You are on page 1of 2

Truyện cổ tích “Tấm Cám” thể hiện quá trình đấu tranh giành và giữ

hạnh phúc của cô gái mồ côi. Mặc dù đã trở thành hoàng hậu những Tấm vẫn
bị mẹ con Cám hãm hại. Nhưng cô gái trước đây vốn chỉ biết ngồi than khóc
khi gặp khó khăn và nhờ cậy vào sự giúp đỡ của ông Bụt thì giờ đây, sau khi
chết, cô không hề trông mong vào ai mà tự mình giành lại hạnh phúc qua việc
hóa thân nhiều lần. Mặc dù cô liên tiếp bị mẹ con Cám giết hại nhưng vẫn
khẳng định sức sống mạnh mẽ của bản thân, công khai vạch trần kẻ đã hãm
hại mình, không còn yếu đuối cam chịu. Sự hóa thân thành nhiều chặng liên
tiếp của Tấm tạo nên sức hấp dẫn của câu chuyện. Sau mỗi lần hóa thân, Tấm
lại trở nên mạnh mẽ hơn và kiên quyết chống lại những âm mưu và sự độc ác
của mẹ con dì ghẻ. Và cuối cùng, cô đã giành lại được hạnh phúc của chính
bản thân mình và từ đó có hành động dứt khoát trừng trị cái ác ở cuối truyện.
    Truyện cổ tích “Tấm Cám” còn phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện,
những điều tốt đẹp trước cái xấu, cái ác. Từ chủ đề mơ ước đổi đời của những
cô gái mới lớn, truyện đã tăng thêm chủ đề đấu tranh xã hội, đấu tranh thiện-
ác. Xuyên suốt câu chuyện, chúng ta có thể thấy được sự phân chia giới tuyến
giữa các nhân vật: Tấm đại diện cho kiểu nhân vật chính diện với những nét
chính trong phẩm chất như thật thà tốt bụng, chăm chỉ làm lụng, còn mẹ con
Cám là đại diện cho kiểu nhân vật phản diện với sự lười biếng, gian xảo. Quá
trình đấu tranh đó diễn ra vô cùng quyết liệt bởi các nhân vật đại diện cho
những mặt khác nhau của đạo đức, phẩm chất con người, và cuộc chiến chỉ
dừng lại khi một phe bị tiêu diệt khi Tấm đích thân trừng phạt mẹ con Cám,
thể hiện ước mơ của nhân dân ta về sự chiến thắng của cái thiện trước cái
xấu, cái ác.
    Truyện cổ tích “Tấm Cám” còn phản ánh những xung đột tồn tại trong gia
đình và xã hội, thậm chí mang tính giai cấp. Trước hết, đó là mâu thuẫn giữa
mẹ ghẻ- con chồng cùng xung đột con chung- con riêng xuất phát từ những
yếu tố về quyền lợi vật chất. Nhưng sâu xa hơn, đằng sau mỗi lần Tấm ôm
mặt khóc nức nở bởi sự chèn ép của mẹ con Cám chính là mâu thuẫn về giai
cấp giữa một bên là người bị áp bức bóc lột và kẻ áp bức bóc lột. Sau đó,
mâu thuẫn này được đẩy lên mâu thuẫn xã hội bởi sau khi Tấm trở thành
hoàng hậu nhưng vẫn bị mẹ con Cám hãm hại.
Như vậy, với cốt truyện li kì, hấp dẫn cùng những chi tiết tưởng tượng kì
ảo, câu chuyện Tấm Cám đã thể hiện những mâu thuẫn cơ bản trong gia đình
và xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Đồng thời thể hiện ước mơ của nhân dân ta
về cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn, tốt đẹp chỉ có được khi cái xấu, cái ác bị
tiêu diệt.

You might also like