You are on page 1of 18

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BÀI TẬP THẢO LUẬN

BUỔI 3

TÀI SẢN VÀ QUYỀN ĐỐI VỚI TÀI SẢN

Bộ môn: Những quy định chung về luật dân sự, tài sản và thừa kế
Họ và tên: Nguyễn Việt Vân Phương
Lớp TMQT48.2 - Nhóm 4

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 3, 2024


MỤC LỤC

VẤN ĐỀ 1. KHÁI NIỆM TÀI SẢN


1.1. Thế nào là giấy tờ có giá? Cho ví dụ minh họa về giấy tờ có giá....................1
1.2. Trong thực tiễn xét xử, “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng
nhận sở hữu nhà” có là giấy tờ có giá không? Quyết định số 06 và Bản án số 39
có cho câu trả lời không?........................................................................................2
1.3. Trong thực tiễn xét xử, “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng
nhận sở hữu nhà” có là tài sản không? Quyết định số 06 và Bản án số 39 có cho
câu trả lời không? Vì sao?.......................................................................................2
1.4. Suy nghĩ của anh/chị về hướng giải quyết trong Quyết định số 06 liên quan
đến “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận sở hữu nhà” nhìn từ
khái niệm tài sản.....................................................................................................3
1.5. Nếu áp dụng BLDS năm 2015, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy
chứng nhận sở hữu nhà có là tài sản không? Vì sao?.............................................3
1.6. Suy nghĩ của anh/chị về hướng giải quyết trong Bản án số 39 liên quan đến
“giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà”..........4
1.7. Bitcoin là gì?....................................................................................................4
1.8. Theo các bị cáo trong vụ án “Cướp tài sản”, Bitcoin có là tài sản không?......5
1.9. Ở các vụ việc về Bitcoin, Tòa án có xác định Bitcoin là tài sản theo pháp luật
Việt Nam không?....................................................................................................5
1.10. Pháp luật nước ngoài có coi Bitcoin là tài sản không? Nếu có, nêu hệ thống
pháp luật mà anh/chị biết........................................................................................6
1.11. Theo anh/chị, có nên coi Bitcoin là tài sản ở Việt Nam không? Vì sao?.......7
1.12. Quyền tài sản là gì?........................................................................................7
1.13. Có quy định nào cho phép khẳng định quyền thuê, quyền mua tài sản là
quyền tài sản không?...............................................................................................7
1.14. Đoạn nào của Quyết định số 05 cho thấy Tòa án nhân dân tối cao theo
hướng quyền thuê, quyền mua là tài sản?...............................................................8
1.15. Suy nghĩ của anh/chị về hướng giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao trong
Quyết định số 05 về quyền thuê, quyền mua (trong mối quan hệ với khái niệm tài
sản)?........................................................................................................................9
VẤN ĐỀ 2. CĂN CỨ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU
2.1. Đoạn nào của Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định gia đình chị Vân
đã chiếm hữu nhà đất có tranh chấp trên 30 năm và cho biết suy nghĩ của anh/chị
về khẳng định này của Tòa án?.............................................................................10
2.2. Đoạn nào của Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định gia đình chị Vân
đã chiếm hữu ngay tình nhà đất có tranh chấp trên 30 năm và cho biết suy nghĩ
của anh/chị về khẳng định này của Tòa án?..........................................................10
2.3. Đoạn nào của Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định gia đình chị Vân
đã chiếm hữu liên tục nhà đất có tranh chấp trên 30 năm và cho biết suy nghĩ của
anh/chị về khẳng định này của Tòa án?................................................................11
2.4. Đoạn nào của Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định gia đình chị Vân
đã chiếm hữu công khai nhà đất có tranh chấp trên 30 năm và cho biết suy nghĩ
của anh/chị về khẳng định này của Tòa án?..........................................................11
2.5. Đoạn nào của Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định cụ Hảo không còn
là chủ sở hữu nhà đất có tranh chấp và cho biết suy nghĩ của anh/chị về khẳng
định này của Tòa án?............................................................................................12
2.6. Theo anh/chị, gia đình chị Vân có được xác lập quyền sở hữu đối với nhà đất
có tranh chấp trên cơ sở quy định về thời hiệu hưởng quyền không? Vì sao?.....12

VẤN ĐỀ 3. CHUYỂN RỦI RO VỚI TÀI SẢN


3.1. Ai phải chịu rủi ro đối với tài sản theo quy định của BLDS?........................13
3.2. Tại thời điểm cháy chợ, ai là chủ sở hữu số xoài?.........................................13
3.3. Bà Dung có phải thanh toán tiền mua ghe xoài trên không? Vì sao?............14
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
VẤN ĐỀ 1. KHÁI NIỆM TÀI SẢN

1.1. Thế nào là giấy tờ có giá? Nêu cơ sở pháp lý khi trả lời và cho ví dụ minh
họa về giấy tờ có giá.
Theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Tài sản là vật, tiền,
giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Như vậy, giấy tờ có giá là một loại tài sản theo luật
dân sự.
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN: “Giấy tờ có giá là bằng
chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở
hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều
kiện khác.”
VD của giấy tờ có giá: cổ phiếu, trái phiếu, séc, chứng chỉ tiền gửi.

*Tóm tắt: Quyết định số 06/2017/QĐ-PT Quyết định giải quyết việc kháng cáo
đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án:
Ngày 04/5/2017, Tòa án nhân dân huyện Duyên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đã
quyết định đình chỉ giải quyết vụ án về dân sự số 17/2017/QĐST-DS giữa nguyên
đơn là ông Phan Hai và bị đơn là ông Phan Quốc Thái.
Ngày 12/5/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Diện Khánh ra quyết định
kháng nghị số 01/QĐKN/VKS-DS với lý do: ông Phan Hai có quyền khởi kiện vụ
án vì ông là người có quyền và nghĩa vụ về tài sản do bà Lương Thị Xàm để lại; và
việc Tòa án cho rằng ông Hai không cung cấp được Giấy ủy quyền của ông Phan
Trọng Nguyên là không thỏa đáng.
Ngày 11/07/2017, Tòa án ra quyết định số 06/2017/QĐ-PT tuyên bố không
chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân; sửa Quyết định đình chỉ giải
quyết vụ án số 17/2017/QĐST-DS ngày 04/05/2017 của Tòa án huyện Diên Khánh.

*Tóm tắt: Bản án số 39/2018/DSST “Đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng”:
Bà Nguyễn Thị Thủy T và ông Võ Văn B có xảy ra tranh chấp về giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất của ông B. Bà T đòi ông B trả 120.000.000 đồng thì mới trả
lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông B.
Tòa án ra quyết định số 39/2018/DSST tuyên bố chấp nhận yêu cầu của ông B
buộc bà T trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông B.

1
1.2. Trong thực tiễn xét xử, “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng
nhận sở hữu nhà” có là giấy tờ có giá không? Quyết định số 06 và Bản án số 39
có cho câu trả lời không?
Trong thực tiễn xét xử, “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận
sở hữu nhà” không phải là giấy tờ có giá. Nếu cần phải xem xét thì đó chỉ đơn thuần
được coi là một vật và thuộc sở hữu của người đứng tên trên giấy tờ đó” 1 .
Quyết định số 06 cho câu trả lời trong đoạn: “Căn cứ vào Khoản 16 Điều 3
Luật đất đai năm 2013: ‘Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền
sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người
có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với
đất.’ Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ là văn bản chứa đựng thông
tin về Quyền sử dụng đất, là văn bản chứng quyền, không phải là tài sản và không
thể xem là giấy tờ có giá.”
Bản án số 39 cho câu trả lời trong đoạn: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng là
chứng thư pháp lý để nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài
sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất”. Như vậy, giấy
chứng nhận quyền sử dụng chỉ là chứng thư.

1.3. Trong thực tiễn xét xử, “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng
nhận sở hữu nhà” có là tài sản không? Quyết định số 06 và Bản án số 39 có cho
câu trả lời không? Vì sao?
Không. Trong thực tiễn xét xử, “giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy
chứng nhận sở hữu nhà” không phải là tài sản.

Quyết định số 06 cho câu trả lời trong đoạn: “Giấy tờ chứng nhận quyền sử
dụng đất chỉ là văn bản chứa đựng thông tin về Quyền sử dụng đất, là văn bản
chứng quyền, không phải là tài sản, và không thể xem là loại giấy tờ có giá. Do đó
việc ông Phạm Văn Hai khởi kiện yêu cầu ông Phan Quốc Thái trả lại giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.”
Bản án số 39 có đoạn: “Hội đồng xét xử thấy rằng Bộ luật tố tụng dân sự
không quy định rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp này.”

Việc tranh chấp về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thuộc thẩm
quyền của Tòa án vì “theo công văn 141/TANDTC-KHXX, các giấy chứng nhận
quyền sở hữu tài sản (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền
1 Nguyễn Minh Oanh, “Các loại tài sản trong luật dân sự Việt Nam”, Tạp chí luật học số, 1/2009.
2
sở hữu nhà ở; giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; giấy đăng ký xe ô tô…) không phải là
“giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005. Do đó, nếu có
yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án
không thụ lý giải quyết”2 . Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải
là giấy tờ có giá, thậm chí không được xem là tài sản, do vậy không thể áp dụng
biện pháp kiện đòi về dân sự.

1.4. Suy nghĩ của anh/chị về hướng giải quyết trong Quyết định số 06 liên quan
đến “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận sở hữu nhà” nhìn
từ khái niệm tài sản
Trong quyết định số 06, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa nên chấp nhận
kháng nghị 01/QĐKN/VSK-DS của Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh,
tỉnh Khánh Hòa, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Phan Hai không đình
chỉ giải quyết vụ án vì:
- Căn cứ theo Khoản 2 Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Tòa án không
được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có Điều luật để áp dụng;
trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp
dụng.”
- Căn cứ theo Khoản 2 Điều 4 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015: “Tòa án không
được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng;
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi
điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát
sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật
để áp dụng; Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực
hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật này quy định.”

1.5. Nếu áp dụng BLDS năm 2015, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy
chứng nhận sở hữu nhà có là tài sản không? Vì sao?
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015:
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể
là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

2 Đỗ Thành Công, “Vai trò của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và vấn đề kiện đòi giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất”, trang 96.
3
Theo Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015: “Quyền tài sản là quyền trị giá được
bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử
dụng đất và các quyền tài sản khác.”
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận sở hữu nhà không là
giấy tờ có giá, nhưng hoàn toàn có thể xem hai loại giấy tờ trên là vật. Vì: “Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất tồn tại dưới một hình thức vật chất nhất định, thậm
chí có hình dạng cụ thể (là tờ giấy), nằm trong khả năng chiếm hữu của con người
(có thể thực hiện việc nắm giữ, chiếm giữ, quản lý đối với Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất), có giá trị sử dụng (được dùng để chứng minh quyền sử dụng đất hợp
pháp của người sử dụng đất).” 3 Vậy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy
chứng nhận sở hữu nhà là tài sản.

1.6. Suy nghĩ của anh/chị về hướng giải quyết trong Bản án số 39 liên quan đến
“giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà”.
Trong bản án số 39, hướng giải quyết của Tòa án là hợp lý, vì:
- Tuy Bộ luật tố tụng dân sự không quy định rõ thẩm quyền giải quyết trong
việc tranh chấp giấy chứng nhận sử dụng đất, nhưng về nguyên tắc Tòa án
không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều lệ để áp
dụng theo khoản 2 Điều 4; khoản 2 Điều 14 Bộ luật tố tụng dân sự.
- Trong thực tế xét xử, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được xem là
giấy tờ có giá và cũng không được xem là tài sản nên không được phép giao
dịch trao đổi. Việc bà T khai con ông B có thế chấp cho bà để vay tiền mà
không thể chứng minh được và không có chứng cứ xác thực vì vậy việc bà
lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông B và đòi ông B trả bà
120.000.000 đồng thì bà mới trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là
không có căn cứ.

1.7. Bitcoin là gì?


Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số, được tạo ra và nắm giữ dưới dạng điện
tử. Không giống như các loại tiền tệ vật chất truyền thống như dollar hoặc euro,
Bitcoin không được in ra, không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài
chính nào, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng
Internet.

3 Đỗ Thành Công, “Vai trò của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và vấn đề kiện đòi giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất”, trang 97.
4
Theo định nghĩa của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thì Bitcoin là
một dạng tiền kỹ thuật số, tiền ảo. Là một loại tiền kỹ thuật số không có sự quản lý,
được phát hành bởi những người phát triển phần mềm và cũng thường là người
kiểm soát hệ thống và được sử dụng, chấp nhận thanh toán giữa các thành viên
trong một cộng đồng ảo nhất định. 4

*Tóm tắt bản án: Bản án 841/2023/HS-PT:


Quá trình đầu tư, kinh doanh tiền điện tử, Hồ Ngọc Tài và Trần Ngọc Hoàng
quen biết anh Lê Đức Nguyên. Theo Tài thì vào năm 2018, Tài đã nghe anh Nguyên
tư vấn và bị thua lỗ mất hết số tiền đầu tư. Cho rằng việc mình thua lỗ là do bị anh
Nguyên lừa nên Tài đã rủ H cùng tìm anh Nguyên để đòi lại số tiền đã mất với sự
hỗ trợ của nhiều người quen biết.
Sau khi nhóm của Tài đã chiếm đoạt được số tiền lớn từ việc bán Bitcoin và
các loại tiền điện tử khác của anh Nguyên. Tài và đồng phạm đã chia nhau số tiền
này và thực hiện các giao dịch chuyển tiền, chia lợi nhuận cho nhau. Quá trình điều
tra và xác minh đã phát hiện nhiều thông tin và bằng chứng liên quan, bao gồm cả
việc các bị cáo đã tác động gia đình trả lại một phần số tiền để khắc phục hậu quả.
Tại cơ quan điều tra, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như
trên. Tuy vậy, sau khi nhận được Bản kết luận điều tra, các bị cáo đã thay đổi lời
khai, không thừa nhận hành vi phạm tội và có đơn kêu oan cho rằng không tham gia
hoặc không biết việc Tài cướp tiền điện tử của bị hại mà chỉ nghĩ đơn giản là tham
gia giúp Tài đòi nợ.

1.8. Theo các bị cáo trong vụ án “Cướp tài sản”, Bitcoin có là tài sản không?
Theo các bị cáo trong vụ án “Cướp tài sản", Bitcoin không được xem là tài sản
theo như trình bày của các bị cáo khi kháng cáo xin giảm nhẹ tội.
Trích phiên tòa phúc thẩm phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 468/2023/TLPT-
HS ngày 28 tháng 6 năm 2023: “Bị cáo Hồ Ngọc Tài giữ nguyên kháng cáo và trình
bày: Bị cáo chỉ phạm tội ‘Cướp tài sản’ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 168
Bộ luật hình sự năm 2015 bởi vì cấp sơ thẩm chưa định giá tài sản và tiền ảo chưa
được pháp luật Việt Nam bảo hộ nên bị cáo không phạm tội cướp tài sản theo khoản
khoản 4 Điều 168 Bộ luật hình sự như Tòa án cấp sơ thẩm xét xử.”

4 Phạm Thị Thái Hà, Quan điểm quản lý, sử dụng Bitcoin trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam,
Cổng thông tin điện tử Bộ Tài Chính Việt Nam.
5
1.9. Ở các vụ việc về Bitcoin, Tòa án có xác định Bitcoin là tài sản theo pháp
luật Việt Nam không?
Ở các vụ việc về Bitcoin, Tòa án không xác định Bitcoin là tài sản theo pháp
luật Việt Nam. Toà chỉ căn cứ vào định giá đã quy đổi thành tiền mặt của cáo. Theo
tòa, pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận Bitcoin là tiền tệ và phương tiện thanh
toán, nhưng tòa không chỉ căn cứ vào kết luận định giá để kết tội các bị cáo. (theo
quyết định của tòa trong vụ ‘Cướp tài sản’).

1.10. Pháp luật nước ngoài có coi Bitcoin là tài sản không? Nếu có, nêu hệ
thống pháp luật mà anh/chị biết.
Các quốc gia trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về giá trị pháp lý của
Bitcoin. Tùy từng quốc gia và khu vực khác nhau mà Bitcoin có thể được coi là tài
sản hợp pháp, được pháp luật bảo hộ và chấp nhận thanh toán như tiền pháp định
hay không. Hiện nay trên thế giới chia ra là 3 xu hướng:
1. Công nhận Bitcoin là tài sản để điều chỉnh và quản lý.
2. Không cấm cũng không thừa nhận Bitcoin.
3. Hạn chế hoặc cấm mua bán, sử dụng Bitcoin.

Hơn 110 quốc gia trên thế giới chính thức công nhận việc sử dụng Bitcoin
như: Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, Úc… Trong khi đó, Trung Quốc, Ả Rập,
Zambia, Indonesia, Ecuador… đưa ra luật cấm tất cả các hoạt động liên quan đến
tiền ảo. Nhiều quốc gia khác trên thế giới chưa có quy định chính thức về sử dụng
Bitcoin như tài sản hợp pháp hoặc giữ thái độ trung lập. 5
- Tại Hoa Kỳ, tiền kỹ thuật số được xem là hợp pháp:
Năm 2013, Bộ Tài chính Hoa Kỳ phân loại Bitcoin là một loại tiền ảo phi
tập trung có thể chuyển đổi. Năm 2015, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa
Tương lai (Commodity Futures Trading Commission) phân loại Bitcoin là
một loại hàng hóa. Năm 2014, Sở Thuế Vụ (IRS) đánh thuế Bitcoin như
một tài sản.
- Tại hầu hết các nước Châu Âu, Bitcoin được xem là tài sản hợp pháp:
Cụ thể tại Vương quốc Anh, tính đến năm 2017, chính phủ Vương quốc
Anh đã tuyên bố rằng Bitcoin không bị kiểm soát và được coi là một loại
“ngoại tệ”.

5 Law Library of Congress (U.S), Global Legal Research Directorate, Regulation of cryptocurrency
around the world, 2021, https://www.loc.gov/item/2021687419/.
6
- Tại Trung Quốc, Bitcoin (và các loại tiền ảo khác) dù không bị cấm,
nhưng bị hạn chế, giảm thiểu hoạt động giao dịch:
Ngày 04/9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ban hành lệnh
cấm ngay lập tức đối với hoạt động huy động vốn sử dụng các loại tiền tệ
dựa trên công nghệ truyền tải dữ liệu mới, hay còn được gọi là ICO. PBoC
cho rằng ICO là những hoạt động trái phép có thể làm bùng phát tình trạng
gian lận và yêu cầu những doanh nghiệp đã thực hiện các hoạt động huy
động vốn thông qua ICO hủy bỏ các quy trình này và trả tiền lại cho các
nhà đầu tư.

1.11. Theo anh/chị, có nên coi Bitcoin là tài sản ở Việt Nam không? Vì sao?
Theo tôi, Bitcoin không nên coi là tài sản ở Việt Nam vì những lý do sau:
- Tính ổn định: Giá trị của các loại tiền điện tử như Bitcoin có thể biến động
mạnh trong một khoảng thời gian ngắn, sự biến động này tạo ra nhiều rủi ro
cao cho kinh tế và tài chính nhà đầu tư và người sử dụng.
- Mức an toàn và bảo mật: Ví Bitcoin có thể bị xâm nhập gây ra mất mát lớn
cho người sử dụng. Một nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Southern
Methodist ở Dallas (SMU, 2015) cho thấy các kế hoạch gian lận đã lừa hơn
10 triệu đô la trong tiền gửi Bitcoin từ các khách hàng mạng không ngờ từ
năm 2011 đến 2014.
- Việc chuyển sang sử dụng Bitcoin thay vì tiền tệ truyền thống và tin tưởng
chúng như một dạng thu nhập, tiết kiệm có thể là một lựa chọn khó khăn đối
với một số bộ phận, đặc biệt là đối với các thế hệ lớn tuổi, mà thường quen
với tiền mặt hoặc thẻ tín dụng.

1.12. Quyền tài sản là gì?


Quyền tài sản là một dạng tài sản đặc thù, không tồn tại dưới dạng vật chất
hữu hình, là một loại quyền dân sự có nội dung kinh tế, có thể trị giá được bằng
tiền, do chủ thể có quyền tự mình thực hiện hoặc yêu cầu người khác thực hiện
nhằm thỏa mãn nhu cầu về vật chất hoặc về tinh thần của người có quyền.
Tại Điều 115 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá
được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ,
quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

7
1.13. Có quy định nào cho phép khẳng định quyền thuê, quyền mua tài sản là
quyền tài sản không?
Hiện nay chưa có quy định cụ thể nào khẳng định rõ quyền thuê, quyền mua
tài sản là quyền tài sản. Tuy nhiên, Điều 115 Bộ luật dân sự 2015 đưa ra đặc điểm
của quyền tài sản là “quyền trị giá được bằng tiền”, vậy bất cứ quyền nào đem lại
lợi ích kinh tế thì quyền đó là quyền tài sản, trong đó có quyền thuê, quyền mua tài
sản.

*Tóm tắt: Quyết định số 05/2018/DS-GĐT ngày 10/4/2018 của Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao:
1981, cụ T là người có công với Cách mạng nên được Quân khu 7 xét cấp căn
nhà số 63T theo tiêu chuẩn sĩ quan quân đội. Sau đó, bà Nguyễn Thị H, ông Nguyễn
Văn T (con cụ T), hai chị em bà Nguyễn Thị Kim L và ông Nguyễn Thanh H lần
lượt chuyển hộ khẩu về sống chung với cụ T. Tới thời điểm cụ T chết vào năm
1995, cụ chưa làm thủ tục mua hoá giá nhà nên quyền thuê, mua hoá giá nhà là
quyền tài sản được chuyển giao cho các thừa kế là bà H và ông T.
5/7/2001, Quân khu 7 giải quyết cho bà L đứng tên mua hoá giá nhà. Do vậy
căn nhà số 63T là tài sản chung của bà H, ông T và bà L.
Theo giấy ủy quyền thì cụ T uỷ quyền cho bà L để giải quyết các vấn đề liên
quan đến căn nhà số 63T (về thủ tục).
Bà L nhập hộ khẩu vào số nhà 63 T do cụ T yêu cầu bà trả lại căn nhà số 4/1 H
do bà và gia đình được cấp theo chế độ liệt sĩ. Bà T trình bày mua số nhà 63 T theo
chế độ liệt sĩ chứ không phải theo chế độ của cụ T. Toà án cấp sơ thẩm và phúc
thẩm chưa làm rõ việc bà L mua nhà được giảm theo chế độ ưu tiên nào, việc giảm
trừ tiền nhà theo năm công tác và tỉ lệ % xét giảm như thế nào.
Toà án cấp sơ thẩm xác định căn nhà số 63 T là tài sản chung của bà L, bà H
và ông T. Toà sơ thẩm cho bà L hưởng ½ giá trị căn nhà, sau đó trừ đi chi phí mua
nhà trong ½ giá trị còn lại rồi mới chia đều cho bà L, bà H và ông T.
Sơ thẩm khi giải quyết lại vụ án cần tiến hành thẩm định, định giá diện tích đất
tranh chấp theo giá thị trường, trừ đi chi phí mua nhà và công sức của bà L, phần
còn lại chia đều cho nguyên đơn và bị đơn. Ông H có yêu cầu toà trả lại chi phí sửa
chữa nhà cho ông trong quá trình sử dụng, nên toà án sơ thẩm cần hướng dẫn ông H
nộp tạm án phí và giải quyết chung trong cùng vụ án.

8
1.14. Đoạn nào của Quyết định số 05 cho thấy Tòa án nhân dân tối cao theo
hướng quyền thuê, quyền mua là tài sản?
Trong quyết định số 05 của Tòa án nhân dân tối cao có ghi nhận quyền thuê,
quyền mua là tài sản tại phần nhận định của Tòa án: “Theo quy định tại Điều 188 và
Điều 634 Bộ luật dân sự 1995, quyền thuê, mua hóa giá nhà của cụ T là quyền tài
sản (trị giá được bằng tiền) và được chuyển giao cho các thừa kế của cụ T. Do đó,
bà H và ông T1 được hưởng thừa kế quyền thuê, mua hóa giá nhà của cụ T.”

1.15. Suy nghĩ của anh/chị về hướng giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao
trong Quyết định số 05 về quyền thuê, quyền mua (trong mối quan hệ với khái
niệm tài sản)?
Theo tôi, hướng giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao trong quyết định số 05
là chưa thuyết phục vì cho rằng quyền được thuê, mua hóa giá nhà của cụ T là
quyền tài sản và chuyển giao cho các thừa kế các quyền này.
- Xét về lý lịch của cụ T, cụ T có công với cách mạng nên sau ngày giải
phóng, Quân khu 7 có cấp nhà theo tiêu chuẩn sĩ quan quân đội, “để tạo mọi
điều kiện chỗ ăn, ở cho gia đình cán bộ, ổn định lâu dài và cấp do hoàn cảnh
gia đình cán bộ không có nhà ở”. Tức, quyền thuê, mua hóa giá này phát sinh
với đối tượng cụ thể là cụ T, không thể chuyển nhượng cho các thừa kế.
- Ngoài ra, với khái niệm tài sản ở Điều 115 Bộ luật dân sự 2015 thì quyền này
không trị giá được bằng tiền.
- Về giấy ủy quyền do cụ T lập cho bà L khi cụ còn sống cũng chỉ để giải
quyết những việc liên quan đến căn nhà (về thủ tục) chứ không phải ủy
quyền cho bà L sở hữu toàn bộ căn nhà như nhận định từ tòa cấp phúc thẩm.

VẤN ĐỀ 2. CĂN CỨ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU

*Tóm tắt bản án: Quyết định số 111/2013/DS-GĐT ngày 09-09-2013 của Hội
đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Đòi nhà”.
Nguyên đơn là cụ Dư Thị Hảo có tài sản riêng là căn nhà tại số 2 Hàng Bút,
quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Năm 1954, cụ Hảo vào Sài Gòn buôn bán nên
giao nhà lại cho vợ chồng con trai là ông Nguyễn Đắc Chính (chết năm 1999) và bà
Nguyễn Thị Châu quản lý. Năm 1968, vợ chồng ông Chính, bà Châu cho ông Nhữ
Duy Hải thuê nhà. Sau khi ông Hảo chết thì cháu gái ông là bị đơn chị Nhữ Thị Vân
vẫn sử dụng căn nhà đến nay. Gia đình cụ Hảo đã nhiều lần làm đơn đòi nhà cho
9
thuê lên Uỷ ban nhân dân phường Hàng Bồ giải quyết. Năm 2001, chị Vân bán nhà
số 2 Hàng Bút cho vợ chồng chị Dương Thị Ngọc Lan và anh Nguyễn Hồng Sơn.
Năm 2004, cụ Hảo khởi kiện yêu cầu chị Vân trả lại căn nhà cho thuê, đồng
thời làm di chúc giao quyền bất động sản số 2 Hàng Bút cho bà Châu toàn quyền sở
hữu (di chứng có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Kim Chung). Tháng 1/2007, cụ
Hảo chết, các con của cụ là bà Cầu, ông Điều, và bà Thu đều đang định cư ở nước
ngoài có văn bản khước từ quyền thừa kế (có hợp pháp hóa lãnh sự); các con của bà
Châu, ông Chính có văn bản ủy quyền cho bà Châu toàn quyền khởi kiện đòi nhà số
2 Hàng Bút.

2.1. Đoạn nào của Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định gia đình chị
Vân đã chiếm hữu nhà đất có tranh chấp trên 30 năm và cho biết suy nghĩ của
anh/chị về khẳng định này của Tòa án?
Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định gia đình chị Vân đã chiếm hữu
nhà đất có tranh chấp trên 30 năm được thể hiện qua các đoạn trích sau: “...gia đình
chị Vân ở tại nhà số 2 Hàng Bút từ năm 1954”, “nguyên đơn khai có đòi nhà đối với
gia đình chị Vân từ sau năm 1975”, “năm 2001, chị Nhữ Thị Vân bán nhà số 2
Hàng Bút cho vợ chồng chị Dương Thị Lan Ngọc và anh Nguyễn Hồng Sơn”, “đến
năm 2004 cụ Hảo mới có đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chị Vân trả nhà”, “Gia
đình chị Vân đã ở tại căn nhà này trên 30 năm”.
Tôi nghĩ khẳng định trên của Tòa án là hợp lý. Bởi vì khoảng thời gian gia
đình chị Vân cư trú tại căn nhà số 2 Hàng Bút qua nhiều thế hệ từ năm 1954 đến
thời điểm cụ Hảo khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chị Vân trả nhà năm 2004 là khoảng
50 năm. Căn cứ vào khoản 1, khoản 2 Điều 179 Bộ luật dân sự 2015 giải thích về
khái niệm chiếm hữu và xác định chủ thể chiếm hữu:
1. Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp
hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.
2. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người
không phải là chủ sở hữu.
Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ
xác lập quyền sở hữu, trừ trường hợp quy định tại các điều 228, 229, 230,
231, 232, 233, và 236 của Bộ luật này.
Việc chị Vân bán tầng 1 nhà số 2 Hàng Bút cho vợ chồng chị Lan, anh Sơn
chứng tỏ chị Vân nắm giữ và chi phối trực tiếp đối với tài sản nhà đất đang tranh
chấp, cộng với thời gian sử dụng căn nhà tầm 50 năm thì khẳng định trên của Tòa
án là hợp lý.
10
2.2. Đoạn nào của Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định gia đình chị
Vân đã chiếm hữu ngay tình nhà đất có tranh chấp trên 30 năm và cho biết suy
nghĩ của anh/chị về khẳng định này của Tòa án?
Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định gia đình chị Vân đã chiếm hữu
ngay tình nhà đất có tranh chấp trên 30 năm được thể hiện qua đoạn sau: “Gia đình
chị Vân đã ở tại căn nhà này trên 30 năm là chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai
theo quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật dân sự về xác lập quyền sở hữu theo
thời hiệu”.
Tôi nghĩ quyết định trên của Tòa án khá hợp lý nhưng có phần chưa thỏa
đáng, rõ ràng. Thứ nhất, quyền chiếm hữu, sở hữu nhà đất và thời điểm xác lập giao
dịch hợp đồng cho thuê giữa ông Chính, bà Hảo và ông Hải chưa chính xác, minh
bạch, bởi vẫn chưa xác minh được ông Hải thuê nhà của cụ Hảo vào năm 1954 hay
là ông Hải thuê nhà của ông Chính vào năm 1968, cộng thêm việc ông Chính không
xuất trình được tài liệu cụ Hảo ủy quyền cho ông Chính quản lý căn nhà. Thứ hai,
chị Nhữ Thị Vân (bị đơn) - người không trực tiếp giao dịch thuê nhà đất, cũng như
không nắm rõ giao dịch thuê nhà đất này, có thể không biết hoặc không thể biết việc
chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật (thỏa điều 189 Bộ luật dân sự
2005) nhưng theo lời khai của chị Vân thì chị Vân có biết về việc liệu ông Hải có
thuê nhà của cụ Hảo hay không, đồng thời còn nộp tiền thuê nhà cho ông Chính.
Vậy câu hỏi đặt ra là chị Vân có thực sự biết hay không biết việc chiếm hữu tài sản
đó là không có căn cứ xác thực. Tôi cảm thấy quyết định của Tòa án chưa đủ chặt
chẽ đối với trường hợp của chị Vân.

2.3. Đoạn nào của Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định gia đình chị
Vân đã chiếm hữu liên tục nhà đất có tranh chấp trên 30 năm và cho biết suy
nghĩ của anh/chị về khẳng định này của Tòa án?
Đoạn của Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định gia đình chị Vân đã
chiếm hữu liên tục nhà đất có tranh chấp trên 30 năm: “Gia đình chị Vân đã ở tại
căn nhà này trên 30 năm là chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai Theo quy định
tại khoản 1 điều 247 BLDS về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu: ‘Người chiếm
hữu, người được lợi về về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên
tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất
động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ
trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.’ ”

11
Khẳng định của tòa là hợp lý căn cứ theo bộ luật dân sự hiện hành trong vụ án,
gia đình chị Vân qua mấy đời đã sinh sống, chiếm hữu liên tục ngôi nhà này được
hơn 30 năm kể từ khi thuê nhà của cụ Hảo và nộp tiền cho ông Chính (con cụ Hảo).

2.4. Đoạn nào của Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định gia đình chị
Vân đã chiếm hữu công khai nhà đất có tranh chấp trên 30 năm và cho biết
suy nghĩ của anh/chị về khẳng định này của Tòa án?
Đoạn của Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định gia đình chị Vân đã
chiếm hữu liên tục nhà đất có tranh chấp trên 30 năm: “Gia đình chị Vân đã ở tại
căn nhà này trên 30 năm là chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai Theo quy định
tại khoản 1 điều 247 BLDS về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu: “Người chiếm
hữu, người được lợi về về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên
tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất
động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ
trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.”
Khẳng định của tòa là hợp lý căn cứ theo bộ luật dân sự hiện hành trong vụ án,
gia đình chị Vân qua mấy đời đã sinh sống, chiếm hữu công khai ngôi nhà này được
hơn 30 năm kể từ khi thuê nhà của cụ Hảo và nộp tiền cho ông Chính (con cụ Hảo).

2.5. Đoạn nào của Quyết định trên cho thấy Tòa án khẳng định cụ Hảo không
còn là chủ sở hữu nhà đất có tranh chấp và cho biết suy nghĩ của anh/chị về
khẳng định này của Tòa án?
Tòa án khẳng định cụ Hảo không còn là chủ sở hữu nhà đất có tranh chấp ở
đoạn: “Mặc dù phía nguyên đơn khai có đòi nhà đối với gia đình chị Vân từ sau
năm 1975 nhưng không có tài liệu chứng minh (chỉ có biên bản hòa giải tại Ủy ban
nhân dân phường Hàng Bồ năm 2001); đến năm 2004 cụ Hảo mới có đơn khởi kiện
ra Tòa án yêu cầu chị Vân trả nhà là không có căn cứ vì thực tế cụ Hảo không còn
là chủ sở hữu nhà đất nêu trên.”
Theo tôi, khẳng định này của Tòa án là hợp lý vì theo quy định tài khoản 1
Điều 247 Bộ luật dân sự về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu: “Người chiếm hữu,
người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công
khai trong thời hạn mười năm đối với bất động sản, ba mươi năm đối với bất động
sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ
trường hợp quy định tại khoản 2 điều này…”. Và gia đình chị Vân đã chiếm hữu
căn nhà ngay tình, liên tục, công khai trong suốt hơn 30 năm. Vậy nên quyền sở hữu

12
căn nhà tranh chấp lúc này đã thuộc về gia đình chị Vân chứ không còn là của cụ
Hảo.

2.6. Theo anh/chị, gia đình chị Vân có được xác lập quyền sở hữu đối với nhà
đất có tranh chấp trên cơ sở quy định về thời hiệu hưởng quyền không? Vì
sao?
Theo tôi, gia đình chị Vân được xác lập quyền sở hữu đối với nhà đất có tranh
chấp trên cơ sở quy định về thời hiệu hưởng quyền. Bởi theo quy định tài khoản 1
Điều 247 Bộ luật dân sự về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu: “Người chiếm hữu,
người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công
khai trong thời hạn mười năm đối với bất động sản, ba mươi năm đối với bất động
sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ
trường hợp quy định tại khoản 2 điều này…”. Và gia đình chị Vân đã chiếm hữu
căn nhà ngay tình, liên tục, công khai; nên mặc dù chưa xác định được rằng ông Hải
thuê nhà của cụ Hảo vào năm 1954 hay là ông Hải thuê nhà của ông Chính vào năm
1968, nhưng cho đến thời điểm bị khởi kiện năm 2004 thì đã quá thời hạn ba mươi
năm theo luật định. Theo khoản 1 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015: “Thời hiệu hưởng
quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền
dân sự” . Vậy nên gia định chị Vân hoàn toàn có quyền được xác lập quyền sở hữu
đối với nhà đất có tranh chấp trên cơ sở quy định về thời hiệu hưởng quyền.

VẤN ĐỀ 3. CHUYỂN RỦI RO VỚI TÀI SẢN

*Tình huống: Bà Dung có mua của bà Thủy 01 ghe xoài trị giá 16.476.250 đồng.
Tuy nhiên ghe xoài này đã bị hư do cháy chợ sau khi bà Dung nhận hàng và bà
Dung từ chối thanh toán tiền mua với lý do đây là việc rủi ro.

3.1. Ai phải chịu rủi ro đối với tài sản theo quy định của BLDS? Nêu cơ sở
pháp lý khi trả lời.
Theo tình huống trên, bà Dung là người phải chịu rủi ro đối với tài sản theo
quy định của khoản 1 Điều 441 Bộ luật Dân sự 2015: “Bên bán chịu rủi ro đối với
tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản
kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy
định khác.” Vì thời điểm ghe xoài bị hư do cháy chợ là sau khi bà Dung đã nhận
ghe xoài nên theo quy định Bộ luật dân sự 2015 thì bà Dung chính là người phải
chịu rủi ro đối với tài sản là ghe xoài.

13
3.2. Tại thời điểm cháy chợ, ai là chủ sở hữu số xoài? Nêu cơ sở pháp lý khi trả
lời.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự 2015:
“Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo
quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có
quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không
quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu,
quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.
Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người
đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.”

Tại thời điểm cháy chợ, ghe xoài đã được bà Thuỷ chuyển giao cho bà Dung
nên nên theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì bà Dung đã là chủ sở hữu số
xoài.

3.3. Bà Dung có phải thanh toán tiền mua ghe xoài trên không? Vì sao? Nêu cơ
sở pháp lý khi trả lời.
Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 441 Bộ luật Dân sự 2015
“Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua,
bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường
hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Ghe xoài bị cháy sau khi được giao cho bà Dung nên theo quy định của Bộ
luật dân sự 2015, bà Dung vẫn phải thanh toán tiền mua ghe xoài đầy đủ cho bên
bán là bà Thuỷ.

14
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Danh mục văn bản pháp luật


1.1. Bộ luật Dân sự (2005, 2015);
1.2. Án lệ số 31/2020/AL và các quy định liên quan khác (nếu có)
1.3. Quyết định số 06/2017/QĐ-PT ngày 11/7/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh
Khánh Hòa;
1.4. Bản án số 39/2018/DSST ngày 28/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện Long Hồ
tỉnh Vĩnh Long;
1.5. Bản án số 841/2023/HS-PT ngày 01/11/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại
TP. Hồ Chí Minh, Bản án số 22/2017/HC-ST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân
tỉnh Bến Tre;
1.6. Quyết định số 05/2018/DS-GĐT ngày 10-4-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa
án nhân dân tối cao;
1.7.Quyết định số 111/2013/DS-GĐT ngày 09-09-2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa
án nhân dân tối cao.

2. Danh mục các tài liệu tham khảo khác


2.1. Lê Minh Hùng, “Giáo trình Pháp luật về tài sản, quyền sở hữu và thừa kế của
Đại học Luật TP. HCM”, Nxb. Hồng Đức 2018, Chương I và Chương II;
2.2. Nguyễn Minh Oanh, “Các loại tài sản trong Luật dân sự Việt Nam”, Tạp chí
Luật học số 1/2009, tr.14 và tiếp theo;
2.3. Đỗ Thành Công, “Vai trò của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và vấn đề
kiện đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”;
2.4. Phạm Thị Thái Hà, “Quan điểm quản lý, sử dụng Bitcoin trên thế giới và
khuyến nghị cho Việt Nam”, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài Chính Việt Nam;
2.5. Law Library of Congress (U.S), Global Legal Research Directorate,
“Regulation of cryptocurrency around the world”, 2021
Lấy từ: (https://www.loc.gov/item/2021687419/).

You might also like