You are on page 1of 4

Phân tích đoạn thơ sau đây để làm nổi bật đặc điểm bút pháp lãng mạn

của nhà thơ Quang Dũng:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!


Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi…”

Bài làm
Như mỗi loài hoa mang trong mình hương sắc riêng giữa cuộc đời , các tác phẩm trong
dòng chảy thi ca đều có những vẻ đẹp khác nhau.Và nhà thơ Quang Dũng với ‘’Tây Tiến’’ đã hiện lên
đầy nổi bật như một ngôi sao sáng trong nền văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp.
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, ông vẽ tranh, soạn nhạc, làm văn,.... đặc biệt, ông còn được biết
đến với một hồn thơ tâm huyết, lãng mạn, tiếng thơ đầy tinh tế và tài hoa.
Nếu kể tên những bài thơ hay nhất trong thời kì kháng chiến chống Pháp, ta không thể
không nhắc tới ‘’Tây Tiến’’, tác phẩm tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng. Bài thơ được ra đời sau một
thời gian xa trung đoàn và đoàn đội tại Phù Lưu Chanh năm 1948, bên dòng sông Đáy hiền hòa . Bài
thơ bao trùm bằng nỗi nhớ và xúc cảm tự hào đối với đồng đội thân thiết, với khung cảnh thiên nhiên
Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ mà thơ mộng, trữ tình.
Có thể nói rằng, nếu thơ Mới đem đến cảm hứng lãng mạn thoát li thì thơ ca cách mạng
hướng đến cảm hứng lãng mạn cách mạng. Đặc điểm nổi bật của cảm hứng lãng mạn cách mạng là từ
hiện thực mà lí tưởng hóa hiện thực, hướng tới cái phi thường, cái lí tưởng. Đặc điểm ấy đã được
‘’Tây Tiến’’ khắc họa xuyên suốt 14 câu thơ đầu:
‘’ Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi’’

Hai câu thơ cất lên như một lời khẽ gọi nơi phương trời xa xôi. Trong trái tim nhà thơ,
‘’Sông Mã’’ đâu chỉ hiện lên như một cảnh sắc thiên nhiên đơn thuần, mà phải chăng, đó còn là
hoán dụ cho miền Tây, là biểu tượng về trung đoàn Tây Tiến – những người đồng đội quen thân
như máu thịt. Tây Tiến là một đoạn đời ngắn ngủi, quý giá đã đi qua, đã ‘’xa rồi’’. Vì thế mà câu
thơ da diết đến quặn lòng. Tiếng ‘’ơi’’ bắt vần với từ láy ‘’chơi vơi’’ càng gợi ra cảm xúc trống
trải, hụt hẫng vô cùng. Điệp từ ‘’nhớ’’ trở đi trở lại như miên man,đầy ám ảnh, nó thôi thúc, nó gọi
mời người lính trở về với quá khứ tha thiết, ân tình của một thời gian khổ, đạn bom.
Màn sương mờ giăng mắc trên con đường trong những câu thơ tiếp theo như nhắc lại
nỗi gian nan mà đoàn binh Tây Tiến từng nếm trải:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Câu thơ đầu được ngắt nhịp 4/3, như trùng xuống bởi một chữ ‘’lấp’’. Sương mù dày
đặc đã che lấp đi đoàn quân. Con đường dưới chân không còn thấy rõ, thế nhưng các anh vẫn tiến
về phía trước, bỏ lại bao nhiêu mệt mỏi ở phía sau. Câu thơ mang thanh bằng như gợi ra một không
gian ảo huyền, một ‘’đêm hơi’’ được thi vị hóa. Dưới ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng, hình
ảnh ‘’hoa’’ cũng được thổi vào một linh hồn. Đó là hương ‘’hoa về’’ trong đêm, làn hương vấn
vương theo bước chân của người chiến sĩ, hay ‘’hoa về’’ đã được ẩn dụ cho ngọn đuốc lửa cháy
bập bùng, mờ ảo dẫn lối các anh vượt qua đêm sương? Chỉ biết rằng, dù là hư hay thực, trần trụi
hay thi vị hóa, thì sự nhọc nhằn, vất vả của đoàn binh vẫn được khắc họa thật đậm sâu.
Để rồi khi đến với những câu thơ miêu tả dốc núi miền Tây gập ghềnh, hiểm trở, hình
tượng người lính Tây Tiến càng trở nên anh hùng biết bao:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Điệp từ ‘’dốc’’ đã mở ra quang cảnh chồng chất núi non trùng điệp trước mắt, liên
tiếp khó khăn vất vả như thử thách ý chí , nghị lực của đoàn quân. Dường như đọc câu thơ, ta chợt
như thấy lại ý thơ của Lí Bạch trên con đường sang xứ Thục:
‘’Thục đạo chi nan, nan ư thưởng thiên thanh’’
Con đường ấy khó đi quá, như lên tận trời xanh. Một bên là mặt đường gồ ghề dưới
chân đầy ‘’khúc khuỷu’’, một bên lại ‘’thăm thẳm’’, gợi ra cả con đường trước mắt xa xôi, hun hút
như vô cùng vô tận . Câu thơ bảy chữ thì đã có 5 thanh trắc như vẽ cái ngoằn ngoèo, gian truân của
con dốc.
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Đảo ngữ ‘’heo hút’’ ở câu thơ tiếp càng gợi nên cái vắng vẻ, xa xôi như con đường đi
giữa mây trời. Dường như ta không còn nhận thấy con dốc quanh co kia đâu nữa. Thế nhưng hình
ảnh ẩn dụ ‘’cồn mây’’ bộn bề, chồng chất, đã gián tiếp làm hiện lên cái dáng núi cao chót vót ấy,
đem đến ấn tượng về một không gian tựa như chỉ có thiên nhiên, không hề có bóng dáng người.
Vậy mà, những chàng trai Tây Tiến với đôi chân ngàn dặm lại chinh phục được nơi đây. Hình ảnh
nhân hóa ‘’súng ngửi trời’’ như đang hé mắt nhìn trời xanh đầy hóm hỉnh của các anh là biểu hiện
cho tinh thần lạc quan , yêu đời. Có thể nói, với cuộc hàn quân cheo leo trên dốc núi , câu thơ vừa
gợi niềm cảm phục và ngưỡng mộ sâu sắc ý chí, tinh thần của người lính, vừa gợi ra bóng hình của
các anh lồng lộng giữa gió núi, mây trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Câu thơ thứ bảy như một lát cắt ngang sắc sảo và gân guốc. Lượng từ ‘’ngàn’’
lặp đi lặp lại vừa ước lệ độ cao vô cùng vô tận của dốc núi, độ sâu hun hút muôn trùng của vực
thẳm. Hai từ tương phản ‘’lên – xuống’’ như gập đôi câu thơ, đã tái hiện vẻ đẹp kì thú, chênh
vênh, hùng vĩ vô cùng của dốc núi miền Tây Bắc. Thông qua chất nhạc, chất nhạc đầy lãng mạn
trong ba câu thơ, ta còn thấy rõ tư chất nghệ sĩ lãng mạn của các anh – những chàng trai Hà Nội có
tâm hồn thật hào hoa, phóng khoáng.
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Đến với câu thơ tả mưa trong một chiều Pha Luông – một câu thơ toàn bộ là thanh
bằng, ta như thấy không gian nhòa đi, mờ nhạt hơn, dàn trải ra vô cùng. Hình ảnh ẩn dụ ‘’mưa xa
khơi’’ làm thung lũng như chìm trong một biển mưa mênh mông. Thấp thoáng trong biển mưa ấy,
‘’nhà ai’’ hiện lên phía xa xa, mơ hồ, không xác định, nghe như về lại câu thơ xưa của chàng thi sĩ
họ Hàn:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Câu thơ đầy bâng khuâng, trăn trở, nửa như xa lạ, nửa như thân quen. Phải chăng đó
chính là cảm giác xao xuyến của người lính Tây Tiến khi trên đường hành quân, chợt thấy những
ngôi nhà ấm cúng mà nhớ về mái nhà giờ đã tạm chia xa ? Câu thơ trùng xuống, thung lũng trong
mắt các anh như loãng tan trong màn mưa.
Thế nhưng sau khi vượt qua khó khăn trùng điệp nơi dốc núi, đón nhận cơn ‘’mưa xa
khơi’’, con đường hành quân đâu có êm đềm, thơ mộng. Hai câu thơ miêu tả núi rừng càng khắc
họa sự dữ dội của thiên nhiên nơi đây:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Hình ảnh nhân hóa ‘’thác gầm thét’’ đã tái hiện vùng thâm u hoang sơ, bí hiểm. Nơi
đó có dòng thác cuồn cuộn chảy xiết như xối xả, man dại rơi xuống từ vùng cao thăm thẳm, hòa
cùng với tiếng chân cọp nặng nề vang lên đe dọa trong vòm thấp tối hòa thành một khúc trường ca
uy nghi, đầy đe dọa mỗi khi bóng tối ngập tràn. Dòng thời gian ấy lặp đi lặp lại như miên viễn,
vĩnh hằng của ‘’chiều chiều’’,’’đêm đêm’’. Đây là nơi ngự trị muôn đời của thiên nhiên, là nơi
‘’hầm thiêng ta ngự trị’’. Vậy mà các anh vẫn hành in dấu chân mình ‘’hành quân’’ qua nơi đây,
một lần nữa làm ta thêm cảm phục sức mạnh hào hùng và vẻ đẹp hào hoa của binh đoàn mang tên
Tây Tiến.
Kết thúc những nỗi nhớ miên man về thiên nhiên Tây Bắc, hùng vĩ, dữ dội, nhưng cũng
thật êm đềm, thơ mộng, bút pháp lãng mạn trong ‘’Tây Tiến’’ đưa ta đến nỗi nhớ về con người,
trước hết là kí ức về những người đồng chí, đồng đội:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa


Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Từ láy ‘’dãi dầu’’ phần nào gợi ra nhiều vất vả, nhọc nhằn từ tác động của ngoại
cảnh, tô đậm những gian truân người chiến binh Tây Tiến phải trải qua. Họ là những thanh niên
phơi phới sức trẻ, vì Tổ quốc mà cống hiến. Để rồi nơi chốn sa trường khó nhọc ấy, cũng có lúc
các anh ‘’ không bước nữa’’, các anh đành ‘’bỏ quên đời’’.
Trước hết ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng không vẻ nên câu thơ chỉ có duy
nhất một cách hiểu. ‘’Gục lên súng mũ’’ có thể là nét kí họa nhanh dây phút nghỉ giải lao hiếm hoi,
các anh vô tư lự đánh một giấc thật say trên chính ‘’người bạn đồng hành’’ của mình – súng và mũ.
Hoặc cũng có thể là giây phút mệt mỏi đến kiệt sức của những chàng trai đã cất bước ngày
đêm.Thế nhưng xót xa thay nếu ‘’bỏ quên đời’’ chính là cách nói giảm của sự mất mát, hi sinh: các
anh vĩnh viễn ‘’không bước nữa’’, bỏ lại đoàn quân, ‘’bỏ quên đời’’ mà trên tay ‘’súng mũ ‘’ vẫn
mang theo.
Nhưng câu thơ vẫn nằm trong mạch cảm xúc của toàn bài, tuy bi mà không lụy,
ta vẫn thấy ở đây một cảm giác ngang tàng, ngạo nghễ, khinh bạc mọi gian lao, kể cả đó là cái chết.
Những người ở lại với tư thế đầy chủ động, không chùn bước, không đầu hàng vẫn bước tiếp, và
người ra đi, với sức mạnh hào hùng, đã tiến tới cõi bất tử - đất nước sẽ vang tên các anh bằng khúc
ca bi tráng muôn đời.
Tạm gác lại nỗi nhớ thương đồng đội, kỉ niệm ngọt ngào, sâu nặng nghĩa tình của
con người miền Tây Bắc đã mời gọi đoàn quân bằng tất cả những cảm nhận qua thị giác và khứu
giác:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Đọc hai câu thơ, ta ngạc nhiên khi thấy mọi yếu tố kết nối, liên từ đã bị xóa đi.
Phải chăng đây chính là nỗi nhớ men theo dòng kí ức, đã trào dâng mãnh liệt trong lòng mà không
một sự kiên kết nào có thể cản trở được, khiến nhà thơ phải thốt lên rằng:’’Nhớ ôi....’’? Nỗi nhớ
của người lính ‘’Tây Tiến’’ đã theo hương thơm nồng nàn của xôi nếp nương đầu mùa, hương
thơm ngọt ngào của tình quân dân đọng lại trong kí ức không thể nào phai nhòa.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến một thi ảnh vô cùng tình tứ, ‘’độc nhất
vô nhị’’, đậm chất lãng mạn trong thơ Quang Dũng :’’mùa em’’. Ta thường biết đến ‘’mùa
hoa’’,’’mùa quả’’ với sự căng tràn của trái chín, ngọt ngào của sắc hương. Đó là lúc hoa trái rực rỡ,
đương độ xuân thì. Vậy mà ở đây là ‘’mùa em’’! Thật táo bạo làm sao! Không chỉ đơn thuần các
anh về bản klafng giữa mùa lúa chín, được đón nhận tấm lòng thơm thảo của các bà, các mẹ, đặc
biệt là các chị, các em mà cảm động. Có lẽ hồn thơ lãng mạn của những chàng trai Hà Thành đã
xao xuyến, đã bồi hồi khi đứng trước những nụ cười rạng rỡ, ánh mắt sóng sánh và hơi ấm nồng
nàn của người con gái vùng cao. Tưởng như không có rượu, các chàng trai vẫn ngây ngất trong
men say tình người.
Cảm hứng lãng mạn cách mạng trong Tây Tiến là cảm hứng về một thiên nhiên
thơ mộng, thi vị, cảm hứng về tình đồng đội bi tráng, về tình người ấm áp, ngọt ngào. Đẹp biêys
bao một thiên nhiên Tây Bắc vừa thơ mộng:’’Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi’’, vừa dữ dội ‘’Đêm
đêm Mường Hịch cọp trêu người’’. Bên cạnh những nét vẽ tả thực khắc nghiệt, hiểm trở lại là
những nét vẽ thơ mộng, trữ tình khiến cho bút pháp lãng mạn trong mười bốn câu thơ đầu của
‘’Tây Tiến’’ vang lên như một khúc dạo đầu của bản nhạc gợi nhớ, gợi thương.

You might also like