You are on page 1of 3

CAMPYLOBACTER

Người soạn: PGS- TS. Võ Thị Chi Mai

MỤC TIÊU
Sau khi học xong, sinh viên có khả năng:
1/ Mô tả được Campylobacter jejuni qua tính chất vi sinh học
2/ Trình bày bệnh sinh học do C. jejuni.
3/ Nêu cách chẩn đoán vi sinh học đối với C. jejuni.
4/ Phân biệt tính chất vi sinh, khả năng gây bệnh ở người của C jejuni và C fetus.

MỞ ĐẦU
Campylobacter gồm những vi khuẩn khó mọc trên những môi trường nuôi cấy bình thường trong
phòng xét nghiệm. Hầu hết chúng chỉ mọc được trong khí trường vi hiếu khí.
Campylobacter là một chi xoắn khuẩn (spirilla) Gram âm gây bệnh ở người và gia súc trên toàn thế
giới. Chúng gây cả chứng tiêu chảy lẫn bệnh toàn thân. Thoạt tiên chúng được xếp vào chi Vibrio
với sự phân lập đầu tiên Vibrio fetus năm 1909 từ các thai cừu bị sẩy. Năm 1931 Jones và cộng
sự khám phá Vibrio jejuni gây bệnh lỵ mùa đông cho bò. Năm 1957 King mô tả đầu tiên tính gây
bệnh trên người của Vibrio fetus khi phân lập vi khuẩn từ máu của bệnh nhi mắc lỵ cấp tính. Năm
1972, Dekeyser và cộng sự phân lập Vibrio jejuni trong phân bệnh nhân lỵ. Sau đó người ta đặt lại
tên cho các vi khuẩn này là Campylobacter (nguồn gốc từ chữ Hy lạp Kampylos = cong, và bacter
= que) để phân biệt chi vi khuẩn này với Vibrio.
CÁC CAMPYLOBACTER
HÌNH DẠNG VÀ TÍNH CHẤT TĂNG TRƯỞNG
Chi Campylobacter thuộc họ Campylobacteraceae; chúng gồm có 32 loài và 13 phân loài, trong đó
bốn loài là tác nhân thường gặp gây bệnh ở người.
Campylobacter là những vi khuẩn Gram âm nhỏ (0,2-0,5 mm x 0,5-5,0 mm), có dạng dấu phẩy nếu
chiều dài ngắn, hoặc chữ S nếu chiều dài trung bình, hoặc dạng xoắn (spirillum) nếu vi khuẩn dài
hơn. Vi khuẩn không sinh nha bào, thuộc loại vi hiếu khí. Vi khuẩn di động nhanh kiểu xoắn mở
nút chai nhờ một tiên mao ở một đầu.
Campylobacter nhân đôi chậm hơn nhiều so với vi khuẩn đường ruột, vì vậy chỉ có thể phân lập
chúng bằng kỹ thuật đặc biệt như dùng thạch máu chọn lọc chứa kháng sinh hoặc dùng phương
pháp lọc để phân lập trên môi trường không chọn lọc. Với kích thước nhỏ Campylobacter qua được
giấy lọc 0,45 m trong khi vi khuẩn đường ruột thường bị giữ lại.
Trên thạch, khúm nhỏ, tròn, phẳng hay hơi lồi, màu xám hoặc nâu dà sau 48 giờ ủ. Trên thạch mềm
vi khuẩn mọc lan thành một màng mỏng, hơi mờ. Trong canh thang thioglycolate, vi khuẩn mọc
thành một vùng hẹp cách bề mặt vài milimét. Chúng nhạy cảm với pH thấp. Không oxid hóa cũng
không lên men đường mà sử dụng các aminoacid và sản phẩm trung gian của chu trình biến dưỡng
tricarboxylic acid. Phản ứng oxidase +. Gọi là vi hiếu khí vì vi khuẩn không mọc được trong điều
kiện hiếu khí dù vẫn dùng oxy làm chất nhận điện tử cuối cùng, mà chỉ tăng trưởng tốt nhất trong 5-
7% oxy cùng với nồng độ CO2 5-10%. Trong nuôi cấy già, vi khuẩn thoái biến và có dạng coccoid.
Nhóm gây bệnh cho người gồm các Campylobacter ưa nhiệt, mọc tốt nhất ở 42-45C nhưng đều
mọc được ở 37C. Có thể chia chúng thành 2 nhóm chính: nhóm gây tiêu chảy, điển hình là C.
jejuni; và nhóm gây bệnh ngoài ruột, như là C. fetus.
Campylobacter jejuni gây viêm ruột hầu hết các trường hợp; còn khoảng 10% do Campylobacter
upsaliensis; từ 2% đến 5% do Campylobacter coli. Không giống những vi khuẩn trên, Campylobacter
fetus chủ yếu gây nhiễm khuẩn hệ thống, như nhiễm khuẩn huyết, viêm tắc tĩnh mạch, viêm khớp,
phá thai nhiễm khuẩn, và viêm màng não.

1
Campylobacter jejuni
HÌNH DẠNG VÀ TÍNH CHẤT NUÔI CẤY: như trên. C. jejuni tăng trưởng ở 42oC tốt hơn 37oC.
SỨC ĐỀ KHÁNG
C. jejuni không chịu được sự khô ráo hay nhiệt độ làm đông. Dù vậy, chúng tồn tại trong sữa, thực
phẩm, nước ở 4oC trong nhiều tuần. Phương pháp tiệt trùng Pasteur cũng như nồng độ chlor tẩy uế
nước đủ phá hủy được vi khuẩn.
CẤU TRÚC KHÁNG NGUYÊN
Dựa vào kháng nguyên O là lipopolysaccharide bền với nhiệt, người ta chia ra hơn 90 týp huyết
thanh khác nhau. Ngoài ra có hơn 50 týp huyết thanh khác nhau đã được xác định dựa vào kháng
nguyên dễ bị nhiệt hủy là kháng nguyên nang và kháng nguyên tiên mao. Dường như một protein
màng ngoài chính (major outer membrane protein) và một protein bề mặt (superficial protein) chịu
trách nhiệm về tính đặc hiệu týp huyết thanh này.
BỆNH SINH HỌC
Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, đến chiếm cư ở niêm mạc ruột. Một lượng rất ít
vi khuẩn cỡ 500 tế bào có thể gây nhiễm, tuy nhiên thường cần khoảng 104 vi khuẩn bệnh mới xuất
hiện.
Người ta đã chứng tỏ vi khuẩn bám dính được nhiều loại tế bào nhưng chưa xác định được chất
gây sự nối kết này. C. jejuni tiết ra độc tố ruột và một độc tố gây độc tế bào mà vai trò sinh bệnh
chưa được hiểu biết tường tận.
Vi khuẩn đến ruột non, nhân lên, xâm lấn biểu mô gây tổn thương niêm mạc. Hiện tượng viêm có
thể thấy ở hỗng tràng, hồi tràng và đại tràng, có tính loét, phù nề, chảy máu. Khảo sát vi thể mảnh
sinh thiết trực tràng cho thấy viêm không đặc hiệu kèm thâm nhiễm bạch cầu trung tính, bạch cầu
đơn nhân và bạch cầu ái toan ở lamina propria; tổn thương viêm loét đại tràng cấp tính. Đôi khi từ
ổ nhiễm ở ruột vi khuẩn vào máu gây nhiễm khuẩn huyết; vì vậy người ta cho rằng khả năng xâm
lấn mô của vi khuẩn có thể là một trong những cơ chế sinh bệnh, cùng khả năng bám dính và tiết
độc tố.
C jejuni và C upsaliensis có thể gây biến chứng sau viêm ruột liên quan tới hội chứng Guillain-Barré
là một rối loạn tự miễn của hệ thần kinh ngoại biên. Ở C jejuni biến chứng này chủ yếu do những
týp huyết thanh đặc biệt (như O19). Một biến chứng muộn có liên quan tới miễn dịch của tình trạng
nhiễm Campylobacter là viêm khớp phản ứng (reactive arthritis), gặp ở bệnh nhân có kiểu hình HLA-
B27.
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Sau thời kỳ ủ bệnh 1-7 ngày, bệnh khởi đầu với đau bụng dưới có khi trầm trọng giống như viêm
ruột thừa cấp. Kế đó là đi tiêu phân lỏng có đàm, máu. Sốt thường kèm theo. Bệnh có khuynh
hướng tự giới hạn trong vòng 5 - 8 ngày, cũng có thể kéo dài đến 1 - 2 tuần.
VI SINH LÂM SÀNG
Khảo sát vi khuẩn với bệnh phẩm phân tốt hơn ngóay trực tràng. Nếu không gởi mẩu phân đến
phòng xét nghiệm ngay được thì nên cho vào môi trường chuyên chở Cary-Blair. Phân bệnh nhân
được nhuộm trực tiếp tìm dạng cánh chim hải âu; xem di động dưới kính hiển vi nền đen và phân
lập vi khuẩn để chẩn đoán xác định. Môi trường phong phú chọn lọc thường được sử dụng nhất là:
thạch máu Skirrow chứa vancomycin, polymyxin B, trimethoprim.
hoặc thạch máu Campy có chứa thêm cephalothin và amphotericin B ngòai các kháng sinh trên.
Sau khi cấy đĩa thạch được ủ ở 42oC/ 48 giờ trong khí trường có 5% O2 , 10% CO2. Khúm vi khuẩn
ướt, phẳng hoặc tròn, hơi lồi. Cả 2 dạng này có thể xuất hiện trên cùng một đĩa thạch.
Campylobacter jejuni sinh oxidase, catalase, khử nitrate và thủy phân hippurate.

DỊCH TỄ HỌC
Tiêu chảy do C. jejuni chiếm 4 - 10% các trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn, thường xảy ra ở trẻ
2
con < 1 tuổi; bệnh cũng xuất hiện ở người lớn trong khỏang 20-40 tuổi. Người lành mang mầm bệnh
ít hơn 1%, nhưng trong một vụ dịch có đến 25% người mang vi khuẩn không có triệu chứng.
Người nhiễm Campylobacter qua đường miệng bởi thực phẩm, nước nhiễm khuẩn hay qua tiếp xúc với
súc vật bệnh. Nguồn bệnh là sữa, thịt gia cầm nhiễm khuẩn không được tiệt khuẩn, không nấu chín. Ổ
chứa là một số loài chim chóc, thú nuôi, thú hoang vì Campylobacter cư trú bình thường trong ruột
chúng. Bệnh có thể truyền từ người sang người trong trường hợp các bệnh nhân đồng tính ái.
ĐIỀU TRỊ:
C. jejuni thường nhạy cảm với erythromycin, tetracycline, chloramphenicol, họ kháng sinh
aminoglycoside và quinolone; đề kháng với penicillin, cephalosporin và sulfonamide. Vì bệnh tự giới
hạn nên tác dụng của kháng sinh trong trị liệu không rõ ràng, có thể kháng sinh giúp rút ngắn thời
gian thải trừ vi khuẩn.
Campylobacter fetus
Từ lâu C. fetus đã được nhìn nhận là tác nhân gây sẩy thai cừu và bò. Ở người vi khuẩn gây nhiễm
khuẩn-nhiễm độc máu, nhất là những bệnh nhân suy kiệt, suy giảm miễn dịch (ví dụ bị bệnh gan,
tiểu đường, nghiện rượu mạn tính, ung thư). Biểu hiện thường gặp là sốt từng cơn, không thấy ổ
nhiễm khu trú. Đôi khi màng não và van tim bị nhiễm khuẩn và viêm tắc tĩnh mạch là hình ảnh lâm
sàng điển hình dù chỉ xuất hiện trong 10% trường hợp. Chẩn đoán xác định bằng phân lập C. fetus
từ máu. Không mọc được ở 42oC.

Tài liệu tham khảo:


1/ Vi khuẩn học. Chủ biên: GS, TS Nguyễn Thanh Bảo. Khoa Y, Đại học Y Dược TpHCM, 2013, pp. 193-195
2/ Medical microbiology, 8th ed., 2016. Eds: Patrick R. Murray, Rosenthal K. S., and Pfaller M.A. Mosby-
Elsevier, Philadelphia, PA. Chapter 28, pp.280-284
3/ Jawetz, Melnick & Adelberg’s Medical Microbiology, 28th ed., 2019. Eds: Stefan Riedel et al. McGraw-Hill
Education, U.S.A. Chapter 17, pp 267-268

You might also like