You are on page 1of 4

Câu 5: Quy luật mâu thuẫn, liên hệ vấn đề vừa học vừa làm của sinh viên

hiện nay.
- Khái niệm mặt đối lập: Mặt đối lập dùng để chỉ những mặt, những yếu tố,
những thuộc tính khác nhau có khuynh hướng biến đổi trái ngược nhau cùng tồn
tại khách quan trong các sự vật, hiện tượng của tự nhiên, xã hội và tư duy. Sự
tác động lẫn nhau giữa các mặt đối lập tạo nên mâu thuẫn biện chứng và mẫu
thuẫn biện chứng quy định sự biến đổi của các mặt đối lập nói riêng và của sự
vật, hiện tượng nói chung.
- Khái niệm mâu thuẫn: Mâu thuẫn là một phạm trù cơ bản của phép biện
chứng duy vật dùng để chỉ mối liên hệ thống nhất, đấu tranh và chuyển hoá của
các mặt đối lập trong mỗi sự vật, hiện tượng hoặc giữa các sự vật, hiện tượng
với nhau trong quá trình vận động, phát triển của chúng. Hiểu đơn giản mâu
thuẫn là cái tồn tại khách quan, vốn có của bất cứ một sự vật, hiện tượng, quá
trình nào trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
- Khái niệm thống nhất: Thống nhất giữa các mặt đối lập là sự không tách
rời nhau, cùng tồn tại đồng thời và mặt đối lập này phải lấy mặt đối lập kia làm
cơ sở cho sự tồn tại của mình. Sự thống nhất giữa các mặt đối lập còn gọi là sự
đồng nhất giữa chúng do trong các mặt đối lập còn tồn tại những yếu tố giống
nhau.
- Khái niệm đấu tranh: Các mặt đối lập luôn tác động qua lại với nhau theo
xu hướng bài trừ, phủ định lẫn nhau; người ta gọi đó là đấu tranh giữa các mặt
đối lập và sự đấu tranh đó không tách rời với sự khác nhau, thống nhất, đồng
nhất giữa chúng trong một mâu thuẫn.
- Quy luật mâu thuẫn hay quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối
lập là một trong những quy luật cơ bản trong phép biện chứng duy vật, chỉ ra
nguồn gốc của sự phát triển. Mỗi hai mặt đối lập sẽ tạo thành mâu thuẫn. Mọi sự
vật hoặc hiện tượng đều chứa đựng những khuynh hướng, mặt đối lập, từ đó tạo
thành những mâu thuẫn trong bản thân chúng. Khi hai mặt đối lập có sự xung
đột gay gắt, đủ điều kiện thì sẽ tự chuyển hóa lẫn nhau và từ đó mâu thuẫn được
giải quyết. Sự thống nhất và đấu tranh từ các mặt đối lập không tách rời nhau mà
tác động tạo ra xung lực nội của sự vận động, phát triển, và dẫn tới mất đi cái cũ
thay thế bởi cái mới tốt hơn, phù hợp hơn. Do đó, mâu thuẫn là nguồn gốc của
phát triển và vận động.
- Phân loại mâu thuẫn:
+ Dựa vào quan hệ của sự vật được xem xét, mâu thuẫn gồm mâu thuẫn
bên trong và mâu thuẫn bên ngoài.
+ Dựa vào ý nghĩa sự tồn tại, phát triển toàn bộ sự vật, mâu thuẫn gồm
mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản.
+ Dựa vào vai trò mâu thuẫn của sự tồn tại, phát triển sự vật ở 1 giai
đoạn nhất định, mâu thuẫn gồm mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu.
+ Dựa vào tính chất của quan hệ lợi ích, mâu thuẫn gồm mâu thuẫn đối
kháng và mâu thuẫn không đối kháng.
- Ý nghĩa phương pháp luận: Quy luật mâu thuẫn giúp chúng ra nhận thức
đúng bản chất của sự vật và tìm ra phương hướng, giải pháp đúng cho hoạt động
thực tiễn bằng con đường đi sâu nghiên cứu, phát hiện ra mâu thuẫn của sự vật,
hiện tượng. Muốn phát hiện ra mâu thuẫn cần phải tìm ra thể thống nhất của
những mặt, những khuynh hướng trái ngược nhau, tức là tìm ra những mặt đối
lập và những mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau giữa các mặt đối lập đó
trong sự vật, hiện tượng. Quy luật mâu thuẫn giúp khi phân tích mâu thuẫn phải
xem xét quá trình phát sinh, phát triển của từng mâu thuẫn, xem xét vai trò, vị trí
và mối quan hệ lẫn nhau của các mặt mâu thuẫn; phải xem xét quá trình phát
sinh, phát triển và vị trí của từng mặt đối lập, mối quan hệ tác động qua lại, điều
kiện chuyển hoá lẫn nhau giữa chúng. Chỉ có như thế mới hiểu đúng sự vật, hiểu
đúng xu hướng vận động để giải quyết mâu thuẫn. Quy luật mâu thuẫn giúp
nhận thức được rằng: để thúc đấy sự vật, hiện tượng phát triển phải tìm cách giải
quyết mâu thuẫn, không được điều hoà mâu thuẫn. Mọi mâu thuẫn chỉ được giải
quyết khi có đủ điều kiện chín muồi; không nóng vội hay bảo thủ, trì trệ khi giải
quyết mâu thuẫn. Việc nghiên cứu quy luật mâu thuẫn có ý nghĩa quan trọng đối
với nhận thức, hoạt động thực tiễn bởi mâu thuẫn là động lực nguồn gốc của sự
vận động, phát triển, có tính khách quan phổ biến.
- Liên hệ vấn đề vừa học vừa làm của sinh viên hiện nay: Đi làm thêm khi
còn đang học đại học luôn luôn được các bạn sinh viên quan tâm rất nhiều trong
những năm gần đây. Bởi đi làm thêm lúc đó đối với nhiều bạn sinh viên không
chỉ vì yếu tố kinh tế mà còn rất nhiều các yếu tố khác tác động đến. Việc vừa
học vừa làm có ảnh hưởng rất nhiều đến một người sinh viên, ở cả hai phương
diện tích cực và tiêu cực. Trước tiên ta sẽ cùng nói về những tác động tích cực
của việc vừa học vừa làm. Việc đi làm thêm giúp sinh viên có thêm một khoản
thu nhập, từ đó có thể giảm bớt gánh nặng đối với gia đình, sinh viên có thể tự
mình chi trả các khoản phí. Đi làm thêm giúp sinh viên mở rộng các mối quan
hệ, quen càng nhiều người liên quan đến ngành nghề sinh viên đang theo đuổi
thì sẽ càng có nhiều cơ hội để có một công việc tốt trong tương lai. Kế đến là
học hỏi được nhiều kinh nghiệm: khi làm thêm chúng ta sẽ có sự va vấp với thực
tế và được trải nghiệm muôn mặt của cuộc sống. Bên cạnh đó, một số kiến thức,
kĩ năng mà chúng ta sẽ khó học được khi chỉ chăm chăm vào sách vở, nhưng
chính công việc làm thêm sẽ “dạy” cho ta những thứ ấy. Bên cạnh đó, môi
trường làm thêm sẽ giúp ta khám phá được những khả năng tiềm ẩn cũng như
nhận thức được chính mình để tự có biện pháp điều chỉnh bản thân. Việc vừa đi
học vừa đi làm bắt buộc chúng ta phải phân chia thời gian sao cho hợp lí, phải tự
rèn luyện cho mình sự năng động cần thiết để có thể cùng một lúc làm nhiều
việc sao cho vẫn đảm bảo được kết quả tốt, từ đó hình thành tính năng động,
linh hoạt và rèn cho sinh viên khả năng quản lý thời gian. Mặt khác, khi đã đi
làm, thật sự bỏ công sức, mồ hôi, chất xám để làm ra đồng tiền, ta sẽ thực sự
hiểu được giá trị của đồng tiền mà bố mẹ mình phải vất vả mới kiếm ra được, từ
đó biết quý trọng tiền của, học được cách sử dụng tiền bạc sao cho hợp lí. Một
tác động tích cực khác của việc đi làm thêm trong thời gian học Đại học là sẽ
xây cho sinh viên một tấm CV đẹp. Ngày nay, khi mà xã hội phát triển không
ngừng nghỉ, cạnh tranh việc làm là điều khó tránh khỏi, do đó, nhiều nhà tuyển
dụng đưa ra những yêu cầu khắc khe hơn cho ứng viên của mình để tìm ra được
người sáng giá nhất, phù hợp nhất. Bởi lẽ đó, khi CV được thêm vào những kinh
nghiệm vốn có của bản thân từ trước, sinh viên sẽ dễ dàng gây chú ý đối với các
nhà tuyển dụng và sẽ có được ưu thế cao hơn so với những ứng viên khác cùng
tầm. Đó đều là những vốn quý mà việc làm thêm mang đến. Tuy nhiên, khi lựa
chọn việc vừa học vừa làm, sinh viên cũng sẽ phải đối mặt với nhiều tác động
tiêu cực của việc này. Trước tiên phải kể đến vấn nạn lừa đảo. Ngày nay, các
trung tâm giới thiệu việc làm “đểu” mọc lên như nấm do luật pháp ở nước ta
chưa có những quy định cụ thể nên tình trạng sinh viên bị lừa đảo hoặc bị các
nơi nhận việc quỵt tiền tăng lên rất cao. Mặt khác, với tư cách là một sinh viên,
đa phần các bạn đều có xu hướng muốn tìm những công việc làm thêm có liên
quan đến ngành học để có thể vừa đi làm vừa tích lũy kiến thức, kinh nghiệm
cho công việc sau này. Nhưng trên thực tế bạn sẽ rất khó kiếm được những công
việc phù hợp như vậy, và nếu tìm được thì cũng sẽ khó ổn định, khi đi làm
thêm bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy chán nản bởi bạn sẽ bị gò bó vào khung thời
gian nhất định với những quy tắc của người đi làm. Đó là chưa kể đến sức khoẻ
dễ bị giảm sút, bởi sinh viên phải vừa học vừa làm, phải làm cùng một lúc nhiều
việc bạn sẽ không có đủ thời gian để nghỉ ngơi khiến cho cơ thể dần sẽ trở nên
mệt mỏi hơn. Quan trọng nhất: việc vừa học vừa làm dễ khiến ta sa sút, lơ là
việc học vì thời gian dành cho việc học tập và nghiên cứu của bạn sẽ bị chia sẻ
và chi phối bởi công việc nên kết quả học tập của bạn có thể sẽ tụt dốc. Từ
những mặt tích cực cũng như hạn chế nêu trên, sinh viên cần phải thật thận trọng
khi đứng trước quyết định có nên vừa học vừa làm hay không. Đối với sinh viên,
việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu. Vậy nên, nếu chỉ với mục đích kiếm tiền thì
việc vừa học vừa làm là không phù hợp. Thay vào đó, ta có thể đi làm thêm để
có kinh nghiệm, kỹ năng, rèn luyện những kiến thức ngoài sách vở để giúp ích
sau này, Tuy nhiên, sinh viên phải thật sáng suốt lựa chọn việc làm thêm sao cho
phù hợp, đáp ứng được những tiêu chí: kinh nghiệm, phù hợp, không ảnh hưởng
đến việc học và phải thật thận trọng trước những chiêu trò lừa đảo tràn lan trên
mạng.

You might also like