You are on page 1of 29

SỔ TAY DÀNH CHO GIÁO VIÊN, PHỤ HUYNH VÀ NHỮNG NGƯỜI LÀM

VIỆC VỚI

TRẺ TỰ KỶ, TĂNG ĐỘNG

1
1. GIỚI THIỆU CHUNG
Ngày nay, trẻ tự kỷ ngày càng nhiều. Các con số thống kê trẻ tự kỷ, chậm nói, gặp khó
khăn trong giao tiếp, học tập, kỹ năng sống,… cũng ngày một gia tăng. Theo đó, phụ huynh và
giáo viên cũng gặp không ít khó khăn trong tương tác cũng như dạy dỗ làm sao cho con em
mình thêm tiến bộ.
Chính vì lý do đó, trường Chuyên biệt Tuổi Ngọc viết ra cuốn sổ tay này, mong muốn
đưa ra một số gợi ý ban đầu giúp phụ huynh và giáo viên hình dung rõ hơn về trẻ và biết một số
cách tương tác, can thiệp cơ bản.
Trong quá trình viết cuốn sổ tay này, nếu Quý vị có bất kỳ ý kiến gì, xin vui lòng đóng
góp cho Ban Giám hiệu nhà trường.
Chân thành cảm ơn!

2
2. ĐẶC ĐIỂM CỦA TRẺ
Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một khuyết tật được hình thành bởi
những sự khác biệt trong não bộ, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời (thường là trước 3 tuổi).
Trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp, tương tác xã hội với những người
khác, do vậy sự phát triển mọi mặt về tâm lý và xã hội đều hạn chế.

Những đặc điểm nổi bật:


- Cách chơi đồ chơi không phù hợp (chơi xe thì chỉ xem bánh xe lăn, thích nhìn những vật
quay tròn như quạt, thích nước chảy như vòi phun,…)
- Hiếu động hoặc tăng động quá mức, khó làm chủ được hành vi của mình. Trẻ thường rất khó
ngồi yên một chỗ mà chạy hết chỗ này đến chỗ khác,…
- Cười hay khóc không hợp hoàn cảnh.
- Kiệm lời hoặc khó diễn đạt.
- Có hành động lạ với đồ vật: hay ngửi những thứ mình tiếp xúc như ngửi đồ chơi, ngửi đồ ăn
lạ, hoặc gõ gõ vào bất cứ thứ nào trong tầm tay,…
- Thiếu nhận thức về sự nguy hiểm: chạy ra đường thì lao về phía trước, rất dễ bị té ngã, bị
thương, đi ngoài đường không biết để ý xe cộ,…
- Khó thích nghi với những thay đổi hàng ngày. VD: thường ngày trẻ uống ly màu cam, nay
đổi màu xanh thì trẻ sẽ không chịu; hoặc vật nào để chỗ nào phải để đúng chỗ đó, nếu có
chút xê dịch, trẻ sẽ sắp xếp lại như cũ,…
- Quá nhạy cảm với âm thanh: một số trẻ khi nghe thấy các âm thanh như tiếng nhạc ồn, tiếng
máy khoan,… trẻ sẽ bịt tai lại và la khóc.
- Quá nhạy cảm với xúc giác hoặc không có cảm giác: một số trẻ rất sợ tiếp xúc da với người
khác như trẻ rất sợ bị người khác ôm hay đụng chạm trên da thịt hoặc một số trẻ không biết
đau (bỏng ống bô xe máy nhưng không biết đau, tự cào vết thương, ….)
- Khó khăn trong kết bạn: trẻ tự kỷ thường không biết cách chơi, lôi kéo,… mà thường tự chơi
một mình trong góc riêng; hoặc nếu muốn lôi kéo người khác thì thường dùng những hành vi
chưa phù hợp như lôi quá mạnh, hoặc đẩy mạnh bạn cùng chơi,…
- Thờ ơ với mọi người, đồ vật xung quanh: trẻ hầu như không quan tâm đến những người, đồ
vật xung quanh, chỉ chú ý nhiều đến các vật có chuyển động xoay tròn, hoa văn lạ, nước
chảy,…
- Giao tiếp mắt kém: trẻ thường không nhìn mắt người đối diện, thường nhìn mơ hồ vào không
trung,…
- Ít quay đầu lại khi nghe gọi tên: trẻ thường chăm chú vào những đồ chơi, hoạt động yêu
thích của mình, hầu như không quay lại ngay khi nghe gọi tên. Tuy nhiên, chỉ thoáng nghe
chương trình quảng cáo trên ti vi, trẻ sẽ chạy tới liền,…

3
- Ít chỉ ngón trỏ: trẻ bình thường khoảng 9 tháng tuổi đã biết chỉ tay để chỉ vật yêu thích (xe,
máy bay, đồ chơi,…), chỉ vật theo nhu cầu (bánh, sữa,…), còn trẻ tự kỷ hầu như không biết
dùng ngón trỏ để chỉ tay.

Người ta còn chia các dấu hiệu nhận biết cụ thể theo từng giai đoạn như sau:

Mới sinh đến 6 tháng tuổi

• Dễ nổi giận, dễ trầm cảm.


• Không với lấy đồ vật khi đưa trước mặt trẻ.
• Không có những âm thanh bi bô.
• Thiếu nụ cười giao tiếp.
• Thiếu giao tiếp bằng mắt.
• Không có phản ứng khi được kích thích.
• Phát triển vận động có thể bình thường.

Từ 6 – 24 tháng

• Không thích âu yếm, cơ thể có thể mềm yếu hay cứng nhắc khi được ôm.
• Không thân thiện với cha mẹ.
• Gọi tên hầu như không phản ứng đáp lại.
• Không chơi các trò chơi xã hội đơn giản (“Ú à”, “Bye-bye”).
• Chưa có dấu hiệu ngôn ngữ.
• Dường như không quan tâm đến các đồ chơi của trẻ em.
• Thích nhìn ngắm các bàn tay của mình.
• Không nhai hoặc không chấp nhận những thức ăn cứng.
• Thích đi kiễng chân – đi bằng 5 đầu ngón chân.
• Thường phát ra các âm thanh vô nghĩa.

Từ 2 đến 3 tuổi

• Thích chơi một mình, không kết bạn, tránh giao tiếp.
• Không nói được từ có 2 tiếng trở lên khi đã 2 tuổi.
• Thích xem sách, tạp chí, các nhãn mác và logo quảng cáo.
• Coi người khác như một công cụ – kéo tay người khác khi muốn yêu cầu.
• Chưa biết dùng ngón trỏ để chỉ điều trẻ muốn.
4
• Sử dụng đồ chơi không thích hợp.
• Không có nỗi sợ giống trẻ bình thường, đồng thời có những hoảng sợ một cách vô cớ.
• Không hợp tác với sự chỉ dẫn, dạy bảo của người lớn.
• Không biết gật đầu đồng ý và lắc đầu không
đồng ý.
• Tránh giao tiếp bằng mắt, không nhìn thẳng vào người đối diện.
• Không đoán biết được những nguy hiểm.
• Thích ngửi hay liếm đồ vật.
• Thích chạy vòng vòng, xoay vòng vòng và quay các loại bánh xe.
• Ngưng nói ở bất cứ tuổi nào, dù trước đó đã biết nói.

Từ 4 đến 5 tuổi

• Trẻ bị chậm nói, nếu có ngôn ngữ phát triển, có thể có chứng nhại lời (lặp lại theo kiểu học vẹt những
gì người khác nói).
• Có vẻ rất nhớ đường đi và địa điểm.
• Thích các con số và thích đọc tiếng nước ngoài.
• Rất tốt khi thao tác các sản phẩm điện tử.
• Thích nhìn nghiêng hay liếc mắt khi ngắm nghía đồ vật.
• Không biết chơi tưởng tượng, chơi giả vờ, chơi đóng vai.
• Giọng nói kỳ cục (chẳng hạn như cách nói nhấn giọng hay đơn điệu).
• Rất khó chịu khi thay đổi thói quen hàng ngày.
• Giao tiếp mắt vẫn còn hạn chế, dù có thể đã có một số cải thiện.
• Tương tác với người khác gia tăng nhưng vẫn còn hạn chế.
• Các cơn giận và sự gây hấn vẫn tồn tại nhưng có thể dần dần cải thiện.
• Tự làm tổn thương mình.
• Tự kích động.

(Nguồn internet)

5
3. NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT Ở GIÁO VIÊN, PHỤ HUYNH VÀ NHỮNG NGƯỜI LÀM
VIỆC VỚI TRẺ
Do trẻ có những đặc điểm khác biệt hơn trẻ bình thường nên cha mẹ, giáo viên và
những người làm việc cùng trẻ cũng đòi hỏi nhiều yếu tố đặc biệt hơn so với những người
làm việc với trẻ bình thường. Sau đây là một vài yếu tố cơ bản:
- Sức khoẻ: đây là yếu tố quan trọng nhất. Nếu GV không có nhiều sức khoẻ, GV sẽ rất khó
để theo kịp các hoạt động của trẻ. Trẻ thông thường phản xạ rất nhanh, chạy chỗ này tới chỗ
khác. Hoặc một số trẻ chậm chạp lại yêu cầu GV phải nhanh nhẹn, có thể lôi kéo, cuốn hút
trẻ theo những hoạt động trường lớp nhằm giúp trẻ linh hoạt hơn.
- Kiên trì: trẻ TK thường dễ nản, dễ cáu gắt, khó tập trung. Một số trẻ chậm Gv phải dạy rất
nhiều lần trẻ mới có thể nhớ, dạy nhiều lần nữa trẻ mới có thể hiểu. Vì thế, khi làm việc với
trẻ, GV cần hết sức kiên nhẫn với trẻ mới mong quá trình học tập đạt được nhiều tiến bộ.
- Yêu thương trẻ: trẻ TK, trẻ chậm tuy có nhiều đặc điểm yếu hơn trẻ bình thường nhưng độ
nhạy cảm về cảm xúc lại rất cao. Trẻ có thể cảm nhận rất tốt cảm xúc thực của đối phương
dành cho mình. Do đó, nếu trẻ cảm thấy không an toàn, trẻ sẽ thể hiện rất nhiều hành vi có
vấn đề đối với người đó như khóc nhiều, ăn vạ, cào cấu, khó ngủ…
- Kiến thức chuyên môn: khi làm việc với trẻ, GV cũng như PH cần nắm kiến thức chuyên
môn để biết trẻ của mình như thế nào, đang nằm trong giai đoạn nào, có những tồn tại nào,
cần phải làm gì-làm như thế nào đề khắc phục những yếu điểm đó, định hướng tương lai cho
con em mình như thế nào,… Tuy nhiên, phần này có thể nhờ đến đội ngũ các chuyên gia test
định kỳ, hoặc nhờ bộ phận chuyên môn trong trường học, hoặc tìm hiểu các khoá học để học
hỏi thêm,…
- Giọng nói, cách nói: đây cũng là một yếu tố nhạy cảm. Trẻ TK tương đối nhạy cảm về âm
thanh. Có nhiều trẻ thích âm trầm, một số khác thích âm cao. GV nên tìm hiểu xem trẻ của
mình thích nghe âm điệu, ngữ điệu như thế nào (trẻ vui thích khi nghe những âm như vậy)
thì mình sẽ dùng những ngôn ngữ như vậy để tương tác cùng con. Dần dần mình sẽ chuyển
dần theo ngữ điệu bình thường.
Những yêu cầu riêng: GV và PH không nên nói quá nhanh, nói rõ ràng từng từ, không nên
nói quá nhỏ, nói số từ phù hợp với khả năng nghe hiểu của con. VD: trẻ chưa biết nói →
mình nói 1 từ, trẻ nói 1 từ → mình nói 2 từ,…
- Sự linh hoạt: trẻ TK rất rập khuôn. Do đó, GV nên linh hoạt điều chỉnh lịch sinh hoạt hay
sắp xếp các đồ đạc dụng cụ để cho bé có thể thích nghi với nhiều hoàn cảnh, cách thức. Khi
dạy bé cũng nên dạy linh hoạt nhiều kiểu, nhiều loại đồ dùng hình ảnh, tránh việc học chụp
hình 1 kiểu, sẽ hạn chế sự liên tưởng vốn đã rất yếu nơi trẻ
- Sáng tạo: đừng bao giờ nản chí trong chuyện dạy bé. Nếu bé học kiểu này không nhớ thì
mình tìm kiểu khác, làm sao để trẻ hứng thú với quá trình học. Hãy thổi hồn vào các vật
dụng, đồ chơi, hoạt động hàng ngày giúp trẻ hình dung, tưởng tượng tốt hơn,…

6
4. MỘT SỐ GỢI Ý TRONG SINH HOẠT HÀNG NGÀY (DÀNH CHO GIÁO VIÊN)

Để quá trình dạy trẻ đạt kết quả tốt, chúng ta không nên cứng nhắc trong suy nghĩ cho rằng việc
dạy và học chỉ có ở trên bàn, trong phòng học. Trái lại, việc học phải được mở rộng ra mọi nơi, mọi
lúc, tất cả những nơi nào có ta và trẻ, tìm mọi cơ hội để trẻ có thể “hành”. Vì thế, khi ra công viên, ta
có thể dạy về cỏ cây, sinh hoạt của mọi người nơi đây. Khi đi siêu thị, ta có thể tận dụng không gian
cũng như vật dụng ở đây làm vật liệu thực tế để dạy,…

Có một thực tế rằng, nếu chúng ta nỗ lực cố gắng dạy, trẻ sẽ nỗ lực cố gắng học cùng với
chúng ta. Vấn đề là chúng ta phải làm như thế nào?

Trước hết, trong giao tiếp hàng ngày với trẻ, điều quan trọng đầu tiên người giáo viên nên làm
là thay đổi suy nghĩ của mình về trẻ. Các bạn hãy nghĩ đến đứa con thân yêu của mình hoặc những đứa
cháu dễ thương ở nhà, cách mà mình thường tiếp xúc hàng ngày với bé như thế nào thì mình cũng nên
làm tương tự với trẻ. Hầu hết các trẻ khi đến trường chuyên biệt đều có một đặc điểm chung, đó là
khiếm khuyết về thể chất và hoặc tinh thần và hoặc trí tuệ. Hơn ai hết, những người khiếm khuyết lại là
những người cần hơn cả tình yêu thương, sự tôn trọng, lắng nghe, chấp nhận từ người khác chứ không
phải sự la mắng, cách nhìn chối bỏ hoặc thái độ thiếu tôn trọng trẻ. Khi bạn thay đổi quan niệm, cách
nhìn về trẻ, các bạn sẽ thấy ngay tức khắc, trẻ sẽ đón nhận bạn và sẽ hòa đồng với bạn tốt hơn. Khi trẻ
cảm nhận được sự an toàn khi bên bạn, chơi với bạn, trẻ sẽ dần dần theo bạn và hợp tác với bạn tốt
hơn.

Theo các chuyên gia về não bộ, trong 3 năm đầu đời, trẻ sẽ học chủ yếu thông qua vui đùa,
bắt chước, lặp lại và phản ánh. Hệ thần kinh lúc này đang trong quá trình phát triển. Tân vỏ não thiếu
các đường dây thần kinh lien kết các Thùy và các trung tâm lại với nhau. Do đó, trẻ chỉ phản ứng một
cách máy móc và tự động (trẻ thiếu sự tư duy, liên hệ, phân tích, lý luận để hiểu đúng hay sai, nên hay
không nên làm một việc gì). Trong giai đoạn đầu đời này, điều chúng ta nên làm với trẻ là tạo sự đồng
cảm và tôn trọng trẻ, nhìn theo cách nhìn của trẻ, nghe theo cách nghe của trẻ, buồn theo nỗi buồn của
trẻ,…nghĩa là đặt mình vào vai trò của trẻ để cảm nhận những gì trẻ đang trải qua. Chỉ thông qua việc
làm như vậy, chúng ta mới đồng cảm được với trẻ và tôn trọng trẻ nhiều hơn.

Ví dụ, khi đứa trẻ khóc, bà mẹ vội chạy đến, bà biết con bà đang đói, bà cho con bú; bà biết nó
đang ướt, bà thay tã; bà luôn luôn mỉm cười, nói chuyện với nó. Khi lớn hơn, nó thấy mặc dù mẹ nó
luôn thay đổi trang phục quần này áo nọ, khi dữ khi hiền nhưng nó vẫn biết đó là mẹ nó và mẹ luôn là
bến đỗ an toàn cho nó. Khi nó biết nói, biết hỏi, nó luôn đặt mọi câu hỏi cho mẹ nó,… nghĩa là người
mẹ đã hiểu nó, đồng cảm với nó, tạo chỗ dựa an toàn cho nó. Đứa trẻ đó chắc chắn sẽ được phát triển
tốt, nó luôn có cảm giác vui vẻ, thoải mái. Khi chúng ta ở bên trẻ, chúng ta nên học theo bà mẹ ấy để
dần dần chúng ta có thể đi sâu hơn vào thế giới nội tâm của bé-nơi chồng chất những hoang mang, lo
lắng, sợ hãi và bất an để có thể hiểu trẻ, có thể đồng hành cùng trẻ vượt qua tất cả những xúc động đó.

7
Trên đây là một số nét cơ bản về mặt tâm lý trẻ để chúng ta có thể hiểu và đối chiếu với các
công việc hàng ngày của mình khi tương tác cùng trẻ, từ đó chúng ta có thể tìm ra tiếng nói chung giữa
mình và bé nhằm giúp cho công việc dạy dỗ của chúng ta đạt hiệu quả tốt hơn.

Một số hoạt động hàng ngày:

Đạp xe:

• Bé chưa biết đạp xe 2 bánh: tập cho bé biết đạp xe có bánh phụ. Khi tập, GV nên nói
chuyện với trẻ. Nói to, chậm, rõ từng tiếng một “Con đang Đạp xe”, “cô tập cho con đạp xe”, “chúng
ta cùng tập đạp xe nhé!”,… Chúng ta nên dùng các câu nói ngắn gọn, đủ nghĩa để diễn tả về mọi việc
bé đang làm. Các vấn đề GV nên chú trọng TRẺ LÀ AI, TRẺ ĐANG LÀM GÌ, LÀM VỚI AI, TRẺ
VUI HAY KHÔNG VUI…
• Trẻ đạp xe tốt: GV nên cho trẻ đạp chung với các bạn nhưng thỉnh thoảng nên gọi trẻ, nói
cho trẻ nghe trẻ đang làm gì, với ai, nên cười nhiều với trẻ.

Đi bơi:

• Trẻ chưa biết bơi: trước khi đi bơi, nhất định phải báo trước với trẻ về việc đi bơi, đi bằng
xe gì, đi với ai, hãy cố gắng để việc đi bơi là một việc rất hấp dẫn với cả GV và trẻ. Khi xuống hồ, GV
phải xuống hồ cùng với trẻ, trẻ phải mang phao bơi. GV phải là người hỗ trợ, vỗ về mỗi khi trẻ thấy sợ
nước, sợ độ sâu. Hơn nữa, GV nên hát các bài hát thiếu nhi mà trẻ thích, làm các động tác chơi nước,
vỗ nước, đập nước để kích thích trẻ trước. Dần dần, khi trẻ cảm thấy an toàn khi ở dưới hồ, GV mới xì
phao từng chút một.
• Với trẻ đã biết bơi: Gv nên khuyến khích trẻ bơi đoạn xa dần. GV đứng bên này gọi trẻ
bơi qua rồi bơi lại. Có thể quy định xem trẻ có thể bơi được mấy vòng, bơi trong thời gian bao lâu mới
được nghỉ. Có thể mỗi GV đứng một bên hồ, người này gọi trẻ bơi tới bên này, người kia gọi trẻ bơi tới
bên kia. KHEN NGAY KHI TRẺ HỢP TÁC.

Ăn:

• Trước khi đi ăn nên chỉ vào đồng hồ cho bé hiểu đến giờ ăn hoặc có thể dung hình ảnh
cho trẻ chỉ vào…(sáng, trưa, xế), nói với bé “bây giờ mình đi ăn…), khi ăn thì hỏi bé đang làm gì, ăn
cái gì, ăn xong chưa, bé đang ngồi hay đang đứng, đang ngồi với ai, ăn xong thì hỏi bé bây giờ bé đi
đâu, làm gì. Tập ký hiệu ĂN.
• Bé mới hoặc bé ăn khó: nên tìm các món ăn trẻ thích như chuối hoặc bánh để cho bé ăn
cùng, có thể tìm các bài hát hay trò chơi thú vị giúp trẻ có tâm lý thoải mái trước và trong khi ăn. Mỗi
khi trẻ ăn được dù chỉ một muỗng cũng nhất định phải khen trẻ để ghi nhận sự cố gắng của trẻ. Số
lượng thức ăn nên tăng dần từ ít đến nhiều hơn, từ lỏng đến đặc hơn. Khi trẻ mới ăn no, nên cho trẻ
ngồi nghiêng hoặc tựa người vào GV cho thức ăn xuôi xuống. Khi mới ăn no, KHÔNG được cho trẻ đi
nằm liền.

8
• Bé ăn ngoan: tập cho bé tự xúc ăn bằng muỗng, cao hơn là sử dụng đũa để gắp thức ăn.
Tập bé biết múc canh, tay cầm muỗng đúng cách, ngồi ăn ngay ngắn không ngó nghiêng,…
• Hành vi ăn bậy: có một số trẻ cứ nhìn thấy cái gì ở trên đường đi là nhặt lên bỏ vào
miệng. Đây là biểu hiện của giai đoạn trẻ tìm tòi khám phá bằng đường miệng, tuy nhiên điều này rất
không tốt cho sức khỏe và là thói quen không hợp lý. Tuy nhiên trẻ lại không hiểu được vì sao trẻ lại
không được làm như vậy. Điều nên làm: lấy một số vật bé nhìn thấy chắc chắn sẽ nhặt lên bỏ vào
miệng và để sẵn trên sàn, GV giả vờ không để ý. Khi thấy bé nhặt lên, GV liền nghiêm mặt lại nhìn con
và nói “Con không được ăn cái này. Nó rất dơ”. GV nên làm liên tục vài lần và để ý phản ứng của trẻ
như thế nào. GV nên kiên quyết đến khi trẻ hiểu trẻ KHÔNG được làm điều đó.

Uống:

• Khi đoán biết bé có nhu cầu uống nước, hãy chặn bé lại và hỏi bé muốn gì, hướng dẫn bé
trả lời “Con muốn Uống nước” và hoặc làm cử chỉ uống nước. Hỏi bé uống nước bằng cái gì, nước lấy
từ cái gì, tại sao bé uống nước, khát nước thì phải làm gì, chỉ từ xa xem bình nước ở đâu,…

Ngủ:

• Bé nhỏ, khó ngủ hoặc chưa quen, GV nên massage lưng (vuốt nhẹ từ gáy xuống sống
lưng để tạo cảm giác an toàn cho trẻ), nên hát nhẹ các bài hát ru hoặc dân ca theo vùng miền của bé cho
bé nghe, vỗ nhẹ trên người bé để cho trẻ cảm nhận được sự yêu thương trìu mến từ người chăm sóc.
Chỉ khi trẻ cảm nhận được sự an toàn về mặt tâm lý, trẻ mới có được một giấc ngủ sâu, yên bình, khi
đó, thần kinh của trẻ mới được phát triển một cách hài hòa nhất.
• Giấc ngủ là điều vô cùng quan trọng cho trẻ nhỏ. Chỉ khi trẻ có một giấc ngủ sâu, thoải
mái, hệ thần kinh của trẻ mới được phát triển hài hòa, tâm lý an toàn, chiều cao cũng phát triển nhờ vào
giấc ngủ sâu. Muốn có được giấc ngủ sâu, nhất định không nên tạo các áp lực tâm lý nặng nề cho trẻ
dẫn tới ám ảnh, sẽ làm trẻ luôn luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng.

Vệ sinh:

• Tiểu tiện: với bé nhỏ chưa biết kiểm soát vệ sinh, nên phân chia giờ hợp lý để nhắc trẻ đi
xi. Khi trẻ có nhu cầu, nên nói với trẻ “Con đang đi XI” và chỉ vào toilet cho trẻ hiểu.
• Đại tiện: thông thường ăn trưa xong nên tập cho trẻ ngồi cầu 30 phút để rèn thói quen đi
vệ sinh đúng giờ (nếu trẻ không đi ở nhà).
• Tắm: nên cầm tay bé xoa xà bông, kỳ cọ khắp người, tập cho bé làm thành thói quen, đến
khi mình không cần cầm tay mà bé vẫn làm được là tốt. Khi tắm, GV nên hỏi bé bé đang làm gì, ai tắm
cho bé, tắm để làm gì, tại sao con đi tắm,…

Vấn đề an toàn:

• Vấn đề này là vấn đề tối quan trọng nhưng trẻ lại không hiểu được mức độ nguy hiểm
của các vấn đề. Ví dụ: trẻ không sợ nóng, điện, té, … Ta nên tìm những hoạt động mang tính quy ước
9
chung để trẻ rút kinh nghiệm. Ví dụ: để trẻ biết nóng, nên làm chai nước nóng và lạnh cho trẻ chườm
để trẻ biết cảm giác nóng. Đến chừng, GV chỉ cần nói “nóng” mà trẻ rụt tay lại, cường điệu hoá độ
nóng bằng nét mặt và cử chỉ của GV khiến trẻ không dám đụng tới là được. Tuy nhiên, với ổ điện thì ta
phải dùng cách nghiêm khắc hơn. GV cứ thấy trẻ gần tới ổ điện là GV ngăn và phạt liền (nên nhớ phải
dán hết các ổ điện trong tầm tay trẻ)….

Vấn đề hành vi:

• Tất cả mọi hành vi đều ẩn chứa một nhu cầu nào đó. Hãy kiên nhẫn chờ đợi và khích lệ
trẻ diễn đạt nhu cầu bằng ngôn ngữ có lời hoặc không lời (không đoán ý rồi làm giùm trẻ). Khi trẻ bùng
nổ, la hét, tự hành hạ mình,…Gv nên bình tĩnh phân biệt đó có phải là nhu cầu thực sự hay là những
đòi hỏi, nhõng nhẽo quá đáng của trẻ. Nên cho trẻ biết đâu là giới hạn, sự cho phép và những điều
không được phép làm với sự nghiêm khắc cần thiết. Phải biết nói KHÔNG với những điều không thích
hợp đồng thời cho phép trẻ có thể TỪ CHỐI bằng lời nói hoặc bằng ngôn ngữ cử chỉ của mình. Điều
này giúp trẻ từ từ trở nên một chủ thể sáng tạo, biết tự quyết định, chọn lựa thay vì chỉ có những phản
ứng máy móc, chỉ biết nhắc lại.

Lưu ý: trong tất cả các hoạt động kể trên, chúng ta nên nương theo trẻ, dần dần giúp trẻ hiểu
được trẻ là ai, trẻ đang làm gì, làm điều đó để đạt mục đích gì, tại sao làm điều đó để trẻ có cơ hội chọn
lựa hay quyết định điều trẻ muốn làm, từ chối điều trẻ không muốn làm. Có như vậy, trẻ mới dần
trưởng thành hơn, tiến bộ hơn.

Tuy nhiên, để quá trình tương tác đạt kết quả tốt nhất, người giáo viên cần yêu thương hết mực,
đồng cảm và thấu hiểu trẻ. Hơn ai hết, mình phải là người hiểu trẻ, biết ý nghĩa của những gì trẻ thể
hiện ra, hãy theo sát những biểu hiện đó và tương tác bằng chính trái tim của mình. Khi hai bên đều
hiểu nhau, yêu thương nhau, chắc chắn cả giáo viên và trẻ đều cảm thấy vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn sau
mỗi ngày gắn bó cùng nhau…

5. MỘT SỐ GỢI Ý DÀNH CHO PHỤ HUYNH MỚI

Đặc điểm:

Những trẻ mới được phát hiện có vấn đề thông thường có những đặc điểm sau:

- Bé thường chưa tập trung, rất ít chú ý vào bài.


- Về ngôn ngữ, bé thường dừng lại ở việc nói theo, chưa tự nói.
- Bé thường chưa hợp tác, bé thích thì nghe-làm, không thích thì không nghe-không làm.
- Bé chưa thể hiện nhiều nhu cầu với ba mẹ.

Nội dung

1. Tập vận động


10
Nên cho bé tập vận động nhiều hơn, giúp cho bé xả các năng lượng bên trong cơ thể ra nhiều
hơn, khi đó trẻ sẽ đằm hơn, giảm các biểu hiện lăng xăng, thiếu tập trung. Khi bé được vận
động nhiều, cơ thể của bé cũng nhanh nhẹn, linh hoạt hơn, não bộ vì thế cũng phản ứng
nhanh nhạy hơn.

Các bài tập gợi ý: chéo, bò, trườn, chạy, nhảy, gập lưng bụng, lộn mèo, đi cút kít,...

2. Dạy ngôn ngữ:


Nên theo chương trình tập nói của nhà trường. Nên bắt đầu từ việc gây hứng thú với trẻ, làm
cho trẻ cảm thấy quá trình học là một thời gian tràn đầy hứng thú, hưng phấn, trẻ mong chờ
thời gian được ở bên cha mẹ, thầy cô. Khi trẻ hưng phấn, trẻ sẽ chú ý hơn tới những gì mình
nói, mình làm và trẻ sẽ cố gắng tập trung, làm để nhận được những gì mình thích.

Những điều cần chuẩn bị cho thời gian học ngôn ngữ: đồ chơi trẻ thích, trò chơi trẻ thích,
người chơi đầy hấp dẫn. Ban đầu nên tập từ những cái bé thích, sau đó đan xen vào những
cái bé chưa thích, dần dần làm cho các trò chơi/đồ chơi phong phú hơn. Cha mẹ, thầy cô
cũng nên làm mới mình trong cách chơi, cách thể hiện, cách tương tác với trẻ, trẻ sẽ cảm
thấy bị lôi cuốn và luôn có cảm giác muốn được ở gần cha mẹ, giáo viên.

3. Rèn khả năng hợp tác:


Do bé chưa quan tâm nhiều đến lời cô/ba mẹ nên cần thiết lập các bài tập giúp bé hợp tác tốt
hơn với mình.

Nên bắt đầu từ các hoạt động đơn giản như tập cho bé ngồi vào ghế, mắt của bé ngang với
tầm mắt của mình. Yêu cầu bé vỗ tay. Nếu bé chưa làm theo mình, mình nên cầm tay bé vỗ
tay. Giảm dần trợ giúp đến khi chỉ cần ra khẩu lệnh “vỗ tay” bé cũng có thể làm theo được.

Lưu ý: mỗi lần tập các lệnh này nên làm từng chút một. Đầu tiên nên tập cho bé có thể ngồi
yên trong 5 phút và vỗ tay được 1 lần. Nếu bé cảm thấy khó chịu, GV/cha mẹ nên thay đổi
cách chơi hoặc dùng đồ chơi trẻ thích để lôi kéo sự tập trung của bé. Nếu bé có thể ngồi
thêm, hãy khéo léo yêu cầu bé làm một lần nữa để kéo dài sự tập trung của bé lâu hơn. Nếu
bé cảm thấy bất an, khó chịu, nên mỉm cười với bé và kêu bé làm một hoạt động cực kỳ dễ
với bé rồi cho bé ra khỏi ghế, VD “ôm mẹ một cái rồi mẹ cho con ra”.

Khi bé hiểu được lệnh vỗ tay, hãy đan xen vào một lệnh khác ví dụ “dậm chân”.

Trong thời gian tập các lệnh này, cha mẹ/giáo viên nên áp dụng các bài hát kèm động tác
như “đưa hai tay ra nào”, “đập bàn tay xuống đất”, “con thỏ”, “bác gấu làm bột”,... Tùy theo
từng bé, có thể chế biến bài hát theo nhiều giọng điệu khác nhau nhằm thu hút sự chú ý của
bé nhiều hơn.

11
4. Dạy nhận thức
Quy trình dạy: tập mắt→tập trung → bắt chước → thực hiện lệnh đơn giản theo yêu cầu
→chỉ bộ phận cơ thể → dạy vật thật, tập cho bé đưa/lấy đồ vật cho cô → dạy bằng hình ảnh
→ nhận biết trẻ và người thân → động từ chỉ hành động → chỉ các đồ vật ở môi trường xung
quanh → chỉ vào hình ảnh trong sách → chức năng của đồ vật,...

Nên theo nội dung đánh giá của quyển 8 để đưa ra những nội dung cụ thể.

Phương pháp:

Lấy bé làm trung tâm. Cha mẹ/giáo viên nên xác định rõ cho mình thời gian nào là thời gian
tương tác với bé. Khi đã xác định rõ thời gian đó, cha mẹ/giáo viên vui lòng bỏ hết những tạp
niệm ra ngoài, chỉ tập trung vào một mình bé với tất cả ưu điểm và khuyết điểm nhưng luôn tìm
ra những điểm tốt nơi bé, luôn nhìn bé bằng con mắt yêu thương, trìu mến và tôn trọng bé.

Gợi ý:

- luôn cười với bé,


- khuôn mặt luôn tươi tắn, vui vẻ, nhìn vào mắt bé,
- nói ngắn gọn với câu đơn giản chỉ với 1-2-3 từ,
- nói chậm rãi rõ ràng từng tiếng một
- có thời gian chờ đợi bé làm
- khuyến khích bé ngay khi thấy bé khó khăn nhưng luôn trao cho bé cơ hội để bé tự thể hiện một
điều gì đó như nói hay làm được việc gì.
- Phải luôn có nhiều trò chơi/đồ chơi mới để thu hút sự chú ý của bé, luôn tạo cho bé bất ngờ.
- Không tạo cho bé cảm giác nhàm chán khi ở bên mình

12
6. CÁCH QUẢN LÝ HÀNH VI
Một số trẻ hay thể hiện các hành vi không mong muốn như gào khóc, la hét, đập đầu vào
tường, vẫy vẫy tay, nhảy, chạy lao về phía trước,…. Tất cả những hành vi đó cần được ghi chép
lại theo sườn sau:
Nguyên nhân Hành vi Kết quả
Không chịu làm Gào khóc
Đòi ăn Đập đầu Ăn
La hét

Đối với những hành vi này, chúng ta nên tìm hiểu nguyên nhân và kết quả cụ thể của trẻ.
- Nếu trẻ thể hiện hành vi đó để trốn tránh nhiệm vụ → chia nhỏ thành các bài tập dễ hơn rồi yêu
cầu làm từng việc dễ một.
Với những trẻ thường xuyên thể hiện những hành vi kiểu này, chúng ta nên cho bé tập thực hiện
các lệnh từ cơ bản, đơn giản nhất. VD: yêu cầu bé vỗ tay, nếu bé nhất định không chịu làm thì ta
cầm tay bé vỗ. Vỗ xong, ta khen “con giỏi quá, con vỗ tay”. Lại tiếp tục với các lệnh khác. Thể
hiện rõ ràng cho trẻ hiểu, khi ta đưa ra một yêu cầu (vừa sức) nào, trẻ nên hợp tác làm theo, như
vậy là rất ngoan, sẽ được thương. Nếu trẻ nhất định không hợp tác, hãy thực hiện kỹ thuật đếm
như ở dưới.
- Nếu thể hiện hành vi mà không rõ nguyên nhân, chỉ để gây sự chú ý thì chúng ta nên để trẻ
trong một phòng đảm bảo an toàn rồi lơ trẻ đi. Hoặc chúng ta sẽ đếm, đếm đến khi nào trẻ
ngưng khóc hẳn mới không đếm nữa, làm tiếp một hoạt động thực sự dễ nào đó rồi mới cho qua.
Làm như vậy để trẻ hiểu được, trẻ phải nín, phải thực hiện một yêu cầu nào đó xong thì chúng ta
mới dừng.
- Nếu thể hiện các hành vi như vẫy vẫy tay, nhảy, lắc lư người,… thì đây là các hành vi trẻ tự kích
thích bản thân. Nguyên nhân của các hành vi này là do trẻ bị rối loạn điều hoà giác quan trong
cơ thể trẻ. Phần này, GV và PH cần gặp nhà chuyên môn để phân tích và tìm ra các bài tập phù
hợp mới có thể khắc phục những hành vi loại này.

13
7. MỘT SỐ HƯỚNG DẪN TẬP ĂN

Ăn là một kỹ năng vô cùng quan trọng. Ăn cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tiêu hoá và việc nói
của trẻ sau này. Do đó, ngay từ ban đầu, PH nên chú ý phần này.

Trẻ em khi được 6 tháng tuổi sẽ được tập ăn dặm, ban đầu ăn bột loảng, sau đó ăn bột đặc dần.
Khi trẻ được 9 tháng trở đi, cha mẹ mới bắt đầu tập cho bé ăn cháo nát, dần dần tập ăn cháo nguyên
hạt rồi chuyển sang ăn cơm nát. Khi trẻ cứng cáp hơn mới được tập ăn cơm thường, khi này trẻ khoảng
12-15 tháng tuổi trở lên.

Khoảng thời gian từ khi trẻ tập ăn dặm đến khi ăn cháo nát, trẻ chỉ cần biết ngậm miệng, hơi đảo
lưỡi qua lại và nuốt là được. Nhưng bắt đầu từ giai đoạn cháo hạt, cha mẹ cần tập cho bé biết NHAI.

1. Massage:

Đầu tiên, các trẻ cần được massage miệng và làm sạch miệng hàng ngày bằng phương pháp rơ lưỡi.
Thông thường, buổi sáng thức dậy, cha mẹ nên dùng đồ dùng rơ lưỡi trẻ em để làm sạch khoang
miệng, nướu, hàm, lưỡi, răng cho bé. Sau đó, cha mẹ nên massage:

- Hàm (ở hai bên má có khớp nhai, khi mình há ngậm miệng, khớp này sẽ chuyển động)
- Miệng: nên massage xung quanh miệng, nhấn nhẹ đối xứng hai bên nhân trung cho đến hết vòm
miệng, day day hai môi nhẹ đều.
- Toàn thân: ngoài việc chơi với bé, cho bé ăn-uống sữa đúng giờ giấc thì việc massage đóng một
vai trò rất quan trọng. Tác dụng: giúp cho máu dưới da lưu thông tốt hơn, hệ thần kinh được
kích thích sẽ giúp bé phản ứng nhanh nhẹn đồng thời giúp tạo cảm giác an toàn cho trẻ sẽ giúp
trẻ phát triển thể chất ngày một tốt hơn.
- Bụng: massage quanh vòm bụng giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

2. Tập ăn:
- Vào giai đoạn ăn cháo hạt:
o nên tập ăn bánh vụn, bẻ từng miếng bánh nhỏ vừa với bé, nên bắt đầu từ loại bánh dành
cho trẻ tập ăn dặm hoặc bánh snack. Tập cho bé tự cầm → tự cắn → tự nhai. Một số bé
không chịu tự nhai mà thường dùng tay bóp bánh cho nhỏ, mềm ra rồi mới bỏ miệng ăn.
Do đó, mẹ phải giữ tay để bé tự dùng môi miệng giữ cho bánh không rớt khỏi miệng, tự
dùng lưỡi đảo bánh và nhai. Dần dần khả năng cắn-đảo-nhai-nuốt sẽ phối hợp nhịp nhàng
hơn, ăn và nhai sẽ tốt hơn.
o Tập hút: nhằm mục đích tập cho bé biết ngậm môi, giữ thức ăn, hút nước hoặc sữa. Cách
tập: massage môi miệng nhiều, tập cho bé ngậm miệng lại khi uống nước, tập cho bé làm
quen với ống hút để bé tự hút lên bằng ống hút. Có thể cho bé uống loại nước mà bé
thích, cho nước vào một túi nylon để mình có thể bóp nước lên lúc đầu. Khi bóp nước
lên, bé cảm nhận được loại nước bé thích, bé sẽ cố gắng mút lên. Cũng không nên đưa

14
ống hút vào quá sâu trong miệng sẽ dễ làm bé mắc ói hoặc bé sẽ cắn nát ống hút, nên đưa
ống hút ở phần môi, tập cho môi ngậm lại và mút.
- Vào giai đoạn cơm nát: nên tập cho bé ăn vài muỗng đầu cơm hơi khô, có thể để một vài miếng
thức ăn hơi to rồi tập cho bé tự xúc, tự nhai.
- Lưu ý:
o Thời gian: khi tập cho bé xúc ăn và tập nhai, bé cần có thời gian mới làm tốt được, không
nên quá vội vàng.
o Không cắt nhỏ quá và chan nước canh vào cơm: bé sẽ có xu hướng nuốt luôn không cần
nhai.
o Tập từ ít đến nhiều, từ 1/3 chén cơm → ½ chén, khi bé ăn giỏi mới tập cho bé tự ăn hoàn
toàn.
o Trong quá trình tập ăn, cha mẹ nên vui vẻ, tạo cho bé tâm lý thoải mái. Như vậy, bé mới
có hứng thú, mới muốn ăn.
o Khi bé tự xúc ăn được dù con vụng về, khi bé mới móm mém tập nhai dù là rất ít cũng
nên khen, khuyến khích kịp thời để giúp bé vui vẻ, tự tin hơn.

15
8. HƯỚNG DẪN TẬP CÁC KỸ NĂNG VỀ TỰ LẬP
Đây là kỹ năng thiết yếu cho tất cả mọi người. Do đó, trách nhiệm này đầu tiên thuộc về
gia đình, gia đình phải là trường học đầu tiên đề rèn tập cho con có thể tự thực hiện được các
công việc, hoạt động từ đơn giản nhất trở đi. Tuy nhiên, cha mẹ lại gặp khó khăn trong việc làm
thế nào để có thể tập cho con làm, những việc đó là những việc gì,.. Khi tới trường, giáo viên
cũng cần hình dung các hoạt động mà có thể tập cho các con tự làm từ những việc đơn giản
nhất. Sau đây là một vài ví dụ:
- Uống sữa: tập cho con tự cầm bình sữa, hộp sữa. Tập cho con cầm bình sữa, hộp sữa bằng cả hai
tay, biết giơ cao bình lên hoặc nghiêng hộp sữa khi bình/hộp sữa gần hết. Tập uống, tập cấm sao
để sữa không bị đổ ra ngoài làm ướt áo.
- uống nước : tập cho con biết tự uống nước khi khát, hoặc dạy cho con biết thể hiện nhu cầu
uống nước. Nên dạy bằng hình ảnh, khi con muốn uống nước, con chỉ vào hình “uống nước”, ra
ký hiệu uống (đưa tay lên miệng). Tập cầm ca uống nước sao cho nước không bị đổ ra ngoài.
Tập ngậm miệng giữ nước lại trong miệng. Đối với những trẻ khi uống nước hay há miệng rồi
đổ nước vào, PH hoặc GV nên massage vùng môi miệng thật nhiều cho con.
- rót nước: tập cho con một tay cầm ca, một tay mở vòi nước ở bình hoặc một tay cầm chai nước
rót nước.
- đội nón: tập cho con thói quen mỗi khi đi chơi sẽ biết đội nón lên đầu. Nên để nón ở một chỗ
quy định. Mỗi khi đi chơi, cha mẹ nên nói đi chơi, dùng ký hiệu bằng mắt hoặc tay để nhắc con
lấy nón. Khi con chạm vào nón thì gọi tên “nón”, khi con đội thì nói “con đội nón lên đầu”.
- cởi nón: tập cho con thói quen vừa về đến nhà là tự cởi nón. Ban đầu, khi bé chưa tự làm được,
cha mẹ hay GV nên cầm tay con hỗ trợ con làm. Dần dần, giảm trợ giúp đến khi con tự làm
được, không cần nhắc. Mỗi khi con tự làm được một việc gì dù nhỏ nhất, nên khen kịp thời.
- cởi quần: tập cho con tự cởi quần khi đi tắm. Nên chọn quần rộng, quần ngắn để con dễ kéo
xuống, cho chân ra ngoài.
- cởi áo: nên tập cho con cởi áo khi đi tắm. Nên dùng áo thun ngắn tay, rộng để con dễ làm. Ban
đầu nên hỗ trợ con nắm đai áo, kéo lên.
- mặc áo: nên dùng áo rộng. Chỉ cho con mặt trước (có hình) và mặt sau. Úp mặt trước xuống bàn
trước mặt con. Tập con cầm đai áo chồng lên đầu, xỏ tay và kéo xuống. Ban đầu cần trợ giúp
cho con, sau đó giảm dần đến khi con tự làm được.
- mặc quần: nên dung quần rộng, quần ngắn. Khi tập ban đầu nên cho con ngồi ghế, hai tay cầm
hai bên lai quần, xỏ từng chân vào từng ống một. Cha mẹ hỗ trợ lúc đầu, sau đó giảm dần.
- mang giày, dép: ban đầu chỉ cần con xỏ chân vào là được, sau đó tập cho con mang đúng. Sau
nữa tập cho con mang dép xỏ ngón. Nếu mang giày thì phải biết kéo giày phía gót chân lên.
- mở nút: ban đầu nên tập cho con dùng nút to, khuy rộng, tập cho hai tay phối hợp với nhau một
tay cầm nút, một tay mở khuy lên, kéo nút ra là được. Sau đó giảm dần đến nút nhỏ hơn, khuy
nhỏ hơn, giảm đến nút nhỏ như áo sơ mi là được.
- cài nút: đầu tiên cũng tập nút to, khuy rộng. Tập một tay cầm nút, một tay mở rộng khuy ra, đưa
nút vào khuy, tay kia kéo nút qua. Giảm dần xuống nút nhỏ, khuy nhỏ.
16
- mở, kéo khoá: nên tìm loại khoá trơn, dễ kéo.
- xỏ, buộc dây giày: tập cho trẻ biết xỏ dây, luồn dây trước, sau đó mới tập xỏ dây giày. Khi dạy
buộc cũng phải dạy từng công đoạn một.
- lau bàn: tập cho trẻ thấy bàn dơ thì biết lấy khăn lau cho sạch → tập lau cả bàn
- xếp-dọn bàn ghế: biết xếp bàn ghế khi bắt đầu hoạt động nào đó và cất dọn bàn ghế khi hoạt
động kết thúc.
- dọn bàn ăn: biết lấy chén bát, ly, muỗng theo số lượng người trong nhà.
- lau cửa sổ: tập lau từng ít một → đưa ra lịch sinh hoạt hàng tuần (quy định cuối tuần sẽ lau cửa
sổ)
- quét nhà: tập cầm chổi → quét một khoảng nhỏ → tập quét cả nhà → quy định giờ sinh hoạt
hàng ngày.
- rửa chén: tập rửa bằng nước với dĩa nhựa (khó bị vỡ) → tập rửa bằng xà bông với dĩa nhựa →
tập rửa như bình thường.
- nhặt rau, rửa rau: tập nhặt lá sâu, ban đầu dùng rau muống cho dễ → đa dạng các loại rau (nên
dùng hình ảnh mô tả cách làm cụ thể với từng loại) → tập rửa (với người hỗ trợ)
- cắm cơm: có hình ảnh mô tả các bước cụ thể, làm theo hướng dẫn bằng hình và có người hỗ trợ
lúc đầu.
- luộc rau
- xào rau
- làm vườn: tưới nước, trồng cây, bắt sâu, thu hoạch,…
- các loại hình nghề thủ công khác: may, làm thiệp, làm dây cột tóc,….
- Làm bánh
- Dọn giường, trải ga giường,…

17
9. HƯỚNG DẪN TẬP PHÁT ÂM, TẬP NÓI

Điều đầu tiên cần làm là kiểm tra lưỡi:

- thắng lưỡi: nếu bé có thắng lưỡi thì phải nhờ nhân viên y tế cắt thắng lưỡi.
- lưỡi ngắn-dày: cần hơ nhang ngải cứu (hơ ngón cái bắt đầu từ cổ tay trái đo khoảng 1 đốt ngón
tay, hơ mé ngoài ngón tay kéo ra đầu ngón, hơ từ trong ra, nhấn mạnh ở đầu ngón tay).

Muốn trẻ nói được, GV nên tập các bộ phận phát âm (môi, miêng, hàm, lưỡi), tập hơi (lấy hơi, giữ hơi,
hút, thổi), tập phát âm và tập nói.

1. Các bộ phận phát âm:


- Massage: dùng dụng cụ rơ lưỡi trẻ em để rơ hàm, nướu, răng, lưỡi; massage quai hàm (khớp
nhai) giúp cho việc há-ngậm miệng linh hoạt hơn.
- Lưỡi: tập cho bé le lưỡi sang trái-phải-trên-dưới, tập chậc lưỡi, chắt lưỡi,…
- Môi: tập bập môi, phun mưa, chu môi, hôn, hôn gió,…..
- Miệng: há, ngậm, chơi trò chơi bằng miệng làm con cáo đi săn mồi,….

2. Tập hơi:
- Thể lực: tập cho bé chạy, nhảy, bơi, gập bụng, ép banh, nhún banh, đu xà, tập tạ,….
- Tập thở bằng mũi: một số bé thường há miệng mà không biết ngậm miệng lại giữ hơi, nên
thường thở bằng miệng mà không thở bằng mũi, khi uống nước thường đổ hết cả ly nước vào
miệng một lần,… Nên tập cho bé thở bằng mũi trước, sau đó tập cho bé hút, thổi.
o Tập hút: tập bé hút loại nước bé thích. Cho nước vào bịch nylon, cho ống hút vào rồi
buộc lại. GV bóp một ít nước lên cho nước tràn vào miệng bé. Khi bé nếm được vị nước
bé yêu thích bé sẽ cố gắng hút. Mỗi lần chỉ tập từng ít một, không nên nóng vội ép bé hút
hết bịch nước ngay lần đầu. Ban đầu, bé chỉ cần có cố gắng hút lên là cô phải Khen bé
liền. Cách thứ 2: có thể dùng kèn harmonica hoặc dùng loại kèn thông thường của trẻ em
vừa hút vừa thổi được để quá trình tập hút vui vẻ, hào hứng hơn.
o Tập thổi:
✓ Tập bắt chước hành động thổi của cô, tập cho bé chu môi, lấy hơi và thổi ra. Bài
tập này có thể dùng gương để tập. Bé nhìn vào gương sẽ thấy phấn khích hơn.
✓ Tập thổi vật nhẹ, rất dễ tắt, bé chỉ cần hà hơi cũng làm cho vật chuyển động hoặc
thay đổi. VD: thổi nến, thổi giấy, thổi mút xốp trong hộp nhựa,….
✓ Tập thổi vật nặng hơn, khó thổi hơn: thổi kèn, thổi thuyền giấy trôi trên mặt chậu
nước,….
✓ Tập thổi hơi dài, thổi nhanh, chậm, mạnh nhẹ theo yêu cầu của cô,….

18
3. Tập phát âm:
- Bắt chước phát âm: bắt chước các nguyên âm a, u, i, e, o; các phụ âm b, m, n, h, g, c,…
- Bắt chước từ đơn: bắt đầu từ tên gọi của các vật dụng đơn giản trong nhà, con vật hay đồ chơi bé
thích như ca, cá, gà, bò, mèo, xe,…
- Tập phát âm to, rõ, kéo dài, nhanh, chậm bắt chước theo cô.
- Hát/đọc thơ vuốt đuôi theo cô: nên cho bé nghe thơ/bài hát nhiều lần tùy theo khả năng học của
bé. Sau đó, cô hát chậm, đến từ cuối cùng thì dừng lại chờ phản ứng của bé. Nếu bé còn ngập
ngừng thì cô hát tiếp và làm thật rõ khẩu hình cho bé quan sát rõ nhất, tập bé bắt chước theo.
Dần dần tập cho bé nghe nhiều, hát nhiều bài, các âm bé phát âm sẽ phong phú hơn và bộ phận
phát âm sẽ phối hợp nhịp nhàng hơn.
- Bắt chước phát âm âm đôi: b aba, meo meo, gâu gâu,… nên kết hợp thành tiếng kêu của con vật,
đồ vật có hình ảnh đi kèm, như vậy bé sẽ hào hứng học hơn.
- Hỏi –Trả lời vuốt đuôi (với những bé hay lặp lại câu hỏi). VD: Cô hỏi “Cái gì đây?” Cô nhấn
“Ca”, bé trả lời “Ca”.

4. Tập nói:
- 1 từ:
o Gọi → quay lại “Ạ/dạ”.
o Trả lời tên gọi. VD: “Con tên gì?” → “Na”, “Cái gì đây?” → “Ca”
o Tìm những từ giống, gần giống với từ bé có thể phát âm và lập ra thành một danh sách.
Lên kế hoạch dạy bé từng từ hoặc 2-3 từ trong 1 tuần. Khi dạy nói, GV nên kết hợp từ
với các hình ảnh gần gũi vừa giúp bé học từ mới vừa giúp con học thêm tên gọi của nhiều
đồ dùng, con vật… khác. Nên tập cho con thói quen vừa chỉ vật vừa nói.
o Yêu cầu: tập cho bé yêu cầu “cho”, “nữa”, “bánh”, “xi”, “chơi”, “uống”,…. Khoanh vùng
các nhu cầu của bé lại, chọn xem GV nên tập cho bé nói từ yêu cầu nào trước. VD: chọn
loại bánh bé thích ăn, đưa ra cho bé thấy. Khi bé đòi lấy bánh ăn, GV tập bé nói “cho” rồi
xòe tay ra thì cô mới cho bé. Nên gia tăng nhiều từ thể hiện nhu cầu nhiều hơn và cho bé
nói linh hoạt hơn.
- 2 từ:
o Âm thanh/tiếng kêu (từ láy, từ dễ phát âm)
o Từ đôi: bút chì, bàn chải, ba lô,…
o Động danh từ, danh tính từ, danh danh từ, ……. VD: hoa đỏ, bóng tròn, cây cao, ăn
bánh,…
o Tập yêu cầu: “cho bánh”, “cho con”, “cho + tên”,….
- 3 từ:
o Danh từ: xe ô tô, xe cứu hỏa, bánh sinh nhật,…
o Động danh từ, danh tính từ, ….. VD: kẹo hình vuông, ngôi sao vàng,…
o Câu: “con ăn bánh”, “bé đạp xe”, “bé đi chơi”, … Hoặc trả lời trọn câu: “Đây là gì?” →
“Đây là ca”.
19
o Tập yêu cầu: “Con muốn bánh”, “Cho con chơi”,….
- Nói câu dài, nói 2 câu 3-4 từ, hai vế câu, nguyên nhân – kết quả. VD: “Con đói, con muốn ăn”.
“Trời mưa rồi, che dù thôi”,…..
- Mô tả tranh bằng 1-2 câu đơn giản, trả lời câu hỏi theo truyện.
- Kể truyện theo tranh trình tự 3-4 bước.

20
10. HƯỚNG DẪN DẠY GIAO TIẾP BẰNG LỜI

Nguyên tắc:

dạy cách thể hiện nhu cầu → trợ giúp → giảm trợ giúp → chờ đợi bé thể hiện

Một số trẻ tự kỷ được dạy rất nhiều kiến thức, kỹ năng cứng, vận động, hầu như hỏi gì bé cũng biết
nhưng một số trẻ lại rất khó khăn trong việc diễn đạt nhu cầu, thể hiện cảm xúc, vui đùa, giao tiếp
tương tác với người khác, đồng thời một số bé cũng không biết cách chơi với bạn, chơi với người khác
như thế nào…. Do đó, phần này sẽ trình bày một số nội dung liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực
hiện, mọi người hãy vận dụng khả năng sáng tạo của mình sao cho phù hợp với trẻ nhất. Các bài tập
bên dưới chỉ mang tính chất minh họa. Chỉ có cha mẹ, giáo viên trực tiếp tương tác với trẻ mới là người
hiểu trẻ nhất và luôn sẵn sàng vì trẻ.

1. Tập nói: theo file tập nói

2. Một số gợi ý:

- Yêu cầu:
• Cho
• Cho bánh
• Cô/mẹ cho bánh/kẹo/ipad….

- Khơi vào các nhu cầu:


• Ăn: nên để đói thì giơ đồ ăn ra. Nên lựa chọn những đồ ăn mà bé thích để tập xin. Chọn đồ
ăn mà bé ghét thì tập phản ứng “không”.
• Uống: canh xem nếu bé khát thì dắt bé ra chỗ bình nước nhưng tạm thời chưa cho uống, tập
bé xin “uống” hoặc làm ký hiệu đưa tay lên miệng, mắt nhìn cô thì mới cho bé uống nước.
Với những bé hầu như không có nhu cầu, nên cho bé tập vận động hoặc chạy nhảy thật
nhiều, ra nhiều mồ hôi, đến khi thật khát, bé sẽ dắt cô ra chỗ bình nước. Khi đó cũng nên
cố gắng tập cho bé thể hiện nhu cầu mới được đáp ứng.
• Đồ chơi: tập cho bé biết chơi nhiều loại đồ chơi. Ban đầu dạy bé chơi 1 loại đồ chơi, sau đó
đan xen để dạy bé biết chơi nhiều loại hơn. Khi bé biết chơi rồi, cô nên để đồ chơi ở trên
cao trong tầm mắt của bé nhưng bé không tự lấy được. Tập cho bé biết kéo tay, chỉ, xin.
• Người chơi: người giáo viên, cha mẹ, những người tương tác với trẻ nên là phần thưởng
tuyệt vời đối với trẻ. Nghĩa là, mỗi khi ở gần bé, ta nên tạo ra những trò chơi, cách chơi
hấp dẫn, thu hút trẻ khiến trẻ thích thú và mong muốn được ở gần người đó, níu kéo người
đó chơi với trẻ, chọc ghẹo người lớn để được chơi nữa. Các trò chơi thường thu hút trẻ là
21
bế trẻ lên quay 1 vòng, đung đưa trẻ, trò đuổi bắt, kéo cưa lừa xẻ, chơi với bong bóng, chơi
cầu tuột, chơi bập bênh,….

- Khi chơi, nên tạo thành nhiều tình huống càng linh hoạt, càng đa dạng càng tốt hoặc 1 trò chơi
có thể chơi được rất nhiều kiểu, nay chơi kiểu này mai chơi kiểu lạ một chút. Thỉnh thoảng, nên
xen kẽ những yếu tố có tính bất ngờ như đột nhiên nói giọng cao vút/trầm xuống hoặc thay đổi
quá trình chơi (xen vào 1 yếu tố lạ, thay đổi cách kết thúc,…)
- Khi tập cho trẻ giao tiếp, đặc biệt nên chú ý mắt của trẻ. Nếu trẻ chỉ ra kéo tay/nói mà không
nhìn mắt thì trẻ không được đáp ứng.
- Khi tương tác với trẻ, nên kích cảm giác, cảm xúc, kích nhiều cảm xúc tích cực, khơi gợi sự tự
tin, nhu cầu muốn giao tiếp-tương tác-chia sẻ-lôi kéo-khoe-nhờ,….
- Nên tạo nhiều tình huống làm cùng, chơi cùng, đặc biệt là trong các hoạt động sinh hoạt hàng
ngày. Ví dụ: quét nhà, nhặt rau, chiên trứng, gọt rau củ quả, làm bánh,… hay cùng chơi nặn đất
sét, chơi cát, vẽ tự do, tô màu tự do,…. khuyến khích các ý tưởng mới, hình tượng mới hoặc tạo
thêm các yếu tố mới như đóng vai, kể truyện,….
• Vd nặn đất sét thành hình tròn, sau đó thêm mắt mũi miệng thì thành mặt cười, thêm tia
nắng thì thành mặt trời, bỏ tia nắng thêm hình vuông và 4 sợi nhỏ thì thành hình người,
thêm mũ thêm mặt trời thì thành bạn đi chơi dưới trời nắng,…. Mỗi khi làm thành 1 hình
tượng gì, nên khuyến khích trẻ tưởng tượng mình sắp làm gì đây. Ban đầu nên làm 1 vài
hình tượng quen thuộc cho bé hiểu mình sắp làm gì. Chừng bé hiểu rồi, mình hãy thay đổi
và ….chờ xem bé sẽ đoán ra là cái gì…, bé đoán là mặt trời thì mình làm thành con mèo,
và cùng phá lên cười,… Dần dần, khả năng hiểu của bé sẽ linh hoạt hơn, đồng thời sự
tưởng tượng cũng mỗi ngày phong phú dần lên. Lưu ý: mỗi lần chơi nên có 1 chút thay đổi,
như vậy người cũ nhưng các hoạt động luôn là mới, luôn có những bản sắc riêng và mang
tính hấp dẫn lôi cuốn. Ta có thể kéo trẻ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trẻ cũng
vì thế mà luôn mong ngóng chờ đợi những lúc được ở bên ta, hoặc mong muốn được thể
hiện những ý tưởng mới…
• Khi mình nấu cơm, có thể chọn những món đơn giản hoặc bé thích ăn hoặc có công đoạn
dễ làm. Chia công việc cụ thể cho bé nhờ bé làm giúp. VD: bé nhặt rau còn mình rửa, bé
bào vỏ khoai tây còn mình thái, nếu chiên trứng thì có thể tập cho bé đập trứng hoặc đánh
trứng,…
• Đến giờ ăn, giao cho bé nhiệm vụ dọn bàn ăn, dọn mấy chén mấy muỗng đũa, bê thức ăn
ra bàn… Ăn xong có thể nhờ bé cất chén bát vào bồn, có thể dạy lau bàn, rửa chén
nhựa,….

- Bất kỳ khi nào bé làm được việc gì dù là nhỏ nhất, nên khen bé ngay và gieo cho bé niềm tin
rằng bé của bạn rất giỏi, bạn rất thương bé…
- Nên tìm các trò chơi để tập cho bé chơi luân phiên, chơi giả vờ, chơi đóng vai, diễn kịch, chơi
nhóm, tạo ra các tình huống để tập cho bé biết cách ứng xử sao cho linh hoạt,…
22
• Các trò chơi luân phiên: chơi bập bênh, chơi cầu tuột, chơi ném vòng vào cột, chơi ném
bóng rổ, chơi chui ống,….
• Các trò chơi giả vờ: ban đầu chơi dạng thật đơn giản, sau đó tùy theo khả năng của bé để
tăng dần mức độ hiểu và ứng xử lên. VD: ban đầu có ca và muỗng bé ngồi gõ gõ. Sau đó
giả vờ mình đói bụng kêu bé đút cho bé, đút cho mình. Sau đó, chuyển dần sang chơi với
búp bê. Nâng cao lên cho búp bê ăn, uống, đánh răng, tắm, ru ngủ,… Sau đó chơi đóng vai
mẹ ru bé ngủ, hoặc đóng vai 2 bạn búp bê cùng chơi, cùng làm các hoạt động đơn
giản,…Có thể đóng vai mẹ-con, bác sĩ-bệnh nhân, cô giáo-học sinh, bố-con, con gà-con
mèo,…
• Các trò chơi nhóm: có thể tạo các trò chơi nhóm đan xen bé khá với bé có ngôn ngữ hoặc
bé ít hành vi. Tập cho bé chơi rồng rắn lên mây, chơi nu na nu nống, chơi mèo đuổi chuột,
chơi lộn cầu vồng, chơi dung dăng dung dẻ,…
• Tạo tình huống giả: giả vờ bị té ngã, dạy bé cách xoa chỗ đau, hỏi có đau không, dạy cách
bày tỏ tình yêu thương với người thân, dạy cách lấy nước giúp, dạy cách lấy khăn đắp lên
trán khi mình bị sốt. Những khi mình bị bệnh thật, nên nhờ một người khác dạy bé cách thể
hiện tình cảm, cách chăm sóc người thân,…. Chỉ thông qua những tình huống như thế này
mới có thể kích vào tình yêu thương gia đình, tình cảm gắn bó và ý thức trách nhiệm, sự cố
gắng-nỗ lực mang lại niềm vui cho bố mẹ ông bà,… Đồng thời, luôn luôn nuôi dưỡng tinh
thần cố gắng vươn lên của con, con sẽ trưởng thành dần lên.
• Khi các hoạt động chơi trong phòng, trong nhà đã tương đối tốt, vẫn nên kết hợp đan xen
tập cho bé ra các môi trường bên ngoài để bé thích nghi được với nhiều môi trường, nhiều
người, nhiều nguyên tắc kỷ luật của cộng đồng hơn. VD: tập cho bé đi công viên (chơi
nhiều trò chơi, chờ tới lượt, tập làm quen với bạn, tập chơi trò mới,…),
• Tập đi siêu thị: tập mua hàng: trước khi đi nên nói trước với bé, nhờ bé mua giúp mình 1
món gì đó rất dễ mua. VD: mua bàn chải đánh răng. Khi tới nơi hỏi bé về món hàng mình
nhờ mua. Dạy bé tìm nơi bán. Dạy bé chọn. Dạy bé chờ tính tiền. Dạy trả tiền. Nếu được,
trong các quá trình đi ra ngoài, nên dạy bé đặt câu hỏi với nhiều người.
• Tập đi uống cà phê: dạy bé chọn món, dạy bé kêu món, dạy bé chờ đợi, dạy bé kêu tính
tiền, dạy trả tiền
- Nên tập cho bé nhảy múa theo nhạc. Với bé gái có thể tập hát múa theo video, các bài tập thể
dục nhịp điệu hoặc múa erobics. Bé trai có thể nhảy các bài nhảy năng động, nhảy theo video
“trà bí đao”, “dầu ăn kiddy”, “ba con gấu”, …. Bài tập này rất tốt cho trẻ, vừa giúp bé tập trung
theo bài, vừa tập cho bé bắt chước theo bạn, theo đĩa, vừa giúp bé thể hiện cảm xúc tích cực
nhiều hơn, cảm nhận âm nhạc tốt hơn,….

3. Lưu ý:
- Khi dạy bé giao tiếp, nên tìm xem mình có thể tạo được những tình huống nào khiến con có thể
sử dụng kiến thức mình đã học, ngôn ngữ mình đã có để có cơ hội sử dụng, nên chờ đợi bé, cho
23
bé thời gian để bé tự xử lý, tự suy nghĩ xem nên làm gì, nói như thế nào, không nên nhắc bé
bằng lời như “con nói đi”, “con nói làm sao”… mà chỉ nhắc bằng ánh mắt khích lệ, cử chỉ gần
gũi để bé tự thể hiện bằng lời/cử chỉ và ánh mắt.
- Khi bé đã biết dùng lời nói, cử chỉ để giao tiếp rồi, nên giả bộ làm lơ, quay đi khi bé muốn
hỏi/nói/kêu. Tập cho bé biết cách vỗ vai, đập tay, gọi.
- Điều kiện: bé phải vừa nhìn mắt vừa nói. Nếu bé chỉ nói mà không nhìn mắt thì mình không nên
đáp ứng nhu cầu của bé.

24
11. HƯỚNG DẪN DẠY CHỮ

- Dạy bảng chữ cái: mỗi ngày đều chỉ lên bảng chữ cái, đọc cho con nghe, tập con chỉ mình đọc
tạo thành thói quen hàng ngày. Có thể ứng biến thành bài hát chữ cái Tiếng Việt. Hãy làm cho
việc học bảng chữ cái là một hoạt động rất vui vẻ, thích thú, không áp lực, chỉ cần con vui là
được. Lâu dần, con sẽ nhớ bảng chữ cái.
- Dạy ghép chữ với hình, dạy kèm đánh vần thụ động.
Bước 1: dạy hình ảnh cho con kèm chữ ở dưới, có thể viết ở mặt sau của thẻ hình. Chữ nên rõ
ràng, dễ nhìn.

Bước 2: làm một thẻ chữ riêng rồi tập cho con đặt thẻ chữ tương ứng với thẻ hình có kèm chữ.

Bước 3: dạy con đánh vần hoặc cô đánh vần cho con nghe (không áp lực, chỉ cần con chịu nghe,
nếu con thích có thể khuyến khích con lặp lại theo cô).
- Ghép chữ với chữ: để các thẻ chữ theo từng bộ con vật, đồ vật hay trái cây,… lên bàn. Lấy một
bộ thẻ chữ giống với những chữ đó cho con đặt tương ứng. VD: ca-ca, ghế-ghế, chó-chó,…

- Nối chữ tương ứng: chữ giống nhau (cá-cá, bò–bò,..), từ ghép (ba-lô, bàn-chải, đạp-xe, đánh-
răng,..), câu (bé-đi học, mẹ-nấu ăn, con cá-bơi,…)

25
- Ghép câu với hình minh hoạ đơn giản: nên dùng hình các hoạt động để dạy con phần này. VD:
hình bé đá bóng, bé đạp xe, bé ăn cơm; giơ thẻ chữ “bé đá bóng” rồi yêu cầu bé đặt vào hình
mô tả đúng.
- Trả lời câu hỏi bằng thẻ chữ: VD: trả lời các câu hỏi về tên gọi, địa chỉ nhà, sở thích, gia đình,…
- Câu hai mệnh đề, nguyên nhân – kết quả
- Trình tự 3-4 bước
- Ghép thành một bài hát, bài thơ
- Truyện ngắn, truyện đơn giản

Lưu ý:
Tuỳ theo từng trẻ, cha mẹ có thể linh hoạt tìm xem cách nào là phù hợp với con nhất,
con thích cách học như thế nào nhất để mình soạn bài cho con. Với tất cả mọi nội dung, chỉ cần
con hứng thú, con sẽ có động cơ để tiếp thu những nội dung được truyền dạy, cũng chỉ nhờ
hứng thú, các kiến thức đó mới thực sự dành cho con, là của con sau này. Nếu trẻ bị ép học một
cách thái quá, tâm lý trẻ sẽ không tốt, trẻ sẽ học theo kiểu đối phó, học đó nhưng quên ngay sau
đó, cách này rất không nên áp dụng đối với tất cả các trẻ.

26
12. HƯỚNG DẪN DẠY TOÁN
- Dạy số 1 – 10
- Dạy số lượng
• Đếm số lượng rồi viết, lấy số tương ứng
• nối số-số lượng
• số lượng-số lượng
• lấy, viết, vẽ số lượng tương ứng số
• khoanh tròn nhóm số lượng theo yêu cầu (khoanh tròn thành nhóm 2 con cá, nhóm 3 cây
dù,…)
- dạy nhiều, ít, dấu >, dấu <
- toán cộng đơn giản
• cộng số lượng bằng hình minh hoạ, viết số tương ứng, đọc phép cộng

• cộng số bằng số lượng minh hoạ


• cộng phản xạ nhanh, rèn tư duy, trí nhớ (có thể rèn cộng ngón tay với những bé điều
khiển ngón tay tốt)
• cộng tới
- toán trừ đơn giản
• trừ số lượng có hình minh hoạ, gạch bớt số lượng tương ứng số.

• trừ số bằng cách vẽ số lượng gạch tương ứng rồi gạch bớt.
27
• trừ bằng ngón tay
• trừ phản xạ nhanh
• liên hệ thực tế bằng vật thật, đồ vật, thức ăn
- toán đố đơn giản
- vị trí:
• trước → số liền trước
• sau → số liền sau
• ở giữa
• trên cùng
• dưới cùng
- điền số thiếu theo tia số
- số chẵn
- số lẻ

Một số trang web học toán: cha mẹ và giáo viên có thể lên các trang web sau để tìm hiểu
nhiều thêm cách dạy con :
www.mathgamesiscool.com
www.ixl.com
www.kidlearningstation.com
www.education.com

28
13. CHƠI
- chơi đồ chơi
- chơi với cô, bố mẹ
- chơi với búp bê
- chơi với cô và búp bê
- chơi với bạn ngang lứa tuổi
- chơi chung với các bạn
14. HƯỚNG DẪN DẠY KỸ NĂNG VIẾT, VẼ, TÔ MÀU
- Kỹ năng cầm bút, phối hợp hai tay
- Kỹ năng tô màu
- Kỹ năng chơi đất sét

29

You might also like