You are on page 1of 2

Sông Đà thơ mộng, trữ tình - NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ - Nguyễn Tuân

Con sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một
cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chố thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên
đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch
chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi
“Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà.
Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.
Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người
cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ
ngay đấy.
Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như đời Lí, đời Trần, đời Lê, quãng
sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa.
Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh núi đồi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp
cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ
tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên
đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm
chăm nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách
Sông Đà, có phải ông vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng
trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “Dải sông
Đà bọt nước lênh đênh - Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản
Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây
Bắc.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Tác giả Nguyễn Tuân - Nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp.
- Trước cách mạng: viết về vẻ đẹp của một thời vang bóng; Sau cách mạng: viết về vẻ đẹp của đất nước -
con người trong không khí náo nức xây dựng đất nước, đặc biệt là vùng Tây Bắc.
2. Tùy bút Người lái đò Sông Đà
- Trích từ tập Tùy bút Sông Đà (1960), lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế năm 1958.
- Ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc qua hình ảnh sông Đà hung bạo, trữ tình và hình ảnh nhân dân Tây
Bắc qua người lái đò trí dũng, tài hoa.
--> Thể hiện tình cảm yêu mến thiên nhiên, đất nước, con người và cuộc sống mới ở vùng cao Tây Bắc.
3. Luận đề
- Vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của Sông Đà qua hai đoạn trích miêu tả nhiều góc độ của dòng sông.

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ


1. Giới thiệu hình tượng Sông Đà
- Lai lịch dòng sông thực (883km): Khởi nguồn từ Trung Quốc, chủ yếu chảy qua rừng núi.
- Dòng sông khi đi vào tác phẩm: Mang vẻ đẹp độc đáo, đối nghịch lạ lùng.
--> Tình cảm đặc biệt của tác giả dành cho Sông Đà.

2. Sự thơ mộng, trữ tình đến từ góc độ không gian


- Bờ bãi êm đềm, tươi non:
+ Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. --> Liệt kê, chọn lọc hình ảnh: mở
ra không gian thi vị, yên bình.
- Mặt nước lấp lánh, tráng lệ:
+ Sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi  Liên hệ câu thơ Đường nổi tiếng: gợi không khí tinh
khôi, màu nắng xuân trong trẻo và mặt nước lung linh huyền ảo.
- Xúc cảm vỡ òa của Nguyễn Tuân:
+ Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt
quãng, đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân… --> Thán từ: chất chứa cảm xúc; điệp cấu trúc vui như… với
cách so sánh đậm chất Nguyễn Tuân: bất ngờ, độc đáo, gợi nhiều liên tưởng đến những gì thân thương nhất
trong đời.
--> Giọng văn tha thiết, thể hiện tình cảm say đắm trước vẻ đẹp thơ mộng của Sông Đà - con sông gợi cảm.

3. Sự thơ mộng, trữ tình đến từ góc độ thời gian


- Sông Đà với quá khứ tĩnh lặng:
+ Hình như từ đời Lý đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi --> Những câu văn
êm đềm, nhiều thanh bằng, điệp từ lặng tờ càng nhấn mạnh một thế giới của sự tĩnh lặng, hoang sơ tuyệt
đối.
- Sông Đà với hiện tại hồi sinh:
+ Một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa; Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp --> Sự sống
mới đang bừng lên tươi tắn sau khói lửa chiến tranh.
+ Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa --> Câu
văn đậm chất thơ, cách ví von ấn tượng, mở ra một “cảnh giới” thần tiên trong trẻo, xanh mát.
- Sông Đà với tương lai phơi phới giấc mộng phát triển:
+ Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp lê của một chuyến xe lửa đầu tiên. Con hươu
thơ ngộ: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương? --> Thán từ: tăng
thêm nồng độ cảm xúc; tiếng còi trong tâm tưởng người khách Sông Đà và con hươu chứng tỏ nỗi khát vọng
phát triển Tây Bắc đã thấm đượm trong từng con người và sinh vật ven Sông Đà.
--> Dòng sông đầy sinh khí, cảnh và người đầy khát khao. Tất cả mở ra một tương lai nhiều tiềm năng phát
triển, hứa hẹn đời sống mới tốt lành, ấm êm.

4. Sự thơ mộng, trữ tình đến từ góc độ thi ca


- Dòng sông gắn với tên tuổi một thi nhân nổi tiếng:
+ “Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh - Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa
quen biết”: nhấn mạnh vẻ đẹp say đắm của dòng sông. Sông Đà vừa tráng lệ màu sắc Đường thi, vừa bâng
khuâng xao xuyến lòng người, gợi nhiều cảm xúc và cảm hứng nghệ thuật cho tác giả.

--> Nhấn mạnh vẻ thơ mộng, trữ tình của Sông Đà cũng là cách tác giả nhấn mạnh bầu không khí yên bình,
tươi mới, êm đềm của đất nước những năm tháng hòa bình, đồng thời mở ra một khát vọng dựng xây, phát
triển kinh tế vùng Tây Bắc.

III. TỔNG KẾT


1. Nghệ thuật viết tùy bút của Nguyễn Tuân
- Nhìn và tả cảnh bằng con mắt tinh tế, trí tưởng tượng phong phú, ngòi bút tài hoa.
- Hình ảnh trong sáng; lối ví von, nhân hóa độc đáo, bất ngờ, chính xác.
- Vốn hiểu biết rộng, ngôn ngữ điêu luyện, giọng văn đậm chất thơ.
- Nhịp câu khi êm đềm, khi hối hả theo nhịp cảm xúc của tác giả.
2. Nội dung
- Khắc họa dòng sông độc đáo với vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình, đậm chất thơ. Đó cũng chính là “cái đẹp” đậm
tính nghệ thuật mà Nguyễn Tuân suốt đời tìm kiếm. Cái đẹp này không còn ở một thời quá khứ vàng son,
mà ở ngay trong đời sống thực tại, là chất vàng mười của thiên nhiên Tây Bắc, mở ra những tiềm năng,
những mơ ước, những niềm tin yêu phơi phới cho đất nước trong thời kỳ mới.
à Sự uyên bác của trí tuệ và sự phóng khoáng của tâm hồn Nguyễn Tuân.

You might also like