You are on page 1of 3

Thẩm quyền của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Hội đồng Bảo an là cơ quan lãnh đạo chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên
của LHQ, được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Theo Điều 39 HCLHQ, Hội
đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của LHQ có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe
dọa đối với hoà bình, phá hoại hòa bình hoặc hành động xâm lược. Bên cạnh đó sẽ khuyến nghị
hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp với các Điều 41 và 42 để duy trì hoặc
khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế. Theo Điều 24 HCLHQ, trong khi thực thi chức năng này,
Hội đồng Bảo an được coi là hành động với tư cách thay mặt cho tất cả các thành viên LHQ. Những
quyền hạn cụ thể giao cho Hội đồng Bảo an được quy định ở các chương VI, VII, VIII và XII của
HCLHQ; tập trung chính vào 2 lĩnh vực, đó là giải quyết tranh chấp quốc tế và hành động khi hòa
bình bị đe dọa và có hành vi xâm lược.
Để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Hội đồng bảo an có nghĩa vụ yêu cầu các bên đương
sự giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hòa bình, sử dụng các biện pháp phi vũ lực
như đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng những tổ chức hoặc những
điều ước khu vực. Nếu các bên tham gia vào tranh chấp quốc tế có thể đe dọa hòa bình và an ninh
quốc tế, không thể tự thỏa thuận bằng phương pháp hòa bình các vụ tranh chấp đã phát sinh thì Hội
đồng bảo an khi xét thấy cần thiết sẽ yêu cầu các bên liên quan giải quyết bằng biện pháp hòa bình
khác tùy theo sự lựa chọn của họ. Vai trò của Hội đồng bảo an ở đây dừng lại ở phạm vi xác định
mức độ ảnh hưởng của tranh chấp đối với hòa bình an ninh quốc tế và kêu gọi giải quyết tranh chấp
bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, trong quá trình hòa giải, nếu giữa các bên không tán thành với
cách làm việc của bên còn lại và thống nhất giao lại vụ việc cho Hội đồng bảo an theo đúng thủ tục
pháp lý thì Hội đồng bảo an có quyền áp dụng bất kì thủ tục hoặc phương thức giải quyết tranh chấp
nào mà Hội đồng bảo an cho là hợp lý theo Điều 36 và Điều 38 HCLHQ. Để hiểu rõ hơn về cách
thức làm việc của Hội đồng bảo an trong quyền hạn của mình, ta hãy cùng phân tích qua một số
điểm sau:
Có 2 trường hợp tranh chấp thường xảy ra:
Thứ nhất là, tranh chấp kéo dài, có khả năng đe doạ đến hoà bình, an ninh thế giới hay còn
gọi là tranh chấp nghiêm trọng. Thứ hai là, tranh chấp kéo dài nhưng không có khả năng đe doạ, nói
ngắn gọn là tranh chấp thông thường.
Vậy làm sao để biết tranh chấp nào là tranh chấp nghiêm trọng? Đó là dựa vào sự xem xét và
ra quyết định của Hội đồng bảo an bởi Điều 34 HCLHQ đã quy định: “Hội đồng bảo an có thẩm
quyền điều tra mọi tranh chấp hoặc mọi tình thế có thể xảy ra dẫn đến sự bất hoà quốc tế hoặc gây
ra tranh chấp, xác định xem tranh chấp ấy hoặc tình thế ấy nếu kéo dài có thể đe dọa đến việc duy
trì hoà bình và an ninh quốc tế hay không”. Nếu là tranh chấp nghiêm trọng thì đương nhiên sẽ
thuộc thẩm quyền của Hội đồng bảo an, kể cả khi các bên có yêu cầu hay không. Ngược lại, đối với
tranh chấp thông thường thì Hội đồng bảo an không có thẩm quyền đương nhiên và chỉ phụ trách
khi được các bên tranh chấp thoả thuận trao cho thẩm quyền. Nói tóm gọn, theo quy định tại chương
VI HCLHQ, quyết định cuối cùng của Hội đồng bảo an trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế, kể
cả tranh chấp nghiêm trọng, chỉ mang tính chất khuyến nghị, nghĩa là không có tính bắt buộc thi
hành đối với các bên tranh chấp.
Trong 60 năm tồn tại và phát triển, Hội đồng bảo an luôn là đơn vị hoạt động không thể thiếu
của LHQ khi các tranh chấp mà Hội đồng bảo an xem xét, giải quyết là các tranh chấp có khả năng
đe dọa đến hòa bình, an ninh quốc tế, thông thường là tranh chấp về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ.
Theo HCLHQ, Hội đồng bảo an là cơ quan duy nhất của LHQ có quyền hạn trong việc dùng hành
động để giữ gìn nền hòa bình và an ninh quốc tế. Việc xác định tình hình thực tế của Hội đồng bảo
an là cơ sở quan trọng để LHQ triển khai các hoạt động tiếp theo về gìn giữ hòa bình. Do đó, Hội
đồng bảo an sở hữu cho mình những quyền hạn sau. Theo quy định tại Điều 40 HCLHQ, nếu xét
thấy tình hình trở nên nghiêm trọng, Hội đồng bảo an có quyền yêu cầu các bên đương sự thi hành
các biện pháp tạm thời như đình chiến, rút quân về vị trí ban đầu,… nhằm ngăn chặn tình hình
không chuyển biến xấu đi. Những biện pháp tạm thời này tuyệt nhiên không phương hại đến lợi ích,
nguyện vọng hay tình trạng của các bên hữu quan. Khi tình hình dần trở nên mất kiểm soát, Hội
đồng bảo an có quyền áp dụng những biện pháp phi vũ trang như cắt đứt toàn phần hay toàn bộ
quan hệ kinh tế, đường sắt, đường biển, kể cả việc cắt đứt quan hệ ngoại giao đối với quốc gia thực
hiện hành vi đe dọa, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược theo Điều 41 HCLHQ đã nêu rõ.
Ngoài ra, Hội đồng bảo an xem xét thấy những biện pháp phi vũ lực như trên là không thích hợp
hoặc tỏ ra là không thích hợp thì Hội đồng bảo an có quyền áp dụng mọi hành động của hải, lục,
không quân mà thiết yếu cho việc duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế. Những hành
động này có thể là những cuộc biểu dương lực lượng, phong tỏa và những cuộc hành quân khác, do
các lực lượng hải, lục, không quân của các quốc gia thành viên LHQ thực hiện. Điều 43 HCLHQ
còn quy định khi Hội đồng bảo an quyết định dùng hành động cưỡng chế, các nước thành viên phải
cung cấp một số quân đội cần thiết, viện trợ và giúp đỡ phương tiện phục vụ… để góp phần bảo vệ
hòa bình và an ninh thế giới. Các kế hoạch sử dụng lực lượng vũ trang đều do Hội đồng bảo an lập
ra với sự hỗ trợ của Ủy ban tham mưu quân sự. Theo Điều 47 HCLHQ, đây là cơ quan được kiến
lập với mục đích tham vấn và giúp đỡ Hội đồng bảo an về việc sử dụng và chỉ huy những lực lượng
quân sự đặt dưới quyền điều hành của mình, cũng như về vấn đề hạn chế vũ trang và giải trừ quân
bị. Các biện pháp cưỡng chế với mục đích trừng phạt và hạn chế các hành vi vi phạm của các quốc
gia đã thực hiện hành vi đe dọa hay xâm phạm an ninh quốc tế của Hội đồng bảo an không cần sự
chấp thuận của các bên tranh chấp. Bởi khoản 1 Điều 24 HCLHQ đã nói rõ, khi làm những nghĩa vụ
do trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế đặt ra thì Hội đồng bảo an hành động với tư cách
thay mặt cho các thành viên của LHQ. Những quyết định của Hội đồng bảo an trong chương VII với
mục đích duy trì, bảo vệ hoà bình, an ninh quốc tế đều có tính bắt buộc thi hành đối với các bên liên
quan. Trường hợp này thường chỉ xảy ra khi các biện pháp ôn hòa khác không có tác dụng hoặc
xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, dùng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực, ảnh hưởng
nghiêm trọng đến nền hoà bình, an ninh thế giới.
Bên cạnh việc Hội đồng bảo an trực tiếp đứng ra giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trên
phạm vi rộng lớn, các quốc gia thành viên LHQ được khuyến khích ký kết và sử dụng những thỏa
thuận hoặc lập ra những tổ chức để giải quyết hoà bình các cuộc tranh chấp có tính khu vực trước
khi đưa những tranh chấp này lên Hội đồng bảo an xem xét. Nhiệm vụ của Hội đồng bảo an là phải
tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc giải quyết hoà bình các cuộc tranh chấp có tính chất khu vực,
thực hiện bằng nhiều phương thức cam kết, thỏa thuận hoặc theo sáng kiến của các quốc gia hữu
quan, hoặc do Hội đồng bảo an giao lại theo quy định tại Điều 52 HCLHQ. Và hơn thế, Hội đồng
bảo an phải có trách nhiệm thường xuyên thông báo một cách đầy đủ những tin tức về mọi hành
động đã được tiến hành hay đang có dự định tiến hành theo những thỏa thuận khu vực hay do những
tổ chức khu vực, để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
Điều 1 Hiến chương đã đề cập những mục tiêu mà LHQ muốn hướng tới và phát triển, đó là
ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ nhân quyền, cung cấp một cơ cấu cho luật pháp quốc tế và tăng
cường tiến bộ kinh tế, xã hội, cải thiện các điều kiện sống và chống lại bệnh tật. Theo đó, LHQ thiết
lập một chế độ quản thác quốc tế dưới sự chỉ đạo của mình để quản lý các lãnh thổ được đặt dưới
chế độ ấy, theo những điều ước riêng sẽ ký kết và tiến hành việc kiểm soát các lãnh thổ ấy. Tất cả
những chức năng của LHQ đối với những khu vực chiến lược kể cả việc chuẩn y những điều khoản
của điều ước quản thác và những thay đổi hoặc sửa đổi điều ước đều do Hội đồng bảo an đảm
nhiệm. Khi chấp hành các điều khoản của điều ước quản thác và nếu không phương hại đến yêu cầu
về an ninh, Hội đồng bảo an sử dụng sự giúp đỡ của Hội đồng quản thác để hoàn thành những chức
năng của LHQ trong phạm vi chế độ bảo trọng các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội, cũng như các
vấn đề giáo dục trong khu vực chiến lược.
Qua những trình bày nêu trên, chúng ta đã thấy được vai trò và tầm quan trọng của LHQ và
Hội đồng bảo an LHQ ở cả hai phương diện là lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, với những sự thay
đổi lớn lao mang tính liên tục của thế giới và những yêu cầu mới đặt ra thì cũng cần sự cải tổ và
nâng cao hiệu quả hoạt động của LHQ nói chung và Hội đồng bảo an LHQ nói riêng.

You might also like