You are on page 1of 3

Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã giành được nền hoà bình nhưng dư âm của

những giây phút huy hoàng thời bom đạn vẫn sẽ còn mãi trong lòng mỗi người dân VN.
Là một người trẻ của thời hiện đại, tôi đặc biệt ngưỡng mộ lòng dũng cảm, ý chí vượt gian
khổ của những người chiến sĩ năm tháng khốc liệt ấy. Nhiều lần tôi khao khát được trò
chuyện với một “nhân chứng sống” của chiến tranh như họ và thật may mắn, ước mơ ấy
đã thành sự thật.
Ảo giác đưa tôi về một buổi trưa nóng bức trên đất Hà Tĩnh. Hoá ra tôi đang là
khách du lịch ghé vào quán nước ven đường nghỉ mệt. Tôi gọi một ly cà phê đá rồi ngồi
vừa nhâm nhi vừa ngắm cảnh. Bỗng, tôi thấy một gương mặt tuổi xế chiều quen thuộc với
cặp kính nhựa 2 cầu ngồi trong góc quán. Hình như tôi từng thấy ông bác này ở đâu rồi thì
phải… A, là tác giả Chính Hữu trong sách giáo khoa văn tôi đang học đây mà! Hiếm lắm
mới có dịp được gặp 1 nhà thơ thời kháng chiến ngoài đời như này! Tôi như vớ được cơ
hội ngàn năm có một mà lịch sự tiến đến chỗ ông:
- Cháu chào ông, ông có phải nhà thơ Chính Hữu không ạ?
Ông quay sang nhìn tôi, nở nụ cười hiền hậu:
- Ừ đúng rồi, ơ thế cháu bé cũng biết ông à? Cứ tưởng giới trẻ giờ không quan tâm văn
học lắm ấy chứ. Mà cháu ở đâu lên đấy?
- Dạ cháu từ ngoài Bắc vào đây chơi mấy hôm ạ. - Tôi đáp - Vậy ông là người gốc Hà
Tĩnh hay cũng từ tỉnh lân cận lên thế ạ?
- Ông sanh ở đây cháu ạ, ngay khúc Can Lộc ấy. Đến tận năm 46 ông mới chuyển lên Hà
Nội nhập ngũ ở Trung đoàn Thủ đô rồi hoạt động trong quân đội từ đó, ông còn vinh dự
được tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nữa đấy! - Ông tự hào kể
với tôi
- Cháu từng đọc qua nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông trong thời kì đó như “Tháng năm ra
trận” hay “Nhật kí biên giới” rồi, nhưng cháu vẫn ấn tượng nhất với bài thơ “Đồng chí”
trong tập “Đầu súng trăng treo” đấy ạ! Ông có thể kể lại cho cháu nghe về câu chuyện tình
đồng đội đầy cảm động trong bài được không ạ?
- Được chứ! - Ông cười, lộ rõ nét phấn khởi, vui tươi - Bài này ông viết đầu năm 48, sau
cái hồi ông cùng đồng đội chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc thu đông ấy. Năm đó chiến
tranh khốc liệt, biết bao là gian nan thử thách trước mặt nhưng ông vẫn vui và tự hào lắm
cháu ạ. Ở chiến khu, ông được gặp gỡ và làm quen với rất nhiều anh chiến sĩ quả cảm,
nhiệt huyết, rồi dần dần ông cũng coi họ như máu mủ ruột thịt luôn.
- Nhưng các ông đều là người lạ, chẳng quen biết gì nhau thì sao có thể thân thiết gọi nhau
là “tri kỉ” như trong bài thơ được ạ?
- À, chuyện đó cũng dễ hiểu thôi cháu. Đó là vì bọn ông cùng chung tình yêu và lý tưởng
bảo vệ Tổ quốc, chung xuất thân từ những vùng quê nghèo bên biển ngập mặn và trung du
miền núi cằn cõi, nên dễ cảm thông hoàn cảnh của nhau lắm. Nhiều lần đêm rét, bọn ông
tụm lại đắp chung một tấm chăn mỏng rồi cùng nhau sẻ chia về nỗi nhớ quê nhà, nhớ
người thân và về nỗi đau tột cùng khi phải dứt khoát từ biệt hậu phương ra chiến trường.
Chính những cuộc hàn huyên trong điều kiện khắc nghiệt ấy đã giúp bọn ông thêm phần
cảm thông, cảm phục trước sự hy sinh vì nghĩa lớn của đồng đội mình, rồi dần mọi người
cũng gắn kết tình đồng chí, tri kỉ. Giờ hồi tưởng lại, ông vẫn thấy cái tình cảm bất ngờ nảy
sinh nơi chiến khu ấy thật hồn nhiên, tươi đẹp làm sao!
- Cháu cũng thấy vậy ạ, thật ngưỡng mộ các ông quá! Đúng là giữa chiến trường đầy bom
đạn, khi sự sống và cái chết chỉ gần nhau trong gang tấc, tình đồng chí mới là thứ gắn kết
những con người dũng cảm, kiên cường lại với nhau mà. À, vậy hẳn các ông cũng từng
trải qua cơn sốt rét khủng khiếp năm 47 cùng nhau rồi phải không ạ? Cháu chỉ mới nghe
kể qua loa thôi, chứ chưa hình dung được cái khắc nghiệt trên thực tế mà người lính phải
chịu đựng ấy.
- Nó kinh khủng lắm cháu à, giờ nghĩ lại ông vẫn còn thấy ớn lạnh đây. Năm đó ai trong
Trung đoàn của ông ít nhiều gì cũng bị cơn sốt rét rừng ấy hành cho ra bã, thậm chí nhiều
anh em thân thiết của ông còn phải bỏ mạng nữa. Ông may mắn được đồng đội chăm sóc
chu đáo nên mới sống sót để mà gắng gượng hoàn thành nhiệm vụ đấy. Cho dù áo có rách,
quần phải vá, chân không giày giữa trời rét buốt, bọn ông vẫn luôn lạc quan, tin vào các
đồng chí và bản thân mình, mong chờ một tương lai tươi sáng mà quyết chiến đấu hy sinh
vì đất nước.
- Quả là những chiến sĩ quả cảm, anh hùng, cháu nể các ông hồi xưa thật đấy! Đúng là
phải nghe kể lại từ chính tác giả mới cảm nhận được rõ khí thế hừng hực và gian khổ thời
bom đạn trong từng vần thơ mà. Nhưng cháu vẫn thắc mắc, hình ảnh “Đầu súng trăng
treo” trong khổ thơ cuối bài “Đồng chí” có ý nghĩa gì quan trọng và sâu sắc mà ông lại lấy
làm tên tập thơ thế ạ?
- Cũng chẳng có gì đâu cháu, cái cảnh đó ông lấy từ thực tế làm cảm hứng viết thôi ấy mà.
Khi mới khỏi bệnh từ cơn sốt rét từng, ông và đồng đội lại tiếp tục nhận nhiệm vụ. Những
đêm rừng hoang sương muối đi phục kích, ông cùng họ đứng canh gác chờ giặc bên nhau,
thư thả ngắm vầng trăng sáng tỏ và coi nó như một người bạn. Đầu súng lúc đấy của ông
như với tới được trăng, nên ông liền nghĩ ra câu thơ miêu tả lãng mạn ấy.

- Hoá ra là thế ạ? Cháu lại cứ nghĩ ông liên tưởng hình ảnh “súng” tượng trưng cho người
lính, cho chiến tranh khốc liệt đầy khói lửa, còn "trăng" là biểu tượng của người thi nhân
lãng mạn, của hoà bình không cơ chứ. Giống như hình ảnh thơ "Đầu súng trăng treo" là
một sự hòa hợp đầy ngọt ngào giữa chất trữ tình lãng mạn của một nhà thơ và sự kiên
cường, mạnh mẽ chảy trong máu người lính ấy ạ.

- Hahaha - Ông cười to rồi hớp ngụm nước - Hiểu như vậy cũng đúng tinh thần và cảm
nhận của bọn ông lúc đó mà. Giới trẻ giờ biết nhiều quá nhỉ! Mà sắp đến giờ đi học rồi,
cháu không định dậy à? Ông đi trước nhé, nhanh nhanh kẻo muộn học giờ cô nương!

- Dạ? Đi học gì ạ? - Tôi đang ngơ ngác hỏi ông thì bỗng một thứ âm thanh chói tai vang
lên, thì ra là chuông báo thức. Dù cuộc gặp gỡ với nhà thơ Chính Hữu ấy chỉ là giấc mơ
thôi, nhưng tôi như được hiểu sâu hơn về sự ác liệt của chiến tranh thời bấy giờ, cũng như
tình đồng đội thiêng liêng của những người chiến sĩ quả cảm, không bao giờ khuất phục.
Tôi cũng phải như các chú ấy, luôn cống hiến hết mình cho đất nước. Tôi sẽ cố gắng học
tập để noi gương các chú, đưa đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu,
như lời Bác đã dạy.

You might also like