You are on page 1of 13

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

BÀI TẬP HỌC KÌ


MÔN:

TÂM LÍ HỌC ĐẠI CƯƠNG


ĐỀ 10:

Trí nhớ: khái niệm, các quá trình và phân loại.


Phương pháp rèn luyện trí nhớ

HỌ VÀ TÊN : ĐINH THỊ HUYỀN TRANG


MSSV : 451429
LỚP : N06.TL2

Hà Nội, 2021
ĐẶT VẤN ĐỀ

Con người luôn luôn nhận thức thế giới khách quan và không ngừng cải tiến để
phù hợp với cuộc sống của mình. Để thực hiện được điều này đòi hỏi con người
phải tích lũy được những hiểu biết, kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực hoạt động thực
tiễn của mình. Một trong những yếu tố cơ bản để có thể tích lũy được những hiểu
biết và kinh nghiệm đó là trí nhớ. Từ xưa đến nay, nhiều người rất mong muốn
mình có một trí nhớ tốt để học hành nghiên cứu và nhớ được nhiều điều cần thiết
giúp ích cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng có sở hữu một trí nhớ
tốt mà phải rèn luyện thì mới tăng cường trí nhớ và đem lại hiệu quả cao. Vì vậy,
để nghiên cứu và góp phần đem lại những hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này, tác
giả đã lựa chọn đề bài: “Trí nhớ: khái niệm, các quá trình và phân loại. Phương
pháp rèn luyện trí nhớ”.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

I. Khái niệm trí nhớ


Trí nhớ là một trong những chức năng nhận thức quan trọng ở con người 1.
Trí nhớ giúp con người nhận thức và hơn nữa là tích lũy tri thức kinh
nghiệm và cải tạo thế giới. Trí nhớ có thể hiểu đơn giản là khả năng lưu giữ
thông tin, không chỉ là đặc quyền của con người mà tồn tại ở cả động vật.
Tùy theo độ phức tạp của bộ não mà mỗi loài vật có những cấp độ của bộ
não nhớ khác nhau2.
Theo giáo trình Tâm lí học đại cương của Trường Đại học Luật Hà Nội, trí
nhớ được định nghĩa là quá trình nhận thức thế giới bằng cách ghi lại, giữ
lại và làm xuất hiện lại những gì cá nhân thu nhận được trong hoạt động
sống của mình. Từ những khái niệm khác nhau của trí nhớ, tác giả đưa ra

1
Tsukiura, Takashi, Umeda, Satoshi, Memory in a social context: brain, mind, and society, tr.1.
2
Chủ biên Phan Văn Hồng Thắng, Luyện trí nhớ, Nxb. Thanh niên, tr.5.
cách hiểu sau trí nhớ là quá trình tâm lí phản ánh vốn kinh nghiệm của cá
nhân dưới hình thức biểu tượng bằng cách ghi nhớ, gìn giữ, nhận lại và nhớ
lại những điều mà con người đã trải qua
II. Các quá trình trí nhớ
Trí nhớ bao gồm nhiều quá trình như ghi nhớ (tạo viết), quá trình gìn giữ
(củng cố viết), quá trình tái hiện (từ những dấu vết làm sống lại những hình
ảnh) và quên (không tái hiện được). Mỗi quá trình này có một chức năng xác
định, nhưng chúng không đối lập mà phụ thuộc lẫn nhau (ghi nhớ, gìn giữ
tốt thì mới tái hiện tốt), chuyển hóa cho nhau (khi tái hiện đồng thời có tác
dụng củng cố)3.
1. Quá trình ghi nhớ (mã hóa thông tin)
Ghi nhớ là giai đoạn đầu tiên của một hoạt động nhớ. Nó tiếp cận những
thông tin xuất hiện trong ý thức dưới tác động của sự vật, hiện tượng trong
quá trình cảm giác, tri giác hay nói cách khác đó là quá trình tạo nên dấu vết
của đối tượng trên vỏ não, đồng thời cũng là quá trình gắn với đối tượng đó
với những kiến thức đã có. Quá trình ghi nhớ rất cần thiết để tiếp thu tri
thức, tích lũy kinh nghiệm.

Có nhiều hình thức để ghi nhớ. Căn cứ vào mục đích của việc ghi nhớ,
người ta chia ghi nhớ thành hai hình thức: ghi nhớ không chủ định và ghi
nhớ có chủ định.

Ghi nhớ không chủ định là sự ghi nhớ không có mục đích đặt ra từ trước,
không đòi hỏi phải nỗ lực ý chí hoặc không dùng một thủ thuật nào để ghi
nhớ, tài liệu được ghi nhớ một cách tự nhiên. VD: Khi xem Youtube vô tình
ta nhìn thấy một đoạn quảng cáo về một sản phẩm trị xương khớp nào đó
gây chú ý, tạo cảm xúc mạnh sẽ dẫn đến sự ghi nhớ không chủ định.
3
Tập thể tác giả: Nguyễn Quang Uẩn ( Chủ biên), Nguyễn Văn Lũy, Đinh Văn Lang (2014), Giáo trình Tâm lí học
đại cương, Nxb. Đại học sư phạm, tr.186.
Ghi nhớ có chủ định là loại ghi nhớ theo một mục đích đặt ra từ trước, đòi
hỏi sự nỗ lực ý chí nhất định và cần có những thủ thuật, phương pháp nhất
định để đạt được mục đích ghi nhớ. Thường có hai cách ghi nhớ có chủ
định: ghi nhớ máy móc và ghi nhớ ý nghĩa4.
Thứ nhất, ghi nhớ máy móc là loại ghi nhớ dựa trên sự lặp lại nhiều lần một
cách đơn giản, tạo ra mối liên hệ bề ngoài giữa các phần của tài liệu ghi nhớ,
không cần thông hiểu nội dung tài liệu. Cách ghi nhớ này thường tìm mọi
cách dựa vào trí nhớ tất cả những gì có trong tài liệu một cách chính xác và
chi tiết, VD: Nhớ ngày sinh nhật, số điện thoại, địa chỉ nhà,… Cách này tốn
nhiều thời gian, dễ quên, khi quên rồi khó hồi tưởng lại, VD:“Học vẹt” là
một biểu hiện cụ thể cảu cách ghi nhớ này, học sinh thường ghi nhớ máy
móc trong những trường hợp không thể hiểu hoặc lười không chịu tìm hiểu
tài liệu.
Thứ hai, ghi nhớ ý nghĩa là loại ghi nhớ dựa trên sự thông hiểu nội dung, ý
nghĩa, bản chất của vấn đề cần ghi nhớ, những mối liên hệ logic giữa các bộ
phận của tài liệu đó. Cách ghi nhớ này tốn ít thời gian hơn ghi nhớ máy móc,
nhưng lại tiêu hao năng lượng thần kinh nhiều hơn. Tuy nhiên, mỗi khi quên
ta có thể suy luận và nhanh chóng nhớ lại, đảm bảo cho sự lĩnh hội tri thức
một các sâu sắc và bền vững.Ví dụ: Chứng minh các định lý, công thức toàn
học,…hay học bằng sơ đồ tư duy,...

2. Quá trình giữ gìn


Giữ gìn là quá trình duy trì, củng cố vững chắc những dấu vết hình thành
trên vỏ não trong quá trình ghi nhớ. Đó là quá trình giữ lại dấu vết trong vỏ

4
Tập thể tác giả, chủ biên: Đặng Thanh Nga (2020), Giáo trình Tâm lí học đại cương, Trường Đại học Luật Hà
Nội,Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.129.
não5. VD: Việc làm bài tập về nhà, học bài cũ trước khi đến lớp giúp học
sinh củng cố kiến thức đã học, gìn giữ tài liệu trong trí óc. Có hai hình thức
gìn giữ: tiêu cực và tích cực.
3. Quá trình tái hiện
Tái hiện là quá trình làm sống lại những nội dung đã được ghi lại và giữ
gìn. Quá trình này có thể diễn ra dễ dàng (“tự động”) hoặc rất khó khăn
(phải nỗ lực nhiều). Tái hiện thường diễn ra dưới ba hình thức: nhận lại,
nhớ lại và hồi tưởng.
Thứ nhất, nhận lại là hình thức tái hiện khi sự tri giác đối tượng được lặp
lại. Nhận lại diễn ra là do cái được tri giác trong lúc này giống với cái tri
giác. VD: Lâu không gặp người bạn cấp 3, vô tình gặp bạn đi ăn lẩu ta sẽ
nhận ra đây là người quen.
Thứ hai, nhớ lại là khả năng làm sống lại những hình ảnh của sự vật hiện
tượng đã được ghi nhớ trước đây mà không cần sự vào sự tri giác lại các sự
vật, hiện tượng. VD: Khi xem lại ảnh kỉ yếu hồi cấp 3, kỉ niệm xưa ùa về,
sống lại những ký ức vui tươi, hồn nhiên cùng bạn bè, thầy cô của thời học
sinh cấp 3 cắp sách tới trường.
Thứ ba, hồi tưởng là một hành động trí tuệ phức tạp, kết quả của nó phụ
thuộc vào chỗ nội dung của nhiệm vụ tái hiện được cá nhân ý thức rõ ràng,
chính xác đến mức nào.
4. Quá trình quên
Quên là quá trình không làm tái hiện được những thông tin đã biết, đã có
trong một thời điểm cần thiết. Quên thông thường là do cơ chế tự bảo vệ
của não ( quên để mà nhớ). Nguyên nhân đẫn đến quên là sự ghi nhớ không
tốt, ức chế thần kinh, hiện tượng không gắn với thực tiễn của cá nhân. VD:

5
Tập thể tác giả, chủ biên: Đặng Thanh Nga (2020), Giáo trình Tâm lí học đại cương, Trường Đại học Luật Hà
Nội,Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.129.
Khi học một ngôn ngữ nước ngoài sẽ phải học ngôn ngữ đó liên tục, nếu
không sử dụng hay ôn tập lại một thời gian sau ta có thể sẽ quên hết những
kiến thức liên quan đến nó.
III. Phân loại trí nhớ
Trí nhớ được phân loại theo đặc điểm của hoạt động mà trong đó diễn ra
quá trình ghi nhớ và tái hiện. Người ta thường phân loại trí nhớ như sau:
1. Dựa vào tính chất của tính tích cực tâm lý nổi bật nhất trong một hoạt
dộng nào đó, trí nhớ được phân thành: trí nhớ vận động, trí nhớ xúc cảm,
trí nhớ hình ảnh, trí nhớ từ ngữ – logic.
1.1. Trí nhớ vận động: là trí nhớ về những cử động và hệ thống cử động
của các quá trình vận động. Nó có vai trò đặc biệt trong sự hình thành kỹ
xảo lao động chân tay. VD: Khi bạn nhớ rằng mình đã từng học võ Karatedo
hay chinh phục một ngọn núi trong quá khứ.
1.2. Trí nhớ xúc cảm: là trí nhớ về những rung cảm, những tình cảm diễn ra
trước đây. Nhờ loại trí nhớ này, con người mới có thể cảm nhận được cái
hay, cái đẹp trong cuộc sống, trong nghệ thuật cũng như mới đồng cảm được
với người khác. VD: Nếu bạn buồn vì không vượt qua nổi kỳ thi tốt nghiệp,
chắc chắn bạn sẽ còn nhớ khoảnh khắc này rất lâu sau đó.
1.3. Trí nhớ hình ảnh: là trí nhớ về những hình ảnh, hình tượng mà hoạt
động của các cơ quan cảm giác đã tạo ra. Dựa vào các cơ quan cảm giác
tham gia vào ghi nhớ và nhớ lại, trí nhớ hình ảnh được chia thành: trí nhớ
nghe, trí nhớ nhìn, …VD: Bạn đang xem một bộ phim kinh dị, bất ngờ hình
ảnh một con ma đáng sợ hiện lên trên màn hình khiến bạn chết khiếp, vậy là
bạn cứ ám ảnh về nó mãi
1.4. Trí nhớ từ ngữ – logic: là trí nhớ về những ý nghĩ, tư tưởng của con
người. Trí nhớ từ ngữ – logic đóng vai trò chính trong việc lĩnh hội tri thức.
VD: Kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lênin giúp ta có thể phân tích được các
hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội
2. Dựa vào tính mục đích của hoạt động, trí nhớ được phân thành: trí nhớ
không chủ định và trí nhớ có chủ định.
2.1. Trí nhớ không chủ định: là loại trí nhớ mà trong đó việc ghi nhớ, giữ
gìn và tái hiện được thực hiện không theo mục đích định trước. Loại trí nhớ
này có trước trong đời sống cá thể và giữ vai trò quan trọng việc tiếp thu
kinh nghiệm sống. VD: Sực nhớ về việc chưa làm bài tập toán ngày mai khi
đã lên giường chuẩn bị đi ngủ.
2.2. Trí nhớ có chủ định: là loại trí nhớ mà trong đó việc ghi nhớ, giữ gìn
và tái hiện được thực hiện theo mục đích định trước. Loại trí nhớ này xuất
hiện sau trí trí không chủ định trong đời sống cá thể và càng ngày càng giữ
vai trò hết sức to lớn trong việc tiếp thu tri thức cũng như trong hoạt động,
trong công việc. VD: Muốn cắt vải, cố gắng nhớ lại xem đã để cây kéo ở
đâu.
3. Dựa vào mức độ kéo dài của sự giữ gìn tài liệu đối với hoạt động, trí nhớ
được phân thành trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.
3.1. Trí nhớ ngắn hạn: là loại trí nhớ diễn ra ngay sau giai đoạn vừa ghi
nhớ. Nó mang tính nhất thời, ngắn ngủi, chốc lát. Trí nhớ ngắn hạn có ý
nghĩa lớn trong việc tiếp kinh nghiệm và là cơ sở để có trí nhớ dài hạn.VD:
Nhớ số điện thoại, đaa số người ta có thể dễ dàng nhớ 6 con số cần thiết để
gọi điện, nhưng sau khi gọi xong và không có ý định sử dụng lại nữa, thì sau
đó không thể nào nhớ lại được con số đó.
3.2. Trí nhớ dài hạn: là loại trí nhớ diễn ra sau giai đoạn ghi nhớ một
khoảng thời gian cho đến mãi mãi. Đặc trưng của loại trí nhớ này là sự giữ
gìn một tài liệu lâu dài trong trí nhớ sau khi đã thường xuyên nhắc lại và tái
hiện. Trí nhớ dài hạn rất quan trọng để con người tích lũy tri thức. Trí nhớ
dài hạn có hai dạng chính: trí nhớ bạn có thể tường thuật lại (VD: bạn nhớ
được Thủ đô của Việt Nam là Hà Nội, hay bạn nhớ được những sự kiện đã
từng xảy ra...) và trí nhớ tiềm ẩn (VD: khả năng chơi piano, chơi golf...).
IV. Phương pháp rèn luyện trí nhớ
Nhiều người cho rằng, trí nhớ là do bẩm sinh đã có được, không thể rèn
luyện thành công được. Thực tế đã chứng minh rằng việc rèn luyện trí nhớ là
không dễ nhưng nếu ai biết kiên trì, chịu khó rèn luyện thì vẫn thành công và
trí nhớ rõ ràng có khá hơn trước. Muốn có trí nhớ tốt phải tập luyện thường
xuyên để nâng cao khả năng ghi nhớ, giữ gìn và tái hiện tài liệu ghi nhớ. Vì
vậy, tác giả đề xuất một số phương pháp rèn luyện trí nhớ sau:
1. Tập trung chú ý cao độ
Chú ý (attend) là một thành tố quan trong của trí nhớ. Chú ý bao gồm Thái
độ (Attitude)-Cố gắng (Try)-Theo dõi, tìm kiếm (Track)-Cảm xúc
(Emotion)-Thú vị, hấp dẫn (Nice)-Mục đích (Destination). Có thể nói, chú ý
là sự tập trung cao độ vào một sự vật, sự việc hay hiện tượng đó. Chú ý là
dạng cao hơn, phức tạp hơn so với nhận thức. Khi tập trung cao độ ghi nhớ,
sự hoạt động tập trung, chú tâm vào một vấn đề sẽ luôn có hiệu quả hơn sự
phân tán, mất tập trung. Đồng thời, khi bắt đầu ghi nhớ một vấn đề, ta phải
tạo ra sự hứng thú, say mê với tài liệu ghi nhớ, có nghị lực, ý chí, phải nhận
thức được tầm quan trọng của tài liệu ghi nhớ và xác định được tâm thế ghi
nhớ lâu dài đối với nó. Bởi những gì không gây hứng thú thường bị lãng
quên dần đi. Để ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn hãy tìm kiếm cho mình
những điểm hấp dẫn và lợi ích của thông tin đem lại. Có thể khi mới bắt đầu
sẽ cảm thấy khó khăn, nhàm chán, thậm chí là mệt mỏi nhưng đừng vội bỏ
cuộc. Hãy bắt đầu cho bản thân từng bước và tin tưởng rằng bất kể điều gì
cũng sẽ có sự thú vị riêng.
2. Phối hợp nhiều giác quan
Sử dụng nhiều giác quan để mã hóa thông tin làm cho một hình ảnh trở nên
dễ nhớ hơn. Quy tắc dễ nhớ có thể chứa đựng âm thành, mùi, vị, xúc giác,
chuyển động, cảm xúc, hình ảnh,.. Chúng ta có thể gây ấn tượng mạnh về
hình ảnh, âm thanh, mùi vị,… vào các giác quan mắt, tai, mũi,… để phát
sinh xung lượng mạnh của các Nơ-ron thần kinh để ghi đậm nét vào vùng
nhớ của não. Điều đó giúp ta ghi nhớ lại được nhạy cảm và chính xác hơn.
Do đó, việc phối hợp nhiều giác quan tạo điều kiện cho việc rèn luyện trí
nhớ trở nên có hiệu quả hơn. Điển hình như trong việc học, học mà chỉ có
nghe chỉ nhớ được 5% những gì đã nghe. Đọc và nhìn thì nhớ được 10%.
Nghe và nhìn thì nhớ được 20%. Làm thí nghiệm trước mắt thì nhớ được
30%. Thảo luận nhóm nhớ được 50%. Làm bài ở nhà, ghi viết lại nhớ được
75%. Dạy lại được cho người khác nhớ được 90%. Qua đó, ta thấy rõ ràng
vai trò của các giác quan trong việc ghi nhớ. Phải kết hợp các giác quan để
ghi nhớ tài liệu, gắn tài liệu ghi nhớ với vốn kinh nghiệm của bản thân.
Đồng thời, hàng ngày phải dành một khoảng thời gian nhất định (1-2 giờ) để
tư duy, suy nghĩ về các vấn đề từ đơn giản đến phức tạp về các vấn đề đã
học, xác định các vấn đề chưa nắm bắt rõ từ đó bắt tay vào tìm hiểu để làm
rõ hơn về vấn đề đó. Áp dụng phương pháp này ta sẽ ghi nhớ kiến thức lâu
dài và chính xác hơn.
3. Phương pháp lặp lại điều cần nhớ
Lặp lại là quá trình nhắc đi nhắc lại thông tin chúng ta muốn nhớ. Sử dụng
phương pháp này tuy đơn giản nhưng lại là cách thức hiệu quả nhất để giúp
chúng ta ghi nhớ các thông tin trong cuộc sống. Để tận dụng tối đa phương
pháp này trong việc ghi nhớ, trước hết nếu muốn ghi nhớ bài giảng, chúng ta
nên ghi chú đầy đủ thông tin. Đây là lần lặp lại đầu tiên. Ngay sau buổi học
hoặc thời điểm thuận lợi nhất, ta xem lại, chỉnh sửa, bổ sung cho phần ghi
chú bài giảng của mình nếu cần thiết, đây là sự lặp lại thứ hai. Lần lặp lại
này sẽ giúp chúng ta có được sự chú ý đầy đủ vào những thông tin mình ghi
lại, từ đó liên kết chúng với thông tin trước đó và thường xuyên xem lại
chúng để củng cố vững chắc hơn kiến thức của mình theo thời gian. Nếu
cảm thấy không an tân, chúng ta có thể truy bài cùng bạn bè trước mỗi kì thi.
Hãy lặp lại bất kì kiến thức quan trọng nào. Thực tế, phương pháp lặp lại
không chỉ giúp chúng ta ghi nhớ thông tin, ý tưởng mà còn rất hữu ích trong
quá trình học hỏi các kĩ năng thực tế. Như việc lần đầu tiên bạn bắt đầu tập
đi xe máy, đầu tiên bạn được hướng dẫn bằng lí thuyết từ các bước kiểm tra
phanh tay, phanh chân, đèn xi nhan, pha, kính chiếu hậu, còi, xăm lốp trước
khi ngồi lên xe nổ máy. Nhưng chỉ đến khi cảm giác đạp chân thắng, tay
phải vừa kéo ga vừa điều khiển tay lái hay vừa xi nhan vừa kéo còi và điều
khiển hướng xe,… mới khiến bạn cảm thấy thực sự khó khăn và gượng gạo.
“Trăm hay không bằng tay quen” chỉ cần bạn thường xuyên luyện tập,
những cảm giác trên dần trở nên quen thuộc hơn và trở thành một phản xạ tự
nhiên của mình.
4. Phương thức liên tưởng
Liên tưởng là phương thức ghi nhớ rất hiệu quả thông qua việc kết nối sự
vật hiện tượng chúng ta muốn nhớ với những chúng ta đã biết để nhớ dễ
dàng hơn. Có bốn quy luật hình thành liên tưởng: luật tương tự (nhắc đến
mùa thu ta liên tưởng đến lá vàng rơi); luật tương phản (sáng-tối, nóng-
lạnh,..); luật gần nhau (thấy cá liên tưởng đến nước); luật quan hệ (nhìn trời
mưa ta nghĩ đến mây, từ mây ta liên tưởng đến gió, ao hồ,..). Bằng cách tự
tạo ra sự liên hệ các sự vật, hiện tượng, chúng ta sẽ dễ dàng nắm bắt được
thông tin mới và lưu giữ chúng nhanh chóng, chính xác. Càng liên tưởng
nhiều, chúng ta càng dễ ghi nhớ. Chúng ta có khuynh hướng nhớ hình hơn
nhớ từ. Hình ảnh trong tâm trí của con người càng rõ ràng, sống động bao
nhiêu thì chúng ta càng nhớ về hình ảnh đó bấy nhiêu. Do đó, phải biết cách
chuyển kiến thức thành hình ảnh để lưu vào bộ não một cách dễ dàng hơn.
Ngoài ra, cần biết tạo ra mối liên kết giữa nhưng việc cần nhớ, các liên kết
này sẽ tạo ra một mục lục dưới dạng chuỗi liên kết trong đầu, nó giúp chúng
ta dễ dàng tìm lại thông tin. Chúng ta thường hay nhớ được những sự việc
do tưởng tượng ra. Điều này giúp tăng cường những sự kết hợp cần thiết
nhằm có được những quy tắc dễ nhớ hiệu quả. Chúng ta càng tưởng tượng
và hình dung nhiều thì nó sẽ khắc sâu vào tâm trí để rối sau đó chúng ta sẽ
có thể nhớ lại, đặc biệt là những sự việc tạo ra cảm xúc mạnh mẽ như lo sợ,
hạnh phúc, giận dữ, yêu thương, đau đớn,.. Màu sắc và âm điệu cũng tác
động mạnh mẽ đến trí nhớ. Màu sắc có thể tăng cường trí nhớ của con người
lên đến 50%, do đó chúng ta nên dùng nhiều màu sắc khi ghi chú. Âm điệu
cũng tăng khả năng nhớ lại thông tin vì âm điệu kích hoạt bán cầu não phải,
chúng ta có thể sử dụng âm điệu trong học tập bằng cách bật nhạc trong lúc
học tạo ra những âm điệu riêng biệt cho những thông tin cần nhớ. Ví dụ
nghe nhạc Baroque trong học tập có hiệu quả rất tốt.
5. Sắp xếp thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi hợp lí
Các nghiên cứu cho thấy rằng trong bất cứ một khoảng thời gian học tập
nào cũng có hai đỉnh điểm ghi nhớ thông tin tốt nhất, đó là thời gian lúc bắt
đầu và thời gian sắp kết thúc việc học tập. Trong khi đó, khoảng thời gian
giữa hai đỉnh điểm này (khoảng thời gian giữa lúc học) thì trí nhớ của chúng
ta cũng bị giảm sút một cách rõ rệt. Vì vậy, thời gian học tập lý tưởng nhất
trong mỗi lần học không nên dài quá hai tiếng. Mỗi lần học nên chia thành
các phần nhỏ, mỗi phần kéo dài 25-30 phút và giữa chúng nên có thời gian
nghỉ ngơi khoảng 5 phút. Trong lúc nghỉ ngơi, chúng ta nên đứng dậy, tập
một vài động tác thể dục đơn giản, nghe một vài bản nhạc,.. sẽ đem lại sức
sống cho các tế bào não, qua đó giúp chúng ta có thể tiếp tục đương đầu với
những căng thẳng tiếp theo.
Ngoài ra, ngủ sâu cũng là phương pháp áp dụng để có một trí nhớ tốt. Vào
ban đêm, hoạt động của não đạt đến cường độ tối đa, các Nơ-ron thần kinh
sắp xếp và tổ chức lại những thông tin mà não nhận được trong ngày, ngủ đủ
giấc. Tập thể dục hàng ngày cũng quan trong không kém gì việc ngủ đủ và
ngủ sâu. Đồng thời, việc tập thể dục luyện cho ta cách thở sâu để cung cấp
oxi cho các tế bào não và thải hồi các độc tố.

KẾT LUẬN

Trí nhớ có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Nhờ có trí nhớ mà
những sự vật hiện tượng đã được tri giác trước đây tạo thành vốn kinh nghiệm,
chính. Trí nhớ còn giúp cho con người định hướng được thế giới khách quan, là cơ
sở tiền đề để giúp con người đi sâu vào bản chất sự vật hiện tượng, giúp con người
tiết kiệm được thời gian và công sức. Qua đó, làm cho việc hoạt động và học tập
đạt kết quả cao và tạo điều kiện để phát triển tâm lý bình thường ở con người.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tập thể tác giả, chủ biên: Đặng Thanh Nga (2020), Giáo trình Tâm lí học
đại cương, Trường đại học Luật Hà Nội,Nxb. Công an nhân dân.
2. Nguyễn Quang Uẩn (2010), Giáo trình Tâm lý học đại cương, Nxb. Đại học
Sư phạm Hà Nội.
3. Chủ biên Phan Văn Hồng Thắng, Luyện trí nhớ, Nxb. Thanh niên.
4. Dominic o’Brien, Siêu trí nhớ, Nxb. Lao động.
5. Tsukiura, Takashi, Umeda, Satoshi, Memory in a social context: brain,
mind, and society.
.

You might also like