You are on page 1of 3

Đề 8: Phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo khi bị thị Nở cự

tuyệt
Nói đến tác phẩm “Chí Phèo”, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận
định: “Khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang sách của Nam Cao, người
ta mới thấy đây là hiện thân đầy đủ nhất cho những gì gọi là cùng khổ của
người dân cày trong một xã hội thuộc địa: bị dày đạp, cào xé, hủy hoại từ
nhân tính đến nhân hình”. Chị Dậu dù bán con, bán chó, bán sữa nhưng vẫn
còn là con người. Chí Phèo bán cả diện mạo và linh hồn của mình nhưng rồi
lại trở thành một “con quỷ dữ”. Bằng ngòi bút sắc sảo và nghệ thuật khắc hoạ
nhân vật độc đáo, Nam Cao đã thành công bi kịch của Chí Phèo khi bị thị Nở
cự tuyệt.
Trong tác phẩm “Trăng sáng”, Nam Cao đã từng viết: “Nghệ thuật không phải
là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ
có thể là tiếng kêu đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than”. Với Nam Cao, ông
quan niệm rằng: Văn học phải bắt nguồn từ hiện thực đời sống. Rời xa hiện
thực, văn học chỉ là một ánh trăng lừa dối. Quan niệm này đã được ông thể hiện
rất rõ qua truyện ngắn “Chí Phèo” được nhà văn viết năm 1941. Ban đầu, tác
phẩm có tên “Cái lò gạch cũ”, bởi tác giả muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc của
Chí Phèo: bị bỏ rơi ở cái lò gạch bỏ không, và đoạn kết tác phẩm, khi Thị Nở
biết tin Chí Phèo chết, Thị nhìn xuống bụng và thấy thoáng hiện một cái lò gạch
cũ bỏ không. Đây chính là kiểu kết cấu vòng tròn của tác phẩm, nói lên quy luật
của kiếp người, đồng thời nhấn mạnh sự bế tắc không lối thoát của nhân vật.
Sau đó, nhà xuất bản đã tự ý đổi thành “Đôi lứa xứng đôi”. Lê Văn Trương đã
nhận xét rằng: “Nhan đề “Đôi lứa xứng đôi”, chẳng qua cũng chỉ là dựa vào mối
tình của Thị Nở và Chí Phèo cố tạo ra một cái tiêu đề giật gân để thu hút độc
giả”. Cuối cùng, Nam Cao đã lấy chính tên của nhân vật để đặt tiêu đề cho tác
phẩm “Chí Phèo”, làm nổi bật hình ảnh nhân vật trung tâm của tác phẩm. Chí
Phèo một đứa con hoang không cha không mẹ, bị bỏ rơi nơi lò gạch cũ khi vừa
mới lọt lòng, vốn là người nông dân hiền lành, lương thiện được người làng Vũ
Đại cưu mang nuôi nấng nhưng đã bị Bá Kiến đẩy vào tù do ghen tuông, biến
Chí từ một người nông dân hiền lành trở thành một thằng lưu manh. Chí Phèo
đã đốt nhà, làm chảy máu và nước mắt của không biết bao nhiêu người. Chí đã
thay đổi từ ngoại hình đến nhân tính, trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại,
ai cũng khiếp sợ hắn.

Cứ ngỡ Chí Phèo sẽ mãi sống kiếp “thú vật”, không bao giờ có thể trở về xã hội
xã hội loài người thì tình yêu thương của Thị Nở đã rọi sáng tâm hồn hắn, mở
cánh cửa để hắn có thể quay trở về với cộng đồng làng Vũ Đại. Thị Nở được
Nam Cao miêu tả là một người đàn bà dở hơi xấu xí, quá lứa lỡ thì, như là “phế
thải của làng Vũ Đại”. Nhưng chính tình yêu thương, sự quan tâm mộc mạc
cùng bát cháo hành ấm nóng tình người của người đàn bà ấy dành cho Chí Phèo
đã thức tỉnh phần người trong hắn, giúp hắn lấy lại nhận thức để nhớ lại những
ước mơ khi xưa, mong muốn trở lại “làm người”, khao khát được hoàn lương.
Ngỡ tưởng Thị Nở sẽ là chiếc cầu nối để Chí Phèo có thể quay trở về với xã hội
lương thiện, xã hội loài người nhưng lời nói của bà cô Thị Nở đã dập tắt đi chút
hy vọng mới được nhen nhóm bên trong lòng hắn: “Đàn ông đã chết hết cả rồi
hay sao, mà lại đi đâm đầu lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy thằng chỉ có
một nghề là rạch mặt ăn vạ”. Định kiến nghiệt ngã của bà cô chính là sự từ chối
không cho Chí Phèo hoàn lương của cộng đồng làng Vũ Đại, đẩy Chí Phèo vào
bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Chút hạnh phúc nhỏ nhoi cuối cùng không
đến được với Chí Phèo. Khi bản tính người của Chí Phèo bắt đầu trở lại cũng là
lúc hắn nhận ra hắn không thể trở về với xã hội ngoài kia. Thị Nở là người đã
mang lại cho hắn những hy vọng, soi sáng Chí Phèo nhưng cũng là người đẩy
hắn đến bước đường tuyệt vọng. Hơn thế nữa, chính xã hội nửa thực dân nửa
phong kiến ấy đã cướp mất quyền làm người của Chí Phèo và vĩnh viẽn không
trả lại. Ngay sau khi bị bà cô mắng chửi, thị Nở đã đem hết sự tức giận ấy trút
lên Chí Phèo. Bị Thị Nở từ chối, hắn “ngồi ngẩn mặt” ngơ ngác không tin đấy
là sự thật. Sau khi trút xong cơn giận của mình, Thị Nở hả hể quay về, mới đầu
hắn “ngồi ngẩn mặt” ngơ ngác không tin đấy là sự thật nhưng ngay khi nhận
thức được cảnh ngộ của mình, “hắn sửng sốt, đứng lên gọi lại nhưng lúc này
Thị Nở đã không còn muốn “lôi thôi” thêm với hắn. Mặc cho hắn “đuổi theo thị,
nắm lấy tay”, Thị “gạt ra, giúi thêm cho hắn một cái” khiến cho hắn lăn khoèo
xuống sân. Đây là cú ngã mà cả đời Chí Phèo sẽ không bao giờ có thể vực dậy
được nữa. Tất cả những hành động của Chí Phèo đều thể hiện khát khao hoàn
lương mãnh liệt. Nhưng người duy nhất có thể đưa hắn trở về với cuộc sống
lương thiện đã quay lưng lại với hắn. Mọi hy vọng trong hắn đã sụp đổ, hắn rơi
vào cô độc. Trong sự đau đớn, tuyệt vọng, hắn lại nghe “thoang thoảng mùi
cháo hành” khiến cho Chí Phèo đã tuyệt vọng lại càng tuyệt vọng hơn khi nhớ
đến những ngày tháng hạnh phúc nhất bên Thị Nở nhưng nay đã không còn. Chí
Phèo lại tìm đến rượu nhưng lúc này càng uống hắn lại càng tỉnh, thậm chí hắn
vẫn thấy thoang thoảng hơi cháo hành lúc uống rượu. Chí “ôm mặt khóc rưng
rức”, tiếng khóc của hắn là sự ấm ức, uất hận và bất lực khi vĩnh viễn bị khước
từ quyền làm người dù bản thân hắn sinh ra vốn là một con người nhưng giờ
đây lại không thể làm người. Hắn xuống đến say mềm người rồi hắn ra đi với
một con dao ở thắt lưng. Trong ý định, hắn định đến nhà đâm chết “con khọm
già”, “con đĩ Nở” nhưng chính sự tự ý thức về số phận và cuộc đời của hắn đã
hướng hắn đến thẳng nhà bá Kiến. Hơn ai hết, Chí Phèo hiểu rằng: người khiến
hắn biến thành một con quỷ, người đã đẩy hắn vào bước khốn cùng này chính là
bá Kiến. Trong lòng Chí Phèo mang đầy sự uất hận đối với kẻ đã cướp đi quyền
làm người của hắn, cướp đi cả diện mạo và cả linh hồn hắn. Hắn đến nhà bá
Kiến chỉ thẳng vào mặt lão già ấy đòi quyền lương thiện: “Ai cho tao lương
thiện? Tao không thể lương thiện được nữa”. Câu nói ấy thể hiện sự cay đắng
khi Chí nhận ra bi kịch của mình. Câu nói chất chứa nỗi đau khốn cùng của một
con người mang đầy bi kịch. Câu nói đã đánh thẳng vào cái xã hội bất lương lúc
bấy giờ. Lương thiện là điều có sẵn trong mỗi con người nhưng tại sao Chí phải
đi đòi lại? Bởi chính xã hội vô nhân tính ấy đã cướp đi, đến quyền làm người
cũng bị cái xã hội thối nát ấy tước đoạt. Và sau khi giết bá Kiến, Chí Phèo cũng
đã tự kết liễu cuộc đời mình. Cái chết của Chí Phèo là một lời tố cáo đanh thép
cái xã hội vô nhân đạo. Sự từ chối của xã hội đầy định kiến đã đặt Chí Phèo
đứng trước hai lựa chọn: Hoặc là tiếp tục làm một con quỷ dữ hoặc là chết để
khẳng định giá trị làm người. Bởi bây giờ Chí không thể tiếp tục làm một con
quỷ dữ khi tính người đã trở về, càng không thể làm người bởi cái xã hội ấy đã
không còn chấp nhận Chí. Đó chính là bi kịch thân phận một con người không
thể làm người. Chua xót thay, ngay cả đến khi đã chết đi, người dân làng Vũ
Đại vẫn không cho Chí cơ hội được coi như một con người: “Thằng nào chứ hai
thằng ấy chết thì không ai tiếc!” Chính những người nông dân lương thiện của
làng Vũ Đại đã cưu mang nuôi nấng Chí Phèo vậy tại sao bây giờ đến tận khi
hắn chết vẫn bị dân làng hắt hủi, coi như một con quỷ? Chí Phèo chết trong bi
kịch đau đớn, chết ngay trên ngưỡng cửa trở về sự sống. Đây không còn là hành
động của một kẻ lưu manh mà là sự vùng lên tuyệt vọng của người nông dân
khi thức tỉnh bản thân. Đây cũng là lời kêu cứu về quyền làm người, là tiếng gọi
thảm thiết của nhà văn: Hãy cứu lấy con người! Hãy yêu thương con người!
“Chí Phèo” – một tấn bi kịch của một người nông dân bị tha hoá trong cái xã
hội cũ mục nát. Ở cuối tác phẩm, “đột nhiên Thị thấy thoáng hiện ra một cái lò
gạch cũ bỏ không, xa nhả cửa, và vắng người lại qua…”, một ngày gần thôi, sẽ
lại có một Chí Phèo con ra đời. Điều này chứng tỏ “Chí Phèo” không phải là bi
kịch của một con người mà là bi kịch cuả nguời nông dân trong xã hội trước
Cách mạng tháng 8. Chi tiết này đã lên án giai cấp thống trị tha hoá, những bi
kịch như vậy sẽ còn tiếp diễn. Rõ ràng đây không phải là bi kịch của riêng nhân
vật mà còn là bi kịch của cả một tầng lớp, một giai cấp.

Nhà văn Chu Văn Sơn đã nhận định: “Chí Phèo là một kiệt tác, được viết bằng
một bút lực sung mãn và rất đều tay”. Quả đúng là như vậy, với nghệ thuật xây
dựng nhân vật điển hình, miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo, ngôn ngữ tự nhiên
sống động và giọng văn biến hoá linh hoạt, Nam Cao đã nói lên giá trị nhân đạo
và giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm. Nhà văn thể hiện tấm lòng yêu
thương, trân trọng của mình đối với những người khốn khổ. Đồng thời phản ánh
chân thực bức tranh một xã hội đã huỷ hoại con người về cả nhân hình và nhân
tính, không cho họ trở về con đường hoàn lương.

You might also like