You are on page 1of 3

Ứng dụng thực tế

1. Một vài nét về ứng dụng các đồng vị phóng xạ trong lâm sàng.
Chuyên ngành Y học hạt nhân (Nuclear Medicine) là một chuyên ngành tương
đối mới của y học. Trong những năm qua nó đã có những bước tiến bộ vượt bậc
và đạt được nhiều thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh nói chung và
đặc biệt trong bệnh ung thư.
1.1. Chẩn đoán bệnh bằng đồng vị phóng xạ (ĐVPX):
Cách đây hơn 60 năm, các đồng vị phóng xạ (ĐVPX) đã được sử dụng cho mục
đích chẩn đoán và điều trị.
Nguyên tắc chung của chẩn đoán bệnh bằng đồng vị phóng xạ như sau:
Để đánh giá hoạt động chức năng của một cơ quan, phủ tạng nào đó ta cần đưa
vào một loại ĐVPX hoặc một hợp chất có gắn ĐVPX thích hợp, chúng sẽ tập
trung đặc hiệu tại cơ quan cần khảo sát. Theo dõi quá trình chuyển hoá, đường
đi của ĐVPX này ta có thể đánh giá tình trạng chức năng của cơ quan, phủ tạng
cần nghiên cứu qua việc đo hoạt độ phóng xạ ở các cơ quan này nhờ các ống
đếm đặt ngoài cơ thể tương ứng với cơ quan cần khảo sát. 
Ví dụ: người ta cho bệnh nhân uống 131I rồi sau những khoảng thời gian
nhất định đo hoạt độ phóng xạ ở vùng cổ bệnh nhân, từ đó có thể đánh giá được
tình trạng chức năng của tuyến giáp ...
Để ghi hình (xạ hình) các cơ quan người ta phải đưa các ĐVPX vào cơ thể
người bệnh. Xạ hình (Scintigraphy) là phương pháp ghi hình ảnh sự phân bố
của các chất phóng xạ ở bên trong các phủ tạng bằng cách đo hoạt độ phóng xạ
của chúng từ bên ngoài cơ thể.
Xạ hình không chỉ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đơn thuần về hình thái
mà nó còn giúp ta hiểu và đánh giá được chức năng của cơ quan, phủ tạng và
một số biến đổi bệnh lí khác.
Để ghi hình các cơ quan, ngoài máy scanner (ghi hình tĩnh) người ta còn dùng
máy Gamma Camera, SPECT, PET, PET/CT hoặc SPECT/CT.
Bằng kỹ thuật ghi hình y học hạt nhân, người ta có thể ghi hình từng cơ quan
hoặc ghi hình toàn cơ thể (Whole body scan), kết quả xạ hình sẽ cung cấp cho
chúng ta các thông tin về hình ảnh chức năng nhiều hơn hình ảnh về cấu trúc
giải phẫu.
1.2. Điều trị bệnh bằng đồng vị phóng xạ:
Để điều trị người ta phải đưa các đồng vị phóng xạ hay dược chất phóng xạ
(DCPX) vào trong cơ thể người bệnh. Người ta gọi đây là phương pháp điều trị
chiếu trong hay còn gọi là điều trị bằng nguồn hở.
Nguyên lý chung của phương pháp điều trị chiếu trong được dựa trên định
đề Henvesy: Cơ thể sống không có khả năng phân biệt các đồng vị của cùng
một nguyên tố. Điều đó có nghĩa là khi đưa vào cơ thể sống các đồng vị của
cùng một nguyên tố thì chúng cùng tham gia vào các phản ứng sinh học và cùng
chịu chung một số phận chuyển hoá. Vì vậy, khi biết một nguyên tố hoá học
hoặc một chất nào đó tham gia vào quá trình chuyển hoá ở một tổ chức hoặc
một cơ quan nào đó của cơ thể, có thể dùng ĐVPX của nguyên tố hoá học đó
hoặc chất đó đưa vào cơ thể. Các ĐVPX (hay còn gọi là thuốc phóng xạ) này sẽ
tập trung đặc hiệu tại tổ chức bệnh (tổ chức ung thư, tổ chức cường chức
năng…) và phát huy tác dụng điều trị…
Điều trị là dùng năng lượng các tia bức xạ để làm thay đổi chức năng hay huỷ
diệt một tổ chức bệnh lý nhất định. Liều điều trị phải lớn gấp hàng trăm, hàng
ngàn, hàng vạn lần so với liều chẩn đoán.
Trong nhiều trường hợp, so với các phương pháp điều trị khác thì điều trị
bằng các đồng vị phóng xạ là phương pháp điều trị hữu hiệu, nhanh gọn, đơn
giản, kinh tế… Chẳng hạn có thể dùng I-131 để điều trị rất hiệu quả bệnh nhân
ung thư tuyến giáp thể biệt hoá: sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ khối u và tuyến
giáp, bệnh nhân được uống I-131, theo dòng tuần hoàn I-131 sẽ truy tìm và
đọng lại những nơi có tế bào ung thư tuyến giáp hoặc các tổ chức giáp di căn
vào bất kỳ vị trí nào cuả cơ thể (vào phổi, xương, não…). Năng lượng bức xạ
beta (b) của I-131 sẽ tiêu diệt rất hiệu quả các tế bào ung thư giáp. Sau đó bệnh
nhân sẽ được bồi phụ hormon giáp để trở về bình giáp. Rất nhiều bệnh nhân đã
khỏi và có thể sinh đẻ và trở về cuộc sống lao động, sinh hoạt bình thường…
Ngoài ra, người ta cũng còn dùng I-131 để điều trị nhiều bệnh khác như cường
giáp trạng, Basedow… hoặc sử dụng các đồng vị phóng xạ hướng xương như:
Phospho-32 (P-32), Stronti – 89 (89Sr); Samarium – 153 (153Sm); Rhenium –
188 (188Re) để điều trị chống đau do ung thư di căn vào xương. Các đồng vị
phóng xạ này khi vào cơ thể sẽ theo dòng tuần hoàn và đến các tổ chức xương
bị ung thư và phát huy hiệu quả điều trị nhờ vào năng lượng bức xạ beta (b) của
chúng. Hiệu quả điều trị giảm đau sau 1 lần tiêm là từ 3-12 tháng, tuỳ theo đồng
vị phóng xạ sử dụng…
2. Ghi hình khối u bằng máy SPECT, PET
Phương pháp ghi hình (xạ hình) có vai trò quan trọng trong việc phát hiện các
khối u, đặc biệt các khối u ác tính, cũng như theo dõi ung thư tái phát và đánh
giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.
       Nguyên tắc chung của ghi hình y học hạt nhân là: để ghi hình (xạ hình) các
cơ quan người ta phải đưa các ĐVPX hay dược chất phóng xạ (DCPX) vào cơ
thể người bệnh. Các ĐVPX hay các DCPX để ghi hình phải được lựa chọn sao
cho khi vào cơ thể nó chỉ tập trung vào cơ quan cần ghi hình, ít hoặc không tập
trung phóng xạ ở các tổ chức hay cơ quan khác và phải được lưu giữ ở đó một
thời gian đủ dài. Sự phân bố trong không gian của DCPX này sẽ được ghi thành
hình ảnh. Hình ảnh thu được có tính đặc hiệu của cơ quan cần nghiên cứu. Hình
ảnh này được gọi là xạ hình đồ, hình ghi nhấp nháy (Scintigram, Scanogram,
Scan). Đây là điểm khác biệt rất quan trọng trong ghi hình bằng kỹ thuật y học
hạt nhân so với các kỹ thuật ghi hình không đưa các phóng xạ vào cơ thể người
bệnh như CT, MRI… Thực chất xạ hình (Scintigraphy) là phương pháp ghi hình
ảnh sự phân bố một cách đặc hiệu của các chất phóng xạ ở bên trong các phủ
tạng bằng cách đo hoạt độ phóng xạ của chúng từ bên ngoài cơ thể.
 Xạ hình không chỉ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đơn thuần về hình thái
mà nó còn giúp ta hiểu và đánh giá được chức năng của cơ quan, phủ tạng và
một số biến đổi bệnh lí khác của chính cơ quan đó.
Để phát hiện khối u, hiện có nhiều phương pháp khác nhau:
·      Các phương pháp chụp hình thường quy (quy ước) như: XQ, siêu âm, CT,
MRI...
·      Các phương pháp ghi hình bằng y học hạt nhân như: Scanner, Gamma
camera, SPECT, PET, PET/CT... Mỗi loại phương pháp đều có những ưu nhược
điểm riêng. Trong lâm sàng, người thầy thuốc cần biết sử dụng hoặc phối hợp
các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đó để có những thông tin chính xác giúp
ích cho quá trình chẩn đoán theo dõi và đánh giá hiệu quả của các phương pháp
điều trị.
Hiện nay có thể xếp các phương pháp ghi hình khối u theo 3 nhóm chính như
sau:
·      Ghi hình khối u với máy gamma camera và SPECT, loại này gồm 2 loại xạ
hình:
+ Xạ hình (lên hình) bằng tương phản âm tính (-)
+ Xạ hình (lên hình) bằng tương phản dương tính (+)
·      Ghi hình khối u đặc hiệu (ghi hình miễn dịch phóng xạ:
Radioimmuoscintigraphy: RIS).
·      Ghi hình khối u theo nguyên tắc chuyển hoá (bằng kỹ thuật PET)
 Ghi hình bằng máy PET có thể giúp chúng ta:
-          Chẩn đoán sớm ung thư
-          Phân loại giai đoạn ung thư
-          Kiểm tra và đánh giá tái phát ung thư.
-          Đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị

Nguồn: http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/bai-viet-chuyen-mon-
menuleft-33/329-ung-dung-mot-so-ky-thuat-y-hoc-hat-nhan-trong-chan-doan-
ung-thu-329.html

You might also like