You are on page 1of 2

CẢNH KHUYA

Người xưa có câu nói rằng: “Trăng vốn có duyên nợ với thi nhân”. Trong thế giới văn học từ xưa
đến nay, đề tài về vầng trăng luôn là một đề tài lớn và gợi cho các nhà thơ những nguồn cảm hứng sáng tác vô
tận. Và đối với chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Bên cạnh sự nghiệp cách
mạng vĩ đại, Người còn để lại cho hậu thế một số lượng lớn với những bài thơ viết về hình ảnh ánh trăng.
Trong đó không thể không nhắc đến bài thơ “Cảnh khuya” được sáng tác vào năm 1947 ở chiến khu Việt Bắc.
Tác phẩm miêu tả một bức tranh phong cảnh thiên nhiên nơi núi rừng Việt Bắc trong đêm trăng với một vẻ đẹp
lãng mạn, qua đó bộc lộ chiều sâu tâm hồn của Người.

Tác phẩm “Cảnh khuya” được Người sáng tác vào năm 1947, giai đoạn đầu tiên của cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp với biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Và trong một đêm trăng đẹp, khi giữa đêm
khuya lo nghĩ về cuộc kháng chiến, Bác ngắm cảnh và viết lên nỗi lòng. Bài thơ không chỉ tả thực về vẻ đẹp
của núi rừng mà còn gửi gắm tâm sự của người lãnh tụ đang lo cho vận mệnh dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chiến khu Việt Bắc là nơi chỉ đạo chiến lược đấu tranh của
cuộc Cách mạng, mang vai trò quan trọng. Nhưng không vì thế mà vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ của Việt Bắc
bị lu mờ. Đặc biệt, với tâm hồn tinh tế và yêu thiên nhiên của bác Hồ, Việt Bắc cảnh khuya hiện ra đẹp như một
bức tranh với hai câu thơ đầu tiên.

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Ở câu thơ đầu, ta thấy được hòa quyện trong vẻ đẹp của rừng đêm thanh vắng, yên tĩnh, âm thanh
của đêm là tiếng suối róc rách, tiếng gió rì rào. Đó là thứ âm thanh trong trẻo, bình yên dù hoàn cảnh đời thực
có đang khó khăn, cam go ra sao. Cái tài tình của thơ Hồ Chí Minh là ở cách gieo vần. Với hai thanh trắc là
“tiếng suốt” và “tiếng hát” được gieo xen với các thanh bằng, tác giả đã mang đến cho người đọc tất thảy cung
bậc trầm bổng của dòng suối đang chảy. Và hơn thế, tiếng suối trong trẻo ấy trở nên có hồn hơn khi được Bác
liên tưởng đến tiếng hát của ai xa xa. Đó là một âm hưởng rất đặc biệt, là một bản nhạc vang lên trong một
khoảnh khắc tĩnh lặng bởi nếu không, nó sẽ hòa lẫn với bao nhiêu âm thanh phức tạp của cuộc sống. Từ đó độc
giả cảm nhận được rằng, dù giữa gian lao của cuộc kháng chiến, đồng bào ta, chiến sĩ ta vẫn giữ tinh thần lạc
quan, vẫn luôn yêu thiên nhiên và cất tiếng hát yêu đời giữa đêm thanh vắng. Ở câu thơ thứ hai, hình ảnh thiên
nhiên được miêu tả rất rõ nét với điệp từ “lồng”. Hình ảnh của ánh trắng là hình ảnh truyền thông của thi ca cổ.
Ánh trăng lồng vào bóng cây cổ thủ, rồi lồng xuống khóm hoa, in hình trên mặt đất, tạo nên một vẻ đẹp đan xen
chập trùng. Cách kết hợp hoa với trăng đã tạo nên vẻ đẹp đầm ấm và quấn quýt của thiên nhiên. Động từ “lồng”
có tác dụng liên kết ba sự vật khác nhau để hòa quyện và tôn lên vẻ đẹp của nhau. Hai câu thơ tả cảnh mang
đến cảm giác như ta đang lạc vào trốn thần tiên, giữa tiếng suối róc rách, giữa ánh sáng dịu dàng, diệu kỳ của
trăng. Và sự tinh tế trong bút pháp miêu tả của Hồ Chí Minh là đưa cái tĩnh và cái động giao hòa vào nhau, nổi
bật vẻ đẹp của nhau tạo nên một tổng thể của bức tranh thiên nhiên hoàn hảo, gần gũi mà tươi mới.

Nếu như ở hai câu thờ đầu hiện ra với hình tượng thiên nhiên đẹp đẽ thì ở hai câu thơ cuối đã hiện
lên được hình tượng của con người giữa cảnh rừng khuya với đêm trăng.

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Câu thứ ba trong bài thơ là một câu chuyển ý thơ, một cách chuyển rất độc đáo mà cũng không kém
phần tinh tế. Hai câu đầu miêu tả cảnh khuya, và câu thơ thứ ba tiếp nối miêu tả hình ảnh của con người trong
màn đêm cùng với ánh trăng sáng – một ánh trăng soi sáng tương lai độc lập và tự do của đất nước. Và đó là
cách chuyển từ tả cảnh sang tả tình thật uyển chuyển; đồng thời còn thể hiện được tài năng văn chương của Bác
kết tinh từ một tâm hồn chiến sĩ và một tâm hồn thi sĩ cao đẹp, lãng mạn. Cảnh khuya thật đẹp, và tâm hồn yêu
thiên nhiên, gần gũi với muôn loài của Bác tất nhiên không thể bỏ qua. Điệp từ “chưa ngủ” lặp lại ở câu 3 và
câu 4 mở ra hai phía tâm trạng của Bác: chưa ngủ vì rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, và chưa ngủ vì lo
lắng cho vận mệnh của đất nước, dân tộc. Nỗi nước nhà ấy là cuộc kháng chiến còn cam go trước mặt, là vận
mệnh dân tộc, là cuộc sống của nhân dân. Từ “nỗi” với dấu ngã như thể hiện sự trăn trở kéo dài, day dứt không
nguôi. Cảnh khuya tuyệt mĩ nơi núi rừng như càng khắc họa sâu thêm hình ảnh của một con người đang trằn
trọc, suy tư.

Bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh vừa kết tinh những giá trị nghệ thuật đặc sắc của thơ thất
ngôn tứ tuyệt Đường luật, vừa in đậm dấu ấn sáng tạo của tác giả. Nhà thơ đã sử dụng một cách linh hoạt và
điêu luyện các yếu tố đặc trưng của thể loại: sự hòa phối thanh điệu, kết cấu chặt chẽ, tính cô đọng, hàm súc …
Tác giả đã thành công khắc họa với hình ảnh trăng soi sáng nơi chiến khu của cuộc cách mạng giành lại một
tương lai độc tập – tự do – hạnh phúc cho đất nước qua các nghệ thuật đặc sắc. Tác phẩm được viết theo thể thơ
thất ngôn tứ tuyệt Đường luật tuân thủ theo niêm liệt rất chặt chẽ mà vẫn gợi lên được những tâm tư, suy nghĩ
của Người. Các hình ảnh thơ trong sáng, đẹp đẽ, kết hợp với những biện pháp tu từ như: nhân hóa, điệp từ …
Bằng những cảm nhận tinh tế, ngòi bút tài hoa đã vẽ nên hình ảnh của một vầng trăng đẹp đẽ mà đầy ý nghĩa.
Đây còn là một trong những bài thơ tiêu biểu đại diện cho phong cách văn chương riêng của chủ tịch Hồ Chí
Minh: mang một màu sắc cổ điển nhưng rất hiện đại.

Chỉ với vỏn vẹn bốn câu thơ ngắn gọn, cô đọng mà tác phẩm được coi là một bài thơ giản dị nhưng
lại vô cùng sâu sắc và cao đẹp. Tác phẩm “Cảnh khuya” khép lại nhưng đọng lại trong tâm trí độc giả hòa
quyện hình ảnh thiên nhiên và cảnh khuya nơi chiến khu Việt Bắc – một bức tranh tuyệt mĩ. Qua đây, người
đọc cảm nhận được vẻ đẹp của tâm hồn Người: một tâm hồn thi sĩ hòa lẫn trong một cốt cách chiến sĩ vĩ đại –
một chất tình kết hợp với chất thép vô cùng tinh tế.

You might also like