You are on page 1of 11

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH


KHOA LUẬT QUỐC TẾ

BÀI TIỂU LUẬN MÔN CÔNG PHÁP QUỐC TẾ


ĐỀ TÀI
TRÌNH BÀY VỀ NGUYÊN TẮC CẤM CAN THIỆP VÀO CÔNG VIỆC NỘI BỘ CỦA
QUỐC GIA KHÁC TRONG LUẬT QUỐC TẾ

Giáo viên: Nguyễn Thị Vân Huyền


Nhóm thực hiện: Nhóm 3
Lớp : QT46B1
Năm học: 2022-2023
MỤC LỤC
DANH SÁCH THÀNH VIÊN.................................................................................3
A. ĐẶT VẤN ĐỀ....................................................................................................4
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ....................................................................................4
I. Một số vấn đề lý luận chung..........................................................................4
1. Nguồn gốc ra đời:........................................................................................4
2. Nội dung nguyên tắc:..................................................................................5
3. Các trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc:.................................................6
II. Đánh giá việc thực hiện nguyên tắc:.............................................................7
1. Điểm tích cực:..............................................................................................7
2. Điểm hạn chế:..............................................................................................8
C. KẾT LUẬN......................................................................................................9
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................................9
DANH SÁCH THÀNH VIÊN

Họ và tên MSSV
1. Ngô Thị Thuỷ Tiên (nhóm trưởng) 2153801015222
2. Trần Ngọc Minh Nghi 2153801015169
3. Hoàng Thảo Ngọc 2153801015171
4. Cao Hiệp Thanh Tuyền 2153801015230
5. Đặng Thị Tuyết Nhi 2153801015183
6. Lê Thị Tuyết Nhung 2153801015196
7. Nguyễn Thị Ngọc Quyền 2153801015212
8. Nguyễn Thị Xuân Quỳnh 2153801015214
9. Nguyễn Yến Ngọc 2153801015173
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Như trong pháp luật quốc gia, luật quốc tế cũng dựa trên một hệ thống những nguyên
tắc cơ bản. Những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là những quy phạm pháp luật mang
tính chỉ đạo, bao trùm và có giá trị bắt buộc chung đối với các chủ thể tham gia quan hệ
pháp luật quốc tế. Các nguyên tắc này giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định quan hệ
quốc tế, là cơ sở để giải quyết các tranh chấp, qua đó ấn định khuôn khổ xử sự cho các
chủ thể trong quan hệ quốc tế, tạo tiền đề cho một trật tự pháp lý quốc tế. Hiện nay, có 7
nguyên tắc cơ bản được các quốc gia trên thế giới thừa nhận rộng rãi. Trong đó nguyên
tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác là một trong những nguyên
tắc được áp dụng rất phổ biến trong cộng đồng quốc tế từ các thời kỳ trước đến nay.
Với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về nguyên tắc này, nhóm em xin được chọn đề tài
“Trình bày về nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác trong
luật quốc tế” để làm đề tài nghiên cứu.

B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ


I. Một số vấn đề lý luận chung
1. Nguồn gốc ra đời:
Xuất hiện trong thời kì cách mạng tư sản, nguyên tắc không can thiệp vào
công việc nội bộ của chính phủ, của dân tộc khác được ghi nhận trong Hiến
pháp của một số nước tư bản nhưng thời kì đó, về phương diện luật quốc tế,
nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ còn nhiều hạn chế, vì luật
quốc tế còn chịu sự khống chế của nguyên tắc vũ lực - “Lẽ phải thuộc về kẻ
mạnh” và cho phép sử dụng các hình thức can thiệp vào công việc nội bộ của
nước khác.
Khi tổ chức Liên Hợp Quốc ra đời, Hiến chương của tổ chức này mở rộng
và cụ thể hóa nội dung của nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ.
Theo khoản 7 Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc: “Tổ chức Liên Hợp Quốc
không có quyền can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của
bất kì quốc gia nào”-  Hiến chương này hoàn toàn không cho phép Liên Hợp
Quốc được can thiệp vào những công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ
của bất cứ quốc gia nào, và không đòi hỏi các thành viên của Liên Hợp Quốc
phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến
chương.  Nghĩa vụ không can thiệp vào công việc của quốc gia khác cũng đặt
ra cho tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế. 
Dưới tác động mạnh mẽ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, trong
khuôn khổ Liên Hợp Quốc, Nghị quyết về nguyên tắc không can thiệp vào
công việc nội bộ được thông qua năm 1965, với việc “Tuyên bố cấm can thiệp
vào công việc nội bộ, bảo vệ độc lập và chủ quyền của các quốc gia”. Nội dung
của nguyên tắc này được phát triển đáng kể trong Tuyên bố của Liên Hợp
Quốc về các nguyên tắc của luật quốc tế liên quan đến quan hệ hữu nghị và
hợp tác giữa các quốc gia năm 1970.
2. Nội dung nguyên tắc:
Công việc nội bộ được hiểu là mọi công việc thuộc thẩm quyền giải quyết
của một quốc gia, không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật quốc tế.
Theo nội dung Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày
24/10/197, nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ quốc gia gồm những nội
dung cơ bản sau đây:
Không một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực
tiếp hay gián tiếp, và với bất kỳ lý do nào, vào các công việc đối nội hoặc đối
ngoại của một quốc gia khác. Vì thế, can thiệp quân sự và tất cả các hình thức
can thiệp hoặc mưu toan đe dọa nhằm chống lại phẩm cách của quốc gia hoặc
chống lại cơ sở chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia đó sẽ được coi là vi
phạm luật pháp quốc tế.
Không một quốc gia nào có thể sử dụng hoặc khuyến khích việc sử dụng
các biện pháp kinh tế chính trị hoặc bất kỳ cách thức nào khác nhằm cưỡng ép
quốc gia khác để từ đó có được sự lệ thuộc vào việc thực hiện các quyền chủ
quyền của mình và bảo đảm lợi thế của mình dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài
ra, không một quốc gia nào có thể tổ chức, trợ giúp xúi giục, giúp đỡ tài chính
khuyến khích hoặc ngầm đồng ý các hoạt động khủng bố, lật đổ hoặc hoạt
động quân sự trực tiếp nhằm lật đổ chế độ hiện hành của một quốc gia khác,
hoặc can thiệp vào những cuộc nội chiến của một quốc gia khác.
Việc sử dụng vũ lực nhằm loại bỏ bản sắc riêng của các dân tộc là sự vi
phạm các quyền không thể tách rời của các dân tộc đó và vi phạm nguyên tắc
không can thiệp.
Mỗi quốc gia có quyền không thể tách rời trong việc lựa chọn chế độ kinh
tế, chính trị, văn hóa, xã hội của mình mà không có bất kỳ sự can thiệp của các
quốc gia khác.
Không một điều nào được nói đến ở trên sẽ được hiểu là sự phản ánh những
điều khoản có liên quan của Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc gìn giữ
hòa bình và an ninh thế giới.
Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ còn được ghi nhận trong
nhiều văn bản quốc tế quan trọng khác như Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về
trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa năm 1960, Tuyên bố
cuối cùng của Hội nghị các nước Á Phi năm 1955 tại Bandung, Định ước cuối
cùng của Hội nghị Helsinki về An ninh hợp tác châu Âu năm 1975, Hiệp định
Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và
lập lại hòa bình ở Việt Nam và nhiều văn bản quốc tế quan trọng khác.
3. Các trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc:
Mặc dù vậy, trong thực tiễn các quan hệ quốc tế đã cho thấy trong nguyên
tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác cũng có một số
trường hợp ngoại lệ, có những hành vi can thiệp vào các công việc nội bộ của
quốc gia khác. Có 2 trường hợp như sau: 
- Trường hợp có nội chiến đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế:
+ Khi có xung đột vũ trang xảy ra trong nội bộ của quốc gia và cuộc xung
đột đạt đến mức độ nghiệm trọng, có thể gây ra mất ổn định trong khu
vực, đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế thì cộng đồng quốc tế - thông
qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có quyền can thiệp trực tiếp hoặc
gián tiếp vào xung đột vũ trang nội bộ ở quốc gia nào đó trong trường
hợp nếu để xung đột tiếp tục kéo dài sẽ gây ra mất ổn định trong khu
vực, đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế. 
+ Hội đồng Bảo an là cơ quan có quyền can thiệp vào bất kỳ vấn đề nội
bộ nào của bất kỳ quốc gia thành viên nào nếu xét thấy “có mối đe doạ
đến hoà bình, phá hoại hoà bình và hành vi xâm lược”. Quyền can thiệp
của hội đồng Bảo an rất rộng và gần như không có giới hạn.
Vì vậy Liên hợp quốc có thể can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp và đó
không bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
Ví dụ điển hình: Quốc gia Nam Sudan. Trước năm 2006, Sudan là
một quốc gia bao gồm cả hai miền Nam - Bắc nhưng luôn tồn tại xung đột
kéo dài, xuất phát từ sự khác biệt quá lớn giữa 2 miền. Những tranh chấp
căng thẳng diễn ra thường xuyên làm người dân buộc phải di cư sang các
nước láng giềng, đe dọa tới các nước trong khu vực, nền hoà bình thế giới.
Năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thấy tình hình đặc biệt nghiêm
trọng nên đã ra nghị quyết để triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam
Sudan, yêu cầu Sudan trong thời hạn 30 ngày để chấm dứt cuộc nội chiến
này nếu không sẽ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình. Vì quốc gia không
chấm dứt được cuộc nội chiến trong 30 ngày nên lực lượng gìn giữ hòa
bình được triển khai vừa để trấn áp các bên, vừa để hỗ trợ về mặt nhân đạo,
giúp các bên giải quyết các mâu thuẫn nội bộ.
- Trường hợp có hành vi vi phạm các quyền con người cơ bản:
+ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có quyền can thiệp khi có hành vi vi
phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người: phân biệt chủng
tộc, diệt chủng,... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoà bình và an ninh
quốc tế.
+ Vì vậy việc thực hiện chính sách phân biệt chủng tộc, diệt chủng đe dọa
tới tính mạng người dân, đe doạ hoà bình an ninh thế giới khiến Liên
Hợp Quốc phải vào cuộc.
+ Cộng đồng có thể can thiệp khi xảy ra một trong hai trường hợp sau:
quốc gia đó không muốn hoặc không thể chấm dứt hành vi vi phạm
nghiêm trọng tới các quyền cơ bản của con người. Việc can thiệp chỉ
được coi là hợp pháp nếu trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng Bảo an
Liên Hợp Quốc (cơ sở pháp lý để có thể can thiệp vào công việc nội bộ
của quốc gia khác là phải dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc).
II. Đánh giá việc thực hiện nguyên tắc:
1. Điểm tích cực:
Nguyên tắc được phổ biến rộng rãi và được rất nhiều nước trên thế giới
tham gia áp dụng. Nguyên tắc không can thiệp cũng như nội dung của nó từng
bước được phát triển sâu sắc và toàn diện trong quá trình hoạt động của Liên
Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.
Các nước Châu Âu thực hiện rất tốt nguyên tắc này. Cùng với đó, các nước
trong cộng đồng Liên minh Châu Âu EU không những thực hiện tốt nguyên tắc
này mà còn luôn sẵn sàng giúp sức cho các nước của EU bị xâm phạm bởi
nguyên tắc này (tức khi có các nước khác vi phạm nguyên tắc không can thiệp
để can thiệp vào công việc nội bộ của 1 nước trong Linh minh Châu Âu EU).
Cùng với các nước Châu Âu, các nước Châu Mỹ cũng thực hiện rất tốt
nguyên tắc này và góp phần tích cực vào quá trình phát triển nguyên tắc này.
Hiến chương của Tổ chức các nước Châu Mỹ đã khẳng định “Không một quốc
gia hoặc nhóm quốc gia với bất kì nguyên có nào có quyền can thiệp trực tiếp
hoặc gián tiếp vào công việc đối nội hoặc đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào”
cũng theo Điều 19 Hiến chương tổ chức các quốc gia Châu Mỹ thì “Không một
quốc gia nào có quyền áp dụng hoặc thúc đẩy những biện pháp cưỡng chế về
kinh tế hoặc văn hóa để nhằm ảnh hưởng đến ý chí chủ quyền của quốc gia
khác và từ đó mang lại Điều có lợi cho riêng mình”.
Các nước trong hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng có
nguyên tắc hoạt động cơ bản là “Không can thiệp vào công việc nội bộ của
nhau”.
Bên cạnh các quốc gia, tổ chức thực hiện rất tốt nguyên tắc không can thiệp
vào nội bộ của các quốc gia thì cũng có nhiều trường hợp vi phạm nguyên tắc
này, tuy nhiên cũng nhờ vào các trường hợp ngoại lệ đã được quy định mà
cộng đồng quốc tế có thể kịp thời giải quyết được nhiều tình huống cấp bách
qua đó bảo vệ quyền con người. Điển hình là chế độ phân biệt chủng tộc ở
Nam Phi cũ: việc thiết lập chủ nghĩa phân biệt – Đây là công việc nội bộ của
Nam Phi. Tuy nhiên, việc phân biệt “chủng tộc Apacthai” thực hiện chính sách
phân biệt chủng tộc, thực hiện tội ác diệt chủng là vô cùng dã man, vi phạm
nghiêm trọng pháp luật quốc tế về quyền con người. Cộng đồng quốc tế đã lên
tiếng và áp dụng các biện pháp cần thiết để “can thiệp” phù hợp và ngăn cản
chính sách này của Nam Phi trong sự thỏa thuận của các bên liên quan.
2. Điểm hạn chế:
Ngày nay vẫn còn nhiều quốc gia vi phạm nguyên tắc này một cách trắng
trợn nhưng bao giờ họ cũng cố tìm ra những lý do có vẻ chính đáng để biện hộ
cho hành vi sai trái của mình và luôn giải thích rằng điều đó phù hợp với qui
định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chính phủ của các nước vi phạm
thường viện dẫn những hoạt động của họ là thực hiện quyền tự vệ và họ lại có
vẻ như khẳng định ý nghĩa của nguyên tắc không sử dụng vũ lực. Có thể thấy,
Mỹ là quốc gia có rất nhiều vi phạm về nguyên tắc không can thiệp cũng như
các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, nguyên tắc không sử
dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực trong các quan hệ quốc tế mà Mỹ tham
gia:
- Việc Mỹ mang quân vào Campuchia năm 1970, vào Grenada và Libi
năm 1983, vào Panama năm 1989, Mỹ thường xuyên can thiệp trực tiếp vào
công việc nội bộ của các quốc gia châu Mỹ La tinh, châu Phi, châu Á và
châu lục địa. Từ năm 1996 với đạo luật Hemxơ-Bơtơn, Mỹ bắt đầu thi hành
chính sách cấm vận bao vây kinh tế Cuba trong khi lớn tiếng vu cáo nước
này vi phạm quyền con người. Chính sách của Mỹ thực chất là vi phạm vào
công việc nội bộ của Cuba nhằm mục đích buộc nước này phải từ bỏ chế độ
xã hội chủ nghĩa và đi theo con đường phát triển của các nước phương Tây.
Trong thực tế, Mỹ không chỉ can thiệp vào quốc gia nhỏ mà còn có cả
trường hợp Mỹ can thiệp vào công việc của các cường quốc lớn khác.
- Việc các nước Nato công kích Nam Tư mùa thu năm 1999 thực chất là
vi phạm nguyên tắc không dùng vũ lực và đe dọa bằng vũ lực trong quan hệ
quốc tế.
- Tổ chức HRW là tổ chức được thành lập với mục đích là “giám sát” Liên
Xô và hỗ trợ các nhóm “bảo vệ” nhân quyền tại nước này. Nhưng nhìn vào
những hoạt động của HRW thì tổ chức này thường xuyên lợi dụng nhân
quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. HRW đã tuyên
truyền xuyên tạ, phát tán những nội dung thông tin sai lệch, kích động, vi
phạm các quy định về an ninh quốc gia của họ. Hành động của HRW đã vi
phạm nghiêm trọng đến công ước và nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp
vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

C. KẾT LUẬN
Về nội dung cũng như thực tiễn thực hiện “nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc
nội bộ của quốc gia khác trong luật quốc tế” có nhiều điểm tích cực khi các quốc gia tuân
thủ rất tốt nguyên tắc. Tuy nhiên, vẫn còn số ít những quốc gia vi phạm và lợi dụng
nhưng trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc để đạt được mục đích riêng của quốc gia mình.
Dù vậy, việc có các nguyên tắc cơ bản nói chung cũng như “nguyên tắc cấm can thiệp
vào công việc nội bộ của quốc gia khác trong luật quốc tế” nói riêng cũng đã góp phần
làm cho mối quan hệ quốc tế trở nên văn minh và phát triển theo hướng tích cực hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Công pháp quốc tế, Trường Đại học Luật TP. HCM.
2. Giáo trình Công pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.
3. Giáo trình Công pháp quốc tế, Trường Đại học Vinh.
4. Tiểu luận “Đánh giá thực tiễn thực hiện nguyên tắc không can thiệp vào công việc
nội bộ của quốc gia”- Tác giả Nguyễn Văn Tâm.
5. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác – Tác giả
Trần Hữu Duy Minh.
6. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia và ngoại lệ - Thư
ký pháp lý.

You might also like