You are on page 1of 13

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

-------***-------

BÀI TẬP LỚN MÔN THMLN


ĐỀ BÀI: Vận dụng lý luận về mâu thuẫn để
phân tích mâu thuẫn giữa xây dựng nền
kinh tế độc lập, tự chủ với hội nhập kinh tế
quốc tế của Việt Nam.

Họ và tên SV: Nguyễn Thị Ngọc Minh


Lớp tín chỉ: Triết học Mác - Lênin_Tài
chính Tiên tiến 64D_AEP(122)_13
Mã SV: 11224268

GVHD: TS NGUYỄN VĂN HẬU

HÀ NỘI, NĂM 2022


MỤC LỤC

ĐẶT VẤN ĐỀ.....................................................................................................3

CHƯƠNG I: LÝ LUẬN VỀ MÂU THUẪN....................................................5

1.1. Khái niệm..............................................................................................5

1.2. Mâu thuẫn là nguồn gốc sự vận động, sự phát triển.........................6

1.3. Phân loại mâu thuẫn............................................................................6

1.4. Ý nghĩa phương pháp luận..................................................................8

CHƯƠNG II: MÂU THUẪN GIỮA NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP TỰ CHỦ
VỚI HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM............................9

2.1. Nền kinh tế độc lập tự chủ...................................................................9

2.2. Hội nhập kinh tế quốc tế......................................................................9

2.3. Mâu thuẫn giữa nền kinh tế độc lập tự chủ với hội nhập kinh tế
quốc tế của Việt Nam...................................................................................10

2.4. Giải quyết mâu thuẫn........................................................................11

KẾT LUẬN......................................................................................................13

TÀI LIỆU THAM KHẢO...............................................................................14


ĐẶT VẤN ĐỀ
Xuất hiện từ những thập niên cuối của thế kỉ XX, thuật ngữ “toàn cầu
hóa” đã và đang trở thành một phần tất yếu trong quá trình xây dựng và phát
triển nền kinh tế của thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhận thấy tầm quan trọng
của hội nhập kinh tế quốc tế, từ những năm 1980 đến nay, đường lối, chủ
trương hội nhập kinh tế của Đảng đã được đề ra nhất quán, không ngừng được
hoàn thiện và triển khai phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Cụ thể, Đại hội lần thứ IX của Đảng đã đề ra chủ trương “chủ động hội nhập
kinh tế quốc tế”; Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW
“Về hội nhập kinh tế quốc tế”; Đại hội lần thứ X của Đảng cũng đã chủ trương
“chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác
quốc tế trong các lĩnh vực khác”; Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã
triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách lớn để
nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ
chức Thương mại thế giới”. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Chủ
động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự
chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh
hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc.”
Mặt khác, Đại hội Đảng IX cũng nêu rõ: “Gắn chặt việc xây dựng nền
kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.” Kết hợp phát
triển nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế trước xu thế toàn
cầu hóa không chỉ cho phép khai thác tiềm năng kinh tế trong và ngoài nước
mà còn giữ cho nền kinh tế nước ta phát triển bền vững, giữ được độc lập tự
chủ trong điều kiện mở cửa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình hội nhập
đem đến nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng gây ra
những mâu thuẫn đối với nền kinh tế độc lập tự chủ. Nhận thức và giải quyết
được những mâu thuẫn đó không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn có ý nghĩa thực
tiễn đối với tình hình kinh tế nước ta hiện nay. Xuất phát từ nhận thức đó, em
xin chọn đề tài: “Vận dụng lý luận về mâu thuẫn để phân tích mâu thuẫn giữa
xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ với hội nhập kinh tế quốc tế của Việt
Nam” làm đề tài Bài tập lớn Triết học Mác – Lênin của mình.
CHƯƠNG I: LÝ LUẬN VỀ MÂU THUẪN

1.1. Khái niệm


1.1.1. Khái niệm về mâu thuẫn
Trải dài lịch sử nhân loại, con người đã sớm phát hiện ra khái niệm “mâu
thuẫn” cũng như tiếp cận cách giải quyết mâu thuẫn từ nhiều hướng khác nhau.
Chẳng hạn, học thuyết âm dương khẳng định sự mâu thuẫn, chế ước và đấu
tranh của hai mặt âm dương. Học thuyết ngũ hành chỉ ra mâu thuẫn giữa các
nguyên tố: thủy, hoả, mộc, kim, thổ. Song, quan niệm về mâu thuẫn trước Mác
– Lênin đã phần nào mô tả mâu thuẫn khách quan, nhưng chưa làm rõ được sự
chuyển hoá biện chứng của các mặt đối lập.
Triết học duy vật biện chứng quan niệm: “Mâu thuẫn biện chứng là khái
niệm dùng để chỉ sự liên hệ, tác động theo cách vừa thống nhất, vừa đấu tranh;
vừa đòi hỏi, vừa loại trừ, vừa chuyển hóa lẫn nhau giữa các mặt đối lập.” Điều
này khác căn bản với quan niệm siêu hình về mâu thuẫn: “Mâu thuẫn là cái đối
lập phản logic, không có sự thống nhất, không có sự chuyển hóa biện chứng
giữa các mặt đối lập, nhân tố tạo thành mâu thuẫn biện chứng là mặt đối lập.”
Quy luật mâu thuẫn trong triết học duy vật biện chứng khẳng định, giữa các
mặt đối lập tồn tại cả sự thống nhất lẫn sự đấu tranh, tạo nên trạng thái tương
đối ổn định của sự vật, hiện tượng.
1.1.2. Các khái niệm của quy luật mâu thuẫn
Trong các sự vật, hiện tượng, luôn tồn tại những mặt trái ngược nhau: ở
con người có các mặt đối lập tự nhiên như ăn và bài tiết, ở mọi hoạt động kinh
tế đều có mặt sản xuất và mặt tiêu dùng,… Trong triết học duy vật biện chứng,
những mặt trái ngược đó được gọi là các mặt đối lập. Mặt đối lập là những mặt
có những đặc điểm, những thuộc tính, những tính quy định có khuynh hướng
biến đổi trái ngược nhau, tồn tại một cách khách quan trong tự nhiên, xã hội và
tư duy. Các mặt đối lập vừa đấu tranh, vừa thống nhất lẫn nhau trong mâu
thuẫn, tạo nên trạng thái tương đối ổn định của sự vật, hiện tượng.
Theo triết học Mác – Lênin, thống nhất giữa các mặt đối lập là khái niệm
dùng để chỉ sự liên hệ giữa chúng. Trong mâu thuẫn, sự thống nhất thể hiện ở
sự nượng tựa, làm tiền đề cho nhau vào nhau giữa các mặt đối lập. Các mặt đối
lập tác động ngang nhau, cân bằng nhau, thể hiện sự đấu tranh giữa cái mới
đang hình thành và cái cũ chưa mất hẳn. Sự thống nhất giữa các mặt đối lập
còn thể hiện ở sự tương đồng, đồng nhất giữa chúng do tồn tại những yếu tố
giống nhau. Do đó, khi điều kiện phù hợp, các mặt đối lập chuyển hoá vào
nhau trong mâu thuẫn.
Giữa các mặt đối lập không chỉ có sự thống nhất, mà còn tồn tại sự đấu
tranh. Theo triết học duy vật biện chứng, đấu tranh giữa các mặt đối lập là khái
niệm dùng để chỉ sự tác động qua lại theo hướng phủ định lẫn nhau giữa chúng,
không tách rời sự khác nhau, thống nhất, đồng nhất trong một mâu thuẫn. Đấu
tranh giữa các mặt đối lập là tuyệt đối, vì trong tất cả quá trình vận động của sự
vật đều không ngừng diễn ra sự đấu tranh; ngay trong sự thống nhất của các
mặt đối lập cũng hàm chứa những nhân tố phá vỡ sự thống nhất đó. Vì vậy,
thống nhất của các mặt đối lập là tương đối, vì sự thống nhất đó chỉ tồn tại
trong trạng thái đứng im tương đối của sự vật, hiện tượng.

1.2. Mâu thuẫn là nguồn gốc sự vận động, sự phát triển


Theo triết học Mác – Lênin, đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc,
động lực của sự vận động, phát triển sự vật. Khi giữa các mặt đối lập có sự
thống nhất, sự vật vẫn giữ nguyên bản chất. Nhưng khi mâu thuẫn cần được
giải quyết thì khi ấy thể thống nhất cũ của sự vật mất đi, xuất hiện thể thống
nhất mới, chính là sự vật mới ra đời thay thế sự vật cũ. Sự thống nhất mới được
tạo thành này lại nảy sinh mâu thuẫn, từ đó lại được giải quyết. Trên cơ sở đó,
sự vật vận động và phát triển.
Trong quá trình vận động và phát triển của sự vật, đối với mâu thuẫn
biện chứng, khi tồn tại sự thống nhất giữa các mặt đối lập ắt sẽ tồn tại sự đấu
tranh, sự đấu tranh và sự thống nhất là không thể tách rời. Cả sự thống nhất và
đấu tranh của các mặt đối lập đều đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình
vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng.

1.3. Phân loại mâu thuẫn


Căn cứ vào quan hệ đối với các mặt đối lập, có thể phân loại mâu thuẫn
thành thành mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài. Mâu thuẫn bên trong
là sự tác động qua lại giữa các mặt, các khuynh hướng đối lập của cùng một sự
vật, hiện tượng; mâu thuẫn bên ngoài đối với một sự vật nhất định là mâu
thuẫn diễn ra trong mối quan hệ sự vật đó với các sự vật khác. Tuy nhiên, tuỳ
vào phạm vi xem xét, việc phân loại mâu thuẫn bên trong và bên ngoài chỉ
mang tính tương đối. Xét đến vai trò, mâu thuẫn bên trong có vai trò quyết định
trực tiếp đối với quá trình vận động và phát triển của sự vật, còn mâu thuẫn bên
ngoài có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của chúng, tuy nhiên cần có
mâu thuẫn bên trong mới phát huy tác dụng. Mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn
bên ngoài không ngừng có tác động qua lại lẫn nhau, vì vậy việc giải quyết
mâu thuẫn bên trong không thể tách rời việc giải quyết mâu thuẫn bên ngoài,
việc giải quyết mâu thuẫn bên ngoài là điều kiện để giải quyết mâu thuẫn bên
trong.
Căn cứ vào vào ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của sự vật, có thể
phân chia thành mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản. Mâu thuẫn cơ
bản là mâu thuẫn quy định bản chất của sự vật, quy định bản chất và sự tồn tại
của sự vật trong tất cả các giai đoạn, từ lúc hình thành đến khi tiêu vong. Mâu
thuẫn không cơ bản là mâu thuẫn chỉ đặc trưng một phương diện nhất định của
sự vật, không quy định bản chất của sự vật. Giải quyết mâu thuẫn cơ bản sẽ tạo
nên thay đổi về chất của sự vật, trong khi mâu thuẫn không cơ bản nảy sinh hay
được giải quyết đều không gây ảnh hưởng đến căn bản về chất của sự vật, hiện
tượng.
Căn cứ vào vai trò của mâu thuẫn đối với sự vận động và phát triển của
sự vật trong một giai đoạn phát triển nhất định, mâu thuẫn có thể được chia
thành mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu. Mâu thuẫn chủ yếu là mâu
thuẫn nổi lên hàng đầu của một giai đoạn phát triển nhất định của sự vật và chi
phối các mâu thuẫn khác trong giai đoạn đó. Giải quyết được mâu thuẫn chủ
yếu trong từng giai đoạn là điều kiện cho sự vật chuyển hoá, phát triển từ hình
thức này sang hình thức khác. Mâu thuẫn thứ yếu là mâu thuẫn ra đời trong một
giai đoạn của sự vật nhưng không đóng vai trò chi phối các mâu thuẫn khác,
mà bị mâu thuẫn chủ yếu chi phối. Giải quyết được mâu thuẫn thứ yếu sẽ góp
phần vào từng bước giải quyết mâu thuẫn chủ yếu. Tuy nhiên, việc phân loại
mâu thuẫn chủ yếu và thứ yếu chỉ mang tính tương đối, vì tuỳ theo điều kiện,
hoàn cảnh cụ thể, cùng một mâu thuẫn có thể là mâu thuẫn chủ yếu hay thứ
yếu.
Căn cứ vào tính chất của các quan hệ lợi ích, có thể phân loại mâu thuẫn
thành mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng. Mâu thuẫn đối
kháng là mâu thuẫn giữa những giai cấp, những tập đoàn người, xu hướng… có
lợi ích cơ bản đối lập nhau, không thể điều hoà được. Trong lịch sử, đã có
những mâu thuẫn đối kháng tồn tại như mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ,
giai cấp tư sản và giai cấp vô sản,… Mặt khác, mâu thuẫn không đối kháng là
mâu thuẫn giữa những giai cấp, tập đoàn,… có lợi ích cơ bản không đối lập
nhau, nên có thể coi đây là mâu thuẫn cục bộ, tạm thời. Việc xác định, phân
biệt giữa hai mâu thuẫn này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xác định
phương pháp giải quyết mâu thuẫn.

1.4. Ý nghĩa phương pháp luận


Quy luật mâu thuẫn, hay quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt
đối lập cho ta thấy cần phải thấy được động lực phát triển của sự vật không
phải ở ngoài sự vật mà là những mâu thuẫn trong bản thân sự vật. Mâu thuẫn là
khách quan, phổ biến nên nhận thức mâu thuẫn là cần thiết và phải khách quan.
Không nên sợ mâu thuẫn, không né tránh mâu thuẫn mà phải biết xác định
trạng thái chín muồi của mâu thuẫn để giải quyết kịp thời. Mâu thuẫn chỉ được
giải quyết khi có đủ điều kiện chín muồi, cho nên không được giải quyết mâu
thuẫn nóng vội khi chưa có điều kiện chín muồi, nhưng cũng không được để
việc giải quyết mâu thuẫn diễn ra tự phát. Nếu điều kiện chưa chín muồi có thể
thông qua hoạt động thực tiễn để thúc đẩy điều kiện nhanh đến.
CHƯƠNG II: MÂU THUẪN GIỮA NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP TỰ CHỦ
VỚI HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM

2.1. Nền kinh tế độc lập tự chủ


Độc lập, tự chủ là năng lực của quốc gia trong giữ vững chủ quyền và sự
tự quyết về đối nội, đối ngoại, bảo vệ lợi ích quốc gia, không bị sự thống trị, lệ
thuộc, chi phối mang tính cưỡng bức, áp đặt từ bên ngoài. Nền kinh tế độc lập
tự chủ là nền kinh tế không bị chi phối, lệ thuộc vào nước khác, tổ chức khác,
người khác về đường lối phát triển, có khả năng tận dụng tối đa nguồn lực
trong và ngoài nền kinh tế để phát triển ổn định, đồng thời có khả năng ứng phó
đối với những biến động trên thị trường khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nền
kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá không đồng nghĩa với nền
kinh tế “khép kín”, “tự cung tự cấp” tách bạch với bên ngoài, mà đòi hỏi khai
thác, phát huy thế mạnh bên trong và bên ngoài nền kinh tế để đề ra những
đường lối phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Để duy trì nền kinh tế độc lập tự
chủ, nền kinh tế đó phải có thực lực, có khả năng phát triển, có thể tự cung ứng,
ít bị tổn thương và ứng phó hiệu quả với tác động tiêu cực từ bên ngoài của quá
trình hội nhập quốc tế.
Vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ không phải vấn đề mới được
đặt ra. Xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, ý chí “thực túc, binh cường”
đã được kế thừa, được Đảng và Nhà nước ta áp dụng trong lãnh đạo sự nghiệp
cách mạng. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh “toàn cầu hoá” đang diễn ra mạnh mẽ
và bao trùm toàn thế giới, trong đó nước ta không phải là ngoại lệ, mà quá trình
đó bị những nền kinh tế, những tập đoàn lớn chi phối, đồng thời thị trường
không ngừng biến động bởi tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường,
khó đoán định trên nhiều phương diện thì việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự
chủ lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

2.2. Hội nhập kinh tế quốc tế


Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình các quốc gia thống nhất các điều
kiện hợp tác nhằm giảm thiểu rào cản thương mại, tạo điều kiện cho các nước
khai thác tối đa tiềm lực kinh tế phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia để
cùng nhau phát triển.
Hội nhập kinh tế quốc tế cho phép các quốc gia tham gia chuyên môn
hoá và giao thương rộng rãi nhằm tối đa hoá hiệu quả kinh tế, đồng thời tạo
điều kiện cho người lao động tham gia vào quá trình sản xuất ở nhiều quốc gia,
từ đó mở rộng thị trường và trao đổi công nghệ, tạo điều kiện phát triển cho các
nền kinh tế liên quan. Đặc biêt, trong bối cảnh đầy biến động của thị trường thế
giới, hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện cho hợp tác chính trị, từ đó giảm
thiểu xung đột chính trị giữa các quốc gia. Như vậy, hội nhập kinh tế quốc tế là
một xu hướng tất yếu, là quá trình cần phải trải qua để tối đa hoá hiệu quả kinh
tế.

2.3. Mâu thuẫn giữa nền kinh tế độc lập tự chủ với hội nhập kinh tế
quốc tế của Việt Nam
Trước hết, trong mâu thuẫn giữa nền kinh tế độc lập tự chủ và bối cảnh
hội nhập kinh tế quốc tế tồn tại sự thống nhất giữa chúng, thể hiện ở mục tiêu
cuối cùng của hai mặt: vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, của dân tộc. Xây
dựng nền kinh tế độc lập tự chủ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của nền
kinh tế quốc gia, từ đó đảm bảo đời sống của nhân dân. Hội nhập kinh tế quốc
tế cũng nhằm phát huy tối đa nguồn lực kinh tế trong và ngoài nước, từ đó phát
triển kinh tế quốc gia, đem lại lợi ích cho dân tộc.
Không chỉ vậy, giữa hai mặt này còn có mối quan hệ biện chứng: Độc
lập, tự chủ và hội nhập quốc tế có quan hệ gắn bó, là tiền đề, điều kiện của
nhau. Nền kinh tế độc lập, tự chủ tạo tiền đề, điều kiện cho hội nhập kinh tế
quốc tế, quyết định chiến lược, chính sách phát triển trong quá trình hội nhập
để đạt hiệu quả cao nhất. Mặt khác, hội nhập kinh tế quốc tế phải phục vụ mục
tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nhằm củng cố tiềm lực kinh tế quốc
gia, bảo đảm độc lập tự chủ của quốc gia. Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu
hoá đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, hội nhập kinh tế quốc tế
đã trở thành quá trình tất yếu trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Nếu
không hội nhập mà xây dựng nền kinh tế tách bạch với thế giới, quốc gia đó sẽ
trì trệ, kinh tế khó phát triển, từ đó khó đảm bảo được độc lập tự chủ.
Mặt khác, giữa hai mặt cũng tồn tại những chiều hướng trái ngược, mâu
thuẫn lẫn nhau. Khi tham gia giao thương, ký kết các hiệp định song phương,
đa phương, quan hệ rộng rãi với các quốc gia khác, nước ta đồng thời phải điều
chỉnh chính sách, chiến lược phát triển sao cho phù hợp với hoàn cảnh; sự lưu
chuyển của các nguồn vốn cũng từ đó gia tăng, khó kiểm soát, đặt ra thách thức
cho duy trì, đảm bảo độc lập tự chủ.
Đồng thời, hội nhập kinh tế quốc tế đem đến cơ hội mở rộng thị trường
cho doanh nghiệp và sản phẩm trong nước, nhưng cũng đòi hỏi mở cửa thị
trường trong nước cho doanh nghiệp và sản phẩm nước ngoài. Tác động lan tỏa
về công nghệ, kỹ năng của khu vực FDI ở Việt Nam còn yếu, sức cạnh tranh
của các mặt hàng chủ lực, của doanh nghiệp trong nước còn chưa cao, gây nên
sức ép cho nền kinh tế ngay trong thị trường nội địa. Những biến động trên thị
trường quốc tế cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt
khi công tác xử lý, ứng phó trước rủi ro khi hội nhập còn chưa đồng bộ, bị
động. Chẳng hạn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã gây tác động lớn tới
sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu và gây ra sự gia tăng trong chủ nghĩa bảo hộ
thương mại, từ đó gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế mở của Việt Nam. Những
nguy cơ như đất nước trở thành “bãi thải” công nghệ, bị ô nhiễm môi trường,
phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài... đều rất lớn, nếu như không có chiến
lược phát triển kinh tế đúng đắn, hiệu quả.

2.4. Giải quyết mâu thuẫn


Đứng trước mâu thuẫn giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội
nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta khẳng định: “Độc lập, tự chủ luôn là mục tiêu,
nhiệm vụ chiến lược của đất nước. Hội nhập quốc tế là yêu cầu khách quan, tất
yếu để phát triển đất nước trong thời đại toàn cầu hóa.” Xây dựng nền kinh tế
độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế là hai quá trình không thể tách rời
trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhằm mục đích cuối cùng là phát triển kinh tế đất
nước, bảo đảm độc lập, tự chủ, bảo đảm đời sống nhân dân. Trong Diễn đàn
kinh tế Việt Nam lần thứ 4, Thủ tướng nhấn mạnh: “Con người là trung tâm, là
chủ thể, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển.” Như vậy, giải quyết mâu
thuẫn cần lấy độc lập, tự chủ của nhân dân, của đất nước làm mục tiêu, làm gốc
để xây dựng chiến lược hiệu quả.
Thứ nhất, phải giữ vững độc lập, tự chủ trong quá trình xây dựng đường
lối hội nhập, phát triển. Đảng ta khẳng định: “Cần khơi thông, huy động và sử
dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nội lực là cơ bản, chiến
lược, lâu dài, quyết định và ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên;
thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển hóa ngoại lực thành nội lực.” Như vậy, hội
nhập cần phát huy tối đa nội lực; quá trình hội nhập phải là sự nghiệp toàn dân,
của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp.
Thứ hai, cần chủ động, tích cực trong quá trình hội nhập. Cần chủ động
trong lựa chọn chiến lược phát triển phù hợp với mục tiêu, khả năng của đất
nước; đa dạng hoá quan hệ quốc tế, tránh lệ thuộc vào một đối tác, một thị
trường nhất định. Đồng thời, cần kịp thời đổi mới, thay đổi đường lối phát triển
khi tình hình kinh tế đất nước yêu cầu; phòng tránh rủi ro, chủ động xây dựng
hệ thống phòng vệ để đề phòng những biến động khó lường trên thị trường thế
giới, tránh để mâu thuẫn giải quyết một cách bị động, bỏ lỡ thời cơ chín muồi.
KẾT LUẬN
Quá trình chuyển hoá, tác động lẫn nhau giữa các mặt đối lập trong mâu
thuẫn chính là nguồn gốc của sự vận động, phát triển của mọi sự vật, hiện
tượng trong đời sống. Xét theo từng khía cạnh, mỗi mâu thuẫn lại có một bản
chất riêng. Vì vậy, khi giải quyết vấn đề, ta cần hiểu rõ bản chất mâu thuẫn bên
trong, động lực của chúng, từ đó tiếp cận và tìm ra phương pháp giải quyết mâu
thuẫn một cách đúng đắn. Đối với mâu thuẫn giữa nền kinh tế độc lập tự chủ và
hội nhập kinh tế quốc tế cũng vậy.
Quả thực, quá trình hội nhập đã đem lại không ít thách thức cho công
cuộc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Tuy vậy, giữa chúng lại có mối liên
hệ mật thiết không thể tách rời. Nền kinh tế độc lập tự chủ chính là tiền đề, điều
kiện để hội nhập; quá trình hội nhập nhằm phát triển, củng cố nền kinh tế độc
lập tự chủ. Vì vậy, các nước đang và kém phát triển nói chung, hay Việt Nam
nói riêng, cần phải hội nhập một cách đúng đắn, tăng sức cạnh tranh trên thị
trường quốc tế, đồng thời lấy độc lập, tự chủ làm gốc, làm tiền đề để phát triển
kinh tế.
Cả công cuộc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập đều nhằm
mục đích mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân. Vì vậy, trong xây dựng
chiến lược phát triển và hội nhập, cần phải lấy nội lực làm căn bản, chủ động
học hỏi, hợp tác đa phương, tận dụng ngoại lực để phát huy triệt để thế mạnh,
nâng cao khả năng tự chủ trên thị trường quốc tế. Đồng thời, nước ta cần phải
nhanh nhạy, sáng tạo, đề ra những giải pháp phù hợp với điều kiện, khả năng,
hoàn cảnh, nhằm mục đích phát triển kinh tế ổn định và bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hội đồng biên soạn giáo trình môn Triết học Mác – Lênin. Giáo trình Triết
học Mác – Lênin. Hà Nội, 2019.
2. Nguyễn Thị Thu Hiền (2007). Mối quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc
lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta hiện nay, Luận văn thạc sĩ
triết học, Đại học Quốc Gia Hà Nội.
3. Phạm Văn Sơn (2021). Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và nâng cao
hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Tạp chí Quốc phòng toàn dân.
4. Nguyễn Văn Thạo (2019). Về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập
quốc tế,
<https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/ve-moi-quan-he-giua-doc-lap-tu-
chu-va-hoi-nhap-quoc-te.html>
5. Lê Bộ Lĩnh (2019). Một số vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt
Nam,
< https://tcnn.vn/news/detail/42929/Motso-van-de-ve-hoi-nhap-kinh-te-
quoc-tecuaViet-Nam.html>
6. Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh thế giới mới. Tạp chí
Khoa học xã hội Việt Nam, số 7.
7. Phạm Quốc Trụ (2003). Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh
toàn cầu hoá. Tạp chí Cộng sản, số 45.
8. Hiền Hoà (2022). Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động
hội nhập quốc tế,
<https://dangcongsan.vn/tieu-diem/xay-dung-nen-kinh-te-doc-lap-tu-chu-
gan-voi-chu-dong-hoi-nhap-quoc-te-611505.html>

You might also like