể nhận thấy nước giải khát không cồn nhập khẩu từ
Richland và nước giải khát không cồn sản xuất nội địa cùng một biểu thuế VAT,
do đó chúng là các sản phẩm tương tự.

* Thứ hai, nước giải khát không cồn nhập khẩu từ Richland có bị áp thuế
VAT vượt mức so với thuế áp cho sản phẩm tương tự nội địa hay không?

Điều III.2 GATT không viện dẫn đến điều III.1, nên sự hiện diện của yếu tố
áp dụng mang tính chất bảo hộ không cần thiết phải được thiết lập để cho thấy có
sự vi phạm câu thứ nhất. Tuy nhiên không có nghĩa là nguyên tắc chung của điều
III.1 không áp dụng đối với việc giải thích điều III.2 này. Theo quy định tại câu thứ
nhất điều III.2 yêu cầu mức thuế nội địa đánh vào hàng nhập khẩu vượt mức thuế
nội địa đánh vào hàng nội địa mà không cần chứng minh hậu quả bảo hộ hàng nội
địa. Hơn nữa, mức chênh lệch được nêu ra ở câu thứ nhất. Điều III.2 cũng không bị
yêu cầu phải vượt quá ngưỡng tối thiểu là bao nhiêu. Ngay cả mức nhỏ nhất vượt
quá cũng cho thấy sự vi phạm.

Mức thuế VAT 5% mà Newland đánh vào nước giải khát không cồn nhập
khẩu từ Richland đã “vượt quá” mức thuế VAT 2% đánh vào sản phẩm nội địa
tương tự. Biện pháp thuế VAT của Newland có khả năng lớn vi phạm Điều III.2
câu thứ nhất và không cần thiết phải xem xét liệu có vi phạm điều III.2 câu thứ hai
hay không.
3.3. Kết luận vụ tranh chấp:

Newland đã vi phạm Điều III.2 GATT câu thứ nhất khi áp mức thuế VAT
5% cho nước giải khát không cồn nhập khẩu từ Richland “vượt quá” mức VAT 2%
áp cho nước giải khát không cồn sản xuất trong nước.

KẾT LUẬN

Đối với thương mại hàng hóa, việc áp dụng nguyên tắc NT là một
nghĩa vụ chung (general obligation), có nghĩa là hàng hoá nước ngoài sau khi đã
đóng thuế quan hoặc được đăng ký bảo vệ hợp pháp được đối xử bình đẳng như
hàng trong nước đối với thuế và lệ phí nội địa, các quy định về mua, bán, phân
phối vận chuyển. Việc tuân thủ đúng nguyên tắc NT là một yêu cầu quan trọng cho
các quốc gia nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng trong quan hệ thương mại
quốc tế.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình luật thương mại quốc tế trường đại học luật Hà Nội, NXB
công an nhân dân, 2016
2. Giáo trình luật thương mại quốc tế- phần I, trường đại học luật thành phố
Hồ Chí Minh, NXB Hồng Đức- Hội luật gia Việt Nam, 2013
3. Giáo trình luật thương mại quốc tế trường đại học quốc gia Hà Nội, NXB
đại học quốc gia Hà Nội
4. Giáo trình luật thương mại quốc tế- textbook on international trade and
business law, NXB thanh niên, 2017.

You might also like